Đấu giá 3 quyển từ điển được gần 300 triệu đồng

TTO – Ba trong số 6 quyển từ điển độc bản do năm họa sĩ hàng đầu Việt Nam tự tay làm bìa vừa được đấu giá thành công vào tối 27-3 với số tiền tổng cộng thu được là 291 triệu đồng.
 
 
Họa sĩ Thành Chương (áo đen, bìa trái) lên tặng hoa cho ba vị khách hàng thắng phiên đấu giá. Ảnh: L.Điền
Do chỉ đưa ra đấu giá ba trong số sáu quyển từ điển, nên nhà tổ chức dùng hình thức chọn ngẫu nhiên với quy trình: giám đốc MCBooks rút thăm chọn quyển đầu tiên để đấu, sau đó người đấu thắng quyển đầu sẽ lên rút thăm chọn quyển thứ hai để đấu và người đấu thắng quyển thứ hai sẽ rút thăm cho quyển thứ ba.
 
Các quyển đều có giá khởi điểm là 10 triệu đồng, và bước giá cho mỗi lượt đấu tối thiểu là 1 triệu đồng.
 
Quyển từ điển với tranh bìa Dải thiên hà của họa sĩ Phạm An Hải vào sàn đấu đầu tiên, khách hàng nhanh chóng đẩy giá lên 88 triệu đồng và dừng lại ở mức 90 triệu đồng với khách hàng là anh Phan Minh Thông (Q.7 – TP.HCM).
 
Tiếp theo, quyển từ điển với bìa là bức tranh sơn mài của Thành Chương chủ đề Dưới mặt trăng được đấu thắng ở mức 99 triệu đồng, người tham gia bỏ giá cuối cùng cho quyển này là chị Phạm Thị Tuyết Nhung (Q7 – TP.HCM).
 
Do hai vị khách hàng đầu tiên đều là người TP.HCM, nên lượt đấu cho quyển thứ ba trở nên kịch tính với một vị khách hàng tên Nguyễn Minh Vinh người Hà Nội.
 
Anh Vinh đeo bám ráo riết và cuối cùng đấu thắng quyển từ điển có bìa là tranh giấy dó của họa sĩ Phan Cẩm Thượng ở mức giá 102 triệu đồng.
 
“Ngoài ba quyển từ điển được nhà sản xuất tặng cho các thư viện, tôi thấy hai quyển kia đều thuộc về chủ nhân người Sài Gòn, nên tôi quyết đấu thắng để đem một quyển từ điển độc đáo này về Bắc” – anh Vinh hồ hởi nói.
 
Theo nhà tổ chức, toàn bộ số tiền đấu giá thành công của ba quyển từ điển này đều được chuyển cho Quỹ Cặp lá yêu thương của Trung tâm Tin tức VTV24 dành tặng cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có điều kiện ăn ở và học tập.
 
 
MC phiên đấu giá giới thiệu quyển từ điển với bìa là tranh sơn mài Dưới mặt trăng của sĩ Thành Chương – Ảnh: L.Điền
 
Từ điển độc bản là ý tưởng của công ty MCBooks, muốn tạo ra những phiên bản từ điển đặc biệt, dựa trên nội dung của quyển Từ điển Anh – Anh – Việt do nhóm tác giả The Windy của MCBooks biên soạn, PGS.TS Lâm Quang Đông và tập thể giáo viên Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội hiệu đính, xuất bản năm 2014.
 
Điểm độc đáo của các quyển từ điển nằm ổ chỗ bìa mỗi quyển chính là một tác phẩm tranh độc nhất do đích thân họa sĩ tự tay thực hiện.
 
LAM ĐIỀN
 

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia: Tôn vinh những đỉnh cao năng suất chất lượng

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia tôn vinh các doanh nghiệp xuất sắc nhất về năng suất chất lượng; mở ra triển vọng cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Đây là một trong những nội dung chính của Hội thảo "Giải thưởng Chất lượng Quốc gia hướng tới sự phát triển bền vững" do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức sáng ngày 30/3/2016 tại Hà Nội.
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh – Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia cho rằng, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được xét tặng hàng năm cho các doanh nghiệp nổi bật có thành tích áp dụng thành công các công cụ tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đóng góp lớn cho xã hội.
 
 
Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho rằng, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia góp phần tôn vinh các doanh nghiệp làm tốt năng suất, chất lượng
Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, qua 20 năm Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã có thương hiệu, uy tín với doanh nghiệp. Đây là một tiền đề rất quan trọng. Việt Nam đang bước vào quá trình hội nhập, các doanh nghiệp có cơ hội và thách thức lớn. Trong đó, đối với các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường được xem là yếu tố sống còn của họ.
 
Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, nhận diện rõ thêm các công cụ tăng năng suất, chất lượng theo 7 tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.
 
"Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là cơ hội để đánh giá lại điểm mạnh yếu của mỗi doanh nghiệp. 20 năm qua, có khoảng 2.000 doanh nghiệp được trao giải, là con số khá khiêm tốn. Quy chế và tiêu chí xét thưởng của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia rất ngặt nghèo, chặt chẽ. Do vậy, làm thế nào để tăng sự quan tâm của doanh nghiệp, có thể hàng năm có đến hàng ngàn doanh nghiệp tham gia. Từ đó lựa chọn ra những doanh nghiệp xứng đáng nhất… là điều mà Ban tổ chức giải đang hướng tới”, Thứ trưởng Trần Việt Thanh nói.
 
 
Ông Nguyễn Nam Hải – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho rằng: Giải thưởng Chất lượng Quốc gia với các tiêu chí chặt chẽ, khắt khe góp phần tạo thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp khi hội nhập.
 
Đánh giá tổng quan về hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, trong lĩnh vực năng suất chất lượng, ngay từ năm 2009, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được thực hiện chính thức theo Luật Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Do đó, không phải đến 2016, khi chuẩn bị hoàn tất TPP và một loạt các hiệp định khác Việt Nam mới phải đối mặt với quá trình hội nhập về vấn đề chất lượng.
 
Đặc biệt, ngay từ những năm 1995, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã công bố Thập niên Chất lượng lần thứ I, kéo dài 10 năm. Như vậy, cách đây 21 năm đã đánh dấu thời điểm chuyển mình, khi chúng ta tham gia vào cộng đồng ASEAN là bước mở màn cho quá trình hội nhập. Sau đó 1 năm, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia ra đời với tên gọi trước đó là Giải thưởng Chất lượng Việt Nam.
 
“Như vậy, trong lĩnh vực chất lượng, không phải Việt Nam chậm chạp mà khá nhanh so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Như Malaysia ra đời Giải thưởng Chất lượng Quốc gia sau Việt Nam 2 năm”, ông Nguyễn Nam Hải nói.
 
Theo ông Hải, sự ra đời của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là một dấu mốc không có tính ngẫu nhiên mà gắn với quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam. Tới đây chúng ta sẽ tiếp tục xem xét cải tiến giải thưởng để Giải thưởng Chất lượng Quốc gia để giải này có hơi thở thực tế nhiều hơn nữa.
 
Với gần 2.000 doanh nghiệp được trao giải là một con số khiêm tốn về số lượng. Tuy nhiên, ngược lại cũng cho thấy đây không phải là một giải thưởng tràn lan mà rất chọn lọc.
 
 
Toàn cảnh Hội thảo Giải thưởng Chất lượng Quốc gia hướng tới sự phát triển bền vững
 
Đánh giá một cách toàn diện về chất lượng của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, ông Nguyễn Nam Hải cho rằng, có 3 vấn đề quan trọng nhất để định vị thương hiệu Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Thứ nhất, có khoảng 60 Giải thưởng Chất lượng cấp cho các sản phẩm hàng hóa được cấp cho các cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, đây là giải thưởng chất lượng cao nhất, duy nhất được ghi nhận trong Luật. Thứ hai, cùng với việc tham gia là thành viên chính thức của Tổ chức Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã được Tổ chức này ghi nhận chính thức. Thứ ba, bên cạnh ý nghĩa mang tính tôn vinh, tìm ra doanh nghiệp đẩy họ lên trên cao phất cờ, thông điệp chúng tôi muốn gửi là việc áp dụng các mô hình quản lý của doanh nghiệp, là các mô hình tiên tiến nhất trên thế giới. Một trong những điều cốt lõi nhất là doanh nghiệp muốn bền vững phải phát huy năng lực thực sự.
 
Tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu trong quá trình đổi mới của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.
 
Ông Phùng Mạnh Trường, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho rằng, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia không chỉ được thiết kế để thể hiện các tiêu chí và quy trình với mục đích tôn vinh, khen thưởng về chất lượng cho các doanh nghiệp mà còn được sử dụng như một công cụ tự đánh giá hiệu quả đối với những doanh nghiệp quan tâm đến hiệu quả của hệ thống quản lý và huy động mọi nguồn lực định hướng đến sự cải tiến và đổi mới liên tục hệ thống quản lý và hiệu quả hoạt động của mình.
 
 
Trong khuôn khổ của Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã giải đáp nhiều thắc mắc cho doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề tham gia và lợi ích của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia
 
“Hầu hết các doanh nghiệp trong mọi quốc gia thuộc mọi loại hình đều quan tâm đến chất lượng và đều có những nhận thức mới, đúng đắn về chất lượng. Sự thắng bại trong cuộc chạy đua đường dài vì chất lượng đang còn ở phía trước. Phần thắng chắc chắn thuộc về những quốc gia và doanh nghiệp có chiếc lược kinh doanh đúng đắn, trong đó có chiến lược vì chất lượng”, ông Phùng Mạnh Trường nói.
 
Dưới góc độ là doanh nghiệp từng đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc – Hóa dầu Bình Sơn cho hay, nâng cao chất lượng sản phẩm là mục tiêu trong chiến lược của doanh nghiệp. “Với tiêu chí sản phẩm do Lọc -Hóa dầu Bình Sơn sản xuất ra phải luôn đáp ứng yêu cầu không chỉ về chất lượng mà còn về môi trường và an toàn sức khỏe. Từ năm 2009, Công ty đã xây dựng Hệ thống quản lý tích hợp QHSE trên phạm vi toàn công ty để quản lý đồng bộ các vấn đề nói trên theo các tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2008, ISO 14001:2004 và OHSAS 18001:2007”, ông Trần Nguyên Ngọc nói.
 
Còn theo ông Trịnh Đình Năng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhiệt công nghiệp HTL đánh giá, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia có một phương pháp tiếp cận để quản lý doanh nghiệp rất khoa học, phù hợp với mọi doanh nghiệp dù sản xuất quy mô nhỏ hay vừa. Đây sẽ là một cách tiếp cận đúng đắn cho hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam
 
Được biết, Hội thảo lần này nằm trong chuỗi sự kiện 20 năm Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Lễ “Kỷ niệm 20 năm Giải thưởng và Lễ trao Giải thưởng Chất lượng quốc gia – Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương” dự kiến sẽ được truyền hình trực tiếp tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội vào tháng 4/2016.
 
 
Nguồn:  Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
 

Ứng dụng bức xạ hạt nhân trong y học: Thiếu máy, thiếu cả người

Ngay cả bệnh viện tuyến tỉnh cũng không đủ trang thiết bị xạ trị, điện quang và y học hạt nhân cơ bản để chẩn đoán. Cán bộ có đủ trình độ sử dụng chúng trong việc khám, chữa bệnh cũng không nhiều.
 
Các ứng dụng bức xạ như tia X, kỹ thuật siêu âm 4D, cộng hưởng từ (MRI), xạ trị điều biến liều (IMRT)… ngày càng được áp dụng rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu đủ thứ để ứng dụng y học hạt nhân, xạ trị và X-quang thực sự hiệu quả.
 
Quy hoạch không cao vẫn khó “với”
 
GS-TSKH Phạm Sỹ An – Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam – cho biết, nhiều năm qua, các ứng dụng bức xạ đã được đưa vào bệnh viện với vai trò mà các thiết bị, phương pháp khác không thay thế được, tạo nên 3 chuyên ngành y học hạt nhân, xạ trị ung thư và chẩn đoán hình ảnh (điện quang). Đến hết năm 2013, ngành y tế có hơn 1.400 cơ sở bức xạ đang hoạt động.
 
 
Các ứng dụng bức xạ đã được áp dụng tại các cơ sở y tế trong chẩn đoán, điều trị mà các thiết bị, phương pháp khác không thể thay thế. Ảnh: TK
Trước đó – năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong y tế đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, Việt Nam sẽ phát triển kỹ thuật chụp hình bức xạ đến bệnh viện tuyến tỉnh, mỗi bệnh viện tỉnh có ít nhất một máy chụp cắt lớp đơn quang tử (SPECT). Cả nước phải có một số máy chụp sử dụng đồng vị phóng xạ phát positron (PET), ngoài ra còn tăng cường thiết bị điều trị, sàng lọc một số dị tật bẩm sinh bằng kỹ thuật đồng vị phóng xạ… Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận thấy để thực hiện thành công quy hoạch này, có nhiều điểm cần được khắc phục.
 
Theo GS Phạm Sỹ An, hiện công tác xạ trị còn rất hạn chế do thiếu cả cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn cán bộ được đào tạo đúng chuyên khoa, có kinh nghiệm. Quy hoạch triển khai các khoa xạ trị cũng chưa có. Cơ sở vật chất của các đơn vị X-quang và y học hạt nhân còn nghèo nàn, thiếu trang thiết bị cơ bản và hiện đại phục vụ chẩn đoán, điều trị. Các bệnh viện tỉnh thiếu rất nhiều thiết bị xạ trị, điện quang và y học hạt nhân cơ bản để chẩn đoán. Thậm chí, nhiều bệnh viện có thiết bị nhưng đã quá cũ và lạc hậu. “Với tốc độ phát triển như hiện nay, rất khó đạt chỉ tiêu mà quy hoạch đã xác định – nhất là về y học hạt nhân và xạ trị” – GS Phạm Sỹ An nói.
 
Chưa có hệ thống đào tạo chính quy
 
Không chỉ nghèo về thiết bị, ngay cả nguồn nhân lực cho xạ trị, X-quang và y học hạt nhân cũng còn thiếu, nhất là cán bộ có đủ chuyên môn, trình độ khám, chữa bệnh với kỹ thuật cao, hiện đại.
 
“Chưa có hệ thống đào tạo cán bộ chuyên khoa xạ trị, bao gồm cả y học và kỹ thuật một cách đầy đủ – đặc biệt là đào tạo chuyên ngành sâu của xạ trị, X-quang và y học hạt nhân. Vấn đề đào tạo bài bản, cấp chứng chỉ hành nghề và chính thức hóa chức danh kỹ sư vật lý y học cũng chưa được đề cập tới, nên chưa có kế hoạch triển khai” – GS An cho biết. Theo ông, đây đang là khâu yếu trong việc ứng dụng bức xạ hạt nhân vào y học. Để khắc phục, cần đảm bảo các cơ sở sử dụng bức xạ trong y tế – nhất là các cơ sở xạ trị – phải có đủ cán bộ vật lý đã được đào tạo chính quy để trở thành cán bộ vật lý y học chính thức, tiến tới có chứng chỉ hành nghề trong các ngành xạ trị, điện quang, y học hạt nhân.
 
Cùng quan điểm này, GS-TS Mai Trọng Khoa – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – đưa ra giải pháp xây dựng hệ thống đào tạo chính quy đại học và sau đại học dành cho các đối tượng: Kỹ sư vật lý, phóng xạ y học; kỹ thuật viên cho các lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, y học hạt nhân và đặc biệt là xạ trị.
 
GS Khoa cho rằng, để làm được điều này cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý là Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các cơ quan liên quan để xây dựng kế hoạch cụ thể về tổ chức, tài chính. Mục tiêu là thiết lập cơ sở đào tạo chính quy cán bộ chuyên môn về 3 lĩnh vực y học hạt nhân, xạ trị và điện quang, đặc biệt là các bác sĩ chuyên ngành, các kỹ sư vật lý y học, kỹ thuật viên, bảo dưỡng, kiểm tra và sửa chữa thiết bị.
 
Từ năm 2009, Việt Nam bắt đầu trang bị máy PET/CT tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội và TPHCM. Các kết quả nghiên cứu với PET/CT đã khẳng định, thiết bị này giúp chẩn đoán với độ nhạy và độ chính xác cao các loại ung thư nguyên phát, chẩn đoán phân biệt u lành và u ác tính, di căn, tái phát, giúp đánh giá kết quả điều trị, theo dõi sau điều trị. PET/CT làm thay đổi chiến thuật điều trị ở 30-40% số bệnh nhân ung thư, giúp dự báo sớm kết quả điều trị.
Tuấn Kiệt
 

Báo chí là cầu nối đưa kết quả nghiên cứu gần hơn với cuộc sống

"Nếu không có giới truyền thông thì các sản phẩm khoa học cũng sẽ để trong ngăn tủ, còn sản xuất vẫn công nghệ cũ, lạc hậu … Và ngược lại nhà khoa học cũng chỉ đơn thuần nghiên cứu mà chưa chắc đã ứng dụng được vào kinh doanh".
 
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân phát biểu tại buổi lễ.
Sáng ngày 25/3, tại Khu CNC Hòa Lạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã trao tặng bằng khen ghi nhận đóng góp tích cực của các tập thể và cá nhân các cơ quan báo chí đối với hoạt động Truyền thông KH&CN trong chương trình gặp mặt phóng viên đầu năm do Bộ KH&CN tổ chức.
 
Đánh giá cao vai trò của truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, để KH&CN vào được sản xuất và thị trường, bên cạnh vai trò quyết định của các nhà khoa học, thì cũng phải kể đến vai trò quan trọng của truyền thông. Nếu không có giới truyền thông thì các sản phẩm khoa học cũng sẽ để trong ngăn tủ, còn sản xuất vẫn công nghệ cũ, lạc hậu … Và ngược lại nhà khoa học cũng chỉ đơn thuần nghiên cứu mà chưa chắc đã ứng dụng được vào kinh doanh.
 
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN chụp ảnh cùng các tập thể, cá nhân các cơ quan báo chí vinh dự nhận bằng khen.
 
Đại diện lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ trưởng Nguyễn Quân cảm ơn các nhà báo, cơ quan báo chí truyền thông thời gian qua đã đồng hành cùng những người làm khoa học, giới thiệu những cơ chế chính sách mới, tháo gỡ rào cản trong hoạt động KH&CN, nêu gương các nhà khoa học giỏi của Việt Nam, giúp ngành nhìn ra những yếu kém, thiếu sót để khắc phục, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của khoa học nước nhà. Đồng thời mong muốn tới đây sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ, đồng hành của nhà báo, các cơ quan báo chí với ngành KH&CN.
 
Nhận dịp này, ông Nguyễn Xuân Toàn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông KH&CN, Bộ KH&CN đã giới thiệu dự kiến các hoạt động nổi bật của Bộ KH&CN trong năm 2016; đồng thời mong muốn các cơ quan báo chí bám sát, đồng hành cùng với các hoạt động, nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2016 này.
 
Các đại biểu cũng đã được nghe đại diện Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc giới thiệu tình hình phát triển, những thành tựu và khó khăn của khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong thời gian qua.
 
Tại buổi gặp gỡ Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng bày tỏ mong muốn thời gian tới, bên cạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật về KH&CN của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, các nhà báo cũng làm tốt vai trò cầu nối giữa hoạt động nghiên cứu và sản xuất kinh doanh, giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp. Góp phần vào việc phát triển thị trường KHCN ở Việt Nam, thông qua việc giới thiệu các sản phẩm mới của các nhà khoa học, những nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp, kết nối giữa nghiên cứu và sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới hoạt động công nghệ của Việt Nam.
 
Loan Lê
 

Đất nước hội nhập, trí thức càng phải dấn thân

ThS Phạm Xuân Hoàng – Viện Thông tin khoa học xã hội – Viện Hàn lâm KHXH  20/03/2016 07:37
Việc có nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục, văn nghệ sỹ, luật sư… tự ứng cử vào Quốc hội với tư cách đại biểu độc lập trong thời gian qua cho thấy, trí thức Việt Nam đã ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình với đất nước, thể hiện sự tự tin và tinh thần dấn thân.
 
Việc có nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục, văn nghệ sỹ, luật sư… tự ứng cử vào Quốc hội với tư cách đại biểu độc lập thời gian qua cho thấy, trí thức Việt Nam đã ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với đất nước, thể hiện sự tự tin và tinh thần dấn thân.
 
Trí thức là người bắc nhịp cầu hội nhập
 
Với đặc trưng là lao động trí tuệ chuyên sâu, am hiểu, nhanh nhạy với các biến động của thời cuộc, người trí thức dù ở các vị trí công tác, ngành nghề khác nhau đều luôn khát khao và sẵn sàng đóng góp tâm sức, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước. Họ có lợi thế là những người đi tiên phong trong tư vấn, phản biện chính sách tham gia vào phát triển. Nhưng vị trí tiên phong đó không hẳn là đương nhiên, một khi họ không ý thức được trách nhiệm và vai trò của mình hoặc tự trói mình trong những giáo điều bảo thủ, định kiến.
 
 
TS Phạm Văn Phúc đang trình bày trong buổi gặp gỡ giữa các nhà khoa học trẻ tiêu biểu 2015 với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: LV
Hiện nay, khi đất nước đứng trước những vận hội lớn để phát triển nhờ hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới nhưng đi kèm với nó là thách thức không nhỏ, tâm huyết và trách nhiệm của trí thức lại càng cần được chú trọng.
 
Để phát triển kinh tế theo chiều sâu, tăng trưởng bao trùm, phát triển bền vững thì sức mạnh trí tuệ, nguồn lực chất xám của các trí thức, chuyên gia, nhà khoa học phải được khai thác tốt. Đội ngũ này – với vốn kiến thức về kinh tế thị trường, về hội nhập kinh tế quốc tế – có thể tham gia vào kiến tạo chuỗi giá trị, tạo dựng thương hiệu, nâng cao năng lực hội nhập kinh tế của đất nước. Trí thức với tư cách là những nhà nghiên cứu kinh tế, xã hội, đề xuất các giải pháp, hoặc tham gia đóng góp, phản biện về chính sách kinh tế, cách thức nắm bắt lợi thế phát triển và loại trừ các rủi ro.
 
Hiện nay, trong sự tương thuộc của toàn cầu hóa, làm thế nào để vừa phát triển kinh tế vừa giữ vững độc lập, chủ quyền, tăng tiếng nói của quốc gia trên trường quốc tế là những vấn đề lớn mà người trí thức cần thể hiện vai trò tiên phong của mình. Trí thức với ưu thế là những người nhanh nhạy trong việc tiếp nhận cái mới, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, suy tư chiều sâu về thế và lợi, về mạnh và yếu của đất nước thì cần có đóng góp vào chiến lược phát triển, phải tham gia phản biện về chính sách, pháp luật, những vấn đề đặt ra về phương diện chính trị – xã hội, những vấn đề nóng bỏng của đất nước và thời đại.
 
Bên cạnh đó, đối mặt với tình trạng tha hóa về nhân cách, đạo đức, văn hóa của một bộ phận người dân do tác động của mặt trái toàn cầu hóa và kinh tế thị trường, trí thức cần lên tiếng, tham gia giải quyết các vấn đề nổi cộm như sự xuống cấp của tình người, sự lên ngôi của đồng tiền, sự lừa lọc, trí trá, chộp giật mà không chú ý đến các hệ lụy con người và xã hội.
 
Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế tri thức, KH&CN là đòn bẩy, là những lực đẩy tạo ra cú hích phát triển. Các chuyên gia, nhà khoa học có thể đóng vai trò to lớn trong việc học hỏi, chuyển giao những kinh nghiệm quốc tế. Sự giao lưu, hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực đòi hỏi vốn tri thức chuyên sâu và năng lực ngoại ngữ bậc cao. Đóng góp vào các lĩnh vực này hơn ai hết là các trí thức, chuyên gia; trong đó, trí thức trẻ sẽ là người đi tiên phong.
 
Cách dấn thân của trí thức thời toàn cầu hóa
 
Con đường phát triển của quốc gia, dân tộc đòi hỏi phải có sự tham gia của giới tinh hoa. Thực tế cho thấy, những khi xuất hiện những nguy cơ đối với sự tồn vong, thịnh suy của quốc gia, trí thức là người có tiếng nói trước tiên. Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc trong thế kỷ XX đều có sự tham gia tích cực của đông đảo các thế hệ thanh niên trí thức. Họ vừa là người cầm súng, vừa là người cầm bút đánh giặc. Nhiều trí thức trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường, trên giảng đường đại học đã gia nhập quân đội và nhiều người trong số đó đã hy sinh.
 
Trong thời đại toàn cầu hóa hôm nay, dòng chảy thông tin được coi là xa lộ, sự giao lưu, tiếp nhận tri thức nhân loại ngày càng nhiều, nhưng các áp lực từ bên ngoài cũng rất lớn, nên trí thức phải có sự bứt phá, dấn thân một cách chuyên nghiệp hơn. Những đòi hỏi của thời đại buộc trí thức có một thái độ mới, luôn chuẩn bị sẵn sàng về nhân cách và tài năng, đủ sức ứng phó với những đổi thay phức tạp đang diễn ra.
 
Thời gian qua, có nhiều trí thức là nhà khoa học, nhà giáo dục, văn nghệ sĩ, luật sư đứng lên ứng cử vào Quốc hội với tư cách là những đại biểu độc lập. Điều này cho thấy, trí thức đã ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình đối với đất nước trong bối cảnh mới.
 
Trí thức có được tâm thế này là nhờ xu thế dân chủ hóa trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế, sự phát triển của kinh tế thị trường, sự định chế các quy tắc ứng xử theo khuôn khổ của luật chơi toàn cầu mang lại. Điều đáng ghi nhận là càng ngày càng có nhiều trí thức thể hiện tinh thần tự chủ, có tiếng nói trực tiếp và thẳng thắn trước những vấn đề bức bách của đất nước, của thời đại.
 
Trong các thời kỳ lịch sử, trí thức luôn có vai trò quan trọng. Trong suy nghĩ của người dân và các nhà quản lý thì các nhà khoa học nói riêng cũng như đội ngũ lao động trí tuệ nói chung luôn được vị nể, trân trọng. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đối với trí thức trong tự do nghiên cứu, công bố các thành quả khoa học cũng như đãi ngộ.
 
Để trí thức có điều kiện, cơ hội tốt nhất tham gia sâu vào sự phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện cho họ cống hiến bằng việc ban hành các cơ chế minh bạch và thân thiện. Đối với việc trí thức ứng cử đại biểu Quốc hội, điều cần thiết là đảm bảo công bằng về cơ hội để những trí thức tài năng, tâm huyết, đại diện tiêu biểu cho tiếng nói của cử tri có thể tham gia hoạch định chính sách phát triển ở tầm vĩ mô.
 
Để trí thức không đứng ngoài chính trị, ngoài lề của sự phát triển, ngoài việc tạo điều kiện để trí thức tham gia phát huy tài năng, đóng góp tri thức, sức sáng tạo vào các lĩnh vực phát triển cụ thể với tư cách là một người lao động, trí thức cần được tạo điều kiện nhiều hơn để phản biện, tư vấn chính sách về các vấn đề mà sự phát triển đang đặt ra. Nếu không được mài giũa khả năng và tinh thần phản biện, trí thức sẽ vô hình trung mất đi nguồn lực sáng tạo, nuôi mầm bức xúc và tâm lý bất tuân phục chính sách. Điều này về lâu dài sẽ giết chết năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức tinh hoa.
 
Có thể nói, công cuộc hội nhập quốc tế có thành công hay không tùy thuộc rất lớn vào sức mạnh của KH&CN, của sự phát triển văn hóa, giáo dục mà ở đó mức độ tham gia của tầng lớp trí thức có ý nghĩa rất quan trọng.
 
Để phát huy vai trò đó, trí thức cần sự lắng nghe chân thành, sự thấu hiểu của các nhà quản lý, các nhà hoạt động thực tiễn. Đảng, Nhà nước cần thực sự tạo điều kiện tối ưu cho các nhà khoa học được đóng góp cao nhất vào sự phát triển qua các kênh khác nhau.
 
ThS Phạm Xuân Hoàng – Viện Thông tin khoa học xã hội – Viện Hàn lâm KHXH
 

Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phổ biến

Vấn đề này được phân tích sâu tại hội nghị tăng cường năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức trong hai ngày 17-18/3 tại Hà Nội.
 
Hội nghị là hoạt động nằm trong dự án Tăng cường năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam được tài trợ bởi Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA.
 
Chịu tác động lớn từ TPP
 
Trao đổi về các cam kết của Việt Nam trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo hiệp định TPP Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lê Ngọc Lâm đánh giá Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều tác động nhất. “Yêu cầu về SHTT của TPP tác động toàn diện lên hệ thống pháp luật và có những chuẩn mực quá cao về bảo hộ quyền SHTT của chủ sở hữu thực sự chưa phù hợp với trình độ phát triển về kinh tế, xã hội của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là việc bảo hộ độc quyền đối với dữ liệu thử nghiệm dược phẩm và nông hóa phẩm, việc kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả”.
 
 
Vì vậy, để thực hiện một số nghĩa vụ lớn, theo ông Lâm, Việt Nam được dành thời gian chuyển tiếp nhất định để một mặt thực hiện việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết nêu trên, mặt khác để đời sống xã hội tăng thêm một mức nữa và nhờ đó tăng thêm sức chịu đựng trước tác động giá cả của cơ chế độc quyền SHTT.
 
Việt Nam sẽ nỗ lực tiếp tục theo đuổi chính sách bảo hộ SHTT phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, đó là dùng cơ chế bảo hộ quyền SHTT làm công cụ để khuyến khích sáng tạo, đổi mới, chống cạnh tranh không lành mạnh để đưa các sản phẩm sáng tạo, đặc biệt là công nghệ mới để phát triển kinh tế, phục vụ đời sống xã hội.
 
Chính phủ cũng đang nỗ lực không ngừng để xây dựng một hệ thống pháp luật về SHTT cũng như bộ máy các cơ quan thực thi pháp luật để bảo hộ và bảo vệ quyền SHTT. “Đến nay, có thể nói rằng hệ thống SHTT của VN không những đạt chuẩn mực của WTO, mà còn có thể sánh với các nước tiên tiến trong khu vực”, ông Lê Ngọc Lâm khẳng định.
 
Cũng theo ông Lâm, với việc tham gia TPP cũng như các FTA khác, Chính phủ sẽ tiếp tục hướng tới các chuẩn mực tiên tiến về bảo hộ của khu vực và thế giới, nhằm mục tiêu tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút sự đầu tư ổn định lâu dài của các doanh nghiệp trong khu vực TPP nói riêng và doanh nghiệp nước ngoài nói chung.
 
Phát hiện nhiều vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ
 
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết trong năm 2015, Thanh tra Bộ đã triển khai 54 cuộc thanh tra các cơ sở sản xuất và bán hàng giả, hàng xâm phạm sáng chế và các đối tượng SHCN khác đang được bảo hộ tại Việt Nam.
 
Theo đó, Thanh tra Bộ đã phát hiện và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 40 cơ sở có hành vi vi phạm các quy định quản lý nhà nước liên quan đến việc sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại với tổng số tiền xử phạt trên 1,6 tỷ đồng
 
Cũng theo kết quả thanh tra, Thanh tra Bộ đã tịch thu tiêu hủy hàng nghìn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm đối với hơn 73 nghìn sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và buộc tiêu hủy gần 17 nghìn tem, nhãn, vật phẩm mang yếu tố vi phạm.
 
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực sở hữu công nghiệp mà Bộ KH&CN được giao phụ trách, Thanh tra Bộ KH&CN đã lần đầu tiên chủ động phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đại diện SHCN đối với 11 tổ chức dịch vụ đại diện SHCN.
 
Trao đổi tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế Hoàng Văn Trực cũng cho biết trong năm 2015, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện 631 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm Sở hữu trí tuệ trong đó đã khởi tố 113 vụ, 145 bị can, chuyển xử lý hành chính 497 vụ, phạt tổng số tiền gần 13 tỷ đồng.
 
Phú Sỹ
 

Hợp tác nghiên cứu khoa học phát triển vùng dân tộc thiểu số

Sáng ngày 30/3, Ủy ban Dân tộc và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2016-2020.
 
 
PGS.TS Phạm Văn Đức(trái) đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ cùng TS Phan Văn Hùng(phải), Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ký kết chương trình hợp tác.
TS Phan Văn Hùng – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: "Chương trình hợp tác giữa Ủy ban Dân tộc và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là chương trình nhằm cụ thể hóa chỉ thị 28CT-TTg, của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, đồng thời mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác giữa Ủy ban Dân tộc với Viện Hàn lam Khoa học xã hội Việt Nam".
 
Theo đó chương trình ký kết hướng tới mục tiêu xác định, hợp tác khoa học và công nghệ là một trong những giải pháp mang tính chiến lược và lâu dài để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường các hoạt động nghiên cứu, trao đổi thông tin khoa học, ứng dụng các kết quả nghiên cứu… Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học nhằm giảm nghèo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở vùng dân tộc thiếu số.
 
Với các nội dung chủ yếu đó là hai bên sẽ phối hợp trong hoạt động nghiên cứu khoa học, hỗ trợ nhau thực hiện các công trình, đề tài, dự án, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học liên quan tới vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học nhằm tham vấn, trao đổi kinh nghiệm về những vấn đề hai bên cùng quan tâm, trong xây dựng và phân biệt các chính sách về dân tộc và miền núi.
 
Lê Loan

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Thành công của KC.10 là niềm tự hào của khoa học Việt Nam

 
Sáng 26/3, Hội nghị tổng kết Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng diễn ra tại Học viện Quân y. Bộ trưởng Nguyễn Quân đánh giá, đây là chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước thành công nhất.
 
Tham dự Hội nghị tổng kết Chương trình KC.10/11-15 có Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, GS.TS Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường; PGS.TS Nguyễn Quốc Trung vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội Ban tuyên giáo Trung ương, đại diện Bộ Quốc phòng cùng đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học.
 
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân phát biểu tại Hội nghị tổng kết Chương trình KC.10 . Ảnh: Lê Loan
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đánh giá cao những kết quả các nhà khoa học và Ban chủ nhiệm chương trình KC.10 đã đạt được: "Đây là chương trình thành công nhất trong các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước. Thành công này là niềm tự hào của khoa học Việt Nam".
 
"Chúng tôi tự hào vì Bộ KH&CN đã có chương trình KC.10 và một số chương trình KC khác thành công. Mong rằng giai đoạn 2016-2020 sẽ có những thành tựu mới quan trọng mang tầm quốc tế để ngành y tế, hóa dược của Việt Nam đáp ứng được nhu cầu thực tế" – Bộ trưởng Nguyễn Quân nói thêm.
 
Hội nghị cũng được nghe Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, đại diện Bộ Quốc phòng, Học viện Quân y… chia sẻ về thành công, ghi nhận sự nỗ lực của các nhà khoa học thuộc chương trình. 
 
Nhân dịp này, đại diện các đề tài đã trình bày sơ bộ kết quả nghiên cứu được thực hiện trong 5 năm qua cũng như bày tỏ sự biết ơn đối với sự quan tâm của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế… Các nhà khoa học mong muốn chương trình sẽ tiếp tục được đầu tư đúng mức để khoa học y dược của Việt Nam ngày càng tiếp cận được các công nghệ, kỹ thuật phức tạp, tiên tiến hơn nữa góp phần tích cực vào việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
 
GS.TS Lê Bách Quang – Ban chủ nhiệm chương trình KC.10 cho biết: "Các kết quả của chương trình đã nói lên tất cả sự ý nghĩa của đầu tư cho khoa học. Những kết quả thành công với những sản phẩm hữu ích, được áp dụng rộng rãi, có sức lan tỏa rất lớn, góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng, làm thay đổi nhận thức của xã hội về khoa học công nghệ, về y học".
 
Sau hơn 2 giờ đồng hồ, hội nghị tổng kết chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước lĩnh vực y dược mã số KC.10/11-15 đã kết thúc tốt đẹp.
 
CHI TIẾT DIỄN BIẾN HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH KC.10:
 
08:05 ngày 26/03/2016
 
Chương trình KC.10 đã “cán đích” sau 5 năm vào cuộc quyết liệt của cả cơ quan quản lý lẫn các nhà khoa học, bác sỹ, với hàng loạt kết quả nổi bật đã được xã hội, cộng đồng khoa học thế giới biết đến.
 
08:09 ngày 26/03/2016
 
GS-TS Phạm Gia Khánh – Chủ nhiệm chương trình – cho biết, KC.10 giai đoạn 2011-2015 có tổng số 55 nhiệm vụ nghiên cứu, tập trung vào hai lĩnh vực y và dược. Về y học, thành tựu của chương trình là đã làm chủ một số kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong dự phòng, chẩn đoán và điều trị như phẫu thuật ghép tạng, phẫu thuật nội soi, can thiệp mạch… 
 
08:10 ngày 26/03/2016
 
 
Kết quả nối bật của phẫu thuật ghép tạng trong Chương trình KC 10. Ảnh: Lê Loan.
 
08:18 ngày 26/03/2016
 
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc tại Hội nghị tổng kết Chương trình KC.10 về lĩnh vực y dược. Ảnh: Lê Loan
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc ghi nhận những thành tựu mà chương trình KC.10 đã đạt được đồng thời khẳng định: “Một số lĩnh vực y – dược của Việt Nam đã đạt trình độ thế giới. Đây là điều không dễ làm được. Dân số hơn 90 triệu của Việt Nam đang ngày một già đi, cuộc sống còn khá nghèo khó, thói quen ăn uống, sinh hoạt chưa hợp lý, thời tiết có nhiều bất lợi… sinh ra bệnh tật nhiều. Vì thế, nhu cầu khám bệnh và đòi hỏi về phát triển y – dược học ngày càng lớn. Theo đó trong giai đoạn 2016-2020, chương trình KC.10 sẽ tiếp tục được đầu tư nhưng sẽ cơ cấu lại. Bộ KH&CN đang phối hợp với các chuyên gia đầu ngành và Bộ Y tế xác định khung nghiên cứu 2016-2020. Kinh phí cũng như quy mô của các nhiệm vụ dự kiến sẽ lớn hơn, vì thực tế sự phát triển của y – dược và nhu cầu ngày càng lớn".
 
08:29 ngày 26/03/2016
 
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Lê Loan.
 
08:33 ngày 26/03/2016
 
8h30 phút sáng ngày 26/3, các đại biểu, nhà khoa học đã tề tựu đông đủ về Hội trường A Học viện Quân y dự Lễ tổng kết chương trình KC.10/11-15.
 
08:35 ngày 26/03/2016
 
 
Quang cảnh Lễ tổng kết chương trình KC.10/11-15. Ảnh: Lê Loan
 
08:40 ngày 26/03/2016
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, GS.TS Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm UB Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường; PGS.TS Nguyễn Quốc Trung vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội Ban tuyên giáo Trung ương, đại diện Bộ Quốc phòng cùng đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học đã có mặt đông đủ.
 
08:41 ngày 26/03/2016
 
Audio GS- TS Phạm Gia Khánh phát biểu khai mạc Hội nghị tổng kết Chương trình KC.10 về lĩnh vực y dược và GS-TS Đỗ Quyết – Giám đốc Học viện Quân y phát biểu chào mừng hội nghị
 
08:43 ngày 26/03/2016
 
Ngay sau phần giới thiệu đại biểu, GS.TS Phạm Gia Khánh đã phát biểu bày tỏ sự cảm kích về sự quan tâm của cơ quan quản lý, các nhà lãnh đạo cả về tài chính và tinh thần đầu tư cho Chương trình KC.10 để chương trình có được những thành công như ngày hôm nay.
 
08:50 ngày 26/03/2016
 
 
GS -TS Phạm Gia khánh – Chủ nhiệm chương trình KC.10 – phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Lê Loan
 
08:52 ngày 26/03/2016
 
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, GS.TS Phạm Gia Khánh cho biết, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định con người là vốn quý nhất của xã hội, sức khỏe là vốn quý nhất của con người, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển của xã hội.
 
08:54 ngày 26/03/2016
 
Thực hiện chương trình KC 10  chính là thực hiện quan điểm này của Đảng. Nhận thức sâu sắc vai trò và trách nhiệm quan trọng của chương trình, trong 5 năm qua Ban chủ nhiệm chương trình KC 10, đặc biệt là các chủ nhiệm đề tài, dự án đã làm việc miệt mài, vượt qua rất nhiều khó khăn và thách thức về khoa học và công nghệ, về cường độ lao động, đặc biệt là về sức ép tâm lý. Song do nhận thức sâu sắc nhiệm vụ trị bệnh cứu người với sự trợ giúp của các cơ quan chức năng đã giúp các nhóm nghiên cứu vượt qua tất cả những khó khăn thử thách và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
 
09:16 ngày 26/03/2016
 
 
THiếu tướng, GS-TS Đỗ Quyết – Giám đốc Học viện Quân y – phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Loan
 
09:33 ngày 26/03/2016
 
Ngay sau phần phát biểu của GS.TS Phạm Gia Khánh – Chủ nhiệm chương trình KC.10 và phần chào mừng của GS.TS Đỗ Quyết, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã dành thời gian phát biểu, ghi nhận về thành quả của chương trình.
 
09:37 ngày 26/03/2016
 
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân phát biểu, ghi nhận về thành quả của chương trình KC.10 . Ảnh: Lê Loan
 
09:38 ngày 26/03/2016
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân đánh giá cao những kết quả các nhà khoa học và Ban chủ nhiệm chương trình KC.10 đã đạt được. Theo Bộ trưởng, cho rằng đây là chương trình thành công nhất trong các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước. Thành công này là niềm tự hào của khoa học Việt Nam. Cụ thể, việc sản xuất thành công vắcxin Rota đã giúp Việt Nam trở thành đất nước có ngành vắcxin không thua kém các nước khác trong khu vực, thậm chí cả thế giới. Chúng ta có thể tự chủ vắcxin tiêm chủng mở rộng, sản xuất được hầu hết các loại vắcxin. Là một trong 4 nước trên thế giới sản xuất thành công vắcxin này.
 
09:40 ngày 26/03/2016
 
Trong giây phút xúc động, Bộ trưởng tưởng nhớ về cố GS. TS Lê Thị Luân – người đã góp phần rất lớn cho kết quả này mà không thể tham dự hội nghị. Kỹ thuật nội soi cũng có quyền tự hào vì rất nhiều nước trong khu vực đã đến Việt Nam để học tập. Kỹ thuật ghép tạng những năm vừa qua cũng đã rất thành công. Nhiều lĩnh vực khác của y dược cũng đã được thực hiện thành công từ chương trình này.
 
09:40 ngày 26/03/2016
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, Việt Nam là một quốc gia 90 triệu dân ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm nhiều dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng ta đã chăm sóc rất tốt cho sức khỏe của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Điều này thể hiện sự nỗ lực, sáng tạo của các nhà khoa học y dược.
 
09:41 ngày 26/03/2016
 
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân đánh giá cao những kết quả các nhà khoa học và Ban chủ nhiệm chương trình KC.10 đã đạt được. Ảnh: Lê Loan.
 
09:42 ngày 26/03/2016
 
Bộ trưởng cũng bày tỏ sự biết ơn đối với các nhà khoa học lĩnh vực y dược, đối với Ban chủ nhiệm chương trình KC.10 trong nhiều năm qua đã dành toàn bộ tâm huyết của mình, nỗ lực để có được những kết quả này. "Chúng tôi tự hào vì Bộ KH&CN đã có chương trình KC.10 và một số chương trình KC khác thành công. Mong rằng giai đoạn 2016-2020 sẽ có những thành tựu mới quan trọng mang tầm quốc tế để ngành y tế, hóa dược của Việt Nam đáp ứng được nhu cầu thực tế" – Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
 
09:43 ngày 26/03/2016
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh: "Chúng ta đang chuẩn bị bước vào giai đoạn cạnh tranh rất quyết liệt với việc Việt Nam đã ký hiệp định TPP. Nếu như trước đây chưa mở cửa hoàn toàn, các sản phẩm chỉ cạnh tranh hẹp trong phạm vi nội địa. Bây giờ không còn hàng rào thuế, quan, không còn hàng rào kỹ thuật nên sự cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Đặt biệt trong TPP vấn đề sở hữu trí tuệ, nông hóa dược là vấn đề gai góc nhất, là chốt trạm cuối cùng, trong đó vấn đề thuốc nông hóa học đặt ra vấn đề rất lớn, thách thức với Việt Nam. Vì vậy mong các nhà khoa học trong lĩnh vực y dược sát cánh với các nhà quản lý bước qua giai đoạn này để tiếp tục có thêm nhiều thành công".
 
10:02 ngày 26/03/2016
 
Sau bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cũng dành nhiều lời tâm huyết cho các nhà khoa học chương trình KC.10. Theo Thứ trưởng Lê Quang Cường, thế giới đang bước vào thời đại khoa học công nghệ với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, trong đó sức khỏe là lĩnh vực quan trọng nhất. Nghiên cứu Y – Dược là một ngành khoa học đặc biệt, với nhiệm vụ cao cả là chăm sóc sức khoẻ cho con người – mục tiêu và động lực của quá trình phát triển; Quá trình phát triển do chính con người thực hiện và nhằm mục đích nâng cao chất lượng đời sống con người. Vì vậy việc nghiên cứu phát triển và ứng dụng các thành tựu mới về KH&CN trong lĩnh vực Y tế đóng vai trò quyết định trong việc phát triển ngành. 
 
10:08 ngày 26/03/2016
 
 
Thứ trưởng Lê Quang Cường cho hay Bộ Y tế cam kết sẽ luôn đồng hành với Chương trình KC.10 để phát triển các mũi nhọn y dược trong những năm tới. Ảnh: Lê Loan.
 
Ông Cường cho biết, Bộ y tế luôn đánh giá Chương trình trọng điểm cấp nhà nước KC.10 đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển KHCN ngành y tế. Trong những năm gần đây, những thành tựu lớn về KH&CN ngành y tế luôn gắn liền với kết quả của các nhiệm vụ KH&CN chương trình KC.10 như: ghép tạng, nội soi, can thiệp mạch, y học hạt nhân…. Đặc biệt nhiều đề tài/dự án của chương trình đã nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của thế giới vào thực tiễn Việt Nam và đã được mang lại hiệu quả xã hội cao. Nhờ vậy chúng ta đã đạt được thành tựu ngang hàng với các nước tiên tiến, như công nghệ sản xuất vắc xin, công nghệ sản xuất một số sinh phẩm chẩn đoán các bệnh nhiễm truyền nhiễm, bào chế thuốc tác dụng đích, thuốc phóng thích hoạt chất chậm… Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình đã xây dựng được đội ngũ cán bộ đầu ngành trên nhiều lĩnh vực y học, đây là tiền đề quan trọng phát triển các mũi nhọn mới trong các lĩnh vực được đánh giá là cuộc cánh mạng trong y học hiện nay.
 
10:10 ngày 26/03/2016
 
"Chúng tôi đánh giá rất cao kết quả mà các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu, ứng dụng. Kết quả của các báo cáo trong hội nghị này là minh chứng cho thành công của Chương trình KC.10 và mở ra các hướng mới trong việc phát triển sinh phẩm y tế bằng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến; Đồng thời cho thấy hiệu quả đầu tư KHCN trong phát triển y học hiện nay. Bộ Y tế cam kết sẽ luôn đồng hành với Chương trình KC.10 để phát triển các mũi nhọn y dược những năm tới" – ông Cường nói.
 
10:17 ngày 26/03/2016
 
10h15, hội nghị chuyển sang phần hai, các chủ nhiệm đề tài báo cáo về các kết quả nghiên cứu của mình. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc điều hành nội dung này.
 
10:17 ngày 26/03/2016
 
GS.TS Nguyễn Tiến Quyết – Chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật can thiệp mạch và phần nội soi trong điều trị chấn thương gan và thận đã thay mặt các nhà khoa học trình bày kết quả.
 
10:19 ngày 26/03/2016
 
Theo ông Quyết, chỉ cần y học Việt Nam ứng dụng được hơn 70% kỹ thuật của thế giới thì người dân Việt Nam đỡ khổ hơn rất nhiều. Trách nhiệm này thuộc về các nhà khoa học, bác sĩ và để làm được điều này cần rất nhiều cố gắng, nỗ lực.
 
10:22 ngày 26/03/2016
 
 
GS.TS Nguyễn Tiến Quyết. Ảnh: Lê Loan.
 
10:34 ngày 26/03/2016
 
Ngay sau phần trình bày của GS Nguyễn Tiến Quyết, TS Lê Thanh Sơn – Học viện Quân y thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày kết quả nghiên cứu triển khai ghép đồng thời tụy thận từ người cho chết não.
 
10:38 ngày 26/03/2016
 
 
TS Lê Thanh Sơn. Ảnh: Lê Loan
 
11:42 ngày 26/03/2016
 
 
GS Lê Bách Quang. Ảnh: Lê Loan.
 
11h40 – GS.TS Lê Bách Quang – Ban chủ nhiệm chương trình KC.10 phát biểu bế mạc hội nghị.
 
11:44 ngày 26/03/2016
 
Theo GS Quang, từ các kết quả của chương trình đã nói lên tất cả sự ý nghĩa của đầu tư cho khoa học. Những kết quả thành công với những sản phẩm hữu ích, được áp dụng rộng rãi, có sức lan tỏa rất lớn, góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng, làm thay đổi nhận thức của xã hội về khoa học công nghệ, về y học.
 
Nhóm phóng viên

“Việt Nam chưa xây dựng được chính phủ điện tử”

Đó là nhận định của Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trong cuộc Hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử 2016 diễn ra vào sáng nay.
 
Sáng 30/3, phát biểu trong khuôn khổ Hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử 2016 với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử: Hạ tầng hiện đại, dịch vụ công thông minh, tăng cường minh bạch và gắn kết công dân”, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: “Chính phủ điện tử ở Việt Nam chưa được xây dựng do chưa có sự liên thông, kết nối dù đã triển khai Ứng dụng công nghệ thông tin nhiều và mạnh”.
 
Theo ông Hà, để xây dựng được chính phủ điện tử, trong thời gian tới, cần thực hiện 3 nhiệm vụ chính mà Nghị quyết 36a của Chính phủ đã nêu: liên thông các văn bản điện tử từ xã, huyện, tỉnh, cho tới trung ương; thu hút người dân và các doanh nghiệp tới các dịch vụ công, được tích hợp lên 1 cổng quốc gia và cuối cùng là cần tìm nguồn vốn và có cơ chế thích hợp để xây dựng hệ thống phục vụ nội bộ chính phủ cũng như hệ thống phục vụ người dân và doanh nghiệp.
 
 
Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng chính phủ phát biểu trong hội thảo sáng 30/3. Ảnh: Lê Loan
Đồng ý kiến với ông Lê Mạnh Hà, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục tin học hoá, Bộ Thông tin Truyền Thông cho rằng, Việt Nam đã có môi trường pháp lý với các nghị quyết, quyết định của Chính phủ về vấn đề xây dựng chính phủ điện tử, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc xây dựng đang từng bước được cải thiện, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước phục vụ người dân ngày càng được mở rộng; tuy vậy, hạ tầng kỹ thuật của ta vẫn chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ điện tử do thiếu kinh phí. Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước vẫn còn ở quy mô nhỏ, xử lý công việc qua mạng còn chưa được nhiều, dịch vụ công ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp ở mức độ cao (3,4) cũng còn ít.
 
Khi nói về các thách thức trong quá trình xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam, ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc FPT IS nêu ra 5 ý. “Thứ nhất liên quan tới vấn đề ngân sách dành cho công nghệ thông tin khi nó còn bị xếp “chiếu dưới” sau y tế, giao thông…. Chính vì thiếu vốn nên dẫn tới nhiều hệ luỵ: vấn đề đầu tư vào cơ sở hạ tầng còn manh mún, chúng ta cũng không có tiền duy tu, bảo dưỡng hệ thống dẫn tới hệ thống bị mai một, lạc hậu. Quy trình dùng vốn ngân sách còn khó khăn.
 
Vấn đề thứ hai còn tồn tại là quyết tâm của lãnh đạo. Thứ ba là phương pháp triển khai còn gặp nhiều vướng mắc. Ở Việt Nam, để triển khai một hệ thống thường mất nhiều thời gian hơn so với các quốc gia khác. Vấn đề thứ tư là Việt Nam thường bỏ qua nền tảng khi bắt tay giải quyết vấn đề cụ thể. Chẳng hạn, trong xây dựng thành phố thông minh, nền tảng là vô cùng quan trọng bởi nó liên quan tới vấn đề bảo mật, xử lý giao diện tốc độ cao, vấn đề liên thông, kết nối và tương tác với người dân.
 
Cuối cùng là vấn đề nguồn lực: chúng ta cần đào tạo những người vận hành hệ thống đủ năng lực”.
 
Hiền Thảo
 

Khai mạc Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may 2016

Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp dệt may, thiết bị và nguyên phụ liệu 2016 (SAIGON TEX 2016) đã chính thức khai mạc ngày 30/3 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SEEC), TPHCM, thu hút 1.065 công ty đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
 
SAIGON TEX 2016 giới thiệu về các loại thiết bị sợi, dệt, nhuộm; dây chuyền may thuê tự động, máy đo và cắt vải tự động; phần mềm thiết kế, nguyên phụ liệu, vải, sợi…; các giải pháp công nghệ ngành dệt may của các công ty hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực thiết bị và nguyên phụ liệu dệt may.
 
Trong khuôn khổ SAIGON TEX 2016 còn diễn ra các hội thảo và tọa đàm chuyên đề nhằm bàn các giải pháp nâng cao giá trị cho ngành dệt may như: Hội thảo các giải pháp tăng cường chuỗi cung ứng dệt may khi gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các biện pháp phòng vệ thương mại đối với lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam; phát triển nguồn nhân lực ngành dệt may khi TPP có hiệu lực; tận dụng một số ưu đãi về quy tắc xuất xứ và thuế quan trong TPP và các hiệp định thương mại tự do đối với ngành dệt may.
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, trong thời gian tới, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục được đánh giá là ngành có nhiều cơ hội phát triển, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã kết thúc đàm phán TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc…
 
 
Một gian hàng tại Triển lãm. Ảnh: VGP/Lê Anh
Bà Thoa cho rằng, SAIGON TEX 2016 chính là cơ hội thuận lợi để các tổ chức, DN gặp gỡ đối tác, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm bạn hàng, mở rộng thị trường và xây dựng chiến lược đầu tư hợp tác lâu dài.
 
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, SAIGON TEX 2016 sẽ giúp các DN dệt may có thêm nhiều thông tin và cơ hội tiếp cận các công nghệ sản xuất mới nhất để định hướng đầu tư thêm công nghệ nhằm tăng dần tỉ lệ nội địa hóa cũng như chủ động được các nguồn nguyên phụ liệu trong nước; đáp ứng được các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ để tận dụng tối đa được các lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do mang lại, nhất là TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, qua đó, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, góp phần vào việc phát triển ngành dệt may Việt Nam.
 
Theo nhận định của Vinatex, dự kiến, năm 2016, xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam sẽ cán mốc 30 tỉ USD.
 
Theo Báo Chính phủ