Báo Khoa học và Phát triển tường thuật trực tuyến cuộc gặp giữa Thủ tướng với các nhà khoa học trẻ

 
Ngày 11/9/2015, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức sự kiện Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015. Đây là lần đầu tiên Bộ KH&CN tổ chức sự kiện này. Báo Khoa học và Phát triển sẽ tường thuật trực tuyến sự kiện này. 
 
Những nhà khoa học trẻ tiêu biểu trên toàn quốc sẽ có cơ hội giao lưu, trao đổi, và học hỏi lẫn nhau. (Ảnh minh họa. Nguồn: futureuniv)
 
Tham dự buổi Gặp mặt có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo các Viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; các nhà khoa học có uy tín thuộc các Viện, trường đại học, cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước cùng 70 nhà khoa học tiêu biểu.
 
Các nhà khoa học trẻ tham dự hội nghị là những cá nhân có tuổi đời không quá 35, có thành tích nổi trội như đạt các giải thưởng về KH&CN, có sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ, có nhiều bài báo đăng trên tạp chí uy tín quốc tế, có công trình được ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao. 
 
Tại cuộc gặp gỡ, theo Ban tổ chức, dự kiến một thời lượng lớn thời gian được dành để các nhà khoa học trẻ trình bày các tham luận, các đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Chính phủ liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng trong hoạt động nghiên cứu và phát triển KH&CN. Đã có những đăng ký trình bày tham luận kèm đề xuất, kiến nghị về các vấn đề như: 
 
* Khoa học và Công nghệ với an ninh và quốc phòng; vai trò của giới trẻ đối với vấn đề an ninh và quốc phòng của đất nước và việc ứng dụng KH&CN vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
* Việc ứng dụng kết quả KH&CN vào giảng dạy đại học. Phát triển nghiên cứu trong trường đại học và xây dựng đại học định hướng nghiên cứu.
 
* Việc ứng dụng kết quả KH&CN vào cuộc sống; sử dụng kết quả KH&CN phục vụ công tác xã hội và hoạt động cộng đồng. 
 
Bên cạnh các tham luận, lãnh đạo Chính phủ sẽ dành khoảng một giờ để thảo luận cùng các nhà khoa học trẻ về các vấn đề quan tâm.
 
Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, đội ngũ các nhà khoa học trẻ ngày càng thể hiện vai trò là lực lượng nòng cốt và tiên phong trong hoạt động nghiên cứu và sáng tạo, có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự phát triển KH&CN của đất nước. 
 
Sự kiện này không chỉ nhằm ghi nhận, biểu dương những đóng góp của các nhà khoa học trẻ đối với sự phát triển của đất nước nói chung và nền KH&CN nước nhà nói riêng, mà còn là dịp để các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cả các nhà khoa học trẻ, từ đó có cơ chế, chính sách phù hợp. Đồng thời động viên đội ngũ nhà khoa học trẻ tiếp tục duy trì đam mê, phát huy sự chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu, đưa KH&CN vào sản xuất và đời sống, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đóng góp thể lực và trí lực cho sự phát triển của đất nước.
 
Vào lúc 8h sáng mai (Thứ Sáu, 11/9/2015), chương trình "Gặp mặt các nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015" sẽ được tường thuật trực tuyến trên Báo Khoa học và Phát triển. 
 
Trân trọng kính mời quý bạn đọc theo dõi trên http://khoahocphattrien.vn/
 
Nguồn:  Báo Khoa học và Phát triển

Điểm tin KH&CN từ ngày 29/8-5/9

 
Đại hội đại biểu lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
 
Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý hoạt động KHCN; TP Hồ Chí Minh cần nâng mức chi cho KH-CN lên 4%; Phát hiện hàng loạt sai phạm trong kinh doanh hàng đóng gói sẵn;…là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.
Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý hoạt động KHCN
 
Ngày 29.8, tại Hà Nội, Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
 
Tại Đại hội, Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2010 – 2015, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh, 5 năm qua, Đảng bộ và toàn thể cán bộ, công nhân và người lao động trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã không ngừng phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đề ra đều cơ bản hoàn thành. Giai đoạn 2015 – 2020, Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động khoa học và công nghệ, tiếp tục hoàn thiện môi trường thể chế và chính sách thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo; … 
 
Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2015 – 2020 gồm 27 đồng chí và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng tiếp tục được bầu làm Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020. (Theo Đại biểu nhân dân 29/8).
 
TP Hồ Chí Minh cần nâng mức chi cho KH-CN lên 4%
 
Ngày 30/8, Đoàn giám sát liên ngành của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dẫn đầu, đã làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học công nghệ và Luật Khoa học và Công nghệ.
 
 
 
Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc tại khu công nghệ cao TP HCM
 
 
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những kết quả bước đầu mà TP Hồ Chí Minh đã đạt được trong phát triển khoa học công nghệ tại địa phương thông qua nhiều cách làm hay, sáng tạo và đột phá như áp dụng mô hình vườn ươm sáng tạo khoa học công nghệ,….  Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, là một trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật của cả nước, TP Hồ Chí Minh cần chi đầu tư nhiều hơn cho khoa học công nghệ. Hiện nay, mức 2,06% ngân sách hằng năm là trên mức quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, nhưng vẫn chưa cao. Cần nâng mức chi hàng năm lên khoảng 4% ngân sách, mới đáp ứng được nhu cầu phát triển khoa học công nghệ, tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. (Theo Công an nhân dân 30/8).
 
Phát hiện hàng loạt sai phạm trong kinh doanh hàng đóng gói sẵn
 
Ngày 01/9/2015, Thanh tra Bộ KH&CN cũng có văn bản số 434/TTra-P4 gửi Sở KH&CN các tỉnh/thành phố đề nghị tiếp tục triển khai thanh tra chuyên đề diện rộng năm 2015 đối với hàng đóng gói sẵn theo đúng nội dung và tiến độ đã được Bộ KH&CN chỉ đạo tại Công văn số 908/BKHCN-TTra ngày 30/3/2015.  
 
Qua quá trình triển khai thanh tra, kiểm tra tại 1059 cơ sở, Thanh tra các Sở KH&CN đã phát hiện 220 cơ sở vi phạm (chiếm 20,7% số cơ sở thanh tra), xử phạt vi phạm hành chính 364.400.000 đồng, truy thu số tiền 19.718.783 đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu được phát hiện như: Không ghi lượng hàng đóng gói sẵn, ghi không đúng đơn vị đo pháp định, giá trị trung bình nhỏ hơn giá trị trung bình cho phép, số đơn vị hàng đóng gói sẵn không phù hợp vượt quá giá trị cho phép… 
 
Thanh tra Bộ KH&CN đề nghị các Sở KH&CN còn lại cần khẩn trương triển khai thanh tra và báo cáo kết quả về Thanh tra Bộ KH&CN theo để theo dõi, tổng hợp và kịp thời thông tin tới công chúng. (Theo vietq 4/9).
 
Sáng tạo trẻ: Từ chuyện cây chùm ngây…
 
Võ Thị Trúc Ly và Cao Tiến Trung, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định đã dùng hạt chùm ngây để xử lý nước lũ thành nước sinh hoạt. 
 
Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng hạt chùm ngây để xử lý nước lũ thành nước sinh hoạt” của hai học sinh trên đã được giải nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia 2015 (khu vực phía nam).
 
 
Hạt cây chùm ngây có tác dụng lọc nước lũ
 
Các hạt chùm ngây có chất lượng tốt được chọn ra, thu lấy nhân bên trong hạt, sấy nhẹ ở 40 – 70 độ C trong 24 giờ rồi đem nghiền nhỏ. Nhân hạt chùm ngây sau khi được xay nhỏ thành bột mịn dùng làm chất keo tụ trong nghiên cứu. Mẫu nước lũ được lấy ở 3 con sông: Lại, Tuy Phước và Hà Thanh. Nước lũ được cho qua lớp keo tụ là nhân hạt chùm ngây xay nhuyễn, lắng nước rồi lọc ra. Theo kết quả phân tích, mẫu nước sau khi lọc đã xử lý được gần như triệt để hàm lượng COD, Fe, Mn. Ngoài ra, việc sử dụng vật liệu từ hạt chùm ngây còn xác định được hàm lượng vi khuẩn Ecoli và Colifom trong mẫu nước lũ trước khi xử lý và có thể kháng khuẩn triệt để. (Theo Thanh niên 3/9).
 
Nam sinh cấp 3 chế tạo thành công ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời
 
Với mong muốn sở hữu một chiếc ô tô do chính tay mình tạo ra, sau một thời gian mày mò nghiên cứu, cậu học trò Đoàn Quang Hưởng ở xã Nghĩa Lợi (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) đã chế tạo thành công chiếc ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời.
 
Sau hơn 4 tháng cần mẫn, không nản lòng, Hưởng đã chế tạo thành công chiếc xe ô tô không xả khói bụi ra môi trường.
 
Chiếc xe hoàn thiện có chiều dài 1,8m, chiều rộng 1,2m, chiều cao 1,5m, trọng lượng xe 190kg. Xe có một chỗ ngồi và một thùng để đồ, vận tốc tối đa xe đạt được là 30km/h. Hiện nay, chiếc xe được sử dụng để đi lại trong làng xã, đưa đón các em nhỏ đi học ở xa, giúp bố mẹ vận chuyển hàng hóa.
 
Nguyên liệu để Hưởng làm nên chiếc ô tô này hầu hết là tận dụng từ những đồ phế thải có thể dùng được để lắp ráp. 4 bánh xe được lấy từ chiếc xe máy Attila của nhà bị hỏng; bình ắc quy, xi-nhan được lấy từ xe máy điện cũ của anh trai. Các phụ kiện khác như pin mặt trời và những bộ phận quan trọng để đạt được chất lượng tốt nhất cho xe thì em mua để lắp ráp…(Theo Dân trí 29/8).
 
 
Hà Trang (Tổng hợp)

“Sáng kiến- Giải pháp” – Tôn vinh những sáng tạo của người Việt

 
Công cụ sạ lúa hàng rộng – hàng hẹp
 
Bắt đầu từ tháng 7/2015, kênh truyền hình ‪‎VTV2‬ lên sóng chương trình truyền hình “Sáng kiến – Giải pháp” nhằm tôn vinh những sáng kiến, giải pháp, ý tưởng kĩ thuật mới của người Việt.
Khác với chương trình “Nhà sáng chế” trước đó – mua bản quyền của Đài Truyền hình ABC (Australia), chương trình “Sáng kiến – Giải pháp” hoàn toàn do Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức sản xuất với những thay đổi mới hứa hẹn đem đến nhiều bổ ích, thú vị cho khán giả.
 
"Sáng kiến- Giải pháp" là một chương trình tiếp sức cho các sáng tạo kỹ thuật công nghệ của người Việt. Chương trình có một hội đồng chuyên gia thẩm định gồm những nhà khoa học trong các lĩnh vực khác nhau (công nghệ sinh học, điện tử, cơ khí, sở hữu trí tuệ và thương mại hóa sản phẩm…) nhằm đưa ra được những đánh giá, phản biện giúp các sáng chế đến gần hơn với thị trường, gần hơn với người tiêu dùng và góp phần phát triển kinh tế xã hội .
 
Song song với sự đánh giá của Hội đồng chuyên gia, chương trình có trang fanpage https://www.facebook.com/sangkiengiaiphapVTV2?fref=ts để khán giả cùng tham gia bình chọn tìm ra các giải pháp kỹ thuật mới dưới dạng sản phẩm tiêu dùng hoặc dụng cụ lao động để ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thực tiễn cuộc sống. Thông qua đó, người dân khắp cả nước có sản phẩm có thể quay clip giới thiệu về sáng kiến của mình gửi tới chương trình.
 
 
 
 
Máy cấy lúa không dùng động cơ
 
Các sản phẩm phát sóng hàng tuần trên truyền hình và sản phẩm đi kèm đồng hành phát sóng trên trang facebook để khán giả dễ dàng tham gia bình chọn sản phẩm.
 
Khung giờ phát sóng Chương trình “Sáng kiến – Giải pháp” là 17h Chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV2. Chương trình đầu tiên đã lên sóng ngày 5/7/2015 với hai sáng chế: Công cụ sạ lúa hàng rộng – hàng hẹp của Tác giả Nguyễn Đức Thành ở xóm Cầu, xã Nhã Nam, Huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang và máy cấy lúa không dùng động cơ của tác giả Trần Đại Nghĩa, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Các sản phẩm giới thiệu tại chương trình được phân tích trên mô hình 3D ngay tại trường quay. Đồng hành cùng chương trình tại trường quay là MC ThanhVân cùng các gương mặt MC hiện trường trẻ trung.                                          
 
 Bảo Chi

Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2015 – 2020

Ngày 03/9/2015, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhiệm kỳ 2015 – 2020 dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Văn Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ KH&CN nhiệm kỳ 2015 – 2020, Thứ trưởng Bộ KH&CN.
 
 
Toàn cảnh Hội nghị 
 
 
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN, đồng chí Nguyễn Đức Minh, Phó trưởng ban Tổ chức, đồng chí Nguyễn Thị Đức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ KH&CN nhiệm kỳ 2015 – 2020.
 
 
Đồng chí Trần Văn Tùng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu chủ trì Hội nghị.
 
 
Thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng, Hội nghị đã tiến hành bầu Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ; Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy Bộ; Ủy ban Kiểm tra và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ KH&CN.
 
Kết quả, các đồng chí: Trần Văn Tùng, Phạm Quang Trung, Trần Đắc Hiến, Trần Văn Vinh, Lê Xuân Định, Nguyễn Thị Mai Phương, Bùi Thế Duy, Trần Chí Thành và Phạm Đại Dương đã được bầu vào Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ. Đồng chí Trần Văn Tùng được bầu tiếp tục giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Bộ. Các đồng chí: Phạm Quang Trung và Trần Đắc Hiến được bầu là Phó Bí thư Đảng ủy Bộ.
 
Hội nghị cũng đã bầu Ủy Ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ gồm 7 đồng chí và đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương được bầu là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ.
 
 
Bí thư Ban Cán sự đảng Nguyễn Quân và Bí thư Đảng ủy Trần Văn Tùng tặng quà lưu niệm cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ KH&CN nhiệm kỳ 2010-2015 không tham gia nhiệm kỳ mới.
 
 
Cũng tại Hội nghị đã diễn ra cuộc gặp mặt và trao quà lưu niệm cho các đồng chí nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ nhiệm kỳ 2010 – 2015 không tham gia nhiệm kỳ lần này.
 
 
 
Các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ nhiệm kỳ 2015 – 2020 tiến hành bỏ phiếu bầu tại Hội nghị
 
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Văn Tùng đề nghị các đồng chí ủy viên ban chấp hành khóa mới kế thừa và phát huy những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, luôn đoàn kết thống nhất, hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, tiếp tục xây dựng Đảng bộ Bộ KH&CN ngày càng “trong sạch, vững mạnh”, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
 
Hội nghị đã diễn ra thành công tốt đẹp với tinh thần trách nhiệm cao, dân chủ, đoàn kết và thống nhất.
 
Nguồn:  Văn phòng Đảng ủy Bộ KH&CN
 

Đổi mới công nghệ: Lối thoát cho các doanh nghiệp trong nước

 
Bước vào nền kinh tế cạnh tranh, hội nhập sâu rộng thì việc doanh nghiệp phải chủ động đổi mới công nghệ để tạo ra được các mặt hàng hóa cạnh tranh là điều tất yếu. Xu hướng đi thẳng vào công nghệ cao để có giá trị gia tăng cao hơn đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng. 
Chủ động loại bỏ công nghệ cũ
 
Với công nghệ quá cũ và lạc hậu, nhà máy nhiệt điện Uông Bí (thuộc Tổng công ty phát điện 1 – Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã buộc phải tạm dừng tổ máy 110MW từ ngày 1/1/2015 do không đảm bảo tiêu chí môi trường.
 
Ông Lê Văn Hanh – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty phát điện 1 cho biết: Đây là dây chuyền công nghệ do Liên Xô tài trợ từ những năm 1970. Theo lịch trình tổ máy được phép hoạt động đến năm 2020. Tuy nhiên, vừa qua nồng độ khí lưu huỳnh đã vượt quá giới hạn cho phép nên ảnh hưởng đến môi trường và buộc tổ máy phải dừng hoạt động. Trước đó, để làm giảm lượng khí bụi trong không khí, công ty đã đầu tư hơn 100 tỉ đồng để mua thiết bị xử lý.
 
Cũng theo ông Hạnh, hướng xử lý của công ty đang trình Thủ tướng đó là tháo dỡ hoàn toàn tổ máy 110MW để lắp đặt tổ máy mới chứ không tiến hành nâng cấp. Sở dĩ trình phương án như vậy là do dây chuyên công nghệ đã lạc hậu, cũ kỹ nên nếu đầu tư nâng cấp thì cũng hoạt động kém hiệu quá.
 
“Một trong những hướng mà chúng tôi tính đến là phải nhập mới hoàn toàn một dây chuyền công nghệ hiện đại để đảm bảo 15-20 năm sau không bị lạc hậu. Việc nhập thiết bị cũ vừa khấu hao nhiên liệu lại ảnh hưởng đến môi trường và hiệu quả không cao”, ông Hanh chia sẻ.
 
Đồng quan điểm, ông Quách Đình Phú – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần cảng Quảng Ninh chia sẻ: Trước đây cảng chủ yếu nhập trang thiết bị của Trung Quốc. Sau khi Nhà nước đầu tư bến tàu 567 thì chuyển sang nhập máy móc hiện đại từ Nhật Bản. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là cơn lốc lớn năm 2006 đã khiến đổ sập gần như toàn bộ số trang thiết bị này. Vào tình thế khó khăn đó, lãnh đạo công ty đã xin mua một số thiết bị đã qua sử dụng tính từ ngày sản xuất trên 15 năm. Số thiết bị này đáp ứng được yêu cầu cấp bách khi đó nhưng hiệu suất không cao. Khi cảng đã hoạt động ổn định, dây chuyền công nghệ cũ được nâng cấp, đồng thời nhập thêm những công nghệ mới. 
 
 
Cảng Quảng Ninh chủ động đầu tư, nâng cấp thiết bị công nghệ mới
 
“Trước đây, việc bốc dỡ chủ yếu được thực hiện bằng các loại máy ngoạm cỡ nhỏ từ 2,5-5m3, do các nhà máy trong nước chế tạo với giá thành từ 40-50 triệu. Để gia tăng công suất bốc dỡ, cảng Quảng Ninh đã đầu tư các máy ngoạm cỡ lớn (25m3), nhập khẩu từ Hàn Quốc, với giá thành lên tới 1,4 tỉ đồng/chiếc. Đây là công nghệ bốc dỡ tiên tiến bậc nhất thế giới, có điều khiển từ xa, vừa an toàn cho thiết bị, hàng hóa vừa đảm bảo năng suất tăng gấp 2-3 lần” – ông Phú cho biết.
 
Trong khi không ít các đơn vị đóng tàu khác gặp nhiều khó khăn thì Công ty đóng tàu Hạ Long lại có lượng đơn đặt hàng khá lớn. Chia sẻ về sự thành công này, ông Ông Đàm Đức Kháng – Phó Tổng giám đốc Công ty đóng tàu Hạ Long cho biết, ngành công nghiệp đóng tàu ở Việt Nam chủ yếu mang tính gia công nên giá trị gia tăng không lớn. Ngành công nghiệp phụ trợ trong nước còn yếu kém nên hầu hết trang thiết bị đều phải nhập từ nước ngoài.
 
“Năm 2000, Chính phủ Ba Lan có đề nghị hỗ trợ đầu tư cho chúng tôi 147 tỉ đồng vốn vay ODA. Sau khi thẩm định, chúng tôi đã từ chối vì công nghệ của họ quá cũ, gây ảnh hưởng tới môi trường. Sản phẩm của công ty chủ yếu bán cho nước ngoài, nếu không đổi mới công nghệ thì không thể có những đơn hàng quốc tế. Chúng tôi không thể sử dụng công nghệ từ năm 1976 để chế tạo những con tàu hiện đại” – ông Khang cho biết.
 
 
 
 
Với máy móc, thiết bị nhập khẩu mới và tự động hóa hoàn toàn, Công ty đóng tàu Hạ Long đã nâng cao chất lượng và nhận được rất nhiều đơn đặt hàng trong và ngoài nước
 
 
Cũng theo ông Kháng, để có thể cạnh tranh được với thị trường quốc tế, công ty đã phải đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động. Toàn bộ trang thiết bị được nhập từ các nước có ngành công nghiệp đóng tàu hàng đầu thế giới như Ba Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch,…Tại xưởng chế tạo tàu trọng tải 53.000 tấn, tất cả các loại máy cắt đều nhập từ Nhật Bản, Đài Loan, cả dây chuyền hoàn toàn tự động. Với công nghệ cũ, mỗi năm nhà máy chỉ xử lí được 2.000 tấn thép. Tuy nhiên, với dây chuyền công nghệ tự động này, mỗi tháng có thể xử lí được 3.000 tấn thép, gấp gần 20 lần.
 
Cần chế tài để doanh nghiệp thành công!
 
Việc doanh nghiệp chủ động đổi mới công nghệ là tín hiệu đáng mừng khi mà Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu. Tuy nhiên, với việc chi phí đầu tư công nghệ mới khá lớn nhưng trong nước không có những chế tài đổi với nhập khẩu thiết bị cũ, lạc hậu khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn.
 
Công ty TNHH Hương Hải (xã Lê Lợi, Hoành Bồ, Quảng Ninh) đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vôi hóa với dây chuyền công nghệ nguồn hiện đại nhập từ Ý. Dây chuyền hoạt động hoàn toàn tự động hóa với công suất có thể đạt 980.000 tấn/năm. Sản phẩm đầu ra ở dãi từ vôi có hoạt tích thấp đến hoạt tính cao.
 
Ông Bùi Tuấn Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Hương Hải chia sẻ: Vốn đầu tư khi sử dụng công nghệ mới rất cao so với công nghệ cũ của Trung Quốc. Nếu cùng sản lượng 300 tấn/lò/ngày thì giá thành đối với công nghệ của Trung Quốc không quá 100 tỷ, trong khi đó công nghệ của Ý lên đến hơn 200 tỷ. Nếu đầu tư cả một dây chuyền thì nó có thể chênh lệch lên đến 10 lần. Tuy nhiên, nhiên liệu tiêu hao đối với công nghệ của Trung Quốc lên đến 60%, chất lượng sản phẩm không cao (chỉ ở mức vôi hoạt tính thấp).
 
Sở dĩ chúng tôi quyết định đầu tư là tin tưởng vào quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ về sản xuất vôi. Thời gian tới sẽ siết chặt và giảm dần các lò làm vôi cục thủ công bằng công nghệ cũ, lạc hậu. Nếu Nhà nước không có cơ chế hỗ trợ thì những doanh nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào chế biến sâu như sẽ thua lỗ.
 
“Nếu việc quy hoạch này không làm triệt để thì chắc chắn doanh nghiệp chúng tôi sẽ gặp khó khăn. Với các lò thủ công chỉ cần đầu tư vài trăm triệu cùng với nhân công giá rẻ thì có thể sản xuất được 25 tấn/ngày và sẵn sàng thải chất độc hại ra môi trường. Trong khi đó, các đơn vị sử dụng vôi trong nước (phần lớn là các nhà máy luyện kim) thì cũng chỉ đòi hỏi vôi cục có hoạt tính thấp. Như vậy, chúng tôi không thể cạnh tranh được về giá đối với các lò thủ công khi phí đầu tư của doanh nghiệp lớn lại chịu quản lý chặt chẽ về tiêu chuẩn môi trường” – Giám đốc Bùi Tuấn Ngọc bày tỏ.
 
 
Nguồn:  Báo điện tử Dân trí

Khai mạc Triển lãm 70 năm Thành tựu Kinh tế – Xã hội Việt Nam

 
Tối 28/8/2015, Triển lãm 70 năm Thành tựu Kinh tế – Xã hội Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 đã chính thức khai mạc.
 
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khai mạc Triển lãm 70 năm Thành tựu kinh tế – xã hội
 
Tới dự lễ Khai mạc có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đồng chí: Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương…
 
Phát biểu tại lễ Khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh triển lãm nhằm giới thiệu những kết quả phấn đấu của nhân dân Việt Nam với sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của bè bạn khắp năm châu trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước trong 70 năm qua.
 
Phó Thủ tướng đã điểm lại những trang lịch sử hào hùng kể từ tháng Tám năm 1945 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, nhân dân Việt Nam đã đứng lên giành chính quyền, lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước cộng hoà, dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á.
Bằng sức mạnh đại đoàn kết, lòng quả cảm và tinh thần sáng tạo của nhân dân Việt Nam cùng với sự giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã vượt qua muôn vàn hi sinh, gian khổ, giành thắng lợi vẻ vang trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước. 70 năm xây dựng và phát triển, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong xóa đói giảm nghèo, trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhiều chỉ số liên quan tới con người, tới an sinh xã hội của Việt Nam cao hơn hẳn so với các nước có cùng trình độ phát triển.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ Khai mạc 
 
Bộ KH&CN tham gia Triển lãm với những thành tựu KH&CN tiêu biểu trong 70 năm qua của 5 lĩnh vực: Khoa học xã hội và nhân văn (Văn hóa, Lịch sử, Văn học và Ngôn ngữ), Khoa học tự nhiên (Điều tra cơ bản, Toán – Lý – Hóa, Khoa học cơ bản), Khoa học Y, Dược (Bệnh học đại cương, Nội khoa, Ngoại khoa, ghép tạng, Dược: Đông y, Tây y và Vắc xin), Khoa học kỹ thuật và công nghệ (Vũ khí – Đạn dược, Cơ khí – Chế tạo máy – Tự động hóa, Công nghệ thông tin – Viễn thông, Vũ trụ, Năng lượng, Sản phẩm quốc gia…), Khoa học nông nghiệp (Trồng trọt – Chăn nuôi, Thú y – Thủy sản – Chế biến sau thu hoạch …).
 
Khu trưng bày của Bộ KH&CN đã vinh dự được đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến tham quan. Thủ tướng đã khen ngợi những kết quả tiêu biểu KH&CN của các nhà khoa học Việt Nam và khuyến khích phát triển hơn nữa để góp phần xây dựng nền kinh tế trí thức.
 
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đồng chí Lãnh đạo bộ, ban, ngành tham quan Khu trưng bày của Bộ Khoa học và Công nghệ
 
 
 
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan Khu trưng bày thành tựu của Bộ KH&CN
 
 
Phó Thủ tướng trao đổi về thương mại hóa Chip 16 Byt và 32 Byt 
được sản xuất tại Việt Nam
 
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa và Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Hoàng Thị Ái Nhiên tham quan gian hàng Bộ KH&CN
 
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chụp ảnh lưu niệm cùng các cán bộ tại Khu trưng bày của Bộ Khoa học và Công nghệ
 
Nguồn:  NASATI

Đại hội Đảng bộ lần thứ 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ

VOV.VN -Nhiệm kỳ tới, Đảng bộ Bộ KH-CN tiếp tục tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị đưa khoa học, công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển
 
Hôm nay (29/8), tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 22, nhiệm kỳ 2015-2020, với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, xây dựng Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giai đoạn 2015-2020”.
 
Báo cáo chính trị tại Đại hội nêu rõ, 5 năm qua, Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ xác định nhiệm vụ chính trị trọng tâm là đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động khoa học, công nghệ, nhằm đưa khoa học và công nghệ thực sự là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
 
Năm 2012, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng các cơ quan liên quan trình Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 20 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 
 
Đặc biệt, với Luật Khoa học và Công nghệ được Quốc hội hội thông qua năm 2013 đã đưa khoa học, công nghệ thực sự trở thành chìa khóa để phát triển kinh tế – xã hội. Luật Khoa học và Công nghệ đã tạo khuôn khổ pháp lý để thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước trong hoạt động khoa học và công nghệ. Năm 2014, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Chính phủ ban hành 7 Nghị định, 18 Thông tư tạo hành lang pháp lý rộng mở, bình đẳng đối với mọi thành phần công lập, ngoài công lập, nhà khoa học trong và ngoài nước…
 
Toàn cảnh Đại hội.
 
Nhiệm kỳ tới, Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo gắn với việc chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị đưa khoa học, công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội; Tiếp tục hoàn thiện môi trường thể chế và chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Đầu tư phát triển mạnh tiềm lực khoa học, công nghệ quốc gia, trong đó, chú trọng huy động nguồn vốn đầu tư từ xã hội. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 27 đồng chí và đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục được bầu làm Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ này.
 
Ông Trần Văn Tùng cho biết: “Trong giai đoạn 2015-2020, Đảng bộ sẽ tập trung chỉ đạo làm sao thực hiện cho được nhiệm vụ chính trị của Bộ và ngành khoa học, công nghệ thiết thực hơn. Đó là thực hiện thật tốt Nghị quyết 20, thực hiện tốt tinh thần của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và chiến lược khoa học – công nghệ đến năm 2020. Cùng với đó, chúng tôi cũng tập trung trong công tác xây dựng Đảng để Đảng bộ lớn mạnh, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng./.
 
Vân Anh/VOV- Trung tâm Tin

Xây dựng văn hóa đọc cần mệnh lệnh chính trị

Nhiều năm nay, báo chí đã nói nhiều về sự xuống cấp của văn học đọc và các nguyên nhân chủ yếu tác động đến văn hóa đọc là văn hóa nghe và nhìn. Thực tế, phần đa chúng ta đều hời hợt trong đánh giá văn hóa đọc nước nhà cũng như nguyên nhân của nó…
 
Thực trạng văn hóa đọc 
 
. Bởi thế, những người phát ngôn về văn hóa đọc cần dành  thời gian quan sát, xâm nhập thực tế ở các địa phương, ở các trường tiểu học đến đại học để thấy mặt cắt đại diện của văn hóa đọc trong mọi tầng lớp và ở mọi độ tuổi mới để xác chứng cái gọi là văn hóa đọc chúng ta đang ở đâu. Trước 1945, chúng ta có trên 90% dân số mù chữ, người dân không đọc được và cũng chẳng có mấy cuốn sách để đọc. Cơ hội tiếp cận sách chỉ dành cho con nhà địa chủ, con quan lại phong kiến và công chức cho Pháp. Con số người đọc chiếm phần rất nhỏ trong thời Pháp thuộc. Từ 1945-1975, với nền đọc ít ỏi trước đó, với sự ảnh hưởng của chiến tranh, người đọc có tăng lên nhưng rất ít với tiềm năng xã hội vì chúng ta không có nhiều sách để đọc, các trường cấp 1,2 và 3 đã không có thư viện. Người ta chỉ truyền tay nhau các tác phẩm của Tàu, Nga và hiếm ít sách của Phương Tây, Mỹ. Sự đọc của người Việt trong chiến tranh chỉ chiếm trên dưới 20% dân số.
 
Từ 1975 đến nay thì sao? Mười sáu năm bao cấp khó khăn, ngay cả khu vực đô thị, số người được tiếp cận sách còn ít ỏi, người nông thôn thì gần như bằng không. Oái oăm hơn, từ 1986 đến nay, kinh tế đất nước đã đi lên rõ rệt nhưng số học sinh nông thôn được đọc 5 cuốn sách ngoài sách giáo khoa/năm học vẫn là con số ít ỏi. Bởi thư viện trường học, nơi có tiềm năng đọc lớn nhất, gần như đã chết lâm sàng.
 
Qua những cứ liệu sơ bộ trên, tôi khẳng định rằng Việt Nam chưa bao giờ có 50% dân số sở hữu đọc sách như một thói quen.
 
Những việc cần làm ngay
 
Cần cho toàn xã hội biết rằng xây dựng văn hóa đọc trong mỗi cá thể là xây dựng sức mạnh quốc gia. Xây dựng văn hóa đọc là xây dựng dân trí để người Việt sống yêu thương con người và sáng tạo phục vụ tổ quốc và nhân loại.
 
Hệ thống chính trị cần xem thúc đẩy văn hóa đọc là mệnh lệnh chính trị tương tự như đưa ra khoán 10 trong thập niên 1980. Mệnh lệnh chính trị buộc các ông bà hiệu trưởng ở các cấp phải tạo điều kiện cho học sinh đọc sách, khám phá khoa học và thực hành các ý tưởng từ tiểu học. Mệnh lệnh chính trị bằng thêm tiết đọc sách trong chương trình giáo dục. Mệnh lệnh chính trị là giới thiệu sách sau phút giây thiêng  liêng là chào cờ dưới cờ tổ quốc. Mệnh lệnh chính trị là mỗi năm mỗi  học sinh và sinh viên phải đọc ít nhất 20 đầu sách ngoài sách giáo khoa và giáo trình.
 
Điều hệ thống chính trị làm được ngay và luôn là: (I) Bộ Giáo dục & Đào tạo phát hành văn bản áp dụng mô hình tủ sách phụ huynh, tủ sách lớp em đến tất cả các lớp học trên toàn quốc; (II) Trung ương hội Khuyến học đưa ngay tủ sách dòng họ vào tiêu chí Dòng họ khuyến học; (III) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dịch chuyển vùng hoạt động từ thành phố,  huyện lỵ đến các nhà văn hóa cấp thôn xóm thay vì để sách nằm ngủ ở khu vực đô thị vốn có nhiều gia đình đủ năng lực mua sách cho con cái họ; (IV) Ban Tôn giáo chính phủ cùng với các giáo hội phát hành văn bản nhân rộng tủ sách giáo xứ, giáo họ, tủ sách nhà chùa ra toàn quốc; và Bộ Quốc phòng và Công an có chủ trương nhân rộng tủ sách hậu phương, quê hương chiến sĩ của mình ở nông thôn.
 
Song song với việc đưa ra các chủ trương vĩ mô, nhà nước đưa ra các chiến lược truyền thông để toàn xã hội chung tay giải quyết thực trạng thiếu sách ở nông thôn, truyền thông vận động người gốc nông thôn hành động đưa sách về lớp học  trường cũ, về dòng họ, xứ đạo, nhà chùa, nhà văn hóa, các gia đình sẵn sàng phục vụ cộng đồng.
Những đầu ra trong ngắn và dài hạn 
 
Trước hết, chúng ta cần nhìn thẳng sự thật rằng, trong 40 năm hòa bình mà hệ thống thư viện cấp trường học gần như không hoạt động, bình quân mỗi người dân đọc 0.8 cuốn sách/năm. Chúng ta cũng cần đối mặt với một thực tế rằng hàng chục triệu người dân sống ở nông thôn ở độ tuổi 18 trở lên gần như không biết đọc sách là gì. Và, hơn 10 triệu học sinh nông thôn đang khát sách, các em học sinh đủ năng lực đọc 30 đầu sách/năm học không kể sách giáo khoa và chúng ta đã và đang lãng phí tiềm năng đọc của học sinh trên toàn quốc. Cũng nhìn nhận ra rằng bốn mươi năm qua kể từ khi hòa bình, chúng ta đã siêu lãng phí  nguồn lực nhân văn và sáng tạo quốc gia bởi nhiều ngàn tỷ trang sách đã không được đọc.
 
Nhận dạng những thiếu sót trên và nếu hệ thống chính trị vào cuộc thúc đẩy văn hóa đọc trên quy mô quốc gia bằng những chủ trường cần như đã nêu thì chúng ta có được các đầu ra, gồm: (I) Người dân, đặc biệt là tầng lớp trí thức trong và ngoài nước sẽ ủng hộ chính phủ và họ sẽ góp sức cho tiến trình khai trí kiến quốc; (II) Hệ thống thư viện rộng khắp sẽ được hình thành và người dân được tiếp cận sách ở khắp mọi nơi mà nhà nước không mất một đồng ngân sách nào; (III) Đánh thức được lượng cầu sách ở nông thôn với mỗi năm trên 1.000 tỷ đồng giúp ngành xuất bản phát triển mạnh và chất lượng hơn; (iv) Nền tảng nhân văn và sáng tạo quốc gia được dựng xây, đưa đất nước vào vị thế mới, vị thế của quốc gia nhân văn và sáng tạo. q
 
 NGUYỄN QUANG THẠCH 
 
 

39 nhà xuất bản trên cả nước không đủ điều kiện hoạt động

Thiếu kinh phí hoạt động, thiếu người đứng đầu… là những yếu tố khiến gần 2/3 nhà xuất bản trên cả nước đối mặt nguy cơ giải thể.
Cục Xuất bản ngừng cho đăng ký sách ngôn tình, đồng tính nam / Cục phó Cục Xuất bản: 'Sai phạm ở khâu nào sẽ xử phạt khâu đó'
Theo báo cáo tổng kết hoạt động sáu tháng đầu năm của Cục xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin Truyền thông), hiện chỉ có 24/63 nhà xuất bản (chiếm 38,1%) đủ điều kiện hoạt động. Có nhiều lý do khác nhau như dẫn tới tình trạng này, trong đó nhiều nhất vẫn là thiếu vốn.
 
36 đơn vị thiếu kinh phí để duy trì, năm đơn vị thiếu chức danh lãnh đạo và biên tập viên hữu cơ, ba đơn vị thiếu diện tích trụ sở. Có những nhà xuất bản thiếu cả hai tiêu chí hoạt động như: Nhà xuất bản Âm nhạc, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Nhà xuất bản Đại học Huế… Trước đó, trong bản tổng kết năm 2014, chỉ có 13% số nhà xuất bản hoạt động ổn định và phát triển, 11% thua lỗ, số còn lại tồn tại cầm chừng, không ổn định.
 
Nhiều đơn vị yếu kém, suốt sáu tháng đầu năm 2015 chỉ thực hiện được trên dưới 10 đầu sách, như: Nhà xuất bản Đại học Công nghiệp TP HCM (ba cuốn), Nhà xuất bản Đại học Nông nghiệp (năm cuốn), Nhà xuất bản Sân khấu (tám cuốn), Nhà xuất bản Công thương (10 cuốn)… 
 
 
Thiếu kinh phí hoạt động, nhiều nhà xuất bản liên kết với đối tác để tồn tại. Ảnh minh họa: Quý Đoàn.Thiếu kinh phí hoạt động, nhiều nhà xuất bản liên kết với đối tác để tồn tại. Ảnh minh họa: Quý Đoàn.
Ông Thanh Hà – đại diện Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM – cho biết đơn vị được thành lập và có nguồn thu chủ yếu từ các trường đại học. Tuy nhiên mỗi năm họ chỉ xuất bản được trên dưới 20 đầu sách, thu nhập này là không đáng kể khi phải trả lương cho gần 20 nhân viên. "Để tồn tại, nhà xuất bản buộc phải mở rộng liên kết với các đối tác", ông Thanh Hà nói. Cũng giống nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM, nhiều đơn vị áp dụng hình thức liên kết (thường là công ty sách tư nhân), lấy công việc phụ làm nguồn thu chính.
 
Điều 8, Nghị định 195/2013/NĐ-CP quy định một nhà xuất bản được thành lập khi có các điều kiện: Trụ sở nhà xuất bản có diện tích từ 200m2; có ít nhất năm tỷ đồng để đảm bảo hoạt động; có đủ trang thiết bị để duy trì. Theo điều 14 luật Xuất bản quy định nhà xuất bản có thể bị đình chỉ hoạt động nếu: "sau khi thành lập và trong quá trình hoạt động, cơ quan chủ quản và nhà xuất bản không đáp ứng đủ các điều kiện quy định".
 
Ngày 31/8 là thời hạn cuối để các cơ quan chủ quản nhà xuất bản thực hiện thủ tục đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp đổi giấy phép thành lập nhà xuất bản trực thuộc. Trước tình trạng nhiều đơn vị hoạt động yếu kém, Cục khuyến nghị cơ quan chủ quản nên gấp rút tăng cường chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ nếu muốn duy trì những đơn vị này. Mặt khác, Cục khuyên các nhà xuất bản "phải chủ động đề xuất cơ quan chủ quản bổ sung các điều kiện còn thiếu để đảm bảo hoạt động".
 
Ông Chu Văn Hòa – Cục trưởng Cục Xuất Bản – cho biết hiện Cục tiếp nhận hồ sơ xin cấp, đổi giấy phép hoạt động. Sau ngày 31/8, Cục sẽ dựa vào đó để đưa ra kết quả. Vì thế trong thời gian này Cục không thể đưa ra phát ngôn hay bình luận gì về vấn đề giải thể của những nhà xuất bản không đủ điều kiện.
 
Lam Thu

ĐHQG Hà nội đứng đầu danh sách các trường đại học tại Việt Nam về công bố quốc tế

 
 
Bộ KH&CN vừa công bố 20 tổ chức ở Việt Nam có nhiều công bố quốc tế nhất giai đoạn 2010 – 2014. Danh sách gồm 1 Viện hàn lâm khoa học, 16 cơ sở giáo dục đại học và 3 bệnh viện. ĐHQG Hà Nội đứng đầu danh sách các sơ sở giáo dục đại học của Việt Nam trong danh sách này.
 
Danh sách xếp theo thứ tự là: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Y Hà Nội, ĐH Cần Thơ, Viện Vệ sinh Dịch tễ TW, ĐH Huế, ĐH Vinh, ĐH Y Dược TP HCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, Học viện Nông nghiệp VN, ĐH Y tế Công cộng, ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng, Bệnh viện Bạch Mai, ĐH Nha Trang, ĐH Mỏ Địa chất, ĐH Duy Tân.
 
Các ngành có số lượng công bố quốc tế cao nhất là Toán, Lý, Hóa (chiếm 1/3 công bố quốc tế của Việt Nam). So sánh với các nước khác thì Việt Nam xếp 59 thế giới về công bố quốc tế, sau Thái Lan (xếp thứ 43), Malayxia (xếp thứu 38), nhưng cao hơn Indonesia (xếp thứ 62) và Philippines (xếp thứ 66).
 
Tin, ảnh: H.A