Gần 4.000 học sinh Hà Nội sẽ được thụ hưởng dự án “Trẻ em vui đọc”

Ngày 25-3, tại Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc Dự án “Trẻ em vui đọc” (Kids Read). Đây là sự kiện nằm trong chương trình toàn cầu do Hội đồng Anh phát triển và được tài trợ bởi Ngân hàng HSBC. 
 
 
Ảnh minh họa
Theo đó, trong năm 2016, 21 giáo viên và gần 4.000 học sinh từ 6 trường tiểu học tại Hà Nội sẽ tham gia vào dự án, với các hoạt động đa dạng và lý thú gồm các khóa đào tạo đặc biệt cho giáo viên, các chương trình đọc sách, các cuộc thi kể chuyện và sự kiện cộng đồng.
 
Đặc biệt, 6 trường tiểu học tham gia cũng sẽ được trang bị hơn 1.200 cuốn sách. Đây là nguồn dữ liệu để các trường chủ động tổ chức các chương trình đọc sách cho học sinh và để giáo viên có thể sử dụng cho các hoạt động đọc sách sáng tạo trên lớp nhằm góp phần thúc đẩy văn hóa đọc trong nhà trường.
 
Trước đó, trong năm 2015, dự án Kids Read tại Bình Dương kết nối văn hóa đọc tới 3.985 học sinh tiểu học của tỉnh.
 
H.T.
 

Hội sách TP.HCM yêu chiều “thượng đế” như thế nào?

TT – Đã đi được 2/3 chặng đường, Hội sách lần 9 (đang diễn ra tại công viên Lê Văn Tám, TP.HCM đến hết ngày 27-3) theo ý kiến của nhiều độc giả là một hội sách rộn ràng với nhiều sáng tạo.
 
 
bạn trẻ chọn mua sách tại hội sách TP.HCM 2016. -Ảnh: Quang Định.

 

Đây có lẽ là năm đầu tiên các công ty sách, nhà xuất bản chịu khó đầu tư về mặt ý tưởng để thu hút “thượng đế” – người đọc ghé qua gian sách “nhà mình”.
 
Công ty vẫn được gọi vui là “công ty sách đẹp” Nhã Nam cho trưng một tấm bảng đen thật dài trước “Khu vườn bí mật” – gian sách của Nhã Nam tại hội sách lần này – với một lời đề nghị bắt đầu bằng: “Before I die I want to read” (Trước khi tôi chết tôi muốn đọc…) và để cho khách ra vào hội sách tự do điền vào phía sau những khao khát được đọc của họ.
 
Không tính đến những bình luận mang tính đùa vui thì phần đông độc giả đều hào hứng với những phản hồi tích cực và chân thành. “Tôi muốn đọc tập kết thúc của truyện tranh Conan!”, “Đường xưa mây trắng nhé”, “Hùng biện kiểu TED”, “Vì cuộc đời là những chuyến đi thì sao”, “I'm number Four, truyện phiêu lưu giả tưởng đi”. 
 
Hàng trăm tựa sách, hàng trăm mong muốn đã được ghi lại kín đặc cả tấm bảng đen. Một cách vui vẻ để tìm hiểu thị hiếu, nhu cầu của người đọc, tại sao không?
 
 
Các bạn trẻ thích thú ghi tên quyển sách mình "muốn đọc trước khi chết" lên tấm bảng "Before I die, I want to read…" của gian hàng nhà sách Nhã Nam tối 24-3 – Ảnh: Duyên Phan
 
Trong khi đó, Công ty Bookbuy lại “gây sốc” với “bữa tiệc sách” ngon bổ rẻ mang tên Book Buffet! Chỉ với 595.000 đồng, độc giả được thoải mái chọn tất cả các cuốn sách yêu thích vào một chiếc hộp.
 
Cách “tiếp thị” này xem ra khá thú vị khi có nhiều bạn trẻ mua sách xong ngồi tại chỗ nhẩm tính và thấy mình… có lời!
 
Đi cùng con đến buổi ra mắt và ký tặng sách Lỗi ở yêu thương – Về nhà với mẹ của ca sĩ Thanh Duy, chú Duy Tùng, 53 tuổi, nói:
 
“Tôi cũng muốn đến xem, gặp gỡ tác giả để hiểu vì sao con tôi mê sách của ảnh. Mình cũng đọc thử xem sách viết gì mà bọn trẻ khoái vậy. Nhìn chung là vui, cũng hiếm có dịp được đọc sách cùng con”.
 
 
Ca sĩ Thanh Duy ký tặng sách ở Hội sách TP.HCM. -Ảnh: Quang Định.
 
Trong khi đó trên các trang mạng xã hội, người người nhà nhà rủ rê nhau đến hội sách. Phần đông đều thích thú với sự đa dạng và nhộn nhịp của hội sách năm nay.
 
Không chỉ thuần là một nơi mua bán sách, điều thú vị là nhiều chương trình giao lưu của hội sách còn mở ra cho người đọc những kiến thức chuyên sâu hơn nhưng vẫn hấp dẫn và trẻ trung như cuộc trò chuyện với tác giả Khoa Lê về cuốn sách Những nàng công chúa bí ẩn với những câu chuyện thần tiên đẹp siêu thực – sách đã được xuất bản tại Pháp và Ý, lần đầu tiên có mặt tại VN.
 
Độc giả Thanh Thủy, một sinh viên đang theo học ngành đồ họa tại ĐH Kiến trúc TP.HCM, nói: “Buổi giao lưu rất bổ ích vì tôi được nghe nhiều thông tin về illustration – một nghề khá thời thượng mà rất nhiều người trẻ mê vẽ như tôi mong muốn được theo đuổi”.
 
Khoác áo mới cho những cuốn sách đã cũ cũng là cách được nhiều đơn vị phát hành sách chú trọng dịp này để thu hút người mua lẫn những độc giả muốn sưu tầm.
 
Ngoài tập sách mới ra mắt Những năm tháng yêu lầm, tác giả Ploy Ngọc Bích cũng giới thiệu lại trọn bộ những cuốn sách đã được xuất bản.
 
Tác giả trẻ Nguyễn Thiên Ngân với truyện dài Đường còn dài, còn dài cũng được các fan của cô rất chờ đợi bởi sách đã được in lại với một hình hài tươi mới hơn.
 
Cuộc trò chuyện với họa sĩ thiết kế bìa sách 9X Minh Hải – người đã được tin tưởng giao cho công việc “mặc áo mới” cho bộ sách Văn nhân Việt Nam 1930-1945 (Minh Long Book và NXB Văn Học), gồm 13 cuốn sách văn học kinh điển của các tác giả nổi tiếng như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Thạch Lam… cũng thu hút rất đông người quan tâm và trở thành một buổi thi đố kiến thức văn chương được người đến giao lưu ủng hộ nhiệt tình.
 
MINH TRANG

Hội sách TP.HCM: Không gian “có thương hiệu” của sách

TTO – Viết ra sách, nếu có thứ gì có thể làm các nhà văn ngợp thì chính là một hội sách với cả một rừng tác phẩm như Hội sách TP.HCM lần thứ 9 (từ ngày 21 đến 27-3). 
 
 
Ca sĩ Thanh Duy Idol ký tặng sách Lỗi ở yêu thương về nhà với mẹ tại Hội sách TP.HCM 2016 – Ảnh: Quang Định
 
"Hội sách phải là nơi tiện nhất trong những nơi tiện mua sách, là nơi nhiều sách nhất trong những nơi có sách, và nơi thú vị nhất trong những gì liên quan đến sách!"
 
Có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, hội sách chiếm trọn khuôn viên công viên Lê Văn Tám. Đoàn 10 nhà văn Hà Nội vào thăm hội sách sau khi dự lễ kỷ niệm 35 năm thành lập một đơn vị xuất bản của thành phố là Nhà xuất bản Trẻ, hẳn đã có được cái nhìn khá toàn diện về bức tranh sống động của ngành sách phương Nam, như nhận xét của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến.
 
Sự quan tâm của người đọc đến sách trong dịp này có vẻ khá công bằng cho các dòng sách khác nhau. Bên cạnh những dòng sách phổ thông ăn khách vẫn nhộn nhịp như mọi khi, thấy một xu hướng đáng kể là các cuốn sách có tính chất khơi gợi kiến thức nhập môn, các sách tìm hiểu những vấn đề lịch sử được bày bán khá bắt mắt và nhiều người đọc tìm mua.
 
Chính những cuộc giao lưu tại hai nhà chuyên đề và ngay tại chính các gian hàng cũng thể hiện những mối bận tâm rất sát sườn của người đọc: tìm kiếm những kiến giải lịch sử tin cậy qua một tập chú khảo về bản đồ liên quan Biển Đông, sự dấn thân vào các đề tài xã hội qua các cuốn sách về Sài Gòn hay định nghĩa thế nào là tham vọng qua trao đổi với các tác giả trẻ của văn học mạng.
 
Và cuộc nào cũng không ít thì nhiều, giữ chân người tham dự như một nhu cầu chia sẻ thông tin trực tiếp từ những người viết. Rõ ràng, nhu cầu kết nối offline với tác giả vẫn sôi nổi trong cái thời các trang online đã làm thay việc đó.
 
Xét cho cùng, đọc sách có thể là hành vi riêng tư nhưng mong muốn tham dự cộng đồng đọc là có thực. Cộng đồng này làm nên sức sống của hội sách trên thực địa lẫn những kênh nối dài của truyền thông. Không có cộng đồng đọc, hội sách chỉ là nơi bày bán không hơn các hệ thống nhà sách đã phủ rộng khắp thành phố.
 
Các nhà văn Hà Nội giữa Sài Gòn vẫn được độc giả nhận ra, níu lại để xin chữ ký, có lẽ cũng nhờ cộng đồng đọc rộng lớn bao chứa những phân khúc bạn đọc của những cuốn sách tưởng như chỉ thích hợp ở địa phương khác.
 
Sự nhiệt thành của độc giả Sài Gòn không hẳn ở việc sẵn sàng mua sách mới ra lò mà còn ở sự cầu thị một nguồn thông tin được bảo chứng nhờ một không gian “có thương hiệu” là hội sách. Không gian này có độ hấp dẫn ở chỗ phóng lớn nhu cầu của người tìm đến sách.
 
Nhờ thế mà bên cạnh các gian hàng nổi bật của Fahasa, Phương Nam, Nhã Nam, Đông A, Alpha Books hay ba nhà xuất bản của TP.HCM, thì các nhà sách nhỏ như Đông Tây, Khai Trí, Sách cũ Hà Thành, Đại học Hoa Sen… vẫn là nơi người đọc chọn được sách hữu ích.
 
Như quan sát của nhà văn – họa sĩ Đỗ Phấn, người đi dự hai hội sách, nhiều điều đọng lại như quy mô, sự chăm chút của ban tổ chức, sự hưởng ứng của người đọc và “quan trọng nhất là hội sách này đã thành nếp”.
 
Thành nếp – có lẽ là điều bất cứ sự kiện nào cũng thèm muốn!
 
Hiện thực đáng kể có thể nhìn bằng mắt thường là độ trẻ trung của những người đến hội sách. Nhờ dòng bạn trẻ đến đây, các gian hàng và các cuộc giao lưu không còn cái vẻ dễ bị dán nhãn mũ cao áo rộng.
 
Có gì chán hơn là những gian hàng đẹp đẽ tủ kính sáng choang bày những cuốn sách không được giở lấy một lần.
 
Nếu có gì phải giữ ở hội sách, chính là sự gần gũi và tiện lợi của việc tìm mua sách, ngay từ vòng ngoài như tổ chức chỗ gửi xe đến bố trí nhà vệ sinh lưu động, và dĩ nhiên chính là sự đa dạng của sách.
 
NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
 

Hội sách: thích sự trẻ trung, ghét tiếng ồn và… gửi xe

TTO – Mang đúng tinh thần của một lễ hội, Hội sách TP.HCM lần 9 diễn ra xôm tụ, sôi nổi với ưu thế thuộc về người trẻ. Điểm chưa ổn của hội sách lần này là hệ thống âm thanh quá hỗn tạp.
 
 
Nguyễn Nhật Ánh – tác giả có sách bán chạy nhất hội sách năm nay – trong vòng vây của độc giả tại Hội sách TP.HCM lần 9 – Ảnh: Quang Định
Ký sách đến 1-2g sáng!
 
Sách viết cho những người trẻ tuổi, nên cách người trẻ đón nhận sách cũng phải sôi nổi, đôi khi ồn ào và rộn ràng chẳng kém khi đón một thần tượng âm nhạc, một diễn viên điện ảnh!
 
Buổi ký tặng sách của Anh Khang vào chiều 22-3 tại hội sách năm nay bắt đầu từ 5g chiều và kết thúc vào… 1g sáng hôm sau. Liên tiếp các ngày sau đó 23, 24, 25 và 26; tác giả trẻ này tiếp tục có những buổi giao lưu và ký sách… mệt nghỉ (buổi giao lưu vào chiều 23-3 tại Fahasa bắt đầu từ 6g chiều và cũng chỉ tạm kết thúc vào 12g đêm khi bãi giữ xe không còn nhận giữ cho khách nữa!).
 
Người hâm mộ Anh Khang và cả chính Anh Khang cũng xúc động mạnh trước câu chuyện của vợ chồng trẻ nọ từ Long An bồng bế nhau lên mua sách và xin chữ ký.
 
“Cả vợ chồng đợi đến tối nhưng vẫn chưa đến lượt, cô vợ mệt quá nên anh chồng phải chở cô về nhà ở Long An nghỉ ngơi. Rồi trong khi vợ ngủ, anh lại phóng xe lên chỗ ký tặng nhờ tôi ghi vào vài lời đề tặng dễ thương: "Tui thương bà xã tui lắm!"
 
Rồi một tay cầm cái poster được tặng kèm có chữ ký của tôi, một tay chạy xe về Long An vì sợ để cốp xe nó… nhăn tấm poster. Sáng hôm sau tôi thấy cô vợ sung sướng chụp hình lại món quà bất ngờ ấy rồi tag tên tôi trên Facebook” – Anh Khang chia sẻ.
 
Riêng bộ ba Iris Cao, Hamet Trương và Tuệ Nghi tính cả các buổi giao lưu đơn lẻ lẫn giao lưu chung cùng nhau đã có đến 16 buổi ký tặng và gặp gỡ độc giả tại hội sách.
 
Riêng các tác giả trẻ khác như Khải Đơn, Nguyễn Thiên Ngân, Nguyễn Thị Kim Hòa, Phan Ý Yên, Nguyễn Ngọc Thạch, Gia Đoàn, Ploy Ngọc Bích… đều có những buổi ký tặng – giao lưu với độc giả của riêng mình.
 
Buổi ký tặng và ra mắt sách của nhóm 365 trở thành cuộc gặp mặt của gần 800 người yêu thích nhóm nhạc nam này. Ngoài ra tác giả – ca sĩ Thanh Duycũng tạo nên những cơn sốt nho nhỏ suốt một tuần diễn ra hội sách với những cuộc giao lưu kín đặc người hâm mộ.
 
Một trường hợp “cá biệt” khác là cuốn sách Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì chẳng kể người trẻ, người già, nội trợ, kỹ sư… đều nóng lòng được xin chữ ký của tác giả.
 
Đứng đợi được ký tặng trong dòng người xếp hàng từ khu vực sân khấu ra đến tận cổng đường Hai Bà Trưng lúc 7g tối 22-3 tại gian sách của NXB Trẻ, anh Thiện Toàn – kỹ sư công nghệ thông tin (IT) – cười cho biết:
 
“Từ khi còn đi học tôi đã đọc các tập sách của chú Ánh, nó đã trở thành thói quen. Giờ đi làm rồi thì đọc sách chú như một cách thư giãn, giải tỏa trong những ngày nghỉ. Cũng là để mình đừng khô khan quá, dân IT mà!”.
 
Và có lẽ vì ai cũng tìm được cho mình một lý do để đến với những cuốn sách đầy ắp tuổi thơ, trong trẻo và dí dỏm của Nguyễn Nhật Ánh khiến ông vẫn được coi là nhà văn không có đối thủ trong các kỳ hội sách gần đây.
 
 
Đông đảo bạn đọc lấy xe máy rồi quay lại hội sách đợi đến 1g sáng (ngày 22-3) chờ tác giả Anh Khang ký tặng – Ảnh: Facebook nhân vật
 
Tiếc cho tiếng ồn
 
Tuy nhiên, điểm chưa ổn của hội sách lần này là hệ thống âm thanh quá hỗn tạp, gây ảnh hưởng rất nhiều đến các chương trình giao lưu tác giả – tác phẩm tại các gian hàng.
 
Chương trình giao lưu với nhà báo Hà Nhân đêm 26-3 tại gian hàng Huy Hoàng ra mắt bộ ba tác phẩm tập hợp từ báo Hoa Học Trò phải dừng lại liên tục do tiếng loa của ban tổ chức phát thanh nhắn tin tìm người lạc, thông báo nhặt được của rơi, nhắc nhở các gian hàng…
 
Đồng thời các gian hàng bên cạnh cũng tổ chức ca nhạc vô tư khiến không gian giao lưu bị “chia cắt” bởi nhiều nguồn âm thanh khác nhau.
 
Tương tự, chương trình giao lưu của nhà văn Nguyễn Đông Thức tại gian hàng Phương Nam cũng bị ảnh hưởng bởi âm thanh của tiếng loa ban tổ chức.
 
Nhưng đáng kể nhất là chương trình ra mắt sách của TS Nguyễn Thị Hậu tại không gian Nhã Nam phải gián đoạn khá lâu do âm thanh quá lớn của nhãn hàng Sony sát cạnh bên lấn át.
 
Nhóm nhà sưu tập sách đến từ Hà Nội đưa ra nhận định rằng: Hội sách TP.HCM có ưu điểm là lượng khách đến rất đông, thậm chí đông hơn một số hội sách ở Paris, nhưng công tác tổ chức âm thanh cho không gian sách tại hội còn chưa tốt, khiến người đến hội sách bị cuốn vào một mớ âm thanh hỗn độn.
 
Việc giữ xe năm nay cũng chưa tốt, vào giờ cao điểm có người mất đúng một giờ mới gửi được xe. Một số bạn đọc phải gửi xe bên ngoài với giá đắt gấp đôi chỉ vì bãi xe hội sách quá tải.
 
Đi hội sách để cảm nhận không khí vui, trẻ
 
Thảo Dương – một người đọc trẻ cũng là “chủ xị” trang Reading café, đã đi không dưới ba lần hội sách năm nay – chia sẻ:
 
“Tôi đi để cảm nhận không khí vui, trẻ ở hội sách, còn sách mua được, đúng gu đúng kiểu của mình thì không nhiều.
 
Ở hội sách năm nay, sự góp mặt của các công ty sách mới làm các hạng mục sách phong phú hơn thấy rõ.
 
Ví dụ như Công ty Tao Đàn cho in lại hàng loạt cuốn tiểu thuyết khó tìm của các tác giả Việt Nam như Nhượng Tống, Thâm Tâm, Nguyễn Bính để phục vụ những người yêu sách có nhu cầu sưu tầm.
 
Hội sách năm nay còn có những quầy bán sách cũ, nhưng theo đánh giá của dân “chơi sách cũ” thì giá sách cũ tại hội sách vẫn còn khá cao và cũng chưa phải là dòng thật sự hiếm.
 
Tôi cũng không ngạc nhiên khi Anh Khang, Hamlet Trương hay các tác giả trẻ khác vẫn luôn nhận được nhiều tình cảm dạt dào của những người trẻ.
 
Tôi từng đọc sách của Anh Khang và thấy dẫu cách viết của tác giả mang hơi hướng diễm tình, nhưng ít nhiều có sự chiêm nghiệm những điều người trẻ đồng tuổi đang suy nghĩ. Sách của họ đáp ứng khá tốt nhu cầu số đông người trẻ”.
 
M.TRANG ghi
 

Chuyện làm dự án

 
GS. Vũ Hà Văn giảng bài tại Viện Toán học.
 
Gần đây, chúng ta có quỹ Nafosted (National Foundation for Science and Technology), với mục đích tương đồng với NSF (Quỹ khoa học quốc gia cúa Mỹ). Về cơ bản, hai quỹ hoạt động khá giống nhau nhưng ở một số bước có sự khác biệt. 
Xét duyệt dự án của NSF
NSF (National Science Foundation) là quỹ khoa học quốc gia của Mỹ. Nó được thành lập năm 1950, với mục đích là tài trợ các nhà khoa học tại Mỹ trong các nghiên cứu độc lập của họ. Hiện tại số tiền tài trợ hàng năm chừng 7 tỷ USD, trong đó hơn 80% là vào thẳng các dự án (grants) từ các trường đại học và viện nghiên cứu.
 
Viết một dự án kỹ  lưỡng rất tốn thời gian. Ngay cả những nhà nghiên cứu hạng nhất, khi viết dự án, cũng thường mất đến cả tháng. Tuy nhiên, một tháng đó cũng rất có lợi cho họ, ở chỗ họ có thời gian cân nhắc kỹ càng các đề tài, đề tài nào khả thi, đề tài nào có thể làm với ai, đề nào nào thích hợp với sinh viên nào. Vô hình chung, nó tạo  ra một kế hoạch  làm việc khá cụ thể cho tương lai.
Đối với các giáo sư ở Mỹ, nộp dự án cho NSF (hay một số tố chức tương tự có qui mô nhỏ hơn) là việc  ích nước lợi nhà. Lợi nhà là một khi dự án  được chấp nhận tài trợ, nhà khoa học được thêm một hai tháng tiền lương, được tiền để tài trợ cho sinh viên, mua trang thiết bị và  đi  hội nghị. Hơn nữa, trường đại học được hưởng trực tiếp một khoản rất lớn từ tiền dự án của các giáo sư. Tùy từng ngành, số tiền này có thể lên đến 30% tới 50% (hay hơn nữa) giá trị của dự án. Vì vậy, các trường lớn có hẳn một đội nhân viên cứ đến mùa dự án là giục dã các giáo sư cho khỏi quên, và giúp họ nộp hồ sơ đúng thời hạn. Giáo sư có nhiều dự án  được tài trợ thường được trường đại học ưu ái. Ngoài danh tiếng và giá trị khoa học ra,  trong không ít trường hợp, số tiền trường thu  từ các dự án nhiều hơn lương của các giáo sư này rất nhiều. Bởi vậy, có nhiều dự án thành công là một yếu tố quyết định trong việc tuyển chọn hay thăng tiến của các giáo sư ở các trường đại học. Nó cũng ảnh hưởng đến uy tín của nhà nghiên cứu trong con mắt đồng nghiệp.
 
Dự án quan trọng vậy, nên việc nộp và xét dự án khá kỳ công. Trong ngành toán,  cách đây chừng 15 năm, số người được duyệt chừng 1/3 số người nộp, hiện tại con số này chỉ còn 1/5,  tính cạnh tranh rất cao. Mỗi dự án thường có thời hạn ba năm, đôi khi trong một số trường hợp đặc biệt có thể dài hơn.
 
Phần nội dung của dự án có độ dài tối đa 15 trang, phần lớn người viết dùng hết giới hạn này, cộng thêm phần trích dẫn  từ 50 đến 150 bài báo. Nội dung phải đạt được các yêu cầu sau:
 
(0) Tóm tắt nội dung và thành tựu của dự án vừa hoàn thành (nếu có).
 
(1) Nêu các vấn đề sẽ được nghiên cứu một cách mạch lạc.
 
(2) Giải thích tại sao các vấn đề này lại hay và quan trọng.
 
(3) Các phuơng pháp và ý tưởng đã được dùng để tấn công vấn đề này hay các vấn đề tương tự. Mặt mạnh và hạn chế của các phương pháp này.
 
(4) Đề cập được một số phương pháp hay ý tưởng mới.
 
(5) Ứng dụng và đào tạo.
 
Một số khó khăn của  việc viết dự án:
 
(A) Chọn vấn đề. Nếu vần đề  tầm thường, không được nhiều người quan tâm, thường rất khó được chấp nhận. Vấn đề mà về cơ bản đã được giải quyết rồi, dự án chỉ làm thêm một số bước kỹ thuật thường cũng không được ủng hộ. Nhưng nếu vần đề nổi tiếng quá, rất dễ bị đặt câu hỏi “nhưng anh/chi ấy đã bao giờ giải quyết được các vấn đề lớn tương tự chưa ?”
 
(B) Cách diễn giải. Dự án phải được viết  rất mạch lạc, dễ hiểu. Mấu chốt ở đây là ban duyệt dự án sẽ gồm chừng 10-15 thành viên, và nếu may mắn chỉ có một hai người cùng chuyên ngành hẹp với bạn thôi. Nếu người đọc không hiểu thì đó là lỗi của người viết. Bạn có thể vùng vằng “ngôn ngữ toán học của tôi cao quá, ủy ban không hiểu”, đó là việc của bạn, còn việc ủy ban không duyệt thì đó là việc của họ.
 
(C) Hiệu quả trong ứng dụng và đào tạo. Ở các trường đại học, nghiên cứu đi liền với giảng dạy, nên dự án cần chỉ ra tác dụng của việc nghiên cứu trong lĩnh vực này. Điều này một phần nào bắt buộc các giáo sư mang những kiến thức mới nhất đến cho sinh viên. Trong thời gian gần đây, hiệu quả ứng dụng của công trình, ngay cả trong những lĩnh vực được coi là lý thuyết như toán cũng rất  được coi trọng.
 
Viết một dự án kỹ lưỡng rất tốn thời gian. Ngay cả những nhà nghiên cứu hạng nhất, khi viết dự án, cũng thường mất đến cả tháng. Tuy nhiên, một tháng đó cũng rất có lợi cho họ, ở chỗ họ có thời gian cân nhắc kỹ càng các đề tài, đề tài nào khả thi, đề tài nào có thể làm với ai, đề tài nào thích hợp với sinh viên nào. Vô hình chung, nó tạo  ra một kế hoạch  làm việc khá cụ thể cho tương lai.
 
Như đã nói ở trên, việc xét dự án thông qua các ủy ban ngành (panel). Các ủy ban ngành do NSF chọn ra, thường có từ 10-15 người và thay đổi hàng năm. Một ngành khoa học lớn (như Toán hay Vật Lý) có thể có tới cả chục ủy ban ngành cho các hướng nghiên cứu khác nhau (chẳng hạn có các ủy bang riêng biệt cho đại số, xác suất, hình học). Ủy ban thường họp vào cuối năm, là mùa bận rộn của NSF.  Các thành viên đến trụ sở NSF ở Arlington, một thị trấn ngoại vi thủ đô Washington, họp kín chừng 3 ngày liền. Để bảo đảm tính công bằng, NSF có những nguyên tắc chặt chẽ, chẳng hạn khi thảo luận dự án của giáo sư A, tất cả những thành viên có  liên hệ với A (như người cùng trường, thầy giáo hay học sinh cũ, hay người cùng nghiên cứu trong vòng 4 năm) không được tham gia vào cuộc thảo luận và không được bỏ phiếu. (Đơn giản là họ bị mời ra ngoài hành lang.) Những nhà nghiên cứu trẻ, đang bắt đầu sự nghiệp khoa học, thường có một số ưu thế trong bước xét duyệt. Ngoài ra, còn có những loại dự án chỉ dành cho những người trẻ tuổi, đôi khi dưới dạng một giải thưởng (như NSF Career Arward).
 
Sự khác biệt giữa Nafosted và NSF
 
Gần đây, chúng ta có quỹ Nafosted (National Foundation for Science and Technology), với mục đích tương đồng với NSF (Quỹ khoa học quốc gia cúa Mỹ). Đây là một bước tiến quan trọng, rất đáng khích lệ,  trong việc đẩy mạnh phát triển nghiên cứu tại Việt Nam. Dĩ nhiên, do chênh lệch giữa  hai nước, số tiền giành cho mỗi dự án ở Việt Nam (về giá trị tuyệt đối) không thể so với Mỹ. Nhưng nếu tính  tương đối (dựa theo thu nhập trung bình) thì sự trợ giúp của Nafosted rất có giá trị.
 
Thành công của dự án, đôi khi được xét trên số bài đăng ở tạp chí ISI. Tiêu chí này hơi khiên cưỡng. Ta nên lưu ý có nhiều tạp chí ISI tiêu chí cực thấp. Vì vậy chỉ đếm số bài có thể dẫn đến việc phấn đấu đạt chuẩn một cách hình thức. Một bài báo nếu đã đăng trong vòng 3-5 năm mà không có ai sử dụng hay trích dẫn, thì dù đăng ở tạp chí nào, giá trị khoa học của nó cũng rất đáng hồ nghi.
 
Về cơ bản, hai quỹ hoạt động khá giống nhau. Nhưng ở một số bước có sự khác biệt.  Môt số lần tôi được mời phản biện cho các dự án Nafosted, thì thấy nội dung viết rất sơ sài. Các dự án đều  hết sức ngắn, từ 1 đến 2 trang,  đọc rất khó hiểu, hay đôi khi không có gì để hiểu hay thảo luận cả. Không biết tình hình được cải thiện chưa nhưng không thể biết những  dự án như vậy  sẽ được thông qua hay bác bỏ trên cơ sở gì.
 
Thành công của dự án, đôi khi được xét trên số bài đăng ở tạp chí ISI. Tiêu chí này hơi khiên cưỡng. Ta nên lưu ý có  nhiều tạp chí ISI tiêu chí cực thấp. Vì vậy chỉ đếm số bài có thể dẫn đến việc phấn đấu đạt chuẩn một cách hình thức. Một bài báo nếu đã đăng trong vòng 3-5 năm mà không có ai sử dụng hay trích dẫn, thì dù đăng ở tạp chí nào, giá trị khoa học của nó cũng rất đáng hồ nghi.
 
Việc phải hoàn lại (một phần)  tiền trong trường hợp không thành công, có thể  làm người nghiên cứu, nhất là các nhà nghiên cứu trẻ chưa có kinh nghiệm, rất do dự khi nộp dự án, và vô tình tạo ra quyền lực cho những người nghiệm thu dự án. Thông qua dự án là chấp nhận đầu tư vào nhà khoa học, và đầu tư thì ở đâu cũng có thể có rủi ro. Ở NSF, một dự án không thành công đơn giản sẽ làm cho các dự án tiếp theo rất khó được chấp thuận. Đó là một cái giá rất nặng buộc các nhà nghiên cứu phải toàn tâm toàn ý với dự án của mình.
 
Nguồn: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&CategoryID=36&News=9378

Không ra sản phẩm, nhà khoa học phải hoàn trả 100% kinh phí

 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân. Ảnh: TTXVN
 
Thông tư liên tịch 27 vừa được liên Bộ Tài chính, KH&CN ký ngày 30/12 được xem là chìa khóa, "cởi trói" cho các nhà khoa học khỏi “mớ bòng bong” chứng từ, hóa đơn thanh quyết toán-thứ mà nhiều nhà khoa học còn ngại hơn là việc nghiên cứu. Thế nhưng, đi cùng những thuận lợi vốn được mong mỏi bấy lâu, giới khoa học cũng sẽ phải chịu những chế tài khắt khe để bảo đảm không gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước.
 
Bên lề lễ ký ban hành Thông tư liên tịch 27, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã thẳng thắn trao đổi với báo chí về vấn đề này.
 
– Thưa Bộ trưởng Nguyễn Quân, xin ông cho biết những điểm khác biệt của cơ chế khoán chi theo Thông tư 27 so với cơ chế tài chính trước đây được áp dụng cho nhà khoa học?
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Cơ chế khoán chi theo Thông tư 27 khác với Thông tư 93 trước đây. Nếu như Thông tư 93 chỉ khoán chi một phần, tức là những gì chi cho con người [tiền công, hội thảo, công tác trong nước…-pv] thì được khoán. Còn những nội dung như chi phí mua sắm, mua nguyên nhiên vật liệu, trang thiết bị… thì không được khoán mà phải thực hiện đúng quy định của nhà nước, qua đấu thầu…
 
Còn với Thông tư 27 thì có hai phương thức, một là khoán chi từng phần giống với trước đây, hai là khoán chi tới sản phẩm cuối cùng.
 
Từ trước tới nay, nhiều đề tài dự án xuất sắc được nghiệm thu nhưng không có sản phẩm, sản phẩm không ứng dụng được vào thực tiễn vì chúng ta kiểm soát đầu vào rất chặt ở chứng từ và các phụ lục nhưng sản phẩm cuối cùng thì lại ít được quan tâm. Giờ đây, với Thông tư 27, cái được quan tâm là sản phẩm cuối cùng của đề tài dự án có đáp ứng được cái tiêu chí đặt ra không?
 
Chế tài của Thông tư này là nếu đề tài đã nhận khoán chi đến sản phẩm cuối cùng thì trong quá trình tổ chức thực hiện sẽ không được điều chỉnh mục tiêu sản phẩm và kinh phí. Nếu nhà khoa học không bàn giao, không hoàn thành đề tài dự án theo cam kết thì họ phải chịu hình thức xử lý và hoàn trả tiền cho ngân sách nhà nước các kinh phí họ đã sử dụng.
 
Mức hoàn trả tối thiểu là 40% kinh phí của đề tài, thậm chí nếu là lỗi chủ quan thì phải hoàn trả 100% kinh phí. Như vậy, các nhà khoa học phải hết sức cân nhắc khi nhận các hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng.
 
Việc thực hiện hình thức khoán chi này, tôi tin này là sẽ có hiệu quả xứng đáng. Vì bản thân nhà khoa học nhận khoán chi đến sản phẩm cuối cùng thì trách nhiệm của họ rất lớn và bằng mọi phương thức phải hoàn thành sản phẩm như trong hợp đồng. Bên cạnh đó, họ sẽ huy động nguồn lực để làm thực sự và điều này sẽ khắc phục được một số đề tài dự án lợi dụng cơ chế quản lý còn sơ hở, chưa làm được sản phẩm mà vẫn được nghiệm thu.
 
– Có ý kiến cho rằng, tâm lý của nhiều nhà khoa học Việt Nam vẫn trong bao cấp. Vậy, nếu trường hợp các nhà khoa học ngại khoán chi tới sản phẩm cuối cùng bởi lo sợ độ rủi ro trong nghiên cứu thì phải làm thế nào?
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Thông tư này áp dụng cho tất cả nhiệm vụ  KH&CN thuộc quản lý Nhà nước. Chúng tôi hiểu các đề tài, dự án khoa học luôn có độ rủi ro nên việc khoán chi luôn để các nhà khoa học có sự chọn lựa [khoán chi từng phần và khoán chi tới sản phẩm cuối cùng-pv].
 
Khi nhận khoán chi toàn bộ, Nhà nước đã giao cho nhà khoa học toàn quyền thì họ không thể làm nửa chừng rồi lại xin áp dụng cơ chế khoán chi từng phần được. Nếu không hoàn thành, họ sẽ chịu chế tài xử lý rất nghiêm khắc nên đòi hỏi họ phải có trách nhiệm cao với việc đăng ký khoán chi theo kiểu này.
 
– Thông tư 27 không quy định thời gian để cho nhà khoa học thực hiện đề tài nhận theo phương thức khoán chi tới sản phẩm cuối cùng. Điều này liệu có gây ra việc đề tài kéo dài nhiều năm không kết thúc không?
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Có hơn 10 Thông tư về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ và trong đó có quy định về thời gian hợp đồng.
 
Hơn nữa, khi các nhà khoa học được phê duyệt dự án ký hợp đồng thì trong hợp đồng đã quy định đề tài làm trong bao lâu. Hiện nay quy định được gia hạn một lần với thời gian không quá 12 tháng cho các đề tài khi gặp khó khăn và không hoàn thành đúng hạn. Khi hết thời hạn, buộc phải xử lý theo quy định: Nếu hoàn thành thì được nghiệm thu, quyết toán còn ngược lại sẽ có quyết định dừng thực hiện và xử lý về tài chính cũng như chuyên môn.
 
Như vậy, Thông tư 27 chỉ quy định phương thức khoán chi còn công việc khác đã có quy định từ các Thông tư khác.
 
– Vấn đề ứng dụng các sản phẩm đầu ra sẽ được thực hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Luật KH&CN đã có cơ chế buộc các nhà khoa học khi đã nghiên cứu xong thì phải cung cấp được sản phẩm cho xã hội. Nếu như trước đây, các nhà khoa học khi nhận đề tài làm theo ý muốn chủ quan của mình thì bây giờ buộc phải có 1 cơ quan thẩm định, đề xuất đặt hàng với Bộ  KH&CN hoặc các bộ ngành. Khi đã đề xuất đặt hàng thì cơ quan đó phải cam kết chịu trách nhiệm tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu.
 
Ví dụ như Bộ Y tế muốn tổ chức nghiên cứu vắcxin thì có thể đặt hàng Bộ KH&CN nhưng phải cam kết sau khi nghiên cứu thành công thì phải chấp nhận kết quả, tổ chức ứng dụng để ra được vắcxin chứ không phải nghiên cứu xong thì không tìm được nơi ứng dụng, không có nguồn lực để thương mại hóa, đưa kết quả đó vào sản xuất.
 
Đương nhiên, trong  KH&CN có các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Ở lĩnh vực cơ bản thì sản phẩm nghiên cứu là sản phẩm đi trước, đặt tiền đề cho nghiên cứu ứng dụng.
 
Thậm chí, nghiên cứu ứng dụng cũng không phải nhiệm vụ nào cũng có thể ứng dụng ngay mà nó còn chờ đợi nhà đầu tư, cơ hội và quan trọng là chờ đợi thị trường. Ngay cả các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, tỷ lệ ứng dụng cũng chỉ trên dưới 30%…
 
– Xin cảm ơn Bộ trưởng!
 
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/khong-ra-san-pham-nha-khoa-hoc-phai-hoan-tra-toi-100-kinh-phi/363784.vnp
 

Tiếp cận thị trường và phù hợp thông lệ quốc tế

 
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân. 
Ảnh: Hảo Linh
Đúng như tên gọi của nó, Đề án Tái cơ cấu ngành Khoa học và Công nghệ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế, do Thủ tướng Chính Phủ ký quyết định ban hành ngày 11/12/2015, được kỳ vọng sẽ giúp ngành KH&CN có nhiều đóng góp thiết thực hơn cho nền kinh tế và sự nghiệp phát triển đất nước. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã có cuộc trao đổi với Tia Sáng về ý nghĩa và một số điểm nhấn quan trọng của đề án này.
 
PV: Những năm qua, Bộ KH&CN đã chủ động xây dựng nhiều chính sách nhằm đổi mới căn bản và toàn diện ngành KH&CN, và đó cũng là những nỗ lực nhằm tái cơ cấu ngành KH&CN. Do đó, có thể nói tiến trình tái cơ cấu ngành KH&CN thực ra đã bắt đầu từ trước khi có Đề án tái cơ cấu. Như vậy, ý nghĩa thực chất của Đề án lần này là gì?
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đúng là không cần chờ đến bây giờ mà từ nhiều năm qua, Bộ KH&CN đã chủ động tìm cách tiến hành tái cơ cấu lại toàn bộ hệ thống quản lý và tổ chức KH&CN cũng như hoạt động KH&CN, đặc biệt là trong quá trình thực hiện Nghị quyết 20 của TW năm 2012 về phát triển KH&CN và Luật KH&CN 2013. Như vậy, ý nghĩa thực chất của Đề án lần này chính là sự tổng hợp những quan điểm, giải pháp mang tính đột phá mà Bộ KH&CN đã và đang triển khai, đồng thời đề xuất thêm những giải pháp mới để khắc phục, giải quyết một cách hiệu quả hơn các khó khăn, vướng mắc còn đang tồn tại.
 
Từ những kinh nghiệm thực hiện tái cơ cấu ngành KH&CN mà Bộ KH&CN đã tiến hành từ nhiều năm qua, chúng ta có thể thấy đâu là những giải pháp quan trọng cần được đẩy mạnh trong thời gian tới?
 
Trước hết chúng ta phải quy hoạch lại mạng lưới các tổ chức KH&CN trong cả nước theo vùng miền, lĩnh vực để đáp ứng được yêu cầu xã hội, nhu cầu phát triển của đất nước trong năm năm tới sao cho việc đầu tư có trọng điểm hơn, không dàn trải, qua đó tạo điều kiện để hình thành được nhiều hơn những tổ chức đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới. Thứ hai cần tái cơ cấu lại hoạt động KH&CN tức là hoạt động R&D với tư duy là tiếp cận với kinh tế thị trường và phù hợp theo thông lệ quốc tế, theo đó, các nhiệm vụ KH&CN, các đề tài dự án KH&CN phải dựa trên cơ chế đặt hàng, cơ chế quỹ, và cơ chế khoán chi. Thứ ba là tái cơ cấu về đầu tư cho KH&CN, với điểm đột phá là có chế tài dành cho doanh nghiệp nhà nước (theo Nghị định 95), bắt buộc họ phải trích ít nhất 3% lợi nhuận trước thuế để thành lập quỹ phát triển KH&CN. Như vậy, cùng với nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước và khu vực tư nhân, họ sẽ giúp tổng mức đầu tư từ xã hội cho KH&CN gấp từ 2-3 lần so với từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn lực phát triển KH&CN của quốc gia sẽ dồi dào hơn và tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp sẽ nhanh hơn. Thứ tư là tiếp tục đổi mới chế độ chính sách cho cán bộ khoa học, bên cạnh việc tinh giản biên chế theo chủ trương chung của chính phủ thì phải có chế độ đãi ngộ tốt hơn cho các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học chủ trì các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, và các nhà khoa học trẻ tài năng, trên nguyên tắc họ vừa có chế độ phụ cấp ưu đãi, vừa được giao quyền tự chủ toàn diện, kể cả tự chủ một khoản kinh phí ngân sách theo phương thức khoán hằng năm. 
 
Trong những giải pháp đó, có những giải pháp đã được Bộ KH&CN đề ra từ lâu, vậy vì sao đến nay chúng vẫn chưa thực sự được triển khai mạnh mẽ và đi vào đời sống?  
 
Nguyên nhân quan trọng nhất là sự hạn chế về nhận thức, quyết tâm và ý thức phối hợp triển khai ở nhiều cấp quản lý thuộc các bộ, ngành, và địa phương. Ví dụ trong công tác quy hoạch lại tổ chức KH&CN công lập và chuyển đổi chúng sang cơ chế tự chủ, vấn đề được coi là thách thức lớn nhất của đề án tái cơ cấu lần này, khó khăn vướng mắc chủ yếu là người đứng đầu các tổ chức KH&CN cũng như các nhà lãnh đạo quản lý các cấp không thấy hết sự cần thiết của việc trao quyền tự chủ cho các tổ chức và cá nhân nhà khoa học, khiến tinh thần tự chủ hóa dù đã được chính phủ đề ra trong Nghị định 115 sau 10 năm triển khai đến nay vẫn chưa thể thực sự đi vào đời sống.
 
Phải chăng chậm trễ trong việc triển khai Viện Khoa học Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) cũng là một ví dụ về sự hạn chế trong nhận thức của các nhà quản lý các cấp…
 
Đúng như vậy, việc thành lập viện VKIST theo mô hình viện KIST của Hàn Quốc đã được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, và nằm trong quyết tâm của Bộ KH&CN hướng tới hình thành hệ thống tổ chức KH&CN có điều kiện làm việc tương tự như các nước tiên tiến. Nhưng khó khăn vẫn bắt đầu từ quan điểm của một số cơ quan quản lí, khi nhiều người cho rằng làm như thế là mất bình đẳng trong hệ thống của chúng ta: “Tại sao cùng là viện của nhà nước, lại có những viện được chế độ ưu đãi đặc thù rất cao còn các viện khác không được?” Họ không thấy thực chất kinh phí dành cho tất cả các cơ chế ưu đãi vẫn nằm trong khuôn khổ 2% tổng chi ngân sách thôi chứ không đòi hỏi nhà nước đầu tư nhiều hơn; đồng thời đây mới chỉ là dự án thí điểm đầu tiên để kiểm chứng hiệu quả của việc đầu tư đúng người, đúng địa chỉ theo thông lệ quốc tế.
 
 
Ảnh: Phối cảnh VKIST ở khu Công nghệ cao Hòa Lạc
 
Nếu VKIST thành công thì sẽ nhân rộng mô hình này cho toàn bộ hệ thống. Và khi cả hệ thống được thay đổi theo xu hướng mới này thì chúng ta sẽ tinh giản được bộ máy theo quy hoạch, tập trung đầu tư để tất cả các viện có cơ chế tự chủ tốt hơn, tăng cường hiệu quả hoạt động R&D hướng tới đạt trình độ tương tự như các viện tiên tiến của khu vực và thế giới. 
 
Nhưng để điều ấy trở thành hiện thực, trước mắt chúng ta phải thành công với dự án VKIST, mà muốn thế thì các bộ ngành cần thống nhất quan điểm để tạo điều kiện cho viện, hỗ trợ tối đa thời gian đầu khi viện mới thành lập: đầu tư cơ sở vật chất, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Sau đó thì viện sẽ tự chủ hoàn toàn và hoạt động theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.
 
Như Bộ trưởng đã đề cập, việc tái cơ cấu đầu tư cho KH&CN cũng là một trong những nội dung quan trọng khác của Đề án Tái cơ cấu ngành KH&CN. Vậy Đề án đã đưa ra giải pháp nào cho vấn đề này?
 
Theo tôi giải pháp quan trọng nhất là thực hiện các chế tài. Chế tài trước đây chúng ta đã có nhưng không đủ mạnh. Ví dụ như các doanh nghiệp nhà nước không trích lập quỹ phát triển KH&CN thì cũng không có chế tài nào để xử lý họ. Nhưng bây giờ thì yêu cầu trích lập là bắt buộc với các doanh nghiệp nhà nước. Nếu không trích lập là vi phạm pháp luật. Các doanh nghiệp chủ động sử dụng phần trích của quỹ và nếu không dùng hết hoặc chưa sử dụng đến thì phải đóng góp cho các quỹ của nhà nước. Sau đó, khi nào có nhu cầu thì nhà nước sẽ tài trợ trở lại. Như vậy thì lúc nào cũng có dòng tiền đủ lớn cho KH&CN. 
 
“Bộ KH&CN hiện đang tích cực xây dựng các chính sách cần thiết cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, một biến thể của thị trường KH&CN nhưng ở trình độ cao hơn. Hi vọng là tới đây khi hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn thiện hơn cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều các quỹ đầu tư mạo hiểm và doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ tạo ra những thay đổi mang tính đột phá cho thị trường KH&CN.”
 
Song song với đó là chế tài gắn với việc sắp xếp các tổ chức KH&CN theo quy hoạch Thủ tướng phê duyệt: tổ chức nào làm tốt mà nằm trong quy hoạch sẽ được nhà nước đầu tư, tổ chức nào mà không tuân thủ quy hoạch hoặc hoạt động không hiệu quả thì nhà nước sẽ giảm đầu tư. Như vậy đến lúc nào đó họ sẽ phải sáp nhập hay giải thể. Với đội ngũ cán bộ KH&CN cũng như vậy, ai làm tốt sẽ được tạo điều kiện tốt hơn, còn những người không làm việc hoặc làm không tốt thì sẽ bị đào thải khỏi hệ thống KH&CN của nhà nước thông qua việc tinh giản biên chế hoặc cơ chế “không làm việc thì không được hưởng lương”. 
 
Đối với nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước thì vướng mắc cơ bản lâu nay là hạn chế trong tiến trình phát triển thị trường công nghệ. Vì sao tiến trình này diễn ra chậm trễ và không như chúng ta mong đợi?
 
Việc phát triển thị trường KH&CN đòi hỏi bốn thành phần quan trọng: nguồn cung, nguồn cầu, các định chế trung gian và hành lang pháp lý. Về nguồn cung thì rất dồi dào, ngoài kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước, chúng ta còn có nguồn công nghệ nhập khẩu. Nguồn cầu cũng phong phú, do trình độ công nghệ của nhiều trong số khoảng 600.000 doanh nghiệp Việt Nam còn rất lạc hậu nên nhu cầu đổi mới công nghệ là rất lớn, đặc biệt trước sức ép cạnh tranh quốc tế sắp tới từ TPP. Về môi trường pháp lý ở Việt Nam thì về cơ bản đã tương đối đầy đủ cho thị trường KH&CN phát triển, với những nền tảng là luật đầu tư, luật ngân sách, luật doanh nghiệp rồi luật chứng khoán, luật đầu tư công; kèm theo đó là các nghị định hướng dẫn, thông tư – ngay cả việc đánh giá, định giá công nghệ cũng đều đã có văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, đối với các định chế trung gian thì chúng ta còn rất thiếu các tổ chức đảm nhiệm chức năng đánh giá, định giá, kiểm nghiệm, kiểm định, giám định, v.v, khiến các kết quả nghiên cứu khó đến được với doanh nghiệp, buộc họ phải đi mua công nghệ với giá đắt, chưa kể nhiều khi công nghệ không phù hợp với trình độ của doanh nghiệp. Đây chính là nguyên nhân khiến tiến trình phát triển thị trường KH&CN còn nhiều hạn chế.
 
Vậy chúng ta sẽ làm gì để phát triển các định chế trung gian?
 
Nếu chỉ dựa vào nguồn lực của nhà nước thì không đủ, bởi vậy chúng ta phải có chính sách khuyến khích đầu tư từ xã hội. Nhưng khó khăn cho khu vực tư nhân là việc xây dựng các trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm đòi hỏi trang thiết bị hiện đại, nhân lực bài bản, vốn đầu tư rất lớn. Đồng thời để có nguồn thu thì họ còn phải được các bộ ngành tin tưởng giao việc, và xây dựng được thương hiệu có uy tín đối với thị trường. Vì vậy ở đây phải có vai trò hỗ trợ của nhà nước: thứ nhất là thường xuyên kiểm tra đảm bảo doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện, quy định cần thiết; thứ hai là nhà nước giúp họ xây dựng thương hiệu uy tín; và thứ ba là nhà nước ban hành định mức phí dịch vụ đủ để họ có thể tồn tại bằng hoạt động của mình. 
 
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này! 
 
Nhóm PV thực hiện
 
Thực tế là lâu nay trong nghiên cứu ứng dụng, tính hiệu quả của nhiều dự án còn thấp, ví dụ như nhiều nơi đầu tư nghiên cứu làm ra các giống lúa mới nhưng đến nay các giống lúa có giá trị thực sự cho người nông dân thì không nhiều. Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Quân nêu ra ba giải pháp cơ bản: 
“Đầu tiên phải áp dụng triệt để cơ chế đặt hàng, tức là khi chúng ta giao đề tài nghiên cứu phải xác định rõ người đề xuất đặt hàng phải chịu trách nhiệm tiếp nhận kết quả của đề tài đó khi nó thành công, đồng thời cũng chính người đó phải có nguồn lực đầu tư để tiếp tục hoàn thiện, đưa vào đời sống. 
Chính vì vậy, cơ quan đề xuất đặt hàng phải là các bộ và UBND các tỉnh, thành phố chứ không phải là cá nhân các nhà khoa học hay là đơn vị sự nghiệp. Vì họ mới biết rõ những sản phẩm nào là thiết thực, phù hợp với chiến lược phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương của mình; đồng thời họ cũng là nơi huy động được nguồn lực để thực hiện đề tài. 
Thứ hai, các đề tài, dự án phải xác định rõ ai sử dụng, sử dụng cho lĩnh vực nào, ở đâu, với những thông số, yêu cầu cụ thể về chủng loại, chất lượng, có triển vọng cao về tính khả thi và khả năng thương mại hóa.
Thứ ba là phải có nguồn lực. Hiện nay có rất nhiều nghiên cứu thành công, có sản phẩm tốt nhưng không hề có nguồn lực đầu tư, hoặc phải mất rất nhiều thời gian chờ đợi nhà đầu tư, cơ hội đầu tư. Vì thế, các cơ quan đề xuất đặt hàng phải chỉ rõ nguồn lực của họ như thế nào, trên cơ sở đó các hội đồng khoa học mới có thể xét duyệt được.”
 
Nguồn: tiasang.com.vn

Tiến hoá hay tạo hoá

 
Mặc dù khoa học đã đạt được những thành tựu vô cùng vĩ đại, các quy luật của thế giới tự nhiên cứ lần lượt được phơi bày, sân chơi của Chúa tưởng chừng ngày càng hẹp lại; nhưng cứ mỗi lần các nhà khoa học vén được một bức màn đen do Chúa dựng nên này thì lại thấy một bức màn đen khác sừng sững trước mặt.  Và cho đến tận ngày nay hai câu hỏi nguyên thủy “ Vũ trụ được hình thành thế nào?” và “Loài người xuất hiện từ đâu? Từ loài  khỉ lớn (vượn hay tinh tinh) tiến hóa lên, hay do Chúa tạo ra ?”, xem ra vẫn chưa  có câu trả lời cuối cùng; và liệu có thể có câu trả lời cuối cùng hay không? lại là một câu hỏi hóc búa khác.
 
Sai lầm của Thuyết Tiến hóa
 
Thuyết Big Bang hầu như đã được kiểm chứng. Ngày càng có nhiều bằng chứng khách quan cho thấy Vũ trụ, mà chúng ta đang ở trong, được sinh ra từ một vụ nổ lớn trong hư không khoảng 14 tỷ năm trước rồi dãn nở không ngừng, đồng đều theo mọi hướng, chứa hàng trăm tỷ thiên hà có kích thước khoảng 100.000 năm ánh sáng (một giây ánh sáng là 30 vạn km); mỗi thiên hà lại chứa hàng trăm tỷ ngôi sao; mỗi sao lại có một hệ thống hành tinh quay quanh như kiểu hệ Mặt trời của chúng ta. Khoảng hơn mười tỷ năm nữa Vũ trụ sẽ dừng dãn nở, co sụp lại thành một điểm như lúc ban đầu..
 
Nếu thuyết này là đúng thì vẫn còn những câu hỏi chưa thể có câu trả lời: Thế trước Big Bang là cái gì? Vì sao nó lại vận hành một cách trơn tru, hoàn hảo như thế? Vì sao các hằng số vật lý của Vũ trụ (tốc độ ánh sáng, điện tích của điện tử, hằng số Plank…) lại được gán cho những giá trị chính xác đến nỗi chỉ cần một trong các hằng số ấy thay đổi đi một phần triệu giá trị vốn có thì thế giới này không có sự sống, không có chúng ta – con người có khả năng tìm hiểu Vũ trụ?
 
 
Mặc dù vậy, các bằng chứng thực nghiệm về sự hình thành và tiến hoá của Vũ trụ cho đến nay vẫn ủng hộ thuyết Big Bang. Điều này khác hẳn với sự đáng ngờ của thuyết Tiến hóa về nguồn gốc của Loài người, rộ lên trong vài chục năm gần đây. Số người ủng hộ thuyết Tiến hóa còn rất nhiều (xem Nguyễn Văn Tuấn, Ykhoa.net/binhluan/), nhưng những người phản đối càng ngày càng làm tôi “nao núng”. Xin chia sẻ với bạn đọc những gì tôi thu nhận được từ lập luận của những người “phủ nhận sạch trơn” Darwin (xem Viethungpham.com).
Chúng ta đều biết Darwin (1809 – 1882) đã công bố Thuyết Tiến hoá của mình trong hai cuốn sách kinh điển: “Nguồn gốc các loài” ( 1859 ) và “Nguồn gốc con người” (1871). Trong đó ông đã khẳng định: 1) Các loài động vật tiến hoá từ bậc thấp lên bậc cao hơn theo quy luật chọn lọc tự nhiên những biến dị nhỏ ngẫu nhiên có lợi trong quá trình cạnh tranh sinh tồn, được tích tụ dần. 2) Sự sống được hình thành một cách tự phát ngẫu nhiên từ một tập hợp các nguyên tố hoá học. 3) Loài khỉ lớn (tinh tinh) là tổ tiên trực tiếp của Loài người.
 
Vào thời điểm ấy học thuyết này đã được hưởng ứng một cách cuồng nhiệt và tiếp tục mê hoặc  các thế hệ sau cho đến tận cuối Thế kỷ 20. Ngày nay trong các trường học trên toàn thế giới, người ta vẫn vô tư rao giảng những quan điểm phi khoa học của Darwin. Sự “ngộ nhận thế kỷ” này có thể do hai nguyên nhân chính sau đây. Một là, công trình của Darwin ra đời vào đúng lúc xu thế vô thần và duy vật của Thế kỷ Khai minh đang nở rộ; nó đánh trúng vào tâm lý khoa học thời đại: sự sống và con người không phải do Chúa tạo ra. Hai là, cuộc cách mạng khoa học lần thứ nhất đạt được những thành công rực rỡ với sự ra đời của Vật lý học Newton, đã làm cho cộng đồng khoa học ngây ngất với ý tưởng “sân chơi” của Chúa đang thu hẹp lại và một ngày không xa khoa học sẽ trả lời được mọi câu hỏi về vạn vật. Thế nhưng, như bạn đọc sẽ thấy, đấy là một sự ngộ nhận tai hại.
 
Thuyết Tạo hoá
 
Sự sai lầm của thuyết Tiến hoá và sự ngộ nhận về nó sẽ không xảy ra nếu Darwin được biết đến công trình khoa học vĩ đại về Di truyền học của Gregor Mendel (1822-1884) ra đời chỉ sau cuốn “Nguồn gốc các loài” có bảy năm, 1866. Giá ông biết thì chắc ông đã buộc phải xem xét lại các luận điểm của mình. Không những chỉ Darwin không được biết mà cả thế giới cũng hầu như không biết tới công trình khoa học của Mendel vì nó đã bị rơi vào quên lãng. Ba mươi năm sau, vào năm 1900, lý thuyết di truyền của ngài Linh mục người Áo ấy mới được các nhà khoa học Đức và Hà Lan phát hiện. Từ đó di truyền học mới thực sự chào đời, và ngày càng được khẳng định đóng vai trò quan trọng trong Sinh học như thuyết Lượng tử trong Vật lý học. Di truyền học khẳng định những điều ngược lại hẳn với học thuyết Tiến hoá. Cụ thể là: 1) Phân tử ADN (vật liệu di truyền ở cấp độ phân tử quyết định các tính trạng của động vật) của mỗi loài là cố định, không biến đổi trong quá trình chọn lọc tự nhiên để thích nghi với môi trường sinh sống. Như vậy loài này không thể “tiến hoá” lên loài khác được. 2) Phân tử tế bào sống đơn giản nhất cũng không thể hình thành từ sự kết hợp ngẫu nhiên của các nguyên tử hoá học. Xác suất của quá trình ấy có thể coi là bằng không như đã được chứng minh bằng toán học cũng như mô phỏng trên các “siêu máy tính”. 3) Khỉ là khỉ, người là người. Bộ gene của khỉ dù có giống của người đến hơn 95%  thì vẫn còn đó, một sự khác biệt về chất rất lớn nằm trong số vài phần trăm chứa trong ADN cấu tạo nên các gene. ADN của người có 46 nhiễm sắc thể, của tinh tinh là 48 nằm trong nhân mỗi tế bào, và hoàn toàn cố định.
 
Nhận được sự chào đón hồ hởi ngay từ khi mới ra đời, thuyết Tiến hóa đã “bùng nổ” sau “vụ án thế kỷ”, trong đó một giáo viên trung học người Mỹ là Scopes bị buộc tội rao giảng thuyết Tiến hóa tại một trường phổ thông ở Tiểu bang Tennesse đã thắng kiện. Người ta đồng nhất thắng lợi của Scopes với thắng lợi của thuyết Tiến hóa. Thế nhưng cũng bắt đầu từ đó các bằng chứng khách quan ngày càng chống lại Darwin về giả thuyết loài tinh tinh là tổ tiên trực tiếp của loài người.
 
Bằng chứng quan trọng nhất là suốt từ khi giả thuyết “khỉ biến thành người” ra đời cho đến nay, đã hơn một thế kỷ rưỡi trôi qua, không có một hóa thạch trung gian nào giữa khỉ và người được phát hiện. Chỉ có một bằng chứng “ngụy khoa học” được tạo dựng nên vào năm 1912. Lúc đó có người đã cả gan ghép hóa thạch hộp sọ của người cổ đại với hóa thạch xương hàm của một con tinh tinh cùng thời để “chứng minh” rằng đã tìm thấy một loài trung gian giữa khỉ và người, đúng như sự mong đợi của những người hâm mộ thuyết Tiến hóa. Thế nhưng trò lừa đảo đó mau chóng bị lật tẩy, và công việc tìm kiếm hóa thạch trung gian vẫn cứ được miệt mài… Ngoài ra, phái phản đối thuyết Tiến hóa khẳng định một cách không hề thiếu sức thuyết phục rằng: Nếu Mendel đúng thì Darwin phải sai, chứ không thể dung hòa. 
 
Tôi e còn ít người biết được rằng sinh thời chính Darwin đã tuyên bố: “Nếu có bằng chứng cho thấy sự tiến hóa từ loài thấp hơn lên loài cao hơn mà không do sự tích tụ các biến đổi nhỏ liên tục thì lý thuyết của tôi là sai!”. Đúng như sự nghi ngại của ông, những phát hiện mới nhất của Di truyền học và Khảo cổ học nhiều lắm cũng chỉ chứng minh được rằng tinh tinh và người cùng phát sinh từ vùng Nam châu Phi cách đây khoảng 200.000 năm rồi lan tỏa đi khắp địa cầu. Thế thôi, vẫn không có một hóa thạch trung gian nào được phát hiện.
 
Cho nên ở nơi chín suối ông không thể không ân hận khi được biết chiến dịch tàn sát người da đỏ (bị coi là giống “nửa khỉ nửa người”) ở Úc cuối Thế kỷ 19, và tội ác diệt chủng của Hitler gây ra đối với người Do Thái trong Thế chiến thứ hai. Bởi không ai khác ngoài ông đã vạch đường cho quỷ dữ hoành hành khi tuyên bố: “Vào một giai đoạn nào đó, có thể tính bằng thế kỷ, các chủng tộc văn minh của loài người hầu như chắc chắn sẽ hủy diệt và thay thế các chủng tộc man rợ”. 
 
Nếu thuyết Tiến hóa là sai thì thuyết Tạo hóa có nhiều cơ hội là đúng?
 
Không đơn giản như vậy! Chỉ có điều càng ngày càng nhiều nhà khoa học lỗi lạc tin rằng có một lực lượng siêu nhiên nào đấy đã lập trình sự sống và cài đặt nó vào các phân tử ADN dưới dạng các mã thông tin, như một bản thiết kế cực kỳ linh diệu. Đáng kinh ngạc thay, từ Thế kỷ 13 Thánh Thomas Aquine đã phán: “Bất cứ ở đâu tồn tại những thiết kế phức tạp, ở đó ắt phải có nhà thiết kế thông minh”. Nhà thiết kế thông minh ấy đã được nhân loại gán cho các tên: Đấng sáng tạo, Tạo hóa, Chúa trời của các tôn giáo; hay “Chúa phiếm thần” của các nhà khoa học. 
 
Nếu bạn đọc còn do dự tin hay không tin vào một trong hai giả thuyết nói trên thì hãy nghe lời khuyên của Einstein mà vui sống. Ông nói thế này: “Có hai cách để sống: bạn chẳng tin vào phép màu nào cả, hoặc tin rằng mọi thứ đều là một phép màu”. Há chẳng thanh thản sao!
 
Chu Hảo

Theo đuổi sự khác biệt

 
Nguồn ảnh: Traphaco
 
Bước vào khuôn viên của Traphaco, người ta sẽ nhìn thấy ngay bức tượng của danh y Tuệ Tĩnh bằng đồng, dáng ngồi khoan thai đang đọc sách giữa mặt nước phẳng lặng. Dưới chân tượng là bốn chữ: “Nam dược trị nam nhân”. Đó cũng chính là chiến lược mà Traphaco kiên trì theo đuổi từ ngày đầu thành lập: “Chính sách của chúng tôi nhìn chung là cố gắng tạo ra sự khác biệt, chiến thắng trong sự khác biệt. Muốn vậy thì đi vào thuốc dược liệu” – Ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng Giám đốc Traphaco, phụ trách R&D của công ty cho biết.
 
Sao lại là đông dược?
 
Traphaco “xuất thân” từ Tổ sản xuất thuốc thuộc Ty Y tế Đường Sắt, cung ứng thuốc cho hơn 60.000 công nhân ngành Đường Sắt với nguồn lực vỏn vẹn 16 người và 300 m2 đất. Với hạn chế tiếp cận các nguyên liệu tân dược, họ tập trung chủ yếu vào sản xuất thuốc từ nguồn dược liệu với một trong những sản phẩm đầu tiên là Viên Sáng Mắt – công cụ đắc lực cho dân lái tàu. Thời điểm đó, sản phẩm của họ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu của ngành đường sắt và khoảng 70% thuốc do Traphaco sản xuất sử dụng dược liệu1.
 
Đầu những năm 1990, sau thời kỳ Đổi mới, phần lớn các đơn vị sản xuất thuốc ở Việt Nam đều trở thành doanh nghiệp nhà nước và chuyển sang sản xuất thuốc tân dược. “Thậm chí là Xí nghiệp Dược phẩm TW3 ở Hải Phòng vốn được phân công sản xuất đông dược cũng chuyển sang sản xuất thuốc tân dược, cứ nhập tân dược là chiến thắng vì thời đó thiếu thuốc. Nhưng công ty không có lợi thế đó nên bắt buộc phải tìm nền tảng riêng để hi vọng tồn tại được” – Ông Huy Văn chia sẻ. Traphaco vì thế vẫn “trung thành” với thuốc dược liệu. Đến nay, trong 200 sản phẩm thuốc đã đăng ký, 70% sản phẩm của Traphaco là thuốc đông dược. Trung bình trong một viên thuốc, 90% khối lượng là từ nguồn dược liệu Việt Nam. 
 
Traphaco và các công ty trực thuộc được Giải Vàng Chất lượng Quốc gia năm 2012, 2014, 2015 và đươc Giải thưởng Chất lượng châu Á-Thái Bình Dương (GPEA) năm 2013.
 
Từ nhiều năm qua, thị trường dược Việt Nam bị áp đảo bởi thuốc hóa dược, tân dược. Các hãng dược nước ngoài đang chiếm 60% thị trường dược Việt Nam và các công ty dược lớn nhất Việt Nam như Dược Hậu Giang, Domesco và Imexpharm dành hơn 80% sản phẩm cho thuốc tân dược. Bên cạnh đó, thời gian nghiên cứu để cho ra một sản phẩm dược liệu mất từ 5-10 năm trong khi nếu sản xuất thuốc generic (như hầu hết các công ty sản xuất thuốc hóa dược, tân dược ở Việt Nam đang làm) thì ngắn hơn rất nhiều do không phải trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng; đồng thời mặt hàng thế mạnh của Traphaco cũng không có chỗ đứng an toàn nữa do Dược Hậu Giang và Imexpharm cũng phát triển dòng sản phẩm thuốc đông dược riêng của họ. Doanh thu từ dòng sản phẩm đông dược lần lượt chiếm 13% và 3% vào năm 2014 trên tổng doanh thu hai công ty này và đang có xu hướng tăng. Một trong những sản phẩm mà Traphaco tự hào – Cebraton từng chiếm 100% thị phần hoạt huyết dưỡng não cách đây 10 năm, giờ giảm xuống chỉ còn 30% do phải chia sẻ thị phần với tận 40 công ty khác.1 
 
Tuy nhiên, Traphaco luôn tự tin về mảng thuốc đông dược của mình. Ông Huy Văn tự tin lí giải điều này là do tận dụng nền tảng lý luận của người đi trước (như Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, Hải Thượng y tông tâm lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác…). Ông cho rằng, những sản phẩm của Traphaco chưa “sáng tạo nhiều lắm” mà chính là sản phẩm được kế thừa từ xa xưa, công ty chỉ “lắp ghép” các nghiên cứu hiện đại để làm sáng tỏ những ứng dụng của thuốc và phát hiện những công dụng mới. Bên cạnh đó, phát triển thuốc từ dược liệu cũng phát huy lợi thế đa dạng sinh học của Việt Nam (4.000 cây thuộc trong số khoảng 12.000 loài thực vật). Trong giai đoạn hiện nay, chiến lược này lại phù hợp với quan điểm bảo vệ môi trường vì chỉ sử dụng những nguyên liệu tự nhiên và góp phần công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp khi Traphaco triển khai xây dựng vùng dược liệu nên công ty sẽ nhận được ủng hộ nhất định về mặt chính sách của nhà nước.
 
 
Vùng trồng dược liệu Actiso của Traphaco ở Sapa, Lào Cai. 
Nguồn ảnh: Traphaco
 
“Hào phóng” cho R&D
 
Trong một buổi tọa đàm cuối năm ngoái về đầu tư R&D trong doanh nghiệp, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT của Traphaco cũng từng thể hiện quan điểm của Traphaco trong đầu tư cho KH&CN: “Quan điểm của chúng tôi là tốn kém bao nhiêu cũng được, miễn là ra được kết quả”. Mỗi năm, Traphaco danh từ 3-5% doanh thu (gần 100 tỷ đồng) cho hoạt động R&D.
 
Traphaco khá “hào phóng” trong việc đầu tư cho nghiên cứu, đặc biệt thể hiện ở việc bảo hộ vĩnh viễn bản quyền của tác giả. Bất cứ ai chuyển giao công thức, bí quyết thực sự đem lại hiệu quả (tức là tạo ra sản phẩm) cho Traphaco thì mỗi năm, công ty sẽ trả phí bản quyền tương ứng với 3% doanh thu, chừng nào sản phẩm còn tồn tại trên thị trường. Chẳng hạn, một trong những sản phẩm bán chạy nhất của Traphaco hiện nay trên thị trường là Hoạt huyết dưỡng não Cebraton, đem lại cho công ty khoảng 200 tỷ đồng/năm, tác giả của công thức này – GS. Nguyễn Khắc Viện sẽ nhận được khoảng 6 tỷ đồng/năm. “Đây cũng là cơ hội để tác giả tiếp tục suy nghĩ, cải tiến, hoàn thiện công thức tốt hơn. Người ta sẽ yên tâm chuyển giao hết bí quyết cho mình” – Ông Huy Văn cho biết.
 
Hiện nay, Traphaco hợp tác nghiên cứu với nhiều viện/trường, trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Không chỉ giới hạn trong nghiên cứu về bào chế, dược lý, độc tính, lâm sàng với các Đại học Dược, Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân Y, họ còn nghiên cứu về hóa học (ví dụ đưa ra chất chuẩn để chiết xuất các thành phần từ dược liệu), bảo tồn nguồn gene, thậm chí còn nghiên cứu về phương pháp trồng dược liệu.
 
Tuy nhiên, khi được hỏi, vậy trí tuệ của đội ngũ R&D của Traphaco đóng góp bao nhiêu % trong việc hình thành sản phẩm? Ông Huy Văn trả lời không ngần ngại: “Linh hồn [sản phẩm] là của lực lượng bên trong, chiếm 90%, còn bên ngoài thực ra chỉ là 10%. Thực ra, các nhà khoa học chỉ làm thí nghiệm, ý tưởng ban đầu còn công nghệ để đưa kết quả nghiên cứu thành sản phẩm thực tiễn, sản xuất ở quy mô công nghiệp là lực lượng R&D ở công ty làm hết.” 
 
Traphaco tập trung đầu tư vào con người từ những ngày đầu thành lập. Họ nhận bất kì sinh viên nào tốt nghiệp Đại học Dược xin vào công ty và sắp xếp cho họ làm việc tại các quầy thuốc của mình. Đến đầu những năm 1990, Traphaco là công ty dược có số lượng dược sĩ tốt nghiệp đại học và sau đại học lớn nhất cả nước. “Có những năm cả Đại học Dược có bốn người tốt nghiệp loại giỏi thì ba người về Traphaco” – Ông Huy Văn cho biết. 
Đội ngũ ban đầu tạo nền tảng hình thành phòng R&D – ra đời năm 1996. Vào thời kỳ này mà ông Huy Văn gọi là “khó khăn” vì trong ngành dược người ta có câu “chuột chạy cùng sào mới vào nghiên cứu” do tất cả các phòng nghiên cứu tại Xí nghiệp Dược phẩm TW1, TW2 đều không có “vai vế” gì và bị giải thể, ông đề xuất hỗ trợ thêm cho mỗi nhân viên R&D thêm 500 nghìn mỗi tháng để họ yên tâm làm việc. Bộ phận R&D của Traphaco ngay lập tức tập trung triển khai các kết quả nghiên cứu khoa học của công ty và của các nhà khoa học chuyển giao cho, hợp tác với các viện/trường như công thức điều trị ung thư của GS. Đái Duy Ban (sau này trở thành sản phẩm CADEF), công thức làm tăng sinh lực từ hải sâm của GS. Nguyễn Tài Lương (sau này trở thành sản phẩm Amorvita Hải sâm). Bộ phận R&D của Traphaco hiện nay vẫn có lương trung bình (gần 20 triệu đồng/người) nhiều hơn các bộ phận khác trong toàn công ty (gần 15 triệu đồng/người), và được đầu tư một nhà máy riêng đặt tại Hưng Yên mà theo lời ông Huy Văn “có công suất lớn hơn cả của một công ty trách nhiệm hữu hạn dược thông thường” để triển khai trên quy mô pilot.  
 
Theo ông Nguyễn Huy Văn, lực lượng R&D của Traphaco rất “thiện chiến”. Một trong những lí do quan trọng là họ liên kết tương đối chặt chẽ với bộ phận marketing nên rất hiểu thị trường. Có năm, họ nghiên cứu 20 sản phẩm và cho ra thị trường sáu sản phẩm. Một trong hai sản phẩm bán chạy nhất của Traphaco hiện giờ – Boganic là do công ty hoàn toàn tự nghiên cứu và phát triển. 
 
Traphaco nói gì về Giải thưởng “Chất lượng Quốc gia”?
 
Ông Nguyễn Huy Văn cho biết, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia với 7 tiêu chí đánh giá là giải thưởng toàn diện nhất, khái quát nhất hoạt động của doanh nghiệp: “Vấn đề chất lượng không phải là một cái đích, nó là phương tiện để một tổ chức hướng đến thành công. Và chất lượng thì cần cải tiến liên tục. Ví dụ, Giải thưởng Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương (Traphaco đạt Giải Vàng năm 2014), có những doanh nghiệp năm nào cũng nộp để cải tiến, hoàn thiện tổ chức, còn việc nhận giải chỉ mang tính động viên. Nếu làm đúng theo những tiêu chí của giải thưởng thì sức khỏe của doanh nghiệp sẽ tăng lên rất nhiều”. 
Ông cũng cho biết Hội đồng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đánh giá kỹ lưỡng nhất trong các giải thưởng và ông cần những khuyến cáo để hoàn thiện việc quản lý: “Có một cái hay là trong quá trình thẩm định giải thưởng, chúng tôi học được rất nhiều thứ, ví dụ như về bảo mật thông tin, xử lý sự cố khi máy chủ bị mất điện khi sử dụng phần mềm DMS để quản lí bán hàng chẳng hạn. Hoặc thực ra bọn tôi vào hiệp hội mã số mã vạch lâu lắm rồi nhưng chưa ứng dụng được trong quản lý bán hàng, quản lý kho…Bọn tôi quan niệm mỗi lần đánh giá như vậy mình học được rất nhiều.”   
Tuy nhiên, ông cho rằng giải thưởng cần được quảng bá sâu rộng hơn để các doanh nghiệp hiểu và thực hiện, nâng cao chất lượng của mình. Bên cạnh đó, các đơn vị đạt giải cần được ghi nhận thực sự, thậm chí là ưu tiên để tạo thành lợi thế của họ khi giao dịch với khách hàng: “Chỉ nhận giải thưởng không mà bán hàng thì vẫn không đấu thầu được (vào các nhà thuốc bệnh viện), chẳng có gì khác thì rất là khó. Còn với khách hàng, chờ người ta cảm nhận cũng lâu lắm”.
 
Traphaco chi mạnh tay cho nghiên cứu thị trường. Họ đã thuê Nielsen đánh giá thị trường, dù với một dòng sản phẩm nhỏ như nước súc miệng T-B và nhận thấy lợi nhuận có thể tăng gấp nhiều lần. Hằng năm, họ bỏ ra từ 30.000 – 50.000 USD để mua các kết quả nghiên cứu thị trường của BMI và IMS Heath để xem xét về nhu cầu người dùng và đối thủ cạnh tranh. 
 
Một trong những dự án mà Traphaco tự hào là Greenplan – tự nghiên cứu và xây dựng vùng nguyên liệu. Ông Huy Văn chia sẻ: “Hơn hai thập niên qua, không có một trường đại học nào còn dạy phương pháp trồng dược liệu”. Tuy nhiên, hợp tác nghiên cứu với một số nhà khoa học ở Học viện Nông nghiệp, họ là một trong số những doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn GACP (Good Agricultural and Collection Practices – Thực hành tốt trồng trọt và thu hái). “Nhưng những người đi đầu rất vất vả, khó khăn vì dược liệu thì gắn với nông nghiệp, nông thôn miền núi. Ví dụ khi đoàn đánh giá của Bộ Y tế về tiêu chuẩn GACP lên xã Sa pả, thị trấn Sapa, nơi có đối tác của Traphaco đang triển khai trồng cây artiso. Để triển khai được dự án trồng cây tại đây phải có nghị quyết của huyện ủy, sau đó đưa các bí thư, chủ tịch, trưởng công an xã làm trước, rồi bà con làm theo. Trong quản lý đồng ruộng, đoàn cán bộ Bộ Y tế yêu cầu phải ghi chép hằng ngày, bón phân gì, tưới nước bao nhiêu, cũng làm thành bảng cho bà con điền vào nhưng họ cũng không điền vì nhiều gia đình không biết chữ, không biết tiếng Kinh luôn” – Ông Huy Văn chia sẻ. Khi đó, cách giải quyết duy nhất là cử một đội trưởng đội sản xuất…điền hộ. Hiện nay, Traphaco có bốn vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP bao gồm: Actiso tại Sapa, Rau đắng đất tại Phú Yên, Bìm bìm biếc tại Hòa Bình, Đinh lăng tại Nam Định. Bốn loại cây này là nguyên liệu đầu vào cho hai sản phẩm bán chạy nhất của Traphaco hiện nay, chiếm hơn 50% doanh thu của doanh nghiệp này từ thuốc đông dược là Cebraton và Boganic.
 
Những rào cản từ chính sách
 
Traphaco được lựa chọn làm một ví dụ về một công ty đổi mới sáng tạo ở Việt Nam dạy trong chương trình của Đại học Quản lý Singapore (Singapore Management University – SMU). Mats Lingbad, tác giả viết và nghiên cứu về ví dụ này đã làm một phép thử: Ông tới bốn nhà thuốc ở phố Quán Sứ, Hà Nội và hỏi mua thuốc hoạt huyết dưỡng não. Trong bốn nhà thuốc thì chỉ có duy nhất một nơi giới thiệu Traphaco cho ông. Còn lại, dù gợi ý thế nào, họ vẫn giới thiệu các hãng khác. 
 
Sản phẩm hoạt huyết dưỡng não của Traphaco, bây giờ có tên là Cebraton là nghiên cứu của GS. Nguyễn Khắc Viện chuyển giao cho Traphaco năm 1995 (ra thị trường năm 1999) nhưng ông Nguyễn Huy Văn thú thực là lúc đó chưa quan tâm đến bản quyền. Chính vì vậy, đến năm 2003, một loạt các công ty nhái công thức và thậm chí cả bao bì của Cebraton và tung ra thị trường. Dĩ nhiên, điều này làm sụt giảm thị phần của Traphaco nghiêm trọng trong 10 năm qua, mặc dù sản phẩm này vẫn được Nielsen đánh giá là dẫn đầu (về mặt chất lượng) dòng sản phẩm về hoạt huyết dưỡng não.
 
Sau sự kiện đó, mặc dù bị thiệt nhưng Traphaco vẫn e ngại việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của mình, lí do đưa ra là…quá khó: “Như đăng ký sáng chế Cebraton về chế tạo ra công thức viên nang mềm, sản phẩm mình đưa đầu tiên ra thị trường và là sáng tạo của mình. Nhưng xét duyệt một sáng chế cực kỳ khó, đã đăng ký tới hai năm nay rồi chưa biết đến bao giờ mới được mà khả năng được cũng rất khó”
 
Tại sao lại khó như vậy? “Tôi nghĩ là do hội đồng xét duyệt và nhà khoa học không nhìn về một hướng. Nhà khoa học nghĩ là nó có tính mới, có thể bảo vệ được còn hội đồng thì lại không”. – Ông Huy Văn cho biết. Theo nghiên cứu của TS. Trần Văn Hải, Đại học KHXH&NV nghiên cứu về tính mới trong việc bảo hộ sáng chế đối với các bài thuốc cổ truyền thì ở Mỹ, nếu một bài thuốc được sử dụng rộng rãi nhưng chưa công bố ở các tạp chí nước ngoài thì vẫn được coi là có tính mới. Nhưng với Việt Nam, các bài thuốc gia truyền không được bảo hộ vì “đã được sử dụng rộng rãi ở trong nước”2.    
 
Một hiện tượng khác, cũng “oái oăm” không kém với Traphaco đó là, Traphaco không thể bán thuốc trong các bệnh viện, dù sản phẩm được giải “Ngôi sao thuốc Việt” (giải thưởng do Cục Quản lý Dược Bộ Y tế bình chọn). “Mặc dù hoạt huyết dưỡng não Cebraton, Boganic nổi tiếng như thế nhưng khi đi đấu thầu toàn bị “out”, toàn ở ngoài cổng bệnh viện, chẳng thể vào nổi bệnh viện mà đơn vị nhái sản phẩm lại vào được. Lí do là vì thông tư liên tịch hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế lại yêu cầu đấu giá (tức là giá rẻ nhất thì được bán). Trước đó là vòng một chấm điểm kĩ thuật thì sản phẩm nào cũng qua hết” – Ông Huy Văn nói.
 
Vì thế, khi được hỏi về vấn đề nào khó nhất, không ngạc nhiên khi ông Huy Văn trả lời phóng viên Tia Sáng, “Mình cho vấn đề lớn nhất là vấn đề cơ chế, cạnh tranh thị trường, là cái khó khăn lớn nhất hiện nay. Làm thế nào để cạnh tranh bình đẳng?”
———
1 Mats Lingbad, Traphaco: Choices for the future, http://www.thecasecentre.org/educators/products/view?id=119730
2http://tapchi.vnu.edu.vn/upload/2014/01/1063/2.pdf
 
Hảo Linh

Samsung đầu tư 6.750 tỷ cho Trung tâm R&D tại Hà Nội

Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV).
 
Dự án nhằm tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện, điện tử và viễn thông công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD, tương đương 6.750 tỷ đồng.
 
Địa điểm thực hiện Dự án tại ô đất ký hiệu 12-CCV, Khu chức năng đô thị Nam đường vành đai 3, đường Nguyễn Xiển, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
 
Thời hạn hoạt động của Dự án 50 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án được miễn tiền thuê đất trong vòng 50 năm kể từ ngày được bàn giao đất theo quy định Luật Công nghệ cao, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.
 
 
Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam.
 
Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án; kiểm tra, giám sát các điều kiện hưởng ưu đãi theo quy định.
 
Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm giám sát SEV về tổ chức cơ cấu nhân sự, chức năng hoạt động Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung để đảm bảo đáp ứng các điều kiện về nhân lực bố trí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.
 
Theo Khám Phá