Bất cứ cá nhân nào có ý tưởng xuất sắc mà Viettel đánh giá là khả thi, mang lại hiệu quả lớn, thì Tập đoàn sẽ lấy người có ý tưởng đấy dẫn đầu một nhóm, bổ sung khoảng 5 nhân sự, cấp kinh phí khoảng 1 tỷ đồng để lập nhóm riêng cho nghiên cứu, và hỗ trợ đưa sản phẩm ra áp dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Sẵn sàng đầu tư 1 tỷ đồng cho ý tưởng xuất sắc
Ông Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng Ban Nghiên cứu sản xuất của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel vừa cho biết thông tin trên tại Hội nghị Khoa học công nghệ (KHCN) ngành TT&TT năm 2016 diễn ra sáng 10/5/2016 ở Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hải, thời gian tới, Viettel sẽ triển khai một số cách làm mới trong hoạt động đầu tư KHCN, nghiên cứu và phát triển (R&D).
Một là đẩy mạnh đội ngũ nghiên cứu ở nước ngoài như ở Mỹ, Pháp, sắp tới là Hàn Quốc, Ấn Độ. Hiện Viettel đã thành lập 1 công ty ở Mỹ, 1 công ty ở châu Âu. Các công ty này đang tìm kiếm nhân lực công nghệ cao, tìm kiếm công nghệ mới, tìm kiếm một số loại vật liệu đặc thù. Thời gian tới, ngoài việc tìm kiếm đối tác, công nghệ, các đơn vị này còn được giao nhiệm vụ triển khai hoạt động R&D, tận dụng các lợi thế như có điều kiện tiếp xúc với công nghệ mới, điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu rất tốt. Qua đó sẽ tạo sức ép cho đội ngũ nghiên cứu trong nước của Viettel. Cách làm này giống như cách làm của Samsung cách đây khoảng 30 năm.
Skip in 6…Ad finishes in 28 seconds
Hai là đặt hàng các doanh nghiệp nhỏ, start-up, đặc biệt là các start-up trong các trường đại học. Theo đó sẽ đặt hàng nghiên cứu và thiết kế các sản phẩm trong các phân khúc thị trường hẹp, hoặc những sản phẩm có tính chất đặc thù, mục đích là tận dụng và phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học công nghệ của toàn xã hội.
Và ba là xây dựng cơ chế hỗ trợ để triển khai nhanh ý tưởng đặc biệt. Các cá nhân có ý tưởng độc đáo, khả thi, đạt hiệu quả cao, sẽ được Viettel hỗ trợ đội ngũ, kinh phí để biến ý tưởng đó thành các sản phẩm hoàn chỉnh, có thể đưa ra kinh doanh. Mô hình này gần giống vườn ươm start-up.
"Viettel đã bắt đầu triển khai thí điểm việc này. Bây giờ, bất cứ cá nhân nào có ý tưởng xuất sắc mà hội đồng thẩm định của Tập đoàn đánh giá là khả thi, mang lại hiệu quả lớn, thì Tập đoàn sẽ lấy người có ý tưởng đấy dẫn đầu một nhóm, bổ sung khoảng 5 nhân sự, cấp kinh phí khoảng 1 tỷ đồng để lập nhóm riêng cho nghiên cứu, và hỗ trợ nhóm nghiên cứu đưa sản phẩm ra áp dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh của Viettel", ông Nguyễn Mạnh Hải nhấn mạnh.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
1 đồng cho đầu tư cũng là 1 đồng cho vay
Viettel sẵn sàng chi tiền cho các ý tưởng xuất sắc, song cũng không dễ gì chấp nhận lãng phí nguồn đầu tư này.
"Lãnh đạo Tập đoàn đã xác định rõ định hướng "1 đồng chi cho nghiên cứu là 1 đồng vay". Nguồn lực tài chính dành cho nghiên cứu được coi như là Tập đoàn ứng trước. Đội ngũ nghiên cứu phải tính bài toán thương mại hóa sản phẩm để hoàn chi phí nghiên cứu trong vòng 3 – 5 năm. Doanh thu có được sau khi thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu sẽ được hoàn trả lại Quỹ phát triển KHCN của Tập đoàn. Vì thế, nguồn Quỹ của Viettel liên tục được mở rộng, tạo điều kiện để thực hiện các nhiệm vụ KHCN mới", ông Nguyễn Mạnh Hải nói.
Các dự án, đề tài nghiên cứu KHCN không chỉ bắt buộc phải xuất phát từ thị trường, phải làm chủ công nghệ lõi (phải tự nghiên cứu, thiết kế, làm chủ 80% công nghệ, chỉ hợp tác, chuyển giao 20% còn lại để giảm chi phí và tăng hiệu quả tiếp nhận chuyển giao), mà sản phẩm làm ra phải xuất khẩu được. "Chúng tôi xác định việc nghiên cứu được sản phẩm mới chỉ đạt 40% yêu cầu, thương mại hóa và bán được sản phẩm trong nước thì đạt 70% yêu cầu, chỉ khi xuất khẩu được sản phẩm mới đạt 100%. Trên thực tế, chúng tôi đã có rất nhiều sản phẩm có hiệu quả, có lãi nhưng cũng chỉ đạt 70% yêu cầu vì mới trong giai đoạn bắt đầu xuất khẩu", ông Nguyễn Mạnh Hải chia sẻ thêm.
Bên cạnh việc thí điểm cơ chế khoán thực hiện đề tài, từ đầu năm 2016, lãnh đạo Tập đoàn còn cho phép lãnh đạo các đơn vị cấp dưới được tự phê duyệt đầu tư cho đề tài nghiên cứu KHCN với điều kiện giá trị đề tài dưới 5 tỷ đồng, phải hoàn thành trong vòng 6 tháng và có thể thu hồi vốn trong vòng 1 năm.
Hàng năm, Viettel được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế (khoảng 4.000 tỷ đồng) để lập Quỹ phát triển KHCN của Tập đoàn. Khoảng 15 năm qua, hoạt động sáng kiến, ý tưởng đã làm lợi cho Viettel hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Riêng năm 2015, Viettel đã có 8.000 ý tưởng, 900 sáng kiến, làm lợi cho Tập đoàn gần 900 tỷ đồng.
Ngọc Mai