Thủy ngân lơ lửng giữa trời hè Hà Nội

Số liệu quan trắc môi trường tự động gần đây nhất cho thấy chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội đều ở mức kém. Thậm chí, có điểm thiết bị quan trắc còn phát hiện có cả thủy ngân trong không khí tại một điểm ở Thủ đô.
 
Hà Nội bắt đầu mùa nóng, người dân lại chật vật đối phó với khói bụi vốn chứa nhiều chất độc hại cho sức khoẻ.
 
Chỉ số ô nhiễm rất cao
 
Trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục của Tổng cục Môi trường đặt tại khu vực 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội gần đây thường xuyên cảnh báo về mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
 
 
Cảnh bụi mù ở đường Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội. (Ảnh chụp ngày 19/4/2016).
Ảnh: Phượng Hằng
Theo TS Hoàng Dương Tùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội thay đổi theo từng thời điểm và hiện nay là thời điểm giảm. Dù vậy, chỉ số AQI đo được vào ngày 14/4 vẫn dao động ở mức 54-140 – mức kém theo thang đánh giá, khuyến cáo những người nhạy cảm hạn chế ra ngoài.
 
Trước đó khoảng 6 tuần – vào đầu tháng 3, chỉ số AQI ở Hà Nội có lúc lên đến 388 – mức ô nhiễm rất nặng, cao nhất trên thang đánh giá, khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà (kết quả quan trắc của Đại sứ quán Mỹ tại tòa nhà số 7 Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội). Riêng nồng độ bụi mịn PM2,5 cao gấp 3 mức khuyến cáo theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và gấp 7 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
 
Nói về chỉ số AQI ở thời điểm đó, TS Tùng cho biết: “Chỉ số này cao hơn 1,5 lần so với mức độ cho phép. Thời gian này, mức độ ô nhiễm giảm nhưng không phải do giảm các nguồn gây ô nhiễm mà do thời tiết.
 
Nhìn vào các bài học trên thế giới, ông Tùng cho rằng, nếu không sớm có biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả, việc không khí Hà Nội trở nên ô nhiễm nghiêm trọng như Bắc Kinh sẽ tất yếu xảy ra trong một ngày không xa.
 
Lý giải sự khác nhau về mức độ ô nhiễm đo được tại các trạm quan trắc, GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng – Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam – cho biết, nồng độ bụi mịn PM2,5 nêu trên chỉ là trị số cực hạn đột xuất ở thời điểm bất thường – chẳng hạn lúc gió thổi mang theo nồng độ bụi lớn đi qua thiết bị đo. Đây không phải là trị số trung bình ngày nên không được xem là trị số đại diện để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội.
 
Tuy nhiên, GS Đăng thừa nhận không khí Hà Nội đang thực sự ô nhiễm. Vì thế mà 3 năm nay, ông đã phải chuyển đến sống tại thành phố Nha Trang vào mùa đông và mùa hè, chỉ trở lại Hà Nội vào dịp tết và mùa xuân, mùa thu.
 
Phát hiện thủy ngân trong không khí
 
Một tiết lộ đáng lo ngại được TS Hoàng Dương Tùng cho biết là mới đây, thiết bị đo đạc, quan trắc đã phát hiện chất độc thủy ngân trong không khí – một vấn đề mà các nhà khoa học trong nước và trên thế giới đều đang lo ngại.
 
“Ngay tại Hà Nội, chúng tôi cũng đang đo được chỉ số ô nhiễm thủy ngân trong không khí. Tuy nhiên, do mới đo được ở một địa điểm nên chưa có đủ căn cứ để kết luận về chỉ số này. Vấn đề đáng quan tâm hơn cả vào lúc này là phải xác định được nguồn gây ô nhiễm thuỷ ngân trong không khí. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng hệ thống để quan trắc xác định những vấn đề này” – ông Hoàng Dương Tùng cho biết.
 
 
Biểu đồ diễn biến nồng độ bụi PM10 trung bình năm tại một số trạm quan trắc tự động, liên tục, giai đoạn 2011-2015. Nguồn: CEM, Tổng cục Môi trường
 
Các kết quả đo đạc cho thấy, không khí Hà Nội hiện chứa nhiều chất độc hại đối với sức khỏe con người như SO2, NO2, CO, benzene… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng ở thành phố này là không kiểm soát chặt chẽ số lượng, chất lượng ôtô, xe máy, xăng dầu dẫn đến thải ra nhiều chất độc; không kiểm soát chặt chẽ nguồn đốt rác thải, rơm rạ; quản trị đô thị không tốt dẫn đến bụi bặm từ các công trình.
 
“Riêng ở Hà Nội có hơn 5 triệu xe máy, hơn nửa triệu ôtô. Các chương trình kiểm soát bảo trì, bảo dưỡng xe máy, lắp ống lọc bụi trong xe máy đã được đề ra nhưng chưa thực hiện. Rất nhiều xe không đảm bảo chất lượng vẫn lưu hành. Mình không kiểm soát được xe cũ, xe mới thì làm sao đảm bảo chất lượng môi trường?
 
Một vấn đề nữa là cứ gặt xong, dân thi nhau đốt rơm rạ. Trong khi đó, ở vùng Ninh Thuận, rơm rạ rất đắt, người ta còn phải tranh nhau mua để quấn quanh gốc thanh long, cho trâu bò ăn. Người dân khu vực miền Bắc có thể làm thế không?” – TS Hoàng Dương Tùng bày tỏ. Ông cho rằng điều đáng ngại hơn là chưa có biện pháp căn cơ, đặc biệt là sự thờ ơ của người dân đối với chất lượng không khí mà mình hít thở hằng ngày.
 
Từ thực tế này, thông điệp mà nhà quản lý môi trường muốn gửi tới cả cộng đồng là đừng thờ ơ với môi trường mà mình đang sống, đừng nghĩ chất thải độc chỉ từ người khác mà ra. Thực tế không phải như vậy. Theo ông Hoàng Dương Tùng, mỗi người đều phải có trách nhiệm và đóng góp của mình, ít nhất cũng bằng cách hiểu biết về nó để có hành vi đúng cũng như dạy dỗ con cái.
 
“Có bao nhiêu người mắc bệnh ung thư. Người ta cứ hì hục đi làm, gây ô nhiễm rồi lại dốc hết tiền ra chữa bệnh, nếu cảm thấy không đủ thì chạy vạy để sang nước ngoài. Vậy chúng ta cứ làm để làm gì?” – TS Hoàng Dương Tùng nói.
 
 
Vũ Ngọc – Phương Nguyên

Hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp cho các trường đại học

 
Nhằm thúc đẩy vai trò của các các cơ sở giáo dục đào tạo, Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan, Giai đoạn 2 (IPP2) sẽ hỗ trợ các trường đại học Việt Nam phát triển đào tạo về Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp.
 
 
Các chuyên gia IPP giới thiệu Chương trình Đổi mới sáng tạo trong một lần làm việc tại TPHCM (Ảnh: IPP) 
 
Với mục tiêu thúc đẩy vai trò của các các cơ sở giáo dục đào tạo trong hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp quốc gia, trong chương trình hỗ trợ này, IPP2 sẽ cung cấp các hỗ trợ bao gồm chương trình đào tạo tập trung cho giảng viên nguồn, cung cấp học liệu (nội dung, công cụ cũng như phương thức triển khai) và nội dung đào tạo kèm với các hỗ trợ nâng cao năng lực, giới thiệu các chuyên gia và tổ chức đối tác quốc tế. Đây là chương trình đào tạo mở và sẽ được tiếp tục phát triển theo nhu cầu của mỗi đơn vị đối tác.
Chương trình dành cho các trường đại học và các cơ sở giáo dục đào tạo, không phân biệt công lập hay tư nhân. Nếu là cơ sở đào tạo nước ngoài cần có giấy phép hoạt động chính thức tại Việt Nam.
 
Để biết thêm thông tin chi tiết và tải về mẫu đề xuất vui lòng truy cập trang web của IPP: http://ipp.vn/hoat-dong-ipp/cop-unicollab/ )
 
Đề xuất phải được viết bằng tiếng Anh, bản mềm gửi đến hòm thư info@ipp.vn, bản in gửi đến Văn phòng IPP qua đường bưu điện muộn nhất là ngày 09/05/2016.
 
Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) là chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) được đồng tài trợ bởi Chính phủ Việt Nam và Phần Lan. Cơ quan chủ quản của IPP là Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện cho Chính phủ Việt Nam và Bộ Ngoại giao Phần Lan, đại diện cho Chính phủ Phần Lan. Chương trình đang triển khai giai đoạn 2, từ năm 2014 đến năm 2018.
 
Nguồn:  Minh Châu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN
 

Tạo điều kiện thông thoáng cho chuyển giao công nghệ

 
 
Ông Đỗ Hoài Nam
 
Một số bất cập và vướng mắc trong quá trình gần 10 năm thực hiện Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) là lý do chính để Bộ KH&CN đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật, đó là ý kiến của ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN) trong cuộc trả lời phỏng vấn của tạp chí Tia Sáng.
Sau khi tiến hành tổng kết và rà soát lại gần 10 năm thực hiện Luật CGCN, ông và ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật CGCN nhận thấy có những bất cập và vướng mắc gì thường gặp?
 
Theo chúng tôi, có một số bất cập tồn tại, thể hiện ở ba điều căn bản:
 
Thứ nhất, thị trường công nghệ vẫn chưa phát triển tương xứng với mục tiêu đề ra, chưa đủ sức thu hút, thúc đẩy nguồn cung và nguồn cầu công nghệ, đặc biệt là việc hình thành và phát triển các tổ chức trung gian trong hoạt động CGCN, cũng như một số hoạt động dịch vụ CGCN như dịch vụ đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ.
 
Thứ hai, hoạt động CGCN chủ yếu là hình thức CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, mà tập trung ở các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó phần lớn là hình thức CGCN từ công ty mẹ cho công ty con và công nghệ do các doanh nghiệp Việt Nam nhận chuyển giao từ các đối tác nước ngoài, cần có hình thức quản lý phù hợp hơn. Ngoài ra, trên thực tế CGCN còn thực hiện thông qua các dự án đầu tư trong nước, trong đó triển khai theo các hợp đồng tổng thầu EPC (engineering procurement & construction), tức là hợp đồng thiết kế, mua sắm cung cấp thiết bị và thi công xây dựng công trình, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, giao thông,… Các hợp đồng EPC này hầu hết có nội dung công nghệ, nhưng trong hợp đồng EPC chưa thể hiện nội dung công nghệ và thực hiện theo quy định của Luật CGCN.
 
Hoạt động CGCN trong nước, chủ yếu là chuyển giao các kết quả nghiên cứu và thương mại hóa công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp, vẫn còn quá ít ỏi so với tiềm năng.
Hoạt động CGCN trong nước, chủ yếu là chuyển giao các kết quả nghiên cứu và thương mại hóa công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp, vẫn còn quá ít ỏi so với tiềm năng. Ngoài ra, cần quy định cụ thể hơn đối với hoạt động CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài, mà hiện nay mới chỉ là việc bán thiết bị, máy móc có hàm chứa công nghệ. 
 
Thứ ba, thời gian qua, nhiều bộ luật liên quan đến Luật CGCN như Luật KHCN, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế đã được sửa đổi, bổ sung nên một số điều khoản của Luật CGCN cần phải hoàn chỉnh cho phù hợp với các quy định mới của các Luật có liên quan này. 
 
Ông có thể nói rõ thêm về sự chưa phù hợp giữa Luật CGCN và các luật mới được sửa đổi?
 
Ở đây tôi muốn nêu một ví dụ nhỏ, trong điều 32 Luật CGCN 2006, chỉ hoạt động dịch vụ giám định công nghệ được quy định là hoạt động kinh doanh có điều kiện, còn dịch vụ đánh giá và định giá công nghệ thì lại không quy định. Tuy nhiên, theo Luật KHCN mới được sửa đổi năm 2013 thì hoạt động của tổ chức KH&CN dạng này lại thuộc phạm trù hoạt động kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, cần phải sửa đổi sao cho phù hợp với tinh thần của Luật KHCN mới sửa đổi, như bổ sung thêm các tiêu chí và điều kiện hoạt động của các đơn vị dịch vụ CGCN này.
 
Cần phải hoàn chỉnh, bổ sung Luật CGCN 2006 sao cho tạo ra một cơ chế có thể giám sát được hoạt động CGCN và phải đưa điều đó vào các quy định của luật.
Hoặc trước đây quy định về hồ sơ dự án đầu tư, doanh nghiệp phải giải trình về công nghệ, đưa ra các phương án lựa chọn công nghệ, phân tích để lựa chọn ra phương án công nghệ tối ưu và phải nêu rõ quy trình công nghệ, sản phẩm từ công nghệ đó đạt tiêu chuẩn gì. Tuy nhiên hiện nay, Luật Đầu tư mới lại không có yêu cầu cụ thể này. Điều đó có thể dẫn đến vấn đề là công nghệ trong các dự án đầu tư nước ngoài đưa vào có thể là công nghệ, thiết bị cũ, lạc hậu, sản phẩm sản xuất không đạt yêu cầu về chất lượng, dẫn đến việc sản xuất bị ngừng trệ, doanh nghiệp càng làm càng lỗ…
 
Tại hội thảo được tổ chức vào cuối tháng ba về sửa đổi, bổ sung Luật CGCN 2006, đại diện Sở KH&CN Hà Nội đã nêu một thực tế là hoạt động CGCN vẫn diễn ra một cách âm thầm trên thị trường mặc dù số lượng đăng ký chính thức với Sở rất hạn chế. Vậy đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?
 
Có thể nói là Luật CGCN 2006 ra đời trên cơ sở nhà nước tạo điều kiện tối đa cho các bên tham gia hoạt động CGCN, quan điểm lúc đó là nhà nước không khống chế giá, thời hạn chuyển giao, đồng thời phương thức quản lý cũng mở tối đa. Luật 2006 cho phép các bên tham gia CGCN nếu thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao được quyền tự nguyện đăng ký để được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật. Do đó, việc cho phép tự nguyện đăng ký đã góp phần tạo ra bất cập, thứ nhất cơ quan quản lý nhà nước không nắm được có những công nghệ nào đã được chuyển giao, thứ hai là nội dung chuyển giao đó có thực sự là công nghệ hay không, và hệ lụy là trong trường hợp không phải là nội dung công nghệ nhưng vẫn được hợp thức hóa thành hợp đồng CGCN và được hưởng các ưu đãi về thuế. Cũng có một thực tế khác là xảy ra hiện tượng các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do được tự thỏa thuận mức phí chuyển giao công nghệ nên họ đã điều chỉnh mức phí chuyển giao công nghệ lên, trong khi nguyên tắc phổ biến của việc chuyển giao công nghệ là phí kỳ vụ (royalty) thường phải giảm dần, trừ khi có các nội dung công nghệ mới được tiếp tục chuyển giao. 
 
Theo ông, để khắc phục triệt để vấn đề này, cần phải làm những gì trong đợt sửa đổi, bổ sung Luật CGCN?
 
Chúng tôi cho rằng cần phải hoàn chỉnh, bổ sung Luật CGCN 2006 sao cho tạo ra một cơ chế có thể giám sát được hoạt động CGCN và phải đưa điều đó vào các quy định của luật. 
Chúng tôi cũng cân nhắc phương án quản lý hợp đồng CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài và CGCN trong nước có sử dụng ngân sách nhà nước thì phải thực hiện việc đăng ký nhưng với hình thức đơn giản (có thể đăng ký thông qua mạng internet) để ít nhất cơ quan quản lý có thể nắm được nhưng cũng vẫn bảo đảm thuận lợi và đơn giản cho doanh nghiệp. Hiện nay trong chương trình công tác, chính phủ đã đưa việc đăng ký hợp đồng CGCN là dịch vụ công và yêu cầu thực hiện vào năm 2018. Qua áp dụng thử nghiệm hoạt động đăng ký qua mạng internet như vậy tôi cho là đơn giản, dễ thực hiện. Chỉ có thực hiện đăng ký như vậy, nhà nước mới nắm được hoạt động chuyển giao công nghệ. 
 
Ban soạn thảo có tham khảo kinh nghiệm về quản lý nhà nước của quốc tế trong hoạt động CGCN không?
 
Ngoài việc lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, chúng tôi cũng tìm hiểu các luật liên quan đến hoạt động CGCN của nhiều quốc gia cũng như những chính sách ưu đãi của họ đối với những bên tham gia vào hoạt động CGCN. Chúng tôi cũng đã tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,… để đưa ra các quy định phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và phù hợp với các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.
 
Ông kỳ vọng vào điều gì khi Luật CGCN mới được ban hành?
 
Hoạt động CGCN liên quan đến nhiều khâu, do nhiều vấn đề hợp lại, Luật CGCN chỉ là một trong số những công cụ cần thiết để hỗ trợ chứ không thể là yếu tố duy nhất để giải quyết mọi vấn đề hiện tại của hoạt động CGCN. Vì vậy chúng tôi không kỳ vọng vào việc Luật mới ra đời sẽ làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của hoạt động CGCN, một mình Luật CGCN không thể làm tất cả mọi việc.
 
Tôi mong Luật sau khi sửa đổi, bổ sung sẽ khuyến khích được các hoạt động CGCN, tạo điều kiện để thị trường công nghệ với các bên cung, cầu và tổ chức trung gian phát triển giúp các bên có thể tiếp cận và kết nối các công đoạn của quá trình ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ.
 
Xin cảm ơn ông. 
 
Thanh Nhàn (thực hiện)
 

Ngày sách VN 21-4: mua sách giá 0 đồng tại đường sách

TTO – Giới sưu tập sách tư nhân, các nhà nghiên cứu và các đơn vị làm sách cùng bắt tay xây dựng chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày sách VN (21-4) năm nay kéo dài hơn một tuần với nhiều nội dung đa dạng.
 
 
Khách tham quan triển lãm các ấn phẩm quý hiếm thuộc dòng văn học lãng mạn Việt Nam đầu thế kỷ 20 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP.HCM chiều 20-4 – Ảnh: Quang Định
 
Ngày sách VN lần thứ 3 do Bộ Thông tin – truyền thông chỉ đạo, Cục Xuất bản, in và phát hành chủ trì, được đồng loạt tổ chức tại gần 40 tỉnh thành trong cả nước, cùng các hội, học viện, thư viện quốc gia VN… Tại TP.HCM, chương trình khai mạc mừng Ngày sách VN lần thứ 3 do Sở Thông tin – truyền thông chủ trì sẽ diễn ra lúc 16g hôm nay 21-4 tại đường sách.
Tại Hà Nội, hội sách chào mừng Ngày sách VN với chủ đề Sách và cuộc sống cũng đang diễn ra từ ngày 20 đến hết 24-4 tại công viên Thống Nhất. Cùng thời điểm với Hà Nội, tại Đà Nẵng, Ngày sách năm nay có chương trình Hội sách tại Q.Hải Châu (bờ tây sông Hàn, đối diện Bảo tàng Điêu khắc Chăm).
 
Ra mắt sách và diễn thuyết
 
Sáng 21-4, tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM (69 Lý Tự Trọng, Q.1) diễn ra một loạt hoạt động hướng đến giới trẻ, nổi bật là chương trình Sách khoa học có dễ đọc do NXB Trẻ tổ chức. Như một cuộc chuyện trò với học sinh và phụ huynh, TS xã hội học Phạm Thị Thúy sẽ trình bày về cách đọc sách khoa học sao cho hiệu quả, đồng thời giới thiệu bộ sách khoa học hài hước (Horrible science) do NXB Trẻ ấn hành.
 
Chủ đề sách và hội nhập sẽ trở lại với những người đang quan tâm đến dòng sách kinh tế phát triển. Những câu chuyện về doanh nhân, nghệ thuật khởi nghiệp cũng như cách thức hội nhập quốc tế thông qua việc dịch và chuyển giao tri thức như thế nào… sẽ được TS Nguyễn Mạnh Hùng – chủ tịch HĐQT Thái Hà Books và ông Lê Quốc Vinh – chủ tịch HĐQT Lebros – cùng trao đổi lúc 18g30 ngày 22-4 tại đường sách.
 
Cùng thời gian này, tại cà phê sách Phương Nam ở đường sách cũng diễn ra cuộc nói chuyện của cô gái khuyết tật Lê Dương Thể Hạnh, tác giả cuốn tự truyện Có một mặt trời không bao giờ tắt. Đề tài lần này của Thể Hạnh là những chia sẻ “bạn cảm nhận thế 
nào về hạnh phúc”.
 
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nhân dịp Ngày sách năm nay cũng tham gia với buổi trò chuyện về kinh nghiệm đọc sách (từ 9g-11g tại Thư viện Khoa học tổng hợp). Với bề dày nhiều năm nghiên cứu các ngành khoa học xã hội, ông Huỳnh Ngọc Trảng sẽ tâm sự về những kinh nghiệm đọc sách để nghiên cứu, các cách đọc theo chủ đề, đọc có hệ thống tư liệu và phương pháp thu thập tài liệu để tái sản xuất ra 
sản phẩm tinh thần mới.
 
Dịp này cũng có một số sách mới được giới thiệu tại đường sách: Văn hóa – những góc nhìn đa diện của Thái Thu Hoài (ra mắt lúc 9g ngày 21-4), Con thích nhất Bento mẹ làm của Phan Sắc Cẩm Ly (giao lưu ra mắt vào 9g ngày 23-4), Sài Gòn đất lành chim đậu của nhà thơ, nhà báo Phan Hoàng (8g30 ngày 24-4).
 
Giới chơi sách vào cuộc
 
Năm nay, giới sưu tập sách tại TP.HCM mạnh dạn tham gia hình thành các nội dung kỷ niệm Ngày sách tại đường sách. Đầu tiên là triển lãm các ấn phẩm quý hiếm thuộc dòng văn học lãng mạn Việt Nam đầu thế kỷ 20.
 
Đây là cuộc trưng bày các ấn phẩm tiền chiến của những nhà văn VN có sách in từ trước năm 1945, đã thuộc vào loại quý hiếm và chỉ lưu truyền trong giới sưu tập. Bạn đọc nhân dịp này có thể chiêm ngưỡng các ấn phẩm như Thơ thơ, Gửi hương cho gió của Xuân Diệu, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Thơ Đông Hồ, Quê ngoại của Hồ Dzếnh, Bức tranh quê của Anh Thơ, Lửa thiêng của Huy Cận, Thơ say của Vũ Hoàng Chương…, ra đời cách nay hơn 70 năm.
 
Bên cạnh đó, dịp này giới chơi sách còn gọi nhau làm một cuộc tọa đàm với chủ đề Sưu tập sách – hoài niệm và đam mê với khách mời là các nhà sưu tập Nguyễn Văn Miếng, Nguyễn Hữu Lệ, Nguyễn Ngọc Hoài Nam, và MC là nhà báo Lê Minh Quốc (lúc 16g30 ngày 24-4 tại đường sách).
 
Trước đó, 9g ngày 23-4, một gương mặt quen thuộc với giới sưu tập sách lần đầu tiên xuất hiện tại đường sách để giao lưu, là ông thợ đóng sách Võ Văn Rạng, lâu nay vốn lặng lẽ làm nghề tại căn nhà nhỏ trong con hẻm ở đường Lý Chính Thắng, Q.3.
 
Ông Rạng sẽ tâm sự về chủ đề Mặc áo mới cho sách – kể lại hành trình chăm chút cho những quyển sách quý được đóng bìa, khâu trang như thế nào để giữ gìn được lâu trong các bộ sưu tập.
 
Đáng kể nhất của giới chơi sách lần này là tổ chức hai buổi đấu giá sách quý hiếm để ủng hộ chương trình Đưa sách về cho các học sinh ngoại thành.
 
Lúc 18g ngày 24-4, phiên đấu giá ba quyển Thú chơi sách của tác giả Vương Hồng Sển (NXB Tự Do in năm 1960), Minh tâm bửu giám của Trương Vĩnh Ký (xuất bản năm 1938), Mười câu chuyện văn chương của Nguyễn Hiến Lê (sách có thủ bút và chữ ký của tác giả) sẽ diễn ra tại đường sách.
 
Trước đó, buổi đấu giá đầu tiên diễn ra đêm 17-4 với hai quyển: Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển được đấu giá ở mức giá 8 triệu đồng, và hai tập Tản Đà vận văn được đấu thắng ở mức giá 2,8 triệu đồng.
 
Góc sách 0 đồng tại đường sách
 
Để đánh dấu lần đầu tiên Ngày sách diễn ra tại đường sách, toàn bộ 19 gian hàng của các đơn vị tại đây thực hiện chương trình “Ngày vàng 21-4” với mức bán giảm giá sách sâu từ 30-50%.
 
Không chỉ thế, trong “ngày vàng” còn có một khung “Giờ vàng” từ 17g-18g hôm nay, tại mỗi gian hàng ở đường sách đều có “Góc sách 0 đồng” để khách hàng đến vào giờ này có thể chọn sách cho mình mà không phải trả tiền.
 
“Đây là sáng tạo của các đơn vị tham gia đường sách, thay vì gọi là tặng sách như lâu nay, chương trình “Góc sách 0 đồng” được các đơn vị cam kết sẽ bày ra khoảng 50 quyển tại mỗi gian hàng, cũng là một hình thức ghi nhận và tri ân bạn đọc đã ủng hộ đường sách trong thời gian qua” – bà Quách Thu Nguyệt, thành viên ban điều hành đường sách, cho biết.
 
LAM ĐIỀN (lamdien@tuoitre.com.vn)
 

Hàng nghìn người tham dự Ngày sách Việt Nam

 Nhiều loại sách bán giảm giá từ 10 – 50% trong khuôn khổ sự kiện Ngày sách Việt Nam lần thứ 3 vừa khai mạc sáng 20/4 tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội).
 
 
Sáng 20/4, Ngày sách Việt Nam lần thứ 3 khai mạc tại Công viên Thống nhất (Hà Nội). 
 
 
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng tham dự chương trình. Trong bài phát biểu của mình, ông Hưng cho biết, Bộ đã nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của sách, của văn hoá đọc và hoạt động xuất bản trong đời sống xã hội từ rất lâu.
 
Trong buổi khai mạc Hội sách, nhiều sự kiện cũng được tổ chức, đặc biệt là buổi giới thiệu sách hay, các hoạt động trưng bày, giới thiệu sách với nhiều chủ đề khác nhau.
 
 
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng tham quan từng gian hàng trưng bày sách.
 
 
Ước tính, có tới hơn nghìn người tham dự ngày hội sách sáng nay.
 
 
Sách tại đây nhân dịp này đều được bán giảm giá từ 10 – 50%.
 
 
Ông Nguyễn Văn Trúc (Quán Thánh, Hà Nội) tìm hiểu để mua những cuốn sách liên quan đến lịch sử, biển đảo.
 
 
Nhóm học sinh trường THPT Phan Đình Phùng tìm mua sách tiếng Anh chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.
 
 
Phạm Thúy Quỳnh, sinh viên năm cuối đại học Sư phạm Mẫu giáo Trung Ương mua được 3 cuốn sách giảm giá với 20.000 – 25.000 đồng/quyển.
 
 
Những gian hàng sách chuyên về giáo dục trẻ nhỏ thu hút sự chú ý của nhiều bà mẹ đang nuôi con.
 
 
Năm nay, chủng loại sách rất phong phú, có cả sách kinh doanh, sách thiếu nhi, sách Tiếng Anh…
 
 
 
Một số gian hàng chưa kịp trưng bày do phải cất sách vào tủ vì xuất hiện một cơn mưa rào lúc sáng sớm.
 
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông là đơn vị triển khai xây dựng kế hoạch và tổ chức Ngày sách Việt Nam thường niên.
 
Năm nay, có 87 đơn vị xuất bản, phát hành sách trên cả nước (gồm 30 nhà xuất bản và 57 đơn vị phát hành sách) tham gia các hoạt động trong hội sách.
 
Việc tổ chức Ngày sách Việt Nam lần thứ 3 nhằm tiếp tục khẳng định, tôn vinh những giá trị của sách, khẳng định giá trị, ý nghĩa văn hóa, sự cần thiết của Ngày sách Việt Nam trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Qua đó, sự kiện cũng khẳng định vị thế, vai trò của hoạt động xuất bản trong đời sống xã hội, tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ và quảng bá sách.
 
Lê Hiếu – Quang Đức
 

Ngày Sách Việt Nam khai mạc trên toàn quốc

 Sáng 20/4, tại Công viên Thống Nhất, Ngày sách Việt Nam lần thứ ba khai mạc, mở đầu cho hàng loạt hoạt động sôi nổi, phong phú trên cả nước nhằm phát huy văn hóa đọc.
 
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. 2016 là năm thứ ba Ngày Sách Việt Nam được tổ chức. Chương trình mở rộng tới mọi vùng miền đất nước, với nhiều sự kiện ý nghĩa.
 
Phát biểu tại lễ khai mạc Ngày Sách Việt Nam lần thứ ba tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết từ lâu, Bộ đã nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc. Từ đó, Bộ xây dựng kế hoạch và thực hiện Ngày Sách Việt Nam hằng năm. Một số hoạt động trọng điểm được thực hiện như: Chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tổ chức “Tháng phát hành sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam”, “Tuần lễ phát hành chào mừng Ngày Sách Việt Nam” có nhiều chương trình khuyến mãi, tri ân bạn đọc.
 
 
Ông Nguyễn Thành Hưng – Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông – dự khai mạc Ngày Sách VN lần 3 tại Hà Nội.
Ảnh: Lê Hiếu
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đề nghị các bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý của mình, cùng với Bộ Thông tin Truyền thông đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nữa Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam. Ông đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị, văn hóa của địa phương để chủ động triển khai tổ chức tại địa bàn cơ sở.
 
Ngày Sách Việt Nam lần thứ ba có sự lan tỏa sâu rộng. Tại Hà Nội, nhiều hoạt động được triển khai. Nổi bật nhất là Hội sách tại công viên Thống Nhất từ ngày 20 tới 24/4. Thư viện Quốc gia cũng tổ chức chuỗi hoạt động như xem kịch đoán sách, tọa đàm về sách… Lễ trao giải thưởng Sách Việt Nam diễn ra đúng ngày 21/4 nhằm tôn vinh những tác phẩm hay, đẹp của ngành Xuất Bản…
 
Ở TP HCM, hoạt động hưởng ứng Ngày sách diễn ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình (17 – 24/4), điểm nhấn là những buổi đấu giá sách quý, sách hiếm. 
 
Không chỉ có các thành phố lớn, tại các địa phương đã chủ động xây dựng và triển khai việc tổ chức Ngày Sách. Điển hình như Quảng Ninh thực hiện chương trình “Trưng bày sách nhân kỷ niệm Ngày hội thi ca Quảng Ninh lần thứ 9”. Đồng Tháp giới thiệu sách với chủ đề “Quê hương, đất nước, con người Đồng Tháp”. Tại Nam Định, chương trình Sách hoa nông thôn triển lãm sách theo chủ đề “Thành Nam văn hiến”, “Sách và người Nam Định”; Bắc Ninh thực hiện triển lãm sách theo chủ đề “Mảnh đất và con người Bắc Ninh – Kinh Bắc”…
 
 
Sáng 20/4, sau trận mưa lớn, nhiều bạn trẻ vẫn tới Công viên Thống Nhất tham dự Hội sách. Ảnh: Lê Hiếu
 
Ông Chu Văn Hòa – Cục trưởng Cục Xuất Bản – cho biết lần thứ ba diễn ra, Ngày Sách đã trở thành hoạt động của cả cộng đồng chứ không còn là sự kiện của riêng ngành xuất bản hay thông tin, truyền thông. Ông chia sẻ năm thứ nhất tổ chức Ngày Sách thời gian quá gấp rút nên các hoạt động không nhiều. Tới năm thứ hai, chương trình nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan, địa phương. Đến nay, hầu hết các tỉnh thành trên cả nước đều phản hồi, hưởng ứng các hoạt động Ngày Sách. Theo Cục trưởng Cục Xuất Bản, Ngày sách còn nhận sự quan tâm của nhiều cơ quan, bộ ngành khác như Bộ Giáo dục, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo là đơn vị hưởng ứng Ngày Sách mạnh mẽ. Bộ đã ra công văn hướng dẫn các Sở cấp dưới tổ chức nhiều hoạt động từ ngày 18/4 tới 23/4. Chương trình “Ngày hội đọc sách” theo từng chủ đề được tổ chức tại các trường học. Các trường huy động phụ huynh quyên góp sách xây dựng tủ sách đặt tại lớp học. Nhiều cuộc thi tìm hiểu về sách, thi kể chuyện, đóng kịch theo sách, thi hùng biện giới thiệu sách hay được tổ chức… Bộ Giáo dục cũng khuyến khích các đơn vị mở lớp giáo dục kỹ năng, phương pháp đọc, thu thập và xử lý thông tin cho học sinh, sinh viên; phổ biến kinh nghiệm đọc cho người dân tại trung tâm học tập cộng đồng.
 
Thu Hiền
Ảnh: Lê Hiếu
 

TP.HCM: Đơn vị nghiên cứu có thể tự đề xuất nhiệm vụ KHCN

Các cá nhân, đơn vị nghiên cứu khoa học có thể tự đề xuất nhiệm vụ KHCN để Sở KHCN TP.HCM lựa chọn, đánh giá và ưu tiên cấp kinh phí đầu tư.
 
Nhằm thu hút được những công trình nghiên cứu mới có hiệu quả, tính ứng dụng cao phục vụ chương trình xây dựng sản phẩm mục tiêu mang thương hiệu TP.HCM, Sở KHCN vừa có thông báo rộng rãi đến các cá nhân, đơn vị nghiên cứu, tổ chức hoạt động KHCN trong và ngoài TP về việc đề xuất nhiệm vụ KHCN năm 2016.
 
Theo đó, Sở KHCN mong muốn nhận được đề xuất những công trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo mới nhằm đổi mới, hoàn thiện công nghệ sản xuất và sản phẩm để đưa vào thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Những nhiệm vụ KHCN nào được đề xuất phù hợp với mục tiêu của chương trình sẽ được TP ưu tiên hỗ trợ để tổ chức thực hiện.
 
Với những nhiệm vụ KHCN đề xuất lên, tác giả/ nhóm tác giả phải chứng minh được tính cấp thiết của đề tài mà mình sắp thực hiện, các nội dung chính, kết quả dự kiến, thời gian thực hiện đề tài cũng như nơi bàn giao sản phẩm sau khi nghiên cứu thành công…
 
 
 
Những đề xuất có tính ứng dụng cao sẽ được Sở KHCN TP.HCM ưu tiên cấp kinh phí thực hiện
 
Bên cạnh đó, nhiệm vụ đề xuất lên cũng cần có sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, ưu tiên sự liên kết thực hiện giữa trường, viện, tổ chức KHCN và nhóm doanh nghiệp; Có sự cam kết cùng đầu tư của doanh nghiệp về tài chính, trang thiết bị, nhân sự, nhà xưởng… để thực hiện nghiên cứu; Sản phẩm phải có thị trường và có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội cao…
 
Sở KHCN cho biết, thời hạn để nhận đề xuất nhiệm vụ KHCN là từ nay đến hết ngày 15/6/2016.
 
Các cá nhân, tổ chức có nhiệm vụ KHCN muốn đề xuất, có thể nộp tại Sở KHCN TP.HCM (số 244 Điện Biên Phủ, Phường 7, Quận 3).
 
Thông tin chi tiết có thể liên hệ:
 
Ông Phạm Văn Xu, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, điện thoại: 08.39.325.809.
 
Email:pvxu.skhcn@skhcn.gov.vn.
 
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Trưởng Phòng Quản lý Khoa học, điện thoại: 08.39.325.883.
 
Email: ntthang.skhcn@skhcn.gov.vn
 
Theo Khám phá
 

Khởi động giải thưởng dành cho Kỹ sư và Nhà khoa học trẻ Việt Nam

Giải thưởng Honda Y-E-S là giải thưởng thường niên dành cho tài năng trẻ trong lĩnh vực công nghệ sinh thái, nhà lãnh đạo tương lại trong lĩnh vực công nghệ và khoa học kỹ thuật tại các nước đang phát triển ở châu Á, gồm Việt Nam, Ấn Độ, Lào, Campuchia và Myanmar.
 
Việt Nam là quốc gia đầu tiên triển khai giải thưởng này từ năm 2006 dưới sự phối hợp tổ chức của Quỹ Honda Foundation (HOF), Công ty Honda Việt Nam (HVN), và Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ (NISTPASS) – Bộ Khoa học Công nghệ. Trong năm thứ 11 này, giải thưởng Honda Y-E-S tại Việt Nam được chính thức khởi động vào ngày 20 tháng 04 năm 2016 và mở rộng phạm vi triển khai thêm 02 trường so với năm trước là Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh và Đại học Khoa học – Đại học Huế, nâng tổng số trường Đại học liên kết lên con số 10.
 
 
Giải thưởng đã ghi dấu chặng đường 10 năm tại Việt Nam
Sau 10 năm liên tiếp tổ chức, Giải thưởng Honda Y-E-S đã khẳng định được giá trị và uy tín, là một trong những giải thưởng hàng đầu về sáng tạo khoa học công nghệ, minh chứng cho những công trình nghiên cứu và những đóng góp của các bạn trẻ cho nền khoa học tại Việt Nam. Qua 10 năm, Giải thưởng Honda Y-E-S đã ghi nhận những kết quả đáng tự hào với tổng số 823 hồ sơ ứng tuyển cùng 100 gương mặt xuất sắc được vinh danh tại Lễ Trao giải hàng năm và 18 bạn sinh viên nhận được Phần thưởng Y-E-S Plus để theo học thạc sĩ hoặc thực tập tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, nhiều bạn sinh viên sau khi nhận Giải thưởng Honda Y-E-S đã có cơ hội nhận tiếp học bổng để theo học sau đại học hoặc công tác tại các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Canada, Úc, Singapore, Pháp… Giải thưởng Honda Y-E-S không chỉ mang đến những hỗ trợ vật chất mà còn tiếp thêm sức mạnh tinh thần to lớn cho những sinh viên đoạt giải tiếp tục chặng đường học tập, nghiên cứu của mình cũng như đóng góp cho sự phát triển nền khoa học nước nhà.
 
 
Mười gương mặt xuất sắc của Giải thưởng Honda Y-E-S 2015
 
Năm 2015 đánh dấu chặng đường 10 năm thành công của Giải thưởng. Trong buổi lễ Kỷ niệm dấu mốc đặc biệt này, Ban tổ chức cũng như khán giả đã có cơ hội gặp mặt và lắng nghe những chia sẻ sâu sắc của các chuyên gia từng là cố vấn trong hội đồng tuyển chọn cũng như kinh nghiệm và thành công của thí sinh Honda Y-E-S các mùa trước. Qua đó càng thấy được giá trị cũng như đóng góp mà Giải thưởng mang lại cho nền khoa học trẻ nước nhà.
 
 
Giải thưởng Honda Y-E-S 2016 gồm 2 giai đoạn: Giải thưởng Honda Y-E-S và Phần thưởng Y-E-S Plus:
 
Giải thưởng Honda Y-E-S: Mỗi giải thưởng bao gồm 3.000 Đô-la Mỹ (USD) và 01 xe máy do Honda Việt Nam sản xuất sẽ được trao tặng cho 10 sinh viên xuất sắc nhất được lựa chọn thông qua các quy trình tuyển chọn bao gồm: Đánh giá hồ sơ, Viết luận và Phỏng vấn.
 
Phần thưởng Y-E-S Plus: Đây là giai đoạn hai của Giải thưởng Honda Y-E-S. Trong vòng 3 năm kể từ khi nhận được Giải thưởng Honda Y-E-S, mỗi sinh viên đều có cơ hội nhận Phần thưởng Y-E-S Plus trị giá 10.000 USD nếu tham gia khóa học Thạc sỹ hoặc Tiến sỹ ở các trường đại học liên kết tại Nhật Bản với thời gian lớn hơn 1 năm hoặc 7.000 USD nếu tham gia thực tập tại các trường đại học, các viện hoặc phòng thí nghiệm tại Nhật Bản với thời gian tối thiểu 10 tuần và tối đa 1 năm.
 
Bạn Châu Đỗ Ngọc Quyên, cựu sinh viên trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đạt Giải thưởng Honda Y-E-S năm 2011, chia sẻ: “Nhận được Giải thưởng Y-E-S giúp tôi tự tin hơn khi nộp các Học bổng, Giải thưởng khác vì đây là Giải thưởng danh giá và uy tín hàng đầu dành cho các sinh viên – những kỹ sư, nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Giải thưởng Honda Y-E-S là mơ ước và là mục tiêu phấn đấu của tôi từ những ngày còn là sinh viên. Được nhận Giải thưởng Y-E-S là niềm vinh dự của bản thân, đồng thời là động lực để tôi tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học. Giải thưởng không chỉ tiếp thêm động lực về tinh thần mà còn cả hỗ trợ thực tế trong việc nâng cao ngoại ngữ, đề tài công tác nghiên cứu những ngày vừa ra trường”. Hiện tại Quyên đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Strasbourg, Pháp và sắp tới bạn sẽ nhận được Phần thưởng Y-E-S Plus cho chuyến thực tập 2,5 tháng tại trường Đại học Okayama, Tokyo, Nhật Bản.
 
 
Châu Ngọc Đỗ Quyên
 
Giải thưởng Honda Y-E-S năm thứ 11 sẽ tiếp nhận hồ sơ ứng tuyển từ hôm nay đến hết ngày 15 tháng 07 năm 2016. Các sinh viên tại các trường Đại học liên kết có thành tích cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, ngoại khóa đều có thể nộp hồ sơ tham gia Giải thưởng.(*)
 
Công ty Honda Việt Nam hy vọng Giải thưởng Honda Y-E-S sẽ tiếp tục đồng hành, tôn vinh những sinh viên xuất sắc và chắp cánh ước mơ vươn tới đỉnh cao công nghệ của những tài năng trẻ trong lĩnh vực khoa học công nghệ nói chung và công nghệ sinh thái nói riêng.
 
Theo Khám phá

100 gian hàng sách giới thiệu, phục vụ bạn đọc Đà Nẵng

Ngày 19-4, UBND quận Hải Châu, Đà Nẵng cho biết, trong khuôn khổ Hội sách Hải Châu – Đà Nẵng năm 2016 tổ chức tại công viên phía tây cầu Rồng do quận và Công ty CP Văn hóa Phương Nam (PNC) phối hợp tổ chức.
 
Hội chợ có gần 100 gian hàng mở cửa trưng bày, giới thiệu, phục vụ khách tham quan, mua sách… từ ngày 20 đến 24-4 của các đơn vị như: Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật thành phố, Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng, Nhà Xuất bản Đà Nẵng, Nhà Xuất bản Thông tin & Truyền thông, Chi nhánh Công ty CP Phát hành sách TP Hồ Chí Minh – FAHASHA tại Đà Nẵng…
 
 
Mặc dù chưa khai mạc nhưng đã có nhiều khách đến xem, chọn lựa và mua sách tại các gian hàng.
 
Điểm nhấn của Hội sách Hải Châu 2016 là các chương trình giao lưu, trò chuyện, ký tặng sách của các nhà văn, nhà báo tên tuổi như: Đoàn Thạch Biền, Lê Minh Quốc, Nguyễn Đông Thức; các nhà văn trẻ đã thành danh như: Hamlet Trương, Iris Cao, Tuệ Nghi, Phạm Ý Yên, Anh Khang; nhóm nhạc 365 và các nhạc sĩ: Thanh Anh, Minh Đức, Nguyễn Duy Khoái, Đinh Gia Hòa… 
 
Viết Nam
 

Khám phá mỗi cuốn sách như một bộ não

TTO – Từ ý tưởng người ta hoàn toàn có thể phân tích văn chương theo phương pháp siêu văn bản, nhóm tác giả Noah Eisen và Robert Rose hợp tác xây dựng trang web có tên Hypertext Library (Thư viện siêu văn bản) dành cho người mê sách.
 
 
 
Trong chương 1 cuốn Kiêu hãnh và định kiến của Jane Austen, chúng tôi thử bấm vào chữ “families” ở dòng thứ 5, ngay lập tức ở bên phải hiện ra các ngữ cảnh khác cũng xuất hiện từ này như ở dòng 8 chương 1, dòng 1576 chương 9, dòng 2316 chương 13, dòng 5890 chương 29… – Ảnh: D. KIM THOA chụp lại từ màn hình
Theo đó, nhóm tác giả trang web hypertextlibrary.com nhận thấy, bất cứ một từ hay cụm từ nào đó đều có thể xuất hiện nhiều lần trong một cuốn sách. Họ cũng cũng tin có một ý nghĩa nào đó tiềm ẩn trong mối liên hệ giữa những lần lặp lại này.
 
Do vậy, khi truy cập vào trang hypertextlibrary.com, người ta không chỉ được thưởng thức các tác phẩm văn chương kinh điển như Kiêu hãnh và định kiến của Jane Austen, Những cuộc phiêu lưu của Sherlock Holmes của Arthur Conan Doyle, Người Dublin của James Joyce, Hóa thân của Franz Kafka… mà còn có cơ hội khám phá sâu tới từng chữ trong tác phẩm.
 
Mỗi chữ trong tác phẩm này đều có đường link liên kết với những chữ đó được lặp lại ở đoạn khác, phần khác và chương khác trong tác phẩm.
 
Cách làm trên khiến mỗi cuốn sách trở nên giống như một bộ não, giữa từ với từ có kết nối với nhau như những kết nối trong hệ thần kinh, làm mạnh thêm ý nghĩa ẩn sâu phía sau câu chữ.
 
Do đó, trong lúc thưởng thức, hãy nhớ mỗi chữ là một đường link, hãy nhấp chuột vào đó và bạn sẽ thấy nó dẫn mình đi đâu.
 
D. KIM THOA