TP.HCM, ngày 29.03.2022 – Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) – United Way Việt Nam, phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, United Way Worldwide Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) và các đối tác tổ chức Hội thảo “Thành phố thông minh không rào cản cho người khuyết tật – Vì một tương lai không ai bị bỏ lại phía sau”. Sự kiện cũng nằm trong khuôn khổ hoạt động của Làng Thách thức và Sáng tạo Xã hội thuộc Techfest 2022, đồng thời cũng hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo Thế giới 2022 trong nỗ lực tạo nên một không gian mở thúc đẩy trao đổi hợp tác giữa các bên liên quan về thử nghiệm, định hướng và giải pháp xây dựng thành phố thông minh, phát triển bao trùm, không rào cản cho mọi người, bao gồm người khuyết tật.
Hội thảo có sự tham dự của Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.Hồ Chí Minh; Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện MSD – United Way Việt Nam, bà Hooyung Young – Đại diện Chương trình Shinhan Square Bridge, các chuyên gia về thành phố thông minh, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc, các tổ chức xã hội thuộc mạng lưới người khuyết tật tại TP.HCM, và các hội nhóm của người khuyết tật là đối tượng được hưởng lợi của Dự án Shinhan Square Bridge Việt Nam 2021.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong việc xây dựng những thành phố thông minh. Ông cho biết: “Sự phát triển của khoa học – công nghệ giúp con người có cuộc sống tốt hơn, tiện lợi và dễ dàng hơn, đem đến lợi ích to lớn. Tuy nhiên điều này cũng có thể gia tăng bất bình đẳng trong xã hội, khi những người thuộc nhóm yếu thế không được trang bị kiến thức cũng như thiết bị để theo kịp công nghệ mới, dễ bị bỏ lại phía sau. Việt Nam ta đang phải đối mặt nhiều vấn đề lớn đặc biệt là thời kì hậu COVID 19, các nhóm yếu thế là đối tượng cần được chú trọng và quan tâm hỗ trợ, đây cũng là hạn chế trong giáo dục tiếp cận của Việt Nam. Vì vậy, tôi hi vọng nguy cơ cũng là cơ hội để chúng ta cùng nỗ lực đưa ra các sáng kiến trợ giúp cho đối tượng này.”
Ông Quất đánh giá rất cao các mô hình thực nghiệm, trải nghiệm của các startup (www.livinglabvietnam.org) thuộc chương trình Shinhan Square Bridge được trưng bày và trình diễn trong sự kiện, ông khẳng định: “Đây là những sáng kiến, đổi mới sáng tạo rất ý nghĩa, phục vụ con người, của con người và cho con người. Tôi đã thấy ở đây các đổi mới sáng tạo tiềm năng cho một thành phố thông minh thu nhỏ không rào cản cho mọi người, không chỉ cho người khuyết tật".
Giải pháp tương lai Shinhan – Khi công nghệ được ứng dụng hỗ trợ nhóm yếu thế
Từ năm 2021, Viện MSD – United Way Vietnam điều phối thực hiện dự án Giải pháp tương lai Shinhan – Shinhan Square Bridge với sự hỗ trợ về tài chính của Quỹ Hy vọng – Tập đoàn Shinhan. Được thực hiện tại 7 tỉnh, thành phố, dự án hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị và tác động xã hội thông qua ứng dụng công nghệ, các giải pháp đổi mới sáng tạo. Trong năm 2021, dự án tập trung triển khai 3 mô hình chính bao gồm (1) Nâng cao cơ hội đào tạo, việc làm cho thanh niên, phụ nữ trong bối cảnh mới, (2) Thành phố thông minh không rào cản cho người khuyết tập và (3) Quản trị trường học thông minh. Tại TP.HCM, dự án tập trung vào việc xây dựng mô hình Thành phố thông minh không rào cản cho người khuyết tật, với nhiều hoạt động thiết thực và cụ thể hướng tới hỗ trợ cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy hòa nhập xã hội, tạo điều kiện để người khuyết tật có thể tham gia tối đa vào các hoạt động kinh tế xã hội.
Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD – United Way Việt Nam chia sẻ: “Mô hình Shinhan Square Bridge Việt Nam được xây dựng và triển khai dựa trên cách tiếp cận thúc đẩy môi trường thực nghiệm tạo cơ hội để các startup có thể thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp đổi mới sáng tạo của họ tại cộng đồng người dùng thực tế. Cách tiếp cận này cũng có thể sử dụng trong cách tiếp cận thành phố thông minh – nơi đặt các nhu cầu con người, của các nhóm đa dạng làm trọng tâm. Hôm nay chúng ta cũng nói về thành phố thông minh, tôi tin “Smart” – thông minh không chỉ nói về trí thông minh công nghệ mà còn là một thái độ, một sự cam kết phục vụ con người. Thành phố thông minh cũng không chỉ phục vụ một vài người, một nhóm người hay những người có ảnh hưởng, có điều kiện tiếp cận, mà đảm bảo không rào cản, tiếp cận bình đẳng và công bằng cho tất cả mọi người, trong đó có người khuyết tật. Ở một mức cơ bản nhất, ở một thành phố vài triệu dân, bạn có thể thấy sự xuất hiện của người khuyết tật được tham gia giao thông, đi lại trong thành phố, đi học, ăn uống, mua sắm, làm việc, giải trí và vui chơi…”
Năm 2021, với sự đồng hành của 6 startup và 113 tổ chức, dự án đã hỗ trợ 27.812 người Việt Nam, bao gồm: 586 thanh niên và người khuyết tật được đào tạo việc làm chất lượng; 240 người khiếm thị được tiếp cận công nghệ thông minh giúp hoà nhập cộng đồng; 40.769 học sinh và 2.108 giáo viên tại Lào Cai, Ninh Thuận và Hưng Yên được tiếp cận hệ thống trường học thông minh. Dự án đã đồng hành cùng Ngày hội đổi mới sáng tạo quốc gia TechFest 2021 hỗ trợ hơn 2.5 triệu thanh niên Việt Nam kinh doanh, khởi nghiệp.
Ghi nhận những kết quả của dự án Giải pháp tương lai Shinhan, Bà Hooyung Young – Phó Chủ tịch Tổ chức United Way Worldwide khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc và Nhật Bản, Đại diện Chương trình Shinhan Square Bridge Việt Nam bày tỏ: “Khi triển khai dự án Giải pháp tương lai Shinhan tại Việt Nam vào năm ngoái, mục tiêu mà chúng tôi hướng đến là hỗ trợ một cách tốt nhất cho các startup đang trong quá trình khởi nghiệp để tạo nên những tác động xã hội, giải quyết thách thức thời kì hậu COVID-19. Thời gian qua với sự ảnh hưởng của đại dịch, chúng ta đã gặp không ít những khó khăn, nhưng thật may mắn khi chúng tôi có những đồng hành rất đáng tin cậy trong tiến trình phát triển của dự án như NATEC, chính quyền địa phương, Viện MSD, các tổ chức xã hội… Với mô hình xây dựng thành phố thông minh cùng sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học công nghệ, chúng tôi rất hy vọng dự án này có thể đem đến một cuộc sống bình đẳng, tốt đẹp hơn đến với nhóm người yếu thế, để họ không bị bỏ lại phía sau.”
Cũng trong Hội thảo, hai doanh nghiệp đã tham gia đồng hành cùng dự án đã có cơ hội chia sẻ về mô hình sản phẩm hỗ trợ người khiếm thị hoà nhập, bao gồm “Nền tảng Thành phố Thông minh giúp giải quyết các vấn đề di chuyển cho người khuyết tật" của công ty LBSTech và “Hỗ trợ người khiếm thị thông qua bảng chữ nổi Versa Slate và ứng dụng Flowy” của công ty OverFlow.
Giải pháp kiến tạo thành phố không rào cản cho người khuyết tật
TP.Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất ở Việt Nam, có mật độ dân cư đông đúc và là đầu tàu của nền kinh tế cả nước. Để tận dụng thời cơ cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển thành phố nhanh, bền vững, thành phố đã phê duyệt Đề án triển khai đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh đến năm 2025; ban hành Chương trình Chuyển đổi số đến năm 2025.
Chia sẻ về quá trình thực hiện đề án, ông Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Sau 4 năm triển khai, Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều công nghệ mới đã và đang được triển khai ứng dụng tại nhiều địa phương, giúp nâng cao hiệu quả quản lý đồng thời từng bước tháo gỡ những vướng mắc trong các lĩnh vực, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Thành phố đã xác định một trong các nhiệm vụ quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế là thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, đẩy mạnh chính quyền số, xây dựng đô thị thông minh. Tất nhiên, chỉ chính quyền thành phố cam kết và thúc đẩy là không đủ, chúng tôi rất vui mừng khi ngày càng có nhiều bên tham gia vào việc hỗ trợ thành phố chuyển đổi số trở thành thành phố thông minh phục vụ con người. ”
Định hướng của Sở nhấn mạnh tập trung các giải pháp sau:
-Mở rộng và bổ sung các giải pháp công nghệ hướng tới phục vụ các nhóm yếu thế, đặc biệt là người khuyết tật, tạo điều kiện để người khuyết tật có thể tham gia tối đa vào tất cả các khía cạnh trong hoạt động kinh tế – xã hội;
-Thực hiện chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho người dân còn khó khăn;
-Phát triển cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác chăm lo những người còn khó khăn.
-Nghiên cứu các trợ lý ảo hỗ trợ cho các đối tượng khuyết tật
-Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các nền tảng số , ứng dụng số để hỗ tợ người khuyết tật tham gia vào xã hội số , tham gia các hoạt động kinh tế số.
Hội thảo tiếp nối với phiên toạ đàm “Thành phố thông minh không rào cản cho người khuyết tật – Vì một tương lai không ai bị bỏ lại phía sau” .
Giải thích về khái niệm “thành phố thông minh”, TS Trịnh Tú Anh khẳng định: “Đối với mọi thành phố, đô thị thông minh là hành trình, là con đường, chứ không phải là đích đến cuối cùng. Khi xây dựng thành phố thông minh, chúng ta không đi tìm hay hướng đến sự hoàn hảo, mà là chúng ta ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề phát sinh trong chính thành phố đó, và hướng đến sự phát triển bền vững. “Thành phố thông minh” cần dựa trên các tiêu chí: thuận tự nhiên; nỗ lực xây dựng chính quyền và chính phủ; con người; sự di chuyển thuận lợi và sự sống.”
Từ kinh nghiệm nhiều năm làm việc và hỗ trợ người khuyết tật hoà nhập, Ông Nguyễn Văn Cử chia sẻ: “Nhờ chuyển đổi số, người khuyết tật có thể giảm bớt rào cản để học tập và nâng cao kiến thức, thậm chí tìm hiểu thông tin của những trường học nghề thông qua điện thoại thông minh. Để không bị bỏ lại phía sau, bản thân người khuyết tật cũng nỗ lực tự nâng cao kiến thức của bản thân để theo kịp sự phát triển của công nghệ và tham gia vào sự phát triển của xã hội, đóng góp vào nền kinh tế của địa phương.”
Là đơn vị nghiên cứu và sản xuất công cụ, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật, Ông Rafael Masters đề xuất: “Để tăng cơ hội hoà nhập cho người khuyết tật, các ứng dụng, công cụ công nghệ ngoài yếu tố tích hợp nhiều tính năng hỗ trợ đắc lực, dễ sử dụng thì cần có giá thành phù hợp với số đông. Ngoài ra, các phương tiện công cộng ở một thành phố thông minh cần phải thân thiện với người khuyết tật bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng để người khuyết tật có thể sử dụng, phù hợp với những nhu cầu và mong muốn của người khuyết tật. Mảng công nghệ đang dần phát triển và hỗ trợ rất nhiều cho người khuyết tật, đồng thời chính người khuyết tật cùng giúp rất nhiều cho chúng tôi trong quá trình thu thập dữ liệu, nghiên cứu để cải thiện chất lượng.”
Đại diện Trường RMIT – Ông Seng Kiat Kok nhấn mạnh vai trò của người trẻ: “Chúng ta nên tiếp cận với nhóm người trẻ, thanh thiếu niên nhằm nâng cao nhận thức, xây dựng tầm nhìn, giúp những người trẻ tuổi hình thành thói quen quan sát và nhìn nhận vấn đề, từ đó định hướng được những hành động có thể thực hiện để giúp đỡ nhóm người yếu thế. Người trẻ có sự tiếp thu rất nhanh, họ rất giỏi trong việc sử dụng công nghệ và chính họ sẽ là những người tạo ra các sản phẩm tốt nhất và phù hợp nhất để giúp đỡ người khuyết tật.”
Hội thảo khép lại với thông điệp: Sự đoàn kết hợp tác và tinh thần đổi mới sáng tạo là tiền đề để tạo xu hướng, dẫn dắt thay đổi vì sự phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong năm 2022, NATEC, Làng Thách thức và Sáng tạo xã hội, chương trình Shinhan Square Bridge do Viện MSD – United Way Việt Nam dẫn dắt sẽ tiếp tục các nỗ lực thúc đẩy kết nối các bên liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và các tổ chức tham gia Sáng tạo xã hội mở vì thành phố thông minh phát triển bao trùm. Mọi thông tin được cập nhật tại: www.livinglabvietnam.org.
Về Chương trình Shinhan Square Bridge Việt Nam
Chương trình Giải pháp Tương lai Shinhan (Shinhan S2 Bridge Vietnam) là một sáng kiến tác động tập thể xuyên biên giới và đa ngành nhằm thiết kế và xây dựng một cộng đồng hòa nhập mang lại cơ hội cho tất cả mọi người ở Việt Nam. Bằng cách tận dụng các giải pháp công nghệ sáng tạo được cung cấp bởi các công ty khởi nghiệp xuyên biên giới, nền tảng sẽ giúp công dân kết nối với các nguồn lực sẵn có và cơ hội mới để thành công trong tương lai. Chương trình được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2021.
Về Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) – United Way Vietnam
MSD – United Way Việt Nam hướng tới một Việt Nam bền vững công bằng và bình đẳng, nơi tất cả các cá nhân và gia đình có thể phát huy tối đa các tiềm năng của mình thông qua giáo dục chất lượng, thu nhập ổn định và cuộc sống mạnh khoẻ. Chúng tôi nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống bền vững của các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương thông qua huy động và liên kết sức mạnh, xây dựng hệ sinh thái đoàn kết hợp tác trong thực hành phát triển bền vững. MSD tập trung vào các mảng lĩnh vực: (1) Giáo dục cho phát triển; (2) Cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống; (3) Sức khoẻ môi trường với cách tiếp cận xuyên suốt của phát triển bền vững, thúc đẩy đoàn kết – hợp tác, đảm bảo bình đẳng và sự tham gia, ứng dụng đổi mới sáng tạo.
Nguồn : Techfest