Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng NN về KH&CN: Tôn vinh các giá trị cao về KH&CN

 Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, các công trình đoạt giải lần này đều là các công trình có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất to lớn.
 
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN: Những công trình lan tỏa vào trong đời sống
Dự kiến trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2016 vào tháng 3/2017
Trao giải nhiều công trình khoa học sáng tạo, tính ứng dụng cao
Phát biểu tại buổi lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN lần thứ 5, được tổ chức tối 15/1. Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN là những giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực KH&CN, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tôn vinh và trao tặng các nhà khoa học, tác giả của các công trình, cụm công trình KH&CN xuất sắc và đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về KH&CN, có tác dụng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng và thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và sự nghiệp phát triển KH&CN của đất nước. Giải thưởng được bắt đầu từ năm 1996, cho đến nay đã có 04 đợt xét tặng vào các năm 1996, 2000, 2005 và năm 2010, năm 2016 là đợt xét tặng thứ 5.
 
Ngày 11/01/2017, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 104/QĐ-CTN tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho 09 công trình và cụm công trình KH&CN và Quyết định số 105/QĐ-CTN tặng Giải thưởng Nhà nước cho 07 công trình và cụm công trình KH&CN.
 
Việc công nhận và trao tặng các công trình đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước đúng vào dịp kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, là sự khích lệ, cổ vũ kịp thời và thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta đối với không chỉ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu mà còn đối với toàn ngành KH&CN.
 
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN lần thứ 5 này đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp trong phạm vi cả nước, với 102 công trình được đề xuất gồm 95 công trình và 7 công trình trình mật. Trong số 95 công trình có 27 công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 68 công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN. Điều này chứng tỏ sức ảnh hưởng sâu rộng và sự lan tỏa của Giải thưởng đối với cộng đồng các nhà khoa học trong cả nước.
 
"Các công trình được đề xuất đều là các công trình có hàm lượng khoa học rất lớn và có những đóng góp tích cực không chỉ vào thực tiễn xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng tại Việt Nam mà còn góp phần chung cho sự phát triển của thế giới" – Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
 
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi lễ 
Các công trình đạt Giải thưởng lần này đã được xem xét thông qua hệ thống các tiêu chí đánh giá minh bạch, chặt chẽ và khoa học về nhiều phương diện, cả về giá trị khoa học, công nghệ và giá trị thực tiễn, hiệu quả kinh tế-xã hội. Triển khai công tác đánh giá, xét chọn các công trình tham dự giải thưởng năm nay có hơn 200 nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam và quốc tế, đại diện cho các ngành lĩnh vực KH&CN trên cả nước tham gia vào 19 hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước và hội đồng nhà nước. Các hội đồng đã làm việc với tinh thần công tâm, trung thực và hết sức khách quan để lựa chọn ra được các công trình xứng đáng nhất trong rất nhiều các công trình được đề xuất. Đây thực sự là công việc hết sức khó khăn đối với các nhà khoa học trong việc đánh giá, vì các công trình tham dự đều là các công trình có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất to lớn.
 
"Đặc biệt, trong lần xét tặng này, với lần đầu tiên áp dụng Nghị định số 78 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về KH&CN, với những tiêu chí được đòi hỏi rất cao về cả giá trị khoa học, công nghệ và hiệu quả tác động kinh tế-xã hội. 09 công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 07 công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm nay thực sự là các công trình rất xứng đáng và có tầm ảnh hưởng lớn đến nền khoa học và kinh tế đất nước" – Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.
 
Trong lĩnh vực khoa học cơ bản, các công trình, cụm công trình được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh như cụm công trình “các bất biến và cấu trúc của vành địa phương và vành phân bậc” – đã mở ra một số hướng nghiên cứu quan trọng được thế giới thừa nhận trong Đại số giao hoán như lý thuyết vành Cohen – Macaulay suy rộng và dáng điệu tiệm cận của các bất biến.
 
Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, là những thành tựu xuất sắc trong nghiên cứu về triết học, lịch sử và ngôn ngữ, trong đó làm rõ tầm cao tư duy của dân tộc Việt cũng như các giá trị, hạn chế và các bài học lịch sử quý báu mà ông cha ta để lại; là những nghiên cứu về chữ nôm theo một khung lý thuyết mới, các thao tác tiếp cận mới, qua đó công trình được giới nghiên cứu trong và ngoài nước nhiệt liệt đón nhận, sử dụng với tần suất lớn trong các chuyên khảo nghiên cứu chữ Nôm, ngữ văn Hán Nôm ở Việt Nam cũng như nước ngoài hiện nay.
 
Lĩnh vực khoa học kỹ thuật, các công trình được tặng thưởng tạo ra nhiều sản phẩm thương hiệu Việt Nam, có giá trị lớn đối với nền kinh tế như Giàn khoan tự nâng 90m nước Tam Đảo 03 khi đưa vào sử dụng đã làm lợi trực tiếp cho đất nước nhiều về kinh tế, đặc biệt hơn đưa Việt Nam vào một trong số ít các quốc gia trên thế giới có đủ năng lực thi công giàn khoan khai thác dầu khí tự nâng. Hay như các loại sản phẩm bê tông thành vỏ mỏng đúc sẵn, lắp ghép có cấu tạo gọn nhẹ, chất lượng bền vững, chống xâm thực, ăn mòn, thuận lợi thi công trong điều kiện bất lợi về địa hình, địa chất,…thuộc cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu” với sức sáng tạo rất cao, thể hiện qua 18 sáng chế, giải pháp hữu ích; giúp giảm ít nhất 20% chi phí so với giải pháp truyền thống. Hiện các sản phẩm này cũng đã được xuất khẩu sang Lào, Campuchia và một số nước khác trong khu vực.
 
Lĩnh vực Nông nghiêp, hai giống lúa mới OM6976 và OM5451 có chất lượng cao, nhiều đặc tính chống chịu tốt với môi trường như chống xâm nhập mặn, đã được ứng dụng vào sản xuất trên diện rộng và đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao. Diện tích ứng dụng của hai giống lúa này trong sản xuất qua 3 năm từ 2013-2015 lên đến trên 3 triệu hecta ở Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Đông Nam Bộ, tạo ra lợi nhuận tăng thêm to lớn cho nông dân và trở thành hai giống lúa xuất khẩu chất lượng cao chủ lực ở Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Lĩnh vực Y dược, nhiều thành tựu y học mới trên thế giới đã được triển khai ứng dụng sáng tạo tại Việt Nam trong đó có thể kể đến “Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng Điện quang can thiệp nội mạch”, đây là cụm công trình nghiên cứu có giá trị rất cao về khoa học, công nghệ, là các kỹ thuật mới, hiện đại, ít gây tổn thương tổ chức lành xung quanh, điều trị qua đường nội mạch, thay thế phẫu thuật trong điều trị thông động mạch cảnh xoang hang và điều trị phình động mạch não tại Việt Nam. Đây là phương pháp điều trị biến chứng ít, không để lại di chứng nặng nề cho người bệnh, từ đó giảm các chi phí điều trị và giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đó là “ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác”, thông qua đó nâng cao hơn chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư, làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như tăng tỷ lệ điều trị thành công, chữa khỏi cho các bệnh nhân ung thư và một số bệnh lý khác ở nước ta. Góp phần đưa chuyên ngành y học hạt nhân và ung bướu Việt Nam theo kịp trình độ của các nước tiến tiến trong khu vực và một số nước phát triển trên thế giới.
 
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN: Những công trình lan tỏa vào trong đời sống
(VietQ.vn) – Trước thềm lễ trao giải Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã dành cho phóng viên cuộc trao đổi về hai giải thưởng danh giá này.
Hùng Cường

Giải thưởng Euréka: 5 công trình nghiên cứu được chuyển giao ứng dụng

 
Đã có 5 công trình nghiên cứu của giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka được chuyển giao cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM ứng dụng vào thực tế.
 
Xuất hiện nhiều đề tài thiết thực tại Giải thưởng Eureka 2016
Lần đầu tiên, giải thưởng Eureka mở rộng cho sinh viên toàn quốc
Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” 2016: Các ứng dụng về du lịch bội thu giải thưởng
 
Sáng 11/12, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, Thành đoàn phối hợp với ĐHQG TP.HCM tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka danh cho các công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc.
 
Giải thưởng Euréka là giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên yêu thích nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH. Cuộc thi được tổ chức thường niên nhằm tìm kiếm các công trình nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng của sinh viên, ươm mầm những tài năng nghiên cứu trẻ.
 
Điểm đặc biệt của cuộc thi năm nay, lần đầu tiên quy mô cuộc thi được mở rộng ra toàn quốc. Theo anh Lâm Đình Thắng, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên TP.HCM, với quy mô mở rộng hơn, sẽ tạo điều kiện cho sinh viên giao lưu học hỏi, học tập kinh nghiệm nghiên cứu lẫn nhau.
 
“Đồng thời, với việc mở rộng ra quy mô toàn quốc, cuộc thi có tính cạnh tranh cao hơn. Điều đó đã trở thành động lực cho các bạn sinh viên có những công trình nghiên cứu tốt hơn”- anh Thắng cho biết.
 
Tại cuộc thi năm nay, Ban tổ chức đã tiến hành chuyển giao 5 công trình nghiên cứu của sinh viên, ứng dụng trong các đơn vị, doanh nghiệp tại TP.HCM bao gồm: Hệ thống pha chế coktail tự động (ĐH Duy Tân Đà Nẵng); Hiệu quả cải thiện vệ sinh răng miệng của mô hình tích hợp âm nhạc trong hướng dẫn chải răng cho học sinh tiểu học 9-10 tuổi (ĐH y dược TP.HCM); Thử nghiệm một số biện pháp nâng đỡ cảm xúc cho trẻ bị lạm dụng tình dục (ĐH sư phạm TP.HCM); Nghiên cứu chế tạo thử nghiệm bê tông rỗng thoát nước, sử dụng cho vỉa hè và các công trình giao thông nội bộ (ĐH giao thông vận tải TP.HCM); Nghiên cứu thành lập chương trình xử lý số liệu quan trắc và dự báo độ lún công trình (ĐH mỏ địa chất Hà Nội).
 
Giải thưởng Euréka: 5 công trình nghiên cứu được chuyển giao ứng dụng – 1
 
Các nhóm sinh viên tham dự cuộc thi nhận giải thưởng. Ảnh: Hà Thế An.
 
Đánh giá về các công trình nghiên cứu năm nay, TS. KTS Lê Văn Thương, Phó hiệu trưởng ĐH kiến trúc TP.HCM, thành viên Ban giám khảo cho biết, sinh viên tham dự cuộc thi đã có sự đầu tư, sự đam mê vào trong mỗi đề tài.
 
“Điều đặc biệt là các em đã biết phát hiện những vấn đề trong cuộc sống để cho ra các công trình mang tính ứng dụng. Nhiều nhóm sinh viên nghiên cứu có phong cách trình bày ý tưởng rất tự tin và chuyên nghiệp”- TS Thương cho biết.
 
Giải thưởng Euréka: 5 công trình nghiên cứu được chuyển giao ứng dụng – 2
 
Các công trình nghiên cứu đã được giới thiệu, trưng bày tại Nhà văn hóa thanh niên TP.HCM để khách tham qua tiếp cận. Ảnh: Hà Thế An.
 
Để động viên, khích lệ tinh thần nghiên cứu khoa học của sinh viên, Ban tổ chức đã trao tặng 58 giải thưởng gồm: 9 giải nhất, 12 giải nhì, 13 giải ba, 51 giải khuyến khích với tổng giá trị giải thưởng gần 300 triệu đồng.
 
Trong khuôn khổ Lễ tổng kết và trao giải Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka, bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Thành đoàn TP.HCM vì đã có thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc.
 
Có 9 cá nhân là các nhà nghiên cứu, giảng viên có nhiều năm tham gia giám khảo tại cuộc thi đã nhận được bằng khen của UBND TP.HCM, 33 cá nhân được nhận bằng khen của ĐHQG TP.HCM.
 
Hà Thế An

Thủ tướng yêu cầu ngành KHCN lắng nghe “hơi thở cuộc sống”

 
Tại Hội nghị tổng kết của Bộ KH&CN, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tránh tình trạng hành chính hóa nghiên cứu khoa học, phải làm quen với tư duy quản lý khoa học chỉ dựa vào kết quả chứ không nên dựa vào quá trình. Đừng để các nhà khoa học phải lo mua hóa đơn vất vả…
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
 
Ngày 4/1, Bộ KH&CN tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2016, triển khai công tác năm 2017 với chủ đề “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành và đại diện lãnh đạo UBND, các sở, ban, ngành tại địa phương đã dự. 
 
Không chỉ là phục vụ phát triển
 
Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đánh giá cao kết quả mà Bộ KH&CN đạt được trong năm qua, đồng thời thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí của KHCN đối với sự phát triển ngành, lĩnh vực của mình. 
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ KH&CN góp phần tích cực vào thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới cơ chế phát triển KHCN, góp công sức rất lớn vào việc tìm ra nguyên nhân của sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung. Bộ KH&CN cũng đã “3 cùng” với Bộ NN&PTNT trong việc xây dựng các chương trình, đề tài ứng dụng KHCN vào nông nghiệp. 
Thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, ngành KHCN nên tập trung vào những mũi nhọn, khu vực có dư địa phát triển với tác dụng lan tỏa nhanh, kết quả tức thì như nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ… Nhất là, hướng vào các ngành hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Tập trung nhiều vào các quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ cho nền kinh tế.
Cùng quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, chúng ta sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn khi gia nhập nhiều hiệp định thương mại Tự do (FTA) với các hàng rào, tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Bộ trưởng mong muốn ngành KHCN quan tâm vấn đề này để làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời bảo vệ sản xuất trong nước. 
Hàng loạt dự án, nhà máy lĩnh vực công thương cần sự hợp tác của ngành KHCN trong vấn đề bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ. 
Bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Bộ KH&CN, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá KHCN là động lực của ngành y tế, góp phần quan trọng trong dự phòng và điều trị nhiều loại bệnh hiểm nghèo. Trong đó có việc tự chủ sản xuất nhiều loại vaccine tại Việt Nam, điển hình là vaccine Rotavirus, hiện chỉ 4 nước trên thế giới có thể sản xuất. Ngoài ra, các ứng dụng KHCN đã giúp chữa trị và tiến hành thành công việc ghép tạng.
Các ý kiến đều cho rằng, chủ trương của Đảng, Nhà nước lấy KHCN làm động lực phát triển là hướng đi đúng đắn, nhưng việc triển khai lại chưa mang lại kết quả như mong muốn. Do đó, cần có cơ chế về tài chính làm động lực, khuyến khích và thu hút người tài về KHCN. Đào tạo ra những chuyên gia giỏi về KHCN tập trung vào những lĩnh vực mà kinh tế-xã hội đang cần thay vì dàn trải. 
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bế Xuân Trường lấy ví dụ về trường hợp Tập đoàn Viettel, xuất phát từ một công ty sản xuất, sửa chữa các sản phẩm vô tuyến điện, ngày nay đã trở thành một tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam. Đây là một điển hình trong việc coi trọng đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KHCN.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá thành tựu phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua có đóng góp quan trọng của KHCN. Cụ thể, xếp hạng về kinh tế của Việt Nam đứng trên 100 nhưng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu đứng thứ 59. Trong đó, các nhóm chỉ tiêu đầu ra liên quan trực tiếp đến KHCN xếp dưới 50. Điều đó cho thấy, dù còn bất cập nhưng giới KHCN nước ta rất cố gắng so với mặt bằng chung. Sự phối hợp tham gia giữa các bộ, các tỉnh về KHCN nhịp nhàng hơn. 
Bước đầu trong chỉ đạo đã coi trọng ứng dụng KHCN, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhưng không coi nhẹ khoa học xã hội và khoa học cơ bản. 
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, mặc dù xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo đạt mức tương đối nhưng năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ 56, chỉ số sẵn sàng công nghệ đứng thứ 92/140 quốc gia và vùng lãnh thổ. “Chúng tôi nhận thấy rằng điều này không phải do các nhà khoa học gây ra mà do cơ chế của nhà nước”, Thủ tướng nói, đồng thời chỉ ra một tồn tại nữa là nghiên cứu nhiều nhưng ứng dụng ít. Do đó, đầu tư cho KHCN cần bám sát hơn nhu cầu thực tiễn và thiết thực hơn, ưu tiên đầu tư các đề án, đề tài phục vụ thiết thực cho đất nước. 
Quản lý nhà nước trên một số mặt có tiến bộ nhưng còn bất cập như đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ…
 
 
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
 
 
6 yếu tố để KHCN thành công
 
Thủ tướng cho rằng, muốn phát triển KHCN thành công thì phải có 6 yếu tố là: Thể chế, cơ chế, môi trường; con người; nguồn lực; cơ sở hạ tầng; năng lực hội nhập; năng lực kiến tạo quản trị của nhà nước cho KHCN.
Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tạo thể chế thông thoáng trong phát huy nhân tài, sử dụng người tài, kể cả người chưa vào Đảng, kiều bào là những nhà khoa học ở nước ngoài nhưng có nguyện vọng cống hiến năng lực và kinh nghiệm cho quê hương. 
 
“Ngày xưa, Bác Hồ chúng ta làm được thì trong thế giới phẳng và hòa bình như ngày nay thì con cháu của Bác cũng phải làm được. Chúng ta thấy như là bác Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Phạm Ngọc Thạch… Trên thực tế chúng ta thấy có nhiều cá nhân trẻ tuổi tài năng”, Thủ tướng nói và dẫn ví dụ về trường hợp một nhà khoa học Việt kiều, mặc dù không am hiểu nông nghiệp, nhưng khi về quê ở Nam Bộ, thấy nước mặn lên xuống, bà con nông dân không biết, lấy nước mặn tưới cây ăn quả, bị thiệt hại nặng nên đã đặt hệ thống quan trắc tự động để phát hiện nước mặn. 
Thủ tướng khẳng định, luôn lắng nghe và tiếp mọi cán bộ khoa học có năng lực, muốn đóng góp xây dựng Tổ quốc. 
Trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới, kiến tạo lại nền hành chính để phát huy vai trò của KHCN, nhất là con người và thể chế. Tinh thần chung là giải phóng mọi nguồn nhân lực sáng tạo để đưa đất nước tiến lên vững vàng. Việc tháo gỡ thể chế nào kìm hãm sự phát triển của KHCN thì chính Bộ KH&CN phải đề xuất lên Trung ương Đảng, Chính phủ. 
Phải bảo đảm năng lực thực thi pháp luật trong việc bảo vệ quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, nếu không chúng ta khó có thể phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực. “Không có tập đoàn quốc tế nào muốn đặt trung tâm nghiên cứu và thiết kế ở Việt Nam nếu họ e ngại về quyền sở hữu trí tuệ”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu rà soát, đánh giá toàn bộ đội ngũ cán bộ khoa học của Việt Nam để xây dựng quy hoạch chiến lược đào tạo và sử dụng tối ưu. “Không để tình trạng như vừa qua, thừa quá nhiều, anh nào cũng tin học, anh nào cũng kế toán, khoa học cơ bản và khoa học tự nhiên thì ít có người đi học…”. Thủ tướng lưu ý Bộ KH&CN phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vấn đề này. 
 
 
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
 
 
Phải xem cuộc sống cần gì
 
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu KHCN phải gắn với thị trường trên cơ sở hiểu thị trường đang cần gì, sẽ cần gì để đưa ra hướng đi phù hợp nhất. Chất lượng, giá trị đem lại của sản phẩm công nghệ phải thực sự do thị trường đánh giá, quyết định. Cân nhắc hình thành một chợ giao dịch về công nghệ để ở đó, nhu cầu công nghệ và sản phẩm công nghệ có thể giao thoa với nhau. 
Phải tách hoạt động khoa học ra khỏi hoạt động hành chính, tránh tình trạng hành chính hóa nghiên cứu khoa học. Nếu các nhà khoa học suốt ngày lo nghĩ thủ tục hành chính thì rơi rụng về am hiểu chuyên môn trong khi am hiểu về thủ tục hành chính lại tăng lên. “Hãy làm quen với tư duy quản lý khoa học chỉ dựa vào kết quả chứ không nên dựa vào quá trình. Đừng để các nhà khoa học phải lo mua hóa đơn vất vả”, Thủ tướng nói.
Cho rằng toàn cầu hóa là cơ hội to lớn, nếu bỏ lỡ thì chúng ta sẽ bị tụt lại xa hơn, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hội nhập quốc tế về KHCN; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng KHCN; tập trung tháo gỡ nút thắt trong thể chế về KHCN.
“Cán bộ KHCN đã giỏi chuyên môn rồi còn phải biết kinh tế, phải vận dụng vào kinh tế, vào đời sống, phải có thực tiễn. Chứ KHCN giữa trời thì làm sao biết đời sống sản xuất ra làm sao”, Thủ tướng lưu ý và đề nghị Bộ và các đơn vị trong hệ thống KHCN bám sát thực tiễn, bám sát doanh nghiệp, lắng nghe "hơi thở cuộc sống", xem cuộc sống cần gì với tinh thần phối hợp tốt “3 nhà” (nhà khoa học, nhà nước, nhà sản xuất).
Đi liền với đó, cán bộ ngành KHCN cần tăng cường chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo Nghị quyết Trung ương 4. 
Nhắc lại lời dạy của Bác Hồ năm 1963: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Các tổ chức khoa học và nhà khoa học phải lăn lộn trong thực tiễn, quan hệ chặt chẽ với các xí nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất, phải biết công nhân, nông dân yêu cầu gì, học làm ăn và sinh sống như thế nào, họ cần được giúp đỡ, chuyển giao, phổ biến những tiến bộ khoa học công nghệ như thế nào” mà đến nay còn nguyên giá trị, Thủ tướng chúc ngành KHCN phát huy kết quả đạt được, khắc phục các hạn chế, yếu kém để tiếp tục đạt được nhiều thành công hơn nữa, phấn đấu đưa KHCN thực sự trở thành động lực phát triển đất nước nhanh và bền vững./. 
 
Nguồn:  Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

10 sự kiện khoa học trong nước tiêu biểu năm 2016

(Chinhphu.vn) – Chiều 27/12, CLB Nhà báo Khoa học Công nghệ Việt Nam công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện khoa học công nghệ nổi bật năm 2016 thuộc 5 lĩnh vực: Cơ chế chính sách, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu ứng dụng, tôn vinh nhà khoa học.
 
Lần đầu tiên tổ chức Lễ trao giải Trần Đại Nghĩa
Đây là năm thứ 11 đơn vị trên tổ chức sự kiện bình chọn này. Cùng với hệ thống các giải thưởng, cuộc bình chọn là một cách đánh giá khách quan, thể hiện sự ghi nhận và tôn vinh của xã hội thông qua góc nhìn của các nhà báo chuyên theo dõi lĩnh vực khoa học công nghệ.
 
1. Ban hành 2 nghị quyết liên quan hoạt động khoa học và công nghệ
 
Nghị quyết số 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nghị quyết khẳng định: Ưu tiên phát triển và chuyển giao khoa học-công nghệ, nhất là khoa học-công nghệ hiện đại, coi đây là yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
 
Nghị quyết số 297/NQ-UBTVQH14 về nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2015-2020, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.
 
2. Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”
 
Ngày 18/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia”. Mục tiêu của đề án là tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.
3. Lần đầu tiên trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa
 
Sáng 11/9, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức lễ trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất. Giải thưởng nhằm tôn vinh tác giả của các công trình nghiên cứu có giá trị khoa học xuất sắc và đã triển khai ứng dụng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước. Giải thưởng Trần Đại Nghĩa được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trao tặng mỗi năm một lần. Năm nay, Ban Tổ chức nhận được 15 công trình tham gia Giải thưởng thuộc 3 lĩnh vực: Khoa học thông tin và khoa học máy tính; hóa học; khoa học sự sống.
 
4. Tổ chức thành công Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5
 
Từ ngày 15-16/12 đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”, do Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp các bộ, ngành và các trung tâm nghiên cứu lớn tại Việt Nam tổ chức. Các kết quả về chuyên môn chuyên sâu được báo cáo tại Hội thảo lần này, giúp Việt Nam hiểu rõ hơn về chính mình, qua đó sẽ có những đóng góp trực tiếp đến việc hoạch định ra các chủ trương, chính sách cho các cấp lãnh đạo, quản lý của Việt Nam.
 
Một điểm mới là tại Hội thảo lần này đề cập nội dung nghiên cứu Việt Nam rộng hơn, quan tâm cả đến vấn đề giáo dục-đào tạo, chuyển giao công nghệ và biến đổi khí hậu. Cùng với việc nhận rõ vai trò của công nghệ và khoa học hiện đại tới sự phát triển của Việt Nam và để phát triển bền vững thì không thể tách khỏi yếu tố môi trường và biến đổi khí hậu.
 
 
 
Các di tích khảo cổ được phát hiện ở An Khê
5. Phát hiện di tích thời đại Đá cũ ở An Khê-Gia Lai
 
Cuối năm 2014, 5 di tích thời đại Đá cũ ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai lần đầu được phát hiện khi các nhà khảo cổ học của Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam) tiến hành nghiên cứu hệ thống di tích khảo cổ học thời đại Đá vùng thượng du sông Ba ở tỉnh Gia Lai. 
 
Năm 2016, các nhà khảo cổ học đã khảo sát một số di tích như Rộc Hương (phường An Tân), Rộc Giáo (phường Ngô Mây), Rộc Lớn (phường An Phước), phát hiện thêm di tích Rộc Nếp (xã Cửu An). Điều đáng chú ý là đợt khảo sát này còn phát hiện hai rìu tay ở di tích Rộc Giáo và Rộc Lớn. Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam sẽ kiến nghị Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đặc cách công nhận nhóm di tích sơ kỳ đồ đá cũ ở An Khê là di tích quốc gia đặc biệt.
 
6. Các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước trong giai đoạn 2011-2015 đang góp phần tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước
 
Hệ thống 15 chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước được triển khai trong giai đoạn 2011-2015 bao gồm 10 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ (chương trình KC) và 5 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chương trình KX). Sau 5 năm triển khai, các chương trình đã đạt được những thành tựu đáng kể, không chỉ góp phần nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia, mà còn đóng góp thiết thực cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
 
Vaccine sởi-rubella do Việt Nam sản xuất
7. Việt Nam sản xuất thành công vaccine sởi-rubella
 
Tháng 11/2016, Bộ Y tế công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng cho vaccine phối hợp sởi-rubella (MR) do Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC), đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, sản xuất. Đây là vaccine MR đầu tiên được chuyển giao công nghệ sản xuất thành công tại Việt Nam. Trong thời gian tới, POLYVAC sẽ hoàn thành các thủ tục liên quan đến cấp phép lưu hành sản phẩm, để có thể cung cấp vaccine MR cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, phục vụ tiêm miễn phí cho trẻ em Việt Nam dự kiến từ năm 2017.
 
8. Bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ áp dụng cho ngành chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam
 
Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 đã chủ động lựa chọn và giao cho các đơn vị tiến hành xây dựng một chuỗi các nhiệm vụ liên quan từ việc hoàn thiện quy trình, phương pháp xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ; tổ chức triển khai xây dựng cho một số ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng, trong đó có lĩnh vực chọn tạo giống lúa và sản xuất lúa gạo; nghiên cứu chọn tạo giống lúa thuần chống chịu mặn-hạn thích nghi với điều kiện canh tác lúa vùng nhiễm mặn thuộc đồng bằng sông Cửu Long.
 
TS. Đỗ Hoàng Tùng và TS. Nguyễn Thế Anh bên chiếc máy PlasmaMed
9. Sản xuất thành công máy Plasma lạnh
 
Sau 4 năm nghiên cứu và thử nghiệm, TS. Đỗ Hoàng Tùng cùng các cộng sự đã sáng chế thành công máy phát tia plasma lạnh có tên PlasmaMed, ứng dụng công nghệ hồ quang trượt (Gliding arc plasma – GAP). 
 
Sau khi đã được kiểm nghiệm và thử nghiệm lâm sàng tại nhiều bệnh viện lớn, máy PlasmaMed của nhóm nghiên cứu đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành sản phẩm trang thiết bị y tế. Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp bằng sáng chế cho TS. Đỗ Hoàng Tùng và các cộng sự. Hiện nay, có khoảng 11 máy PlasmaMed đang được đặt ở nhiều bệnh viện lớn.
 
10. Năm người Việt Nam thuộc nhóm các nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới
 
Theo công bố của Thomson Reuters (tổ chức hàng đầu thế giới về thông tin tri thức), năm 2016, có 5 người Việt lọt vào Top 3.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới, đó là: PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng; GS.TS Nguyễn Sơn Bình; GS.TS Nguyễn Thục Quyên; GS.TS Võ Văn Ánh; TS. Trần Phan Lam Sơn.
 
Thu Cúc

Hội nghị Tổng kết công tác Thi đua năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 của Khối thi đua cơ quan Bộ

 
Ngày 29/12/2016, Khối thi đua cơ quan Bộ đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Thi đua năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017. Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Đắc Hiến đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
 
Tham dự Hội nghị có các đại biểu đại diện Lãnh đạo các đơn vị, Cán bộ chuyên viên phụ trách công tác thi đua khen thưởng các đơn vị trong Khối thi đua cơ quan Bộ: Văn phòng Bộ KH&CN; Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên; Vụ KH&CN các ngành Kinh tế – Kỹ thuật; Vụ Công nghệ cao, Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ; Vụ Phát triển KH&CN địa phương; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch – Tổng hợp; Vụ Tài chính; Vụ Pháp chế; Vụ Thi đua – Khen thưởng; Thanh tra Bộ KH&CN; Cục Công tác phía Nam; Văn phòng Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia; Văn phòng Đảng – Đoàn thể.
 
Tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương – Khối trưởng Khối thi đua cơ quan Bộ đã trình bày Báo cáo công tác Thi đua năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017. Các đơn vị trong Khối đã trao đổi thảo luận các nội dung cần bổ sung trong Báo cáo, đồng thời bàn bạc các vấn đề về công tác thi đua của Khối trong giai đoạn tới.
 
Hội nghị đã thống nhất đánh giá hoạt động thi đua năm 2016, các đơn vị trong Khối thi đua cơ quan Bộ đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao, thực hiện các cam kết trong bản Giao ước thi đua các đơn vị trong Khối đã ký kết. Toàn thể cán bộ, công chức trong Khối đã được tham gia học tập và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ KH&CN lần thứ XXII nhiệm kỳ 2016-2020. Các Quy chế làm việc, các Quy định của Bộ theo chức năng đã được chấp hành nghiêm túc. Hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền, đoàn thể quần chúng đều đã được quan tâm xây dựng; hoạt động của các đơn vị luôn được gắn với chủ đề “Đoàn kết – Kỷ cương – Trí tuệ – Hiệu quả”. Công tác phối hợp giữa các đơn vị trong Khối đã được quan tâm hơn, nhất là sự phối hợp giữa các chuyên viên trong việc xử lý các nội dung liên quan. Cơ bản thực hiện tốt việc tham gia xây dựng và góp ý kiến để hoàn thiện các văn bản theo yêu cầu cả về chất lượng và tiến độ thời gian; cấp Lãnh đạo các Vụ, đơn vị đã chủ động phối hợp trao đổi biện pháp phối hợp giải quyết các vấn đề nhằm đảm bảo nội dung tham mưu cho Lãnh đạo Bộ được thống nhất. Công tác xây dựng cơ quan vững mạnh đã được quan tâm, các đơn vị đã triển khai đẩy mạnh cải cách hành chính, tổ chức học tập và thí điểm vận hành Phần mềm Quản lý và xử lý văn bản theo hướng dẫn của Bộ, đảm bảo đủ điều kiện triển khai khi Phần mềm chính thức đi vào vận hành. Các đơn vị trong Khối tạo điều kiện cho cán bộ tham gia học tập nâng cao trình độ; nội bộ cơ quan, đơn vị đoàn kết, thống nhất. Công tác thi đua đã được chú trọng hơn gắn với việc triển khai các hoạt động của đơn vị; các đơn vị đã triển khai tổng kết, bình xét thi đua của đơn vị năm 2016 đảm bảo đáp ứng đúng thời gian theo quy định.
 
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2017, Khối thi đua cơ quan Bộ tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng; học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thi đua khen thưởng.. Bám sát các nhiệm vụ chính trị chuyên môn gắn liền với công tác thi đua, tổ chức triển khai thắng lợi các mục tiêu kế hoạch công tác năm 2017 và 5 năm 2016-2020 của Bộ cũng như trong từng đơn vị thuộc Khối. Bám sát chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, thực hiện sáng tạo Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Tiếp tục chủ đề thi đua xuyên suốt từ năm 2016-2018 của Khối được xác định: “Nâng cao trách nhiệm – Phối hợp hiệu quả” tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tới toàn thể cán bộ công chức, người lao động khối cơ quan Bộ. Đẩy mạnh việc hỗ trợ, tạo điều kiện triển khai các nhiệm vụ KH&CN góp phần đẩy mạnh KH&CN ở các địa phương gắn với nội dung “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” hướng đến chủ đề “đưa KH&CN về nông thôn”. Đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện biểu dương những cá nhân, tập thể thi đua xuất sắc qua các phong trào thi đua đảm bảo khen thưởng kịp thời, khen thưởng đúng người, đúng việc, đúng thành tích, đúng quy trình. Gắn các nội dung thi đua trên với việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí”.
 
Thay mặt Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Bộ KH&CN, đồng chí Trần Đắc Hiến đã đánh giá cao hoạt động thi đua của 16 đơn vị trong Khối cơ quan Bộ. Đặc biệt Khối trưởng đã thể hiện được vai trò tập hợp, đôn đốc, đoàn kết, dẫn dắt các đơn vị trong Khối cơ quan Bộ triển khai, thực hiện các kế hoạch thi đua của Bộ năm 2016. Cơ bản Khối cơ quan Bộ đã hoàn thành các kế hoạch đề ra trong năm 2016. 
 
Hội nghị đã bỏ phiếu bầu ra 03 đơn vị đạt danh hiệu “Cờ thi đua của Bộ năm 2016” là: Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Vụ KH&CN các ngành Kinh tế – Kỹ thuật, Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ; 01 đơn vị đạt danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ năm 2016” là Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ.
 
Nguồn:  Vụ Phát triển KH&CN địa phương
 

Startup Festival 2016: Vinh danh 9 startup xuất sắc nhất năm

 
Sáng 29/12/2016, Startup Festival (Đại hội khởi nghiệp) 2016 chính thức diễn ra với sự tham gia của hơn 1.000 startup và nhiều đại diện, lãnh đạo cơ quan nhà nước và đại diện các cơ quan quốc tế. Ban Tổ chức Startup Festival tìm ra được 9 startup xuất sắc nhất trong hơn 1.000 startup để vinh danh.
Startup Festival 2016 với tên gọi "Khát vọng tiên phong" được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì triển khai và vận hành bởi Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) – Bộ KH&CN và Ban Thanh thiếu niên – Đài Truyền hình Việt Nam (VTV6) cùng một số đối tác khác dưới hình thức hội chợ trình diễn, giới thiệu những đơn vị khởi nghiệp ấn tượng, có giá trị lớn đối với xã hội, cộng đồng và nền kinh tế Việt Nam.
Chương trình thu hút sự tham gia của hơn 1.000 startup đến từ 3 miền Bắc – Trung – Nam với mong muốn nâng cao tính kết nối và xây dựng cộng đồng khởi nghiệp lớn mạnh. Đây là ngày hội lớn của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm quý giá trong con đường khởi nghiệp đã đi qua.
 
Startup Festival 2016 có sự tham gia của ông Phạm Việt Tiến – Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV), ông Craig Chitick – Đại sứ Australia tại Việt Nam, đại diện Ban điều hành Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" – (Đề án 844) và đại diện các cơ quan ban ngành khác.
 
Các hạng mục trao giải của năm nay bao gồm: Sự kiện khởi nghiệp của năm, Doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ thông tin Bluebird của năm, Phụ nữ khởi nghiệp của năm, Doanh nghiệp Khởi nghiệp tiềm năng, Doanh nghiệp Khởi nghiệp được yêu thích nhất.
 
Giải thưởng đầu tiên được Ban tổ chức trao là Sự kiện khởi nghiệp của năm. Sự kiện được Ban tổ chức lựa chọn là việc cộng đồng khởi nghiệp kiến nghị sửa đổi Điều 292 Bộ luật Hình sự. Ông Đỗ Hoài Nam – đại diện Cộng đồng khởi nghiệp đã lên nhận giải thưởng từ TS. Tạ Bích Loan – Trưởng ban Thanh thiếu niên VTV6.
 
 
Theo thống kê, phụ nữ trên toàn thế giới đang nắm trong tay 50% tổng tải sản toàn cầu và họ đang từng bước chứng tỏ sứ mệnh của mình trong nền kinh tế. Trong lĩnh vực khởi nghiệp, những người phụ nữ đã và đang có được những thành tựu đáng tự hào. Năm 2016, giải thưởng Phụ nữ khởi nghiệp của năm đã được trao cho "bà mối" Vũ Nguyệt Ánh với ứng dụng hẹn hò Rudicaf. Giải thưởng người Phụ nữ khởi nghiệp của năm nhận được là một chuyến tham quan học hỏi tại Úc kéo dài 2 tuần được trao bởi ông Craig Chitick và một gói dịch vụ đào tạo và tư vấn phát triển doanh nghiệp trị giá USD 3,000 từ VCIC.
 
Chia sẻ cảm xúc của mình, bà Nguyệt Ánh cho biết: “Cách đây đúng 10 năm, khi tôi 19 tuổi tôi được trao giải Phụ nữ thế kỷ 21 triển vọng trên VTV3. Sau đúng 10 năm tôi đứng ở đây nhận giải Phụ nữ khởi nghiệp. Với tôi đây là niềm vinh dự và áp lực để tôi cố gắng khởi nghiệp trong chặng đường khởi nghiệp gian nan và nhiều thử thách trước mắt”.
 
 
Ông Phạm Đức Nghiệm- Giám đốc Ban quản lý dự án (Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) trao Giải thưởng Khởi nghiệp được yêu thích nhất cho Bigschool của "ông già khởi nghiệp" Lê Thống Nhất.
 
Trong khi đó, Giải thưởng Khởi nghiệp được yêu thích nhất đã được Ban tổ chức đã trao cho Bigschool của "ông già khởi nghiệp" Lê Thống Nhất.
 
Vượt qua các ứng viên khác, 3 startup 1offfice, Giaohangnhanh và WeFit đã vinh dự nhận giải thưởng Khởi nghiệp tiềm năng với mỗi giải là một khóa học khởi nghiệp 2 tuần tại Israel.
 
Ở hạng mục Khởi nghiệp công nghệ thông tin Bluebird, Mysterious Stone và Ứng dụng Suge Dict đã vượt qua 200 sản phẩm game và ứng dụng để trở thành người chiến thắng. Phần thưởng mà mỗi startup này nhận được là 50 triệu đồng và 1 chuyến đi thăm trụ sở Google ở thung lũng Silicon (Mỹ).
 
Với 53% tin nhắn bình chọn từ 200 khách mời của chương trình, DesignBold – một ứng dụng thiết kế của người Việt – đã vượt qua GotIt! để giành giải thưởng quan trọng nhất là Khởi nghiệp của năm.
 
"Chúng tôi hứa sẽ dốc hết sức mình để mang được nguồn lực từ nước ngoài về hỗ trợ cho các startup Việt Nam. Nhận được giải thưởng này là vinh dự và cũng là trách nhiệm. Tôi đặt ra cho mình nhiệm vụ hỗ trợ các bạn startup Việt bắt kịp các hệ sinh thái khởi nghiệp khác trên thế giới" – Đinh Viết Hùng, CEO của DesignBold – chia sẻ tại Lễ trao giải.
 
 
Không chỉ mang lại sự tôn vinh xứng đáng cho các đại diện cộng đồng khởi nghiệp nói riêng mà còn khẳng định những đóng góp không ngừng nghỉ của hệ sinh thái khởi nghiệp với đất nước trong thời gian qua, Startup Festival hứa hẹn sẽ là đòn bẩy cho các hoạt động khởi nghiệp sôi nổi hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn vào năm tiếp theo.
 
Nguồn:  Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam – Bộ KH&CN

Ngày 04/01 sẽ diễn ra Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành Khoa học và Công nghệ

 
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sáng ngày 04/01/2017, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội”. Đầu cầu Trung ương tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, đầu cầu địa phương tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Tham dự Hội nghị, tại đầu cầu Trung ương có Lãnh đạo Chính phủ; Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Lãnh đạo và cán bộ chủ chốt thuộc Bộ KH&CN; đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện Lãnh đạo một số Ban của Đảng, Ủy ban của Quốc hội; đại diện các cơ quan quản lý KH&CN (viện, trường, trung tâm); đại diện một số doanh nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;…
 
Tham dự Hội nghị tại đầu cầu các địa phương có đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân; Lãnh đạo các sở, ban, ngành; đại diện các tổ chức KH&CN (viện, trường, trung tâm) tại địa phương.
 
Năm 2016 là năm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, năm đầu của nhiệm kỳ 2016-2020, có vai trò định hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chương trình hành động với mục tiêu tiếp tục tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, ngành KH&CN đã tập trung xây dựng, triển khai thực hiện các nội dung, Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội, trong đó trọng tâm là các nhiệm vụ, giải pháp của ngành để đưa KH&CN trở thành yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung cải cách thủ tục hành chính, triển khai chính phủ điện tử, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 
 
Trong năm 2016, hoạt động KH&CN đã có nhiều kết quả nổi bật, thể hiện trong các nhiệm vụ: Công tác xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật để phù hợp với các cam kết quốc tế và triển khai định hướng đổi mới trong lĩnh vực KH&CN, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Hoạt động khoa học xã hội, nhân văn phục vụ hoạch định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh; Hoạt động KH&CN đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh; Hoạt động KH&CN ở địa phương; Phát triển tiềm lực KH&CN; Thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN; Phát triển thị trường KH&CN; Các hoạt động hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh; Hội nhập quốc tế về KH&CN;… 
 
 
Giàn khoan tự nâng 90m nước – Tam Đảo 03 là giàn khoan đầu tiên Việt Nam chế tạo thành công, qua đó khẳng định trình độ, năng lực của các kỹ sư Việt Nam trong ngành công nghiệp đòi hỏi hàm lượng chất xám cao (Ảnh PVShipyard)
 
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá các kết quả KH&CN trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, tập trung vào các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, các nhiệm vụ trọng tâm của các ngành, địa phương; tái cơ cấu ngành KH&CN theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế. 
 
Nguồn:  Hạnh Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN

Trao Giải thưởng Khoa học công nghệ Thanh niên Quả Cầu Vàng 2016

 
Sáng 29/12/2016, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức trao Giải thưởng “Quả Cầu Vàng” và phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật năm 2016.
 
Dự Lễ trao Giải thưởng có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Văn Hùng.
 
Từ năm 2003, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức trao tặng Giải thưởng Khoa học kỹ thuật (KHKT) Thanh niên mang tên “Quả Cầu Vàng” hàng năm cho 10 tài năng trẻ xuất sắc nhất về khoa học kỹ thuật. Những năm trước đây, Giải thưởng chỉ triển khai duy nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Năm 2011, Giải thưởng được mở rộng xét trao cho 4 lĩnh vực: CNTT và truyền thông; công nghệ y – dược; công nghệ sinh học; công nghệ môi trường.
 
Năm nay, Giải thưởng Khoa học kỹ thuật Thanh niên Quả Cầu Vàng được đổi thành Giải thưởng Khoa học công nghệ (KHCN) Thanh niên Quả Cầu Vàng và mở rộng thêm lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới. Giải thưởng KHCN Thanh niên Quả Cầu Vàng 2016 sẽ xét trao cho 10 tài năng trẻ khoa học công nghệ xuất sắc nhất trong năm thuộc 5 lĩnh vực: CNTT và truyền thông; công nghệ y – dược; công nghệ sinh học; công nghệ môi trường và công nghệ vật liệu mới.
 
 
10 tài năng trẻ xuất sắc nhận Giải thưởng Quả Cầu Vàng 2016
 
Sau gần 2 tháng phát động, Ban tổ chức Giải thưởng Quả Cầu Vàng 2016 đã nhận được 61 hồ sơ đến từ 21 tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc, Hội Thầy thuốc Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Hội đồng bình chọn Giải thưởng đã chọn ra 10 tài năng trẻ có thành tích đặc biệt xuất sắc trao Giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2016.
 
Năm nay, 10 tài năng trẻ được trao giải thưởng Quả Cầu Vàng có 8 người là Tiến sĩ, 2 Thạc sĩ và 1 sinh viên xuất sắc về công nghệ thông tin thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM- đây cũng là chủ nhân Quả Cầu Vàng trẻ tuổi nhất năm nay, 22 tuổi.
 
Cụ thể, lĩnh vực CNTT và truyền thông có 03 người đạt Giải thưởng: TS. Lê Đức Tùng (sinh năm 1984, Giảng viên Viện Nghiên cứu quốc tế về Khoa học và Kỹ thuật tính toán – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội); Sinh viên Phạm Việt Khôi (sinh năm 1994, sinh viên Khoa CNTT Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM); TS. Dương Trọng Hải (sinh năm 1981, Giảng viên Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM).
 
Ở lĩnh vực Công nghệ Môi trường có 02 người đạt Giải thưởng: TS. Nguyễn Mạnh Hùng (sinh năm 1983, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam); TS. Hà Thị Kim Thanh (sinh năm 1986, Trung tâm Công nghệ sinh học, Sở KH&CN Đà Nẵng). 
 
Lĩnh vực Công nghệ Y dược có 2 người đạt Giải thưởng Quả Cầu Vàng là: TS. Huỳnh Ngọc Trinh (sinh năm 1981, Giảng viên Bộ môn Dược lý, Khoa Dược, Trường Đại học Y dược TP.HCM); ThS. Nguyễn Xuân Hải (sinh năm 1987, Giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM).
 
Lĩnh vực Công nghệ Sinh học có 01 người Giải thưởng: TS. Trương Hải Nhung (sinh năm 1985, Phó Trưởng khoa Sinh học và Công nghệ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM).
 
Ở lĩnh vực Công nghệ Vật liệu mới lần đầu đưa vào bình chọn cũng có 2 cá nhân đạt Giải là: TS. Trần Đinh Phong (sinh năm 1981, Giảng viên khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano, Trường Đại học KH&CN Hà Nội); TS. Bạch Long Giang (sinh năm 1983, Trưởng phòng KHCN Trường Đại học Nguyễn Tất Thành).
 
Cũng tại Lễ trao giải Quả Cầu Vàng, Trung ương Đoàn và Bộ KH&CN cũng công bố, trao phần thưởng “Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật 2016” cho 20 nữ sinh viên.
 
Kết thúc Lễ trao giải, 10 Quả Cầu Vàng và 20 nữ sinh viên tiêu biểu đến Văn phòng Chủ tịch nước để Phó Chủ tịch nước gặp mặt, tuyên dương. Tối cùng ngày, các cá nhân đoạt giải giao lưu cùng 800 sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
 
Một số hình ảnh tại Lễ trao giải:
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng tham dự Lễ trao Giải thưởng:
 
 
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng trao Cup biểu trưng Giải thưởng cho các tài năng trẻ xuất sắc:
 
Nguồn:  Ánh Tuyết, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp

 
Sáng 27/12/2016, tại Hà Nội, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phối hợp với Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (thuộc Bộ KH&CN), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức Diễn đàn “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp”.
 
Tham dự Diễn đàn có: Ông Trần Văn Tùng- Thứ trưởng Bộ KH&CN; Ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ông Nguyễn Tiến Nhường- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh; Ông Phạm Hồng Quất- Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN; Ông Phạm Quang Hiển- Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đặc biệt, Diễn đàn có sự tham dự của gần 200 khách mời đến từ các cơ quan trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các trường đại học, các bạn thanh niên – sinh viên cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
 
Diễn đàn nhằm giúp cho giới trẻ hiểu rõ về hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc điểm và cách xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong nông nghiệp một cách hiệu quả ở Việt Nam.
 
Toàn cảnh Diễn đàn
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính đến hết tháng 02/2016, cả nước có 4.424 doanh nghiệp (DN) thuộc ngành nông nghiệp (bao gồm nông, lâm, thủy sản). Các DN này có hiệu quả kinh tế tương đối tốt, chỉ số phản ánh về hiệu suất sinh lời cao hơn so với các DN trong lĩnh vực khác. Quá trình đổi mới DN Nhà nước đã có sự thay đổi đáng kể, số DN Nhà nước trong nông nghiệp giảm đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2016, đã có 244 DN nhà nước trong nông nghiệp được thông qua đề án tái cơ cấu. Đặc biệt sau khi được Chính phủ đưa ra 3 Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, việc quan tâm và thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nhận thấy nhiều chuyển biến tích cực.
 
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng tham dự Diễn đàn
 
 
Phát biểu khai mạc, TS. Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI cho biết, thời gian qua 2 cụm từ được nhắc nhiều lần là nông nghiệp và khởi nghiệp. Đây được coi là cứu cánh của nền kinh tế Việt Nam. Nông nghiệp là lợi thế đặc biệt của Việt Nam và khởi nghiệp là phương thức thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
 
“VCCI trong nhiều năm qua là một tổ chức đầu tiên thúc đẩy, trở thành bệ đỡ cho DN khởi nghiệp ở Việt Nam. Tôi tin rằng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ dẫn đầu. VCCI và Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp để thúc đẩy và hỗ trợ DN khởi nghiệp trong lĩnh vực này”, TS. Vũ Tiến Lộc bày tỏ. 
 
 
Trao đổi tại Diễn đàn, ông Phạm Hồng Quất- Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN cho biết, vừa qua Bộ KH&CN đã chủ trì, soạn thảo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Trong hệ sinh thái khởi nghiệp, vai trò của Nhà nước với các chính sách pháp luật là vô cùng quan trọng. Nếu nói về điểm mạnh cho hệ khởi nghiệp phát triển, ông Phạm Hồng Quất cho biết, hiện đã có hành lang pháp lý cơ bản để doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển; có hệ thống các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; bắt đầu có các quỹ đầu tư, cá nhân đầu tư cho khởi nghiệp; có một số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.
 
Đặc biệt, hiện nay các DN khởi nghiệp đã và đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về vấn đề khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, dân số Việt Nam trẻ, nhân lực tri thức cao, rất phù hợp để phát triển khởi nghiệp.
 
Xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp
     
04:07' PM – Thứ tư, 28/12/2016
Sáng 27/12/2016, tại Hà Nội, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phối hợp với Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (thuộc Bộ KH&CN), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức Diễn đàn “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp”.
 
Tham dự Diễn đàn có: Ông Trần Văn Tùng- Thứ trưởng Bộ KH&CN; Ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ông Nguyễn Tiến Nhường- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh; Ông Phạm Hồng Quất- Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN; Ông Phạm Quang Hiển- Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đặc biệt, Diễn đàn có sự tham dự của gần 200 khách mời đến từ các cơ quan trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các trường đại học, các bạn thanh niên – sinh viên cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
 
Diễn đàn nhằm giúp cho giới trẻ hiểu rõ về hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc điểm và cách xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong nông nghiệp một cách hiệu quả ở Việt Nam.
 
 
Toàn cảnh Diễn đàn
 
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính đến hết tháng 02/2016, cả nước có 4.424 doanh nghiệp (DN) thuộc ngành nông nghiệp (bao gồm nông, lâm, thủy sản). Các DN này có hiệu quả kinh tế tương đối tốt, chỉ số phản ánh về hiệu suất sinh lời cao hơn so với các DN trong lĩnh vực khác. Quá trình đổi mới DN Nhà nước đã có sự thay đổi đáng kể, số DN Nhà nước trong nông nghiệp giảm đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2016, đã có 244 DN nhà nước trong nông nghiệp được thông qua đề án tái cơ cấu. Đặc biệt sau khi được Chính phủ đưa ra 3 Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, việc quan tâm và thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nhận thấy nhiều chuyển biến tích cực.
 
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng tham dự Diễn đàn
 
Phát biểu khai mạc, TS. Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI cho biết, thời gian qua 2 cụm từ được nhắc nhiều lần là nông nghiệp và khởi nghiệp. Đây được coi là cứu cánh của nền kinh tế Việt Nam. Nông nghiệp là lợi thế đặc biệt của Việt Nam và khởi nghiệp là phương thức thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
 
“VCCI trong nhiều năm qua là một tổ chức đầu tiên thúc đẩy, trở thành bệ đỡ cho DN khởi nghiệp ở Việt Nam. Tôi tin rằng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ dẫn đầu. VCCI và Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp để thúc đẩy và hỗ trợ DN khởi nghiệp trong lĩnh vực này”, TS. Vũ Tiến Lộc bày tỏ. 
 
 
Các diễn giả tham gia phiên thảo luận tại Diễn đàn
 
Trao đổi tại Diễn đàn, ông Phạm Hồng Quất- Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN cho biết, vừa qua Bộ KH&CN đã chủ trì, soạn thảo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Trong hệ sinh thái khởi nghiệp, vai trò của Nhà nước với các chính sách pháp luật là vô cùng quan trọng. Nếu nói về điểm mạnh cho hệ khởi nghiệp phát triển, ông Phạm Hồng Quất cho biết, hiện đã có hành lang pháp lý cơ bản để doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển; có hệ thống các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; bắt đầu có các quỹ đầu tư, cá nhân đầu tư cho khởi nghiệp; có một số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.
 
Đặc biệt, hiện nay các DN khởi nghiệp đã và đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về vấn đề khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, dân số Việt Nam trẻ, nhân lực tri thức cao, rất phù hợp để phát triển khởi nghiệp.
 
Để phát triển nông nghiệp cần phải có hệ sinh thái để thúc đẩy khởi nghiệp. TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, để xây dựng được một hệ sinh thái hoàn chỉnh và đảm bảo nhiều cách tiếp cận khác nhau, cần tạo cho các DN có thể tiếp cận thị trường; cung cấp được nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các DN khởi nghiệp; có một hệ thống tài chính, cơ chế tài chính để dẫn vốn cho các DN khởi nghiệp (quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần…); xây dựng khung pháp lý cho khởi nghiệp để DN mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp; cơ sở hạ tầng cho khởi nghiệp cần hoàn thiện.
 
Nguồn:  Đăng Minh – Chi Hà, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN
Để phát triển nông nghiệp cần phải có hệ sinh thái để thúc đẩy khởi nghiệp. TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, để xây dựng được một hệ sinh thái hoàn chỉnh và đảm bảo nhiều cách tiếp cận khác nhau, cần tạo cho các DN có thể tiếp cận thị trường; cung cấp được nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các DN khởi nghiệp; có một hệ thống tài chính, cơ chế tài chính để dẫn vốn cho các DN khởi nghiệp (quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần…); xây dựng khung pháp lý cho khởi nghiệp để DN mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp; cơ sở hạ tầng cho khởi nghiệp cần hoàn thiện.
 
Nguồn:  Đăng Minh – Chi Hà, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN
 

NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐẠT GIẢI THƯỞNG SÁCH VIỆT NAM 2016

 
Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật nhận Giải Vàng cuốn “Dược thư Quốc gia Việt Nam” của Bộ Y tế  và Giải Bạc cuốn “Hệ nấm mốc ở Việt Nam” của tác giả TS. Đặng Vũ Hồng Miên được Hội đồng Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2016 đánh giá cao và bạn đọc yêu thích.
Năm 2016, là năm thứ 12 Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Giải thưởng Sách Việt Nam. Đây là sự kiện được những người trong ngành Xuất bản, các tác giả và bạn đọc cả nước đón nhận hằng năm. Ngày 28/12, tại Hội trường Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng Sách Việt Nam lần thứ 12 năm 2016 cho các Nhà xuất bản được giải.
Công tác chuẩn bị cho Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2016 đã được khởi động ngay từ đầu năm, có 40 nhà xuất bản gửi sách tham dự giải năm 2016 với tổng số 486 cuốn, trong đó có 266 cuốn dự giải Sách Hay, 220 cuốn dự giải Sách Đẹp. Đặc biệt, có nhiều cuốn sách được các nhà xuất bản đăng ký dự xét cả giải Sách Hay và giải Sách Đẹp. Các tác phẩm đạt giải đều là những tác phẩm có giá trị cao về lý luận, nghệ thuật, khoa học và thực tiễn. Kết quả trong tổng số 47 giải về Sách Hay (gồm 4 Giải Vàng, 10 Giải Bạc, 17 Giải Đồng, 16 Giải Khuyến khích), Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật nhận được Giải Vàng cuốn “Dược thư Quốc gia Việt Nam” của Bộ Y tế và Giải Bạc cuốn “Hệ nấm mốc ở Việt Nam” của tác giả TS. Đặng Vũ Hồng Miên. Giải thưởng là vinh dự lớn cho tập thể lãnh đạo, cán bộ Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật đã dành nhiều thời gian, tâm huyết, trực tiếp tham gia vào các khâu của quá trình tổ chức bản thảo, biên tập, thiết kế, chế bản, in ấn, truyền thông, phát hành cuốn sách này. 
Với Giải Vàng dành cho Sách Hay, cuốn “Dược thư Quốc gia Việt Nam” đã được Hội đồng Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2016 đánh giá cao và bạn đọc yêu thích, xứng đáng là cuốn cẩm nang đầu tay về sử dụng thuốc cho cán bộ y tế toàn quốc.
 
Cuốn sách “Dược thư Quốc gia Việt Nam”
Nội dung sách chứa đựng kiến thức chuyên môn phong phú về y dược, với lượng thông tin khoa học, chính xác, tính ứng dụng cao… rất cần thiết đối với từng loại thuốc gốc, giúp người thầy thuốc biết để chỉ định điều trị chính xác và giảm chi phí. Sách đã được tiếp thu, kế thừa các thành tựu khoa học và tinh hoa y học thế giới. Dược thư còn đưa ra các phác đồ điều trị chuẩn, phù hợp với mô hình bệnh tật ở Việt Nam. Sách cũng là tài liệu quý cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tại các viện, trường chuyên ngành y – dược ở nước ta.
Cuốn sách “Hệ nấm mốc ở Việt Nam – Phân loại, tác hại, độc tố, cách phòng chống” đạt Giải Bạc dành cho Sách Hay là cuốn sách chuyên ngành, hữu ích cho những người nghiên cứu, quan tâm đến lĩnh vực này.
 
Cuốn sách “Hệ nấm mốc ở Việt Nam – Phân loại, tác hại, độc tố, cách phòng chống”
 
Sách được xuất bản sau gần 3 năm kể từ ngày mất của nhà khoa học nữ tài ba TS. Đặng Vũ Hồng Miên. Sách dày hơn 600 trang, tập hợp những công trình nghiên cứu của bà (người được giới khoa học nước nhà xem là cây đại thụ trong lĩnh vực nghiên cứu vi sinh, phòng chống nấm mốc) về các hệ nấm mốc thường gặp trong cuộc sống. Từ cách thức phân loại, phân lập, nuôi cấy, bảo quản nấm mốc cũng như lợi ích, tác hại và ứng dụng của chúng trong đời sống kinh tế – xã hội thường ngày. 
Theo GS. TS. NGND. Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, “Tập công trình dày trên 600 trang này không chỉ thể hiện những đóng góp lớn lao của TS. Đặng Vũ Hồng Miên mà còn là tấm gương sáng về lòng say mê khoa học và tinh thần kiên trì của một nhà khoa học nữ bắt đầu nghiên cứu khi không còn trẻ và còn tiếp tục kể cả khi đã được nghỉ hưu, thậm chí cho đến tận cuối đời”.
Các cuốn sách được Giải thưởng Sách Hay của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật đều là những cuốn sách được biên soạn, sáng tác công phu, giàu tính sáng tạo, nội dung phong phú, đề cập các vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ và y – dược là những vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay.
Từ vòng tuyển chọn sách tham gia xét giải ở các nhà xuất bản đến thành viên các Tiểu ban và Hội đồng Giải thưởng Sách Việt Nam đã làm việc nghiêm túc, khách quan. 
Lễ trao Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2016 được tổ chức vào 8 giờ 30 ngày 28 tháng 12 năm 2016 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, 31 phố Tràng Thi, Hà Nội.
Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật