Buổi làm việc của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN

Ngày 24/03/2016, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh đã có buổi làm việc với Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN nhằm lắng nghe và nắm bắt hoạt động của Viện từ đầu năm tới nay, kế hoạch triển khai công tác từ nay tới cuối năm, những khó khăn vướng mắc của Viện trong quá trình hoạt động để tìm giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy phát triển Viện.
 
Tham gia buổi làm việc, ngoài các lãnh đạo Viện và các đơn vị trực thuộc Viện, còn có đại diện lãnh đạo các Vụ thuộc Bộ KH&CN: Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế.
 
Thay mặt Lãnh đạo Viện và tập thể cán bộ viên chức của Viện, TS. Nguyễn Quang Tuấn, Phó Viện trưởng đã báo cáo với Thứ trưởng về các mục tiêu của kỳ kế hoạch 2016 và những hoạt động của Viện nhằm đạt được các mục tiêu này. Đề cập tới những khó khăn trong quá trình hoạt động, TS. Nguyễn Quang Tuấn nêu: Trong bối cảnh khó khăn chung, Viện hiện gặp nhiều khó khăn tương tự các đơn vị khác, song cũng có nhiều khó khăn mang tính đặc thù. Những khó khăn cơ bản được đề cập tới như: Kinh phí ngân sách dự toán cấp bị giảm trong kỳ kế hoạch, cơ chế quản lý còn nhiều ràng buộc đối với loại nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở gây khó khăn cho việc thực hiện tự chủ của đơn vị, cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN hợp tác quốc tế chưa tạo điều kiện để đơn vị sử dụng kinh phí linh hoạt và hiệu quả hơn. Đề xuất giải pháp với Lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các Vụ chức năng, TS. Nguyễn Quang Tuấn đề nghị:
 
– Tăng kinh phí ngân sách đầu tư cho Viện trên nguyên tắc đầu tư đúng và đủ cho đơn vị nghiên cứu lĩnh vực chiến lược, chính sách thuộc sở hữu nhà nước để Viện có nguồn lực phát triển, tương xứng với vai trò của Viện trong phục vụ việc xây dựng và phát triển KH&CN của quốc gia.
 
– Ban hành cơ chế phù hợp, tăng cường tự chủ đối với loại hình tổ chức KH&CN nghiên cứu lĩnh vực chiến lược và chính sách trong các hoạt động nghiên cứu cấp cơ sở và nhiệm vụ KH&CN hợp tác quốc tế. Cơ chế linh hoạt hơn sẽ cho phép Viện tự chủ thực hiện các nghiên cứu cấp cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu của đơn vị trong kỳ kế hoạch, cũng như sử dụng ngân sách cấp cho nhiệm vụ KH&CN hợp tác quốc tế một cách hiệu quả nhất. Các nhiệm vụ KH&CN mới phát sinh, các hình thức hợp tác quốc tế như tham dự hội thảo quốc tế, tham gia các khóa đào tạo chuyên môn ngắn ngày tại nước ngoài, trao đổi chuyên gia trong hợp tác quốc tế … sẽ có cơ hội để thực hiện, nếu cơ chế mới được cho phép thực hiện.
 
Bên cạnh các hoạt động theo kế hoạch, TS. Nguyễn Quang Tuấn cũng báo cáo lãnh đạo Bộ về dự thảo kế hoạch nghiên cứu trung hạn 2016-2020 của Viện. Kế hoạch trung hạn có mục tiêu đề ra danh mục các nhiệm vụ KH&CN nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển của đơn vị, được xem xét trong mối tương quan với bối cảnh phát triển chung của KH&CN và kinh tế xã hội, với kế hoạch phát triển trung hạn tới 2020 của Bộ KH&CN, với nguồn lực hiện có của Viện. Sau khi được lãnh đạo Bộ thông qua, kế hoạch nghiên cứu trung hạn của Viện giữ vai trò là căn cứ để xây dựng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Viện. 
 
Bổ sung vào báo cáo của đơn vị với lãnh đạo Bộ, Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Viện trưởng đã đề cập tới hoạt động của Tổ công tác chiến lược phát triển KH&CN 2020 của Viện, dự kiến các hoạt động của Tổ công tác trong thời gian tới, tập trung vào nghiên cứu đề xuất điều chỉnh mục tiêu chiến lược phát triển KH&CN tới 2020.
 
TS. Hoàng Xuân Long, Phó Viện trưởng đã bổ sung thêm vào phần báo cáo của đơn vị về các hoạt động đào tạo sau đại học, thực tiễn hoạt động và những vướng mắc khó khăn cần lãnh đạo Bộ cho ý kiến chỉ đạo giải quyết.
 
Với tinh thần trao đổi cởi mở và thẳng thắn, trước khi có ý kiến của lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị đại diện các Vụ góp ý kiến trao đổi trực tiếp về các vấn đề tại buổi gặp mặt. Trên quan điểm đó, các ý kiến chia sẻ những khó khăn mà Viện đang gặp phải, trao đổi những giải pháp tháo gỡ, góp ý về định hướng trong thực hiện các nhiệm vụ KH&CN của Viện, bám sát nhu cầu của nhà quản lý … Một số ý kiến còn gợi ý về kinh nghiệm phát triển của các tổ chức KH&CN mà Viện có thể tham khảo, học tập.
 
Tổng hợp các ý kiến trao đổi nhằm tìm ra các giải pháp, Thứ trưởng thống nhất với Viện về cơ chế và phương thức phối hợp giữa Viện và các đơn vị trong Bộ, yêu cầu Viện bám sát hơn nữa nhu cầu quản lý của Bộ. Thứ trưởng cam kết sẽ giữ vai trò tác nhân gắn kết trực tiếp các buổi tiếp xúc giữa Viện và đơn vị thuộc Bộ. Bên cạnh đó, Viện cần chủ động hơn trong việc gắn các nhiệm vụ KH&CN với bối cảnh mới, khi xu hướng hội nhập quốc tế như hội nhập ASEAN, TPP đang đặt ra cơ hội và thách thức mới cho xã hội nói chung và Viện nói riêng. Các vấn đề mới như sở hữu trí tuệ trong hội nhập quốc tế về KH&CN, tác động của gia nhập TPP, FTA tới hội nhập quốc tế về KH&CN đang rất cần được quan tâm nghiên cứu. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị Viện quan tâm nghiên cứu phục vụ việc điều chỉnh mục tiêu chiến lược phát triển KH&CN tới 2020 và chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển KH&CN tới 2030. Liên quan tới công tác đào tạo sau đại học, Thứ trưởng cho rằng Viện cần xây dựng một đề án nghiên cứu nhằm xây dựng hoạt động đào tạo chuyên ngành quản lý KH&CN thực sự thành một trụ cột hoạt động của Viện.
 
Thay mặt lãnh đạo Viện, TS. Nguyễn Quang Tuấn phát biểu tiếp thu các ý kiến của Thứ trưởng và đại biểu. Trong thời gian tới, Viện sẽ chủ động xây dựng các kế hoạch công tác trình lãnh đạo Bộ phê duyệt, coi đó là căn cứ để tiến hành các hoạt động nghiên cứu trong tương lai./.
 
Nguồn:  Quang Hà, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN
 

Trao quyết định nghỉ hưu theo chế độ cho hai ông Tạ Doãn Trịnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN và ông Đỗ Xuân Cương, Giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước

Ngày 28/03/2016, tại trụ sở Bộ KH&CN, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã gặp mặt và trao quyết định về hưu theo chế độ cho hai ông Tạ Doãn Trịnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN và ông Đỗ Xuân Cương, Giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước.
 
Thay mặt đơn vị tổ chức buổi gặp mặt, TS. Trần Đắc Hiến, Vụ trưởng Tổ chức cán bộ đã đọc toàn văn quyết định về hưu theo chế độ của hai ông Tạ Doãn Trịnh và Đỗ Xuân Cương, và điểm lại những đóng góp của hai ông trong quá trình công tác tại Bộ KH&CN. Tiếp đó, Bộ trưởng KH&CN đã trịnh trọng trao quyết định về hưu theo chế độ và quà lưu niệm cho hai ông.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng KH&CN trân trọng đóng góp của các ông trong hơn 37 năm công tác tại Ủy ban Khoa học nhà nước trước đây (tiền thân Bộ KH&CN) và Bộ KH&CN ngày nay. Trên mọi cương vị, các ông đều đã nỗ lực phấn đấu, đóng góp công sức to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển KH&CN nước nhà. Bước sang giai đoạn mới, Bộ trưởng chúc hai ông dồi dào sức khỏe, tiếp tục cống hiến cho xã hội và khi có cơ hội, vẫn mong muốn các ông tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp phát triển KH&CN quốc gia.
Phát biểu khi nhận quyết định về hưu theo chế độ, ông Đỗ Xuân Cương trân trọng những đánh giá của Bộ trưởng về những nỗ lực và đóng góp của các ông. Ông chúc cho những người còn đang làm việc tiếp tục cống hiến công sức và đóng góp cho sự phát triển của KH&CN nước nhà. Tiếp lời, ông TS. Tạ Doãn Trịnh cảm ơn lời chúc của Bộ trưởng và sự đánh giá cao những đóng góp của các ông đối với sự phát triển của KH&CN và đơn vị nơi các ông từng công tác. Mặc dù trong quá trình làm việc, có nhiều việc đã làm được, chưa làm được, đã thành công, chưa thành công nhưng khi về hưu, nhìn lại quãng thời gian dài công tác, sau hơn 37 năm làm việc và cống hiến, các ông đều thấy bản thân đã đóng góp công sức và được trân trọng những đóng góp của mình cho sự phát triển của các đơn vị, cho KH&CN nước nhà. Trong tương lai khi Bộ KH&CN cần tới các chuyên gia, các ông không ngần ngại tham gia và tiếp tục cống hiến theo yêu cầu.
Trong không khí cởi mở và đầm ấm, các cán bộ nhân viên thuộc hai đơn vị Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN và Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước đã có nhiều phát biểu tâm sự với hai cán bộ thủ trưởng của mình. Các ý kiến đều trân trọng những đóng góp và cống hiến của các ông cho đơn vị. Mặc dù về hưu theo chế độ, các ông đã để lại những tấm gương tốt và tình cảm trong lòng cán bộ nhân viên của đơn vị mình. Các cán bộ đều hy vọng dù đã về nghỉ hưu, song trong một số công việc, cơ quan nơi các ông đã từng công tác vẫn rất cần các ông tiếp tục tham gia với tư cách chuyên gia, cống hiến chuyên môn cho đơn vị.
Buổi gặp mặt kết thúc trong ngày.
 
Một số hình ảnh tại buổi trao quyết định:
 
 
Ông Đỗ Xuân Cương (trái) và Ông Tạ Doãn Trịnh (phải) trong buổi Bộ trưởng gặp và trao quyết định về hưu theo chế độ
 
Bộ trưởng KH&CN trao quyết định về hưu theo chế độ cho ông Đỗ Xuân Cương
 
 
Bộ trưởng KH&CN trao quyết định về hưu theo chế độ cho ông Tạ Doãn Trịnh
 
 
Ông Đỗ Xuân Cương chụp ảnh lưu niệm với Bộ trưởng và cán bộ nhân viên đơn vị cũ
 
 
Ông Tạ Doãn Trịnh chụp ảnh lưu niệm với Bộ trưởng và cán bộ nhân viên Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN
 
Nguồn:  Quang Hà, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN
 

Toạ đàm trao đổi kinh nghiệm và định hướng phát triển cán bộ nghiên cứu trẻ Viện Ứng dụng Công nghệ

Ngày 24/3/2016, tại Hội trường tòa nhà C6 Viện Ứng dụng công nghệ, được sự đồng ý của Đảng ủy và Lãnh đạo Viện, Chi Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Ứng dụng công nghệ đã tổ chức Chương trình “Toạ đàm trao đổi kinh nghiệm và định hướng phát triển cán bộ nghiên cứu trẻ Viện Ứng dụng công nghệ” nhằm thiết thực Chào mừng Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2016).
 
 
Tham dự buổi Tọa đàm, về phía Viện Ứng dụng công nghệ có Đ/c Lê Hùng Lân, – Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng; Đ/c Nguyễn Mạnh Cường – Phó Viện trưởng; Đ/c Phạm Hương Sơn – Phó Viện trưởng và đại diện các tổ chức chính trị-xã hội trong Viện; về phía Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có Đ/c Nguyễn Quốc Thái, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ KH&CN; về phía khách mời là các doanh nghiệp KH&CN và nhà khoa học trẻ có Ông Nguyễn Ngọc Ánh – Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) UpViet; ông Vũ Ngọc Đỉnh – Giám đốc Công ty Cổ phần Techpal; TS. Nguyễn Trần Thuật – Trưởng Phòng thí nghiệm Nano và Năng lượng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội; và hơn ba mươi cán bộ nghiên cứu trẻ là đoàn viên thanh niên của Viện Ứng dụng công nghệ.
Mở đầu buổi Tọa đàm, Đ/c Lê Hùng Lân, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ đã phát biểu và trao đổi những thông tin về chiến lược phát triển của Viện Ứng dụng công nghệ trong giai đoạn 2016 – 2025 và tầm nhìn 2030, qua đó, Đ/c Viện trưởng đã thông báo các chương trình và chính sách hỗ trợ từ Viện và các chương trình hợp tác giữa Viện và các tổ chức khác nhằm mục đích xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao và nâng cao năng lực nghiên cứu, sáng tạo cho các kỹ sư, nghiên cứu viên trẻ của Viện. Đặc biệt, Viện sẽ có các chính sách hỗ trợ kinh phí cho các đoàn viên thanh niên có nguyện vọng tham gia các chương trình đào tạo sau đại học tại Viện hoặc một cơ sở đào tạo bên ngoài. Lãnh đạo Viện cũng sẽ tìm kiếm cơ hội và tạo điều kiện tối đa để đưa các cán bộ nghiên cứu trẻ tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn tại các nước có trình độ KH&CN tiên tiến trên thế giới.
 
Buổi Tọa đạm đã tạo không khí giao lưu cởi mở và thân thiện để các kỹ sư, nghiên cứu viên trẻ trao đổi các kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu và triển khai các đề tài, đề án bên cạnh đó buổi Tọa đàm là cơ hội để các đoàn viên thanh niên làm công tác chuyên môn đối thoại trực tiếp với Lãnh đạo Viện về cách chính sách hỗ trợ cán bộ trẻ và những vấn đề vướng mắc, khó khăn khi công tác việc tại Viện. Ban Tổ chức cũng đã dành một thời lượng đáng kể trong chương trình để một số đoàn viên thanh niên chia sẻ những kết quả nghiên cứu nổi bật của mình như: bạn Nguyễn Ngọc Tú (Trung tâm Quang Điện tử) đã trình bày công trình nghiên cứu về hệ thống xử lý ảnh 3D, đây là công trình được xây dựng từ kết quả của đề tài theo Nghị định thư với đối tác Đài Loan; bạn Phan Đình Thắng (Trung tâm Công nghệ Laser) đã có những trao đổi về kết quả nghiên cứu trong 5 năm gần đây và định hướng phát triển công nghệ của mình trong lĩnh vực laser công nghiệp. Hầu hết các bạn đều chia sẻ vấn đề đặt ra của nhà nghiên cứu trẻ là: chúng ta đã nắm được công nghệ; chúng ta đã có sản phẩm; chúng ta đã xây dựng được quy trình công nghệ,… Vậy làm thế nào để các kết quả nghiên cứu khoa học và các sản phẩm của phòng thí nghiệm có thể áp dụng được các lĩnh vực của đời sống?
 
Cũng trong buổi Tọa đàm ông Nguyễn Ngọc Ánh – Giám đốc điều hành Công ty TNHH UpViet; ông Vũ Ngọc Đỉnh – Giám đốc Công ty Cổ phần Techpal đã chia sẽ những khó khăn và kinh nghiệm vượt qua thách thức để đạt được các kết quả và thành công như hiện nay của bản thân cũng như của doanh nghiệp mà mình thành lập và quản lý. Công ty TNHH Upviet hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp phần mềm tổng thể CAD/CAM/CAE/RP/RV/CNC & Tích hợp hệ thống; thiết bị công nghiệp; Công ty Cổ phần Techpal chuyên Nghiên cứu phát triển, chuyển giao thiết kế và quy trình sản xuất thiết bị điện tử; tư vấn và cung ứng trọn gói linh kiện thiết bị điện tử, tự động hóa phục vụ trong công nghiệp và dân dụng; thiết kế và thi công bảng LED các loại. Nhà khoa học trẻ TS. Nguyễn Trần Thuật đã chia sẻ những kinh nghiệm, cũng những bước đi từ khi đưa ra ý tưởng và thành lập được Phòng thí nghiệm với cơ sở vật chất hiện đại hàng đầu tại Việt Nam và nhân sự hơn 10 người như hiện nay. Bằng cách nói ví von nhưng đầy ý nghĩa khoa học, TS. Thuật đã chia sẻ anh luôn suy nghĩ hãy làm tốt từ những điều nhỏ bé thì sẽ thực hiện được những hoài bão lớn lao, điều này cũng trùng với ý tưởng định hướng công nghệ và tên Phòng thí nghiệm của anh là đi từ những nghiên cứu về “nano” để có những ứng dụng và giải quyết được vấn lớn của xã hội hiện nay là “năng lượng”.
 
Trong chương trình, buổi tọa đàm cũng đã nhận được các chia sẻ hết sức thực tế và sâu sắc của Đ/c Phó Viện trưởng Nguyễn Mạnh Cường với tham luận: “Cơ hội và thách thức đối với tổ chức KHCN hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm”. Với trao đổi của mình, đồng chí đã chỉ ra các cơ hội và thách thức của Viện khi ra hoạt động tự chủ trong giai đoạn hiện nay, và phân tích để thấy rằng với sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì cơ hội cho những nhà làm công nghệ là nhiều hơn so với các thách thức phải đối mặt nếu chúng ta nỗ lực và quyết tâm đi đến đích cuối cùng là chuyển giao được các kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp, và cũng chỉ có doanh nghiệp mới cam kết đi cùng các nhà công nghệ đến sản phẩm cuối cùng của chuỗi quá trình nghiên cứu.
 
 
Kết thúc buổi Tọa đàm, Đ/c Trần Hùng Thuận, Bí thư Chi Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Ứng dụng công nghệ đã phát biểu Bế mạc và nhận định chương trình Tọa đàm là hoạt động thiết thực Chào mừng Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2016) và là cơ hội để các Đoàn viên, Thanh niên là cán bộ trẻ làm công tác nghiên cứu có thể giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và đối thoại với Lãnh đạo Viện Ứng dụng công nghệ và các Doanh nghiệp.
 
Để tiếp tục duy trì các hoạt động tương tự nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết và trao đổi kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu của tập thể cán bộ Viện Ứng dụng công nghệ nói chung và các Đoàn viên, Thanh niên thuộc Chi Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Ứng dụng công nghệ nói riêng, Ban chấp hành Chi Đoàn dự kiến sẽ tổ chức các chương trình Tọa đàm với các chủ đề khác nhau liên quan đến các công tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thường xuyên hơn trong thời gian tới.
 
Nguồn:  Viện Ứng dụng công nghệ
 

Công ty Cổ phần Sơn Hải Phòng: Sản xuất các loại sơn thân thiện môi trường

Với bề dày kinh nghiệm trên 50 năm nghiên cứu và sản xuất các loại sơn: sơn tàu biển, sơn công nghiệp, sơn dân dụng, sơn tấm lợp, sơn sàn dung môi,… Công ty Cổ phần Sơn Hải Phòng vừa tiến hành nghiên cứu, sản xuất thành công 3 loại sơn thân thiện môi trường gồm: sơn chống hà gỗ gốc nhựa tổng hợp kết hợp với chất chống hà Biocide và 2 loại sơn chống cháy hệ Epoxy không dung môi (thành phần sơn không chứa dung môi) và hệ nước (sơn sử dụng nước làm chất pha loãng) dành cho kết cấu thép nhà xưởng công nghiệp. Đây là kết quả của 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố, được Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đánh giá sáng 29/3/2016 tại Sở KH&CN thành phố Hải Phòng.
 
 
Kiểm tra chất lượng sơn chống hà gỗ với các mẫu được ngâm ngoài biển
Trong khuôn khổ Đề tài “Nghiên cứu sản xuất sơn chống hà gỗ gốc nhựa tổng hợp kết hợp với chất chống hà Biocide thân thiện môi trường”, nhóm nghiên cứu đã tiến hành sản xuất thử nghiệm 3.600 kg sơn chống hà gỗ với 3 màu (nâu đỏ, cẩm thạch và xanh nước biển), đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương với sơn nhập ngoại dựa theo các tiêu chuẩn TCVN, JISK và ASTM. Nghiên cứu đã tiến hành lựa chọn các nguyên liệu tối ưu nhất sử dụng làm chất tạo màng, bột phụ trợ, phụ gia và bột màu, đồng thời lựa chọn tác nhân chống hà Biocide tối ưu. Cùng với đó, việc tìm ra công thức phối trộn các nguyên liệu này với tỷ lệ thích hợp đã tạo ra sản phẩm sơn chống hà gỗ thân thiện môi trường. Để kiểm tra chất lượng sản phẩm, nhóm tác giả tiến hành ngâm tĩnh các mẫu sơn ngoài biển (mẫu là các tấm gỗ đã được sơn phủ bằng loại sơn chống hà) trong thời gian 7 tháng. Kết quả cho thấy, bề mặt các mẫu đều không có hà bám, không phồng rộp, không bong tróc, đạt chỉ tiêu về chất lượng. Ngoài ra, nghiên cứu cũng tiến hành kiểm tra độ ổn định lưu kho của 3 mẫu sơn (tương ứng với 3 màu) qua tủ gia tốc nhiệt 500C trong thời gian 6 tháng. Kết quả, các mẫu đều không bị gel hóa và vẫn thi công dễ dàng. 
 
 
Kiểm tra chất lượng sơn chống hà gỗ với các mẫu được ngâm ngoài biển
 
Đối với đề tài “Nghiên cứu sản xuất sơn chống cháy hệ không dung môi và hệ nước thân thiện với môi trường”, các tác giả đã tiến hành sản xuất thử 90 kg sơn chống cháy hệ không dung môi và 90 kg sơn chống cháy hệ nước, chia làm 3 lần (đối với mỗi loại), mỗi lần 30 kg để rút kinh nghiệm và cải tiến quy trình cho phù hợp với thiết bị và giảm tối thiểu mức tiêu hao. Nghiên cứu đã xác định được công thức phối trộn các nguyên liệu với tỷ lệ thích hợp để tạo ra 2 dòng sản phẩm sơn chống cháy có tính ưu việt. So sánh các chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm sơn chống cháy không dung môi (SHP-EP) với các sản phẩm sơn chống cháy trên thị trường cho thấy, chỉ tiêu về độ bền mài mòn và độ bám dính của sơn chống cháy không dung môi tốt hơn (Đối với sơn SHP-EP, độ bền mài mòn 0,1 mg tiêu hao/1000 vòng, độ bám dính ≥9 MPa; đối với sơn chống cháy thị trường, độ bền mài mòn 0,3 mg tiêu hao/1000 vòng, độ bám dính 8 MPa) trong khi khả năng chịu lửa của 2 sản phẩm tương đương nhau (2 giờ, với lớp sơn có độ dày 1,99 mm). Đối với sản phẩm sơn chống cháy hệ nước (SHP WB) so với sơn chống cháy thị trường (Promat), các chỉ tiêu cơ tính của 2 loại sơn này tương đương nhau, tuy nhiên hiệu lực chống cháy của sơn chống cháy SHP WB (2,5 giờ) tốt hơn sơn chống cháy Promat (2 giờ) khi thi công cùng độ dày 1,44 mm.
 
Theo đánh giá của Hội đồng KH&CN, kết quả nghiên cứu của 2 đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước thay thế các loại sơn nhập ngoại; đồng thời với đặc tính thân thiện môi trường, các sản phẩm sơn cũng góp phần đảm bảo sức khỏe cho người thi công và người sử dụng,…
 
Nguồn:  Sở KH&CN Hải Phòng
 
 

Năm 2016 đổi mới mạnh mẽ cơ chế hoạt động KH&CN

Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) xác định năm 2016 sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN.
 
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc chủ trì buổi họp báo.
Ngày 01/04, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ Quý I/2016. Tại cuộc họp báo lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN đã cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về hoạt động của Bộ KH&CN, trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của Chính phủ.
 
Theo đó, trong Quý I/2016, Bộ KH&CN đã tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; ban hành Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật soạn thảo trong kế hoạch năm 2016; thực hiện và hoàn thành việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 cho các đơn vị thuộc Bộ KH&CN; hoàn thiện hồ sơ Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; phê duyệt Khung các chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2016 – 2020; chuẩn bị nội dung phục vụ Đoàn của Lãnh đạo Chính phủ dự Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân lần thứ IV tại Hoa Kỳ.
 
Theo thứ trưởng Bộ KH&CN – Phạm Công Tạc: "Dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục sửa đổi Luật Năng lượng Nguyên tử, Luật này sẽ liên quan rất lớn đến vấn đề xây dựng hai tổ máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Đồng thời mong muốn có cơ chế tài chính đặc thù cho Viện Việt Nam – Hàn Quốc (V- KIST), Bộ KH&CN đã trình và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp ngày 26.03. Sửa đổi Nghị định 95/NĐ- CP về đầu tư về cơ chế tài chính cho khoa học công nghệ".
 
Năm 2016 có ý nghĩa quan trọng, là năm mở đầu của kế hoạch 5 năm 2016-2020 với nhiều nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thành và trình Chính phủ để trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Bộ KH&CN thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương (TPP, FTA,…) với các nước trong khu vực và trên thế giới; triển khai phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2016-2020; tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020; tổng kết các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước thực hiện trong giai đoạn 2011-2015.
 
Trong bối cảnh đó, Bộ KH&CN xác định năm 2016 sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN; hướng trọng tâm hoạt động KH&CN nhằm đưa nước ta sớm tiệm cận với mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. 
 
"Tập trung thúc đẩy việc chuyển đổi tổ chức KH&CN sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát triển doanh nghiệp KH&CN, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đưa KH&CN bám sát và phục vụ trực tiếp cho các ngành, các lĩnh vực trọng điểm của đất nước" – Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết.
 
Loan Lê
 

Ấn Độ công bố chi tiết dự án lập trạm xử lý dữ liệu vệ tinh ở Việt Nam

Báo Nhật Bản Asahi Shimbun ngày 29/3 đưa tin giới chức thuộc Bộ Ngoại Giao Ấn Độ mới tiết lộ thông tin cụ thể hơn về dự án xây dựng tại Việt Nam một trạm thu và xử lý tín hiệu vệ tinh.
 
Theo các nguồn tin trên, cơ sở xử lý dữ liệu vệ tinh của Ấn Độ sẽ bao gồm một trung tâm xử lý tín hiệu vệ tinh ở Thành phố Hồ Chí Minh, và cơ sở thu phát tín hiệu vệ tinh đặt ở ngoại thành Thành phố này.
 
Ấn Độ sẽ chịu tất cả kinh phí xây dựng và chi phí vận hành trong 5 năm đầu (khoảng 22 triệu USD).
 
 
Ảnh minh hoạ

 

Cũng theo các quan chức ngoại giao Ấn Độ, việc xây dựng trung tâm này sẽ bắt đầu vào khoảng giữa tháng 4 và tháng 6/2016, và sẽ do Ấn Độ cùng các quốc gia ASEAN hợp tác vận hành.
 
Trạm xử lý đặt tại Việt Nam sẽ cung cấp cho các nước Đông Nam Á dữ liệu thu được từ các vệ tinh quan sát Trái Đất của Ấn Độ, quốc gia hiện có một chương trình không gian khá phát triển, đã phóng được 57 vệ tinh cho 20 nước, và từng đưa tàu thăm dò không người lái vào quỹ đạo sao Hỏa vào năm 2014./.
 
Theo Vietnam Plus
 

Tập trung phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ

"Tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập sẽ tập trung vào việc phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về SHTT" – Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Trần Việt Thanh nhấn mạnh.
 
Sáng ngày 31/3, Bộ Khoa học và Công nghệ với sự hỗ trợ của BSA/ Liên minh Phần mềm đã tổ chức Lễ công bố chương trình "Tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập" của lực lượng thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). 
 
Lễ công bố có sự tham gia của đại diện các thành viên Chương trình phối hợp hành động về phòng, chống xâm pạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2012 – 2015, gồm 9 bộ ngành, các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp.
 
 
Toàn cảnh Lễ công bố chương trình "Tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập"
Tại Lễ công bố, Thứ trưởng KH&CN, ông Trần Việt Thanh chỉ rõ mục tiêu và ý nghĩa của chương trình: "Nhằm nâng cao nhận thức về vai trò ý nghĩa của quyền SHTT đối với phát triển của xã hội, dẩy mạnh việc xác lập khai thác, phát triển và thực thi quyền SHTT, bảo đảm quyền SHTT thực sự trở thành công cụ thúc đẩy phát triển khoa học- công nghệ nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung. Tạo ra nhận thức trong toàn xã hội để thực hiện các cam kết quốc tế về SHTT.
 
 
Thứ trưởng KH&CN, ông Trần Việt Thanh phát biểu tại buổi lễ.
 
"Tháng hưởng ứng ngày SHTT thế giới vì mục tiêu hội nhập" (từ 31/3 đến 30/4/2016) sẽ tập trung vào việc phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về SHTT. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luận về SHTT sẽ tiếp tục được triển khai và đẩy mạnh vào các tháng tiếp theo.
 
Trong thời gian tới, để phù hợp với các cam kết trong TPP, Việt Nam sẽ phải rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, quyền tác giả và các vấn đề về thực thi quyền SHTT. Với yêu cầu đó, Chính phủ Việt Nam, cùng toàn bộ hệ thống đăng ký bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đang hoàn thiện và nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của hoạt động bảo hộ và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam"- Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết.
 
Báo cáo của ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, Trưởng Ban Thường trực Chương trình 168 cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ của Ban thường trực Chương trình hành động 168 giai đoạn 2 (2012-2015), các lực lượng thực thi quyền SHTT trong phạm vi toàn quốc đã xử lý 26.004 vụ việc với tổng số tiền phạt trên 68 tỷ đồng; Tịch thu, buộc tiêu huỷ, loại bỏ yếu tố vi phạm đối với khoảng 70 tấn thực phẩm chức năng các loại; hàng chục nghìn chai rượu ngoại các loại; gần 27.000 sản phẩm thuốc tân dược; 80.900 tấn phân bón và hàng triệu sản phẩm điện tử, túi xách, giầy dép, quần áo thời trang, rượu, bia, nước giải khát, lương thực thực phẩm giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp; buộc tiêu huỷ hàng chục nghìn đĩa CD-VCD không tem nhãn có nguồn gốc nhập lậu.
 
Thực trạng này cho thấy sự vi phạm SHTT đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đó là về nhận thức của doanh nghiệp về ở hữu trí tuệ. Bởi vì SHTT nó liên quan tới những phát minh, sáng chế tới những sản phẩm hàng hóa đã được bảo hộ và khi nhận thức không đầy đủ các doanh nghiệp rất dễ vi phạm những luật lệ quy định về quyền sở hữu trí tuệ này. 
 
"Nếu doanh nghiệp nhận thức không đầy đủ sẽ rơi vào tình trạng vi phạm vấn đề pháp luật quốc tế. Vấn đề thứu hai là doanh nghiệp phải xây dựng được thương hiệu, năng lực nghiên cứu và phát triển của mình đặc biệt là đổi mới công nghệ" – TS Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI nói.
 
Hy vọng rằng tháng hưởng ứng Ngày SHTT Thế giới do Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp với BSA góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo hộ và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang chuyển mình rất lớn để hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
 
Loan Lê
 

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Cần thích ứng với ngập mặn ngày càng nặng

“Tất cả các đập thủy điện trên sông Mêkông từ Trung Quốc đến Lào, Campuchia nếu được xây dựng không cẩn thận thì chắc chắn trong tương lai, ĐBSCL sẽ thiếu nước ngọt nghiêm trọng và tình trạng ngập mặn sẽ ngày càng nặng nề” – Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cảnh báo.
 
 
Các con đập chính trên sông Mêkông. Nguồn: Gt-rider
Để ứng phó, theo bộ trưởng cần có những nghiên cứu trong lĩnh vực thủy lợi cũng như giống cây trồng nhằm đảm bảo sản xuất, phát triển kinh tế; tìm ra những giống cây trồng có khả năng chịu mặn cao, những giống lúa vừa có khả năng chịu đựng độ mặn tới 10 phần nghìn – tức là độ mặn vừa phù hợp với nuôi tôm, vừa phù hợp với nhu cầu thị trường – là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
 
“Thực tế ở Cần Thơ họ đã làm ra giống lúa tương đối tốt, chịu được độ mặn rất cao nhưng chất lượng của loại gạo đó có vấn đề nên người tiêu dùng cũng không thích. Tuy nhiên, đây cũng có thể coi là một trong các giải pháp để sau này chúng ta đảm bảo được an ninh lương thực. Chúng ta cũng cần nghiên cứu về những cây trồng khác để thích hợp với những vùng đất ngập mặn” – Bộ trưởng trăn trở.
 
Bộ trưởng cũng cho rằng, để hạn chế tác hại của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, cần quy hoạch lại diện tích nông nghiệp. Đất nào có thể trồng lúa tốt thì chúng ta cố giữ không để xảy ra mặn xâp nhập, còn những vùng đất đã bị xâm nhập mặn, đã bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì phải nghiên cứu áp dụng những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp.
 
“Về giải pháp thủy lợi, ngoài việc làm đê ngăn mặn tạm thời, chúng ta có thể dùng kết quả nghiên cứu của ngành thủy lợi Việt Nam về đập sà lan. Khi mực nước xuống thấp, chúng ta có thể dùng đập sà lan chắn để dâng cao mực nước, tránh hạ nguồn các bậc sông, giúp giữ được nước ngọt và chống ngập mặn; nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời” – Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết.
 
Biến đổi khí hậu rất phức tạp, nên các nhà khoa học, cơ quan khoa học cần tiếp tục nghiên cứu để làm sao đảm bảo đủ nước ngọt cho cả vùng đồng bằng rộng lớn. “Các đơn vị nghiên cứu về lĩnh vực này không thuộc Bộ KH&CN, nhưng chúng tôi đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương để các bộ, ngành tập trung nghiên cứu những định hướng mà chúng tôi đã khuyến cáo. Chúng tôi lo bố trí kinh phí, tìm cách phối hợp với đơn vị nghiên cứu của các bộ, ngành để thu được các kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng rộng rãi hơn” – Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
 
 
 
Phượng Hằng

Bộ Công an hợp tác công nghệ với Bộ Khoa học

Lễ ký Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giữa Bộ Công an và Bộ Khoa học Công nghệ giai đoạn 2016-2020 vừa được tổ chức.
Chiều 31/3 tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ ký Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giữa hai Bộ giai đoạn 2016-2020.
 
Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng những năm qua, việc phát triển khoa học và công nghệ trong công an nhân dân đã có bước phát triển nhanh, bền vững, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trên các lĩnh vực: khoa học kỹ thuật và công nghệ; khoa học xã hội và nhân văn; khoa học công nghiệp an ninh…. Trong những thành tựu đạt được nói trên có sự đóng góp quan trọng của các cấp, các ngành, nhất là sự giúp đỡ to lớn của Bộ Khoa học và Công nghệ. 
 
 
Bộ trưởng Trần Đại Quang và Bộ trưởng Nguyễn Quân ký Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa hai bộ giai đoạn 2016-2020.
Việc ký kết Chương trình phối hợp sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để hai bộ phối hợp chặt chẽ hơn trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ và chế tạo sản phẩm công nghệ cao thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng; trao đổi thông tin về khoa học và công nghệ…
 
Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định, thời gian tới, lãnh đạo Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện nghiêm túc các cam kết trong Chương trình, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ thực hiện để sự phối hợp giữa hai bộ ngày càng chặt chẽ…
 
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân khẳng định, Bộ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ công tác được giao. Ông mong muốn thời gian tới các đơn vị chức năng của hai Bộ sẽ tiếp tục xây dựng các kế hoạch cụ thể để triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp…
 
Theo Cổng thông tin Bộ Công an

9X Việt mê sưu tầm sách, mơ ước mở thư viện mini

 
“Thư viện” nhỏ tại nhà Đoàn, anh giữ gìn và nâng niu sách cẩn thận như người bạn thân của mình
 
Mất 10 năm để tập hợp cả nghìn đầu sách ở nhiều lĩnh vực, Hải Đoàn khiến bạn trẻ ngưỡng mộ vì đang sở hữu những thứ 'có tiền cũng không mua được'.
Căn phòng ngủ 13 mét vuông của Lê Hải Đoàn sinh năm 1990, giáo viên Ngoại ngữ tại Trung tâm bưu chính viễn thông I – Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, từ lâu đã chật cứng vì 11 chiếc kệ đầy ắp sách. Nhiều lần thấy con chỉ đam mê sách mà không tha thiết các thú vui bên ngoài, mẹ Đoàn âu lo bảo: “Nếu cứ mê sách thế này thì sống thiếu thực tế lắm con ạ!”. Thế nhưng, Đoàn lại có những suy nghĩ khác..
 
Sách cũ nhưng giá trị mới
 
Theo lập luận của Hải Đoàn, nếu ngày bé thông qua sách chúng ta tìm hiểu thế giới rộng lớn bên ngoài thì khi đã trưởng thành, có dịp cầm lại trên tay cuốn sách cũ, mỗi người lại tìm về với những ký ức xưa, kỷ niệm tuổi thơ, theo cách của riêng mình.
 
 
Hải Đoàn không chỉ yêu sách, anh còn có thói quen lưu trữ báo cũ, đĩa CD gốc…
 
Bên cạnh đó, có nhiều kiến thức và bài học Đoàn lấy lại từ cuốn Ngoại ngữ của Liên Xô xuất bản trước đây do mình sưu tầm làm tư liệu giảng dạy cho lứa học sinh sau này, vì thấy rằng: “Cách viết sách ngày đó rất dễ hiểu, học vào thấm hơn”. Và đây cũng chính là giá trị mới mà những cuốn sách cũ mang đến cho người đọc, được chàng trai 9X nhận ra.
 
Hải Đoàn bắt đầu sưu tầm sách từ năm học lớp 11. Ban đầu, anh mua theo sở thích, nhưng nay 9X tập trung tìm kiếm các đầu sách theo thể loại như giáo khoa cũ, văn học thiếu nhi Việt Nam, ngoại văn thiếu nhi, lịch sử có tư liệu ảnh, truyện thiếu nhi Liên Xô…
 
Để chạm tay đến những cuốn sách hiếm là hành trình không hề đơn giản, Hải Đoàn nhớ lại: “Cách đây 8 năm, mình từng đạp xe 20 cây số từ nhà lên thành phố chỉ vì nghe trên đây có sách quý. Nhưng cũng có sách, cất công tìm kiếm không ra lại tình cờ mua được trên mạng, nhờ nhanh tay hơn người khác”.
 
 
Hải Đoàn bên 'nhà sách' của mình
 
Đoàn cho biết mình luôn cố gắng đọc qua khoảng 70% nội dung các sách đang có, để gợi ý mọi người tìm mua. Anh lập Fanpage Sách đẹp và nhận được sự ủng hộ của giới trẻ, cũng xuất phát từ quan niệm: “Trà ngon phải có bạn hiền, sách hay phải có người chia sẻ mới vui!”.
 
Hướng tới tủ sách miễn phí cho mọi người
 
Hiện nay, Hải Đoàn vừa dạy học, vừa sưu tầm sách và quản lý Fanpage và tham gia một số nhóm sách để chia sẻ thông tin về sách trên mạng xã hội. Anh mơ ước, khi nào ổn định kinh tế sẽ mở một thư viện mini miễn phí, dành cho những độc giả yêu sách tại Hải Phòng.
 
 
Trong mọi việc, Đoàn luôn thể hiện mình là người nghiêm túc, suy tính kỹ càng và lần này cũng vậy, 9X chia sẻ: “Tôi muốn huy động vốn từ các nhà hảo tâm, đặc biệt là các doanh nghiệp để thực hiện dự án này. Vì hoạt động phi lợi nhuận nên các tình nguyện viên trực thư viện sẽ là học sinh yêu sách trong huyện, các em sẽ được ưu tiên đọc nhiều sách mới”.
 
Lý do lớn thôi thúc Hải Đoàn thực hiện mong muốn này vì anh nhận thấy một số cuốn sách xuất bản thời gian gần đây không được kiểm duyệt tốt, ngày càng ít những đầu sách giá trị. Còn nếu để lùng mua những cuốn sách thật sự hay, quý thì không phải ai cũng biết cách và có muôn trùng lý do để người “đầu cơ” sách bán với giá “cắt cổ”.
 
Để biến ước mơ thành sự thật, 9X cần chuẩn bị cho mình một kế hoạch dài hơi, trước mắt anh vẫn phải tự mình ngược xuôi tập hợp những cuốn sách hay ở bốn phương, chờ một ngày giới thiệu “đứa con tinh thần” đến với công chúng.
 
Lê Ái