Chiều 10.10, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, in và phát hành Sách Việt Nam (10.10.1952 – 10.10.2022) và gặp mặt, tuyên dương những người làm xuất bản tiêu biểu.

Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, in và phát hành Sách Việt Nam -1
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

*Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi thư chúc mừng.

Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, in và phát hành Sách Việt Nam -3
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu

Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; đại diện các nhà xuất bản, công ty in, phát hành sách, một số chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành sách…

Tại Diễn văn kỷ niệm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đã ôn lại những chặng đường phát triển của ngành xuất bản cách mạng Việt Nam với 3 lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, ra đời trong những ngày cách mạng còn non trẻ đã từng bước trưởng thành và vươn lên trở thành nền xuất bản độc lập, tự chủ, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng.

Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, in và phát hành Sách Việt Nam -0
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu

Đầu thế kỷ XX, đất nước trải qua những biến động xã hội sâu sắc do tác động của quá trình khai phá thuộc địa của chủ nghĩa tư bản – thực dân Pháp cùng các cuộc vận động canh tân trong nước và các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới. Trong bối cảnh đó, đi cùng với trào lưu tư tưởng tiến bộ, yêu nước, một khuynh hướng xuất bản mới, nhân văn, tiến bộ, cách mạng đã ra đời với mốc son là các tác phẩm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các bậc tiền bối cách mạng mà tiêu biểu nhất là tác phẩm “Đường Kách mệnh” xuất bản tại Quảng Châu – Trung Quốc năm 1927, tác phẩm đánh dấu bước ngoặt trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, đánh dấu sự chín muồi trong tư tưởng của Người về cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam, chỉ ra con đường nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập.

Để rồi từ đây, theo dấu chân đầy gian khó và hy sinh của những nhà cách mạng, đã lần lượt xuất hiện những cơ sở xuất bản cách mạng đầu tiên như: Xưởng in Lê Văn Tân, Xưởng in Rạng Đông, Hiệu sách Đồng Xuân ở Hà Nội, Nhà xuất bản Tân Thanh, Hiệu sách Hương Giang ở Huế, Nhà xuất bản Tư tưởng mới, Hiệu sách Việt Quang ở Đà Nẵng, Nhà sách Tân văn hoá ở Sài gòn và rất nhiều xưởng in, nhà sách theo khuynh hướng tiến bộ khác trên cả nước. Tất cả mở đầu cho việc hình thành một nền xuất bản mới – Xuất bản cách mạng.

Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, in và phát hành Sách Việt Nam -2
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao biểu trưng vinh danh cho các cá nhân có nhiều thành tích, cống hiến cho ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đất nước được độc lập, nhân dân được tự do. Đảng định hướng rõ mục tiêu xây dựng nền văn hóa mới với tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng và xác định rõ việc xây dựng nền văn hóa mới phải đi liền với đánh đổ nền văn hóa nô dịch của chủ nghĩa thực dân. Từ định hướng quan trọng đó, các bộ phận xuất bản, in ấn, phát hành được kiện toàn và dần đi vào hoạt động ổn định. Từ năm 1945 đến năm 1951, nhiều nhà xuất bản, xưởng in đã được thành lập như: Nhà xuất bản Lao động, Nhà xuất bản Sự thật, Nhà xuất bản Văn hoá cứu quốc, Nhà in Tiến bộ thành lập năm 1945, Nhà xuất bản Quân du kích thành lập năm 1947, Nhà xuất bản Vệ quốc quân thành lập thành lập năm 1948. Các xưởng in Quân đội, Xưởng ấn I (tách từ Nhà in Tiến bộ) cũng được hình thành trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn tại ATK Việt Bắc trong giai đoạn từ năm 1948 – 1951.

Năm 1952, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn quyết định, chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đòi hỏi về sách báo ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Trong bối cảnh đó, ngày 10.10.1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in quốc gia. “Lần đầu tiên ngành Xuất bản có một cơ quan vừa là doanh nghiệp quốc gia vừa là cơ quan quản lý nhà nước thống nhất trên cả ba khâu: xuất bản, in và phát hành trong phạm vi cả nước. Đây là mốc son thứ hai đánh dấu một giai đoạn mới, ngành Xuất bản cách mạng non trẻ giờ đây đã tạo dựng được nền móng để lớn mạnh và phát triển. Ngày này đã trở thành ngày truyền thống của Ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam”, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, toàn ngành đã xuất bản được 31 ngàn tên sách với 529 triệu bản sách. Đây là minh chứng cho sự lớn mạnh của Ngành, khẳng định những đóng góp to lớn, quan trọng của Ngành vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Và cũng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, nhiều cán bộ – chiến sĩ làm công tác xuất bản, in và phát hành đã theo tiếng gọi non sông lên đường ra trận, nhiều người đã anh dũng hi sinh, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của dân tộc.

Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngành xuất bản, một binh chủng quan trọng trên mặt trận văn hoá – tư tưởng đã nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa. Thông qua các xuất bản phẩm, ngành đã làm tốt chức năng tuyên truyền, giáo dục, cung cấp tri thức cho xã hội trong công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế sau chiến tranh và trong cuộc đấu tranh lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa, khẳng định chân lý độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Vượt qua muôn vàn khó khăn trong thời kỳ này, toàn Ngành nâng cao năng lực hoạt động, xuất bản được 22 ngàn tên sách với 533 triệu bản sách, từ đó đặt nền tảng vững chắc cho một giai đoạn đổi mới sâu sắc và toàn diện của những năm tiếp theo.

Bước vào thời kỳ đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế do Đảng phát động, sau những lúng túng ban đầu, Ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam đã phát triển ổn định, có nhiều nỗ lực vươn lên, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, khẳng định vị thế, vai trò là lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới.

Từ quốc gia thiếu sách vào những năm 80 – 90 thế kỷ XX với năng lực sản xuất vào khoảng trên 2.000 đầu sách/năm, bình quân sách/người đạt 0,8 bản, toàn ngành đã vươn lên phát triển cả về quy mô, trình độ, năng lực với hệ thống gồm 57 nhà xuất bản, trên 2.300 cơ sở in, trên 2.000 doanh nghiệp phát hành, gần 13.000 điểm phát hành trên cả nước; đã xuất bản khoảng 450 triệu bản sách/năm, đưa mức bình quân đầu người/sách đạt 4,4 – 4,5 bản, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Đặc biệt những năm gần đây, nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Ngành xuất bản, in và phát hành đã không ngừng đổi mới. Nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành mở rộng chức năng xuất bản, phát hành sách điện tử, nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, nhiều cơ sở in quy mô, hiện đại ngang tầm khu vực được xây dựng, tạo dựng diện mạo mới cho Ngành xuất bản, in và phát hành.

Trên cơ sở định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển hoạt động xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng và hiện đại hoá, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, ngành xuất bản, in và phát hành sách cần nỗ lực thực hiện tốt hơn nữa vai trò là lĩnh vực tư tưởng văn hóa của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nền tảng tư tưởng, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng xã hội học tập. Phải nhanh chóng tiếp cận với công nghệ mới, vươn lên trở thành một ngành kinh tế – công nghệ hiện đại, là một bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa. Mỗi xuất bản phẩm ra đời phải mang sứ mệnh lan tỏa niềm tin, truyền cảm hứng, thúc đẩy động lực, thắp sáng những điều tốt đẹp trong xã hội để khởi dậy và hiện thực hoá khát vọng Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp quan trọng, to lớn của các thế hệ người làm xuất bản; khẳng định, ngành xuất bản, in và phát hành sách đã phát huy tốt vai trò, sứ mệnh của mình trong việc lưu trữ, tích lũy và truyền bá tri thức, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, bồi đắp tâm hồn, xây dựng nhân cách, trí tuệ con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chỉ ra một số khó khăn, thách thức từ thực tiễn hoạt động của ngành xuất bản, in và phát hành, Thường trực Ban Bí thư lưu ý, một số sản phẩm ra đời không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí, nghiên cứu, học hỏi mà quan trọng hơn, phải giúp độc giả sau khi tiếp nhận, lĩnh hội tri thức, thông tin trong sách sẽ có những tiến bộ nhất định, góc nhìn nhận để giải quyết những vấn đề của thực tiễn, sống tốt hơn, sống đẹp hơn. Để có sách hay, sách đẹp, đòi hỏi những người làm xuất bản phải nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, tiếp thu tinh hoa, văn hóa dân tộc và nhân loại, bám sát hơi thở cuộc sống, ứng dụng khoa học công nghệ… Các nhà xuất bản phải là nơi để các tác giả gửi gắm niềm tin, là bệ đỡ cho các tác giả có thể yên tâm sáng tác những tác phẩm mang hơi thở của thời đại, xuất bản thêm nhiều đầu sách hay, giá trị, làm sao để có nhiều người đọc, muốn đọc, tác động tích cực vào nhận thức xã hội.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, hoạt động xuất bản cũng phải xác định thực hiện tốt kinh tế xuất bản, kịp thời thích ứng, chuyển đổi, lựa chọn cách thức, mô hình hoạt động phù hợp xu hướng chung của thị trường, là ngành kinh tế – công nghệ hiện đại, phát triển vững chắc, toàn diện, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần quan tâm, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới chương trình đào tạo cho đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, lãnh đạo, quản lý, người làm xuất bản có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn tốt, tâm huyết và am hiểu nghề, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành xuất bản trong thời kỳ mới…

Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã quyết định tặng biểu trưng vinh danh 86 cá nhân có nhiều thành tích, cống hiến cho ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/