Trường Đại học Hàng hải đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong nước và quốc tế đào tạo trình độ trên đại học

 
Chiều ngày 03/6/2015 tại Sở KH&CN TP. Hải Phòng đã diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố “Nghiên cứu xây dựng đề án liên doanh, liên kết, kêu gọi đầu tư mở các cơ sở đào tạo trình độ trên đại học giữa Trường Đại học Hàng hải Việt Nam với các trường đại học danh tiếng trong nước và quốc tế, các Viện nghiên cứu KH&CN đầu ngành của quốc gia”. 
 
(Ảnh minh họa)
 
Theo báo cáo tại Hội nghị, hiện nay Trường Đại học Hàng hải đang đào tạo 34 chuyên ngành đại học, 11 chuyên ngành cao học và 8 chuyên ngành tiến sỹ liên quan trực tiếp đến lĩnh vực kinh tế biển. Đối với việc liên doanh, liên kết đào tạo trình độ trên đại học, nhà trường áp dụng hình thức liên doanh, liên kết đào tạo với các trường đại học hay các tổ chức giáo dục trong nước và thế giới. Các khoá đào tạo cao học theo hình thức liên doanh, liên kết trong nước được tổ chức ngay trên địa bàn thành phố với 4 chuyên ngành: quản trị kinh doanh, tài chính kế toán, công nghệ thông tin và ngôn ngữ Anh, tuy nhiên hiệu quả không cao. Hình thức liên kết đào tạo trình độ thạc sỹ khoa học, tiến sỹ chuyên ngành, tiến sỹ khoa học với nhiều trường đại học, học viện lớn trên thế giới đã góp phần tạo ra một đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ cao cho thành phố và đất nước. Tuy nhiên, điểm hạn chế chung của các chương trình này là ngành nghề đào tạo còn bị giới hạn; cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu học tập, nghiên cứu. 
 
Đối với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, học viên gặp phải rào cản ngôn ngữ và khó khăn về chi phí đi lại do phải bảo vệ tốt nghiệp tại nước đối tác. Việc nghiên cứu xây dựng đề án góp phần đưa ra lời giải cho những vấn đề trên.
 
Theo kế hoạch đưa ra, nhà trường sẽ liên kết đào tạo trình độ thạc sỹ ngay tại trường với 5 nước Bỉ, Hàn Quốc, Nga, Hoa Kỳ và Áo. 5 chuyên ngành đào tạo liên kết tương ứng với 5 nước là: đóng tàu, công nghệ thông tin, kỹ thuật tàu thuỷ, kinh tế hàng hải và toàn cầu hoá, quản lý kinh tế. Đây là những chuyên ngành đào tạo thuộc thế mạnh của nhà trường. Học viên tham gia chương trình đào tạo phải vượt qua vòng thi tuyển và đảm bảo các tiêu chí: tốt nghiệp đại học loại khá trở lên, tuổi không quá 45, đảm bảo trình độ tiếng Anh đầu vào tương đương trình độ tuyển sinh. Thời gian đào tạo từ 18-24 tháng. Giảng viên là các giáo sư, tiến sỹ của các trường đại học trong nước đã được bên đối tác kiểm định chọn lựa và các giáo sư, tiến sỹ của phía đối tác. Sau khi hoàn thành chương trình, học viên được cấp bằng chính quy theo sự thoả thuận của 2 cơ sở đào tạo. Nguồn tài chính phục vụ việc mở và duy trì các ngành đào tạo được huy động từ công tác xã hội hoá, từ nhà trường và đóng góp của các học viên. 
 
Theo đánh giá của Hội đồng KH&CN, đề án đã xác định được chuyên ngành đào tạo sát với thực tế, khách quan và phù hợp với nhu cầu của thành phố. Tuy nhiên, đề án cũng cần xác định rõ đối tác liên doanh, liên kết đào tạo là trường nào hay tổ chức nào.
 
Nguồn:  Sở KH&CN thành phố Hải Phòng

NGÀY SÁCH VIỆT NAM: Đang tạo một tiền lệ, một con đường, một hướng đi

 
Ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Sau đây Tri Thức Thời đại chia sẻ một số suy nghĩ của những đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực xuất bản sau 1 năm triển khai Ngày Sách Việt Nam.
 
Văn hóa đọc là một bộ phận của nền văn hóa nói chung, chính xác hơn nó là một hoạt động văn hóa cao cấp trong xã hội. Hoạt động này là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có tri thức, có trí tuệ để hòa nhập, thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại, một xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức. Văn hóa đọc có thể giúp cho mỗi cá nhân có được một cuộc sống trí tuệ hơn, đẹp đẽ, ý nghĩa, hạnh phúc và hài hòa hơn. Chính vì vậy, phát triển văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực – nhân tố quyết định mọi thành công. Xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là góp phần đem lại cho dân tộc Việt Nam sức mạnh của trí tuệ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Đánh giá thực trạng văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay, nếu nhìn lại những cuộc hội thảo, tọa đàm, những ý kiến của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, những người làm công tác quản lý văn hóa trong thời gian qua gần như đều thống nhất một quan điểm là bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, vẫn tồn tại một thực tế hết sức đáng lo ngại rằng văn hóa đọc vẫn đang ở trong tình trạng báo động. Có những ý kiến bức xúc, gay gắt hơn còn cho rằng văn hóa đọc đang ngày một xuống cấp, hay thậm chí người Việt Nam chưa có văn hóa đọc… Không hề thiếu cơ sở cho sự tồn tại của những nhận định này, tuy nhiên để nhìn nhận, đánh giá một cách thấu đáo, khách quan về hiện trạng văn hóa đọc hiện nay, chúng ta cần soi chiếu từ bản chất sâu xa của khái niệm này. Văn hóa đọc hiểu một cách ngắn gọn và đầy đủ nhất đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của từng cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý, cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, một quốc gia muốn văn hóa đọc phát triển, cần phải phát triển đồng đều ứng xử, giá trị, chuẩn mực đọc của cả ba thành phần: các nhà quản lý, các cơ quan quản lý, cộng đồng xã hội và từng thành viên trong xã hội. Với các cơ quan quản lý, ứng xử, giá trị, và chuẩn mực đọc đó là đường lối, chính sách phát triển nền văn hóa đọc, phát triển ngành xuất bản, tạo cơ chế và hành lang pháp lý để thỏa mãn nhu cầu đọc của toàn xã hội. Với cộng đồng xã hội, ứng xử, giá trị, chuẩn mực đọc ở đây là sự phát triển của các hội nghề nghiệp liên quan đến việc đọc, đó là những hoạt động để quảng bá, cổ vũ, phát triển văn hóa đọc, đó là sự tôn vinh những người viết sách, những người làm sách… Ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân là sự hội tụ của ba yếu tố: thói quen đọc, khả năng lựa chọn và kỹ năng đọc. Ba yếu tố này được hình thành phụ thuộc rất nhiều vào truyền thống gia đình, môi trường giáo dục, môi trường sống, làm việc, trình độ văn hóa.
Căn cứ vào thực tế trong thời gian qua, có thể khẳng định rằng Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển văn hóa đọc. Chỉ thị số 42/CT-TW ngày 25 tháng 8 năm 2004 của BCH Trung ương Đảng đã chỉ rõ: “Chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân, tổ chức và phát triển các lực lượng, mạng lưới phát hành xuất bản phẩm đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt quan tâm vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi …  Tập trung củng cố và phát triển hệ thống thư viện, các loại phòng đọc, trước hết là ở cơ sở …”. Thực hiện chủ trương, đường lối trên, đã có rất nhiều chương trình sách đưa về phục vụ nông thôn, phục vụ cơ sở, trong đó có Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa. Hơn 10 năm qua, Nhà nước đã cấp hàng trăm tỷ đồng thông qua Chương trình này để cung cấp sách báo cho các thư viện công cộng phục vụ cho người dân ở cơ sở.
Chúng ta cũng đã hình thành được môi trường đọc khá thuận lợi cho người dân ở mọi trình độ, mọi lứa tuổi, kể cả người khiếm thị. Cho đến nay đã có một mạng lưới thư viện rộng khắp trong cả nước, từ trung ương tới cơ sở, với hai loại hình thư viện cơ bản: thư viện công cộng và thư viện đa ngành, chuyên ngành. Bên cạnh mạng lưới thư viện nhà nước, đã bắt đầu hình thành và phát triển mô hình thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ… phục vụ cộng đồng, đáp ứng nhu cầu đọc của người dân. Công tác xuất bản và phát hành ngày càng phát triển. Số lượng xuất bản phẩm gia tăng nhanh chóng, từng bước thích ứng với với cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người đọc. Các xuất bản phẩm khá đa dạng về chủng loại (dạng in truyền thống, dạng điện tử …), phong phú về nội dung vừa đáp ứng, vừa kích thích nhu cầu đọc sách của mọi tầng lớp nhân dân. Nhận thức của xã hội về vấn đề đọc sách và phát triển văn hóa đọc được quân tâm; đã có sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội trong việc tuyên truyền, khích lệ, quảng bá cho văn hóa đọc trong đời sống xã hội, góp phần tạo ra thói quen đọc, từng bước hình thành văn hóa đọc trong cộng đồng. Nhu cầu đọc của người dân rất lớn và đa dạng. Người dân đã có xu hướng chọn lựa sách báo chất lượng và phù hợp với nhu cầu học tập, nghiên cứu, công tác chuyên môn, lao động – sản xuất và giải trí để đọc.
Tuy nhiên, rất dễ dàng để nhận thấy văn hóa đọc của chúng ta vẫn còn khá nhiều những hạn chế, tồn tại. Đối tượng đọc mới chỉ rất hạn chế, chủ yếu là các nhà nghiên cứu, những người hoạt động trong lĩnh vực chuyên sâu liên quan đến văn hóa đọc. Những đối tượng cần đọc nhất trong xã hội là học sinh, sinh viên, những người làm công tác quản lý (ở các cấp, các ngành) lại là những người chưa thực sự mặn mà với việc đọc. Thói quen đọc của người Việt Nam chưa được hình thành một cách vững chắc. Xu hướng đọc hiện nay, đặc biệt là của giới trẻ, đối tượng chúng ta đang hướng tới xây dựng thế hệ đọc tương lai ít nhiều có biểu hiện lệch lạc. Môi trường đọc chưa thật sự đáp ứng nhu cầu đọc đa dạng, luôn thay đổi của cộng đồng, Mạng lưới thư viện, tủ sách công cộng đã phát triển nhưng chất lượng tổ chức và hoạt động chưa đáp ứng được nhu cầu đọc của người dân, cơ sở vật chất nghèo nàn, cán bộ thiếu, kinh phí hoạt động thấp. Việc giáo dục thói quen đọc, kỹ năng đọc – một vấn đề có tính chất quyết định tới việc hình thành văn hóa đọc – chưa được quan tâm. Công tác xuất bản – phát hành trong cơ chế thị trường rất sôi động, số lượng xuất bản phẩm gia tăng, tuy nhiên lại thiếu những sách có chất lượng. Rất nhiều xuất bản phẩm có nội dung vô bổ, tính giáo dục chưa cao, nặng về giải trí rẻ tiền, thị hiếu tầm thường..
 
Có thể dẫn ra một vài nguyên nhân của tình trạng trên: chính sách đầu tư của Nhà nước để tạo điều kiện cho văn hóa đọc phát triển chưa thỏa đáng, còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ; nhận thức của các ngành, các cấp về văn hóa đọc chưa đúng mức; Chất lượng các xuất bản phẩm chưa đảm bảo, bị thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận, văn hóa nghe – nhìn và các loại hình giải trí khác đang ngày một lấn át, thu hẹp văn hóa đọc. Tuy nhiên, điều cốt yếu đó chính là giáo dục, đào tạo trong nhà trường chưa chú trọng đến việc hướng dẫn học sinh, sinh viên thói quen, khả năng lựa chọn và phương pháp đọc sách, và đặc biệt quan trọng, đó là nhu cầu tự thân của mỗi cá nhân trong việc tiếp cận, tích lũy, bổ sung nguồn tri thức thông qua hoạt động đọc.
Nhìn vào hiện trạng của văn hóa đọc, quả thực vẫn còn đó những buồn vui lẫn lộn. Buồn vì quá nhiều những tồn tại, hạn chế, bất cập. Nhưng cũng vui vì vẫn có rất nhiều tín hiệu khả quan để tạo dựng một xã hội ham đọc, một nền văn hóa đọc phát triển. Cần lắm những hoạt động để quảng bá, tôn vinh, định hướng, phát triển văn hóa đọc và việc ra đời Ngày Sách Việt Nam (21/4) là một việc làm hết sức đúng đắn, kịp thời. Cũng không thể trông mong động thái này trong một sớm một chiều lập tức chấn hưng văn hóa đọc ở Việt Nam, thế nhưng vẫn phải có một ngày, thậm chí là nhiều hơn thế để định hướng, cổ vũ, để tôn vinh những người làm sách, những người viết sách, những tác phẩm có giá trị, để lan tỏa niềm đam mê, tình yêu sách đến tất cả mọi người. Hãy tâm niệm rằng, chúng ta đang bồi đắp, gia cố vào nền móng vốn đang mong manh, yếu ớt của văn hóa đọc dân tộc. Hãy xác định rằng chúng ta đang tạo một tiền lệ, một con đường, một hướng đi. Xin trích dẫn câu nói của nhà văn Lỗ Tấn để kết thúc bài viết này: Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường đó thôi. q
 
>> NGUYỄN ANH VŨ
 
     Giám đốc NXB Văn học 

NHỮNG ĐIỀU KIỆN CƠ BẢN VÀ XU THẾ PHÁT TRIỂN SÁCH ĐIỆN TỬ ở Việt Nam trong tương lai

Sách điện tử (eBook) – là một trong những phát minh kỳ diệu của nhân loại trong thời đại số. Ngày nay, xuất bản sách điện tử đang có tốc độ phát triển cực kỳ nhanh chóng. Chỉ vài năm trước đây, sách điện tử còn được xem là phương thức đọc dành riêng cho người yêu thích công nghệ thì đến nay, trên thế giới sách điện tử đã vượt xa sách in cả về doanh thu, số bản và trở nên rất phổ biến. Việc xuất bản sách điện tử tại Việt Nam, ngoài việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về xuất bản cũng như các quy định về Sở hữu trí tuệ, Thông tin điện tử, Thương mại điện tử, Giao dịch điện tử… thì vấn đề đặt ra đối với chúng ta cần thực hiện những điều kiện cụ thể gì để thúc đẩy phát triển sách điện tử tại Việt Nam?
 
Chính sách hỗ trợ của Nhà nước 
 
Bên cạnh hành lang pháp lý tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản nói chung và xuất bản điện tử nói riêng thì chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho hoạt động này là rất quan trọng. Trong những năm qua Nhà nước đã có các chính sách: đặt hàng, mua bản quyền tác phẩm, trợ cước vận chuyển…, tuy nhiên vẫn còn ở mức hạn chế. Để khuyến khích hoạt động xuất bản nói chung và xuất bản điện tử nói riêng phát triển, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ về tài chính, đầu tư phát triển khoa học – công nghệ, ưu đãi về thuế, tín dụng, cơ sở vật chất… Cụ thể: Tăng cường thực hiện chính sách đặt hàng các xuất bản phẩm có giá trị, khuyến khích các nhà xuất bản đầu tư phát triển loại hình xuất bản này; Tăng cường hỗ trợ mua bản quyền đối với các tác phẩm hay; Tăng cường hỗ trợ, đầu tư vốn, trang thiết bị kỹ thuật; Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ; Ưu đãi hơn nữa về thuế.
 
Chính sách hỗ trợ của Nhà nước là một điều kiện quan trọng để thúc đẩy hoạt động xuất bản; tuy nhiên cũng cần có sự phân biệt, không bao cấp tràn lan, mà chính là phải tạo điều kiện về cơ chế để các nhà xuất bản năng động trên cơ sở phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện sản xuất kinh doanh, và quản lý minh bạch, công khai. Sự ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước cần dành cho việc hiện đại hóa nhà xuất bản, khuyến khích hoạt động sáng tạo và phát triển vốn để nhà xuất bản chủ động trong hoạt động của mình.
 
Tăng cường các biện pháp quản lý
 
Chống vi phạm bản quyền: Xuất bản sách điện tử là một xu thế mới của hoạt động xuất bản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên loại hình xuất bản này bên cạnh những ưu việt như nhanh, gọn, nhẹ, có thể đọc ở mọi nơi… song cũng nảy sinh nhiều thách thức đòi hỏi ngành Xuất bản nói chung và bản thân các tác giả phải bảo vệ bản quyền, lợi ích chính đáng của mình trước vấn nạn sao chép lậu. Việc sao chép bất hợp pháp sẽ gây nhiều ảnh hưởng đối với tác giả và xã hội như: ngăn cản các tác giả hưởng thù lao từ việc sử dụng tác phẩm, hủy hoại tính sáng tạo và việc xuất bản các tác phẩm trong nước, gây rối loạn các chức năng trên thị trường. Trên thực tế việc sao chép lậu hay ngang nhiên sử dụng tác phẩm không xin phép tác giả hoặc nhà xuất bản đang có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, cần tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức cho tác giả và người sử dụng tác phẩm về quyền tác giả; phải có biện pháp quản lý tập thể dưới dạng một tổ chức đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ sở hữu quyền và hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng tiếp cận hợp pháp với tác phẩm… Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với việc vi phạm bản quyền nói chung và trong xuất bản điện tử nói riêng, đặc biệt là đối với các trang mạng có nhiều ấn phẩm lậu, không có bản quyền, v.v… Đồng thời tăng nặng hơn chế tài xử phạt, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe đối với những trường hợp vi phạm.
 
 Nghiêm khắc xử lý việc xuất bản sách điện tử mà không qua nhà xuất bản: Theo quy định của pháp luật, việc xuất bản sách, tài liệu phải qua nhà xuất bản. Đối với sách in thì việc kiểm soát vấn đề này đã khó, với sách điện tử thì vấn đề này lại càng khó khăn. Một thực tế, tình trạng sách lậu tràn lan trên mạng Internet ở nước ta đã làm đau đầu và thiệt hại không ít cho tác giả và các nhà xuất bản. Nhiều cuốn sách (sách in) hay, bán chạy chỉ sau chừng một đến hai tuần là đã có eBook bất hợp pháp trên mạng; thậm chí có Website còn thu phí dowload của người dùng, mặc dù họ không được bán các tác phẩm ấy; ngoài ra người đọc có thể tìm thấy eBook bất hợp pháp trên nhiều diễn đàn khác.
 
Vì vậy, nếu không có biện pháp hữu hiệu để giải quyết được vấn đề này thì việc xuất bản lậu sớm muộn cũng sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Và có giải quyết được điều này thì mới tạo điều kiện để xuất bản sách điện tử được hoạt động đúng định hướng của Đảng và pháp luật Nhà nước.
 
 XU THẾ PHÁT TRIỂN SÁCH ĐIỆN TỬ Ở VIỆT NAM 
 
Ở Việt Nam, sách điện tử mới được biết đến nhiều trong vài năm trở lại đây, song đã mở ra nhiều triển vọng mới cho ngành Xuất bản. Theo thời gian, có thể thấy eBook đang dần thế chỗ của sách in, với sự hỗ trợ của công nghệ đã và đang làm thay đổi triệt để cách đọc sách của mọi người; nhiều người coi eBook như một cuộc cách mạng trên cả hai lĩnh vực xuất bản và văn hóa đọc trên thế giới. Vì sao eBook lại nhanh chóng lên ngôi như vậy? Dù eBook có những ưu, nhược điểm nhưng có thể nhận định rằng, trong tương lai, sách điện tử sẽ rất phát triển ở Việt Nam bởi các lý do sau:
 
Thứ nhất: Hiện nay, hạ tầng viễn thông và các dịch vụ viễn thông – CNTT Việt Nam đang được đánh giá là đã phát triển ngang tầm khu vực. Việt Nam hiện nằm trong top 10 nước châu Á – Thái Bình Dương và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về số người sử dụng Internet. Đây là những tiền đề rất quan trọng về mặt hạ tầng – điều kiện quan trọng cho việc phát triển sách điện tử trong tương lai ở Việt Nam.
 
Thứ hai: Giới trẻ ở nước ta luôn tỏ ra thích ứng nhanh với những cái mới, đặc biệt là sử dụng thiết bị điện tử cá nhân và thưởng thức các ấn phẩm điện tử trong giải trí và học tập đang là một nhu cầu không thể thiếu trong xã hội hiện đại. Một minh chứng cho điều đó là hiện nay hầu hết các nhà mạng di động đều bằng cách nào đó phối hợp với các NXB hoặc công ty sách để hình thành nên những kho dịch vụ nội dung số là sách điện tử để cung cấp dịch vụ đọc cho khách hàng.
 
Thứ ba: Trong xã hội hiện đại và ở thời điểm nền giáo dục nước ta đang có những bước đi rất mạnh và táo bạo trong việc đổi mới cách dạy và học thì các sách, ấn phẩm là một trong những yếu tố đầu tiên đang được ngành Giáo dục và cả xã hội quan tâm, đã và đang tạo một cơ hội rất lớn cho sách điện tử phát triển.
 
Thứ tư: Sự phát triển của sách điện tử ở Việt Nam sau một quá trình tự phát và kinh doanh nhỏ lẻ nay đã hướng dần đến việc nâng tầm và chuyên môn hóa. Đã có nhiều công ty công nghệ và các công ty sách nhanh nhạy nắm bắt cái mới, nắm bắt được xu hướng người dùng, đã tập trung đi sâu vào phát triển loại hình sách này. Bên cạnh đó là nhiều NXB và công ty sách cũng đang bước đầu làm quen và bắt đầu bước chân vào thị trường mới mẻ này. Tất cả những điều đó sẽ góp phần thúc đẩy phát triển một thị trường sách điện tử đầy tính cạnh tranh và sôi động.
 
Thứ năm: Với ưu điểm rất lớn của sách điện tử là không có giới hạn về nội dung và hình thức thể hiện, không giới hạn về dung lượng thông tin chứa trong nó; một nội dung nhỏ trong sách điện tử cũng có thể cho phép người đọc tra cứu tức thời hoặc liên kết trực tiếp đến những kho tài nguyên khác trên mạng để đối chiếu hoặc tìm hiểu thêm những nội dung liên quan,… chính những điều này đã làm cho sách điện tử được ưu tiên xuất bản, đặc biệt là ở mảng sách, tài liệu học tập. Bên cạnh đó là các ưu điểm như có thể khắc khó khăn trong khâu phát hành do những hạn chế về hệ thống phân phối; giảm chi phí in ấn, lưu kho; bảo vệ được bản quyền tác giả qua việc hạn chế được nạn vi phạm bản quyền bằng các công cụ kỹ thuật… sẽ giúp cho sách điện tử ngày càng được kỳ vọng phát triển.
 
Xu thế phát triển về hình thức của sách điện tử:
 
Sách điện tử hiện nay có thể tổng hợp và được phân thành bốn loại:
 
– Loại 1: Dạng sách điện tử đơn giản; nội dung sách chủ yếu là text, có thể có thêm hình ảnh tĩnh liền với nội dung như trình bày trong sách in. Sách thường được xem ở dạng lật trang, trượt trang hoặc cuộn trang thông thường Sách ở cấp độ này thường có các định dạng: pdf, epub, mobi, prc, lit,…
 
– Loại 2: Dạng sách điện tử có thêm phần minh họa là các dữ liệu hình ảnh, âm thanh, video, biểu đồ được nhúng (embed) vào sách làm phong phú hơn so với các sách điện tử chỉ có dữ liệu tĩnh hoàn toàn.
 
– Loại 3: Dạng sách có tính năng cho phép người đọc có sự tương tác qua lại giữa người đọc sách và nội dung sách. Ví dụ người đọc trả lời câu hỏi và sách tự chấm điểm, hoặc người đọc nhập dữ liệu và sách tự tính toán ra kết quả.
 
– Loại 4: Dạng sách có cấu trúc dữ liệu được tổ chức phức tạp, dữ liệu lớn, khi xem phải cài đặt như phần mềm. Giao diện sách được tổ chức với cấu trúc menu nhiều cấp. Ví dụ các sách được tạo bởi các công cụ lập trình Web (html), Flash, và một số công cụ lập trình khác.
 
Việc phân định này chỉ mang tính chất tương đối, và không có nghĩa là mỗi loại sách này có sự rạch ròi về cách thức thể hiện như trên. Trong thực tế, có những ấn phẩm sách điện tử có các tính năng hỗn hợp.
 
Qua khảo sát thực tế hiện nay và xét về đặc tính của từng loại sách điện tử, có thể nhận định hình thức của sách điện tử sẽ có xu thế phát triển mạnh cả về 4 loại như trên. Tuy nhiên, mỗi loại sách điện tử lại có xu hướng phát triển mạnh theo từng mảng sách khác nhau. Cụ thể:
 
Sách điện tử loại với đặc tính đơn giản, dễ thực hiện, dễ sử dụng, dung lượng nhỏ, định dạng tương thích và phù hợp cho đa số các thiết bị đọc và các thiết bị di động khác như máy tính bảng, điện thoại thông minh sẽ chủ yếu dành cho các loại sách vốn chỉ toàn nội dung text như mảng sách như văn học, và một phần thuộc các mảng sách thường thức gia đình, khoa học xã hội, kinh tế, quản trị kinh doanh… Thực tế hiện nay cho thấy loại này đang phát triển mạnh nhất ngoài lý do vừa nêu cũng còn vì lý do sách đơn giản, các Nhà xuất bản, công ty sách có thể dễ dàng nắm bắt kỹ thuật làm sách khi bước đầu tiếp cận và làm quen với sách điện tử.
 
Sách điện tử loại 2 cũng sẽ phát triển song song và sẽ phù hợp với các sách yêu cầu có thêm nhiều dữ liệu multimedia để minh họa thêm cho nội dung text.
 
Sách điện tử loại 3, loại 4 cũng là những loại có khả năng phát triển mạnh, và thiên về các sách, ấn phẩm cho giáo dục, trong đó tiêu biểu là các sách giáo khoa phổ thông các cấp học, các sách giáo trình đào tạo nghề. Thực tế hiện nay cho thấy các sách điện tử giáo khoa phổ thông hoặc sách điện tử hỗ trợ dạy và học được biên soạn theo sách giáo khoa hầu hết đều có độ phức tạp cao. Điển hình là các sách điện tử được Công ty Shool@net xuất bản và phát hành trên trang www.shoolnet.vn. Về môi trường đọc, sách thuộc các loại này chủ yếu chỉ phù hợp với máy vi tính vì có dung lượng lớn, cần phải cài đặt trước khi sử dụng và hầu hết chỉ phù hợp với môi trường Windows. Trong tương lai, việc hiện đại hóa ngành giáo dục, đổi mới cách dạy và học, trong đó có đổi mới sách giáo khoa sẽ là điều kiện rất tốt cho sách điện tử loại này phát triển.
 
Sự phát triển nhanh chóng của CNTT trong những năm qua đã và đang tác động mạnh mẽ vào đời sống xã hội và nền kinh tế nói chung, trong đó có ngành Xuất bản. Số lượng các xuất bản phẩm được xuất bản ngày một tăng, và xuất bản phẩm điện tử cũng đã bước đầu đặt chân vào thị trường xuất bản. Sách điện tử và các hình thức xuất bản trên phương tiện truyền thông hiện đại ra đời mặc dù không phải để thay thế xuất bản truyền thống (sách in), nhưng đang tạo ra một sự lựa chọn tuyệt vời trong việc thưởng thức văn hóa đọc với việc mang trong nó đầy đủ những tiện ích mà sách in không đáp ứng được như tự động dàn trang, đọc được trên nhiều thiết bị điện tử thông dụng, tích hợp trên nhiều hệ điều hành… giúp độc giả có những trải nghiệm tuyệt vời không chỉ cảm giác là đang đọc một cuốn sách in, lật giở từng trang mà còn giúp độc giả cá nhân hóa cuốn sách của mình như tự thay đổi phông chữ, cách trình bày, ghi chú những nội dung cần thiết… Hy vọng, trong thời gian tới khi các điều kiện về cơ chế chính sách của Nhà nước đến những điều kiện cụ thể về cơ sở vật chất, nhân lực của từng Nhà xuất bản đáp ứng đầy đủ các nội dung phân tích nêu trên; sách điện tử sẽ mang lại một diện mạo mới cho ngành Xuất bản Việt Nam và đem đến nhiều trải nghiệm khác biệt trong việc thưởng thức văn hóa đọc ở nước ta. q
 
>> ThS. TRẦN CHÍ ĐẠT 
 
Phó Giám đốc NXB Thông tin và Truyền thông

HỘI CHỢ SÁCH FRANKFURT Cánh cửa rộng mở đưa xuất bản Việt Nam ra với thị trường thế giới

 
 
Vừa qua, đại diện của Hiệp hội xuất bản Đức bà Holpp Ursula, giám đốc kinh doanh khu vực Châu Á, Châu Phi và Iran, bà Claudia Kaiser, Phó Chủ tịch Hội chợ sách Frankfurt sang thăm Việt Nam và đã có buổi làm việc với Cục Xuất bản, In và Phát hành đại diện là ông Chu Văn Hòa – Cục trưởng. Hai bên trao đổi về tình hình xuất bản giữa Việt Nam và Đức, đồng thời bà Claudia Kaiser cũng đã chia sẻ rất chân thành về cách thức tổ chức hội chợ sách quốc tế cũng như các phương thức để mở rộng cánh cửa nền xuất bản Việt Nam với bạn bè thế giới thông qua Hội chợ sách Frankfurt.
 
Vừa qua, đại diện của Hiệp hội xuất bản Đức bà Holpp Ursula, giám đốc kinh doanh khu vực Châu Á, Châu Phi và Iran, bà Claudia Kaiser, Phó Chủ tịch Hội chợ sách Frankfurt sang thăm Việt Nam và đã có buổi làm việc với Cục Xuất bản, In và Phát hành đại diện là ông Chu Văn Hòa – Cục trưởng. Hai bên trao đổi về tình hình xuất bản giữa Việt Nam và Đức, đồng thời bà Claudia Kaiser cũng đã chia sẻ rất chân thành về cách thức tổ chức hội chợ sách quốc tế cũng như các phương thức để mở rộng cánh cửa nền xuất bản Việt Nam với bạn bè thế giới thông qua Hội chợ sách Frankfurt.
 
Bà Claudia Kaiser cho biết: Hội chợ sách Frankfurt trực thuộc Hiệp hội Xuất bản và Phát hành sách của Đức mỗi năm chỉ tổ chức duy nhất 1 lần, đây là một Hiệp hội phi chính phủ, chỉ đại diện lợi ích cho các nhà xuất bản, các nhà sách. Mỗi năm chúng tôi xuất bản cuốn sách mang tính chất thống kê về thị trường xuất bản của Đức. Việt Nam và Đức có nhiều khác biệt tuy nhiên vẫn có một số nét tương đồng như: dân số sấp xỉ nhau, đất nước đều được thống nhất từ 2 miền. Còn cái khác nhau là ở Đức là dân số đang bị già hóa nên không có thị trường phát triển như Việt Nam. Mỗi năm chúng tôi xuất bản 80 nghìn đầu sách thường là sách dịch chiến khoảng 12% tổng giá trị thị trường. So với Việt Nam, tôi có nói chuyện với một số NXB Việt Nam thì họ cung cấp cho các số liệu khác nhau, có người nói khoảng 80%, tôi nghĩ khoảng 60%. Ở Đức mỗi đầu sách in dao động khoảng 3 nghìn đến 100 nghìn bản. Chúng tôi tham gia rất tích cực vào xuất bản điện tử. Doanh số sách in giảm, doanh số sách điện tử tăng. Tổng lượng bán sách ở Đức vẫn là giảm. Về thể loại phần lớn là sách văn học. Chúng tôi cũng có NXB của chính phủ, nhưng đa phần là không phải của chính phủ, chúng tôi có rất nhiều NXB nhỏ và rất nhỏ, các NXB nhỏ họ không kiếm được nhiều tiền, họ vẫn làm thêm các công việc khác. Hội chợ sách Frankfurt đại diện cho hiệp hội các NXB Đức nên chúng tôi đảm bảo cho tất cả dù lớn hay nhỏ đều được tham gia Hội chợ. Chúng tôi có những giải thưởng đặc biệt không chỉ dành cho các NXB nhỏ mà còn dành cho các quầy sách quốc gia ở Hội chợ. Chúng tôi thường ví hội chợ sách Frankfurt như là Liên hiệp quốc của ngành xuất bản, ở đây chúng tôi giải quyết được mọi công việc liên quan đến xuất bản, một cửa hàng nhỏ có thể làm được tất cả mọi thứ đặc biệt là mua bán bản quyền. Năm nay ở Hội chợ sách Frankfurt sẽ có đại diện khách mời danh dự là Indonesia, đây là đất nước đầu tiên của khu vực Đông Nam Á được vinh dự này. Khách mời danh dự ở Hội chợ sẽ có các chương trình khổng lồ, khoảng 300 đến 400 sự kiện trong và ngoài hội chợ, màn trình diễn về văn hóa của nước đó. Năm nay Indonesia là khách mời danh dự nên sẽ được ban tổ chức quan tâm đến cả các nước trong khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi đang cố gắng làm sao để đưa được nhiều nước Đông Nam Á hơn đến với hội chợ sách Frankfurt, chúng tôi muốn được thấy các sách của các nước này trến thị trường của Đức. Sự kiện Indonesia là khách mời danh dự năm nay là cánh cửa mở rộng cho các nước khu vực Đông Nam Á, và đây cũng là cơ hội để cánh cửa này mở rộng hơn nữa đối với Việt Nam, đặc biệt là năm nay kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt – Đức, là điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Đức. Vì vậy sẽ có nhiều cơ hội để quảng bá sách và các tác giả Việt Nam ở hội chợ sách Frankfurt. Niệt Nam nên tổ chức một số các sự kiện để các NXB thế giới biết đến nhiều hơn. Năm nay hội chợ sách sẽ được tổ chức ở trung tâm thành phố và tập trung hết trong một tòa nhà, Việt Nam sẽ được đứng cùng với các nước Đông Nam Á khác, và vì có Indonesia là khách mời danh dự nên sẽ có rất nhiều sự chú ý. Về phía bà Holpp Ursula thì hứa sẽ giúp đỡ để tổ chức các sự kiện kèm theo tại hội chợ bằng cách chia sẻ các ý tưởng để tổ chức. Tại hội chợ sách Frankfurt hàng năm thì trung bình mỗi năm có khoảng 3000 sự kiện khác nhau, các NXB đến đây ngoài việc mua bán bản quyền họ có thể học hỏi được nền công nghiệp xuất bản trên thế giới từ các nước họ mang đến.
 
Những năm gần đây Việt Nam đã tham dự hội chợ sách Frankfurt nhưng quy mô hoạt động thì vẫn còn nhỏ hẹp, sau khi chia sẻ những khó khăn, ông Chu Văn Hòa – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành đã trân trọng mời đại diện của Hiệp hội xuất bản Đức tới dự Ngày Sách Việt Nam (21/4) và tặng hai bà tác phẩm Truyện Kiều đã được dịch sang tiếng Anh. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ hợp tác xuất bản giữa hai nước ngày càng bền vững. 
 
 
 
>> THU HIỀN

40 công trình được trao giải Sáng tạo KH&CN Việt Nam năm 2014

 
Ngày 28/5/2015, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2014, Giải thưởng Cúp vàng Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2014. Ðồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam dự và phát biểu ý kiến.
 
 
 
Ðồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam trao giải Sáng tạo KH&CN Việt Nam năm 2014
 
 
Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam được trao cho các nhà khoa học, tác giả của những công trình có giá trị khoa học, kinh tế-xã hội tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như: Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí và tự động hóa; công nghệ vật liệu; công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.
 
Giải thưởng là sự động viên, khuyến khích to lớn đối với các nhà khoa học, các nhà sáng tạo trong cả nước hăng say đóng góp trí tuệ của mình cho sự nghiệp phát triển KH&CN và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. 
 
Năm 2014, Ban tổ chức nhận được 92 công trình tham dự, trong đó: Cơ khí tự động hóa (25 công trình); Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống (27); Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông (11); Công nghệ mới nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên (11); Công nghệ vật liệu (12); Công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới (6). 
 
Ban Tổ chức đã trao giải cho 40 công trình thuộc 6 lĩnh vực, trong đó có 4 Giải Nhất trị giá 40 triệu đồng/giải, 7 Giải Nhì – 25 triệu đồng/giải, 11 Giải Ba – 20 triệu đồng/ giải và 18 Giải khuyến khích, mỗi giải 15 triệu đồng. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 11 cá nhân là chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm của 4 công trình đạt Giải Nhất.
 
Ban tổ chức cũng đã đề nghị Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tặng Giải WIPO cho một công trình xuất sắc nhất (lĩnh vực môi trường) của Công ty cổ phần công nghệ sinh học; Giải WIPO cho một tác giả nữ xuất sắc nhất thuộc Công ty cổ phần đầu tư và ứng dụng công nghệ cao HCT có công trình đoạt Giải Nhất lĩnh vực công nghệ Vật liệu.
 
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng Ban tổ chức và các nhà khoa học nhân dịp tổng kết 20 năm và trao Giải thưởng VIFOTEC 2014. Ðồng chí khẳng định, 20 năm qua, các tác giả sau khi nhận giải đã không ngừng tiếp tục sáng tạo; các công trình đoạt giải thưởng đã giúp nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, tạo được uy tín lớn trong nước, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu, sáng chế của đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển chung của đất nước và hội nhập quốc tế.
 
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng ghi nhận những đề xuất của Ban Tổ chức đưa ra để Giải thưởng đạt hiệu quả cao hơn nữa. Trong đó, sẽ ưu tiên các giải pháp nhằm thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, sáng tạo. Ngoài ra, Nhà nước sẽ hỗ trợ để tăng tính ứng dụng của các đề tài nghiên cứu cũng như tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp trong nghiên cứu KHCN.
 
Trong 20 năm qua, kể từ năm 1995 đã có gần 2.000 công trình tham dự giải và gần 700 công trình đạt giải thưởng. Các công trình đạt giải tiếp tục được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao.
 
Nguồn:  Mai Hà, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Hội nghị Ủy ban Khoa học và Công nghệ ASEAN lần thứ 68 (COST-68) và các cuộc họp liên quan

 
 
Từ ngày 23-30/5/2015, tại Phuket (Thái Lan), Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh kiêm Chủ tịch ASEAN COST – Việt Nam tham dự Hội nghị Ủy ban KH&CN ASEAN lần thứ 68 (COST-68) và các cuộc họp liên quan với sự tham dự của hơn 150 đại biểu đến từ các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.
 
 
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới trong khu vực ASEAN, hướng tới xây dựng Cộng đồng chung ASEAN và tầm nhìn từ sau 2015. 
 
Các đại biểu cũng thảo luận cách thức, nội dung xây dựng Chương trình hành động Khoa học, Công nghệ và Đổi mới ASEAN giai đoạn 2016- 2025 (APASTI), trong đó, xem xét việc tái cơ cấu lại COST, thúc đẩy các nhiệm vụ chiến lược, phù hợp với định hướng mục tiêu và tầm nhìn của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) từ sau 2015.
 
Hiện nay, Ủy ban KH&CN ASEAN đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện Dự thảo APASTI và Kế hoạch triển khai, để có thể thông qua tại Hội nghị ASEAN COST – 70 và Hội nghị Bộ trưởng KH&CN ASEAN lần thứ 16 (dự kiến vào tháng 11/2015 tại thủ đô Vientiane, Lào).
 
Tại Lễ Khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Thái Lan, đại diện nước chủ nhà đã khẳng định cam kết của Thái Lan tiếp tục cùng các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác đối thoại đóng góp vào các dự án cùng có lợi của ASEAN. Hiện nay, Indonesia đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN COST 2014-2015.
 
Tại các Cuộc họp thảo luận, Việt Nam đã tích cực đóng góp ý kiến đối với Dự thảo APASTI. Việt Nam cũng đã chuẩn bị báo cáo về quan hệ hợp tác ASEAN-EU (Việt Nam là nước thành viên ASEAN COST theo dõi quan hệ hợp tác đối thoại với EU), trình bày giới thiệu và mời các nước thành viên ASEAN và các đối tác đối thoại ASEAN tham gia International Technmart 2015 dự kiến từ ngày 01 – 04/10/2015 tại Hà Nội.
 
Trước đó, các cuộc họp đã được tổ chức trước khi Hội nghị COST-68 diễn ra như sau: (i) Cuộc họp đặc biệt ASEAN về Dự thảo APASTI; (ii) Cuộc họp lần thứ 25 của Cơ quan tư vấn về Kế hoạch hành động ASEAN về KH&CN (ABAPAST – 25); (iii) Cuộc họp lần thứ 22 của Cơ quan tư vấn của Quỹ Khoa học ASEAN (ABASF – 25); (iv) Hội thảo về di chuyển nhân lực tài năng ASEAN lần thứ 3 (ATM-3); (v) Cuộc họp của các Tiểu ban trực thuộc ASEAN COST bao gồm: Tiểu ban về cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn lực KH&CN (SCIRD), Tiểu ban Công nghệ Không gian (SCOSA), Tiểu ban Công nghệ Thông tin (SCMIT), Tiểu ban Lương thực (SCFST), Tiểu ban Vật lý địa cầu, Tiểu ban Công nghệ vật liệu (SCMST), Tiểu ban KH&CN Biển (SCMSAT), Tiểu ban Công nghệ sinh học (SCB).
 
Có thể nói, thông qua cơ chế hợp tác ASEAN COST, Việt Nam đã tăng cường quan hệ hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới với các nước thành viên ASEAN và các đối tác đối thoại như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga, ASEAN + 3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản)…Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác nội khối ASEAN. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu, kết nối mạng lưới giữa cộng đồng khoa học Việt Nam với các nước ASEAN và các đối tác đối thoại ASEAN, đào tạo cán bộ, tăng cường tiềm lực KH&CN, và góp phần đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế về KH&CN của Việt Nam với khu vực và thế giới.
 
Nguồn:  Vụ Hợp tác quốc tế

Tác động tích cực của đổi mới cơ chế chính sách khoa học công nghệ trong phát triển nông thôn

 
Ông Nguyễn Văn Liễu – Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành KT-KT, Bộ KHC&N.
 
Động lực chính cho sự phát triển của nông nghiệp nước ta những năm qua chính là sự đổi mới trong cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp mà trụ cột của nó là phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại. Song, khoa học và công nghệ (KH&CN) cũng là một trong những động lực, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong các thành tựu của ngành nông nghiệp.
Phóng viên: Khoa học công nghệ (KH&CN) đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời là một trong những trọng tâm chiến lược phát triển kinh tế – xã hội được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong thời gian qua? Bên cạnh những kết quả đạt được còn có những mặt hạn chế gì? Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong thời gian tới?
 
Ông Nguyễn Văn Liễu: Trong gần 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có sự phát triển đầy ấn tượng, thể hiện một cách rõ nét nhất là ở chỗ từ một nước còn thiếu lượng thực trầm trọng những năm 80 trở về trước của thế kỷ trước, hiện nay Việt Nam về nhiều mặt đã được coi là cường quốc về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đó là: gỗ và sản phẩm gỗ: 6,54 tỷ; tôm: 4,0 tỷ; cà phê 3,62 tỷ; gạo 3,04 tỷ; điều 2,0 tỷ; cao su: 1,8 tỷ; các tra: 1,8 tỷ; rau quả: 1,47 tỷ; tiêu: 1,2 tỷ, sắn: 1,12 tỷ; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 30,86 tỷ USD; lĩnh vực nông nghiệp cũng là lĩnh vực xuất siêu nhiều nhất (năm 2013: 8,82 tỷ USD, năm 2014 là 9,02 tỷ USD).
 
Động lực chính cho sự phát triển của nông nghiệp nước ta những năm qua chính là sự đổi mới trong cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp mà trụ cột của nó là phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại. Song KH&CN cũng là một trong những động lực rất quan trọng của phát triển nông nghiệp thời gian qua, nó giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong các thành tựu của ngành nông nghiệp. Theo các chuyên gia kinh tế của FAO thì KH&CN đã đóng góp tối thiểu 30% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp, còn nhiều chuyên gia trong nước cho rằng KH&CN còn đóng góp ở mức cao hơn.
 
Các nhà KH&CN của Việt Nam hàng năm đã nghiên cứu, chọn tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản mới, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Nhiều quy trình kỹ thuật sản xuất, phòng trừ dịch hại cũng đã được nghiên cứu, hoàn thiện. Công nghệ sinh học – một lĩnh vực được thế giới rất quan tâm cũng đã được chú trọng đầu tư nghiên cứu và thu được những thành tựu rất đáng kể ở nước ta.
 
Hiện nay nhiều lĩnh vực KH&CN trong nông nghiệp ở nước ta đã có những tiến bộ vượt bậc: Chúng ta gần như đã tự chủ hoàn toàn về công tác tạo giống cây trồng (trừ một số giống ngô nhập ở nước ngoài); nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh tai xanh ở lợn, bệnh cúm gia cầm đã có quy trình công nghệ phòng trị; chúng ta cũng đã tự nghiên cứu sản xuất được nhiều loại vắc-xin trong chăn nuôi, trong đó cáo vắc-xin H5N1 (Công ty CP Thuốc thú y TW2- NAVETCO); công nghệ sản xuất cá tra của ta cũng vào loại hàng đầu thế giới (chúng ta đã tự sản xuất được cá tra giống sạch bệnh, quy trình nuôi công nghiệp đã cho năng suất vượt 500 tấn/ha)…
 
Hiện nay năng suất lúa của Việt Nam cao nhất khối ASEAN (trong đó cao hơn gấp rưỡi Thái Lan), cà phê cũng có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Brazil), hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su cũng đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Ấn Độ), cá tra cao nhất thế giới…
 
Chính vì năng lực KH&CN của nước ta trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng cao nên FAO và một số tổ chức của Liên hợp quốc hiện đang thuê chuyên gia Việt Nam làm cho nhiều chương trình phát triển nông nghiệp của Liên hợp quốc.
 
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được của KH&CN trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp còn một số hạn chế, tồn tại như: Cơ chế quản lý KH&CN nói chung cũng như KH&CN trong nông nghiệp, nông thôn nói riêng đã có nhiều đổi mới song chưa thoát hẳn khỏi các cơ chế lạc hậu mang nặng tính hành chính, nên chưa tạo động lực thực sự cho yêu cầu phát triển KH&CN trong nông nghiệp; hệ thống KH&CN nông nghiệp tuy có quy mô lớn song ngày càng thể hiện là quá cồng kềnh và kém hiệu quả; nguồn nhân lực trong các tổ chức KH&CN còn nhiều bất cập: chất lượng nguồn nhân lực có xu hướng giảm, hiện tượng “chảy máu chất xám” có xu hướng tăng nhanh trong vài năm gần đây.
 
Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho KH&CN trong nông nghiệp, nông thôn còn quá thấp so với yêu cầu: hiện tại, nguồn lực đầu tư cho KH&CN phục vụ nông nghiệp, nông thôn chỉ đáp ứng khoảng 55 – 60% so với nhu cầu; xuất phát điểm của KH&CN nước ta nói chung cũng như KH&CN trong nông nghiệp nói riêng là thấp nên trình độ KH&CN trong nông nghiệp của nước ta còn thấp so với thế giới; trong khi các giải pháp liên kết trong sản xuất nông nghiệp chưa trở thành phổ biến thì kinh tế hộ với ruộng đất manh mún vẫn đang là lực cản lớn cho quá trình đầu tư ứng dụng KH&CN trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; thương mại hóa kết quả KH&CN trong nông nghiệp gặp khó khăn do đối tượng thụ hưởng chủ yếu là hộ nông dân nhỏ lẻ làm ăn manh mún, khả năng chi trả kém.
 
Về giải pháp khắc phục, cần tập trung vào thực hiện tốt các nhiệm vụ sau: Thứ nhất, thực hiện tốt những đổi mới cơ bản về cơ chế hoạt động KH&CN theo tinh thần của Luật Khoa học và Công nghệ cũng như các nghị định hướng dẫn thi hành, như: Cơ chế đặt hàng, Cơ chế quỹ, Cơ chế khoán, Cơ chế liên kết và Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thứ hai, tăng cường đầu tư cho KH&CN lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó tập trung vào việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình quốc gia về KH&CN đến năm 2020, trong đó có một số chương trình quan trọng liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn như: Phát triển sản phẩm quốc gia; Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; Đổi mới công nghệ quốc gia; và các Chương trình quốc gia như: Phát triển công nghệ cao; Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp; Chương trình KH&CN phục vụ phát triển nông thôn mới; Các Chương trình/đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường. Thứ ba, tăng cường phối hợp hoạt động giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tổ chức thực hiện các giải pháp nêu trên.
 
 
 
 
Phóng viên: KH&CN trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới có ý nghĩa thế nào trong sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung của nước ta, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Văn Liễu: Trước hết phải nói là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình hết sức quan trọng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong Hội nghị đánh giá về thực hiện Chương trình này năm 2014 đã cho rằng: Thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là nội dung cụ thể của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn cũng như công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2014 thì một xã muốn được coi là nông thôn mới phải đạt 19 tiêu chí: Từ quy hoạch, phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa, bảo vệ môi trường đến xây dựng hệ thống chính trị, an ninh trật tự.
 
Nông thôn mới không chỉ có bộ mặt nông thôn được thay đổi bằng cơ sở hạ tầng, mà nông thôn mới phải tạo được cơ hội cho nông dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế bền vững. Muốn làm được điều này, ngoài các chính sách về tổ chức lại sản xuất, chính sách về ưu đãi tín dụng, chính sách tổ chức thị trường thì không có cách nào khác là phải đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của KH&CN vào sản xuất kinh doanh, dich vụ. Chúng ta phải đưa các giống cây con mới, đưa kỹ thuật, công nghệ tiến tiến, công nghệ cao vào sản xuất, đưa công nghệ thông tin vào nông thôn phục vụ kết nối thị trường để các hàng hóa sản xuất từ nông nghiệp, nông thôn có chất lượng tốt, sức cạnh tranh tốt trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
 
Chính vì vậy, khi xây dựng nông thôn mới đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền phải hết sức quan tâm đến việc đưa các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, phát huy sức sang tạo của người dân nông thôn.
 
 
 
 
Phóng viên: Xin ông một vài nhận xét về hiệu quả thực hiện mô hình “Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà nông – Nhà doanh nghiệp" trong thời gian qua? Ông có thể chia sẻ một số giải pháp nhằm khẳng định vai trò của Nhà khoa học trong chuỗi “liên kết 4 nhà”?
 
Ông Nguyễn Văn Liễu: Trước hết, theo tôi mô hình “Liên kết 4 nhà” là một mô hình tốt, mô hình lý tưởng. Khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 26/4/2000 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng chúng ta đã rất kỳ vọng vào việc phát triển mạnh mẽ mối liên kết này. Tuy nhiên trong thực tiễn nhiều năm qua, do cách thức tổ chức sản xuất manh mún của ta nên mô hình này chưa phát triển nên hiệu quả của nó chưa rõ.
 
Vai trò của Nhà khoa học được coi là then chốt trong mối liến kết. Nhưng trong thực tiễn nhà khoa học lại thiếu các chính sách hỗ nhà khoa học, nhà khoa học không được hưởng lợi nhiều trong mối liên kết đó, mà chỉ có nghĩa vụ phục vụ, hoạt động KH&CN trong nông nghiệp mang nặng tính công ích, bao cấp.
 
Những khó khăn vướng mắc như trên chính là xuất phát từ mô hình sản xuất dựa chủ yếu vào kinh tế hộ nhỏ lẻ, không đủ sức tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn có sức cạnh tranh cao. Hay nói cách khác chính là quan hệ sản xuất hiện tại đang lạc hậu nên kìm hãm lực lượng sản xuất.
 
Như vậy để giải quyết khó khăn, đầu tiên là phải tính lại cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp. Vấn đề này hiện nay đang được gọi là “tái cấu trúc” hay “tái cơ cấu” ngành nông nghiệp. Tức là phải khuyến khích sản xuất tập trung quy mô lớn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để đảm bảo lợi ích của tất cả các đối tượng tham gia vào chuỗi. Có như vậy thì Nhà khoa học mới gắn các hoạt động nghiên cứu của mình với sản xuất, với thị trường, gắn với Nhà nông, Nhà doanh nghiệp. Sự liên kết giữa Nhà nông và Nhà doanh nghiệp mới đảm bảo khả năng đầu tư sản xuất hàng hóa quy mô lớn lớn và phát triển ổn định và từ đó sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ hiệu quả hơn.
 
Còn về hoạt động KH&CN trong mối liên kết này cũng phải hướng trọng tâm vào doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết với nông dân và hoạt động KH&CN cũng phải theo nguyên tắc thị trường, tức là nghiên cứu phải đáp ứng cầu của sản xuất, song cũng phải đảm bảo bán được sản phẩm KH&CN để tái đầu tư phát triển KH&CN.
 
Đáng mừng là gần đây Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 ban hành chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Chính sách này phần nào khắc phục được các khó khăn, thúc đẩy liên kết trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Phóng viên: Vậy bức tranh khoa học công nghệ nước ta trong năm 2015 sẽ như thế nào và mục tiêu phát triển ngành trong giai đoạn tiếp theo là gì?
 
Ông Nguyễn Văn Liễu: Năm 2015 là năm khởi đầu cho việc thực hiện nhiều cơ chế chính sách mới theo tinh thần đổi mới của Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, cũng như triển khai thực hiện Luật KH&CN và các văn bản hướng dẫn thi hành. Chính vì vậy, hoạt động KH&CN chắc chắn sẽ có rất nhiều khởi sắc do cơ chế mới mang lại, nhưng cũng có rất nhiều khó khăn do việc vận hành cơ chế mới chưa thật “trơn tru”. Tuy nhiên, tổng thể mà nhìn nhận thì tôi thấy rằng: Năm 2015 hoạt động KH&CN chắc chắn sẽ thu được những kết quả tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể: trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn các hoạt động KH&CN sẽ góp phần tạo lập cơ sở cho Trung ương Đảng, các cấp ủy đảng định ra được các chủ trương, phương hướng phát triển của đất nước cũng như của từng địa phương giai đoạn 2016 – 2020; hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ sẽ tiếp tục có các kết quả tốt hơn ứng dụng trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp, y tế, giao thông, xây dựng, thông tin truyền thông và cả quốc phòng an ninh nữa; các hoạt động nghiên cứu cơ bản cũng sẽ được thúc đẩy với việc triển khai các chuương trình khoa học về toán học và vật lý.
 
Năm 2014, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2014 (GII 2014). Theo đó, nhờ sự phát triển nhanh của nền KH&CN nước ta mà Việt Nam đã tăng năm bậc trên Bảng xếp hạng, đứng thứ 71 (so với vị trí 76 năm 2013) trên tổng số 143 nền kinh tế được đánh giá. So với các nước trong ASEAN thì Việt Nam xếp thứ 4, chỉ sau Xin-ga-po (thứ 7), Ma-lai-xia (33) và Thái Lan (48).
 
Tôi hy vọng rằng năm 2015 này Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước tiến dài hơn trong việc thăng hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo theo đánh giá của WIPO để đến năm 2020 chúng ta có thể xếp thứ 3 khu vực Đông Nam Á về đổi mới sáng tạo.
 
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
 
Nguồn tin: http://dangcongsan.vn

Sách “Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014”: Đóng góp cho việc hoạch định chính sách kinh tế – xã hội

 
Sách “Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014” kế thừa và bổ sung những nội dung của cuốn sách “Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2013”, tiếp tục hoàn chỉnh bức tranh khoa học và công nghệ (KH&CN) của Việt Nam. Đây là nguồn thông tin quan trọng đóng góp cho việc hoạch định chính sách kinh tế – xã hội của Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
 
TS. Lê Xuân Định, Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã chia sẻ với độc giả xoay quanh vấn đề này.
 
PV: Là chủ biên của cuốn sách “Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2014”, xin ông cho biết, mục đích của việc biên soạn cuốn sách này?
 
TS. Lê Xuân Định: Thông thường, trong mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều xuất bản những ấn phẩm cung cấp thông tin tổng quan, toàn diện về kết quả hoạt động của ngành hoặc lĩnh vực đó cho các nhà lãnh đạo, quản lý và công chúng. Trong lĩnh vực KH&CN cũng như vậy, sách Khoa học và Công nghệ Việt Nam được biên soạn nhằm cung cấp thông tin cho các cơ quan Đảng và Nhà nước, các nhà hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội, nhà quản lý KH&CN, nhà nghiên cứu và xã hội nói chung về hoạt động KH&CN của nước nhà.
 
Sách Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014 cung cấp một bức tranh toàn cảnh với số liệu chính thống, cập nhật về hoạt động KH&CN Việt Nam, đặc biệt trong cuốn sách này có nội dung công bố số liệu điều tra chính thức, phân tích sâu về nhân lực, kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). 
 
Đối với các nhà lãnh đạo, quản lý thì đây chính là cơ sở quan trọng cho quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định dựa trên cứ liệu thực tế (evident base decision making).
 
Sách Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014 cũng được Bộ KH&CN biên soạn với mục đích công khai và minh bạch hóa thông tin về các hoạt động KH&CN đối với xã hội, để công chúng thấy rõ hơn về các hoạt động KH&CN đang diễn ra trong nước, nâng cao nhận thức và sự tham gia của công chúng vào các hoạt động KH&CN đúng theo tinh thần của Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18.5.
 
PV: Đâu là điểm nhấn, điểm mới của sách Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014, thưa ông?
 
TS. Lê Xuân Định:  Sách Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014 giới thiệu đến độc giả kết quả cuộc điều tra về nhận thức của công chúng về KH&CN (lần đầu tiên được tiến hành ở Việt Nam) cho thấy những kết quả khá thú vị. Trên cơ sở đó, giúp các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý đưa ra những chính sách phù hợp để nâng cao nhận thức và sự tham gia của công chúng vào các hoạt động KH&CN.
 
PV: Được biết, đây là lần đầu tiên Bộ KH&CN có cuộc điều tra nhận thức của công chúng về KH&CN. Ông có thể cho biết rõ hơn về kết quả cuộc điều tra này?
 
TS.  Lê Xuân Định: Điều tra nhận thức công chúng về KH&CN nhằm mục đích thu thập và phân tích các dữ liệu về nhận thức của công chúng, mối quan tâm và sự hiểu biết của họ về KH&CN, cũng như quan điểm của công chúng đối với KH&CN.
 
Điều tra nhận thức công chúng về KH&CN được tiến hành theo phương pháp luận và chuẩn mực quốc tế, đối tượng là cá nhân trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên, trừ khu vực an ninh, quốc phòng) ở các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương thuộc 3 nhóm: Người làm việc trong cơ quan hành chính sự nghiệp; Người làm việc trong khu vực doanh nghiệp (phi nông nghiệp); Người làm việc trong khu vực nông nghiệp. 
 
Kết quả điều tra cho thấy, chuyên mục KH&CN đứng thứ tư về mức độ rất được quan tâm của công chúng (26%) trong 6 chuyên mục được hỏi, sau chuyên mục thời sự, chính trị được quan tâm nhất với tỷ lệ người rất quan tâm đạt 32%, tiếp đến là chuyên mục y tế, sức khỏe (31%) và chuyên mục kinh tế, xã hội (29%), đứng trên 2 mục: giải trí và thể thao.
 
Về phương thức thu thập các thông tin KH&CN, phổ biến nhất là ti vi chiếm 19%; tiếp theo là thông qua internet chiếm tỷ lệ 17%; thu thập qua các kênh báo chí chiếm 15%.
 
Về mức độ tiếp cận những kiến thức về KH&CN, 81% số người được điều tra biết về hóa học trị liệu, 86% biết về công nghệ sinh học, 89% biết về năng lượng mặt trời, 77% biết về thương mại điện tử, 84% biết về hiệu ứng nhà kính, 95% biết về ô nhiễm không khí, 84% biết về lỗ thủng tầng ôzôn, 98% biết về cúm gia cầm (H5N1, H7N9), 75% biết về nhân bản vô tính, 45% biết về băng thông rộng, 61% biết về trạm vũ trụ quốc tế, 53% biết về điện toán đám mây, 92% biết về biến đổi khí hậu, 89% biết về nước biển dâng, 78% biết về sinh vật biến đổi gen và 59% biết về động đất kích thích. Điều này cho thấy, công chúng nhận thức rất tốt các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường sống, dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Kết quả điều tra cũng cho thấy nhận thức về các kiến thức KH&CN của phần lớn những người được hỏi là chính xác.
 
Tuy nhiên, có một số lĩnh vực mà hơn nửa số người được hỏi còn mơ hồ, như các lĩnh vực liên quan đến băng thông rộng, điện toán đám mây, động đất kích thích.
 
Có tới 82% công chúng cho rằng, nghiên cứu khoa học có nhiều tác động tích cực hơn tác động tiêu cực. Đánh giá tác động về KH&CN lên các khía cạnh trong cuộc sống thu được kết quả là y tế công cộng được công chúng đánh giá cao nhất về tác động tích cực tới đời sống.
 
Đánh giá về nhận định cần tăng cường đầu tư cho KH&CN có tới 88% số người được hỏi cho rằng, cần tăng cường đầu tư cho KH&CN, chỉ có 2% số người cho rằng không cần tăng cường đầu tư cho KH&CN.
 
Theo kết quả điều tra, có tới 90% số người được hỏi đều đánh giá KH&CN có vai trò rất quan trọng đối với sản xuất và đời sống. Đồng thời, đa số những ý kiến này cũng cho rằng, chúng ta cần có kiến thức về khoa học để cuộc sống hàng ngày của chúng ta tốt đẹp hơn.
 
Như vậy, qua kết quả điều tra cho thấy, KH&CN là lĩnh vực bắt đầu thu hút sự quan tâm của công chúng. Tuy nhiên, công chúng mới chỉ biết đến mà chưa biết sâu những kiến thức KH&CN, con đường tiếp cận thông tin về KH&CN của công chúng chủ yếu qua TV và Internet, công chúng đánh giá cao mức độ tác động, vai trò cải thiện cuộc sống của KH&CN.
 
Với kết quả điều tra ban đầu này, tôi hy vọng rằng, trong những cuộc điều tra tiếp theo sẽ có sự tham gia tích cực từ phía công chúng để chúng ta có một bức tranh toàn diện hơn về nhận thức của công chúng về KH&CN. Kết quả điều tra này sẽ là cơ sở khoa học quan trọng để giúp các nhà quản lý, hoạch định chính sách có những quyết sách hợp lý để thúc đẩy KH&CN Việt Nam phát triển.
 
PV: Trong cuốn sách Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014 cũng đã hệ thống hóa các văn bản pháp luật liên quan đến KH&CN. Đây được đánh giá là cơ sở pháp lý quan trọng để KH&CN phát triển. Với hệ thống văn bản pháp luật như vậy, liệu đã đủ điều chỉnh bao phủ lĩnh vực KH&CN để bảo đảm cho KH&CN phát triển theo yêu cầu hiện nay chưa, thưa ông?
 
TS.  Lê Xuân Định: Năm 2014 được coi là năm hành động của ngành KH&CN với 8 nghị định và 52 quyết định của Thủ tướng và Thông tư hướng dẫn được ban hành, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật KH&CN. Hệ thống các văn bản này đã giải quyết những nút thắt, giải phóng sức sáng tạo của nhà khoa học với hàng loạt các cơ chế và chính sách đổi mới.
 
Những chính sách, cơ chế này tuy là mới ở Việt Nam nhưng đã là thông lệ trên thế giới trong việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.
 
Tôi tin rằng, với việc quán triệt tinh thần đổi mới của Nghị quyết 20-NQ/TƯ và việc triển khai triệt để Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và các văn bản pháp luật liên quan sẽ là luồng gió mới để KH&CN Việt Nam có một diện mạo mới.
 
Bài, ảnh: Bảo Chi (lược ghi)
 
 

Hội nghị triển khai kế hoạch ngành KH&CN năm 2016

 
 
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Mai Hà
 
Ngày 26/5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch ngành KH&CN năm 2016 cho các bộ, ngành và địa phương dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân.
Theo báo cáo của Bộ KH&CN, để xây dựng kế hoạch, dự toán ngân sách KH&CN năm 2016, các Bộ, ngành, địa phương, cần đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch và dự toán ngân sách KH&CN năm trước và 6 tháng đầu năm; xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách KH&CN năm 2016; đề xuất và kiến nghị.
 
Báo cáo đánh giá cần có số liệu cụ thể, xây dựng bảng biểu theo các nội dung: công tác xây dựng văn bản pháp luật và cơ chế chính sách về KH&CN; kết quả của các chương trình quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiệm vụ KH&CN quốc gia; kết quả hoạt động KH&CN của các bộ, ngành, địa phương (nhiệm vụ cấp bộ, tỉnh: kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ,… giải quyết các vấn đề của ngành, lĩnh vực); hoạt động của các lĩnh vực do Bộ KH&CN chủ trì: tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân, năng lượng nguyên tử, thị trường, doanh nghiệp KH&CN, thông tin, hội nhập quốc tế; kết quả hoạt động của các Quỹ KH&CN; kết quả hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm, các khu công nghệ cao; thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN theo Nghị định 115; triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch 5 năm thực hiện chiến lược KH&CN; đánh giá về tổng mức kinh phí được cấp: vốn đầu tư phát triển, sự nghiệp khoa học; đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ đầu tư phát triển, chi ngân sách khoa học; tình hình giao, phân bổ, sử dụng vốn (giải ngân), đầu tư trọng tâm (R&D cấp bộ, cấp quốc gia, hợp tác quốc tế…, vốn ODA); kinh phí chuyển tiếp (R&D cấp bộ, tỉnh; R&D cấp quốc gia; dự án đầu tư,…); những khó khăn, vướng mắc và đề xuất; đánh giá chung về kết quả và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN của bộ, ngành, địa phương.
 
Về việc xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách KH&CN năm 2016, các Bộ, ngành, địa phương dự trù tổng mức kinh phí để xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách năm 2016 dựa trên tổng mức kinh phí được cấp năm 2015. Việc đề xuất nhiệm vụ trọng tâm năm 2016 cần căn cứ vào: kết quả hoạt động KH&CN năm trước; Nghị quyết số 20-NQ/TW, Luật KH&CN 2013 và các văn bản hướng dẫn; Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 (Quyết định 418/QĐ-TTg); Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2016 – 2020; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước; Thông tư của Bộ Tài chính Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; Khung chương trình quốc gia; hiệu quả và tổng mức của các chương trình quốc gia;…
 
Đối với các Bộ, ngành được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì tổ chức các Chương trình KH&CN cấp Quốc gia cần phối hợp với Bộ KH&CN xác định tổng mức kinh phí, tổng hợp vào kế hoạch và dự toán ngân dách của Bộ, ngành liên quan gửi Bộ KH&CN để làm căn cứ phối hợp với Bộ Tài chính xem xét bố trí kế hoạch và dự toán ngân sách năm 2016. Nội dung kế hoạch, dự toán ngân sách cho hoạt động KH&CN phải bao gồm cả kế hoạch và dự toán vốn đầu tư phát triển cho KH&CN phù hợp với nội dung kế hoạch và tổng dự toán ngân sách năm 2016 của Bộ, ngành, địa phương. Các nhiệm vụ KH&CN của bộ, ngành, địa phương nên tổ chức theo các chương trình để tập trung giải quyết các mục tiêu, nội dung và sản phẩm cụ thể, không dàn trải.
 
Trước ngày 30/6/2015, các Bộ, ngành, địa phương gửi Kế hoạch và dự toán ngân sách cho KH&CN năm 2016 của Bộ, ngành, địa phương (02 bản) về Bộ KH&CN để Bộ KH&CN tổng hợp, xây dựng Bản kế hoạch KH&CN quốc gia, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước, sau đó trình Thủ tướng và Quốc hội. 
 
Tại Hội nghị, các tham luận đã tập trung vào những vấn đề: triển khai công tác xây dựng kế hoạch KH&CN năm 2016; Thành lập và triển khai Quỹ Phát triển KH&CN của bộ, ngành, địa phương; Thực hiện cơ chế quỹ đối với các nhiệm vụ KH&CN các cấp (cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh). Đồng thời, trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan đến công tác xây dựng kế hoạch cũng như đưa ra giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện tại.
 
Quỳnh Chi
 

Đưa nhanh tiến bộ KH&CN vào tất cả các khâu của ngành nông nghiệp

 
Ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp (nguồn:Internet)
 
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương cần tập trung vào công tác tuyên truyền, thông qua các hình thức trao đổi, hội thảo, phổ biến nhân rộng các mô hình thành công, hiệu quả tới nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp về sự cần thiết phải liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi, thay đổi nhận thức về tái cơ cấu, hội nhập thị trường và lấy xã làm địa bàn thực hiện.
 
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác dự báo, thông tin thị trường để định hướng sản xuất đến từng ngành, phân ngành.
 
Rà soát, sửa đổi bổ sung, xây dựng cơ chế chính sách mới để phát triển lực lượng sản xuất, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
 
Khoa học và công nghệ là động lực thúc đẩy thực hiện tái cơ cấu. Các địa phương phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp, các nhà khoa học đưa nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào tất cả các khâu: nghiên cứu, chọn tạo giống, áp dụng quy trình canh tác, nuôi trồng tiên tiến, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, thu hoạch, bảo quản, chế biến tinh, sâu theo hướng công nghệ cao và đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó đặc biệt chú trọng khâu giống, tăng cường sử dụng giống xác nhận và đưa việc sử dụng giống chất lượng vào tiêu chí giám sát và đánh giá thực hiện tái cơ cấu.
 
Công nghiệp chế biến, nhất là chế biến tinh, chế biến sâu đóng vai trò quan trọng và quyết định để gia tăng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp, do đó phải có cơ chế chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này và các địa phương, từng ngành phải có chỉ tiêu phấn đấu cụ thể về tỷ lệ các sản phẩm được sơ chế, chế biến phù hợp với thị trường tiêu thụ.
 
Đăng Minh