Những mô hình khuyến đọc trên thế giới

Nhiều tủ sách, thư viện công cộng được lắp đặt trên đường phố. Cùng đó, các ứng dụng đọc sách miễn phí ra đời, khuyến khích người dân tiếp cận sách.

 

Basel và Solothurn là hai thành phố đầu tiên của Thụy Sĩ có tủ sách được lắp đặt cố định ngoài trời. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều tủ sách như thế xuất hiện trên khắp các đường phố của đất nước này.

Ông Hartwig Roth – người xây dựng tủ sách ngoài trời ở Kreuzackerpark (Solothurn, Thụy Sĩ) – chia sẻ trên kênh truyền hình SRF rằng ý tưởng này đến từ Áo và nhanh chóng lan rộng ở Đức cùng các nước châu Âu khác.

Là một trong những người tiên phong xây dựng tủ sách ở Thụy Sĩ, Hartwig Roth quan sát và ước tính trung bình mỗi ngày có tới 150 người đến đây trao đổi sách.

mo hinh khuyen doc anh 3

mo hinh khuyen doc anh 1

Các mô hình tủ sách ngoài trời ở Thụy Sĩ được đặt ở những địa điểm công cộng. Nơi đây, bạn đọc có thể tìm thấy những dòng sách đa dạng, từ tiểu thuyết, tâm lý, kỹ năng đến sách thiếu nhi. Ảnh: Keystone/ SRF.

Tận dụng không gian để đặt tủ sách

Mô hình tủ sách ngoài trời xuất phát từ ý tưởng “nếu bạn muốn đọc bất kỳ một cuốn sách nào ở đây, hãy mang nó về. Thay vào đó, hãy đặt lại một cuốn mà bạn đã đọc xong mà không cần đến nó nữa”.

Do đó, bên ngoài mỗi tủ sách thường dán tờ giấy với dòng chữ: “Để duy trì tủ sách, rất cần sự chung tay, góp sức của mọi người”. Mô hình này hoạt động 24/7 dưới hình thức tự nguyện, miễn phí và dễ sử dụng.

Tại Thụy Sĩ, các tủ sách ngoài trời thường được đặt ở công viên và những tuyến phố có nhiều người qua lại. Sự phát triển của công nghệ khiến các bốt điện thoại công cộng ngừng hoạt động. Tận dụng điều đó, hàng trăm tủ sách được tạo nên từ chính những bốt điện thoại này.

Chị Minh Phi – chủ tiệm sách Yuki-chan (sách cho người Việt tại Thụy Sĩ), Việt kiều hiện sinh sống tại đây – cho biết các bốt điện thoại đã góp phần vào sự bùng nổ của mô hình tủ sách ngoài trời.

“Hãng điện thoại Swisscom đã tặng 260 bốt điện thoại miễn phí cho ủy ban để xây dựng thành tủ sách công cộng. Tôi cũng thường ghé thăm các tủ sách này, mang sách tới đó, đồng thời tìm một cuốn mình đang cần để đem về đọc. Ở đây vật giá đắt đỏ, trao đổi sách cho nhau theo hình thức này thấy quý giá lắm”, chị Minh Phi nói.

Một mô hình khuyến đọc tương tự cũng được thực hiện tại Malaysia. Cụ thể, những năm gần đây, nhiều kiot đựng sách được lắp đặt trên các tuyến đường của quốc gia Đông Nam Á này.

Trong buổi giao lưu trực tuyến về hoạt động khuyến đọc tại các nước ASEAN hồi tháng hai, ông Sheikh Faisal Sheikh Mansor – Tổng thư ký danh dự Hiệp hội Xuất bản Malaysia – cho biết với những kiot này, người dân có thể đến lấy sách để đọc mà không phải trả bất kỳ chi phí nào.

mo hinh khuyen doc anh 5

Tại Indonesia, hệ thống “Jakarta Wi-Fi” trên xe buýt đang được xây dựng để tất cả người dân đều có thể đăng nhập và đọc sách miễn phí khi di chuyển. Ảnh: Jakarta Book City.

Ứng dụng tiếp cận sách miễn phí

Chuyển đổi số trong xuất bản được đánh giá là nhu cầu tất yếu ở hầu hết quốc gia trên thế giới. Nhu cầu đọc sách trong mùa dịch cũng tạo tiền đề để các đơn vị thúc đẩy xuất bản các đầu sách kỹ thuật số.

Ở Venezuela, xu hướng này đã trở thành hiện thực. Nhà xuất bản “El perro y la rana” vừa tạo ra một danh mục với phần lớn các đầu sách của mình trên trang web để độc giả có thể tải xuống và đọc miễn phí.

Bên cạnh đó, một thư viện trực tuyến được thành lập, lấy tên gọi “Colombeia”. Đây là nơi các tác phẩm có giá trị về lịch sử, tư tưởng được số hóa và cung cấp miễn phí cho bạn đọc.

Tại Pháp, cuối năm 2021, độc giả trong nước có cơ hội tiếp cận sách quý qua một triển lãm trực tuyến với 154 bản thảo giấy thời trung cổ và 1.611 bản khắc trên gỗ và bìa da được trưng bày tại Thư viện Nhân văn Sélestat (Pháp). Trong đó, khoảng 670 tập bìa da (của nhà nhân văn học, nhà sưu tầm nổi tiếng Beatus Rhenanus) đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Dự án này cho phép bạn đọc tiếp cận triển lãm sách bằng sự trợ giúp của tai nghe và kính thực tế ảo mà không cần đến thư viện. Đây cũng là một trong những mô hình mang tính chuyển đổi số của hệ thống thư viện Pháp. Trước đó, chỉ giới nghiên cứu mới có thể chạm tay vào kho tàng sách cổ này.

Tại Thái Lan, ứng dụng đọc sách “NoGongDong” được Hội Xuất bản quốc gia này tạo ra với mong muốn khơi gợi tình yêu, tinh thần đọc sách của độc giả.

Với chủ đề “Đừng để sách nằm buồn thiu trên giá”, sau khi tải ứng dụng này về máy, người sử dụng có thể tham khảo danh mục sách đã được đề xuất để đọc.

Bên cạnh đó, các minigames như: Thi tìm người đọc sách 20 phút/ngày liên tục trong 20 ngày, đọc một tiếng mỗi ngày, đọc liên tục trong 60, 90 ngày… được lồng ghép kết hợp, mang đến những phần thưởng thú vị, khuyến khích người dân nơi đây đọc sách nhiều hơn mỗi ngày.

Ứng dụng này cũng cho phép kết nối người yêu sách lại với nhau, tạo nên cộng đồng lớn. Sau gần một năm triển khai, cộng đồng này đã đạt mốc 10.000 người. Ngoài ra, các đơn vị xuất bản, phát hành cũng có thể tìm thấy nhau qua “NoGongDong”.

Trong buổi giao lưu về văn hóa đọc của các quốc gia ASEAN, bà Laura Prinsloo – Chủ tịch Ủy ban Sách quốc gia và Văn hóa đọc Indonesia, Chủ tịch điều hành Ủy ban Thành phố Sách Jakarta – cho biết tại Indonesia, hệ thống “Jakarta Wi-Fi” trên xe buýt đang được xây dựng để tất cả người dân đều có thể đăng nhập và đọc sách miễn phí khi di chuyển trên phương tiện này.

                                                                                                          Nguồn : zingnews

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *