“Không nên ràng buộc nhà khoa học trẻ bằng quy định hành chính”

Một trong những điểm nhấn nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2015 là tạo động lực cho các nhà khoa học trẻ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển. Đây được xem là một trong những lực lượng quan trọng thúc đẩy nền kinh tế dựa trên khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản để các nhà khoa học trẻ, các startup thực sự phát huy trí tuệ, bản lĩnh của mình để khởi nghiệp thành công. Nhân dịp năm mới Bính Thân 2016, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã chia sẻ về vấn đề này.
 
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân mong muốn tinh thần khởi nghiệp năm Bính Thân sẽ mạnh mẽ. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
– Thưa Bộ trưởng, sự kiện Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức buổi gặp mặt giữa Thủ tướng Chính phủ và các nhà khoa học trẻ đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi của dư luận trong năm vừa qua, tạo động lực cho các nhà khoa học trẻ đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Thế nhưng, thực tế vẫn còn nhiều nhà khoa học trẻ đi học và ở lại nước ngoài làm việc. Nguyên nhân là do đâu và Bộ sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Lý do nhiều nhà khoa học không muốn quay về không phải vì ngành khoa học công nghệ trong nước không có cơ hội, mà vấn đề ở môi trường làm việc và chính sách đãi ngộ.
 
Nếu như các nhà khoa học về Việt Nam, làm việc tại một viện có cơ sở vật chất nghèo nàn, đồng nghiệp không cùng chí hướng, tư duy, thu nhập thấp, không có chế độ chăm lo để nhà khoa học dành tối đa thời gian cho hoạt động nghiên cứu thì họ sẽ không về nước.
 
Bởi thế, chúng tôi đã đặt ra mục tiêu năm 2016 phải cố gắng đưa vào thí điểm một viện nghiên cứu mà nơi đó có môi trường tốt nhất, không bằng thì cũng gần bằng những cơ sở nghiên cứu của nước ngoài để xem với môi trường như thế, các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài có về không?
 
Trước đây, chúng ta đã từng xây dựng Viện Toán cao cấp và mời Giáo sư Ngô Bảo Châu làm đồng viện trưởng, nhưng giáo sư cũng chỉ về mấy tháng mỗi năm. Mặc dù ở đó chế độ đã cao hơn các viện khác, nhưng vẫn còn rất thấp so với nhu cầu và mức mà các nhà khoa học của chúng ta ở nước ngoài đang được hưởng. Bởi thế, nhà khoa học cảm thấy về đây không thể làm hết được năng lực của mình, không tạo ra những sản phẩm khoa học xứng đáng…
 
Chính vì thế, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST) là một mẫu thí điểm, ở đấy chúng ta cũng thí điểm áp dụng cơ chế quản lý tương tự của viện KIST (Hàn Quốc) phù hợp với thông lệ quốc tế. Khi đó, các nhà khoa học sẽ thấy đủ điều kiện để họ trở về… 
 
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ các đại biểu. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
 
Tuy nhiên, hiện có một cản trở là quy chế tài chính của V-KIST vẫn chưa được ban hành. Một số người cứ nói rằng tại sao ở V-KIST lại phải có chế độ lương bổng, chế độ khác cao thế và đề nghị chỉ nên áp dụng theo quy định hiện hành…
 
Quan điểm của tôi là nếu chỉ theo quy định hiện hành thì không cần V-KIST làm gì. Bởi hiện nay chúng ta đang có hàng trăm viện của nhà nước hoạt động theo cái gọi là cơ chế hiện hành và hiệu quả của chúng đến đâu thì chúng ta đều biết… Về phía mình, chúng tôi mong muốn có một viện nghiên cứu với cơ chế đặc thù, ở đó cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ có thể không được như nước ngoài nhưng cũng tương đương và trước mắt làm sao thu hút được những người giỏi nhất của chúng ta ở cả trong nước và nước ngoài cống hiến cho đất nước.
 
– Gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ có đóng góp nhiều vào việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Đây có vẻ là vấn đề còn mới ở Việt Nam, thưa Bộ trưởng?
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Hệ sinh thái khởi nghiệp mới được nói đến nhiều trong 1 năm trở lại đây nhưng chúng ta chưa có khái niệm về hệ sinh thái khởi nghiệp. Thậm chí đến nay cũng không có khái niệm về đầu tư mạo hiểm – thành tố quan trọng nhất của hệ sinh thái khởi nghiệp. Ngay cả những người làm về tài chính ở Việt Nam cũng ít có khái niệm về đầu tư mạo hiểm. Đó là điều rất bất cập vì xung quanh chúng ta là những quốc gia làm khởi nghiệp, họ đã quan tâm và phát triển đầu tư mạo hiểm từ mấy chục năm nay và họ đã thành công. 
 
Khi làm Luật Công nghệ cao năm 2008, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa vào quy định sớm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao. Tuy nhiên, tới nay vẫn trầy trật không làm được quỹ này, bởi chẳng có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định, làm cho ai cũng sợ sẽ vướng vào pháp luật nếu không may thất bại trong các dự án đầu tư cho khoa học và công nghệ…
 
Nhiều người cho rằng, quỹ đầu tư mạo hiểm để tư nhân làm chứ nhà nước không nên tham gia. Thế nhưng, nếu nhà nước không tham gia thì tư nhân nào dám làm khi không có khuôn khổ pháp lý để bảo vệ? Bỏ một núi tiền vào đó, đến lúc có chuyện rủi ro ai bảo vệ họ khỏi tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “cố ý làm trái quy định.” Khi thành công sau bao nhiêu thất bại thì ai chấp nhận lợi nhuận khổng lồ của khoản đầu tư mạo hiểm sẽ là thu nhập chính đáng và hợp pháp?
 
Ở các quốc gia, kể cả Hoa Kỳ – nơi sản sinh ra đầu tư mạo hiểm – ban đầu Nhà nước cũng phải tham gia, làm mẫu để hình thành luật pháp, chính sách, sau đó tư nhân mới yên tâm làm theo, và bây giờ chủ yếu là tư nhân làm đầu tư mạo hiểm…
 
Cách đây 3 năm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm một đề án nghiên cứu cấp bộ có tên “Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon.” Trong đó thí điểm làm mô hình nhỏ để nghiên cứu xem bản chất đầu tư mạo hiểm là cái gì? Vận hành thế nào và thành công của nó ra sao?
 
Với đề án này, chúng tôi chỉ hỗ trợ một ít kinh phí giúp đề án mời chuyên gia đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước, kêu gọi các nhóm nghiên cứu trẻ có triển vọng, có ý chí muốn khởi nghiệp tham gia… 
 
Đến nay, trong số 9 nhóm khởi nghiệp ban đầu đã có 3 nhóm khởi nghiệp được các nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận đầu tư. Mặc dù họ chỉ được tài trợ 5.000 – 10.000 USD từ đề án này nhưng khi hoàn thiện công nghệ và chào bán ý tưởng của họ, có đề án đã được các nhà đầu tư nước ngoài định giá tới 2 triệu USD.
 
– Cuối 2015, hình ảnh startup Nguyễn Hà Đông ngồi với CEO của gã khổng lồ Google tại Việt Nam tràn lan trên các mạng xã hội. Trước thềm xuân mới, Bộ trưởng có nhắn nhủ gì với các startup Việt Nam?
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Tôi rất kỳ vọng vào giới trẻ Việt Nam, bởi vì trong những năm qua, họ đã chứng tỏ được bản lĩnh, năng lực sáng tạo. Những người như Nguyễn Hà Đông là một ví dụ rất điển hình, họ không cần có đề tài dự án cấp nhà nước nhưng khởi nghiệp rất thành công…
 
Nhiều người cứ nói rằng, phải là những nhà khoa học có bằng cấp cao, phải chủ nhiệm rất nhiều đề tài dự án này kia thì mới có thể thành công. Nhưng, tôi tin giới trẻ có thể thành công trong những điều kiện chúng ta không thể ngờ được và thực tế trong lịch sử, có nhiều trường hợp như vậy.
 
Tôi cũng cho rằng đối với thế hệ trẻ, cái họ cần nhất là tự do sáng tạo. Với những người làm khoa học nói chung, chúng ta đừng rằng buộc họ bởi những quy định rất hành chính. Chắc chắn Nguyễn Hà Đông phải mất nhiều đêm để làm Flappy Bird, đã thất bại hàng trăm lần mới thành công, mà không phải do viện nào giao nhiệm vụ, cũng không phải cứ đến cơ quan đúng giờ…
 
 
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
 
Làm khoa học cần sự đam mê và ý tưởng, và người ta dành toàn bộ thời gian, sức lực, tiền bạc vào việc đó, theo đuổi đến cùng, có thể thất bại và phải chấp nhận văn hóa thất bại. Nhiều cán bộ khoa học trẻ nói rằng, nếu chúng ta không có văn hóa thất bại sẽ không ai có thể thành công. Ngay cả Hoa Kỳ, chỉ có khoảng 20% các đề tài nghiên cứu thành công và được ứng dụng, còn một số đề tài khác cũng thành công nhưng mà chưa ứng dụng được và chắc chắn có rất nhiều đề tài thất bại. Cho nên chúng ta cần chấp nhận văn hoá thất bại trong khoa học. Ngay ở Việt Nam, người xưa đã từng có câu “thất bại là mẹ thành công” để khuyên mọi người chấp nhận văn hóa thất bại và đừng nản lòng khi thất bại.
 
– Thưa Bộ trưởng, mục tiêu trong năm 2016 của ngành khoa học và công nghệ sẽ là gì?
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Thứ nhất là làm sao đưa được Luật Khoa học công nghệ vào cuộc sống thông qua các Nghị định, Thông tư. Điều này đòi hỏi có sự đổi mới tư duy của cả hệ thống và đồng thuận cao của các cơ quan quản lý, nhất là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính.
 
Mong muồn thứ 2 của tôi là tinh thần khởi nghiệp năm nay phải mạnh mẽ, để 5-10 năm sau chúng ta có thể trở thành 1 quốc gia khởi nghiệp… Năm 2015, chúng ta đã có 1 chút kinh nghiệm về hệ sinh thái khởi nghiệp, nếu năm 2016 bắt đầu khởi động được tư duy khởi nghiệp thì hi vọng 5-10 năm tới, chúng ta sẽ có trào lưu khởi nghiệp mới thành công và phát triển mạnh.
 
Thứ ba là chúng tôi mong muốn hệ thống chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ có hiệu quả hơn, giữ vững và phát triển thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới.
 
– Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng! 
 
Nguồn:  VietnamPlus, TTXVN

FameLab 2016 – Tấm vé đến Anh dành cho Đại sứ Truyền thông Khoa học

FameLab 2016 – cuộc thi thuyết trình sáng tạo về khoa học vừa chính thức được khởi động. Người chiến thắng sẽ giành tấm vé đại diện Việt Nam dự chung kết FameLab toàn cầu tại Vương quốc Anh vào tháng 06/2016 . Hạn chót nhận bài dự thi vòng loại là 17h ngày 29/02.
 
FameLab 2016 do Hội đồng Anh, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức. Đối tượng của cuộc thi là cá cá nhân, nhà khoa học, kỹ sư, giảng viên, giáo viên và nhà báo.
 
 
Thí sinh Vũ Danh Việt, Khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã giành chiến thắng trong lần đầu tiên FameLab được tổ chức tại Việt Nam năm 2015.
Hồ sơ vòng loại bao gồm đơn đăng ký online trên website của chương trình (https://www.britishcouncil.vn/famelab), một video clip thuyết trình trong thời gian tối đa 3 phút về kết quả nghiên cứu khoa học mà bản thân thí sinh trực tiếp tham gia hoặc quan tâm tìm hiểu với tiêu chí: cụ thể, dễ hiểu và hấp dẫn. Ngôn ngữ trình bày có thể bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt, tuy nhiên, các thí sinh được khuyến khích sử dụng tiếng Anh. 
 
Những ai quan tâm đến cuộc thi FameLab 2016 có thể xem chung kết cuộc thi FameLab Việt Nam 2015 tại đường link sau http://bit.ly/1RKb4xV 
 
FameLab được khởi động từ năm 2005 tại Vương quốc Anh trong Liên hoan Khoa học Cheltenham Science Festival. Tới nay, FameLab đã thu hút hơn 7.000 nhà khoa học, kỹ sư trẻ và những người yêu khoa học tại hơn 30 quốc gia. Tại Mỹ, Hội đồng Anh hợp tác cùng Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) đồng tài trợ để tổ chức cuộc thi này dành cho nhà khoa học, người nghiên cứu và sinh viên trong lĩnh vực khoa học hành tinh. 
 
 
Cuộc thi FameLab 2015
 
FameLab đã trở thành mô hình thành công tiêu biểu để đào tạo và hướng dẫn các cá nhân, nhà khoa học, kỹ sư, giảng viên về cách thức kết nối để công chúng hiểu hơn về những đề tài khoa học rất giá trị, bổ ích nhưng không phải lúc nào cũng dễ hiểu. 
 
Các thí sinh tham gia vòng chung kết tại Việt Nam sẽ được chuyên gia của Hội đồng Anh tư vấn, huấn luyện về nội dung, kỹ năng và phương pháp trình bày. Vòng chung kết FameLab 2016 dự kiến diễn ra từ ngày 20 đến 22 tháng Tư tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum, Đại học Quốc gia Hà Nội,19 Lê Thánh Tông, Hà Nội.
Tin, ảnh: Phương Nga

Làm gì để biến trẻ em Việt thành công dân toàn cầu?

“Muốn tạo ra một công dân toàn cầu, trước hết hãy giúp con nghĩ như bạn bè cùng trang lứa ở các nước trên thế giới” – đó là quan điểm của ông Nguyễn Tuấn Hải – người sáng lập trường Eton Grammar School.
Làm thế nào để trẻ em Việt Nam nhanh chóng hội nhập và làm chủ cuộc chơi khi bước vào tuổi trưởng thành và bước luôn vào một thế giới phẳng và thẳng, đầy cơ hội nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt? Đó đang là một thách thức lớn đối với nền giáo dục Việt Nam.
 
 
Các học sinh trong giờ thảo luận của môn tiếng Anh. Ảnh: Loan Lê
Phải có cảm xúc, tư duy của công dân toàn cầu
 
Sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN cuối năm 2015 đã tạo điều kiện cho công dân ASEAN làm việc ở các nước thành viên. Bên cạnh đó, sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới khiến nền giáo dục đứng trước áp lực phải đào tạo được những công dân trẻ đủ trình độ cạnh tranh và thích nghi.
 
Bàn về tính cấp thiết của việc đào tạo công dân toàn cầu, ông Nguyễn Tuấn Hải cho rằng: “Nếu không được chuẩn bị, thế hệ tương lai của Việt Nam sẽ chỉ là lao động đi làm thuê nhưng ở cấp thấp”.
 
Vậy cần chuẩn bị hành trang gì cho trẻ em Việt bước ra thế giới?
 
Ông Hải bày tỏ quan điểm: “Ngoài tri thức, cần xác định công cụ ngôn ngữ là điều đầu tiên. Tiếp theo đó, trẻ và người định hướng phải biết nhận định vấn đề dưới góc nhìn toàn cầu chứ không chỉ trong phạm vi một nước. Các em cũng cần kết nối với thế giới để giao lưu với bạn bè nước ngoài, tạo được kết nối cá nhân, hỗ trợ cho sự phát triển của mình trong tương lai. Chúng ta cần trang bị cho các em kỹ năng, phương pháp, cách tư duy và cảm xúc của một công dân toàn cầu” .
 
Còn theo ông Đỗ Hoàng Sơn – Giám đốc Công ty cổ phần văn hóa và giáo dục Long Minh, công dân toàn cầu phải hội tụ 5 kỹ năng cơ bản: Kỹ năng đọc, STEM (học và hành các kiến thức về khoa học, kỹ thuật, tiếng Anh và Toán), có ngoại ngữ (tiếng Anh), có trình độ công nghệ thông tin và có kỹ năng đối thoại, trong đó bao gồm cả kỹ năng làm việc nhóm.
 
 
Các em học sinh hăng hái trong giờ học toán của thầy giáo nước ngoài. Ảnh: Loan Lê
 
Muốn con giỏi, phải “đào tạo” phụ huynh
 
Bàn về vai trò của gia đình trong việc tạo ra một thế hệ kế tiếp có thể bước ra thế giới, các chuyên gia về giáo dục đều cho rằng có một số vấn đề hiện nay nhà trường, xã hội chưa làm tốt được mà cần phải có sự góp sức của phụ huynh. Cha mẹ là người có vai trò vô cùng lớn trong việc giáo dục phẩm chất cho con bởi ở một nước Á Đông như Việt Nam, nền tảng gia đình rất được coi trọng.
 
 
Để trở thành công dân toàn cầu, trẻ cần trang bị cả kiến thức và kỹ năng.
 
Trẻ cần được dạy về ý thức cá nhân, có thái độ văn minh trong ứng xử và không trung thực là một tội lớn… “Muốn làm được những điều này, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc thay đổi từ cha mẹ, giúp họ đổi mới trong cách tiếp cận với giáo dục để họ hiểu rằng ngoài vấn đề học thuật, họ cần xây dựng nhân cách cho con. Muốn tạo ra một công dân toàn cầu, trước hết hãy giúp con nghĩ như bạn bè cùng trang lứa ở các nước trên thế giới” – ông Tuấn Hải nói.
 
Cảm xúc toàn cầu cũng là điều mà ông Đỗ Hoàng Sơn coi trọng và theo ông, có thể giúp hình thành nó bằng việc khuyến đọc: “Đọc sách nhiều sẽ giúp học sinh có cái nhìn rộng mở về thế giới, tăng cường được nhiều bài học nhân văn mang tính đa dạng toàn cầu”. Theo ông Sơn, những bài học này sẽ dần ngấm, góp phần định hình nhân cách cho các em. Đó là chưa kể, sách giúp giáo dục kỹ năng cho trẻ – điều tối quan trọng khi vươn ra toàn cầu.
 
“Trước đây, học sinh, sinh viên của chúng ta chỉ học trong sách giáo khoa. Điều này đã khoanh vùng giới hạn học, hạn chế năng lực tự học và còn nguy hại ở chỗ nó khiến các em thiếu kỹ năng, trở nên lạc hậu so với chúng bạn ở các quốc gia khác” – ông Sơn nói.
 
Việc thành lập Cộng đồng ASEAN sẽ khiến cho sự cạnh tranh việc làm ngay tại Việt Nam sẽ trở nên vô cùng khốc liệt. Thế hệ trẻ ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore có những kỹ năng làm việc rất tốt, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Theo ông Sơn, nếu nhà tuyển dụng đặt lên bàn cân một bên là lao động nước ngoài có trình độ cao, kỹ năng tốt, có thể vận hành các máy móc hiện đại và một bên là lao động trong nước trình độ thấp, thiếu kỹ năng thì việc họ chọn ai là điều dễ đoán. “Vậy nên, nếu không tự hoàn thiện mình thì chúng ta dễ dàng thất nghiệp ngay trên sân nhà” – ông Đỗ Hoàng Sơn nói.
Hiền Thảo

Hà Nội tưng bừng Phố Sách từ mồng 3 Tết

(Thethaovanhoa.vn) – Phố Sách Xuân Bính Thân sẽ được mở tại phố Lê Thạch gần hồ Hoàn Kiếm từ 10 đến 15/2 (tức từ 3 đến 8/1 Âm lịch), cho người dân thủ đô một không gian vui chơi đậm tính văn hóa trong những ngày đầu năm.
 
Ngày Tết dạo phố sách Hà Nội
Chuỗi sự kiện sẽ khai mạc vào 9h30 ngày 10/2 (mồng 3 Tết) tại sân Lầu bát giác, phía sau tượng đài Lý Thái Tổ.
 
Phố Sách được Hà Nội mở ra nhằm tạo không gian văn hóa đọc cho nhân dân Thủ đô trong dịp Tết cổ truyền, tôn vinh văn hoá đọc. Phố quy tụ 20 gian hàng sách từ các đơn vị làm sách tư nhân như Nhã Nam, Thái Hà, Long Minh, Đinh Tị, Panda… 
 
 
Phố Lê Thạch, nơi diễn ra Phố Sách

 

Trong đó, Nhã Nam và Thái Hà là 2 đơn vị tổ chức nhiều chương trình giao lưu giữa tác giả và độc giả. Đó là các cuộc trò chuyện, viết Thư pháp Việt, hướng dẫn cách pha trà và thưởng trà, đọc sách, tô màu sách lịch sử, vẽ tranh thiếu nhi, chương trình Thơ Xuân, biểu diễn nghệ thuật gấp giấy Origami và đặc biệt là đêm nhạc Valentine.
 
Phố Sách sẽ có phần trưng bày sách với hai chủ đề “Mừng Đảng – Mừng Xuân” và “Thăng Long – Hà Nội”. 
 
 
Đường sách Nguyễn Văn Bình ở TP HCM
 
Lịch hoạt động tại Phố Sách Xuân Bính Thân 2016:
 
10/2 (Mồng 3 Tết):     
 
14h: Giao lưu với chủ đề “Happy book – Hạnh phúc mỗi ngày” với TS Nguyễn Mạnh Hùng
Cả ngày: Chương trình hướng dẫn gấp giấy Origami của TS Chu Cẩm Thơ
 
11/2 (Mồng 4 Tết):
 
9h30: Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho chữ thư pháp và ký tặng sách, cùng hoạt động biểu diễn nghệ thuật ca trù
 
12/2 (Mồng 5 Tết):
 
15h00: Chương trình Thơ Xuân 
 
13/2 (Mồng 6 Tết):
 
9h30: Chương trình Thả thơ của nhà thơ Lu và Nhã Thuyên
14h: Giao lưu “Tròn một vòng yêu thương” của chị Phan Thị Hồ Điệp, mẹ của dịch giả Đỗ Nhật Nam
 
14/2 (Mồng 7 Tết):
 
9h: Uống trà và trò chuyện với tác giả Đặng Hoàng Giang của cuốn Bức xúc không làm ta vô can
14h: Giao lưu “Nghệ thuật chế tác hạnh phúc qua chén trà Việt” của nghệ nhân Hoàng Anh Sướng
20h: Đêm nhạc Valentine
 
Nha Đam
 

Sinh viên vẫn chuộng đọc sách in hơn sách điện tử

TTO – Thế giới ngày nay có thể đang ngày càng “số hóa”, song có một địa hạt vẫn đủ sức chống chọi để giữ bản sắc và đó chính là thói quen đọc sách in.
 
 
92% số sinh viên được khảo sát khẳng định rằng việc đọc sách sẽ tập trung hơn khi họ đọc với sách in – Ảnh: Mashable
Trong một khảo cứu gần đây do giáo sư Naomi Baron thuộc chuyên ngành ngôn ngữ học của Đại học American University tiến hành đã có kết luận rằng đa số sinh viên, những người được cho là bắt nhịp rất nhanh các xu hướng của nhịp sống hiện đại, vẫn ưa chuộng đọc sách in với bìa và giấy truyền thống hơn là các tập tin e-book (sách điện tử) trên các thiết bị di động đối với các đề tài và nội dung mang tính nghiêm túc.
 
Để thực hiện khảo cứu, giáo sư Baron đã tiếp xúc với hơn 300 sinh viên đại học đến từ các quốc gia gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức và Slovakia để thăm dò các sở thích đọc sách của họ.
 
Khi nêu ra hai lựa chọn giữa đọc sách truyền thống và đọc sách điện tử trên các thiết bị di động, 92% số sinh viên khẳng định rằng việc đọc sách sẽ tập trung hơn khi họ đọc với sách in.
 
"Có hai lý do lớn khiến sách in thắng thế: đầu tiên là việc dùng thiết bị điện tử dễ gây phân tâm, chuyển hướng sang các hoạt động lan man khác trên máy thay vì chăm chú đọc" – giáo sư Baron cho trang tin New Republic biết. "Lý do thứ hai là tình trạng mỏi mắt, đau đầu kèm theo các cảm giác không thoải mái khác khi một người nào đó dán mắt quá lâu vào màn hình điện tử".
 
Việc dùng thiết bị điện tử dễ gây phân tâm, chuyển hướng sang các hoạt động lan man khác trên máy thay vì chăm chú đọc
Ngoài ra, những trải nghiệm về xúc giác và khứu giác cũng là nhân tố quan trọng hình thành nên tình yêu đọc sách in.
 
"Khi hỏi các sinh viên người Slovakia về điều gì mà họ cảm thấy thích nhất khi đọc sách truyền thống, thì cứ mười người sẽ có một mô tả về mùi giấy in, những cảm xúc gợi nhớ khó tả khi lần giở từng trang sách" – giáo sư Baron cho biết.
 
Tuy nhiên, đối với các phiên đọc hiểu ngắn thì nhóm khảo cứu của giáo sư Baron nhận thấy không có nhiều khác biệt giữa các phương tiện cung cấp nội dung.
 
HOÀI CHI (Theo Mashable)

Giáo dục STEM: Kinh nghiệm từ Vương Quốc Anh

Ngày 22/1 vừa qua, Hội Đồng Anh đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về “Vai trò của nhà nước và các tổ chức cá nhân có liên quan trong việc xây dựng chiến lược phát triển giáo dục STEM”. Trong đó, khách mời của chương trình – Ông Mark Windale đã chia sẻ kinh nghiệm của mình rút ra từ 18 năm nghiên cứu về giáo dục khoa học tại Đại học Sheffield Halam và tham gia các dự án thay đổi chương trình học theo hướng tích hợp cho giáo viên và học sinh ở các nước Đông Nam Á.
 
 
Ông Mark Windale
 
Một trong những thắc mắc của nhiều người, theo Mark, đó là trong S-T-E-M, Kỹ thuật không phải là một môn học, vậy thì dạy STEM như thế nào? Theo ông, Kỹ thuật không nhất thiết phải là một môn trong nhà trường mà được đưa vào giáo dục STEM thông qua cách học sinh giải quyết vấn đề mà giáo viên đưa ra. Nói cách khác, Kỹ thuật không hẳn là một hệ thống lý thuyết và kỹ năng cần ghi nhớ mà chính là tình huống, vấn đề mà học sinh giải quyết.
 
 
Hiện nay ở Việt Nam, giáo dục STEM mới chỉ dừng lại ở mức phong trào. Theo Mark Windale, cần một chương trình cấp quốc gia, xác định rõ và cụ thể mục tiêu của đất nước khi triển khai giáo dục STEM. Từ đó, phân công nhiệm vụ cho các bên liên quan bao gồm: Các tổ chức nghiên cứu sẽ xác định nhu cầu về kỹ năng, năng lực và các lĩnh vực STEM phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội quốc gia; Chính phủ xây dựng chương trình STEM quốc gia, xây dựng tầm nhìn và mục tiêu của giáo dục STEM; Các trung tâm Giáo dục STEM tham gia liên kết với các trường học, phát triển chương trình và các nguồn lực để đào tạo và phát triển chuyên môn cho giáo viên khoa học giảng dạy tại các trường phổ thông; Các phòng thí nghiệm quốc gia cung cấp cơ sở vật chất, các viện nghiên cứu giới thiệu những nhà khoa học để làm đại sứ STEM…
 
Ở Anh, giáo dục STEM được đưa thành một chương trình quốc gia với mục tiêu tạo ra nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học chất lượng hơn nữa, gọi là Chương trình Hành động 11 bao gồm bốn nội dung là: (1) Tuyển dụng và đào tạo giáo viên giảng dạy STEM. Theo đó, dạy tích hợp không phải là một giáo viên dạy nhiều môn một lúc (bản thân Vương Quốc Anh cũng thất bại khi cố gắng thực hiện điều này) mà các giáo viên dạy các môn khác nhau phải hợp tác, cùng xây dựng bài giảng để học sinh có thể vận dụng kiến thức và kỹ năng của nhiều môn để giải quyết một vấn đề. Vì vậy, cần đào tạo giáo viên theo nhóm hoặc theo cặp. (2) Nâng cao trình độ nghiệp vụ của giáo viên. Qua nhiều năm làm việc với các giáo viên khoa học phổ thông ở nhiều nước trên thế giới về việc thay đổi giáo trình và sách giáo khoa sang học tích hợp, Mark Windale phân loại trình độ của giáo viên thành bốn cấp: Thứ nhất là thử (try things out) làm một vài thí nghiệm khoa học nhỏ trình diễn cho học sinh; Thứ hai là tham gia một dự án khoa học (engaging in projects) dài hơi hơn, thu hút các giáo viên và học sinh cùng thực hiện; Thứ ba là xây dựng một lớp học STEM giống như câu lạc bộ với các hoạt động khoa học thường xuyên; Thứ tư là các giáo viên dạy các môn khác nhau cùng viết giáo trình cho từng môn học để học sinh có thể trải nghiệm STEM ở bất cứ môn nào. (3) Thúc đẩy phong trào giáo dục STEM bằng các hoạt động như câu lạc bộ, ngày hội, đại sứ STEM, ngày tham quan các phòng thí nghiệm, nhà máy… (4) Phát triển cơ sở vật chất hỗ trợ cho việc dạy và học. Điều này không chỉ cần đầu tư từ ngân sách nhà nước mà còn từ phía khu vực tư nhân. Ở Anh, các tập đoàn tư nhân lớn đầu tư hơn tám triệu USD cho chương trình giáo dục STEM quốc gia.
 
Điều quan trọng nhất mà Mark Windale nhấn mạnh nhiều lần, đó là phải liên tục nâng cao trình độ nghiệp vụ của giáo viên, Ông cho rằng, phải biết cần hỗ trợ và cung cấp cho họ những nguồn lực nào và công cụ gì để họ có thể sử dụng hiệu quả cho chuyên môn của mình. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần xác định được trình độ mặt bằng chung của giáo viên để có thể thiết kế dữ liệu, nguồn lực hỗ trợ một cách hiệu quả nhất.
 
Trong buổi thảo luận bàn tròn còn có Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT Vũ Đình Chuẩn, đại diện các trường phổ thông và các tổ chức xã hội đang thúc đẩy giáo dục STEM tham dự, đưa ra những khó khăn vướng mắc hiện tại. Trong đó, đại diện của trường phổ thông Wellspring cho biết, anh đang triển khai giáo dục STEM giáo dục STEM ở trường nhưng gặp khó khăn là nội dung của chương trình này lại trùng với nội dung chính khóa. Mark Windale gợi ý rằng, không nên tách biệt việc dạy STEM và dạy chính khóa mà phải biết lồng ghép những trải nghiệm STEM vào việc giảng dạy chương trình sách giáo khoa. Giáo viên các bộ môn khác nhau cần hợp tác để xây dựng giáo án.
 
Là đơn vị tổ chức ngày hội STEM tại Hà Nội vào 5/2015 và tại Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 16-17/1 vừa qua, đại diện tạp chí Tia Sáng cũng chia sẻ khó khăn của mình trong việc tổ chức ngày hội lớn đó là chi phí tổ chức tương đối lớn nhưng khoản đóng góp từ phụ huynh chỉ chiếm 1/20 và nguồn tài trợ chủ yếu là từ các doanh nghiệp có mối quan hệ thân thiết với ban tổ chức, tuy nhiên, nguồn tài trợ này lại không bền vững. Mark cho biết, theo kinh nghiệm của ông tại Thái Lan, ngày hội STEM nên tổ chức tại các trường phổ thông và hoàn toàn có thể thực hiện với chi phí rất rẻ. Ông cho rằng, mấu chốt để thực hiện điều này là phải tìm cách huy động được lực lượng giáo viên và học sinh, tạo cho họ tinh thần làm chủ dự án, sở hữu dự án để phát huy tối đa sức sáng tạo từ nguồn lực, địa điểm và mối quan hệ sẵn có.
 
Hảo Linh
 

Sinh viên Việt chế máy in chữ nổi Braille cho người khiếm thị

3 chàng sinh viên Hồ Hoàng Huy, Nguyễn Văn Bắc và Đỗ Minh Tuyển, đến từ khoa Cơ điện tử, ĐH công nghiệp TP.HCM đã thành công trong việc chế ra máy in chữ nổi Braille cho người khiếm thị.
Hoàng Huy, trưởng nhóm nghiên cứu nhớ lại, vào năm thứ hai đại học, trong lần xem một phóng sự trên truyền hình nói về nhiều người khiếm thị rất khó khăn trong việc viết chữ nổi, sách cho người khiếm thị lại rất hạn chế, Huy đã ấp ủ mong muốn chế tạo một thiết bị chuyển đổi từ chữ thường sang chữ Braille cho người khiếm thị.
 
 
Nguyễn Văn Bắc – thành viên nhóm nghiên cứu đang vận hành thử nghiệm máy. Ảnh: Hà Thế An.
“Giá một bộ sách chữ nổi có thể dao động từ 10 đến 20 triệu nên hầu như không em học sinh nào được sở hữu riêng một bộ sách, số lượng sách rất hạn chế, việc học trở nên vô cùng khó khăn khi không có sách” – Huy kể.
 
Thiếu sách và tài liệu là nguyên nhân chính khiến học sinh khiếm thị không có cơ hội học tiếp. Do những khó khăn mắc phải khi viết, mà một người đã làm quen lâu với việc viết chữ Braille trung bình cũng chỉ có thể viết tối đa từ 200 đến 400 trang sách trong một tháng.
 
Ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có bất cứ cơ quan, doanh nghiệp nào nghiên cứu, chế tạo và sản xuất máy in chữ Braille Tiếng Việt. Cùng với đó, giá thành mua máy in từ nước ngoài sản xuất còn rất cao (40 đến trên 100 triệu đồng).
 
Chính vì những lí do này, chỉ một vài hội và đoàn thể người khiếm thị lớn ở Việt Nam có được máy do doanh nghiệp nước ngoài tài trợ với số lượng rất ít.
 
Để đáp ứng được nhu cầu rất cấp thiết này thì chế tạo máy in chữ nổi Braille tự động với quy mô nhỏ, giá thành thấp là vô cùng cần thiết với tình hình thực tế hiện nay.
 
Với nhu cầu đặt ra như trên, nhóm của Huy đã thực hiện đề tài: “Thiết kế và chế tạo mô hình máy in chữ nổi Braille cho người khiếm thị”.
 
 
Máy in chữ nổi Braille cho người khiếm thị của nhóm. Ảnh: Hà Thế An.
 
Máy in chữ nổi Braille cho người khiếm thị gồm 3 bộ phận chính: Máy in, tủ điều khiển và phần mềm chuyển đổi ký tự.
Nhóm cho biết, phần mềm điều khiển và phần mềm chuyển đổi ký tự do nhóm tự nghiên cứu và phát triển. Bộ phận chuyển đổi ký tự được viết trên nền tảng Visual Basic.
 
Tủ điều khiển được gắn một thiết bị nhớ. Sau khi dữ liệu được phần mềm chuyển đổi ký tự phân tích sẽ được đưa sang lưu trữ tại thẻ nhớ. Chip vi điều khiển Arduino Mega 2560 sẽ sử dụng dữ liệu trong bộ nhớ đó để gửi ra cơ cấu chấp hành. Bốn cuộn dây điện từ trong máy in khi có điện sẽ tạo ra một lực đột xuống giấy, làm nổi chữ Braille trên giấy. Bệ máy chính sẽ được dẫn động theo phương ngang qua lại bằng động cơ bước 24V. Hai động cơ bước nhỏ 12V hai bên, là 2 trục đẩy giấy đẩy vào và đẩy ra.
 
 
Nguyễn Hoàng Huy (trái) kỳ vọng sản phẩm này có thể đến với những người khiếm thị. Ảnh: Hà Thế An.
 
“Trong thời gian tới, nhóm sẽ bố trí thêm thiết bị Solenoid đột cuộn dây xuống giấy để tăng tốc độ in trên giấy. Ngoài ra nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu để bộ phận chuyển đổi ký tự có thể chuyển đổi sang hình ảnh, giúp người khiếm thị có thể sờ được hình ảnh, làm tăng độ sinh động trong mỗi trang sách”, Nguyễn Văn Bắc, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Theo Khám phá

Chính phủ đồng ý ký hiệp định TPP

Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Công Thương ký hiệp định với đại diện các nước tham gia TPP.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành nghị quyết của Chính phủ về việc ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
 
Theo nghị quyết, Chính phủ đồng ý ký TPP và ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Công Thương ký hiệp định trên với đại diện được ủy quyền của chính phủ các nước tham gia TPP.
 
Trước đó, ngày 5/10/2015, bộ trưởng của 12 nước tham gia TPP gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam đã tuyên bố kết thúc đàm phán.
 
 
Quốc kỳ của 12 nước tham dự TPP
 
 
Có 5 đặc điểm chính làm TPP trở thành một hiệp định mang tính bước ngoặt của thế kỷ 21, tạo ra một tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu trong khi vẫn đề cập tới các vấn đề mang tính thế hệ mới:
 
Tiếp cận thị trường một cách toàn diện:TPP cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế về căn bản đối với tất cả thương mại hàng hóa và dịch vụ và điều chỉnh toàn bộ các lĩnh vực về thương mại trong đó có thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư nhằm tạo ra các cơ hội và lợi ích mới cho doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng của các nước thành viên.
 
Tiếp cận mang tính khu vực trong việc đưa ra các cam kết:TPP tạo thuận lợi cho việc phát triển sản xuất và dây chuyền cung ứng, cũng như thương mại không gián đoạn, đẩy mạnh tính hiệu quả và hỗ trợ thực hiện mục tiêu về tạo việc làm, nâng cao mức sống, thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn và tạo thuận lợi cho việc hội nhập qua biên giới cũng như mở cửa thị trường trong nước. 
 
Giải quyết các thách thức mới đối với thương mại:TPP thúc đẩy việc đổi mới, năng suất và tính cạnh tranh thông qua việc giải quyết các vấn đề mới, trong đó bao gồm việc phát triển nền kinh tế số và vai trò ngày càng tăng của các doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế toàn cầu. 
 
Bao hàm toàn bộ các yếu tố liên quan đến thương mại:TPP bao gồm các yếu tố mới được đưa ra để bảo đảm rằng các nền kinh tế ở tất cả các cấp độ phát triển và doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể hưởng lợi từ thương mại. 
 
Nền tảng cho hội nhập khu vực:TPP được ra đời để tạo ra nền tảng cho việc hội nhập kinh tế khu vực và được xây dựng để bao hàm cả những nền kinh tế khác xuyên khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo VNEconomy

Trao quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 10 cán bộ lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN

Ngày 01/02/2016, tại Hội nghị giao ban tháng của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã diễn ra lễ trao Quyết định bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại cho 10 cán bộ lãnh đạo thuộc Bộ KH&CN.
 
Theo đó, các cán bộ được bổ nhiệm mới gồm: ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Ban Quy hoạch – Xây dựng và Môi trường (Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc) giữ chức vụ Phó trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Trưởng phòng Phòng Tổng hợp giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng Bộ; ông Hà Minh Hiệp, Giám đốc Văn phòng các Chương trình KH&CN Quốc gia giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Phòng Kế hoạch – Tổng hợp (Cục Thông tin KH&CN quốc gia) giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia; ông Dương Quốc Hùng, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục An toàn và bức xạ hạt nhân; ông Nguyễn Đình Bình, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN giữ chức vụ Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.
 
Các cán bộ được bổ nhiệm lại gồm: ông Nguyễn Mạnh Cường giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ; ông Đoàn Hồng Quân giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng Bộ; bà Nguyễn Thị Huệ giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng Bộ; ông Bùi Đắc Phúc giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và ông Nguyễn Hữu Cẩn giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ.
 
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân trao Quyết định cho các cán bộ được bổ nhiệm
 
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, với kinh nghiệm trong quá trình công tác từ các đơn vị trước đây, các cán bộ được bổ nhiệm lần này sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đặc biệt trong thời điểm có nhiều cơ hội, thách thức cho các hoạt động KH&CN. Bộ trưởng cũng bày tỏ hy vọng trên cương vị mới, các đồng chí vừa được bổ nhiệm sẽ nỗ lực hết mình xây dựng sự đoàn kết, thành công trong đơn vị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
 
Nguồn:  Ngũ Hiệp – Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN

350 tỉ đồng xây dựng trung tâm thực hành khoa học học sinh Hà Nội

Skycare  – công viên khoa học đầu tiên dành cho học sinh các cấp, từ mầm non tới THPT khu vực Hà Nội, Vĩnh Phúc và các vùng phụ cận sẽ được đầu tư xây dựng trong thời gian tới.
 
 
Ngày hội STEM lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội.
 
Skycare  được đặt tại Vĩnh Phúc, có tổng diện tích 55.000 m2, tổng vốn đầu tư 350 tỉ đồng chia làm 3 giai đoạn đầu tư.
 
Giai đoạn 1 (3/2016-3/2017) hoàn thiện toàn bộ hạ tầng công viên, hoàn thành khu thí nghiệm sinh học, vườn khoa học, trung tâm chiếu phim khoa học, trung tâm trải nghiệm và sáng tạo, khu nghỉ dưỡng cho cán bộ, chuyên gia, giáo viên và học sinh.
 
 
Giai đoạn 2 (1/2017-5/2018) tiếp tục xây dựng trung tâm thể thao quốc tế cho học sinh, trung tâm đào tạo nghệ thuật, trung tâm hội thảo quốc tế, trung tâm khoa học thể chất cho học sinh.
 
 
Giai đoạn 3 (1/2018-3/2019) hoàn thiện trung tâm y tế dinh dưỡng học sinh, trung tâm khoa học xã hội và khoa học tự nhiên.
 
 
Đây là một dự án phù hợp với những định hướng về đổi mới giáo dục đào tạo của Bộ GD&ĐT, đó là giảm bớt lý thuyết, tăng thực hành qua các chương trình học ngoại khóa trực quan sinh động, đồng thời coi trọng việc trang bị kỹ năng sống cho học sinh Việt Nam.
 
 
Chủ trương tăng cường các buổi học ngoại khóa của Bộ GD&ĐT đã triển khai xuống các trường từ lâu. Tuy nhiên, do thiếu thốn về điều kiện cơ sở vật chất, quỹ đất hạn hẹp, nên hiện nay học sinh Hà Nội nói riêng và học sinh các tỉnh khác trên cả nước nói chung vẫn chưa có một địa điểm để thực hành kiến thức, học dã ngoại theo đúng nghĩa.
 
 
Đa số các trường đều rất linh hoạt năng động khi tận dụng các khoảnh ruộng, trang trại cá nhân để cho các em tham quan và học hỏi thực tế. Do đó, với Skycare, học sinh Thủ đô và các vùng lân cận sẽ có thêm một trung tâm thực hành khoa học, dã ngoại đúng chuẩn quốc tế để “học mà chơi, chơi mà học”.
 
Nguồn:http://baodientu.chinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Skycare-trung-tam-thuc-hanh-khoa-hoc-cho-hoc-sinh-Ha-Noi/246924.vgp