Sự khác biệt giữa người bận rộn và người làm việc hiệu quả

 
 
 
Chia sẻ: 
Nhiều người nghĩ lúc nào cũng trong trạng thái bận rộn nghĩa là làm việc hiệu quả nhưng quả thực đó là một quan niệm sai lầm.
Công nghệ thực sự đã thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào
Sự khác biệt "chuẩn không cần chỉnh" giữa đàn ông và phụ nữ
Bận rộn không có nghĩa là hiệu quả và hiệu quả không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với làm việc liên tục cả ngày không ngừng nghỉ.
Hãy cùng phân tích và so sánh xem một người bận rộn và một người làm việc hiệu quả khác nhau ở chỗ nào để tự rút ra kết luận cuối cùng cho bản thân nhé.
 
 
Người bận rộn luôn tỏ ra có nhiều mục tiêu cần hoàn thành trong khi người làm việc hiệu quả chỉ đặt ra một mục tiêu duy nhất cho cuộc đời mình.
 
 
 
Nếu chỉ có 3 điều cần ưu tiên, bạn sẽ làm tốt chúng nhưng nếu có cả một tá ưu tiên thì cuộc đời bạn sẽ trở thành một mớ hỗn độn.
 
 
 
Không phải lúc nào nhanh nhất cũng là tốt nhất. Dành thời gian để suy nghĩ trước khi phát ngôn mới là khôn ngoan.
 
 
 
Đừng chỉ biết làm việc như một cái máy, mỗi ngày hãy dành 5 phút để ghi lại những gì đã diễn ra trong ngày, bạn đã học được gì, điều gì được, điều gì không được. Để làm tốt một việc, bạn phải thật sự hiểu về điều mình đang và sẽ làm.
 
 
 
Suốt ngày kêu ca bận rộn không giúp bạn hoàn thành công việc.
 
 
 
Cách sắp xếp thời gian và đặt ra ưu tiên cho bản thân chính là điểm khác nhau giữa người bận rộn và người làm việc hiệu quả. Hãy biết nói "không" với những thứ không quan trọng với bản thân để dành thời gian cho những gì mình thực sự
trân trọng.
 
 
Thà tập trung vào một việc để làm cho thật tốt còn hơn làm nhiều việc cùng lúc mà chả việc nào ra hồn.
 
 
 
Lúc nào cũng bận rộn kiểm tra, trả lời tin nhắn, email ngay lập tức sẽ khiến ngày làm việc của bạn rối tinh rối mù vì phải giải quyết ưu tiên của người khác chứ không phải của chính bản thân bạn.
 
 
Những người quản lý bận rộn sẽ tính giờ làm việc, còn nhà quản lý hiệu quả sẽ xem xét hiệu quả công việc.
 
 
 
Người làm việc hiệu quả không bao giờ quan tâm đến "lời ong tiếng ve". Người duy nhất mà họ cần làm hài lòng chỉ có thể là khách hàng mà thôi.
 
 
 
Thay vì dành thời gian nói về việc bạn sẽ thay đổi những gì hãy dùng thời gian đó để thực sự tạo ra sự thay đổi.
 
theo Trí Thức Trẻ
 

Sách khởi nghiệp thu hút nhiều bạn trẻ

TT – Hội sách mùa xuân 2016 do NXB Trẻ, NXB Kim Đồng và NXB Phụ Nữ phối hợp tổ chức đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ VN (Hà Nội) từ ngày 30-3 đến 3-4. 
 
 
Khá đông bạn trẻ tham dự Hội sách mùa xuân – Ảnh: V.V.Tuân
Hội sách lần này hướng đến chủ đề Khởi nghiệp – những cuốn sách mở đường, với khoảng 5.000 đầu sách, trong đó có nhiều đầu sách được giảm giá đến 50% và nhiều đầu sách đồng giá 10.000 đồng, 20.000 đồng…
 
Bên cạnh nhiều đầu sách văn học mới, nhiều cuốn sách về đề tài khởi nghiệp được bày bán như: 9 chiến lược học tiếng Anh cho người Việt (Victoria Quỳnh Giang), Khởi nghiệp từ A tới Z đơn giản trên một chiếc khăn giấy (Alex), Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế (Inamori Kazuo), Dạy con dùng tiền (Adam Khoo)… Ngoài ra còn nhiều chương trình giao lưu với các tác giả, nhà văn, nhà thơ, dịch giả.
 
Ngày đầu tiên diễn ra hội sách, theo quan sát, những cuốn sách khởi nghiệp thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Bạn trẻ Nguyễn Dương, mua cuốn sách Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế, cho biết: “Những đầu sách về chủ đề khởi nghiệp giúp ích rất nhiều cho mình và các bạn trẻ, bởi nó không chỉ trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết mà còn giúp mình có những định hướng đúng đắn để theo đuổi công việc mình yêu thích”.
 
V.V.TUÂN
 

Chủ tịch nước: cố gắng hết sức hoàn thành tốt nhiệm vụ

TTO – Ngày 2-4, sau khi Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính tri, Bộ trưởng Bộ Công an được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước, TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông.
 
 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang sau lễ tuyên thệ nhậm chức tại phòng Diên Hồng – Ảnh: Việt Dũng
* Thưa Chủ tịch nước, xin chúc mừng ông vừa được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước, xin ông cho biết cảm nghĩ của mình?
 
– Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Trước hết, cảm ơn nhà báo về lời chúc mừng dành cho tôi. Qua đây, một lần nữa, tôi trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã tín nhiệm bầu tôi giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 
Đối với tôi, đây là nhiệm vụ mới mẻ, vinh dự và trách nhiệm lớn lao. Những kinh nghiệm quý báu trong hoạt động của Nhà nước ta có sự đóng góp to lớn của đồng chí Trương Tấn Sang và các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm sẽ là vốn quý cho tôi trong quá trình thực hiện trọng trách mà Đảng, Quốc hội và Nhân dân giao phó.
 
Trong tâm khảm, tôi luôn khắc ghi tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu khi được Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
 
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, được sự cộng tác, giúp đỡ của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan và đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, tôi sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
 
 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) tặng hoa và cảm ơn người tiền nhiệm, ông Trương Tấn Sang – Ảnh: Việt Dũng
 
* Là nguyên thủ quốc gia trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, ông sẽ tập trung giải quyết những công việc gì để hoàn thành tốt nhất trọng trách được Đảng, Quốc hội và Nhân dân tin cậy giao phó?
 
– Tôi đề nghị nhà báo cứ gọi giản dị là Chủ tịch nước thôi.
 
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa thành công rất tốt đẹp. Đại hội đã khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
 
Trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, tôi sẽ nỗ lực, đem hết sức mình hoàn thành tốt nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, các nhiệm vụ do Đảng phân công, tập trung một số công việc trọng tâm sau:
 
+ Phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên lĩnh vực lập pháp, hành pháp; tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Hiến pháp năm 2013;
 
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, đáp ứng đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
 
+ Chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước.
 
Nghiên cứu, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cụ thể hóa nhiệm vụ Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân và cơ chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng Quốc phòng và An ninh như nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát biểu tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.
 
+ Phối hợp chỉ đạo thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phục vụ mục tiêu  bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
 
+ Chú trọng cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
 
+ Tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc chăm lo cho các tầng lớp nhân dân và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
* Ông muốn gửi đến đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài điều gì vào lúc này?
 
– Tôi xin gửi đến đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
 
Trong xu thế chung của thời đại, nhất là thành công rất tốt đẹp của Đại hội Đảng XII vừa qua, dân tộc ta đứng trước một vận hội mới với thuận lợi, khó khăn, thời cơ, thách thức luôn đan xen lẫn nhau.
 
Hơn lúc nào hết, tôi mong muốn đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài chung sức, đồng lòng phát huy bản lĩnh, trí tuệ, truyền thống yêu nước, ý chí vươn lên kiên cường, bất khuất của dân tộc, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu giành nhiều thắng lợi mới, to lớn hơn nữa để xây dựng đất ta nước ta ngày càng giàu mạnh, dân tộc ta trường tồn, sánh vai cùng bạn bè năm châu, như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.
 
* Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước.                                                 
 
P.V.
 

TS Tô Quang Toản: Nước ngọt thừa, nhưng vẫn thiếu vì điều tiết kém

Lượng nước mà vùng này nhận được từ Sông Mêkông trong cả năm là 475 tỷ mét khối – cao gấp 23-30 lần nhu cầu nước ngọt cho sản xuất.
 
 
Tình trạng mặn xâm thực tại Cà Mau tháng 3/2016. Ảnh: Minh Quyết
 
Ngay cả trong 6 tháng mùa khô, tổng lượng nước từ sông Mêkông chảy qua ĐBSCL vẫn đạt mức 49-59 tỷ mét khối, trong khi nhu cầu sử dụng nước của các ngành sản xuất chỉ ở mức 15-20 tỷ mét khối mỗi năm. Lượng nước mà vùng này nhận được từ Sông Mêkông trong cả năm là 475 tỷ mét khối – cao gấp 23-30 lần nhu cầu nước ngọt cho sản xuất.
Tại sao nước ngọt không thiếu mà nông nghiệp ở ĐBSCL vẫn gặp khó khăn vì khô hạn? Vấn đề nằm ở chỗ, hệ thống thủy lợi chưa điều tiết tốt để chủ động tích trữ khi có và cung cấp khi cần. Các hệ thống này vốn được thiết kế chỉ chống chọi được những trận hạn hán vừa phải có tần suất xuất hiện khoảng 4 năm/lần, gần đây được nâng cấp để chịu được những đợt hạn nặng 7 năm/lần. Vì vậy, khi gặp đợt hạn khủng khiếp đến 90 năm mới có một lần như năm nay thì thiếu nước, xâm nhập mặn là điều dễ hiểu.
 
Đó là chưa kể sự thiếu hoàn chỉnh của hệ thống thủy lợi, có cống chỗ này, thiếu cống chỗ khác nên mặn vẫn có thể xâm nhập; hoặc có cống ngăn mặn nhưng kênh lâu ngày chưa được nạo vét, bị bồi lấp nên khả năng đưa nước ngọt về vẫn kém. Cần nâng cấp hệ thống thuỷ lợi mới khắc phục được vấn đề này.
 
Về đề xuất dùng công nghệ xử lý nước mặn thành nước ngọt phục vụ canh tác, thực ra cách này thường chỉ được áp dụng ở nơi rất khan hiếm nguồn nước ngọt như trên hải đảo, tàu hoạt động dài ngày trên biển. Trong khi đó, ĐBSCL chưa thực sự thiếu nước như vùng Vịnh hay Trung Đông. Lượng nước cần cung cấp cho nông nghiệp lại rất lớn, nếu dùng công nghệ xử lý nước mặn thành ngọt để phục vụ nông nghiệp sẽ gây lỗ nặng bởi chi phí quá lớn. Giải pháp hợp lý vẫn là nâng cao năng lực của các hệ thống thủy lợi.
 
T. Thảo

Tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang thề tuyệt đối trung thành với Tổ quốc

Sáng 2/4, Quốc hội đã bỏ phiếu kín bầu chức danh Chủ tịch nước. Đại tướng Trần Đại Quang đã đắc cử chức danh này và thực hiện nghi lễ tuyên thệ, nhậm chức.
 
Với đa số phiếu thuận, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc bầu ông Trần Đại Quang giữ chức Chủ tịch nước. Nghị quyết có hiệu lực thi hành ngay sau khi Quốc hội thông qua.
 
Tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng thực hiện nghi lễ tuyên thệ nhậm chức ngay sau đó.
 
Ông Trần Đại Quang nói: “Tôi xin chân thành cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu tôi làm Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước, tôi – Trần Đại Quang, Chủ tịch nước CHXNCN Việt Nam, xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, nỗ lực hết sức mình hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó”.
 
Tân chủ tịch nước cũng bày tỏ sự cảm ơn tới nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và hứa nguyện làm hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc và trách nhiệm của các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm.
 
"Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên quyết, kiên trì đấu tranh để giữ vững thống nhất, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích và an ninh quốc gia, quyết tâm đẩy mạnh thực hiện đồng bộ công cuộc đổi mới, quá trình hội nhập, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, xứng đáng với sự nghiệp bảo vệ hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới" – Chủ tịch nước Trần Đại Quang hứa.
 
Xem hình ảnh Tân Chủ tịch nước tại lễ nhậm chức:
 
 
 
Đội nghi lễ rước cờ Tổ quốc và Hiến pháp lên bục tuyên thệ. Ảnh: NY.
 
 
Tất cả trong không khí trang nghiêm, xúc động. Ảnh: NY.
 
 
Tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiến lên bục tuyên thệ. Ảnh: NY.
 
 
 
Tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang bước tới bục nghi lễ, cúi chào trước lá cờ Tổ quốc. Ảnh: NY.
 
 
Đặt tay lên Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tuyên thệ. Ảnh: NY.
 
 
 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thề sẽ giữ vững độc lập chủ quyền Tổ quốc. Ảnh: NY.
 
 
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng Tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: NY.
 
 
 
Tân Chủ tịch nướcTrần Đại Quang tặng hoa và bày tỏ lòng cảm ơn với nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: NY.
 
Tiểu sử sơ lược Tân Chủ tịch nước:
 
Ông Trần Đại Quang sinh ngày 12/10/1956
Quê quán: xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, Ninh Bình.
Học hàm, học vị: Giáo sư – Tiến sỹ.
Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII
Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII
Ông là Tiến sỹ luật, đã đảm nhiệm các chức vụ: Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh; Phó tổng cục trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh; Ủy viên Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an; Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Ngày 26/1/2016, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12. Ngày 28/1/2016 được Trung ương khóa 12 bầu vào Bộ Chính trị.
Ngày 2/4/2016, tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội, được bầu làm Chủ tịch nước.
 
Bích Ngọc – NY
 

Hội nghị Tổng kết Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới”, Mã số KC.02/11-15

Ngày 30/3/2016, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới”, mã số KC.02/11-15 (Chương trình KC.02/11-15) tại Hà Nội.
 
 
Tham dự Hội nghị Tổng kết Chương trình có đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN, đại diện Lãnh đạo Vụ KH&CN – Bộ Công Thương, các thành viên trong Ban Chủ nhiệm Chương trình, đại diện các đơn vị chủ trì các nhiệm vụ và đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học.
Thay mặt Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.02/11-15, GS.TS. Nguyễn Việt Bắc – Chủ nhiệm Chương trình đã báo cáo, đánh giá kết quả hoàn thành tốt mục tiêu, nội dung và sản phẩm đặt ra với 239 sản phẩm trong đó có 108 loại vật liệu, sản phẩm thành phẩm, dây chuyền công nghệ, 131 quy trình công nghệ, thiết kế, mô hình ứng dụng; có 25 bài báo, báo cáo được đăng trên tạp chí khoa học công nghệ và hội nghị quốc tế và 104 bài báo, báo cáo được đăng trên các tạp chí KH&CN và hội nghị khoa học Quốc gia; tham gia đào tạo sau đại học 23 nghiên cứu sinh, 33 thạc sỹ.
 
Một số kết quả nổi bật của Chương trình: Có 70 công nghệ và vật liệu mới có khả năng ứng dụng trong thực tiễn được tạo ra từ 19 nhiệm vụ; Có 03 hồ sơ đăng ký độc quyền sáng chế và 14 hồ sơ đăng ký giải pháp hữu ích thuộc 16 nhiệm vụ; Trong số 239 sản phẩm của chương trình, có 55 loại sản phẩm đã bắt đầu được thương mại hóa và chắc chắn sẽ được thương mại hóa, cụ thể: Nano clay MMT, bột huỳnh quang 3 màu, lốp máy bay bơm hơi không săm, lõi neo cáp bê tông dự ứng lực, màng bảo quản rau quả, thực phẩm, sơn vô cơ chịu nhiệt, sáp phức hợp cho thuốc nổ nhũ tương, chất tẩy rửa siêu hoạt tính, ván lát và ốp tường sử dụng trong ngành vật liệu xây dựng…
 
Về hướng nghiên cứu trong giai đoạn tiếp theo của Chương trình, GS.TS. Nguyễn Việt Bắc cho rằng “Vật liệu đóng vai trò quyết định trong các tiến bộ công nghệ hiện đại; Vật liệu tiên tiến hơn, chất lượng hơn quyết định cạnh tranh trên quy mô quốc tế, vật liệu quyết định tuổi thọ, độ tin cậy của sản phẩm. Không thể có nền công nghiệp phát triển mà không gắn liền với sự phát triển của ngành công nghiệp vật liệu”. Giáo sư đề xuất một số định hướng cho Chương trình vật liệu giai đoạn 2016-2020 như sau:
 
+ Lộ trình nghiên cứu phát triển vật liệu cần có sự thay đổi. Không thể chỉ dừng ở chỗ nghiên cứu ra vật liệu mà cần đi đến linh kiện và sản phẩm cụ thể. 
 
+ Cần có sự định hướng rõ ràng, sự đặt hàng chính xác và mối quan hệ chặt chẽ giữa nghiên cứu với sản xuất, sử dụng. Quy mô đầu tư nghiên cứu và tổ chức triển khai cần có đổi thay lớn. Việc chọn vật liệu gì và công nghệ nào để nghiên cứu phụ thuộc trước hết và trên hết ở nhu cầu thực tế của xã hội.
 
+ Việc tham gia đầu tư cho nghiên cứu của doanh nghiệp và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào doanh nghiệp sẽ góp phần đáng kể vào việc chuyển hướng xây dựng, chọn lựa và triển khai các đề tài, dự án các cấp, nhất là ở cấp Nhà nước.
 
+ Các định hướng nghiên cứu của chương trình nghiên cứu về vật liệu cần đồng bộ với các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và các Chương trình trọng điểm khác của Nhà nước để có thể phối hợp và nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học công nghệ.
 
+ Nghiên cứu về vật liệu là hết sức cần thiết và quyết định cho sự ổn định lâu dài của xã hội và nền kinh tế. Tiến bộ đạt được trong nghiên cứu và phát triển vật liệu chính là thước đo tiến bộ kỹ thuật công nghệ quốc gia.
 
+ Các hướng nghiên cứu chính: Nhóm vật liệu chế biến sâu tài nguyên Việt Nam (Quặng kim loại, khoáng vật tự nhiên…) tạo giá trị gia tăng cao; Vật liệu phục vụ công nghiệp phụ trợ, góp phần tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu; Vật liệu tiên tiến: y sinh, năng lượng, chiếu sáng, cảm biến, Vật liệu đáp ứng nhu cầu an ninh quốc phòng.
 
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ KH&CN, ông Nguyễn Thiện Thành – Giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước đánh giá cao những thành tựu mà Chương trình KC.02/11-15 đã đạt được đồng thời gửi lời cám ơn đến các thành viên Ban chủ nhiệm và các nhà khoa học đã đóng góp vào thành công của Chương trình. Ông cũng bày tỏ mong muốn các nhà quản lý, các nhà khoa học tiếp tục đồng hành cùng Bộ KH&CN thực hiện Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới” trong giai đoạn 2016-2020 có hiệu quả cao và đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển các ngành kinh tế.
 
Hội nghị Tổng kết Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới”, mã số KC.02/11-15 đã kết thúc tốt đẹp cùng ngày.
 
Nguồn:  Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật
 

Lễ trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho cá nhân, tập thể đạt thành tích tham gia đề xuất thành công với UNESCO thành lập Trung tâm Quốc tế về Toán học và Vật lý được UNESCO công nhận và bảo trợ

Ngày 30/3/2016, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho cá nhân, tập thể đạt thành tích tham gia đề xuất thành công với UNESCO thành lập Trung tâm Quốc tế về Toán học và Vật lý được UNESCO công nhận và bảo trợ.
 
Thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 là hình thành một số tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới, Bộ KH&CN đã phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam xây dựng Đề án thành lập Trung tâm dạng 2 về Toán học và Vật lý được UNESCO công nhận và bảo trợ.
 
Ngày 25/2/2015 Bộ trưởng Bộ KH&CN đã có công thư gửi Tổng giám đốc UNESCO đề xuất việc thành lập hai trung tâm khoa học được UNESCO công nhận và bảo trợ. Từ tháng 2 đến tháng 11 năm 2015, nhóm công tác của 03 bộ ngành đã tiếp đón chuyên gia vào khảo sát, chuẩn bị các báo cáo gửi UNESCO, vận động các thành viên của Hội đồng Chấp hành UNESCO ủng hộ cho đề xuất của Việt Nam, v.v….Kết quả cuối cùng là tháng 11/2015, Đại Hội đồng UNESCO lần thứ 38 đã họp tại Paris và đã thông qua các trung tâm dạng 2, trong đó có 02 Trung tâm quốc tế về Toán học và Vật lý của Việt Nam.
 
Như vậy, trong vòng chưa đến một năm các đơn vị và cán bộ của Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
 
Để kịp thời khen ngợi và động viên các tổ chức và cá nhân tham gia nhiệm vụ này, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký quyết định tặng bằng khen (Quyết định số: 3733/BKHCN-TĐKT ngày 18/12/2015) cho 01 tổ chức và 24 cá nhân thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và Bộ KH&CN.
 
 
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Lê Hoài Trung và Ông Châu Văn Minh, đã bày tỏ sự cám ơn đến Bộ KH&CN, Văn phòng Chính phủ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Vật lý, Viện Toán học đã hỗ trợ cho Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong việc hoàn thành hồ sơ trình đề xuất với Ủy ban UNESCO, đây là thành tựu của các nhà khoa học Việt Nam được quốc tế ghi nhận.
 
 
Trung tâm Toán học và Vật lý dạng II của Việt Nam đã được công nhận tại kỳ họp lần thứ 38 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), tại trụ sở của UNESCO với sự tham gia của đại diện 195 nước thành viên, các nước thành viên liên kết, quan sát viên, tổ chức quốc tế và phi chính phủ.
 
Theo đó, các Trung tâm dạng II có tầm nhìn, sứ mệnh nghiên cứu, đào tạo trong chuyên ngành cho khu vực và quốc tế, phù hợp với các chính sách, chiến lược của UNESCO. Hiện UNESCO đã công nhận và bảo trợ 98 Trung tâm Khoa học dạng II, trong đó có 49 Trung tâm thuộc lĩnh vực Khoa học Tự nhiên. Trong khu vực ASEAN, UNESCO đã công nhận, bảo trợ các Trung tâm khoa học của 2 nước là Malaysia và Indonesia. Năm 2015, 17 Trung tâm dạng II về khoa học cơ bản trong đó riêng Việt Nam được thông qua 2 Trung tâm về Toán và Vật lý.
 
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc thành lập các Trung tâm quốc tế về Toán học, vật lý, được UNESCO công nhận, bảo trợ sẽ giúp nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam, đưa nền KH&CN Việt Nam hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Điều này cũng góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020, hình thành những tổ chức nghiên cứu cơ bản đạt trình độ khu vực và thế giới, đồng thời thực hiện mục tiêu đưa Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam trở thành một trong những tổ chức KH&CN hàng đầu ASEAN.
 
Qua những hoạt động trên, vị thế quốc tế của Việt Nam tại UNESCO ngày càng được nâng cao. Ngoại giao đa phương của Việt Nam cũng được nâng tầm từ “tham gia tích cực” đến “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”, qua đó bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích của đất nước và thể hiện tinh thần “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
 
Nguồn:  Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên

Họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định việc khuyến khích doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

Nhằm khuyến khích doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) để đầu tư tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp và cho ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, Chính phủ giao Bộ KH&CN chủ trì xây dựng: “Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định việc khuyến khích doanh nghiệp trích lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp”.
 
Ngày 29/3/2016, Bộ KH&CN đã chủ trì phiên họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định việc khuyến khích doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp dưới sự điều hành của Đ/c Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban soạn thảo. 
 
Cuộc họp có sự tham gia đầy đủ của các thành viên Ban soạn thảo là đại diện của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp điển hình như: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Sở KH&CN Hà Nội, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương,… và các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ KH&CN,…
 
 
Toàn cảnh Phiên họp
Đồng chí Trần Xuân Đích – Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Tổ trưởng Tổ biên tập đã báo cáo kế hoạch triển khai xây dựng văn bản và đề xuất một số nội dung khuyến khích doanh nghiệp trích lập Quỹ phát triển KH&CN đưa vào Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như: ưu đãi tín dụng đầu tư, ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng Quỹ thực hiện các hoạt động KH&CN, hỗ trợ đánh giá, chứng nhận kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hỗ trợ thương mại hóa kết quả KH&CN hình thành từ việc sử dụng Quỹ, khuyến khích doanh nghiệp trích lập Quỹ thực hiện hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, khen thưởng, vinh danh dành cho doanh nghiệp trích lập Quỹ có hiệu quả, có thành tích xuất sắc trong việc quản lý và sử dụng Quỹ. 
 
Sau khi nghe báo cáo của đại diện Tổ biên tập về kế hoạch triển khai xây dựng cũng như các nội dung chính của Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Ban soạn thảo đã thảo luận, góp ý kiến theo hướng làm rõ các nội dung ưu đãi, hỗ trợ để gắn với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được ban hành. 
 
Trên cơ sở các ý kiến của Ban soạn thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đề nghị Tổ Biên tập tiếp thu; nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
 
Nguồn:  Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN

Chính thức phát động “Tháng hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập” *

 
Lễ công bố chương trình “Tháng hưởng ứng Ngày 
 
Sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập”
Bộ KH&CN với sự hỗ trợ của BSA | Liên minh Phần mềm đã tổ chức lễ công bố chương trình “Tháng hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập” của lực lượng thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) sáng ngày 31/3.
Lễ công bố có sự tham gia của đại diện các thành viên của Chương trình phối hợp hành động về phòng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2012-2015 (gọi tắt là Chương trình 168) gồm 9 bộ ngành, các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan báo chí.
Chủ trì lễ công bố, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Việt Thanh nhấn mạnh mục tiêu và ý nghĩa của chương trình :“Nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa của quyền SHTT đối với phát triển của xã hội; đẩy mạnh việc xác lập, khai thác, phát triển và thực thi quyền SHTT; bảo đảm quyền SHTT thực sự trở thành công cụ thúc đẩy phát triển khoa học – công nghệ nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung; Tạo ra nhận thức trong toàn xã hội để thực hiện các cam kết quốc tế về SHTT. Tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập” (từ 31/3 đến 30/4/2016) sẽ tập trung vào việc phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT; công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về SHTT sẽ tiếp tục được triển khai và đẩy mạnh vào các tháng tiếp theo.”
 
"Trong thời gian tới, để phù hợp với các cam kết trong TPP, Việt Nam sẽ phải rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, quyền tác giả và các vấn đề về thực thi quyền sở hữu trí tuệ (theo đó tiếp tục xử lý hành vi xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính và tăng cường thực thi quyền bằng biện pháp dân sự, hình sự, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số). Với yêu cầu đó, Chính phủ Việt Nam, cùng toàn bộ hệ thống đăng ký bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đang hoàn thiện và nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của hoạt động bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.” Thứ trưởng Trần Việt Thanh cũng chia sẻ thêm.
 
Báo cáo của ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, Trưởng Ban Thường trực Chương trình 168 cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ của Ban thường trực Chương trình hành động 168 giai đoạn 2 (2012-2015), các lực lượng thực thi quyền SHTT trong phạm vi toàn quốc đã xử lý 26.004 vụ việc với tổng số tiền phạt trên 68 tỷ đồng; Tịch thu, buộc tiêu huỷ, loại bỏ yếu tố vi phạm  đối với khoảng 70 tấn thực phẩm chức năng các loại; hàng chục nghìn chai rượu ngoại các loại; gần 27.000 sản phẩm thuốc tân dược; 80.900 tấn phân bón và hàng triệu sản phẩm điện tử, túi xách, giầy dép, quần áo thời trang, rượu, bia, nước giải khát, lương thực thực phẩm giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp; buộc tiêu huỷ hàng chục nghìn đĩa CD-VCD không tem nhãn có nguồn gốc nhập lậu.
 
Riêng trong lĩnh vực thực thi bảo hộ bản quyền phần mềm máy tính, Báo cáo của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ( VHTTDL) cho thấy: “Năm 2015, Thanh tra Bộ VHTTDL đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất 89 doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định pháp luật về quyền tác giả đối với phần mềm máy tính tại các địa phương trên cả nước. Đoàn thanh tra đã kiểm tra 3.942 máy tính và số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới 2.520.000.000 đồng.”
 
Trong quý I năm 2016, nằm trong chương trình hưởng ứng ngày SHTT thế giới, Thanh tra Bộ VHTTDL đã phối hợp với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao C50 (Bộ Công An) tiếp tục tiến hành kiểm tra hơn 20 công ty tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh có dấu hiệu vi phạm SHTT về chương trình phần mềm máy tính, và đang tiến hành xử lý theo những qui định của pháp luật.
 
Với nhiều năm hợp tác với các cơ quan chính phủ Việt Nam, ông Roland Chan, Giám đốc cấp cao phụ trách Chương trình Tuân thủ, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của BSA nói tại lễ công bố: “Tôi tin rằng thực thi bảo hộ bản quyền phần mềm hiệu quả, giảm thiểu sử dụng phần mềm không bản quyền chứa nhiều rủi ro, sẽ góp phần giúp Việt Nam tránh được những cuộc tấn công an ninh mạng ngày càng tinh vi đang là mối đe dọa của mọi quốc gia, gây nên những thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế và xã hội. Những bước tiến lớn về bảo hộ quyền SHTT của Việt Nam sẽ mang đến cơ hội cho các sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam xâm nhập vào thị trường thế giới, cũng như tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các nhà đầu tư nước ngoài.” 
 
Bước sang năm thứ 2, Tháng hưởng ứng Ngày SHTT Thế giới do Bộ KH&CN phối hợp với BSA hi vọng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo hộ và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang chuyển mình rất lớn để hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
 
* Thông cáo báo chí
 
Nguồn: Tiasang.com.vn

Danh tiếng chưa cao

 
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia của Việt Nam đã được quốc tế thừa nhận trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng Châu Á Thái Bình Dương; hằng năm được trao theo Quyết định của Thủ tướng; từ tên gọi tới cách tổ chức thực hiện đều đã được quy định cụ thể trong luật; các tiêu chí đánh giá dựa trên chuẩn mực từ Giải thưởng Malcolm Baldrige uy tín của Mỹ; vậy mà sau 20 năm hoạt động, uy tín của nó lại rất hạn chế.
Lẽ ra, đó phải được coi là tấm giấy thông hành đáng tự hào cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, khi doanh nghiệp rất cần những chứng nhận cho thấy họ đã được thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng dựa trên những tiêu chí phù hợp với thông lệ quốc tế.
 
Tuy nhiên, trên thực tế trong hàng trăm nghìn công ty trên cả nước, mỗi năm trung bình chưa đầy 100 doanh nghiệp đăng kí tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và trong đó thường không có mặt các tổng công ty, tập đoàn lớn.
 
Vậy phải chăng nguyên nhân do Giải thưởng Chất lượng Quốc gia thiếu tính thực chất, đưa ra những tiêu chí rất hay nhưng công tác thẩm định thì qua loa, hời hợt, mang lại những kết quả đánh giá thuần túy có tính hình thức?
 
Thực tế hoàn toàn trái lại. Thống kê của Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho thấy, hầu hết doanh nghiệp tham gia giải thưởng đều đánh giá cao tính khách quan, chính xác của giải trong đánh giá doanh nghiệp, và cho biết những kết quả đánh giá ấy là cơ sở để doanh nghiệp tiếp tục tự hoàn thiện mình. Đặc biệt, theo tìm hiểu của phóng viên Tia Sáng, các doanh nghiệp cho biết các hội đồng của giải thưởng làm việc hết sức nghiêm túc và kỹ lưỡng.  
 
“Rất khắt khe”…
 
Khi được phóng viên hỏi bộ phận phụ trách giải thưởng của Traphaco – một doanh nghiệp đạt hơn 20 giải thưởng các loại liên quan đến chất lượng, là họ nghĩ gì về giải thưởng quốc gia thì họ đều nhìn nhau cười: “Khó nhất trong các giải thưởng […] Kĩ nhất trong các giải thưởng. […] Không có giải nào mà chúng tôi tốn nhiều thời gian như cho giải thưởng này.”
 
Các tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được đánh giá là khá cấp tiến bởi nó không đánh giá chất lượng của riêng sản phẩm mà của tất cả các hoạt động của công ty. Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng cho biết: “chúng tôi định nghĩa chất lượng sản phẩm là thỏa mãn nhu cầu khách hàng”, được thể hiện qua 7 tiêu chí “giống như vành bánh xe quay quanh các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giữ doanh nghiệp vận hành trơn tru”, bao gồm: 1) Vai trò lãnh đạo; 2) Hoạch định chiến lược; 3) Định hướng vào khách hàng; 4) Đo lường, phân tích và quản lý tri thức; 5) Định hướng vào nguồn nhân lực; 6) Quản lý quá trình hoạt động; 7) Kết quả hoạt động. Trong đó, kết quả hoạt động được đánh giá cao nhất (45% số điểm).
 
Quy trình xét duyệt giải thưởng diễn ra trong khoảng 10 tháng, tính từ thời điểm nộp hồ sơ. Trong hồ sơ, doanh nghiệp phải trả lời 200 câu hỏi tương ứng với 7 tiêu chí của giải thưởng. Sau đó sẽ có hai vòng thẩm định bao gồm của Hội đồng tỉnh/thành phố (có 5-7 chuyên gia, đánh giá độc lập với nhau kéo dài bốn tháng) và Hội đồng quốc gia (có 9-11 chuyên gia, do Bộ KH&CN thành lập, thẩm định khoảng một tháng). Ở vòng thẩm định cuối cùng, các chuyên gia tới doanh nghiệp thường có các tư vấn, gợi ý và khuyến cáo để doanh nghiệp cải tiến hoạt động tốt hơn. Giữa hai vòng thẩm định này sẽ có vòng Hiệp y kéo dài năm tháng, doanh nghiệp sẽ nộp tất cả các giấy tờ, chứng chỉ để chứng minh các ứng dụng phương pháp quản lí tiên tiến của mình lên Ủy ban thi đua khen thưởng của tỉnh/thành phố để chứng nhận. Tổng số điểm chấm là 1.000 điểm nhưng kể cả các doanh nghiệp đạt giải Vàng cũng chưa bao giờ đạt điểm tối đa. 
 
Giá trị lớn nhất mà doanh nghiệp thu được từ quy trình khắt khe trên đây chính là sự cải thiện chất lượng, hiệu quả hoạt động của mình dựa trên sự định hướng từ các tiêu chí của giải thưởng. Trong cuộc khảo sát tất cả các doanh nghiệp đạt giải vàng do ban tổ chức giải thưởng thực hiện, 77%  trong số đó đang áp dụng toàn bộ tiêu chí của giải thưởng trong quản lý, vận hành. Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng GĐ Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn chia sẻ, công ty ông tiết kiệm được 5.000 tỷ đồng nhờ áp dụng các tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.
 
… nhưng danh tiếng chưa cao
 
Tuy là một giải thưởng ở tầm cỡ quốc gia và mang lại giá trị thiết thực cho doanh nghiệp như vậy, nhưng Ban Tổ chức còn khá lúng túng trong công tác truyền thông, quảng bá. Năm nay, họ đã nỗ lực thay đổi, thay vì chỉ tập trung vào lễ trao giải (mà “có lẽ là không có ai nhớ” – theo lời ông Nguyễn Nam Hải), họ triển khai một chuỗi gồm sáu sự kiện bao gồm các tọa đàm có sự tham gia chia sẻ của một vài doanh nghiệp đoạt giải. Tuy nhiên, những sự kiện này chủ yếu vẫn theo hình thức cũ, phần lớn thời gian dành cho “từng người lên đọc báo cáo – cả hội trường ngồi nghe” thay vì tập trung cho thảo luận. Giữa thời gian diễn ra sự kiện, phần lớn hội trường về hết, chỉ còn “trơ trọi” các diễn giả. 
 
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã qua 20 năm phát triển nhưng đến nay vẫn chưa có một đánh giá cụ thể về hiệu ứng của giải thưởng.
Cũng cần phải nói thêm rằng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã qua 20 năm phát triển nhưng đến nay vẫn chưa có một đánh giá cụ thể về hiệu ứng của nó. “Những doanh nghiệp được giải thưởng cách đây 20 năm, bây giờ liệu họ còn có thể được giải vàng nữa không? […] Có thể các tiêu chí không thay đổi về câu chữ nhưng trong bối cảnh mới, cách hiểu đã thay đổi hoàn toàn” – Ông Nguyễn Nam Hải cho biết. Trong những sự kiện chào đón giải thưởng gần đây, mặc dù có sự chia sẻ của các doanh nghiệp được giải nhưng chủ yếu chỉ loanh quanh giới thiệu công ty và nói qua một vài ứng dụng công nghệ trong quản lý. 
 
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng cảm thấy có phần “bất công” khi vượt qua nhiều yêu cầu khắt khe của giải thưởng nhưng không được các cơ quan nhà nước ghi nhận thành những chính sách ưu tiên cụ thể, nhất là trong đấu thầu các dự án công. “Chỉ nhận giải thưởng không mà bán hàng thì vẫn không đấu thầu được… thì rất khó” – Ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng Giám đốc Traphaco chia sẻ với Tia Sáng.  
 
Gợi ý từ giải thưởng Malcolm Baldrige
 
Giải thưởng Malcolm Baldrige ở Mỹ có một phương thức khá hữu hiệu để nâng cao uy tín của mình, đồng thời lan tỏa nhận thức của các doanh nghiệp trong việc ứng dụng các tiêu chí của giải thưởng vào việc tự đánh giá và tự hoàn thiện mình, đó là yêu cầu các doanh nghiệp đạt giải phải có trách nhiệm chia sẻ những gì họ học được từ giải thưởng với các doanh nghiệp khác, bằng cách tổ chức các seminar hoặc gửi nhân viên đến nói chuyện với các công ty khác. Phó Tổng giám đốc phụ trách chất lượng của Motorola, Richard Buetow nói rằng, nhân viên của công ty có tới 352 bài phát biểu trong các hội nghị và các công ty lớn trong một năm, trả lời các câu hỏi từ hơn 1,162 công ty và hằng tháng tổ chức một cuộc họp dài năm tiếng với 150 giám đốc của các công ty khác. 1
—-
1 http://archive.fortune.com/magazines/fortune/fortune_archive/1990/04/23/73432/index.htmđốc
 
Hảo Linh