Pin giấy phân hủy hoàn toàn chỉ trong 6 tuần

Công ty Singapore giới thiệu loại pin mới làm từ vật liệu bền vững, an toàn với chi phí sản xuất chỉ bằng khoảng 10% pin lithium-ion.Pin giấy phân hủy sinh học của Flint. Ảnh: Flint

Pin giấy phân hủy sinh học của Flint. Ảnh: Flint

Flint, công ty Singapore chuyên phát triển các giải pháp năng lượng bền vững, gây chú ý trong lĩnh vực công nghệ pin với sản phẩm pin giấy tiên tiến. Loại pin này hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích ấn tượng so với các giải pháp lưu trữ năng lượng truyền thống. Flint đã giới thiệu công nghệ tiên phong này tại triển lãm CES 2025 diễn ra ở Las Vegas, Mỹ, ngày 7 – 10/1.

Pin giấy của Flint là loại pin bán rắn, dùng một vòng hydrogel để làm cả tấm ngăn lẫn chất điện giải trong một tờ giấy. Thiết kế này khác biệt với pin lithium-ion thông thường vì đã thay các vật liệu độc hại và nhạy cảm về địa chính trị như lithium, cobalt, nickel, bằng những lựa chọn an toàn và bền vững như kẽm, mangan.

Theo đại diện công ty, pin mới rất nhẹ, linh hoạt và dễ thích ứng về hình dạng, không chỉ mang lại sự an toàn mà còn có chi phí thấp hơn đáng kể so với pin lithium-ion truyền thống. Thiết kế gốc hydrogel góp phần giúp nó phân hủy hoàn toàn trong vòng 6 tuần khi chôn dưới đất, không để lại chất thải độc hại. Điều này khiến pin giấy bền vững hơn các loại pin truyền thống, có thể mất hàng thập kỷ để phân hủy và gây rủi ro môi trường lớn.

Ngoài ra, trong khi pin lithium-ion có nguy cơ rò rỉ, cháy nổ, pin giấy đã được kiểm tra nghiêm ngặt để chịu được cháy, cắt, đâm và uốn cong. Những thử nghiệm này xác nhận khả năng hoạt động an toàn của pin.

Về hiệu suất năng lượng, mỗi viên pin giấy cung cấp dung lượng 600 mAh, đủ cho nhiều ứng dụng tiêu dùng và công nghiệp. Hiện tại, hiệu suất năng lượng của nó vẫn thấp hơn pin lithium-ion, nhưng Flint đang nỗ lực cải tiến. Công ty tin rằng pin giấy có thể được sử dụng rất nhiều lĩnh vực, từ điện tử tiêu dùng đến công nghiệp.

Tính linh hoạt của pin giấy cùng với việc Flint tập trung vào hiệu quả chi phí giúp loại pin mới trở thành sự thay thế hấp dẫn cho pin truyền thống. Chi phí sản xuất pin giấy hiện tương đương 10% chi phí của pin lithium-ion, nhưng công ty đang nỗ lực tăng quy mô sản xuất nhằm giảm chi phí hơn nữa và giúp pin trở nên dễ mua hơn.

Flint dự định thành lập một cơ sở sản xuất thí điểm tại Singapore, và thêm một số cơ sở tại Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Việt Nam trong tương lai. Công ty đặt mục tiêu đến cuối năm sẽ có những viên pin giấy quy mô thương mại đầu tiên xuất xưởng.

Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)

Quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ có gì thay đổi trong dự thảo Luật?

Xin hỏi về những thay đổi trong quản lý chương trình, nhiệm vụ sử dụng ngân sách được quy định tại dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo? (Tùng, Hà Nội)

Trả lời: Tại dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo đang được Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng có nhiều điểm mới trong quản lý chương trình, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo đó các chương trình, nhiệm vụ và đề tài nghiên cứu sẽ đổi mới cách thức triển khai theo hai phương thức: do Nhà nước đặt hàng và do tổ chức, cá nhân đề xuất để có cơ chế giao kết quả phù hợp, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Kinh phí sẽ được giao cho tổ chức chủ trì, không giao trực tiếp cho chủ nhiệm đề tài. Ngoài ra, việc sử dụng chung phòng thí nghiệm và các cơ chế hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu sẽ được khuyến khích để tối ưu hóa nguồn lực.

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục phân cấp quản lý các chương trình cho các bộ, ngành và địa phương, đồng thời thực hiện kiểm tra và đánh giá việc thực hiện; bổ sung quy định về đánh giá chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ; chủ thể thực hiện đánh giá; trách nhiệm của tổ chức chủ trì, bộ, ngành, địa phương, cơ quan quản lý chương trình nhiệm vụ; bổ sung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để tạo hành lang pháp lý thử nghiệm các công nghệ mới mà pháp luật chưa có quy định hoặc cấm thử nghiệm.

Dự thảo Luật gồm 14 chương và 83 điều; trong đó nhiều nội dung chính, quan trọng được kế thừa từ Luật năm 2013. Dự án Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

NguồnBộ Khoa học và Công nghệ

‘Bỏ chứng nhận hợp quy sẽ làm ảnh hưởng uy tín quốc gia’

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho rằng nếu bỏ quy định chứng nhận hợp quy sẽ khiến “doanh nghiệp làm gì cũng được” không đảm bảo tiêu chuẩn khi hội nhập quốc tế.

Ngày 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi. Dự án Luật này do Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì soạn thảo.

Theo dự luật, chứng nhận hợp quy là việc đánh giá và xác nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng phải áp dụng quy chuẩn kỹ thuật có trách nhiệm công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và phải đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói đây là một trong số nội dung còn có ý kiến khác nhau. Các đại biểu chưa thống nhất việc bổ sung hay không quy định chứng nhận sự phù hợp đối với tiêu chuẩn cơ sở. Ông cho biết Hội Chăn nuôi Việt Nam đã có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội kính đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định công bố hợp quy chuẩn trong dự thảo sửa đổi Luật. “Theo quan điểm của họ là cản trở rất lớn đến sự phát triển của ngành chăn nuôi”, ông Hải nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, đại diện cơ quan thẩm tra, cho rằng việc xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật cần thực hiện theo trình tự thủ tục riêng biệt, tuân thủ đúng quy định của Hiệp định TBT, các cam kết quốc tế và được quy định cụ thể tại dự thảo Luật này. Việc này bảo đảm tính khả thi và đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật có tính chuyên môn sâu, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe con người, môi trường thì quá trình xây dựng, thẩm định phải tiến hành nhiều hoạt động như khảo sát, thử nghiệm, khảo nghiệm, đánh giá tác động…

Giải trình thêm về nội dung này, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nói nếu không có chứng nhận hợp quy đối với hàng hóa thì giống như tham gia giao thông trên đường mà “luật lệ không minh bạch”. Ông đồng tình Nhà nước cần linh động cơ chế để doanh nghiệp được hoạt động thuận lợi nhất, song không thể “muốn làm gì cũng được, muốn đưa ra chất lượng thế nào cũng được”.Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định. Ảnh: Media Quốc hội

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định. Ảnh: Media Quốc hội

Ông cho rằng bỏ quy định về hợp quy trong dự thảo sẽ gây ra tình trạng các doanh nghiệp sẽ không đảm bảo chất lượng, không được chứng nhận, không được giám sát. Bên cạnh đó, việc này ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, nhiều hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu không được kiểm soát được chất lượng.

Với độ mở nền kinh tế rất lớn, hàng hóa Việt Nam sẽ tiến đến nhiều thị trường khó tính. “Nếu như không có chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, hàng hóa không thể đáp ứng, trong khi các nước yêu cầu về hợp chuẩn, hợp quy thậm chí còn khắt khe hơn chúng ta”, Thứ trưởng Định nói.

Ông Định dẫn chứng nhiều loại hàng hóa của Việt Nam không chỉ cần chứng nhận hợp quy để nhập khẩu. Đối tác còn sang Việt Nam để kiểm soát quy trình sản xuất, để đảm bảo chất lượng một cách thường xuyên, liên tục và bền vững.

Vì vậy, bỏ hợp quy làm mất kiểm soát chất lượng và an toàn sản phẩm, không đạt tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến người tiêu dùng hoặc là tổn hại môi trường. Việc này làm tăng nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, gây bất lợi, cản trở cho xuất khẩu và rủi ro cho uy tín quốc gia.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua vào kỳ họp giữa năm nay.

Sơn Hà/VnExpress

9 nhiệm vụ trọng tâm ngành Khoa học Công nghệ năm 2025

Ngành Khoa học và Công nghệ tập trung vào 9 nhiệm vụ trọng tâm, từ hoàn thiện khung pháp lý đến phát triển nhân lực, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, 2025 là năm đặc biệt quan trọng, tăng tốc, bứt phá, về đích phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025.Phòng thí nghiệm bán dẫn Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP HCM, tháng 12/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Phòng thí nghiệm bán dẫn Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP HCM, tháng 12/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Bộ Khoa học và Công Nghệ tập trung triển khai 9 nhiệm vụ trọng tâm, gồm:

Một: Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu, trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Hai: Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện Đề án hợp nhất hai Bộ; sắp xếp, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi hợp nhất. Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định “đảm bảo bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của doanh nghiệp và của người dân”.

Ba: Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội bốn dự án Luật gồm: dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dự án Luật Năng lượng nguyên tử. Triển khai các cơ chế thí điểm, vượt trội, đặc thù góp phần “tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực”. Mục tiêu đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính đưa đất nước phát triển bứt phá.

Bốn: Các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2025 – 2030 được rà soát, triển khai hiệu quả; phát huy vai trò dự báo chiến lược về xu thế phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xác định rõ những công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, công nghệ cao cần ưu tiên phát triển dựa trên thế mạnh, thực tiễn của Việt Nam. Khuyến khích đầu tư, phát triển các trung tâm dữ liệu lớn về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các kho dữ liệu khoa học dùng chung; kết nối các cộng đồng khoa học mở ở Việt Nam.

Năm: Phát triển mạnh nhân lực khoa học và công nghệ, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…; hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu trẻ; có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút nhà khoa học Việt ở nước ngoài tham gia phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp vào sự phát triển trong nước.

Sáu: Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và các mô hình kinh doanh mới… Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Bảy: Đẩy mạnh hợp tác với các đối tác chiến lược, quốc gia tiên tiến về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử và các công nghệ chiến lược khác; gắn kết các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với ngoại giao kinh tế, thúc đẩy nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ trong các thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tám: Đẩy mạnh các hoạt động về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó ưu tiên triển khai mạnh mẽ hạ tầng chất lượng quốc gia. Tập trung thúc đẩy bảo hộ, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Chín: Tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định. Triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, trọng tâm là triển khai hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia.

Tại hội nghị tổng kết ngành hôm 30/12/2024, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho rằng: “Khoa học công nghệ không chỉ là động lực mà còn là nền tảng để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế hiện đại, bền vững và cạnh tranh trên toàn cầu”. Ông yêu cầu ngành Khoa học và Công nghệ dành ưu tiên cao nhất cho công tác hoàn thiện thể chế chính sách về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tập trung kiện toàn sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18. Những đóng góp của ngành vào tăng trưởng kinh tế “cần được đẩy mạnh hơn nữa”, ông nói.

Minh Thư/VnExpress

Nông dân miền Tây thu lời tiền tỷ nhờ đầu tư công nghệ

Ông Nguyễn Văn Khanh trồng 120 ha lúa, nhờ ứng dụng công nghệ chỉ cần hai quản lý và hai người vận hành máy, lợi nhuận tăng thêm 30-40%.

Nông dân Nguyễn Văn Khanh, ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đam mê trồng lúa. Hàng chục năm trước ông đã tích góp được 120 ha đất song mặt đất chỗ cao, chỗ thấp, tốn nhiều chi phí, nhân công khi canh tác. Mỗi vụ sau thu hoạch, dù có doanh thu tốt nhưng lợi nhuận không cao do chi phí lớn.

Hơn 4 năm nay, ông mạnh tay đầu tư máy móc, từ máy bay không người lái (drone), tới máy xới, máy trang mặt ruộng bằng laze, máy bơm nước, máy gặt đập liên hợp…

Hệ thống máy làm đất giúp mặt đất bằng phẳng, sử dụng nước hiệu quả, chất lượng nông sản đồng đều, hạn chế cỏ dại, sâu bệnh. Việc sử dụng drone cũng đã mang lại hiệu quả đáng kể. Trước đây, mỗi lần sạ lúa ông Khanh phải thuê hàng chục người song chỉ xuống giống được 10 ha/ngày, mất 12 ngày mới xong, trong khi drone chỉ với hai người vận hành máy có thể sạ được 40 ha, rút ngắn 9 ngày. Tương tự, mỗi kỳ phun thuốc, cần 7 người phun bình máy, xoay tua liên tục. Khi dùng drone chỉ cần 2 người, thời gian xoay tua kéo dài lên 10 ngày.

“Máy móc đã làm hết các công đoạn nên làm nông hiện nay rất khỏe. 120 ha lúa chỉ cần hai quản lý và hai người vận hành máy móc. Lợi nhuận có thể tăng thêm 30-40%”, ông Khanh nói. Thêm rằng, mỗi ha lúa ông lãi 20 triệu đồng một vụ, tức việc áp dụng máy móc, công nghệ giúp ông tăng thêm gần một tỷ đồng mỗi vụ. Mỗi năm hơn 70% diện tích của ông canh tác lúa ba vụ, phần còn lại làm hai vụ, xả lũ một vụ.

Từ ngày áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý đồng ruộng, kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ ông còn có thêm tiền bán tín chỉ carbon.

Ông Khanh là một trong hàng triệu nông dân hưởng lợi từ cơ giới hóa, áp dụng công nghệ vào sản xuất lúa. Theo kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ 2020, tỷ lệ sử dụng máy làm đất, máy gieo sạ, thu hoạch trong sản xuất lúa ở ĐBSCL đạt tỷ lệ lần lượt là 92%, 50% và 91%.

Drone nông nghiệp trên cánh đồng của ông Khanh. Ảnh: Ngọc TàiDrone nông nghiệp trên cánh đồng của ông Khanh. Ảnh: Ngọc Tài

Trong thủy sản, tại Cà Mau HTX tôm năng suất cao Tân Hưng (xã Tân Hưng, huyện Cái Nước) đã mạnh dạn áp dụng máy móc, công nghệ trong nuôi tôm siêu thâm canh, mật độ từ 250-300 con mỗi m2, năng suất đạt bình quân 50 tấn mỗi ha/vụ, cao gấp 10 lần so với nuôi công nghiệp truyền thống.

Ông Huỳnh Xuân Diện, giám đốc HTX Tân Hưng, cho biết cứ mỗi ha nuôi tôm siêu thâm canh, chủ ao phải thuê khoảng 10 nhân công, mức lương ít nhất khoảng 6 triệu đồng/người một tháng. Trung bình mỗi vụ nuôi kéo dài 3 tháng, ông phải tốn khoảng 300 triệu đồng tiền thuê nhân công. Chính vì vậy, ông nảy ra ý tưởng lắp ráp bộ thiết bị điện tử điều khiển từ xa.

Ông Diện cùng ông Huỳnh Ngọc Tiễn nghiên cứu lắp ráp bộ thiết bị điện tử điều khiển từ xa vận hành hệ thống tạo oxy trong ao và cho tôm ăn. Cách làm này này thay thế sức người, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất trong nuôi tôm siêu thâm canh.

Đây là một cụm thiết bị điện tử vận hành tất cả thiết bị điện trong ao tôm nuôi, như điều khiển tốc độ máy cho ăn, thời gian cho ăn và thời gian nghỉ; điều khiển từ xa hệ thống quạt tạo oxy, thời gian chạy và nghỉ. Cụm thiết bị sẽ tự đồng bộ vận hành, ghi nhớ và lặp đi lặp lại, người nuôi tôm không phải canh thời gian, đóng cầu dao như cách làm truyền thống. Hệ thống có thể điều khiển từ xa máy cho tôm ăn và hệ thống quạt tạo oxy mà không phải ra ao, giảm số lao động xuống còn 4 người.Sản phẩm công nghệ của HTX tôm năng suất cao Tấn Hưng tại một hội chợ triễn lãm về thành tựu nông nghiệp. Ảnh: An Minh

Sản phẩm công nghệ của HTX tôm năng suất cao Tân Hưng tại triển lãm công nghệ nuôi tôm. Ảnh: An Minh

Ông Diện còn chế tạo thành công thiết bị chống điện giật. Từ năm 2017, ông cùng các cộng sự ấp ủ ý tưởng và nghiên cứu về ứng dụng công nghệ điện DC trong nuôi tôm công nghiệp. Sau gần 3 năm với hàng chục lần thất bại, ông đã hoàn thiện được công nghệ, đưa vào sản xuất, nhân rộng ra các trang trại nuôi trong hợp tác xã.

Theo ông Diện, bản chất của công nghệ này là thay thế dòng điện xoay chiều AC bằng dòng điện một chiều DC. Để thay thế dòng điện, ông dùng nguồn để biến dòng điện xoay chiều thành một chiều, sau đó đưa vào hệ thống ao để vận hành các thiết bị máy móc chạy bằng motor. Motor sử dụng được biến đổi thành motor chạy bằng điện DC 100%. Khi nông dân bước vào hệ thống ao nuôi, điện đã được chuyển đổi thành điện DC 40V, nên không có tình trạng bị giật, không gây tai nạn lao động về điện.

Trong mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, tôm được nuôi mật độ rất cao nên đòi hỏi lượng oxy, cùng hệ thống máy móc cung cấp, dẫn đến lượng điện tiêu thụ rất cao. Đó cũng là một áp lực cho ngành điện lực. “Khi ứng dụng công nghệ điện DC vào sản xuất, điện năng tiêu thụ giảm 40-50 % so với trước kia, và giá điện phải đóng hàng tháng cũng giảm theo tỷ lệ trên”, ông Diện nói. Ông cho biết nếu dùng điện như cách cũ, ông tốn chi phí khoảng 80 triệu đồng, nay chỉ còn hơn 25 triệu đồng.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, tỷ lệ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tại tỉnh khoảng 70%. Riêng trong lĩnh vực thủy sản, sở tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất giống, nâng cao năng suất, chất lượng giống tôm sú, thẻ, các giống thủy sản đặc sản của địa phương như ba khía, cá thòi lòi, sò huyết. Nổi bật trong số đó là ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ tuần hoàn RAS vào nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tại Cà Mau.

Trên cây ăn quả, trang trại chuối của ông Võ Quan Huy, 69 tuổi, tiên phong áp dụng hệ thống cáp treo dài hơn 100 km để thu hoạch chuối. Hệ thống áp dụng tại 5 tỉnh có vùng trồng, tổng chi phí đầu tư hơn 20 tỷ đồng.

Theo chủ trang trại, trước khi có cáp treo, mỗi đợt thu hoạch, họ cần hàng chục công nhân khuân vác, sau đó dùng xe công nông chở chuối về xưởng sơ chế. Mùa mưa đường sá sình lầy khiến việc di chuyển khó khăn, tốn nhiều nhân công lẫn thời gian thu hoạch, chuối cũng bị trầy xướt vỏ khá nhiều. Từ khi có hệ thống cáp, trang trại tiết kiệm được khoảng 50% nhân công và thời gian.

Ông Huy học kinh nghiệm này sau chuyến tham quan trang trại chuối ở Philippines 6 năm trước. Tại đó, họ đầu tư hệ thống ròng rọc thu hoạch nên ông về nghiên cứu mô hình, cải tạo lại đôi chút cho phù hợp với điều kiện ở trang trại mình.

Để vận hành, một công nhân có nhiệm vụ kiểm tra các buồng chuối đạt tiêu chuẩn để đốn hạ. Những công nhân khác sẽ dùng tấm mút xốp lót trên vai để chuối không bị dập, sau đó vác chuối di chuyển từ 30 – 50 m đến hệ thống ròng rọc. Tại đây, một công nhân sẽ có nhiệm vụ móc các buồng chuối vào hệ thống. Khi đã đủ khoảng 50 buồng, một người vận hành máy nổ chạy bằng xăng kéo hệ thống di chuyển. Mất khoảng 40 phút để đưa chuối từ điểm xa nhất về đến xưởng sơ chế.

“30 km cáp treo tốn hơn 6 tỷ đồng nhưng vô cùng xứng đáng vì đã tạo ra một cuộc cách mạng. Từ khi có hệ thống cáp treo, lượng công nhân lẫn thời gian thu hoạch chuối giảm một nửa. Chất lượng trái cũng tốt hơn ít bị dập, trầy xướt”, ông Huy cho biết.

Nhờ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất với quy mô lớn, trong vòng 10 năm, từ trang trại ban đầu tại Long An 120 ha, hiện ông Huy đã mở rộng diện tích chuối lên 700 ha, sang Tây Ninh, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Mỗi năm, chuỗi trang trại thu hoạch khoảng hơn 20.000 tấn, xuất đi Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc.Hệ thống cáp treo để thu hoạch chuối tại trang trại chuối huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Ảnh: Hoàng Nam

Hệ thống cáp treo để thu hoạch chuối tại trang trại chuối huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Ảnh: Hoàng Nam

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN (gấp 1,5 lần Thái Lan), cà phê có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Brazil), năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Ấn Độ), cá tra với năng suất 500 tấn/ha cũng cao nhất thế giới.

Chủ trương cơ giới hóa nông nghiệp được nêu tại Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030, được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2022. Chiến lược định hướng phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất, lợi thế từng ngành hàng, vùng sản xuất nông nghiệp với các tổ chức sản xuất có quy mô lớn theo chuỗi giá trị nông sản.

Mục tiêu của Chiến lược đến năm 2030:

– Trồng trọt: Sản xuất cây trồng chủ lực đạt trên 90% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% năm 2030;

– Chăn nuôi: Sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt trên 80% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 60% năm 2030;

– Thủy sản: Cơ giới hóa sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt trên 70% năm 2025, đạt trên 90% năm 2030; đánh bắt, bảo quản trên tàu cá đạt 85% năm 2025 đạt trên 95% năm 2030.

– Lâm nghiệp: Các khâu làm đất, giống, trồng cây, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống cháy rừng, khai thác vận chuyển gỗ và lâm sản đạt trên 30% năm 2025, đạt trên 50% năm 2030.

– Diêm nghiệp: Cấp nước, tiêu nước, gom muối trên đồng và thu hoạch, vận chuyển muối đạt trên 70% năm 2025 và đạt trên 90% năm 2030.

Ngọc Tài – An Minh – Hoàng Nam/VnExpress

Điểm số đổi mới sáng tạo cấp địa phương được tính toán thế nào?

Tôi theo dõi bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) hai năm qua thấy có rất nhiều điểm thành phần, vậy việc tính toán dựa trên công thức nào? (Thành, Cao Bằng)

Trả lời: Việc xây dựng chỉ số PII tuân theo tiêu chuẩn 10 bước của Viện Nghiên cứu chung châu Âu (JRC) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế được đề cập đến trong “Tài liệu hướng dẫn về xây dựng một bộ chỉ số tổng hợp” (JRC/OECD, 2008).

Điểm số và kết quả PII 2024 được tính toán sử dụng phần mềm R-Studio và gói công cụ COINr do Viện Nghiên cứu chung châu Âu biên soạn (đây cũng là gói công cụ được WIPO áp dụng để tính toán chỉ số GII).Điểm số đổi mới sáng tạo cấp địa phương được tính toán thế nào?

Dữ liệu phục vụ xây dựng PII được thu thập ở cả hai nguồn trung ương và địa phương với cấu trúc 52 chỉ số thành phần. Trong đó dữ liệu từ các báo cáo, thống kê của các cơ quan trung ương: 20 chỉ số (38.5%); dữ liệu từ các bộ chỉ số khác: 11 chỉ số (21%); dữ liệu quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ: 8 chỉ số (15.5%); dữ liệu do địa phương cung cấp: 13 chỉ số (25%).

Trước khi kết quả được tính toán sẽ được kiểm tra mức độ khả dụng về mặt dữ liệu của các tỉnh/thành phố và đối với từng chỉ số. Để có thể được tính toán, một địa phương cần có dữ liệu ở mức tối thiểu là 75% số lượng các chỉ số thành phần (so với GII là 66%). Theo đó, các địa phương trong PII 2024 có mức độ khả dụng đều trên mức 75% và đáp ứng được yêu cầu dữ liệu. 03 địa phương có mức độ khả dụng dữ liệu thấp nhất là Quảng Ninh, Đắk Lắk, và Bình Dương với tỷ lệ là 96.15%.

Khung chỉ số PII được xây dựng theo nguyên lý của chỉ số GII nhằm đo lường kết quả đổi mới sáng tạo trên thực tế, cung cấp được bức tranh đầy đủ hơn, toàn diện hơn về hệ thống đổi mới sáng tạo, bao gồm các yếu tố đầu vào và đầu ra đổi mới sáng tạo. Cách tiếp cận này của GII cũng được áp dụng khi xây dựng PII.Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn (giữa) cùng lãnh đạo các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ (từ trái qua) thực hiện nghi thức công bố PII 2024 hôm 30/12. Ảnh:TTTT

Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn (giữa) cùng lãnh đạo các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ (từ trái qua) thực hiện nghi thức công bố PII 2024 hôm 30/12. Ảnh:TTTT

Các bước xây dựng PII 2024 được thực hiện theo đúng chuẩn mực quốc tế và theo quy trình đã triển khai thành công trong năm 2023. Trong đó, khung chỉ số PII 2024 được rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện trên cơ sở khuyến nghị của chuyên gia quốc tế độc lập do WIPO giới thiệu đánh giá kết quả PII 2023 và căn cứ trên hiện trạng dữ liệu, bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương ở Việt Nam. Một số điều chỉnh nhỏ về nguồn dữ liệu, cách tính toán chỉ số thành phần đã được thực hiện phù hợp thông lệ quốc tế và theo khuyến nghị của chuyên gia quốc tế độc lập mà không làm ảnh hưởng đến cấu trúc chung của khung chỉ số và phương pháp tính toán chung.

Thông tin về bảng xếp hạng PII năm 2024 tại đây.

Nguồn: Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Tổng Bí thư: ‘Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là con đường để bứt phá’

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các nhà khoa học thực hiện trách nhiệm, sứ mệnh của đội ngũ trí thức, nhà khoa học để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng, bứt phá vượt lên chính mình phấn đấu đứng đầu khu vực và top đầu thế giới.

Đề nghị được Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra trong buổi gặp gỡ đại biểu trí thức, nhà khoa học, sáng 30/12 tại Hà Nội.

Đề cao vai trò của đội ngũ tri thức, nhà khoa học trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, ông khẳng định trí thức và nhà khoa học luôn là lực lượng tiên phong trong việc khai sáng dân trí, xây dựng lý luận cách mạng và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn.Tổng Bí thư Tô Lâm tại hội nghị gặp gỡ các trí thức, nhà khoa học, sáng 30/12. Ảnh: Lưu Quý

Tổng Bí thư Tô Lâm tại hội nghị gặp gỡ các trí thức, nhà khoa học, sáng 30/12. Ảnh: Lưu Quý

Ông nhắc đến việc các kỹ sư Việt Nam thiết kế, chế tạo thành công nhiều chủng loại sản phẩm, thiết bị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, thay thế nhập khẩu với giá thành cạnh tranh, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm nhập khẩu. Đội ngũ trí thức ở các viện nghiên cứu, tập đoàn, doanh nghiệp cơ khí chế tạo đã có đủ năng lực làm tổng thầu các công trình lớn hàng tỷ USD. Một số lĩnh vực như ghép tạng, công nghệ tế bào gốc, y học hạt nhân, nội soi can thiệp, điện quang can thiệp, vắc-xin và sinh phẩm, Việt Nam đã ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới

“Ứng dụng công nghệ mới đã giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng giá trị sản xuất, đưa Việt Nam vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà phê, hạt tiêu, điều, cao su”, ông nói.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng đánh giá việc thực hiện sứ mệnh của đội ngũ trí thức, nhà khoa học “còn nhiều hạn chế so với kỳ vọng và đầu tư”.

Theo Tổng Bí thư, số công trình, sáng chế được công bố trên thế giới còn ít, chưa có nhiều sáng tạo, phát kiến mang tính bứt phá. Chưa nhiều các công trình sáng tạo lớn; chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ngang tầm khu vực và thế giới; hoạt động nghiên cứu khoa học còn chưa xuất phát, chưa đáp ứng yêu cầu nóng bỏng của thực tiễn của đời sống xã hội. Nhân tố tinh hoa và hiền tài chưa nhiều, chuyên gia đầu ngành còn thiếu hụt nghiêm trọng; đội ngũ kế cận chưa thực sự được quan tâm vun đắp, bồi dưỡng; đóng góp của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước còn khiêm tốn, chưa tương xứng.

Trước 200 đại biểu là các trí thức, nhà khoa học hội nghị, Tổng Bí thư đề nghị các nhà khoa học nỗ lực thực hiện cho được trách nhiệm, sứ mệnh của đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong giai đoạn mới nhằm đạt mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam là nước phát triển, có thu nhập cao.

“Trong đó, sớm phấn đấu đến năm 2030 phải có 100 phát minh, sáng chế, công trình khoa học trong bảng xếp hạng của khoa học thế giới”, ông nói. Ngoài ra, ít nhất ba tạp chí khoa học của Việt Nam đạt trình độ khu vực và trên thế giới.

Đến năm 2045, mục tiêu đặt ra là đội ngũ trí thức Việt Nam đứng đầu khu vực, thuộc top đầu thế giới; có hàng trăm nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực. Theo ông, các trí thức, nhà khoa học phải là lực lượng nòng cốt để đưa Việt Nam đứng vào nhóm ba nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo; nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các cường quốc công nghệ vào năm 2030.

Đến năm 2045 Việt Nam là một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; có hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các “đế chế công nghệ số”.Tổng Bí thư Tô Lâm và các nhà khoa học, trí thức dự Hội nghị. Ảnh: Baochinhphu.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các nhà khoa học, trí thức dự Hội nghị. Ảnh: Baochinhphu.

Theo Tổng Bí thư, Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị mới đây sẽ là động năng mới cho đội ngũ tri thức, nhà khoa học, đề nghị họ nghiên cứu, tập trung sớm triển khai. Tổng Bí thư cho biết trước tết sẽ tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết 57 này.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng đề nghị chính quyền các cấp, cần đổi mới mạnh mẽ đào tạo, tuyển chọn, sử dụng, trọng dụng trí thức, nhà khoa học, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

“Ngay trong nửa đầu năm 2025 sẽ rà soát, đánh giá, ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, ông nói.

Ngoài ra, Tổng Bí thư cũng đề nghị cần quan tâm giáo dục đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ giữa các trung tâm khoa học, các viện nghiên cứu, nhà trường với các doanh nghiệp và ngược lại.

Nhắc đến việc có nhà khoa học phải cắm sổ đỏ gia đình để phục vụ đam mê, ông cho rằng “phải có cơ chế hỗ trợ nhà khoa học, trí thức”, ngoài ra cũng “không thể để đề tài nghiên cứu trong ngăn tủ được”, mà cần chuyển giao cho doanh nghiệp, từ đó tăng nâng cao năng suất lao động.

Tại sự kiện, các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, trí tuệ nhân tạo, đến từ các trường đại học, doanh nghiệp, viện nghiên cứu cũng trình bày nhiều vấn đề còn tồn tại, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu, như các thủ tục, cơ chế khiến các nhà khoa học không có nhiều thời gian làm việc chuyên môn, họ cũng gặp khó về nguồn lực đầu tư, về việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Ngoài ra, nhiều đề xuất mới cũng được đưa ra để phát triển ngành khoa học công nghệ Việt Nam.

TS Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đề xuất nghiên cứu mô hình tổng công trình sư cho các dự án lớn, trong bối cảnh Việt Nam có nhiều dự án như đường sắt cao tốc Bắc Nam, điện hạt nhân.

Theo ông Quân, tổng công trình sư sẽ là các nhà khoa học có uy tín, có trình độ và có khả năng tập hợp những người giỏi nhất. Khi đó, họ có thể nhận nhiệm vụ từ Nhà nước, tập hợp những người giỏi nhất trong lĩnh vực đó để cùng làm, bao gồm cả những nhà khoa học trong nước và nước ngoài. “Từng bước, họ sẽ sáng tạo ra công nghệ của Việt Nam và sẽ làm được những dự án về công nghệ lớn. Như vậy nền khoa học công nghệ Việt Nam có vị trí trong bảng xếp hạng của thế giới”, ông Quân nói.

Lưu Quý/VnExpress

Việt Nam ứng dụng năng lượng hạt nhân hướng mục tiêu giảm phát thải CO2

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cho rằng năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng sạch, không phát thải khí nhà kính, là cơ hội lớn để Việt Nam phát triển, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Thông tin được Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nói tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam chiều 27/12. Theo Bộ trưởng, xu hướng toàn cầu ngày càng chú trọng đến năng lượng hạt nhân, được coi là nguồn năng lượng sạch, gần như không phát thải khí nhà kính. Việt Nam cũng hướng đến sử dụng nguồn năng lượng này thông qua việc tái khởi động Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân. “Đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển ngành năng lượng hạt nhân, góp phần đảm bảo năng lượng, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường”, Bộ trưởng nói.Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Minh

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Minh

Việt Nam đang có nhiều động thái đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử trong bối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng được Quốc hội cho phép tái khởi động, sau khi bị dừng vào năm 2016. Trong bối cảnh nhu cầu điện dự báo tăng trưởng 10-13% hàng năm, để đáp ứng mục tiêu GDP 6,5-7%, việc phát triển điện hạt nhân được coi là giải pháp chiến lược để bảo đảm an ninh năng lượng và đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam hiện đối mặt với nhiều thách thức về nguồn cung năng lượng bền vững, và điện hạt nhân được đánh giá là nguồn điện nền ổn định, góp phần quan trọng vào chuyển đổi năng lượng sạch.

Hai nhà máy điện hạt nhân mới sẽ được xây dựng tại Ninh Thuận, với yêu cầu khắt khe về an toàn và công nghệ hiện đại, do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện.

Để chuẩn bị cho việc này Chính phủ đã chỉ đạo bố trí nguồn lực phát triển, nghiên cứu sửa và bổ sung các luật liên quan trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử.

Theo đó Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, yêu cầu Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam chú trọng đào tạo nhân lực, đặc biệt là chuyên gia đầu ngành, đồng thời nội địa hóa thiết bị hạt nhân và tăng cường hợp tác quốc tế.

Theo TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới đã thúc đẩy các chương trình như Net Zero bằng năng lượng hạt nhân, biến đây thành giải pháp cốt lõi trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.TS Trần Chí Thành báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Nhật Minh

TS Trần Chí Thành báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Nhật Minh

Ông Thành cũng nêu nhiều kết quả ứng dụng công nghệ hạt nhân tại Việt Nam trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Theo đó năm 2024, Viện Nghiên cứu hạt nhân và Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội nghiên cứu thuốc phóng xạ sử dụng trong điều trị ung thư. Trong công nghiệp, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân tập trung phát triển kỹ thuật đánh dấu đơn giếng và thiết bị đo lường cho đường ống thép.

Trong lĩnh vực nông nghiệp Viện Nghiên cứu hạt nhân chế tạo sản phẩm nano phòng bệnh nấm, nghiên cứu tăng sinh khối rễ sâm Ngọc Linh. Trung tâm Vinagamma phát triển nano bạc – đồng bảo quản thực phẩm. “Các ứng dụng này góp phần đem lại doanh thu hơn 400 tỷ đồng cho Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam”, TS Thành cho biết.

Trong thời gian tới, ngành năng lượng nguyên tử sẽ triển khai Dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân, cùng với xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia. Ông Thành cho biết, đây là những bước đi quan trọng nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân an toàn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững của Việt Nam.

Nhật Minh/VnExpress

Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai chương trình NetZero vùng Đông Nam Bộ

Chương trình Khoa học và Công nghệ NetZero sẽ thực hiện các nghiên cứu, tìm giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon, hướng đến nền kinh tế xanh.

Tại hội thảo triển khai chương trình cho Vùng Đông Nam Bộ tổ chức ngày 28/12 tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết đây là Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia (KC.16/24-30) nhằm phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam. Chương trình này sẽ song hành cùng với các chương trình khác, thúc đẩy các giải pháp khoa học và công nghệ hướng tới công nghệ xanh. KC.16/24-30 được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (NetZero) vào năm 2050.

Bộ trưởng mong muốn Chương trình sẽ được cộng đồng doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học tại Vùng Đông Nam Bộ đón nhận. Từ đó có nhiều đề xuất nghiên cứu, tìm được giải pháp hiệu quả và thực tế nhằm triển khai thành công chương trình.Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội thảo ngày 28/12. Ảnh: TTTT

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội thảo ngày 28/12. Ảnh: TTTT

Chương trình đặt ra ba mục tiêu chính. Thứ nhất, khuyến khích các nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất hoàn thiện chính sách, tiêu chuẩn, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam.

Thứ hai, các nghiên cứu hướng đến đề xuất các mô hình và các giải pháp phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp; phối hợp tổ chức quốc tế, nhà khoa học Việt ở nước ngoài đề xuất các giải pháp công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Thứ ba, các đề tài tập trung nghiên cứu ứng dụng, giải mã, chuyển giao công nghệ; các giải pháp và kỹ thuật tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực, góp phần quản lý, kiểm kê phục vụ giảm phát thải khí nhà kính, phát triển công nghệ xanh, năng lượng mới, vật liệu mới… Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thu hồi, tận dụng và lưu trữ carbon. Điều này góp phần giảm tiêu thụ, chuyển dịch và chuyển đổi năng lượng.

Tại hội thảo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh kêu gọi các cơ quan, đơn vị chức năng, cùng các nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ sớm đề xuất triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu Net Zero. Ông cũng lưu ý các đơn vị chủ trì đề xuất xác định rõ lộ trình, nguồn lực và cách thức thực hiện để các kết quả nghiên cứu nhanh chóng đi vào thực tiễn.

Vũ Gia/VnExpress

‘Khám bệnh’ cho lúa bằng trí tuệ nhân tạo ở Bình Định

Nhóm nghiên cứu tại TMA Solutions phát triển hệ thống T-Pest tích hợp AI, IoT và hệ thống thông tin địa lý (GIS) để nhận diện được 7 loại bệnh và cảnh báo sâu hại lúa.

Sản phẩm được thực hiện từ đề tài “Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhận diện và cảnh báo một số sâu bệnh hại lúa trên địa bàn tỉnh Bình Định”. Hệ thống T-Pest, bao gồm máy thu thập dữ liệu côn trùng tự động và ứng dụng điện thoại nhận diện bệnh hại trên cây lúa.

Theo kỹ sư Trần Hoàn Anh Nguyên, Giám đốc Trung tâm Khoa học Dữ liệu, Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Tường Minh (TMA Solutions), với diện tích canh tác lớn và khí hậu đặc thù của miền Trung, tỉnh Bình Định thường phải đối mặt với các đợt sâu bệnh hại lúa bùng phát. Trước đây, nông dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và các phương pháp thủ công để nhận diện và xử lý, vừa tốn thời gian vừa thiếu chính xác. Việc sử dụng thông tin từ khí tượng để kết hợp và đưa ra dự báo về khả năng xuất hiện sâu bệnh hại không hiệu quả so với việc đặt thiết bị trực tiếp tại đồng ruộng.Máy T-Pest được đặt tại xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Ảnh: Thảo Chi

Máy T-Pest được đặt tại xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Ảnh: Thảo Chi

Hệ thống T-Pest hoạt động tự động, bao gồm camera độ phân giải cao, đèn UV và các cảm biến môi trường. Thiết bị thu hút côn trùng và ghi nhận hình ảnh. Tất cả dữ liệu thu thập được phân tích bởi mô hình AI cải tiến dựa trên YOLOv5-Ghost, giúp nhận diện và phân loại sâu bệnh chính xác.

Điểm nổi bật của hệ thống là khả năng hoạt động tự động 24/7, giúp ghi nhận và cảnh báo kịp thời về tình hình sâu bệnh. Toàn bộ dữ liệu được tích hợp trên nền tảng web quản lý, cho phép theo dõi diễn biến dịch hại theo thời gian thực và hiển thị trực quan trên bản đồ chuyên đề.

T-Pest hiện nhận diện được 7 loại bệnh (bạc lá, đạo ôn, đốm nâu, vàng lá sinh lý, khô vằn, lép hạt, đốm sọc vi khuẩn) và 8 loại côn trùng (rầy lưng trắng, rầy nâu, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, sâu năn (muỗi hành), rầy xanh đuôi đen, bọ xít đen, bọ xít mù xanh).Hình ảnh côn trùng được thu thập từ máy T-Pest. Ảnh chụp màn hình

Hình ảnh côn trùng được thu thập từ máy T-Pest. Ảnh chụp màn hình

Theo kỹ sư Nguyên, để triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã xây dựng cơ sở dữ liệu chi tiết về các loại sâu bệnh phổ biến trên đồng ruộng Bình Định. Dữ liệu được thu thập qua ảnh chụp từ điện thoại thông minh và hệ thống máy chuyên dụng. Toàn bộ hình ảnh được thu thập từ các cánh đồng lúa, sau đó gắn nhãn loại bệnh chính xác, có sự xác nhận của các chuyên gia.

Dựa vào cơ sở dữ liệu, nhóm thiết kế hệ thống T-Pest. Ngoài chức năng thu hút, nhận diện và phân loại tự động các loại bệnh trên lúa, hệ thống T-Pest còn có khả năng thu thập và biểu diễn dữ liệu về diện tích canh tác, thông tin giống lúa, thời vụ và sâu bệnh trên lúa. Đồng thời, cung cấp các giải pháp ứng phó từ cơ quan quản lý; bản đồ chuyên đề quản lý thiết bị và tình trạng sâu hại, bệnh trên lúa toàn khu vực. Toàn bộ dữ liệu được thu thập sẽ được gửi về máy chủ và quản lý trên trang web, cho phép người dùng theo dõi dữ liệu, nhận dự báo về sâu bệnh và quản lý thông tin thuận tiện.

Ông Nguyễn Quốc Dương, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, cải tiến mô hình YOLOv5 là bước đột phá quan trọng trong nghiên cứu nhằm phát triển một giải pháp có khả năng nhận diện bệnh và côn trùng gây hại trên lúa nhanh chóng, chính xác. Việc này giúp tinh gọn mô hình, giảm thiểu dung lượng và tài nguyên cần thiết mà vẫn duy trì hiệu suất cao. Cấu trúc cải tiến này không chỉ nâng cao độ chính xác mà còn đảm bảo khả năng triển khai linh hoạt trong điều kiện thực tế tại đồng ruộng, đóng vai trò cốt lõi trong việc tự động hóa giám sát sâu bệnh.

Qua thử nghiệm tại 5 điểm thuộc 3 xã: Cát Nhơn (Phù Cát), Phước Sơn và Phước Thuận (Tuy Phước), hệ thống đã thu thập được hơn 1.000 ảnh côn trùng. Kết quả cho thấy độ chính xác trong nhận diện các loại côn trùng và sâu bệnh nguy hiểm như Bọ xít đen, Bọ xít mù xanh, Rầy nâu đạt trên 80% trong điều kiện thực tế. Ngoài ra, ứng dụng nhận diện bệnh trên điện thoại di động cũng giúp nông dân dễ dàng tra cứu thông tin, nhận cảnh báo sớm và áp dụng giải pháp xử lý kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Chín, nông dân xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước chia sẻ: Máy T-Pest này giúp nông dân theo dõi ruộng lúa và phát hiện sâu bệnh dễ dàng mà không cần ra đồng thường xuyên. Tôi sẽ cảm thấy yên tâm hơn nếu có một công cụ tin cậy hỗ trợ trong việc chăm sóc cây trồng, mùa vụ.Các cơ quan chức năng kiểm tra khả năng hoạt động của máy T-Pest khi triển khai thực tế ngoài đồng ruộng. Ảnh: Thảo Chi

Các cơ quan chức năng kiểm tra khả năng hoạt động của máy T-Pest khi triển khai thực tế ngoài đồng ruộng. Ảnh: Thảo Chi

ThS Lê Hoài Lam, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Định đánh giá cao tính năng và hiệu quả của hệ thống. “Thời gian qua, chúng tôi đã sử dụng hệ thống này để tham khảo thông tin, giúp xác định giai đoạn sinh trưởng của sâu bệnh, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho nông dân”.

Tuy nhiên, theo ông Lam, hiện hệ thống mới thử nghiệm tại 3 xã và chỉ nhận diện được một số loại côn trùng. Để ứng dụng hiệu quả hơn, cần bổ sung thêm dữ liệu về các loại sâu bệnh và mở rộng vùng triển khai máy T-Pest.

Theo kỹ sư Nguyên, sau nghiệm thu, TMA Solutions sẽ tiến hành bàn giao công nghệ và hỗ trợ triển khai mở rộng mô hình này tại nhiều khu vực khác của tỉnh Bình Định, góp phần hiện đại hóa công tác phòng trừ sâu bệnh trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Với những kết quả đạt được, nghiên cứu hứa hẹn mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp 4.0 tại Bình Định.

Thảo Chi/VnExpress