Hotline 1: 0898275999
Sản xuất thép là một trong những ngành được cảnh báo về nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Với công suất 10,5 triệu tấn/năm, Formosa có thể cho ra hơn 31 triệu m3 nước thải độc hại và 6 triệu tấn chất thải rắn nếu các chất thải không được xử lý.
Ảnh minh họa. Nguồn: Thisismoney.
Hiện tượng cá chết hàng loạt hay mới đây, 1 thợ lặn tại vùng biển Vũng Áng đã tử vong dấy lên mối quan ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường trong ngành sản xuất thép.
Trả lời trên Vietnamnet, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Đúc Luyện kim Việt Nam cho biết: Công nghệ khu liên hợp gang thép của Formosa tại Vũng Áng sử dụng là công nghệ lò cao.
Theo phương pháp này, quặng sắt phải nghiền ra thành bột cùng với than, trộn với than coke rồi đốt trong lò cao ở nhiệt độ trên 2.000°C, tạo ra gang lỏng. Sau đó đưa gang lỏng vào lò và thổi khí oxy để đốt carbon thừa.
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng phương pháp này tiêu thụ nhiều than và sinh ra xỉ, khí dioxyd carbon và nhiều bụi. Trong quặng sắt còn chứa nhiều hóa chất rất độc hại khác như chì, arsen (thạch tín), lưu huỳnh, phốt pho. Cùng với đó, công đoạn luyện than coke cũng phát thải nhiều chất độc hại ra môi trường.
Theo số liệu thống kê từ Hội Đúc Luyện kim Việt Nam, để sản xuất được một tấn thép thô bằng công nghệ lò cao, sẽ phải thải ra hơn 585 kg chất thải rắn, trong đó có 455 kg xỉ. Đồng thời, mỗi tấn thép thô sản xuất còn tạo ra 3 m3 nước thải độc hại.
Với công suất 10,5 triệu tấn thép/năm (giai đoạn 1), Formosa có thể cho ra hơn 31 triệu m3 nước thải độc hại và 6 triệu tấn chất thải rắn nếu không qua xử lý.
Ngoài ra, lượng khí thải ra từ việc sản xuất 1 tấn thép thô có 2,3 tấn CO2, cùng các loại khí CO, SO2, NOx, bụi và bụi kim loại….
Vì vậy, trong các vùng luyện kim, khí quyển bị nhiễm bẩn thường chiếm tỷ lệ gần 60%. Nếu các loại khí thải này không được xử lý tốt, các hóa chất chứa trong đó sẽ gây ra mưa axít, cùng với bụi kim loại, sẽ gây nguy hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng trong khu vực. Nhìn chung, sản xuất thép là ngành công nghiệp không thân thiện với môi trường, nên phải chú ý kiểm soát chặt khâu xử lý ô nhiễm.
Bên cạnh đó, việc xử lý chất thải chỉ hiệu quả với những lò cao dung tích trên 3.000 m3.
Dung tích lò cao của Formosa vượt trội so với các doanh nghiệp thép nội của Việt Nam, nhưng cũng chỉ ở mức 2.000 m3.
Quan trọng nhất, chi phí xử lý khí thải, chất thải rắn và nước thải khá tốn kém. Và để tiết kiệm chi phí, không phải doanh nghiệp nào cũng tuân thủ việc xử lý chất thải đúng quy định trước khi xả thải ra môi trường.
Trường hợp của Vedan trước đây là một ví dụ. Công ty này đã xả thẳng ra sông Thị Vải và phải 14 năm sau, khi có hiện tượng cá chết hàng loạt, vấn đề xả thải gây ô nhiễm môi trường của Vedan mới được phanh phui.
Giám đốc đối ngoại Formosa: Phải lựa chọn, hoặc nhà máy thép hoặc cá tôm
Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ
Từ khóa: FORMOSA, xử lý chất thải, ô nhiễm môi trường, cá chết hàng loạt, vũng áng, sản xuất thép, Vedan, sông thị vải
(ICTPress) – Phần mềm mSales của MobiFone đã được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Ban Tổ chức Chương trình Danh hiệu Sao Khuê 2016 bình chọn thuộc Top 10 Sao Khuê 2016
Phần mềm mSales là một công cụ hiệu quả giúp quản lý công tác phát triển thị trường, giám sát nhân viên bán hàng và chăm sóc điểm bán lẻ. Hệ thống đã góp phần không nhỏ vào mức tăng trưởng doanh thu và tốc độ phát triển kinh doanh ấn tượng trong năm 2015 của Tổng Công ty.
Giải pháp phần mềm mSales đã được triển khai tại MobiFone với vai trò là hệ thống duy nhất trong quản trị, quản lý kênh phân phối và lực lượng bán hàng lên đến 115.000 điểm bán, hơn 1500 đại lý trên nền tảng di động, phát triển trên công nghệ MobileFirst, hỗ trợ tích hợp ứng dụng với các hệ thống nghiệp vụ bên trong doanh nghiệp một cách an toàn.
Giải pháp mSale có thiết kế tuân thủ kiến trúc hướng dịch vụ SOA, trong đó mọi kết nối đến hệ thống khác đều thông qua trục tích hợp dịch vụ ESB. Áp dụng giải pháp công nghệ quản lý quy trình nghiệp vụ BPM để dễ dàng thiết kế, điều chỉnh theo yêu cầu sản xuất kinh doanh. Với 4 lĩnh vực kinh doanh chính là Viễn thông – CNTT, Truyền hình, Phân phối và bán lẻ, Đa dịch vụ, việc đưa Msale tham dự Sao Khuê là chứng minh nỗ lực của MobiFone trong việc cung cấp các giải pháp CNTT cho khách hàng. MobiFone mong muốn giúp các nhà sản xuất, nhà phân phối sử dụng hiệu quả phần mềm mSale trong công tác phân phối, quản lý, từ đó nâng cao hiệu quả bán hàng.
Đơn vị triển khai phần mềm mSales, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đã vinh dự được tôn vinh tại chương trình Danh hiệu Sao Khuê ngày 23/04/2016 về doanh thu, thương hiệu, thị phần, và đặc biệt là mức độ ảnh hưởng tới kinh tế – xã hội.
Sự kiện nhận giải thưởng Sao Khuê đã diễn ra chỉ một vài ngày sau khi MobiFone chính thức khai trương cửa hàng bán lẻ thứ 10 tại Hải Phòng, đồng thời chính thức triển khai chiến dịch “Triệu trái tim kết nối” với hàng loạt ưu đãi lớn dành cho khách hàng trên cả nước trong thời gian từ 21/4 – 31/5/2016.
Chương trình Danh hiệu Sao Khuê là hoạt động do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức. Năm 2016 là năm đầu tiên chương trình này bình chọn Danh hiệu Top 10 Sao Khuê dành cho 10 sản phẩm, dịch vụ CNTT xuất sắc nhất về các mặt doanh thu, uy tín thương hiệu, thị phần, số lượng khách hàng sử dụng, và đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội to lớn. Theo thông tin từ Ban tổ chức, Top 10 Sao Khuê năm 2016 có tổng doanh thu trên 240 triệu USD, chiếm 17% doanh thu của toàn ngành phần mềm hiện nay.
Minh Anh
Từ khóa: mSales, phần mềm, MobiFone
(Cadn.com.vn) – Kỹ sư Phạm Hoàng Trung, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phúc Tất Đạt (Đà Nẵng) chia sẻ: sau hơn 6 năm áp dụng và nghiên cứu công nghệ chống thấm bằng màng composite WPC, doanh nghiệp giờ đã tự tin đưa giải pháp này ra thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của các công trình xây dựng dân dụng hiện nay.
"Công nghệ chống thấm trong xây dựng xưa nay đã phổ biến, có rất nhiều dạng và giải pháp khoa học khác nhau. Nhưng với vật liệu chống thấm composite do tiến sĩ Hương Trần Phương Nam – một trong 80 nhà khoa học hàng đầu của Úc – đã nghiên cứu thành công và chuyển giao cho chúng tôi ứng dụng, thì các công trình sẽ có khả năng chống thấm tốt hơn, rút ngắn thời gian thi công và thêm nhiều tính năng hiệu quả khác", ông Trung bày tỏ như vậy.
Đội ngũ kỹ thuật Công ty Phúc Tất Đạt đang thi công chống thấm tầng ngầm chứa nước
ở một công trình dân dụng.
Hiệu quả công nghệ mới
Theo ông Trung, sở dĩ Công ty Phúc Tất Đạt tự tin đưa quảng bá công nghệ chống thấm mới vì giải pháp này dựa vào các ưu thế mà vật liệu composite có được, vượt trội hơn những loại vật liệu khác.
Tiến sĩ Hương Trần Phương Nam, một trong những người tiên phong ứng dụng vật liệu composite trên nhiều dạng chất liệu, từng chia sẻ, yêu cầu tìm kiếm các loại vật liệu mới, thay thế những vật liệu truyền thống như: gỗ, đá, sắt thép… đã đặt ra từ lâu với giới nghiên cứu. Trong đó, composite là vật liệu có nhiều tính năng ưu việt, đã ứng dụng thành công trong nhiều lĩnh vực như: xây dựng, giao thông, vật dụng sinh hoạt…
Dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn, tiến sĩ Phương Nam đã cùng Công ty Phúc Tất Đạt nghiên cứu triển khai vật liệu composite vào chống thấm cho các công trình xây dựng. Sáng chế này dùng vật liệu composite với nền nhựa nhiệt rắn, kết hợp một số phụ gia và vật liệu sợi gia cường, gọi tắt là FRP (Fiber Reinforced Plastic – nhựa gia cường bởi vải sợi).
"Chúng tôi chế vật liệu này dưới dạng keo lỏng composite hai thành phần WTC-C, dùng quét đều lên bề mặt công trình, sau khi khô, keo sẽ trở thành màng bọc, cách ly bề mặt công trình với nước. Nếu keo được gia cường bởi vải thủy tinh tissue có chất lượng cao trên thế giới, thì bề mặt công trình được chống nứt, chống ăn mòn và khả năng ngăn ngừa thấm nước sẽ càng tăng lên. Do đó, khi dùng giải pháp này, sử dụng thêm các phụ gia, vấn đề ngăn nước gần như tuyệt đối, chống thấm triệt để cho các công trình", ông Trung giải thích.
Tốt hơn cho công trình
Ngoài khả năng chống thấm, màng composite WPC-C còn được đánh giá cao về các yếu tố như chịu được hóa chất, độ bền cơ lý cao, chịu được độ uốn cong và giãn nở tốt, có khả năng gia cố bê tông và nhất là an toàn với sức khỏe con người. Màng keo này khi kết hợp với vải thủy tinh tissue sẽ càng giúp tường, bê tông… được gia cố vững chắc, đồng thời giúp giảm hấp thụ nhiệt, không truyền điện qua vật liệu.
"Hãy tin rằng màng WPC sẽ là lớp áo composite bao quanh công trình như tấm áo mưa ngăn mọi nguy cơ ngấm nước. Do loại keo này cực kỳ kỵ nước nên khi tiếp xúc với nước, nó có xu thế đẩy nước ra. Khi phủ keo lên bề mặt, do ở dạng lỏng, keo còn ngấm vào mao mạch bê tông, xi măng, sau đó tự đông cứng tạo thành màng bịt kín các mao mạch tăng độ kết dính và chống nước. Hạn chế truyền nhiệt và không truyền điện, màng keo sẽ giúp công trình khô ráo, chống nóng mùa hè, giảm lạnh mùa đông và tránh những rủi ro khi có rò rỉ điện trong tường và bê tông".
Bên cạnh những yếu tố chất lượng, giải pháp dùng màng composite WPC còn có lợi thế về thời gian thi công, độ bền bảo đảm chất lượng công trình và khả năng áp dụng trong mọi điều kiện, bối cảnh chi tiết công trình.
Thay vì phải mất từ 12 – 24 giờ để hoàn tất việc chống thấm khi dùng các loại vật liệu chống thấm khác như gốc xi măng, màng composite chỉ cần 4 giờ đồng hồ để khô và ngay sau đó, đội ngũ thi công có thể tiếp tục làm các hạng mục khác.
Thời gian sử dụng màng composite trong điều kiện bình thường sẽ kéo dài trên 20 năm, vượt gấp 4 – 5 lần so với nhiều loại vật liệu chống thấm khác.
Ông Trung còn lý giải, việc thi công màng keo cũng không đòi hỏi về mặt bằng rộng hay những kết cấu thiết bị phiền phức. Cho nên, giải pháp này có thể áp dụng chống thấm với cả những "tiểu công trình" như: lỗ thoát nước trên sàn, toilet, xử lý bể tắm, hồ cá…
Công ty Phúc Tất Đạt những năm qua, đã lần lượt ứng dụng giải pháp công nghệ chống thấm, chống nứt này tại nhiều công trình lớn như các khu nghỉ dưỡng tại FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa), Khu nghỉ dưỡng FLC Nhơn Lý (Bình Định), Khu lọc hóa dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), Khu nghỉ dưỡng FLC Vĩnh Phúc… Các kết quả ứng dụng thực tế này đều rất khả năng, khẳng định công nghệ chống thấm, chống nứt bằng màng composite WPC.
Vì thế, từ mùa hè 2016 này, Công ty Phúc Tất Đạt xác định chuyển hướng đầu tư sâu hơn vào các công trình dân dụng, tập trung tại miền Trung.
"Đây là vùng thường có bão tố, mưa dầm, nắng gắt, đòi hỏi các công trình phải có khả năng chống thấm tốt, đặc biệt là công trình dân dụng. Tập trung vào miền Trung, chúng tôi hy vọng vừa có thể tìm được cơ hội phát triển của mình, vừa mang lại những điều kiện tốt hơn cho những ngôi nhà người dân nơi đây, cũng chính là những bà con thân thuộc của chúng tôi", ông Trung kết luận như vậy.
Theo: cand.com.vn
Từ khóa liên quan: Công nghệ, chống thấm mới, các công trình
Trên trang web của mình, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) đã trả lời về nguyên nhân cá chết hàng loạt. Theo đó, trong trường hợp cá chết vì nhiễm các chất độc hại thì nồng độ phải khá cao và vị trí xả thải phải ở khá gần với khu cá bị ảnh hưởng.
Theo USGS, rất nhiều trường hợp cá chết hàng loạt trong mùa hè là do nồng độ oxy hòa tan trong nước thấp. Cá, cũng như các dạng sống phức tạp khác, cần oxy để sống. Chúng lấy oxy dưới dạng hòa tan trong nước. Đó là lý do tại sao bể cá nhà bạn cần một thiết bị sục khí.
Cá chết hàng loạt ở vịnh Narragansett, đảo Rhode, Mỹ
Trong nước ấm có ít oxy hòa tan hơn nước lạnh, vì vậy mùa hè là thời điểm cá rất khó nhận được đủ oxy trong nước. Hơn nữa còn sự tác động của những sinh vật khác cũng phải sử dụng oxy như loại tảo phát triển trong mùa hè và cả vi khuẩn phân huỷ chất hữu cơ.
Ban ngày, các loại tảo tự sản xuất oxy thông qua quá trình quang hợp, nhưng vào ban đêm, khi quá trình quang hợp dừng lại, những loại tảo này và các vi sinh vật khác vẫn tiếp tục hô hấp và sử dụng oxy.
Vì vậy, vào những đêm hè nóng nực, nồng độ oxy hòa tan trong nước vốn đã thấp lại còn phải chia sẻ với những sinh vật như trên là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.
Tình trạng này có thể bị đẩy tới mức tồi tệ hơn bởi những điều kiện hoàn toàn tự nhiên hay những hoạt động của con người như xả thêm các chất như nitơ, phốt pho vào nước.
Những chất thải đến từ nhiều nguồn như phân bón, các phương tiện giao thông, nước thải… Quá nhiều chất như vậy sẽ có xu hướng gia tăng tốc độ phát triển của các loại tảo và làm giảm lượng oxy hòa tan trong nước. Nồng độ oxy hòa tan thấp cũng có thể do nhiều yếu tố khác như sự tuần hoàn nước kém, ít nạo vét, hoặc một cơn mưa lớn sau đợt khô hạn kéo dài.
Cá chết hàng loạt cũng có thể xảy ra khi nước nhiễm các chất độc hại. Tuy nhiên, để điều này xảy ra, các hợp chất độc hại phải có nồng độ khá cao. Trong một vùng nước rộng lớn, phải có một lượng rất lớn các hợp chất độc hại, và vị trí xả thải phải ở khá gần với khu cá bị ảnh hưởng.
PHẠM KHÁNH (Lược dịch)
Truyền thông quốc tế đã đưa tin phản ánh sự việc nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh bị phản đối về nghi vấn xả nước thải độc hại xuống biển nhưng lại có phát ngôn vô trách nhiệm gây "bão" dư luận tại Việt Nam.
Một người dân địa phương cầm trên tay một vài con cá chết mà ông nhặt được trên bờ biển Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế.
Ảnh: AFP
Báo Straits Times của Singapore và China Post của Trung Quốc ngày 25/4 đã dẫn lại nguồn hãng thông tấn Pháp AFP đưa tin phản ánh sự việc nhà máy thép Formosa của Đài Loan (Trung Quốc) đặt tại tỉnh Hà Tĩnh đối mặt nghi vấn xả hóa chất tẩy rửa đường ống độc hại xuống biển, gây hiện tượng cá chết hàng loạt.
Đặc biệt là sau khi ông Chou Chun-fan (Chu Xuân Phàm), Giám đốc đối ngoại của công ty Formosa Hà Tĩnh trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình VTC14 với thái độ vô trách nhiệm rằng: “Nhiều khi mình không được cả hai, mình phải lựa chọn: Muốn bắt cá, bắt tôm, hay xây dựng một nhà máy thép hiện đại”, thì dư luận càng sôi sục hơn nữa. Đại diện Formosa qua đó đã yêu cầu người dân địa phương cân nhắc xem họ đánh giá đời sống sinh vật biển hay đầu tư nước ngoài hơn. (Xem video dưới đây)
Straits Times dẫn lại thông tin trên báo Thanh Niên ghi nhận rằng, đường ống xả thải dài 1,5km chạy thẳng từ nhà máy tỉ đô Formosa cắm xuống biển Hà Tĩnh. Mặc dù, đường ống này là hợp pháp, nhưng Formosa chỉ được cho phép xả nước thải đã qua xử lý xuống biển. Hàng tấn cá chết, bao gồm cả các loại quý hiếm sống xa bờ, đã dạt vào các bãi biển dọc miền Trung Việt Nam, khiến ngư dân điêu đứng và gây báo động trong dân cư.
Các ngư dân địa phương cho hay trước khi nhà máy hoạt động, hải sản ở khu vực này rất dồi dào, tuy nhiên, cho tới nay đã sụt giảm.
Straits Times cũng dẫn lại thông tin từ báo Thanh Niên cho biết, Formosa đã nhập khoảng 300 tấn hóa chất độc để súc rửa đường ống xả thải.
Hoàng Trang (tổng hợp)
Từ Khóa: Formosa, nước thải, độc tố, cá chết,
TP – Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, Sở TN&MT Hà Tĩnh chịu trách nhiệm giám sát việc xả thải của Cty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS). Tuy nhiên, đại diện Sở này cho biết chưa lắp thiết bị giám sát. Và cứ ba tháng Sở TN&MT mới vào lấy mẫu một lần.
Một góc nhà máy Formosa (ảnh lớn). Ngư dân hoang mang trước việc cá biển chết bất thường (ảnh nhỏ). Ảnh: PV.
Cưỡi ngựa xem hoa
Trao đổi với PV Tiền Phong tại cuộc họp giữa Bộ NN&PTNT với bốn tỉnh ngày 23/4, Thứ trưởng Bộ TN&MT, ông Võ Tuấn Nhân cho biết, giám sát việc xả thải của FHS do Sở TN&MT Hà Tĩnh đảm nhận. Tuy nhiên, đại diện Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết vì điều kiện hạ tầng chưa làm được nên chưa kết nối được với trạm quan trắc tự động mẫu nước của FHS. Như vậy là đã rõ, việc FHS ba tháng đầu năm 2016 nhập về 296 tấn hóa chất sử dụng và xả thải như thế nào chỉ có mỗi đơn vị này biết.
Chiều qua, 25/4, tại cuộc làm việc với PV Tiền Phong, ông Hoàng Dật Thuyên, đại diện Bộ phận An toàn Vệ sinh Môi trường FHS cho biết, FHS nhập 296 tấn hóa chất không phải chỉ để dùng mỗi rửa đường ống. “Số hóa chất đó dùng trong nhiều hạng mục của FHS”, ông Hoàng Dật Thuyên nói. Vị đại diện FHS khẳng định, tất cả nước thải sinh hoạt và công nghiệp trước khi xả ra biển phải qua trạm xử lý sau đó đến trạm quan trắc. Nếu không đạt các chỉ số sẽ bị trả lại trạm để xử lý lại.
“FHS đầu tư 45 triệu USD trong việc xử lý nước thải. Dự án hơn 10 tỷ USD, FHS không dại gì đi làm việc đó”, đại diện Bộ phận An toàn Vệ sinh Môi trường FHS cho biết. Trả lời câu hỏi của PV về việc hiện gần 300 tấn hóa chất Cty nhập về hiện sử dụng bao nhiêu và còn lại những hóa chất gì? Đại diện FHS cho rằng chưa thống kê được. “Số lượng sử dụng và còn lại chúng tôi đang thống kê. Tuy nhiên số hóa chất này là để cho vào nước làm nguội không phải chuyên tẩy rửa đường ống”, đại diện FHS nói.
Tại giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 3215, ngày 11/12/2015 của Bộ TN&MT cấp phép cho FHS, yêu cầu về chất lượng nước thải đơn vị này phải đạt được 12 thông số và giới hạn nồng độ chất ô nhiễm trong nước thải.
Tại phần 2, Bộ TN&MT yêu cầu FHS phải quan trắc liên tục tự động nước thải tại vị trí đập quan trắc nước thải sau khi xử lý từ hệ thống nước xử lý nước thải công nghiệp công suất 45.000m3/ngày đêm với các thông số quan trắc là nhiệt độ, pH, COD, SS, tổng Nitơ và lưu lượng nước thải.
Theo tiết lộ của vị đại diện FHS, đơn vị giám sát việc xả thải là Sở TN&MT Hà Tĩnh. Tuy nhiên việc này được thực hiện thông qua một đơn vị quan trắc. “Thông thường đơn vị quan trắc 3 tháng lấy mẫu một lần. Từ đầu năm đến nay, đơn vị này lấy mẫu hai lần từ tháng 2 và 3. Kết quả đơn vị này báo cáo cho Sở TN&MT Hà Tĩnh”, đại diện FHS nói.
Một góc trạm xử lý nước thải công nghiệp của FHS.
Vì sao nghi vấn FHS?
Trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia có kinh nghiệm nhiều năm về vấn đề tẩy rửa và thụ động hóa về mặt kim loại trước khi vận hành cho rằng còn khi tẩy rửa bề mặt và thụ động hóa bề mặt kim loại trước vận hành sẽ phải sử dụng hàm lượng cao gấp nhiều lần và thường là trong giai đoạn này hệ thống xử lý nước thải của các nhà máy chưa sẵn sàng cho việc này nên họ thường tìm cách đổ ra môi trường. Đặc biệt là các nhà máy không nằm trong khu công nghiệp tập trung, không có nơi xử lý giúp trong giai đoạn đầu”, vị chuyên gia nhận định.
Theo đó, các cơ quan chức năng nên tập trung làm rõ các hóa chất mà FHS nhập về để tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại cho hệ thống. Đặc biệt tập trung vào các hóa chất mua của các nhà sản xuất là Trung Quốc hoặc Đài Loan vì các nhà sản xuất này rất coi thường công tác an toàn môi trường sau bán hàng và dễ thỏa hiệp với khách hàng. “Các Cty hóa chất uy tín thường sẽ từ chối xử lý nếu công tác môi trường không được đảm bảo, gây ảnh hưởng đến uy tín của họ đã gây dựng hàng trăm năm nay”, vị chuyên gia này nói.
Theo nhận định của vị chuyên gia này, theo dõi trên phương tiện truyền thông thấy cá chết chủ yếu sống ở tầng đáy. “Rất khớp với việc sử dụng các chất tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt có tỷ trọng lớn hơn nước biển”, vị chuyên gia nói.
Giải thích vì sao cá lại chết trôi dạt vào các vùng biển từ Hà Tĩnh trở vào, vị này nhận định có thể độc tố chỉ gây chết cá 1 vùng, sau đó cá chết bị phân tán theo một chiều của dòng hải lưu. “Ngoài biển rộng mênh mông, sóng gió liên tục, làm gì có chuyện thiếu oxy để cá chết được. Tôi nghĩ nếu các cơ quan chức năng mà không nhanh tay chắc chắn vào cuộc sẽ không còn gì để mà phát hiện nữa đâu. FHS có thể đã tẩy rửa và thụ động hóa gần xong hết cả nhà máy rồi”, vị chuyên gia lo lắng.
Truy tìm độc tố
Theo vị chuyên gia này, việc truy tìm độc tố trong cá cần phải tập trung vào các độc tố là các muối của kim loại nặng có tỷ trọng lớn hơn nước biển. Vì các hóa chất sau khi thải sẽ tập trung và ít bị phân tán khi bị đưa ra biển. Trong khi đó, các chất hoạt động bề mặt để tẩy rửa dầu và chất diệt vi sinh thường có tỷ trọng gần bằng nước biển nên dễ bị pha loãng và phân tán trong môi trường biển. Điều này rất khó đủ nồng độ để làm cá chết.
Nên tập trung vào phân tích các chỉ tiêu này trong dạ dày cá hay nước biển tại những nơi nuôi trồng thủy sản vẫn còn mẫu nước này. Từ đó mới kết luận có hay không có liên quan đến FHS được. Nếu chỉ phân tích COB, BDO, pH, Độ mặn,…thì không thể kết luận liên quan đến FHS được.
Để kiểm tra FHS có thải những chất này ra biển hay không phải kiểm tra số liệu như ngày nào họ tẩy rửa và thụ động hóa, lượng hóa chất tiêu thụ là bao nhiêu, thể tích nước đã dùng đã tẩy rửa và thụ động là bao nhiêu, bao nhiêu ppm (mg/l) kim loại nặng đi vào hệ thống nước thải, họ đã xử lý bằng phương pháp nào để đạt được các chỉ tiêu nước thải công nghiệp ra môi trường? Dữ liệu chứng minh họ đã phân tích và theo dõi trong quá trình xử lý đâu?
Xây đường ống ngầm để đỡ ảnh hưởng?
Trả lời PV về việc tại sao FHS lại xây dựng hệ thống xả thải ngầm ra biển kéo dài hơn 1,5km. Đại diện FHS cho rằng, nước xả thải là nước ngọt, nếu xả ra khu vực ven bờ sẽ ảnh hưởng đến môi trường bờ biển. “Việc làm ống ngầm ra xa bờ là để mức độ lan tỏa xa hơn”, vị đại diện này nói. Về việc phát ngôn gây sốc chọn nhà máy thép hay chọn tôm cá của ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại FHS. Trao đổi với PV trên chuyến xe đưa PV thị sát hệ thống quan trắc tự động hệ thống xả thải, ông Phàm cho rằng khi đầu tư vào đây được nhà nước cho phép và đã hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề. Trong khu vực phạm vi cảng FHS người dân không thể vào đó đánh bắt vì tàu bè công suất lớn đi lại nhiều, lỡ xảy ra tai nạn thì sao. Khu vực đó đã giao FHS làm dự án thép thì không thể để còn đánh bắt tôm cá”, ông Phàm nói.
Theo: tienphong.vn
Từ khóa: formosa, chất thải, cá chết, độc tố
TP – Trao đổi với PV Tiền Phong về tình trạng “lạm phát” đào tạo tiến sĩ ở nước ta hiện nay, các chuyên gia cho rằng có nguyên nhân từ việc một bộ phận không nhỏ quan chức đua nhau đi học tiến sĩ, do đó có cầu thì ắt có cung.
Các học viên cao học và nghiên cứu sinh làm thủ tục nhập học.
TS Nguyễn Đức Hoạt, nguyên chủ nhiệm khoa tiếng Anh, ĐH Ngoại thương:
Ở Việt Nam, tiến sĩ chủ yếu công tác trong ngành sư phạm, giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ hoặc làm việc tại các viện nghiên cứu. Nhưng cũng có một phần không nhỏ quan chức đua nhau đi học tiến sĩ. Vì quan phải tiến sĩ thì mới xịn. Quan chức đúng là cần chuyên môn nhưng không đến mức phải tiến sĩ. Ở Việt Nam, chúng ta đang nhầm khoa học với công nghệ. Tiến sĩ ở nước ngoài là làm khoa học, còn công nghệ là ứng dụng khoa học vào thực tế.
Điều này có nghĩa là chúng ta đang sính bằng cấp, thưa ông?
Khi nào có cầu ắt sẽ có cung, khi cầu sai thì người ta sẽ làm sai. Vừa qua, tôi được tới 4-5 trường ĐH mời ra đứng tên để thành lập khoa. Hóa ra ta đang rất thiếu cái danh này. Ở nước ngoài làm tiến sĩ phải mất 6 năm, bỏ nhà bỏ cửa để đi làm nhưng Việt Nam chỉ có 3 năm mà lại được ngồi ở nhà, không phải tập trung tại trường. Bài báo không phải đi qua seminar nào. Đội ngũ hướng dẫn cũng chủ yếu chỉ “cơm chấm cơm”. Thầy vừa làm nghiên cứu xong, mấy năm sau lại quay lại hướng dẫn.
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Không nhất thiết làm quản lý phải có học vấn cao
Ở khá nhiều cơ sở, đánh giá chung của tôi là chất lượng chưa cao. Nhất là khi chúng ta mở ra đào tạo thạc sĩ nhiều, chất lượng cũng chỉ nhỉnh hơn so với ĐH. Từ “đà” thạc sĩ, nhiều người có nhu cầu làm tiến sĩ. Trong khi đó, chúng ta thường dễ dãi với nhau về đề tài luận án tiến sĩ. Tôi quan niệm, luận án tiến sĩ phải có cái mới đáng giá ở mức độ nhất định, tất nhiên không đòi hỏi sáng tạo quá nhiều. Tri thức càng lên cao phải càng khó thì mới đảm bảo được chất lượng. Còn hiện nay, chúng ta đào tạo tiến sĩ phần chạy theo thành tích, phần chạy theo thị trường có cầu thì có cung. Quan điểm đào tạo trong giáo dục mà đơn giản như kinh tế trong cơ chế thị trường thì không ổn. Tôi cho rằng phải có cái khác để nâng cao chất lượng.
Như ông nói, đào tạo tiến sĩ hiện nay quá dễ dãi với đề tài luận án, nguyên nhân xuất phát từ đâu, thưa ông?
“Không nhất thiết mọi người quản lý phải có học vấn cao. Bởi vì kỹ thuật quản lý, chuyên môn quản lý đòi hỏi con người những bản lĩnh khác với bản lĩnh học hành như biết nhìn xa, trông rộng, bản lĩnh quyết định trước những việc khó khăn…”
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Thứ nhất là tư duy của người Việt Nam từ xưa đến nay đều coi trọng việc học và đó là cách duy nhất để làm quan. Thứ hai là yếu tố thị trường, nếu đảm bảo cung cầu dễ dàng thì nó tồn tại nhất là khi pháp luật không có quy định cụ thể. Thứ ba là vì cách cất nhắc cán bộ. Do chúng ta không dám nhìn thẳng, không đánh giá thẳng vào năng lực của từng người nên mới phải đưa ra tiêu chí mang tính hình thức. Ví dụ: bằng cấp cao hơn thì ưu tiên hơn… Khi đã đưa ra những tiêu chí này thì những danh hiệu, những chức danh đi theo tiêu chí đó cũng trở nên giả tạo.
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Vậy theo ông, ở cấp độ quản lý nhà nước thì có cần người có trình độ học vấn cao như thế không?
Tôi cho rằng 2 chuyện này khác nhau. Không nhất thiết mọi người quản lý phải có học vấn cao. Bởi vì kỹ thuật quản lý, chuyên môn quản lý đòi hỏi con người những bản lĩnh khác với bản lĩnh học hành như biết nhìn xa, trông rộng, bản lĩnh quyết định trước những việc khó khăn… Người đi theo con đường học vấn lại đòi hỏi bản lĩnh khác như sáng tạo. Nhưng khi chúng ta dính hai chuyện này với nhau thì nó sẽ tác động tới đào tạo.
Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng đào tạo tiến sĩ khoa học xã hội của Việt Nam hiện nay có vấn đề nhất?
Tôi cho rằng xã hội hay kỹ thuật thì cách tiếp cận bằng cấp ngang nhau. Có nhiều người kêu rằng một số đề tài khoa học xã hội hiện nay không có ý nghĩa. Điều này là đúng, nhưng do mọi người không thông thạo các đề tài kỹ thuật, kinh tế, công nghệ. Các đề tài này cũng như thế thôi, là vấn nạn chung của nước ta. Có lẽ chỉ khoa học cơ bản ít hơn vì nó nằm ở không gian hoàn toàn khác, không sát “mặt đất”. Vì nó có tiêu chí đánh giá về mặt khoa học rõ ràng. Còn tất cả thứ khoa học gắn với “mặt đất” thì đều vướng phải vấn đề: đề tài không ra làm sao cả.
Do chúng ta hư danh hay còn do trình độ của người thầy, thưa ông?
Chắc chắn do trình độ của thầy cô. Các nước rất tôn trọng trình độ thật của con người thông qua các công trình thực của người đó. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta vẫn cứ líu ríu mấy chuyện không dám nhìn thẳng vào sự thật khi đánh giá người này kém, người kia giỏi. Trong khi Việt Nam quy định sau khi bảo vệ 3 năm, tiến sĩ sẽ được quay lại hướng dẫn nghiên cứu sinh thì các nước không ấn định về mặt thời gian, họ chỉ quan tâm người đó có nổi tiếng hay không. Vì thực tế, có nhiều người còn nổi tiếng trước khi làm tiến sĩ. Họ đánh giá con người đó có thực sự được các nhà khoa học trọng vọng không, có thực sự có tài không. Còn chúng ta không dám làm việc đó, chúng ta đành đưa ra các tiêu chí hình thức. Chúng ta không dám nhìn vào nội dung xem người đó có bao nhiêu công trình khoa học được công bố ở nước ngoài, trong nước, bao nhiêu công trình được trích dẫn ở các đề tài khoa học khác. Chúng ta không dám đưa ra những tiêu chí mang tính nội dung.
Theo: tienphong.vn
Từ khóa: quản lý, đào tạo, tiến sĩ, trình độ
Một đời đóng sách
Khám phá sách in của người xưa
Xếp Sách Nghệ Thuật Nhân Ngày Ra mắt Thương Hiệu Panda Books
Bài Thuyết Trình Của SC-er tại Ngày Hội Đọc Sách [21/04/2015]
Nghệ thuật làm một cuốn sách
Quá trình làm một quyển Sketch Book hoàn chỉnh
Cách xếp sách thành hình độc đáo
Giá sách sáng tạo
Việc phục hồi những cuốn sách cũ tưởng chừng là rất khó, nhưng với 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, những gì mà nghệ nhân người Nhật Bản, ông Nobuo Okano làm đã khiến người xem phải nể phục.
Cuốn từ điển cũ được nghệ nhân người Nhật Bản hô biến thành mới tinh
Sách luôn là tài sản vô giá của con người, là kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại bởi những tri thức được viết trong sách có thể tồn tại mãi mãi. Thế nhưng, ai cũng từng có lúc phải phiền lòng vì cuốn sách yêu quý của mình bị cũ, hỏng theo thời gian. Những cuốn sách sẽ bị mòn, xỉn màu và tệ hơn cả là bị rách nát. Với tình trạng đó, chúng ta buộc phải bỏ cuốn sách đi vì nó không thể đọc được nữa.
Chân dung nghệ nhân Nobuo Okano, bậc thầy trong việc “hô biến” sách cũ thành mới.
Tuy nhiên, nếu những cuốn sách cũ đó được đưa đến tay của nghệ nhân người Nhật, Nobuo Okano, thì số phận của chúng lại hoàn toàn khác.
Ông Nobuo Okano được biết đến là một kỳ tài "tái sinh" sách với hơn 30 năm kinh nghiệm và đã "cứu sống" được hàng nghìn cuốn sách khác.
Gần đây, một đoạn phim của chương trình Shuri, Bakaseru (Những nghệ nhân tuyệt vời) nói về ông Nobuo Okano và việc “cứu chữa” những cuốn sách cũ của ông trên Đài truyền hình Nhật Bản đã thu hút rất nhiều người xem.
Chỉ bằng những dụng cụ như đục, khắc, nhíp, bàn là… ông Okano đã tái chế thành công một cuốn từ điển lâu năm thành một cuốn sách mới tinh
Chỉ trong vòng 10 phút, ông Okano đã “hô biến” cuốn Từ điển Anh – Nhật, có tuổi đời hơn 30 năm thành một cuốn sách mới tinh ở hiệu sách. Quyển từ điển từng là vật bất ly thân từ khi chủ nhân của nó còn là học sinh trung học cho đến mãi về sau này. Hiện giờ, người chủ muốn dành tặng quyển sách này cho cô con gái sắp sửa bước vào đại học.
Dùng nhíp để gắp các góc giấy bị quăn ở mỗi trang
…rồi sau đó lấy bàn là chuyên dụng làm phẳng lại từng trang giấy.
Okano bắt đầu mọi thứ bằng việc cạo sạch lớp hồ cũ trên gáy sách và phục hồi lại những trang bản đồ bên trong. Mặc dù chúng không thể đưa nó về trạng thái ban đầu, nhưng bây giờ nó đã được dán cố định vào tờ giấy và trở nên chắc chắn hơn.
Tiếp theo, ông Okano tỉ mỉ dùng nhíp lật hết các nếp gấp ở góc sách để kéo phẳng chúng ra. Bây giờ thì cuốn sách trông đã dễ nhìn, nhưng vẫn chưa hoàn tất. Vì phần rìa của các trang giấy đều bị lem vết mực tím nên ông Okano phải dùng máy cắt giấy để xén bớt phần này đi. Tạo trang bìa là bước cuối cùng. Ông Okano làm một trang bìa mới hoàn toàn và sử dụng lại phần tiêu đề của cuốn từ điển cũ.
Cuối cùng, phim kết thúc bằng nụ cười biết ơn và hạnh phúc của người đàn ông khi được trao cho cô con gái quyển sách từng là “tri kỉ” của mình.
Thu Phương (Theo Bored Panda)
Ngày 20/4/2016, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) do Thứ trưởng Trần Văn Tùng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Lạng Sơn để Đánh giá kết quả hoạt động KH&CN năm 2015, tình hình triển khai nhiệm vụ năm 2016 và kế hoạch hoạt động KH&CN năm 2017 và những năm tiếp theo của địa phương; trao đổi, thảo luận những nhiệm vụ KH&CN trọng tâm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết đại hội Đảng bộ Tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ KH&CN tham gia đoàn công tác gồm Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật (KT-KT), Vụ Đánh giá Thẩm định và Giám định công nghệ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch Tổng hợp, Vụ Pháp chế, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại buổi làm việc
Làm việc với Đoàn, về phía tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Nhân dân (UBND) Tỉnh và Lãnh đạo Sở KH&CN cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.
Được sự ủy quyền của Lãnh đạo Tỉnh, đồng chí Lê Minh Thanh, Giám đốc Sở KH&CN báo cáo kết quả hoạt động KH&CN năm 2015, tình hình triển khai nhiệm vụ năm 2016; kế hoạch hoạt động năm 2017 và những năm tiếp theo; nêu một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh đối với Bộ KH&CN.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đề nghị đại diện các sở, ngành của Tỉnh làm rõ thêm các thông tin về cây trồng, sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của địa phương để đại điện các đơn vị thuộc Bộ trong đoàn công tác cùng trao đổi, thảo luận bàn giải pháp phối hợp và hỗ trợ Tỉnh, đồng thời giải đáp các thông tin liên quan đến đề xuất, kiến nghị của Tỉnh.
Với một số sản phẩm đặc sản của tỉnh như hồi, na Chi Lăng, hồng không hạt Bảo Lâm, quýt Bắc Sơn, thạch đen Tràng Định… Thứ trưởng Trần Văn Tùng đề nghị hoạt động KH&CN của tỉnh cần hướng tới việc nâng cao giá trị sản phẩm, áp dụng quy trình sản xuất sạch, an toàn, khép kín; đa dạng hóa nguồn đầu tư tài chính đối với KH&CN để phát huy giá trị các loại đặc sản trên.
Thay mặt Lãnh đạo Tỉnh, đồng chí Lý Vinh Quang giới thiệu và làm rõ thêm với đoàn công tác của Bộ về những tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh; những định hướng của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh đối với hoạt động KH&CN trên địa bàn; trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến góp ý, chỉ đạo của Thứ trưởng tại buổi làm việc và xin ý kiến của Bộ về chủ trương của Tỉnh dự kiến sáp nhập Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thuộc Sở KH&CN với Trung tâm Khuyến nông thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Văn Tùng ghi nhận những kết quả hoạt động KH&CN của Tỉnh trong thời gian qua; đề nghị Tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo ra bước phát triển đột phá ứng dụng KH&CN vào sản xuất, lựa chọn những sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương để tập trung phát triển; đối với việc sáp nhập 02 Trung tâm, Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần nghiên cứu, xây dựng Đề án, đảm bảo hiệu quả hoạt động sau khi sáp nhập.
Đoàn thăm và làm việc với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN
Cùng ngày, Đoàn đến thăm và làm việc với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thuộc Sở KH&CN Tỉnh.
Nguồn: Ngô Xuân Cường, Vụ Phát triển KH&CN địa phương