Tương lai khó khăn của điện hạt nhân ở châu Âu

Dù giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện năng ở châu Âu nhưng điện hạt nhân vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như nguồn tài chính để xử lý vấn đề lão hóa nhà máy, rủi ro về an ninh…
 
Thảm họa Chernobyl vào ngày 26/4/1986 khiến quá trình phát triển của điện hạt nhân trên thế giới nói chung và châu Âu nói riêng phải chuyển hướng. Tai nạn này là nguyên nhân dẫn đến những cuộc tranh cãi về điện hạt nhân, và làm phá sản nhiều dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân khác. Tuy nhiên có một thực tế là  nhiều quốc gia châu Âu vẫn còn kiên trì theo đuổi điện hạt nhân và  các lò phản ứng trên khắp châu Âu đang trong quá trình lão hóa. Dẫu sao người ta không thể phủ nhận rằng, một phần ba điện năng tiêu thụ trên toàn châu Âu là  từ các nhà máy điện hạt nhân như một báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
 
Áp lực tài chính
 
Theo báo cáo về tình hình sản xuất điện hạt nhân thế giới, trong năm 2015 chỉ còn 128 lò phản ứng vẫn còn hoạt động ở châu Âu, khoảng một nửa trong số đó (58 lò phản ứng) thuộc về Pháp. 
 
Hiện hai nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng do công ty điện lực Areva (Pháp) đảm trách ở Pháp và Phần Lan – lần lượt khởi công vào năm 2005 và 2007 – sẽ không hoàn thành trước năm 2018, thời gian mà chúng có thể lập tức đưa vào vận hành.
 
Theo ước đoán ở thời điểm hiện tại, kinh phí xây dựng các nhà máy này đang bị đội giá gấp ba lần so với dự toán, tức là vào khoảng 9 tỷ eueo (tương đương 10 tỷ đô la) mỗi nhà máy.
 
Dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C ở Anh cũng đang phải đối mặt với vấn đề như gia tăng kinh phí xây dựng, khó khăn về tài chính đầu tư và trì hoãn kế hoạch xây dựng.
 
Tương tự, nhà máy điện hạt nhân Flamanville, Pháp, cũng sẽ khó có thể hoàn tất trước năm 2018. Công ty điện lực Pháp EDF trong vòng 8 năm qua chưa bán thêm được bất kỳ nhà máy điện hạt nhân nào, vì vậy nếu không giành được hợp đồng xây dựng nhà máy Areva thì EDF ắt hẳn sẽ phải đối mặt với khả năng phá sản.
 
Khi tính toán chi phí cho việc ngừng vận hành nhà máy điện hạt nhân và quản lý vấn đề chất thải phóng xạ từ các nhà máy này vào năm 2050, Ủy ban châu Âu EC đưa ra con số 268 tỷ euro. Một nghiên cứu từ European Parliament Greens đã tiết lộ, thậm chí con số này có thể lên tới 485 tỷ euro. 
 
Theo EU, các công ty điện lực chỉ tài trợ 150 tỷ euro trong tổng số chi phí này.
 
Xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới
 
 
Lược đồ hiển thị tình hình các lò phản ứng hạt nhân mới xây dựng (đường màu xanh) và ngừng vận hành (đường màu đỏ) ở châu Âu.
 
Ba quốc gia thành viên châu Âu – Phần Lan, Pháp và Slovakia – hiện đang tiến hành xây dựng những nhà máy điện hạt nhân mới. Nhưng tất cả các dự án này đều đang cùng chung hoàn cảnh là phải chịu việc đội giá xây dựng và trì hoãn lịch xây dựng – dù cho việc xây dựng các lò phản ứng ở Slovakia đã bắt đầu từ năm 1986.
 
Đến năm 2030, số lượng các nhà máy điện hạt nhân sẽ được tăng lên ở Bulgaria, Czech, Phần Lan, Pháp, Hungary, Lithuania, Ba Lan và Anh – theo tính toán của tổ chức Năng lượng nguyên tử thế giới (World Nuclear Association) dựa trên số nhà máy điện hạt nhân được cấp phép và đề xuất.
 
Nhưng để vận hành các lò phản ứng cũ được an toàn, cơ sở hạ tầng của các lò phản ứng này cần  được nâng cấp, Frank Peter, đại diện Prognos ở Berlin, một công ty tư vấn kinh tế có trụ sở đặt tại Thụy Sỹ, cho biết. Những lò phản ứng đang có tại châu Âu đều có tuổi thọ 30 năm, và vòng đời của chúng vào khoảng 30 đến 35 năm.
 
Peter tin tưởng rằng, việc nâng cấp các lò phản ứng già lão không khả thi về mặt tài chính. "Để mỗi nhà máy điện hạt nhân cũ làm ra điện năng trong điều kiện an toàn hạt nhân tương ứng theo công nghệ nhà máy, cần phải đầu tư khoảng 3 đến 4 tỷ euro cho việc nâng cấp," Peter cho DW biết.
 
Cũng vì vấn đề áp lực tài chính, một lò phản ứng ở Thụy Sỹ và 4 lò phản ứng ở Thụy Điển sẽ phải ngừng vận hành vào năm 2020, sớm hơn dự kiến, chuyên gia về năng lượng nguyên tử Mycle Schneider giải thích.
 
Tăng cường công suất điện hạt nhân
 
 
Lược đồ biểu thị mạng lưới các lò phản ứng được tăng cường công suất sản xuất điện năng.
 
128 lò phản ứng hạt nhân đang được vận hành thuộc 14 trong số 28 quốc gia thành viên EU cung cấp hơn 1/4 lượng điện tiêu thụ ở toàn châu Âu, theo công bố của Tổ chức  Năng lượng nguyên tử thế giới (WNA).
 
Tổ chức này cho biết, các lò phản ứng khắp châu Âu đang không ngừng tăng cường hơn nữa công suất sản xuất điện năng của mình, trong đó có các lò ở Bỉ, Thụy Điển, Đức. Công suất điện hạt nhân của 5 lò phản ứng tại Thụy Sỹ đã được gia tăng thêm 13%; Tây Ban Nha đang lên kế hoạch tăng lên 13%; Phần Lan đã đưa khả năng này lên con số 29% kể từ những năm 1980.
 
Con số của IAEA chứng tỏ điện hạt nhân vẫn chiếm 76% tổng số sản xuất điện năng của Pháp, 56% ở Slovakia; 53% ở Hungary; 38% ở Bỉ.
 
Dẫu sao IAEA cũng chỉ ra rằng, mạng lưới công suất điện hạt nhân của EU đã giảm xuống từ năm 2000.
 
Các nhà lập pháp đang tìm cách giới hạn việc sản xuất điện hạt nhân bằng việc cố gắng tập trung vào năng lượng tái tạo. Tại Pháp, nơi điện hạt nhân chiếm 3/4 nhu cầu điện năng của đất nước, một bộ luật mới được chấp thuận vào mùa thu 2015 nhằm mục tiêu hạn chế sự lệ thuộc vào điện hạt nhân và giảm tỷ lệ này xuống 50% vào năm 2025.
 
Cuộc chiến cho tương lai
 
Trong các cuộc tranh luận về các nhà máy điện hạt nhân mới, các công dân và chính trị gia đang lên tiếng về hiểm họa tiềm năng ở các lò phản ứng cũ. Các nhà máy điện hạt nhân hiện thời ở châu Âu đang được kêu gọi đóng cửa, và có thể còn là mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố.
 
Theo một cuộc điều tra gần đây ở Đức, 85% nhà máy điện hạt nhân trên  45 tuổi đời được cho là có khả năng xảy ra thảm họa tương tự như Chernobyl. "Con người đã nhận thức ra sự rủi ro hiện hữu từ những nhà máy điện hạt nhân già lão tại Đức và một số quốc gia láng giềng", Tobias Münchmeyer, thành viên của tổ chức Greenpeace, cho biết.
 
Những thách thức đối với điện hạt nhân trong lòng châu Âu sẽ dẫn đến sự sụt giảm về khả năng cung cấp điện năng trong tương lai, tổ chức World Nuclear Association đã kết luận báo cáo bằng nhận định này.
 
Thanh Nhàn tổng hợp từ DW.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *