Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật phối hợp tham gia Tổ chức biên tập xuất bản, in và phát hành “Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016”

Sách tuyển chọn và công bố 71 công trình sáng tạo khoa học công nghệ xuất sắc, tương ứng với 71 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được lựa chọn từ 186 công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ đã được ứng dụng, có hiệu quả cao trong sản xuất, đời sống, đóng góp quan trọng cho nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sách đã được chính thức công bố phát hành sáng ngày 29/8/2016, tại Hà Nội.
 
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (thứ 3 từ phải sang) cùng Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (thứ 3 từ trái sang), Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh (thứ 2 từ trái sang) ,GS.TSKH. Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (thứ 2 từ phải sang) cùng các lãnh đạo công bố "Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016".
 “Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016” nhằm giới thiệu, biểu dương các điển hình sáng tạo, khẳng định năng lực sáng tạo của người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước. Sách giới thiệu các tấm gương sáng tạo và ứng dụng các công trình sáng tạo trong phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giới thiệu những sản phẩm nghiên cứu có tính ứng dụng rộng rãi, mang lại nhiều giá trị thiết thực cho đời sống hàng ngày.
 
Lần đầu ra mắt, cuốn sách đã giới thiệu những sản phẩm nghiên cứu có tính ứng dụng rộng rãi, mang lại nhiều giá trị thiết thực cho đời sống hàng ngày. Ông Mai Văn Cúc (Bình Phước) là người tự sáng chế máy bẫy sinh học diệt ruồi vàng hại hoa quả. Bà Phan Thị Thuận, Công ty TNHH Tơ tằm Mỹ Đức sáng chế mền bông bằng tơ tằm do con người điều khiển con tằm tự dệt nên sản phẩm. Cô gái người dân tộc vùng cao Tẩn Mý Dao (Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Nậm Mạ), xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đã tự nhân giống cây lá tắm (củ cải Hphây) bằng giâm hom và trồng cây lá tắm dưới tán lá rừng. Ngoài ra còn những công trình đậm chất sáng tạo khoa học, có hàm lượng công nghệ cao phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng…
 
 
Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016” có nhiều công trình xuất sắc có tính ứng dụng rộng rãi, mang lại nhiều giá trị thiết thực cho đời sống hàng ngày.
 
Đặc biệt, trong cuốn sách này có sự góp mặt của một số tác giả đã từng đạt Giải thưởng Nhân tài Đất Việt do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam khởi sướng. Đó là tác giả Hoàng Đức Thảo –Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa – Vũng Tàu, người được trao Giải thưởng Nhân tài Đất Việt lĩnh vực Khoa học Công nghệ năm 2014; nhóm tác giả đến từ Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Navis của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với Bộ Giải pháp định vị GPS/GNSS ứng dụng trong định vị độ chính xác cao đạt giải nhất Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2015 lĩnh vực Công nghệ Thông tin triển vọng…
 
Phát biểu tại Lễ công bố, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương sáng kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về việc phối hợp tổ chức tuyển chọn, biên tập, công bố và phát hành cuốn Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016, ra mắt đúng dịp kỷ niệm 71 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2016). “Đã có hàng nghìn công trình khoa học công nghệ được trao giải, được áp dụng vào thực tiễn, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Việc tuyển chọn và công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016 là việc làm sáng tạo, kịp thời cổ vũ, động viên các nhà khoa học, nhà sáng chế, giúp người dân biết rõ hơn những công trình khoa học công nghệ đã góp phần tạo nên thành quả kỳ diệu những năm đổi mới của đất nước, và góp phần hình thành văn hóa sáng tạo của người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
 
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam khẳng định, trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, sáng tạo luôn là một phẩm chất của người Việt ta, cùng với các giá trị truyền thống như dũng cảm, kiên cường, đoàn kết đã tạo nên sức mạnh tinh thần và vật chất của dân tộc Việt Nam.
 
Từ năm 2016 và những năm tiếp theo, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ các bộ, ngành liên quan tổ chức tuyển chọn, công bố và phát hành Sách vàng Sáng tạo Việt Nam hàng năm.
 
Một số hình ảnh tại Lễ công bố "Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016":
 
 
Lãnh đạo Nhà nước, các bộ, ngành chụp ảnh lưu niệm cùng các tác giả của các công trình có mặt trong "Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016".
 
 
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam chụp ảnh cùng các tác giả có công trình ghi danh trong "Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016".
 
 
Ông Võ Văn Dũng (bên trái, ngoài cùng), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Nội chính Trung ương và GS. TSKH. Đặng Vũ Minh (bên phải, ngoài cùng) – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao tặng cho Tiến sỹ Phạm S (giữa) – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng giấy chứng nhận và cuốn "Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016".
 
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ, dân tộc Việt Nam muốn bứt phá nhanh hơn nữa, bền vững hơn nữa thì cần phát huy năng lực sáng tạo của dân tộc. Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội vươn lên, phát triển nhanh và bền vững. Cạnh tranh giữa các quốc gia, suy cho cùng là cạnh tranh trong việc sáng tạo và phát huy nguồn vốn tri thức, khoa học và công nghệ, thể hiện qua chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học và phát triển công nghệ giữa các quốc gia. Do vậy, việc trân trọng, tôn vinh và phát huy tiềm năng sáng tạo của mỗi người Việt Nam là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh nội sinh của cả dân tộc để xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ Thuật
 
(Bài viết có sử dụng hình ảnh của Báo Khoa học và Phát triển)
 
 
 
 

Lộ trình công nghệ – hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

 
 
Lộ trình công nghệ đã giúp các tập đoàn lớn phát triển công nghệ và sản phẩm
 
Sau khi lộ trình công nghệ (TRM) được xây dựng và triển khai ứng dụng một cách hiệu quả của trong các doanh nghiệp, từ đầu những năm 2000 đến nay, các chính phủ, bộ ngành và hiệp hội đã bắt đầu sử dụng TRM trong việc hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp và thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN).
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Hoàng, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN khi nói về vấn đề xây dựng lộ trình công nghệ cho doanh nghiệp.
 
Xây dựng lộ trình công nghệ 
 
Với sự quan tâm ngày càng tăng trong việc phát triển các công nghệ mới và mới nổi,lộ trình công nghệ đã được sử dụng rộng rãi để nghiên cứu và quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp. Các chính phủ ngày càng sử dụng phương pháp tiếp cận TRM trong công nghệ và đã triển khai xây dựng hơn 2000 lộ trình công nghệ từ quy mô ngành trở lên được xây dựng trong các lĩnh vực khác nhau trong khoảng 15 năm vừa qua. 
 
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ thì TRM là một công cụ dự báo kinh doanh thực tế đem lại cho các doanh nghiệp ở trong một lĩnh vực cụ thể một con đường để dự đoán các nhu cầu công nghệ và sản phẩm tương lai của mình, và đưa ra cách thức tốt nhất để đạt được các nhu cầu đó. 
 
Đối với các doanh nghiệp, lộ trình công nghệ là công cụ để cụ thể hóa những chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, là bí quyết kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Thách thức chủ yếu đối với doanh nghiệp là phát triển và duy trì lợi thế cạnh tranh trong môi trường kinh doanh phức tạp. 
 
“Thị trường và công nghệ biến đổi nhanh chóng, sức ép về giá cả và sự đòi hỏi của khách hàng ngày càng gia tăng, vòng đời của sản phẩm và thời gian xuất hiện của sản phẩm trên thị trường ngày càng rút ngắn. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cần chú trọng vào thị trường ngày càng rút ngắn. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cần chú trọng vào thị trường tương lai của mình và sử dụng kế hoạch công nghệ chiến lược để giữ vai trò đi đầu trong bối cảnh nà”, ông Nguyễn Anh Dũng cho hay.
 
Thông qua quá trình xây dựng một bản TRM, các công ty có thể đóng góp và chia sẻ các nguồn lực với doanh nghiệp khác trong ngành; cùng với khách hàng để suy nghĩ và định hướng về tương lai. Đồng thời, các công ty sẽ nhận dạng những gì mà một thị trường cụ thể sẽ đòi hỏi.
 
Khi những nhu cầu tương lai đã được xác định, các công ty quay trở lại để khẳng định các công nghệ cần được phát triển hoặc thích nghi để đáp ứng được nhu cầu đó. Theo đó, để phát triển một TRM, ông Nguyễn Đức Hoàng cho rằng cần phải dự báo các nhu cầu thị trường, dự báo những vấn đề liên quan đến sản phẩm và dự báo những vấn đề liên quan đến công nghệ. Một giai đoạn thực hiện quan trọng tiếp theo đó là để phát triển các công nghệ đã được khẳng định.
 
Phát triển công nghệ lõi đảm bảo cạnh tranh
 
Samsung được thành lập năm 1968 và hiện nay đã trở thành một trong những doanh nghiệp điện tử hàng đầu trên thế giới. Tổng doanh thu của Tập đoàn Samsung và 63 chi nhánh của nó đạt 122 tỷ USD trong năm 2004, tăng từ 102 tỷ USD trong năm 2003, chiếm 20,7 phần trăm tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong năm 2004. Các sản phẩm chính của Tập đoàn bao gồm DRAM bán dẫn, màn hình LCD (Liquid Crystal Display ) , và thiết bị cầm tay . Thành công của Samsung có sự đóng góp lớn của Viện Công nghệ tiên tiến Samsung – SAIT.
 
SAIT được thành lập năm 1987 với mục tiêu ban đầu là phát triển các công nghệ tiên tiến. Trong những thập niên 90, SAIT đã chuyển từ định hướng quản lý theo chi phí sang quản lý theo chất lượng. Sau đó, SAIT đã tập trung vào xây dựng và triển khai kế hoạch R&D trung và dài hạn dựa trên các lĩnh vực nghiên cứu chính.Từ những năm 2000 trở lại đây, các kế hoạch R&D của SAIT được gắn chặt với các kế hoạch kinh doanh của tập đoàn.
 
Để tồn tại và phát triển trên thị trường thế giới có mức độ cạnh tranh khốc liệt, Samsung cần thiết phải phát triển những công nghệ lõi từ công nghệ mới nổi thông qua các bằng sáng chế. Từ mục tiêu đó, SAIT đã phát triển và thúc đẩy các dự án R&D nhằm mang lại các công nghệ khác biết. Trong quá trình đó, việc lập kế hoạch của SAIT gắn chặt với chiến lược kinh doanh và lộ trinh công nghệ của tập đoàn.
 
Trong giai đoạn lập kế hoạch, mỗi dự án R&D đều được tham chiếu đến lộ trình công nghệ cũng như các chiến lược kinh doanh.Đây là yếu tố chính dẫn đến hiệu suất thương mại hóa rất cao của các dự án R&D của SAIT. Thông qua việc lập lộ trình công nghệ, SAIT đã phối hợp với các bộ phận kinh doanh phân bổ nguồn lực, lập kế hoạch cụ thể cho các hoạt động R&D và thương mại cũng như chuẩn bị cho việc phát triển các lộ trình công nghệ tiếp theo. Phương pháp cây công nghệ đã được SAIT sử dụng để xác định các công nghệ lõi cũng như mối quan hệ giữa các công nghệ lõi và công nghệ mới nổi. Những phân tích này được sử dụng trong việc đánh giá tầm quan trọng cũng như mức độ ưu tiên của các dự án R&D trong lộ trình công nghệ. Phương pháp TRIZ cũng được sử dụng để dự đoán quỹ đạo phát triển của các công nghệ cụ thể, từ đó tìm ra giải pháp và hướng sáng tạo mới trong các dự án R&D. 
 
Kết quả là trong năm 2004, 80% dự án R&D của SAIT đã được thương mại hóa so với 61% của năm 2002 và 18% của năm 1997. Bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ tăng từ 19% trên tổng số 380 trong năm 1997 đến 85% trên tổng số 1400 trong năm 2004. Đây cũng là một trong những nguyên nhân để Samsung dẫn trước các đối thủ cạnh tranh chính từ 6 tháng – 2 năm trong việc áp dụng công nghệ 56nm để sản xuất DDRAM trong giai đoạn 2007 và công nghệ 30nm trong năm 2011.
 
Khác với các tập đoàn lớn, lộ trình công nghệ của doanh nghiệp vừa và nhỏ phụ thuộc hoàn toàn vào lộ trình công nghệ của các tập đoàn lớn cũng như của ngành công nghiệp và thường được hỗ trợ từ phía ngành công nghiệp và các tập đoàn trong quá trình lập lộ trình công nghệ.
 
Motorola,  Philips , BP, Samsung, LG, Rockwell, EDAC  là một  trong số các tập đoàn hàng đầu thế giới đã sử dụng lộ trình công nghệ như là một phần quan trọng của hệ thống sáng tạo của họ. Các tập đoàn thường mời các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vai trò là đối tác hoặc nhà cung cấp, tham gia ngay từ giai đoạn bắt đầu xây dựng lộ trình công nghệ để xác định khả năng cung cấp của các doanh nghiệp phụ trợ.Sau đó, các doanh nghiệp phụ trợ lại sử dụng lộ trình công nghệ của các tập đoàn để lên kế hoạch phát triển sản phẩm mới.Ở Singapore, điều này đã giúp tăng thời gian trong việc lập kế hoạch phát triển công nghệ-sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ 4-6 tháng như trước đây lên 3-5 năm.
 
Ví dụ về lộ trình công nghệ của ngành công nghiệp là lộ trình công nghệ thiết kế điện tử tự động của Hiệp hội Thiết kế điện tử tự động, ông Nguyễn Đức Hoàng cho biết, đây là một hiệp hội quốc tế của các công ty phát triển các công cụ và dịch vụ cho phép các kỹ sư thiết kế vi mạch điện tử . Ngành công nghiệp thiết kế vi mạch cung cấp các công nghệ quan trọng để thiết kế thiết bị điện tử bao gồm thông tin liên lạc, máy tính, công nghệ không gian, thiết bị y tế và công nghiệp, và điện tử tiêu dùng. 
 
Xu hướng của khách hàng yêu cầu các công cụ mới là định hướng quan trọng để cho các nhà cung cấp thiết kế vi mạch tương thích. Trên cơ sở đó, EDAC đã xây dựng lộ trình công nghệ trong ngành công nghiệp EDAC. Đây là một chỉ dẫn quan trọng để các nhà cung cấp giải pháp thiết kế vi mạch phát triển sản phẩm và công nghệ. Các thành viên của EDAC được chia sẻ lộ trình này trên một nền tảng cố định và xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm của mình.Các doanh nghiệp vừa và nhỏ được chia sẻ các bản kế hoạch của các doanh nghiệp lớn và tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển công nghệ dựa trên đó.
 
Một ví dụ khác là chiến lược phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Âu.  Công nghệ lượng tử ánh sáng là xu hướng chính trong quá trình đổi mới ở ngành công nghiệp châu Âu. Trong hai năm, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ về công nghệ lượng tử ở châu Âu đã xây dựng bốn lộ trình công nghệ trong bốn lĩnh vực công nghiệp: công nghệ thông tin, Y tế và phúc lợi xã hội, môi trường và năng lượng và An toàn bảo mật . 
 
Những lộ trình cho phép các DNVVN xác định xu hướng RTD (điốt cộng hưởng hầm) trong lượng tử ánh sáng và tích hợp chúng trong các sản phẩm, xây dựng tầm tầm nhìn ứng dụng và nhu cầu thị trường . Lộ trình công nghệ này cung cấp một danh sách các thiết bị có liên quan quang tử, vật liệu và công nghệ chế tạo, ứng dụng công nghiệp dự kiến , thời gian xuất hiện trên thị trường. Từ đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ xây dựng lộ trình để để tích hợp các kết quả mới nhất của RTD vào chiến lược phát triển sản phẩm của họ, nâng cao tính cạnh tranh và phát triển sáng tạo thông qua công nghệ lượng tử ánh sáng .
 
Lộ trình công nghệ đã mang lại cho các tập đoàn lớn công cụ hữu ích để quản lý các kế hoạch phát triển công nghệ và sản phẩm. Thông qua đó cụ thể hóa những chiến lược kinh doanh của các tập đoàn bằng cách phát triển các công nghệ lõi để đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc xây dựng lộ trình công nghệ dựa trên lộ trình công nghệ của các tập đoàn lớn hoặc ngành công nghiệp là một yếu tố rất quan trọng để doanh nghiệp có thể duy trì được vai trò trong chuỗi cung ứng cho các tập đoàn lớn cũng như sức cạnh tranh trong ngành công nghiệp. 
 
Bài, ảnh: Phương Nga

Mở đường để khoa học Việt Nam ra thế giới”

 
Việt Nam đã và luôn chú trọng đầu tư phát triển khoa học cơ bản
 
Theo GS. Trần Thanh Vân – Chủ tịch Hội “Gặp gỡ Việt Nam, chỉ có khoa học cơ bản (KHCB) mới đưa đến những cuộc “cách mạng” cho đời sống xã hội, cho con người.
Việt Nam cần phải đầu tư rất nhiều cho KHCB, vì đó là nơi để “tranh đấu” với thị trường khoa học quốc tế. Đây là cũng cơ hội để các nhà khoa học mở rộng mối quan hệ của mình, mở đường để khoa học Việt Nam ra thế giới”.
 
Nhiều bước tiến mới
 
Tại Hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” – hội nghị lớn nhất trong Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 12 vừa được tổ chức tại Bình Định mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn về ngân sách, nhưng Chính phủ đã không ngừng gia tăng đầu tư cho nghiên cứu cơ bản (NCCB). So với năm 2000, Ngân sách Nhà nước cho nghiên cứu khoa học cơ bản năm 2015 tăng gấp 10 lần. 
 
Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, GS. Trần Thanh Vân khẳng định “tôi thấy khoa học Việt Nam có nhiều bước tiến mới. Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức nhiều hội nghị khoa học ở Việt Nam, tạo cơ hội cho các nhà khoa học trong nước giao lưu, trao đổi nghiên cứu với các nhà khoa học có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản trên khắp thế giới. Đây là cũng cơ hội để các nhà khoa học mở rộng mối quan hệ của mình, mở đường để khoa học Việt Nam ra thế giới”.
 
Tổ chức Giáo dục – Khoa học – Văn hóa của Liên Hợp quốc UNESCO xác định khoa học, công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo là động lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc. Tổ chức này cũng đã có nhiều hoạt động thể hiện thông điệp ủng hộ mạnh mẽ NCCB. Năm 2015, Trung tâm Vật lý quốc tế và Trung tâm quốc tế về Đào tạo và nghiên cứu toán học của Việt Nam trở thành 2 trong tổng số 66 cơ sở nghiên cứu khoa học tự nhiên được UNESCO công nhận và bảo trợ. Điều này cũng minh họa thêm tầm nhìn, nỗ lực của Việt Nam đối với nghiên cứu cơ bản.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, “Cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam nên tập trung vào tiếp thu, ứng dụng công nghệ còn nghiên cứu khoa học cơ bản là câu chuyện của tương lai, của các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam luôn xuyên suốt quan điểm  khoa học cơ bản là nền tảng, cần được chú trọng đầu tư. Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản là đầu tư chiến lược, đầu tư cho nền móng, tăng cường năng lực quốc gia”. 
 
Từ khi được khởi đầu, “Gặp gỡ Việt Nam” đã thu hút hàng ngàn lượt thành viên tham gia. Chỉ mới 3 năm từ khi khánh thành và đưa vào hoạt động cho đến nay, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học mang tầm quốc tế do các nhà khoa học danh tiếng trên thế giới chủ trì, tham dự. Nhiều nghiên cứu sinh, nhà khoa học trẻ Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ quý báu để theo đuổi sự nghiệp khoa học, đóng góp vào sự nghiệp phát triển KH&CN, phát triển đất nước. Nhóm các nhà khoa học của Phòng Vật lý Thiên văn và Vũ trụ thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là một ví dụ. Nhiều người trong số họ được cấp học bổng làm luận án Tiến sỹ ở nước ngoài và trở về Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, tham gia đào tạo các bạn trẻ khác dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Pierre Darriulat, một thành viên đặc biệt của “Gặp gỡ Việt Nam”. 
 
 
 
 
Nhiều nhà khoa học đạt Giải thưởng Nobel đã tham dự Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12 tại Bình Định
 
 
Chú trọng đầu tư
 
“Không phải đến chuỗi hoạt động “Gặp gỡ Việt Nam”, mà trước đó rất lâu, Nhà nước đã chú trọng đầu tư cho KHCB. Nhờ đó, Việt Nam có đội ngũ nhà khoa học được đào tạo bài bản và nhiều kết quả nghiên cứu được công bố”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định. 
 
Ngay sau khi dành Độc lập, Chính phủ Việt Nam đã thành lập các bộ môn khoa học cơ bản trong các trường Đại học. Trong những năm còn chiến tranh, Việt Nam đã chọn cử hàng ngàn sinh viên ưu tú du học các ngành KHCB. 
 
Đặc biệt, từ năm 1991, Bộ KH&CN đã triển khai Chương trình NCCB trong khoa học tự nhiên để hỗ trợ các KHCB và thành lập Hội đồng Khoa học Tự nhiên để tư vấn cho Bộ trong các lĩnh vực này. Chương trình này đã được triển khai đến năm 2006 và đã hỗ trợ hàng ngàn cán bộ khoa học trong các lĩnh vực Toán học, Vật lý, Hóa học, Tin học, Cơ học, Hóa học, Khoa học Trái đất, Khoa học Sự sống tiến hành NCCB, công bố các công trình khoa học trong nước và quốc tế, nâng cao năng lực nghiên cứu cho cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học.
 
Mặc dù còn nhiều khó khăn về ngân sách, song Chính phủ đã không ngừng gia tăng đầu tư cho NCCB. So với năm 2000, Ngân sách Nhà nước cho nghiên cứu KHCB năm 2015 tăng gấp 10 lần. Từ năm 2008, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia ra đời với chức năng hỗ trợ KHCB. Quỹ đã hỗ trợ các hoạt động của lĩnh vực KHCB như hỗ trợ các đề tài nghiên cứu; hỗ trợ cán bộ trẻ đi dự hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế; hỗ trợ tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế ở Việt Nam. Sự hỗ trợ của Quỹ đã làm gia tăng đáng kể các công trình khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín (ISI). Trên diễn đàn quốc tế, số công trình công bố giai đoạn 2011 – 2015 của Việt Nam tăng trưởng 15 – 20%, gấp đôi giai đoạn 2006 – 2010. 
 
Trong giai đoạn 2010-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 Chương trình phát triển KHCB, đó là Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 và Chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020.
 
Không chỉ đầu tư về vật chất, Khoa học luôn được Nhà nước và xã hội tôn vinh, trân trọng. Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đã được trao tặng cho các nhà khoa học, công trình nghiên cứu xuất sắc. Gần đây, Bộ KH&CN đã tổ chức Giải thưởng Tạ Quang Bửu nhằm tôn vinh các công trình KHCB. 
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh chia sẻ, Bộ KH&CN đánh giá rất cao vai trò của GS. Trần Thanh Vân và GS. Lê Kim Ngọc, hai GS đã vô cùng tâm huyết với nền khoa học Việt Nam. Các GS là những người thành lập Hội Gặp gỡ Việt Nam, hàng năm tổ chức sự kiện này, đưa các nhà khoa học quốc tế đến với Việt Nam, làm cho họ yêu mến con người, đất nước Việt Nam và cùng dành thời gian, tâm huyết giúp cộng đồng khoa học Việt Nam thông qua trao đổi chuyên môn, cấp học bổng cho các nhà khoa học trẻ, nghiên cứu sinh. Đặc biệt, đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về lòng yêu khoa học, mơ ước đạt tới những đỉnh cao của trí tuệ.
 
Nhằm góp phần vào phát triển nghiên cứu KHCB tại Việt Nam, tại “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 12  GS. Jerome Friedman, chủ nhân của Giải thưởng Nobel Vật lý 1990 cũng đề xuất thành lập Viện nghiên cứu xuất sắc tại Bình Định. GS cho rằng, Viện nghiên cứu này sẽ là một viện quốc tế mà các nghiên cứu viên của viện là các nhà khoa học Việt Nam và các nhà khoa học nước ngoài. Nơi đây sẽ có cả các nghiên cứu viên thường xuyên và các nghiên cứu viên làm việc với thời gian ngắn để thực hiện nghiên cứu ở cấp cao nhất. 
 
Trao đổi với phóng viên về những dự định, kế hoạch thời gian tới, vợ chồng GS Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc chia sẻ, họ đang đề xuất ý tưởng phát triển nơi đây thành Khu đô thị khoa học mà trước tiên là xây dựng một Tổ hợp không gian khoa học để cùng với Trung tâm ICISE tạo thành điểm nhấn của Khu đô thị này. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, Khu đô thị khoa học sẽ là địa điểm lý tưởng để khích lệ các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, khám phá, phát minh của giới khoa học Việt Nam và các nước trên thế giới. Là địa điểm hấp dẫn cho thanh, thiếu niên và nhân dân cả nước đến trải nghiệm các thí nghiệm khoa học với nhiều chủ đề, giúp giới trẻ có thể khám phá khoa học một cách tương tác, rất bổ ích. Hy vọng, điều đó sớm trở thành hiện thực để có thể góp phần đưa khoa học và công nghệ nước nhà không ngừng phát triển và biến nơi đây thực sự là điểm đến lý tưởng của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. 
 
Bài, ảnh: Hạnh Phương
 

Hội thảo “Công nghệ nano và ứng dụng trong y – dược”

 
 
Toàn cảnh Hội thảo
 
Sáng 19/7, tại Hà Nội, Chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Nano và Năng lượng – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Công nghệ nano và ứng dụng trong y – dược”.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, và hơn 100 đại biểu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các bệnh viện, các doanh nghiệp dược và các quỹ tài trợ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ. 
 
Đây là diễn đàn kết nối các nhà quản lý, khoa học, công nghệ, các bệnh viện và các công ty để nắm bắt nhu cầu của xã hội, khả năng nghiên cứu, ra sản phẩm và cung cấp một số sản phẩm công nghệ nano cho xã hội, cụ thể trong lĩnh vực y dược, bảo vệ sức khoẻ. 
 
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều báo cáo tham luận nổi bật như: nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp; phát triển que thử nhanh phát hiện virus Rota gây tiêu chảy ở trẻ em sử dụng hạt nano vàng; công nghệ nano ứng dụng trong tách chiết DNA/RNA”;…
 
Các vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận hầu hết là những vấn đề khoa học liên ngành giữa vật lý và các ngành khoa học khác như sinh học, công nghệ sinh học, y sinh, hóa học,… đề xuất được những vấn đề nghiên cứu về phương pháp, thiết bị hiện đại có thể đưa vào ứng dụng để giải quyết một số vấn đề xã hội đang quan tâm như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề chẩn đoán nhanh các bệnh dịch, hoặc đưa ra được các sản phẩm có thể hỗ trợ điều trị, v.v…
 
Trong khuôn khổ Hội thảo, các nhà khoa học trình bày các báo cáo liên quan đến một số thành tựu của công nghệ nano đã bước đầu được nghiên cứu thành công và ứng dụng vào một số hoạt động khám chữa bệnh. 
 
Trong phiên trao đổi thảo luận trực tiếp được chủ trì bởi đại diện Bộ Khoa học và Công Nghệ và Trung tâm Nano và Năng lượng – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) là cơ hội tiếp cận và trao đổi giữa cơ quan quản lý, trường đại học, viện nghiên cứu, các bệnh viện, các doanh nghiệp cùng tìm hiểu và xác định những hoạt động nghiên cứu, triển khai và sản xuất sản phẩm ứng dụng trong y – dược dùng công nghệ nano. 
 
Hội thảo đã đưa ra đề xuất định hướng nhiệm vụ về công nghệ Nano và ứng dụng trong y – dược trong giai đoạn 3 năm tới 2016-2019. 
 
Tin, ảnh: Hoàn Hạnh

Bộ KH&CN ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016 – 2020

CCHC tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực KH&CN
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa ký Quyết định 837/QĐ-BKHCN ngày 12/4/2016 ban hành Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) của Bộ giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật (VBQPPL) theo hướng minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, phù hợp với thông lệ quốc tế và cam kết của Việt Nam.
 
 
Theo Kế hoạch, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Kế hoạch hướng đến mục tiêu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống VBQPPL theo hướng minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, phù hợp với thông lệ quốc tế và cam kết của Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng đơn giản, dễ tiếp cận và dễ thực hiện nhằm tạo sự bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch hướng tới nền hành chính phục vụ tổ chức, cá nhân góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; cải cách TTHC giữa các đơn vị thuộc Bộ và trong nội bộ từng đơn vị thuộc Bộ;
 
Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy của Bộ; tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt KH&CN và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập; tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, quản lý và triển khai thực hiện có hiệu quả Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ cao;…
 
Về cải cách thể chế, Bộ sẽ xây dựng, ban hành kế hoạch xây dựng VBQPPL hàng năm; nâng cao chất lượng xây dựng VBQPPL, đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch đã được Bộ phê duyệt. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống VBQPPL trong lĩnh vực KH&CN góp phần tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu CCHC. 
 
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đa dạng hóa các phương pháp tuyên truyền; lồng ghép công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về KH&CN. 
 
Trong công tác CCTTHC, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, rà soát, đánh giá, công bố, công khai TTHC theo quy định; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các TTHC trong các VBQPPL, sửa đổi, bổ sung các TTHC, bảo đảm theo hướng đơn giản, minh bạch; đẩy nhanh việc thống kê, công bố, công khai các TTHC mới ban hành, TTHC được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bị bãi bỏ, hủy bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và giám sát thực hiện các TTHC của các đơn vị thuộc Bộ;…
 
Về cải cách tài chính công, Bộ sẽ xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm; phân bổ, cân đối ngân sách nhà nước, quản lý chi tiêu hiệu quả. Tiếp tục cải tiến công tác dự toán, phân bổ, cân đối ngân sách nhà nước và quản lý chi tiêu để tạo sự chủ động và tăng cường trách nhiệm của các đơn vị, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng, cụ thể về công tác kế hoạch, tài chính. Đẩy mạnh cải cách các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công theo hướng tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mọi mặt hoạt động của đơn vị thay cho việc hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên cho đơn vị.
 
Đặc biệt, để hiện đại hóa nền hành chính, Bộ tiếp tục tổ chức thực hiện triển khai các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý của Bộ; xây dựng, hoàn thành hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của ngành bao gồm hệ thống mạng thông tin, trang thiết bị máy tính, hệ thống thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN; đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ và các dịch vụ về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN và hợp tác quốc tế về lĩnh vực công nghệ thông tin; công bố danh mục các dịch vụ hành chính công trên mạng thông tin điện tử của Bộ và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;…
 
Tin, ảnh: Hạnh Nguyên

Tổ chức lại Ban chỉ đạo các Chương trình KH&CN quốc gia

 
Các chương trình KH&CN quốc gia được tổ chức lại BCĐ
 
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1325/QĐ-TTg về việc tổ chức lại Ban Chỉ đạo các Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia.
Cụ thể, tổ chức lại 3 Ban Chỉ đạo của các Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 và Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, thành một Ban Chỉ đạo các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia (Ban Chỉ đạo).
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo.
 
Các Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Y tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công Thương; Bộ Quốc phòng; Văn phòng Chính phủ.
 
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ của Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 và Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 (các Chương trình).
 
Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, cơ chế, chính sách và các giải pháp để thực hiện các Chương trình cho từng thời kỳ, từng giai đoạn.
 
Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương rà soát, xây dựng các cơ chế chính sách và giải pháp về tài chính, thuế, thị trường, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và các cơ chế, chính sách khác cho các Chương trình.
 
Thành viên Ban Chỉ đạo hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo và sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Cơ quan chuyên trách giúp việc Ban Chỉ đạo là Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
 
Tin, ảnh: Đăng Minh

Hội thảo khu vực về xây dựng các quy định an toàn hạt nhân

 
Các đại biểu tham dự Hội thảo (Ảnh: Cục ATBXHN)
 
Từ ngày 27/6-01/7, trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật RAS/9/061 của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) đã phối hợp với IAEA tổ chức Hội thảo khu vực về Xây dựng các quy định an toàn hạt nhân.
Tham dự Hội thảo có chuyên gia IAEA và đại biểu đến từ các nước: Brazil, Pakistan, Bangladesh, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
 
Mục đích của Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế trong việc giúp các quốc gia thành viên nâng cao năng lực xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật về an toàn hạt nhân theo các yêu cầu, hướng dẫn của IAEA.
 
Tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Lê Quang Hiệp đã nhận định sự cần thiết của việc xây dựng các quy định an toàn hạt nhân và Hội thảo này là cơ hội tốt cho Việt Nam trong trao đổi thông tin cũng như nhận được nhiều chia sẻ kinh nghiệm từ các nước trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về an toàn hạt nhân.
 
Dự án RAS/9/061 về “Tăng cường năng lực các cơ quan pháp quy hạt nhân trong khu vực và văn hóa an toàn” nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên tăng cường năng lực cho cơ quan pháp quy và nâng cao văn hóa an toàn.
 
PV
 
 

Thứ trưởng Phạm Công Tạc tiếp Đoàn công tác liên ngành của Hoa Kỳ

 
Chiều ngày 23/6/2016, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đã tiếp Đoàn công tác liên ngành của Hoa Kỳ, trong khuôn khổ chương trình làm việc của Đoàn tại Việt Nam.
 
 
Đoàn công tác liên ngành của Hoa Kỳ đến Việt Nam lần này bao gồm các quan chức của Bộ Ngoại giao, Bộ Năng lượng và Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng, do ông Eliot Kang, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách về các vấn đề liên quan đến hạt nhân, làm trưởng đoàn.
Tham dự buổi tiếp, về phía Bộ KH&CN, còn có đại diện Lãnh đạo của Vụ Hợp tác quốc tế, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Cục Năng lượng nguyên tử và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.
Mục đích của buổi làm việc này nhằm thảo luận về hợp tác song phương trong năng lượng dân sự cũng như tạo cơ hội để thúc đẩy, xác định những lĩnh vực hợp tác mới trong hợp tác hạt nhân dân sự giữa 2 nước, như được đề cập trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama vào tháng 5/2016 vừa qua.
Tại buổi làm việc, 2 bên đã trao đổi về thành lập Ủy ban hỗn hợp hợp tác về hạt nhân dân sự, thành lập Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật về an ninh và an toàn hạt nhân, các hoạt động hợp tác khác trong bản Tuyên bố, Việt Nam tham gia Công ước về bồi thường thiệt hại hạt nhân và Công ước quốc tế về ngăn chặn khủng bố hạt nhân, đề xuất về Đối thoại về không phổ biến hạt nhân giữa Việt Nam và Hoa Kỳ,…
 
Nguồn:  LA, Cục ATBXHN

Sản xuất thành công chủng khởi động ứng dụng trong sản xuất sữa chua và phomat

 
Toàn cảnh buổi nghiệm thu
 
Chiều 23/6, tại Hà Nội, Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đã tiến hành nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu sản xuất chủng khởi động và ứng dụng trong sản xuất sữa chua và phomat”. Đề tài mang mã số KC.07.12/11-15 do Ths Đặng Thu Hương – Viện Công nghệ thực phẩm (Bộ Công thương) làm chủ nhiệm. Đề tài thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sau thu hoạch” KC07/11-15.
Thị trường các sản phẩm sữa tại Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng. Cơ cấu thị trường tỷ lệ giữa sữa nước và sữa chua ở Việt Nam là 80/20. Các nước càng phát triển thì nhu cầu sử dụng sữa càng tăng dần. Dự đoán công nghiệp sản xuất sữa chua ở Việt Nam còn tăng trưởng 20 % trong 10 năm nữa và sau 5 năm sẽ đuổi kịp Thái Lan. Thị trường phomat được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng, đặc biệt là phomat chế biến hợp với khẩu vị và sở thích của người Việt Nam.
 
Tại buổi nghiệm thu, Ths Đặng Thu Hương cho biết: Mục tiêu của đề tài có được bộ chủng giống vi khuẩn làm giống khởi động cho sản xuất sữa chua và phomat; Xây dựng được quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị để sản xuất giống khởi động cho sản xuất sữa chua và phomat; Tạo ra được các chế phẩm giống khởi động phục vụ sản xuất sữa chua và phomat; Xây dựng được quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sản xuất phomat dạng mềm có sử dụng giống khởi động; Tạo ra được các sản phẩm sữa chua, phomat dạng mền có sử dụng giống khởi động của đề tài.
 
Theo đó, đề tài tập trung vào nghiên cứu: Tổng quan về sản xuất, sử dụng chế phẩm khởi động cho sữa chua và phomat; Nghiên cứu tuyển chọn chủng giống khởi động cho lên men sữa chua và phomat và xây dựng hồ sơ chủng giống; Nghiên cứu công nghệ sản xuất chế phẩm giống khởi động cho sản xuất sữa chua, phomat; Xây dựng mô hình dây chuyền thiết bị sản xuất chế phẩm giống khởi động cho lên men sữa chua và phomat quy mô; Nghiên cứu công nghệ và xây dựng mô hình dây chuyền thiết bị sản xuất phomat mền có sử dụng giống khởi động; Nghiên cứu sản xuất thử nghiệm chế phẩm giống khởi động và ứng dụng giống khởi động để sản xuất sữa chua và phomat; Tiến hành sản xuất thử nghiệm sữa chua và phomat.
 
Sau 1 thời gian nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã chuyển chọn được các bộ chủng giống cho lên men sữa chua và phomat, đã xác định được các đặc điểm chủng giống, định tên chủng giống và các yếu tố công nghệ để lên men sữa chua và phomat có hương vị; xây dựng công nghệ sản xuất giống khởi động với mật độ tế bào sống cao.
 
Bên cạnh đó, đề tài đã xây dựng được mô hình thiết bị sản xuất giống khởi động cho lên men sữa chua và phomat có thể được sử dụng để sản xuất các chế phẩm sinh khối vi sinh vật khác có yêu cầu chất lượng cao và xây dựng được quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất phomat dạng mền quy mô nhỏ.
 
Đặc biệt, đề tài đã sản xuất được giống khởi động cho sản xuất sữa chua và phomat với mật độ tế bào sống cao; được ứng dụng ở quy mô nhà máy tại Công ty cổ phần sữa Ba Vì. Các sản phẩm sữa chua và phomat được sản xuất bằng chủng khởi động của đề tài đều đạt chất lượng ổn định và có hương vị.
 
Sản phẩm của đề tài là giống khởi động cho sản xuất sữa chua và phomat có thể được sử dụng thay thế các loại giống khởi động của nước ngoài, chất lượng tương đương với sản phẩm nhập ngoại. Việc sản xuất giống khởi động trong nước trong tương lai sẽ giúp tiết kiệm ngoại tệ, giảm chi phí cho nhập khẩu.
 
Ngoài ra, giống khởi động của phomat cùng công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất phomat sẽ giúp cho các công ty chế biến sữa, đặc biệt là các công ty có quy mô vừa và nhỏ có thể đa dạng hóa sản phẩm, tận dụng nguồn sữa tươi địa phương để chế biến các sản phẩm phomat, có giá trị dinh dưỡng và có thời gian bảo quản lâu dài hơn, đặc biệt trong những thời điểm sữa tươi, sữa chua tiêu thụ chậm.
 
Với những kết quả đã được, đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá cao và đạt loại xuất sắc.
 
Tin, ảnh: Ánh Tuyết

Điểm tin KH&CN từ ngày 11-17/6

 
Xe lăn sáng chế vượt địa hình cầu thang bằng bánh mô phỏng xích xe tăng.
 
Xây dựng thành công quy trình sàng lọc ung thư phế quản; Bình Định – điểm đến của các nhà khoa học đỉnh cao quốc tế; Học sinh Sài Gòn chế xe lăn vượt địa hình được giải quốc tế;…là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.
 
Xây dựng thành công quy trình sàng lọc ung thư phế quản
 
Nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Phổi Trung ương do PGS.TS. Đinh Ngọc Sỹ đứng đầu mới đây đã xây dựng thành công quy trình sàng lọc ung thư phế quản (UTPQ) sử dụng ánh sáng huỳnh quang qua nội soi phế quản, quy trình chẩn đoán gen VGFR trong ung thư phế quản và quy trình điều trị đích ung thư phế quản bằng Bevacizumab phù hợp và khả thi tại Việt Nam
 
Kết quả, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công quy trình sàng lọc ung thư phế quản sử dụng ánh sáng huỳnh quang qua nội soi phế quản. Quy trình đơn giản, có thể áp dụng tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh. Đồng thời, xây dựng thành công quy trình chẩn đoán gen VGFR trong ung thư phế quản. Quy trình phát hiện bộc lộ gene VEGF mRNA và kiểu gene VEGF đã được xây dựng với các yêu cầu kỹ thuật bảo đảm và cho kết quả xét nghiệm gen chính xác. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng sinh phẩm chế tạo tại đơn vị nghiên cứu, giá thành rẻ hơn của nước ngoài nhưng kết quả tương tự. Quy trình này có thể ứng dụng rộng rãi tại bất kỳ phòng xét nghiệm sinh học phân tử nào. (Theo Dân trí 16/6).
 
 
Gặp gỡ Việt Nam cùng với sự ra đời của Trung tâm nghiên cứu khoa học giáo dục, Bình Định sẽ là "điểm hẹn" hấp dẫn cho các nhà khoa học trong và ngoài nước.
 
Năm ngoái, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Huân chương hữu nghị cho Giáo sư Lê Kim Ngọc và Giáo sư Trần Thanh Vân (bên phải ngoài cùng), ghi nhận cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ em hơn 40 năm qua của hai người.
 
Chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" diễn ra tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) thành phố Quy Nhơn, Bình Định, từ 26/6 đến 17/12, với sự tham gia của hơn 1.600 đại biểu, trong đó có 6 giáo sư đạt giải Nobel, một giáo sư đạt huy chương Fields cùng nhiều nhà khoa học danh tiếng. 
 
Với tâm huyết của giáo sư Vân và sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương, Bình Định hứa hẹn trở thành điểm gặp gỡ và giao lưu khoa học chất lượng cao không chỉ cho Việt Nam mà còn cho khu vực. (Theo vnexpress.net 16/6).
 
Học sinh Sài Gòn chế xe lăn vượt địa hình được giải quốc tế
 
Hai học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong vừa trở về từ Mỹ với giải ba tại cuộc thi khoa học và kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) do Tập đoàn Intel tổ chức. Sản phẩm đoạt giải là chiếc xe lăn sáng chế có thể vượt mọi địa hình – TN98.
 
Vinh dự hơn, Ngân – Trúc được mời đến giao lưu với tổng thống Mỹ Obama khi ông đến Sài Gòn. “Mình rất vui khi được tiếp xúc với tổng thống Mỹ. 
 
Cái tên TN98 được hai bạn ghép từ chữ cái đầu của Trúc – Ngân và năm sinh 1998. Xe dài 1,27 m; rộng 65 cm; cao 1,52 m; chạy bằng điện được sáng chế dựa trên ý tưởng ứng dụng hệ thống cân bằng động hoàn toàn mới.
 
Xe lăn được trang bị bộ điều khiển để có thể tiến, lùi, dừng, rẽ trái, phải và cảm biến tự điều chỉnh độ nghiêng của ghế. TN98 có kích thước nhỏ gọn, dễ dàng di chuyển qua các khu vực hẹp như cửa ra vào, hành lang, thang máy, bậc tam cấp…(Theo vnexpress.net 16/6).
 
Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng: Đổi mới sáng tạo bắt đầu từ đổi mới quản lý ngành
 
Một hệ sinh thái khởi nghiệp như thế sẽ là một phần trong kế hoạch 5 năm (2015 – 2020) Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TPHCM đang bắt tay xây dựng, với mục tiêu giúp TPHCM trở thành thành phố khởi nghiệp sáng tạo. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Việt Dũng , Giám đốc Sở KH-CN TPHCM với phóng viên Báo SGGP trong thời điểm dòng chảy khởi nghiệp đang cuồn cuộn trong lòng thành phố.
 
Ông Nguyễn Việt Dũng cho biết: “Theo khảo sát gần đây do chúng tôi thực hiện cho thấy, TPHCM đang hình thành một cộng đồng khởi nghiệp đông đảo nhưng còn rời rạc và thiếu đi những mắc xích cần thiết. Để cộng đồng khởi nghiệp mạnh và bền vững, phải có hệ sinh thái khởi nghiệp đi kèm, với sự tham gia của Nhà nước, viện – trường, doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, các tổ chức trung gian như vườn ươm,… Trong đó, Nhà nước cần có chính sách về hỗ trợ cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực cho đội ngũ khởi nghiệp, kể cả hỗ trợ đào tạo và phát triển các tổ chức trung gian, chính sách hỗ trợ thuế, chính sách hỗ trợ tài chính…
 
Cũng theo ông Nguyễn Việt Dũng “KH-CN và đổi mới sáng tạo đang lan tỏa mọi ngóc ngách của cuộc sống. Bất kỳ một vị trí nào, lĩnh vực nào cũng liên quan đến đổi mới sáng tạo cả. Phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo không phải chỉ là chế tạo một cái máy, nghiên cứu một công thức khoa học, mà còn là những ý tưởng, mô hình, giải pháp sáng tạo để làm cho công việc hàng ngày của mỗi người, mỗi đơn vị nhanh hơn, hiệu quả hơn, năng suất hơn. Chỉ khi nào từ cấp lãnh đạo đến mỗi cá nhân nhận thức đầy đủ đổi mới sáng tạo là trách nhiệm và là việc làm thường xuyên, thì lúc đó KH-CN mới thực sự trở thành động lực phát triển” (Theo Sài gòn giải phóng 16/6).
 
Sử dụng ứng dụng điện thoại di động phát hiện rò rỉ trên hệ thống cấp nước
 
Ý tưởng sử dụng ứng dụng của điện thoại di động phát hiện rò rỉ trên hệ thống cấp nước của ba sinh viên Trường đại học (ĐH) Bách khoa TP Hồ Chí Minh đã giành chiến thắng trong cuộc thi Sáng kiến thông minh về nước năm 2016 do Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam phối hợp Tổng cục Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
 
 
Là sinh viên năm thứ tư của Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, nhóm tác giả gồm: Trịnh Quốc Anh, Nguyễn Trần Quang Khải và Võ Phi Long đã dựa trên góc nhìn của các kỹ sư tương lai để tìm ra giải pháp giải quyết thách thức vì một nguồn nước bền vững. Trịnh Quốc Anh, một thành viên của nhóm cho biết, theo số liệu thống kê của TP Hồ Chí Minh, khoảng 30% số lượng nước bị hao tổn trong quá trình phân phối nước. So với tỷ lệ thất thoát nước ở Tô-ky-ô là 3% và ở Xin-ga-po là 4% thì đây là một con số khổng lồ. Nhận thấy điện thoại di động đang được sử dụng rộng rãi với nhiều tính năng thông minh, nhóm sinh viên nói trên đã quyết định đưa ra cách giải quyết vấn đề rò rỉ nước bằng ứng dụng của điện thoại di động. Ứng dụng này sẽ cho phép người dùng có thể chủ động cung cấp thông tin về khu vực đường ống bị rò rỉ để kịp thời sửa chữa, ngăn chặn việc thất thoát nước. (Theo Nhân Dân 11/6).
 
 
 
 Hà Trang (Tổng hợp)