Nhà khoa học Việt công bố nghiên cứu trên tạp chí số một thế giới

 
Tiến sĩ Trần Đình Phong vừa có nghiên cứu công bố trên tạp chí số một thế giới về khoa học vật liệu, với việc tìm ra cấu trúc và cơ chế hoạt động của một chất xúc tác thay thế cho vật liệu đắt tiền là bạch kim.
 
Tiến sĩ Trần Đình Phong (Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, USTH) và đồng nghiệp đã tìm ra cấu trúc, cơ chế hoạt động của molybden sulfide vô định hình, một xúc tác có thể thay thế cho vật liệu đắt tiền là bạch kim trong phản ứng điều chế nhiên liệu sạch hydro (H2) từ nước. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí số một thế giới về khoa học vật liệu Natural Materials.
 
 
Tiến sĩ Trần Đình Phong. Ảnh:usth
Bạch kim là vật liệu quý hiếm và đắt tiền, từ lâu giới khoa học mong muốn thiết kế các vật liệu rẻ tiền để chuyển hóa năng lượng mặt trời và nước thành H2 – nhiên liệu sạch dùng trong pin nhiên liệu. Để làm điều này, các nhà khoa học đã tìm kiếm chất xúc tác cho phản ứng oxy hóa nước thành oxy (O2) và khử nước thành H2.
 
Một trong các chất xúc tác đó là molybden sulfide vô định hình. Nhưng cấu trúc của nó vẫn là bí ẩn, ngăn cản việc tìm hiểu cơ chế hoạt động của chất xúc tác và việc thiết kế vật liệu mới có nhiều ưu việt trở nên khó khăn. Từ cuối năm 2012, tiến sĩ Phong đã phát hiện ra những điều không đồng nhất trong nhiều nghiên cứu trước đó, nên anh bắt tay vào việc tìm hiểu cấu trúc của molybden sulfide.
 
Sau 3 năm nghiên cứu với sự hợp tác của đồng nghiệp quốc tế, sử dụng cáccông cụ phân tích điện hóa, phân tích quang phổ, kính hiển vi điện tử phân giải cao và phân tích hóa học hiện đại, lần đầu tiên nhóm của tiến sĩ Phong tìm ra cấu trúc và cơ chế hoạt động của molybden sulfide vô định hình trong phản ứng điều chế nhiên liệu sạch H2 từ nước.
 
"Molybden sulfide vô định hình là chất xúc tác rất tốt nhưng rất nhạy cảm nên nếu để điều kiện phân tích không đúng thì sẽ nhanh chóng chuyển sang vật liệu khác bền hơn nhưng ít hiệu quả hơn", tiến sĩ Phong nói và cho biết kết quả này là cơ sở quan trọng để anh cùng đồng nghiệp thiết kế chế tạo các vật liệu xúc tác mới ưu việt hơn tiến tới thiết kế chế tạo một lá xanh nhân tạo hoàn chỉnh cho việc tách H2 từ nước sử dụng năng lượng mặt trời.
 
 
 
Cấu trúc của Molybden sulfide vô định hình. Vật liệu này là một polymer vô cơ hình thành từ các monomer [Mo3S13]2- thông qua chia sẻ các cầu disulfide (S-S)2-. Trong nước, các cầu disulfide (S-S)2- tự do không chia sẻ bị loại bỏ tạo thành các trung tâm xúc tác Mo cho phản ứng tạo H2.
 
Tiến sĩ Trần Đình Phong 35 tuổi, tốt nghiệp Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội năm 2003 và tiến sĩ ngành Hóa học tại Đại học Paris 11, Orsay, Cộng hòa Pháp năm 2007. Từ 2008 đến 2010, tiến sĩ Phong làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) và Trung tâm năng lượng nguyên tử và năng lượng thay thế (CEA) Pháp.
 
Từ năm 2011 đến tháng 6/2015, anh làm việc tại Viện nghiên cứu năng lượng thuộc Đại học công nghệ Nanyang, Singapore. Từ tháng 7/2015 đến nay, anh là đồng Trưởng khoa, giảng viên tại khoa Khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ Nano, Đại học Khoa học và Công Nghệ Hà Nội (USTH).
 
"Về nước tôi có phòng thí nghiệm của riêng mình, cùng với quyết tâm của bản thân, tôi tự tin rằng chúng tôi sẽ có nghiên cứu cạnh tranh với các nước trong khu vực dù mất nhiều thời gian. Làm việc cẩn thận và đam mê sẽ giúp chúng ta thành công", tiến sĩ Phong nói về lý do trở về Việt Nam.
 
Nhóm của anh đang thực hiện các nghiên cứu chế tạo vật liệu nano ứng dụng cho chuyển hóa năng lượng và xử lý môi trường.
 
Theo Vnexpress

90 giải pháp được trao giải Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13

90 giải pháp này được lựa chọn trong số 550 giải pháp gửi cho Ban Tổ chức hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13.
 
Tối 29/3, tại Nhà hát lớn Hà Nội,Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13 (2014 – 2015).
 
Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch danh dự Quỹ Vifotec Nguyễn Thiện Nhân, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Chủ tịch Liên hiệp hội KH&KT Việt Nam Đặng Vũ Minh cùng đại diện các bộ, ngành đã tham dự lễ trao giải.
 
Báo cáo tổng kết hội thi, GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC, Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13 đã có 52 tỉnh, thành phố và 1 Bộ với 550 giải pháp gửi cho Ban Tổ chức Hội thi toàn quốc.
 
Theo đó Hội đồng giám khảo, Ban Tổ chức Hội thi toàn quốc đã quyết định trao giải thưởng cho 90 giải pháp bao gồm: 6 giải nhất, 12 giải nhì, 24 giải ba, 48 giải khuyến khích.
 
Ban Tổ chức cũng đề nghị tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tặng giải WIPO cho Giải pháp xuất sắc nhất: "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, lắp đặt và chuyển giao máy phân cỡ tôm điện tử phục vụ trong công nghiệp chế biến thủy sản thay thế máy nhập ngoại" do kỹ sư Nguyễn Thành Chương, Công ty CP Công nghệ QCM – Đà Nẵng làm chủ nhiệm.
 
 
  
 
Chủ tịchUBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trao bằng khen của Chính phủ ​ cho các cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Anh Tuấn.
 
Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những giải pháp khoa học kỹ thuật. Ông cho rằng những kết quả mà Hội thi sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc đạt được qua 13 lần tổ chức đã khẳng định người Việt Nam có thể sáng tạo làm nên những sản phẩm với chất không thua kém với giá thành tốt hơn nước ngoài.
 
Dẫn chứng Việt Nam dù GDP đầu người đứng thứ 7 nhưng năng lực sáng tạo đứng hàng thứ 3, toán học đứng hàng đầu ASEAN. Để cổ vũ sự sáng tạo này ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, chọn ra những gương mặt, công trình khoa học tiêu biểu để truyền thông giới thiệu qua đó người Việt Nam tự hào và tiếp tục sáng tạo, biến sáng tạo của người Việt Nam thành sản phẩm kinh tế để hội nhập phát triển thắng lợi.
 
 
Ông Nguyễn Quân – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trao bằng khen cho tác giả đoạt giải nhất của Hội thi.
Ảnh: Anh Tuấn.
 
Tại buổi lễ ông Nguyễn Thiện Nhân đã trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 6 cá nhân là chủ nhiệm của 6 giải pháp đoạt giải nhất. Trao giải thưởng WIPO cho kỹ sư Nguyễn Thành Chương – Công ty CP Công nghệ QCM – Đà Nẵng với giải pháp “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, lắp đặt và chuyển giao máy phân cỡ tôm điện tử phục vụ trong công nghiệp chế biến thủy sản thay thế máy nhập ngoại”.
 
 
Ban tổ chức trao giải khuyến khích cho các tác giả. Ảnh: Anh Tuấn.
 
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo cho các cá nhân là các chủ nhiệm có các công trình đoạt giải nhất, nhì, ba.
 
Trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo cho các tác giả có công trình đoạt giải nhất và Bằng khen cho các tác giả của các công trình đoạt giải nhì và ba đang tuổi thanh niên.
 
Phương Nguyên

Những cuốn sách “mở đường” sẽ xuất hiện trong Hội sách mùa Xuân

Những cuốn sách về khởi nghiệp, làm giàu… sẽ là điểm nhấn trong Hội sách mùa Xuân năm nay.
Nhà xuất bản Phụ Nữ, Nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà xuất bản Trẻ sẽ cùng tổ chức Hội sách Mùa Xuân 2016 diễn ra trong 5 ngày từ Thứ Tư, 30.3 đến Chủ Nhật, 3.4.2016 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam – 36 Lý Thường Kiệt (Hà Nội).
 
Đến với Hội sách mùa Xuân, bạn đọc có thể hiểu thêm về “khởi nghiệp”, tìm được lời khuyên hữu ích thông qua các cuộc gặp gỡ, trò chuyện thú vị cùng các chuyên gia về nhiều lĩnh vực, lựa chọn cho mình những cuốn sách phù hợp từ 5.000 đồng… và được tặng những món quà xinh xắn.
 
 
Đọc giả sẽ có nhiều lựa chọn ở Hội sách mùa xuân
Cũng trong Hội sách mùa Xuân, ba nhà xuất bản hàng đầu sẽ trình làng độc giả Thủ đô những tựa sách mới nhất và hấp dẫn nhất.
 
Nhà xuất bản Phụ nữ sẽ giới thiệu với độc giả tủ sách “Khởi nghiệp” với series “Khởi nghiệp từ A tới Z đơn giản trên một chiếc khăn giấy” (Alex), Cafe book,  “3 cách nhanh nhất để thành công và giàu có”, “9 chiến lược học tiếng Anh cho người Việt” (Victoria Quỳnh Giang), tập thơ “Ở thế gian” (Đỗ Trọng Khơi), “Chồng xứ lạ” (Trang Hạ), truyện ngắn “Đàn ông tình dục, đàn bà tình yêu” (M.C Kim Ngân) …
 
 
 
Những cuốn sách có giá từ 500 đồng ở Hội sách mùa Xuân
 
Nhà xuất bản Trẻ trình làng loạt sách về kinh doanh: “Marketing theo dữ liệu lớn”, “Dạy con dùng tiền” – (Adam Khoo và “Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế” (Inamori Kazuo)…
 
Cùng loạt sách mới của các tác giả nổi bật đương đại như “Vết gió” (Đỗ Phấn), “Biệt cánh chim trời” (Cao Duy Sơn); “Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa” (Phan Thị Vàng Anh), “Không ai sang sông” (Nguyễn Ngọc Tư), “Có tiếng người trong gió” (Nguyễn Xuân Thủy) “Mong manh” (Nguyễn Ngọc Tiến)…
 
Nhà xuất bản Kim Đồng khởi động trào lưu sách nghệ thuật – art book với “One Piecce Color Walk”, “Dragon Ball Đại tuyển tập”, “Những nàng công chúa bí ẩn” (Bích Khoa)…
 
Không những thế, Bộ “Kính Vạn hoa” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, “Viết cho những điều bé nhỏ” của nhà báo Đoàn Công Lê Huy và Ngô Thị Phú Bình, “Tuyển tập thơ” và “Đảo Chìm” của nhà thơ Trần Đăng Khoa… cũng sẽ được NXB Kim Đồng gửi tới độc giả.
 
 
 
Hội sách mùa Xuân sẽ có những cuốn sách về khởi nghiệp làm điểm nhấn
 
Ngoài việc ra mắt những tựa sách mới, Hội sách mùa Xuân còn có các sự kiện văn hóa như gặp gỡ tác giả (Đoàn Công Lê Huy, Nguyễn Xuân Thủy, Alex Tu…) giao lưu với ê-kip làm sách (One Piece, Dragon Ball…) để tìm hiểu thêm về những câu chuyện bên lề mỗi trang sách.
 
Thanh Hiền

Nhiều tựa sách mới và hấp dẫn trong Hội sách Mùa Xuân 2016

Tiếp nối thành công của mô hình Hội sách Mùa Xuân và Hội sách Mùa Thu đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc trong những năm qua, Nhà xuất bản (NXB) Phụ Nữ, NXB Kim Đồng và NXB Trẻ sẽ gặp lại bạn đọc tại Hội sách Mùa Xuân 2016 diễn ra trong 5 ngày từ 30-3 đến 3-4 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam – 36 Lý Thường Kiệt (Hà Nội).
 
 
Hội sách mùa xuân luôn nhận được sự quan tâm lớn của độc giả mỗi năm. (ảnh minh họa)
 
 
Tại Hội sách Mùa Xuân 2016, ba NXB này sẽ trình làng độc giả Thủ đô những tựa sách mới nhất và hấp dẫn nhất của mình.
 
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Hội sách Mùa Xuân, độc giả Thủ đô sẽ được trực tiếp tư vấn khởi nghiệp, tham dự các sự kiện văn hóa như gặp gỡ tác giả (Đoàn Công Lê Huy, Nguyễn Xuân Thủy, Alex Tu…) giao lưu với ê-kip làm sách (One Piece, Dragon Ball…) để tìm hiểu thêm về những câu chuyện bên lề mỗi trang sách…
 
Nguồn: http://hanoiiplus.com/nhieu-tua-sach-moi-va-hap-dan-trong-hoi-sach-mua-xuan-2016/

5.000 tựa sách giảm giá 50% tại hội sách Mùa Xuân 2016 sắp tới

Tại hội sách sẽ có khoảng 5.000 tựa sách với giá ưu đãi giảm 50%. Theo ban tổ chức, sách văn học sẽ chiếm vị trí nổi bật trong hội sách lần này.
 
Trong năm ngày từ thứ Tư (30-3) đến Chủ nhật (3-4) tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam – 36 Lý Thường Kiệt (Hà Nội) sẽ diễn ra “Hội sách mùa xuân 2016”.
 
 
Tại hội sách sẽ có khoảng 5.000 tựa sách với giá ưu đãi giảm 50%. Theo ban tổ chức, sách văn học sẽ chiếm vị trí nổi bật trong hội sách lần này. Tại đây, bạn đọc còn có cơ hội tham gia, trò chuyện với các tác giả nổi bật với những tựa sách mới ra mắt bạn đọc: Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy với cuốn Có tiếng người trong gió, anh Chánh Văn – Đoàn Công Lê Huy với dòng sách tản vănViết cho những điều bé nhỏ…
 
Tại Hội sách Mùa Xuân 2016, ba NXB này sẽ trình làng độc giả Thủ đô những tựa sách mới nhất và hấp dẫn nhất của mình.
 
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Hội sách Mùa Xuân, độc giả Thủ đô sẽ được trực tiếp tư vấn khởi nghiệp, tham dự các sự kiện văn hóa như gặp gỡ tác giả (Đoàn Công Lê Huy, Nguyễn Xuân Thủy, Alex Tu…) giao lưu với ê-kip làm sách (One Piece, Dragon Ball…) để tìm hiểu thêm về những câu chuyện bên lề mỗi trang sách…

Từ Hội sách nghĩ về trẻ em nông thôn

Cuộc sống cũng như bức tranh với nhiều mảng màu đối lập: sáng – tối, động – tĩnh, hình – nền… Những ai từng đi về các vùng quê, vùng núi, đưa sách về cho trẻ em nông thôn, ắt hẳn khi thấy cảnh náo nhiệt của Hội Sách TP Hồ Chí Minh lần thứ 9 sẽ không khỏi ngậm ngùi…
Ngày hội tri thức
 
Đến hẹn lại lên, hai năm một lần, 21.3 lại là ngày hội tụ các nhà làm sách, người kinh doanh sách và độc giả từ mọi nơi về điểm hẹn quen thuộc – công viên Lê Văn Tám, TP Hồ Chí Minh. Năm nay, tính chất “khủng” của Hội sách vượt xa năm 2014, với 710 gian hàng (tăng 210 gian), 172 đơn vị trong nước (tăng 27 đơn vị) và 36 nhà xuất bản nước ngoài tham gia (tăng 11 đơn vị), 102 chương trình giao lưu trình diễn, ký tặng, giới thiệu sách, hơn 30 triệu bản in của 300.000 đầu sách. Ban tổ chức ước tính thu hút 1 triệu lượt người tham gia trong tuần lễ từ 21 – 27.3 (bằng 1/10 dân số TP Hồ Chí Minh).
 
 
 
Với chủ đề Sách – văn hóa – hội nhập và phát triển, Hội sách đã thực sự trở thành lễ hội văn hóa lớn, không chỉ dành riêng cho người dân TP Hồ Chí Minh mà còn đối với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Hòa vào dòng người tham quan và mua sách trong ngày khai mạc, chị Hiền (giáo viên, 35 tuổi, ở Thủ Đức) vui mừng cho biết: “Dù biết ngày khai mạc sẽ rất đông, đi lại khó khăn nhưng mình vẫn đưa hai cháu đi để các con được tắm trong không khí của ngày hội tri thức, để nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách”.
 
Là một trong những đơn vị tiên phong dịch và xuất bản sách khoa học cho thiếu nhi, ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc công ty Văn hóa – Giáo dục Long Minh cho biết: “Gian hàng của Long Minh năm nay có gần 100 tựa sách, chủ yếu là sách khoa học và toán dành cho thanh thiếu niên. Một số phụ huynh học sinh đã bắt đầu nhận thấy tiêu chuẩn sách tốt là những cuốn sách có phần Index ở cuối sách dùng để tra cứu từ khóa và khái niệm quan trọng theo số trang. Đó là khởi đầu của một xu hướng chọn sách tốt đẹp”.
 
Mặc dù số người tham quan Hội sách không tỷ lệ thuận với số người thực đọc, nhưng khách quan mà nói, hiệu ứng từ Hội sách đang làm sống dậy văn hóa đọc trong cộng đồng, trước hết là ở các thành phố lớn.
 
Nạn đói sách của trẻ nông thôn
 
Nhiều trẻ em nông thôn nếu xem qua tivi, chắc hẳn không khỏi háo hức, ước ao một ngày không xa sẽ được tham dự những sự kiện bổ ích như vậy. Thực tế ở nhiều vùng quê, vùng núi, học sinh hầu như chỉ có sách giáo khoa và một ít sách tham khảo, sách bài tập. Các hiệu sách nông thôn đa phần nghèo nàn về thể loại. Trong khi đó thư viện trường với tư cách là nguồn cung cấp học liệu chính cho học sinh không khá hơn, các đầu sách khoa học, văn học đặc sắc, sách kỹ năng sống hầu như không có. Từ nhỏ đến lớn, rất ít trong số hàng triệu trẻ em nông thôn được người lớn khuyến đọc. Khái niệm học hành đối với nhiều thầy cô và phụ huynh là nhớ thật nhiều, làm bài thật tốt và đạt điểm thật cao trong các kỳ thi. Sự đọc tích cực không những không được quan tâm mà có khi còn bị cản trở.
 
Anh Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng Chương trình Sách hóa nông thôn chia sẻ: “Mỗi lần thấy trẻ em đô thị được cha mẹ dẫn đi mua sách ở hiệu sách và hội sách, tôi càng thương trẻ em nông thôn vì nạn đói sách vẫn trên quy mô rộng lớn, hơn 15 triệu em nông thôn chưa được nghe sách và đọc sách”. Anh Nguyễn Quang Thạch đang tích cực tập luyện để đi bộ từ TP Hồ Chí Minh tới Cà Mau (dự kiến vào tháng 4 tới), nhằm kêu gọi 500.000 người Việt chia sẻ trách nhiệm xã hội, xóa nạn đói sách ở trường làng, trả lại quyền đọc sách cho hàng triệu trẻ em nông thôn.
 
Cùng với sự chênh lệch giàu – nghèo, điều kiện tiếp cận tri thức, văn hóa giữa thành thị và nông thôn vẫn còn khoảng cách quá lớn. Nhưng khi chúng ta thật sự trăn trở và hành động vì cộng đồng, chỉ cần mỗi người chung tay bằng những việc làm thiết thực dù rất nhỏ cũng có thể góp phần giải quyết nạn đói sách ở trường làng hiện nay.
 
Trần Thanh Hoài
 

Gian nan sách khoa học cho thiếu nhi

Hiện nay, mảng sách khoa học dành cho thiếu nhi ít được quan tâm nhất, đặc biệt trống vắng sách phổ biến khoa học, mở mang kiến thức cho các em trong độ tuổi 10 – 15. Đội ngũ nhà làm sách khoa học cho thiếu nhi vừa thiếu vừa yếu… Đó là thông tin được đưa ra trong hội thảo sáng 23.3, bên lề Hội Sách TP Hồ Chí Minh lần thứ 9.
Ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần giáo dục Long Minh cho biết, có quá nhiều lý do cho sự thiếu vắng của sách phổ biến khoa học cho thiếu niên. Ở góc độ xuất bản, hiện chỉ có vài nhà xuất bản như NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, Công ty Đông A, Long Minh tổ chức xuất bản sách phổ biến khoa học cho thiếu niên, mà chủ yếu là sách dịch. Lực lượng những người làm sách phổ biến khoa học hiện nay chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, như dịch giả Phạm Văn Thiều, GS. TSKH Nguyễn Văn Liễn, TS. Vũ Công Lập, Nguyễn Việt Long…
 
 
Có một thực tế là quá ít tác giả Việt Nam viết sách phổ biến khoa học, thực ra mới chỉ có một vài quyển sách về toán và cờ vua, ngoài ra không còn sách khoa học nào khác của các tác giả Việt Nam. Theo ông Đỗ Hoàng Sơn, các tác giả Việt Nam tập trung viết sách giải bài tập để phục vụ trực tiếp cho nhu cầu thi cử của học sinh mà chưa có đủ trình độ, thời gian cũng như sự quan tâm và nhiệt huyết dành cho mảng sách phổ biến khoa học. Một số giảng viên đại học lại bận giảng dạy, hướng dẫn học trò và làm đề tài nghiên cứu, giỏi lắm chỉ dịch ít sách chuyên ngành và giáo trình. Ngay cả khi đã viết được phần lời thì ngành xuất bản Việt Nam thiếu hẳn kho dữ liệu hình ảnh có bản quyền để minh họa, phục vụ cho những cuốn sách ấy. Một khó khăn nữa là Việt Nam hiện chưa có hệ thống thuật ngữ khoa học chuẩn, ngay cả một số thuật ngữ khoa học có tính phổ thông, do đó trong quá trình dịch thuật và biên tập sách khoa học, người dịch hoặc biên tập viên phải mất rất nhiều công sức để cân nhắc, khai phá từ mới.
 
Xuất bản đã vậy, lượng sách khoa học này tiêu thụ cũng vô cùng khó khăn. Có thể thấy điều này qua Hội Sách Hà Nội đầu tháng 10.2014, theo đó tổng doanh thu toàn hội sách là 5 tỷ đồng, nhưng doanh thu từ mảng sách phổ biến khoa học cho thiếu niên của NXB Trẻ, NXB Kim Đồng và Công ty Long Minh ước tính chỉ đạt hơn 100 triệu đồng (chiếm 2%). Dịch giả Nguyễn Việt Long chỉ ra thực tế, tại các nhà sách, sách khoa học thường “được” nằm dưới gầm kệ hoặc trên nóc tủ, ở những vị trí heo hút và xa người đọc nhất. Không phải vì sách khoa học khô cứng, thiếu hấp dẫn mà quan trọng hơn cả, đó là những người lớn như cha mẹ, thậm chí thầy cô giáo chưa có cái nhìn đúng về loại sách này. Vì thế họ không quan tâm, cũng không định hướng cho con em mình tìm tòi, dẫn đến phần lớn học sinh Việt Nam không có thói quen tự nghiên cứu, tự học từ nguồn kiến thức bên ngoài sách giáo khoa.
 
Ông Đỗ Hoàng Sơn đã chỉ ra 5 vấn đề cơ bản hiện nay của giới trẻ là không thích đọc sách; không có sách để đọc; có sách mà không biết cách đọc; không biết tra cứu và tra cứu xong không biết để làm gì. Nếu có sự quan tâm nhiều hơn từ phía những người có trách nhiệm, khắc phục được những vấn đề này thì tương lai của sách khoa học cho thiếu nhi tại Việt Nam mới có đường phát triển.
 
 Ông Đỗ Hoàng Sơn cho biết, trên thế giới, số lượng sách khoa học chiếm khoảng 40% sách cho thiếu nhi, nếu tính cả sách khoa học giả tưởng (Việt Nam hiện chưa có loại sách này) thì còn lớn hơn. Trong khi các bạn cùng lứa tuổi ở các nước phát triển khá “thông thiên văn, tường địa lý”, từ kiến thức về hệ Mặt trời, các hành tinh hay các thiên hà, đến kiến thức ứng dụng trong đời sống thì tại Việt Nam, theo quan sát của một số dịch giả, hiện chỉ 10 – 15% số học sinh quan tâm đến sách khoa học.
 
Bạch Dương
 

Khô hạn giúp nông dân Cà Mau trúng lớn mùa đậu xanh

Đây là vụ đậu xanh trúng mùa nhất từ trước đến nay ở Cà Mau, nhờ được dự báo sớm về tình hình khô hạn nên nông dân chuyển sang trồng đậu xanh. Các hộ trồng sớm đều được mùa.
 
Đồng bằng sông Cửu Long những ngày tháng Ba quay quắt trong hạn, mặn. Vựa lúa bị thiệt hại nặng nề, thủy sản, trái cây bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt, nhiều nơi rơi vào tình cảnh thiếu hụt nước ngọt khốc liệt. Để chủ động chống hạn, mặn, nhiều cư dân, nhà khoa học trong vùng có những tính toán, cách thức thích ứng với hạn, mặn, đạt hiệu quả nhất định bước đầu.
 
 
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa 1 vụ màu tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)
Trữ nước lũ
 
Giữa trưa tháng Ba, bên Quốc lộ 54, ông Lê Hoàng Tân ở ấp Vĩnh Tắc, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long ngồi thảnh thơi dưới bóng cây như không hề biết đến cảnh khô hạn đang diễn ra ở nhiều nơi cũng như lần đầu tiên trong lịch sử, nước mặn đã xâm nhập một số xã của huyện Trà Ôn.
 
Ông Tân khoe: Phía sau nhà có mấy cái ao trữ nước sâu lắm, chưa cạn bao giờ. Ở vùng đất giồng này, những cái ao trữ nước sâu khoảng 4m, rộng chừng 1.000m2 đáp ứng bơm tưới cho 500m2 trồng cỏ suốt mùa khô, không lo thiếu nước tưới. Năm nay. thấy mực nước ao 1.000m2 đã cạn hơn năm trước, lại nghe dự báo khô hạn kéo dài nên ông đã đào dự phòng thêm một cái ao 500m2.
 
Việc trữ nước từ mùa lũ để sử dụng trong mùa khô là một trong những giải pháp thích ứng hạn, mặn được đánh giá hiệu quả với Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Theo phó giáo sư, tiến sỹ , Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long, về lâu dài Đồng bằng sông Cửu Long phải đặt ra vấn đề trữ nước lũ để sản xuất nông nghiệp trong mùa khô. Đó là việc đào ao, kênh để trữ nước lũ, góp phần giảm tác động của lũ, phân tán lũ, hạn chế mức thiệt hại do lũ gây ra.
 
Đồng thời, trữ nước lũ cũng sẽ góp phần giảm đáng kể xâm nhập mặn ở hạ lưu vào mùa khô. Vì Đồng bằng sông Cửu Long thường thừa nước lũ trong mùa mưa nhưng vào mùa khô, lượng nước tưới lại bị khan hiếm.
 
Chuyển đổi cây trồng
 
Trước tình hình hạn, mặn khốc liệt, nhiều nhà vườn Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã chuyển đổi cây trồng phù hợp thời tiết, điều kiện canh tác.
 
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau Nguyễn Văn Tranh cho biết năm nay, nhiều nông dân Cà Mau trúng mùa đậu xanh do mưa ít, thời tiết khô hạn. Nông dân xã Khánh Bình Tây và xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời trồng hơn 1.100ha đậu xanh đều trúng mùa, bán được giá. Thậm chí, nhiều nông dân lợi dụng ruộng khô hạn đã gieo đậu xanh vào ngay những chỗ nứt nẻ cũng đạt năng suất cao từ 2,5-3 tấn/ha. Thương lái đã tới tận ruộng mua đậu xanh với giá từ 30.000-32.000 đồng/kg.
 
Mưa dứt sớm, nắng kéo dài là điều kiện thuận lợi để trồng đậu xanh. Năm nay, do được dự báo tình hình khô hạn sớm nên nông dân tỉnh Cà Mau mạnh dạn chuyển sang trồng cây đậu xanh. Những hộ trồng sớm đều được mùa, cây đậu đạt năng suất cao. Đây là vụ đậu xanh trúng mùa nhất so từ trước đến nay.
 
Tại Cà Mau, cây đậu xanh đang là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao trong tình hình thiếu nước sản xuất nghiêm trọng, khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay.
 
Những ngày này, nhiều ruộng lúa vụ Đông Xuân 2015-2016 dọc Quốc lộ 61C thuộc địa bàn thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang vừa được thu hoạch xong. Nông dân không sản xuất tiếp vụ lúa Hè Thu mà nhiều người thuê máy xúc đào lên liếp trồng màu.
 
Ông Nguyễn Văn Nghĩa đang thuê hai máy xúc đào 5 công ruộng tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền (thành phố Cần Thơ) để lên liếp trồng màu.
 
Ông cho biết: "Tôi trồng lúa mấy chục năm nay nhưng nghe dự báo mùa khô này sẽ thiếu nước tưới nên tôi lên liếp trồng xoài, tỉa ngô xen canh lấy ngắn nuôi dài, không dám trồng lúa sợ khó khăn nước tưới, lúa sẽ mất mùa. Tôi dự kiến sẽ gắn hệ thống tưới phun cho diện tích lên liếp trồng màu nhằm tiết kiệm nước tưới."
 
Tại tỉnh Hậu Giang, những năm trước đây, ông Võ Văn Năng ở ấp Một, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy luôn trồng 2 vụ dưa và một vụ lúa Hè Thu. Năm nay, ông Năng không trồng vụ lúa Hè Thu mà tiếp tục trồng hơn 3ha dưa các loại, trong đó có 1,5 ha dưa lê và 1,5 ha dưa hấu.
 
Ông Năng cho biết diện tích đất nhà ông ở khu vực được dự báo có thể bị mặn xâm nhập, thiếu nước tưới nên nếu trồng lúa, mức độ rủi ro thiệt hại sẽ rất cao. Vụ này, ông tiếp tục trồng vụ dưa thay vụ lúa Hè Thu, vì cây dưa ít sử dụng nước tưới hơn, có thể chịu được khô hạn tốt hơn cây lúa.
 
Tưới đủ cho cây
 
Cùng với việc trữ nước ngọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì việc sử dụng nước ngọt một cách tiết kiệm, hiệu quả cũng là vấn đề được đặt ra trong tình hình hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.
 
Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Anh Tuấn, việc tiết kiệm một khối nước sẽ dễ hơn là tìm thêm một khối nước nơi vùng Châu thổ sông Cửu Long trong tình hình hạn, mặn khốc liệt. Cư dân Đồng bằng sông Cửu Long cần quan tâm, áp dụng những giải pháp kỹ thuật trong tiết kiệm nước cho nông nghiệp như việc chọn cây trồng và vật nuôi ít tiêu thụ nước; cân nhắc, bố trí thời vụ canh tác hợp lý; chống thất thoát nước trên đồng ruộng; xác định thời điểm cần cung cấp nước; tận dụng các nguồn nước thải để tưới hay sử dụng phương pháp tưới hiệu quả…
 
Tuy nhiên, tại Đồng bằng sông Cửu Long, việc tiết kiệm nước dễ áp dụng nhất, nhanh nhất chính là việc áp dụng phương pháp tưới hiệu quả. Người dân Tây Nam Bộ cần phải thay đổi thói quen từ tưới cho đất sang tưới cho cây; làm sao cung cấp lượng nước cho cây đủ nước chứ không phải cung cấp đủ nước cho đất như lâu nay vẫn làm.
 
Các phương pháp tưới khác nhau sẽ cung cấp đủ nước cho cây trồng cũng như sẽ cho hiệu quả tiết kiệm nước khác nhau, như phương pháp tưới tràn cho hiệu quả tiết kiệm nước từ 40-60%, phương pháp tưới rãnh tiết kiệm nước từ 50-70%, tưới phun mưa tiết kiệm nước từ 70-85%, tưới phun di động tiết kiệm nước từ 80-90% và tưới nhỏ giọt tiết kiếm 90-95% lượng nước tưới.
 
 
(Ảnh: Duy Khương/TTXVN)
 
Như vậy, những tính toán, cách thức cư dân nơi đây đang làm để tồn tại trước đợt hạn, mặn khốc liệt lịch sử cũng là một trong những dữ liệu thực tiễn phù hợp với Bản Kế hoạch châu thổ của Chính phủ Hà Lan đã khuyến nghị Chính phủ Việt Nam về cách tiếp cận bền vững và lựa chọn các phương án đầu tư tiết kiệm, hiệu quả cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Theo kế hoạch, từ nay đến 2050, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu như đối với vùng thượng nguồn châu thổ, phải thực hiện kiểm soát lũ, chuyển đổi sản xuất và sử dụng đất hợp lý, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp vùng lũ và tạo không gian chứa lũ. Đối với khu vực ven biển, cần quản lý kinh tế mặn và biến động bờ biển, phát triển kinh tế nuôi trồng bền vững kết hợp rừng ngập mặn, trồng rừng ngập mặn và tăng khả năng bảo vệ dải ven biển, xây dựng hệ thống kè tạo bãi.
 
Rõ ràng, để phát triển bền vững, Đồng bằng sông Cửu Long cần có nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, các cấp chính quyền và nhân dân trong khu vực cùng vào cuộc. Đó chính là sự chung sức, đồng lòng, sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương, địa phương, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, người dân để tìm ra hướng đi đúng đắn giúp Châu thổ sông Cửu Long phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu trong ngắn hạn và dài hạn được bền vững, hiệu quả.
 
Theo Vietnamplus.vn
 

Máy in 3D đa năng của nhóm sinh viên trẻ TP HCM

Gặp nhiều thất bại và số tiền đầu tư liên tục “không cánh mà bay” nhưng nhóm SV ĐH Công nghệ TP.HCM vẫn quyết tâm vượt mọi khó khăn để thiết kế thành công chiếc máy in 3D kết hợp khắc laser và phay CNC.
 
Sinh viên máu nghiên cứu đến… quên ăn
 
Theo Nguyễn Trung Quí, trưởng nhóm nghiên cứu, hiện nay máy in 3D là công nghệ mới, mang lại giá trị thúc đẩy phát triển nhiều ngành như cơ khí, xây dựng, y học… Trong tương lai, máy in 3D có thể thay thế dần phương pháp gia công cơ, hạn chế ô nhiễm môi trường, rút ngắn thời gian tạo mẫu mới.
 
“Với máy in 3D kết hợp khắc laser và phay CNC, người sử dụng có thể thực hiện nhiều ứng dụng trên một máy trong quá trình sản xuất” – Quí chia sẻ.
 
 
Những SV có “máu” nghiên cứu và không ngại khó khăn khi làm khoa học. Ảnh: Nhóm cung cấp.
 
Khi thực hiện đề tài, do không có đủ kiến thức chế tạo máy in 3D, nhóm đã gặp thất bại không ít lần trong quá trình lắp ráp. Các linh kiện hoạt động không ăn khớp với nhau dẫn đến hư hỏng.
 
“Linh kiện cơ khí để chế tạo máy in 3D chủ yếu là linh kiện ngoại nhập, giá rất cao nên mỗi lần hư hỏng là coi như nhóm mất luôn mấy triệu đồng”- Tăng Thanh Bình, thành viên nhóm kể về những khó khăn trong quá trình chế tạo.
 
Để khắc phục những thất bại đáng tiếc đó, các thành viên nhóm đã thay phiên nhau thức đêm lên mạng tìm hiểu kiến thức, tra từ điển để dịch thuật các tài liệu tiếng nước ngoài. Sau khi có được kiến thức chuẩn, các thành viên tiếp tục họp bàn cùng thống nhất cách làm chung.
 
Nhiều tháng cặm cụi trong nhà xưởng “tại gia” là căn phòng của một thành viên trong nhóm, chiếc máy in 3D kết hợp khắc laser và phay CNC đã ra đời.
 
Nhóm cho biết, tưởng chừng đã "ngon nghẻ", nhóm chuẩn bị "khăn gói quả mướp" mang sản phẩm đi dự thi giải thưởnggiải thưởng SV nghiên cứu khoa học Euréka. Tuy nhiên, trước ngày thi,chiếc máy của nhóm bỗng dưng không hoạt động. Các thành viên đã thức nguyên cả đêm “vật vã” với các linh kiện điện tử, kiểm tra lại toàn bộ hoạt động của máy.
 
“May mắn đến gần sáng, nhóm đã giải quyết tất cả những vấn đề khúc mắc, máy vận hành trơn tru. Cả nhóm mang máy thật nhanh đến khu vực dự thi trong niềm vui sướng và quên luôn ăn sáng”- Đặng Văn Đông, thành viên nhóm kể.
 
Máy in 3D "3 trong 1'
 
Thiết kế cơ khí của máyin 3D kết hợp khắc laser và phay CNCđảm bảo thực hiện ba chức năng và kết cấu đầu điều khiển linh hoạt, có thể tháo lắp đễ dàng và thay đổi 3 chức năng: in 3D, khắc laser và phay CNC một cách nhanh gọn, dễ dàng.
 
Máy in 3D vừa có chức năng tạo mẫu nhanh các chi tiết thiết kế trên máy tính, vừa được tích hợp thêm chức năng khắc laser công suất nhỏ để khắc hình dạng mong muốn, vừa có thể tự động thực hiện quá trình gia công phay cơ khí chi tiết khi thay đổi kết cấu đầu trục chính.
 
 
Máy in 3D “3 trong 1” của nhóm. Ảnh: Nhóm cung cấp.
 
Máy có kết cấu cơ khí được thiết kế và tính toán động học dựa trên động học của robot song song, đảm bảo việc chuyển động nội suy phức tạp. Quá trình tính toán được ứng dụng trong việc thiết kế và chế tạo cơ khí để hoàn thiện mô hình máy sao cho đảm bảo đạt độ chính xác cao, đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn và hoàn toàn có khả năng ứng dụng vào thực tế.
 
“Máy in 3D có thể in ra vật thể bằng nhựa PLA từ các bản thiết kế trên các phần mềm mô phỏng và thiết kế 3D bằng phương pháp FFF (Fused Filament Fabrication)”- Tống Thanh Huy, thành viên nhóm nói.
 
Máy được điều khiển bằng chương trình số NC (Numerical control), có thể đọc được G-code để vừa thực hiện chức năng in 3D, vừa khắc khi kết hợp đầu khắc laser công suất 2000mW để khắc vật liệu mềm, vừa chức năng như máy phay CNC khi thay đầu phun mực máy in thành đầu cắt quay tốt độ cao.
 
Khi gia công, máyin 3D có sai số rất nhỏ, từ 0.05 đến 0.1mm nhờ ứng dụng thuật toán điều khiển robot song song vào máy in để đạt được độ chính xác yêu cầu.
 
Ứng dụng các phần mềm cắt lớp sẵn có như Slic3r, CURA… để xuất mã G-code cho máy in hoạt động, các phần mềm Match3 để xuất chương trình điều khiển máy in 3D thành máy khắc laser hay cắt phay CNC.
 
Mô hình đã hoàn thành và có thể thực hiện chức năng tạo mẫu nhanh chi tiết, vừa khắc hình dạng mong muốn sử dụng tia laser và kết hợp gia công phay CNC tự động.
 
Theo Khám Phá
 

Những người tiên phong đưa công nghệ vào nông nghiệp

 
 
Các doanh nhân chia sẻ về câu chuyện áp dụng công nghệ vào nông nghiệp. Nguồn: BSA
 
Đưa KHCN vào sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp là yếu tố bắt buộc để mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Và thực tế cho thấy đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiên phong đi vào con đường này.
Chịu chơi đầu tư vào công nghệ
 
Nếu như Vinamit đã quá quen thuộc với người dùng với việc áp dụng công nghệ tạo ra các sản phẩm trái cây sấy khô, và sây dẻo thì có thể công ty TNHH TMDV XNK Bé Dũng của doanh nhân Đỗ Văn Dũng với sản phẩm thanh long sấy dẻo lại là một trường hợp mới với nhiều thông tin thú vị.
 
Bước tay vào trồng thanh long ngay khi loại trái cây này xuất hiện tại Bình Thuận từ năm 1992, ông Dũng trải qua nhiều cung bậc thăng trầm với những vụ mùa được mất. Nhìn lại, ông thấy thị trường thanh long ngày càng khó khăn, năm sau lợi nhuận ít hơn năm trước. Điều đó buột ông phải tìm một hướng đi mới để nâng cao giá trị cho trái thanh long, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường để tìm lối đi mới.
 
May mắn đến công ty Bé Dũng khi vào tháng 9 – 2014 ông Dũng tình cờ gặp một kỹ sư Việt kiều từ Đức về nước giới thiệu công nghệ sấy dẻo trái cây. Bắt gặp được điều mình tâm đắc, ông chủ thanh long quyết định dành số tiền tích lũy cộng với tiền vay từ thế chấp nhà cửa, tổng cộng 20 tỷ đồng để nhập khẩu công nghệ về sản xuất.
 
Cuối năm 2014, dây chuyền máy móc thiết bị về đến công ty và những khó khăn mới xuất hiện.
 
Ông Dũng cùng nhân viên thử hết mẻ này đến mẻ khác, các sản phẩm không đạt yêu cầu, hư rồi bỏ, hỏng rồi vứt. Và đến khi thử nghiệm gần 20 tấn thanh long, sản phẩm đầu tiên làm vừa lòng ông Dũng mới xuất hiện.
 
Hiện với sản lượng 200 kg thanh long sấy khô mỗi ngày, sản phẩm đã được Bé Dũng xuất đi nhiều nước.
 
Với 1,6 tấn thanh long tươi đầu vào, cho ra 100 kg thanh long sấy dẻo, đóng được 2.000 gói sản phẩm với khối lượng 50 gam/gói, giá bán 30.000 đồng/gói, tương ứng tổng doanh thu sẽ là 60 triệu đồng. Hay nói đơn giản, một kí thanh long sấy dẻo sẽ có mức giá là 600.000 đồng. Tuy không nói rõ tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu nhưng qua mức giá này ta thấy giá trị gia tăng mà công nghệ mang lại cho sản phẩm rất đáng kể.
 
Ông có nghĩ rằng mình quá mạo hiểm không? Một phóng viên đặt câu hỏi cho ông Dũng trong hội thảo "3C: lời giải pháp cho nông nghiệp Việt thời hội nhập" được tổ chức gần đây.
 
“Tôi nghĩ đây là con đường duy nhất để phát triển. Mình dám làm thì dám chịu. Tuy có mạo hiểm nhưng không thể không đi. Với tôi, làm ra sản phẩm ưng ý là đã thành công 50%.” Ông Dũng chia sẻ.
 
Mang giá trị mới cho sản phẩm nông nghiệp
 
Đến đây, có lẽ bạn đọc sẽ đặt câu hỏi với 200 kg sản phẩm mỗi ngày, sản lượng nhỏ như vậy thì làm sao phát triển?
 
Đây cũng chính là khó khăn mà Bé Dũng gặp phải. Tuy vậy, may mắn doanh nghiệp này đã có đối tác đi kèm. Và người này không ai khác chính là kỹ sư người Đức mà ông Đỗ Văn Dũng gặp vào tháng 9-2014.
 
Nặng lòng với quê hương, người kỹ sư Võ Phát Triển quyết định từ Đức về Đồng Tháp đầu tư 200 tỷ để làm trái cây sấy dẻo nhằm mở lối đi mới cho nông sản Việt Nam, đem lại giá trị gia tăng và nâng cao thu nhập người dân.
 
Đi nhiều hiểu nhiều, ông Triển rất hiểu giá trị của trái cây quê hương. Và theo ông chia sẻ, trái cây Việt Nam có giá trị vô cùng lớn, ví dụ như xoài Cát Chu của chúng ta được đánh giá rất cao so với xoài khu vực Nam Mỹ.
 
Hiện nhà máy ông có đa dạng các loại sản phẩm, từ “cầu đủ xài” (mãng cầu, đu đủ và xoài) cho đến các loại trái cây khác, thậm chí bao gồm cả ớt.
 
“Thị trường rộng lắm. Có doanh nghiệp đặt tôi mỗi tháng 3 container loại 40 feet xoài sấy dẻo nhưng tôi đành từ chối vì mình không cung cấp đủ sản lượng”, ông Triển chia sẻ.
 
Cũng tại hội thảo nêu trên, ngành nông nghiệp chế biến Việt Nam xuất hiện thêm một doanh nghiệp cũ mà mới đến từ Đồng Tháp là Cỏ May Essential.
 
Sở dĩ nói là cũ vì đây là một doanh nghiệp khá quen thuộc trong lĩnh vực thức ăn gia súc nhưng nói là mới vì những hướng đi thú vị của doanh nghiệp này.
 
Với quan niệm làm nông nghiệp, hoặc là làm mới, hoặc là làm khác đi, doanh nhân trẻ Phạm Minh Thiện – Giám đốc Điều hành Cỏ May đã mạnh dạn đưa khoa học công nghệ vào làm mới các sản phẩm nông nghiệp của quê hương.
 
Và một trong rất nhiều sản phẩm của Cỏ May là nấm rơm. Với gần như tất cả người dân Việt Nam, nấm rơm là một món ăn truyền thống, đầu tiên xuất hiện trong tự nhiên, rồi được người dân chủ động trồng nhưng giá trị vẫn chưa cao và thường quanh quẩn các chợ truyền thống với giá vài chục nghìn một ký. Lý do rất đơn giản: sản phẩm bảo quản không được tốt, yếu tố an toàn chưa được đảm bảo.
 
Vậy nếu bảo quản tốt hơn, an toàn hơn và đóng gói đẹp hơn thì bài toán nấm rơm đã được giải. Với góc nhìn như vậy, anh Thiện đã làm mới sản phẩm nấm rơm truyền thống thành một sản phẩm cao cấp định vị cho mình những khách hàng trung lưu trở lên với giá bán 160.000 đồng/kg.
 
“Điều thú vị là mặc dù giá đắt như vậy nhưng nhiều người sẵn lòng mua mà không quan tâm nhiều đến giá. Điều đó cho thấy nhu cầu về sản phẩm nông sản chất lượng của người Việt rất cao. Và đó là một tin vui.” Anh Thiện phát biểu.
 
Một tin khác, đáng chờ đợi hơn đó là câu chuyện anh Thiện đang cố gắng đưa nấm rơm cao cấp của anh vào chuỗi nhà hàng của Sài Gon Tourist và Việt Nam Airline.
 
Nếu việc đàm phán vụ này thành công, Cỏ May sẽ có đầu ra ổn định và dần chuyển giao công nghệ để nông dân sản xuất cho chúng tôi, ông Thiện nói về mong ước giúp cho những người nông dân quê ông có thêm thu nhập.
 
Chia sẻ về nền nông nghiệp quê ông, mà rộng ra là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông Thiện nhìn nhận “Sự trù phú của Đồng bằng sông Cửu Long hứa hẹn cho chúng ta một nền nông nghiệp sáng lạn, đặc biệt là nông nghiệp sạch và xanh kết hợp với ứng dụng những kỹ thuật tiến bộ của phương Tây.”
 
Hiểu rõ giá trị gia tăng mà công nghệ mang lại cho các sản phẩm nông nghiệp, hiện Cỏ May đầu tư khoảng 9 tỷ đồng để nhập khẩu công nghệ thiết bị chiết suất bằng CO2 siêu tới hạn chỉ để phục vụ nghiên cứu.
 
Với ông, đây là một bước đi mạo hiểm nhưng sự dấn thân là điều cần thiết.
 
Tâm Nguyễn