“Chuyến du hành vũ trụ STEM”

Là chủ đề của Ngày hội STEM được tổ chức vừa qua tại TP Hồ Chí Minh. Đây là chương trình miễn phí được thiết kế nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng tích hợp về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học cho trẻ em Việt Nam thông qua việc tham quan, trải nghiệm học tập và thực hành tại các “hành tinh” khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học với các lớp học STEM cùng hoạt động trình diễn STEM Show.
 
Ban tổ chức cho biết, giáo dục STEM là một cách tiếp cận mới của thế giới về dạy và học được tổ chức thường xuyên từ cấp trường đến cấp quốc gia tại nhiều nước Âu Mỹ, trong đó tích hợp nội dung và kỹ năng khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Bên cạnh trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết, STEM còn tích hợp, lồng ghép và bổ trợ những kỹ năng với nhau, giúp học sinh hiểu biết về nguyên lý và thực hành, giải quyết được các vấn đề thiết thực trong cuộc sống.
Ông Vũ Anh Tuấn – Tổng thư ký Hội Tin học TP Hồ Chí Minh cho biết: “Ngày hội STEM TP Hồ Chí Minh là sự nối tiếp Ngày hội STEM lần thứ nhất tại Hà Nội vào tháng 5.2015, hướng đến mục tiêu nhân rộng mô hình giáo dục STEM tại Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép các trường thành lập câu lạc bộ Em yêu khoa học. Nếu đưa STEM vào hoạt động của Câu lạc bộ, phương pháp học tập của trẻ em sẽ được cải tiến theo chiều hướng tích cực”.
 
Theo ông Vũ Minh Trí – Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, tiếp cận STEM, học sinh sẽ áp dụng được kiến thức đã học, trở nên sáng tạo hơn, có kỹ năng phát triển tư duy, suy luận, khám phá từ đó có thể hoạt động và phát triển trong thế giới công nghệ cao, bắt kịp xu hướng thời đại.
 
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân phát biểu tại Lễ khai mạc Ngày hội STEM tại TP Hồ Chí Minh
Phát biểu tại buổi Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã đánh giá cao Ban tổ chức trong việc tổ chức thực hiện Ngày hội STEM 2016. Bên cạnh việc hỗ trợ cho các trường học trong công tác giáo dục, đào tạo, sự kiện còn góp phần nuôi dưỡng và khơi dậy niềm đam mê KH&CN trong các em học sinh ngay từ khi còn ở bậc tiểu học. STEM là tích hợp của khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học là các lĩnh vực mà trẻ em yêu thích. Nếu chúng ta nuôi dưỡng sự đam mê đó, thì trong tương lai các em sẽ trở thành những người làm KH&CN, tạo nên những sản phẩm KH&CN, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, Bộ KH&CN sẽ luôn đồng hành và bảo trợ cho STEM trong các lần tổ chức tiếp theo.
(Thu Hằng tổng hợp)
 

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Bộ KH&CN luôn đồng hành cùng STEM

Ngày 16/1/2016, Ngày hội STEM TPHCM với chủ đề “Chuyến du hành vũ trụ STEM” được khai mạc và kéo dài trong hai ngày 16 – 17/1/2016 tại Trường Đại học Sài Gòn (237 An Dương Vương, Q5).
 
Sự kiện do Hội tin học TPHCM, Trung tâm KH&CN trẻ Thành đoàn TPHCM và Tạp chí Tia Sáng (Bộ KH&CN) phối hợp tổ chức. Đây là hoạt động xã hội góp phần vào mục tiêu hỗ trợ thế hệ trẻ Việt Nam tiếp cận và thụ hưởng phương thức giáo dục hiện đại của thế giới, chuẩn bị nguồn lực cho tiến trình hội nhập toàn cầu của Việt Nam.
 
Tại Ngày hội STEM, các em sẽ được thụ hưởng và trải nghiệm phương pháp giáo dục STEM miễn phí với các chủ đề: Khoa học sự sống, Khoa học vật liệu, công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm, toán trí tuệ, toán tư duy,…
 
Qua cơ hội thực nghiệm, tương tác và tự tìm hiểu , học sinh sẽ tăng khả năng sáng tạo, cải tiến trên nền tảng kiến thức học được. Bên cạnh đó, học sinh còn được tham dự 20 TEM Show để tìm hiểu các kiến thức khoa học trong không khí sôi động và không gian nhiều màu sắc. Những phần trình diễn đặc sắc như biểu diễn mô hình máy bay, tìm hiểu về lực ly tâm, ghép tranh toán học, … giúp học sinh thoát khỏi cảm giác nhàm chán so với phương pháp chỉ được học lý thuyết ở các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
 
Thông qua phương pháp học tập kết hợp thực nghiệm, trẻ em được rèn luyện khả năng tư duy logic, kỹ năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, tập trung trong công việc,…
 
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân phát biểu tại Lễ Khai mạc ngày hội STEM TPHCM
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã đánh giá cao Ban tổ chức trong việc tổ chức thực hiện ngày hội STEM 2016. Bên cạnh việc hỗ trợ cho các trường học trong công tác giáo dục, đào tạo, sự kiện còn góp phần nuôi dưỡng và khơi dậy niềm đam mê KH&CN trong các em học sinh ngay từ khi còn ở bậc tiểu học. STEM là tích hợp của khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học là các lĩnh vực mà trẻ em yêu thích. Nếu chúng ta nuôi dưỡng sự đam mê đó, thì trong tương lai các em sẽ trở thành những người làm KH&CN, tạo nên những sản phẩm KH&CN, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, Bộ KH&CN sẽ luôn đồng hành và bảo trợ cho STEM trong các lần tổ chức tiếp theo.
Kiều Anh

Gặp mặt các cán bộ hưu trí Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật nhân dịp đón chào năm mới 2016 và Tết nguyên đán Bính Thân

 
Nhân dịp đón chào năm mới 2016 và Tết nguyên đán Bính Thân, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật đã tổ chức buổi Gặp mặt và chúc mừng năm mới các cán bộ hưu trí đã từng công tác tại Nhà xuất bản. Tới dự, có PGS. TS. Tô Đăng Hải – Nguyên Giám đốc, Ông Đồng Khắc Sủng – Nguyên Phó Giám đốc, Bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê – Nguyên Trưởng ban Biên tập, các cán bộ hưu trí, cùng toàn thể Ban lãnh đạo Nhà xuất bản, các cán bộ công chức, viên chức và người lao động.
 
 
Toàn cảnh buổi gặp mặt
Buổi gặp mặt chúc mừng năm mới là một hoạt động thường niên do Ban giám đốc Nhà xuất bản tổ chức nhằm tạo điều kiện giao lưu, gặp gỡ, thăm hỏi, tạo mối quan hệ gần gũi, gắn bó tình cảm giữa những cán bộ còn đang công tác và những cán bộ đã về nghỉ hưu. Đồng thời thể hiện sự trân trọng của Ban lãnh đạo Nhà xuất bản đối với những công lao, đóng góp của các thế hệ đi trước cho sự phát triển của Nhà xuất bản.
 
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Ông Phạm Ngọc Khôi – Giám đốc Nhà xuất bản đã báo cáo khái quát về tình hình hoạt động của Nhà xuất bản trong năm vừa qua và một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016. Nhân dịp năm mới 2016, đón Tết cổ truyền của dân tộc – Xuân Bính Thân, Giám đốc chúc các cán bộ hưu trí cùng gia đình năm mới: Sức khỏe – Hạnh phúc – An khang – Thịnh vượng!
 
Thay mặt các đồng chí cán bộ hưu trí, bác Nguyễn Long, bác Nguyễn Ngọc Khuê cảm ơn Ban Lãnh đạo Nhà xuất bản đã quan tâm, tạo điều kiện để các cán bộ hưu trí có buổi gặp gỡ đầy ý nghĩa, rất vui khi thấy Nhà xuất bản vượt qua các khó khăn chung của ngành cũng như mong muốn Nhà xuất bản phát triển và tăng trưởng bền vững. đồng thời khẳng định, các cán bộ hưu trí sẽ tiếp tục gắn bó, ủng hộ và quan tâm tới các hoạt động của Nhà xuất bản trong những giai đoạn phát triển tiếp theo.
 

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2015 và Phương hướng nhiệm vụ năm 2016 của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.

 
Ngày 17/12/2015, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật (Nhà xuất bản) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và phương hướng hoạt động năm 2016. Đến dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ như Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Thi đua – Khen thưởng, Văn phòng Đảng – Đoàn thể Bộ, Viện Ứng dụng công nghệ… cùng toàn thể cán bộ, viên chức của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
 
Theo báo cáo tổng kết năm 2015, tập thể cán bộ viên chức của Nhà xuất bản đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị, chuyên môn do Lãnh đạo Bộ, các đơn vị chức năng trong Bộ, Vụ Báo chí – Xuất bản (Ban Tuyên giáo TW), Cục Xuất bản, In và Phát hành chỉ đạo thường xuyên kịp thời trong việc thực hiện nhiệm vụ xuất bản. Cán bộ viên chức, NXB luôn tích cực tìm kiếm đề tài, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, tháo gỡ khó khăn xây dựng NXB phát triển.
 
 
Báo cáo đã tập trung vào ba mảng hoạt động chính của Nhà xuất bản là Biên tập -Thiết kế, chế bản, in – Phát hành.
 
 
Về công tác biên tập xuất bản, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác đề tài sách khoa học công nghệ, Nhà xuất bản đã biên tập, xuất bản và nộp lưu chiểu 170 đầu sách khoa học kỹ thuật các loại với 120.015 bản, 58,4 triệu trang in:
Thực hiện chương trình sách Nhà nước đặt hàng năm 2015; Nhà xuất bản đã phối hợp xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là nhu cầu tất yếu để hội nhập quốc tế để hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới”; xuất bản nhiều cuốn sách giá trị cao như “Dược thư quốc gia Việt Nam” phục vụ tốt nhu cầu của ngành Y dược và nhân dân;
Thực hiện “Dự án tăng cường nội dung thông tin và truyền thông về cơ sở thuộc chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo”;
Phối hợp các trường đại học, học viện và cao đẳng nghề để xuất bản giáo trình kỹ thuật phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ;
Phối hợp với các đơn vị trong Bộ Khoa học và Công nghệ phục vụ công tác xuất bản sách trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ như: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Cục An toàn và bức xạ hạt nhân, Trung tâm Thông tin – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Quỹ Nafosted, Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia…;
Biên tập lịch blốc 2016, xuất bản với 230.000 bản; Liên kết xuất bản lịch bàn với 22.500 bản.
Năm 2015, NXB đã không để xảy ra bất cứ sai phạm nào cho những ấn phẩm xuất bản của mình.
Về công tác dàn trang chế bản và thiết kế mẫu trước khi giao in ngày càng nâng cao về chất lượng kỹ, mỹ thuật. Việc chỉnh sửa hình ảnh và thiết kế bìa sách đã đạt được chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Nhà xuất bản đã thực hiện dự án số hóa tài nguyên bản thảo có giá trị của NXB.
Về công tác phát hành, năm 2015 Nhà xuất bản đã tập trung duy trì và phát triển mạng lưới phát hành truyền thống; tăng cường giới thiệu sách và bán hàng qua mạng Internet, đẩy mạnh tổ chức tham gia, trưng bày, giới thiệu các xuất bản phẩm khoa học công nghệ trong những ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm của Bộ, Ngành.
Năm 2015, Nhà xuất bản tập trung thực hiện hoàn thiện, góp ý xây dựng các văn bản quản lý nhà nước của Bộ, Ngành như phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ lập hồ sơ cấp đổi Giấy phép thành lập nhà xuất bản; xây dựng vị trí việc làm cho CBVC theo Nghi định 41 của Chính phủ; phối hợp Vụ Tài chính xây dựng Danh mục sự nghiệp công có sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực xuất bản; xây dựng Tiêu chuẩn chức danh biên tập viên; góp ý xây dựng chương trình Sách quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Ngoài những thành tích đã đạt được nêu trên, Nhà xuất bản còn một số tồn tại như thu nhập của CBVC thấp, không thu hút được nhân sự giỏi về công tác. Tuy đã được Lãnh đạo Bộ quan tâm chỉ đạo việc xuất bản các đề tài về KHCN của các đơn vị trong Bộ nhưng đến nay việc phối hợp giữa NXB và các đơn vị vẫn còn hạn chế.
Theo kế hoạch, năm 2016, Nhà xuất bản tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ xuất bản phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ về KH&CN 
Song song với hình thức xuất bản, in và phát hành truyền thống, NXB sẽ triển khai xuất bản điện tử cho các đối tác có nhu cầu. Hình thức xuất bản này có ưu điểm là chi phí hợp lý do không cần phải qua công đoạn in;
Tăng cường bồi dưỡng cho biên tập viên mới về nghiệp vụ biên tập và đặc biệt là kỹ năng tổ chức, khai thác bản thảo; cần nhân rộng các điển hình tiên tiến năm 2015; thử nghiệm các mô hình làm việc nhóm để tận dụng tối đa tiềm năng của mỗi cá nhân;
Tạo động lực bằng chính sách đãi ngộ trong tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực ở các bộ phận sản xuất trực tiếp; xây dựng bản sắc văn hóa của NXB với những chuẩn mực về đạo đức kinh doanh để đảm bảo phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Nhà xuất bản hoạt động theo mô hình sự nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh, cần phải nâng cao đời sống, thu nhập người lao động. Về định hướng phát triển của Nhà xuất bản trong năm 2016 và những năm tiếp theo phải được xây dựng kỹ, cần bám sát kế hoạch, định hướng của Bộ khi triển khai các đề tài sách; phát huy sự chủ động phối hợp, tư vấn giúp các đơn vị trong và ngoài Bộ xuất bản sách khoa học và công nghê của các Bộ, ngành và địa phương…nhằm nâng cao chất lượng sách, hiệu quả hoạt động của Nhà xuất bản, cũng như tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ đảm bảo đủ khả năng triển khai các nhiệm vụ theo yêu cầu. Đặc biệt, Nhà xuất bản nên đề ra các chính sách hợp lý tạo động lực cho người lao động để đảm bảo hoạt động của Nhà xuất bản ổn định và phát triển.
Ông Cao Huy Long, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cũng đóng góp ý kiến trong phương hướng hoạt động của Nhà xuất bản năm 2016 tập trung vào 3 vấn đề chính: kiện toàn tổ chức, xây dựng kế hoạch tổng thể, phối hợp với các đơn vị trong Bộ tạo sự đồng thuận để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng và những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, ông Phạm Ngọc Khôi – Giám đốc kiêm Tổng biên tập cam kết trong các năm tới, Nhà xuất bản sẽ phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra, với mục tiêu xây dựng Nhà xuất bản phát triển bền vững./.
 
 

Người thứ hai – tiểu thuyết “trẻ” của nhà văn cao niên

TT – Tô Hải Vân là giảng viên, nhà khoa học, từng giữ chức giám đốc NXB Khoa Học Kỹ Thuật đến tuổi nghỉ hưu, nhưng ông đã có tập truyện đầu tiên được in từ năm 1974 Chiều dài của một ngày.
 
 
Sách do NXB Trẻ ấn hành
Suốt hơn 40 năm cầm bút gần như liên tục, Tô Hải Vân cho xuất bản hầu hết là truyện ngắn. Ngay từ những truyện ngắn đầu tiên, ý thức đổi mới đã thôi thúc ông đầy mạnh mẽ, với những thủ pháp khác lạ mà bạn viết cùng thuở ông khi ấy giờ còn nhắc lại.
 
Sang đến tuổi trên 60, ông vẫn thường xuyên hiện diện cùng tủ sách Văn Mới, nơi quy tụ những cây bút có lối viết thật “trẻ”.
 
Và đến tuổi xấp xỉ tri thiên mệnh, Tô Hải Vân cho trình làng tiểu thuyết đầu tiên trong sự nghiệp gần mười đầu sách: Người thứ hai (NXB Trẻ).
 
Người thứ hai mang cấu trúc thường chỉ xuất hiện ở những nhà văn ưa thích tìm lối mới. Mạch truyện song song tồn tại hai văn bản, một hiện thực, một “biểu tượng”.
 
Ở phía hiện thực, đó là một nhân vật trẻ bắt đầu dấn thân vào cuộc đời, từ giảng đường đại học bước chân vào một viện nghiên cứu. Độc giả sẽ hiểu rõ hơn những gì chỉ thấy như hiện tượng về học hàm, học vị, nghiên cứu khoa học… Có ê chề, đắng đót, có cả những hài hước bất ngờ với hiện thực, có thể phóng chiếu thêm từ một góc cuộc sống.
 
Ở mạch “biểu tượng” – mà thật sự rất khó định danh loại thể cho nó, đó là một chuyến tàu, trên ấy vị lữ khách loay hoay tìm một chỗ ngồi cho mình, dù có vé nhưng đã bị cưỡng đoạt ghế ngồi, để rồi chẳng biết tiếp tục hành trình ra sao, lên hay xuống. Trên chuyến tàu ấy, những nhân vật thực hư, tồn tại đó mà phi lý đó… song hành dẫn đưa nhân vật vào một cõi mông lung, đầy hẫng hụt…
 
Cuốn tiểu thuyết gọn gàng, chỉ hơn 200 trang, chừng như dồn chứa cả một nghiệp đời, nghiệp viết. Song bằng vào những gì đã thể hiện, Tô Hải Vân cho thấy “sức chơi” cùng chữ, cùng văn của ông sẽ không bao giờ dừng lại, vẫn trẻ nguyên như những truyện ngắn “quẫy đạp” thuở nào.
 
NGUYỄN DANH LAM

Tổng kết công tác thi đua Khối Trường – Báo chí – Trung tâm và Nhà xuất bản năm 2015

Ngày 16/12/2015, tại Hà Nội, Khối Trường – Báo chí – Trung tâm và Nhà xuất bản (Khối) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác thi đua – khen thưởng năm 2015 và phương hướng thi đua năm 2016. 
 
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc; Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng Lê Ngân Giang; đại diện lãnh đạo các đơn vị: Trường Quản lý KH&CN, Tạp chí KH&CN Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN, Trung tâm Tin học, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Báo Khoa học và Phát triển.
 
 
Toàn cảnh Hội nghị 
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe ông Hà Quốc Trung- Giám đốc Trung tâm Tin học, Khối trưởng Khối thi đua Trường – Báo chí – Trung tâm và Nhà xuất bản năm 2015 trình bày báo cáo tổng kết những kết quả đạt được trong năm 2015 và phương hướng hoạt động trong năm 2016. Theo đó, trong năm 2015, Khối đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch đề ra, đưa các hoạt động của cơ quan đi vào nề nếp và có chiều sâu. Các đơn vị trong Khối phát động phong trào thi đua và đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch công tác để lập thành tích chào mừng sự kiện lớn trong năm với khẩu hiệu “Phấn đấu lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2015”.
 
Đa số các ý kiến đại biểu cho rằng, trong năm qua, Khối đã thực hiện tốt hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực quản lý KH&CN; tuyên truyền, phản ánh thành tựu, kết quả hoạt động của toàn ngành KH&CN; xuất bản các xuất bản phẩm; quản lý hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin; đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, quản trị duy trì các trang web của Bộ.
 
Đặc biệt, trong công tác thi đua – khen thưởng, các đơn vị trong Khối đã tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào khen thưởng, tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, kịp thời tổng kết, biểu dương các tập thể, cá nhân đạt nhiều thành tích tốt, chú trọng việc biểu dương, nhân rộng gương điển hình tiên tiến, đoàn kết xây dựng Khối vững mạnh, đưa các đơn vị trong Khối ngày càng phát triển.
 
Thảo luận về phương hướng hoạt động trong năm 2016, các đơn vị thuộc Khối đã thống nhất phương hướng triển khai nhiệm vụ trong năm 2016. Cụ thể, Khối quyết tâm lao động sáng tạo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Hưởng ứng các phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước, Bộ phát động, đảm bảo thiết thực, hiệu quả; Tích cực đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Tuyên truyền sâu rộng Luật KH&CN sửa đổi; Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ để tổ chức tốt Ngày KH&CN Việt Nam lần thứ 3;….
 
Với những kết quả đã đạt được trong năm 2015, Khối đã nhất trí đề xuất tặng Cờ thi đua của Bộ cho 02 đơn vị là Trường Quản lý KH&CN và Tạp chí Tia sáng và đề xuất Trường Quản lý KH&CN được tặng thưởng Cờ Thi đua của Chính phủ.
 
 
Các đơn vị trong Khối ký giao ước thi đua năm 2016
 
Cũng trong Hội nghị, các đơn vị thuộc Khối đã nhất trí giao ước thi đua năm 2016. Hội nghị cũng bầu Tạp chí Tia sáng làm Khối trưởng và Trường Quản lý KH&CN làm Khối phó năm 2016.
 
 
Nguồn:  Ánh Tuyết, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Hội thảo sách điện tử nóng vì vấn đề bản quyền

Một trong những lý do hàng đầu kìm hãm khả năng kinh doanh những sản phẩm xuất bản điện tử chính là tình trạng vi phạm bản quyền.
 
Sáng ngày 15/12, Hội thảo xuất bản và phát hành sách điện tử do Cục Xuất bản, in và phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đã diễn ra tại TP.HCM. Hội thảo có sự tham dự của hơn 10 đơn vị xuất bản lớn trên cả nước.
 
Phát biểu tại Hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn Nguyên – Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết so với tiềm năng, quy mô, trình độ của xuất bản điện tử tại Việt Nam hiện còn khá nhỏ bé, trong khi hạ tầng thương mại dành cho thương mại điện tử và sản xuất kinh doanh sách điện tử còn nhiều hạn chế.
 
Đặc biệt, cũng theo ông Nguyên thì tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản và kinh doanh sách điện tử đang diễn biến phức tạp, trở thành rào cản làm nản lòng các doanh nghiệp, nhà xuất bản muốn phát triển xuất bản điện tử. Ý kiến này nhận được sự đồng tình từ phía đại diện các đơn vị xuất bản.
 
Các đại biểu chia sẻ trong Hội thảo.
Quả thực, ngày nay, người ta có thể dễ dàng sở hữu một sản phẩm xuất bản điện tử với những thao tác tìm kiếm đơn giản trên mạng. Kể cả khi phải trả phí thì số tiền cũng rất nhỏ. Và số tiền đó lại chảy vào túi các website chia sẻ trực tuyến chứ không phải các nhà xuất bản.
 
Nói về thực trạng này, phần lớn ý kiến của các đại biểu đều cho rằng việc vi phạm tác quyền chính là rào cản lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất bản các ấn phẩm điện tử. Những năm qua, đã có không ít các đơn vị xuất bản cũng như những doanh nghiệp kinh doanh xuất bản điện tử đều phải tự móc tiền túi để bù lỗ.
 
Ngoài vấn đề bản quyền, các đại biểu cũng đã thay nhau chia sẻ về nhiều khó khăn khác mà họ gặp phải trong việc kinh doanh những ấn phẩm số. Đó là lối kinh doanh tự phát, thiếu tính liên kết giữa các nhà xuất bàn, là sự thiếu thốn về mặt cơ sở dữ liệu, là sự hạn chế về cơ sở hạ tầng dành cho thị trường kinh doanh xuất bản phẩm điện tử…
 
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như vậy, thế nhưng đa số các đại biểu có mặt tại Hội thảo đều phải thừa nhận việc đẩy mạnh và phát triển sách điện tử là xu thế chung của thời đại, đặc biệt là với một đất nước có tốc độ phát triển về internet thuộc hàng nhanh trên thế giới như Việt Nam.
 
Phong Vũ

Thấy gì từ việc cấp chứng chỉ hành nghề biên tập viên?

(Dân Việt) Lần đầu tiên, những người làm nghề biên tập được cấp chứng chỉ hành nghề biên tập viên khi Bộ TTTT vừa cấp 804 chứng chỉ. Có chứng chỉ, các biên tập viên sẽ ý thức được danh dự, giá trị của nghề nghiệp…
 
Chỉ 804 người có thẻ    
 
Không thể phủ nhận, những năm gần đây, mỗi khi đi mua sách, cầm  một cuốn sách trên tay, độc giả thường xem rất kỹ và băn khoăn về tên của NXB. Điều này càng được thể hiện rõ khi ngành xuất bản xã hội hóa với những hoạt động liên kết xuất bản rất lộn xộn, nhiều sai sót. Chính vì thế, Bộ TTTT quyết định tổ chức các lớp bồi dưỡng và cấp thẻ  hành nghề biên tập viên cho các NXB. Ngày 8.12 vừa qua, sau 4 năm kể từ khi xây dựng Luật Xuất bản, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã hoàn thành các lớp tập huấn cho 804 biên tập viên và chính thức trao chứng chỉ hành nghề đợt 1 là 500 thẻ.
 
 
Những biên tập viên được trao chứng chỉ hành nghề do Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ TTTT cấp ngày 8.12 tại Hà Nội.  Ảnh: T.H
 
Theo ông Chu Văn Hòa- Cục Trưởng, Cục Xuất bản, In và Phát hành thì trước đây, việc biên tập sách chưa biết giao cụ thể cho ai, bao nhiêu người được phép biên tập sách. Ví dụ, con số biên tập ngày trước có thể tăng một cách tùy tiện từ 804 biên tập lên 900 hoặc 1.000 người. Thế nhưng, bắt đầu từ 1.1.2016, 804 biên tập viên có chứng chỉ hành nghề sẽ đi vào hoạt động mà không có sự biến động lên, xuống con số.
 
“Chúng ta đang làm công việc là chỉ rõ ai không đủ tiêu chuẩn trong việc biên tập sách. Tôi nghĩ vá “cái sàng” này giống như việc chúng ta kiện toàn lại chất lượng đội ngũ biên tập viên. Mà kiện toàn đội ngũ không chỉ một việc phát thẻ là xong, mà đây chỉ là việc đặt nền móng cho vấn đề lâu dài”- ông Chu Văn Hòa cho biết.
 
Thay đổi lớn trong xuất bản
 
  Theo ông Chu Văn Hòa, với thẻ hành nghề, nếu không có vi phạm nào thì người có thẻ này có thể sử dụng vĩnh viễn. “Với nghề con chữ, gừng càng già càng cay, nhãn quan, nghiệp vụ của họ càng cao”- ông Hòa khẳng định. 
 
Luật Xuất bản có hiệu lực từ tháng 7.2013, quy định rõ tổng biên tập, biên tập viên phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ TTTT cấp. Bởi thế, từ cuối năm 2014 đến hết năm 2015, Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý TTTT tổ chức 11 lớp, với 1.144 học viên. Song song với việc cấp chứng chỉ hành nghề, bắt đầu từ 1.1.2016, Cục Xuất bản, In và Phát hành công khai lai lịch từng cuốn sách.
 
Lý giải sâu hơn về điều này, ông Chu Văn Hòa cho hay, theo quy định của luật, sách được phát hành phải ghi rõ: Giám đốc là ai, Tổng biên tập là ai, biên tập viên là ai… Đây là 3 thành tố phải có trên bìa cuốn sách. Điều này hiện được định danh rõ, vì phát thẻ nào trong máy ở Cục cập nhật thông tin đầy đủ, bằng cấp gì, lý lịch, vào hoạt động xuất bản năm nào, hiện đang làm ở đâu, có bao nhiêu vi phạm. Mỗi người có tên và số thẻ được định danh trong máy.
 
“Quy trình đó chỉ mất một ngày giải quyết xong, không ảnh hưởng sản xuất, đảm bảo thông tin công khai. Cơ quan quản lý các cấp, người mua sách biết được danh sách sách hợp pháp mới xuất bản. Những biên tập viên không có thẻ đều bị máy từ chối nạp dữ liệu. Điều này sẽ hạn chế được chuyện in sách lậu. Tuy nhiên, tôi rất buồn khi phải thông báo gần 10 tổng biên tập NXB không tham gia khóa học, nên chưa được cấp thẻ đợt này”- ông Chu Văn Hòa nói.
 
Chia sẻ về thay đổi mới này ông Vũ Văn Hùng- Giám đốc NXB Giáo Dục cho biết: “Nhiều nước quan niệm về biên tập viên rất danh giá. Bây giờ, người biên tập có chứng chỉ, ý thức được danh dự, giá trị của nghề nghiệp”.
 
Còn bà Nguyễn Thị Bích Thủy- Phó Giám đốc NXB Tri Thức thì cho biết: “Việc cấp thẻ mang lại nhiều thuận lợi. Những người hành nghề có sự khẳng định nhất định về vị trí trong quá trình làm việc, cũng như chịu trách nhiệm trước công chúng một cách chặt chẽ hơn, được bảo vệ trước pháp luật”. 

Hướng đi mới cho công tác xuất bản sách Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ.

Ngày 26/11, tại Hà Nội, Bộ KH&CN cùng Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật đã tổ chức Hội nghị Công tác xuất bản sách Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ. Tại đây, rất nhiều ý kiến đóng góp về những hướng đi tiềm năng cho công tác xuất bản sách KH-KT-CN được đưa ra.
Tham dự Hội nghị có ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Phạm Ngọc Khôi, Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật; ông Nguyễn Nguyên, Phó vụ trưởng Vụ xuất bản báo chí, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; ông Đỗ Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&CN cùng nhiều đại diện của các cục, vụ, viện trực thuộc Bộ, cộng tác viên đã hợp tác cùng nhà xuất bản…
 
 
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc Hội nghị.
 
Phát biểu tại Hội nghị, bà Đỗ Thị Quyên – Khoa Xuất bản Phát hành thuộc Trường Đại học Văn hóa Hà Nội – cho rằng, trước tình hình gặp vô vàn khó khăn, chịu sự cạnh tranh khốc liệt, Nhà Xuất bản KH-KT cần xác định được cho mình một triết lý kinh doanh, xây dựng một thương hiệu, sự khác biệt so với các Nhà xuất bản trong lĩnh vực KH-KT khác.
 
Ngoài ra, Nhà xuất bản có thể mở rộng liên kết với các nhà xuất bản khác để thu hút nguồn lực cũng như tăng cường sức mạnh. Có nhiều hình thức liên kết như liên kết bản thảo, biên tập sơ bộ, in xuất bản phẩm hay phát hành xuất bản phẩm. Tuy vậy, Nhà xuất bản cần phải dung hòa các biện pháp liên kết với việc giữ được vị thế của mình.
 
Bà Quyên cũng có ý kiến rằng, Nhà xuất bản KH-KT nên mở rộng mạng lưới phát hành, đẩy mạnh khâu truyền thông để sách tới được tay của nhiều độc giả hơn.
 
 
Rất nhiều ý kiến có chất lượng được các đại biểu đóng góp trong Hội nghị.
 
Ông Nguyễn Kiểm – Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam- gợi ý, Nhà xuất bản nên lưu tâm tới việc xuất bản những cuốn sách phổ biến khoa học cho độc giả nhỏ tuổi. Ông cho rằng nguyên nhân khiến sách KH-KT, kể cả sau khi đoạt được nhiều giải thưởng về sách, vẫn nằm “ế” trên kệ, là do chưa bắt mạch nhịp đập của cuộc sống. Ngoài ra, nhiều đầu sách Khoa học hiện nay vẫn còn tình trạng thiếu ISBN và Index. Điều này cần được khắc phục.
 
Ông Kiểm cho rằng, cần phải nâng cao chất lượng sách KH-KT, đón đầu xu hướng để giới thiệu sách về xu hướng đó (chẳng hạn xu hướng nhà thông minh trong tương lai). Bên cạnh đó, nhà xuất bản cần chăm chút tới việc chọn người viết sách, chăm chút tới việc trình bày, vẽ bìa….
 
Về vấn đề quảng bá sách KH-KT, ông gợi ý nên thông qua các hiệp hội nghề nghiệp, hội sản xuất.
 
Bên cạnh đó, rất nhiều ý kiến thảo luận trong Hội nghị đều cho rằng Nhà Xuất bản KH-KT nên mở rộng phạm vi độc giả, quan tâm tới độc giả nhỏ tuổi, trực quan hóa các nội dung khoa học, mở rộng hệ thống phân phối sách và số hóa sách KH-KT để đến được với nhiều độc giả hơn…
 
 
Hiền Thảo
 

Xuất bản sách khoa học, kỹ thuật và công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập Quốc tế.

 
Ngày 26/11, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật (NXB) đã tổ chức Hội nghị Công tác xuất bản sách Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ (sách KH,KT và CN). Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh, công tác xuất bản sách khoa học, kỹ thuật cần hướng vào nâng cao nhận thức của xã hội và có thể đem kết quả nghiên cứu áp dụng để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Đây là Hội nghị thường niên do NXB tổ chức. Mục đích của Hội nghị là nhằm trao đổi kinh nghiệm về những vấn đề trong quản lý nhằm tạo ra những cuốn sách KH,KT và CN có chất lượng và hiệu quả tốt, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao nhận thức của xã hội và có thể đem kết quả nghiên cứu áp dụng để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng là dịp để trao đổi về hoạt động xuất bản sách nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu xuất bản sách của các đơn vị, cá nhân trong và ngoài Bộ. Đồng thời, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng khẳng định Bộ luôn ủng hộ và tạo điều kiện để NXB hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
 
 
 
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc Hội nghị.
 
 
Trong Báo cáo của mình, thời gian qua NXB  đã có nhiều đổi mới và tiến bộ, tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng của mình trong thực hiện nhiệm vụ xuất bản sách KH,KT và CN, góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách phát triển KH&CN của Đảng và Nhà nước. 
Thực hiện tốt hơn nữa trong công tác xuất bản, năm tới, NXB sẽ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá trong việc lựa chọn đề tài sách và tác giả; Xây dựng tủ sách các đề tài KH&CN ứng dụng vào sản xuất, đời sống; Tủ sách dành cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp KH&CN về sáng tạo, đổi mới và quản trị công nghệ; Tủ sách giáo trình, tham khảo, chuyên khảo cho sinh viên ngành KH, KT, công nghệ; Tủ sách các ngành mũi nhọn: điện gia dụng, điện tử, chế biến thực phẩm, đóng tàu, máy nông nghiệp, công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng, ô tô và sản xuất phụ tùng; tủ sách phổ biến tri thức mới, sở hữu trí tuệ, công nghệ cao như năng lượng nguyên tử, công nghệ vũ trụ…
Trong Hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe nhiều ý kiến tham luận về xuất bản, liên kết và phát hành sách KH,KT và CN giai đoạn hiện nay; Những tiêu chí cần có để đạt giải thưởng sách Hay, sách Đẹp hằng năm và vấn đề liên kết xuất bản, những sai phạm thường gặp; Xuất bản sách KH,KT và CN theo tinh thần “Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, là nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp”…
Phát biểu tại Hội nghị, bà Đỗ Thị Quyên – Khoa Xuất bản-Phát hành, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội – cho rằng, trước tình hình gặp vô vàn khó khăn, chịu sự cạnh tranh khốc liệt, NXB cần xác định được cho mình một triết lý kinh doanh, xây dựng một thương hiệu, sự khác biệt so với các Nhà xuất bản trong lĩnh vực KH-KT khác.
 
Ngoài ra, Nhà xuất bản có thể mở rộng liên kết với các nhà xuất bản khác để thu hút nguồn lực cũng như tăng cường sức mạnh. Có nhiều hình thức liên kết như liên kết bản thảo, biên tập sơ bộ, in xuất bản phẩm hay phát hành xuất bản phẩm. Tuy vậy, NXB cần phải dung hòa các biện pháp liên kết với việc giữ được vị thế của mình cũng như chấp hành tốt Luật Xuất bản
 
 
 
Rất nhiều ý kiến có chất lượng được các đại biểu đóng góp trong Hội nghị.
 
Bà Quyên cũng có ý kiến rằng, NXB nên phát triển mạng lưới phát hành, đẩy mạnh khâu truyền thông để sách tới được tay của nhiều độc giả hơn.
 
Ông Nguyễn Kiểm – Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nêu một số tiêu chí xét duyệt giải thưởng sách hay, sách đẹp hàng năm và trao đổi suy nghĩ về lứa tuổi ham mê đọc sách và cũng như NXB hướng tới xuất bản sách phổ biến khoa học dành cho độc giả nhỏ tuổi. Ông cho rằng nguyên nhân sách khiến sách KH,KT và CN, kể cả sau khi đoạt được nhiều giải thưởng về sách, vẫn nằm “ế” trên kệ, là do chưa bắt mạch nhịp đập của cuộc sống. Ngoài ra, nhiều đầu sách Khoa học hiện nay vẫn còn tình trạng thiếu ISBN và Index. Điều này cần được khắc phục. Về vấn đề quảng bá sách KH-KT, ông gợi ý nên thông qua các hiệp hội nghề nghiệp, hội sản xuất.
 
Ông Đỗ Hồng Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Khoa học và Công nghệ cũng nêu một số ý kiến của mình về Xuất bản  sách khoa học, kỹ thuật và công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm của NXB theo tinh thần  “ Phát triển khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp” 
Niều ý kiến thảo luận trong Hội nghị đều cho rằng NXB nên mở rộng phạm vi độc giả, quan tâm tới độc giả nhỏ tuổi, trực quan hóa các nội dung khoa học, mở rộng hệ thống phân phối sách và số hóa sách KH,KT và CN để đến được với nhiều độc giả hơn…NXB cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng nội dung, mở rộng thêm lĩnh vực, phân khúc thị trường rõ ràng để hướng đến từng đối tượng cụ thể trong xã hội,… 
Hy vọng trong thời gian tới, NXB sẽ trở thành Nhà xuất bản có uy tín, năng lực hàng đầu về lĩnh vực KH&CN và một số lĩnh vực mũi nhọn khác nhằm phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập Quốc tế.
 
 
 
Nguồn tin tổng hợp.