Sóng wifi gây ung thư?

Đã có rất nhiều cảnh báo về những ảnh hưởng tiêu cực của sóng wifi với sức khỏe con người nói chung và trẻ em nói riêng. Tuy nhiên, mọi nghiên cứu đưa ra mới dừng ở mức "có thể".
 
Mới đây, Thị trưởng Livio Tola tại thị trấn Borgofranco d'lvra in Piedmont của Italia đã ra quyết định gây tranh cãi: Yêu cầu tắt wifi ở hai trường học trong thị trấn vì lo ngại sóng điện từ phát ra từ thiết bị này gây nguy hại cho trẻ em.
 
 
"Không phải chúng tôi chống lại công nghệ, mà chọn lựa của chúng tôi đơn thuần như một biện pháp phòng ngừa", ông nói. "Chúng tôi không thể chắc sóng điện từ có gây hại hay không. Nhưng rất có thể 20 năm sau, có người phải cảm ơn chúng tôi".
 
Có rất nhiều cảnh báo về những nguy cơ mà wifi có thể gây ra, đồng thời nó còn gây hiểu nhầm hoặc bị cường điệu hóa. Tổ chức Y tế Thế giới còn đang tiếp tục nghiên cứu đánh giá về ảnh hưởng của các bộ định tuyến không dây.
 
Cần lưu ý rằng, trong khi WHO xếp sóng wifi thuộc trường điện từ tần sóng vô tuyến RF/EMF – là tác nhân gây ung thư nhóm 2B – tức ở mức tiếp xúc nhất định, dưới điều kiện nhất định thì có thể đủ hại để gây bệnh thì cần lưu ý rằng, cà phê cũng bị xếp ở nhóm này.
 
Trong khi Sir William Stewart – Chủ tịch cơ quan bảo vệ sức khoẻ Anh – khẳng định hiện đã có những bằng chứng cho thấy sóng bức xạ phát ra từ các thiết bị như điện thoại di động hay bộ phát sóng wifi dù ở mức thấp có những tác động không tốt đến sức khoẻ con người thì các chuyên gia khác lại tỏ ra không đồng tình với quan điểm này.
 
Lawrie Challis, giáo sư Đại học Nottingham kiêm chủ tịch uỷ ban quản lý chương trình của Tổ chức nghiên cứu sức khoẻ và viễn thông di động khẳng định: "Sóng wifi hầu như không có bất kỳ tác động xấu nào đến sức khoẻ. Các bộ phát sóng wifi thường không mạnh và ở cách xa người dùng".
 
Cũng có nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, trong khi bộ định tuyến không dây làm phát ra bức xạ, thì loại bức xạ này có năng lượng cực kỳ thấp và không ion hóa, nghĩa là nó không có sức mạnh để ảnh hưởng đến các tế bào của con người.
 
Ánh sáng mặt trời còn nguy hiểm và ion hóa hơn, với khả năng thay đổi kết cấu ADN và gây ung thư.
 
Theo giáo sư Malcolm Sperrin, một chuyên gia y tế thì: "Sóng wifi là sóng radio cường độ thấp có bước sóng tương tự như bước sóng radio sử dụng trong các lò vi sóng. Nhưng cường độ sóng wifi thấp hơn 100.000 so với cường độ sóng trong lò vi sóng".
 
Suốt 30 năm trở lại đây, đã có khoảng 2.000-3.000 nghiên cứu về sóng radio được tiến hành. Kết quả 50% cho rằng không có bằng chứng về các tác hại và 50% cho rằng có.
 
Và, trong lúc chờ đợi những nghiên cứu khẳng định rõ ràng về việc sóng wifi lợi hay hại, chúng ta cũng không nên cả ngày ôm lấy máy tính, điện thoại di động hay các thiết bị điện tử không dây; để không chỉ sống trong môi trường ảo; để tăng cường vận động thể chất hơn nhằm nâng cao sức khỏe, tương tác với con người và xã hội thực tế.
 
Theo Vietnamnet
 

Nhà sáng lập Linux: Thành công không đòi hỏi tầm nhìn

Linus Torvalds – nhà sáng lập Linux cho rằng, nếu ông biết trước tương lai, có lẽ thành công sẽ không đến với ông.
 
Khi nhắc đến người đạt được thành công và danh tiếng trong giới công nghệ cao, người ta thường nhớ ngay tới Steve Job, được biết đến là người có tầm nhìn chiến lược, giúp những giấc mơ tuyệt vời không tưởng trở thành hiện thực.
 
Nhưng tầm nhìn lại không phải là thứ giúp Linus Torvalds trở thành một trong những nhà lập trình nổi tiếng nhất thế giới.
 
 
Linus Torvalds
Khi còn là sinh viên đại học, Torvalds đã sáng tạo ra Linux, hệ điều hành miễn phí hiện đang hỗ trợ hầu hết các máy chủ trên toàn thế giới, bao gồm cả Google (Microblogging) và Facebook, hỗ trợ nhiều siêu máy tính nhanh nhất thế giới, và là cơ sở cho Android.
 
Linux là tên gọi của một hệ điều hành máy tính và cũng là tên hạt nhân của hệ điều hành.
 
Một cách chính xác, thuật ngữ "Linux" được sử dụng để chỉ Nhân Linux, nhưng tên này được sử dụng một cách rộng rãi để miêu tả tổng thể một hệ điều hành giống Unix (còn được biết đến dưới tên GNU/Linux) được tạo ra bởi việc đóng gói nhân Linux cùng với các thư viện và công cụ GNU, cũng như là các bản phân phối Linux. 
 
Năm 1991, Torvalds bắt đầu viết hệ điều hành Linux và ra mắt nó với một thông điệp nhỏ, mô tả rằng đó là một "hệ điều hành miễn phí, chỉ là một sở thích, nó không phải là chuyên nghiệp và quy mô cũng không lớn".
 
Giờ đây, Linux đã phát triển lớn mạnh và chuyên nghiệp, trở thành một phần không thể thiếu của thế giới. Linux là một ví dụ nổi tiếng nhất của phần mềm tự do và của việc phát triển mã nguồn mở. Bất cứ ai cũng có thể đóng góp trí tuệ của chính mình.
 
Từ năm 2005, gần 12.000 lập trình viên đến từ 1.200 công ty đã bổ sung chương trình phát triển riêng của mình vào hệ điều hành Linux chính (gọi là hạt nhân).
 
Ngoài việc phát minh ra Linux, Torvalds cũng đã tạo nên một phương pháp cho nhiều người cùng làm việc trên một dự án lập trình máy tính.
 
Phương pháp này được gọi là Git, và Git đã tự hình thành ngành công nghiệp của riêng mình (mà không cần bất cứ sự trợ giúp nào từ Torvalds), chẳng hạn như Github, một startup hiện có giá trị lên tới 2 tỷ đô la Mỹ.
 
Torvalds nói rằng, nếu ông có cái được gọi là tầm nhìn, hệ điều hành Linux và Git có thể đã không xuất hiện.
 
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông giải thích: "Thời điểm phát triển Linux, tôi đã không lường trước được rằng nó sẽ thành công. Có lẽ việc không biết được những điều sẽ  xảy ra trong lương lai đã góp phần vào thành công của tôi.
 
Nếu tôi biết rằng Linux sẽ phát triển như bây giờ ngay từ khi bắt đầu, tôi sẽ không bao giờ đủ can đảm để viết hệ điều hành của riêng mình: Bạn cần có một sự ngây thơ nhất định để nghĩ rằng bạn có thể làm điều gì đó…
 
Thực tế là tôi không thực sự biết nó sẽ kết thúc như thế nào, có nghĩa là tôi sẽ cởi mở hơn để thu nhận những đề xuất của người khác và có được những ý tưởng rất tốt về những điều tôi muốn thực hiện. Nếu tôi đã thấy trước tương lai của mình, tôi sẽ không thể cởi mở như vậy.
 
Tôi nghĩ rằng điều đó làm cho mọi việc trở nên dễ dàng, vui vẻ và thú vị hơn nhiều. Nó cũng giúp tôi sẵn sàng chấp nhận những người khác tham gia vào dự án của mình. Đó không phải là dựa trên tầm nhìn của người khác để thành công, mà tất cả mọi người có thể làm theo trái tim mình và hướng về một con đường".
 
Nguyệt Phong (BI)
 

Các kênh 4K sẽ bùng nổ vào năm 2025

Hiện nay, số lượng kênh độ nét cao 4K UHD chỉ chiếm khoảng 1 % trong tổng số các kênh truyền hình trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều báo cáo chỉ ra rằng, 2016 sẽ là năm bùng nổ về truyền hình độ nét cao 4K UHD.
 
 
 
Theo TV Technology, NSR vừa công bố trong tháng 3, việc khai thác các kênh truyền hình 4K UHD qua vệ tinh đến năm 2025 sẽ tăng lên với số lượng khoảng 785 kênh. Doanh thu hằng năm từ việc cho thuê băng thông cần thiết để hoạt động các kênh độ nét cao được dự đoán sẽ tăng lên 280 triệu USD.
Hiện nay, tại khu vực Đông Á đã tiến hành thương mại hóa các kênh truyền hình độ nét cao 4K được hơn 1 năm. Dự báo trong những năm tiếp theo, hầu hết tất cả các khu vực trên toàn thế giới sẽ có các kênh truyền hình 4K. Các khu vực đang phát triển dự kiến sẽ nhận được nội dung này vào cuối thập kỷ. Việc giảm giá của TV 4K cũng đang gia tăng sự quan tâm đến định dạng UHD, tạo ra một nhu cầu cao hơn về nội dung truyền hình độ nét cao.
 
 
Alan Crisp, nhà phân tích của công ty NSR và các tác giả của báo cáo trên cho biết: " Với sự gia tăng theo cấp số nhân, chúng tôi đã nhìn thấy trên các lô hàng TV 4K, giới thiệu các kênh và gói UltraHD là một chiến lược quan trọng để duy trì và phát triển dịch vụ truyền hình căn cứ theo thuê bao trong một môi trường ngày càng cạnh tranh. Ngoài ra, trong khi trong ngắn hạn DTH, truyền hình cáp và nền tảng IPTV sẽ cung cấp UHD "miễn phí" với các kênh cao cấp hiện có, UHD thời hạn dài hơn sẽ đạt được những nguồn doanh thu cao hơn được tạo ra bằng cách tăng ARPUs và mức thuê bao".
 
NSR là công ty hàng đầu về nghiên cứu thị trường và tư vấn cho công ty quốc tế với trọng tâm cốt lõi vào lĩnh vực truyền hình vệ tinh và các ngành công nghiệp liên quan khác. Được thành lập vào năm 2000, với một nhóm các nhà phân tích giàu kinh nghiệm, NSR chuyên nghiên cứu các cơ hội tăng trưởng trên bốn lĩnh vực chính: vệ tinh truyền thông, phát thanh truyền hình, ứng dụng mới nổi và không gian thương mại.
 
Hoàng Anh

Những sở thích nên phát huy để bạn thông minh hơn

 
“Âm nhạc tạo ra niềm vui mà con người không thể sống thiếu nó” – Ảnh minh họa: Shutterstock
 
Những sở thích như chơi nhạc, đọc sách, nấu nướng… có tác động tích cực tới bộ não. Dưới đây là 10 sở thích bạn nên thường xuyên phát huy để bạn thông minh và lanh lợi hơn:
1 – Chơi nhạc
 
Khổng Tử từng nói: “Âm nhạc tạo ra niềm vui mà con người không thể sống thiếu nó”. Chính bởi âm nhạc kích thích não bộ hoạt động với những cảm xúc và trạng thái tâm lý phức tạp. Bạn có thể chơi bất cứ loại nhạc cụ nào từ đàn guita, piano hay chỉ đơn giản là một chiếc sáo.
 
Theo Lifehack, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc kết hợp “2 trong 1” gồm nghe nhạc và chơi một loại nhạc cụ giúp tăng cường khả năng ghi nhớ. Bên cạnh đó, việc chơi một loại nhạc cụ cũng giúp bạn kiên trì và tập trung hơn.
 
2 – Đọc sách
 
Có thể xem đọc sách như một con đường dài mà đích đến cuối cùng là tăng cường trí thông minh của bạn thông qua những cuốn sách với các chủ đề khác nhau.
 
Không thể phủ nhận những lợi ích của việc đọc sách như giúp xả stress, trải nghiệm các cảm xúc và nâng cao kiến thức văn hóa… Tất cả các lợi ích trên sẽ khiến bạn cảm nhận tốt hơn về bản thân và trở thành nền tảng để làm việc hiệu quả, đạt được mục tiêu mà mình đề ra.
 
3 – Ngồi thiền
 
Thiền được xem là một sở thích của con người bởi nó đem lại nhiều lợi ích cũng như khơi dậy những cảm xúc của bản thân. Ngồi thiền giúp tăng cường được khả năng tập trung, giảm căng thẳng và lo lắng. Với trạng thái tĩnh tâm khi ngồi thiền, bạn có thể sẽ học hỏi, suy nghĩ và lên kế hoạch cho mọi việc một cách hiệu quả hơn.
 
Ngồi thiền thường xuyên, theo Newsweek, sẽ giúp bạn kiểm soát được bản thân nhằm cải thiện trí thông minh của bạn.
 
 
Ngồi thiền giúp bạn tĩnh tâm và tăng khả năng tập trung – Ảnh minh họa: Shutterstock
 
4 – Để não hoạt động cường độ cao
 
Cũng giống như việc tập luyện thể dục thể thao giúp cơ thể khỏe mạnh, bộ não của chúng ta cũng cần được vận động. Bạn có thể thực hiện việc này bằng cách tìm tòi những thách thức não bộ thông qua các phép tính, suy nghĩ hay kế hoạch nhằm duy trì được độ tinh nhuệ của não.
 
Bạn có thể rèn luyện bộ não bằng cách chơi các trò chơi như giải Sudoku, câu đố, giải câu hỏi… Tất cả các hoạt động này đề giúp não tiếp tục hình sự liên kết mới, hỗ trợ bạn trong việc đối phó với các tính huống một cách sáng tạo và hiệu quả hơn
.
5 – Tập thể dục
 
Một cơ thể khỏe mạnh sẽ tác động tích cực tới não bộ của bạn. Khi tập luyện thể dục thường xuyên, lượng máu lưu thông lên não nhiều hơn và giúp đầu óc của bạn làm việc hiệu quả. Bạn cũng sẽ có được giấc ngủ ngon, giảm được những căng thẳng trong cuộc sống nếu như cơ thể bạn được rèn luyện.
 
Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng những bài thể dục tim mạch thúc đẩy não sản sinh ra nhiều tế bào mới do đó hiệu suất tổng thể của não cũng được cải thiện hơn rất nhiều.
 
6 – Học một ngoại ngữ mới
 
Tuy điều này không dễ dàng với nhiều người nhưng thực sự việc học thêm một ngoại ngữ giúp bạn thông minh hơn. Trong quá trình học ngoại ngữ, bạn sẽ phải vận dụng trí não để phân tích cấu trúc ngữ pháp, học thêm từ mới. Điều này buộc não bộ phải vận động một cách tối đa do đó trí thông minh cũng được nâng cao.
 
Ngoài ra, theo Business Insider, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng khi học thêm ngoại ngữ, chất xám của não cũng được tăng lên nhờ việc “cọ xát” ngôn ngữ thường xuyên.
 
 
Học ngoại ngữ giúp trí óc thông minh hơn rất nhiều – Ảnh minh họa: Shutterstock
 
7 – Ghi lại cảm xúc của bản thân
 
Có vô số lợi ích từ việc bạn thường xuyên viết lách trong đó có sự gia tăng trí thông minh. Với thói quen, sở thích viết lại cảm xúc của mình, bạn có thể cải thiện khả năng ngôn ngữ, phát triển những kỹ năng như tập trung, sáng tạo và tưởng tượng
.
Theo Lifehack, các nhà văn thường là những người có trí thông minh cao nhất. Muốn rèn luyện việc viết lách, bạn có thể viết vào một cuốn sổ hay tạo một blog. Hãy ghi lại bất cứ điều gì bạn nghĩ, bạn tưởng tượng bởi việc thể hiện cảm xúc là một cách hay để trí thông minh của bạn được nâng cao.
 
8 – Đi du lịch
 
Đi du lịch không chỉ là một cách để bạn xua tan nỗi buồn chán mà còn giúp bạn tăng trí thông minh.
 
Việc đi du lịch bao giờ cũng đòi hỏi hai yếu tố là thể lực và tinh thần. Sự kết hợp của hai yếu tố đó sẽ nhanh chóng giúp bạn thoát khỏi căng thẳng. Lúc đó, bạn sẽ có thể tập trung vào việc quan sát và hiểu biết về các vấn đề quanh mình
.
Đặc biệt, việc đặt chân tới vùng đất mới chính là cơ hội để bạn tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán vùng miền. Hơn bao giờ hết, đây cũng là lúc bạn cần huy động bộ não của mình để có được những ý tưởng mà bạn chưa từng có bao giờ.
 
 
 Đừng ngần ngại mà hãy xách ba lô lên và đi – Ảnh minh họa: Shutterstock
 
9 – Nấu nướng
 
Nhiều người cho rằng nấu nướng là việc làm tốn thời gian nên có xu hướng né tránh. Tuy nhiên, thay vì kêu ca, bạn nên cảm thấy hạnh phúc khi được làm bạn với nhà bếp. Những người thường xuyên nấu ăn sẽ luôn tìm cách thể hiện sự sáng tạo của mình thông qua các món mới. Đó cũng là cách bày tỏ sự thông minh.
 
10 – Chơi thể thao
 
Nhiều chứng minh khoa học đã chỉ ra rằng các vận động viên hàng đầu thường có trí thông minh đặc biệt. Như đã nói ở trên, việc tham gia thường xuyên vào các hoạt động thể lực luôn có tác động tích cực tới não bộ. Bạn có thể chơi bất cứ môn thể thao nào bạn muốn như bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền… Tuy nhiên, hãy nhớ là chơi thường xuyên thì mới có thể nâng cao trí thông minh được.
 
Linh San-Théo Thanh niên online
 
 
 
 

Môi trường có thể biến đổi trí thông minh của học sinh

 
 
Ảnh chụp màn hình The Huffington Post
 
nghiên cứu mới đây cho thấy, can thiệp từ môi trường bên ngoài có thể tạm thời thúc đẩy trí thông minh của học sinh, theo The Huffington Post.
Con người là kết quả của một mạng lưới phức tạp của các tính trạng di truyền và yếu tố môi trường, vì vậy rất khó để xác định yếu tố nào chiếm ưu thế hơn. Nhưng một đánh giá từ nghiên cứu trên các cặp song sinh được công bố vào năm ngoái trên tạp chí Nature Genetics cho thấy, 49% các biến thể trung bình cho đặc điểm và bệnh tật của con người liên quan đến di truyền, trong khi 51% là do các yếu tố môi trường.
 
Trong khi các nhà khoa học tiếp tục tranh luận về ảnh hưởng giữa yếu tố di truyền tự nhiên và môi trường nuôi dưỡng, nhà tâm lý học tại Đại học California, Santa Barbara, đã tìm ra hướng khác khi nói đến trí thông minh. “Các nhà khoa học muốn phân tách giữa hai yếu tố trên nhưng trên thực tế trí thông minh là sự kết hợp của cả di truyền và môi trường tự nhiên, và điểm để đánh giá là kết quả nhận được cuối cùng”.
 
Sự can thiệp của môi trường có thể thúc đẩy trí thông minh của trẻ em, nhưng nó sẽ mang tính tạm thời, vì bản chất của con người và sự vật, hiện tượng luôn thay đổi và chỉ mang tính tương đối. “Nếu bạn thay đổi môi trường hay các tác nhân bên ngoài của trẻ, chúng có thể thích ứng. Nhưng một khi sự can thiệp đó thấp hơn hoặc mất đi thì nhiều khả năng trẻ sẽ thích ứng trở lại với cuộc sống ban đầu”, theo tiến sĩ tâm lý học John Protzko.
 
Kết quả trên cho thấy trí thông minh không phải nguyên nhân cho tất cả những gì các học sinh đạt được. Chúng ta có thể điều chỉnh các yếu tố bên ngoài môi trường để can thiệp vào việc đáp ứng nhu cầu cao hơn về khả năng của các em. Nhưng đó chỉ là thay đổi tạm thời, không thuộc về bản chất và không nên quá đặt nặng sự kỳ vọng lâu dài.
 
Phương Anh- Theo Thanh niên online
 

Tim ra cơ chế tái tạo phần cơ thể ở sa giông, có thể áp dụng vào con người?

Các nhà khoa học đã tìm ra lời giải thích hợp lý cho cơ chế tái tạo chi ở loài sa giông. Đây được coi là sẽ phát hiện mở đường cho nền y học phục hồi chỉnh hình
 
Hãy tưởng tượng bạn là một chú sa giông trong vài giây. Bạn sẽ có một ngày như một chú sa giông thật sự. Bất chợt, một kẻ ăn thịt nhạy bén bắt được và xé lìa phần chân của bạn. Dù có vẻ thoát được cái chết, câu chuyện nghe chừng có cái kết khá thảm khốc.
 
Nếu bạn là một loài thú có vú, viễn cảnh đó đúng là không hay chút nào. Tuy nhiên, với loài sa giông, đây chỉ là một ngày bình thường. Không như nhiều sinh vật khác trên thế giới, sa giông có khả năng đặc biệt giúp tái tạo lại các nhóm mô khi trưởng thành.
 
 
Khả năng tái tạo chi kì diệu của loài sa giông khiến giới khoa học kinh ngạc
Một tin tốt đến từ giới khoa học khi họ đã hiểu hoàn toàn cơ chế sinh học mang lại khả năng siêu việt đó. Một ngày không xa, đây được coi là tia hy vọng trong công tác tái tạo chi ở người.
 
Điểm khác nhau cơ bản giữa các loài thú và sa giông là khả năng tự chữa lành vết thương. Nếu bạn gặp một chấn thương, cơ thể của bạn sẽ hồi phục vết thương bằng cách tạo một lớp vảy quanh vùng miệng vết thương và dần dần chuyển thành các mô sẹo. Mặc dù cơ chế này hoạt động hiệu quả với các vết cắt và vết thương nhẹ, khả năng hồi phục các vết thương lớn là không thể.
 
Các tế bào ở loài sa giông thì trái ngược lại. Chúng có thể tái tạo bất cứ vùng mô bị tổn thương nào – từ nhãn cầu cho tới dây cột sống mà không để lại sẹo hay các vảy trên da. Từ lâu, quá trình này đã khiến các nhà khoa học hết sức kinh ngạc.
 
Nhóm nghiên cứu từ trường đại học Tsukuba tại Nhật Bản và đại học Dayton, Mỹ đã xác định thành công hai loại tế bào khác nhau tham gia trong quá trình tái tạo chi: tế bào bó cơ xương (SMFCs) và tế bào thân cơ (MPCs). Trong khi SMFCs tham gia trực tiếp giúp phát triển các cơ xương, MPCs được ví như “những kẻ lặng thầm” của tế bào bó cơ. Tuy nhiên, chúng có thể được kích thích để biến đổi thành các tế bào bó cơ dưới các tác nhân kích thích phù hợp.
 
Với những kiến thức thu được, các nhà khoa học đã quyết định nghiên cứu sâu hơn về vai trò của mỗi nhóm tế báo trong quá trình tái tạo.
 
 
Thời gian và quá trình tái tạo chân ở loài sa giông
 
Đầu tiên, họ chèn một đoạn gen vào phôi thai của sa giông giúp một loại protein chuyển sang màu đỏ khi SMFCs và MPCs hoạt động. Sau đó, họ cho phép những chú sa giông sinh trưởng đến giai đoạn con non (3 tháng) và giai đoạn trưởng thành hơn (16 tháng).
 
Tại thời điểm đó, các nhà nghiên cứu tiến hành cắt chân của sa giông (sa giông được tiêm thuốc mê trước khi cắt), trước khi quan sát hoạt động của SMFCs và MPCs khi các chi được tái tạo.
 
Cuối cùng, họ nhận thấy rằng MPCs chịu trách nhiệm phần lớn trong việc tái tạo chi ở nhóm sa giông non. “Thí nghiệm này chỉ ra rằng những nhóm cơ mới ở các mô tái tạo ấu trùng sa giông chủ yếu từ các tế bào thân cơ (MPCs), không phải tế bào bó cơ xương (SMFCs)", nhận định của nhóm nghiên cứu từ đại học Tsukuba.
 
Thú vị hơn, khi họ quan sát hoạt động của nhóm cơ bó xương với phần chân của những con sa giông trưởng thành hơn, các nhà nghiên cứu khám phá ra ra rằng chúng sẽ tạm thời thoái hóa đến trạng thái ban đầu với quá trình “phản phân hóa”. Quá trình phát triển tế bào của chúng bắt đầu lại từ đầu với việc phân bào và sản sinh ra nhiều các tế bào cơ hơn.
 
“Những ấu trùng sa giông sử dụng SMFCs cho các nhóm cơ mới với các phần chi được tái tạo, trong khi những con sa giông trưởng thành hơn sử dụng MPCs để hồi phục các chi”, theo giải thích của nhà nghiên cứu Hibiki Tanaka.
 
 
Liệu con người có thể làm chủ được cơ chế sinh học ấn tượng này?
 
“Sa giông đã chuyển cơ chế tế bào cho việc tái sinh các chi, từ cơ chế dựa trên tế bào thân đến cơ chế phản phân hóa”, đồng sự Chikafumi Chiba bổ sung ý kiến.
 
Giờ đây, các nhà nghiên cứu đã có những kiến thức nền tảng về một trong những khả năng đáng kinh ngạc nhất của động vật. Liệu con người có thể thực hiện được điều đó không? Sẽ còn nhiều nghiên cứu cần được tiến hành nhưng các nhà khoa học hy vọng rằng những phát kiến này sẽ giúp chúng ta hình dung ra khả năng phục hồi có thể được tiến hành trong tương lai không chỉ ở loài sa giông mà còn ở các sinh vật khác.
 
Minh Đức – Theo Trí Thức Trẻ 
 

“Ươm mầm” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp

 
Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp là con đường ngắn nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
 
Các chuyên gia nhận định, việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp là con đường ngắn nhất để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và rộng hơn là năng lực cạnh tranh quốc gia. Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2016 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức ngày 1.4, tâm điểm chú ý là làm thế nào để xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp dưới góc nhìn khoa học công nghệ.
 
Nhiều “mầm xanh” được vun đắp
 
Theo Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc, câu chuyện khởi nghiệp ở Việt Nam (VN) mới chỉ bắt đầu khoảng 10 năm trở lại đây với nhà đầu tư đầu tiên là một DN của Mỹ.
 
Tuy nhiên, hiện nay, theo khảo sát của PV, riêng trong lĩnh vực công nghệ, VN có khá nhiều chương trình ươm tạo ở nhiều quy mô, cung cấp cho các start-up một môi trường có chi phí thấp (hoặc miễn phí), hỗ trợ phát triển qua các giai đoạn huấn luyện, hướng dẫn với các cố vấn hoặc một số chương trình có đầu tư tiền mặt. Có thể kể đến như: Silicon Valley VN, dự án FIRST, Khu công nghệ cao Sài Gòn (SHTP), trung tâm công nghệ của Đại học Quốc gia VN…
 
Ngày 30.3 mới đây, trong khuôn khổ hội thảo Khởi động sáng kiến khởi nghiệp quốc gia diễn ra tại Hà Nội, Tập đoàn FPT và quỹ đầu tư dài hạn Dragon Capital Group đã ký thỏa thuận hợp tác về việc thành lập quỹ tăng tốc khởi nghiệp VN (VIISA). Mục đích của quỹ là đào tạo, đầu tư, hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mobile, Internet, tài chính để trở thành các DN thành công. Dự kiến trong quý II/2016, khóa đào tạo tăng tốc khởi nghiệp đầu tiên của VIISA sẽ chính thức bắt đầu.
 
Ông Tạc đánh giá, đây là những tín hiệu tích cực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của VN; từ đó nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của các DN, tăng cường sức mạnh của nền kinh tế.
 
Khó khăn lớn vẫn là vốn!
 
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN (Bộ KHCN), ngân sách cho hoạt động đầu tư mạo hiểm hiện vẫn chưa được phép.
 
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Trung Quỳnh – Phó Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc cho biết: “Trung tâm ươm tạo DN Công nghệ cao của Khu CNC Hòa Lạc hiện tại mới chỉ hỗ trợ cơ sở vật chất kỹ thuật, tư vấn pháp luật, kế hoạch kinh doanh và công nghệ… Tuy nhiên không có hỗ trợ về vốn vì cơ chế còn vướng, chủ yếu tiếp cận theo từng dự án một”.
 
Ông Quỳnh đánh giá: “Theo cơ chế hiện nay, việc xin Nhà nước cấp một khoản vốn để làm quỹ là hơi khó. Vì vậy, chúng tôi vẫn đang làm theo hướng tìm kiếm, huy động, kêu gọi các đơn vị lớn để cùng thành lập một quỹ để từ đó, thành lập mô hình ươm tạo DN. Điều này khả thi hơn là xin cơ chế của Nhà nước!”.
 
Ngoài ra, ông Phạm Hồng Quất cho biết, hiện nay Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Bộ KHĐT để chỉnh sửa đề án phát triển DN khởi nghiệp đã trình trong tháng 1. Về cơ bản, Văn phòng Chính phủ ủng hộ những nội dung mà Bộ KHCN đề xuất căn cứ trên ứng dụng nhu cầu của các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực KHCN.
 
Với nhu cầu bức thiết về nguồn vốn, chương trình đề xuất cơ chế liên kết trung tâm, kết nối hỗ trợ đầu tư trong nước và nước ngoài. Qua đó, khuyến nghị chính sách để các nhà đầu tư rót vốn và thoái vốn một cách thuận lợi. Liên quan đến cơ chế cho vấn đề này, Bộ KHĐT đang xây dựng dự thảo luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trong đó có một chương liên quan đến ươm tạo DN. Theo đó, việc hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm có thể có sự góp vốn của Nhà nước, hành lang pháp lý cũng cho phép các viện, trường học và DN quan tâm đều có thể đầu tư vào các DN start-up.
 
KHÁNH LINH

Mô hình “Khởi nghiệp tinh gọn” giúp Start up thu hút đầu tư hiệu quả

 
 
VTV.vn -" Khởi nghiệp tinh gọn" chính là giải pháp có thể giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp thu hút được nhà đầu tư, một mô hình mà các chuyên gia tư vấn thường hay nhắc tới.
 
Thương mại điện tử ngày càng phát triển; người dùng ngày càng mong muốn tiếp cận với những sản phẩm chất lượng với giá thành rẻ. Đây cũng là lý do dự án OlymSearch ra đời, một công cụ tìm kiếm dựa trên thông tin giá cả, khuyến mại hay tình trạng hàng hóa.
 
Để cạnh trạnh với rất nhiều website tìm kiếm khác, OlymSearch đã cải tiến tính năng tùy theo nhu cầu của người dùng – tiêu chí hàng đầu của công cụ tìm kiếm non trẻ này. Sau gần 2 năm hoạt động, đến nay, công cụ này đã thu hút được các nhà đầu tư cũng như liên kết được nhiều doanh nghiệp tham gia. Thành công của OlymSearch cũng cho thấy hiệu quả của mô hình “Khởi nghiệp tinh gọn”.
 
“Khởi nghiệp tinh gọn” không có nghĩa là cắt giảm nhân sự, hạn chế vốn đầu tư mà chính là hiệu quả của dự án khởi nghiệp. Thay vì "đổ" thời gian, công sức vào những dự án tốn kém, việc xuất phát từ dự án nhỏ, từng bước thay đổi theo nhu cầu thị trường sẽ đảm bảo sự thành công bền vững hơn cho doanh nghiệp.
 
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Edward Snowden ‘bày kế’ tự bảo vệ trên internet

Khi truy cập internet, dữ liệu trên thiết bị của bạn có thể đang nằm trong tầm ngắm của bất kỳ ai: từ các hacker, những kẻ phá hoại đến cả chính phủ. Do đó, bạn nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản.
 
Theo Business Insider, trong cuộc phỏng vấn với The Intercept, Edward Snowden (cựu nhân viên kỹ thuật CIA của Mỹ) đã đưa ra một vài cách đơn giản nhưng hiệu quả để mọi người có thể bảo vệ thông tin cá nhân trước đầy rẫy những hiểm họa trên internet. 
 
 Những lời khuyên của Edward Snowden giúp bảo vệ thông tin cá nhân tốt hơn.
 
 
Ảnh Việt hóa từ Business Insider
 
 
Thanh Tâm
 

Cuộc chiến tỷ đô giữa Thung lũng Silicon và các trường đại học

Các trường đại học đang phải khốn đốn với việc giữ chân những chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) của mình trước sự lôi kéo của Thung lũng Silicon.
 
Chiến thắng của phần mềm máy tính AlphaGo trước nhà vô địch cờ vây thế giới Lee Se-dol đã cho thấy con người có nguy cơ bị máy móc vượt mặt về khả năng trí tuệ. Tuy nhiên, một cuộc chiến cam go không kém cũng đang diễn sau hậu trường khi các công ty tìm cách chiêu mộ những chuyên gia AI sáng giá nhất. Các gã khổng lồ công nghệ như Google, Facebook, Microsoft và Baidu đang chạy đua để phát triển các trung tâm AI của mình. Công ty dữ liệu Quid cho biết trong năm ngoái, các đại gia này đã chi 8,5 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu, thâu tóm và tuyển dụng trong lĩnh vực AI. Con số này lớn gấp bốn lần thời điểm năm 2010.
 
Trong quá khứ, các trường đại học thường là nơi tuyển được những chuyên gia AI giỏi nhất. Giờ đây, các công ty công nghệ đang công phá các khoa robot và máy học để cướp lấy những giảng viên và sinh viên ưu tú nhất, mời chào họ với mức lương hậu hĩnh chẳng kém các vận động viên chuyên nghiệp là bao.
 
 
Năm ngoái, Uber đã tuyển dụng 40 trong số 140 nhân viên của Trung tâm kỹ thuật robot quốc gia trực thuộc đại học Carnegie Mellon, và thành lập một bộ phận chế tạo xe tự lái mới. Điều này đã làm đại học Carnegie Mellon ngỡ ngàng vì trước đó Uber đã cam kết cấp tiền nghiên cứu và không lôi kéo nhân viên của trường. Các công ty khác cũng đang tìm kiếm tài năng một cách thầm lặng nhưng không kém phần quyết liệt. Động thái này của các công ty công nghệ làm giới học thuật không khỏi bàng hoàng. “Tôi không thể thuyết phục các sinh viên của mình ở lại trường”, Pedro Domingos, giáo sư chuyên ngành máy học ở đại học Washington nói. Bản thân ông cũng đang bị nhiều công ty công nghệ chèo kéo. “Các công ty đang tìm cách chiêu mộ sinh viên của tôi ngay cả khi chúng chưa tốt nghiệp”, ông than thở.
 
Các chuyên gia máy học là những người bị săn lùng gắt gao nhất. Các công ty công nghệ sử dụng tài năng của họ cho nhiều mục đích, từ các công việc đơn giản như lọc spam và gợi ý quảng cáo cho đến các lĩnh vực cao siêu như xe tự lại hoặc quét hình ảnh để chẩn đoán bệnh. Nếu các công ty muốn phát triển công nghệ trợ lý ảo hoặc tìm kiếm bằng hình ảnh, họ phải dựa vào các tiến bộ trong lĩnh vực máy học.
 
Sự quan tâm của các công ty công nghệ đã biến một sự kiện mang tính học thuật thuần túy như Hội nghị về hệ thống xử lý thông tin thần kinh thành trung tâm môi giới việc làm trong lĩnh vực AI. Những người tham gia hội nghị này không chỉ đến để học hỏi kiến thức mà còn để lọt vào mắt xanh của các đại gia công nghệ. Số người tham gia hội nghị đã tăng gấp 3 kể từ năm 2010, lên 3.800 người trong năm ngoái.
 
 
Không phải lúc nào các công ty công nghệ cũng chú ý và đầu tư nhiều cho lĩnh vực AI. Lĩnh vực này đã bị bỏ bê trong thập niên 1980 và 1990 khi các thành quả về AI không đạt được như kỳ vọng. Cơn sốt máy học hiện tại chỉ bùng nổ khi Google bắt đầu có những động thái tập trung phát triển AI. Trong năm 2014, Google đã mua DeepMind, start-up đứng đằng sau chiến thắng vang dội của máy tính trước nhà vô địch cờ vây thế giới Lee Se-dol. Cái giá của thương vụ này được cho là vào khoảng 600 triệu USD. Cũng trong khoảng thời gian này, Facebook đã thành lập một phòng thí nghiệm chuyên về AI và tuyển một giáo sư của đại học New York để điều hành việc nghiên cứu.
 
Các công ty đem lại cho nhà nghiên cứu cơ hội đưa sản phẩm của mình ra thị trường một cách nhanh chóng, điều mà họ rất thích. Làm việc cho các doanh nghiệp cũng giải phóng cho các nhà nghiên cứu khỏi nỗi lo thường trực về vấn đề kinh phí. Andrew Ng, trưởng bộ phận nghiên cứu AI của gã khổng lồ Internet Baidu, người từng làm giảng viên toàn thời gian ở đại học Stanford cho biết, các công ty công nghệ đem lại hai điều đặc biệt hấp dẫn: nền tảng máy tính mạnh và cơ sở dữ liệu lớn. Đây là hai yếu tố quan trọng trong nghiên cứu máy học.
 
Sự nhiệt tình của các công ty nghe có vẻ tốt cho tất cả nhưng lại có thể gây ra những hệ lụy tiêu cực. Các trường đại học, vốn không thể đưa ra mức lương cạnh tranh bằng doanh nghiệp, sẽ bị tổn hại nếu các tài năng sáng giá dứt áo ra đi hoặc xao lãng việc giảng dạy do cộng tác với các công ty công nghệ. Các quốc gia cũng sẽ theo đó mà bị ảnh hưởng. Hầu hết các công ty công nghệ lớn có trụ sở ở Mỹ. Những nước như Canada, nơi có lĩnh vực AI rất phát triển có thể bị thất thoát chất xám nếu các tài năng của họ chạy sang quốc gia láng giềng.
 
Một nguy cơ khác là việc các chuyên gia AI chỉ tập trung ở một số ít các công ty. Các công ty công nghệ thường hứa hẹn công khai các nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, họ sẽ không đời nào chia sẻ những nghiên cứu có khả năng đem lại nhiều lợi nhuận. Nhiều người lo ngại rằng Google, công ty đi đầu trong lĩnh vực này, có thể tạo dựng thế độc quyền trí tuệ. Các chuyên gia so sánh động thái săn lùng tài năng trong lĩnh vực AI của Google giống như việc chính phủ Mỹ tập trung các nhà khoa học trong dự án chế tạo bom nguyên tử Manhattan.
 
 
Mối đe dọa của việc một công ty duy nhất có quá nhiều ảnh hưởng trong lĩnh vực AI đã khiến một số ông trùm công nghệ như Elon Musk của Tesla cam kết dành 1 tỷ USD cho dự án phii lợi nhuận OpenAI. Dự án này cam kết công khai các nghiên cứu mình và đóng vai trò làm cầu nối giữa hoạt động nghiên cứu của các trường đại học với việc ứng dụng trong doanh nghiệp.
 
Vẫn còn nhiều tranh cãi về việc các công ty công nghệ có khả năng thúc đẩy tiến bộ trong lĩnh vực AI tốt hơn các trường đại học hay không. Andrew Moore, trưởng khoa khoa học máy tính của đại học Carnegie Mellon lo ngại rằng các trường đại học sẽ thiếu giảng viên để truyền thụ kiến thức cho sinh viên, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nhà nghiên cứu trong tương lai. Ngoài ra, khi ngày càng ít người làm công tác nghiên cứu thuần túy, chia sẻ ý tướng công khai hoặc tiến hành các dự án trong thời gian dài, các đột phá trong lĩnh vực AI sẽ khó có thể đạt được.
 
Tuy nhiên, nguy cơ trên chưa chắc đã thành hiện thực. Cơn sốt đầu tư của các đại gia công nghệ vào AI sẽ khuyến khích nhiều sinh viên mới theo đuổi lĩnh vực này. Và các công ty công nghệ có thể giúp phát triển thêm nhiều tài năng bằng cách cấp học bổng hoặc kinh phí nghiên cứu cho các trường đại học. Các công ty công nghệ có đủ tiền và động lực để làm điều này. Ở Thung lũng Silicon, tài năng chứ không phải tiền mới là thứ quý giá nhất.
 
Tham khảo: economist