Buổi làm việc với Giám đốc Tổ chức Mã số mã vạch quốc tế GS1 Châu Á- Thái Bình Dương

 
Sáng 06/12/2016, tại Trụ sở của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Nam Hải cùng đại diện Lãnh đạo một số đơn vị trong Tổng cục đã có buổi tiếp và làm việc với ông Patrik Jonasson – Giám đốc hành chính công khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Mã số mã vạch quốc tế (GS1 Quốc tế) về hợp tác đẩy mạnh hoạt động mã số mã vạch ở Việt Nam.
 
 
 
Tại buổi tiếp, hai bên đã giới thiệu khái quát về các hoat động chính của GS1 Quốc tế cũng như GS1 Việt Nam, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động mã số mã vạch và thảo luận về khả năng hợp tác giữa GS1 Quốc tế và Tổng cục TCĐLCL nhằm giúp GS1 Việt Nam phát triển tốt hơn về lập kế hoạch đề xuất và triển khai chương trình đào tạo về tiêu chuẩn dữ liệu toàn cầu GDS tại Việt Nam; giúp GS1 Việt Nam cơ cấu tại tổ chức; tham gia vào dự án thí điểm liên quan đến GDS do APEC và GS1 chủ trì; áp dụng tiêu chuẩn, giải pháp GS1 vào thành phố thông minh…
 
Tổ chức Mã số mã vạch Việt Nam (GS1 Việt Nam)
 
GS1 Việt Nam là tổ chức Mã số mã vạch (MSMV) quốc gia của Việt Nam, trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, được công nhận là thành viên chính thức của GS1 quốc tế từ tháng 5/1995 và được cấp đầu mã số quốc gia GS1 là 893.
 
GS1 Việt Nam là tổ chức đại diện duy nhất của Việt Nam tại GS1 quốc tế; đại diện cho GS1 để triển khai Hệ thống GS1 tại Việt Nam. GS1 Việt Nam quản lý ngân hàng mã quốc gia 893, cấp mã doanh nghiệp và giúp các nhà sản xuất, phân phối, bán buôn, bán lẻ và các tổ chức quan tâm khác áp dụng công nghệ MSMV trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và cung cấp dịch vụ của mình, cũng như ứng dụng MSMV cho trao đổi dữ liệu bằng điện tử (EDI).
 
Hiện nay, việc quản lý nhà nước đối với hoạt động MSMV được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) và nội dung quản lý nhà nước được tuân thủ theo Quyết định số 45/2002/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 27/3/2002 “Về việc quy định nội dung quản lý nhà nước về MSMV và cơ quan quản lý nhà nước về MSMV” và Quyết định số 15/2006/QĐ-BKHCN ngày 23/8/2006 “Quy định về việc cấp, sử dụng và quản lý MSMV”
 
Hệ thống GS1 có thể chia làm năm nhóm tiêu chuẩn chính như sau: Tiêu chuẩn về các loại mã số; Tiêu chuẩn về các loại mã vạch; Tiêu chuẩn về các gói tin điện tử; Tiêu chuẩn về các mạng toàn cầu (global networks); Tiêu chuẩn về thương mại qua điện thoại di động (Mobile Commerce).
 
Nguồn:  Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Hội nghị các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học lần thứ 13

 
Hội nghị lần thứ 13 của các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học (COP13), cuộc họp lần thứ 8 của các bên tham gia Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học (CP-MOP8) và cuộc họp lần thứ 2 của các bên tham gia Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen (NP-MOP2) đang diễn ra từ ngày 04-17/12/2016 tại Cancun, Mê-hi-cô.
 
 
Hội nghị có khoảng mười nghìn người bao gồm đại diện của các nước thành viên, các nước không phải là thành viên, các tổ chức quốc tế và các tổ chức tham gia COP13, CP-MOP8 và NP-MOP2 tham dự để đàm phán các vấn đề trong khuôn khổ của Công ước và các Nghị định thư về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học cũng như việc thực hiện Kế hoạch chiến lược đa dạng sinh học giai đoạn 2011-2020 và mục tiêu Aichi.
 
 
Chủ đề của Hội nghị là “Lồng ghép đa dạng sinh học vì sự thịnh vượng”, nhấn mạnh tầm quan trọng của các ngành nông nghiệp, du lịch, lâm nghiệp và thuỷ sản trong bảo tồn đa dạng sinh học và sự cần thiết cần lồng ghép các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong các hoạt động của các ngành này. 
 
Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và du lịch là các ngành dựa vào đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái rất lớn. Tuy nhiên, các ngành này cũng có tác động mạnh mẽ tới đa dạng sinh học, gây nên sự suy giảm đa dạng sinh học trên toàn cầu. Chính sự suy giảm này đã có tác động bất lợi tới sự phát triển của các ngành và gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, bao gồm cả các khía cạnh an ninh lương thực và giảm nghèo. Nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ của các ngành này dự báo tiếp tục tăng trong các thập kỷ tiếp theo nên áp lực tới đa dạng sinh học càng gia tăng. Vì vậy, việc lồng ghép đa dạng sinh học trong các ngành là rất cần thiết cho việc đảm bảo sự phát triển bền vững của các ngành, cũng như ngăn chặn sự mất mát đa dạng sinh học.
 
 
 
Đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp cấp cao và COP13 do Tiến sỹ Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường làm trưởng đoàn, các thành viên của đoàn bao gồm đại diện của các Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Tại Hội nghị, đoàn đã chia sẻ các thông tin về lồng ghép các cân nhắc về đa dạng sinh học trong các ngành, cụ thể là những thành tựu trong bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và trong các ngành nông, lâm, ngư nghiệp và thủy sản nói riêng, đồng thời khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với tuyên bố Cancun.
 
 
 
Nguồn:  Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên

Triển lãm chuyên đề giới thiệu một số thành tựu và kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

 
Từ ngày 2/12 đến 3/12/2016, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố Hải Phòng tổ chức Triển lãm mini chuyên đề “Giới thiệu một số thành tựu và kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam" tại Sàn giao dịch Công nghệ và Thiết bị Hải Phòng. Triển lãm nhằm tạo điều kiện cho các viện nghiên cứu, tổ chức KH&CN, trường đại học ở Trung ương và địa phương trình diễn, giới thiệu sản phẩm, công nghệ mới; đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ thương mại hóa các phát minh, sáng chế và các đối tượng sở hữu công nghiệp.
 
 
Phó Giám đốc Sở KH&CN – Bùi Xuân Tuấn phát biểu khai mạc triển lãm
 
Tham gia sự kiện có 12 Viện thành viên trực tiếp trưng bày, giới thiệu công nghệ và giải pháp mới thuộc các lĩnh vực: Vật lý; Hóa học; Cơ học; Công nghệ thông tin; Sinh học; Kỹ thuật nhiệt đới; Môi trường… Những sản phẩm trưng bày, giải pháp KH&CN như: Giải pháp hỗ trị điều trị vết thương bằng tia Plasma lạnh; Máy lọc nước gia đình công nghệ cao GFLife; Các sản phẩm bảo vệ sức khỏe chiết xuất từ nghệ của Viện Hóa học; Robot tay máy 6 bậc tự do, Robot di động thông minh; Một số bộ đèn Led ứng dụng cho nông nghiệp… thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan.
 
Một gian hàng trưng bày sản phẩm tại triển lãm
 
Trong khuôn khổ triển lãm, diễn ra hội thảo chuyên đề “Thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam”. Tham dự triển lãm, bên cạnh việc được trực tiếp tiếp cận các sản phẩm, mô hình, công nghệ mới, khách thăm quan còn được trao đổi, thảo luận về tính hiệu quả và những ứng dụng thiết thực trong đời sống được sản xuất và thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam./.
 
Nguồn:  Thụy Điển, Sở KH&CN Hải Phòng

Khai mạc Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam – Ấn Độ lần thứ 8.

 
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi Lễ.
 
Sáng ngày 03/12 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam – Ấn Độ lần thứ 8. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh đã tham dự và phát biểu tại buổi Lễ.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, từ năm 2007 đến nay, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ và Tổ chức Hòa bình Đoàn kết toàn Ấn Độ đã phối hợp tổ chức thành công 7 kỳ Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam – Ấn Độ và lần này, Liên hoan lần thứ 8 được tổ chức tại Việt Nam. “Sự kiện có ý nghĩa quan trọng để chuẩn bị bước sang năm 2017 – năm mà Lãnh đạo hai nước xác định là “Năm Hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ” nhằm hướng tới kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược” Bộ trưởng nhấn mạnh.
 
Bộ trưởng đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ trong những năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và KH&CN; là một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP hơn 2000 tỉ USD năm 2015 và đã trở thành một cường quốc có vị trí và tiếng nói ngày càng quan trọng ở khu vực và quốc tế. Đồng thời cho rằng, thành công của các cuộc liên hoan này đã và đang góp phần quan trọng vào việc tăng cường và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước. Bộ trưởng mong muốn các hoạt động của Liên hoan sẽ tiếp tục củng cố, tăng cường và thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ phát triển đi vào chiều sâu và thiết thực hơn trong thời gian tới.
 
 
Ngài Kannan Lakshminarayanan phát biểu tại buổi Lễ
 
Phát biểu tại buổi Lễ, Ngài Kannan Lakshminarayanan, Trưởng đoàn Đại biểu nhân dân Ấn Độ nhấn mạnh vai trò quan trọng của các tổ chức nhân dân, Tổ chức Hòa bình và Đoàn kết toàn Ấn Độ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ trong việc tổ chức nhiều hoạt động để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa hai nước thời gian qua. Và bày tỏ tin tưởng, việc tổ chức thành công Liên hoan hữu nghị nhân dân lần thứ 8 đã thể hiện sự quyết tâm của hai nước nhằm tăng cường hoạt động hữu nghị ở mọi cấp độ với khẩu hiệu “Tên tôi, tên anh Việt Nam, Việt Nam và Hồ Chí Mính – chúng ta cùng chiến đấu và sẽ chiến thắng”.
 
Tin, ảnh: Ngũ Hiệp

Đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp cấp Bộ trưởng trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác hạt nhân châu Á (FNCA) lần thứ 17

 
Ngày 30/11/2016, đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc làm Trưởng đoàn đã tham dự cuộc họp cấp Bộ trưởng (MLM) trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác hạt nhân châu Á (FNCA) lần thứ 17 diễn ra tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Cùng tham gia Đoàn có ông Cao Đình Thanh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) – Điều phối viên FNCA tại Việt Nam; Trưởng Văn phòng đại diện KH&CN tại Nhật Bản; đại diện Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ KH&CN và đại diện Ban Hợp tác quốc tế – Viện NLNTVN.
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự cuộc họp
 
Tại Cuộc họp cấp Bộ trưởng FNCA lần thứ 17, các Bộ trưởng và quan chức cấp cao của 12 nước thành viên FNCA (gồm Australia, Bangladesh, Trung Quốc, Indonesia, Kazakhstan, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản và Việt Nam) đã thảo luận, trao đổi quan điểm về các vấn đề liên quan đến chính sách nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình. Chủ đề thảo luận bàn tròn là sự tham gia của các bên liên quan trong chương trình điện hạt nhân, các ứng dụng phi năng lượng và quản lý chất thải phóng xạ. Một số nội dung liên quan khác được các đại biểu tập trung thảo luận như: việc tăng cường hợp tác khu vực và vai trò của các tổ chức quốc tế khác, phương thức đánh giá hiệu quả của các dự án FNCA. 
 
 
Thứ trưởng Phạm Công Tạc, Trưởng đoàn Việt Nam đã trình bày Báo cáo quốc gia Việt Nam về chính sách, thực trạng chương trình điện hạt nhân và các hoạt động ứng dụng công nghệ hạt nhân vào mục đích phi năng lượng và sự tham gia của các bên liên quan.
 
Kết thúc Cuộc họp, các Bộ trưởng đã thông qua Thông cáo chung hướng tới nâng cao vai trò và phương hướng hoạt động của FNCA.
 
Nguồn:  Đoàn công tác MLM

Bộ Khoa học và Công nghệ viếng Lãnh tụ Cuba Fidel Castro

 
Chiều 01/12/2016, Đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ do Thứ trưởng Thứ trưởng Trần Quốc Khánh làm Trưởng đoàn đã tới Đại sứ quán Cuba tại Hà Nội viếng và ghi sổ tang tưởng niệm đồng chí Fidel Castro Ruz, nguyên Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba, Lãnh tụ của nhân dân Cuba anh em.
 
Thay mặt Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã ghi sổ tang: “Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam hết sức đau buồn và tiếc thương khi nhận được tin đồng chí Fidel Castro, Lãnh tụ cách mạng của nhân dân Cuba anh em, người bạn lớn luôn sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong những năm tháng gian khổ đấu tranh giành độc lập, thống nhất và xây dựng đất nước, đã qua đời ngày 25/11/2016.
 
Đồng chí Fidel Castro đã dành trọn cuộc đời mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng cao đẹp, dẫn dắt nhân dân Cuba đi đến những thắng lợi vĩ đại. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, đất nước Cuba đã vượt qua bao khó khăn thử thách, đạt nhiều thành tựu rực rỡ về y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ. Câu nói nổi tiếng của đồng chí Fidel: “Tương lai của quốc đảo phụ thuộc vào những con người khoa học (Futuro de la isla fuera de hombres de ciencia)” và những tư tưởng của đồng chí về phát triển khoa học và công nghệ không chỉ có ảnh hưởng to lớn đến Cuba mà còn là bài học sâu sắc đối với Việt Nam trên con đường phát triển bền vững đất nước dựa vào vai trò động lực của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
 
Thay mặt Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chúng tôi xin gửi đến Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Cuba và qua các đồng chí, đến nhân dân và gia quyến đồng chí Fidel Castro lời chia buồn sâu sắc nhất. Cộng đồng khoa học và công nghệ Việt Nam khẳng định sự ủng hộ trước sau như một đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Cuba và tin tưởng rằng Lãnh đạo và nhân dân Cuba sẽ hoàn thành xuất sắc tâm nguyện của Lãnh tụ Fidel, đưa đất nước Cuba ngày càng phát triển giàu mạnh và phồn vinh”.
 
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Cuba, Đại sứ Cuba tại Việt Nam Herminio López Díaz bày tỏ sự cảm ơn chân thành đối với tình cảm mà Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã dành cho lãnh tụ Cuba Fidel Castro Ruz. 
 
Nguồn:  Vụ Hợp tác quốc tế

Chương trình KH&CN quốc gia: Nhiều sản phẩm đóng góp lớn cho phát triển kinh tế xã hội

 
Ngày 01/12/2016, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình triển khai Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh chủ trì Hội thảo.
 
Hội thảo có sự tham dự của đại diện Ban Chủ nhiệm 3 Chương trình quốc gia, đại diện các đơn vị quản lý các Chương trình quốc gia và đại diện các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Quốc phòng, Công thương, Y tế,…
 
Toàn cảnh Hội thảo
 
3 chương trình quốc gia nói trên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện từ năm 2010. Đến năm 2013, Bộ KH&CN và các Bộ, ngành có liên quan về cơ bản đã xây dựng xong cơ sở pháp lý quy định việc triển khai, quản lý Chương trình, bắt đầu đưa vào thực hiện các nhiệm vụ đầu tiên. 
 
Báo cáo tình hình triển khai 3 Chương trình trong năm 2016 tại Hội thảo, ông Đỗ Thành Long – Giám đốc Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia cho biết, tính đến tháng 10/2016, các Bộ, ngành có liên quan đã xem xét, phê duyệt và bố trí kinh phí cho 69 nhiệm vụ thuộc 3 Chương trình. Trong đó, 62 nhiệm vụ đã được ký Hợp đồng thực hiện. Tỉ lệ doanh nghiệp tham gia làm đơn vị chủ trì nhiệm vụ thuộc 3 Chương trình chiếm hơn 50%; kinh phí đối ứng đầu tư từ các doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ nói trên chiếm 75% tổng kinh phí của nhiệm vụ.
 
Với Chương trình sản phẩm quốc gia, một số kết quả có thể kể đến như: Sản xuất vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng phòng bệnh cho gia súc với doanh thu dự kiến từ vắc-xin này đến năm 2017 đạt trên 50 tỷ đồng, sau năm 2017 có thể đạt trên 300 tỷ đồng; Sản xuất vắc-xin cúm A/H5N1 cho gia cầm với doanh thu dự kiến từ vắc-xin cúm A/H5N1 82 tỷ đồng/205 triệu liều;… Bộ KH&CN, Bộ Y tế đã phối hợp đề xuất với Bộ Tài chính xem xét ưu tiên việc cấp kinh phí sớm để nghiên cứu, sản xuất 6 thành phần của vắc-xin "6 trong 1", mục tiêu đến 2018 có vắc-xin "6 trong 1" của Việt Nam thay thế vắc-xin Quinvaxem đang phải nhập khẩu, phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. 
 
Một sản phẩm nữa có thể kể đến là “Giàn khoan dầu khí di động”. Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt Dự án “Nghiên cứu thiết kế cơ sở, chi tiết, công nghệ chế tạo, tích hợp giàn khoan tự nâng 400ft phù hợp với điều kiện Việt Nam và nghiên cứu phát triển, hoàn cải giàn khoan dầu khí di động phục vụ phát triển kinh tế biển, an ninh quốc phòng”. Dự kiến sản phẩm của dự án là Giàn khoan dầu khí di động Tam Đảo 5 có thể tiến hành khoan ở độ sâu mực nước biển 120m (-120m), với tổng giá trị của giàn khoan là 230 triệu đô la (tương đương 4.600 tỷ đồng). Đến nay, các nội dung liên quan đến tính toán kiểm tra thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết, tính toán kết cấu, ổn định, quy trình thi công, hạ thủy, mô phỏng 2D, 3D các hệ thống công nghệ trên giàn khoan đã cơ bản hoàn thành đến 95% khối lượng công việc, vượt tiến độ so với thuyết minh được phê duyệt; được cơ quan đăng kiểm quốc tế (ABS)/cấp có thẩm quyền xác nhận và đã được ứng dụng trực tiếp vào Dự án chế tạo Giàn Tam Đảo 05 và Dự án kéo dài chân giàn Tam Đảo 02.
 
Với Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, mặc dù mới triển khai nhưng đến nay, một số sản phẩm của các dự án này đang dần dần được hoàn thiện, chuẩn bị được đưa ra thị trường. Ví dụ như Dự án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất thuốc Peginterferon lambda 1, Pegfilgrastim đạt tiêu chuẩn Châu Âu”. Hay Dự án “Hoàn thiện công nghệ chế tạo robot phục vụ đào tạo” thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 đã làm chủ công nghệ chế tạo robot 5 bậc tự do ở quy mô sản xuất hàng loạt, tỷ lệ nội địa hóa cao.
 
Liên quan đến Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, các nhiệm vụ có tính cấp bách, khả thi được lựa chọn thực hiện đã cho những kết quả bước đầu quan trọng như xây dựng hệ thống phương pháp, quy trình lập bản đồ công nghệ ở các cấp độ ngành và quốc gia cũng như hệ thống tiêu chí xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Chương trình bước đầu tiếp cận trình độ xây dựng bản đồ công nghệ của Hàn Quốc và Đài Loan giai đoạn 1999 – 2002 (giai đoạn Hàn Quốc và Đài Loan đã trở thành nước công nghiệp mới); Dự án “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống chiếu sáng chuyên dụng và xây dựng quy trình sử dụng hệ thống chiếu sáng chuyên dụng trong công nghiệp nhân giống và điều khiển ra hoa một số loại cây trồng với quy mô công nghiệp” đã chế tạo thành công hệ thống đèn chiếu sáng chuyên dụng trong nhân giống cây thanh long, hoa cúc thương phẩm, đưa vào kiểm nghiệm thực tế trong điều khiển ra hoa và ra hoa trái vụ cho các loại cây trồng trên tại các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Đà Lạt, Tây Ninh, Tiền Giang, Bắc Ninh,…; tiết kiệm từ 50% tới 75% điện năng tiêu thụ so với phương pháp chiếu sáng thông thường;…
 
Tại Hội thảo, đại diện các Bộ, ngành, đại diện Ban Chủ nhiệm Chương trình,… đã đưa ra những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện và cũng đề xuất nhiều giải pháp thực hiện các Chương trình trong thời gian tới. 
 
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh, tổ chức Hội thảo này, Bộ KH&CN mong muốn đánh giá, nhìn nhận lại quá trình triển khai các Chương trình quốc gia, những kết quả đạt được, chỉ ra những khó khăn, hạn chế và cùng tìm giải pháp tháo gỡ. Thứ trưởng cho rằng, thời gian qua các Chương trình đã được triển khai tích cực và có những sản phẩm đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội như giàn khoan dầu khí di động, các loại vắc-xin, thiết bị nâng hạ có sức nâng lớn,… Tuy nhiên cũng còn một số khó khăn như việc triển khai thực hiện 3 Chương trình quốc gia còn chưa đồng bộ, quy định quản lý tài chính đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước đôi khi chưa phù hợp, việc kết nối với doanh nghiệp để triển khai các Chương trình còn hạn chế nên chưa nhiều doanh nghiệp tham gia,…
 
Thứ trưởng đề nghị những đơn vị thuộc Bộ KH&CN đang quản lý các chương trình quốc gia và Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia cần ghi nhận những ý kiến của các đại biểu, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc và chia thành các nhóm vấn đề như cơ chế chính sách, tài chính, tổ chức thực hiện,… Từ đó, đề xuất các giải pháp để giải quyết sớm nhất có thể các vấn đề còn vướng mắc. Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp tích cực từ các Bộ, ngành liên quan để sớm giải quyết được các vướng mắc hiện tại và tiếp tục triển khai các Chương trình quốc gia trong thời gian tới.
 
Nguồn:  Hạnh Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Tìm hướng đi mới cho Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật

 Ngày 30/11, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật đã tổ chức Hội nghị công tác xuất bản sách KH&CN năm 2016. Tại đây, rất nhiều ý kiến đóng góp về những hướng đi tiềm năng cho công tác xuất bản sách KH-KT-CN được đưa ra.
 
 
Đây là cơ hội quý báu để Nhà xuất bản lắng nghe ý kiến, đóng góp của các tác giả, các nhà khoa học, các tổ chức là các trường Đại học, thư viện, Sở KH&CN các tỉnh, thành phố và đặc biệt là những chia sẻ của các cá nhân tâm huyết với công tác xuất bản nhằm nâng cao chất lượng các xuất bản phẩm là sách, văn hóa phẩm khác để tuyên truyền, phổ biến đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước về KH&CN một cách chính xác, đầy đủ và hiệu quả hơn. Đồng thời, đây cũng là dịp để đội ngũ cán bộ, viên chức Nhà xuất bản KH&KT được tự tin khẳng định và xây dựng hình ảnh, mạng lưới cộng tác viên của mình ở khắp các lĩnh vực KH&CN khác nhau.
 
 
Báo cáo của Nhà xuất bản cho thấy, trong năm 2015, Nhà xuất bản đã phối hợp với 10 đơn vị thuộc Bộ KH&CN xuất bản 17 đề tài; phối hợp với các tổ chức, trường đại học, viện nghiên cứu xuất bản 97 đề tài phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức.
 
Bên cạnh đó, Nhà xuất bản đã xuất bản được 4 đề tài với 9.240 bản và được chuyển tới thư viện của các bộ, ngành, các địa phương trong cả nước phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến, và phát triển KH&CN.
 
Ngoài ra, Nhà xuất bản đã phối hợp với Cục Thông tin KH&CN Quốc gia xuất bản cuốn KH&CN Việt Nam năm 2015; KH&CN thế giới năm 2015. Phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam, Bộ KH&CN xuất bản sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016 nhằm tôn vinh, cổ vũ các tổ chức và cá nhân có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả trong hoạt động KH&CN, công bố rộng rãi các công trình sáng tạo KH&CN.
 
Với mong muốn từng bước chuẩn hóa tài liệu, bồi dưỡng quản lý nhà nước về KH&CN, góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về KH&CN, Nhà Xuất bản KH&KT đã phối hợp với Trường Quản lý KH&CN xuất bản cuốn sách “Quản lý nhà nước về KH&CN”. Đây là bộ sách được nhiều khoa học, cán bộ quản lý nhà nước về KH&CN biên soạn một cách kĩ lưỡng.
 
Đặc biệt, trong năm qua, Nhà xuất bản đã lựa chọn sách tham gia dự thi "sách Hay, sách Đẹp" và 02 đề tài đã đoạt giải Đồng sách Hay cho cuốn “Bảo tồn đa dạng sinh học dải ven bờ Việt Nam” và cuốn “Giải pháp xây dựng công trình điều tiết chống hạn và xâm nhập mặn trên hệ thống sông Hồng”; 02 đề tài đã đoạt giải Khuyến khích sách Hay cho cuốn “Tiến bộ KH&CN: Vi nấm diệt côn trùng phục vụ nông lâm nghiệp tại Việt Nam” và cuốn “Thuật ngữ dược học Anh – Việt”.
 
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe nhiều ý kiến tham luận về xuất bản, liên kết và phát hành sách khoa học, kỹ thuật và công nghệ giai đoạn hiện nay như: trao đổi về công tác xuất bản trong tình hình mới; vấn đề liên kết trong hoạt động xuất bản; lựa chọn đề tài sách KH&CN để xuất bản và các tiêu chí cần có để đạt giải thưởng sách Hay, sách Đẹp hằng năm; xuất bản sách vàng Sáng tạo Việt Nam hằng năm; tầm quan trọng của công tác biên tập xuất bản và yêu cầu về nâng cao chất lượng biên tập sách hiện nay; bảo vệ bản quyền và quyền sao chép ở Việt Nam; xuất bản sách đổi mới, quản lý và hội nhập quốc tế về KH&CN trong giai đoạn hiện nay.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, NXB cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng nội dung, mở rộng thêm lĩnh vực, phân khúc thị trường rõ ràng để hướng đến từng đối tượng cụ thể trong xã hội… Hy vọng trong thời gian tới, Nhà xuất bản KH&KT sẽ trở thành Nhà xuất bản có uy tín, năng lực hàng đầu về lĩnh vực KH&CN và một số lĩnh vực mũi nhọn khác nhằm phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập Quốc tế.
 
Ông Võ Tuấn Hải, Phó Giám đốc Nhà xuất bản cho biết: Để thực hiện tốt hơn nữa trong công tác xuất bản, năm tới các đề tài của NXB sẽ tập trung vào các mảng: KHTN, KHXH nhân văn, các hướng công nghệ ưu tiên: công nghệ thông tin truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy – tự động hoá, công nghệ môi trường; các đề tài công bố các kết quả nghiên cứu ứng dụng KH&CN trong các ngành, lĩnh vực, địa phương: KH&CN nông nghiệp, KH&CN y, dược, KH&CN năng lượng, KH&CN GTVT, KH&CN xây dựng, KH&CN biển, KH&CN quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, KH&CN vũ trụ, KH&CN ở các vùng, địa phương; các đề tài liên quan đến phát triển dịch vụ KH&CN tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, thông tin, thống kê KH&CN, phát triển thị trường KH&CN gắn với thực thi sở hữu trí tuệ, tích cực chủ động hội nhập quốc tế về KH&CN.
 
Bên cạnh đó, NXB sẽ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá trong việc lựa chọn đề tài sách và tác giả; xây dựng tủ sách các đề tài KH&CN ứng dụng vào sản xuất, đời sống; tủ sách dành cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp KH&CN về sáng tạo, đổi mới và quản trị công nghệ; tủ sách giáo trình, tham khảo, chuyên khảo cho sinh viên ngành KH, KT, công nghệ; tủ sách các ngành mũi nhọn: điện gia dụng, điện tử, chế biến thực phẩm, đóng tàu, máy nông nghiệp, công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng, ô tô và sản xuất phụ tùng; tủ sách phổ biến tri thức mới, sở hữu trí tuệ, công nghệ cao như năng lượng nguyên tử, công nghệ vũ trụ…
 
 
Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị
 
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: Việc gặp gỡ hàng năm của Nhà xuất bản với các cộng tác viên, các cơ quan sẽ góp phần giúp cho nhà xuất bản có thể thực hiện được tốt công tác xuất bản trong năm qua. Sau 1 năm hoạt động, Nhà xuất bản đã có nhiều cố gắng và đạt nhiều kết qủa. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, được sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành, các cơ quan quản lý, sự hỗ trợ, phối hợp, tạo điều kiện của các đơn vị trong và ngoài Bộ, nhà xuất bản đã thực hiện được các mục tiêu của mình. Bộ KH&CN đánh giá cao sự cố gắng của Nhà xuất bản trong thời gian vừa qua, các hoạt động xuất bản phục vụ cho công tác KH&CN cũng như các lĩnh vực khác mà Nhà xuất bản đang thực hiện. Trong thời gian vừa qua, có 1 số tác phẩm của Nhà xuất bản đã được lựa chọn để tham gia vào các cuộc thi và hi vọng trong thời gian tới, các tác phẩm của Nhà xuất bản sẽ đạt được các giải cao hơn nữa tại các cuộc thi. Ngoài ra, Hội nghị cũng là dịp quan trọng để các đại biểu trao đổi, chia sẻ để nhà xuất bản thực hiện tốt các nhiệm vụ do Bộ KH&CN giao, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và những tri thức về KH&CN đến với xã hội.
 
Đây là Hội nghị quan trọng góp phần cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho các đại biểu tham dự, nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác xuất bản sách nói chung cũng như công tác xuất bản sách KH&CN nói riêng nhằm phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập Quốc tế.
 
 
 
 
 
ÁNH TUYẾT
 
 

Nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản sách khoa học và công nghệ

 
Ngày 30/11, tại Hà Nội, Nhà xuất bản (NXB) Khoa học và Kỹ thuật đã tổ chức Hội nghị công tác xuất bản sách Khoa học và Công nghệ (KH&CN) năm 2016. Tại đây, rất nhiều ý kiến đóng góp về những hướng đi tiềm năng cho công tác xuất bản sách KH-KT-CN được đưa ra.
 
Đây là cơ hội quý báu để Nhà xuất bản lắng nghe ý kiến, đóng góp của các tác giả, các nhà khoa học, các tổ chức là các trường Đại học, thư viện, Sở KH&CN các tỉnh, thành phố và đặc biệt là những chia sẻ của các cá nhân tâm huyết với công tác xuất bản nhằm nâng cao chất lượng các xuất bản phẩm là sách, văn hóa phẩm khác để tuyên truyền, phổ biến đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước về KH&CN một cách chính xác, đầy đủ và hiệu quả hơn. Đồng thời, đây cũng là dịp để đội ngũ cán bộ, viên chức Nhà xuất bản KH&KT được tự tin khẳng định và xây dựng hình ảnh, mạng lưới cộng tác viên của mình ở khắp các lĩnh vực KH&CN khác nhau.
 
Báo cáo của Nhà xuất bản cho thấy, trong năm 2015, Nhà xuất bản đã phối hợp với 10 đơn vị thuộc Bộ KH&CN xuất bản 17 đề tài; Phối hợp với các tổ chức, trường đại học, viện nghiên cứu xuất bản 97 đề tài phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức.
 
Bên cạnh đó, Nhà xuất bản đã xuất bản được 4 đề tài với 9.240 bản và được chuyển tới thư viện của các bộ, ngành, các địa phương trong cả nước phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến, và phát triển KH&CN.
 
 
Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị
Ngoài ra, Nhà xuất bản đã phối hợp với Cục Thông tin KH&CN Quốc gia xuất bản cuốn KH&CN Việt Nam năm 2015; KH&CN thế giới năm 2015. Phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam, Bộ KH&CN xuất bản sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016 nhằm tôn vinh, cổ vũ các tổ chức và cá nhân có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả trong hoạt động KH&CN, công bố rộng rãi các công trình sáng tạo KH&CN.
 
Với mong muốn từng bước chuẩn hóa tài liệu, bồi dưỡng quản lý nhà nước về KH&CN, góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về KH&CN, Nhà Xuất bản KH&KT đã phối hợp với Trường Quản lý KH&CN xuất bản cuốn sách “Quản lý nhà nước về KH&CN”. Đây là bộ sách được nhiều khoa học, cán bộ quản lý nhà nước về KH&CN biên soạn một cách kĩ lưỡng.
 
Đặc biệt, trong năm qua, Nhà xuất bản đã lựa chọn sách tham gia dự thi sách Hay, sách Đẹp và 02 Đề tài đã đoạt giải Đồng sách Hay cho cuốn “Bảo tồn đa dạng sinh học dải ven bờ Việt Nam” và cuốn “Giải pháp xây dựng công trình điều tiết chống hạn và xâm nhập mặn trên hệ thống sông Hồng”; 02 đề tài đã đoạt giải Khuyến khích sách Hay cho cuốn “Tiến bộ KH&CN: Vi nấm diệt côn trùng phục vụ nông lâm nghiệp tại Việt Nam” và cuốn “Thuật ngữ dược học Anh – Việt”.
 
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe nhiều ý kiến tham luận về xuất bản, liên kết và phát hành sách khoa học, kỹ thuật và công nghệ giai đoạn hiện nay như: Trao đổi về công tác xuất bản trong tình hình mới; Vấn đề liên kết trong hoạt động xuất bản; Lựa chọn đề tài sách KH&CN để xuất bản; Xuất bản sách vàng Sáng tạo Việt Nam hằng năm; Tầm quan trọng của công tác biên tập xuất bản và yêu cầu về nâng cao chất lượng biên tập sách hiện nay; Bảo vệ bản quyền và quyền sao chép ở Việt Nam; Xuất bản sách đổi mới, quản lý và hội nhập quốc tế về KH&CN trong giai đoạn hiện nay.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, NXB cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng nội dung, mở rộng thêm lĩnh vực, phân khúc thị trường rõ ràng để hướng đến từng đối tượng cụ thể trong xã hội,… Hy vọng trong thời gian tới, Nhà xuất bản KH&KT sẽ trở thành Nhà xuất bản có uy tín, năng lực hàng đầu về lĩnh vực KH&CN và một số lĩnh vực mũi nhọn khác nhằm phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập Quốc tế.
 
Toàn cảnh Hội nghị công tác xuất bản sách KH&CN năm 2016
Ông Võ Tuấn Hải, Phó Giám đốc Nhà xuất bản cho biết: Để thực hiện tốt hơn nữa trong công tác xuất bản, năm tới các đề tài của NXB sẽ tập trung vào các mảng: KHTN, KHXH nhân văn, các hướng công nghệ ưu tiên: công nghệ thông tin truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy – tự động hoá, công nghệ môi trường; Các đề tài công bố các kết quả nghiên cứu ứng dụng KH&CN trong các ngành, lĩnh vực, địa phương: KH&CN nông nghiệp, KH&CN y, dược, KH&CN năng lượng, KH&CN GTVT, KH&CN xây dựng, KH&CN biển, KH&CN quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, KH&CN vũ trụ, KH&CN ở các vùng, địa phương; Các đề tài liên quan đến phát triển dịch vụ KH&CN tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, thông tin, thống kê KH&CN, phát triển thị trường KH&CN gắn với thực thi sở hữu trí tuệ, tích cực chủ động hội nhập quốc tế về KH&CN.
 
Bên cạnh đó, NXB sẽ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá trong việc lựa chọn đề tài sách và tác giả; Xây dựng tủ sách các đề tài KH&CN ứng dụng vào sản xuất, đời sống; Tủ sách dành cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp KH&CN về sáng tạo, đổi mới và quản trị công nghệ; Tủ sách giáo trình, tham khảo, chuyên khảo cho sinh viên ngành KH, KT, công nghệ; Tủ sách các ngành mũi nhọn: điện gia dụng, điện tử, chế biến thực phẩm, đóng tàu, máy nông nghiệp, công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng, ô tô và sản xuất phụ tùng; tủ sách phổ biến tri thức mới, sở hữu trí tuệ, công nghệ cao như năng lượng nguyên tử, công nghệ vũ trụ…
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: Việc gặp gỡ hàng năm của Nhà xuất bản với các cộng tác viên, các cơ quan sẽ góp phần giúp cho nhà xuất bản có thể thực hiện được tốt công tác xuất bản trong năm qua. Sau 1 năm hoạt động, Nhà xuất bản đã có nhiều cố gắng và đạt nhiều kết qủa. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, được sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành, các cơ quan quản lý, sự hỗ trợ, phối hợp, tạo điều kiện của các đơn vị trong và ngoài Bộ, nhà xuất bản đã thực hiện được các mục tiêu của mình. Bộ KH&CN đánh giá cao sự cố gắng của Nhà xuất bản trong thời gian vừa qua, các hoạt động xuất bản phục vụ cho công tác KH&CN cũng như các lĩnh vực khác mà Nhà xuất bản đang thực hiện. Trong thời gian vừa qua, có 1 số tác phẩm của Nhà xuất bản đã được lựa chọn để tham gia vào các cuộc thi và hi vọng trong thời gian tới, các tác phẩm của Nhà xuất bản sẽ đạt được các giải cao hơn nữa tại các cuộc thi. Ngoài ra, Hội nghị cũng là dịp quan trọng để các đại biểu trao đổi, chia sẻ để nhà xuất bản thực hiện tốt các nhiệm vụ do Bộ KH&CN giao, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và những tri thức về KH&CN đến với xã hội.
 
Đây là Hội nghị quan trọng góp phần cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho các đại biểu tham dự, nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác xuất bản sách nói chung cũng như công tác xuất bản sách KH&CN nói riêng nhằm phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập Quốc tế.
 
Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ 3
(VietQ.vn) – Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật sẽ tham gia tại gian hàng C76 từ ngày 20-24/4/2016, với chủ đề “Sách với tác giả”.
Ánh Tuyết

Cảnh báo nguy hiểm với đồ chơi hạt nhựa nở Trung Quốc

Hạt nhựa nở bày bán tràn lan trước cổng trường học. Ảnh H.T   

Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa vừa phát đi cảnh báo về đồ chơi hạt nhựa nở Trung Quốc có nguy cơ nguy hiểm tới an toàn sức khỏe của trẻ nhỏ.

Ông Vũ Đại Dương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho biết sản phẩm hạt nhựa nở không đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ. 

Qua kết quả kiểm tra, khảo sát chất lượng đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã phát hiện trên thị trường xuất hiện loại hàng hóa được mô tả “Đồ chơi hạt nhựa nở trong nước”, trên nhãn hàng hóa ghi dòng chữ bằng tiếng Anh “Seven Color Crystal Ball”. Loại sản phẩm này qua thử nghiệm và đánh giá cho thấy có chỉ tiêu cơ lý về sự giãn nở trong nước không đạt yêu cầu theo quy hiện hành.

Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam, ông Vũ Đại Dương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho biết, qua kết quả kiểm tra, khảo sát chất lượng đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đã tiến hành khảo sát và lấy mẫu đồ chơi hạt nhựa nở để kiểm tra.

“Qua kết quả kiểm nghiệm hạt nhựa nở mà chúng tôi có được, sản phẩm này có chỉ tiêu cơ lý không phù hợp với quy định tại TCVN 6238-1:2001 và không đảm bảo an toàn theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN3:2009/ BKHCN”, ông Dương cho biết.

Theo ông Dương, những sản phẩm này có nguy cơ gây nguy hiểm tới an toàn và sức khỏe của trẻ em nếu hạt nhựa này lọt vào đường hô hấp, khi gặp nước giãn nở ra sẽ khiến trẻ bị tắc khí quản, có thể dẫn tới tử vong.

 

Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng cho hay, theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa thì đây là loại hàng hóa không được phép lưu thông trên thị trường.

“Hiện chúng tôi đã có thông báo và khuyến cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt đối với phụ huynh học sinh cần khuyến cáo con em mình không được mua và sử dụng loại đồ chơi này. Chúng tôi cũng đã có văn bản chỉ đạo phối hợp giữa các cơ quan chức năng như: Quản lý thị trường, Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng các tỉnh, thành phố kiểm tra mặt hàng đồ chơi trẻ em, trong đó có kiểm tra đồ chơi hạt nhựa nở, nếu phát hiện sẽ thu hồi, xử lý”, ông Dương cho biết.

 

Theo khảo sát của phóng viên Chất lượng Việt Nam, hạt nhựa nở được bày bán nhiều tại các cửa hàng tạp hóa, đặc biệt ở cổng trường học tại địa bàn Hà Nội. Hạt nhựa nở được bán với giá 2.000 đồng/gói, mỗi gói nhỏ có khoảng 30 hạt nhựa nở cùng một con vật trang trí đi kèm.

Hạt nhựa nở có xuất xứ từ Trung Quốc, với kích thước ban đầu chỉ nhỏ bằng hạt đỗ, nhưng chỉ sau 1-2h đồng hồ ngâm trong nước, hạt nhựa trương nở thể tích của nó có thể tăng tới 300 – 400 lần. Hạt nhựa nở khi hút no nước có độ co giãn đàn hồi và dễ trơn trượt. Trên bao bì của các sản phẩm này không có nhãn phụ bằng tiếng Việt cũng như các thông tin cảnh báo an toàn cho từng lứa tuổi./.

 

Nguồn:  Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng


Hạt nhựa nở bày bán tràn lan trước cổng trường học. Ảnh H.T