Thán phục cô giáo chế dụng cụ báo nước mặn từ… bóng nhựa

Dựa theo nguyên lý của “Lực đẩy Acsimet”, một cô giáo bộ môn vật lý ở tỉnh Hậu Giang đã sáng chế ra dụng cụ “trái nổi báo nước mặn” bằng bóng nhựa.
 
Cô Lư Thị Huệ – Giáo viên bộ môn vật lý trường THCS Phan Văn Trị (TP Vị Thanh, Hậu Giang) đã vận dụng nguyên lý của Lực đẩy Acsimet “Một vật nhúng vào chất lỏng bị chất lỏng đẩy thẳng đứng từ dưới lên với lực có độ lớn bằng trọng lượng của phần chất lỏng mà vật chiếm chỗ” kết hợp với khi nghiên cứu đặc điểm địa hình, nguồn nước của từng vùng miền – đặc biệt là vùng Hậu Giang (sáng mặn, chiều ngọt), cô đã sáng chế ra dụng cụ báo nước mặn có tên gọi “Trái nổi báo nước mặn”.
 
 
Cô Lư Thị Huệ đang hướng dẫn các em học sinh làm thí nghiệm
Sáng chế này đã đoạt giải khuyến khích của cuộc thi “Khoa học Kỹ thuật quốc gia” năm 2016 vừa qua tại Đồng Nai và 2 giải đặc biệt do trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng và Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) tài trợ.
 
Nguyên liệu mà cô giáo Huệ dùng để chế tạo ra dụng cụ này chỉ cần trái bóng nhựa bình thường, muối NACL, nước ngọt.
 
Để nhận biết được nguồn nước đang ở độ mặn, ngọt như thế nào thì cô Huệ thực hiện các bước thí nghiệm sau: Hòa tan một lượng muối vào nước ngọt(có thể pha độ mặn nhiều mức khác nhau) sau đó bơm vào bên trong trái bóng – tùy theo kích thước của quả bóng mà bơm một lượng xấp xỉ bằng với thể tích của trái bóng. Ví dụ, trái bóng có thể tích chứa 250ml nước thì bơm dung dịch đã được hòa tan xấp xỉ bằng 250ml vào trong trái bóng đó. Sau đó hàn quả bóng kín lại và cho trái bóng vào trong một cái chậu, rồi đổ một lượng nước ngọt vào cho đến khi nước ngập quả bóng.
 
Tiếp tục làm tăng độ mặn của nước trong chậu bằng cách lấy nước mặn đổ vào chậu đang chứa nước ngọt, thấy quả bóng từ từ nổi lên mặt nước. Vì nước mặn có tỷ trọng nặng hơn nước ngọt nên độ mặn càng tăng thì trái bóng càng nổi lên cao theo tỷ lệ thuận.
 
 
 
Trái nổi báo nước mặn được cô giáo Huệ sáng chế sẽ giúp ích cho nông dân trong việc dự báo nguồn nước
để tưới tiêu hợp lý
 
Vận dụng định luật lực đẩy Acsimet, có thể biết được một chỉ số tương đối về độ mặn của nước như sau: nếu nước mặn bên trong trái bóng nổi và nước mặn bên ngoài trái bóng nổi bằng nhau thì trái nổi nhô lên cách mặt nước 5mm, độ nhô cao của trái bóng nổi tỷ lệ thuận với độ mặn bên ngoài của trái nổi.
 
Điều khác biệt của dụng cụ “trái nổi báo nước mặn” so với máy đo độ mặn trên thị trường là giá cả và cách sử dụng. Hiện nay, thị trường đang bán các máy đo bằng tia khúc xạ, giá thành cao, người nông dân khó sử dụng vì phải biết kỹ thuật, phải biết bảo quản nếu không máy rất dễ bị hư. Trong khi dụng cụ “Trái báo nổi” có thể để suốt dưới nước quanh năm, giá thành ít, người nông dân có thể sử dụng được và có thể tự chế tạo ra nếu được hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, người sử dụng có thể dễ dàng nhận biết nguồn nước đang mặn hay ngọt mọi lúc mọi nơi khi nhìn thấy trái bóng nổi hay chìm xuống mặt nước mỗi ngày.
 
Ông Lê Văn Tám (ấp 1, xã Vị Tân, TP Vị Thanh) cho biết, ông đang sử dụng một lúc 05 trái nổi cho mương vườn nhà mình, mỗi trái nổi có ghi rõ độ mặn (từ 1/1000ml, 2/1000ml, 3/1000ml, 4/1000ml, 5/1000ml) ngay trên trái bóng. Khi ra vườn kiểm tra, ông Tám thấy trái nào nhô lên 5mm thì biết được độ mặn nguồn nước ngay thời điểm đó là bao nhiêu và khi nước ngọt đổ về trái nổi nào có chứa độ mặn cao bên trong thì chìm trước.
 
 
 
Sau hơn một tuần sử dụng thử, ông Tám đánh giá “trái nổi báo nước mặn” rất tiện lợi và dễ dàng nhận biết độ mặn của nước trong vườn nhà mình là bao nhiêu, từ đó dùng nguồn nước ngay thời điểm đó để tưới các loại rau, củ cho phù hợp, tránh được trường hợp độ mặn của nước quá cao mà không biết đem tưới các loại rau thì sẽ bị cháy lá, rụi toàn bộ.
 
Cô Lư Thị Huệ chia sẻ, hiện tại ở khu vực tỉnh Hậu Giang có hơn 10 hộ gia đình đang sử dụng dụng cụ này và đều có tín hiệu khởi sắc trong việc sử dụng nguồn nước dùng để tưới hoa màu tại vườn hiệu quả. Dụng cụ này dự kiến sắp tới sẽ được nhân rộng cho người dân khu vực dùng thử một thời gian, sau đó tiếp thu các ý kiến của từng người dân để nắm bắt những vấn đề cần chỉnh sửa, nâng cấp để trở thành một dụng cụ hoàn chỉnh.
 
Trong tương lai gần, sáng chế của cô Huệ chắn chắn sẽ giúp người nông dân có được một dụng cụ phù hợp, vừa túi tiền để đo độ mặn, nhằm hạn chế rủi ro trong việc canh tác hoa màu trên chính đất vườn của họ.
 
Theo Người đưa tin
 

Nhà khoa học nữ thường bị “trông mặt bắt hình dong”

Một nghiên cứu của Đại học Colorado Boulder (Mỹ) vừa cho thấy, những nhà khoa học nữ có ngoại hình giàu nữ tính thường ít được đánh giá là có khả năng hoạt động trong lĩnh vực khoa học.
 
 
Phụ nữ có vẻ ngoài nữ tính thường ít được tin là có khả năng hoạt động khoa học.
Ảnh: Horizon-magazine.
Các nhà nghiên cứu đã lấy ảnh của 80 nhà khoa học cả nam lẫn nữ hoạt động trong lĩnh vực STEM tại các trường đại học, đề nghị những người tham gia thử nghiệm xem và đưa ra phán đoán liệu người trong ảnh là giáo viên hay nhà khoa học.
 
Kết quả, phần lớn những phụ nữ có mái tóc dài và ngoại hình giàu nữ tính được cho là giáo viên chứ không phải nhà khoa học. Với nam giới, mọi chuyện lại hoàn toàn khác.
 
“Kết quả này cho thấy đối với hình ảnh đàn ông, mức độ nam tính cao hay thấp không tác động nhiều, không gây ảnh hưởng sai lầm đến nhận định của những người tham gia thử nghiệm.
 
Tuy nhiên, đối với phụ nữ thì sự việc lại hoàn toàn trái ngược” – Sarah Banchefsky – nhà nghiên cứu tâm lý học xã hội, tác giả cuốn “Nhưng bạn trông không giống như một nhà khoa học” – cho biết.
 
Một nghiên cứu khác của Banchefsky cũng cho ra kết quả tương tự dù trong thử nghiệm này, những người tham gia chỉ được yêu cầu đánh giá xem liệu những phụ nữ trong ảnh có phải là nhà khoa học hay không.
 
Theo các tác giả, hiện vẫn còn nhiều định kiến về phụ nữ làm khoa học. Trong quan niệm của nhiều người, các nhà khoa học phải là những người đàn ông lớn tuổi, mái tóc phiêu bồng, khoác tấm áo trắng của phòng thí nghiệm.
 
Các nhà nghiên cứu cho biết, những suy nghĩ đó khiến sự đóng góp cho khoa học của vô số phụ nữ bị lu mờ, thậm chí là gặp rào cản khi tham gia nghiên cứu.
 
Lương Ngọc (Theo Thedailybeast)  
 

Thế giới mất diện tích rừng bằng 1.000 sân bóng mỗi giờ

Theo số liệu công bố của Ngân hàng Thế giới, khu vực Mỹ Latin và Caribe có diện tích rừng sụt giảm nhiều nhất thế giới từ năm 1990 tới nay.
 
 
Diện tích rừng tại các khu vực trên thế giới.
Theo Telegraph, thế giới đã mất đi diện tích rừng tương đương 1.000 sân bóng đá mỗi giờ trong 25 năm qua. Các chuyên gia cảnh báo vấn nạn phá rừng là một vấn đề lớn đối với thế giới do tài nguyên rừng đang bị cạn kiệt nhanh chóng.
 
Sau ngày Quốc tế về Rừng 21/3 năm nay, một nghiên cứu cho biết ước tính hiện còn 3.000 tỷ cây xanh trên Trái Đất.Tuy nhiên, theo số liệu công bố của Ngân hàng Thế giới, Trái Đất đã mất 1,3 triệu km2 rừng từ năm 1990 tới nay, lớn hơn diện tích quốc gia Nam Phi.
 
Trong khi vùng Trung Đông và Bắc Phi có tỷ lệ gia tăng diện tích rừng lớn nhất từ năm 1990 đến 2015, thì khu vực Mỹ Latin, Caribe và tiểu vùng Sahara châu Phi mất nhiều diện tích rừng nhất, mỗi khu vực giảm 10%.
 
Khu vực Mỹ Latin và Caribe có diện tích rừng sụt giảm nhiều nhất, 970.000 km2 từ năm 1990 đến 2015. Vùng này có diện tích rừng lớn thứ hai trên thế giới, chiếm 1/4 tổng diện tích rừng toàn cầu.
 
Đến năm 2012, hơn 14% diện tích đất trên thế giới được các quốc gia bảo vệ.Mỹ Latin và khu vực Caribe dẫn đầu tỷ lệ này, với 21,2% tổng diện tích đất được bảo vệ.
 
"Rừng đóng vai trò chính trong cuộc chiến chống đói nghèo ở nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực và tạo công ăn việc làm. Và rừng cung cấp các dịch vụ môi trường quan trọng như nước và không khí sạch, bảo tồn đa dạng sinh học và chống biến đổi khí hậu", José Graziano da Silva, Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc cho biết.
 
"Hướng thay đổi đang tích cực, nhưng con người cần làm tốt hơn. Thế giới sẽ không giảm thiểu được tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững nếu không bảo vệ rừng và sử dụng nhiều nguồn tài nguyên bền vững mà rừng mang lại", ông Graziano nhấn mạnh.
 
Theo Vnexpress
 

“Bắt tay” doanh nghiệp để tăng chuyển giao công nghệ

Thực tế phối hợp làm đề tài giữa các nhà khoa học trong Đại học Bách khoa Hà Nội với các doanh nghiệp cho thấy, lợi ích trực tiếp mang lại cho doanh nghiệp rất cao nên số đề tài hợp tác theo hướng này tăng dần, chứng tỏ đây là thị trường KH&CN cần được chú trọng.
 
Tại buổi làm việc sáng 12/4 giữa Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông KH&CN – Bộ KH&CN và Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông thúc đẩy liên kết 4 nhà: Nhà nước – doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà nông, câu chuyện về chuyển giao kết quả nghiên cứu từ trường đại học ra thị trường đã được thảo luận sâu.
 
 
 
Sinh viên Nguyễn Mạnh Tùng – K56, khoa Kỹ thuật quản lý môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội – đang nghiên cứu với máy cân phân tech. Ảnh: Phượng Hằng
Không chê nhiệm vụ nhỏ
 
Từng đề cập vấn đề này PGS-TS Trần Văn Hải – Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thẳng thắn chỉ ra: Hiện ở Việt Nam, sự liên kết giữa việc nghiên cứu của các viện trong trường đại học với các doanh nghiệp rất lỏng lẻo. Tức là một bên chỉ làm chức năng nghiên cứu còn một bên cần kết quả nghiên cứu để ứng dụng vào sản xuất nhưng không biết tìm ở đâu.
 
Phóng viên Báo Khoa học và Phát triển đặt vấn đề này với lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội và được trả lời rằng đây là một thực tế mà nhà trường đã nhận thấy.
 
Theo PGS-TS Huỳnh Quyết Thắng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – hiện trường có khoảng 20 đơn vị đào tạo, nghiên cứu, trong đó có rất nhiều ngành truyền thống như cơ khí, cơ khí động lực. Vì vậy, chuyển giao kết quả nghiên cứu rộng rãi không phải là chuyện đơn giản. Tuy nhiên, thực tế kinh nghiệm của chính các nhà khoa học là giảng viên của trường trong việc phối hợp với các doanh nghiệp để làm trực tiếp đề tài cho thấy có nhiều mặt khả qua.
 
“Chúng tôi đã động viên các thầy, cô trong trường đi vào hướng này – tức là trực tiếp nghiên cứu theo đặt hàng của doanh nghiệp. Đó có thể là những nhiệm vụ nhỏ, mang tính chất truyền thống, hàm lượng khoa học có thể không cao lắm nhưng lợi ích mang lại trực tiếp cho doanh nghiệp rất cao. Đây là cách đóng góp chất xám trực tiếp vào việc sản xuất” – PGS Thắng cho biết.
 
Thực tế hoạt động KH&CN của Đại học Bách khoa Hà Nội thời gian qua đã chứng tỏ tính hiệu quả từ chính số công trình đã được công bố cũng như số bằng sáng chế đã được cấp. Cụ thể trong giai đoạn 2005-2015, trường nhận 37 bằng sáng chế trên tổng số 101 đơn đã được chấp nhận hợp lệ của Cục Sở hữu trí tuệ. Số công trình công bố trên các tạp chí nước ngoài năm 2013 là 230, đến năm 2014 là 240. Số bài báo trong danh mục ISI năm 2013-2014 là 137 và 2014-2015 là 182.
 
“Đặc biệt trong hai năm trở lại đây, số đề tài hợp tác trực tiếp với doanh nghiệp tăng nhanh, chứng tỏ đây là thị trường KH&CN cần được chú trọng” – PGS Thắng nhấn mạnh.
 
Thực tế này đã minh chứng điều bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao – nói: “Doanh nghiệp nhiều khi khao khát công nghệ nhưng cũng không tìm được trực tiếp – nhất là khi Việt Nam chưa có thị trường công nghệ” quả không sai.
 
Cần có doanh nghiệp vệ tinh
 
Mặc dù lựa chọn cách đi riêng của một trường đại học, song PGS-TS Huỳnh Trung Hải – Trưởng phòng KH&CN, Đại học Bách khoa Hà Nội – cũng thừa nhận một thực tế khó khăn: Đầu tư vốn đủ lớn để công trình nghiên cứu có thể đi đến cùng và chuyển giao không phải chuyện dễ làm.
 
Theo ông Hải, là trường kỹ thuật nên Đại học Bách khoa Hà Nội rất quan tâm việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào thực tế. Nhà trường đã thành lập BK-Holdings – một hệ thống gồm 7-8 doanh nghiệp – với mong muốn các giảng viên chuyển giao kết quả nghiên cứu ra cộng đồng.
 
“Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp khó khăn về đầu tư nguồn vốn. Có những công trình nghiên cứu cần nguồn vốn rất lớn nên đã không đủ tiền để chuyển giao” – PGS Huỳnh Trung Hải chia sẻ.
 
Theo giới chuyên môn, Việt Nam nên hình thành các công ty chuyển giao công nghệ, có thể tồn tại bên cạnh các tổ chức R&D với mục đích chuyển giao sáng chế từ khu vực R&D ra khu vực sản xuất.
 
Ngoài ra, cũng có thể hình thành các công ty vệ tinh đầu tư trực tiếp đầu tư cho nghiên cứu, tạo nên sáng chế để đưa vào áp dụng công nghiệp hoặc chuyển giao cho các tổ chức có nhu cầu sử dụng. Đây cũng là mô hình được kỳ vọng sẽ kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu của các trường đại học và doanh nghiệp.
 
Phương Nguyên
 

Phó Giáo sư – Tiến sĩ đầu tiên của người Hà Nhì

Biết chị tại buổi Lễ Công bố Quyết định và trao giấy chứng nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2015 tại Hà Nội (11/2015), nhưng đến bây giờ tôi mới có dịp tiếp xúc với chị để nhìn lại những năm tháng miệt mài học tập, nghiên cứu và vinh dự được gia nhập vào “làng Giáo sư Việt Nam”. Chị là Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lý Phương Duyên, dân tộc Hà Nhì, giảng viên Học viện Tài chính – Hà Nội.
 
Sinh ra trong một gia đình nhà giáo nghèo ở xã Mù Cả, huyện Mường Tè (sau này chuyển về thị xã Lai Châu), nên tuổi thơ của 5 chị em Lý Phương Duyên rất vất vả, thiếu thốn. Trong những năm học tiểu học, mặc dù điều kiện trường lớp, sách giáo khoa đều thiếu thốn, khó khăn, nhưng cô học trò Lý Phương Duyên luôn vươn lên, dẫn đầu lớp về thành tích học tập.
 
 
PGS.TS Lý Phương Duyên dâng hương tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Học giỏi đều tất cả các môn, nhưng Phương Duyên đặc biệt say mê các môn học tự nhiên. Lên cấp II, Duyên được chọn vào lớp chuyên Toán của Trường THCS Chi Luông, thị xã Lai Châu. “Tôi vẫn nhớ như in những đêm loay hoay tìm cách giải các bài toán khó, không tìm ra kết quả, vậy là một mình tay cầm sách, tay xách đèn măng xông xăm xăm đến nhà thầy giáo để nhờ thầy hướng dẫn”, chị Lý Phương Duyên xúc động kể lại.
 
Khi Lý Phương Duyên bước chân vào Học viện Tài chính Hà Nội cũng là lúc cuộc sống gia đình chị càng gặp nhiều khó khăn. Cùng một lúc, bố mẹ chị phải nuôi 3 con học đại học, chăm sóc 2 con đang học phổ thông… Hiểu được hoàn cảnh gia đình mình, 3 chị em Duyên bảo nhau cùng quyết tâm học thật tốt để không phụ công lao vất vả của bố mẹ. Suốt những năm học đại học, Phương Duyên tiết kiệm, dành dụm từng đồng của bố mẹ gửi xuống để đi học tiếng Anh. Ở trường, hễ có khóa học, buổi ngoại khóa nào về kỹ năng sống, kỹ năng làm việc là Duyên đăng ký tham gia ngay. Là lớp phó phụ trách học tập, nhưng Phương Duyên rất hăng hái, tích cực tham gia các hoạt động của đoàn trường. Năm thứ 3 đại học, Lý Phương Duyên tham gia Hội thi sinh viên thanh lịch và giành được giải Nhất. 4 năm học đại học, chị đều đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp, chị được trường giữ lại làm giảng viên của khoa Thuế và Hải quan – Học viện Tài chính.
 
 
PGS.TS Lý Phương Duyên.
 
Để có đủ kiến thức truyền thụ cho sinh viên, Lý Phương Duyên luôn cầu thị học hỏi các đồng nghiệp, không ngừng tìm tòi, tự nghiên cứu để làm giàu hành trang kiến thức cho bản thân. Thời kỳ nuôi con nhỏ, chị quyết tâm học cao học và bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ năm 2000. Sau đó, chị để con ở nhà cho chồng và gửi gắm cho bố mẹ trông nom để sang Hà Lan nghiên cứu đề tài “Quản lý thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế” – một đề tài mới mẻ, hấp dẫn, nhưng ngốn không ít thời gian, tâm huyết và trí tuệ của chị.
 
Cuối năm 2007, sau khi về nước, Lý Phương Duyên nhận được sự giúp đỡ tận tình của các thầy, cô giáo và đồng nghiệp, chị tiếp tục mở rộng đề tài nghiên cứu. Cũng trong thời gian này, chị sinh đứa con thứ 2. Khó khăn vất vả trăm bề, song với ý chí và nghị lực vươn lên không ngừng, ngày 31/3/2010, trước Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ bao gồm các Giáo sư đầu ngành, Lý Phương Duyên đã tự tin trình bày bản luận án tiến sĩ đầy sức thuyết phục của mình và được 6/7 thành viên trong hội đồng cho điểm xuất sắc và trở thành nữ Tiến sĩ dân tộc Hà Nhì đầu tiên của Việt Nam năm 36 tuổi. Năm 2015, chị gửi bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư cho Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước. Ngày 12/11/2015, Tiến sĩ Lý Phương Duyên vinh dự được Hội đồng Giáo sư Nhà nước trao quyết định công nhận chức danh Phó Giáo sư khi vừa tròn 41 tuổi.
 
Theo Sông Lam
 
Báo Tin tức
 
http://baotintuc.vn/dan-toc/pho-giao-su-tien-si-dau-tien-cua-nguoi-ha-nhi-20160120221925057.htm

Nhiều hoạt động chào mừng ngày sách Việt Nam lần thứ 3

 Kỷ niệm ngày sách Việt Nam (21/4), ở hai miền đất nước diễn ra nhiều chương trình tôn vinh giá trị của sách, người đọc sách và người nghiên cứu, làm sách.
 
Ngày sách Việt Nam lần thứ 3 là hoạt động văn hóa trọng tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông, nằm trong chuỗi chương trình kỷ niệm ngày bầu cử quốc hội khóa 14 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, 41 năm ngày giải phóng miền Nam…
 
Điểm nhấn của năm nay là chương trình Hội sách chào mừng ngày sách Việt Nam lần thứ 3 diễn ra tại Công viên Thống nhất (Hà Nội) từ 20-24/4. Hội sách 2016 có chủ đề Sách với cuộc sống.
 
Trong khuôn khổ hội sách sẽ có hàng triệu đầu sách được trưng bày. Song song đó là nhiều hoạt động bên lề như: giao lưu tác giả, tổ chức chuyên đề, hội thảo về sách với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa…
 
Ngày sách Việt Nam 21/4 cũng được chọn là ngày trao giải thưởng Sách Việt Nam 2016. Đây là sự kiện đặc biệt với giới xuất bản cả nước hàng năm. Theo Hội Xuất bản Việt Nam, cơ quan tổ chức giải thưởng, năm nay giải Sách Việt Nam 2016 sẽ được trao tại Hà Nội. Dự kiến, sau năm nay, giải thưởng Sách Việt Nam sẽ được nâng cấp lên thành giải thưởng Sách Quốc gia.
 
 
21/4 hàng năm được chọn là ngày sách Việt Nam. Ảnh: Bá Ngọc
Ở TP HCM, hoạt động kỷ niệm ngày sách Việt Nam diễn ra từ ngày 17 -24/4 tại đường sách TP HCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1). Trong đó, điểm nhấn sẽ là những buổi đấu giá sách quý, sách độc vào mỗi dịp cuối tuần.
 
Bạn đọc yêu thích văn học lãng mạn có thể tìm được tác phẩm Hai buổi chiều vàng của Nhất Linh do nhà xuất bản Đời Nay ấn hành năm 1961, Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán xuất bản năm 1989 có chữ ký và thủ bút của tác giả. Nếu người đọc muốn có những bài nghiên cứu sâu của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển sẽ tìm được những tư liệu quý trong Sài Gòn năm xưa của do NXB Tự Do ấn hành tại Sài Gòn năm 1961 hay quyển Thú chơi sách của Vương Hồng Sển.
 
Đặc biệt, ngay tại lòng đường đường sách TP HCM, ban điều hành đường sách sẽ trưng bày các cuốn sách đoạt giải sách hay và sách đẹp hàng năm do Hội xuất bản trao tặng.
 
Lịch giao lưu tọa đàm tại đường sách TP HCM từ 17-24/4
 
1. Văn học lãng mạn Việt Nam đầu thế kỷ 20 – Tác giả Vương Trí Nhàn vào lúc 9h ngày 17/4.
 
2. Sách – Hoài niệm và đam mê – Nhóm nhà sưu tập sách vào lúc 9h ngày 23/4.
 
3. Mặc áo mới cho sách – Tác giả Võ Văn Rạng vào lúc 9h ngày 24/4.
 
H.T

Mua sách với giá 0 đồng tại đường sách TP HCM

 Vào ngày sách Việt Nam 21/4, tại các gian hàng sách trên đường sách TP HCM sẽ có chương trình "bán sách 0 đồng" cho độc giả đến tham quan.
 
Nhằm hưởng ứng ngày sách Việt Nam 21/4 nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi sẽ được tổ chức tại đường sách TP HCM (đường Nguyễn Văn Bình, Quận 1) từ 17 – 24/4.
 
Trong khuôn khổ chương trình sẽ có nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm như: Sách hay, sách đẹp, Văn học lãng mạn đầu thế kỷ 20… Ngoài ra, còn có buổi toạ đàm về văn học và sách do các diễn giả nổi tiếng trình bày gồm: PGS.TS Nguyễn Thành Thi, PGS.TS Võ Văn Nhơn, nhà sưu tập sách Nguyễn Ngọc Hoài Nam, Nguyễn Văn Miếng…
 
 
Các gian hàng tại đường sách TP HCM sẽ bán sách 0 đồng vào ngày 21/4. Ảnh: Bá Ngọc
Bên cạnh đó, trong tuần lễ hoạt động còn có hai buổi đấu giá sách quý. Đó là những cuốn sách xuất bản cách đây 40-50 năm như: Sài Gòn năm xưa (1961), Tản Đà vận văn (1952), Hai buổi chiều vàng (1937)…
 
Toàn bộ số tiền của buổi đấu giá này sẽ được Ban điều hành đường sách phối hợp cùng Thành đoàn và các nhà xuất bản tổ chức làm từ thiện dành cho các trẻ em vùng sâu, vùng xa.
 
Lễ kỷ niệm ngày sách Việt Nam được tổ chức vào lúc 16h ngày 21/4. Trong thời gian từ 17h-18h, có chương trình “Sách 0 đồng” của các gian hàng tại đường sách TP HCM dành tặng cho độc giả đến tham quan đường sách. 
 
Hoạt động tiêu biểu tại đường sách TP HCM trong tuần kỉ niệm ngày sách Việt Nam: 
 
Ngày 17 – 24/4
 
Triển lãm trưng bày sách với hai chủ đề: “Sách hay – Sách đẹp”, “Văn học lãng mạn Việt Nam Đầu thế kỷ 20”
 
 Ngày 21/4
 
Vào lúc 9h là chương trình Giao lưu “Truyền thông và Sách” ra mắt tác phẩm “Văn hóa những góc nhìn đa diện” của Thái Thu Hoài
 
Lúc 16h diễn ra lễ khai mạc Kỷ niệm ngày sách Việt Nam 21/
 
Ngày 22/4
 
Vào lúc 18h30 diễn ra buổi Giao lưu chủ đề “Sách và hội nhập” (Diễn giả: Lê Quốc Vinh và TS. Nguyễn Mạnh Hùng)
 
Ngày 24/4
 
Giao lưu ra mắt sách “Sài Gòn đất lành chim đậu” của Nhà thơ, nhà báo Phan Hoàng vào lúc 18h30.
 
Tọa đàm “Sưu tập Sách – Hoài niệm và đam mê” (Diễn giả: Hai nhà sưu tập sách: Nguyễn Ngọc Hoài Nam và Nguyễn Văn Miếng) vào lúc 16h30.
 
Đấu giá sách đợt 2: Thú chơi sách (Vương Hồng Sển, 1960), Mười câu chuyện văn chương (Nguyễn Hiến Lê) và Minh Tâm Bửu Giám (1938).
 
 
N. Hằng

Những cuốn sách ý nghĩa về biển đảo Việt Nam

 Một trong những điểm nhấn quan trọng của Giải thưởng sách Việt Nam 2015 là sự phong phú của mảng đề tài biển đảo và chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Ngày 21/4 tới đây tại Hà Nội, Giải thưởng sách Việt Nam 2015 sẽ được trao cho các tác phẩm đoạt giải. Điều đặc biệt được ban tổ chức cũng như các hội đồng giám khảo giải thưởng năm nay đánh giá cao là sự phong phú của mảng sách về đề tài biển đảo và chủ quyển biển đảo Việt Nam. Các đầu sách về đề tài này đem tới cho bạn đọc nhiều hướng tiếp cận đa dạng và hữu ích về một vấn đề quan trọng của đất nước.
 
Hoàng Sa – Trường Sa nghiên cứu từ sử liệu Trung Quốc
 
Sách của tác giả Phạm Hoàng Quân, do nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ phát hành cuối năm 2014.
 
Nếu các nhà nghiên cứu trong nước thường dùng tư liệu, lịch sử Việt để chứng minh cho chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, thì tác giả Phạm Hoàng Quân lại có hướng tiếp cận khác biệt. Tác giả chứng minh, khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam, nhưng lại căn cứ từ các sử liệu của Trung Quốc. Vì thế, sức thuyết phục của các kiến giải, lập luận là rất cao. Qua nhiều nguồn sử liệu Trung Hoa, nhà nước Trung Quốc trong lịch sử từ thời nhà Hán đến thời nhà Thanh chưa từng quản lý và xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và vùng biển Đông Việt Nam. 14 bài nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa trong sách được trình bày logic, có sức thuyết phục.
 
Cuốn sách được đánh giá là “vừa giúp khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, vừa tạo niềm tin vững chắc cho từng người dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
 
Cùng em tìm hiểu Hoàng Sa – Trường Sa
 
Cuốn sách dành cho lứa tuổi thiếu nhi do nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2014. Đọc tác phẩm, bạn đọc nhỏ tuổi như được đi trên con tàu cánh ngầm và cỗ máy thời gian đến thăm hai quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Độc giả cũng được lần về những trang sử cha ông để biết được hàng trăm năm trước, những thế hệ người Việt đã chinh phục biển và xác lập chủ quyền như thế nào.
 
Đây là một cuốn sách viết về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có đầy đủ kiến thức: vị trí địa lý, sản vật tự nhiên, quá trình lịch sử hình thành chủ quyền…
 
Tư liệu trong cuốn sách phong phú, cụ thể, hệ thống; được trình bày bằng văn phong vừa khoa học vừa tình cảm, giàu sức thuyết phục phù hợp với trình độ các em, lại có thêm tranh ảnh bản đồ thuyết minh đẹp mắt.
 
Nhóm tác giả đầy tâm huyết (gồm Nguyễn Như Mai, Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Quốc Tín) đã dày công nghiên cứu những tư liệu, thông qua thư tịch và hiện vật lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa. Không chỉ cung cấp kiến thức, sách còn giáo dục các em lòng yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước.
 
 
Một số cuốn sách ý nghĩa về biển đảo Việt Nam.
Bảo tồn đa dạng sinh học dải ven bờ Việt Nam
 
Sách là công trình nghiên cứu của Đỗ Công Thung, được nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật phát hành năm 2014.
 
Cuốn Bảo tồn đa dạng sinh học dải ven bờ Việt Nam nêu rõ tổng quan môi trường ven bờ Việt Nam, khu hệ sinh vật dải ven bờ biển, tiềm năng bảo tồn đa dạng sinh học. Sách cũng nói về việc xây dựng các khu bảo tồn biển, mô hình bảo vệ đa dạng sinh học cho cộng đồng địa phương khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà, mô hình nuôi trồng rừng ngập mặn Tiên Lãng – Hải Phòng. Đặc biệt, tác giả đã xây dựng được bản danh mục thành phần các loại động vật đáy ven biển phía Bắc Việt Nam.
 
Sách là tài liệu khoa học quan trọng nhằm phổ biến kiến thức bổ ích về công tác bảo tồn sinh vật cho trên 3000km bờ biển nước ta. Nội dung cơ bản cung cấp lượng thông tin cập nhật với độ chính xác, tính sáng tạo và áp dụng phù hợp vào điều kiện Việt Nam.
 
Vân Đồn – thương cảng quốc tế Việt Nam
 
Sách của tác giả Nguyễn Văn Kim, được nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành năm 2014.
 
Vân Đồn từng là thương cảng sầm uất của quốc gia Đại Việt; đồng thời là một trung tâm luân chuyển hàng hóa quan trọng của hệ thống giao thương Đông Á. Vân Đồn còn là điểm đến của các nhà thám hiểm, thủy thủ, thương nhân, sứ đoàn châu Á, châu Âu. Đây là cửa ngõ vùng biển đảo Đông Bắc của Đại Việt, thuận tiện cho các nước Á, Âu thiết lập quan hệ thương mại, bang giao với Đại Việt, với Trung Quốc và khu vực thị trường Đông Á.
 
Vân Đồn – thương cảng quốc tế Việt Nam là công trình chuyên khảo dựa trên kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học trọng điểm, Đại học Quốc gia Hà Nội. Công trình nghiên cứu công phu và toàn diện về lịch sử hình thành và phát triển của thương cảng Vân Đồn từ thời Lý đến thế kỷ XVIII.
 
Cuốn sách đã nêu bật giá trị về vị trí địa lý của Vân Đồn trong lịch sử phát triển của Đại Việt trước đây, cũng như trong sự nghiệp bảo vệ biển đảo và Chiến lược biển của Việt Nam ngày nay.
 
Thu Hiền

Cục Xuất bản xây dựng quy chế tổ chức Hội sách

 Cục Xuất bản vừa soạn thảo bản quy chế hoạt động cho sự kiện Hội sách chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 3.
Đặc biệt, bản quy chế sẽ được gửi về các địa phương để áp dụng khi tổ chức hội chợ sách. Theo ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, việc xây dựng quy chế này là cần thiết và xuất phát từ nhu cầu thực tế.
 
"Mấy năm gần đây, các hội chợ sách trong nước được tổ chức với mật độ dày hơn dù quy mô có thể khác nhau. Chính vì thế, với trách nhiệm của cơ quan quản lý về xuất bản, chúng tôi cần có bản quy chế chuẩn khi tổ chức hội chợ sách.
 
Điều này nhằm đưa hoạt động vào sự chuyên nghiệp, hiệu quả và tránh các phát sinh tiêu cực, làm ảnh hưởng xấu tới hoạt động văn hóa nhân văn." ông Hòa nói.
 
 
Nhiều hội chợ sách được tổ chức trong năm đặt ra yêu cầu cần có quy chế hoạt động. Ảnh: Bá Ngọc
Ngoài những yêu cầu về thẩm mỹ, an ninh hay khuyến mại – quảng cáo, vệ sinh… bản quy chế đưa ra các quy định khá chặt chẽ về xuất bản phẩm được trưng bày, giới thiệu và bán tại hội sách.
 
Theo ông Hòa, trong nhiều hội sách đã xảy ra tình trạng có sách lậu, sách nội dung xấu, sách vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ hay Luật Xuất bản bị tuồn vào. Thậm chí tại Hội sách TP HCM vừa qua cũng có hiện tượng này. Vì thế ở hội sách lần này, ông yêu cầu tất cả đầu sách đưa vào đều phải qua sự kiểm duyệt của Cục Xuất bản".
 
Ban tổ chức cho biết hiện đã có hơn 30.000 đầu sách cả quốc văn và ngoại văn được đăng ký trưng bày, giới thiệu và bán tại hội sách.
 
Theo thông tin từ Cục Xuất bản, năm nay có 35 tỉnh thành cùng 4 đơn vị khối bộ ngành, hội, học viện có báo cáo về các hoạt động nhân Ngày sách Việt Nam 21/4.
 
Trong đó, nhiều địa phương có kế hoạch tổ chức khá quy mô, sinh động. Tuy nhiên, Cục cũng cho biết 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng chưa có báo cáo về tổ chức hoạt động này.
 
 
Nhiều địa phương trên cả nước tổ chức các hoạt động đa dạng nhân Ngày sách Việt Nam. Ảnh: Mạnh Thắng
 
Điểm nhấn của Ngày sách Việt Nam làn thứ 3 là Hội sách chào mừng Ngày sách Việt Nam diễn ra từ 20 – 24/4 tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội).
 
Tháng phát hành sách và Tuần lễ phát hành sách cũng được tổ chức để hưởng ứng Ngày sách Việt Nam.
 
Khoảng 87 đơn vị xuất bản, phát hành sách trên cả nước (gồm 30 nhà xuất bản và 57 đơn vị phát hành sách) tham gia các hoạt động trong Hội sách.
 
Ngoài lễ khai mạc diễn ra vào ngày 20/4 tại Công viên Thống Nhất, tại đây cũng sẽ diễn ra các hoạt động trưng bày, giới thiệu sách, tọa đàm… do các đơn vị tổ chức.
 
Hiếu Vân

Phó chủ tịch Hội sách Frankfurt ‘hiến kế’ giúp thị trường sách Việt

Đại diện đến từ Hội sách lớn nhất thế giới cho rằng thị trường sách Việt cần tác giả trong nước viết hay, có tác phẩm tốt hơn là quá nghiêng về thị trường sách dịch.
 
Bà Claudia Kaiser – phó chủ tịch Hội sách lớn nhất thế giới Frankfurt – vừa có chuyến đến TP HCM tham quan Hội sách TP HCM lần thứ chín và giữ vai trò diễn giả, trò chuyện về những thách thức và cơ hội của xuất bản quốc tế và xuất bản Việt Nam. Dịp này, bà trò chuyện với VnExpress về những trăn trở trong việc giúp đơn vị xuất bản Việt từng bước được chú ý trên thị trường sách trường quốc tế.
 
– Tham gia Hội sách TP HCM lần thứ chín trong vai trò một diễn giả, bà nhận xét gì về sự kiện này?
 
– Đây là lần thứ ba tôi đến TP HCM và là lần lần đầu tiên tham gia hội sách lớn nhất ở thành phố. Tháng 9 năm ngoái tôi có đi thăm hội sách Hà Nội. Tất nhiên, sự kiện ở Hà Nội nhỏ hơn TP HCM nhưng tôi có chung cảm nhận là cả hai hội sách đều có lượng khán giả rất lớn đến tham dự. Điều này khiến tôi kinh ngạc. Rất đông người đã đến để tham quan, nhìn ngắm sách, mua sách và tìm kiếm niềm vui ở khuôn viên diễn ra ngày hội.
 
Việt Nam có nền lịch sử và văn hóa lâu đời nhưng phương Tây chúng tôi lại không biết nhiều về các bạn và vì thế, chúng tôi luôn rất cần biết. Đó là lý do tôi tới Việt Nam. Tôi muốn học hỏi và tìm hiểu nhiều hơn về nền xuất bản, bối cảnh văn học và những phát triển ở Việt Nam, và nếu có thể, ở vị trí của mình, muốn giúp Việt Nam được nhìn nhận nhiều hơn trên thị trường sách quốc tế. Tôi cho rằng có nhiều cơ hội để đi ra bên ngoài, không chỉ riêng ngành xuất bản truyền thống. Phim ảnh, games cũng là một phần của Hội sách Frankfurt và tôi cũng muốn tìm hiểu thêm về ngành công nghiệp nội dung ở nước các bạn.
 
 
 
Bà Claudia Kaiser bên dịch giả Nguyễn Lệ Chi – chủ thương hiệu sách Chibooks – ở Hội sách TP HCM lần thứ chín.
– Từ những quan sát ở Hội sách TP HCM, bà nhận xét gì về các đơn vị xuất bản Việt và thị trường sách Việt hiện nay?
 
– Việt Nam là một trong những nước có dân số đông nhất ở khu vực Đông Nam Á với nền kinh tế đang phát triển và một tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Giới xuất bản Việt đang mua rất nhiều bản quyền nước ngoài và ít nhất là 40% số sách xuất bản hàng năm tại Việt Nam đều là sách dịch từ nhiều ngôn ngữ, nhiều nhất là từ tiếng Anh. Nhưng trong khi Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia luôn xuất hiện tại Hội chợ sách Frankfurt – nơi gặp gỡ đông nhất của giới xuất bản trên mọi miền thế giới – thì gian hàng Việt Nam góp mặt ở sự kiện này thực sự vẫn quá nhỏ.
 
Các đơn vị xuất bản Việt đã góp mặt ở Frankfurt nhưng hầu hết chỉ mua bản quyền chứ không có gian hàng triển lãm. Điều đó có nghĩa là không có nhiều nhận thức lắm về việc sử dụng sân chơi Hội sách Frankfurt để thúc đẩy xuất bản và bán bản quyền.
 
– Theo bà, các đơn vị xuất bản Việt nên làm gì để vươn ra khu vực và thế giới?
 
– Có nhiều cách để cải thiện tình trạng này. Một trong số đó, có thể thấy Hội sách Frankfurt của Đức có thể là một điểm khởi đầu tuyệt vời. Cả các NXB và cả các đơn vị xuất bản tư nhân Việt Nam đều nên đến Hội sách Frankfurt. Chúng ta có thể làm việc theo lộ trình để từng năm các đơn vị sách của các bạn góp mặt ở sự kiện quốc tế này. Chẳng hạn năm ngoái, chúng tôi có một diễn giả Việt Nam tham gia buổi trò chuyện về vấn đề bản quyền quốc tế, cùng với các diễn giả nước ngoài. Đó là một điểm khởi đầu tốt đẹp.
 
Ngoài việc cần có khu gian hàng lớn hơn, sẽ tốt hơn cho xuất bản Việt nếu các bạn mang một số nhà văn sang diễn thuyết tại Frankfurt, hoặc tổ chức một số sự kiện về văn chương và xuất bản. Các bạn cũng có thể bán bản quyền những tác phẩm mà các bạn sở hữu trên mạng internet quốc tế. Nếu tiếp tục nỗ lực vài năm theo hướng này, Việt Nam có thể được xem xét để trở thành Khách mời danh dự tại Hội sách Frankfurt. Năm ngoái, Indonesia là nước Đông Nam Á đầu tiên là Khách mời danh dự tại Frankfurt 2015. Đây là một cơ hội tốt để họ giới thiệu không chỉ thị trường sách trong nước mà còn cả văn hóa, du lịch… đất nước họ.
 
 
Độc giả chen chân tìm mua sách giảm giá ở Hội sách TP HCM lần thứ chín.
 
– Theo bà, thể loại sách nào giới xuất bản Việt cần tập trung đầu tư để giới thiệu với bên ngoài và loại sách nào thị trường nội địa Việt Nam?
 
– Nếu chỉ mua bản quyền nhập khẩu về nước các bạn, bạn sẽ không thể làm được gì nhiều, bạn cần phải có sách của chính mình để bán đi ra bên ngoài, và từ đó bạn mới có thể bán bản quyền thêm ra các loại hình media khác. Và lúc đó bạn có nhiều cơ hội hơn nếu sở hữu riêng các sản phẩm trí tuệ.
 
Tôi cho rằng quan trọng hơn là cần phát triển các tài năng trong nước vì họ có thể lấp đầy những chỗ hổng đó với những tác phẩm trong nước. Có nhiều điều cần phải nói cho việc phát triển tài năng trong nước vì sở hữu trí tuệ có thể được nhân lên và được bán bản quyền ra nhiều nước khác nhau. Đó là lúc những cơ hội kinh doanh sẽ đến.
 
– Bà nghĩ độc giả nước ngoài hứng thú với thể loại sách gì của Việt Nam?
 
– Theo tôi, việc xuất bản sách văn học mới, của các tác giả trẻ, tài năng có thể được ưu tiên cao hơn. Tiếp đó là những sách về vấn đề khoa học xã hội, kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa.
 
Nhiều chuyên gia nói với chúng tôi rằng rất khó bán bản quyền sách Việt Nam ra nước ngoài. Đó là sự thật. Tuy vậy, ngay cả các Nhà xuất bản Đức cũng phải đối diện với nhiều khó khăn khi bán bản quyền sách của Đức cho các NXB Mỹ hoặc Anh, vì các thị trường đó đã tự cung tự cấp. Vì thế chúng ta cần những lối suy nghĩ mới đầy sáng tạo về việc trải dài thông tin về các đầu sách của mình, và cần chính phủ hỗ trợ.
 
Chẳng hạn tại Đức, chúng tôi đã tạo ra NXB online New Books in German để đăng tải một số sách mới của Đức thuộc lĩnh vực văn học. Viện Goeth cung cấp quỹ dịch thuật cho tất cả ngôn ngữ và chúng tôi có German Book Centres ở nhiều nơi như: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil để cung cấp thông tin về các cuốn sách của Đức cho các đơn vị xuất bản nước ngoài. Chúng tôi cũng giới thiệu các tên sách của Đức tại khoảng 20 hội chợ sách quốc tế và hỗ trợ quảng bá chúng liên tục. Đó là những ví dụ rất thành công mà Việt Nam có thể làm và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bằng kinh nghiệm của mình.
 
Lucy Nguyễn thực hiện