GTCLQG: Công cụ hữu hiệu để doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm

7 tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là công cụ để giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, tăng sức cạnh tranh trong hội nhập.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trước thềm Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2015 diễn ra ngày 8/5.
 
Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
 
-Thưa ông, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã góp phần nâng cao năng suất chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?
 
Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng: Chúng ta biết rằng năm 1995, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã phát động phong trào Chất lượng. Năm 1996, Giải thưởng Chất lượng Việt Nam được chính thức ban hành. Cho đến giờ này, chúng ta thấy Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (Giải thưởng) xuất phát từ Giải thưởng Chất lượng Việt Nam đã được 20 năm và Giải thưởng hiện nay được Thủ tướng Chính phủ trao tặng.
 
Giải thưởng không chỉ đơn thuần là một giải thưởng mà là công cụ để giúp cho doanh nghiệp quản lý, vận hành để sao cho sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp đáp ứng tốt nhất yêu cầu của người tiêu dùng, đồng thời có năng suất, chất lượng và giá thành hợp lý để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.
 
Trên cơ sở đó, tôi thấy 7 tiêu chí của Giải thưởng sẽ giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và cải tiến quá trình sản xuất. Doanh nghiệp có cam kết về định hướng hoạt động, định hướng chất lượng một cách nghiêm túc thì họ sẽ xác định được chiến lược chính sách với khách hàng, tiêu chí của sản phẩm hàng hóa là gì, mức độ đáp ứng, giá thành ra sao để từ đó thiết kế được sản phẩm phù hợp với yêu cầu. Với định hướng khách hàng như vậy, doanh nghiệp sẽ quản lý nhân lực, đầu vào đầu ra để đạt yêu cầu. Cuối cùng, kết quả của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng có phù hợp hay không doanh nghiệp lại phân tích, đánh giá, xác định điểm mạnh, điểm yếu để  cải tiến quy trình và sản phẩm.
 
Tất cả quá trình trên tạo thành vòng tròn xoáy trôn ốc liên tục để doanh nghiệp nâng cao chất lượng, nâng cao năng suất, giảm giá thành, khẳng định vai trò của mình trên thị trường.
 
-Thưa ông,vậy bộ tiêu chí đưa ra cho các doanh nghiệp tham gia có quá nặng hay không?
 
Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng: Đây là một Giải thưởng do Thủ tướng Chính phủ trao tặng, mang tính công cụ chứ không phải hoàn toàn chỉ tôn vinh. Chúng ta học tập các nước tiên tiến trên thế giới giúp cho doanh nghiệp có được công cụ quản lý tiên tiến để hội nhập tốt hơn. Sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ bán trong nước mà còn bán ra nước ngoài. Do vậy, tiêu chí không thể nói là nặng hay không nặng mà điều quan trọng là phù hợp với các yêu cầu để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia.
 
-Năm nay, số lượng những doanh nghiệp tham gia Giải thưởng có tăng lên hay không thưa ông?
 
Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng: Việc tham gia các giải thưởng không phải là yêu cầu bắt buộc, mà giúp doanh nghiệp có định hướng, công cụ quản lý. Do vậy, doanh nghiệp tham gia nhiều hay ít cũng là một thước đo. Do đó, chúng tôi đang làm sao để các tiêu chí đi sâu vào doanh nghiệp hơn, giúp doanh nghiệp luôn có một cách thức bài bản hơn để cải tiến năng suất, chất lượng.
 
Đôi khi, một số doanh nghiệp còn e dè, ngại áp dụng vì đây là những công cụ, tiêu chí bài bản để quản lý doanh nghiệp. Có thể doanh nghiệp chưa nắm rõ từng tiêu chí và công tác tuyên truyền của chúng tôi chưa được tốt để doanh nghiệp nhận thấy rằng, các tiêu chí này chính là công cụ để giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất cải tiến chất lượng sản phẩm.
 
-Thưa ông, vậy sắp tới Tổng cục sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền như thế nào để người tiêu dùng biết được các doanh nghiệp đã đạt giải?
 
Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng: Thực ra đây là một câu hỏi khá khó. Họp báo về Giải thưởng Chất lượng cũng là cách thức để các nhà báo, các cơ quan quản lý biết đến Giải thưởng và tuyên truyền sâu rộng để người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp biết được việc áp dụng các tiêu chí và đạt Giải thưởng này chính là để các doanh nghiệp làm ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng cũng như đóng góp tích cực cho cộng đồng xã hội tại địa phương doanh nghiệp tham gia.
 
-Thời gian qua, tổng cục có đánh giá, so sánh những điều doanh nghiệp đạt được trước và sau khi doanh nghiệp tham gia Giải thưởng?
 
Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng: 7 tiêu chí hòa quyện với nhau thành một vòng tròn xoáy trôn ốc từ chính sách, chiến lược của người lãnh đạo doanh nghiệp, của sản phẩm hàng hóa, làm ra sản phẩm hàng hóa, bán, đánh giá xem quá trình vừa rồi mạnh yếu ở điểm nào, khách hàng chưa chấp nhận điều gì…Tất cả những công cụ của Giải thưởng đánh giá được những điều trên, từ đó, nếu doanh nghiệp áp dụng một cách nghiêm túc thì sẽ mang lại những lợi ích rất cụ thể.
 
Ví dụ như Traphaco đã tập trung vào vấn đề khách hàng, quá trình bán hàng bởi trong thời gian vừa qua thực tế đã có những thay đổi. Từ đó họ thay đổi quá trình hoạt động và kinh doanh để có những cách tiếp cận phù hợp, người tiêu dùng tiếp cận nhanh nhất tới những thông tin sản phẩm và họ đã thành công.
 
Sau 20 năm, chúng tôi đã tiến hành một cuộc đánh giá tổng thể lại xem tất cả các doanh nghiệp trong thời gian qua xây dựng và áp dụng các tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng thì đã có những tiến triển như thế nào. Sẽ có khen thưởng cho 20 doanh nghiệp tiên tiến nhất. Qua việc đánh giá này, chúng tôi thấy hầu như những doanh nghiệp được Giải thưởng từ năm 1996 đến nay là những doanh nghiệp đang tồn tại, phát triển rất tốt. Thậm chí có những doanh nghiệp đạt giải 3 – 4 lần.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *