“Không ai nói trước được tác hại của cây trồng biến đổi gen”

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân cho rằng, chỉ có thời gian mới có thể trả lời được vấn đề này.
 
Trao đổi với báo chí tại một hội thảo diễn ra 25/12 tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, hiện tại, trên thế giới cũng như tại Việt Nam vẫn tồn tại 2 quan điểm trái ngược nhau về cây trồng biến đổi gen.
 
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân. (Ảnh: Lê Văn)
"Một quan điểm ủng hộ phát triển cây trồng biến đổi gen để thích nghi với biến đổi khí hậu, dịch bệnh ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, quan điểm khác lại cho rằng, cây trồng biến đổi gen vẫn chưa được nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ", Bộ trưởng Quân cho hay.
 
"Khoa học thế giới hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định cây trồng biến đổi gen có tác động thế nào với con người về dài hạn. Mặc dù những nghiên cứu ngắn hạn đã có", Bộ trưởng Quân nói thêm.
 
Chính vì lý do này, hiện nay, một số quốc gia cấm trồng và thương mại cây trồng biến đổi gen. Trong khi đó, một số quốc gia lại không cấm.
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, tại Việt Nam, cây trồng biến đổi gen cũng được nghiên cứu khá nhiều, nhiều giống được nhập về và cũng có nhiều giống cây biến đổi gen được tạo ra.
 
"Tuy nhiên, việc đưa cây trồng biến đổi gen thành cây trồng chính trên diện tích rộng và đại trà cần rất cẩn trọng", ông Quân nói. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) sau một thời gian dài khảo nghiệm mới chỉ công nhận 3 giống ngô biến đổi gen. "Những vấn đề khác vẫn phải tiếp tục nghiên cứu".
 
"Không ai có thể nói trước được tác hại của cây trồng biến đổi gen đối với con người. Chỉ có thời gian mới có thể trả lời được", ông Quân nói.
 
Chủ động tạo ra giống cây biến đổi gen
 
 
Hiện tại đã có 3 giống ngô biến đổi gen được cấp phép tại Việt Nam.
 
 
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho biết, đối với việc nghiên cứu và phát triển cây trồng biến đổi gen, trong các đề tài mà Bộ KHCN giao cho Bộ NN&PTNT có 2 định hướng lớn: Thứ nhất là nghiên cứu những tác động của cây trồng biến đổi gen đối với sức khỏe con người. Thứ 2 là Việt Nam cần phải tự nghiên cứu làm chủ công nghệ biến đổi gen để tạo ra những giống cây trồng biến đổi gen.
 
Theo ông Quân, cây trồng biến đổi gen có đặc điểm là không làm được giống thì phải mua giống và các giống này thoái hóa rất nhanh dù năng suất không cao.
 
"Nếu phải mua giống của nước ngoài thì chúng ta sẽ bị phụ thuộc nhiều. Bởi nếu họ không cung cấp hoặc cung cấp giống không đảm bảo thì thiệt hại của ngành nông nghiệp sẽ rất lớn", ông Quân phân tích.
 
Bộ trưởng KHCN thông tin, cả châu Âu hiện nay phản đối cây trồng biến đổi gen rất dữ dội vì họ cho rằng, các tập đoàn đa quốc gia có thể khống chế quốc gia của họ bằng giống cây trồng. Nếu như các công ty này ngừng cung cấp giống thì hệ thống nông nghiệp sẽ bị thiệt hại rất lớn.
 
"Do đó, chúng ta buộc phải tự tạo ra những giống cây trồng biến đổi gen để người dân được hưởng lợi", ông Quân kết luận.
 
Tại Việt Nam, hiện chỉ mới có 3 giống ngô biến đổi gen cấp phép, gồm: giống ngô biến đổi gen MON 89034 và NK603 của công ty Dekalb Việt Nam, thuộc Tập đoàn Monsato và giống ngô GA21 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam
 
Trong đó, giống MON 89034 có đặc tính kháng kháng đối với một số loài sâu hại bộ cánh vảy (Lepidoptera) như sâu đục thân (Ostrinia furnacalis), sâu đục bắp (Helicoverpa armigera) và sâu khoang (Spodoptera litura). Giống NK603 và GA21 có đặc tính kháng thuốc trừ cỏ.
 
Ngoài ra, theo Thông tư liên tịch số 45 giữa Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành cuối tháng 11/2015 thì kể từ tháng 1/2016, thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn có ít nhất một thành phần nguyên liệu biến đổi gen lớn hơn 5% tổng nguyên liệu được sử dụng đều phải ghi nhãn khi lưu thông tại thị trường Việt Nam.
 
Theo VietNamNet

Cần bao nhiêu nước để sản xuất ra 1kg thức ăn cho bạn?

Có bao giờ bạn thắc mắc để làm ra 1 kg thịt, 1kg khoai tây hay 1 kg chuối cần bao nhiêu nước chưa? Loạt hình ảnh dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin về lượng nước cần dùng để sản xuất ra một số thực phẩm thông thường.
 
1. Để sản xuất ra 1 kg sô cô la cần tới 17 000 lít nước. Lượng nước này đủ để lấp đầy một bể bơi gia đình.
 
2. Sản xuất ra 1 kg thịt heo cần khoảng 6 000 lít nước.
 
 
3. Để làm ra 1kg cà chua chúng ta cần khoảng 214 lít nước.
 
 
4. Lượng nước cần để sản xuất ra 1 kg khoai tây là khoảng 287 lít.
 
 
5. Với lúa mì, cần khoảng 1892 lít nước để làm ra 1kg.
 
 
6. Cần 15 000 lít nước để sản xuất ra 1 kg thịt bò
 
 
7. Cần 790 lít nước để sản xuất ra 1 kg chuối.
 
 
8. Sản xuất ra 1 kg bắp cần 1211 lít nước
 
 
9. Cần 586 lít nước để sản xuất ra 1 kg đậu xanh.
 
 
10. Sản xuất ra 1 quả trứng cũng cần tới 196 lít nước.
 
 
Sau khi nhìn những thông tin trên bạn có nhận ra rằng lượng nước để sản xuất ra 1 kg thịt thường lớn hơn nhiều lần lượng nước sản xuất ra 1 kg rau củ? Vì vậy thay vì lúc nào cũng phải có thịt trong thực đơn của mình, hãy ăn chay thường xuyên hơn vừa tốt cho sức khỏe vừa góp phần bảo vệ môi trường.
 
Theo Ohay TV

Một nguy cơ ung thư phổ biến mà bạn chưa từng nghe thấy

Khi một bác sĩ hỏi bạn về tiền sử bệnh trong gia đình, liệu rằng có ai đó xung quanh bạn bị ung thư hay không? Họ đang lo lắng về hội chứng Lynch xảy ra ở bạn. Mặc dù vậy, cũng giống như đa số mọi người, có thể bạn còn chưa từng nghe về khái niệm này. Trên thực tế, hội chứng Lynch chính là một nguy cơ gây ung thư phổ biến mà rất ít người quan tâm và biết đến.

50% các bậc phụ huynh mắc hội chứng Lynch di truyền nó lại cho con cái họ.
Hội chứng Lynch là hội chứng ung thư di truyền phổ biến nhất, ảnh hưởng đến cả nam và nữ giới. Nó được gây ra bởi một đột biến gen di truyền, ảnh hưởng xấu đến một trong 4 hệ thống sửa chữa gen: MLH1, MSH2, MSH6, PMS2. Chúng được gọi chung là "hệ thống ngăn ngừa ung thư" của cơ thể.
 
Khi hệ thống này bị ảnh hưởng, nó bỏ qua những lỗi gen trong tế bào. Tích lũy dần điều này có thể dẫn đến sự tăng trưởng tế bào không thể kiểm soát. Và đó chính là kết quả cuối cùng bạn gọi là ung thư.
 
Ở những người có hội chứng Lynch, ung thư có cơ hội phát triển nhanh chóng. Bệnh thường xuất hiện ở tuổi dưới 50 và đôi khi là 20 tuổi. Nếu ba mẹ bạn có hội chứng Lynch, có đến 50% khả năng họ sẽ di truyền lại nó cho bạn, bất kể giới tính.
 
Mặc dù vậy, có đến 95% người mang hội chứng Lynch không biết gì về điều đó. Sẽ là điều đáng tiếc bởi nếu được phát hiện, họ có thể áp dụng nhiều biện pháp chiến lược để phòng ngừa, hơn là đột nhiên một ngày nào đó bất ngờ nhận được chẩn đoán ung thư.
 
Hội chứng Lynch sẽ gây ra các loại ung thư nào?
 
 
Hội chứng được đặt tên theo bác sĩ Henry Lynch, người xây dựng những hệ thống tài liệu đầu tiên về nó.
 
Mô hình ung thư gia đình với hội chứng Lynch đã được quan sát từ những năm 1890 bởi bác sĩ Aldred Warthin. Tuy nhiên, đến tận những năm 1960-1970, Henry Lynch mới chính là người xây dựng những hệ thống tài liệu đầu tiên về nó.
 
Hội chứng được đặt theo tên ông, để công nhận những đóng góp của Lynch trong thời điểm này. Ông đã thiết lập được các cơ sở di truyền cho hội chứng Lynch. Nó góp phần vào chứng minh ung thư có liên quan đến yếu tố di truyền, một điều còn gây nhiều hoài nghi trong những năm 1960.
 
Có một nhầm lẫn phổ biến, hội chứng Lynch thường được gọi là ung thư đại tràng di truyền không polyp (những tổn thương lành tính giống khối u). Tuy nhiên, trên thực tế, hội chứng Lynch không chỉ là tác nhân của ung thư đại tràng, và người bệnh hoàn toàn có thể phát triển những polyp.
 
Ung thư đại tràng và nội mạc tử cung là hai bệnh thường liên kết chặt chẽ nhất với hội chứng Lynch. Ngoài ra, nó cũng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng, dạ dày, gan, túi mật, tiết niệu, não , tụy, da, thực quản và ruột non.
 
 
Hội chứng Lynch gây ra nhiều nhất các trường hợp ung thư đại tràng.
 
Một số người mắc hội chứng Lynch có những khối u rất lạ và khó phát hiện. Ví dụ, chúng có thể mỏng bất thường hoặc là các polyp ẩn ở bệnh nhân ung thư vú hoặc ruột.
 
Chẩn đoán hội chứng Lynch
Bạn có quyền nghi ngờ mình đang mang gen hội chứng Lynch, khi gia đình hay họ hàng gần có tiền sử ung thư phổ biến. Các dấu hiệu cụ thể bao gồm: nhiều hơn 3 thành viên gia đình mắc ung thư, hai thế hệ liên tiếp trở nên mắc ung thư, một thành viên gia đình mắc ung thư khi chưa đến 50 tuổi.
 
Trong trường hợp không có dữ liệu về tiền sử ung thư trong gia đình, một bác sĩ vẫn sẽ nghi ngờ hội chứng Lynch, nếu bạn dưới 50 tuổi mà có một hoặc nhiều hơn biểu hiện của ung thư.
 
Bất kể một bệnh nhân nào bị nghi ngờ mang hội chứng Lynch sẽ cần chẩn đoán đặc biệt gọi là xét nghiệm ung thư gia đình. Ở đó, các chuyên gia sẽ tư vấn cho họ cách đánh giá toàn diện và giải thích quá trình các gen di truyền gây ung thư.
 
 
Hội chứng Lynch nên được quan tâm nhiều hơn.
 
Nếu được sự đồng ý từ bệnh nhân và gia đình họ, bác sĩ sẽ thử nghiệm mẫu mô từ khối u trong quá khứ của thành viên trong gia đình để tìm ra biến đổi gen không phù hợp. Được phát hiện, các chiến lược giảm thiểu rủi ro cho người bệnh nghi ngờ hội chứng Lynch sẽ được xác định. Các thành viên khác trong gia đình sau đó cũng có thể được tìm kiếm đột biến tương tự chỉ bằng xét nghiệm máu đơn giản.
 
Kiểm soát hội chứng Lynch như thế nào?
Trong trường hợp đã xác định được hội chứng Lynch, nó cần phải được kiểm soát trên cơ thể người bệnh. Một kế hoạch giám sát thường xuyên sẽ được đặt ra để phát hiện sớm bất kể một vấn đề nào liên quan đến ung thư. Các polyp được loại bỏ trước khi chúng có cơ hội tiến triển thành ung thư.
 
Ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra những phương pháp sáng tạo trong việc giảm nguy cơ ung thư đến từ hội chứng Lynch. Ví dụ, đơn giản từ sử dụng aspirin cho đến phức tạp như cắt bỏ nội tạng, điển hình là buồng trứng, cơ quan dễ bị ung thư nhưng khó phát hiện.
 
Những người có hội chứng Lynch phải được nội soi thường xuyên để phát hiện những bất thường, ví dụ như polyp ruột. Ở người bình thường, polyp trung bình mất 10 năm để biến thành ung thư. Nhưng ở những người có hội chứng Lynch, con số chỉ là 35 tháng. Ung thư tử cung ở người bình thường diễn ra trên tuổi 64. Nhưng với bệnh nhân hội chứng Lynch, nó xuất hiện từ tuổi 42.
 
 
Hiểu biết về hội chứng Lynch giúp chăm sóc sức khỏe gia đình tốt hơn.
 
Kế hoạch giám sát thường xuyên cũng phụ thuộc vào từng gia đình mang hội chứng Lynch. Ví dụ, một gia đình có lịch sử ung thư dạ dày, các thành viên sẽ cần thực hiện nội soi thường xuyên hàng năm.
 
Tất cả những biện pháp chẩn đoán và kiểm soát hộ chứng Lynch hiện nay đã có thể làm việc khá hiệu quả. Nó giúp bạn tránh được ung thư đến từ yếu tố di truyền. Đáng tiếc, không nhiều người hiểu và thực hiện điều đó. Thậm chí, mọi người còn rất lạ lẫm khi nghe đến hội chứng Lynch.
 
Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức là điều cần làm nhất lúc này. Đó sẽ là nhiệm vụ của các chuyên gia, tổ chức y tế, để giúp công chúng hiểu rõ hơn về hội chứng Lynch và những nguy cơ đến từ nó.
 
Cập nhật: 29/03/2016Theo Trí Thức Trẻ

Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên nang Diltiazem giải phóng kéo dài quy mô công nghiệp

Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên nang Diltiazem giải phóng kéo dài; sản xuất được 1 triệu viên nang Diltiazem 200mg giải phóng kéo dài 24 giờ đạt tiêu chuẩn cơ sở và có thời hạn sử dụng tương đương với thuốc cùng loại của Nhật Bản. Đó là những kết quả chủ yếu của Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên nang Diltiazem giải phóng kéo dài quy mô công nghiệp” (mã số KC.10.DA12/11-15) vừa được Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức nghiệm thu ngày 24/3/2016 tại Hà Nội.
 
 
Toàn cảnh buổi họp (Ảnh: Hạnh Nguyên)
Dự án được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Công ty cổ phần Dược và Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar), Trường Đại học Dược Hà Nội, Trường Đại học Y – Dược thành phố Hồ Chí Minh, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương. Dự án thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (KC.10/11-15), được thực hiện từ tháng 01/2014 đến tháng 12/2015. 
 
Diltiazem là loại thuốc thuộc nhóm ức chế kênh Canxi, chuyển hóa qua gan lần đầu và để điều trị đau thắt ngực, tăng huyết áp. ThS. Phạm Thị Thanh Hương – Công ty cổ phần Dược và Trang thiết bị y tế Bình Định, Chủ nhiệm Dự án cho biết, triển khai Dự án này nhóm nghiên cứu đã phối hợp thực hiện các nội dung gồm: Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên nang Diltiazem giải phóng kéo dài (xác định thành phần phù hợp của pellet nhân và pellet giải phóng kéo dài, xác định các thông số kỹ thuật phù hợp của quy trình, tối ưu hóa công thức và thông số quy trình, sản xuất 3 lô và thẩm định quy trình sản xuất); xây dựng tiêu chuẩn chất lượng và theo dõi độ ổn định sản phẩm tương đương với sản phẩm nhập ngoại (xây dựng và thẩm định tiêu chuẩn chất lượng, đánh giá độ ổn định thành phẩm); đánh giá tương đương sinh học của sản phẩm so với thuốc chứng). 
 
Kết quả, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên nang Diltiazem giải phóng kéo dài; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng và theo dõi độ ổn định sản phẩm tương đương với sản phẩm nhập ngoại. Dự án đã sản xuất được 1 triệu viên nang Diltiazem 200mg giải phóng kéo dài 24 giờ đạt tiêu chuẩn cơ sở và có thời hạn sử dụng tương đương với thuốc cùng loại của Nhật Bản. Đồng thời, xây dựng báo cáo kết quả đánh giá tương đương sinh học của sản phẩm; báo cáo kết quả đánh giá độ ổn định của sản phẩm đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế; hồ sơ báo cáo thẩm định quy trình sản xuất ở quy mô 335.000 viên/ lô; quy trình sản xuất viên nang Diltiazem giải phóng kéo dài 24 giờ ở quy mô 335.000 viên/ lô.
 
Theo ThS.Phạm Thị Thanh Hương, sản phẩm áp dụng kỹ thuật tối ưu hóa để xác định thành phần công thức bào chế tối ưu; giúp bệnh nhân giảm lượng thuốc dùng, tăng sự tuân thủ chế độ điều trị. Đây là công nghệ sản xuất pellet quy mô công nghiệp áp dụng thành công đầu tiên ở Bidiphar và ở Việt Nam. Bao màng kiểm soát giải phóng, theo cơ chế khuếch tán.
 
Tại buổi họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu, các thành viên hội đồng đều đánh giá cao kết quả của nhóm nghiên cứu, đồng thời cho rằng những kết quả của dự án có ý nghĩa khoa học, thực tiễn và xã hội rất lớn. Cụ thể, nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất thuốc dạng pellet tác dụng kéo dài, có khả năng phát triển để nghiên cứu bào chế các thuốc đặc trị thay thế thuốc ngoại nhập theo chủ trương của Bộ Y tế. Giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân đặc biệt với bệnh mãn tính. Dự kiến, giá thành của sản phẩm là 2.200/viên, trong khi giá trúng thầu của sản phẩm nhập khẩu là 4.400/viên. Dự án cũng góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Những kết quả của Dự án sẽ tạo tiền đề cho Bidiphar phát triển dòng sản phẩm thuốc viên chứa pellet và thuốc phóng thích kéo dài.
 
Nguồn:  Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước
 

Chế tạo thành công bộ sinh phẩm xác định vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết

Nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 do PGS.TS Lê Hữu Song đứng đầu vừa nghiên cứu chế tạo thành công bộ sinh phẩm xác định các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp và phát hiện gen kháng sinh. 
 
 
Toàn cảnh buổi nghiệm thu (Ảnh: Hạnh Nguyên)
Đây là kết quả chính của đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xác định vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp và phát hiện gen kháng sinh” (mã số KC.10.43/11-15), thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (mã số KC.10/11-15). Đề tài vừa được Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức đánh giá nghiệm thu ngày 24/3/2016. 
 
PGS.TS Lê Hữu Song, Chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài được thực hiện từ ngày 01/01/2014 đến ngày 01/12/2015. Đề tài hướng đến mục tiêu chế tạo được bộ sinh phẩm xác định các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp; chế tạo được bộ sinh phẩm phát hiện gen kháng kháng sinh của các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp, đồng thời đánh giá hiệu quả của các bộ sinh phẩm trên. Nhóm nghiên cứu xác định, phải thiết kế được bộ mồi có tính đặc hiệu và khả năng bắt cặp cao; loại bỏ được lượng dư thừa DNA người trong mẫu máu; tối ưu được các điều kiện của xét nghiệm PCR, đặc biệt là PCR đa mồi.
 
Với sự phối hợp của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện nhiệt đới Trung ương… đến nay, nhóm nghiên cứu đã chế tạo được bộ sinh phẩm xác định các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp là Vi khuẩn Gram (-) và Vi khuẩn Gram (+). Ngưỡng phát hiện trung bình của bộ sinh phẩm là 10 CFU/ml máu. Sau 4 tháng bảo quản độ nhạy kỹ thuật và độ đặc hiệu của bộ sinh phẩm vẫn bảo đảm là 10 CFU/ml và 100%. Cùng với đó, đã chế tạo được bộ sinh phẩm phát hiện gene kháng kháng sinh của các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp; sinh phẩm loại bỏ DNA người làm giàu DNA vi khuẩn (sản phẩm này không nằm trong yêu cầu của đề tài).
 
Bộ sinh phẩm được tạo ra đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, so với phương pháp cấy máu và bộ kit thương mại (CE-IVD Septifast), bộ sinh phẩm được tạo ra có độ nhạy, độ đặc hiệu tương đương (37%, 100% so với 39%, 33% và 100%). Khi kết hợp bộ sinh phẩm mới được tạo ra với cấy máu đã nâng độ nhạy lên 54% và độ đặc hiệu vẫn đạt 100%. Tức là, nếu sử dụng bộ sinh phẩm mới tạo ra sẽ nâng khả năng chẩn đoán mầm bệnh gây nhiễm khuẩn huyết lên 15%. Giá thành tạm tính của bộ sinh phẩm mới tạo ra thấp hơn gần 1/2 lần so với bộ kit thương mại CE-IVD septifast (2,5 triệu/mẫu so với 4,4 triệu/mẫu). 
 
 
Bộ sinh phẩm phát hiện vi khuẩn (Ảnh: Hạnh Nguyên)
 
Bộ sinh phẩm được tạo ra có tính linh hoạt trong sử dụng, quy trình thực hiện đơn giản, thân thiện với người sử dụng. Đồng thời, có thể sử dụng trên nhiều thiết bị sinh học phân tử hiện có tại các phòng xét nghiệm của các Bệnh viện ở nước ta nên không cần phải đầu tư lớn. Nhóm nghiên cứu cũng đã kiến nghị được triển khai dự án sản xuất thử nghiệm bộ sinh phẩm đã được tạo ra trong thời gian tới. 
 
Nhóm nghiên cứu cũng đã nghiên cứu tạo ra quy trình chế tạo sinh phẩm chẩn đoán các mầm bệnh gây nhiễm khuẩn huyết thương gặp; quy trình chế tạo sinh phẩm phát hiện các gene kháng kháng sinh của vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp; đưa ra tiêu chuẩn cơ sở của các bộ sinh phẩm trên tương đương với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. 
 
Ngoài những kết quả nói trên, đề tài đã công bố 6 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành uy tín trong nước và quốc tế; góp phần đào tạo 2 thạc sỹ, 1 tiến sĩ. Đặc biệt, có 2 đơn đăng ký bằng độc quyền sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chấp nhận đơn. 
 
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao những kết quả đạt được của nhóm nghiên cứu và cho rằng đây là đề tài có ý nghĩa khoa học, thực tiễn lớn. Với những kết quả đạt được, Hội đồng nghiệm thu đã nhất trí thông qua đề tài và đánh giá xếp loại Xuất sắc. 
 
Nguồn:  Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước
 

Hội thảo xây dựng định hướng nghiên cứu cơ bản ưu tiên trong lĩnh vực khoa học sự sống, hóa học và khoa học biển giai đoạn 2016 – 2020

Triển khai Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Bộ KH&CN được giao chủ trì thực hiện Đề án “Xây dựng Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học Sự sống, Khoa học Trái đất và Khoa học Biển đến năm 2020” để trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2015.
 
Sáng 25 và 26/3/2016, Bộ KH&CN đã tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng, quan điểm, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp phát triển khoa học cơ bản trong các lĩnh vực Khoa học Sự sống, Hóa học và Khoa học Biển đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Chủ trì Hội thảo có Lãnh đạo Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, GS.TSKH. Trần Văn Sung, GS. GS.TSKH. Nguyễn Văn Cư và PGS.TS. Đỗ Năng Vịnh – Tổ trưởng tổ chuyên gia xây dựng Đề án. Đại biểu tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quy Nhơn, các trường đại học, viện nghiên cứu và các nhà khoa học thuộc lĩnh vực Khoa học Sự sống, Hóa học và Khoa học Biển.
 
 
Tại Hội nghị, Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên đã chủ trì các tham luận về nội dung, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển Khoa học Sự sống, Hóa học và Khoa học Biển đến năm 2020 tầm nhìn 2030, các dự kiến nội dung, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp và kế hoạch triển khai Đề án để hướng đến mục tiêu chung của Chương trình là: Nâng cao tiềm lực lĩnh vực Khoa học cơ bản; Đào tạo nhân lực lĩnh vực Khoa học cơ bản trình độ cao; Nâng cao vị thế của lĩnh vực Khoa học cơ bản Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; Tập trung một số nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng để giải quyết các vấn đề của sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
 
 
Hội thảo nhằm tập trung thảo luận về những định hướng ưu tiên trong lĩnh vực Khoa học Sự sống, Hoa học và Khoa học Biển đánh giá thực trạng phát triển, định hướng ưu tiên, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển các lĩnh vực khoa học cơ bản nêu trên.
 
 
Các đại biểu đã thảo luận, đánh giá về hoạt động nghiên cứu cơ bản, tìm ra những lợi thế, đặc điểm riêng để xác định cụ thể định hướng ưu tiên trong lĩnh vực Khoa học Sự sống, Hóa học và Khoa học Biển.
 
Trong khuôn khổ Hội thảo, các tham luận đến từ các nhà khoa học đầu ngành từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà quản lý… đã được đưa ra thảo luận, góp ý cho quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện phát triển các lĩnh vực khoa học cơ bản nêu trên. 
 
 
Các nhà khoa học đánh giá cao sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của Bộ KH&CN đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản lĩnh vực Khoa học Sự sống, Hóa học, Khoa học Biển và của Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia.
 
Nguồn:  Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên
 

Thông báo Danh sách công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN của Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhận được 01 hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ của Viện Công nghệ xạ hiếm thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đề nghị.
 
Tên cụm công trình: “Nghiên cứu công nghệ sản xuất urani kỹ thuật và chế tạo viên gốm nhiên liệu hạt nhân từ quặng urani Việt Nam, chuẩn bị cho nội địa hóa cung ứng nhiên liệu của nhà máy điện hạt nhân”.
 
Các đồng tác giả công trình:
 
TT – Học hàm, học vị, họ và tên
1
 
PGS.TSKH. Thái Bá Cầu
 
13
 
TS. Đỗ Quý Sơn
 
2
 
TS. Nguyễn Xuân Chiến
 
14
 
ThS. Đoàn Thanh Sơn
 
3
 
KS. Nguyễn Văn Đoàn
 
15
 
KS. Phạm Đức Thái
 
4
 
TS. Đặng Anh Hào
 
16
 
TS. Cao Hùng Thái
 
5
 
KS.Trần Văn Hoà
 
17
 
ThS. Lê Quang Thái
 
6
 
TS. Nguyễn Trọng Hùng
 
18
 
TS. Cao Đình Thanh
 
7
 
ThS. Nguyễn Đức Hư­ng
 
19
 
KS. Đặng Ngọc Thắng
 
8
 
TS. Nguyễn Đức Kim
 
20
 
PGS.TS. Lê Bá Thuận
 
9
 
TS. Lê Viết Lân
 
21
 
KS. Vũ Hưng Triệu
 
10
 
PGS.TS. Đỗ Ngọc Liên
 
22
 
PGS.TS. Huỳnh Văn Trung
 
11
 
TS. Thân Văn Liên
 
23
 
TS. Chu Văn Vĩnh
 
12
 
TS. Vũ Thanh Quang
 
24
 
TS. Nguyễn Thị Kim Dung
 
Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai tổ chức Hội đồng cấp Bộ xét tặng Giải thưởng cho cụm công trình nêu trên. Bộ Khoa học và Công nghệ trân trọng thông báo./.
 
Nguồn:  Vụ Thi đua – Khen thưởng
 

Đọc sách để hiểu con

TTO – Nhiều bậc làm cha mẹ tìm đến Hội sách TP.HCM để tìm kiếm những lời khuyên nhủ từ các tác giả, để tìm một cách “làm bạn” với con bắt đầu từ những trang sách. 
 
 
Độc giải giao lưu với tác giả Thu Hà quanh cuốn sách Con nghĩ đi mẹ không biết – Ảnh: Minh Nguyên
Điều thú vị của Hội sách năm nay là dù phần lớn đều hướng đến đối tượng độc giả trẻ nhưng không vì thế mà thiếu vắng những gương mặt phụ huynh.  Đứng chung cùng con xếp hàng để xin chữ ký tác giả Anh Khang, sẽ thấy không phải một mà rất nhiều lần cảnh những vị phụ huynh phải chạy lên năn nỉ tác giả: Con ơi, ký trước dùm con cô để cô chở nó về đi học không muộn giờ học!
 
Con nghĩ đi mẹ không biết của tác giả Thu Hà có đến ba buổi giao lưu ở Hội sách năm nay (chưa kể buổi giao lưu ngày ra mắt sách trước khi Hội sách mở cửa) và buổi giao lưu nào tác giả cũng nhận được những câu hỏi làm thế nào để bớt lo lắng khi con cái bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, con mình sẽ được – mất gì khi bố mẹ “đấu tranh” với giáo viên…
 
Đó cũng là lí do trong một buổi kí tặng sách, chị phải mời đến cả chuyên gia tư vấn về tâm lý lẫn hội trưởng một hội các bà mẹ trên internet để cùng giúp chị trả lời những thắc mắc về cách nuôi dạy con.
 
Trưa 26-3, đi ngang quầy của NXB Phụ nữ, thật lạ khi thấy một nhóm bạn trẻ (khoảng lớp 7, lớp 8) đứng thấp thỏm trước quầy kháo nhau: “Ủa có cuốn Cuộc chiến tuổi dậy thì kia! Cô viết sách này có ở đây không ta?”.
 
Hỏi ra mới biết, hai cuốn Cuộc chiến tuổi dậy thì của PGS-TS Nguyễn Thị Phương Hoa – giảng viên bộ môn Tâm lý ĐH Quốc gia Hà Nội và Tuổi dậy thì không gì phải sợ của Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Hoa đã cháy hàng vài ngày nay. 
 
Tổng biên tập NXB Phụ nữ, bà Hoa Phượng cho hay: tuy đây không phải là hai tập sách mới nhưng vẫn luôn nhận được sự quan tâm nồng nhiệt của độc giả. Lí do là bởi câu chuyện trong sách cũng là câu chuyện thật của tác giả – đồng thời cũng là một bậc phụ huynh đã từng trải qua nhưng ngày đấu tranh dai dẳng với những đứa con đang trong tuổi ẩm ương của mình; lại được viết bằng giọng văn hài hước, vui vẻ, cả nhà có thể ngồi xuống đọc cùng nhau, hay các em cũng có thể lấy đọc để hiểu về sự thay đổi về tâm sinh lý của chính mình.  
 
Trước đó, nhiều ông bố bà mẹ trẻ cũng đã “rỉ tai” nhau tìm mua cuốn Để con được ốm của tác giả Uyên Bùi và bác sĩ Trí Đoàn.
 
Không chỉ hoá giải về những hiểu lầm từ những kinh nghiệm dân gian được truyền lại dưới góc độ khoa học, sách còn kể về hành trình làm mẹ của một bà mẹ trẻ từ lúc mang thai cho đến lúc chăm sóc con mình trở thành một cô bé khoẻ mạnh, đáng yêu.
 
Chị Thái Hà – một bà mẹ trẻ lần đầu sinh con chia sẻ khi chọn mua cuốn sách này vì: “Tôi hầu như không có kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ con, và cũng không muốn nuôi con theo kiểu cũ nên việc tham khảo những cuốn sách của những bà mẹ trẻ tiến bộ là một cách để học hỏi thêm”. 
 
“Điểm đặc biệt của những phụ huynh khi đi mua sách là họ mua sách của tất cả các tác giả, đơn vị phát hành, những đầu sách mà họ cảm thấy cần thiết chứ không phải là “fan” của tác giả nào. Vì vậy, những buổi giao lưu chia sẻ về những cuốn sách này không đông đảo về số lượng như các buổi ra mắt sách của những tác trẻ nhưng đó là những buổi chia sẻ chất lượng và thể hiện mối quan tâm sâu sắc của những bậc cha mẹ” – bà Minh Châu, đơn vị phát hành sách Con nghĩ đi mẹ không biết nói thêm. 
 
MINH TRANG
 

Khai mạc hội sách khởi nghiệp mùa xuân

TTO –  Tập trung vào dòng sách khởi nghiệp, Hội sách mùa xuân 2016 khai mạc hôm nay 30-3 và kéo dài đến ngày 3-4 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam – 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
 
 
Bạn trẻ đọc sách tại Hội sách mùa xuân 2016 sáng 30-3 – Ảnh: Phạm Tô Chiêm
Theo thông tin từ ban tổ chức, dịp này, ba đơn vị tổ chức gồm NXB Kim Đồng, NXB Phụ nữ và NXB Trẻ sẽ trình làng nhiều tựa sách mới.
 
NXB Phụ nữ có Tủ sách Khởi nghiệp với các cuốn: Chín chiến lược học tiếng Anh cho người Việt (Victoria Quỳnh Giang), loạt sách Khởi nghiệp từ A tới Z đơn giản trên một chiếc khăn giấy, Cafe book, 3 cách nhanh nhất để thành công và giàu có…
 
NXB Trẻ thì giới thiệu loạt sách về kinh doanh như Marketing theo dữ liệu lớn, Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế (Inamori Kazuo), Dạy con dùng tiền (Adam Khoo)…
 
Bên cạnh đó, NXB Phụ nữ còn có buổi giao lưu với Alex Tu – tác giả bộ ba sách khởi nghiệp cùng người thầy CEO RichDadAsia Multi-millionaire, Bellum Tan; NXB Trẻ có buổi trò chuyện mang chủ đề Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế bàn về việc học hỏi được gì từ người Nhật và câu chuyện về triết lí kinh doanh theo con đường "chính đạo" của người Nhật.
 
Dịp này, độc giả cũng có thể gặp gỡ, giao lưu với các cây bút như Nguyễn Xuân Thủy, anh Chánh văn- Đoàn Công Lê Huy.
 
 
Sách cho mẹ – Ảnh: Phạm Tô Chiêm
 
Cũng tại hội sách này, nhiều đầu sách văn học mới được giới thiệu như: Viết cho những điều bé nhỏ (nhà báo Đoàn Công Lê Huy và Ngô Thị Phú Bình), tuyển tập Thơ và Đảo Chìm (Trần Đăng Khoa)…của NXB Kim Đồng; tập thơ Ở thế gian (Đỗ Trọng Khơi), các tập truyện ngắn Đàn ông tình dục, đàn bà tình yêu (M.C Kim Ngân), Chồng xứ lạ (Trang Hạ), Nổi tiếng có phải là một món quà? (Đinh Thu Hiền), tiểu thuyết trinh thám Cô gái trong mạng nhện (David Lagercrantz)…của NXB Phụ nữ; Vết gió (Đỗ Phấn), Biệt cánh chim trời (Cao Duy Sơn), Có tiếng người trong gió (Nguyễn Xuân Thủy), Mong manh (Nguyễn Ngọc Tiến), Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa (Phan Thị Vàng Anh), Không ai sang sông (Nguyễn Ngọc Tư)…của NXB Trẻ.
 
Ngoài ra, cũng như các hội sách khác, nhiều đầu sách đồng giá 5.000, 10.000, 15.000 đồng và giảm giá 30-50% được bày bán tại đây.
 
 
Quang cảnh hội sách sáng 30-3 – Ảnh: Phạm Tô Chiêm 
 
Lịch hoạt động tại Hội sách:
 
14g ngày 30-3: Giao lưu ra mắt sách Có tiếng người trong gió của tác giả Nguyễn Xuân Thủy
 
9g ngày 31-3: Ra mắt sách Thiên nhiên đất nước ta, bức tranh tứ bình về địa lí Việt Nam 
 
9g30 ngày 1-4: Giao lưu với anh Chánh Văn – Đoàn Công Lê Huy nhân dịp ra mắt dòng sách tản văn Viết cho những điều bé nhỏ
 
9g ngày 2-4: Giao lưu với Alex Tu – tác giả bộ ba sách khởi nghiệp: Khởi nghiệp từ A tới Z.
 
14g ngày 2-4: Thảo luận bàn tròn: Con ngoan tại bố với các khách mời: PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Ths Trần Văn Hùng, nhà báo Phạm Thị Hoài Anh – NXB Phụ Nữ tổ chức.
 
9g ngày 3-4: Sân chơi của những độc giả yêu truyện tranh.
 
15g ngày 3-4: Trò chuyện Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế.
 
Đ.TRIẾT – P.TÔ CHIÊM
 

Sửa luật để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ

Dự thảo Luật lần này cần tập trung vào sửa đổi, bổ sung một số nội dung về phát triển thị trường khoa học và công nghệ; về chính sách khuyến khích thúc đẩy hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nước.
 
Nhằm lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiệnDự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ, sáng 29/3, tại Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội thảo về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ với sự chủ trì của Thứ trưởng Chu Ngọc Anh.
 
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng: “Luật Chuyển giao công nghệ đã ra đời từ cách đây 10 năm. Sự ra đời của Luật ở thời điểm đó là rất kịp thời, tuy nhiên do nhận thức của chúng ta lúc đó chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển hiện tại nên Luật còn nhiều bất cập”.
 
Thứ trưởng cũng nêu một số vấn đề nổi cộm trong chuyển giao công nghệ tại nước ta. Cụ thể là các tổ chức trung gian chưa thực sự phát triển; vấn đề phát triển công nghiệp phụ trợ, vệ tinh và vai trò quản lý của cơ quan nhà nước với các dòng chuyển giao công nghệ vào Việt Nam; vai trò đầu tư, hỗ trợ của nhà nước trong quá trình chuyển giao công nghệ; tỉ lệ, tốc độ đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp tương đối chậm; vấn đề thương mại hoá kết quả nghiên cứu và cuối cùng là cơ hội chuyển giao công nghệ trong các dự án đầu tư.
 
 
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Ngũ Hiệp
Từ thực tế này dự thảo Luật cần tập trung vào sửa đổi, bổ sung một số nội dung về phát triển thị trường khoa học và công nghệ; về chính sách khuyến khích thúc đẩy hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; về thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nước; về các tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ; về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và một số vấn đề khác.
 
Góp ý cho Dự thảo Luật, TS Trần Việt Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng dự thảo chưa có chế tài xử phạt vi phạm trong chuyển giao công nghệ. Ví dụ một công ty cung cấp hạt giống nói đây là hạt giống cho năng suất cao, nhưng kết quả cho toàn hạt lép. Vậy khi đó xử phạt thế nào, ai xử phạt họ? Bên cạnh đó, luật 2006 và dự thảo luật bản đầu tiên cũng đi theo hướng quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ bằng việc cấp giấy phép. Điều này vô cùng bất cập bởi hoạt động chuyển giao công nghệ thể hiện dưới nhiều hình thức. Ví dụ thụ tinh nhân tạo, cấy ghép nội tạng… là những công nghệ được chuyển giao nhưng không thông qua việc cấp giấy phép.
 
TS Hùng cũng đề nghị bổ sung vào Dự thảo luật chế độ hỗ trợ và khuyến khích trong chuyển giao công nghệ. Theo ông Hùng, nếu không có, Luật rất dễ rơi vào tình trạng chết yểu. 
 
GS Hồ Sỹ Thoảng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam thì cho rằng: cần phát triển dịch vụ chuyển giao công nghệ để thúc đẩy sản xuất. Về vấn đề khuyến khích ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp, cần có cách thức tiếp cận riêng với từng loại hình doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ nên có bộ phận Innovation, được sự cho phép của Chính phủ, của Quốc hội, đầu tư rất nhiều tiền để đưa các công nghệ mới vào một lĩnh vực nào đó, làm đầu tàu cho các doanh nghiệp khác noi theo.
 
Bên cạnh đó, có khá nhiều ý kiến đóng góp về vấn đề sử dụng thuật ngữ cũng như cách thức trình bày các điều luật trong Dự thảo luật sao cho dễ hiểu, có tính quy định hơn.
 
Hiền Thảo