Ngày 22 tháng Tư vừa qua, các nhà ngoại giao từ 167 quốc gia đã tập trung tại New York để bàn thảo cho một bản cam kết về hạn chế biến đổi khí hậu vào tháng 12 tới tại Paris. Việc họ sẽ thực hiện tốt hay không các cam kết này phụ thuộc vào hành động của các quốc gia gây biến đổi khí hậu nhiều nhất trong thống kê dưới đây:
Trung Quốc: Đây là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, đã cam kết sẽ giảm lượng phát thải khí carbon dioxide và 20% năng lượng hoá thạch vào “khoảng năm 2030”. Trung Quốc cũng cam kết hạn chế đầu tư công vào các dự án gây ô nhiễm môi trường và phát thải khí carbon cả ở trong nước và các quốc gia khác. Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường nghi ngờ về khả năng thực hiện những lời hứa này.
Mỹ: Mỹ cam kết sẽ cắt giảm lượng khí thải nhà kính 25% vào năm 2025 so với mức phát thải năm 2005. Tuy nhiên, các nhà khoa học và công luận Mỹ đang nghi ngờ về tính pháp lý khi thực hiện cam kết này. Tháng hai vừa qua, toà án tối cao Mỹ đã phải xem xét lại những quy định pháp lý về việc cắt giảm lượng khí phát thải thông qua việc hạn chế các nhà máy nhiệt điện sử dụng than. Trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ, các ứng viên Đảng Cộng hoà đã mạnh mẽ chỉ trích bản thoả thuận Paris về cắt giảm phát thải. Theo cuộc thăm dò ý kiến của Gallup vào tháng ba, có 64% người Mỹ rất lo lắng về cách quản lý nguồn tài chính một cách hợp lý trong các dự án giảm sự nóng lên toàn cầu.
Liên minh châu Âu: EU cam kết đầy tham vọng khi hứa giảm ít nhất 40% lượng khí thải vào năm 2030 và hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo hơn chống biến đổi khí hậu nhưng thực tế lãnh đạo châu Âu đang bị chia rẽ bởi cuộc khủng hoảng di cư, nước Anh có nguy cơ rời khỏi liên minh và cuộc khủng hoảng tài chính của Hy Lạp.
Ấn Độ: Nước này cam kết tăng lượng phát điện năng lượng Mặt trời lên tới 100GW vào năm 2022 (năm 2015 mới dừng lại ở 3GW). Đồng thời Ấn Độ cũng thoả thuận tăng độ che phủ rừng với một dự án trồng rừng khoảng 6 tỉ USD và đánh thuế gấp đôi lên than đá.
Nga: Trong khi đó, Nga chưa thực hiện bất kỳ một cam kết nào để giảm lượng phát thải. Tổng thống Nga Putin đã đưa ra một bản kế hoạch sẽ giảm 70% lượng khí thải so với năm 1990. Tuy nhiên trên thực tế, nếu so với mốc 1990, chỉ cần duy trì mức phát thải hiện tại thì nước Nga cũng gần đạt được mục tiêu trên. Thách thức lớn nhất với nước Nga lúc này là chưa có các quy định về mặt luật pháp một cách chặt chẽ để giảm phát thải và cần phải hiện đại hoá những công nghệ đã lạc hậu. Mặt khác, rất đông người Nga phản đối kế hoạch này, đặc biệt là người dân ở các khu vực sản xuất than vì họ lo sợ sẽ mất việc khi giảm sản xuất.
Brazil: Quốc gia này cam kết giảm 43% lượng phát thải vào năm 2030 so với mức của năm 2005 và nỗ lực chống phá rừng để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, chính giới Brazil không đạt được sự thống nhất trong thực hiện cam kết này và nước này đang bước vào thời kỳ suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong vòng 25 năm qua. Suy thoái kinh tế có nghĩa rằng chính phủ sẽ thiếu tiền để đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo để thay thế cho nguồn năng lượng hoá thạch.
Indonesia: Quốc gia được xếp là một trong những quốc gia gây ô nhiễm môi trường lớn nhất thế giới này cam kết cắt giảm 29% khí thải hoặc có thể lên tới 42% vào năm 2030 nếu nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ các nước phát triển đồng thời sẽ ban lệnh cấm chặt phá rừng để lấy đất sản xuất cây cọ dầu vào năm 2017. Các nhà hoạt động môi trường đang chờ đợi thông tin thêm và lo lắng rằng có thể Indonesia sẽ vi phạm những cam kết này như đã từng xảy ra trong quá khứ.
Bảo Như lược dịch theo Nytimes