Samsung thành công nhờ vận hành theo kiểu quân đội

Theo GS.TS Park Sung Joo, nguyên cố vấn sáng tạo của Tập đoàn Samsung, bí quyết sáng tạo thành công của tập đoàn điện tử này chính là tốc độ nhanh chóng, vận hành theo kiểu quân đội (24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần); các sản phẩm được đưa ra liên hoàn theo đường cong hàm mũ.
 
 
Ông Park Sung Joo, Phó Chủ tịch HĐQT trường Đại học danh tiếng Hàn Quốc  KAIST, người được Samsung mời làm cố vấn liên tục trong 10 năm.
 
Hội thảo “Ứng dụng sáng tạo trong quản trị – Xu hướng tại Châu Á” vừa được Viện Quản trị Kinh doanh FSB thuộc Đại học FPT phối hợp cùng Sở KH&ĐT Hà Nội tổ chức ngày 7/5 tại Hà Nội nhằm giúp cho các doanh nghiệp có cái nhìn mới hơn về đổi mới sáng tạo doanh nghiệp và sẽ ứng dụng phần nào những kinh nghiệm các chuyên gia chia sẻ vào cải thiện tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình. Diễn giả của hội thảo là 2 cố vấn sáng tạo của 2 tập đoàn lớn của Hàn Quốc và Việt Nam – GS.TS Park Sung Joo của Samsung và TS Nguyễn Thành Nam đến từ FPT.
 
Chia sẻ với gần 150 khách mời là các nhà quản lý, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng đội ngũ học viên FeMBA của FSB tại hội thảo, trên cơ sở những nghiên cứu về lịch sử tiến hóa sáng tạo của loài, từ tìm ra lửa, tạo ra các công cụ lao động, thức ăn… đến những sáng tạo đáp ứng các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống con người (cải tiến thực phẩm, lụa, nhà ở) cũng như các sáng tạo trong kinh doanh, GS.TS Park Sung Joo, Phó Chủ tịch HĐQT trường KAIST – một Đại học danh tiếng của Hàn Quốc, nguyên cố vấn sáng tạo của tập đoàn Samsung nhấn mạnh: “Sáng tạo chính là chìa khóa cho những sản phẩm thành công và cũng là chìa khóa của sự tồn tại”.
 
Đề cập đến những sáng tạo trong kinh doanh, ông cho biết: “Khi tôi hỏi sinh viên về những sản phẩm sáng tạo tiêu biểu nhất, các bạn ấy sẽ nghĩ ngay đến điện thoại thông minh, máy tính bảng, truyền hình, ô tô, và điều hòa nhiệt độ. Nếu không có phát minh về điều hòa, Singapore sẽ chỉ là một làng chài nhỏ. Sản phẩm này đã thay đổi toàn bộ nền kinh tế Singapore. Còn khi nói đến công ty sáng tạo nổi bật nhất, 100% đều nghĩ đến đầu tiên là Apple”.
 
 
Hội thảo “Ứng dụng sáng tạo trong quản trị – Xu hướng tại Châu Á”  tại Hà Nội có sự tham dự của 150 khách mời là các nhà quản lý, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng đội ngũ học viên FeMBA của FSB.
 
Đưa ra bảng so sánh giữa các công ty tiên phong sáng tạo (Innovation Pioneer) với những công ty dẫn đầu thị trường (Market Leader), theo ông Park Sung Joo, đến nay các công ty tiên phong như Bendix (máy giặt), MITS (máy tính), RCA (TV màu), Pieper (ô tô), Saerom/Dialpad (VoIP), Saehan (Máy nghe nhạc), Cyworld (mạng xã hội), Blackberry (điện thoại thông minh)… hầu như đều đã biến mất hoặc trở nên mờ nhạt. Người ta chỉ nhớ đến các công ty đang dẫn đầu thị trường như: LG (máy giặt), Lenovo (máy tính), Samsung (TV màu), Toyota (ô tô), Skype (VoIP), Facebook (mạng xã hội) và Apple (máy nghe nhạc, điện thoại thông minh).
 
“Liệu có phải ra thị trường đầu tiên, thất bại đầu tiên? Điều quan trọng tôi muốn nhấn mạnh là phải liên tục sáng tạo, sáng tạo không ngừng, còn nếu chỉ có sáng tạo đầu tiên thì không đảm bảo cho thành công lâu dài. Thông điệp ở đây là chiến lược đổi mới (Innovation Strategy) và quản trị đổi mới (Innovation Management) đóng vai trò quan trọng”, ông Park Sung Joo chia sẻ.
 
Bàn về khái niệm sáng tạo, ông Park Sung Joo cho rằng sáng tạo không chỉ giới hạn ở việc tạo ra cái mới mà còn bao hàm cả việc làm một cái gì đó theo cách mới, tạo ra sự thay đổi mang lại giá trị. Ông chia sẻ: “Sáng tạo thường bắt đầu từ một ý tưởng bất ngờ, vô tình và nhiều khi chỉ là do may mắn. Nó cũng cần môi trường bổ trợ để thành công. Về cơ bản, trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh, động lực của sáng tạo là để “sống sót”. Bên cạnh đó, cũng cần phải giải quyết vấn đề “bền vững”. Theo tôi, để bền vững phải có chiến lược sáng tạo và một sự quản trị sáng tạo đúng đắn”.
 
Giáo sư Park Sung Joo cũng khẳng định, sự mô phỏng, bắt chước trong sáng tạo không phải là điều xấu, thậm chí còn là khởi nguồn của sáng tạo. “Giống như một đứa trẻ, việc đầu tiên nó làm là bắt chước, sau đó học hỏi, nó nằm trong phần bản năng của loài người. Nói rộng hơn, trong lịch sử, sự chuyển giao chính là bắt chước. Ai đó sáng tạo ra, chuyển giao cho nhiều người hơn và lan tỏa toàn thế giới. Bí quyết ở chỗ, ai đó đã rất tài tình trong việc tạo ra thêm giá trị gia tăng cho một ý tưởng cũ để tạo ra một thứ mới chất lượng hơn”, ông Park Sung Joo nói.
 
Đề cập đến câu chuyện đổi mới sáng tạo ở châu Á, GS.TS. Park Sung Joo nhấn mạnh, Thế kỷ 21 được coi là thế kỷ của châu Á. Đây đang là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nhiều công ty châu Á từ vai trò các công ty “theo đuôi” đã trở thành những tập đoàn dẫn đầu thế giới. Đặc biệt, trong số các công ty Top 500 Fortune, có đến 1/3 số công ty đến từ châu Á, hầu hết là từ TQ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
 
Đây cũng chính là lý do Chủ tịch HĐQT trường KAIST, nguyên cố vấn sáng tạo của Samsung chọn 3 công ty châu Á là Toyota (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc) và Lenovo (Trung Quốc) để giới thiệu bí quyết thành công tới các nhà quản lý, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hà Nội.
 
Với hãng ô tô Nhật Bản Toyota, theo chia sẻ của ông Park Sung Joo, TPS – Hệ thống sản xuất của Toyota cực kỳ hiệu quả, gồm 2 cấu phần: hệ thống sản xuất tức thời (được họ lấy ý tưởng từ hệ thống siêu thị của Mỹ) và Tự động hóa. Ngay khi một sản phẩm được mua, một sản phẩm khác được thay thế ngay lập tức. Điều này làm giảm thiểu sự lãng phí. “Nhiều công ty cố gắng bắt chước chiến lược của Toyota nhưng không thành công. Nhân tố ẩn ở đây chính là phần mềm của Toyota. Phần mềm này cho phép đưa ra các thông số kỹ thuật chinh xác đến cực độ, khắt khe nhưng linh hoạt, dễ thích ứng, đồng thời tôn trọng mọi người”, ông Park Sung Joo cho biết.
 
Với Samsung, từ kinh nghiệm của hơn 10 năm làm cố vấn tại tập đoàn này, ông Park Sung Joo cho biết, Samsung dẫn đầu với khá nhiều dòng sản phẩm, ví dụ như bộ nhớ có DRAM; TV có HDTV, 3DTV, UDTV; điện thoại thông minh có Galaxy S5. Bí quyết của Samsung chính là tốc độ nhanh chóng, vận hành theo kiểu quân đội (24 giờ/ ngày và 7 ngày/ tuần), các sản phẩm được đưa ra liên hoàn theo đường cong hàm mũ. “Trong kinh doanh, chúng ta phải là người đầu tiên để gặt hái được nhiều lợi nhuận nhất trên thị trường. Đó là cách mà Samsung đã làm”, ông Park Sung Joo nhấn mạnh.
 
Phân tích kỹ hơn về khả năng sáng tạo nhanh chóng của Samsung, theo ông Park Sung Joo, bên cạnh các yếu tố như: các quyết định lớn được Chủ tịch và các CEO đưa ra nhanh chóng; văn hóa tốc độ với làm việc nhóm vận hành theo kiểu quân đội, đầu tư khổng lồ cũng là một yếu tố quan trọng. Cụ thể, về nhân lực R&D, Samsung có trên 5.000 Tiến sĩ; đầu tư mới với tổng giá trị rất lớn, lên tới 16 tỷ USD (năm 2014).
 
Còn về hãng sản xuất máy tính nổi tiếng hàng đầu thế giới Lenovo, ông Park Sung Joo nhận định, Lenovo đã tạo ra 1 vụ mua bán sáp nhập thành công khi mua lại IBM. Ở đây có nguồn gốc sáng tạo đến từ văn hóa, đó là việc cân bằng hài hòa giữa nền văn hóa phương Tây và phương Đông trong một công ty đa quốc gia.
 
Trên cơ sở phân tích những bí quyết sáng tạo thành công của các Tập đoàn Toyota, Samsung và Lenovo, ông Park Sung Joo cho rằng rất khó có công  ty nào có thể bắt chước hay lặp lại một cách thành công những sáng tạo của 3 tập đoàn lớn kể trên. “Không có mô hình nào cho mọi công ty. Do đó, mỗi công ty nên có một con đường phù hợp với mình, với văn hóa doanh nghiệp, văn hóa Việt Nam”, ông Park Sung Joo khuyến nghị.
 
Ông Park Sung Joo nguyên là Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch của trường KAIST, một trường Đại học danh tiếng của Hàn Quốc. Ông cũng là Chủ tịch sáng lập của Hiệp hội các trường Kinh doanh châu Á – Thái Bình Dương (AAPBS), tổ chức mà FSB là thành viên Việt Nam đầu tiên. Với nhiều nghiên cứu giá trị, ông đã được tập đoàn Samsung mời làm cố vấn trong 10 năm liền và có nhiều đóng góp cho một số công ty như Samsung Corning, Samsung SDS, Viện Công nghệ cao Samsung (R&D Think-Tank). Là Giáo sư danh tiếng ở Hàn Quốc, ông Park được tín nhiệm chọn vào Hội đồng cố vấn về KH&CN cho tổng thống Hàn Quốc, thành viên của Học viện KH&CN Hàn Quốc. Ông Park Sung Joo nhận bằng Tiến sỹ của đại học Michigan năm 1978 và tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại KAIST từ năm 1980.
 
Vân Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *