Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam: Biển sách khoa học – văn hóa bán hàng cần có

Các nhà sách cần tuân theo một chuẩn mức chung: Có biển hiệu dành riêng cho từng loại sách, trong đó có sách khoa học. Điều này là không chỉ tốt cho người mua khi tiếp cận nhanh được vị trí cần tìm kiếm, qua đó người bán thể hiện được văn hóa bán hàng của mình.
 
 
Rất hãn hữu mới có nhà sách dành một quầy cho sách khoa học, nhưng với cái tên rất chung chung: Kiến thức. Ảnh: Việt Hoà
 
Trao đổi với Báo Khoa học và Phát triển về vấn đề nhà sách không/ít có có biển hiệu dành cho sách khoa học, ông Nguyễn Kiểm – Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam – cho biết: “Hiện nay, chúng ta chưa có một quy định nào bắt buộc về cấu trúc của một nhà sách, cũng như không có ngành nghề nào có quy định bắt buộc phải có biển hiệu cho sách của ngành mình. Tuy nhiên, các nhà sách, nơi bán sách… cần tuân theo một chuẩn mức chung: Có biển hiệu dành riêng cho từng loại sách, trong đó có sách khoa học. Điều này là rất cần thiết và tốt không chỉ cho người mua khi tiếp cận nhanh được vị trí cần tìm kiếm mà còn tốt cho người bán, bởi nó thể hiện được văn hóa doanh nghiệp, văn hóa bán hàng”.
 
“Những người mua sách khoa học thường là những người có mục đích tiêu dùng rõ ràng, muốn mua sách về để nâng cao kiến thức hoặc học hỏi để áp dụng vào trong thực tế, họ không mua sách về làm cảnh. Việc không có biển hiệu khiến người mua trở nên lúng túng khi đi mua hàng. Trong khi sắp xếp sách vào vị trí không đúng với biển hiệu cho thấy sự cẩu thả của người bán, dễ khiến người mua thất vọng, từ đó làm ảnh hưởng tới doanh thu của cửa hàng” – ông Nguyễn Kiểm nói.
 
Về hệ luỵ của việc thiếu tấm biển sách khoa học, ông Nguyễn Kiểm bày tỏ: “Việc không có tấm biển hiệu sách khoa học là một thực tế đáng buồn, thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với sách khoa học – kỹ thuật hoặc khoa học – công nghệ. Chúng ta đang phải trả giá cho tình trạng coi nhẹ việc phổ biến khoa học trong đời sống bằng thực trạng tụt hậu về nhiều mặt, như năng suất lao động…”.
 
Ông Nguyễn Kiểm khuyến nghị: “Khi chưa có quy định bắt buộc, các hội nghề nghiệp, các nhà xuất bản, các nhóm nhỏ trong Hiệp hội kinh doanh xuất bản phẩm nên khuyến cáo các nhà sách có tấm biển hiệu dành cho sách khoa học. Ngoài ra, các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần lên tiếng để nhà sách cải thiện hình thức phục vụ khách hàng của mình”.
Thanh Bình (Ghi)

Giáo dục khoa học trên thế giới: Bài học và kinh nghiệm thành công

Khoa học là một nội dung học không thể thiếu trong bất cứ nền giáo dục của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Hiện nay, giáo dục khoa học được xem là một trong những chìa khóa đề phát triển đất nước.
 
Để đạt được mục tiêu đó, mỗi quốc gia luôn phải tính toán tới những cách thức và phương pháp đưa khoa học vào trường học sao cho thật hiệu quả
.
 
Học sinh lớp 5 đang thực hành tại phòng thí nghiệm DNA thuộc Trung tâm Khoa học Singapore. Ảnh: Mgs.sch.edu.sg
 
Hiện trạng giáo dục khoa học trên thế giới
 
Trong bức tranh toàn cảnh về giáo dục khoa học trên thế giới hiện nay, các quốc gia châu Á – nhất là vùng Đông Á – đang được cho là những điểm sáng đáng chú ý.
 
Năm 2012, chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) thuộc Hiệp hội các Nước phát triển (OECD) tiến hành đánh giá hơn 510.000 học sinh từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ về các kiến thức toán học, khoa học và kỹ năng đọc cho thấy, các quốc gia châu Á đứng đầu về kiến thức khoa học. Cụ thể, học sinh ở Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đều lọt vào danh sách những nước và vùng lãnh thổ đứng đầu về điểm số khoa học, toán học.
 
Thậm chí, theo thông tin từ CNBC cho biết, trong xếp hạng các trường học của 76 quốc gia trên thế giới do OECD thực hiện vào đầu năm 2015, các nước và vùng lãnh thổ ở châu Á như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) đều nằm trong danh sách 10 nước có chất lượng giáo dục toán học và khoa học tốt nhất thế giới.
Cùng với các nước châu Á và còn có các nước như Phần Lan, Thụy Sĩ ở châu Âu, Canada ở Bắc Mỹ hay New Zealand, Australia ở châu Đại Dương cũng được đánh giá là những nước có chất lượng giáo dục toán học và khoa học tốt trên thế giới.
 
Trong khi đó, kết quả đánh giá đối với các học sinh và trường học của Mỹ – một quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất thế giới – lại khiến nhiều người bất ngờ. Theo kết quả khảo sát của PISA năm 2012, học sinh Mỹ chỉ xếp thứ 35 về kỹ năng toán học và thứ 27 về khoa học trong tổng số 65 nước. Đồng thời, Mỹ cũng chỉ đứng thứ 28 về chất lượng trường học dựa trên chỉ số đánh giá việc học toán học, khoa học theo đánh giá của OECD vào tháng 5/2015. Một số nước phát triển khác như Pháp, Anh cũng bị tụt hạng về giáo dục khoa học, toán học trong trường học.
 
Nằm top cuối thường là những nước thuộc châu Phi và Nam Mỹ như: Nam Phi, Uruguay, Peru. Tuy nhiên, ngay ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, chất lượng giáo dục khoa học, toán học trong các trường học cũng bị xuống dốc đã tạo ra những ngạc nhiên lớn.
Kinh nghiệm từ các nước đứng đầu
 
Để có được những thành công trong việc phổ biến các kiến thức khoa học, toán học cho học sinh, các nước như Singapore, Hàn Quốc, Phần Lan, New Zealand và một số nước khác đều có những khung chương trình và phương pháp giảng dạy toán học, khoa học hiệu quả.
 
Tại Singapore, để đổi mới cách thức giáo dục khoa học, đáp ứng nhu cầu phát triển của quốc gia trong bối cảnh mới, từ năm 2006, nước này đã thực hiện chính sách giáo dục theo phương châm “dạy ít, học nhiều”, nhấn mạnh vào vai trò của học sinh.
 
Để thúc đẩy phương châm này, năm 2008, Singapore đã đưa ra một khung chương trình khoa học; trong đó, lấy phương pháp và cách tiếp cận học khám phá làm trọng tâm, khuyến khích học sinh đặt câu hỏi và tìm hiểu về những thứ xung quanh mình, thậm chí ngay cả khi không còn trên lớp học.
 
“Phương pháp học khám phá sẽ kích thích học sinh ngay cả khi bước ra khỏi lớp học vẫn tò mò và quan sát tinh tế hơn về thế giới xung quanh” – tiến sĩ Charles Chew – Viện Giáo dục quốc gia Singapore cho biết.
 
Đối với Hàn Quốc, ngoài việc thiết lập hệ thống các trường chuyên dạy khoa học, các trung tâm khoa học với các phòng thí nghiệm giúp cho việc giáo dục khoa học trên cả nước thì việc tăng cường kỷ luật học tập trên lớp và nhấn mạnh vào yếu tố chăm chỉ được đặt lên hàng đầu.
Một kết quả khảo sát của Viện Chính sách thanh niên quốc gia Hàn Quốc, những người trong độ tuổi đi học từ 15-24 có trung bình 7 giờ 50 phút mỗi ngày dành cho việc học trên trường, nhiều hơn 3 giờ so với mức trung bình của OECD. Đó là chưa kể, ngoài giờ học trên trường, học sinh Hàn Quốc còn tham gia cả những lớp học thêm.
 
“Học sinh Hàn Quốc tới trường từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều, sau đó đi tới hagwons (các lớp học thêm) từ 5 giờ tối đến 10 giờ đêm. Các em bắt đầu việc học tại nhà sau khi trở về từ lớp học thêm” – Stacey Bremner – một thầy giáo người Nam Phi dạy học tại Hàn Quốc cho biết.
Môi trường học tập với vai trò người thầy giáo được đề cao cùng với kỳ vọng của cha mẹ ở Hàn Quốc sẽ tạo ra một khuôn khổ rèn luyện khả năng học tập chăm chỉ và nắm tốt về mặt lý thuyết, các khái niệm và nguyên lý khoa học.
 
Khác với Hàn Quốc, tại Phần Lan học sinh dành thời gian học trên lớp ít nhất trong số các nước phát triển. Triết lý giáo dục của Phần Lan là hướng tới tất cả học sinh cùng đóng góp và tranh luận giải quyết những chủ đề nhất định, giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn và tương tác.
 
“Học tập là kết quả của hoạt động tích cực và tập trung của học sinh nhằm tới việc giải quyết và giải thích được quá trình cũng như các thông tin trong quá trình tương tác với các học sinh khác, với giáo viên và môi trường” – Ari Myllyviita – giáo viên dạy hóa học tại khoa Đào tạo giáo viên thuộc Đại học Helsinki nói.
 
Đồng thời, khác với nhiều nền giáo dục ở Á Đông với nhiều giờ học trên lớp và tập trung vào luyện trí nhớ, Phần Lan lại giao rất ít bài tập về nhà và khuyến khích học sinh tham gia vào các trò chơi sáng tạo hơn.
 
Như vậy, có thể thấy mỗi nền giáo dục lại có cách thức riêng để đạt được hiệu quả trong việc dạy và học các môn khoa học với những ưu điểm đáng để các nước khác tham khảo.
Văn Biên

Khát vọng “phủ sóng” KHCN đến mọi miền quê của những trí thức trẻ

32 đội hình tình nguyện với hàng trăm trí thức trẻ khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện đã sẵn sàng mang những kiến thức, kỹ năng mình học được “phủ sóng” KHCN đến với 5 huyện ngoại thành TP.HCM và những tỉnh lân cận.
 
 
Chương trình “Trí thức khoa học trẻ tình nguyện” lần thứ VII là một trong những hoạt động trọng tâm trong Tháng thanh niên 2016 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức sáng 28/02. Đây là hoạt động nhằm phát huy tinh thần xung kích của thanh niên, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, tăng cường sự quan tâm, bồi dưỡng, giáo dục, tạo môi trường cho thanh thiếu nhi thành phố tiếp tục rèn luyện, cống hiến, trưởng thành.
 
 
Anh Đoàn Kim Thành, trưởng ban tổ chức chương trình “Trí thức khoa học trẻ tình nguyện” giương cao ngọn cờ khởi động chương trình. Ảnh: Hà Thế An
Được Thành đoàn TP.HCM triển khai từ năm 2010, chương trình “Trí thức khoa học trẻ tình nguyện” đã tập hợp được hàng ngàn lượt trí thức đến với các địa bàn khó khăn, đặc biệt là 5 huyện ngoại thành, đem kiến thức KHCN hỗ trợ tích cực cho người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
 
 
Đội hình các đơn vị tham dự chương trình “Trí thức khoa học trẻ tình nguyện”. Ảnh: Hà Thế An
 
Theo anh Phạm Hồng Sơn, Phó bí thư Thành đoàn, Chủ tịch hội LHTN Việt Nam TP.HCM, chương trình “Trí thức khoa học trẻ tình nguyện” sẽ thực hiện xuyên suốt trong năm với các hoạt động giảng dạy, tập huấn, chuyển giao kết quả nghiên cứu KHCN trong các lĩnh vực: Nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, tổ chức chương trình chuyến xe tri thức và các sân chơi khoa học vui dành cho thiếu nhi.
 
 
Các trí thức trẻ sẽ đến những vùng đất nghèo, đời sống nhân dân còn khó khăn để mang kiến thức khoa học giúp đỡ người dân. Ảnh Hà Thế An
 
“Mỗi hành động ý nghĩa chỉ thực sự đạt hiệu quả khi được lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng, xã hội. Vì thế, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp hỗ trợ của chính quyền, các đoàn thể, sự hưởng ứng và chung sức của nhân dân. Có như vậy hoạt động của tuổi trẻ thành phố mới tạo được sức bật rõ rệt, gây dựng được dấu ấn trong xã hội”- anh Sơn nhấn mạnh.
 
 
Hàng nghìn bạn trẻ đã sẵn sàng cho tháng thanh niên 2016. Ảnh: Hà Thế An.
 
Cũng trong khuôn khổ tháng thanh niên, hàng nghìn các đoàn viên, thanh niên sẽ thực hiện rất nhiều hoạt động xã hội hỗ trợ người dân như: Cải thiện môi trường và cảnh quan các tuyến kênh rạch, sửa chữa và làm mới hệ thống điện cho ít nhất 1000 hộ nghèo, lắp đặt đồng hồ nước miễn phí cho 1000 hộ nghèo.
 
Ngoài ra, chương trình sẽ tổ chức hàng loạt các hoạt động vệ sinh môi trường ở khu dân cư, tôn tạo mảng xanh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tập huấn phóng cháy chữa cháy…
 
Theo Khám Phá

Nhà khoa học không còn “đau đầu” vì thủ tục tài chính

 
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trong  một chương trình "Dân hỏi bộ trưởng trả lời"
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định, việc liên Bộ KH&CN – Tài chính ký ban hành Thông tư liên tịch 27 quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, đã từng bước gỡ bỏ “nút thắt” tài chính cho nghiên cứu khoa học.
Giảm bớt thủ tục
 
Thông tư 27 nhằm giảm bớt “gánh nặng” về thủ tục giấy tờ, quyết toán kinh phí giúp cho các nhà khoa học tập trung nghiên cứu. Hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng trong lĩnh vực KH&CN giúp các nhà khoa học không phải “đau đầu” với sự rườm rà của thủ tục giấy tờ, chứng từ, hóa đơn… để được nghiệm thu sản phẩm. Thậm chí nhiều khi xong hết thủ tục vẫn phải vừa làm vừa chờ kinh phí, khiến không ít nhà khoa học cảm thấy chán nản.
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: Thông tư 27 đề cao hơn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, từ những người đặt đầu bài, thông qua danh mục đề cương, nội dung, theo dõi, nghiệm thu và đưa đề tài, dự án vào thực tiễn. Cơ quan nhà nước là người đặt hàng và quản lý đầu ra sản phẩm. Đồng thời, thông tư cũng đề cao trách nhiệm và quyền tự chủ hơn của các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học trong quá trình nhận đặt hàng các đề tài, dự án sử dụng ngân sách nhà nước.
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ: Từ trước đến nay, nhiều đề tài, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước được nghiệm thu xuất sắc nhưng không có sản phẩm và không được ứng dụng vào thực tiễn nên việc khoán chi đến sản phẩm cuối cùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đưa các sản phẩm đầu ra ứng dụng vào thực tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển KH&CN cũng như kinh tế xã hội của đất nước.
 
Bên cạnh đó, quản lý được việc đề tài dự án lợi dụng cơ chế, định mức, sơ hở trong quản lý đã không làm “thật” nhưng vẫn được nghiệm thu. Thực tế, cơ chế khoán chi tạo thuận lợi nhất cho những người làm khoa học, nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn cho họ bởi sẽ có nhà khoa học chưa dám nhận phương thức khoán chi theo sản phẩm cuối cùng khi họ không chắc chắn tạo được sản phẩm cuối cùng. Theo quy định mới của Thông tư 27, nhà nước kiểm soát đầu ra, phải có sản phẩm đúng như đặt hàng, trường hợp không có sản phẩm cuối cùng như hợp đồng đã ký kết thì không được nghiệm thu.
 
Sản phẩm đặt hàng được đưa vào ứng dụng
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh: Với phương thức trước đây, sự nặng nề trong thủ tục đã không hỗ trợ cho các nhà khoa học nghiên cứu cũng như nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực như: Nhiều khi nhà khoa học buộc phải “vẽ” ra các công đoạn, “lách luật” nâng giá lên để khi bị “cắt” vẫn đảm bảo đủ kinh phí để thực hiện đề tài; hoặc phải chạy hóa đơn, chứng từ để được nghiệm thu. Điều này vô hình đã “bóp nghẹt” sức sáng tạo của các nhà khoa học, khiến hiệu quả nghiên cứu không cao, gây lãng phí cho Nhà nước.
 
Do đó, khoán chi đến sản phẩm cuối cùng là cơ chế mới được các nhà khoa học Việt Nam trông đợi. Với hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, nhà khoa học phải tự tổ chức, tìm người giỏi, liên kết, nghiên cứu để làm ra được sản phẩm như cam kết, điều này đồng nghĩa với trách nhiệm của các nhà khoa học cũng tăng lên.
 
Trước đây, các nhà khoa học chọn đề tài theo ý muốn chủ quan của mình, đôi khi không thiết thực. Với cơ chế đặt hàng, cơ quan thẩm định, đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ, đề tài với Bộ KH&CN và các bộ ngành. Khi đề xuất đặt hàng thì cơ quan đặt hàng phải cam kết chịu trách nhiệm tiếp nhận lại kết quả nghiên cứu sau khi đã được nghiệm thu và tổ chức ứng dụng vào thực tiễn. Nghĩa là, địa chỉ đầu ra phải rất rõ ràng. Trách nhiệm của cơ quan quản lý khi đề xuất, đặt hàng các đề tài, dự án nghiên cứu phát triển có sử dụng ngân sách nhà nước phải có trách nhiệm tiếp nhận kết quả nghiên cứu sau nghiệm thu và ứng dụng vào thực tiễn, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
 
Việc ban hành Thông tư 27 nhằm sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước khi đầu tư cho khoa học, tuy nhiên nghiên cứu khoa học công nghệ chứa đựng nhiều rủi ro, mạo hiểm. Trong KH&CN có nhiều lĩnh vực, nghiên cứu cơ bản đi trước, đặt tiền đề cho nghiên cứu ứng dụng. Ngay cả nghiên cứu ứng dụng thì không phải sản phẩm, kết quả nào cũng có thể được ứng dụng ngay mà còn chờ đợi các nhà đầu tư, cơ hội và thị trường.
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, loại trừ các đề tài thực sự bỏ ngăn kéo, nghiên cứu không để làm gì, theo ý muốn chủ quan của các nhà khoa học, thì cơ bản các đề tài nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà nước thời gian gần đây đã được thực hiện theo cơ chế đặt hàng, do đó, khả năng ứng dụng sẽ cao hơn trước.
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân: Với Thông tư 27, các nhà khoa học được quyền lựa chọn giữa hai hình thức khoán chi. Khi đã lựa chọn phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng thì trong quá trình thực hiện không được điều chỉnh mục tiêu, sản phẩm và tổng kinh phí đã được thỏa thuận. Nếu nhà khoa học không hoàn thành sản phẩm như cam kết thì phải chịu hình thức xử lý là phải hoàn trả ngân sách nhà nước từ 40 – 100% tùy mức độ rủi ro và các nguyên nhân chủ quan, khách quan. Đây là chế tài nghiêm khắc, đòi hỏi trách nhiệm cao của các nhà khoa học.
 
Thông tư 27 được các nhà nghiên cứu kỳ vọng sẽ là tiền đề phát huy tinh thần nghiên cứu, sáng tạo, đặc biệt, việc thực hiện khoán chi nhiệm vụ KH&CN cũng sẽ tác động đến phương thức tổ chức, quản lý của các tổ chứcKH&CN theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
 
Theo TTXVN

Nhà khoa học không còn “đau đầu” vì thủ tục tài chính

 
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trong  một chương trình "Dân hỏi bộ trưởng trả lời"
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định, việc liên Bộ KH&CN – Tài chính ký ban hành Thông tư liên tịch 27 quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, đã từng bước gỡ bỏ “nút thắt” tài chính cho nghiên cứu khoa học.
Giảm bớt thủ tục
 
Thông tư 27 nhằm giảm bớt “gánh nặng” về thủ tục giấy tờ, quyết toán kinh phí giúp cho các nhà khoa học tập trung nghiên cứu. Hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng trong lĩnh vực KH&CN giúp các nhà khoa học không phải “đau đầu” với sự rườm rà của thủ tục giấy tờ, chứng từ, hóa đơn… để được nghiệm thu sản phẩm. Thậm chí nhiều khi xong hết thủ tục vẫn phải vừa làm vừa chờ kinh phí, khiến không ít nhà khoa học cảm thấy chán nản.
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: Thông tư 27 đề cao hơn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, từ những người đặt đầu bài, thông qua danh mục đề cương, nội dung, theo dõi, nghiệm thu và đưa đề tài, dự án vào thực tiễn. Cơ quan nhà nước là người đặt hàng và quản lý đầu ra sản phẩm. Đồng thời, thông tư cũng đề cao trách nhiệm và quyền tự chủ hơn của các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học trong quá trình nhận đặt hàng các đề tài, dự án sử dụng ngân sách nhà nước.
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ: Từ trước đến nay, nhiều đề tài, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước được nghiệm thu xuất sắc nhưng không có sản phẩm và không được ứng dụng vào thực tiễn nên việc khoán chi đến sản phẩm cuối cùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đưa các sản phẩm đầu ra ứng dụng vào thực tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển KH&CN cũng như kinh tế xã hội của đất nước.
 
Bên cạnh đó, quản lý được việc đề tài dự án lợi dụng cơ chế, định mức, sơ hở trong quản lý đã không làm “thật” nhưng vẫn được nghiệm thu. Thực tế, cơ chế khoán chi tạo thuận lợi nhất cho những người làm khoa học, nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn cho họ bởi sẽ có nhà khoa học chưa dám nhận phương thức khoán chi theo sản phẩm cuối cùng khi họ không chắc chắn tạo được sản phẩm cuối cùng. Theo quy định mới của Thông tư 27, nhà nước kiểm soát đầu ra, phải có sản phẩm đúng như đặt hàng, trường hợp không có sản phẩm cuối cùng như hợp đồng đã ký kết thì không được nghiệm thu.
 
Sản phẩm đặt hàng được đưa vào ứng dụng
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh: Với phương thức trước đây, sự nặng nề trong thủ tục đã không hỗ trợ cho các nhà khoa học nghiên cứu cũng như nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực như: Nhiều khi nhà khoa học buộc phải “vẽ” ra các công đoạn, “lách luật” nâng giá lên để khi bị “cắt” vẫn đảm bảo đủ kinh phí để thực hiện đề tài; hoặc phải chạy hóa đơn, chứng từ để được nghiệm thu. Điều này vô hình đã “bóp nghẹt” sức sáng tạo của các nhà khoa học, khiến hiệu quả nghiên cứu không cao, gây lãng phí cho Nhà nước.
 
Do đó, khoán chi đến sản phẩm cuối cùng là cơ chế mới được các nhà khoa học Việt Nam trông đợi. Với hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, nhà khoa học phải tự tổ chức, tìm người giỏi, liên kết, nghiên cứu để làm ra được sản phẩm như cam kết, điều này đồng nghĩa với trách nhiệm của các nhà khoa học cũng tăng lên.
 
Trước đây, các nhà khoa học chọn đề tài theo ý muốn chủ quan của mình, đôi khi không thiết thực. Với cơ chế đặt hàng, cơ quan thẩm định, đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ, đề tài với Bộ KH&CN và các bộ ngành. Khi đề xuất đặt hàng thì cơ quan đặt hàng phải cam kết chịu trách nhiệm tiếp nhận lại kết quả nghiên cứu sau khi đã được nghiệm thu và tổ chức ứng dụng vào thực tiễn. Nghĩa là, địa chỉ đầu ra phải rất rõ ràng. Trách nhiệm của cơ quan quản lý khi đề xuất, đặt hàng các đề tài, dự án nghiên cứu phát triển có sử dụng ngân sách nhà nước phải có trách nhiệm tiếp nhận kết quả nghiên cứu sau nghiệm thu và ứng dụng vào thực tiễn, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
 
Việc ban hành Thông tư 27 nhằm sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước khi đầu tư cho khoa học, tuy nhiên nghiên cứu khoa học công nghệ chứa đựng nhiều rủi ro, mạo hiểm. Trong KH&CN có nhiều lĩnh vực, nghiên cứu cơ bản đi trước, đặt tiền đề cho nghiên cứu ứng dụng. Ngay cả nghiên cứu ứng dụng thì không phải sản phẩm, kết quả nào cũng có thể được ứng dụng ngay mà còn chờ đợi các nhà đầu tư, cơ hội và thị trường.
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, loại trừ các đề tài thực sự bỏ ngăn kéo, nghiên cứu không để làm gì, theo ý muốn chủ quan của các nhà khoa học, thì cơ bản các đề tài nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà nước thời gian gần đây đã được thực hiện theo cơ chế đặt hàng, do đó, khả năng ứng dụng sẽ cao hơn trước.
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân: Với Thông tư 27, các nhà khoa học được quyền lựa chọn giữa hai hình thức khoán chi. Khi đã lựa chọn phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng thì trong quá trình thực hiện không được điều chỉnh mục tiêu, sản phẩm và tổng kinh phí đã được thỏa thuận. Nếu nhà khoa học không hoàn thành sản phẩm như cam kết thì phải chịu hình thức xử lý là phải hoàn trả ngân sách nhà nước từ 40 – 100% tùy mức độ rủi ro và các nguyên nhân chủ quan, khách quan. Đây là chế tài nghiêm khắc, đòi hỏi trách nhiệm cao của các nhà khoa học.
 
Thông tư 27 được các nhà nghiên cứu kỳ vọng sẽ là tiền đề phát huy tinh thần nghiên cứu, sáng tạo, đặc biệt, việc thực hiện khoán chi nhiệm vụ KH&CN cũng sẽ tác động đến phương thức tổ chức, quản lý của các tổ chứcKH&CN theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
 
Theo TTXVN

200 đơn vị tham gia Hội sách TP.HCM lần 9-2016

TT – UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tổ chức Hội sách TP.HCM lần 9-2016 tại công viên Lê Văn Tám từ ngày 21 đến 27-3, với chủ đề “Sách – văn hóa – hội nhập và phát triển”.
 
 
Ảnh tư liệu.
Đến nay, dự kiến có khoảng 200 đơn vị xuất bản và phát hành tham gia hội sách (Hội sách lần 8-2014 có 156 đơn vị tham gia).
 
Tổng cộng có 500 gian hàng bố trí trong công viên Lê Văn Tám với lối vào theo ba trục đường: Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu. Hội sách sẽ có bốn khu vực nội dung: khu triển lãm, khu hội sách, khu hoạt động nghiệp vụ – kỹ năng và khu sân khấu biểu diễn nghệ thuật.
 
Đáng chú ý là chủ đề biển đảo sẽ hiện diện ở cả ba khu vực: triển lãm các sách về biển đảo, bày bán sách về biển đảo, và tổ chức các hoạt động tuyên truyền về biển đảo cho học sinh sinh viên (tại khu vực hoạt động kỹ năng).
 
Năm nay, khu vực hội sách sẽ bố trí riêng khối các công ty bán sách trực tuyến (online) bên cạnh các khối đơn vị khác như: khối các công ty phát hành, công ty văn hóa truyền thông; khối các NXB trong nước; các NXB nước ngoài; khối các công ty sách ở Hà Nội và các tỉnh…
 
Đặc biệt, lần đầu tiên ban tổ chức thực hiện hình thức “gian hàng tự dựng” để cho các đơn vị đăng ký tham gia tự thiết kế kiểu dáng và hình thức cho gian hàng của mình 
mang “bản sắc” độc đáo riêng.
 
Hội sách TP.HCM trải qua tám lần tổ chức trở thành một trong những sự kiện xuất bản lớn nhất cả nước và là “thương hiệu văn hóa” của TP.HCM hiện nay.
 
LAM ĐIỀN

Hội nghị cán bộ chủ chốt Bộ Khoa học và Công nghệ: Năm 2015 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chính phủ giao

Trong hai ngày 25 và 26/02/2016, tại Ninh Bình, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt năm 2016. Tại đây, Lãnh đạo Bộ KH&CN đã có cuộc đối thoại với hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức của Bộ KH&CN.
 
 
Toàn cảnh Hội nghị 
 
Tham dự Hội nghị có ông Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; ông Trương Đình Tuyển, Cố vấn của Thủ tướng Chính phủ; ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công Thương, Phó Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đại diện lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Ninh Bình cùng toàn thể cán bộ chủ chốt của Bộ KH&CN.
 
 
Ông Trương Đình Tuyển, Cố vấn của Thủ tướng Chính phủ
 
Hội nghị nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động KH&CN trong kế hoạch công tác năm 2016 và các năm tiếp theo của Bộ KH&CN. Hội nghị còn là cơ hội để các cán bộ chủ chốt của Bộ tiếp cận với các cán bộ Sở KH&CN, các doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, năm 2015 Bộ KH&CN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chính phủ giao, các văn bản quy phạm pháp luật trong chương trình công tác Chính phủ cơ bản trình đúng thời hạn ban hành. 
 
Bộ trưởng nhấn mạnh, điểm đặc biệt nhất trong năm 2015 là KH&CN Việt Nam được cộng đồng khoa học quốc tế khẳng định có tốc độ tăng trưởng tương đối tốt, với các sản phẩm khoa học đạt trình độ khu vực và thế giới (Việt Nam xếp thứ hạng 52 trên 141 nền kinh tế về năng lực đổi mới sáng tạo toàn cầu). Đó là biểu hiện nỗ lực không ngừng của cộng đồng khoa học Việt Nam, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của những người làm công tác quản lý KH&CN, đội ngũ cán bộ quản lý của Bộ KH&CN nói chung và những cán bộ chủ chốt của Bộ nói riêng.
 
 
Toàn cảnh Hội nghị cán bộ chủ chốt của Bộ KH&CN (Trong ảnh: Lãnh đạo Bộ KH&CN)
 
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2016 là một năm đầy thách thức nhưng cũng là một cơ hội đối với đất nước và với nền KH&CN. Với việc hoàn thành ký kết hiệp định thương mại lớn nhất từ trước đến nay- Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, Việt Nam chính thức tham gia vào một sân chơi lớn nhất với các quốc gia hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ và Nhật Bản, một sân chơi mà tất cả người chơi đều ở trình độ cao hơn…và không gì có thể thay thế được KH&CN trong cuộc cạnh tranh này. Bởi cạnh tranh ngày nay thực chất là về trình độ công nghệ, về năng suất lao động, về chất lượng sản phẩm hàng hóa.
 
Để chuẩn bị khi Hiệp định chính thức có hiệu lực, các cán bộ công chức, viên chức của Bộ KH&CN phải tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, hạ giá thành sản phẩm để hàng Việt Nam có thể tồn tại được, cạnh tranh được trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.
 
Các nhà khoa học Việt Nam bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp phải tăng cường hoạt động nghiên cứu ứng dụng để Việt Nam có nhiều sản phẩm xuất khẩu. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học chính là đầu vào rất quan trọng cho doanh nghiệp, đó là những công nghệ nguồn, công nghệ lõi, công nghệ mới, công nghệ cao. 
 
Trong cuộc đối thoại với cán bộ chủ chốt của Bộ, Bộ trưởng thẳng thắn phê bình một số đơn vị trong Bộ chưa thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Bộ trưởng chỉ ra hai mặt yếu kém đó là sự phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ; kỷ luật lao động tại Bộ chưa thật sự tốt. Theo Bộ trưởng, đối với một công chức, viên chức phải hội tụ các đức tính: kỷ luật, mẫn cán, đoàn kết, nhân ái. Trong đó, kỷ luật là yếu tố rất quan trọng, là sức mạnh làm nên một tổ chức.
 
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân phát biểu tại Hội nghị
 
Tại Hội nghị, ông Trương Đình Tuyển, Cố vấn của Thủ tướng Chính phủ; ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công Thương, Phó trưởng đoàn đàm phán Hiệp định TPP cũng đã giới thiệu về TPP tới các cán bộ chủ chốt của Bộ KH&CN nắm bắt được tinh thần của TPP cùng những vấn đề quan trọng và thách thức của TPP để trong thời gian tới có sự chuẩn bị cho cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng khoa học Việt Nam khi tham gia vào TPP có thể phát triển.
 
 
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công Thương, Phó Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
 
Cùng ngày, chiều 26/02, Đoàn công tác của Bộ KH&CN do Bộ trưởng Nguyễn Quân làm trưởng đoàn đã về thăm và làm việc tại Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng con nuôi Ninh Bình và Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Cùng đi với Đoàn có đồng chí Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ; Văn phòng UBND tỉnh.
 
Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng con nuôi Ninh Bình là doanh nghiệp khoa học công nghệ. Trong những năm qua, Công ty đã áp dụng thành công quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, là đơn vị đầu tiên của miền Bắc được công nhận sản xuất lúa tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, Tổng công ty đang phố hợp với các địa phương mở rộng mô hình sản xuất cho cánh đồng mẫu lớn theo tiêu chuẩn VietGAP. 
 
Đối với Công ty cổ phần xuất khẩu thực phẩm Đồng Giao, trong những năm qua, Công ty đã đặc biệt coi trọng việc đầu tư áp dụng KH&CN trong sản xuất. Cuối năm 2015, Công ty đầu tư dây chuyền lạnh IQF và dây chuyền sản xuất ngô ngọt với công suất 10.000 tấnsản phẩm/năm. Hiện nay, sản phẩm của Công ty đã có mặt ở gần 40 nước…
 
Tại những nơi đến thăm, Bộ trưởng Nguyễn Quân đánh giá cao sự sáng tạo của các đơn vị trong việc ứng dụng KH&CN để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Bộ trưởng mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục phát huy thế mạnh, không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát minh nhiều sáng kiến để ứng dụng vào thực tiễn. Đồng thời, Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện để hỗ trợ các đơn vị đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh. Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng của Bộ nghiên cứu đề xuất của công ty, trong thời gian sớm nhất kịp thời có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho cho các doanh nghiệp phát triển.
 
Một số hình ảnh Bộ trưởng Nguyễn Quân và đoàn công tác thăm và làm việc tại Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng con nuôi Ninh Bình và Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao:
 
 
 
 
Nguồn:  Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN
 

Xuất bản sách khoa học thiếu niên: Vạn dặm gian nan

Ở nước ta, sách phổ biến khoa học, mở mang kiến thức cho thiếu niên (10-15 tuổi) đang rất trống vắng…
 
Trong khi các bạn cùng lứa tuổi ở các nước phát triển khá “thông thiên văn, tường địa lý”, có thể nói vanh vách về hệ Mặt trời, các hành tinh hay các thiên hà, được trang bị những kiến thức ứng dụng trong đời sống thông qua nhiều cuốn sách trình bày đẹp, hình ảnh bắt mắt, giảng giải tường tận các kiến thức khoa học phù hợp với lứa tuổi (từ ôtô, máy bay, vũ trụ, đến cơ thể người, cách thức làm ra đồ ăn, đồ dùng…) thì các học sinh ở Việt Nam chủ yếu phải lo học thêm, lo giải bài tập mà thiếu hẳn những kiến thức đa dạng khác.
 
 
Các học sinh tiểu học ở TP.HCM tham gia chương trình Thí nghiệm cho bé (BASF Kids' lab) do Công ty BASF (Đức) tổ chức. Đây là chương trình giúp các em tìm hiểu khoa học bằng những thí nghiệm đơn giản – Ảnh: Đỗ Kim ChungThế là các giá sách, kệ sách tại các cửa hàng bán sách cũng lo đáp ứng nhu cầu đó cho các em, mảng sách phổ biến khoa học dành cho các em đã gặp khó lại càng thêm khó.
 
Có quá nhiều lý do cho sự thiếu vắng và trầy trật này của sách phổ biến khoa học cho thiếu niên. Ở góc độ xuất bản, hiện chỉ có vài nhà xuất bản (NXB) như NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, Công ty Đông A, Long Minh tổ chức xuất bản sách phổ biến khoa học cho thiếu niên, mà chủ yếu là sách dịch.
 
Ở mảng dành cho lứa tuổi nhi đồng, lực lượng làm sách đông hơn, phần vì dễ làm, không đòi hỏi kiến thức chuyên môn, đầu tư ít hơn, phần cũng dễ bán hơn.
 
Để có thể định lượng về sự khó khăn này, có thể dùng đến con số mới nhất từ Hội sách Hà Nội (diễn ra đầu tháng 10-2014), theo đó tổng doanh thu toàn hội sách là 5 tỉ đồng, còn tổng doanh thu từ mảng sách phổ biến khoa học cho thiếu niên của NXB Trẻ, NXB Kim Đồng và Công ty Long Minh ước tính chỉ đạt hơn 100 triệu đồng (chiếm 2%). Vì sao có con số buồn bã đó?
 
Yếu, mỏng và khó
 
Trái ngược với cảnh tấp nập của các gian hàng bán sách văn học, sách tâm lý, truyện tranh, các gian sách phổ biến khoa học vắng vẻ, đìu hiu, khách ghé thăm chủ yếu là những người yêu thích, hiểu biết về khoa học hoặc làm việc trong các lĩnh vực khoa học đến chọn sách cho bản thân hoặc cho con em mình.
 
Ngành giáo dục có đến hơn 1 triệu giáo viên nhưng lượng sách phổ biến khoa học tiêu thụ mỗi năm không nhiều, chứng tỏ nhiều giáo viên không hay mua loại sách này. Học sinh thường chỉ quan tâm nhiều đến sách giải bài tập hay sách tham khảo.
 
Số phụ huynh đi tìm mua sách khoa học vì mục đích nuôi dưỡng đam mê tìm hiểu thế giới sinh động xung quanh và nâng cao khả năng tìm tòi, nghiên cứu cho các em… lại quá ít.
 
Cái sự “mỏng” đó còn thể hiện trên lực lượng những người làm sách phổ biến khoa học hiện nay, vốn có thể kể ra trên đầu ngón tay. Hiện nay, nổi bật nhất là nhóm cộng tác viên chủ biên tủ sách Khoa học và khám phá cho cả thiếu niên và người lớn của NXB Trẻ, gồm dịch giả Phạm Văn Thiều, GS.TSKH Nguyễn Văn Liễn, TS Vũ Công Lập.
 
Nhóm thành lập được hơn 10 năm, đã mời các nhà khoa học có uy tín, những nghiên cứu sinh Việt Nam ở ngoài nước tham gia dịch thuật, đến nay đã cho ra đời khoảng 25 đầu sách, như Định lý cuối cùng của Ferma, Mật mã, Bảy nàng con gái của Eva, Cuộc chiến lỗ đen, Bản thiết kế vĩ đại… Trung bình mỗi năm nhóm này dịch được ba quyển sách.
 
NXB Kim Đồng có ban sách khoa học do dịch giả Hoàng Thanh Thủy làm trưởng ban, dưới sự chỉ đạo của tổng biên tập Nguyễn Huy Thắng, người đã có kinh nghiệm nhiều năm làm sách khoa học.
 
Ban khoa học của NXB Kim Đồng kiên trì duy trì các tủ sách khoa học, tiêu biểu là Kiến thức thế hệ mới – tủ sách phổ biến kiến thức, trong đó có hàng chục đầu sách về khoa học và công nghệ được các em nhỏ yêu thích.
 
Đối với lứa tuổi thiếu niên, có nhóm làm sách phổ biến khoa học của Công ty Long Minh do dịch giả Nguyễn Việt Long đứng đầu. Trong những năm gần đây, nhóm đã xuất bản 26 quyển sách về khoa học, trong đó đáng kể nhất là tủ sách Đam mê toán học (gồm 6 quyển) và tủ sách Tập làm nhà phát minh (gồm 12 quyển).
 
Tập làm nhà phát minh đã bước thêm một bước thông qua các cuộc thi tự làm đồ chơi (tên lửa, máy bay…) tại Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam và một số trường khác, lôi cuốn nhiều học sinh tham gia và gieo mầm say mê sáng tạo khoa học cho các em.
 
Vậy còn số tác giả viết sách phổ biến khoa học của Việt Nam? Câu trả lời là: cực ít, nếu không muốn nói là không có ai. Trên thị trường có một số sách viết về cuộc đời các nhà khoa học, nhưng trong đó chưa có nhiều kiến thức khoa học, một số sách nửa dịch thuật, nửa phóng tác từ nguồn sách tiếng Anh và tiếng Trung, chủ yếu dành cho lứa tuổi nhỏ.
 
Các tác giả Việt Nam tập trung viết sách giải bài tập để phục vụ trực tiếp cho nhu cầu thi cử của học sinh mà chưa có đủ trình độ, thời gian cũng như sự quan tâm và nhiệt huyết dành cho mảng sách phổ biến khoa học.
 
Một số GS, PGS, TS là giảng viên đại học cũng bận bịu giảng dạy, hướng dẫn học trò và làm đề tài nghiên cứu, giỏi lắm cũng chỉ dịch ít sách chuyên ngành và giáo trình. Ngay cả khi đã viết được phần lời thì ngành xuất bản Việt Nam cũng thiếu hẳn kho dữ liệu hình ảnh có bản quyền để minh họa, phục vụ cho những cuốn sách ấy.
 
Mà sách khoa học thì không thể thiếu phần hình ảnh minh họa. Vì thế, tổ chức dịch sách phổ biến khoa học của nước ngoài dù vất vả nhưng vẫn có hiệu quả và đỡ tốn kém cả về thời gian, đầu tư lẫn công sức hơn việc tự viết sách phổ biến khoa học.
 
Độ khó của sách phổ biến khoa học nói chung, sách phổ biến khoa học cho lứa tuổi thiếu niên nói riêng, nhất là để tránh được sai sót về kiến thức hay thuật ngữ khiến công tác dịch thuật và biên tập khá vất vả.
 
Ngoài việc yêu thích và hiểu rõ nội dung khoa học trong quyển sách thì để có được bản dịch chính xác và dễ hiểu, công tác hiệu đính bản dịch cũng tốn rất nhiều công sức vì hiếm người làm có trình độ khoa học tốt kết hợp với sự am hiểu về thuật ngữ. Hiện rất ít NXB của Việt Nam có biên tập viên “có nghề” cho mảng sách phổ biến khoa học cho thiếu niên, chủ yếu vẫn dùng người biết ngoại ngữ.
 
Nhưng quy trình chuẩn để một cuốn sách phổ biến khoa học ra đời cần ít nhất 2-3 biên tập viên có kinh nghiệm đọc và biên tập, nếu cần, bản thảo phải được các chuyên gia trong lĩnh vực đó đọc phản biện để nhận xét, góp ý. Đó là chưa kể việc cần đến những lời giới thiệu xác thực và lôi cuốn của những người nổi tiếng trong lĩnh vực khoa học.
 
Ngôn ngữ là một trở ngại khác. Hệ thống thuật ngữ tiếng Việt – ngay cả với một số thuật ngữ khoa học có tính phổ thông – còn thiếu hoặc chưa được cập nhật một cách có hệ thống, do đó trong quá trình dịch thuật và biên tập sách khoa học, người dịch hoặc biên tập viên phải cân nhắc, khai phá đặt ra từ mới.
 
Cuối cùng, với thời gian làm ra quyển sách lâu (có cuốn đến vài ba năm), in số lượng ít (chỉ 1.000-1.500 bản) dẫn đến giá bán một quyển sách phổ biến khoa học khá cao khiến độc giả phải nâng lên đặt xuống nhiều lần khi mua.
 
Những rào cản khác
 
Không nói đến những hiệu sách nhỏ hoàn toàn không có loại sách này, nhiều hiệu sách lớn hiện nay không có khu vực bán sách khoa học riêng, nếu có cũng “trộn lẫn” sách lịch sử, sách kỹ năng sống… Nhưng đó mới chỉ là rào cản đầu tiên cho các đơn vị có định hướng làm sách khoa học.
 
Kênh phân phối sách đến nhà trường cũng “chật hẹp” không kém kênh ra thị trường, thư viện nhà trường không quan tâm lắm đến mảng sách này. Những năm gần đây, vì có các cuộc thi do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức như Hội thi khoa học và kỹ thuật (Intel ISEF) cấp quốc gia, tình hình có chuyển biến chút đỉnh.
 
Mỗi năm, hàng nghìn học sinh tham gia nghiên cứu khoa học trong hội thi này nhưng chỉ dừng ở mức ngoại khóa, các tiết học định hướng thẳng vào khoa học trong nhà trường vẫn “mơ về nơi xa lắm”.
 
Truyền thông cho sách khoa học là vấn đề nan giải, không chỉ ở độ khó của sách mà ngay cả các giải thưởng về sách cũng không có hạng mục sách phổ biến khoa học. Những trường hợp thành công, có tiếng, như tủ sách Khoa học và khám phá là nhờ đóng góp không nhỏ của nhà báo Vũ Công Lập – một chuyên gia truyền thông kỳ cựu và đầy tài năng.
 
Trước những khó khăn chồng chất này, phổ biến sách khoa học không phải là việc ngày một ngày hai mà là cả một chặng đường dài và cần đến sự chung tay góp sức của rất nhiều người. Một dịch giả nổi tiếng của Việt Nam từng nhận định: “Trong những người trẻ tuổi, không có ai dám dấn thân 100% cho việc dịch sách khoa học”.
 
Nhật Bản đã tiến hành cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật thành công từ thế kỷ 19 để trở thành một cường quốc, trong đó phần dịch thuật sách báo khoa học kỹ thuật phương Tây đóng vai trò quan trọng.
 
Nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội Nhật Bản cận hiện đại, người làm nên cuộc canh tân minh trị – Fukuzawa Yukichi – kể lại trong cuốn tự truyện của ông (*) chuyện sao trộm sách.
 
Vào cái thời cả nước Nhật đang xôn xao chuyện một đội tàu của Perry cập cảng và bàn chuyện phòng bị cho hải quân, Fukuzawa được xem một cuốn sách dạy về kỹ thuật xây thành mới xuất bản ở Hà Lan mà một người quen vừa mang về.
 
Cuốn sách dày chừng 200 trang, đắt bằng cả gia tài nên cậu học trò nghèo Fukuzawa đánh bạo hỏi mượn để… chép trộm. Ông chỉ dám chép vào ban đêm vì sợ bị phát hiện, trong tâm trạng vô cùng căng thẳng, lo lắng của người biết mình đang làm việc của “tên ăn cắp” nên mất gần 30 ngày mới chép xong.
 
Về sau, khi ông học trường Ogata, toàn trường chỉ có 10 bộ sách ngành vật lý và y được chở từ Hà Lan về, học trò trong trường phải tự sao chép sách bằng bút lông ngỗng, trên giấy được gột hồ từng tờ.
 
Chuyện chép sách, đặc biệt các cuốn sách mới về kỹ thuật, trở thành một hoạt động tập trung trí lực của học sinh toàn trường, điều về sau khiến họ trở nên khác biệt hoàn toàn với người dân trong toàn nước Nhật bấy giờ: họ đọc được những sách vở tiến bộ của phương Tây, làm được những kỹ thuật mà người thường lúc bấy giờ không hiểu, không làm nổi.
 
Và vì thế “dù có bần hàn, có nguy nan, quần áo có giản dị, ăn uống có đạm bạc, nhìn qua tưởng như bọn họ là một lũ học trò khố rách áo ôm, nhưng sự cao thượng, linh hoạt về trí lực, tư tưởng lại là điều mà vương gia quý tộc cũng phải cúi đầu”.
 
(*): Phúc ông tự truyện, NXB Thanh Niên và Alpha Books, 2013.
 
Đỗ Hoàng Sơn

 

Tuổi trẻ cuối tuần
 
 

Sách khoa học cho thiếu nhi thiếu đến mức nào?

Trong những năm gần đây, nếu như mảng sách văn học khá dày dặn thì mảng sách khoa học dành cho thiếu nhi mới chỉ bắt đầu được chú ý, nhưng chủ yếu là sách dịch và cũng chỉ tập trung ở một vài mảng đề tài. Còn sách do nhà khoa học trong nước viết thì ngày càng ít, ít đến mức trầm trọng…
 
Thiệt thòi cho trẻ em
 
Vì sao cần sách khoa học cho thiếu nhi? Câu trả lời khá đơn giản, con trẻ và tự nhiên là hai thế giới có nhiều điểm vô cùng gần gũi với nhau. Tiếp cận với kiến thức khoa học, trẻ sẽ sớm hình thành tình yêu cuộc sống một cách tự nhiên và sâu sắc, có điều kiện nuôi dưỡng đam mê riêng và hình thành năng lực, phẩm chất cần có của một công dân thời toàn cầu hóa: Sống hài hòa với môi trường, tiếp cận tốt tri thức nhân loại… Những thứ ấy, nếu không bắt đầu từ thuở bé, e rằng mọi nỗ lực sau này sẽ nặng nhọc hơn.
 
 
Sách khoa học dành cho thiếu nhi chưa được quan tâm. Ảnh: Hải Anh
 
Ở nước ta, NXB dành riêng cho trẻ mang tên “Kim Đồng” cũng từng làm sách khoa học cho thiếu nhi từ quãng năm 1958 với cuốn sách đầu tiên mang tên “Chú chó Laika”. Sau đó, nhiều chuyên gia Việt Nam cũng bắt đầu viết sách khoa học cho đối tượng này với tinh thần “văn học hóa”, tức phổ biến khoa học bằng những câu chuyện kể. Nhiều nhà khoa học Việt Nam nói rằng, họ bắt đầu niềm yêu thích nghiên cứu là từ những cuốn sách kể chuyện về khoa học thuở ấu thơ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, sách khoa học do người trong nước thực hiện ngày càng ít đi, còn sách dịch về khoa học dành cho trẻ em cũng thiếu, như sự thiếu hụt chung đối với loại sách cung cấp tri trức nền tảng ở nước ta. Hệ quả là trẻ em ở thời nào cũng thiệt thòi, suy rộng ra là khoa học và nền kinh tế tri thức của chúng ta chịu thiệt thòi.
 
 
Ông Nguyễn Việt Long, (người đầu tiên đưa ra hệ thống tên bằng tiếng Việt về 88 chòm sao trong cuốn “Thiên văn và vũ trụ” – 2004, biên soạn từ tài liệu nước ngoài) chia sẻ với Báo Hànộimới: Sự thiếu hụt kiến thức khiến học sinh của ta, dù học qua trường chuyên cỡ nhất nhì cả nước thì khi ra nước ngoài cũng rất bỡ ngỡ trước những kỹ năng đơn giản ở phòng thí nghiệm. Ngay trên báo chí cũng dùng sai giữa tên khoa học và tên tiếng Anh trong lĩnh vực sinh vật… Còn với triết học, thực ra không phải cao siêu gì nhưng cũng rất thiếu trong vốn kiến thức của học sinh.
 
Còn nhớ, khi cuốn sách triết học dành cho trẻ em của hai tác giả người Pháp mang tên “Cuốn sách về những sự trái ngược mang tính triết học” xuất hiện bản tiếng Việt vào năm 2011, nó đã trở thành một hiện tượng. Có thể không phải là hiện tượng phát hành như sách văn học, mà là được nhiều phụ huynh Việt Nam ở nước ngoài và cả trong nước đánh giá cao. Tuy nhiên, đó vẫn là của hiếm, bằng chứng là mảng sách dành cho thiếu nhi thường là mảng trống trong các kỳ giải thưởng sách quốc gia hằng năm.
 
 
Tự chủ về tri thức
 
Đó là điều mà TS Giáp Văn Dương (sinh năm 1976, hiện làm việc tại ĐH Liverpool (Anh) và ĐH quốc gia Singapore) mong mỏi khi lập ra dự án sách khoa học cho thiếu nhi, khởi động từ vài tháng nay qua trang web có tên miền: Giapschool.org. Tinh thần chung là bộ sách sẽ giới thiệu, diễn giải, phân tích những công trình khoa học đoạt giải Nobel một cách phù hợp với sự tiếp nhận của bạn đọc trẻ, chủ yếu là lứa tuổi THCS. Như TS Giáp Văn Dương chia sẻ ý tưởng về dự án bắt đầu từ chính những đứa trẻ trong gia đình. Năm 2012, anh về nước tìm mua một loạt sách khoa học cho con, nhưng xem kỹ lại mới thấy giật mình vì đó toàn là sách dịch từ Trung Quốc với những hình ảnh đặc thù của đất nước này. TS Giáp Văn Dương cho rằng, “mình được ăn học, ra nước ngoài, bạn bè trong giới khoa học cũng nhiều, vậy mà không thể tự chủ tri thức cho con em mình thì điều đó thật đáng suy nghĩ”.
 
Đại diện NXB Kim Đồng, đơn vị chuyên làm sách cho thiếu nhi cũng phân tích thực trạng sách khoa học do các nhà khoa học, chuyên gia trong nước viết cho thiếu nhi ngày càng ít đi, thậm chí ít đến mức trầm trọng, cho rằng điều đó có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân quan trọng là thách thức có từ yêu cầu xuất bản hiện đại: Sách phải có hình ảnh đẹp, thông tin khoa học chính xác, phong phú, cập nhật, mang tính đúc kết… Thực ra, quan điểm đó bộc lộ sự lúng túng của người làm sách Việt Nam bởi trước đây chúng ta chủ yếu phổ biến khoa học cho thiếu nhi theo lối kể chuyện, không chọn lối “chính xác hóa mọi chuyện” như thế này.
 
 
Trao đổi về chủ đề này, đại diện Long Minh – một đơn vị hoạt động mạnh trong lĩnh vực xuất bản sách toán học từ nước ngoài vào Việt Nam cho rằng, cần đề cập tới thái độ, ý thức, trách nhiệm xã hội của nhà khoa học. Như thế thì mới hy vọng có người viết cho thiếu nhi, bên cạnh đó là chính sách đầu tư cho lĩnh vực này.
 
Sách xuất bản trong nước như vậy, đối với sách dịch của nước ngoài, nhiều phụ huynh cho rằng những bộ sách như “Tủ sách kiến thức thế hệ mới” (mua bản quyền của NXB uy tín Dorling Kindersley) đã giúp trẻ em Việt Nam tiếp cận với một kho tàng kiến thức bổ ích, hiện đại. Tuy nhiên, theo phân tích của giới chuyên môn thì ngay cả việc “dịch lại” thôi, ta cũng có phần chịu thiệt thòi bởi sách khoa học cũng có “đời” như ô tô vậy, phải được cập nhật, bổ sung. Nhưng, ở ta thường chỉ có một “đời”, ít khi có được sự cập nhật.
 
 
May mắn là các nhà khoa học cũng nhận ra một điểm mạnh ở việc dịch sách khoa học cho thiếu nhi ở ta, đó là tính chất công phu, nghiêm cẩn, trong đó, đáng kể là chỉ mục (Index) ở cuối sách với hệ thống những từ khóa kèm số trang có đề cập tới những từ này để người đọc dễ tra cứu. Với giới khoa học, đó là yếu tố giúp thực hiện kỹ năng tra cứu, viết thu hoạch đối với bạn đọc nhỏ. Và, “từ những bài thu hoạch nhỏ sau này ta mới hy vọng có những nhà khoa học lớn”.
Thi Thi
(Hà Nội Mới)

Ưu thế của sách khoa học cho thiếu nhi bản quyền nước ngoài

 
Chính xác về nội dung, hấp dẫn về hình thức là những điều tạo nên sức hút khó có thể phủ nhận của những cuốn sách thiếu nhi có bản quyền nước ngoài.
Đi dọc các cửa hàng trên con phố sách Đinh Lễ, hay vào hệ thống nhà sách Fahasa trên đường Xã Đàn (Hà Nội), hoặc truy cập vào các website bán sách trực tuyến như Tiki.vn hay Vinabook.com, không khó để phụ huynh có thể tìm kiếm một bộ sách khoa học dành cho con em mình. Tuy nhiên, để tìm mua được một cuốn sách khoa học dành cho thiếu nhi do chính một tác giả Việt Nam viết hoặc biên soạn không phải việc dễ.
 
Trước đây, trong thời bao cấp, sách khoa học rất được coi trọng. Tuy nhiên, càng ngày thị trường sách Việt Nam càng dần vắng bóng những cuốn sách khoa học của các học giả Việt Nam. Thay vào đó là những cuốn sách dịch từ nước ngoài. Cũng theo xu hướng đó, đến nay, đa số sách khoa học dành cho thiếu nhi được xuất bản tại Việt Nam là các cuốn sách được mua bản quyền nước ngoài, sau đó dịch và phát hành tại Việt Nam.
 
Cũng nhận định về vấn đề này trong bài viết Sách khoa học cho thiếu nhi đang lên ngôi, tiến sĩ Giáp Văn Dương cho rằng: "Sách khoa học của chúng ta hiện nay thiếu trầm trọng. Sách khoa học dành cho thiếu nhi đang là một điểm sáng, càng lên cao sách khoa học càng èo uột đi. Sách thiếu là do trình độ của người viết sách, kinh phí bỏ ra để viết và xuất bản sách cũng như chưa có sự quan tâm ở tầm vĩ mô của Nhà nước cho sách khoa học".
 
Sách trong nước thiếu trong khi nhu cầu về trang bị kiến thức cho trẻ em ngày một tăng cao. Cung không đủ cầu, tất yếu, sự xuất hiện của những cuốn sách khoa học có bản quyền nước ngoài nhanh chóng được lòng các bậc phụ huynh. Vừa giúp các em giải tỏa căng thẳng sau những giờ học tại trường, vừa mang đến cho những kiến thức cần thiết trong cuộc sống, sách khoa học cho thiếu nhi ngày càng được các bậc làm cha mẹ ưa thích lựa chọn cho con em mình.
 
 
Sách khoa học có bản quyền nước ngoài nhanh chóng được lòng các bậc phụ huynh.
 
Chị Kim Ngân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Con trai tôi lên lớp 5, cháu rất hiếu động và ham thích điện tử nên tôi hay phải tìm mua sách về cho cháu đọc trong thời gian rỗi thay vì cấm cháu chơi điện tử. Vì là con trai nên tôi chọn cho cháu những cuốn sách về lịch sử hay vũ trụ… Những cuốn sách tôi chọn mua cho cháu đa phần là sách dịch từ sách nước ngoài".
 
Các cuốn sách khoa học dành cho thiếu nhi đa dạng về thiết kế và phong phú về chủ đề. Từ kiến thức xã hội như lịch sử loài người, các nền văn mình đến các kiến thức tự nhiên như các loài động thực vật, các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ bao la…, tất cả đều được lý giải chi tiết và đầy đủ dựa trên những kiến thức cùng nghiên cứu khoa học được khẳng định trên thế giới.
 
Thêm vào đó, hầu hết sách thiếu nhi có bản quyền nước ngoài được dịch và phát hành tại Việt Nam sẽ hạn chế thay đổi về hình thức và nội dung so với sách gốc, bởi lẽ những cuốn sách này còn chịu sự kiểm soát của các nhà xuất bản nước ngoài. Sau khi ký hợp đồng mua bản quyền một cuốn sách với các nhà xuất bản nước ngoài, đơn vị phát hành cuốn sách phải gửi sách mẫu đã xuất bản tại Việt Nam tới NXB giữ bản quyền cuốn sách và đảm bảo về nội dung cũng như hình thức của cuốn sách hạn chế khác biệt với nguyên mẫu. Đây cũng là nguyên nhân góp phần củng cố lòng tin của các bậc phụ huynh đối với sách dịch được mua bản quyền hơn so với sách khoa học trong nước.
 
Là một trong những đơn vị dẫn đầu về xuất bản sách bản quyền cho thiếu nhi, đại diện công ty sách Đinh Tị, giám đốc Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ: "Nội dung tin cậy, hình thức hấp dẫn, chủ đề phong phú là những điều làm nên sức hấp dẫn của những cuốn sách khoa học dành cho trẻ em và cũng là lý do mà các công ty sách lựa chọn mua bản quyền sách từ nước ngoài.
 
Tuy nhiên, việc lựa chọn những cuốn sách để mua bản quyền cũng không đơn giản. Đồng thời, sự khác biệt về văn hóa, sự khó khăn trong vấn đề dịch và truyền tải thông tin kiến thức đòi hỏi sự chính xác cao nhưng phải dễ hiểu với các em thiếu nhi cũng là một vấn đề quan trọng".
 
Đinh Tị là đối tác hàng đầu của nhà xuất bản Usborne danh tiếng, đơn vị thành công nhất tại Anh trong lĩnh vực sách cho trẻ em với giải thưởng Nhà xuất bản độc lập dành cho trẻ em của năm do các Hiệp hội Nhà xuất bản độc lập của Anh trao tặng vào tháng 2/2014. Nhiều tác phẩm của Usborne đã được Đinh Tị xuất bản trong đó, Bách khoa tri thức về khám phá thế giới cho trẻ em là bộ sách mới nhất và được chú ý nhất trong năm 2015 với hơn 20.000 bản được phát hành trong 2 tháng.
 
Sơn Trà