Tìm ra nguyên nhân gây hiện tượng rạn, nứt đất ở Gia Lai

Hiện tượng rạn, nứt đất tại khu đất vườn và sân nhà của 3 hộ đồng bào dân tộc tại làng Ngó, xã Ia Ia Pia, huyện Chưprông, tỉnh Gia Lai đã được các đơn vị chức năng trên địa bàn kiểm tra, xác minh.
 
Bước đầu, cơ quan chức năng nhận định các vết rạn, nứt xuất hiện theo đoạn, độ dài từng đoạn khoảng 50m, chiều rộng lớn nhất khoảng 15cm và chiều sâu từ 1-1,5m. Việc rạn, nứt đất này cơ bản không gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh trong vùng.
 
Các cơ quan chức năng cũng khẳng định đất rạn, nứt là do nắng nóng kéo dài, mạch nước ngầm trong khu vực xuống thấp.
 
Do từ trước tới nay tại địa phương chưa từng xảy ra hiện tượng này nên đồng bào coi đây là hiện tượng "lạ."
 
 
Hiện trường khu vực trượt lở, đứt gãy, lún đất.
Trước đó, vào khoảng đầu tháng Tư, tại khu đất vườn và sân nhà của 3 hộ đồng bào dân tộc tại làng Ngó, xã Ia Ia Pia, huyện Chưprông, tỉnh Gia Lai, đã xảy ra hiện tượng rạn, nứt đất.
 
Lợi dụng hiện tượng này, trong thời gian qua có một số đối tượng xấu đã tung tin đồn nhảm mê tín dị đoan để lôi kéo các hộ dân trong vùng bán đất, bán vườn di chuyển đến nơi ở khác, gây mất trật tự công cộng trên địa bàn.
 
Các cấp chính quyền địa phương huyện Chưprông đã sớm vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và ngăn chặn các luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu, gây hoang mang trong dư luận.
 
Hiện nay, đồng bào trong vùng đã yên tâm sản xuất và ổn định cuộc sống./.
 
Theo VietnamPlus
 

Giải thưởng Sách Việt Nam 2015 tôn vinh sách cho thiếu nhi

Bộ sách Cổ tích mới của Nhà xuất bản Trẻ được giải Vàng sách Hay trong Giải thưởng Sách Việt Nam 2015 là minh chứng rõ nét cho thấy sách cho trẻ em đang được quan tâm một cách xứng đáng.
 
Nằm trong khuôn khổ của Ngày Hội sách năm 2016, sáng 21/4, tại Thư viện quốc gia Việt Nam, Tràng Thi, Hà Nội đã diễn ra buổi lễ trao tặng giải thưởng Sách Việt Nam năm 2015.
 
Năm 2015 là năm thứ 11 Hội xuất bản Việt Nam tổ chức Giải thưởng Sách Việt Nam. Giải thưởng đã thu hút được sự tham gia của 35 nhà xuất bản, với tổng số đầu sách là 517 cuốn, trong đó có 242 cuốn dự xét giải Sách hay và 275 cuốn dự xét giải Sách đẹp. Đặc biệt, có nhiều cuốn được các nhà xuất bản đăng ký dự xét giải cả Sách đẹp và Sách hay.
 
Về giải Sách hay, năm nay, Ban giám khảo chọn ra 4 giải vàng, 14 giải bạc, 16 giải đồng và 14 giải khuyến khích. Về giải Sách Đẹp, có 5 giải vàng, 7 giải bạc, 10 giải đồng, 10 giải khuyến khích, và 3 giải Bìa đẹp.
 
Đánh giá về Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2015, ông Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam cho biết: “Giải thưởng năm nay có khá nhiều điểm nổi bật. Tuy số lượng các nhà xuất bản tham gia Giải thưởng giảm nhưng số đầu sách lại tăng hơn năm 2014. Các sách đoạt giải được phân bổ khá đều ở hầu khắp các lĩnh vực. Đặc biệt, với giải Sách hay, Sách đẹp, nếu như trước đây, việc tìm kiếm ứng cử viên cho giải thưởng này gặp khó khăn, thì năm nay điều đó đã không còn nữa. Các bộ sách đoạt giải vàng năm nay đã có phạm vi ảnh hưởng, tác động lớn tới xã hội ví dụ như Bộ sách Lịch sử Việt Nam của Viện sử học Việt Nam”.
 
Năm nay, các nhà xuất bản lớn không còn hoàn toàn chiếm ưu thế. Một số nhà xuất bản địa phương, như Nhà xuất bản Đà Nẵng, đã có những bộ sách vô cùng giá trị, được Hội đồng chung khảo đánh giá rất cao. Giải thưởng dành cho những nhà xuất bản này là động lực để những nhà xuất bản khác tiếp tục cố gắng đầu tư, biên tập… đưa những bộ sách, cuốn sách hay tới cho người đọc.
 
Có thể nhận thấy, trong Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2015, có khá nhiều tác phẩm dành cho trẻ em đã lọt vào vòng trong và đoạt giải, điển hình như Bộ sách Cổ tích mới của Nhà xuất bản trẻ (bộ sách đoạt giải Vàng cho mục Sách hay). Những cuốn sách viết cho thiếu nhi này có nội dung gần gũi với đời sống hiện đại, mang tính giáo dục cao.
 
 
Các tác giả và đại diện nhà xuất bản lên nhận giải Vàng Sách Hay năm 2015.
Bên cạnh đó, những cuốn sách viết về đề tài giáo dục chủ quyền biển đảo cho thiếu nhi đã “gây được sự chú ý lớn của Hội đồng chung khảo”.
 
Theo ông Đỗ Quý Doãn, Hội xuất bản Việt Nam cũng như cá nhân các nhà xuất bản thành viên, tác giả đoạt giải đã có kế hoạch cho việc truyền bá những cuốn sách, bộ sách có giá trị. Chẳng hạn, trong Ngày sách Việt Nam, những bộ sách, cuốn sách đoạt giải đã được triển lãm, được lựa chọn giới thiệu tại đường Sách ở thành phố Hồ Chí Minh. Các nhà xuất bản, tác giả cũng sẽ tổ chức những buổi nói chuyện, trao đổi, đàm thoại về sách.
 
Giải thích cho hiện tượng sách hay, sách đoạt giải không nằm trong danh mục những cuốn sách bán chạy, ông Doãn cho rằng quan điểm sách hay phải bán chạy hay đã là sách bán chạy thì phải hay là không chính xác.
 
“Mỗi loại sách có một loại đối tượng độc giả nhất định. Một cuốn sách bán chạy vì nó đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ, cảm thụ của một số lượng lớn độc giả. Trong khi, một quyển sách hay là quyển sách có sự đầu tư công phu, có vai trò quan trọng và có đối tượng nhất định” – ông Doãn nói.
 
Một số hình ảnh về các bộ sách, cuốn sách đoạt giải trong Giải thưởng Sách Việt Nam 2015:
 
 
 
 
 
 
 
Không có sách Việt cho trẻ con Việt là điều “không bình thường”
 
Đây là nhận xét của ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc nhà xuất bản Trẻ khi nói về thực trạng sách dành cho trẻ con đang ngày càng ít đi. “Chuyển ngữ sách cho trẻ em không có nghĩa là người lớn đã hoàn thành nhiệm vụ, bởi không ai có thể hiểu tâm hồn trẻ con Việt bằng người Việt. Việc không có tác giả viết cho trẻ con Việt, sách cho trẻ con Việt là điều không bình thường. Đây là vấn đề lớn, cần được sự chung tay của các ngành, các cấp”.
 
Hiền Thảo
 

Lễ bàn giao Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội

 
Sáng 20/4/2016, tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (KH-CN), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KH-CN) đã long trọng tổ chức Lễ Bàn giao Trường Đại học KH-CN Hà Nội từ Bộ GD-ĐT về trực thuộc Viện Hàn lâm KH-CN.
 
Đến dự buổi lễ, về phía cơ quan bàn giao, có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, TSKH. Bùi Văn Ga, về phía cơ quan tiếp nhận, có sự hiện diện của Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, PGS.TS. Phan Văn Kiệm. Tới dự và chứng kiến Lễ Bàn giao còn có đại diện lãnh đạo Văn phòng chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ mà đại diện là Ban Quản lý Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, GS. Patrick Boiron.
 
Đại diện bên bàn giao trường, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, được thành lập từ năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các ban ngành hữu quan đã có những chủ trương tích cực để hoàn thiện nền móng của Nhà trường, theo cơ chế tài chính đặc thù, đặc biệt tôn trọng tự do học thuật. Trong điều kiện hiện nay, Nhà trường đã có những bước tiến lớn mạnh, đây cũng là lúc nhà trường cần thiết chuyển sang giai đoạn vĩ mô theo hướng song hành giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học. Vai trò quản lý nhà nước tạo nền móng đầu tiên theo định hướng đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành.
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sau khi tiếp nhận trường chú ý thực hiện các hoạt động sau:
 
– Nhanh chóng hoàn tất các thủ tục hành chính để đảm bảo hoạt động của Trường không bị gián đoạn.
 
– Làm các thủ tục chuyển đổi chủ trì dự án để tiếp nhận kinh phí từ nhà nước và vốn từ ngân hàng thế giới.
 
– Củng cố hoàn thiện trường, định hướng hoạt động của Hội đồng Nhà trường trong thời gian tới.
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẵn sàng hỗ trợ mọi công việc cần thiết để Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam tiếp nhận trường một cách thuận lợi. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đào tạo, Bộ Giáo dục đào tạo sẽ tiếp tục hỗ trợ nhà trường kiện toàn bộ máy, giữ vững định hướng phát triển trường trong thời gian sắp tới.
 
Đại diện bên tiếp nhận trường, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, PGS.TS. Phan Văn Kiệm cam kết sẽ tiếp tục dành những điều kiện tốt nhất có thể về cơ sở vật chất và giảng viên cho nhà trường, trước đây là nhiệm vụ phối hợp, còn bây giờ là trách nhiệm của cơ quan chủ quản và các đơn vị trực thuộc, đồng thời Viện Hàn lâm KHCNVN sẽ vẫn tiếp tục dành cho Nhà trường quyền tự chủ cao nhất được quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động cũng như quy chế tài chính đặc thù do Thủ tướng Chính phủ ban hành cho Nhà trường: Trường tiếp tục được xây dựng theo định hướng đề cao nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự do học thuật trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
 
Nhân đây, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN cũng nhắn nhủ đến các thầy cô, giảng viên, sinh viên, cán bộ, viên chức của Nhà trường yên tâm, tiếp tục phấn đấu trong học tập, công tác để góp phần tích cực nhất vào sự phát triển của Trường, đào tạo nguồn nhân lực cao về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trình độ cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, công nghệ mũi nhọn.
 
 
Lễ bàn giao chủ quản của trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
Chân thành cảm ơn những hỗ trợ thiết thực về chính sách, về kinh phí cũng như nhân lực cho Nhà trường, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, GS. Patrick Boiron tự hào khi nói về ngôi trường của mình, mà theo quan điểm của ông, là một trường đại học thực sự xuất sắc. Đó là một trường đại học không chỉ thu hút những sinh viên hàng đầu Việt Nam và các nước khác, mà còn cung cấp những chương trình đào tạo hữu ích và phù hợp đến một đối tượng lớn người học không phân biệt về điều kiện xã hội, kinh tế,… để tạo nên những chủ nhân tương lai cho đất nước Việt Nam. Đây còn là nơi sinh viên được tiếp thu những phương phát hiện đại, kiến thức và kỹ năng cho phép sinh viên không chỉ nhanh chóng tìm được một công việc tương ứng với ngành học của mình, mà còn có khả năng thích ứng tốt với một môi trường làm việc luôn thay đổi và ngày một cạnh tranh.
 
Trường sử dụng những chương trình đào tạo được cải tiến liên tục, được kiểm định và chứng nhận bởi các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực chuyên ngành. Sinh viên của trường không chỉ được hỗ trợ trong quá trình học tại trường, mà còn được đồng hành sau khi đã tốt nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên dễ dàng tìm được việc làm. Trường đã thành lập Phòng hướng nghiệp và tư vấn việc làm cho sinh viên.
 
 
Trái ngược với hiện trạng trong nước, các giảng viên thường ít có hoạt động nghiên cứu và công bố khoa học, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã có tới hơn 60 bài báo quốc tế, trong đó bao gồm nhiều ấn phẩm quốc tế danh giá. Mới cách đây ít lâu, TS. Trần Đình Phong đã là tác giả đứng đầu trong một công bố trên tạp chí Nature Materials, một trong những tạp chí có uy tín nhất trên thế giới, với chỉ số trích dẫn trên 36. Đây có thể là ví dụ đầu tiên của Việt Nam đạt được thành tích này!
 
Năm học tới, Trường sẽ mở thêm chương trình Cử nhân Khoa học và Công nghệ Thực phẩm, Cử nhân Khoa học và Công nghệ y khoa, Cử nhân Hàng không với sự hợp tác với một trường rất có uy tín là Trường Quốc gia về hàng không dân dụng (ENAC) Toulouse (Pháp) và Vietnam Airlines, đơn vị mà Trường vừa ký kết một Biên bản ghi nhớ. Ngoài ra, Trường cũng sẽ mở thêm chương trình Thạc sĩ trong Định lượng và Tính toán Tài chính, hợp tác với Viện John Van Neumann của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Phạm Phượng

Tối ưu hóa hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học

Sáng ngày 20/4/2016, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm Thông tin – Tư liệu đã tổ chức Hội thảo "Giải pháp tổng thể hỗ trợ chu trình nghiên cứu khoa học".
 
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã chia sẻ kinh nghiệm viết bài và gửi công bố, đặc biệt là công bố quốc tế, đối với các công trình nghiên cứu khoa học.
 
TS. Nguyễn Xuân Nhiệm, Viện Hóa sinh biển trao đổi với các đồng nghiệp về cách viết một bài nghiên cứu khoa học, những kỹ năng mềm cần có, việc chú ý đến từng chi tiết trong báo cáo, những điều nên và không nên khi trình bày nghiên cứu, cách lắng nghe và chọn lọc được phản hồi hữu ích,…
 
Còn TS. Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật lại giới thiệu đến các học giả một lĩnh vực nghiên cứu khác, về công bố các loài mới đối với thế giới. Trong phần trình bày của mình, TS. Trường nhấn mạnh vai trò của công bố kết quả nghiên cứu, đó không chỉ đơn thuần là việc khẳng định kết quả nghiên cứu đạt mức độ nào, mà việc công bố này, xét về nhiều mặt là có lợi cho môi trường, động vật, thực vật, sinh cảnh. Ví dụ về điều này, TS. Trường đưa dẫn chứng về số cá thể Tê giác ở Việt Nam, vấn nạn săn bắt trộm tê giác đã dẫn đến việc tuyệt diệt loài tê giác tại Việt Nam, việc công bố những số liệu này đã khiến cả thế giới phải rùng mình, từ đó, phát động hàng loạt chiến dịch bảo vệ tê giác, tuyên truyền nhận thức đúng đắn về tác dụng của sừng tê giác.
 
Hội thảo còn có sự góp mặt củadiễn giả Jennifer Yong – Chuyên gia tư vấn giải pháp của iGroup Asia Pacific. Với kiến thức chuyên sâu về những giải pháp thông tin trong lĩnh vực xuất bản, bà đã góp phần thiết lập sự kết nối trong hệ sinh thái nghiên cứu giữa thư viện và nhà nghiên cứu. Một trong những dự án lớn mà bà thực hiện là xây dựng hệ thống thư viện ảo của Brunei. Với tư cách là nhà tư vấn, Jennifer đã tích cực phổ biến kinh nghiệm nghiên cứu hiệu quả thông qua các nguồn dữ liệu uy tín, chất lượng, các công cụ phân tích và nâng cao hiệu quả nghiên cứu của cá nhân và đơn vị.
 
 
Diễn giả Jennifer Yong – Chuyên gia tư vấn giải pháp của iGroup Asia Pacific
Trong Hội thảo, Jennifer Yong đã cung cấp cho các nhà khoa học một lựa chọn khá tốt để thực hiện bài báo cáo của mình một cách thuận lợi, đó là cách chắt lọc thông tin vừa đủ, cách xác định để xem nghiên cứu của mình có bị "đạo văn" một cách vô tình hay cố ý hay không, cách để nâng cao hiệu suất nghiên cứu, tăng lượng người đọc công bố của mình bằng cách nào, để công bố có được lượng trích dẫn tốt nhất (tăng điểm uy tín đối với công bố)… Rất nhiều cách hỗ trợ từ phía chuyên gia tư vấn đã được khái quát lại bằng các công cụ tiện ích, giản đơn, góp phần hỗ trợ đắc lực cho nhà khoa học trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, viết báo cáo và công bố khoa học.
 
Hội thảo là một cơ hội tốt cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các đơn vị tại Việt Nam cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về những phương pháp tối ưu hóa hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học của cá nhân nói riêng, cũng như của đơn vị nghiên cứu nói chung, với các mục tiêu hành động cụ thể:
 
– Gia tăng khả năng tiếp cận và truy cập tới các nghiên cứu đã được xuất bản.
 
– Nâng cao cơ hội xuất bản cho các công trình nghiên cứu.
 
– Phổ biến xuất bản phẩm hiệu quả.
 
– Tăng cường khả năng hợp tác trong nghiên cứu.
 
Phạm Phượng

400 thí sinh dự thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc

 
Ngày 21/4, tại Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đã diễn ra Cuộc thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc lần thứ 19.
 
Cuộc thi thu hút sự tham gia của 400 sinh viên giỏi cùng các giảng viên, chuyên gia về Vật lý ở 49 trường đại học, học viện, cao đẳng trên toàn quốc.
 
Cuộc thi là một trong những sân chơi trí tuệ lớn, khuyến khích các tài năng Vật lý trẻ phát huy năng lực và tính sáng tạo của mình. Đây cũng là cuộc thi Olympic Vật lý có số lượng đoàn và thí sinh tham gia đông nhất từ trước đến nay.
 
 
Ảnh: Người lao động
Các thí sinh sẽ tham gia 3 phần thi: Giải bài tập (4 câu hỏi), thực nghiệm (1 bài thí nghiệm) và thi trắc nghiệm (20 câu hỏi). Nội dung kiến thức của các phần thi theo chương trình Vật lý Đại cương cho các trường đại học, cao đẳng và các học viện gồm: Cơ-nhiệt, điện từ học, vật lý lượng tử.
 
Trong khuôn khổ của Cuộc thi năm nay còn diễn ra một số hoạt động đáng chú ý khác như: Giao lưu, trao đổi về nghiên cứu khoa học và giảng dạy Vật lý giữa các đoàn, giao lưu văn nghệ…
 
Nhiều đề tài nghiên cứu Vật lý được các giảng viên, sinh viên trình bày tại các buổi trao đổi như: “Nghiên cứu động học bóng khí sinh ra sau quá trình shock gây nên bởi tia laser trong môi trường chất lỏng”, “Ứng dụng các mô hình vật lý trong nghiên cứu hành vi của sinh vật”…
 
Cuộc thi kéo dài đến ngày 24/4.
 
Theo Báo chính phủ

3 startup Việt tranh vé dự chung kết Sáng kiến toàn cầu ở Silicon Valley

Vượt qua hơn 900 startup khác, 3 dự án của Việt Nam bao gồm Fundy, Money Junior, MediFree đã lọt vào vòng bán kết Cuộc thi Sáng kiến toàn cầu (GIST Tech-I 2016). Sau vòng bình chọn, 30 dự án xuất sắc nhất sẽ tham dự vòng chung kết ở Silicon Valley (Mỹ).
 
Cuộc thi sáng kiến toàn cầu được khởi xướng bởi chính phủ Mỹ, nhằm chọn ra những công ty về công nghệ có giá trị cộng đồng cao. Năm 2016 có tổng cộng hơn 1000 hồ sợ nộp từ rất nhiều nước trên thế giới và đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam có đại diện lọt vào vòng bán kết(top 102 dự án trên tổng số 1075) của cuộc thi GIST Tech-I 2016.
 
Dự án gọi vốn cộng đồng Fundy là dự án doHoàng Yến Phương thực hiện. Dự án giúp giải quyết khó khăn khi kêu gọi vốn cho các dự án xã hội tại Việt Nam, đồng thời kết nối được các nhà hoạt động xã hội với kênh truyền thông và tài trợ. Chỉ vài tháng sau khi thành lập, các bạn trẻ của dự án Fundy đã đạt được giải Nhì tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp do Viện ươm tạo công nghệ của Bộ khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức cuối năm 2015. Fundy đã nhanh chóng được các nhà đầu tư và ươm tạo khởi nghiệp trên thế giới đánh giá cao khi lọt vào top các cuộc thi lớn quy mô Đông Nam Á và thế giới như Top 30 Startup Pedia Asean 2016, top 8% chương trình Global Entrepreneurship Bootcamp 2016 của trường đại học MIT.
 
 
Ảnh minh họa
Ứng dụng Monkey Junior, ứng dụng giúp bé học đọc và học ngôn ngữ của Đào Xuân Hoàng chính thức ra đời phiên bản đầu tiên vào cuối năm 2014. Cho đến nay, ứng dụng này liên tục nằm trong top 100 chương trình giáo dục được tải nhiều nhất ở một loạt nước trong đó có Mỹ, Canada và Việt Nam. Sản phẩm cũng nằm trong top 18 sản phẩm công nghệ thông tin xuất sắc nhất trong vòng chung khảo giải thưởng Nhân Tài Đất Việt 2015. Mục tiêu trong thời gian tới của Monkey Junior là sẽ nằm trong top 30 những ứng dụng về giáo dục được tải nhiều nhất ở Mỹ (hiện tại đang đứng thứ 87) và top 10 ở Việt Nam (hiện tại đang đứng thứ 42).
 
MediFree của Đỗ Anh Thông là hệ thống hỗ trợ kết nối giữa người hiến tặng và người có nhu cầu về thiết bị y tế. Người có những thiết bị và dụng cụ y tế dư thừa không còn sử dụng có thể dễ dàng sử dụng MediFree bằng điện thoại để đăng hình ảnh của thiết bị mình lên hệ thống. Những người cần thiết bị y tế có thể dùng điện thoại hoặc tới bệnh viện nhờ sự trợ giúp để tìm ra những vật dụng cần thiết đang được hiến tặng. Các thiết bị khi hiến tặng một thời gian nếu không có người nhận sẽ có những tổ chức phi lợi nhuận kết nối với MediFree lấy về lưu lại cho những chuyến đi làm từ thiện. Về tương lai, hệ thống sẽ cho phép người dùng hiến các vật dụng ngoài thiết bị y tế và trong khuôn khổ pháp luật cho phép.
 
Để trở thành 1 trong 30 dự án khởi nghiệp lọt vào vòng chung kết được tổ chức tại Silicon Valley, Mỹ và có cơ hội nhận được đầu tư để triển khai dự án từ cuộc thi, 3 startup của Việt Nam cần nhận được bình chọn hàng ngày từ cộng đồng trên trang web của cuộc thi http://www.gistnetwork.org/content/tech-i-semi-finalists-voting. Mọi người có thể đăng ký tài khoản tại đây sau đó tìm Việt Nam trong danh sách các nước tham gia (emerging countries) nhấn lựa chọn dự án Fundy, Money Junior, MediFree rồi bình chọn bằng nút “Batch Vote”. Mỗi ngày mỗi tài khoản được bình chọn 1 lần cho nhiều dự án cùng lúc, sau 24h tài khoản lại được bình chọn tiếp tục, mỗi lượt bình chọn tính là 1 điểm. Cùng với điểm do ban tổ chức chấm, số điểm bình chọn sẽ góp phần đưa dự án khởi nghiệp đến với vòng chung kết tại Mỹ mùa hè năm 2016.
 
Theo ICT News

Việt Nam hướng tới kinh doanh tín chỉ cácbon

Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới hình thành thị trường kinh doanh tín chỉ cácbon trong nước, hội nhập với thị trường quốc tế.
 
Đây là một trong 9 nhiệm vụ được đặt ra tại cuộc họp lần thứ VII Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) sáng 19/4, với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và sự tham gia của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia tư vấn. Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có Thứ trưởng Phạm Công Tạc tham dự.
 
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp về biến đổi khí hậu sáng 19/4.Ảnh: TTXVN
Năm 2015, thiệt hại hơn 8.000 tỷ đồng do BĐKH
 
Báo cáo tại phiên họp Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, năm 2015 tình hình BĐKH tại Việt Nam diễn biến phức tạp, nhiều nơi nhiệt độ thường xuyên vượt ngưỡng 400C. Đây là mức nhiệt chưa từng xảy ra suốt vài thập kỷ trở lại đây. Ở nhiều địa phương (như Sa Pa), nhiệt độ đột ngột giảm sâu còn 12,60C vào giữa mùa hè.
 
“Ảnh hưởng của BĐKH đã tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội, gây tổn thất lớn về người và tài sản. Năm 2015, ước tính thiên tai đã làm 154 người chết, hơn 445.000ha diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 8.114 tỷ đồng” – Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết.
 
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, phải gắn việc ứng phó BĐKH với phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, đẩy mạnh phối hợp liên ngành, liên vùng; từng bước tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính; cần tập trung đánh giá tác động của BĐKH đối với từng vùng kinh tế trọng điểm để có thể phân bổ nguồn lực ứng phó một cách hiệu quả.
 
Phó Thủ tướng lưu ý việc phối hợp liên vùng trong ứng phó BĐKH và phải gắn nội dung này vào các chiến lược, kế hoạch của các ngành, lĩnh vực và đến từng dự án. “Bởi dự án là hiện thực hóa của các chiến lược, kế hoạch, là sản phẩm cuối cùng tạo ra sản phẩm cho xã hội. Cần coi vấn đề BĐKH là một tiêu chí trong thẩm định dự án” – Phó Thủ tướng nói.
 
Bán tín chỉ cácbon, tăng năng lực cảnh báo thiên tai
 
Theo Bộ TN&MT, thực tế giai đoạn 2011-2015 năng lực dự báo, cảnh báo phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đã được tăng cường. Đặc biệt, chương trình KH&CN phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH đã được triển khai từ năm 2011 đến nay.
 
Chương trình tập trung làm rõ bản chất, cơ sở khoa học, thực tiễn của vấn đề BĐKH, tạo cơ sở đề ra các định hướng công nghệ, chính sách và giải pháp thích ứng, giảm nhẹ BĐKH tại nước ta. Đến nay, hầu hết các đề tài của chương trình được nghiệm thu theo đúng tiến độ, nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị khoa học và thực tiễn được chuyển giao ứng dụng, góp phần nâng cao khả năng chủ động ứng phó với BĐKH tại nước ta.
 
Trong giai đoạn 2016-2020, báo cáo của Bộ TN&MT nêu 9 nhiệm vụ, trong đó có nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát BĐKH, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ; thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, sử dụng và tiết kiệm năng lượng hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới hình thành thị trường kinh doanh tín chỉ cácbon trong nước, hội nhập với thị trường quốc tế.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, công tác ứng phó BĐKH ở Việt Nam đã có chuyển biến tích cực. Nhiều công trình, dự án về ứng phó BĐKH được triển khai bước đầu có kết quả. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều bất cập, một số dự án đầu tư chưa hiệu quả, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Cơ chế điều phối giải quyết vấn đề liên ngành, liên vùng còn bất cập. Nguồn lực cho ứng phó BĐKH hạn chế, phân tán, dàn trải, còn tình trạng “nóng đâu phủi đó”.
 
Thủ tướng yêu cầu huy động, đa dạng hóa nguồn lực ứng phó BĐKH, ưu tiên cho các dự án, công trình trọng tâm như xây dựng, nâng cấp hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt, củng cố nâng cấp đê biển, đê sông, khắc phục sạt lở bờ biển, bờ sông, khu vực xung yếu. Đặc biệt, cần triển khai hiệu quả chương trình ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh, nâng cao công tác dự báo, bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn, rừng ven biển, đẩy mạnh sử dụng năng lượng sạch, tái tạo. Ngoài ra, cần chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong việc triển khai các chương trình ứng phó BĐKH.
 
Lâm Bình
 

Xử phạt gần 9 tỷ đồng từ các doanh nghiệp dùng phần mềm “chùa”

Từ năm 2006 – 2015, thanh tra 541 doanh nghiệp, cơ quan thanh tra phát hiện hơn 27 nghìn máy dùng phần mềm không bản quyền, bị xử phạt gần 9 tỷ đồng. Các vi phạm tương tự có thể còn bị xử lý hình sự khi Việt Nam gia nhập TPP
 
Thông tin này được ông Trần Văn Minh – Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch chia sẻ tại buổi tọa đàm "Doanh nghiệp Việt Nam và một số vấn đề thực thi quyền SHTT trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương" do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), VCCI phối hợp với và Liên minh Phần mềm (BSA) tổ chức sáng 20/4.
 
Là tổ chức thương mại tự do bao gồm 12 quốc gia, TPP chiếm 40% kinh tế toàn cầu với 800 triệu dân số và khoảng 26 % lượng hàng hóa trung chuyển trên thế giới. Dự tính đến năm 2030, hiệp định này sẽ tác động vào các nền kinh tế thành viên với sức tăng 8-10%. Tuy nhiên, trong bối cảnh TTP đặc biệt coi trọng SHTT (dành 37/40 phiên đàm phán), nếu đi lệch cam kết, chắc chắn chúng ta sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề từ sân chơi kinh tế tự do lớn nhất thế giới này.
 
 
Ông Trần Mạnh Dũng – Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Loan Lê.
Phát biểu khai mạc tọa đàm ông Trần Minh Dũng – Chánh Thanh tra Bộ KH&CN nói: “Quyền Sở hữu trí tuệ, ngày nay, đã trở thành một bộ phận, thành tố quan trọng, quyết định sự thành bại trong hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Bởi lẽ, quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là tài sản vô hình được tạo dựng, tích lũy liên tục, không giới hạn bởi không gian, thời gian của doanh nghiệp mà nó còn là công cụ pháp lý để bảo vệ, giúp cho doanh nghiệp khởi sự việc kinh doanh trên thị trường toàn cầu và trên cả môi trường kinh doanh trực tiếp và môi trường thương mại điện tử (môi trường kỹ thuật số). Vai trò của việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ không thể thiếu đối với các doanh nghiệp ở tầm vi mô và đối với quốc gia ở tầm vĩ mô. Với nhận thức đó, Chính phủ Việt Nam cùng toàn bộ hệ thống đăng ký bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đang hoàn thiện và nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của hoạt động bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ” – ông Trần Minh Dũng nhấn mạnh.
 
 
Tọa đàm 'Doanh nghiệp Việt Nam và một số vấn đề thực thi quyền SHTT trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Ảnh: Loan Lê.
 
Dẫn chứng trong bài phát biểu của ông Trần Văn Minh cho thấy, phần mềm máy tính đang bị dùng lậu tràn lan. Cụ thể, từ năm 2006 – 2015, Bộ thanh tra 541 doanh nghiệp và phát hiện hơn 27 nghìn máy dùng phần mềm không bản quyền, bị xử phạt gần 9 tỷ đồng.
 
Bên cạnh việc cần quan tâm hơn nữa tới quyền SHTT, ông Minh đưa ra cảnh báo: Các doanh nghiệp cần có những bước chuẩn bị về tài chính, nhân lực và kỹ thuật để khi hội nhập TPP, chúng ta tránh được các rắc rối khiếu kiện có thể xảy ra.
 
“Một lĩnh vực mà TPP đặc biệt quan tâm là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó là thực thi quyền sở hữu trí tuệ được đặc biệt chú trọng, trong đó có có nội dung: kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả lên là 70 năm và thực thi quyền bao gồm cả khả năng bị truy tố hình sự. Điều này đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn các điều luật về SHTT. Trong lĩnh vực phần mềm máy tính, trong những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều cải thiện đáng kể, nhưng tình trạng xâm phạm bản quyền phần mềm máy tính vẫn còn tương đối phổ biến" – ông Minh nhấn mạnh.
 
Ngọc Vũ
 

Ngày Môi trường thế giới năm 2016 sẽ được tổ chức tại Lào Cai

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, các hoạt động quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2016 sẽ được tổ chức tại tỉnh Lào Cai.
 
Việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới nhằm góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
 
Trong thời gian qua, Lào Cai là địa phương có nhiều hoạt động trọng tâm về công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường và đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng.
 
 
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Lào Cai cũng là địa điểm phù hợp với chủ đề dự kiến Ngày Môi trường thế giới năm nay là “chống buôn bán động vật hoang dã,” nhằm khuyến khích cộng đồng tham gia bảo vệ tất cả các loài đang bị đe dọa, bảo vệ các thế hệ tương lai.
 
Đặc biệt, việc tổ chức Ngày Môi trường thế giới năm 2016 tại Lào Cai sẽ là hoạt động ý nghĩa, thiết thực đối với Lào Cai nhân kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh và năm du lịch quốc gia 2017 tại tỉnh vùng cao biên giới thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc .
 
Trước đó, Ngày Môi trường thế giới năm 2015 đã được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc, với chủ đề “Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm vì một trái đất bền vững,” nhằm kêu gọi mỗi người, mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ hãy bảo vệ Trái đất bằng những hành động thiết thực trong sản xuất và tiêu dùng.
 
Ngày Môi trường thế giới là một sự kiện môi trường quốc tế quan trọng thường niên do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) chủ trì tổ chức, được Việt Nam tham gia hưởng ứng từ năm 1982 và đã trở thành một hoạt động cụ thể, thiết thực góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
 
Theo Vietnamplus
 

Nhật Bản giới thiệu cơ hội đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam

Trong hai ngày 26/4-27/4 này, JICA phối hợp với JETRO sẽ tổ chức hội thảo “Phát triển nông nghiệp Việt Nam và triển vọng kinh doanh” tại Thành phố Nagoya, Nhật Bản.
 
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang tăng cường nâng cao năng lực sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và hi vọng áp dụng những bí quyết và kỹ thuật sản xuất nông sản nhằm mang lại giá trị gia tăng cao, sử dụng vật tư, máy móc nông nghiệp từ Nhật Bản vào quá trình xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, gia công, lưu thông tới kinh doanh. Việt Nam cũng mong muốn mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ tại địa phương.
 
 
Thủy canh rau sạch theo công nghệ mới ở Lâm Đồng. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Trong bối cảnh đó, Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tiến hành hợp tác với các doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị và để có thể tiếp tục xúc tiến hơn nữa đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, sử dụng các vật tư nông nghiệp và các kỹ thuật trong nông nghiệp tại Việt Nam.
 
Cụ thể, trong hai ngày 26/4-27/4 này, JICA phối hợp với JETRO sẽ tổ chức hội thảo “Phát triển nông nghiệp Việt Nam và triển vọng kinh doanh” tại Thành phố Nagoya, Nhật Bản.
 
Hội thảo này sẽ dành cho các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức địa phương có quan tâm tới phát triển nông nghiệp tại Việt Nam cũng như cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.
 
Hội thảo sẽ tập trung bàn luận các vấn đề như: Đối thoại hợp tác nông nghiệp Việt Nam–Nhật Bản, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, tình hình kinh tế Việt Nam và môi trường đầu tư hiện nay…
 
Tham dự hội thảo, các chuyên gia tư vấn về môi trường đầu tư Việt Nam (chuyên gia của JICA) sẽ trình bày những điểm quan trọng liên quan tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam. Các doanh nghiệp như Dream Incubator và Fujitsu dưới góc độ của doanh nghiệp sẽ trình bày về cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.
 
​Bộ Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản, JICA Việt Nam, JETRO Hà Nội sẽ có bài trình bày về tình hình nông nghiệp của Việt Nam, các điều kiện môi trường kinh doanh, những nỗ lực cụ thể của Nhật Bản.
 
Theo Vietnamplus