Kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam – Hoa Kỳ

 
Sáng 07/3/2016, tại Hà Nội, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (KH&CN) – Bộ KH&CN phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức sự kiện Kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam – Hoa Kỳ 2016.
 
 
Toàn cảnh sự kiện 
Tham dự sự kiện, về phía Hoa Kỳ có ông Ted Osius- Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; Ông David Thorne- Cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Hoa Kỳ cùng đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm của Hoa Kỳ.
 
Về phía Bộ KH&CN có ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KH&CN; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN. Đặc biệt, sự kiện còn có sự tham gia của hơn 25 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các nhà đầu tư, đại diện của một số viện nghiên cứu, trường đại học, cá nhân đổi mới sáng tạo cùng truyền thông trong nước và quốc tế.
 
Trong năm 2015, Việt Nam đã có bước phát triển đáng khích lệ so với các quốc gia có quy mô kinh tế tương đồng; xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 19 bậc; xếp hạng chỉ số cạnh tranh toàn cầu tăng 12 bậc. Trong bối cảnh trong nước và quốc tế đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Việt Nam cần một lực lượng doanh nghiệp mạnh, được hỗ trợ phát triển trong một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thuận lợi, lành mạnh. 
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: Trong những năm qua, Bộ KH&CN đã nỗ lực hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam; khuyến khích tư nhân lập quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm tạo môi trường pháp lý và tài chính thuận lợi thúc đẩy phát triển các vườn ươm công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp, đào tạo khởi nghiệp và tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp trẻ hình thành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tăng trưởng cao.
 
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại sự kiện 
 
Năm 2013, Bộ KH&CN triển khai dự án “Thung lũng Silicon Việt Nam” với mục đích thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon, tác động trực tiếp tới sự hình thành các công ty khởi nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam trong nền kinh tế số. Năm 2015, ngày hội Khởi nghiệp và Công nghệ TechFest Việt Nam được tổ chức như một sân chơi lớn cho mọi thành phần tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ, thúc đẩy các doanh nghiệp ra đời và phát triển thành công. Đây là hai trong số rất nhiều chương trình mà ở đó doanh nghiệp trẻ tại Việt Nam tìm thấy sự hỗ trợ từ phía nhà nước, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và các nhà đầu tư.
 
Hiện nay, Bộ KH&CN đang tiếp tục tập trung mọi nỗ lực để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tạo đà cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2016, Bộ KH&CN sẽ tổ chức sân chơi TechFest lần thứ hai cho các tổ chức, cá nhân đam mê công nghệ. Ngoài ra, Bộ KH&CN cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung xây dựng hành lang pháp lý về đầu tư mạo hiểm và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, triển khai đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp doanh nghiệp mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.
 
Năm 2016, với việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực KH&CN giữa Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam, mang lại nhiều cơ hội và những giá trị đích thực cho cộng đồng khởi nghiệp, tác động mạnh mẽ và tích cực tới sự hình thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp lành mạnh của Việt Nam, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
 
 
Ông Ted Osius – Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam
 
Phát biểu tại sự kiện trên, ông Ted Osius – Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: Hoa Kỳ ghi nhận những đóng góp của Bộ KH&CN và Chính phủ Việt Nam trong việc nuôi dưỡng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Buổi gặp gỡ hôm nay chính là để thổi bùng lên ngọn lửa đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, góp phần nuôi dưỡng và khuyến khích sự lớn mạnh của cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam.
 
 
Ông David Thorne – Cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Hoa Kỳ
 
Ông David Thorne – Cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhấn mạnh: Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ thu được lợi ích to lớn nhờ sự phát triển của tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo như Hoa Kỳ. Chương trình Thung lũng Silicon Việt Nam và sự ra đời của các tổ chức ươm tạo tại các trường đại học là một bước đi đúng đắn. Thông qua sự kiện trên, mong muốn sẽ thúc đẩy thế hệ trẻ của 2 nước cùng nhau sáng tạo, đổi mới, dẫn dắt nền kinh tế đến những cơ hội đầu tư, phát triển.
 
 
Đại diện Hai bên Việt Nam – Hoa Kỳ chụp ảnh lưu niệm 
 
Nguồn:  Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Gần 300 nhà khoa học bản thảo về hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thông minh

GD&TĐ – Sáng 10/3, Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt – Hàn (Bộ TT&TT), Trường Đại học Wroclow (Ba Lan) tổ chức họp báo Hội thảo quốc tế Châu Á (ACIIDS) lần thứ 8 về chủ đề hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thông minh.
Theo TS Nguyễn Bảo Hùng – Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt – Hàn, hội thảo ACIIDS 2016 được Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt – Hàn (Bộ TT&TT), Trường Đại học Wroclow (Ba Lan) phối hợp tổ chức.
 
Ngoài ra, hội thảo ACIIDS 2016 còn có sự tham gia hỗ trợ về mặt kỹ thuật của các trường đại học uy tín trong nước và trên thế giới như: Trường ĐH Bina Nusantara, Indonesia, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Quảng Bình, Hiệp hội Kỹ thuật các hệ thống điều khiển tự động thông minh và nhân tạo IEEE SMC.
 
Hội thảo ACIIDS 2016 sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ 14 – 16/3) tại Đà Nẵng với sự tham gia của gần 250 khách mời và tác giả của các bài báo khoa học.
 
Hội thảo ACIIDS 2016 ACIIDS 2016 về lĩnh vực CNTT, tập trung chủ yếu vào các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thông minh: Hệ thống thông tin thông minh (Trí tuệ nhân tạo phân tán, Hệ đa tác tử thông minh, Tính toán song song, Công nhệ phần mềm…); Hệ thống cơ sở dữ liệu thông minh (Kho dữ liệu, Khai phá dữ liệu, Big Data, Cơ sở dữ liệu ngang hàng và di động, Cở sở dữ liệu hướng đối tượng, hướng quan hệ…); Các ứng dụng và công cụ (Hệ thống học hợp tác, Hệ thống tích hợp doanh nghiệp và chuỗi cung ứng, Hệ thống thương mại điện tử, tài chính điện tử…).
 
TS Nguyển Bảo Hùng cho biết: Hội thảo ACIIDS 2016 lần thứ 8 có số lượng bài báo khoa học được công nhận lên đến hơn 190 bài; trong đó có hơn 150 bài báo cáo trực tiếp (oral presentation) và 40 bài trưng bày ở dạng poster.
 
Hội thảo là cơ hội quí báu cho các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm đến lĩnh vực này giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các hệ thống dữ liệu thông minh, góp phần thúc đẩy sự phát triển CNTT Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Hội thảo cũng là cầu nối giữa các nhà khoa học trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á, với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý Việt Nam trong việc hợp tác nghiên cứu và thực hiện các dự án liên quan đến lĩnh vực này.
 
Hội thảo quốc tế châu Á về các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thông minh (ACIIDS) được tổ chức lần đầu vào năm 2009. Qua 8 lần tổ chức, Hội thảo đã tạo được uy tín trong giới nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế. Các bài báo có chất lượng tốt của Hội thảo được Nhà xuất bản danh giá Springer xuất bản trong ấn phẩm Lecture Notes in Artificial Intelligence LNCS/LNAI.
 
Đại Thắng

Bốn người Việt vào tốp các nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới năm 2015

Mới đây, GS. TS Nguyễn Sơn Bình (ĐH Northwestern, Mỹ), GS. TS Nguyễn Thục Quyên (ĐH Univ Calif Santa Barbara, Mỹ), GS. TS Võ Văn Ánh (ĐH Công nghệ Queensland, Australia) và PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng (ĐH Công nghệ TPHCM) vừa được nêu tên trong danh sách các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2015, theo công bố của hãng Thomson Reuters. Đây là năm thứ hai liên tiếp, GS. TS Nguyễn Sơn Bình và PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng nằm trong vào danh sách này.
 
 
PGS. TS Nguyễn  Xuân Hùng (giữa)
Thomson Reuters công bố trên trang web highlycited.com danh sách 3.126 nhà khoa học thuộc 21 lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có công bố được trích dẫn cao (Highly Cited Papers) thuộc lĩnh vực nghiên cứu của họ.
 
Giáo sư Nguyễn Sơn Bình giảng dạy tại Khoa Hóa, trường ĐH Northwestern và là thành viên chính của phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Argonne. Nghiên cứu hiện nay của ông tập trung vào thiết kế các vật liệu mềm (soft materials) dành cho các ứng dụng trong hóa học xúc tác, y học và khoa học vật liệu. Đặc biệt phòng thí nghiệm của ông hiện nghiên cứu cả về sự tổng hợp và ứng dụng của các vật liệu hữu cơ mềm, bao gồm cấu trúc lai hữu cơ – DNA, cấu trúc liposome, vật liệu xốp như vật liệu khung hữu cơ kim loại (MOFs), polimer hữu cơ xốp (POPs) và các loại vật liệu nanocomposite liên quan như graphene và graphene oxide.
 
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên hiện giảng dạy tại Khoa Hóa và Hóa sinh trường ĐH California. Năm 2001, bà hoàn thành chương trình tiến sỹ tại trường dưới sự hướng dẫn của GS Benjamin J. Schwartz. Kể từ năm 2011, bà được phong chức danh GS Khoa Hóa và Hóa sinh. Nhóm nghiên cứu do bà thành lập tập trung nghiên cứu về các dụng cụ điện tử hữu cơ như quang điện (photovoltaics), LED (light-emitting diodes – điốt phát quang), Transistor hiệu ứng trường (field-effect transistors). Trong nhóm nghiên cứu của bà hiện có một thành viên Việt Nam, Phan Hùng, cựu sinh viên khoa Hóa trường ĐH Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.  
 
Giáo sư Võ Văn Ánh giảng dạy tại Khoa Khoa học và Kỹ thuật, ĐH Công nghệ Queensland, Australia, chuyên ngành Khoa học toán học, Toán học tính toán và ứng dụng. Lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm mô hình ngẫu nhiên của quá trình khuếch tán phi tuyến (spatiotemporal nonlinear diffusion processes) với những đặc điểm đa hệ fractal; ước lượng thống kê và phép xấp xỉ của khuếch tán dị thường (anomalous diffusion); sự khuếch tán và vận chuyển của nước mặn trong tầng ngậm nước vùng duyên hải. 
 
Phó giáo sư Nguyễn Xuân Hùng là giảng viên trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) và Đại học Y Khoa CMU Taichung (Đài Loan). Nghiên cứu của anh tập trung vào phát triển các công cụ tính toán mạnh và mô phỏng trên máy tính,  đang được ứng dụng vào lĩnh vực Cơ Kỹ thuật, Cơ Sinh học, Vật liệu… Trong tháng 7-2015, anh còn đón nhận thêm một vinh dự khác: là một trong bốn nhà khoa học được trao giải thưởng Georg Forster Research Award của Quỹ Alexander von Humboldt (Đức). Giải thưởng này dành cho những nhà nghiên cứu đến từ hơn 120 quốc gia theo qui định của Quỹ. Giải thưởng sẽ được trao chính thức trong tháng 3-2016 tại Đức. 
 
Trước đó, trong danh sách các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014 có ba người Việt: GS. TS Đàm Thanh Sơn (ĐH Chicago, Mỹ), GS. TS Nguyễn Sơn Bình và PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng. 
 
Thanh Nhàn

Việt Nam-Phần Lan hợp tác thúc đẩy nghiên cứu đổi mới sáng tạo

Sáng 08/03, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ và Quỹ Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Phần Lan (TEKES) đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác song phương.
 
Biên bản ghi nhớ sẽ thúc đẩy hợp tác song phương trong hỗ trợ và tài trợ dự án nghiên cứu và đổi mới sáng tạo giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu Việt Nam và Phần Lan trong các lĩnh vực: Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm…
 
 
Lãnh đạo Bộ KH&CN và Quỹ Công nghệ & Đổi mới sáng tạo Phần Lan cùng đại điện các đơn vị tại lế ký kết. Ảnh Loan Lê.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết “hợp tác về công nghệ và đổi mới sáng tạo là chìa khóa quan trọng để biến cơ hội và tiềm năng hợp tác đó thành hiện thực, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước".
 
Trong những năm qua, EU nói chung trong đó có Phần Lan là nhà tài trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt, Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) với sự hỗ trợ của Chính phủ Phần Lan đã từng bước giúp Việt Nam nâng cao năng lực của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện vị trí xếp hạng của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo và cạnh tranh toàn cầu.
 
Theo bà Lenita Toivakka, Bộ trưởng ngoại thương và Phát triển Phần Lan, mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Phần Lan đã được thiết lập và phát triển trong 40 năm qua. Hiện tại Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Do vậy các hợp tác phát triển cũng như những hỗ trợ phát triển chính thức sẽ giảm dần. Ngay lúc này, việc cần thiết trong quan hệ hợp tác giữa hai nước là cần tìm ra những hình thức viện trợ và hình thức hợp tác mới, trong đó chủ yếu cần tập trung vào đổi mới và sáng tạo.
 
Bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam-Phần Lan có thể được xem như một cầu nối kết nối các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KH&CN. Thông qua bản ghi nhớ hợp tác này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xác định được những khó khăn và thách thức đang gặp phải.
 
"Dựa vào đó giúp họ có thể tìm kiếm chính xác, thích hợp có công nghệ và bí quyết giúp họ tháo gỡ được khó khăn và thách thức. Mặt khác các doanh nghiệp Phần Lan cũng có thể chủ động hơn trong hỗ trợ các đối tác Việt Nam. Điều này tất yếu sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường năng lực sản xuất và năng lực kinh doanh của mình, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh khi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới" – ông Pekka Soini- Tổng Giám đốc Quỹ TEKKES khẳng định. 
 
Ghi nhận sự hợp tác và hỗ trợ từ phía Phần Lan trong Khoa học và Công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới-sáng tạo, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tin tưởng rằng với nỗ lực của hai bên và sự hưởng ứng nhiệt tình của các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học của cả hai nước, Việt Nam – Phần Lan sẽ có các dự án hợp tác chung thực sự hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực và giá trị gia tăng cao cho cộng đồng.
 
Hiện tại Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) là đơn vị đầu mối, phối hợp chặt chẽ với Quỹ TEKES của Phần Lan cùng trao đổi, đề xuất nội dung, phương thức tài trợ, hỗ trợ cho các dự án hợp tác giữa các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu trên các lĩnh vực cụ thể.
 
Thùy Dương
 
 
 
 

Nghiên cứu về rơm của hai HS lớp 11 đoạt giải Nhất ViSEF 2016 phía Bắc

Học chuyên Toán, Tin nhưng luôn ấp ủ khát vọng được góp tâm sức để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hai học sinh Hà Nội được Bộ GD&ĐT trao giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia 2016 khu vực phía Bắc cho đề tài nghiên cứu giảm phát thải khí CO2 từ đất.
 
Sáng 8/3, Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô (Hải Phòng) hàng nghìn người đến cổ vũ cho lễ trao giải cuộc thi. Với 234 dự án tham gia thi, ban tổ chức đã chấm, trao giải Nhất cho hai dự án, trong đó có dự án Tận dụng Phytolith trong rơm rạ để cố định một số kim loại nặng và giảm phát thải CO2 từ đất của Phạm Vũ Tuấn Phong và Nguyễn Bảo Ngọc học sinh lớp 11, Trường chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên (Hà Nội).
 
Điều đáng nói, đề tài được trao giải thuộc lĩnh vực môi trường nhưng hai học sinh nghiên cứu lại học chuyên Toán và Tin. Ngọc và Phong đều sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chưa từng được trải nghiệm cuộc sống đồng ruộng, nhưng nhiều lần đọc các bài viết trên báo chí phản ánh người dân đốt rơm rạ gây ra khói ô nhiễm môi trường hay rơm rạ bị chất đống, thối rữa ở khắp các đường làng ngõ xóm khiến hai bạn trăn trở. Ngọc chia sẻ: “Ngay từ khi trình bày ý tưởng, được thầy cô giáo ủng hộ cả hai đã rất háo hức bắt tay vào triển khai”. Từ đó, cứ mỗi cuối tuần, Ngọc và Phong lại bắt xe về các vùng ngoại thành Hà Nội để lấy mẫu rơm rạ từ các vùng về nghiên cứu.
 
 
Hai bạn Phong và Ngọc trong phòng thực nghiệm.
Bắt tay nghiên cứu đề tài từ tháng 4/2015, sau 4 tháng ròng rã trong phòng thí nghiệm đến thực địa cơ sở, cuối cùng Ngọc và Phong cũng vỡ òa trong sung sướng khi tìm ra hợp chất Phytolith, một chất quan trọng để cố định một số kim loại nặng và giảm phát thải CO2 từ trong đất. Đề tài cũng được đánh giá có tính ứng dụng thực tiễn khi hướng dẫn người dân dùng rơm rạ sau mỗi vụ mùa để đun nấu bằng bếp khí hóa. Phong giải thích, việc đốt yếm khí tạo ra năng lượng để đun nấu, không tạo khói độc hại hay CO2, còn phụ phẩm là tro có thể dùng để bón ruộng.
 
Mơ trở thành nhàkhoa học về môi trường
 
Phong học chuyên Tin, Ngọc học chuyên Toán nên gần như không có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực môi trường. Phong chia sẻ, sau mỗi giờ học, Phong và Ngọc lại ôm máy tính vào thư viện hoặc ra quán cà phê ngồi đọc nhiều tài liệu liên quan. “Tính Ngọc rất quyết đoán, đã làm gì là quyết làm đến cùng nên mỗi lần vướng mắc Ngọc nhắn tin hỏi thầy bằng được”, Phong chia sẻ. “Khó khăn ngay từ khi bắt tay vào cắt mẫu để nghiên cứu. Cả hai mất một tháng ròng chỉ một công đoạn lấy mẫu, cắt mẫu theo đúng quy trình. Khi đưa vào phòng thí nghiệm cũng phải làm đi làm lại nhiều lần, có thí nghiệm kéo dài từ 7-9 tiếng”, Ngọc nói. Ham mê, hiếu thắng, Ngọc chia sẻ, có nhiều bữa hai đứa dường như quên ăn. Đặc biệt, khi ngồi trong phòng thí nghiệm thì cứ cặm cụi cho ra được sản phẩm cuối cùng mới chịu ra về.
 
Nỗ lực đeo bám đề tài nhưng Phong đã nhiều lần rơi vào cảm giác tuyệt vọng, muốn đầu hàng, bỏ cuộc vì đã bỏ nhiều công sức vào làm mẫu, cấy, ghép nhưng thí nghiệm không cho kết quả như mong muốn. Khi đó, thầy Nguyễn Ngọc Minh (giáo viên hướng dẫn) động viên: “Kết quả như ý muốn chỉ đến với những người đã nỗ lực hết sức. Cả hai lại như được tiếp sức và bắt tay vào tìm thêm tài liệu, làm thí nghiệm”, Ngọc nói. Ngọc và Phong hiện đang theo học lớp 11 và đều chung ước mơ tìm được học bổng để sang Mỹ du học. Phong học khá giỏi môn Tin, tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2015, Phong giành giải khuyến khích. Còn Ngọc ngày đêm học Toán, tiếng Anh cũng như đọc nhiều tài liệu tìm hiểu để dần hiện thực hóa giấc mơ trở thành nhà khoa học về môi trường.
 
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đánh giá đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh năm nay thể hiện tính sáng tạo, ứng dụng thực tiễn cao. “Đây là thành công khởi đầu cho con đường nghiên cứu khoa học trong tương lai”, Thứ trưởng Hiển khẳng định.
 
Theo Tiền Phong
 

Lần đầu tiên tổ chức kỳ thi Toán quốc tế Kangaroo tại Việt Nam

 
Kỳ thi Toán Quốc tế Kangaroo-International Kangaroo Math Contest (IKMC) lần đầu tiên dành cho học sinh tiểu học và lớp 6, sẽ diễn ra vào ngày 20/3 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
 
Đây là chương trình do Học viện Phát triển Tư duy và Kỹ năng IEG phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức.
Trong ngày 20/3, các thí sinh tại Hà Nội sẽ tham gia thi tại: Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Trường Tiểu học Ngôi sao Hà Nội và Trường Tiểu học Vinschool. Các thí sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tham gia thi tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn.
 
 
Học sinh tiểu học. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
​Cuộc thi nằm trong chuỗi hoạt động thúc đẩy phong trào dạy và học theo phương pháp hội nhập quốc tế. Ban tổ chức hy vọng việc tiếp cận với các kì thi quy mô quốc tế từ sớm sẽ giúp học sinh Việt Nam tự tin, tăng tính cạnh tranh, khả năng hội nhập với bạn bè quốc tế.
Kỳ thi Toán Quốc tế Kangaroo được tổ chức lần đầu tiên tại Pháp vào năm 1991. Đây là kỳ thi Toán học có số lượng thí sinh tham dự lớn nhất trên thế giới, thu hút trên 6 triệu thí sinh đến từ khoảng 50 quốc gia tham dự mỗi năm.
Trong năm học 2015-2016, Học viện Phát triển tư duy và Kỹ năng IEG phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, được Ủy ban Kangaroo quốc tế chỉ định là điều phối quốc gia tổ chức kỳ thi lần đầu tiên.
Tại Việt Nam, kỳ thi Toán quốc tế Kangaroo được chia thành các cấp độ: lớp 1-2, lớp 3-4, lớp 5-6. Thí sinh đăng ký thi theo hình thức tự nguyện.
Đề thi được thể hiện bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, với cấu trúc 3 phần, từ dễ đến khó với thang điểm khác nhau nhằm lôi cuốn, kích thích các em học sinh qua mỗi bài thi. Với mỗi câu trả lời sai, học sinh bị trừ 1/4 số điểm tương ứng với số điểm của câu hỏi.
Thí sinh đạt kết quả cao sẽ được mời tham dự các Câu lạc bộ Toán học Kangaroo và Trại hè Toán học dự kiến tổ chức vào tháng 7/2016.
Đối với các thí sinh dự thi, đây sẽ là một cuộc thi mới lạ, tạo điều kiện cho học sinh Việt Nam có cơ hội tham gia một kỳ thi chuẩn quốc tế từ sớm, giúp các em nắm vững kiến thức cơ bản, hiểu sâu kiến thức Toán học.
Kỳ thi còn góp phần khơi gợi hứng thú, đam mê tri thức của học sinh không chỉ trong Toán học mà còn với các môn học khác.
 
Bên cạnh đó, về phía nhà trường và gia đình, đây sẽ là nguồn tài liệu phong phú, hấp dẫn và bổ ích, góp phần định hướng, giáo dục học sinh theo chuẩn quốc tế./.
 
Theo Vietnam Plus

Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn ở ĐBSCL

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các cấp chính quyền địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần chú trọng hơn nữa trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ…
 
Hội nghị nằm trong chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2016.
 
Các tham luận trình bày tại hội nghị đã tập trung phân tích, đánh giá kết quả hoạt động khoa học và công nghệ đạt được trong giai đoạn 2005-2015, cũng như những tồn tại hạn chế.
 
Nhiều ý kiến nhận định mặc dù là khu vực có điều kiện khó khăn nhất của cả nước, nhưng trong giai đoạn vừa qua, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã nỗ lực đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển khoa học công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 
 
 
Chiều 6/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi thị sát vùng bị xâm nhập mặn tại thị xã Ngã Bẩy, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
 
Chiều 7/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu tại Hội nghị giám sát chuyên đề “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.”.
 
Tuy nhiên, một số nghiên cứu, ứng dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo phục vụ công nghiệp chế biến vẫn chưa thật sự trở thành động lực cho tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế; trình độ năng lực của cán bộ hoạt động khoa học và công nghệ còn yếu và thiếu các chuyên gia đầu ngành; năng lực của một số cơ sở nghiên cứu chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu sự liên kết, chia sẻ thông tin trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn; chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ chậm được ban hành, nhất là việc đầu tư cho công tác nghiên cứu, cảnh báo thiên tai…
 
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước những thách thức lớn trên con đường phát triển nhanh và bền vững, nhất là năng suất lao động thấp; nguồn nhân lực chất lượng cao còn ít; tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp còn hạn chế; cơ sở hạ tầng yếu kém, đặc biệt là hạ tầng để ứng phó với biến đổi khí hậu…
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn qua hội nghị lần này, các cấp chính quyền địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần chú trọng hơn nữa trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ; đẩy mạnh hơn nữa công tác ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, coi đây là nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi địa phương nói riêng và cả khu vực nói chung. 
 
Thủ tướng cũng đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, đồng thời đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý và thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, ứng dụng vào cuộc sống ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn, thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững…
 
Theo Vietnamplus
 

Vượt hàng trăm km mỗi ngày vì mê làm khoa học

Để có được những mẫu lúa bệnh ở vùng đất ngập mặn, hai nữ sinh viên trường ĐH mở TP.HCM đã tự biến mình thành những “phượt thủ”, vượt quãng đường cả trăm km bằng xe máy để kiếm mẫu về thực hiện đề tài nghiên cứu.
 
Để có được những mẫu đất, nước, nội sinh… cho đề tài nghiên cứu của mình, Đinh Thị Hiền và Nguyễn Thị Mai Thi, hai nữ sinh viên của trường Đại học Mở TP HCM đã phải tìm về những vùng đất ngập mặn của tỉnh Tiền Giang, Long An, cách Sài Gòn cả trăm km để tìm kiếm. Vì điều kiện không cho phép nên nhóm phải đi đi về về hàng ngày.
 
“Nhóm cũng muốn ở lại để có nhiều thời gian hơn trong việc kiếm mẫu, nhưng những khu vực ngập mặn này khá hoang vu, vắng vẻ nên không thể tìm được chỗ ở. Vậy là cả hai cứ sáng chạy xe máy đi, chiều lại chạy xe máy về như vậy ròng rã suốt cả 1 tuần lễ” – Đinh Thị Hiền, trưởng nhóm nghiên cứu kể.
 
 
Hai nữ sinh viên mê khoa học không ngần ngại với những chuyến đi kiếm mẫu thí nghiệm. Ảnh: Nhóm cung cấp.
Theo tìm hiểu của nhóm, diện tích đất trồng trọt bị ảnh hưởng mặn khoảng 380 triệu ha, chiếm 1/3 lượng đất trồng trên thế giới. Việc xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng và tăng trưởng của lúa. Điều này dẫn đến việc năng suất lúa bị giảm.
 
Ở những nơi có nồng độ muối cao, cây lúa sẽ có khả năng bị chết. Theo thói quen của người dân, mỗi khi lúa bị bệnh, bà con sẽ sử dụng thuốc trừ sâu hóa học để tiêu diệt mầm bệnh.
 
Tuy nhiên, phương pháp này nếu sử dụng nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc ô nhiễm nguồn nước và đất, xuất hiện các chủng gây bệnh có khả năng kháng thuốc, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người trong quá trình tiếp xúc với thuốc trừ sâu. Vì thế, nhóm đã quyết định thực hiện đề tài "Sàng lọc vi khuẩn chịu mặn có khả năng kích thích tăng trưởng và kiểm soát sinh học bệnh đạo ôn và khô vằn trên lúa ngập mặn".
 
Để thực hiện nghiên cứu của mình, nhóm đã tiến hành lấy hàng chục mẫu thí nghiệm bao gồm: mẫu đất, mẫu nước, mẫu nội sinh ở Long An và Tiền Giang. Sau đó tiếp tục lấy 4 mẫu bệnh đạo ôn và khô vằn tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) và huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An). Giống lúa để thử nghiệm là lúa OM6561 do trung tâm giống Nông Lâm Ngư Nghiệp cung cấp.
 
Mẫu thân, rễ, đất, nước và các mẫu bệnh được tiến hành quá trình phân lập nhằm sàng lọc các hoạt tính kích thích và kiểm soát nấm. Sau quá trình phân lập sẽ chọn được 87 loại vi khuẩn và hai chủng nấm Pyricularia BP3 gây bệnh đạo ôn và chủng Rhizotocnia CR1 gây bệnh khô vằn.
 
Trong 87 loại vi khuẩn nhóm sẽ tiếp tục thử nghiệm khả năng kích thích và khả năng kháng nấm và tìm ra được 4 chủng vi khuẩn gồm: TĐ16, TĐ9, TĐ13, TS3 có tiềm năng kích thích cây lúa cao nhất. Các chủng vi khuẩn này sẽ được tăng sinh khối lượng vi khuẩn lên và trộn với chất phụ gia như bột mì, bột bắp để tạo thành chế phẩm sinh học dạng bột hoặc dạng nước để sử dụng trong đất mặn.
 
 
Mô tả quá trình thí nghiệm gây bệnh đạo ôn trong chậu xốp. Ảnh: Nhóm cung cấp.
 
Do không có môi trường thực tế là các ruộng lúa ngập mặn để thử nghiệm nghiên cứu, nên nhóm phải tự tạo môi trường ruộng lúa trong các chậu xốp mini để kiểm tra chất lượng và độ chính xác của kết quả thí nghiệm. Tuy nhiên việc tạo môi trường tự nhiên để gây bệnh cho cây lúa ngay trong thùng xốp không phải là việc đơn giản.
 
“Độ ẩm thích hợp để gây bệnh trên cây lúa là 90% nên chúng em phải duy trì mức độ ổn định độ về độ ẩm trong môi trường. Ngoài ra, quá trình trồng lúa trong chậu xốp, chúng em phải giữ cho độ mặn của đất phải ổn định để đảm bảo quá trình thử nghiệm chính xác.
 
Nhiều khi đêm về em cứ lo lắng trong lòng không dám chợp mắt. Bởi vì, nếu độ mặn không được giữ ổn định coi như mọi công sức đổ xuống sông xuống biển” – Nguyễn Thị Mai Thi, thành viên nhóm cho biết.
 
Kết thúc quá trình thực nghiệm, nhóm nghiên cứu đã cho ra được những kết quả khả quan. 4 chủng vi khuẩn TĐ16, TĐ9, TĐ13, TS3 cho khả năng kích thích cây lúa cao nhất với tỉ lệ trên 70%. Với 2 chủng vi khuẩn LĐ 5 và hỗn hợp 2 chủng LĐ5 và LS6 có khả năng kiểm soát bệnh khô vằn và đạo ôn xấp xỉ 40%.
 
Với những tín hiệu đáng khả quan từ quá trình nghiên cứu, đề tài hữu ích của Đinh Thị Hiền và Nguyễn Thị Mai Thi đã giành được giải 3 tại cuộc thi sinh viên nghiên cứu KH Euréka 2015 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức.
 
Theo Khám Phá
 

TP.HCM khích lệ tinh thần sáng tạo thanh thiếu nhi

Tất cả các bạn học sinh tại TP.HCM có độ tuổi từ 6 đến 18, có những sản phẩm độc đáo, sáng tạo, đều có thể đăng ký tham dự cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhi lần XI năm 2016.
 
Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhi lần XI năm 2016 do Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ TP.HCM (TST) phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ, Sở Giáo dục Đào tạo, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Đài truyền hình HTV tổ chức.
 
Đây là một hoạt động thường niên nhằm khơi dậy và phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của thanh thiếu nhi thành phố. Cuộc thi này giúp các em trau dồi nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học của thanh thiếu nhi, ứng dụng có hiệu quả các sản phẩm sáng tạo vào đời sống.
 
Cuộc thi dành cho tất cả thanh thiếu nhi trên địa bàn thành phố, độ tuổi từ 06 – 18. Các thí sinh có thể tham gia dự thi với tư cách cá nhân hoặc theo nhóm (tối đa 5 người/nhóm) được chia làm 3 bảng: Bảng A (Khối học sinh Tiểu học), Bảng B (Khối học sinh Trung học cơ sở), Bảng C (Khối học sinh Trung học phổ thông).
 
 
Sản phẩm “Góc thư giãn” của một nhóm bạn nhỏ trường tiểu học Bình Trị 1 (Q. Bình Tân) tham dự cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhi TP.HCM năm 2015. Ảnh: TST cung cấp
Sản phẩm tham dự cuộc thi là các mô hình, giải pháp kỹ thuật khuyến khích các lĩnh vực: Dụng cụ học tập, dụng cụ lao động sản xuất, dụng cụ sinh hoạt hằng ngày, đồ chơi trẻ em và đồ dùng giải trí, bảo vệ môi trường và các vấn đề biến đổi khí hậu, cải thiện tình hình giao thông, cải thiện tình hình ngập nước và bảo vệ nguồn nước…
 
Các sản phẩm tiêu biểu tại cuộc thi cấp thành phố sẽ được tuyển chọn, hoàn thiện để tham gia Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần XI năm 2016 diễn ra tại Hà Nội.
 
Cơ cấu giải thưởng năm nay có tổng giá trị 62 triệu đồng, bao gồm 01 giải đặc biệt 10 triệu đồng, 01 giải nhất 5 triệu đồng/giải/bảng, 01 giải nhì 3 triệu đồng/giải/bảng, 01 giải ba 2 triệu đồng/giải/bảng, 02 giải khuyến khích 1 triệu đồng/giải/bảng. Ngoài ra, BTC sẽ trao một số giải thưởng phụ khác.
 
Các thí sinh sẽ trải qua vòng sơ tuyển sản phẩm tại các đơn vị tổ chức cấp cơ sở (quận, huyện). Sau đó những sản phẩm tốt sẽ được dự thi cấp thành phố với 3 vòng tuyển: Sơ loại, bán kết, chung kết.
 
Các bạn trẻ yêu khoa học có thể đăng ký ý tưởng cấp thành phố từ nay đến hết ngày 06/5/2016 tại Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ, Lầu 3, Số 01- Phạm Ngọc Thạch, P. Bến Nghé, Quận 1, SĐT: 38.233.363 – 38.230.780. Email: khoahoctre@gmail.com; Website: www.khoahoctre.com.vn.
 
Theo Khám Phá
 

9 đề tài lĩnh vực STEM được trao giải tại ViSEF 2016 phía Bắc

Sáng 08/03 tại Hải Phòng, cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia ViSEF 2016 khu vực phía Bắc đã chính thức bế mạc. Trong số 36 đơn vị tham gia, Ban tổ chức đã lựa chọn được 9 đề tài xuất sắc nhất về lĩnh vực STEM để trao giải.
 
Theo thông tin từ Ban tổ chức cuộc thi, năm nay ở khu vực phía Bắc có 36 đơn vị tham gia; 234 dự án ở 20 lĩnh vực khoa học kĩ thuật. Hầu hết các dự án đều về các đề tài công nghệ thông tin như: Phần mềm hệ thống, Phần mềm nhúng, Xử lý dữ liệu, Ngôn ngữ lập trình, Máy thông minh, Máy sinh học, các hệ thống giám sát điều khiển…
 
 
Một số sản phẩm tham dự ViSEF 2016 khu vực phía Bắc.
 
Tại cuộc thi, các bạn học sinh trưng bày, giới thiệu và thuyết trình kết quả nghiên cứu được. Sau đó, Công ty DTT Eduspec-Ban giám khảo cuộc thi chấm điểm theo từng lĩnh vực với nhiều tiêu chí riêng về vận dụng STEM trong khoa học kĩ thuật để trao giải thưởng. Công ty DTT Eduspec đang là đối tác giáo dục của Intel tại Việt Nam nhằm mục tiêu triển khai các chương trình giáo dục phát triển kỹ năng khoa học kỹ thuật nhằm xã hội hóa giáo dục STEM cho học sinh cả nước.
 
 
DTT Eduspec trao các giải thưởng khoa học kỹ thuật thuộc lĩnh vực STEM
 
Qua bốn ngày tranh tài, Ban tổ chức đã lựa chọn được 9 đề tài, bao gồm 4 giải thưởng về Ứng dụng IoT trong nông nghiệp và cuộc sống, giải thưởng ứng dụng mô phỏng trò chơi ảo, ứng dụng nông nghiệp thông minh. 
 
Ngoài ra, 5 giải thưởng ý tưởng sáng tạo cũng đã được trao cho các đề tài của học sinh thành phố Hải Phòng, như: đề tài “Thiết bị định vị và cảnh báo cháy ở khu dân cư” của học sinh THPT Ngô Quyền; đề tài “Hệ thống cảnh báo dầu loang và các thông số CO2, NOx gây ô nhiễm môi trường tại cảng biển” và “Xây dựng hệ thống thông tin và bản đồ nghĩa trang liệt sỹ bằng công nghệ Augmented Reality” của học sinh THPT Chuyên Trần Phú;…
 
Những đề tài được trao giải đều có tính thực tiễn và những nghiên cứu khoa học tham dự cuộc thi cũng đều xoay quanh các vấn đề của cuộc sống, vận dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ để xây dựng các dự án thiết thực phục vụ con người trong đời sống xã hội.
 
Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được Bộ GD-ĐT tổ chức hằng năm, bắt đầu từ năm học 2011-2012. Học sinh có dự án được chọn vào vòng thi toàn cuộc có thể đăng ký đánh giá năng lực tiếng Anh để chọn dự án dự thi Intel ISEF (Hội thi khoa học, kỹ thuật quốc tế). 
 
Trong thời gian tới từ 12-15/3, cuộc thi ViSEF phía Nam sẽ chính thức khai mạc và diễn ra tại Đồng Nai. 
 
Thùy Dương