‘Tôi yêu sách 2016’ đặt tình huống đốt sách để cứu bé gái

 Tình huống giả tưởng "hậu Thế chiến thứ 3" được có thể được đưa ra để thử thách các thí sinh trong một cuộc thi dành cho những người yêu sách.
 
"Giả sử vừa kết thúc Thế chiến thứ III. Bạn đang ở một thư viện, nơi có một bé gái đang cóng lạnh. Bạn có đốt sách để cứu sống bé gái?" – đó là một trong những tình huống có thể được đặt ra để thí sinh xử lý trong cuộc thi có tên Tôi đọc sách.
 
Đây là cuộc thi thường niên được tổ chức bởi Câu lạc bộ Yêu sách Thái Hà nhằm hưởng ứng ngày sách Việt Nam 21/4. Đối tượng dự thi là các bạn trẻ yêu và đam mê đọc sách trên khắp cả nước. 
 
 
Cuộc thi năm nay với chủ đề Cuốn sách tử tế gồm 3 vòng thi. Ở vòng Tôi thể hiện, các thí sinh gửi thông tin cá nhân và một bài cảm nhận hoặc tóm tắt về một cuốn sách. Tới Tôi ứng dụng, mỗi thí sinh sẽ thuyết trình về tình huống, giám khảo sẽ đặt câu hỏi cho thí sinh và chọn ra 5 người xuất sắc nhất vào vòng cuối cùng có tên Tôi chia sẻ. Đây là vòng khó khăn và thú vị nhất, cũng là vòng chọn ra gương mặt quán quân của cuộc thi. 
 
Chia sẻ với Zing.vn về tình huống giả định có thể được đặt ra trong vòng 2 – Tôi hành động, chị Hoàng Hằng – Phó Trưởng ban tổ chức cho biết: "Tôi là người chọn tình huống này vì thấy rất hay nếu đặt ra cho các thí sinh. Khi con người bị dồn vào tình thế bắt buộc phải quyết định: một bên là giá trị nhân văn, tình thương con người, còn một bên là giá trị về văn hóa, tri thức; một bên là sách còn một bên là hoàn cảnh thực tế thời điểm đó. Sự lựa chọn sẽ quyết định nhân cách con người, chắc chắn sẽ có những sự lựa chọn và kiến giải khác nhau từ mỗi thí sinh". 
 
 
Đinh Thị Tuyết Ngân là quán quân cuộc thi  Tôi đọc sách 2015.
 
Tôi đọc sách 2016 là cơ hội để các bạn trẻ yêu sách giao lưu, học hỏi và bật mí nhưng cách ứng dụng sách trong đời sống hàng ngày. Anh Lê Minh Hiếu – Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: "Cuộc thi sẽ góp phần bồi dưỡng hiểu biết của mọi người về những cuốn sách tử tế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kỳ vọng tạo ra một sân chơi bổ ích cho các bạn trẻ ham đọc sách và nâng cao phong trào đọc sách trong giới trẻ hiện nay". 
 
Lễ trao giải Tôi đọc sách 2016: Cuốn sách tử tế sẽ diễn ra vào ngày 20/4 tại Công viên Thống Nhất – địa điểm tổ chức Ngày hội sách 2016.
 
Câu lạc bộ yêu sách Thái Hà được thành lập năm 2008 do Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng làm chủ tịch, người điều hành trực tiếp là Chủ nhiệm Lê Minh Hiếu. Câu lạc bộ đã tổ chức nhiều chương trình lớn như Tôi đọc sách 2014, Tôi đọc sách 2015,  Vườn yêu thương, Talkshow Giới trẻ Hà Nội… thu hút được sự quan tâm của đông đảo mọi người, nhất là học sinh, sinh viên.
 
Tôi đọc sách 2016: Cuốn sách tử tế với 3 vòng thi Tôi thể hiện, Tôi ứng dụng và Tôi chia sẻ. Vòng 1 đến ngày 14/4, vòng 2 diễn ra vào ngày 17/4. Vòng 3 dự kiến diễn ra vào ngày 19/4. 
 
Lê Quang Đức
 

Doanh nghiệp Việt đón đầu phát triển taxi điện

Trong khi nhiều chuyên gia cho rằng ôtô điện chưa “có cửa” để chiếm ưu thế tại Việt Nam ở tương lai gần, một hãng taxi bắt đầu thay thế xe chạy xăng bằng ôtô điện từ tháng 7 năm nay trong dự án chạy taxi bằng ôtô điện lớn nhất thế giới – theo hãng này.
 
Ôtô điện vốn là xu hướng đang lên, bỗng bùng thành cơn sốt toàn cầu khi hãng Tesla ra mắt xe Model 3. Là một nước đang xây dựng công nghiệp ôtô và chịu ảnh hưởng khá nặng nề của ô nhiễm, liệu Việt Nam có bắt nhịp, đón đầu xu hướng phát triển dòng xe của tương lai nay?
 
 
Mẫu xe Model 3 của Tesla vừa ra mắt.
 
Khó cả hạ tầng và công nghệ
 
 
Còn ông Hồ Mạnh Tuấn – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp – cho rằng, ở góc độ nhà sản xuất cần xem xét nhiều khía cạnh: Chất lượng, giá thành và ảnh hưởng đến môi trường. Nhiều loại ôtô điện chất lượng thấp đang được sử dụng ở Việt Nam thậm chí còn hại môi trường hơn cả việc thải khí của xe chạy xăng, bởi chỉ hơn một năm đã thải bỏ ắcquy – thứ rác độc không phân hủy. Còn nếu đảm bảo được vấn đề môi trường với công nghệ pin có lượng chì nhỏ, độ bền lớn thì giá thành của xe lại rất cao.
 
“Các nhà sản xuất ôtô đều rất đau đầu với bài toán môi trường và giá thành. Vì thế mà ngay cả ở các nước tiên tiến, ôtô điện vẫn chưa trở thành đại trà” – ông Tuấn nói. Doanh nhân này cũng nhấn mạnh việc chưa có hệ thống trạm sạc điện đồng bộ là yếu tố quan trọng cản trở việc phổ biến ôtô điện ở Việt Nam trong tương lai gần, còn các vấn đề kỹ thuật khác như chuyển dây chuyền sản xuất từ động cơ xăng sang điện hay thay đổi thiết kế phần thân xe đều không khó.
 
 
Biểu đồ gia tăng số ô tô điện trên thế giới. Nguồn: Cleantechnica
 
Sự đón nhận của người tiêu dùng cũng là lo ngại của các chuyên gia trong việc phát triển ôtô điện ở Việt Nam. Ông Hồ Mạnh Tuấn cho rằng, ôtô điện hiện chưa chạy được xa, hạ tầng nạp điện lại chưa có, việc bảo dưỡng, thay thế phụ tùng cũng chưa thuận tiện nên người tiêu dùng sẽ không thích. Theo ông Nguyễn Văn Thụ, với người Việt Nam, ôtô được xem là tài sản hơn là phương tiện đi lại. Người ta có xu hướng chọn mua xe “an toàn” về mặt giá trị tài sản mà xe điện lại chưa trở thành trào lưu.
 
Còn kỹ sư Lê Văn Tạch – người từng nổi tiếng vì công khai các lỗi của xe Toyota khi còn làm việc cho hãng này – cho rằng nhu cầu ôtô điện ở Việt Nam chắc chắn sẽ tăng cao nếu giải quyết được hai hạn chế là thời gian sạc pin lâu và chưa có trạm sạc. “Xét điều kiện thực tế ở Việt Nam, tôi cho rằng chưa thể giải quyết hai vấn đề này trong thời gian ngắn” – ông Tạch nhận định.
 
Nhiều xe điện ở Việt Nam không đủ tiêu chuẩn đăng kiểm
 
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, tại 10 địa phương có nhiều ôtô điện, số xe đang lưu hành lên tới gần 2.000 chiếc, trong đó riêng Cửa Lò (Nghệ An) có gần 500 xe, Sầm Sơn (Thanh Hóa) hơn 430 xe. Thế nhưng, theo Cục Đăng kiểm, hiện mới có 203 xe có chứng nhận đăng kiểm.
 
Ông Nguyễn Văn Phương – Phó Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới – Cục Đăng kiểm Việt Nam – cho rằng, người dân đang hiểu sai về ôtô điện. Ôtô điện đúng nghĩa là ôtô chỉ sử dụng động cơ điện (như Nissan Leaf) hoặc cả động cơ điện và động cơ xăng/diesel (như Toyota Prius), có kết cấu, tính năng, hệ số an toàn đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của ôtô thông thường. Còn xe điện chở người ở sân golf, khu du lịch… chỉ là “xe điện 4 bánh chở người”, tốc độ thấp, không đáp ứng được yêu cầu an toàn kỹ thuật đối với ôtô nên không được phép tham gia giao thông như ôtô.
 
Gần đây, trên Internet xuất hiện hàng loạt tin rao bán loại ôtô điện kiểu dáng hiện đại nhưng kích thước nhỏ, giá chỉ vài chục triệu đồng khiến rất nhiều người hào hứng. Một số xe đã về Việt Nam nhưng không đăng ký lưu hành. Tuy nhiên, cơ quan chức năng khẳng định, loại xe này không được đăng kiểm và nếu lưu hành sẽ bị xử phạt.
 
Hiện tại, việc nhập khẩu ôtô điện làm taxi không thuộc diện được miễn, giảm phí và lệ phí khác, vẫn phải nộp phí trước bạ khi đăng ký và gắn biển số.
 
Việt Nam đi đầu khu vực về taxi điện
 
Ngày 8/4, trước sự chứng kiến của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, hãng xe Renault S.A.A và Tập đoàn Mai Linh đã ký thỏa thuận mua bán 100 ôtô điện Renault ZOE và Fluence Z.E đầu tin.
 
“Việt Nam là nước đi đầu Đông Nam Á trong việc sử dụng ôtô điện chạy taxi thay cho ôtô chạy xăng. Dự kiến việc thay thế này sẽ bắt đầu từ tháng 7 tới ở Hà Nội” – ông Hồ Huy – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh nói và cho biết, với 10.000-20.000 ôtô điện mà tập đoàn sẽ nhập vòng 5 năm tới để thay thế cho 14.000 đầu xe xăng hiện tại, bắt đầu từ Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, đây là dự án chạy taxi bằng ôtô điện lớn nhất thế giới hiện nay.
 
Theo ông Huy, giá cước taxi điện sẽ rẻ hơn xe chạy xăng ít nhất 10% do tiết kiệm được đáng kể về chi phí: Tiền bảo dưỡng định kỳ giảm khoảng 70%, tiền nhiên liệu và phí sửa chữa đều giảm 60-70%. Mức giá 29.000USD cho mỗi chiếc xe điện Renault cũng được cho là không đắt.
 
Về vấn đề xây dựng hạ tầng sạc điện, Chủ tịch Mai Linh tiết lộ, vào tháng 6 tới ông sẽ cùng với đại diện các bộ, sở, ban, ngành liên quan đến vấn đề chính sách sang Paris tham quan mô hình trạm sạc có khả năng phục vụ 200-300 xe liên tục ở thành phố này, sau đó lên kế hoạch áp dụng ở Việt Nam. Loại xe Fluence Z.E mà tập đoàn nhập có thể chạy 250-300km mỗi lần nạp điện. Ông Huy cho biết không loại trừ khả năng mua Tesla Model 3 bởi ở góc độ nhà kinh doanh, “xe nào tốt, giá rẻ là nhập”.
 
Còn với những người quan tâm đến môi trường, việc thay taxi xăng bằng xe điện là một cánh cửa mở ra viễn cảnh biến Hà Nội thành một thành phố không còn xe ô nhiễm môi trường, bắt đầu từ taxi đến xe buýt, xe tải, xe chở bêtông, xe chở rác… như ông Huy hình dung.
 
Nhóm PV
 

Áo chống đạn xuyên giáp bằng bọt kim loại

Một giáo sư người Mỹ đã tổng hợp thành công một loại bọt kim lại cho phép chế tạo áo giáp chống đạn chỉ có độ dày khoảng 2,5 cm.
 
 
 
Bọt kim loại bền và đủ sức chống lại những viên đạn xuyên giáp. Chúng cũng rất nhẹ, cách nhiệt và chống cháy, đồng thời chống lại rất nhiều tia bức xạ.Ảnh: Đại học bangNorth Carolina
 
Áo giáp đã xuất hiện trong xã hội loài người từ hàng nghìn năm trước, dưới dạng một loại áo được ghép từ các vật liệu cứng như gỗ và kim loại. Kể từ khi thuốc súng được phát minh, đạn có thể xuyên qua gỗ và kim loại khiến sự phát triển của áo giáp thay đổi đáng kể.
Năm 1965, vật liệu dạng sợi tổng hợp Kevlar được phát minh đã đưa công nghệ chế tạo áo giáp lên một tầm cao mới. Sợi Kevlar có cấu trúc mạch dài và định hướng cao, bền gấp 5 lần thép nhưng lại rất dẻo dai. Một lần nữa công nghệ chế tạo áo giáp lại gặp thách thức khi đạn xuyên giáp Kelvar được phát triển sau đó không lâu.
 
Kết quả nghiên cứu mới được công bố của giáo sư Afsaneh Rabiei tại Khoa kỹ thuật hàng không vũ trụ, Đại học bang North Carolina, Mỹ, đã tạo ra một bước nhảy vọt về công nghệ áo giáp.
 
Theo Business Insider, giáo sư Rabiei đã tổng hợp thành công một loại bọt kim loại chế tạo lớp áo giáp có khả năng chặn đạn xuyên giáp.
 
Loại áo giáp làm bằng bọt kim loại này có thể hấp thụ toàn bộ lực tác động của viên đạn, chỉ để lại một vết lõm khoảng 8 mm trên bề mặt. Áo giáp có độ dày khoảng 2,5 cm, mặt trước được làm bằng gốm boron carbide, bột kim loại được đặt ở giữa để hấp thụ năng lượng của viên đạn, mặt sau là một lớp nhôm 7075 hoặc sợi Kevlar bảo vệ.
 
Nhóm nghiên cứu cả Rabiei đã tiến hành thử nghiệm sức chịu đựng của loại bọt kim loại với đạn tiêu chuẩn NATO 7,62 × 51 mm. Bà cũng tiến hành thử nghiệm với đạn 7,62 ×63 mm, loại đạn uy lực lớn ít được sử dụng trong chiến đấu ngày nay. Vật liệu composit bọt kim loại đã thỏa mãn các tiêu chuẩn của Sở Tư pháp Mỹ dành cho áo giáp loại IV, loại áo bảo vệ chống đạn xuyên giáp.
 
Theo Vnexpress
 

Con người có khả năng mọc lại tay, chân

Các nhà khoa học Mỹ vừa công bố đã tìm ra gene có tên Leptin b giúp loài cá ngựa vằn tái sinh các bộ phận cơ thể. Mục tiêu của nghiên cứu sắp tới là tìm ra cơ chế giúp con người có khả năng mọc lại các cơ quan bị hỏng hóc.
 
 
Trong tương lai, những người như thương binh Mỹ Brendan M. Marrocco có thể không cần ghép tay mà tay sẽ tự mọc lại. Ảnh: AP
Các nhà khoa học thuộc Đại học Duke (Mỹ) vừa công bố một nghiên cứu có tên “Sửa chữa mô bằng các yếu tố tái sinh tăng cường” trên tạp chí Nature vào ngày 6/4. Họ phát hiện các gene kích hoạt tái sinh ở loài cá ngựa vằn cũng tồn tại trong bản đồ gene của động vật có vú.
 
Tiến sỹ Kenneth D. Poss – thành viên nhóm nghiên cứu, Giáo sư sinh học tế bào tại Đại học Duke – cho hay: “Chúng tôi muốn biết cơ chế của quá trình tái sinh. Mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu này là giúp con người có khả năng tái tạo các bộ phận cơ thể”.
 
Thay vì nghiên cứu các tế bào, mô tái tạo thực tế, nhóm nghiên cứu tập trung vào khám phá “các yếu tố nâng cao khả năng tái tạo mô”, sơ đồ gene, những gene đặc biệt hoạt động như một côngtắc, báo hiệu khi một mô cần sửa, đang được sửa chữa và đã được sửa chữaxong.
 
Tiến sỹ Junsu Kang – tác giả chính của nghiên cứu – cho biết, khi cá ngựa vằn có vây hoặc tim bị hỏng, một gene có tên là Leptin b sẽ được “bật” lên. Điều này hoàn toàn khác so với những con khỏe mạnh. Ông Kang nhận thấy đây là gene có khả năng giúp loài cá ngựa vằn tái tạo bộ phận cơ thể bị hỏng.
 
Tập trung nghiên cứu vào vấn đề này, tiến sỹ Kang cẩn thận kiểm tra 150.000 cặp cơ sở (base pairs) trên gene Leptin b và xác định được một sơ đồ khoảng 7.000 cặp cơ sở liên quan đến khả năng tái sinh các bộ phận cơ thể.
 
Các yếu tố tăng cường khả năng tái tạo được chia thành hai phần: Phần một tập trung vào nhiệm vụ sửa chữa vây cụt hoặc bị hư hỏng và phần khác tập trung sửa chữa trái tim.
 
Mở rộng nghiên cứu, tiến sỹ Brian L. Black – Viện Nghiên cứu tim mạch tại Đại học California (Mỹ) – đã mượn gene từ cá ngựa vằn để tạo ra những con chuột biến đổi gene. Ông tìm thấy những gene kích hoạt tái sinh trong những phần chân hoặc trái tim bị thương của chúng.
 
“Nghiên cứu của chúng tôi là tìm cách đánh thức các gene chịu trách nhiệm cho sự tái sinh trong cơ thể chúng ta” – tiến sỹ Poss nói.
 
Các nhà khoa học tin tưởng, với những nghiên cứu sâu hơn về động vật có vú, chúng ta có thể tìm ra phương thức giúp tái sinh các bộ phận cơ thể.
 
 
Thanh Thủy (Theo Duke)
 

Cơ hội tiếp cận công nghệ phổ biến trong tương lai cho trẻ tại sự kiện STEM-X

Sự kiện STEM X – một trong chuỗi các hoạt động tiền khai trương của Học viện STEM sẽ chính thức diễn ra vào chủ nhật ngày 24/4/2016 tại Tầng 3, Dolphin Plaza, số 28 Trần Bình, Hà Nội, mang đến cơ hội tiếp cận công nghệ phổ biến trong tương lai cho trẻ.
 
Đây là lần đầu tiên Học viện STEM tổ chức một hoạt động ngoại khóa dành riêng cho các bạn học sinh tại Hà Nội. Chương trình hứa hẹn sẽ mang đến cho các bạn học sinh cơ hội tiếp cận giáo dục STEM hiện đại trên thế giới trong một ngày duy nhất.
 
Thông qua sự kiện, các bạn nhỏ sẽ có thêm những kiến thức về những công nghệ phổ biến trong tương lai như robot giao thông thông minh, nhà thông minh, thiết kế hệ thống đèn chiếu sáng thông minh, khám phá vũ trụ thông qua công nghệ thực tế ảo, điều khiển vật thể bằng sóng não,…
 
 
Chủ đề của STEM X là “Hành tinh thông minh– Intelligent+ Planet”, theo đó các bạn nhỏ sẽ được tham gia tối đa 3 hoạt động tùy theo lứa tuổi. STEM X dự kiến tiếp đón 300 học sinh mỗi buổi với các cấp độ khác nhau từ lớp 1 đến lớp 12, trong đó: hoạt động STEM Play dành cho các bạn từ 6 đến 10 tuổi, STEM Make dành cho các bạn từ 10 – 14 tuổi, STEM Coachdành cho các bạn từ 14 – 18 tuổi
 
Với nhiều kiến thức đa dạng, hiện đại, cập nhật xu hướng công nghệ, các bạn nhỏ sẽ trải nghiệm một buổi không những được “sống” trong một thế giới tự động hóa mà còn được học cách điều khiển bằng ý nghĩ, chỉ đạo các thiết bị làm theo yêu cầu của mình.
 
Các hoạt động chính của STEM X bao gồm: STEM show hấp dẫn, thú vị với 2 show chính là STEM show Robot chở hàng thông minh và STEM show Thiết kế hành tinh thông minh. Ngoài ra, các bạn nhỏ được trải nghiệm công nghệ tự động hóa – công nghệ Robot đỉnh cao, nơi Robot sẽ thay con người làm những công việc theo yêu cầu với Robot giao thông thông minh. Cuối cùng, các em có cơ hội tham gia trải nghiệm thiết bị đo sóng não Emotiv lần đầu tiên có tại Việt Nam: giúp các em nhỏ tận mắt chứng kiến não của mình đang hoạt động ra sao và dùng suy nghĩ để điều khiển chuyển động của vật thể; trải nghiệm công nghệ thực tế ảo du hành trên vũ trụ rộng lớn, tới thăm các vì sao ngoài trái đất; trải nghiệm hình thức thể thao thông minh.
 
Ngoài ra, tại sự kiện, các bạn nhỏ có thể thỏa sức thể hiện trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo của mình tại hoạt động: lập trình game và phim hoạt hình theo chủ đề Nhà thông minh (Thế nào là một ngôi nhà thông minh? Bạn sẽ thiết kế căn nhà của bạn thông minh như thế nào?); thiết kế đèn chiếu sáng thông minh; sử dụng toán học ứng dụng để trồng cây trên một hành tinh thông minh.
 
Một số ứng dụng thực tế của STEM như giải thích các hiện tượng trong cuộc sống: về sự chồng lấn của màu sắc, hiện tượng chìm & nổi của vật thể trong hành tinh thông minh hay hướng dẫn làm các sản phẩm khám phá vũ trụ qua sách STEM cũng được đưa vào trong chương trình lần này.
 
Bạn có thể tham khảo thêm thông tin tại :
Hotline: 01682221945
 
Website: www.hocvienstem.com
 
Facebook: www.facebook.com/hocvienstem
 
 
PV

Sài Gòn bày sách Tam quốc diễn nghĩa bản in 109 năm trước

TTO – Quyển Tam quốc diễn nghĩa chữ quốc ngữ sớm nhất tại Việt Nam do Nguyễn Liên Phong dịch, ấn hành năm 1907 vừa được trưng bày đặc biệt tại nhà sách Cá Chép (223 Nguyễn Thị Minh Khai – Q1) từ ngày 9-4.
 
 
Quyển Tam Quốc diễn nghĩa do Nguyễn Liên Phong dịch, in năm 1907, tại triển lãm – Ảnh: L.Điền
Bên cạnh đó, triển lãm còn giới thiệu 60 bộ Tam quốc diễn nghĩa với số lượng lên đến khoảng 180 quyển, là một phần trong bộ sưu tập của nhà báo Yên Ba (báo Quân Đội Nhân Dân) từ Hà Nội mang vào.
 
Đây là ý tưởng của họa sĩ Trần Đại Thắng – giám đốc công ty Đông A – nhân dịp ra mắt ấn bản Tam quốc diễn nghĩa trọn bộ sáu tập (bản dịch của Phan Kế Bính, Bùi Kỷ hiệu đính, có bổ sung nhiều tranh phụ bản) và Tam quốc diễn nghĩa liên hoàn họa 60 tập.
 
Triển lãm các ấn bản Tam quốc diễn nghĩa lần này như một tái hiện hành trình xuất hiện các bản dịch bộ tiểu thuyết hấp dẫn của La Quán Trung tại Việt Nam.
 
Nói như giới nghiên cứu, cùng với hành trình phát triển chữ quốc ngữ, các bộ truyện Tàu được dịch và phố biến rộng rãi, trong đó bản dịch Tam quốc diễn nghĩa của Nguyễn Liên Phong năm 1907 là một trong những bộ sớm nhất.
 
 
Bản dịch Tam Quốc của Nguyễn Chánh Sắt in từ 1930 đã có bìa màu rất đẹp – Ảnh: L.Điền
 
Tại đây, bạn đọc còn bắt gặp bộ Tam Quốc diễn nghĩa bản dịch của Phan Kế Bính do Nguyễn Văn Vĩnh hiệu đính, in năm 1909; Tam quốc diễn nghĩa bản dịch của Nguyễn An Cư, do Tín Đức thư xã in lần 2 (1928) và lần 3 (1929); Tam quốc diễn nghĩa bản dịch của Nguyễn Chánh Sắt in năm 1930 bìa màu; Tam quốc, bản dịch của Nghiêm Xuân Lãm sáu cuốn in năm 1933; lại có cả bản Tam quốc chí diễn nghĩa do Nghiêm Toản và Louis Ricaud dịch sang tiếng Pháp; bản Tam quốc chí do Từ Mỹ và Viên Đình lược thuật, in tại Sài Gòn ngày 14-4-1975 được xem là bản Tam quốc cuối cùng tại miền Nam trước 1975.
 
Một số bản Tam quốc diễn nghĩa bằng tranh của các nước, các bản Tam quốc bằng nhiều thứ tiếng Anh, Đức, Hàn, Indonesia, Nhật, Pháp, Thái Lan, Campuchia… cũng được trưng bày lần này.
 
Một số ấn phẩm thuộc dạng phái sinh từ Tam quốc diễn nghĩa như Tuồng hát bội Huê Dung Đạo của Đoàn Quan Tấn soạn năm 1949, Gia Cát Khổng Minh diễn nghĩa, Phan Đình Long dịch, Xưa Nay in năm 1929 cũng là đối tượng sưu tập và triển lạm đợt này.
 
 
Nhà sưu tập Yên Ba đang giới thiệu triển lãm của mình với ông Phan Thành Nhơn – cũng là một nhà sưu tập Tam Quốc nổi tiếng ở TPHCM – Ảnh: L.Điền
 
Tại buổi khai mạc triển lãm, một tọa đàm nho nhỏ chủ đề Tam quốc diễn nghĩa – Chép chuyện trăm năm, lưu danh vạn thuở cũng được trình bày với diễn giả là hai nhà báo Yên Ba, Hà Quang Minh cùng biên tập viên Đinh Gia Trung của Đông A.
 
Có ý kiến cho rằng bản dịch của Tử Vi Lang cũng rất hay, đáng đọc, và phía công ty Đông A cho biết đơn vị này đang liên lạc về vấn đề tác quyền để có thể in lại bản dịch Tam quốc của dịch giả Tử Vi Lang trong thời gian tới.
Giới sưu tập có mặt cũng đặt lại các vấn đề về lịch sử xuất bản các bản dịch Tam quốc diễn nghĩa ở Việt Nam; những vấn đề tồn nghi chưa giải quyết được như bản dịch Tam quốc được xem là sớm nhất chính là bản công bố trên Nông Cổ Mín Đàm vào năm 1901, nhưng bản này do ai dịch đến nay vẫn chưa rõ, vì có người căn cứ vào chỗ ký tên thì cho rằng Canavaggio dịch, nhưng ông này là chủ nhiệm người Pháp, khó có thể dịch Tam quốc từ tiếng Trung ra chữ quốc ngữ thời bấy giờ.
 
Có người đoán định chính Lương Khắc Ninh đã dịch Tam quốc và in thành nhiều kỳ trên Nông Cổ Mín Đàm, nhưng sở cứ vẫn chưa rõ.
 
Về giá trị của Tam quốc, nhà báo Hà Quang Minh có một lưu ý rằng những bài học ứng dụng từ Tam quốc đến nay vẫn còn có thể vận dụng, đơn cử như cách xử lý khủng hoảng truyền thông thời hiện đại, hay cách đánh giá về một con người qua những thời đoạn khác nhau trong cuộc đời họ, thì Tam quốc từ lâu đã để lại những câu chuyện,  bài học đắt giá.
 
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 17-4.
 
LAM ĐIỀN
 

Sách mới cho thiếu nhi: Cổ tích Việt Nam bằng thơ

TT – Khi những câu chuyện cổ tích đã trở nên quen thuộc với một dạng văn bản quen thuộc, thì Cổ tích Việt Nam bằng thơ có thể nói là ấn phẩm thú vị khi tác giả mạnh dạn dùng thơ năm chữ để kể lại. 
 
 
Một trong những trang thơ kể chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh trong tập sách – Ảnh: H.T.P.
Nhà thơ – nhà giáo Thái Bá Tân từng thử nghiệm hình thức này trong hai cuốn sách ra hồi năm ngoái, đó là Cổ tích thế giới bằng thơ và Ngụ ngôn Ê-dốp bằng thơ.
 
Cuốn sách thứ ba này “kể” tám câu chuyện cổ tích quen thuộc với bạn đọc Việt Nam như: Truyện Chử Đồng Tử, Tấm Cám, Sự tích Trầu Cau, Thánh Gióng, Thạch Sanh… “Vua Hùng thứ mười tám/ Có con là Mỵ Nương/ Một công chúa xinh đẹp/ Thông minh và dễ thương”…
 
Cứ thế với lời thơ ngắn gọn, cô đọng cùng minh họa kỳ công và thuần Việt của họa sĩ trẻ Chu Linh Hoàng, cuốn sách dẫn dắt bạn đọc nhỏ tuổi vào thế giới cổ tích bằng một con đường khác với những lối mòn quen thuộc. Sách do NXB Kim Đồng ấn hành.
 
* Chuyện con mèo và con chuột bạn thân của nó
 
 
Sách do Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành – Ảnh: V.C.D.
 
Trong thời gian Max – cậu sinh viên ở chung – vắng nhà, con chuột chết nhát Mex cùng chú mèo mù Mix kịp ngăn ngừa kẻ trộm đột nhập. Đôi mắt Mex đã dẫn đường cho Mix làm một cú bay ngoạn mục từ mái nhà này sang mái nhà khác.
 
Còn Max, trong những ngày tháng bắt đầu cuộc sống tự lập, cứ thủ thỉ tâm tình cùng Mix… Và nhiều chi tiết dễ thương khác về một tình bạn giữa người – mèo – chuột được nhà văn Luis Sepúlveda kể lại đầy duyên dáng trong cuốn sách mỏng 78 trang Chuyện con mèo và con chuột bạn thân của nó.
 
Nếu từng “phải lòng” hai cuốn sách dành cho thiếu nhi khác của nhà văn Chile Luis Sepúlveda (Chuyện con mèo dạy hải âu bay và Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp), các bậc cha mẹ vẫn thường đọc truyện cho con nghe mỗi tối nên bổ sung cuốn sách này vào danh mục chuyện đọc cho con nuôi dưỡng tâm hồn. Sách do Hoàng Nhụy dịch, Thu Ngân minh họa.
 
HOÀNG THU PHỐ – VÕ CA DAO

Dạy trẻ thích đọc sách: chuyện khó… mà dễ

TTO – Rất nhiều người trong chúng ta dù biết việc đọc sách là bổ ích nhưng rất lười và mong thay đổi điều đó ở con trẻ. Vậy thì ngay từ bây giờ, hãy thử biến việc đọc trở thành niềm vui và cảm hứng cho cả bản thân và con trẻ. 
 
 
Chắc chắn chúng ta là người hâm mộ nhiệt thành nhất của con trẻ, và không cần chờ đợi nhà chuyên môn nào dạy cho mình cách để biến buổi đọc sách thành thời gian vui vẻ của cả gia đình – Ảnh tư liệu
Gần đây, trong một lần trò chuyện với nhóm phụ huynh ở trường mẫu giáo của con tôi, một chị kể tôi nghe chuyện đọc sách với con khi biết tôi là biên tập viên của một nhà xuất bản.
 
Chị thú thật là cả hai vợ chồng đều… không thích đọc sách mà lại thích nấu nướng, và bẽn lẽn nói thêm là chỉ thích đọc tạp chí. Tuy nhiên cả hai anh chị “nhất trí rất cao” về tầm quan trọng của việc đọc sách, nên quyết định hy sinh nhiều thời gian vốn trước đây dành cho sở thích riêng. Thế là cứ vào “giờ vàng” mỗi tối, kể cả thứ bảy và chủ nhật, bố hoặc mẹ sẽ cùng cậu con 5 tuổi vào “khu vực thiêng liêng” để đọc sách thiếu nhi.
 
Chị hào hứng hỏi tôi rằng sắp xếp mọi việc như thế có ổn không, và trước sự ngạc nhiên của mọi người, câu trả lời của tôi là “không”.
 
Khi cha mẹ và con cùng đọc
 
Ngày nay việc không thích đọc sách nhiều khi bị xem như điều húy kỵ. Nhưng thật ra, dù là trẻ em hay người lớn làm gì cũng cần có một động lực, nếu không thì rất dễ buông tay nhanh chóng. Vậy động lực của việc đọc sách là gì?
 
Đã có rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia và cả độc giả bình dân đưa ra lời đáp cho câu hỏi trên. Đọc sách để gia tăng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, mài sắc tư duy, hay khai phóng tư tưởng… Những lý do ấy đều đúng cả và không ai có thể phủ nhận một cuốn sách đàng hoàng sẽ không nhiều thì ít đều bổ ích. 
 
Thế nhưng xét trên khía cạnh tâm lý của con người, mục tiêu nào nằm “xa xa” cũng rất dễ khiến người ta vô tình bỏ quên hay thậm chí chủ động gạt nó sang một bên để dành nguồn lực cho những kết quả ở gần tầm mắt hơn. 
 
Do đó dù “mài sắc tư duy” là một trong những lợi ích đáng kể, nó và những lợi ích khác vẫn chưa đủ biến thành động lực cho việc đọc sách, và cao hơn nữa là biến đọc sách trở thành niềm yêu thích, thành một hoạt động gắn liền với cuộc sống của chúng ta.
 
Xã hội gần đây lên tiếng rất nhiều về “xây dựng văn hóa đọc”, nhưng tôi nghĩ thật ra đó chính là việc đọc đã được “thần tượng hóa”. Sao không kêu gọi xây dựng “niềm vui đọc sách”, “cảm hứng đọc sách”?
 
Những gì vui và gợi lên nhiều ý tưởng đẹp bao giờ cũng dễ trở thành động lực hơn, dễ chạm đến hơn nhiều. Và tư duy của chúng ta, kiến thức của chúng ta chính là những “sản phẩm phụ” mà chắc chắn chúng ta gặt hái được trên con đường nhiều cảm hứng đó.
 
Cách tiếp cận này phù hợp với bất cứ ai, và nếu mang ra áp dụng với thanh thiếu nhi thì hiệu quả còn cao hơn nữa. Chẳng phải nếu chúng ta giúp cả một thế hệ trẻ em xem đọc sách là một hoạt động mang lại hứng thú cho chúng, thì các thế hệ sau chẳng cần liên tục hô hào hãy cố gắng cứu lấy nền “văn hóa đọc” nữa sao?
 
Vậy nếu bạn đồng ý với tôi, ngay từ hôm nay hãy thử biến việc đọc trở thành niềm vui và cảm hứng cho bản thân và cho con trẻ. 
 
Những nhầm lẫn phổ biến
 
Xin được quay lại câu chuyện tôi đã kể ở đầu bài viết. Hai vợ chồng người bạn của tôi xứng đáng nhận được những kết quả tích cực trong nỗ lực đáng quý của họ, nhưng để nỗ lực đó thật sự hiệu quả và bền vững, họ cần khắc phục những nhầm lẫn nhỏ sau đây:
 
– Phải là “người trong nghề” hay người được đào tạo mới có thể đọc sách với trẻ em.
 
Thật ra không chuyên gia nào trên thế gian này hiểu và thương con mình hơn chính mình. Các chuyên gia có cười sung sướng khi con trẻ đọc “tầm bậy” một cách dễ thương không, có biết rõ đề tài nào sẽ khiến đôi mắt bé bừng sáng lên đầy hào hứng không?
 
Chắc chắn chúng ta là người hâm mộ nhiệt thành nhất của con trẻ, và không cần chờ đợi nhà chuyên môn nào dạy cho mình cách để biến buổi đọc sách thành thời gian vui vẻ của cả gia đình.
 
– Xem việc đọc cùng con như “sự hy sinh thầm lặng” mà trong đó cha hoặc mẹ phải hy sinh thời gian cá nhân, sở thích cá nhân.
 
Như tôi đã đề nghị ở phần trước, hãy khiến việc đọc thoải mái và mang lại cảm hứng, cho cả con trẻ và cha mẹ. Thái độ của người lớn trong buổi đọc sách cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ của đứa trẻ. Những gì chúng ta nói trực tiếp với trẻ hoặc nói với nhau trước mặt trẻ đều “được” hoặc “bị” chúng tiếp thu.
 
Nếu thái độ “hy sinh” hoặc “miễn cưỡng” tồn tại lâu dài thì sớm hay muộn, đứa trẻ sẽ phát hiện ra và hoang mang, nghi ngại, bởi cha mẹ nó có ưa việc đọc với nó đâu!
 
Thế nên thay cho thái độ “chán ghê, đọc sách buồn thấy mồ”, hãy chọn thái độ “tìm cái gì đọc cho đỡ chán xem nào”.
 
Nếu bạn thích đọc tạp chí, thì cứ đọc tạp chí, và tìm trong đó những gì có thể đọc chung với trẻ. Nếu bạn thấy những câu chuyện về vịt cồ hư hỏng hay thỏ trắng tốt bụng… trong sách thiếu nhi nhàm chán, hãy tìm đề tài khác mà bạn thích. 
 
– Cần tập trung dạy cho trẻ đọc trước, điều đó mới quan trọng. Đến khi biết đọc rồi thì chúng tự khắc sẽ tìm đọc những gì mình thích.
 
Theo tôi, điều ngược lại mới đúng. Chúng ta thường nói vui với nhau rằng “Hát hay không bằng hay hát”, và thật ra việc đọc cũng vậy.
 
 Việc dạy đọc sẽ kết thúc khi trẻ đã có được kỹ năng đọc, chỉ có điều chưa chắc nó sẽ thường xuyên sử dụng kỹ năng này về sau. Trong khi đó, xây dựng niềm vui đọc sách là một quá trình kéo dài suốt những năm tháng tuổi thơ và thậm chí lâu hơn, và chắc chắn kỹ năng đọc sẽ được hoàn thiện cùng lúc.
 
Một số gợi ý cho  “Chương trình vừa đọc vừa vui" 
 
Đây là một ví dụ thu nhỏ về một “chương trình vừa đọc vừa vui” mà tôi và một người bạn Mỹ đang áp dụng. Bạn cứ thoải mái thay đổi để phù hợp với gia đình mình.
 
– Nhân dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, dẫn bé đến thăm Đền Hùng Vương (nếu ở TP.HCM thì đền nằm ngay trong Thảo Cầm Viên), và cùng con đọc những câu chuyện lịch sử được khắc trong đền. Đó cũng là một cách tạo hứng thú khi đọc.
 
– Đọc cùng con những truyền thuyết về vua Hùng, như Sơn Tinh – Thủy Tinh hoặc Bánh Chưng – Bánh Dày. Nếu bạn thấy những câu chuyện này đã cũ, thử tìm sách về những vị vua và hoàng hậu khác mà chính bạn cũng có hứng thú tìm hiểu.
 
– Nhân Ngày Sách Việt Nam (21-4), cùng con đến nhà sách hoặc đường sách, để cho con tự mua một cuốn sách mà con thích và bạn thấy phù hợp. Bạn cũng mua cho mình một cuốn mà bé có thể đọc. Sau đó ở nhà, hai bố con hoặc hai mẹ con sẽ thay phiên đọc với nhau.
 
– Cùng con đọc một số trang trong cuốn tạp chí mà bạn thích. Trong một cuốn tạp chí của người lớn thường vẫn có những bài hoặc chuyên mục mà trẻ em có thể đọc cùng, chẳng hạn thời trang, ẩm thực…  
           
LAM TĨNH

Thiệt hại 740 triệu USD/năm vì đánh bắt cá ngừ bất hợp pháp

Kết quả nghiên cứu của một dự án được Liên minh châu Âu tài trợ cho thấy, khoảng 276.000-338.000 tấn cá ngừ ở Thái Bình Dương đã được đánh bắt trái phép hằng năm.
 
 
 
Cá ngừ được đánh bắt ở các tàu được cấp phép rồi chuyển sang những tàu khác để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Ảnh: Worldfishing
Tổng giá trị của số cá kể trên ở thị trường chợ đen là 616 triệu USD. Nếu được đánh bắt và tiêu thụ như bình thường, số tiền thu về có thể lên tới 740 triệu USD.
 
Thái Bình Dương cung cấp 60% sản lượng cá ngừ trên thế giới. Nghiên cứu này là một trong những nỗ lực đầu tiên nhằm đánh giá tác động của việc đánh bắt cá trái phép.
 
Ông James Movick – Tổng Giám đốc Cơ quan Kiểm soát việc đánh bắt cá ngừ lớn nhất thế giới (FFA) – một tổ chức được 17 quốc gia thành lập nhằm điều chỉnh việc đánh bắt cá ở Thái Bình Dương – cho biết: “Số tiền thiệt hại từ việc đánh bắt cá ngừ trái phép lên tới 616 triệu USD khiến tất cả phải sốc”.
 
Theo ông Movick, nghiên cứu này sẽ giúp các FFA có thêm cơ sở để đấu tranh nhằm giải quyết nạn đánh bắt cá bất hợp pháp thời gian qua.
 
Báo cáo cho thấy, phần lớn hành động đánh bắt cá bất hợp pháp thực hiện bởi các tàu thuyền được phép hoạt động tại Thái Bình Dương. Những tàu này không báo cáo về số lượng hải sản họ đánh bắt được rồi chuyển sang một tàu khác nhằm tránh việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng.
 
Các chiến lược thuộc Viện Chính sách Australia (ASPI) cho biết, sản lượng đánh bắt cá ngừ từ miền trung và tây Thái Bình Dương trị giá 5,8 tỷ USD trong năm 2014. Tuy nhiên, hiện nguồn tài nguyên này đang chịu áp lực lớn từ nhiều yếu tố như khai thác quá mức, tăng trưởng dân số và biến đổi khí hậu.
 
Lê Mai (Theo Phys)
 

Công nghệ tưới tiết kiệm – giải pháp căn cơ ứng phó hạn hán

Không ít những vùng cát trắng xóa, vùng đồi đã được bao phủ màu xanh tốt, nông dân có thu nhập khá dù nắng hạn nhờ áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
 
Cả vườn măng tây, lạc, cà chua rộng 2,5ha của gia đình ông Hùng Ky, người dân tộc Chăm, ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận nằm trên vùng cồn cát phủ một màu xanh dưới giàn phun mưa đẹp mắt.
 
Trong khi ở vùng đất cát nắng gió này, hầu hết người dân phải bỏ sản xuất thì ông Ky mỗi năm thu hoạch, trừ chi phí thu lãi 300-400 triệu đồng. Đây là thành quả có được khi gia đình ông chinh phục được vùng đất khô hạn này.
 
Ông Hùng Ky cho biết, trước đây gia đình ông là hộ nghèo của xã. Sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn, bởi đây là vùng khô hạn, thiếu nước tưới. Để có nước sản xuất, ông Ky cũng như nông dân nơi đây phải khoan giếng lấy nước ngầm tại chỗ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hạn hán liên tục kéo dài, nguồn nước ngầm càng trở nên khan hiếm và cạn kiệt.
 
Thời gian trước, người dân nơi đây khoan giếng ở độ sâu 6-7m là có nước và có thể bơm tưới liên tục nhiều giờ liền. Nhưng vài năm gần đây phải khoan sâu tới 15-20m mới có nước, nhưng nguồn trong giếng cũng rất ít ỏi.
 
Cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ dự án “Xây dựng mô hình tưới nước tiết kiệm cho dân nghèo Nam Trung bộ tại Ninh Thuận," ông Hùng Ky đầu tư 80 triệu đồng vào hệ thống tưới phun mưa cho vườn rau màu của gia đình.
 
“Hệ thống tưới này không chỉ giúp ông tiết kiệm được nhiều nước tưới, giảm 70% công lao động, giảm 50% phân bón mà năng suất lại cao gấp đôi.” – ông Ky cho biết.
 
 
Vườn rau được trang bị hệ thống tưới nước tự động ở Quảng Ngãi.
Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận cho hay, với lợi ích và hiệu quả của hệ thống tưới tiết kiệm mang lại, từ những mô hình như gia đình ông Ky, đến nay toàn xã An Hải đã có khoảng 150ha cây trồng được áp dụng công nghệ tưới này.
 
Đây là một trong những mô hình được nông dân Ninh Thuận ứng phó với hạn hán nhằm tiết kiệm nguồn nước tưới, đồng thời giảm chi phí đầu vào nhưng cây trồng vẫn tăng năng suất.
 
Công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn đã được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng ở Việt Nam đã chứng tỏ tính ưu việt đột phá trong canh tác nông nghiệp so với phương thức truyền thống. Lợi ích cũng như hiệu quả của tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giờ không chỉ được quan tâm trên cây rau màu mà ngay cả đối với cây công nghiệp, chẳng hạn như cây mía, càphê, chè….
 
Một số cánh đồng trồng mía cũng áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đã cho tác dụng rất lớn và rõ rệt. Nếu so với năng suất trước khi áp dụng tưới nước nhỏ giọt bình quân mới đạt 45-50 tấn/ha thì khi được tưới năng suất tăng lên 80-95 tấn/ha. Đặc biệt, một số hộ năng suất bình quân vụ mía tơ đạt trên 150 tấn/ha.
 
Thấy rõ vai trò của nước tưới đối với cây mía, nhiều công ty, nhà máy đường đã tích cực áp dụng các biện pháp tưới bổ sung cho cây mía, như Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi, Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công Tây Ninh…
 
Là tỉnh có quy mô phát triển mía đường lớn, sản lượng mía chiếm khoảng 25% cả nước và trên 50% khu vực Bắc Trung bộ, Thanh Hóa đã quan tâm nhiều hơn tới việc đầu tư các công trình phục vụ tưới cho cấy mía. Toàn tỉnh có 41 công trình phục vụ tưới cho cây mía với tổng diện tích được tưới là 2.680 ha, đạt khoảng 8% diện tích trồng mía; trong đó, có 228ha áp dụng công nghệ tưới tiên tiến thuộc vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn.
 
Hiện Thanh Hóa đang tập trung phát triển vùng mía nguyên liệu, đến năm 2020 đạt khoảng 25.800 ha và ổn định đến năm 2025, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của 3 nhà máy đường hiện có. Tỉnh cũng có khoảng từ 50%-70% tổng diện tích mía vùng nguyên liệu được thâm canh và 5.000 ha mía vùng thâm canh được đầu tư hệ thống tưới công nghệ cao. Đồng thời, sử dụng giống có năng suất và trữ lượng đường cao góp phần đưa năng suất mía từ 61,7 tấn/ha (năm 2013) lên 90 tấn/ha (năm 2020) và 100 tấn vào năm 2025, chữ lượng đường trong mía bình quân đạt 12 CCS.
 
Theo ông Phạm Đức Luận, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, tỉnh này đang triển khai đầu tư dự án hạ tầng thủy lợi phục vụ tưới mía cho 610 ha trên địa bàn 5 huyện Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Nông Cống, Thường Xuân và Như Thanh với kinh phí 110 tỷ đồng… bảo đảm nguồn cung cấp nước tưới ổn định phục vụ thâm canh mía, làm cơ sở áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
 
Thanh Hóa cũng sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, các tổ chức để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tưới tiết kiệm cho cây trồng chủ lực, tạo động lực cho việc áp công nghệ tưới công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
 
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng đánh giá, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm không những mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội, tiết kiệm nước còn là giải pháp hữu hiệu, có tính căn cơ để ứng phó với tình trạng hạn hán đang diễn ra phức tạp và khó lường.
 
Theo Cục Trồng trọt, hiện cả nước có khoảng 285.000ha mía với năng suất bình quân khoảng 66 tấn/ha, bằng 92% năng suất bình quân thế giới. Một trong những nguyên nhân chính khiến năng suất mía ở Việt Nam còn thấp là hầu hết diện tích mía không có nước tưới bổ sung khi gặp hạn.
 
Hầu hết vùng nguyên liệu được trồng ở vùng đất đồi, bãi không được bảo đảm nguồn nước, nước tưới phụ thuộc vào nước trời. Trong khi kết quả nghiên cứu cho thấy, nước tưới là yếu tố quan trọng để năng suất mía. Nếu được tưới đầy đủ năng suất mía có thể tăng đến 50%-60% so với không tưới./.
 
Theo Vietnam Plus