Bộ KH&CN trao quyết định bổ nhiệm lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ

 
Sáng 28/11/2016, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức công bố và trao các quyết định bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo và bổ nhiệm mới đối với 14 đồng chí lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN. 
 
Tại buổi Lễ, ông Trần Đắc Hiến – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã đọc các Quyết định bổ nhiệm lại, Quyết định về kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo và bổ nhiệm mới đối với lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ. Theo đó, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký Quyết định bổ nhiệm lại 7 cán bộ đang giữ chức vụ lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ gồm: Bà Lê Yên Dung giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên; ông Cao Huy Long giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; bà Phạm Thị Vân Anh giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; ông Trần Hậu Ngọc giữ chức vụ Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ; ông Trịnh Minh Tâm giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ; ông Trần Xuân Đích giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN; ông Vương Đức Tuấn giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam;
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký 3 Quyết định về việc: kéo dài thời gian giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương đối với ông Nguyễn Hồng Hà đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định; kéo dài thời gian giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tổng hợp đối với bà Cù Việt Hà đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định; kéo dài thời gian giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đối với ông Cao Đình Thanh đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. 
 
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng đã ký Quyết định điều động ông Nguyễn Đức Minh đến công tác tại Vụ Hợp tác quốc tế và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; điều động ông Nguyễn Tuấn Khải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đến nhận công tác tại Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và bổ nhiệm có thời hạn giữ chức vụ Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; bổ nhiệm ông Nguyễn Đắc Bình Minh, Trưởng phòng Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng; điều động ông Nguyễn Mai Dương, Phó Trưởng phòng Phòng Tổng hợp thuộc Văn phòng Bộ đến nhận nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ Thư ký Lãnh đạo Bộ và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Vụ trưởng – Thư ký Bộ trưởng Bộ KH&CN. Theo nhu cầu công việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng đã có Quyết định điều động Tổ Thư ký Lãnh đạo Bộ về Văn phòng Bộ và có Quyết định điều động ông Nguyễn Mai Dương, Phó Vụ trưởng – Thư ký Bộ trưởng Bộ KH&CN đến công tác tại Văn phòng Bộ và đảm nhận chức vụ Phó Chánh Văn phòng Bộ, Thư ký Bộ trưởng. 
 
 
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trao Quyết định bổ nhiệm một số Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ
 
Phát biểu tại Lễ trao quyết định bổ nhiệm, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chúc mừng 14 đồng chí vừa được xem xét kéo dài, bổ nhiệm lại, bổ nhiệm mới để tiếp tục giữ các vị trí và trọng trách công tác khác nhau tại Bộ. Bộ trưởng hy vọng, với 3 đồng chí có Quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Vụ Kế hoạch – Tổng hợp, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam sẽ tiếp tục giành thời gian, tâm huyết chung tay, chung sức đóng góp cho sự phát triển chung của ngành KH&CN và đào tạo, dìu dắt đội ngũ kế cận trong đơn vị. Với 7 đồng chí được bổ nhiệm lại, Bộ trưởng mong muốn các đồng chí tiếp tục phát huy trách nhiệm của mình và đem sức trẻ, năng động, sáng tạo của mình để tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của ngành, đồng thời kỳ vọng, các đồng chí sẽ tiếp tục có những bước phát triển hơn nữa. 
 
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng đã chúc mừng 4 đồng chí được bổ nhiệm mới và nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các đồng chí trong thời gian tới và việc góp phần tăng cường tính đoàn kết, chung tay, chung sức để phát triển đơn vị của mình. 
 
Về nhiệm vụ và trọng trách, Bộ trưởng cho rằng các đồng chí sẽ quán xuyến qua sự chỉ đạo chung của Bộ và bản thân chức năng nhiệm vụ của đơn vị để phát huy hết trách nhiệm được phân công tại đơn vị của mình. 
 
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi Lễ
 
Thay mặt các cán bộ được bổ nhiệm, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Nguyễn Tuấn Khải gửi lời cảm ơn Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ, Ban cán sự Đảng Bộ cũng như tất cả các cán bộ đã đặt niềm tin, tín nhiệm đối với các đồng chí vừa được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo. Đồng chí Nguyễn Tuấn Khải hứa sẽ cố gắng với trách nhiệm được giao cùng tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và tiếp tục có những đóng góp xứng đáng với trọng trách của mình, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, quan tâm của Lãnh đạo Bộ, sự hợp tác chặt chẽ của các đơn vị trong Bộ để cùng hoàn thành nhiệm vụ vì sự phát triển chung của ngành KH&CN. 
 
Nguồn:  Hạnh Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN
 

Xây dựng hệ thống đánh giá và bảo lãnh công nghệ tại Việt Nam

 
Để phát triển công nghệ, bên cạnh nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, việc xem xét, lựa chọn chuyển giao công nghệ đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam, quốc gia đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Việc đánh giá công nghệ là công cụ quan trọng để hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ, bảo lãnh công nghệ, bảo lãnh vay vốn, qua đó giúp các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới hoàn thiện công nghệ.
 
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh khẳng định như trên tại Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng hệ thống đánh giá và bảo lãnh công nghệ” do Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) tổ chức ngày 22/11/2016, tại Hà Nội. 
 
Tham dự Hội thảo có GS. Hoàng Văn Phong, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về KH&CN, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ KH&CN; các đồng chí Lãnh đạo và các đồng chí trong Hội đồng Quản lý Quỹ; Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN; đại diện Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các chuyên gia đánh giá và thẩm định công nghệ ở trong và ngoài nước;… Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của 2 chuyên gia Hàn Quốc: Ông Chulmin Jung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ thông tin- Tập đoàn Tài chính công nghệ Hàn Quốc (KOTEC); Ông Kim Jonghyun, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế của KOTEC. 
 
GS. Hoàng Văn Phong – Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ NATIF phát biểu tại Hội thảo
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, thời gian qua, Bộ KH&CN đã xây dựng, ban hành các văn bản liên quan đến định giá kết quả nghiên cứu khoa học và tài sản trí tuệ. Đánh giá công nghệ là vấn đề mới ở Việt Nam nên để triển khai đánh giá có hiệu quả cần thiết học tập kinh nghiệm thực tiễn của nước ngoài.
 
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, Hàn Quốc là nước có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng chỉ số đánh giá công nghệ và bảo lãnh công nghệ cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và công nghệ phục vụ hoạt động đánh giá, thẩm định công nghệ. Nhằm tạo điều kiện khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khai thác, thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng như hỗ trợ cho các quỹ, các tổ chức tín dụng có cơ sở đánh giá công nghệ để xem xét tài trợ cho đổi mới công nghệ, trong thời gian qua, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ – Bộ KH&CN đã hợp tác với KOTEC để xây dựng hệ thống đánh giá công nghệ cho Việt Nam. Hệ thống được xây dựng dựa trên mô hình được áp dụng tại Hàn Quốc và được điều chỉnh thông qua đánh giá thử nghiệm để phù hợp với điều kiện Việt Nam.
 
 
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Việc đánh giá công nghệ là công cụ quan trọng để hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ
 
Tại Hội thảo, các chuyên gia hàng đầu của KOTEC đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc hình thành, phát triển Quỹ KOTEC; xây dựng hệ thống các chỉ số đánh giá công nghệ, thẩm định và bảo lãnh công nghệ phục vụ việc bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp có hoạt động đổi mới công nghệ; hệ thống dịch vụ thông tin của KOTEC. Đại diện Bộ KH&CN cũng đã trình bày về việc phát triển Hệ thống đánh giá công nghệ Việt Nam – VTRS dựa trên kinh nghiệm của KOTEC. 
 
Theo ông Kim Jonghyun – Trưởng Ban Hợp tác quốc tế của KOTEC, năm 1989, KOTEC được Chính phủ Hàn Quốc thành lập để triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp công nghệ mới. Nhiệm vụ của KOTEC là cấp bảo lãnh để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), doanh nghiệp đầu tư các lĩnh vực mới.
 
KOTEC có tổng số 1.200 nhân viên, 168 tiến sĩ, 592 cán bộ và 1.074 cố vấn bên ngoài. KOTEC hoạt động như một tổ chức bảo lãnh phi lợi nhuận và đến nay KOTEC đã bảo lãnh cho khoảng 70.000 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. 
 
Quy trình chung cho phương pháp bảo lãnh công nghệ của KOTEC được tiến hành theo các bước: xin vay vốn; tư vấn và nộp đơn xin bảo lãnh công nghệ; đánh giá và điều tra tín dụng; phê duyệt bảo lãnh công nghệ; cấp giấy bảo lãnh; quyết định cho vay. Ví dụ, một doanh nghiệp công nghệ nhỏ, không thể có các tài sản thế chấp hữu hình ứng dụng cho bảo lãnh công nghệ, KOTEC sẽ đánh giá khả năng trả nợ và giá trị công nghệ của công ty đó và đứng ra đầu tư. Phần lớn, các ngân hàng đều dựa trên sự nghiên cứu và phê duyệt của KOTEC để quyết định cho doanh nghiệp đó vay hoặc tăng thêm các khoản vay.
 
Theo TS. Nguyễn Đức Hoàng – Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Cục đã bắt đầu triển khai hợp tác với KOTEC từ năm 2012, hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác vào năm 2013 và tổ chức các đoàn chuyên gia trao đổi. Hai bên đã đề nghị Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ thực hiện hợp tác thông qua chương trình Chia sẻ tri thức (KSP) của năm 2014 và 2015. Cục cũng đã mời một số đơn vị liên quan tham dự phối hợp như Quỹ NATIF, NAFOSTED, VISTEC,…
 
Ông Nguyễn Đức Hoàng cũng đã đưa ra những đề xuất rất cụ thể về hình thức, phương pháp hợp tác, áp dụng hệ thống VTRS tại Quỹ NATIF và một số tổ chức khác. 
 
 
Toàn cảnh Hội thảo
 
Phát biểu tại Hội thảo, GS. Hoàng Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ NATIF cảm ơn và đánh giá cao những kinh nghiệm chia sẻ của các chuyên gia cao cấp đến từ KOTEC cũng như ý kiến đóng góp nhiệt tình của các đại biểu tham dự Hội thảo, đồng thời khẳng định các nội dung tại Hội thảo sẽ là mục tiêu và nhiệm vụ để Quỹ NATIF lựa chọn, thực hiện với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà khoa học trong các viện nghiên cứu/ trường đại học phối hợp chặt chẽ với nhau, thực hiện tốt hoạt động KH&CN cũng như sản xuất kinh doanh. Đây là cơ sở để hỗ trợ các cơ quan quản lý trong đó có Bộ KH&CN có được dữ liệu, công cụ hiện đại, hiệu quả khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình. 
 
Nguồn:  Hạnh Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Tăng cường nghiệp vụ cho cán bộ đầu mối truyền thông khoa học và công nghệ thuộc Bộ KH&CN

 
Nhằm tăng cường nghiệp vụ truyền thông về lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) cho các đơn vị đầu mối thuộc Bộ KH&CN, ngày 24/11/2016, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN- Bộ KH&CN đã tổ chức Hội thảo tăng cường năng lực nghiệp vụ báo chí, tuyên truyền cho cán bộ đầu mối các đơn vị thuộc Bộ KH&CN.
 
 
Toàn cảnh Hội thảo ngày 24/11
 
Tại Hội thảo, các báo cáo viên đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nghiệp vụ truyền thông KH&CN qua một số chủ đề như: Đánh giá công tác truyền thông KH&CN năm 2016 và dự kiến kế hoạch năm 2017; Vai trò của truyền thông trong phát triển sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Truyền thông qua mạng Internet, hiệu quả và những điểm cần lưu ý.
 
TS. Nguyễn Xuân Toàn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN đã trình bày về công tác truyền thông KH&CN năm 2016 và dự kiến kế hoạch truyền thông trong năm 2017 bao gồm hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cổng thông tin điện tử Bộ KH&CN và các cơ quan báo chí, xuất bản gắn với các nội dung trọng tâm trong năm 2016 như các công trình KH&CN quốc gia đạt hiệu quả lớn; Các đơn vị, cá nhân xuất sắc, cơ chế chính sách, phát triển ứng dụng KH&CN tại các Bộ, Ban, ngành; Hiệu quả phát triển KH&CN địa phương; Hoạt động KH&CN tại các doanh nghiệp… Ông Nguyễn Xuân Toàn nhấn mạnh, để công tác truyền thông đạt hiệu quả cao hơn nữa, định hướng chủ yếu trong năm 2017 cần tập trung tổng hợp đầy đủ kế hoạch sự kiện cả năm, nhấn mạnh các sự kiện, nội dung quan trọng cần tuyên truyền mạnh mẽ, dự kiến nội dung truyền thông; truyền thông các hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5, các hoạt động lớn của Bộ, chú trọng truyền thông trên các báo đài lớn; triển khai tin, bài phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin kịp thời các sự kiện, đặc biệt là các sự kiện đột xuất; xác định rõ đối tượng truyền thông và chủ thể làm truyền thông, thông điệp truyền thông, tăng tính thu hút hấp dẫn nội dung.
 
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe TS. Trần Bá Dung – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ – Hội Nhà báo Việt Nam báo cáo chuyên đề “Truyền thông qua mạng Internet, hiệu quả và những điểm cần lưu ý”. Theo TS. Trần Bá Dung, hiện nay, bên cạnh những tiện ích, thì các nguy cơ và tác động tiêu cực từ Internet rất đa dạng như: Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đánh cắp công nghệ, tài sản trí tuệ, bản quyền trên Internet ngày càng tăng; Nguy cơ gián điệp mạng đã trở nên phức tạp, nguy hiểm, tấn công làm tê liệt hoặc chiếm quyền kiểm soát các trang web là rất nghiêm trọng; sử dụng môi trường Internet để phát tán những thông tin bịa đặt, thông tin không được kiểm chứng, không có nguồn gốc đáng tin cậy, những thông tin độc hại, phản cảm nhằm vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, thương hiệu, gieo rắc tư tưởng, tổ chức các hoạt động khủng bố, phá hoại; đặc biệt thông tin trên Internet được chia sẻ và lan truyền rất nhanh, gây nên các hiệu ứng và hậu quả xấu.
 
Theo TS. Trần Bá Dung, môi trường Internet tiềm ẩn nhiều rủi ro, không phải ai cũng biết cách kiểm soát và sử dụng công nghệ hiệu quả, hỗ trợ tốt nhất cho công việc và học tập. Do đó, cần phải có kỹ năng kiểm soát bản thân trong môi trường Internet, cần biết cách tìm kiếm, chọn lọc, phân tích thông tin; làm chủ máy tính, xây dựng website, phần mềm; sử dụng các dịch vụ của Google, các dịch vụ online phổ biến, kết nối mạng xã hội; quản lý và sử dụng comments; tổ chức và kiểm soát các diễn đàn trên mạng…
 
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, truyền thông trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) ngày càng đóng vai trò quan trọng. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã được nghe TS. Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN báo cáo chuyên đề về “Vai trò của truyền thông trong phát triển sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Ông Phạm Hồng Quất cho biết: để truyền thông trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đạt hiệu quả cao cần lưu ý làm rõ định nghĩa về khởi nghiệp ĐMST; Phân biệt khởi nghiệp ĐMST và khởi nghiệp thông thường; Phân biệt, hiểu rõ các khái niệm, thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp để có những phương thức, nội dung truyền thông phù hợp; Truyền thông không chỉ tập trung vào câu chuyện thành công mà còn truyền thông để khuyến khích tinh thần chấp nhận thất bại; Truyền thông không chỉ tập trung vào các kênh truyền thông chính thức mà còn mở rộng ra phương thức truyền thông qua mạng xã hội; Liên kết giữa truyền thông trong nước và truyền thông quốc tế về khởi nghiệp ĐMST.
 
Trong khuôn khổ của Hội thảo, các đại diện của các đơn vị đã có những thảo luận sôi nổi, đưa ra các đề xuất, giải pháp phù hợp nhằm mục đích tăng cường nghiệp vụ truyền thông KH&CN cho các đầu mối, giúp cộng đồng hiểu được những đóng góp thiết thực của các hoạt động KH&CN đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển của truyền thông KH&CN trong thời gian tới.
 
Nguồn:  Ánh Tuyết, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Bộ KH&CN ký kết Chương trình phối hợp với Trung ương Đoàn giai đoạn 2016 -2020

 
Chiều 25/11/2016, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổng kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2011-2015, ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2016 – 2020.
 
Tham dự buổi lễ có đồng chí Chu Ngọc Anh – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Lê Quốc Phong – Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng; các đồng chí trong Ban Bí thư Trung ương Đoàn; lãnh đạo các ban, đơn vị Trung ương Đoàn, Bộ Khoa học và Công nghệ.
 
 
Toàn cảnh Hội nghị
 
Những con số ấn tượng
 
Báo cáo tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Hùng – Chánh Văn phòng Trung ương Đoàn cho biết: trong giai đoạn 2011- 2015 hai đơn vị đã có nhiều hoạt động phối hợp ngày càng chặt chẽ tạo động lực và phát huy được vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong học tập, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, đạt được nhiều hiệu quả thiết thực. Các hoạt động đã có nhiều đổi mới, sáng tạo và ngày càng đi vào chiều sâu như: đổi mới, cách thức tuyên truyền phổ biến, chuyển giao khoa học, công nghệ cho thanh niên; đổi mới nội dung phương thức tổ chức các hội thi, giải thưởng và phần thưởng…
 
Để giúp thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc, vùng sâu, vùng xa tiếp cận với KH&CN, Đoàn thanh niên phối hợp với ngành KH&CN và các ngành liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên; hỗ trợ thanh niên vay vốn sản xuất. Trong 5 năm qua, các cấp bộ Đoàn đã phối hợp tổ chức 16.480 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho 1.585.666 lượt đoàn viên, thanh niên; thành lập và duy trì 52.428 tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi… Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn duy trì hoạt động hàng ngàn điểm trình diễn kỹ thuật, củng cố và đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của các câu lạc bộ “Khoa học kỹ thuật trẻ”, câu lạc bộ “Sáng tạo trẻ”, khuyến nông, khuyến công các mô hình trình diễn kỹ thuật thu hút hàng triệu lượt đoàn viên thanh niên tham gia.
 
Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức 24 lớp tập huấn về nâng cao nhận thức về KH&CN cho gần 3000 đoàn viên thanh niên cơ sở nông thôn và miền núi nhằm trang bị kiến thức cơ bản về KH&CN, công nghệ sinh học và những ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào thực tiễn đời sống như chăn nuôi, trồng trọt.
 
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, theo thống kê báo của 52 đơn vị, trong 5 năm qua các địa phương đã xây dựng được 1.195 mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, hàng trăm mô hình trình diễn, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ cho thanh niên. Các mô hình này đều gắn với ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 
 
Trong 5 năm qua, nhằm khích lệ sức sáng tạo của các bạn trẻ, hai đơn vị đã cùng phối hợp tổ chức nhiều giải thưởng như Giải thưởng khoa học kỹ thuật thanh niên mang tên “Quả cầu vàng”; Phần thưởng “Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật”,…
 
Đặc biệt, hai ngành đã phối hợp triển khai 02 dự án “Xây dựng mô hình cung cấp thông tin khoa học, công nghệ cho thanh niên” tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và các tỉnh Đồng bằng Sông Tiền thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 – 2015”. Các dự án này góp phần cung cấp thông tin khoa học, công nghệ hữu ích, thiết thực cho thanh niên và người dân, góp phần đẩy nhanh việc áp dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống trên địa bàn nông thôn.
 
Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết: Bộ KH&CN xác định rõ tầm quan trọng của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc nói chung và trong công cuộc phát triển nền KH&CN đất nước nói riêng. Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện và cơ hội để các nhà khoa học trẻ có quyền tham gia tuyển chọn, thực hiện đề tài khoa học các cấp, các đề tài nghiên cứu cơ bản được hỗ trợ kinh phí để tham gia các hội thảo, hội nghị khoa học trong nước và quốc tế, nắm bắt kịp thời những thành tựu khoa học, tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt, Bộ đã phối hợp với Trung ương Đoàn ký kết các Chương trình hành động, Nghị quyết liên tịch với mục đích hỗ trợ và phát huy vai trò của tuổi trẻ trong học tập, nghiên cứu và ứng dụng KH&CN. Các chương trình này nhằm mục đích đẩy mạnh các hoạt động KH&CN trong thanh niên; duy trì, bồi dưỡng và mang lại những đóng góp thiết thực trong việc phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vì sự nghiệp CNH, HĐH và phát triển đất nước.
 
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi Lễ
 
Thông qua các chương trình phối hợp này, hằng năm Bộ KH&CN cùng với các đơn vị có liên quan đã tổ chức các giải thưởng, hội thi để khuyến khích các hoạt động KH&CN trong thanh niên; xây dựng các câu lạc bộ, vườn ươm để tạo cho các bạn trẻ những sân chơi mang tính tri thức, trí tuệ cao; tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách và kinh phí để khuyến khích, ủng hộ thanh niên tham gia trực tiếp vào các hoạt động KH&CN. Luật KH&CN năm 2013 đã quy định cụ thể các chính sách đãi ngộ về lương, phụ cấp trách nhiệm, tham gia các hội thảo, hội nghị quốc tế… đối với các nhà khoa học trẻ tài năng là 1 trong 3 nhóm đối tượng được trọng dụng đặc biệt cùng với các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
 
Tiếp tục triển khai nhiều chương trình phối hợp
 
Với mục tiêu nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về tầm quan trọng của KH&CN, về trách nhiệm và vai trò của thanh niên trong học tập, nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào thực tiễn, tạo môi trường thuận lợi, phát huy vai trò xung kích của thanh niên tiến quân vào KH&CN, bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ…, tại lễ tổng kết, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ KH&CN đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2016 – 2020.
 
 
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2016 – 2020
 
Theo đó, giai đoạn 2016 – 2020, hai bên cùng chú trọng tổ chức các hoạt động phổ biến, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thanh niên, ưu tiên vào lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, bảo quản chế biến sau thu hoạch và các địa bàn thuộc huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Mỗi tỉnh, thành Đoàn xây dựng ít nhất 2 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN, tham gia đào tạo cán bộ kỹ thuật cho địa phương, tập huấn kỹ thuật cho thanh niên nông thôn. Hai bên tiếp tục tổ chức các hoạt động bồi dưỡng tài năng trẻ và phát huy nguồn nhân lực thanh niên, thông qua việc duy trì và đổi mới các cuộc thi: Hội thi Tin học trẻ; Hội thi Tin học khối cán bộ, công chức trẻ; Giải thưởng “Quả Cầu Vàng”; Đại hội Tài năng trẻ.
 
Đặc biệt, giai đoạn 2016 – 2020, hai bên phối hợp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp khoa học, công nghệ, thông qua việc hình thành các trung tâm hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp nhằm kết nối vốn, các quỹ đầu tư, đào tạo, tập huấn, trợ giúp pháp lý… Tập trung hỗ trợ thanh niên hình thành các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, là đầu mối đề xuất tham gia dự án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” cho thanh niên và các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của thanh niên.
 
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh: Hiện nay, đất nước đang bước vào một giai đoạn phát triển mới. Vận hội mới đang mở ra cho Việt Nam với những thời cơ và thách thức đan xen nhau. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đưa ra “một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”, trong đó “ưu tiên phát triển và chuyển giao KH&CN, nhất là KH&CN hiện đại, coi đây là yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Một trong những chính sách cụ thể được đưa ra là khuyến khích và tạo thuận lợi, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, phát triển doanh nghiệp; nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển và chuyển giao KH&CN.
 
Tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức biến vận hội mới thành lợi ích của mỗi người dân, thành vị thế quốc gia xứng đáng trên trường quốc tế là sứ mệnh, là trọng trách lịch sử đang đặt ra. Để hoàn thành sứ mệnh này, phát triển và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ, để tiếp tục bồi dưỡng và phát huy vai trò của tuổi trẻ trong học tập, nghiên cứu và ứng dụng KH&CN, khẳng định và tiếp tục phát triển những kết quả và giá trị đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, Bộ KH&CN và Trung ương Đoàn tiếp tục ký kết Chương trình phối hợp trong giai đoạn 2016 – 2020. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.
 
 
Đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn phát biểu tại buổi lễ
 
Phát biểu tại lễ ký kết, đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết, Ban Bí thư Trung ương Đoàn sẽ cố gắng để sớm cụ thể hoá các nội dung phối hợp hoạt động giữa hai đơn vị nhằm phát hiện, thu hút nhiều tài năng khoa học, công nghệ trẻ và đạt hiệu quả cao nhất, tạo sự bền vững; đồng thời thu hút thêm thanh niên Việt Nam ở nước ngoài cùng tham gia vào các chương trình đã ký kết để phát huy sức trẻ dựng xây đất nước. 
 
 
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh tặng hoa nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân
 
Nguồn:  Ánh Tuyết, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Bàn về chính sách đào tạo, sử dụng và phát triển nhân lực KH&CN

 
Hiệu quả thực hiện các cơ chế chính sách, thực trạng đào tạo và phát triển, các giải pháp thúc đẩy phát triển nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển kinh tế – xã hội,… là những nội dung chính được bàn luận tại Phiên họp thường kỳ của Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia diễn ra trong hai ngày 18 và 19/11 tại Hà Nội. 
 
Phiên họp với chủ đề “Chính sách đào tạo, sử dụng và phát triển nhân lực KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội” có sự tham dự của GS. Hoàng Văn Phong- Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia; Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; các đồng chí Tổng Thư ký, Ủy viên, chuyên gia cao cấp của Hội đồng; Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN; đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; các nhà khoa học của các viện nghiên cứu, trường đại học; đại diện một số doanh nghiệp;… 
 
GS. Hoàng Văn Phong – Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia phát biểu khai mạc Phiên họp
 
Tại Phiên họp, các tham luận tập trung vào những nội dung: Chính sách đào tạo, sử dụng và phát triển nhân lực KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; Nhân lực KH&CN của Việt Nam – Thực trạng và định hướng phát triển; Nhân lực KH&CN trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Thực trạng nhân lực KH&CN trong biên chế nhà nước; Nguồn nhân lực, hợp phần của sức cạnh tranh quốc gia, đối tượng cạnh tranh toàn cầu; Tình hình đào tạo và phát triển nhân lực KH&CN tại các cơ sở giáo dục đại học; Kinh nghiệm thu hút, đào tạo và sử dụng nhân lực KH&CN của một số doanh nghiệp;… 
 
TS. Nguyễn Đình Minh – Tổng Thư ký Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia cho biết, theo UNESCO và OECD, khi đánh giá năng lực KH&CN của một quốc gia, người ta quan tâm đến 2 chỉ số là nhân lực KH&CN quốc gia và nhân lực nghiên cứu và phát triển công nghệ quốc gia (nhân lực NC&PT). Tuy nhiên, khi so sánh, phân tích trình độ, năng lực KH&CN của các quốc gia, tổ chức KH&CN quốc tế, người ta sử dụng chủ yếu chỉ số nhân lực NC&PT, tức là chỉ quan tâm đến đối tượng là những người tham gia trực tiếp vào hoạt động NC&PT. 
 
Theo kết quả Tổng điều tra NC&PT năm 2014 và Điều tra doanh nghiệp năm 2014, tổng nhân lực NC&PT cả nước hiện có 164.744 người (chiếm 2,3% nhân lực KH&CN). Trong đó, số cán bộ nghiên cứu 128.997 người (chiếm 1,8% nhân lực KH&CN), đạt 14 người/1 vạn dân. Nếu quy đổi theo cách tính chỉ tiêu nhân lực toàn thời gian tương đương (FTE) của OECD, số cán bộ nghiên cứu (FTE) của Việt Nam chỉ đạt 6,8 người/1 vạn dân (chiếm 0,86% nhân lực KH&CN). Nếu so sánh tỉ lệ cán bộ nghiên cứu (FTE) trên cán bộ nghiên cứu của một số nước trong khu vực, Việt Nam cũng chỉ đạt 47,5% (Trung Quốc: 72%, Nhật Bản: 74%, Hàn Quốc: 78%…). 
 
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN, đội ngũ cán bộ KH&CN đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng như: Giá trị sản phẩm KH&CN, công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đóng góp ngày càng nhiều vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giai đoạn 2011-2013 với tỷ trọng đóng góp theo các năm lần lượt 11,7%, 19,1%, 28,7%; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10,68%/năm; số công bố quốc tế tăng 10-20%/năm. Tổng số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015 gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006 – 2010, với tốc độ tăng bình quân là 19,5%/năm. 
 
Theo ý kiến của các đại biểu tại Phiên họp, việc sử dụng, phát triển nhân lực KH&CN hiện đang đứng trước những khó khăn, thách thức do áp lực toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Nguy cơ “chảy máu chất xám” ngày một gia tăng; cơ chế, chính sách về tiền lương, điều kiện làm việc của đội ngũ cán bộ NC&PT, đặc biệt đội ngũ cán bộ nghiên cứu trong các tổ chức KH&CN công lập, doanh nghiệp nhà nước hiện đã không đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản của hoạt động KH&CN; quản trị nhân sự KH&CN nói chung và quản trị nhân sự trong các tổ chức KH&CN nói riêng còn yếu kém; việc thực hiện quy hoạch nhân lực ngành KH&CN chưa được các Bộ, ngành chú trọng; môi trường dân chủ trong sáng tạo, sinh hoạt học thuật chưa phát huy hiệu quả; không gian sáng tạo, nhu cầu được phát triển và theo đuổi nghề nghiệp nghiên cứu còn hạn chế;…
 
Toàn cảnh Phiên họp
 
 
Về giải pháp, ông Đỗ Việt Trung – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN kiến nghị đẩy mạnh triển khai các văn bản về chính sách đối với nhân lực KH&CN đã ban hành như: Nghị định số 40/2014/NĐ-CP, Nghị định số 87/2014/NĐ-CP, Quyết định số 2395/QĐ-TTg, trong đó có việc đánh giá sơ bộ tình hình thực hiện, nhận diện những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân để tháo gỡ; Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án “Xây dựng mạng chuyên gia người Việt ở nước ngoài” để tăng cường sự kết nối, tạo điều kiện giao lưu học hỏi cho nhân lực KH&CN trong nước; Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập, qua đó thúc đẩy tính năng động, chủ động của các tổ chức này trong việc sử dụng nhân lực KH&CN trong nước. 
 
Nhiều ý kiến đề xuất đổi mới nhận thức, tư duy về nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân lực KH&CN; tăng cường kết hợp giữa các cơ sở giáo dục với các cơ sở sử dụng lao động, các viện nghiên cứu trong xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; có thêm nhiều chính sách trọng dụng, tôn vinh tài năng, nhân tài trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thu hút, tạo mọi điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc và phát triển nghề nghiệp, điều kiện sống, lương, thu nhập hợp lý cho đội ngũ tri thức trẻ; đa dạng hóa các nguồn kinh phí; thay đổi cơ cấu phân bổ tài chính cho các hoạt động KH&CN, đầu tư có tập trung, tránh dàn trải kinh phí; gắn nghiên cứu khoa học với nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học; hội nhập quốc tế với mô hình gắn nghiên cứu với đào tạo và hợp tác quốc tế;… 
 
Nguồn:  Hạnh Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Nhân tài Đất Việt 2016: Sản phẩm có giá thành rẻ không có nghĩa là không tốt !

 
Phóng viên Báo điện tử VnMedia đã có buổi phỏng vấn Th.S Trần Văn Trà thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen, người vừa dành Giả thưởng Khoa học Công nghệ của Nhân tài Đất Việt năm 2016 về chuỗi dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất 50.000 lon/giờ, để hiểu thêm về sản phẩm cũng như những khó khăn thách thức mà tác giả đã trải quan trong quá trình xây dựng và triển khai dự án.
 
– Anh có thể chia sẻ với bạn đọc của báo điện tử VnMedia  là xuất phát từ đâu mà anh có ý tưởng  tạo ra dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất 50.000l/h này??
 Th.s Trần Văn Trà: Xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đang là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Để đạt được mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới thì trước hết là con người phải có tư duy công nghiệp, hệ thống máy móc phục vụ sản xuất phải phù hợp về công năng, chất lượng và giá thành rẻ, dễ sử dụng làm tăng năng suất lao động, mẫu mã sản phẩm đẹp và đa dạng.
 
 
Thành viên Hội đồng chấm giải Nhân tài Đất Việt 2016 lên trao Giải thưởng Khoa Học Công Nghệ cho tác giả Trần Văn Trà
 
Một số nhà máy chế biến nông sản đóng hộp xuất khẩu các nguyên liệu như: dưa chuột, hành kiệu, ớt, … nhà máy chế biến, bảo quản lúa, gạo sau thu hoạch đã đầu tư dây chuyền sản xuất song đều ở mô hình thiết bị thô sơ,manh mún, vẫn phải sử dụng lao động chân tay trong nhiều công đoạn, đặc biệt là công đoạn đóng gói, dẫn đến chất lượng, hình thức sản phẩm chưa đẹp, chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khó cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Việc nghiên cứu ra những dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại tương đương nhập ngoại, giá thành hạ sẽ giúp cho các tập thể, cá nhân có điều kiện đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn mà Đảng đã đề ra. Dây chuyền tự động hóa sẽ giảm bớt được lao động chân tay, độ chính xác cao, hình thức sản phẩm (ngoại quan) đẹp, đảm bảo chất lượng ổn định và an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Hiện nay, Việt Nam chưa có các nhà máy, hãng chuyên sản xuất dây chuyền sản xuất chuyên dụng, hầu như mới cải tiến, chế tạo được các thiết bị, chi tiết đơn giản trong dây chuyền sản xuất, độ chính xác, công suất, đồng bộ hóa, tự động hóa không cao. Các công ty, xí nghiệp sản xuất lớn hầu như phải nhập khẩu các dây chuyền đồng bộ từ nước ngoài nên thường gặp phải những khó khăn như: Thiết bị có thiết kế cấu tạo phức tạp, cồng kềnh, chiếm nhiều diện tích nhà xưởng gây tốn kém trong công tác đầu tư ban đầu; Do thiết kế phức tạp, sử dụng nhiều thiết bị điện tử nên không phù hợp với điều kiện khí hậu nóng, ẩm của Việt nam, nhất là khu vực gần biển nên chi phí bảo trì, chi phí vận hành rất cao; Thời gian từ khi đặt hàng, vận chuyển , lắp đặt, chạy thử, nghiệm thu dài, phức tạp. Giá thành phụ tùng thay thế cao, không có sẵn trong nước, phải đặt ở nước ngoài khi cần thay thế nên phải đợi thời gian dài mới nhập khẩu được; Công tác bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa phải thuê, mượn người của hãng sản xuất mới làm được, nên rất tốn kém, phức tạp khi có sự cố xảy ra; Trình độ khoa học kỹ thuật ở nhiều vùng, đặc biệt là vùng nông thôn chưa cao nên thụ động trong SXKD, mất uy tín với khách hàng cũng như bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh; Các nhà DN Việt nam là những DN nhỏ sinh sau đẻ muộn so với các DN trên thế giới, hệ thống phân phối nhỏ, thương hiệu yếu, quy mô sản xuất nhỏ nên nếu đầu tư dây chuyền nhập khẩu rất tốn kém, tỷ xuất đầu tư cao dẫn đến chi phí sản xuất giá thành sản phẩm cũng cao nên không thể  cạnh tranh được với các công ty nước ngoài có lợi thế hơn ta về nhiều mặt và cũng khó có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư dây chuyền.
Chính vì vậy, tôi mong muốn người VN có thể tự thiết kế chế tạo được những dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất lớn, mức độ tự động hóa cao, sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng ngang tầm quốc tế nhưng với suất đầu tư rẻ phù hợp với điều kiện đầu tư của các cá nhân, DN Việt nam (đặc biệt là các đơn vị sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm, bảo quản nông sản sau thu hoạch tại các vùng nông thôn VN) để tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, góp phần thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn của Đảng và nhà nước, đồng thời đây cũng là mục tiêu cấp bách mở rộng sản xuất, tăng sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng sức cạnh trạnh của Tập đoàn Hương sen trong điều kiện nguồn lực tài chính cho đầu tư không đủ để nhập khẩu dây chuyền ngoại.
– Mục tiêu lớn nhất của anh khi thiết kế chế tạo sản phẩm này là gì? Anh đã làm gì để thực hiện mục tiêu ấy?
Th.s Trần Văn Trà: Đây là công trình khoa học đã được nghiên cứu và ứng dụng thành công vào thực tiễn tại Tập đoàn Hương sen. Tôi có hai mục tiêu chính khi thực hiện công trình này, mục tiêu thứ nhất là: Giải bài toán khó của Tập đoàn Hương sen là đầu tư mở rộng sản xuất tăng sản lượng, tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả đẩu tư, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong điều kiện nguồn lực tài chính hạn chế. Mục tiêu thứ hai, đây cũng là mục tiêu lớn nhất, đó là sau khi nghiên cứu và ứng dụng thành công tại Tập đoàn Hương sen thì các hệ thống máy móc thiết bị này cần được đầu tư một cách thỏa đáng nhằm quảng bá, truyền thông để nhiều DN trong nước và quốc tế biết đến, từ đó nhân rộng sự ứng dụng các thiết bị nói trên vào sản xuất tại các vùng miền góp phần xây dựng thành công Nông thôn mới theo định hướng CNH- HĐH.
Để thực hiện mục tiêu trên, tôi đã có những hoạt động thiết thực sau: Vận động Ban lãnh đạo Tập đoàn Hương sen thực hiện chiến lược là hạt nhân của chuỗi liên kết trong việc tạo điều kiện cho những tập thể cá nhân đến tham quan thực tế dây chuyền đồng thời trao đổi về KHKT, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất nhỏ có thể chở bán thành phẩm bằng xe chuyên dùng đến Tập đoàn Hương sen để thuê gia công đóng gói hoàn thiện sản phẩm theo đúng tiêu chí sản phẩm của họ để sau một thời gian dần dần tích lũy đủ kinh phí trang bị cho mình dây chuyền riêng. Đây là cách thiết thực để giúp đỡ, tạo điều kiện cho các cơ sở nhỏ tại các vùng nông thôn phát triển. Đến nay chúng tôi đã ký hợp đồng hợp tác bán và gia công sản phẩm trên dây chuyền cho nhiều đối tác trong nước và nước ngoài.
– Được biết đây là sản phẩm Made in VN, vậy anh đã mất bao nhiêu thời gian để thực hiện và trong quá trình chế tạo thì đâu là khó khăn lớn nhất?
Th.s Trần Văn Trà: Đây là công trình lớn, có nhiều yếu tố phức tạp nên tôi đã tư duy, ấp ủ từ nhiều năm về trước, tuy nhiên khi đi vào thực hiện thi công chế tạo thì tôi đã dồn mọi nguồn lực để có thể hoàn thành công trình với thời gian là 3,5 tháng.
Tác giả Trần Văn Trà
Trước khi bắt đầu thì tôi đã lường trước và xác định tư tưởng cho mình sẽ phải vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách, cái khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện đó là: “ Niềm tin”, niềm tin của tất cả mọi người từ HĐQT, Ban Tổng giám đốc, đội ngũ kỹ thuật . Mọi người đã đặt ra rất nhiều sự hoài nghi và cả sự tự ty như là: Tôi chưa từng học qua bất kỳ trường kỹ thuật nào liệu có làm được công trình lớn như vậy không. Các hãng chuyên nghiệp nước ngoài họ đã nghiên cứu rất nhiều, rất chuyên nghiệp, họ có rất nhiều năm kinh nghiệm, rất nhiều điều kiện để tạo ra sản phẩm với chi cũng rất cao thì anh Trà làm sao mà làm được với chi phí rẻ như vậy? Chi phí đầu tư giảm tới ¾ thì chất lượng thiết bị thế nào? Nếu không thành công thì rủi ro sẽ rất lớn, không chỉ là chi phí đầu tư  mà hơn nữa là mất đi cơ hội kinh doanh, điều này sẽ gây thiệt hại rất lớn cho DN. Đặc biệt nữa là hầu như 100% đội ngũ kỹ thuật không tin tưởng vào sự thành công của dự án…
Để vượt qua rất nhiều những khó khăn ấy thì tôi có một sự may mắn lớn đó là: Ông chủ tịch HĐQT, ông là người thành đạt và thấu hiểu sự đời. Ông đã thuyết phục HĐQT và mọi người đồng ý cho tôi làm thử nghiệm một modul máy nhỏ trong dây chuyền để tạo niềm tin cho mọi người trước khi thuyết phục mọi người đồng ý cho tôi thực hiện cả dự án.
–  Anh có tự tin là sản phẩm dây chuyền này sẽ chiếm được lòng tin của DN trong nước và đủ sức để cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài hay không?
Th.s Trần Văn Trà: Với chất lượng thiết bị tốt, giá thành rẻ hơn thiết bị ngoại rất nhiều, sản phẩm sản xuất ra đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, chi phí vận hành rẻ .v.v..và đặc biệt là dây chuyền đã được chạy trải nghiệm qua nhiều năm nên tôi hoàn toàn tự tin vào sản phẩm của mình.Tuy nhiên, tôi cho rằng như vậy vẫn chưa đủ mà cần nỗ lực hơn nữa trong việc truyền thông, giới thiệu, quảng bá để các DN hiểu, biết đến và củng cố niềm tin khi đầu tư vào thiết bị Việt. Tôi tin tưởng rằng qua giải thưởng uy tín này là một thông điệp quý gửi đến các DN có thêm thông tin cũng như yêu dùng các sản phẩm Việt để nâng cao hiệu quả SXKD góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.
 –  Là một công trình nghiên cứu khoa học, tính an toàn được đặt lên hàng đầu? Vậy tính an toàn của sản phẩm này ra sao?
   
Th.s Trần Văn Trà: Đây không chỉ đơn thuần là công trình nghiên cứu khoa học mà là công trình nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng thành công vào thực tiễn. Như tôi nói ở trên, hệ thống dây chuyền thiết bị này đã được ứng dụng vào thực tiễn trong nhiều năm qua và đã khẳng định được giá trị khoa học và tính hiệu quả của nó không thua kém bất kỳ dây chuyền nào trên thế giới về chất lượng thiết bị, về chi phí vận hành, chi phí đầu tư, về chất lượng sản phẩm, vể tỷ lệ sản phẩm lỗi….Vậy có thể nói rằng sản phẩm này rất an toàn.
– Anh kỳ vọng nhất điều gì khi tham dự giải Nhân tài đất Việt 2016?
Th.s Trần Văn Trà: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt là một trong những giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực Khoa học công nghệ, Công nghệ thông tin, y dựơc…được tổ chức lần đầu vào năm 2005, trong nhiều năm qua giải thưởng đã nhận được sự quan tâm của đông đảo quần chúng nói chung và những người làm khoa học nói riêng. Là người có công trình đoạt giải, tôi cảm thấy rất vinh dự, đây là nguồn cổ vũ động viên to lớn đối với tôi. Giải thưởng Nhân tài đất Việt cũng có sự ảnh hưởng to lớn đối với xã hội, trong nước và quốc tế. Qua đây tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để có nhiều công trình khoa học có giá trị cao góp phần vào sự phát triển KHCN của đất nước, đồng thời rất kỳ vọng rằng: các sản phẩm đoạt giải hôm nay  cũng sẽ tạo được thêm uy tín bởi sự khẳng định của chính giải thưởng uy tín này từ đó có sự lan rộng và vươn lên mạnh mẽ hơn nữa.
– Sau khi tham dự giải Nhân tài đất viêt 2016, anh có kế hoạch phát triển sản phẩm tiếp theo là gì?
Th.s Trần Văn Trà: Là người yêu khoa học, tôi không bao giờ ngừng nghiên cứu và công hiến. Hiện nay tôi đang có một số công trình trong lĩnh vực khoa học công nghệ, một số công trình trong lĩnh vực khác như : dược liệu. Nay tôi chưa thể nói cụ thể nó là gì vì công việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa hoàn thành. Nhưng một lần nữa tôi có thể khẳng định rằng trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục có công trình khoa học để tham gia các giải thưởng khoa học, hội thi khoa học uy tín như thế này.
– Xin cảm ơn anh! Chúc mừng anh đã giành Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016. Chúc anh sẽ có thêm những công trình nghiên cứu khoa học mới trong thời gian tới.
VnMedia

Cần bao nhiêu tua bin gió để cung cấp điện cho hành tinh?

 
 
Dân trí Năng lượng gió là tài nguyên đang bị đánh giá rất thấp. Theo Hiệp hội Năng lượng gió Hoa Kỳ (AWEA), dù năm ngoái, Hoa Kỳ đã đầu tư 14,5 tỷ USD cho các dự án điện gió, nhưng các trang trại gió vẫn chỉ cung cấp 4% sản lượng điện quốc gia.
 
Trên toàn cầu, tỷ lệ đó cũng tương tự như vậy. Các nhà nghiên cứu tại Harvard ước tính, các trang trại gió không nằm ở đô thị, có tiềm năng kỹ thuật để sản xuất điện gấp 40 lần mức tiêu thụ của thế giới.
 
Steve Sawyer, Tổng thư ký Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu đã thực hiện phép tính: 21.000 TWh (mức tiêu thụ điện trung bình năm trên toàn cầu) chia cho 0,005256 TWh (sản lượng điện hàng năm do mỗi tua bin gió tạo ra) bằng khoảng 3.995.434 tua bin trên đất liền.
 
Về sử dụng đất, 3.995.434 tua bin nếu được lắp đặt gần nhau, sẽ chiếm khoảng một nửa diện tích của bang Alaska. Các dự án điện gió trên thế giới chiếm tỷ lệ không gian khác nhau tùy thuộc vào vị trí lắp đặt, dao động từ 1 km2/MW điện đến 0,5 km2/MW điện được sản xuất. Nếu các tua bin đặt cách nhau xa hơn, 3,9 triệu tua bin sẽ sử dụng diện tích nhỏ hơn một chút so với diện tích của Tây Ban Nha.
 
Để thực hiện tính toán, Sawyer cho rằng tua bin gió trung bình có công suất 2 MW điện và hiệu quả đạt 30% trên phạm vi toàn cầu. Nghĩa là tiềm năng phát điện của tua bin gió chỉ chiếm 30% thời gian vì không phải lúc nào cũng có gió và các trang trại gió thỉnh thoảng lại đóng cửa để bảo trì thường xuyên.
 
Như John Hensley thuộc Hiệp hội Năng lượng gió Hoa Kỳ đã nhấn mạnh trước đó, tỷ lệ 30% thực sự là khá hiệu quả. Nếu so sánh, các dự án năng lượng mặt trời hoạt động chỉ đạt hiệu suất trung bình 20% và các cơ sở sản xuất nhiên liệu hóa thạch dao động từ 40% đến 60% công suất trung bình.
 
Tùy theo kích thước của tua bin (tua bin lớn sản xuất nhiều điện năng hơn), nhóm nghiên cứu có thể cần tổng số tua bin gió ít hơn. Nếu chỉ sử dụng các tua bin cực kỳ hiệu quả (ví dụ, tua bin tạo ra 4 MW điện với công suất 40%), thì khoảng 1,49 triệu tua bin gió cũng có thể cung cấp điện năng tiêu thụ cho cả thế giới.
 
Nhờ những tiến bộ trong công nghệ tua bin gió, chi phí sản xuất năng lượng gió đã giảm 90% kể từ những năm 1980. Tua bin gió cũng có thể được xây dựng cao và rộng hơn, cho phép khai thác nhiều điện năng. Các trang trại gió ngoài khơi có thể cung cấp sản lượng điện cao gấp ba lần các tua bin gió trên đất liền, vì gió biển mạnh hơn gió trên đất liền.
 
Tuy nhiên, việc cả thế giới cùng thống nhất lắp đặt hàng triệu tua bin gió thậm chí chỉ với mức chi phí giảm như hiện nay, vẫn là một dự án xa vời.
 
N.P.D-NASATI (Theo Sciencealert)

Gần 60 “kỹ sư robot” nhí Hà Nội tranh tài tại WeCode 2016

(Tổ Quốc) – Sáng 29/10, gần 60 học sinh đã tham gia chung kết cuộc thi lập trình WeCode được tổ chức tại Học viện STEM, Hà Nội.
 
Học sinh tham dự cuộc thi năm nay có độ tuổi chủ yếu từ 9-14 từ các trường tiểu học và trung học hàng đầu Hà Nội như Vinschool, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Tất Thành, Thăng Long Kidsmart, FPT và Lomonoxop.
 
Với chủ đề “Giao thông công cộng”, các “kỹ sư robot” nhí đã thiết kế các sản phẩm lập trình chương trình ngắn nhất 25 giây, và có kích thước lớn nhất là 25MB theo các nội dung: Âm nhạc và nhảy múa, Trò chơi, Kể chuyện nhằm thể hiện các ý tưởng về việc làm sao để phát huy vai trò, lợi ích của giao thông công cộng, cũng như để cải thiện chất lượng dịch vụ hiện tại. Các sản phẩm phần mềm được viết từ ngôn ngữ Scratch để thiết kế trò chơi games, chương trình giải trí hoặc phim hoạt hình.
 
 
Các "kỹ sư robot" nhí tranh tài tại WeCode 2016. Ảnh: Lan Phương.
Trong 60 phút dự thi, sản phẩm lập trình phải thể hiện ý tưởng của thí sinh để phát huy vai trò của giao thông công cộng, những lợi ích cũng như ý tưởng để cải thiện chất lượng dịch vụ hiện tại.
 
Kết quả chung cuộc, ba giải cao nhất ở hạng sơ cấp đều thuộc về học sinh khối lớp 4 của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, trong đó Giải Nhất thuộc về em Nguyễn Trần Thùy Chi với sản phẩm là câu chuyện về các lợi ích của giao thông công cộng. Giải Nhì là em Nguyễn Hoàng Anh và Giải Ba được trao cho em Trần Đức Hiếu.
 
Giải Nhất hạng trung cấp đã thuộc về em Ngô Thế Anh đến từ trường THCS Nguyễn Trường Tộ với trò chơi về máy bay cứu nạn; Giải Nhì được trao cho hai bạn học sinh trường Nguyễn Tất Thành và Vinschool là Nguyễn Ngọc Hiền Minh và Đặng Quang Minh. Giải Ba được trao cho các em Nguyễn Đoàn Trúc Lâm, Nguyễn Quang Đăng và Đinh Kim Sơn hiện đang là học sinh tại lần lượt các trường Vinschool, FPT và Nguyễn Trường Tộ.
 
 
Bằng một giọng vô cùng phấn khích và tự hào, Ngô Thế Anh – Giải Nhất hạng trung cấp chia sẻ: “Em đã rất bất ngờ với kết quả mà mình đạt được, vì trong buổi thử thực hiện lập trình, em đã làm hết 63 phút, quá thời gian quy định. Nhưng hôm nay kết quả lập trình chỉ với 58 phút làm em không thể ngờ tới.”
 
Là một học sinh đam mê công nghệ, có nhiều thành tích trong các cuộc thi, gần đây nhất là giải vô địch Robothon quốc tế 2015, Thế Anh đã chia sẻ bí quyết để đạt được thành công, đó là cần hết sức bình tĩnh khi mắc lỗi lập trình, bởi vì nếu cuống lên các bạn sẽ không đủ thời gian để xử lí và nên sắp xếp một danh sách các công việc cần làm để thực hiện được trơn tru hơn.
 
“Kỹ sư robot” nhí này đã gửi lời nhắn nhủ tới các bạn trẻ đam mê lập trình và công nghệ rằng: “Dù có đoạt được giải thưởng hay không thì các bạn hãy tiếp tục cố gắng, chỉ cần có sự chăm chỉ thì sẽ có ngày đạt được thành công”.
 
Lễ trao giải chính thức sẽ diễn ra vào ngày 5/11 tại Ngày hội Robothon quốc gia được tổ chức tại Nhà thi đấu quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ngô Thế Anh sẽ cùng 24 bạn nhỏ đạt giải sẽ tiếp tục tham dự cuộc thi quốc tế tổ chức tại Indonesia vào ngày 19/11 tới.
 
WeCode nằm trong chuỗi sự kiện Hội trại công nghệ số (Digital Campus) do Hiệp hội Y.O.U (Youth On Unity) tổ chức là cuộc thi lập trình quốc tế giữa các nhóm học sinh đại diện cho các trường Tiểu học, THCS tại các nước trong khu vực Đông Nam Á.
 
Cuộc thi nhằm thúc đẩy niềm đam mê lập trình của học sinh, giúp các em nâng cao khả năng lập trình và xây dựng những kỹ năng khác về phân tích, giải quyết vấn đề, qua đó học sinh sẽ phát triển được kỹ năng tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). /.
 
Minh-Phương

Giao lưu trực tuyến với các tác giả đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ

 
“Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN – Nhiều thành tựu đi vào cuộc sống” là chủ đề cuộc giao lưu trực tuyến giữa độc giả của Báo Khoa học và Phát triển với tác giả một số công trình đoạt các giải thưởng cao quý này vào sáng 27/10/2016. 
 
Với nguyên tắc hoàn toàn không hạn định số lượng, chỉ xét chất lượng, áp dụng cách bỏ phiếu thể hiện chính kiến công khai, 16 công trình được Hội đồng cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt V lựa chọn được đánh giá xứng đáng là diện mạo KH&CN quốc gia trong giai đoạn vừa qua. Trước khi được tôn vinh bằng hai giải thưởng lớn này, các công trình đều đã thể hiện ý nghĩa thực tiễn và hiệu ứng xã hội rộng lớn của mình.
 
Trong số đó, có thể kể đến cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác” do GS-TS Mai Trọng Khoa – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – làm chủ nhiệm đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh. Kết quả của cụm công trình này giúp chẩn đoán sớm, chính xác, phát hiện tái phát, di căn, đánh giá chính xác giai đoạn bệnh và hiệu quả điều trị cho nhiều loại ung thư. Nhờ đó, hàng chục nghìn bệnh nhân ung thư đã có được phác đồ điều trị hợp lý, hiệu quả và an toàn, được thụ hưởng công nghệ chẩn đoán, điều trị hiện đại với chi phí phù hợp ngay tại Việt Nam. 
 
Các khách mời tại buổi Giao lưu trực tuyến sắp tới gồm GS-TS Nguyễn Gia Bình, TS-DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm, PGS-TS Bùi Thị Mai An, TS Hoàng Đức Thảo, GS-TS Mai Trọng Khoa (từ trái sang phải)
 
Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm” do GS-TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, đã tạo ra bước đột phá trong việc tăng tỷ lệ được cứu sống cho các bệnh nhân nặng, chẳng hạn giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân suy gan cấp nặng từ 90% xuống còn 50%.
 
Cụm công trình “Nghiên cứu và ứng dụng KH&CN nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu, điều trị người bệnh và có đủ máu dự trữ cho an ninh, quốc phòng, dự phòng thảm họa" của các nhà khoa học Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng trong điều trị, giải quyết vấn đề thiếu máu từng là vấn nạn của ngành y, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo; giảm nguy cơ các bệnh lây lan qua truyền máu…
 
Còn công trình "Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu" của TS Hoàng Đức Thảo, Tổng giám đốc công ty Busadco, được đánh giá là đã thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, được ứng dụng hiệu quả cao trong Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình về ứng phó biến với biến đổi khí hậu; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới…
 
Rất dễ nhận thấy, với các công trình trên, thành tựu nghiên cứu đã thực sự đi vào đời sống và ảnh hưởng sâu đậm, tạo ra bước ngoặt trong việc phát triển ngành, lĩnh vực mà nó phục vụ, thậm chí làm thay đổi cuộc sống của nhiều người dân, mà các công trình về y – dược, xây dựng hạ tầng kể trên là ví dụ sinh động. Đó chính là điều mà nền khoa học Việt Nam đang nỗ lực hướng tới. 
 
Để tôn vinh các nhà khoa học, hiểu rõ hơn giá trị của các công trình đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đối với thực tiễn đời sống kinh tế – xã hội, Báo Khoa học và Phát triển tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với các tác giả đoạt giải thưởng, gồm GS-TS Mai Trọng Khoa, GS-TS Nguyễn Gia Bình, TS Hoàng Đức Thảo, TS-DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm – Giải thưởng Nhà nước 2010, chủ nhiệm cụm công trình nghiên cứu về cây trinh nữ hoàng cung Việt Nam trong việc hỗ trợ chữa ung bướu; PGS-TS Bùi Thị Mai An – đồng tác giả cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và đảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị”, Giải thưởng Hồ Chí Minh 2016. Buổi giao lưu sẽ diễn ra từ 9h đến 11h ngày 27/10/2016 tại tòa soạn Báo Khoa học và Phát triển, 70 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. 
 
Mời độc giả đặt câu hỏi tại phần Viết bình luận phía dưới bài viết tại link: 
http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/giao-luu-truc-tuyen-voi-cac-tac-gia-doat-giai-thuong-ho-chi-minh-giai-thuong-nha-nuoc/20161024052521449p1c160.htm
 
Nguồn:  Ban Biên tập, Báo Khoa học và Phát triển

Học sinh tiểu học làm… nhà khoa học

Học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 học thêm môn “Thí nghiệm khoa học vui” với mức học phí 230.000 đồng/tháng. Môn học thí điểm thiên về thực hành này khiến học sinh hứng thú nhưng vẫn còn những băn khoăn
 
Từ năm học 2016-2017, gần 2.600 học sinh (HS) Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3, TP HCM) được học thêm một môn học mới là “Thí nghiệm khoa học vui”. Tất cả HS, từ lớp 1 đến lớp 5, tham gia thực hành, trải nghiệm những thí nghiệm hóa học với các dụng cụ và nguyên vật liệu hóa học như chai, lọ, bột ngọt, mắm, muối, nước tương, giấm ăn…
 
Lớp 1 cũng… làm thí nghiệm
 
Chị Trang, một phụ huynh HS lớp 4 Trường Tiểu học Lương Định Của, cho biết từ khi tham gia học môn này, con chị tỏ ra hào hứng, về nhà tấm tắc kể về môn học và đòi mẹ mua thêm nhiều nguyên liệu để thực hành. Bé còn đòi mẹ mua bắp cải màu tím, thêm một vài nguyên liệu nữa để làm mực tím cho bút máy theo công thức được giáo viên (GV) hướng dẫn ở trường. “Trẻ con thích được trải nghiệm, mạo hiểm, được sờ tay, trực tiếp làm thì rất háo hức” – chị Trang lý giải.
 
Theo chị Trang, ban đầu, khi đọc qua những tựa thí nghiệm nghe ghê gớm như “găng tay ma quái”, “địa ngục nổi loạn”, chị không khỏi bất ngờ nhưng khi hỏi con thì bé nói rất thích vì phù hợp tâm lý trẻ thơ, kích thích sự tò mò, khám phá. Thực ra, tên gọi là vậy nhưng chỉ học về muối nở, soda…“Như ở nhà, bé chơi dơ, nghịch đất cát thì mình hay la nhưng với trẻ con, đó là sự trải nghiệm và trẻ nào cũng thích” – chị Trang dẫn chứng.
 
 
Học sinh Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3, TP HCM) đang làm thí nghiệm hóa học
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Funex “Thí nghiệm khoa học vui” là chương trình giáo dục của Nhật Bản được thiết kế nội dung học khác nhau nhưng liên thông từ lớp 1 đến lớp 5. Cụ thể, ở lớp 1, mục tiêu là cho trẻ cảm giác vui thích với khoa học trong quá trình tiếp xúc các thí nghiệm khoa học, thúc đẩy HS muốn “làm lại một lần nữa xem thế nào” khi về nhà. Nội dung của chương trình học lớp 1 là những hiện tượng khoa học gần gũi xung quanh như bong bóng xà phòng, sức mạnh không khí, đường và muối…
 
Đến lớp 2, chương trình không chỉ để trẻ dự đoán kết quả thí nghiệm mà còn thử thách bằng cách để HS tự phân tích kết quả sau khi làm thí nghiệm với các nội dung như không khí và nước, rau và trái cây, ôxy và cácbonic… Ở lớp 3, chủ đề sẽ là “hiện tượng khoa học quanh em” với các nội dung như điện năng, ngọn lửa kỳ diệu, kính hiển vi, núi lửa và động đất… Đến lớp 5 sẽ là thử sức với trải nghiệm khoa học nâng cao tại phòng thí nghiệm chuyên dụng với các nội dung đòn bẩy, âm thanh, ánh sáng…
 
Thêm trải nghiệm nhưng…
 
Tuy nhiên, không ít phụ huynh băn khoăn rằng các thí nghiệm này đối với HS ở bậc tiểu học là quá sớm. HS lớp 4 đã phải viết các công thức hóa học thì làm sao trẻ có thể tiếp thu? Ngoài ra, nếu chỉ học cho vui mà mỗi tháng phải đóng thêm 230.000 đồng và phụ huynh còn phải mua các đồ dùng phục vụ cho thí nghiệm thì sẽ tạo thêm gánh nặng.
 
Theo ông Từ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Định Của, tâm lý trẻ em là thích tò mò, khám phá. Nghe tên gọi là thí nghiệm hóa học, nhiều phụ huynh… phát hoảng nhưng thực tế, đó là những thí nghiệm đơn giản với các nguyên vật liệu như nước mắm, muối, nước tương, lá cây, đường, dầu ăn… Ông Tuấn cho biết HS rất thích thú với những trải nghiệm sáng tạo của môn học này. Thậm chí, có phụ huynh là kỹ sư hóa học, có phòng thí nghiệm nhưng không dám cho con vào. Đến khi con được học ở trường thì về nhà, phụ huynh này đã mạnh dạn trao đổi những kiến thức liên quan.
 
Trước ý kiến băn khoăn học phí môn học là 230.000 đồng/tháng, ông Từ Quốc Tuấn cho hay học phí bao gồm chi phí trả cho GV, dụng cụ thí nghiệm, nguyên vật liệu, đầu tư phòng thí nghiệm… Theo ông, đây là môn học trên tinh thần tự nguyện, những em không học vẫn có GV phụ trách trông giữ và giảng dạy. Ông Tuấn cho rằng lâu nay, HS của chúng ta vốn thiệt thòi vì không có môi trường trải nghiệm để phát huy và bộc lộ năng khiếu sáng tạo. Trong khi đó, HS ở các quốc gia khác được trải nghiệm và ươm mầm từ nhỏ.
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện TP HCM có 2 trường tiểu học thực hiện chương trình này là Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận 10) và Trường Tiểu học Lương Định Của. Tuy nhiên, Trường Võ Trường Toản mới chỉ thực hiện ở lớp 1 do điều kiện về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm… chưa đáp ứng.
 
Dạy ngoài giờ chính khóa
 
Theo ông Tuấn, môn “Thí nghiệm khoa học vui” do Tập đoàn Renseikai (Nhật Bản) triển khai. Trong dịp hè, một số phụ huynh đã cho con tham gia các lớp học do Renseikai tổ chức, sau đó về hỏi nhà trường có cách nào để trẻ được học tại trường với học phí rẻ hơn. Vì thế, nhà trường đã hợp tác với Renseikai triển khai trên tinh thần tự nguyện, mục đích là khơi dậy sự đam mê, hứng thú trong học tập… cho HS.
 
Theo thỏa thuận hợp tác, môn này sẽ được giảng dạy song song với môn khoa học tự nhiên ở bậc tiểu học. Ngoài giờ học chính khóa, mỗi tuần HS sẽ có 1 giờ học và trải nghiệm môn “Thí nghiệm khoa học vui”. Mỗi giờ học như vậy sẽ có 4-6 GV của Renseikai phụ trách hướng dẫn, kèm thêm GV trong trường phụ trách trông giữ HS.
 
Bài và ảnh: Đặng Trinh