Khai mạc Diễn đàn khoa học của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế về vai trò của kỹ thuật hạt nhân trong việc nâng cao sức khỏe con người

Diễn đàn khoa học của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) với chủ đề “Kỹ thuật hạt nhân đối với sức khỏe con người: Phòng ngừa, Chẩn đoán và Điều trị” được khai mạc vào 9h30 (14h30 giờ Hà Nội) ngày 19/9/2017 tại Trụ sở của IAEA ở Viên, Áo. Lễ khai mạc có sự tham dự của Ngài Yukiya Amano – Tổng giám đốc IAEA, đại diện quan chức của 168 nước thành viên IAEA và các khách mời quốc tế. Đại diện đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn gồm có TS. Hoàng Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử và TS. Trần Chí Thành – Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Tổng giám đốc IAEA - Ngài Yukiya Amano phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Ngài Yukiya Amano – Tổng giám đốc IAEA nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong lĩnh vực y tế, đóng góp to lớn trong việc cứu sống hàng chục triệu người trên thế giới. Được ứng dụng lần đầu tiên vào năm 1930, các kỹ thuật hạt nhân trong y tế ngày càng phát triển rộng rãi, phục vụ chẩn đoán, điều trị và quản lý nhiều căn bệnh như: các kỹ thuật xạ trị, y học hạt nhân trong chẩn đoán, điều trị ung thư; ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị trong giám sát chế độ dinh dưỡng của con người; kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh trong quản lý tình trạng sức khỏe, … Trong những năm qua, IAEA đã hỗ trợ nhiều quốc gia thành lập các cơ sở y học hạt nhân, xạ trị và hỗ trợ đào tạo các bác sĩ, nhà vật lý y học, bác sĩ X-quang, y tá, các nhà nghiên cứu, trong đó có việc hỗ trợ thành lập Mạng lưới chống ung thư châu Phi (AFRONET). Với phương châm “Nguyên tử vì Hòa bình và Phát triển”, Ngài Tổng giám đốc IAEA tin tưởng rằng các cuộc thảo luận tại Diễn đàn sẽ mang lại những hiểu biết và ý tưởng mới nhằm cải tiến các dịch vụ hiện đang được IAEA cung cấp cho các nước thành viên.

 

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của IAEA, các Bộ, ban, ngành đã phối hợp triển khai thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì hòa bình đến năm 2020 (Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ), Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong y tế đến năm 2020 (Quyết định số 1958/QĐ-TTg ngày 04/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ) và thu được một số kết quả tích cực. Ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong y tế phát triển nhanh trên cả 3 lĩnh vực y học hạt nhân, xạ trị và điện quang, nhiều kỹ thuật tiên tiến ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới đã được thực hiện thành công ở Việt Nam. Người dân trong nước đã có thể tiếp cận với các dịch vụ ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong khám, chữa các bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch, tiêu hóa, thần kinh với chất lượng tương đương nhưng giá thành rẻ hơn nhiều so với việc ra nước ngoài điều trị.

Tại Phiên khai mạc Diễn đàn, Ban tổ chức đã chiếu phim “Ứng dụng công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực y tế: ngăn ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh” trong đó có các hình ảnh về GS. TS. Mai Trọng Khoa – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Bạch Mai đang thao tác trên các thiết bị kỹ thuật hạt nhân hiện đại để điều trị ung thư cho người dân.

 

Diễn đàn khoa học của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế về vai trò của kỹ thuật hạt nhân trong việc nâng cao sức khỏe con người diễn ra trong 02 ngày (19-20/9/2017) sẽ tập trung thảo luận về phương thức để khoa học hạt nhân có thể đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy phúc lợi cho tất cả mọi lứa tuổi. Diễn đàn là một trong các hoạt động thuộc khuôn khổ Khóa họp lần thứ 61 Đại hội đồng Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế diễn ra từ ngày 18-22/9/2017 tại Viên, Áo./.

Đoàn Việt Nam tham dự Khoá họp lần thứ 61 Đại hội đồng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)

Ngày 18/9/2016, Khóa họp lần thứ 61 Đại hội đồng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã chính thức khai mạc tại thủ đô Viên, Cộng hòa Áo.
 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc dẫn đầu Đoàn Đại biểu Việt Nam tham dự Khóa họp. Cùng tham gia Đoàn Đại biểu có Đại sứ Vũ Việt Anh, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại các tổ chức quốc tế tại Viên; PGS. TS. Nguyễn Tuấn Khải – Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN); TS. Hoàng Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử; TS. Trần Chí Thành – Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; TS. Trần Bích Ngọc – Phó Cục trưởng Cục ATBXHN, Điều phối viên quốc gia của Việt Nam trong hợp tác với IAEA và một số cán bộ đại diện của các đơn vị năng lượng nguyên tử, Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Áo.

 

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Phạm Công Tạc (thứ 3 từ trái sang) làm Trưởng đoàn tham dự Đại Hội đồng của IAEA lần thứ 61

 

Trong phiên toàn thể của Hội nghị diễn ra vào sáng ngày 18/9, Hội nghị đã thống nhất bầu bà Zeneida Angara Collison, Đại sứ kiêm Đại diện thường trực của Phi-líp-pin tại các Tổ chức quốc tế ở Viên, Áo làm Chủ tịch Đại hội đồng lần thứ 61.

 

Bà Zeneida Angara Collison chủ trì Phiên họp tổng thể Đại Hội đồng lần thứ 61

 

Hội nghị cũng đã thông qua việc bổ nhiệm Tiến sĩ Amano Yukiya, Tổng Giám đốc của IAEA tiếp tục đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc của IAEA nhiệm kỳ mới, bắt đầu từ 01/12/2017. 

 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Amano Yukiya cảm ơn các quốc gia thành viên và đại biểu tham dự Hội nghị đã tín nhiệm và tin tưởng bầu ông tiếp tục giữ chức vụ Tổng Giám đốc của IAEA nhiệm kỳ thứ 3. Ông khẳng định “trong những năm tới, tôi sẽ tích cực thực hiện sứ mệnh của IAEA – nguyên tử vì hoà bình và phát triển với sự công tâm, minh bạch dưới sự dẫn dắt của Hội đồng Thống đốc và phục vụ lợi ích của tất cả các quốc gia thành viên”.'

 

Tổng Giám đốc Amano Yukiya và bà Zeneida Angara Collison, Chủ tịch Đại hội đồng

 

Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng Giám đốc Amano Yukiya đã nhấn mạnh những thành tựu nổi bật IAEA đạt được trong suốt 6 thập kỷ qua, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sự thịnh vượng của các quốc gia thông qua ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Ông Amano cũng điểm qua một số vấn đề thu hút sự quan tâm của các quốc gia thành viên trong năm vừa qua như việc thực hiện các cam kết liên quan đến hạt nhân của Iran, chương trình hạt nhân của Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, việc tổ chức thành công Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về hợp tác kỹ thuật của IAEA vào tháng 5/2017, sự kiện ra mắt Cơ sở lưu giữ nguồn Uranium có độ làm giàu thấp (LEU) của IAEA tại Kazakhstan v.v. Vấn đề an ninh hạt nhân cũng được Tổng Giám đốc nhấn mạnh trong bài phát biểu, cụ thể ông Amano vui mừng thông báo Hội đồng Thống đốc đã thông qua Kế hoạch An ninh hạt nhân giai đoạn 2018-2021 và khẳng định IAEA sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường đảm bảo an ninh hạt nhân.

 

Theo chương trình, trong ngày 18/9/2017 Hội nghị nghe báo cáo quốc gia của các nước Iran, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Lát-vi-a, Nhật Bản, Gha-na, U-ru-goay, Băng-la-đét, Trung Quốc, Ả-rập-xê-út, Su-đan…

Ngày 19/9/2017, Thứ trưởng Phạm Công Tạc, Trưởng đoàn Đại biểu đại diện Việt Nam trình bày Báo cáo quốc gia./.

Vinh danh 21 ý tưởng xuất sắc tại Lễ trao giải “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam”

Ngày 20/9/2017, tại Hà Nội, Bộ KH&CN phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Lễ trao giải “Khởi nghiệp sáng tạo với ứng phó biến đổi khí hậu Việt Nam”. Buổi Lễ vinh danh các đơn vị sở hữu những ý tưởng/sản phẩm xuất sắc nhất trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) tham dự Cuộc thi Chứng minh ý tưởng (POC) lần 2 và tuyên bố tốt nghiệp vườn ươm cho các doanh nghiệp trưởng thành của POC1.

Toàn cảnh Lễ trao giải.

 

Buổi lễ được diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương và Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dine. Đến tham dự sự kiện có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam Layton Pike, Tham tán kinh tế và hợp tác phát triển Justin Baguley; Bí thư thứ nhất, Hợp tác Kinh tế và Phát triển, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam Nicolas Drouim; Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN Phạm Hồng Quất và Giám đốc Ban Quản lý Dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) Phạm Đức Nghiệm cùng các đại diện Bộ, ban ngành có liên quan, các Hiệp hội, quỹ đầu tư, các quan khách quốc tế khác và các đơn vị truyền thông.

 

Lớn mạnh từ Cuộc thi chứng minh ý tưởng lần thứ 1 – PoC1

Tháng 6/2016, VCIC đã tổ chức Lễ trao giải Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với BĐKH Việt Nam cho 18 ý tưởng tiêu biểu. Sau hơn 1 năm thực hiện dự án với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của VCIC, các đơn vị được lựa chọn hỗ trợ trong POC1 đã đạt được một số thành tựu đang chú ý như: Bán ra được hơn 141,000 sản phẩm, doanh thu tăng hơn 1 triệu USD, tạo ra 750 việc làm – trong đó có 329 việc làm cho phụ nữ, cắt giảm hơn 133,000 tấn CO2 và hơn 101,000 hộ gia đình hưởng lợi.

Cụ thể hơn, doanh nghiệp DiChung đã mở văn phòng mới tại miền Trung và miền Nam, doanh thu tăng 300%/năm, dự án nông nghiệp bền vững với chế phẩm EMIC của CTCP Công nghệ Vi sinh và Môi trường đã kêu gọi được vốn đầu tư hơn 200.000 USD, dự án dây chuyền máy đúc gạch không nung tự động của Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu đã khẳng định được thương hiệu ở thị trường miền bắc Việt Nam và đã vươn tới thị trường Lào, sản phẩm hệ thống đèn LED thế hệ mới trang bị cho tàu cá của công ty NOVAS (Đà Nẵng) đã giúp các đội tàu đánh cá của một số tỉnh miền trung Việt Nam tiết kiệm hàng chục tỷ đồng tiền điện, gia tăng hiệu quả đánh bắt từ 15 – 20%.

Đến cuộc thi chứng minh ý tưởng lần 2

Tiếp nối thành công của POC1, VCIC đã tổ chức cuộc thi Chứng minh ý tưởng lần thứ 2 tại Việt Nam vào tháng 4/2017 với mô hình mới theo sáng kiến của Ngân hàng Thế giới được VCIC tinh chỉnh phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Cuộc thi năm nay thu hút gần 400 ý tưởng đăng ký tham gia, tăng 30% so cuộc thi lần đầu năm ngoái, hơn 60 Đề xuất ý tưởng được sàng lọc vào vòng 2, hơn 60 cá nhân, doanh nghiệp được tham dự tập huấn tiền ươm tạo trong 1 tuần. Sau 10 ngày làm việc liên tục của 11 Hội đồng tư vấn đánh giá, VCIC đã lựa chọn được những ý tưởng xuất sắc nhất và tổ chức lễ trao giải Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam vào ngày 20/9/2017.

 

Lễ trao giải vinh danh 21 doanh nghiệp xuất sắc trong cuộc thi “Chứng minh ý tưởng lần thứ 2” trong đó có 17 doanh nghiệp nhận hỗ trợ tài chính và dịch vụ đi kèm, 4 doanh nghiệp nhận hỗ trợ dịch vụ không tài chính, đồng thời ghi nhận nỗ lực của 7 doanh nghiệp đầu tiên tốt nghiệp quá trình ươm tạo kéo dài 1 năm của dự án.

 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương phát biểu tại Lễ trao giải.

 

 

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương cho biết “Thay mặt cho Bộ KH&CN, tôi xin chúc mừng các doanh nghiệp đạt giải trong đợt 2 và đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của các doanh nghiệp đợt 1 trong suốt quá trình đồng hành cùng VCIC để đạt được những mục tiêu đề ra. Tôi kỳ vọng rằng những doanh nghiệp tốt nghiệp đợt 1 ngày càng phát triển và những doanh nghiệp đạt giải trong đợt 2 sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, những doanh nghiệp này sẽ liên tục tạo ra và nhân rộng tác động tích cực tới kinh tế, môi tường và xã hội”.

 

Với vai trò là đại diện nhà tài trợ cho dự án VCIC, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu “Thông qua những dự án như VCIC, nhóm Ngân hàng Thế giới hỗ trợ các nền kinh tế mới nổi, một phần quan trọng trong sự hỗ trợ này là ứng phó với BĐKH và phát triển các công nghệ thông minh thích ứng với BĐKH. Những doanh nghiệp chiến thắng và tốt nghiệp được vinh danh ngày hôm nay ở vị trí phù hợp nhất để có thể đưa ra giải pháp sáng tạo ứng phó với BĐKH trong cộng đồng và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và tạo việc làm tại địa phương”.

Phó Đại sứ Úc tại Việt Nam Layton Pike – người đã đồng hành cùng VCIC từ những bước đi đầu tiên và chứng kiến sự chuyển mình, trưởng thành của những doanh nghiệp được VCIC hỗ trợ – không giấu được sự phấn khích “Những doanh nghiệp được VCIC hỗ trợ đang tạo ra sự thay đổi ở Việt Nam. Chúng tôi tự hào đóng góp vào việc hỗ trợ Việt Nam phát triển khu vực kinh tế tư nhân và theo đuổi một lộ trình tham vọng về đổi mới và sáng tạo trong khuôn khổ chương trình Úc vì đổi mới”.

Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Giles Lever phát biểu “Hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động quốc tế nhằm đối phó với BĐKH là lĩnh vực ưu tiên trong nguồn tài trợ của Vương quốc Anh về biến đổi khí hậu toàn cầu. Chúng tôi hi vọng VCIC là nền tảng cho các ý tưởng đổi mới, tạo ra những ảnh hưởng mang tính chuyển đổi quy mô lớn thông qua chuyển giao công nghệ ứng phó với BĐKH có giá thành hợp lý, phổ biến những kinh nghiệm thực tiễn tốt, mở ra những cơ hội thị trường mới và tiềm năng thương mại cho các doanh nghiệp”.

Một số ý tưởng được vinh danh tại buổi lễ có thể kể tên như Dự án Ứng dụng công nghệ thông minh (trí tuệ nhân tạo) nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng tôm theo hướng phát triển bền vững; Hệ thống đèn đường thông minh S3 sử dụng IOT nhằm hiện đại hóa hệ thống chiếu sáng công cộng, tiết kiệm điện năng tiêu thụ từ 40 – 70% hay dự án Phát triển vật liệu nano (dưỡng chất nano, phân bón nano, vật liệu xốp nano giữ nước) cho nông nghiệp nhằm ứng phó với BĐKH…hứa hẹn sẽ gặt hái nhiều thành tựu hơn trong tương lai, mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng và toàn bộ nền kinh tế – môi trường – xã hội.

 

Đại biểu chụp hình lưu niệm cùng các đơn vị được giải.

 

 

Sau Lễ trao giải, từ ngày 21/9-23/9, VCIC tổ chức chương trình đào tạo nhằm tăng cường kiến thức và kỹ năng cho cả 2 nhóm doanh nghiệp tập trung vào hoạch định mục tiêu kinh doanh, nghiên cứu thị trường, marketing, mô tả công nghệ.

 

 

 

VCIC được hỗ trợ bởi Chính phủ Australia và Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh sẽ cung cấp những hỗ trợ tài chính, bồi dưỡng năng lực và dịch vụ tư vấn cho các doanh nhân và doanh nghiệp trong 5 lĩnh vực chính: Năng lượng hiệu quả, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững và quản lý tài nguyên nước nhằm biến thách thức của BĐKH thành cơ hội kinh doanh.

Trực thuộc Bộ KH&CN, VCIC là một phần của Chương trình phát triển công nghệ ứng phó BĐKH của Ngân hàng Thế giới với mục tiêu thiết lập mạng lưới kết nối 7 Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó BĐKH trên toàn thế giới, cung cấp nền tảng kết nối kinh doanh trong nước và quốc tế, tăng cường chia sẻ kiến thức và thúc đẩy thương mại.

Tuổi trẻ Bộ Khoa học và Công nghệ tiên phong, đoàn kết, bản lĩnh, sáng tạo, phát triển

Đó là khẩu hiệu hành động Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đặt ra trong giai đoạn 2017 – 2022. Thông tin được đưa ra tại Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ KH&CN lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2017 – 2022 diễn ra ngày 19/09/2017 ở Hà Nội. Đồng chí Trần Văn Tùng – Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ KH&CN, Thứ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Nguyễn Hữu Ngọc – Phó Bí thư Đoàn khối các cơ quan Trung ương;… đến dự và phát biểu tại Đại hội.
 

Đại hội Đoàn thanh niên Bộ KH&CN diễn ra trong 2 phiên, tập trung vào các nội dung: tổng kết, đánh giá những kết quả thực hiện của Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2012 – 2017; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh niên lần thứ XIX nhiệm kỳ 2017 – 2022 nhằm nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn, tăng cường bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, cổ vũ thanh niên Bộ KH&CN thi đua học tập, lao động, sáng tạo tiếp tục góp phần xây dựng nền KH&CN Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, là động lực phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Hoạt động Đoàn bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ

Theo thống kê, số lượng công chức, viên chức và người lao động là thanh niên hiện nay có 1.965 đồng chí sinh hoạt tại 29 cơ sở Đoàn (3 Đoàn cơ sở và 26 chi đoàn cơ sở), trong đó có khoảng gần 300 công chức, viên chức (chiếm khoảng 18 % tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong Bộ), gần 1.200 đoàn viên đang sinh hoạt tại các đơn vị hành chính và sự nghiệp của Bộ, còn lại là các đoàn viên đang sinh hoạt tại doanh nghiệp (Công ty Cổ phần FPT, Công ty MITEC…).

Nhiệm kỳ 2012 – 2017, công tác Đoàn và phong trào thanh niên Bộ KH&CN đã đạt được những kết quả quan trọng. Công tác tuyên giáo luôn được coi trọng, nội dung phương thức tiếp tục được đổi mới. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; triển khai thực hiện Chỉ thị 42/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015-2030” được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện. Việc giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyên truyền, học tập các Nghị quyết của Đảng, của Đoàn được triển khai với nhiều hình thức sáng tạo, như thông qua các hội nghị, hội thảo, văn nghệ: “Đạo đức công vụ trong Thanh niên”,“Gặp gỡ hữu nghị giữa Thanh niên hai Bộ KH&CN Việt – Lào”, Tọa đàm “Thanh niên vững niềm tin dưới cờ Đảng”, “Hội thi văn nghệ Chào mừng Đại hội Đảng bộ Bộ KH&CN lần thứ XXII”, “Hội thi Văn nghệ Chào mừng Đại hội Đoàn Thanh niên Bộ”… Trong nhiệm kỳ đã có hơn 3.000 lượt đoàn viên, thanh niên được học tập Nghị quyết của Đảng cùng cấp.

Để giúp đoàn viên, thanh niên thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, các cơ sở Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động thông qua câu lạc bộ “Khoa học kỹ thuật”,“Sáng tạo trẻ”,“Vườn ươm tài năng trẻ”; tổ chức các hoạt động tuyên dương các điển hình thanh niên tiên tiến trong phong trào sáng tạo KH&CN. Triển khai hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tập trung vào các hoạt động như hình thành các trung tâm hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp, hỗ trợ thanh niên hình thành các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tham gia dự án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia”, tổ chức các chương trình tôn vinh ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp và festival tài năng trẻ tiên phong sáng tạo khởi nghiệp. Thông qua đó thanh niên đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giải quyết công việc được giao, tạo điều kiện thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Trong thời gian qua Bộ KH&CN đã phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ký kết các Nghị quyết liên tịch, Chương trình hành động, phối hợp với mục đích hỗ trợ và phát huy vai trò của tuổi trẻ trong học tập, nghiên cứu, ứng dụng KH&CN. Các cơ sở Đoàn trực thuộc đã chủ động, đề xuất, đăng ký đảm nhận các phần việc thanh niên kết hợp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chuyển giao tiến bộ KH&CN cho vùng sâu, vùng xa, đăng ký đảm nhận các đề tài nghiên cứu khoa học, đề án các cấp, tham gia viết chuyên đề nghiên cứu cho đề tài hội thảo, đề án, các công trình, phần việc.

Phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc” tiếp tục có bước phát triển mới. Các phong trào tình nguyện được triển khai rộng khắp tới các cơ sở Đoàn trực thuộc với nhiều hoạt động và mô hình tiêu biểu như Chương trình “Hành trình tri ân – hành trình tình nguyện”, “Vì trẻ em nhiễm chất độc màu da cam”“Mùa đông không lạnh”,… Phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, phong trào xung kích bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được chú trọng và triển khai đồng bộ. Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Bộ đã tăng cường, chỉ đạo triển khai thực hiện cuộc vận động “Đoàn viên thanh niên phấn đấu trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”, đặc biệt chú trọng công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp.

Tính đến tháng 6/2017, Ban Chấp hành Đoàn Bộ và các cơ sở Đoàn trực thuộc đã thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội đại biểu Đoàn Bộ nhiệm kỳ 2012-2017 đã đặt ra: 100% cán bộ, đoàn viên, thanh niên được tham gia công tác giáo dục chính trị tư tưởng, học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng các hình thức do Đoàn thanh niên, Chi bộ hoặc công đoàn tổ chức…; 100% cơ sở đoàn vững mạnh và khá, không có cơ sở đoàn yếu kém; Số đoàn viên, thanh niên được giới thiệu kết nạp Đảng chiếm tối thiểu 60 % tổng số Đảng viên mới trong toàn Đảng bộ; 100 % công chức, viên chức thanh niên của Bộ được phổ biến quán triệt chủ trương phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo

Trong nhiệm kỳ tới, với khẩu hiệu hành động “Tuổi trẻ Bộ KH&CN tiên phong, đoàn kết, bản lĩnh, sáng tạo, phát triển”Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN đặt mục tiêu 100% cơ sở Đoàn đăng ký sinh hoạt định kỳ và có nội dung sinh hoạt cụ thể với Đoàn Thanh niên Bộ; thực hiện ít nhất 3 Đề tài khoa học cấp Bộ phục vụ cho các nhiệm vụ chính trị của Bộ; Tổ chức ít nhất 10 hội thảo, tọa đàm giúp nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thanh niên ở các địa phương về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH&CN, trọng tâm là sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, chuyển giao công nghệ, ứng dụng KH&CN,… hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương.

Đồng chí Trần Văn Tùng - Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ KH&CN đánh giá cao kết quả của Đoàn Thanh niên Bộ.

 

Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Trần Văn Tùng – Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ KH&CN cho rằng, thời gian qua các hoạt động Đoàn và phong trào đoàn thanh niên của Đoàn Bộ cơ bản đã bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, của ngành cũng như chương trình, kế hoạch của Trung ương Đoàn TNCS HCM, Đoàn thanh niên Khối các cơ quan Trung ương. Đoàn Thanh niên đã triển khai có hiệu quả phong trào hành động “Xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”,… gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Bộ, ngành. Các hoạt động sinh hoạt truyền thống, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, giúp đỡ người nghèo,… đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia, vừa thực hiện nhiệm vụ chung của Bộ, ngành, vừa khẳng định vai trò xung kích của đoàn thanh niên.

 

Đồng chí Trần Văn Tùng đã góp ý một số nội dung với tổ chức Đoàn của Bộ KH&CN. Theo đó, Đoàn cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vai trò, trách nhiệm của thanh niên và Đoàn Thanh niên trong giai đoạn hiện nay, phải thực sự là tổ chức vì thanh niên, của thanh niên, là hạt nhân tập hợp sức mạnh đoàn kết tuổi trẻ, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ trên con đường lập thân, lập nghiệp; tiếp tục tăng cường, đổi mới và nâng cao hiệu quả của các hoạt động bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, giáo dục đạo đức lối sống, truyền thống văn hóa; các phong trào, hoạt động phải thiết thực, phát huy tối đa thế mạnh, đặc thù tổ chức đoàn của một Bộ có chức năng, nhiệm vụ giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về KH&CN. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn công tác Đoàn, phong trào thanh niên với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, của ngành; nâng cao tính đoàn kết, nhất trí trong tổ chức đoàn.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Lãnh đạo Bộ luôn tin tưởng, ủng hộ và sẽ là điểm tựa quan trọng để các đoàn viên, thanh niên có điều kiện phát huy hết năng lực, phẩm chất của mình trong việc đoàn kết, tập hợp và tổ chức các hoạt động thanh niên, góp phần xây dựng môi trường làm việc thực sự trí tuệ, năng động, dân chủ và công bằng.

 

Đồng chí Nguyễn Hữu Ngọc – Phó Bí thư Đoàn khối các cơ quan Trung ương phát biểu tại Đại hội.

 

Đánh giá kết quả hoạt động của Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN những năm qua, đồng chí Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Bí thư Đoàn Khối nhấn mạnh, tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn thanh niên Bộ KH&CN, mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong Bộ đã phát huy tinh thần đoàn kết, xung kích, trí tuệ, sáng tạo đưa công tác đoàn và phong trào thanh niên của Bộ đạt được những kết quả rất quan trọng. Môi trường hoạt động của tổ chức Đoàn đã góp phần quan trọng tham mưu cho Ban cán Đảng, Đảng ủy và lãnh đạo Bộ, cho mỗi cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các nghị quyết về công tác thanh niên của Đảng, chiến lược phát triển thanh niên của Chính phủ, Chương trình phát triển thanh niên của Bộ KH&CN, qua đó góp phần thiết thực nâng cao chất lượng đội ngũ, đào tạo nguồn nhân trẻ phục vụ cho sự phát triển của Ngành; đồng thời góp phần vào thành tích chung trong công tác đoàn và phong trào niên của Đoàn Khối các cơ quan Trung ương giai đoạn 2012 – 2017.

 

Đồng chí đề nghị thời gian tới, Ban Chấp hành Đoàn Bộ nhiệm kỳ mới và đoàn viên, thanh niên cần tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh liên kết với các tổ chức đoàn bạn để tổ chức hoạt động; tăng cường giáo dục bản lĩnh, nhãn quan chính trị cho thanh niên;… Đoàn Bộ cần tiên phong tham gia thực hiện Đề án 844 về “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, xem đây là một nội dung có tính đột phá, then chốt, trọng tâm để thực hiện trong nhiệm kỳ 2017 – 2022. Đồng chí cũng gợi ý Đoàn Bộ có thể thành lập “Câu lạc bộ nhà khoa học, quản lý trẻ trợ giúp pháp lý cho thanh niên khởi nghiệp” nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; tập trung cho chi đoàn, lấy chi đoàn, lấy đoàn viên, thanh niên làm chủ thể, làm trung tâm của mọi hoạt động.

 

Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN nhiệm kỳ 2017 – 2022 ra mắt Đại hội.

 

Đại hội đã tiến hành bầu ra Ban chấp hành khóa mới nhiệm kỳ 2017 – 2022 gồm 21 đồng chí, đồng chí Lê Vũ Tiến công tác tại Cục Sở hữu trí tuệ được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN nhiệm kỳ 2017 – 2022. Đại hội cũng đã bầu 05 đồng chí đi dự đại hội Đoàn khối các cơ quan Trung ương.

 

Một số hình ảnh khác tại Đại hội:

 

 

 

 

 

 

 

Đồng chí Nguyễn Hữu Ngọc – Phó Bí thư Đoàn khối các cơ quan Trung ương trao kỷ niệm chương vì thế hệ trẻ, bằng khen cho một số tập thể, cá nhân.

 

 

 

 

Toàn cảnh Đại hội.

 

Doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ có khu tập trung tại TECHFEST 2017

Ngày 18/9/2017, tại Hà Nội, cuộc họp Ban Tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (TECHFEST 2017) đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng. Cuộc họp có sự tham gia của đại diện các chuyên gia có ảnh hưởng trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.
 

Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2017 được thiết kế theo mô hình Làng công nghệ chuyên sâu nhằm thu hút các nhà đầu tư cho startup. Các đối tác tại TECHFEST sẽ xây dựng nội dung chương trình để thu hút các đối tượng tham dự chuyên biệt trong từng Làng khác nhau, bao gồm: các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Community Village), Nông nghiệp (Agriculture Village), công nghệ Giáo dục (Edtech Village), công nghệ Y tế (Medtech Village), Du lịch và thực phẩm và dịch vụ ăn uống (Tourism and Food & Bavarage Village), các công nghệ tiềm năng (Emerging Tech Village). Đại diện các Làng đã đưa ra đề xuất được hỗ trợ về chuyên gia trong nước và quốc tế, hỗ trợ về hệ thống kết nối chung cho TECHFEST.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư tham dự TECHFEST 2017 sẽ được đào tạo trước sự kiện để nâng cao năng lực cũng như hiệu quả kết nối đầu tư, dự kiến sẽ có chuỗi chương trình tổ chức tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ban Tổ chức cũng sẽ xây dựng một kênh đăng ký và kết nối trực tiếp cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp, hai đối tượng này có thể xem thông tin và lựa chọn gặp gỡ (business matching) tại sự kiện.

Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng đôn đốc các Làng có liên quan cần làm việc trực tiếp với nhau để trao đổi cụ thể về kế hoạch triển khai, trong đó chú trọng các nội dung hữu ích và thực tế cho các đối tượng tham dự, mời các diễn giả quốc tế có nhiều kinh nghiệm và ảnh hưởng đến để giao lưu và chia sẻ thông tin.

Theo thiết kế của năm 2017, TECHFEST sẽ có một khu tập trung (hot zone) để cho các nhóm startup đã đăng ký trước có thể trình bày ý tưởng, sản phẩm của họ một cách ngẫu hứng. Mục đích là thu hút được sự quan tâm của cộng đồng để chứng minh được tính khả thi về mô hình kinh doanh, giải pháp của mình cũng như tìm kiếm các khách hàng tiềm năng sử dụng sản phẩm ngay tại sự kiện.

 

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cùng đại diện các Làng và các Tiểu ban tham dự vào cuộc họp ban tổ chức TECHFEST 2017

 

Tại cuộc họp, các Tiểu ban bao gồm: Tiểu ban Văn kiện – Báo cáo tổng hợp, Tiểu ban Nội dung – Chương trình, Tiểu ban Huy động nguồn lực, Tiểu ban Tài chính, Tiểu ban Lễ tân – Hậu cần, Tiểu ban Truyền thông đã báo cáo về các hoạt động triển khai và đưa ra thời gian hoàn thành cụ thể. Đối với tiểu ban Truyền thông, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh cần thực hiện truyền thông trước, trong và sau ngày hội TECHFEST, đồng thời Thứ trưởng cho rằng: “Bên cạnh truyền thông bằng các phương tiện truyền thống nên chú trọng các trang mạng xã hội nhưng cần đảm tính chính thống của thông tin”.

 

Sau cuộc họp, Văn phòng Đề án 844 sẽ hoàn thiện Quyết định thành lập Ban Tổ chức TECHFEST 2017, Quyết định thành lập các Tiểu ban giúp việc cho Ban Tổ chức và Kế hoạch triển khai tổng thể để trình ký trong ngày 19/9/2017.

TECHFEST là sự kiện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô quốc gia, do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội. Mục tiêu của TECHFEST nhằm kết nối các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế thông qua các hoạt động: Thu hút đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp, tham vấn chính sách về đổi mới sáng tạo, tôn vinh doanh nghiệp khởi nghiệp và các tổ chức hỗ trợ có đóng góp tích cực. Sự kiện hàng năm thu hút trên 5000 lượt khách tham dự, hơn 150 doanh nghiệp khởi nghiệp, 100 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế với tổng số tiền đầu tư ước tính trên 1 triệu USD.

 

Tăng cường phối hợp để bảo đảm các nguồn lực phát triển sở hữu trí tuệ

 
Ngày 14/9/2017, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) tổ chức Tọa đàm tăng cường phối hợp giữa Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) với Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) và các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp (SHCN) nhằm đảm bảo các nguồn lực cho phát triển sở hữu trí tuệ.

 

Tham dự Tọa đàm có ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, ông Mai Hà – Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, ông Bùi Văn Quyền – Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam, bà Nguyễn Minh Hương – Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Thành phố Hồ Chí Minh, cùng lãnh đạo và cán bộ Cục Sở hữu trí tuệ, đại diện Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, các tổ chức thành viên của VIPA trên toàn quốc.

Ông Đinh Hữu Phí: “Cục SHTT nói riêng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy vậy vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần khắc phục và giải quyết”

 

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Đinh Hữu Phí cho biết, sau 35 năm xây dựng và phát triển, Cục SHTT nói riêng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy vậy vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần khắc phục và giải quyết. Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đối với Cục SHTT là tập trung giải quyết đơn xác lập quyền SHCN tồn đọng. Hiện số lượng đơn SHCN nộp vào Cục tăng trung bình khoảng 10-15%. Chỉ tính riêng năm 2016, có gần 60 nghìn đơn nộp vào Cục, trong đó, Cục đã xử lý được gần 40 nghìn đơn, cấp hơn 29 nghìn văn bằng bảo hộ SHCN. Dù rất nỗ lực, nhưng lượng đơn tồn đọng còn nhiều, đặc biệt là đơn đăng ký sáng chế. Lý giải cho tồn tại nêu trên, Cục trưởng Đinh Hữu Phí cho rằng có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng nổi bật nhất là tình trạng thiếu nhân lực và quá trình phối hợp giải quyết công việc với các bên liên quan.


 

“Số lượng đơn SHCN tăng là điều đáng mừng, thể hiện nhu cầu gia tăng của xã hội đối với phát triển sản xuất – kinh doanh, cũng như hoạt động sáng tạo và đổi mới KH&CN, nhưng tôi cũng lo là việc đáp ứng nhu cầu đó chưa được thực hiện tốt”, ông Đinh Hữu Phí chia sẻ.

Thông qua buổi toạ đàm Cục trưởng mong muốn được nghe những ý kiến chia sẻ và đóng góp của VIPA và các tổ chức đại diện SHCN đối với hoạt động của Cục SHTT để có thể phục vụ tốt hơn nhu cầu của xã hội trong thời gian tới.

Ông Lê Ngọc Lâm cho biết “hệ thống SHTT của Việt Nam có những đặc điểm khác rất so với các hệ thống SHTT trên thế giới”

 

Đồng quan điểm với Cục trưởng Đinh Hữu Phí, Phó Cục trưởng Lê Ngọc Lâm cho biết, với tốc độ gia tăng số lượng đơn nộp vào Cục như hiện nay cho thấy trách nhiệm lớn của Cục SHTT đối với xã hội. Tuy nhiên, hệ thống SHTT của Việt Nam có những đặc điểm khác rất so với các hệ thống SHTT trên thế giới mà ở đó công chúng và xã hội là một mắt xích quan trọng trong hệ thống đó. Ông Lâm cũng cho biết, đến nay ở Việt Nam có 182 tổ chức với 325 cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề đại diện SHCN. Con số này cho thấy sự lớn mạnh của các tổ chức đại diện SHCN, đây cũng là đội ngũ trực tiếp chia sẻ gánh nặng các công việc của Cục, giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đăng ký và bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ của mình. Ông Lâm cũng đánh giá cao vài trò của VIPA trong việc kết nối các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sáng tạo với các Cơ quan quản lý và  thực thi quyền SHTT, giúp cho việc thực thi quyền và thương mại hóa tài sản SHTT thành công.


 

Toàn cảnh tọa đàm SHTT

 

Toạ đàm còn lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp chia sẻ đến từ các đại diện SHCN, VIPA… về góp ý các văn bản pháp luật liên quan đến SHTT, đào tạo nhân lực SHTT, thực trạng và nhu cầu tra cứu thông tin về SHTT; các hoạt động hợp tác quốc tế về SHTT…

 

Diễn đàn khởi nghiệp APEC 2017: Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực

Diễn đàn khởi nghiệp APEC 2017 là diễn đàn bên lề Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Với mục tiêu đẩy mạnh tinh thần kinh doanh APEC, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và tăng cường đạo đức kinh doanh, là nơi gặp gỡ của các nhà khởi nghiệp hàng đầu trong khu vực và góp phần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam.
 

Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa và các cuộc họp liên quan (SMEMM) diễn ra vào sáng ngày 11/9 tại thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút khoảng 300 đại biểu trong nước và quốc tế từ 21 nền kinh tế thành viên, bao gồm mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu, các quỹ đầu tư, các vườn ươm, doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu, hỗ trợ về khởi nghiệp, các tập đoàn xuyên quốc gia.

 Hàng loạt các cuộc họp, hội thảo của các uỷ ban, các nhóm công tác của APEC đã diễn ra trong khuôn khổ hội nghị. Các đại biểu đã thảo luận về nội dung nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ, và siêu nhỏ (MSMEs) đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp như: tạo điều kiện cho các MSMEs đổi mới, sáng tạo, xây dựng các cơ hội để hội nhập quốc tế, tiếp nhận chuỗi giá trị toàn cầu ngay từ khi khởi nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội một cách bền vững và thân thiện với môi trường.

Bộ Khoa học và Công nghệ, với vai trò đầu mối trong xây dựng và hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam tham gia APEC 2017 với 2 hoạt động chính là trưng bày, triển lãm sản phẩm, dịch vụ của startup và kết nối giữa startup với các nhà đầu tư như cùng các khách hàng tiềm năng như Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh, Patamar, CMC Corp, VIETTEL. 

 

Diễn đàn khởi nghiệp APEC 2017 là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp tìm kiếm nguồn đầu tư

 

Tại sự kiện, 26 doanh nghiệp đã tham gia trưng bày các sản phẩm/ dịch vụ trong nhiều lĩnh vực như công nghệ giáo dục, công nghệ sinh học, công nghệ phục vụ nông nghiệp, công nghệ trong lĩnh vực tài chính…, 17 doanh nghiệp đã góp mặt vào cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2017.

 

Với ý tưởng về cung cấp hạ tầng tầng và ứng dụng trên điện thoại di động và website với nhiệm vụ quản lý trung tâm chăm sóc khách hàng cho các doanh nghiệp kết hợp giữa hình thức tổng đài chăm sóc khách hàng tương tác gọi ngay trên giao diện website và hình thức đầu số viễn thông trên di động, Gcall đã đạt giải startup triển vọng nhất.

Giải startup sáng tạo đã thuộc về Seedtech – nơi các nhà triển lãm giới thiệu các ứng dụng mới, hàng hoá mới hoặc các sản phẩm của họ cho người tham dự để thúc đẩy họ và tìm kiếm những cơ hội để ký hợp đồng và buôn bán hàng hoá.

Ecodemic và Edugix đồng đạt giải startup bền vững. Ecomedic là nơi các bác sĩ, dược sĩ có thể dễ dàng kết nối với cộng đồng qua nhiều các hoạt động tương tác trực tiếp như: hỏi đáp bệnh trực tuyến với bệnh nhân, đặt hẹn khám trực tuyến, khám chữa bệnh hội chẩn từ xa, đánh giá chuẩn xác phòng khám, nhà thuốc uy tín,.. Edugix tạo ra nơi cho các nhà xuất bản, các giáo viên thuê ebooks, các nguồn dữ liệu giáo dục cho các trường học (B2B), giáo viên, sinh viên (B2C).

Các đội thắng cuộc đã nhận được 1 năm mentorship đồng hành phát triển, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp và mở rộng thị trường tại Hà Nội, 1 năm miễn phí 1 chỗ là việc giao dịch tại IOT Galaxy Hà Nội, 1 năm tư vấn miễn phí về IP (Intellectual property – sở hữu trí tuệ) được phụ trách bởi IPNET do Viz-start hỗ trợ, 1 năm tư vấn và mentorship tại coworkingspaceBingfaVillage.com của Regulus tại Tp.Hồ Chí Minh và sự hỗ trợ chi phí thành lập từ VietCharm (Gcall: 40%, Seedtech, Ecodemic và Edugix 20%) và phí vận hành công ty tại Singapore (Gcall: 15%, Seedtech, Ecodemic và Edugix 10%).

Các khách tham quan đã có được nhiều trải nghiệm thú vị, cũng như có những cái nhìn cụ thể hơn về tiềm năng doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Đây không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp tìm kiếm nguồn đầu tư, sự chú ý của truyền thông, hay là cơ hội để các nhà đầu tư mở rộng lựa chọn công ty khởi nghiệp. Đây là cơ hội để các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp thắt chặt hơn nữa mối liên hệ không tách rời lẫn nhau, cùng nhau phát triển và gây dựng nên hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam ngày một vững bền, trưởng thành hơn.

Cựu Thủ tướng Phần Lan chia sẻ kinh nghiệm của Phần Lan trong phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo

Cựu Thủ tướng Phần Lan – ông Esko Aho sẽ có buổi thuyết trình vào ngày 18/9/2017 tại Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trước 240 người gồm: Lãnh đạo Bộ, cán bộ chủ chốt, cán bộ trẻ tiềm năng và khách mời từ Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội, đại diện một số Bộ, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu và hai viện Hàn lâm về kinh nghiệm của Phần Lan trong phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo.

Cựu Thủ tướng Phần Lan- ông Esko Aho (Nguồn IPP)

 

Nhằm nâng cao năng lực hoạch định chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý, trong khuôn khổ Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2), Bộ KH&CN tổ chức Buổi thuyết trình của ông Esko Aho – cựu Thủ tướng Phần Lan – để chia sẻ kinh nghiệm của Phần Lan trong phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. Đây là hoạt động tiếp nối buổi thuyết trình của Giáo sư Goran Roos tại Bộ KH&CN vào cuối tháng 8/2017 vừa qua, nằm trong chuỗi hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ hoạch định chính sách về khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo của Chương trình IPP2.

 

Ông Esko Aho là chuyên gia hàng đầu của Phần Lan và EU về chính sách phát triển kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ông đã trải qua nhiều vị trí chủ chốt trong Chính phủ và khu vực tư nhân như: Nguyên Thủ tướng Phần Lan (1991-1995), Nguyên Chủ tịch SITRA (Quỹ phát triển Đổi mới sáng tạo trực thuộc Nghị viện Phần Lan), Nguyên Phó chủ tịch Tập đoàn Nokia. Ông đã tham gia nhóm chuyên gia xây dựng chính sách cho EU thúc đẩy nghiên cứu và tăng cường hiệu năng cho đổi mới sáng tạo, chủ tọa nhóm nghiên cứu đề xuất chiến lược đổi mới sáng tạo quốc gia của Phần Lan năm 2008

 

Đẩy mạnh Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số

Diễn đàn khởi nghiệp APEC 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào hai ngày 11-12/9/2017. Mục tiêu của Diễn đàn nhằm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm giúp các doanh nghiệp vừa, nhỏ, và siêu nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Diễn đànDiễn ra trong hai ngày, với sự tham gia của các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, quy tụ hơn 300 đại biểu từ 21 nền kinh tế thành viên, Diễn đàn khởi nghiệp APEC 2017 đã nhận được được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Chính Phủ, các Bộ, Ban ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Tại lễ khai mạc, thay mặt cho Bộ Khoa học và Công nghệ Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã khẳng định, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng được quan tâm thúc đẩy trong các nền kinh tế thành viên APEC. Tại Việt Nam, Tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang tập trung triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) và Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan trong đó có mục tiêu tạo lập các mạng lưới kết nối, xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lành mạnh, bền vững, liên kết chặt chẽ và tận dụng nguồn lực của cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế, đặc biệt là các quốc gia có mối quan hệ song phương, đa phương với Việt Nam và những tổ chức mà Việt Nam là thành viên”.

Tại diễn đàn đã diễn ra bốn phiên thảo luận với các nội dung về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số; giáo dục, đào tạo về khởi nghiệp, tăng cường kỹ năng nghề nghiệp cho giới trẻ; dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp: tài chính, ươm tạo doanh nghiệp, không gian làm việc chung, tư vấn kinh doanh… hướng tới tăng trưởng bền vững, đưa ra thảo luận về phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để kiến nghị Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC.

Trong các phiên thảo luận, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã đưa ra các đề xuất phối hợp giữa các nước trong APEC. Thứ nhất, để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan trong hệ sinh thái khởi nghiệp APEC, một nền tảng trực tuyến kỹ thuật số có tính tương tác cao nên được cân nhắc thiết lập (APEC Startup Ecosystems Supporting Digital Platform). Thứ hai, cần cân nhắc khả năng huy động nguồn lực để hình thành một loại hình Quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc Chương trình hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến từ các nền kinh tế thành viên APEC. Thứ ba, tổ chức các chương trình tăng tốc đào tạo, huấn luyện kỹ năng khởi nghiệp (Bootcamp, Accelerator) dành cho các nhóm khởi nghiệp sáng tạo của các nền kinh tế thành viên APEC. Thứ tư, định kỳ tổ chức các sự kiện ngày hội kết nối cộng đồng khởi nghiệp APEC, có thể tổ chức luân phiên tại từng quốc gia, để tạo điều kiện gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, trình diễn sản phẩm, dịch vụ và kết nối khởi nghiệp với các nhà đầu tư.

 

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Trần Văn Tùng có lời mời các nhà đầu tư quốc tế và các đại biểu tham dự diễn đàn đến tham dự TECHFEST 2017 dự kiến tổ chức vào ngày 14-15 tháng 11 tại Hà Nội. Theo bà Phạm Thị Hằng, Tổng thư ký VCCI, TECHFEST 2017 sẽ là một sự kiện quan trọng của Việt Nam trong tuần lễ khởi nghiệp do VCCI phát động theo sáng kiến của mạng lưới các quốc gia khởi nghiệp (Startup Nations) mà Việt Nam đã tham gia.

 

TECHFEST là sự kiện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô quốc gia, do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội. Mục tiêu của TECHFEST nhằm kết nối các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế thông qua các hoạt động: Thu hút đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp, tham vấn chính sách về đổi mới sáng tạo, tôn vinh doanh nghiệp khởi nghiệp và các tổ chức hỗ trợ có đóng góp tích cực. Sự kiện hàng năm thu hút trên 5000 lượt khách tham dự, hơn 150 doanh nghiệp khởi nghiệp, 100 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế với tổng số tiền đầu tư ước tính trên 1 triệu USD.

 

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh làm việc với Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật

Triển khai Thông báo số 2535/TB-BKHCN ngày 01/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phân công công việc giữa Bộ trưởng và các Thứ trưởng, chiều ngày 31/8/2017, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã đến làm việc với Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật với tư cách là Lãnh đạo Bộ được giao phụ trách.
Tham gia buổi làm việc có Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Phạm Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Võ Tuấn Hải và các cán bộ chủ chốt của Nhà xuất bản.
 
 
 
 
Tại buổi làm việc, Lãnh đạo Nhà xuất bản và các cán bộ chủ chốt đơn vị trực thuộc đã báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động của Nhà xuất bản, cụ thể về: cơ cấu tổ chức; nhân sự; nhiệm vụ xuất bản; hoạt động sản xuất, dịch vụ; các nhiệm vụ công tác khác; việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ với các đơn vị trong và ngoài Bộ; về thành tích đạt được và định hướng phát triển của Nhà xuất bản; những kiến nghị, đề xuất của Nhà xuất bản với Lãnh đạo Bộ.

 

Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phạm Ngọc Khôi nhấn mạnh về vai trò công tác xuất bản, nhất là xuất bản các xuất bản phẩm khoa học kỹ thuật trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ; đất nước đang đẩy mạnh phong trào đổi mới sáng tạo, quốc gia khởi nghiệp; những mảng sách về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước… Việc củng cố, nâng tầm hoạt động xuất bản cũng là sự quán triệt nội dung Thông báo Kết luận số 19-TB/TW ngày 29/12/2016 của Ban Bí thư Khóa XII về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá cao kết quả hoạt động của Nhà xuất bản, nhấn mạnh vai trò của công tác xuất bản trong tình hình mới. Thứ trưởng bày tỏ sự ủng hộ cao với các kiến nghị của Nhà xuất bản về kiện toàn tổ chức bộ máy; tạo điều kiện trong nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, xuất bản điện tử… Thứ trưởng yêu cầu Nhà xuất bản cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng kế hoạch tiếp cận thị trường, kế hoạch làm việc với các đơn vị trong và ngoài Bộ.

Kết thúc buổi làm việc, Giám đốc Phạm Ngọc Khôi cảm ơn Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã dành thời gian làm việc tại Nhà xuất bản, lắng nghe ý kiến của các cán bộ Nhà xuất bản và có đánh giá, chỉ đạo cụ thể cho hoạt động của Nhà xuất bản trong thời gian tới. Ông Phạm Ngọc Khôi thay mặt toàn thể cán bộ Nhà xuất bản hứa tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được Bộ giao, xây dựng Nhà xuất bản phát triển bền vững.