VINH DỰ và tự hào KHI NHẬN ĐƯỢC 02 GIẢI THƯỞNG

SÁCH QUỐC GIA VIỆT NAM lần thứ V, NĂM 2022

Tối 3/10/2022 tại Hà Nội. Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Xuất bản Việt Nam đã phối hợp tổ chức Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ V.

Tham dự Giải thưởng Sách Quốc gia lần hai có 48/57 nhà xuất bản tham gia với 298 tên sách và bộ sách, bao gồm 386 cuốn (tăng 14 tên sách và bộ sách, 21 cuốn sách so với mùa giải lần thứ 4). Toàn bộ sách dự giải là sách in, chưa có sách điện tử. Kết quả, Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia đã trao giải cho 26 cuốn sách, bộ sách, trong đó có 1 giải A, 9 giải B và 16 giải C. Các cuốn sách, bộ sách đạt giải được đánh giá là những tác phẩm giàu tính sáng tạo, mang tinh thần nhân văn sâu sắc, những công trình nghiên cứu khoa học hết sức công phu, nghiêm túc, có nhiều giá trị khoa học, xã hội và thực tiễn cao. Đáng chú ý nhất, trong 5 mùa giải chưa có mùa nào đủ 5 giải A và chưa tìm được giải đặc biệt. Năm nay chỉ có 1 giải A nằm trong mảng sách khoa học xã hội và nhân văn”.

Trong lần tham dự giải này, trong 09 giải B được trao, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật đạt 02 giải B cho 02 cuốn sách “Lịch Hai mươi mốt thế kỷ (0001-2100)” của tác giả nhà nghiên cứu Lê Thành Lân và cuốn sách  “FDI – Nhiệm vụ kép trong bối cảnh mới” của tác giả TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài.

Cuốn “ Lịch Hai mươi mốt thế kỷ (0001-2100)” của tác giả nhà nghiên cứu Lê Thành Lân đạt giải B

Cuốn sách được ra đời trong bối cảnh bước sang thế kỷ XXI, trước nhu cầu xây dựng bộ Quốc sử Việt Nam đã trở nên hết sức cấp thiết, năm 2012 Ban Chấp hành Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã chính thức kiến nghị được tổ chức nghiên cứu biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam nhiều tập mang tính chất của một bộ lịch sử quốc gia. Trong quá trình thực hiện, các nhà sử học soạn bộ Quốc sử đồ sộ, nhưng họ thiếu các sách để tra cứu về thời gian làm chỗ dựa chuẩn xác cho việc biên soạn lịch sử hàng ngàn năm của nước ta. Việc biên soạn và xuất bản bộ Quốc sử Việt Nam, rất cần sách để tra cứu về các mốc thời gian làm chỗ dựa chuẩn xác cho công tác biên soạn. Lịch sử dẫn chúng ta trở về quá khứ, nhưng trong các cuốn cổ sử của người xưa, thường nặng về phần sưu tầm mà ít chuyên về phần tra cứu. Việc các tư liệu Quốc sử được biên soạn đối chiếu với các tư liệu khác rất hữu ích cho giới nghiên cứu lịch sử, nhất là đối với phần cổ sử Việt Nam vốn là một lĩnh vực hết sức phức tạp, khó khăn. Cũng trong 36 năm qua, nhà nghiên cứu Lê Thành Lân là một nhà nghiên cứu độc lập với đề tài “Lịch cổ Việt Nam”, trong rất nhiều năm ông đã tự vận động để có được nguồn kinh phí tối thiểu từ các quỹ nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm thực hiện đề tài do mình đặt ra, góp phần tôn vinh lịch vẻ vang của dân tộc, một nước Việt Nam đâm rễ sâu và phát triển mạnh trong ý thức độc lập của mình.

Là tư liệu lịch sử, lịch học, niên đại học, là công cụ tra cứu, đối chiếu đòi hỏi tính chuẩn xác và có tính liên ngành, giá trị thông tin cao, khẳng định sự tồn tại của Lịch cổ Việt Nam, cần cho việc lưu trữ tư liệu phục vụ nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn như nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học, văn học cổ, gia phả học và các khoa học khác…Đáng chú ý các thư tịch cổ, nhất là các cuốn cổ sử đều ghi chép các sự kiện theo lịch cổ của các triều đại mà tác giả đã tìm ra.

Lịch gồm các nội dung: Lịch Trung Quốc từ năm 0001 – năm 1543 (chưa tìm thấy Lịch Việt Nam)

Lịch Việt Nam từ năm 1544 đến năm 2100

Đối chiếu qua lại từng ngày giữa Lịch Dương và Lịch Âm;

Tính được can chi, Tuần lễ, Lịch “sao” ngày Julius

Phụ lục

* Lịch Can chi vĩnh cửu

* Tuần lễ và lịch “sao” vĩnh cửu

Cuốn sách: “FDI – Nhiệm vụ kép trong bối cảnh mới/ FDI – Dual task in the new context ” của tác giả TS. Phan Hữu Thắng đạt giải B

“FDI – Nhiệm vụ kép trong bối cảnh mới/ FDI – Dual task in the new context” là một cuốn sách có giá trị được đầu tư viết công phu và xuất bản song ngữ Việt – Anh.

Trong bối cảnh mới, tình hình chính trị, kinh tế thế giới không thuận lợi cho đầu tư nước ngoài phát triển, khi đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động xấu đến đến kinh tế toàn cầu, làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, gây ra tình trạng kinh tế bị suy thoái và trì trệ nghiêm trọng, không loai trừ cả các tác động làm giảm mức phát triển của mọi nền kinh tế lớn.Trong khi cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh thương mại giữa các cường quốc, vẫn tiếp tục diễn ra.

Tuy vậy, thách thức lớn hơn trong bối cảnh mới là Việt Nam đã và đang cần phải hội nhập rất sâu vào nền kinh tế toàn cầu, với những Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới, tức là phải tiến hành liên kết, hội nhập và cạnh tranh phát triển với những đối tác phát triển hàng đầu thế giới với những điều kiện “thông thoáng” nhất.

Thêm vào đó, trên quy mô toàn thế giới, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư khi công nghệ và dịch bệnh đã và đang làm thay đổi sâu sắc cấu trúc kinh tế toàn cầu, đang thúc đẩy chuyển nhanh dần nền kinh tế truyền thống – vật thể sang nền kinh tế công nghệ cao – kinh tế số với qui mô tự động hóa sản xuất bao trùm hơn, phương thức điện tử hoá kinh doanh thông dụng hơn, vừa giúp giảm chi phí, vừa tiết kiệm được nguồn nhân lực, tiết kiệm được thời gian, nhưng đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao nắm vững khoa học và công nghệ .

Trong bối cảnh đó, để phát triển bền vững với hiệu quả cao, Việt Nam phải có cách đi mới: biết tập trung sức người – sức của đầu tư vào công nghệ cao, vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vào phát triển mạnh khối doanh nghiệp tư nhân lên một đẳng cấp mới ngay cả trong điều kiện ngân sách nhà nước còn rất eo hẹp như hiện nay. Để đạt được mục tiêu đầy thách thức trong điều kiện đó, Việt Nam càng phải tận dụng xu thế hội nhập kinh tế quốc tế một cách khôn ngoan, tích cực tiếp tục hợp tác đầu tư nước ngoài để có được nguồn vốn ngoại lực tốt cho phát triển kinh tế – xã hội.

Cuốn sách “FDI-Nhiệm vụ kép trong bối cảnh mới”, đã tập trung vào làm rõ 2 nhiệm vụ đó như sau:

– Tiếp tục thúc đẩy các mặt tích cực của đầu tư nước ngoài đã đạt được trong thời gian qua.

– Khắc phục các mặt tiêu cực của đầu tư nước ngoài, tăng giá trị nhận được từ đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.

– Tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân trong nước hợp tác đầu tư được với các doanh nghiệp nước ngoài.

– Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Có chính sách dành các ưu đãi nhất định cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hợp tác, liên doanh với nước ngoài;

– Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, từ đó tăng cường được mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài;

Viết bài: Th.s Trương Yến Minh