Ươm mầm tài năng khoa học

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (ViSEF) năm học 2015 – 2016 sẽ diễn ra tại Hải Phòng (ngày 5 – 8.3) và Đồng Nai (12 – 15.3). Không chỉ khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, những dự án đoạt giải cao sẽ được tham gia Intel ISEF – cuộc thi quốc tế lâu đời nhất và lớn nhất dành cho học sinh trung học trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật.
Ông Đỗ Hoàng Sơn, thành viên Ban giám khảo ViSEF 2012, tham gia huấn luyện các đội tuyển của Việt Nam thi Intel ISEF năm 2012 – 2013 cho biết:
 
– Năm 2012, lần đầu tiên chúng ta tổ chức cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học. Khi đó, cuộc thi vẫn còn lạ lẫm, cả nước mới có hơn 50 dự án của học sinh. Giám khảo cũng chỉ có 16 người. Chất lượng dự án không đồng đều. Học sinh tham gia chỉ vì đam mê khoa học. Nhưng đáng mừng là ngay năm đó, nhóm tác giả giành giải Nhất quốc gia sau đó đã đạt giải Nhất Intel ISEF trong lĩnh vực Kỹ thuật Điện và Cơ khí. Những năm tiếp theo, các đội tuyển của Việt Nam đều giành giải tại Intel ISEF, năm 2013, 2014, mỗi năm Việt Nam giành 2 giải Tư lĩnh vực, năm 2015 giành 1 giải Tư lĩnh vực và 1 giải phụ.
 
 
Học sinh Việt Nam tại Intel ISEF 2013
Sân chơi gần như vô tận
 
– ViSEF có ý nghĩa thế nào đối với học sinh cũng như giáo dục Việt Nam, thưa ông?
 
  Theo ông Đỗ Hoàng Sơn, Tổng thống Mỹ Obama đặc biệt quan tâm tới giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán), đã nâng lên cấp chiến lược của chính phủ liên bang, trong đó có kế hoạch chi 43 tỷ USD để đào tạo và đào tạo lại 100.000 giáo viên phổ thông để giảng dạy STEM, tạo ra 1 triệu việc làm liên quan đến STEM. Intel ISEF là cuộc thi về STEM lớn nhất của học sinh trung học Mỹ và thế giới. Tham gia Intel ISEF, giáo dục Việt Nam đã hội nhập với thế giới trong lĩnh vực khoa học – kỹ thuật, các chuyên gia tương lai của Việt Nam được hội nhập với các chuyên gia tương lai của thế giới. Bởi 66 năm qua, Intel ISEF đã ươm mầm rất nhiều tài năng được giải Nobel, Field…
 
– Cuộc thi góp phần đổi mới giáo dục. Học sinh và giáo viên được kích hoạt tham gia làm quen với một lĩnh vực mới, lạ theo tiêu chuẩn của Mỹ. Đến 2014 – 2015, ở cấp tỉnh, thành phố đã có khoảng 5.000 dự án và cấp quốc gia có gần 400 dự án, của cả hai miền (năm nay cấp quốc gia có hơn 400 dự án). Số lượng người quan tâm đến cuộc thi đã tăng lên rất nhiều. Việc được tham gia nghiên cứu khoa học ở tất cả các lĩnh vực như thế này, học sinh sẽ không bị giới hạn trong khuôn khổ sách giáo khoa, giáo viên cũng vậy, đồng thời tạo ra sân chơi mới gần như vô tận. Cuộc thi cũng góp phần ươm mầm những tài năng khoa học – kỹ thuật, và khởi nghiệp.
 
– Số lượng dự án tăng lên rõ rệt, nhưng nếu nhìn vào thành tích như ông vừa nêu, có vẻ chất lượng dự án theo tiêu chuẩn quốc tế lại giảm, thưa ông?
 
– Nếu so với Intel ISEF ra đời cách đây 66 năm, mỗi năm thu hút 8 triệu học sinh trên toàn thế giới tham gia, riêng vòng chung kết ở Mỹ có 1.700 học sinh, thì ViSEF vẫn còn khoảng cách khá xa. Thực tế, Bộ GD – ĐT cũng đã nhận ra điều này và năm nay quyết định đổi mới để cuộc thi tiệm cận các tiêu chuẩn của thế giới, từ quy trình đến thời gian. Bộ GD – ĐT đã mời các chuyên gia từng học ở Mỹ để tư vấn trong quá trình chuẩn bị. Cuộc thi năm nay có những thay đổi đáng kể. Đầu tiên, từ 17 lĩnh vực đã nâng lên 20 lĩnh vực, trong đó có nhiều lĩnh vực mới. Thứ hai, thời gian thi tăng từ 3 ngày lên 4 ngày, giúp giám khảo có nhiều thời gian hơn để đánh giá các dự án. Thứ ba, quy chế cuộc thi đã bám tương đối sát quy chế của Mỹ, cả về mặt thủ tục và cách ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, vòng chung kết chỉ thi bằng tiếng Anh và chỉ những dự án giành giải Nhất lĩnh vực mới được thi chung cuộc.
 
Thiếu khát vọng nghiên cứu toán
 
– Việt Nam thường giành giải cao trong các cuộc thi Olympic toán quốc tế, nhưng trong các đội tuyển quốc gia đi thi Intel ISEF những năm qua, chưa có đội nào liên quan đến Toán học. Ông bình luận thế nào về điều này?
 
– Với cá nhân tôi, đây là điều đáng tiếc. Tôi luôn mong Việt Nam hai tay hai súng, đạt thành tích cao cả ở cuộc thi Olympic và Intel ISEF trong lĩnh vực toán học, như thế mới thể hiện sự hội nhập toàn diện của Việt Nam với thế giới. Năm ngoái, đọc kết quả Intel ISEF tôi thấy hơi buồn khi Indonesia giành 1 giải Tư lĩnh vực toán học, trong khi toán học Việt Nam được đánh giá đứng đầu khu vực ASEAN.
 
Toán học rất quan trọng. Tất cả nghiên cứu khoa học khi kết luận đều phải có yếu tố toán học để so sánh, đo lường hiệu quả của nó, nếu không thì coi như không đạt yêu cầu. Những năm qua, chúng tôi đã cố gắng đi tìm giáo viên, học sinh trong lĩnh vực này, sẵn sàng dạy miễn phí, nhưng chỉ tìm được một số giáo viên, còn không có học sinh nào. Các chuyên gia cho rằng, trong lĩnh vực toán, việc đào tạo khá mất công (khoảng một năm rưỡi) để tăng kiến thức cho các em. Bởi để tìm ra cái mới trong toán học vô cùng khó, ngay cả với học sinh thế giới. Bên cạnh đó, học sinh phải có vốn tiếng Anh tương đối tốt để tự nghiên cứu.
 
– Có điều kiện tiếp xúc nhiều với học sinh trường chuyên, theo ông, làm thế nào để thu hút học sinh chuyên toán quan tâm đến Intel ISEF?
 
– Quan trọng nhất là nhận thức của học sinh và phụ huynh học sinh. Để làm nghiên cứu, phải có khát vọng. Người Việt Nam có năng lực về toán nhưng dường như chưa có khát vọng nghiên cứu toán. Nếu so với cuộc thi Olympic, mức độ cạnh tranh của Intel ISEF không bằng nhưng khó hơn nhiều, vượt lên trên tất cả những gì các nhà toán học đang làm, vì phải tìm ra cái mới, ở phạm vi hẹp hơn.
 
– Xin cảm ơn ông!
 
N. Linh thực hiện

Hội sách 2016 “không nặng mục đích kinh doanh”

 
 
 
Hội sách TP.HCM lần thứ VIII-2014. Ảnh: Nguyễn Huệ Nghi
 
(TBKTSG Online) – Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ra quyết định về việc tổ chức hoạt động Hội sách TP.HCM lần IX-2016, một hoạt động định kỳ hai năm một lần, được giới làm xuất bản và nhiều người yêu sách đón chờ.
 
Theo đó, Hội sách TP.HCM lần IX – 2016 sẽ được tổ chức từ ngày 21 đến 27 tháng 3-2016 tới. Chủ đề hội sách lần này là: “Sách – Văn hóa – Hội nhập và Phát triển”; đơn vị đóng vai trò thực hiện là Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM. Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn, Công ty cổ phần Phát hành Sách TP.HCM, Nhà xuất bản Tổng Hợp, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM phối hợp thực hiện.
 
Hội sách TP.HCM được xem là ngày hội của những người yêu sách, sân chơi văn hóa của người đọc; khuyến khích, tôn vinh văn hóa đọc trên địa bàn TP.HCM. Đây cũng là dịp các doanh nghiệp xuất bản, phát hành trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi tác quyền, hợp tác kinh doanh, ra mắt sách mới, giới thiệu thương hiệu, hình ảnh và bàn về các vấn đề phát triển thị trường sách.
 
Trong một văn bản ra ngày 16-2-2016 của UBND TP.HCM về kế hoạch tổ chức Hội sách TP.HCM lần IX – 2016, có nhấn mạnh: “Hoạt động hội sách không nặng về mục đích kinh doanh mà yêu cầu chủ yếu là phục vụ nhiệm vụ chính trị – văn hóa của Thành phố, phục vụ bạn đọc và tạo môi trường giao lưu, trao đổi chuyên môn giữa các đơn vị tham gia”.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp tham gia Hội sách TP.HCM các kỳ trước vẫn coi đây là cơ hội kích thích nhu cầu mua sách với nhiều chương trình khuyến mãi lớn; một dịp để xả kho sách và là thời điểm lý tưởng để đưa ra thị trường những đầu sách “quả đấm phát hành” với mong muốn đạt doanh thu cao.
 
Theo số liệu ban tổ chức, doanh thu Hội sách TP.HCM lần VIII (2014) là 36 tỉ, lần VII (2012) là 30 tỉ.

2015: năm của “dượng Tony”, 2016: những cuộc đua sách mới

TT – Cùng với sự kiện Hội sách TP.HCM lần 9 tổ chức vào tháng 3-2016, các công ty sách, nhà xuất bản và các tác giả hứa hẹn có một “cuộc đua” ra mắt các tác phẩm mới.
 
 
 2015: năm của "dượng Tony", 2016: những cuộc đua sách mới 
Hiện tượng Tony Buổi Sáng trong năm 2015. Ảnh tư liệu TT.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia dự báo thị trường sách số (eBook) của Việt Nam trong năm tới sẽ tăng gấp 2,5 lần trên tổng tỉ trọng doanh thu ngành sách.
 
Nhìn lại năm 2015
 
Tác giả ẩn danh Tony Buổi Sáng tiếp tục hâm nóng thị trường sách năm nay với quyển sách thứ hai Trên đường băng (NXB Trẻ), đến nay đã vượt con số 100.000 bản với sáu lần tái bản, tạo cơn sốt sách bán chạy cho dòng sách kỹ năng sống. 
 
Điều đáng kể là từ hiện tượng Tony Buổi Sáng đã kéo theo trào lưu “Đọc sách theo Tony” cũng phát triển không kém. Hầu hết tác phẩm được “dượng Tony” giới thiệu đều trở thành mục tiêu săn đón của giới trẻ như Nhà giả kim hoặc Quốc gia khởi nghiệp.
 
Một hiện tượng sách mới du nhập Việt Nam là dòng sách tô màu dành cho người lớn, được các đơn vị đi đầu như Nhã Nam, NXB Trẻ, Thái Hà Books khai thác từ khoảng giữa năm 2015, đến nay vẫn còn thu hút nhiều người. 
 
Đặc biệt, Nhã Nam đã có sáng kiến tổ chức các cuộc thi tô màu “marathon” vào mỗi chủ nhật, tạo nên sân chơi mới cho các độc giả ưa chuộng dòng sách này.
 
 
2015: năm của "dượng Tony", 2016: những cuộc đua sách mới 
 
 
Sáng kiến tổ chức Chợ phiên sách cũ của Nhã Nam tại TP.HCM đang dần được nhiều bạn đọc ủng hộ – Ảnh: L.Điền
Mạng phát hành trực tuyến Tiki cũng làm một cuộc rà soát tổng quát tình hình sách trong năm và ghi nhận các sự kiện nổi bật, trong đó có chương trình “Tháng 3 sách Trẻ” của NXB Trẻ với hai quyển Bảy bước tới mùa hè (Nguyễn Nhật Ánh) và Đong tấm lòng (Nguyễn Ngọc Tư) – hai quyển sách đã giữ vị trí sách bán chạy trong top 5 của nhiều đơn vị phát hành trong nhiều tuần.
 
Một loạt tác giả trẻ được ví von viết truyện “ngôn tình Việt” đều có sách mới trong năm nay như Gào (Chúng ta rồi sẽ ổn thôi), Nguyễn Ngọc Thạch (Người cũ còn thương), Hamlet Trương – Iris Cao (Mỉm cười cho qua), Anh Khang (Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em).
 
Hiệu ứng điện ảnh tác động mạnh mẽ đến sách khi bộ phim điện ảnh Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thành công tại rạp thì quyển truyện cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh cũng lọt vào top bán chạy của cả mạng Tiki và hệ thống phát hành Fahasa.
 
Một vài đầu truyện tranh Việt Nam năm nay cũng được Tiki ghi nhận “bắt đầu tạo được tiếng nói, chỗ đứng trên thị trường với những gương mặt dễ thương như Thỏ Bảy Màu, Mèo Mốc, Mật Ngọt Chết Mèo…”.
 
Sách mới cho năm 2016
 
Như một dịp đến hẹn lại lên, Hội sách TP.HCM với quy mô liên tục được mở rộng mỗi hai năm một lần là cơ hội để các đơn vị xuất bản trong Nam ngoài Bắc đầu tư cho ra các đầu sách mới, độc đáo. Đây cũng là sự kiện sách được chờ đợi nhất trong năm 2016.
 
Hiện còn quá sớm để đưa ra các tin tức cho những ấn phẩm mới trong năm 2016, nhưng tin tức từ sự chuẩn bị của các đơn vị cũng cho thấy “cuộc đua sách mới” hứa hẹn nhiều thú vị.
 
Trước mắt, NXB Trẻ đã bắt tay cho phiên bản truyện tranh minh họa Harry Potter và hòn đá phù thủy. Đây là lần đầu tiên độc giả Việt Nam tiếp cận truyện tranh màu Harry Potter, với họa sĩ trẻ tài năng Jim Kay đảm nhận phần tranh vẽ. Bên cạnh đó, cộng đồng bạn đọc yêu thích nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có thể chờ đợi diện kiến tác phẩm mới của ông nhân dịp hội sách tháng 3 tới đây.
 
Công ty Nhã Nam trong hai năm qua cũng kiên trì, nỗ lực với bộ Sử ký của Tư Mã Thiên lần đầu được tổ chức dịch toàn văn, dự kiến ra mắt trong năm 2016. Bên cạnh đó, Công ty Đông A sẽ tung ra một loạt sách mới hứa hẹn rất đình đám như quyển sách ảnh Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ của Pierre Dieulefils, từng đoạt giải thưởng triển lãm quốc tế Brucxelles năm 1910; loạt truyện tranh Tam quốc in màu lên đến 7.000 trang mua bản quyền từ Trung Quốc, được in dựa theo bản dịch của Phan Kế Bính vốn quen thuộc với bạn đọc Việt Nam; truyện tranh Thành kỳ ý ra tiếp tập 2 và bộ Bách khoa tri thức thiếu nhi mua bản quyền của DK, lên đến chín cuốn in màu.
 
Từ phía các nhà phát hành dự báo dòng sách “tự chủ bản thân”, kỹ năng mềm sẽ được quan tâm và phát triển nhiều hơn. Các sách về triết lý sống, chia sẻ và trải nghiệm cuộc đời… cũng sẽ được đón nhận.
 
Dòng sách du ký hoặc ghi chép về danh lam thắng cảnh hay khảo cứu về các không gian sống ở đô thị, các vùng quê vẫn là “món ăn” đang chờ đợi của độc giả Việt Nam. Tin vui cho các độc giả này là nhà báo Phạm Công Luận chuẩn bị ra mắt quyển Sài Gòn – chuyện đời của phố (tập 3).
 
Nở rộ nhiều hội sách cũ
 
Về hoạt động thì 2015 là năm nở rộ nhiều hội sách cũ. Đã có những chương trình dần trở thành thương hiệu như Chợ phiên sách cũ của Nhã Nam tại TP.HCM, Hội sách cũ do Alpha Books khởi xướng cùng các đơn vị tại Nhà văn hóa Thanh niên; ở Hà Nội cũng có Đại hội sách cũ.
 
Đặc biệt, dự án đường sách TP.HCM tại tuyến đường Nguyễn Văn Bình (Q.1) đang thi công ráo riết chính là một sự kiện nổi bật trong số các chuyển động mới của làng sách Việt Nam năm qua.
 
LAM ĐIỀN (lamdien@tuoitre.com.vn)
 

Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông

 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay khẳng định: VN sẽ kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình…  
 
 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình. Ảnh: Lê Anh Dũng

 

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu VN có tính đến các biện pháp mạnh như kiện ra tòa quốc tế khi Bắc Kinh gần đây liên tục có động thái gây hấn ở Biển Đông như điều tên lửa, chiến đấu cơ, làm hệ thống radar ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phớt lờ mọi phản đối của VN, người phát ngôn cho biết:
 
"Là quốc gia liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông, VN nhất quán lập trường giải quyết mọi tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển 1982.
 
VN sẽ kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và hiến chương LHQ. Cho đến nay, lập trường nhất quán này đã góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực và được cộng đồng quốc tế hoan nghênh".
 
Trước việc truyền thông TQ đưa tin hiện trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN, cứ 3 trong số 4 người là binh sĩ và việc Philippines cáo buộc TQ điều tàu công vụ ngăn chặn tàu cá, không cho ngư dân quốc đảo đánh bắt tại một bãi rạn ở Biển Đông, ông Bình nêu rõ:
 
"VN có chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, mọi hành động của các bên ở khu vực này mà không có sự chấp thuận của VN đều là bất hợp pháp.
 
Các bên liên quan cần có lời nói và hành động thiết thực, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông, phù hợp với với luật pháp quốc tế nhất là Luật Biển 1982 và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)".
 
Về thông tin tập đoàn dầu khí TQ CNOOC ra thông báo mời các công ty nước ngoài đấu thầu 18 lô ở vịnh Bột Hải, Hoa Đông và Bắc của Biển Đông, ông Bình nhấn mạnh, hiện các cơ quan chức năng của VN đang nghiên cứu kỹ nội dung thông báo mời thầu của CNOOC.
 
"Lập trường nhất quán của VN là tại khu vực hai nước đang đàm phán, phân định vùng biển chồng lấn ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, theo luật pháp quốc tế, không bên nào được đơn phương hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí", người phát ngôn tuyên bố.
 
Thái An

Danh hiệu Sao Khuê: Nỗ lực sáng tạo, đổi mới qua từng năm

Trong suốt 13 năm qua, Sao Khuê không chỉ tôn vinh các sản phẩm trí tuệ của doanh nghiệp phần mềm và CNTT VN mà còn là chứng chỉ của uy tín, chất lượng cho các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu của ngành, hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp mở rộng thị trường và phát triển.
 
Nói về Danh hiệu Sao Khuê, ông Trần Bá Kim Ngọc – Giám đốc Công ty Cổ phần Phần mềm Meliasoft, doanh nghiệp đã 2 năm liên tiếp (2014-2015) nhận danh hiệu Sao Khuê cho giải pháp ERP Meliasoft cho biết: “Là một doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc được vinh danh 2 lần liên tiếp tại Sao Khuê đã trợ giúp đắc lực cho hoạt động kinh doanh sản phẩm ERP của công ty, đóng góp rất lớn cho tăng trưởng doanh thu. Thông qua Sao Khuê, nhiều khách hàng đã biết đến Meliasoft. Meliasoft đánh giá rất cao chương trình truyền thông giới thiệu sản phẩm dịch vụ đến người tiêu dùng của Chương trình. Có thể nói Sao Khuê là danh hiệu uy tín nhất Việt Nam hiện nay trong lĩnh vực phần mềm và CNTT.”
 
Tương tự, dù là doanh nghiệp mới lần đầu tham gia Sao Khuê từ năm 2015 nhưng Cổ phần Truyền thông và Công nghệ VIEGRID (VIEGRID) hoàn toàn ấn tượng với những kết quả mà Danh hiệu đem lại cho bộ giải pháp V-AZZUR. Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty bà Lê Ngọc Hồng cho biết: “Viegrid đánh giá rất cao Danh hiệu Sao Khuê trong việc hỗ trợ quảng bá sản phẩm. Bằng chứng là giải pháp V-AZUR sau khi nhận được Danh hiệu Sao Khuê đã tiếp cận được tới nhiều khách hàng và đóng góp không nhỏ cho doanh thu của Viegrid.”
 
 
Hình ảnh tại lễ trao giải Sao Khuê năm 2015.
 
Không chỉ hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những thương hiệu lớn, có bề dày lịch sử, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường như Công ty Hệ thống thông tin FPT, Công ty Cổ phần MISA, Công ty Tinh Vân, những doanh nghiệp luôn có các sản phẩm, dịch vụ xuất sắc được công nhận và trao Danh hiệu Sao Khuê nhiều năm liên tiếp cũng luôn đánh giá cao đóng góp của Danh hiệu Sao Khuê cho hoạt động truyền thông, marketing và hỗ trợ bán hàng của.doanh nghiệp.
 
Ông Nguyễn Xuân Hoàng – Tổng Giám đốc Công ty CP MISA khẳng định:” Danh hiệu Sao Khuê đang ngày càng khẳng định được sự lớn mạnh và uy tín của một trong những giải thưởng CNTT hàng đầu Việt Nam. Hơn thế nữa, Sao Khuê còn là bệ phóng cho những sản phẩm, dịch vụ tiềm năng đến được với đông đảo khách hàng. MISA rất vinh dự khi có nhiều giải pháp phần mềm được trao tặng Danh hiệu danh giá này.”
 
Theo ông Hoàng, bên cạnh những thành công mà Sao Khuê đem lại cho những sản phẩm của các doanh nghiệp CNTT, MISA kỳ vọng thời gian tới chương trình sẽ tiếp tục có thêm nhiều kênh truyền thông gắn với thực tiễn để đưa các giải pháp xuất sắc của doanh nghiệp đến với những đơn vị, cá nhân thực sự có nhu cầu; tăng cường quyền lợi cho các doanh nghiệp sau khi đoạt giải thông qua các chương trình gặp gỡ, kết nối giữa doanh nghiệp – người dùng .
 
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Tổng thư ký VINASA cho biết: “Sao Khuê luôn có những đổi mới qua từng năm để phù hợp với sự phát triển của ngành Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam. Năm nay, VINASA sẽ công bố Danh hiệu “Top 10 Sao Khuê 2016” dành cho 10 sản phẩm, dịch vụ được đánh giá cao nhất về hiệu quả kinh tế xã hội, uy tín thương hiệu, doanh thu, thị phần và số lượng khách hàng sử dụng”.
 
Không chỉ được các doanh nghiệp CNTT đánh giá cao, Sao Khuê thực sự đã là một “dấu kiểm định” chất lượng, giúp người sử dụng tin tưởng lựa chọn những sản phẩm phần mềm, dịch vụ CNTT của Việt Nam. Ông Nguyễn Hùng Sơn – Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư thương mại và phát triển công nghệ FSI – Doanh nghiệp đang sử dụng sản phẩm đạt Danh hiệu Sao Khuê cho biết: " Các sản phẩm phần mềm được công nhận Danh hiệu Sao Khuê đã được các chuyên gia đánh giá và thẩm định thực tế vì vậy chúng tôi hoàn toàn tin tưởng khi lựa chọn để ứng dụng vào doanh nghiệp mình. Tôi nghĩ rằng Sao Khuê thực sự là một chứng chỉ uy tín để người sử dụng có thể dễ dàng lựa chọn được sản phẩm phù hợp cho doanh nghiệp mình".
 
Qua hơn 1 thập kỷ phát triển và đồng hành cùng các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT, đang ngày càng trở thành một danh hiệu cao quý, một tín chỉ chất lượng của ngành. Và với những thay đổi qua từng năm, Sao Khuê sẽ luôn bắt kịp với xu hướng công nghệ, kịp thời vinh danh những sản phẩm đem lại lợi ích thiết thực nhất cho cộng đồng.
 
PV

Sửa luật để phát triển thị trường khoa học công nghệ

“Cần phải sửa Luật Chuyển giao công nghệ 2006 để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, góp phần phát triển thị trường khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo của quốc gia”.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân đã khẳng định như vậy tại buổi làm việc với tổ soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật Chuyển giao công nghệ 2006 vào ngày 29/2.
 
 
 
 
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh việc cần thiết phải sửa Luật Chuyển giao công nghệ 2006.
Ảnh: Phú Sỹ
 
Cần thêm nhiều chính sách cụ thể
 
Báo cáo về thực trạng hoạt động và thi hành Luật Chuyển giao công nghệ 2006 trong những năm qua, ông Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ – cho biết, luật chỉ mới chú trọng hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, còn việc chuyển giao công nghệ trong nước – đặc biệt là chuyển giao công nghệ, chuyển giao kết quả nghiên cứu giữa các viện, trường với doanh nghiệp – chưa được giải quyết triệt để. Trong khi đó, vấn đề này đang rất cần có cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy.
 
Luật Chuyển giao công nghệ 2006 cũng chưa có quy định cụ thể để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tạo nguồn cung cho thị trường công nghệ. Đây là một thiếu sót lớn khi nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài ngày càng tăng mạnh.
 
Theo ông Đỗ Hoài Nam, hoạt động của các tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ góp phần không nhỏ vào thành công của hoạt động chuyển giao nói riêng và sự phát triển của thị trường công nghệ nói chung. Chính vì vậy, dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi đã quy định điều kiện thành lập các tổ chức này.
 
Báo cáo của Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ cũng cho biết, trong 8 năm thực hiện Luật Chuyển giao công nghệ 2006, Bộ KH&CN chỉ mới cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 390 hợp đồng chuyển giao công nghệ, trong đó có tới 252 hợp đồng thực hiện các dự án FDI. Trong khoảng 40 hợp đồng chuyển giao công nghệ mang tính độc lập, chỉ có 11 hợp đồng là của cơ quan, tổng công ty nhà nước.
 
Thực trạng này cho thấy các viện nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc đăng ký hợp đồng. Theo ông Đỗ Hoài Nam, thường các doanh nghiệp chỉ đăng ký khi thấy được hưởng lợi từ việc này, nhưng hiện nay chưa có ưu đãi gì cụ thể. Ngay cả việc đăng ký trực tuyến cũng chưa được triển khai nên chưa tạo điều kiện tối ưu cho tổ chức, cá nhân khi đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ.
 
Ngoài ra, ông Đỗ Hoài Nam cũng cho rằng, với các quy định hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước không thể kiểm soát công nghệ nhập vào Việt Nam. Thống kế số hợp đồng kể trên không phản ánh được con số thực tế công nghệ nhập về từ năm 2007 đến nay.
 
Chưa tận dụng được nguồn lực FDI
 
Nói về chuyển giao công nghệ qua các dự án FDI thời gian qua, mặc dù coi đây là kênh thu hút công nghệ kỹ thuật nước ngoài quan trọng nhất, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cũng phải thừa nhận là hiệu quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế, giá trị gia tăng không cao, lợi nhuận thu về ít.
 
Đại đa số công nghệ chuyển giao chưa thuộc loại tiên tiến, hiện đại mà chỉ ở mức trung bình, thậm chí một số công nghệ ở mức thấp, lạc hậu. Cá biệt có trường hợp chuyển giao công nghệ đã thanh lý, có nguy cơ biến Việt Nam thành bãi thải công nghệ.
 
Ngoài ra, kết quả tiếp thu, học hỏi công nghệ cũng như kinh nghiệm quản lý của các cán bộ Việt Nam trong quá trình hợp tác với nước ngoài còn chưa đáng kể. Đặc biệt, việc tiếp thu, khai thác ứng dụng công nghệ cho đến nay hầu như chỉ nằm trong phạm vi của các dự án FDI, không tạo được hiệu ứng lan tỏa sang các doanh nghiệp trong nước.
 
Lấy ví dụ, hoạt động của Tập đoàn Intel tại Việt Nam thời gian qua gần như vẫn chỉ là gia công thay vì đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc mời gọi đầu tư. Chẳng hạn, với Tập đoàn Samsung gần đây, bên cạnh việc nhận các ưu đãi lớn, tập đoàn này được yêu cầu phải mở trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam để từng bước chuyển giao công nghệ.
 
Với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Chuyển giao công nghệ mới, Bộ KH&CN sẽ tổng hợp ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân để sớm hoàn thiện dự thảo và trình Quốc hội cuối năm nay. Nếu được thông qua, luật sẽ có hiệu lực từ năm 2017.
Cao Nhật
 

Việt Nam – Hàn Quốc hợp tác về tiêu chuẩn hóa, quy chuẩn kỹ thuật

Nhằm tăng cường hợp tác giữa Việt Nam – Hàn Quốc, sáng ngày 2/3/2016 đã diễn ra lễ kết kết giữa Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và KOTRA.
 
Năm 2015 đánh dấu sự kiện quan trọng khi Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức ký kết Hiệp Định Thương mại Tự do (FTA). Trong thời gian qua, Cơ quan Xúc tiến Đầu tư – Thương mại Hàn Quốc (KOTRA), Viện Tiêu chuẩn Kỹ thuật Hàn Quốc (KATS) và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) đã phối hợp trao đổi về việc ba bên cùng hợp tác chặt chẽ nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuật lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc trong việc đăng ký hợp quy CR trong quá trình xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam.
 
Trên tinh thần đó, nhằm tăng cường sự hợp tác cụ thể giữa hai bên trong thời gian tới, vào ngày 02/03 tại Hà Nội, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) và Cơ quan Xúc tiến Đầu tư – Thương mại Hàn Quốc (KOTRA) đã ký Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, đánh giá sự phù hợp và mã số, mã vạch.
 
Tham gia lễ kí kết có ông Trần Văn Vinh – Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, ông Jaehong Kim -Chủ tịch KOTRA, lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam cùng đại diện các cơ quan liên quan giữa hai nước.
 
Được thành lập vào năm 1962, KOTRA được Chính phủ nước Cộng hòa Hàn Quốc điều hành như một cơ quan của Chính phủ với chức năng là thúc đẩy thương mại, kinh doanh và đầu tư ở nước ngoài, cung cấp các hoạt động nghiên cứu,triển khai và hỗ trợ các đối tác trên toàn cầu.
 
Theo biên bản ghi nhớ, hai bên thống nhất hợp tác và triển khai các hoạt động chung trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, đo lường, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp và mã số, mã vạch vì mục đích tăng cường cải tiến kỹ thuật, hiểu biết chung về pháp quy để thúc đẩy việc kinh doanh và thương mại giữa hai bên.
 
Trong khuôn khổ buổi sáng cùng ngày là lễ cắt băng khánh thành khai trương trung tâm Hỗ trợ FTA Hàn Việt. Trung tâm được thành lập nhằm quảng bá nội dung hiệp định FTA Hàn Việt (chính thức có hiệu lực từ 20/12/2015) và giúp đỡ doanh nghiệp hai nước vận dụng hiệu quả FTA vừa kí kết, thức đẩy giao dịch thương mại và đầu tư giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chứng kiến sự sụt giảm về tốc độ tăng trưởng trong những năm vừa qua, kéo theo tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp trên thế giới bị chững lại, ông Kim Jae Hong – Chủ tịch KOTRA nhận định “Trung tâm Hỗ trợ FTA Hàn -Việt được kì vọng sẽ là nơi hỗ trợ doanh nghiệp vận dụng linh hoạt FTA Hàn-Việt để tạo đà tăng trưởng cho các hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp đi đến các thị trường Trung Quốc,Mỹ, Châu Âu vốn đã bị suy thoái trong thời gian qua.”
 
Trả lời phỏng vấn bên lề buổi lễ, ông Trần Văn Vinh – Tổng cục trưởng STAMEQ cho biết: “Trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang Hàn Quốc có thể liên hệ, cung cấp thông tin cho STAMEQ. Sau đó STAMEQ sẽ có những sự hỗ trợ , tạo điều kiện, làm rõ những yêu cầu quy định ở Hàn Quốc, trên cơ sở đó doanh nghiệp sẽ tiếp cận được những thông tin cần thiết giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và không bị bỡ ngỡ khi tiến hành xuất khẩu sang Hàn Quốc.”
 
Dưới đây là một số hình ảnh tại sự kiện:
 
 
 
 
 
 
 
Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh trả lời phỏng vấn của các báo đài.
 
 
Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

GS-TSKH Đào Trọng Thi: Sách khoa học cần “bà đỡ”

GS-TSKH Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất nên ưu đãi thuế, cơ sở hạ tầng cho phát triển sách khoa học.
 
 
GS-TSKH Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Trao đổi với phóng viên sau khi Báo Khoa học và Phát triển đăng tải loạt bài về “Sách khoa học Việt Nam: Ốm yếu và bị ghẻ lạnh”., GS-TSKH Đào Trọng Thi chia sẻ: 
 
– Theo quan điểm của tôi, sách khoa học không có nhiều bạn đọc cũng dễ hiểu. Thứ nhất, nhìn ở góc độ người đọc thì sách càng chuyên sâu càng ít người đọc vì chỉ những người quan tâm, làm việc trong ngành đó mới cần tìm hiểu, thành thử những loại sách này khi xuất bản sẽ chỉ được số lượng nhỏ và bán không chạy. Ở góc độ người bán cũng không mặn mà vì sẽ bán được ít. Ở góc độ người viết những cuốn sách này cũng không thể đặt mục tiêu có được nhuận bút thỏa đáng, thậm chí khi viết những quyển sách đó người viết sách còn phải đầu tư nhiều hơn kinh phí thu về sau khi xuất bản, phát hành sách.
 
Nhưng vấn đề ở đây – với những đầu sách này lại có ý nghĩa rất quan trọng, đó là nơi sẽ công bố kiến thức, kết quả nghiên cứu. Chính vì vậy, đối với những loại sách này Nhà nước phải có chính sách ưu tiên và có thể hỗ trợ cho các tác giả trong khi chuẩn bị bản thảo.
 
Trên thực tế, đã có những bản thảo nhận được dự án hỗ trợ xuất bản. Cũng có những dự án tài trợ chỉ để xuất bản sách nếu cuốn sách đó thực sự có nội dung tốt và không có điều kiện thực hiện theo cơ chế thị trường. Nói như vậy để thấy, việc hỗ trợ sách khoa học có thể có từ các nguồn khác nhau cả trong nước và quốc tế, Nhà nước và tư nhân: Hỗ trợ trong quá trình nghiên cứu hình thành nội dung, xuất bản và quá trình in ấn, phát hành. Nhưng tôi cho rằng, việc hỗ trợ từ phía Nhà nước cần phải được tăng cường thêm. Ví dụ, có các chính sách ưu đãi về thuế đối với nhà xuất bản loại sách này; hoặc một số ưu tiên tài trợ trang thiết bị khi xây dựng trụ sở được ưu đãi giống như các cơ sở khoa học – công nghệ hay giáo dục – đào tạo. Nhà nước có thể tăng thêm các hình thức hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực hơn.
 
Để việc hỗ trợ này đi vào cuộc sống, có thể đưa vào Luật Khoa học và công nghệ, những sách nào liên quan đến giáo dục có thể đưa vào Luật Giáo dục đại học hoặc Luật Xuất bản để hỗ trợ đặc biệt.
 
Đối với các thư viện hay nhà sách cũng nên có những khuyến cáo, khuyến khích, thậm chí có cơ chế để họ thấy được tầm quan trọng cũng như vai trò của họ trong việc thúc đẩy việc phát hành các đầu sách này.
Thanh Bình (ghi)
 

Tương lai nào cho năng lượng tái tạo của Việt Nam

Mặc dù đã được sự quan tâm rất lớn từ phía Chính phủ, nhưng đến nay, năng lượng tái tạo của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn do những rào cản về thể chế, kỹ thuật công nghệ hay kinh phí đầu tư.
 
Sáng 2/3, Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC-HCMC) phối hợp với Hiệp hội KHCN về sử dụng năng lượng Tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) đã tổ chức buổi hội thảo “Năng lượng chuyển hóa – Tương lai cho Đông Nam Á”.
 
Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó chủ tịch VECEA, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng tái tạo và phân bố rộng khắp trên cả nước. Trong đó, sinh khối từ các sản phẩm hay chất thải nông nghiệp có sản lượng tương đương 10 triệu tấn/năm. Tiềm năng sinh khí học đạt xấp xỉ 10 tỉ m3/năm. Chúng ta cũng có nguồn năng lượng mặt trời phong phú với bức xạ năng trung bình là 5 kWh/m2/ngày phân bổ trên khắp cả nước…
 
 
Năng lượng tái tạo đang là xu hướng phát triển của các quốc gia trong tương lai
Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đặc biệt khuyến khích phát triển và sử dụng năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Đặc biệt, trong chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2050, Chính phủ Việt Nam đã đề ra tăng thị phần của năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng thương mại sơ cấp từ 3% năm 2010 lên 5% năm 2020 và 11% năm 2050.
 
Để làm được điều này, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp ưu đãi đối với các nhà đầu tư. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực này sẽ được ưu đãi theo luật đầu tư, ưu đãi về biểu giá điện, miễn thuế thu nhậpthiết bị, miễn thuế sử dụng đất…
 
Năng lượng tái tạo đang là xu hướng phát triển của các quốc gia trong tương lai
 
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM, hiện Việt Nam còn đang tồn tại nhiều rào cản thách thức sự phát triển của năng lượng tái tạo.
 
Đầu tiên đó là cơ chế chính sách. Trong khi khung thể chế, pháp lý mới chỉ hình thành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì các chính sách về năng lượng tái tạo lại chưa đầy đủ. Điều này dẫn đến việc thiếu đồng bộ trong điều chỉnh các hoạt động năng lượng phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế – chính trị – xã hội của nước ta.
 
Bên cạnh đó là sự hạn chế về công nghệ khi phần lớn thiết bị, sản phẩm đều phải nhập từ nước ngoài. Năng lực quản lý cũng chưa cao khi vì thiếu trầm trọng hệ thống nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành này. Các tiêu chuẩn/quy chuẩn về khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo cũng chưa được quan tâm đúng mức.
 
Một khó khăn lớn nữa là vấn đề tài chính khi chi phí đầu tư cho dự án năng lượng tái tạo tương đối cao. Trong khi đó, việc tiếp cận các nguồn vốn vay cũng gặp nhiều khó khăn nếu không có sự can thiệp của Chính phủ. Sau khi sản xuất ra, giá bán điện thấp cũng góp phần làm các nhà đầu tư không mấy mặn mà.
 
Theo ông Tước, ngoài việc thực hiện chính sách tiết kiệm, tận dụng được nguồn năng lượng tái tạo chính là cách tốt nhất để giải quyết bài toán thiếu hụt năng lượng hiện nay. Thế nhưng, để thực hiện được điều này, Nhà nước cần phải có những cơ chế, chính sách mạnh hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó là đẩy mạnh tuyên truyền để nhiều doanh nghiệp có thêm thông tin, dữ liệu phục vụ cho quá trình hoạt động.
 
Theo Khám phá
 

Tiến sĩ trẻ xuất sắc thế giới: ‘Tôi sẵn sàng về Việt Nam’

TS Nguyễn Đức Khương vừa được dự án nghiên cứu kinh tế học RePEc (Research Papers in Economics) xếp thứ 7 trong số 200 nhà kinh tế trẻ xuất sắc của thế giới.
 
 
Danh sách 200 nhà kinh tế trẻ này được chọn ra từ 18.625 nhà nghiên cứu kinh thế giới có ấn phẩm khoa học, mọi thể loại, xuất bản từ 10 năm trở lại đây.TS Nguyễn Đức Khương, hiện là GS tài chính, Phó Giám đốc hợp tác khoa học quốc tế và nghiên cứu, Trưởng khoa Kinh tế – Tài chính tại Học viện quản lý và quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School), Pháp.
 
TS Nguyễn Đức Khương, hiện là GS tài chính, Phó Giám đốc hợp tác khoa học quốc tế và nghiên cứu, Trưởng khoa Kinh tế – Tài chính tại Học viện quản lý và quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School), Pháp.
TS Nguyễn Đức Khương, GS tài chính, Phó Giám đốc hợp tác khoa học quốc tế và nghiên cứu, Trưởng khoa Kinh tế – Tài chính tại Học viện quản lý và quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School), Pháp.
 
 
Trao đổi với phóng viên, TS Khương nói: “So với thành tựu của các chuyên gia kinh tế nổi tiếng trong và ngoài nước, việc được xếp hạng này chỉ là một thành tích khiêm tốn. Tôi nghĩ đây chưa phải là điều lớn lao. Có rất nhiều “cây đại thụ” trong ngành mà tôi rất ngưỡng mộ và luôn tự hỏi “Bao giờ mình mới được như thế”.
 
Người Việt ở đâu cũng là người Việt
 
Thử tưởng tượng, anh tốt nghiệp thủ khoa ĐH Thương Mại năm 2000, ở lại Việt Nam sinh sống, làm việc và nghiên cứu thì liệu kết quả anh đạt được trong nghiên cứu kinh tế sẽ đi theo hướng nào? Nó có được quy định bởi môi trường nghiên cứu không?
 
+ TS Nguyễn Đức Khương: Việc giảng dạy và nghiên cứu với tôi cũng không hẳn được định hướng từ trước. Nếu không đi du học mà ở lại Việt Nam công tác, có thể tôi sẽ làm một công việc khác. Hoặc có thể là nghiên cứu nhưng ít tính hàn lâm hơn mà thiên về các chính sách cụ thể chẳng hạn.
 
Sang Pháp học thạc sĩ, rồi làm nghiên cứu sinh, tiến sĩ, tôi làm nghiên cứu khoa học như một sự tự nhiên. Môi trường nghiên cứu khá quan trọng. Môi trường phát triển, mở ra thế giới bên ngoài làm tăng động lực và cả áp lực phải đi lên và tăng khả năng hợp tác với những người giỏi. Trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu như một chỉ tiêu để phát triển sự nghiệp.
 
Người Việt ở đâu cũng là người Việt, cần cống hiến hết mình cho cộng đồng, đất nước. Hình như anh đã nói thế?
 
+ Đúng là người Việt ở đâu cũng là người Việt và sẵn sàng cống hiển hết mình cho đất nước. Hiện tại tôi tham gia đóng góp sức mình vào việc kết nối trí thức trong và ngoài nước, đồng nghiệp quốc tế trong nhiều lĩnh vực khác nhau để thúc đẩy những cống hiến cá nhân và tập thể cho đất nước.
 
Tôi đặc biệt quan tâm đến kinh tế, xã hội và chính trị của đất nước, đồng thời muốn biến sự quan tâm ấy thành những việc làm cụ thể, kiên trì, bền bỉ để song hành cũng đất nước. Xung quanh tôi có rất nhiều người Việt như thế.
 
Chẳng hạn, tôi hiện là chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia người Việt tại Pháp (AVSE). Tôi cũng từng là chủ tịch và hiện là tổng thư ký Hội Tài chính người Việt trên thế giới (VFAI); là những nơi đoàn kết để sự đóng góp về Việt nam được tốt hơn.
 
Tôi cũng tham gia sáng lập và là một trong các thành viên chủ chốt của nhóm biển Đông tại Pháp – nhóm suy nghĩ và nghiên cứu về địa chính trị, kinh tế và quốc phòng xung quanh các vấn đề chủ quyền và an toàn hàng hải trong khu vực biển Đông.
 
Ví dụ, khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa của nước ta, chúng tôi đã có những trao đổi và vận động trong chính giới của Pháp để họ hiểu rõ hành động không tôn trọng chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc; đồng thời nhấn mạnh cho họ hiểu Pháp và các nước khác có vai trò và trách nhiệm trong việc thúc đẩy đàm phán hòa bình và tôn trọng luật và công ước quốc tế.
 
Đã có nhiều người Việt thành công ở nước ngoài. Có thể kể đến GS Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Vũ Quang Việt; xa hơn nữa là Trịnh Xuân Thuận, Trần Thanh Vân…
 
+ Trên đây toàn những tên tuổi người Việt xuất chúng. Tôi thật sự còn xa mức đó lắm. Tôi không dám nói đến các yếu tố thành công của các giáo sư được kể tên ở trên.
 
Tôi quan niệm phải làm việc mới mang lại thành công, cũng có thể nói là “cần cù bù khả năng”. Đồng thời rèn luyện sức khỏe và trí tuệ, tầm nhìn và nhanh nhạy với những đề tài mới mẻ.
 
Ngoài ra, tạo sức mạnh tập thể, liên kết với những người tâm huyết để cùng làm việc chung. Tôi cũng thường xuyên liên lạc, trao đổi với những người giỏi giang trong nhiều lĩnh vực khác nhau để học hỏi và tiếp tục phấn đấu.
 
Việt Nam có nhiều người xuất sắc
 
Có độc giả khi đọc thông tin anh về anh nói rằng: Sao những người Việt Nam nổi tiếng đều sống ở nước ngoài vậy? Anh nghĩ sao về “lời cảm thán” này?
 
+ Với tôi, Việt Nam có nhiều người xuất sắc. Người Việt ở nước ngoài chỉ là một bộ phận trong tổng hòa đó. Có rất nhiều người Việt nổi tiếng sống ở Việt Nam đấy chứ! Phải chung tay để người Việt ở bất cứ đâu ngày càng giỏi hơn và được sử dụng để chung tay xây dựng đất nước.
 
Tôi mong muốn nước mình sẽ có môi trường tốt cho trí thức phát triển vượt bậc. Tôi nhớ trong một dịp gặp gỡ, GS Trần Thanh Vân có kể là nhiều lĩnh vực khoa học của Trung Quốc trong những năm 1960 còn kém hơn Việt Nam khá nhiều.
 
Thế mà chỉ bằng đầu tư đúng mức cho giáo dục và khoa học, trong thời gian ngắn họ đã vươn lên tầm quốc tế bậc cao. Họ bắt đầu bằng việc biết làm và làm tốt những việc người khác đã hoặc đang làm.
 
Anh đang chuẩn bị gì cho tương lai của chính mình để phụng sự quê hương tốt hơn?
 
+ “Ở đâu không quan trọng miễn là có thể đóng góp tốt cho sự phát triển của nước nhà”. Hiện nhiều chuyên gia, trí thức người Việt vẫn đóng góp rất lớn vào công cuộc xây dựng nước ta. Tôi được biết học hỏi và làm việc nhiều với GS Lê Văn Cường, vợ chồng GS Trần Thanh Vân, GS Dương Nguyên Vũ,…
 
Không có thời gian để mất, tôi cố gắng tích lũy kiến thức, kinh nghiệm quản lý và khoa học để chuẩn bị cho mình các hành trang cần thiết. Và trong mọi lúc, mọi nơi tôi luôn làm những việc cụ thể trong phạm vi khả năng của mình như hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Pháp, tham gia giảng dạy ở Việt Nam, làm cầu nối cho các chuyên gia trong và ngoài nước hợp tác và đặc biệt tập hợp mạng lưới trí thức người Việt để sự đóng góp được mạnh mẽ hơn.
 
Tôi cũng sẵn sàng về Việt Nam nếu sự cống hiến thiết thực và sâu hơn.
 
Mỗi lần làm việc tôi tập trung cao độ
 
Có một phóng viên của tờ báo Pháp theo sát quá trình nghiên cứu của tôi từ bốn năm nay và mỗi năm đều hỏi tôi “Làm thế nào có thể xuất bản được nhiều công trình khoa học như thế ?”.
 
Tôi là người làm nhiều việc cùng một lúc. Cách giải quyết công việc là làm việc tuần tự. Động lực của tôi là nhìn thấy một công việc hoàn thành để chuyển sang làm việc khác và dành thời gian cho gia đình, bạn bè và các hoạt động thư giãn. Mỗi lần làm việc tôi tập trung cao độ.
 
Chia sẻ, quảng bá kiến thức
 
Dự án nghiên cứu kinh tế học RePEc (Research Papers in Economics) là nỗ lực hợp tác của hàng trăm tình nguyện viên tới từ hơn 80 quốc gia trên thế giới nhằm tăng cường phổ biến nghiên cứu về kinh tế học và các ngành khoa học liên quan.
 
RePEc xếp hạng các tổ chức nghiên cứu, trường đại học và các nhà nghiên cứu về kinh tế trên thế giới, có đăng ký vào cơ sở dữ liệu của RePEC. Việc xếp hạng được căn cứ vào rất nhiều chỉ tiêu khác nhau. Đối với các nhà nghiên cứu thì theo tôi biết có khoảng 30 chỉ tiêu, ví dụ số lượng bài, số lần được các bài báo và tạp trí khoa học khác trích dẫn, mức độ ảnh hưởng.
 
Tôi nghĩ RePEC giúp việc quảng bá và chia sẻ các kiến thức, liên kết các nhà khoa học với nhau được dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi và một số đồng nghiệp cũng chưa bao giờ gặp mặt nhau nhưng biết nhau qua RePEC.
 
TS Nguyễn Đức Khương
 
 
 
Theo Pháp luật TPHCM