Sáng ngày 06/5/2016, tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu Ngày hội STEM 2016 và những nội dung chính sẽ được tổ chức trong chương trình kéo dài hai ngày 14 – 15/5/2016.
 
Bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, phát biểu tại buổi họp báo
 
Ngày hội STEM là sự kiện do Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia phối hợp với Tạp chí Tia sáng, Học viện Sáng tạo S3, Học viện Khám phá, Vườn ươm Tài năng TALINPA, Công ty sách Long Minh và Trang trại Giáo dục (Edufarm) và trường THCS Trưng Vương tổ chức nhân dịp chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18 tháng 5.
 
 
Đây là lần thứ ba Ngày hội STEM được tổ chức tại Việt Nam, sau lần thứ nhất tổ chức vào tháng 5/2015 tại Hà Nội, và lần thứ hai tổ chức vào tháng 1/2016 tại thành phố Hồ Chí Minh. Chuỗi sự kiện này được khởi xướng bởi Tạp chí Tia Sáng và cộng đồng giáo dục STEM dưới sự bảo trợ của Bộ KH&CN, có mục đích nhằm phổ biến và nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục STEM, một mô hình giáo dục hiện đại đã được triển khai tại các nước châu Âu, châu Mỹ. STEM là viết tắt của Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Mathematics) là một cách tiếp cận mới trong dạy và học, trong đó chú trọng sự tích hợp liên môn, theo quan điểm học thông qua thực hành và sáng tạo.
 
Năm 2009, chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama đã khởi xướng Chương trình hành động "giáo dục vị sáng tạo" nhằm khuyến khích và truyền cảm hứng cho học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học trong các bộ môn khoa học kỹ thuật, nhằm tạo ra sản phẩm là một nguồn nhân lực giàu trí tuệ, giàu tính chủ động, có đầu óc sáng tạo và linh hoạt cùng những kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu rất cao của nước Mỹ trong các ngành công nghiệp và công nghệ mới, năm 2014, chính quyền Mỹ đã đầu tư tới 3,1 tỷ USD cho các chương trình giáo dục STEM riêng ở cấp liên bang.
 
Tuy nhiên, ở Việt Nam, cách tiếp cận với các ngành khoa học và kỹ thuật trong giáo dục của chúng ta đơn thuần chỉ là học để giải bài tập trên giấy, mà không hướng các em vào trực tiếp giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực và sinh động trong đời sống hàng ngày. Dẫn tới việc nhiều em học các môn khoa học kỹ thuật chỉ để đối phó hay có thành tích cao nhất thời mà không có niềm đam mê thực sự.
 
Xuất phát từ thực trạng đó, Tạp chí Tia Sáng cùng những người quan tâm tới giáo dục STEM, đã khởi xướng chuỗi sự kiện Ngày hội STEM, nhằm giới thiệu những mô hình giáo dục STEM đa dạng, sinh động đến với các em học sinh, các bậc phụ huynh, các trường học, và các nhà quản lý giáo dục. Trong đó, đối tượng hướng đến đầu tiên của Ngày hội STEM chính là các em học sinh tiểu học, với mục tiêu gieo vào các em một tư duy học tập mới, một niềm đam mê dành cho khoa học kỹ thuật một cách sớm nhất.
 
Qua hai lần tổ chức Ngày hội STEM vừa qua, có thể thấy mỗi sự kiện đều thu hút sự chú ý, tham gia của hàng nghìn học sinh và phụ huynh, và đều nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ Bộ KH&CN cùng nhiều cấp quản lý.
 
Ngày hội STEM tới đây có chủ đề Cỗ máy thời gian, là một cơ hội cho các em học sinh tham gia vào một chuyến du hành trải nghiệm các bước tiến, các sự kiện khoa học lớn xảy ra qua các thời kỳ lịch sử của nhân loại. Các bài học đều được thiết kế ở dạng thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống theo tiêu chuẩn giáo dục STEM.
 
Nội dung các lớp học được chia thành các thời kỳ của lịch sử khoa học của nhân loại, các em học sinh sẽ được trải nghiệm hết lịch sử khoa học nếu tham gia đầy đủ 7 lớp: 
• Khoa học thời tiền sử: Lửa
• Khoa học thời trung đại: Câu chuyện Từ trường và Nam châm
• Đọc sách như thế nào và bắn thử tên lửa nước
• Khoa học hiện đại: Hàng không
• Khoa học thời cận đại: Khám phá thế giới vi sinh
• Toán học và kiến trúc: Xây cầu gỗ
• Trang trại giáo dục Edufarm: Khoa học trong nông nghiệp
Bốn buổi trình diễn khoa học diễn ra vào giữa các ca với các khung giờ từ 9h30 – 10h30 và 15h00 – 16h00 với các chủ đề: Cỗ máy thời gian và Fun'Omega – Núi lửa thức giấc.
 
Ngoài ra, các em học sinh còn được chiêm ngưỡng các mô hình Mặt trời, Mặt trăng, Trái đất, hình ảnh về Vũ trụ, các loại vệ tinh, tàu con thoi, trạm Hòa bình…, và các sản phẩm STEM đa dạng do các em học sinh trong CLB Khoa học của trường THCS Trưng Vương thực hiện.
 
Mỗi ngày sẽ có 4 thảo luận về các chủ đề: Giáo dục STEM; Xây dựng câu lạc bộ khoa học trong trường học; Xây dựng câu lạc bộ khoa học – STEM trong các trường làng; Khoa học và Công nghệ trong nông nghiệp – Tầm nhìn mới; Hệ thống các chương trình giáo dục STEM; Chương trình giảng dạy STEM cho phái nữ; STEM – Sử dụng vật liệu tái chế và hệ thống các câu lạc bộ trong trường học; Vai trò của bố mẹ trong việc thúc đẩy STEM trong nhà trường và xã hội.
 
Sự kiện dự kiến sẽ có sự tham gia của 800 học sinh trong độ tuổi 6-12, cùng các bậc phụ huynh và giáo viên, trong đó có cả những đối tượng đến từ các địa phương ngoài Hà Nội.
 
Từ thành công của hai Ngày hội STEM trước, Ban Tổ chức Ngày hội STEM lần này tại Hà Nội hi vọng sự kiện sẽ tiếp tục đem niềm vui, niềm đam mê khoa học đến với nhiều em học sinh, đồng thời đem nhận thức mới đến với nhiều bậc phụ huynh và các quý thầy cô.
 
Qua đó, Ban Tổ chức mong rằng sự kiện sẽ góp phần từng bước đưa giáo dục STEM vào trong từng cơ sở giáo dục, hình thành những câu lạc bộ STEM trong các trường. Đến với Ngày hội STEM lần này, thông qua các buổi thảo luận, các thầy cô, các nhà quản lý giáo dục sẽ có cơ hội trao đổi với các chuyên gia, các đơn vị từng có kinh nghiệm tổ chức STEM, và sẽ thấy rằng việc hình thành, phát triển các hoạt động STEM ở cơ sở, địa phương của mình là điều không hề khó khăn – STEM hoàn toàn có thể được triển khai một cách hiệu quả, giàu ý nghĩa ở mọi quy mô, điều kiện đặc thù khác nhau.
 
Ban Tổ chức đặt rất nhiều kỳ vọng ở các thầy, cô, những người sẽ cùng các em học sinh tiếp tục chinh phục, khám phá những trải nghiệm học tập mỗi ngày trên tinh thần, quan điểm giáo dục STEM, giúp duy trì ngọn lửa STEM trong các em và lan tỏa rộng khắp hơn nữa. Theo đó,chuỗi sự kiện Ngày hội STEM sẽ không chỉ được tổ chức ở Hà Nội và các thành phố lớn mà sẽ trở thành một mô hình được những người ủng hộ STEM chủ động triển khai trên nhiều địa phương của cả nước./.
 
Nguồn:  N.K.L (NASATI)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *