Vì sao học sinh bây giờ ít đọc sách?

Ai cũng biết sách có một vai trò quan trọng trong việc hình thành tri thức, nhân cách cho mỗi con người, nhất là đối với các em học sinh khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng trên thực tế, học sinh ngày nay rất ít đọc sách, thờ ơ với sách. Vì sao vậy, có phải là các em không yêu sách?
 
Thứ nhất, muốn học sinh ham đọc sách thì trước hết chúng ta phải tạo cho các em có thói quen yêu sách và tiếp cận với sách báo từ nhỏ. Nhưng, thử hỏi trong gia đình cha mẹ, ông bà đã hướng cho con em mình thói quen đọc sách hay chưa?
 
Nhiều gia đình cứ mải mê với chuyện cơm áo gạo tiền, rồi ngay từ khi các em còn nhỏ đã định hướng cho con đi theo các môn tự nhiên để sau này ra trường dễ xin việc và có nhiều tiền. Nhiều cha mẹ còn định kiến với con cái khi các em say mê với những tờ báo hay quyển sách trên tay bởi cho đó là điều viển vông, thiếu thực tế…
 
Chính từ những suy nghĩ như vậy nên bây giờ vào các gia đình ta vẫn thường thấy cha mẹ sắm cho con em mình đồ chơi hiện đại, đắt tiền để chơi hoặc các em cứ cắm cúi vào các game online trên điện thoại của cha mẹ. Trong khi đó lại rất hiếm những gia đình có tủ sách. Còn với các gia đình làm nông thì do điều kiện kinh tế còn khó khăn và cũng ít biết được những giá trị của sách, hoặc có biết nhưng cũng “lực bất tòng tâm” vì sách bây giờ có giá cao quá.
 
Thứ hai là thư viện nhà trường hiện nay quá thừa nhưng lại rất thiếu sách. Cái thừa là phần lớn sách trong thư viện là sách giáo khoa được cấp về (học sinh không có nhu cầu về sách này), còn lại một số đầu sách thì không phù hợp với lứa tuổi học sinh, hoặc không có liên quan, các em dù có đọc nhưng chưa chắc có thể hiểu được (bởi nhiều sách nghiên cứu). Trong khi những đầu sách dành cho tuổi mới lớn, sách khám phá về khoa học, lịch sử lại ít hoặc không có. Các thư viện nhà trường chưa chú ý đến các đầu sách hữu ích phục vụ cho văn hóa đọc của các em học sinh. Phần lớn sách có ở thư viện hiện nay là sách… từ trên cấp về. Mà sách cấp về thì mục đích của người mua và cấp không dễ gì phù hợp với học sinh và thầy cô giáo!
 
Thứ ba là hiện nay các đầu sách xuất bản có số lượng rất ít nhưng giá lại quá cao. Sách viết cho thiếu nhi không nhiều và phần lớn viết theo đơn đặt hàng nên nội dung các cuốn sách chưa cuốn hút được các em. Thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp những cuốn sách viết và xuất bản cho thiếu nhi, cho lứa tuổi học trò nhưng lại chạy theo thị hiếu thị trường, quá nhiều ngôn ngữ, hình ảnh bạo lực và nhạy cảm…
 
Thứ tư là hiện nay giới trẻ có rất nhiều kênh thông tin để giải trí, mạng Intenet được lắp đặt rộng rãi, báo điện tử ra đời nhiều, mạng xã hội đã thu hút giới trẻ nên một bộ phận học sinh, sinh viên quen dần với thói quen đọc tin tức trên mạng. Những thông tin mới, cập nhật được những vấn đề thời sự, ít tốn kém và phù hợp với lứa tuổi.
 
Hướng học sinh đến với văn hóa đọc trước hết cần tạo cho các em niềm say mê đọc sách từ nhỏ. Cha mẹ hãy tìm và hướng cho các em loại sách phù hợp với lứa tuổi. Thư viện nhà trường cần được đầu tư về phòng ốc, sách báo đúng nghĩa, khuyến khích các em đến đọc sách. Thầy cô giảng dạy cần khuyến khích những bài viết sáng tạo, hướng các em tìm tòi qua sách báo, tài liệu. Xã hội cần định hướng và xuất bản những đầu sách hay… Đó là những cách tốt để giúp các em tiếp cận tri thức, nâng cao chất lượng học tập, đạo đức của học sinh trong nhà trường mà lại hạn chế được các trò chơi vô bổ khác trong giới trẻ hiện nay.
 
Nguyễn Cao

Những người thành công nhất thế giới đọc sách, báo gì mỗi ngày?

Bạn đã bao giờ thắc mắc về việc những người nổi tiếng và thành đạt nhất trên thế giới hay đọc các loại sách báo nào mỗi khi có thời gian rảnh rỗi?
 
Chúng ta đều biết rằng việc đọc sách báo để thu nhận thêm thông tin và kiến thức là vô cùng quan trọng. Đây có thể coi là một chìa khóa để dẫn tới thành công khi những người thành công nhất trên thế giới. Mặc dù bận bịu tới đâu, họ vẫn luôn dành một khoảng thời gian rảnh rỗi để đọc qua những tờ báo hoặc những cuốn sách mà họ nghĩ thực sự thu hút và đem lại thông tin cần thiết cho mình.
 
 
1. Warren Buffet
 
Vị tỉ phú người Mỹ có thói quen đọc rất nhiều đầu báo với các thông tin về kinh tế và lĩnh vực kinh doanh vào mỗi buổi sáng như The Wall Street Journal, Financial Times, New York Times, USA Today, Omaha World-Herald, American Banker.
 
2. Bill Gates
 
Ông chủ Microsoft luôn lựa chọn những tờ báo như Wall Street Journal, New York Times và Economist. Ông cũng tự nhận mình là một người đọc nhanh và thường đọc nhiều loại báo khác nhau, miễn là những tờ báo này đem lại sự hứng thú và viết về những vấn đề mà ông quan tâm. Ngoài ra, tỉ phú người Mỹ cũng có sở thích đọc sách trước khi ngủ.
 
 
3. David Cush
 
CEO của hãng hàng không Virgin của Mỹ có sở thích đọc báo trong lúc đang tập gym. Những đầu báo mà không thường đọc là New York Times, Wall Street Journal, USA Today, San Francisco Chronicle và Financial Times.
 
 
4. Jeffrey Immelt
 
CEO của tập đoàn General Eletric (GE) thường đọc Wall Street Journal, Financial Times, trang Kinh doanh của New York Times, trang Thể thao, Kinh doanh và Lối sống của USA Today, và New York Post.
 
 
5. Tổng thống Mỹ Barack Obama
 
Mặc dù là một trong những người quyền lực nhất trên thế giới và luôn phải bận trăm công nghìn việc, tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng vẫn luôn dành một khoảng thời gian mỗi sáng để lướt qua các mặt báo mà ông quan tâm như New York Times, Wall Street Journal và Washington Post. Vị Tổng thống Mỹ cũng đọc các báo cáo, nghiên cứu và đánh giá tình báo trước khi đi ngủ.
 
 
 
6. Howard Schultz
 
CEO của chuỗi của hàng Starbucks chia sẻ ông chỉ có thói quen đọc một số tờ báo nhất định. Theo đó, vị CEO này chỉ đọc 3 tờ báo là Seattle Times, Wall Street Journal và New York Times. mỗi buổi sáng suốt 20 năm nay.
 
 
7. Jonah Peretti
 
CEO của Buzzfeed cho biết mặc dù nguồn cập nhật thông tin chính vào mỗi buổi sáng của mình vẫn là thông qua các mạng xã hội bởi đây là nguồn thông tin vô cùng dồi dào và dễ tiếp cận. Tuy nhiên, vị CEO trẻ tuổi này cũng vẫn dành thời gian để đọc các đầu báo chính thống trong đó đặc biệt là trang Thể thao cũng như Kinh doanh trên tờ New York Times.
 
 
8. Steve Reinemund
 
Cựu chủ tịch của tập đoàn PepsiCo có thói quen đọc New York Times, Wall Street Journal, Financial Times và tờ Tin tức buổi sáng Dallas mỗi khi có thời gian rảnh rỗi.
 
 
9. Arianna Huffington
 
Mặc dù Huffington Post là một trong những tờ báo nổi tiếng và nhiều người đọc nhất trên thế giới, tuy nhiên chủ của tờ báo là bà Arianna Huffington lại không có thói quen đọc tờ báo của mình sở hữu khi có thời gian rãnh rỗi. Bà chia sẻ rằng bà chỉ thích đọc những cuốn sách “thực sự” thay vì những thứ được đăng tải trên Internet.
 
Nhật Ninh (Tổng hợp)

“ĐH Việt đang dạy nhiều kiến thức cách đây 60 năm”

– Giải thưởng “Vì sự nghiệp Văn hoá và Giáo dục” năm 2016 của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã được trao cho Giáo sư Pierre Darriulat và Giáo sư Trịnh Xuân Thuận.
 
Trong diễn từ nhận giải, GS. Pierre Darriulat dành một phần lớn để nói về những vấn đề của giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay.
 
 
Giáo sư Pierre Darriulat tại lễ trao giải (Ảnh: Trâm Anh)

 

Lãng phí 4, 5 năm cho những bài giảng cách xa hàng dặm
 
GS. Pierre Darriulat nhận xét: “ĐH của chúng ta được mô hình hoá như những ĐH ở các nước phát triển cách đây 50 năm. Tuy nhiên, 50 năm đã qua và chúng ta là một đất nước vẫn đang đấu tranh để phát triển sau nhiều thập kỷ chiến tranh và đói kém với những vết thương vẫn chưa lành”.
 
Theo ông, “chúng ta phải xem xét lại cần loại ĐH nào để phục vụ tốt nhất cho lợi ích dân tộc. Chúng ta phải chú trọng hơn nữa đến hướng nghiệp. Chúng ta cần phải làm rõ, để phát triển phải cần bao nhiêu công nhân, kỹ thuật viên và kỹ sư; cũng như vậy, phải xác định sự cân bằng tỉ lệ giữa các ngành nghề như thế nào: cần bao nhiêu bác sĩ, bao nhiêu y tá, bao nhiêu kiến trúc sư, bao nhiêu giáo viên và bao nhiêu nông dân”.
 
Ông nhìn nhận rằng ngày nay, rất nhiều sinh viên ĐH phải lãng phí 4 – 5 năm quý giá nhất cuộc đời mình để nghe những bài giảng mà chất lượng của nó cách xa hàng dặm so với những gì mà họ đáng được học.
 
“Trong nhiều lớp vật lý hạt nhân, nhiều kiến thức lạc hậu mà tôi đã học cách đây 60 năm khi còn là sinh viên vẫn đang được giảng dạy. Trong hơn hai mươi năm qua, chúng ta vẫn chưa thể để đào tạo ra được một nhóm các kỹ sư, nhà khoa học những người có thể làm chủ được việc xây dựng, vận hành, khai thác và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân mà chúng ta sẽ xây dựng trong tương lai”.
 
Chưa xác định kỹ năng cần cho đất nước
 
Điều khiến ông rất trăn trở là “Ngày nay, chúng ta đang đào tạo quá nhiều sinh viên cho khu vực thứ ba như
 
"Những gì tôi nói không phải là mới, mà chủ yếu là những nhận thức chung và sự can cảm đối mặt với sự thật"
tiếp thị, ngân hàng, quản lý – những cái tên mỹ miều thường giấu đi sự thật là nguồn cung cấp lao động giá rẻ từ những nước đang phát triển cho toàn cầu hóa dưới hình thức kinh tế thị trường”.
 
GS. Pierre Darriulat cho rằng “Trước khi dạy tiếp thị, chúng ta nên dạy cách tạo ra những sản phẩm có thể cần tiếp thị; trước khi dạy quản lý, chúng ta nên dạy những kỹ năng, mà tương lai sẽ cần phải quản lý. Nếu không chúng ta sẽ chỉ tạo ra các nhà quản lý, những người sẽ không có ai để quản lý ngoài bản thân họ”.
 
Bên cạnh đó, “Chúng ta đang tiêu tốn nhiều tiền của gửi con em mình đi học ở nước ngoài để kiếm những tấm bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ.Nhưng chúng ta chưa xác định rõ những kỹ năng nào cần phải học hỏi cho đất nước” – GS. Pierre Darriulat bình luận.
 
Cũng theo ông, “Chúng ta chưa nỗ lực đủ mạnh trong việc tận dụng những kiến thức những du học sinh thu nhận được khi trở về nước. Vì vậy, nhiều đầu tư của nhà nước cho công tác đào tạo ngoài nước chỉ đơn giản là bị lãng phí. Tệ hơn nữa, nó tạo điều kiện thuận lợi cho nạn chảy máu chất xám tai hại cho đất nước”.
 
Ông nhấn mạnh “Không có lý do gì để ta tiếp tục lãng phí nhiều tiền của như vậy vào việc gửi người ra nước ngoài và duy trì mức chảy máu chất xám quá cao. Dành số tiền này để hỗ trợ cho những người trong nước với quyết tâm thay đổi sẽ tốt hơn nhiều”.
 
Cần chọn người trên cơ sở duy nhất là tài năng
 
Thay đổi cung cách làm việc là điều mà GS. Pierre Darriulat đề nghị. “Chúng ta nên chọn nhân sự một cách nghiêm túc hơn dựa trên cơ sở duy nhất là tài năng để có thể chọn ra được những người có năng lực; chúng ta nên tạo điều kiện, cả về tiền lương và môi trường làm việc, để thu hút họ.
 
Chúng ta phải có một chính sách phát triển dài hạn, được quảng bá rõ ràng, để cho họ cảm thấy những hành động của mình nằm trong đó, tạo cho họ niềm tin vào sự hỗ trợ dài hạn, cho họ cơ sở để tự hào về những thành tựu đạt được, đem lại cho họ cảm giác được phục vụ một đất nước mà đóng góp của họ được ghi nhận”.
 
 
Giáo sư Pierre Darriulat cùng các thành viên trong nhóm đang làm việc (Ảnh: TL)
 
Với một thế giới quanh ta đang liên tục thay đổi với tốc độ thay đổi nhanh hơn nhiều so với trước đây, theo vị GS này, “Chúng ta cần phải đào tạo nên những công dân trẻ có trách nhiệm, những người nhìn ra thế giới với con mắt mở rộng, những người có chính kiến, có thể thích ứng nhanh với môi trường mới.
 
Chúng ta cần phải đào tạo nên những công dân trẻ có trách nhiệm, những người có thể bác bỏ những học thuyết và giáo điều, những người có khả năng chiến đấu chống lại sự trì trệ, quan liêu và bảo thủ, những người biết nổi giận khi chứng kiến những điều chướng tai gai mắt đi ngược với đạo đức xã hội.
 
Chúng ta cần phải đào tạo nên những công dân trẻ có trách nhiệm, những người có thể thay đổi những luật lệ điều hành xã hội khi thế giới quanh ta đòi hỏi, họ phải là những người không chỉ đơn giản áp dụng một cách mù quáng những quy tắc lỗi thời là nguyên nhân của sự xơ cứng và tê liệt của xã hội”.
 
Những đòi hỏi để thay đổi cung cách để tiến bộ, theo ông, đó là “Gây dựng lại sự nghiêm ngặt đạo đức, tri thức và sự chuyên nghiệp trong thói quen và công việc”.
 
Đó còn là “Khôi phục lại sự tôn trọng tri thức, liêm chính và vì lợi ích tập thể hơn lợi ích cá nhân”.
 
Ông nhận định :Thất bại trong việc khôi phục những giá trị này đồng nghĩa với việc không thể mở cửa đất nước để phát triển”.
 
Văn hóa không có nghĩa là bảo thủ, cũng không có nghĩa là loại trừ, mà theo ông nó có nghĩa là tiến bộ và khoan dung.
 
“Chúng ta phải cảm thấy rằng đấu tranh cho sự phục hồi những giá trị tri thức và đạo đức là góp phần đề cao phẩm giá con người. Chúng ta phải cảm thấy có trách nhiệm trong việc thúc đẩy tạo nên một nền khoa học không biên giới”.
 
Giới trẻ phải chiến thắng trong hòa bình
 
“Để thành công, chúng ta cần phải tin tưởng vào thế hệ trẻ nhiều hơn nhiều so hiện nay” – GS. Pierre
 
"Động lực duy nhất của tôi là được chứng kiến đất nước này trao cho họ những cơ hội mà tài năng và sự hào phóng của họ xứng đáng có được"
Darriulat khẳng định.
 
Ông phân tích “Chúng ta cần phải dựa vào sự nhiệt tình, năng lượng, tài năng, sự hào phóng, niềm tin của họ vào tương lai mà ở đó họ là những nhân vật chính. Chúng ta cần phải trao cho họ cơ hội để mang lại cho đất nước nguồn không khí trong lành mà chúng ta rất cần để thở sâu hơn.
 
Chúng ta cần phải trao cho họ cơ hội để thay đổi mọi thứ trở nên thứ tốt đẹp hơn, động viên họ chủ động đóng góp công sức của mình cho sự tiến bộ và phát triển của dân tộc. Tương lai của đất nước nằm trong tay họ, những bàn tay của thế hệ Đổi Mới”.
 
Giới trẻ, theo ông, đã không phải chịu đựng những cuộc chiến tranh, đói khổ, những nỗi đau, nỗi buồn, sự áp bức mà cha mẹ và ông bà họ đã phải chịu đựng. Họ được thừa hưởng từ ông bà cha mẹ độc lập và tự do.
 
“Mục tiêu của họ không còn là chiến thắng trong những cuộc chiến tranh mà là chiến thắng trong hòa bình. Sự nghiệp đó cũng cao quý như sự nghiệp mà các bậc cha mẹ và ông bà của họ đã từng chiến đấu. Điều đó vừa cao quý nhưng cũng đồng thời là thử thách.
 
Chúng ta phải làm hết sức mình để ủng hộ và động viên họ thực hiện nhiệm vụ; trang bị cho họ những công cụ giúp họ vượt qua những khó khăn trở ngại trong tương lai”.
 
Pierre Darriulat là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực hạt nhân và vật lý thiên văn, viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Pháp từ 1986, giám đốc khoa học Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu từ 1987 – 1994.
 
Theo giới thiệu của nhà văn Nguyên Ngọc thì cuối năm 1999, sau khi nghỉ hưu GS Pierre Darriulat sang định cư ở Hà Nội cùng người vợ Việt Nam, dành gần hết thời gian và công sức giúp đỡ xây dựng và phát triển vật lý thiên văn ở Việt Nam.
 
Đặc biệt, với những thiết bị tự mua sắm bằng tiền túi hoặc tự tạo bằng nhiều cách, ông thành lập Phòng thí nghiệm tia vũ trụ Vietnam – Auger ở Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân Việt Nam, đặt ngay trên nóc nhà trụ sở của Viện; đã hoạt động hiệu quả nhiều năm nay như một thành viên của Dự án thí nghiệm quốc tế Pierre Auger săn tìm các tia vũ trụ năng lượng siêu cao.
 
Ông sống giản dị, khiêm tốn, say mê nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu, thương yêu chăm sóc tận tình các học trò của mình, đồng thời quan tâm thiết tha đến mọi mặt đời sống, nhất là về khoa học và giáo dục, ở đất nước mà ông đã gắn bó như một tổ quốc thứ hai.
 
Tự ông nêu một tấm gương sáng về người thầy trong một nền giáo dục mà chúng ta cần có.
 
Ông đặc biệt quan tâm đến những người trẻ, một mặt cổ vũ cho thế hệ trẻ được mạnh dạn giao phó trách nhiệm xứng đáng từ sớm, mặt khác luôn nhắc nhở họ “biết trọng trí tuệ hơn tiền bạc, quyền lực, và nhớ rằng sự giàu có của một đất nước chủ yếu là ở bàn tay và khối óc chứ không phải ở két sắt của các ngân hàng, là ở những sản phẩm làm ra hơn là những kỹ năng tiếp thị, rằng sự giàu có ấy chủ yếu nhờ những giọt mồ hôi của người lao động hơn là những quy định có khi ngớ ngẩn đặt ra bởi những người, những cơ quan quản lý thiếu chuyên nghiệp”.
 
Người chuyển dịch bài Diễn từ của GS Pierre Darriulat là ông Phạm Ngọc Diệp.
 
Theo Ngân Anh (lược thuật)/ VNN

“Trở về Việt Nam làm việc là lựa chọn tốt”

Tiến sĩ Trần Đình Phong, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) vừa có nghiên cứu công bố về việc tìm ra chất xúc tác thay thế cho vật liệu đắt tiền là bạch kim trên tạp chí số một thế giới trong lĩnh vực khoa học vật liệu Nature Materials.
 
Trong buổi trò chuyện, TS Phong hay dùng từ “nói thật”, và những câu cảm thán như “Không tệ lắm, phải không?”. Anh không ngần ngại nói ra những lần… thi trượt và lý giải nguyên nhân sự trở về của mình sau thời gian dài học tập và làm việc tại Pháp và Singapore.
 
Đi lâu quá rồi nên tôi muốn về
 
Tại sao anh quyết định về Việt Nam khi đã và đang làm việc ở những nơi có điều kiện nghiên cứu khoa học tốt như Pháp, Singapore…?
 
– Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định trở về của tôi như yếu tố gia đình, nhưng chủ yếu là yếu tố công việc, vì thực sự là tôi nghĩ đã đến lúc tôi trở về.
 
Trước khi về, tôi có khoảng 6 tháng đi lại tìm hiểu cơ hội công việc ở Việt Nam. Tôi có liên hệ và gửi email xin việc tới thầy hiệu trưởng USTH GS. Patrick Boiron, thầy hiệu phó GS. Lê Trần Bình, với GS Ngyễn Quang Liêm là Viện trưởng Viện khoa học vật liệu. Các thầy đều nói về Việt Nam khó khăn nhưng không phải không có điều kiện để làm. Tôi cũng thấy tương lai có triển vọng nên về.
 
Sau khi về, trong một thời gian rất ngắn tôi cũng đã có một lab (phòng thí nghiệm) nho nhỏ, chắc chắn là không thể bằng lab ở bên Singapore. Nhưng tôi nghĩ rằng từ từ tôi sẽ có được. Với lại, tôi đi đã lâu quá, 11 năm rồi, tôi muốn về.
 
Anh có phải đắn đo nhiều trước khi quyết định trở về không?
 
– Trước khi về Việt Nam, ở Singapore tôi không phải là giáo sư mà chỉ là nghiên cứu viên. Nghiên cứu viên ở đó có hạn chế là không được phát triển lab một cách độc lập, phải phát triển dưới một giáo sư nào đấy nên không được tự đi xin tiền tài trợ nghiên cứu, tự đi thuê người…, tự do nghiên cứu hơi bị hạn chế.
 
Cạnh tranh ở nước ngoài căng thẳng lắm. Tôi cũng có 7 – 8 năm kinh nghiệm sau tiến sĩ, nhưng xin một chân giáo sư không đơn giản, bị trượt nhiều lắm.
 
Anh cảm thấy như thế nào mỗi khi nhận được tin trượt chức danh giáo sư ở những nơi mong muốn?
 
– Đó là cuộc chơi mang tính cạnh tranh rất cao mà bạn. Bao giờ cũng thế, một chân giáo sư trống phải có khoảng 200 – 300 hồ sơ xin. Mình được gọi vào đội đi phỏng vấn tức là nhóm 4 – 6 người cuối cùng thì cũng không tệ lắm, phải không?
 
Nhưng lần nào cũng nhận được cái thư kiểu “Rất cảm ơn nhưng ông không được chọn …” thì cũng quen ấy mà. Vì thực ra nhiều khi mình trượt không phải vì mình kém so với các đồng nghiệp khác mà vì hướng nghiên cứu của mình không phù hợp với hướng phát triển ở khoa người ta chẳng hạn.
 
Phía Việt Nam, mà ở đây là USTH, đã đề nghị anh những điều kiện gì?
 
– Tôi hiểu là Việt Nam chưa có điều kiện như người ta nên cũng cân nhắc, chỉ đề nghị xin những thứ thực sự cần thiết. Mục tiêu của tôi là phấn đấu làm được khoảng 70% những thí nghiệm mà tôi muốn ở Việt Nam trong lab của tôi và lab của các đồng nghiệp trong Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam. Còn 30% nữa, tôi thực sự có thể tìm những đồng nghiệp quốc tế hợp tác làm giúp.
 
Tôi làm việc trong lĩnh vực này cũng hơn 7 năm rồi, biết được chút ít các nhóm khác làm gì. Tất nhiên cũng phải nói thật ở độ tuổi và tầm của tôi thì nói một cách nghiêm túc là tôi chẳng dám viết thư cho những nhóm “big name” (tên tuổi lớn) thật sự nổi tiếng từ MIT, Caltech,…, vì viết chắc họ cũng không đọc. Nhưng những nhóm lớn ở Tokyo, Singapore hoặc ở Pháp tôi tự tin có thể trao đổi thí nghiệm với họ và họ sẵn sàng dành thời gian cho nghiên cứu của mình, hợp tác với mình.
 
Anh có đặt ra mục tiêu sẽ sớm tới ngày tự tin viết thư có các “tên tuổi lớn”?
 
– Cũng có thể chứ. Tôi vẫn nói với sinh viên là trong 3 – 5 năm tới mà có bài đăng Nature Materials với phần lớn tác giả là từ lab của tôi ở USTH và một vài tên ở bên ngoài, thì cũng không tệ lắm phải không?
 
Khoa học vật liệu là một ngành rất nên học
 
Từ học sinh chuyên trường tỉnh đến bài đăng trên Nature Materials là con đường như thế nào, thưa anh?
 
– Bình thường tôi rất ít gặp may mắn trong công việc, đi thi trượt nhiều lắm. Nhưng tôi có cái may mắn là khi làm nghiên cứu sau tiến sĩ ở Trung tâm Năng lượng nguyên tử và năng lượng thay thế Pháp (CEA-Grenoble) tôi gặp đúng thầy.
 
Hai năm 2009 và 2010 là hai năm rất đẹp của tôi, khi được làm việc trong phòng thí nghiệm của Viện sĩ Viện hàn lâm Pháp, GS Marc Fontecave, và có người hướng dẫn trực tiếp là TS. Vincent Artero. Cả hai là những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu vật liệu mới cho điều chế nhiên liệu sạch từ năng lượng mặt trời.
 
 
TS Trần Đình Phong bên mô phỏng nghiên cứu của mình (Ảnh: Văn Chung)
Ở phòng thí nghiệm GS Marc Fontecave có điều rất hay là mọi người đánh giá nhau rất cao, tôn trọng nhau. Họ không bao giờ nhận xét kiểu như ý tưởng của anh kém, không hay…, mà bao giờ cũng dùng “Ý tưởng của anh rất độc đáo” – hiểu theo nghĩa không giống ý tưởng của tôi.
 
Áp lực rất cao nhưng lại rất thoải mái. GS không thúc ép làm đến 9. 10 giờ đêm mà chỉ nói nhóm nọ nhóm kia vừa làm được những cái như thế, mọi người hãy nghĩ xem chỗ nào còn kém trong các nghiên cứu đấy… Họp với ông rất đau đầu, nhưng họp xong rất vui. Thực sự sau hai năm đó tôi trưởng thành rất nhiều
 
Mọi người cứ thúc đẩy nhau làm việc như thế, và không khí làm việc rất tốt. Bây giờ tôi vẫn thực sự nhớ không khí đấy, và cũng muốn tạo ra không khí này cho các bạn trẻ sinh viên ở USTH.
 
Điều may mắn tiếp theo là khi làm việc trong lab của GS. Marc Fontecave tôi quen với GS James Barber là người tìm ra cấu trúc của trung tâm oxi hóa nước trong hệ quang hóa II (PSII) trong lá cây xanh.
 
Năm 2011, tôi về Singapore làm việc với GS. Barber ở Trường ĐH Công nghệ Nanyang khi GS. Barber mở phòng thí nghiệm nghiên cứu nhiên liệu sạch ở đây. Gần 5 năm làm việc với GS Barber, về mặt khoa học tôi có cơ hội được phát triển độc lập các nghiên cứu mà tôi mong muốn.
 
Vì vậy, khi về Việt Nam tôi có cảm giác an tâm là mình có đủ sức phát triển độc lập ở một trình độ có thể cạnh tranh được với các đồng nghiệp trong khu vực. .
 
Không khí thúc đẩy đó anh có tìm được ở Việt Nam không?
 
– Tôi thấy ở đây cũng tốt chứ. Trước khi tôi quyết định về Việt Nam, GS. James Barber có đùa tôi “Tôi rất ngạc nhiên vì anh đang ngồi trên cái thảm bay mà lại nhảy vào lửa”.
 
Tôi có nói đùa ông ta rằng “Tôi ngồi thảm đang bay nhưng đó là thảm của ông, không phải là thảm của tôi. Tôi nhảy vào lửa, đó là lửa của tôi chứ không phải lửa của ông”.
 
Cũng nhiều người cũng nói về Việt Nam sẽ rất khó khăn, không làm được nghiên cứu khoa học đâu. Có thể mới về tôi chưa có cảm giác đó, và hiện giờ tôi thấy không khí rất tốt. Ai đã từng ở bên ngoài đi xin tiền tài trợ nghiên cứu đều biết là không đơn giản. Tất nhiên về Việt Nam lương thấp hơn nhiều, nhưng mức sống cũng khác, đúng không?
 
Nhưng có thể các bạn đồng nghiệp tôi sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi trở về Việt Nam sớm quá khi mà kinh nghiệm làm việc độc lập chưa nhiều và các mối quan hệ quốc tế chưa đủ lớn.
 
Bên cạnh đó, dễ hay khó, làm được hay không, tôi nghĩ cũng tùy thuộc vào từng môi trường. Trong môi trường chung của Việt Nam thì môi trường của từng trường đại học, từng viện nghiên cứu vẫn có sự khác nhau. Thực sự tôi không bị sốc khi trở về mà thấy tương đối thuận lợi vì được lãnh đạo nhà trường, viện nghiên cứu ủng hộ.
 
Những ngành nên học nếu muốn có ứng dụng
 
Ở Việt Nam hiện nay công nghệ nano được nói đến khá nhiều, nhưng vẫn khó hiểu với số đông và khó thu hút sinh viên. Theo anh tại sao lại như thế?
 
– Những người đam mê làm khoa học, muốn có ứng dụng cụ thể trong các mảng của đời sống thì một trong những ngành nên học là khoa học vật liệu và công nghệ nano. Tất nhiên ngành học này yêu cầu tương đối cao, sinh viên muốn theo học phải giỏi ít nhất một trong ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và biết các môn còn lại vì đây là ngành học liên ngành.
 
Còn về việc khó hiểu hay dễ hiểu, có thể nói đơn giản như thế này: Một vật liệu nhất định ở trạng thái bình thường có tính chất nhất định. Tuy nhiên, khi chuyển sang kích thước nano vật liệu đó sẽ có tính chất hoàn toàn khác và có rất nhiều ứng dụng. Ví dụ vàng là kim loại, chỉ phản xạ chứ không hấp thụ ánh sáng.
 
 
TS Trần Đình Phong hướng dẫn sinh viên thực hành thí nghiệm (Ảnh: Văn Chung)
 
Nhưng khi có hạt nano vàng thì nó không phải là màu vàng mà nó màu đỏ vì hấp thụ ánh sáng, và có nhiều tính chất rất hay như xúc tác quang hóa, diệt khuẩn, phân hủy chất độc hữu cơ… Miếng bạc có tính chất kỵ gió từ thời thượng cổ đến nay ai cũng biết.
 
Nhưng nếu muốn đưa bạc vào khẩu trang để kháng khuẩn thì bạc miếng không ăn thua mà phải ở dạng nano, vì hạt nano bạc có tính kháng khuẩn và giải độc rất cao.
 
Ở Thái Lan có trung tâm nghiên cứu nano rất hay mà tôi rất mong muốn một lúc nào đó có cơ hội phát triển ở Việt Nam.
 
Ví dụ như ngoài nano nghệ mà mình vẫn nghe nói còn rất nhiều bài thuốc gia truyền, rất nhiều cây thuốc mà bà con vẫn dùng mà hiểu biết cặn kẽ tác dụng không nhiều. Đó là những bí truyền mà người phương Tây chẳng hạn có thể không có. Nếu áp dụng công nghệ nano vào những vật liệu này có khả năng làm ra những sản phẩm có giá trị kinh tế rất cao.
 
Sắp tới, chúng ta sẽ có các nhà máy sản xuất pin mặt trời. Nếu không có những bạn kĩ sư, cử nhân hiểu được vật liệu làm pin mặt trời như thế nào và làm cách nào để làm tăng hiệu quả hoạt động của chúng thì chúng ta lại chỉ vui vẻ với việc làm ra các tấm pin đi lắp, chỉ là nơi để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người ta.
 
Ngành khoa học vật liệu, một ngành khoa học công nghệ liên ngành có nhiều ứng dụng trong đời sống, đang là một ngành học hot trên thế giới.
 
Tôi có phần bất ngờ khi ở Việt Nam sinh viên vào khoa học vật liệu ít như thế. Tôi nghĩ rằng thị trường Đông Nam Á mở cửa rồi, sẽ có rất nhiều cơ hội không chỉ ở trên sân nhà Việt Nam mà còn ở các nước trong khu vực. Các bạn trẻ đam mê khoa học công nghệ nên xem xét và tìm hiểu về ngành học này.
 
– Xin cảm ơn anh!
 
Theo VietnamNet
 

Học sinh lớp 11 và thiết bị biến nước mặn thành ngọt

Nhóm thầy trò ở Bến Tre vừa thành công trong việc tạo ra thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt bằng cách tận dụng pin mặt trời.
 
Trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều hộ gia đình không có nước sinh hoạt, nhóm thầy trò trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) đã hình thành ý tưởng lọc nước mặn thành nước ngọt dùng năng lượng mặt trời. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 5/2015 đến nay.
 
Có nhiều cách để lọc nước mặn thành ngọt như khử muối, lọc bằng công nghệ nano, nhưng nhóm đã chọn chưng cất bằng cách tận dụng năng lượng mặt trời, nhằm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và góp phần chống biến đổi khí hậu.
 
 
Thiết bị biến nước mặn thành ngọt.Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp.
Thầy Trương Hữu Dũng cho biết, thiết bị gồm ba bộ phận là phần đun sôi nước mặn được tạo bởi ống thủy tinh chân không có khả năng hấp thụ 93% lượng ánh sáng mặt trời, từ đó biến quang năng thành nhiệt năng đun sôi nước mặn. Ống trong suốt cho phép các tia sáng đi qua và phản chiếu tối thiểu. Ống bên trong được phủ một lớp hấp thụ sơn bằng công nghệ phun mạ nên tính hấp thụ bức xạ mặt trời cao. Bên dưới là lớp máng inox để giúp hấp thụ thêm ánh sáng mặt trời.
 
Bộ phận thứ hai là bình bảo ôn được làm từ nhựa chịu nhiệt hình chữ T. Nhóm thiết kế hai bình nhựa có khả năng chịu nhiệt độ cao, có thể lồng vào nhau, và có một khoảng trống ở giữa để đổ lớp cách nhiệt.
 
Bộ phận thứ ba là bình chưng cất làm bằng kính 8 mm, cấu tạo 2 lớp. Lớp kính bên ngoài hình hộp chữ nhật trong suốt cho phép các tia sáng đi qua; lớp bên trong nhỏ hơn, có hình ngôi nhà với bề mặt được sơn đen giúp hấp thụ ánh sáng mặt trời từ chảo parabol bằng inox đặt bên dưới.
 
Ở giữa hai lớp kính này được hút chân không để giữ nhiệt. Một tấm inox đặt ở mặt trên "mái nhà" chứa nước mặn mát giải nhiệt để hơi nước ngưng tụ mặt dưới của "mái nhà" và chảy nghiêng xuống ống dẫn ra ngoài, đây là nước ngọt. Phần nước mặn dùng giải nhiệt có đường ống dẫn qua bình bảo ôn và có van khoá lại khi cần thì mở cho nước chảy qua.
 
Khung chảo parabol ở bên dưới có dạng hình nón, được làm bằng sắt và sơn chống sét. Nó được gắn trên hệ thống giá đỡ có thể xoay theo hướng mặt trời. Nhóm đã sử dụng inox có độ sáng bóng tốt, phản xạ ánh sáng tốt và không bị ôxy hóa để làm chảo parabol.
 
 
Nhóm nghiên cứu hy vọng thiết bị này có thể giúp bà con đồng bằng sông Cửu Long có nước ngọt sinh hoạt
trong mùa khô hạn.
 
Với thiết kế như trên, người dùng sẽ đổ nước mặn vào mặt trên của bình chưng cất, sau đó mở van nước sẽ chảy qua bình bảo ôn, xuống ống chân không hấp thu nhiệt từ ánh nắng mặt trời nóng lên đối lưu với nước lạnh hơn trong bình bảo ôn (tỷ trọng nước nóng nhẹ hơn nước lạnh nên nước nóng nổi lên trên, nước lạnh chìm xuống). Lúc này nước trong bình bảo ôn nóng dần lên (cao nhất trong khoảng 75 đến 85 độ C), nước nóng qua phần dưới của bể chưng cất tiếp tục hấp thu nhiệt từ chảo parabol, bốc hơi (hơi nước ngọt), ngưng tụ mặt dưới của tấm inox chảy xuống ống nhựa ra ngoài đến bình chức nước ngọt.
 
Em Nguyễn Tấn Lợi cho biết, khó khăn lớn nhất là sử dụng nguồn năng lượng mặt trời. Bởi khi trời mát nhiệt sẽ bị mất ở 2 bộ phận là bình bảo ôn và bể chưng cất, nên nhóm đã mất nhiều thời gian để khắc phục. Nếu đưa vào sử dụng, chiếc máy sẽ có giá thànhdưới 2 triệu đồng, đạt 6 lít/ngày. Nhóm dự định tiếp tục tạo ra phiên bản mới với cải tiến hiện đại hơn.
 
Theo Vnexpress
 

Việt Nam lần đầu tiên có công cụ đo lượng khí thải

Đại sứ quán Anh và Bộ Công thương Việt Nam vừa công bố bộ công cụ hỗ trợ hoạch định chính sách năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính bằng tiếng Việt.
 
 
Bộ công cụ được công bố hôm 30/3. Ảnh: Đại sứ quán Anh
 
Với tên gọiVietnam 2050 Calculator Pathways, bộ công cụ này cho phép người sử dụng hiểu về các kịch bản lựa chọn năng lượng, mối tương quan giữa các kịch bản này với định hướng lựa chọn mức phát thải khí nhà kính của Việt Nam, thông cáo Đại sứ quán Anh cho biết.
Đây là một mô hình tính toán chạy trên nền web mô tả bức tranh cung – cầu năng lượng của Việt Nam, với các tổ hợp kịch bản phát triển năng lượng và tính toán mức giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam tương ứng từ nay đến năm 2050. Đây là một công cụ thân thiện với người sử dụng, bất kỳ ai cũng có thể truy cập và khám phá các kịch bản năng lượng từ nay đến năm 2050 chỉ cần có kết nối Internet.
 
Cách đây một năm,với sự hỗ trợ kỹ thuật của Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu Anh (DECC), cùng hỗ trợ tài chính thông qua Quỹ Biến đổi khí hậu Quôc tế (ICF) của nước này, các nhà làm chính sách tại các bộ ngành liên quan của Viêt Nam đã tiếp nhận phiên bản Calculator 2050, được xây dựng dựa trên phiên bản gốc của DECC. Tuy nhiên do hạn chế về thời gian, phiên bản Vietnam 2050 Calculator chưa được hoàn thiện về ngôn ngữ đan xen cả tiếng Anh và Việt, cũng như chưa có một số kịch bản chi tiết cho các phân ngành kinh tế.
 
Trong khi đó, Việt Nam có mối quan tâm lớn đến mô hình 2050 Calculator về tính khoa học và minh bạch, cũng như tính hữu dụng trong việc tham khảo trong quá trình xây dựng các chính sách liên quan tới năng lượng và phát thải khí nhà kính. Vì vậy Quỹ Thịnh vượng thuộc Bộ Ngoại giao Anh đã hỗ trợ tài chính cho Bộ Công Thương Việt Nam tiếp tục nâng cấp công cụ này.
 
Hiện công cụ đã được cập nhật và phản ánh các chính sách mới được ban hành của Việt Nam về năng lượng, bổ sung và chi tiết hóa các dữ liệu về tiêu thụ năng lượng các ngành công nghiệp, hộ gia đình và thương mại. Các ước tính chi phí cho các kịch bản và giải pháp giảm phát thải khí nhà kính cũng được thể hiện trong mô hình.
 
Ông Vũ Đình Duy, Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương, đánh giá mô hình 2050 Calculator của Việt Nam không chỉ dùng cho các nhà hoạch định chính sách mà công chúng, giới học thuật, mà các nhà hoạt động xã hội cũng có thể dùng được. Hiện dự án đang hỗ trợ để xây dựng phiên bản Calculator 2050 cho cấp tỉnh, lựa chọn Đà Nẵng là thành phố được thí điểm xây dựng mô hình này. Dự kiến đến tháng 3 năm sau, phiên bản Calculator 2050 của Đà Nẵng sẽ được hoàn tất. Công cụ này sẽ hỗ trợ Đà Nẵng thiết lập các kế hoạch hành động và mục tiêu liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính và tăng trưởng xanh, từ đó kết nối với các chính sách và mục tiêu của quốc gia.
 
Đại diện các bộ ngành tham dự lễ ra mắt hôm 30/3 bày tỏ mong muốn mô hình được tiếp cận và sử dụng lâu dài trong quá trình tham khảo xây dựng chính sách về năng lượng của Việt Nam. Công cụ này cũng được trông đợi sẽ hỗ trợ việc Việt Nam tham vấn và chia sẻ với các bên liên quan trong quá trình đề xuất các giải pháp, các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính hướng tới các mục tiêu đề ra trongBáo cáo đóng góp dự kiến cho quốc gia tự quyết định (INDC),thực hiện Thỏa thuận Paris và được tham khảo trong quá trình chuẩn bị Thông báo quốc gia lần thứ 3.
 
Anh là quốc gia đầu tiên thông qua Luật Biến đổi khí hậu vào năm 2008, đưa ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng như đạt mức giảm phát thải là 36% vào năm 2020 và giảm 80% vào năm 2050 so với mức phát thải của năm 1990. Anh cũng đồng thời đưa ra kế hoạch để đạt được các mục tiêu đó. Bộ Năng lượng và biến đổi khí hậu Anh đã công bố "2050 Calculator" hồi 2010 để mời gọi tranh biện cách thức đạt được các mục tiêu đề ra.
 
Theo Vnexpress

Sau năm 2020, điện hạt nhân phủ rộng chưa từng có

Toàn thế giới hiện có 440 nhà máy điện hạt nhân đang vận hành. Dự báo đến năm 2020 sẽ có thêm 65 nhà máy đi vào hoạt động, khiến các cơ sở điện hạt nhân có độ phủ rộng chưa từng có.
 
Lựa chọn tương lai của nhiều nước
 
Theo Hiệp hội Hạt nhân thế giới, tính đến tháng 1/2016 có khoảng 440 nhà máy điện hạt nhân đang vận hành ở 31 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng công suất hơn 380GWe. Năm 2014, các nhà máy này đã cung cấp lượng điện 2.411 tỷ kWh – chiếm hơn 11% tổng năng lượng điện trên thế giới.
 
 
Nhà máy điện hạt nhân Civaux tại Civaux, Pháp. Ảnh: Ansuclearcafe.org
Có hơn 60 nhà máy điện hạt nhân khác đang được xây dựng tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ – bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, đặc biệt là các nhà máy có công suất lớn ở Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Vương quốc Arập Saudi.
 
Mỹ có kế hoạch xây thêm 5 lò phản ứng mới bên cạnh 5 lò đang xây dựng và sẽ hoàn thành vào năm 2020. Hàn Quốc sẽ đưa thêm 4 lò phản ứng vào hoạt động năm 2018 và 8 lò nữa năm 2030. Ở Nga có 6 lò đang được xây dựng, dự kiến sẽ tăng sản lượng điện hạt nhân lên 50% vào năm 2030.
 
Trong khi đó, Vương quốc Arập Saudi đã trao gói thầu 20,4 tỷ USD cho các nhà thầu Hàn Quốc xây 4 lò phản ứng hạt nhân, hoàn thành vào năm 2020. Tại Trung Quốc, có tới 29 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động và hơn 20 nhà máy đang xây dựng. Dự kiến đến năm 2020, với tổng công suất điện hạt nhân tăng hơn 2 lần, Trung Quốc sẽ trở thành nước lớn thứ ba về điện hạt nhân. Tại Ấn Độ cũng có tới 21 nhà máy đang vận hành và 6 nhà máy đang xây dựng.
 
Các chuyên gia cho biết với đà này, sau năm 2020, điện hạt nhân sẽ đạt tới độ phủ rộng chưa từng có nhờ vào việc nhiều nước được chuyển giao công nghệ điện hạt nhân. Báo cáo năm 2014 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, đến năm 2030 năng lượng điện hạt nhân sẽ tăng 60%; trong đó Trung Quốc tăng 46%, Hàn Quốc và Nga tăng 30% và Mỹ tăng 16%. Những con số cho thấy, điện hạt nhân vẫn là lựa chọn của nhiều nước để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phát triển.
 
“Mặc dù đang phải đối mặt với nhiều thách thức, năng lượng hạt nhân vẫn là lựa chọn tương lai của nhiều nước. Các nhà máy điện hạt nhân có thể đóng góp một hệ thống năng lượng tin cậy khi được trang bị nhiều công nghệ hiện đại. Đối với các nước đang phải nhập khẩu năng lượng, điện hạt nhân có thể làm giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài và hạn chế ảnh hưởng của biến động giá nhiên liệu” – báo cáo của IEA cho biết.
 
Nguồn năng lượng sạch
 
Lý giải triển vọng mở rộng của điện hạt nhân, các chuyên gia cho biết đây là nguồn năng lượng sạch, có vai trò quan trọng trong quá trình giảm hiệu ứng nhà kính và đảm bảo đủ nguồn cung khi dân số tăng cao.
 
Hiệp hội Năng lượng thế giới cho biết, nguồn năng lượng sản xuất điện trên toàn thế giới vẫn chủ yếu phụ thuộc vào than đá (chiếm 40,2% trong tổng số nguồn cung cấp điện vào năm 2012), khí đốt (chiếm 22,4%). Trong khi đó, theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ, than đá và khí đốt dùng sản xuất điện lại là các chất chủ yếu gây hiệu ứng nhà kính, làm cho Trái đất nóng lên. Trong giai đoạn 1990-2012 tại Mỹ, tiêu dùng than đá chiếm 73% và tiêu dùng khí đốt chiếm 24% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính.
 
Việc mở rộng năng lượng hạt nhân sẽ góp phần giảm đáng kể lượng khí thải CO2 do sản xuất điện. Tại Mỹ vào năm 2014, các nhà máy điện hạt nhân đã cung cấp tới 60% tổng lượng điện mà không sản sinh ra khí thải CO2.
 
“Chúng ta không thể dùng tất cả các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Than đá là nguồn sinh ra gần một nửa lượng khí thải trên toàn cầu. Nếu chúng ta thay thế bằng các nhà máy điện với các lò phản ứng hạt nhân an toàn thì có thể giảm nhanh và rất nhiều khí thải gây ô nhiễm” – Steven Chu – cựu Bộ trưởng Năng lượng Mỹ nói.
 
Việc phát triển điện hạt nhân còn góp phần đáng kể vào việc đáp ứng nhu cầu điện cho dân số trên thế giới, nhất là trong bối cảnh nhu cầu này ngày càng tăng cao do dân số liên tục tăng mạnh và đời sống cũng ngày càng được nâng lên.
 
Hiệp hội Năng lượng thế giới dự đoán từ năm 2011-2035, nhu cầu về điện sẽ tăng gấp đôi. Trong khi đó, hiện còn 2 tỷ người thiếu điện. Tới năm 2050, dân số toàn cầu chạm ngưỡng 9 tỷ người. Điều này chắc chắn còn tạo ra nhiều thách thức đối với việc cung cấp đủ năng lượng điện.
 
Nhiều chuyên gia cho rằng, điện hạt nhân sẽ là một trong những giải pháp quan trọng cho tương lai, vừa đảm bảo được nguồn cung điện, vừa đáp ứng được tiêu chí giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
 
“Trên bình diện toàn cầu, khó có thể giải quyết được các vấn đề mà thiếu năng lượng điện hạt nhân” – Jeffrey Sachs – thuộc Viện Nghiên cứu Trái đất của Đại học Columbia nói.
 
Minh Nhân (Tổng hợp)
 

Nghiên cứu sinh trắc học mống mắt của sinh viên Việt

Mặc dù mới chỉ một phần nhỏ trong kết quả nghiên cứu được công nhận nhưng đây cũng là nguồn động viên vô hạn cho những người làm khoa học trẻ ở nước ta hiện nay.
 
Sinh trắc học mống mắt – xu hướng bảo mật thời hiện đại
 
Hiện nay trên thế giới, thẻ ATM của Citibank và một số smartphone của Fujitsu hay Microsoft đã sử dụng mống mắt để bảo vệ thông tin người sử dụng thay vì mã PIN.
 
Tuy nhiên tại Việt Nam, công nghệ này chưa được phổ biến vì người dùng vẫn quen sử dụng mật khẩu, mã PIN, thẻ từ hay sinh trắc học vân tay.
 
Một thông tin không vui là mật khẩu, mã pin, hay sinh trắc học vân tay vẫn không thể đảm bảo bảo mật hoàn toàn. Mới đây một nhóm nghiên cứu tại Đại học Michigan và công ty Vkansee thông báo họ có thể giả vân tay để mở khóa iPhone. Điều này khiến sinh trắc học mống mắt chắc chắn sẽ trở thành một trong những xu hướng ứng dụng bảo mật hiện đại.
 
 
Hai thành viên nhóm nghiên cứu(từ trái sang) Nguyễn Hải Dương, Ung Quang Huy- Ảnh nhóm cung cấp.
Kết quả nghiên cứu được tạp chí khoa học quốc tế công nhận
 
Nắm bắt được những đòi hỏi về bảo mật trong thời giantới, vào đầu năm 2014, dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Phạm Thế Bảo (bộ môn Ứng Dụng Tin Học, khoa Toán-Tin học, ĐH KHTN TPHCM) đã hợp tác với công ty IriTech, Inc. (một công ty chuyên về bảo mật mống mắt tại Hàn Quốc) thực hiện đề tài nâng cao tính an toàn cho các hệ thống sinh trắc học mống mắt.
 
Trong đề tài"Xác thực mống mắt thật theo thời gian thực thông qua chuyển động mắt trên thiết bị quét mống mắt", nhóm tự xây dựng cũng như sử dụng lại một số thuật toán xử lý ảnh số và trí tuệ nhân tạo để tạo ra một hệ thống nhằm nâng cao độ an toàn cho sinh trắc học mống mắt. Nhờ đó, hệ thống có thể thực thi nhiệm vụ một cách tự động mà không cần can thiệp từ con người.
 
Khi thu nhận ảnh mắt, hệ thống tự động phát hiện vị trí của mắt trong ảnh và kiểm tra mắt trong ảnh là mắt thật hay mắt giả.
 
“Ảnh mắt thật là ảnh mắt được chụp trực tiếp từ mắt của người (còn sống), ảnh mắt giả là ảnh mắt chụp thông qua bản sao ảnh mắt in trên giấy, mô hình mắt bằng nhựa,…” – Nguyễn Hải Dương, trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ.
 
Ngoài ra, mục tiêu của đề tài mà nhóm xây dựng là phát hiện hành vi làm giả ảnh mắt như: Chụp lại ảnh mắt của ai đó, in ảnh ra giấy và sử dụng để mở khóa thiết bị cầm tay có sinh trắc học mống mắt của người đó; tự chụp ảnh mắt của mình, in ảnh ra giấy và nhờ người khác dùng ảnh đó để chấm công thay mình tại công ty…
 
Công nghệ sinh trắc học bằng mống mắt là một lĩnh vực hoàn toàn mới, trên thế giới cũng không nhiều nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp này. Vì vậy, nhóm đã gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập dữ liệu để xây dựng và kiểm định phương pháp.
 
Kể về quá trình thực hiện đề tài, Nguyễn Hải Dương trưởng nhóm nghiên cứu công nghệ sinh trắc học, trường ĐH KHTN TP.HCM cho biết, nhóm gặp vô vàn khó khăn.
 
Dương chia sẻ, họp nhau làm việc tại thư viện trường, nhóm thường bị đuổi về vì quá giờ làm việc. Nhiều đêm, các thành viên chỉ ngủ chưa đến 2 tiếng để hoàn thành công việc đã đặt ra bởi sáng hôm sau phải đến trường để học.
 
Đặc biệt, nhóm đã mất rất nhiều thời gian để chụp ảnh mắt của các bạn sinh viên trong trường ĐH KHTN để làm dữ liệu. Sinh trắc học mống mắt chưa phổ biến ở Việt Nam, nên nhiều bạn sinh viên tỏ ra lo sợ và không sẵn sàng hỗ trợ nhóm chụp ảnh mắt của mình. Nhóm phải tiếp cận nhiều người và giải thích cẩn thận để có thể nhận được giúp đỡ của các bạn.
 
 
Giao diện khi người dùng sử dụng IriShield (camera lấy ảnh mắt) đưa gần mắt, ứng dụng lấy ảnh mắt và phân tích dữ liệu có được. Ảnh: Nhóm cung cấp.
 
Ngoài ra, vì đây là hướng nghiên cứu hoàn toàn mới, đôi khi kết quả không như mong đợi đã khiến 2 thành viên nhóm cảm thấy thất vọng và lo lắng về hướng giải quyết mà mình đã chọn. Nhưng với sự quyết tâm không đầu hàng khó khăn, đề tài của nhóm đã thu được những kết quả khả quan.
Cụ thể, qua thực nghiệm, phương pháp của nhóm đã phát hiện hành vi làm giả ảnh mắt với độ chính xác khoảng 95%. Đó là thành quả nhỏ trong phương pháp nghiên cứu và được công nhận trên tạp chí khoa học quốc tế Journal of KIIT vào tháng 9 năm 2014. Báo cáo về các kết quả còn lại đang được nhóm hoàn thiện và sẽ gửi nộp tại một tạp chí khoa học quốc tế cùng chuyên ngành.
 
“Một trong những bài học mà nhóm có được khi thực hiện đề tài là mối liên hệ giữa lý thuyết và thực tế. Đôi khi kết quả thực nghiệm không đúng như những gì nhóm mong đợi. Tuy nhiên, nếu những phân tích ban đầu hợp lý, thành quả sẽ đến khi nhóm thật sự quyết tâm trong công việc của mình”- Ung Quang Huy, thành viên nhóm chia sẻ.
 
Với những ưu điểm của sinh trắc học mống mắt: Ổn định do được bảo vệ bởi phản xạ mắt, tự mất khi con người qua đời,… nhóm hy vọng sinh trắc học mống mắt sẽ được tích hợp nhiều hơn trên các thiết bị cầm tay cũng như những dịch vụ đòi hỏi tính an toàn khác như ATM,…
 
Theo Khám Phá

Hướng tới thu nhập 10.000USD/người/năm: Cứu công nghệ Việt khỏi cảnh lép vế

“Không thể phủ nhận những gì khoa học đã làm được đối với sự phát triển kinh tế đất nước hơn 30 năm qua. Nếu làm tốt hơn nữa thì chắc chắn thu nhập của chúng ta không phải 2.500USD/người/năm mà phải hơn 10.000USD/ người/năm”.
 
Ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đặt vấn đề như vậy tại hội nghị giám sát “Khoa học xã hội (KHXH) và nghiên cứu chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước giai đoạn 2005-2015 và định hướng giai đoạn tiếp theo”. Để khả năng tăng thu nhập bình quân đầu người lên 10.000USD/năm trở thành hiện thực, các chuyên gia cho rằng cần có sự thay đổi mạnh mẽ về cơ chế, chính sách để sản phẩm công nghệ Việt Nam có vị thế cao.
 
 
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Loan
Công nghệ tốt nhưng ế vì quá rẻ?
 
Nói về thực trạng các sản phẩm công nghệ Việt Nam luôn lép vế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đưa dẫn chứng: Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng mời các hội khoa học kỹ thuật chọn ra sản phẩm công nghệ tốt nhất – đó là lò đốt rác y tế. Nhưng đến nay, chiếc lò thứ hai vẫn chưa bán được dù Trung tâm theo dõi, kiểm soát môi trường đã dùng công nghệ hiện đại nhất để kiểm nghiệm và thừa nhận rằng hiện chưa có sản phẩm nào tốt hơn.
 
Lò đốt rác y tế ngoại luôn chiếm ưu thế dù có giá 7-15 tỷ đồng. Còn sản phẩm nội giá rẻ, chất lượng cao nhất, hoàn toàn không thải khí độc lại không bán được. “Mong các nhà KHXH nghiên cứu, đặt lại dấu hỏi vì sao những sản phẩm như thế không vào được thị trường” – ông Đông nói.
Một ví dụ khác: Sản phẩm nhựa đường cácbon đã được Viện KH&CN vật liệu xác nhận đủ điều kiện ứng dụng, không gây ô nhiễm môi trường; thế nhưng sản phẩm vẫn không đưa được vào các công trình của Bộ Giao thông – Vận tải vì lý do giá rẻ quá.
 
Muốn CNH-HĐH đất nước, các sản phẩm KH&CN Việt Nam có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh so với sản phẩm nước ngoài cần phải được tôn vinh. Theo các chuyên gia, để sản phẩm đổi mới sáng tạo của người Việt vào được thị trường cần phải tạo cơ hội, môi trường cho KH&CN.
 
Cần đặt hàng và sử dụng sản phẩm nghiên cứu
 
“Có thể thấy, chúng ta có môi trường chưa thật tốt cho KH&CN và KHXH phát triển. Đầu tư cho KH&CN còn ít và kém hiệu quả, kỹ thuật lạc hậu so với các nước – Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc thẳng thắn nhìn nhận. Theo Thứ trưởng, con số 1,52% GDP chi cho khoa học năm 2015 là quá nhỏ so với các nước trong khu vực, trong đó phần chi cho KHXH chưa nhiều dù đây là lĩnh vực nghiên cứu rất nhiều vấn đề căn cốt như chủ quyền, chủ sở hữu đất đai, di dân, dân tộc, văn hóa, giáo dục…
 
TS Trần Quốc Toản – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – cho rằng, trong lĩnh vực KH&CN – bao gồm cả KHXH, việc nghiên cứu lý luận, hoạch định chính sách vẫn còn nhiều bất cập, chưa phù hợp. “Hiện nay, thể chế phát triển – trong đó có thể chế phát triển CNH-HĐH – còn nhiều bất cập. Quản lý nhà nước, cơ chế chính sách vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, thể chế đổi mới sáng tạo, chỉ số kinh tế tri thức, chỉ số công nghệ, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta thuộc loại thấp nhất trên thế giới” – ông Toản nói.
 
Theo ông Toản, mục tiêu hoàn thành cơ bản CNH-HĐH đất nước vào năm 2020 không thể thực hiện sớm hơn khi một loạt chiến lược công nghiệp ôtô, công nghiệp điện tử chưa thể hoàn thành… Nguyên do là cách làm của chúng ta coi trọng bằng cấp mà không coi trọng giá trị đích thực của tri thức, trình độ nhân lực.
 
Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho rằng, một trong các giải pháp tránh lãng phí kết quả nghiên cứu là các cơ quan bộ, ngành và các tỉnh, thành cần đặt hàng nghiên cứu và cam kết sử dụng các kết quả đó. Ngoài ra, cần đánh giá lại năng lực chuyên môn của nguồn nhân lực hiện nay, cố gắng sử dụng kinh phí đầu tư của Nhà nước theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà khoa học, ban hành cơ chế khoán chi.
 
“Bộ KH&CN mong muốn việc quản lý chương trình, đề tài, dự án ngày càng minh bạch theo thông lệ quốc tế. Tuy chưa thực hiện được việc quản lý online, nhưng chúng tôi đã có bộ cơ sở dữ liệu chuyên gia theo từng ngành” – ông Phạm Công Tạc nói.
 
GS Nguyễn Quang Thái – Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam – cho rằng, nghiên cứu KHXH cần tập trung vào các vấn đề cụ thể, lý giải những yếu kém, đề xuất giải pháp để nước ta phát triển sánh kịp với thế giới.
 
Bên cạnh việc nghiên cứu theo đơn đặt hàng, cần cho phép một tỷ lệ nhất định các sáng kiến, đề xuất hơi đi khác luồng, thậm chí trái với quan điểm chung. “Hãy để cho các nhà khoa học sáng tạo, bởi những phát kiến mới phải xuất hiện từ một người, một nhóm người thiểu số rồi mới lan tỏa dần” – GS Thái nói.
Phượng Hằng
 

Gia nhập TTP: Cần có chiến lược phát triển tài sản sở hữu trí tuệ

Trước bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là TTP, sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp quan tâm.
 
Nhân “Tháng hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập,” ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban thường trực Chương trình hành động 168 về hợp tác phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã trao đổi về vấn đề này.
 
– Thưa ông, đâu là thách thức về sở hữu trí tuệ khi Việt Nam tham gia TTP?
 
Ông Trần Minh Dũng: Vừa rồi có nhiều thông tin liên quan tới thách thức khi tham gia Hiệp định TTP vì trong số 12 nước tham gia Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phát triển thấp hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải hòa nhập sân chơi chung của các nước với mong muốn biến thách thức thành cơ hội, tạo áp lực để doanh nghiệp nhận thức và nỗ lực vượt qua.
 
Thách thức ở đây trước hết là yêu cầu về bảo hộ trí tuệ sẽ nâng cao hơn cả quy định của Hiệp định TRIPs khi chúng ta gia nhập WTO, đặc biệt với các lĩnh vực như dược phẩm, yêu cầu về thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
 
Bên cạnh đó, những yêu cầu khác về bảo hộ cũng được mở rộng hơn như bảo hộ về nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu mùi; bù trừ thời gian xét nghiệm sáng chế nếu thời gian xét nghiệm này quá dài để tăng thời gian khai thác của chủ thể quyền đối với sáng chế dược phẩm…
 
Cùng với thách thức, doanh nghiệp cũng nhìn thấy cơ hội khi xâm nhập thị trường của các nước thành viên, đặc biệt các nước phát triển. Trước đây, chúng ta thường bị đối xử thiếu bình đẳng bởi các thị trường này thông qua các hàng rào kỹ thuật và doanh nghiệp của ta thường bị họ kiện với lý do rất thiếu minh bạch, rõ ràng và bị áp đặt các mức thuế “bảo hộ” của họ không bình đẳng. Tuy nhiên, khi vào sân chơi chung, được đối xử bình đẳng về áp dụng các mức thuế thì đây là cơ hội để doanh nghiệp chúng ta chiếm lĩnh thị trường khác.
 
– Mức độ yêu cầu về sở hữu trí tuệ khi Việt Nam tham gia TPP là gì?
 
Ông Trần Minh Dũng: Hiện đang có yêu cầu trong một số lĩnh vực. Ví dụ như ở góc độ thực thi, trước đây, có thể cơ quan thực thi phát hiện ra vi phạm có thể xử lý hoặc nếu quá năng lực có thể đùn đẩy cho nhau với những lý do mà quy định pháp luật chưa rõ ràng (như chưa có quy định rõ về quy mô thương mại). Khi vào TTP, hành vi đã rõ ràng buộc anh phải thực hiện phạt, thậm chí nếu hành vi đó quy định chịu trách nhiệm hình sự thì còn áp dụng biện pháp hình sự.
 
Những yêu cầu này chúng ta đã cam kết và sẽ được thể chế hóa bằng các quy định pháp luật của quốc gia. Khi thành quy định pháp luật thì chúng ta phải chấp hành các quy định đó và doanh nghiệp cần quan tâm để thực hiện cho đúng để tránh những rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, chúng ta sẽ nghiên cứu để tận dụng những quyền khác đem lại lợi thế cho Việt Nam trong quá trình tham gia sân chơi thương mại quốc tế mà TPP đã quy định.
 
– Xin ông cho biết lộ trình thay đổi Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam khi tham gia TTP?
 
Ông Trần Minh Dũng: Các quy định pháp luật của chúng ta hiện vẫn chưa hoàn toàn tương thích và hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã bắt tay cùng các bộ ngành khác rà soát các văn bản quy phạm liên quan tới quy định của TTP cũng như các hiệp định khác. Trọng tâm là rà soát Luật Sở hữu trí tuệ, những quy định trước đây không có như mở rộng phạm vi, đối tượng bảo hộ, sáng chế, thẩm định sáng chế, một số quy định liên quan đến thực thi bằng biện pháp hành chính hay hình sự…
 
 
Tiêu hủy 1.234 sản phẩm thời trang các loại (túi xách, ví da, giày…) giả mạo nhãn hiệu Charles&Keith, Pedro đang được bảo hộ tại Việt Nam. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
 
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đặt kế hoạch năm 2017 sẽ trình đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ. Đây là vấn đề rất cơ bản đề giúp cho việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ theo cam kết ký trong TTP.
 
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng phải sửa đổi Luật Chất lượng, tiêu chuẩn để có những vấn đề liên quan đến chất lượng hàng hóa cho phù hợp với TTP.
 
– Khi TTP có hiệu lực, ông có khuyến cáo gì đối với doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài trong việc bảo vệ sản phẩm, thương hiệu của mình?
 
Ông Trần Minh Dũng: Khi hội nhập, rõ ràng doanh nghiệp Việt Nam ngoài việc tập trung vào thị trường nội địa còn có cơ hội xuất khẩu.
 
Được đánh giá là một môi trường tốt, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư vào Việt Nam, tuy nhiên một trong những quan ngại của họ chính là sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp nước ngoài sợ khi đầu tư lớn lại bị xâm phạm, ảnh hưởng việc khai thác quyền sở hữu trí tuệ của họ trên địa bàn Việt Nam. Họ mong muốn TPP quy định khắt khe, chặt chẽ, khách quan hơn để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của họ.
 
Tuy nhiên, theo Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao thì chính doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang bị xâm phạm về sở hữu trí tuệ ngay tại Việt Nam.
 
Tôi cho rằng, để hạn chế việc này, trước mắt các doanh nghiệp phải có biện pháp để bảo vệ mình. Ngoài biện pháp kỹ thuật còn phải khảo sát thị trường và khi manh nha phát hiện vi phạm phải phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý. Đặc biệt, phải có chiến lược phát triển tài sản sở hữu trí tuệ của mình phù hợp với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và hãyquan tâm ngay từ bây giờ để có thể chủ động hơn khi đưa con thuyền của mình ra biển lớn.
 
Theo Vietnam Plus