Ngại nói thẳng và né tranh luận

Hiện nay, những yếu kém ở các hội đồng xét duyệt đề cương và thẩm định đề tài được cho là làm hạn chế đáng kể chất lượng nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội (KHXH). Để tìm nguyên nhân của tình trạng này, phóng viên Tia Sáng đã phỏng vấn PGS.TS. Vương Xuân Tình (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).
 
PGS.TS. Vương Xuân Tình.
 
PV: Lâu nay trong giới khoa học đã có không ít ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân chính khiến nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH còn hạn chế là do chất lượng của các hội đồng phê duyệt, thẩm định. Ông có đồng tình với ý kiến đó?
 
PGS.TS Vương Xuân Tình: Có thể nói rằng các quy định hiện nay về việc lựa chọn thành viên hội đồng từ xét duyệt đề cương tới thẩm định chất lượng đề tài là khá chặt chẽ. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều khi các quy định này không được tuân thủ dẫn tới việc không đảm bảo chất lượng các hội đồng.
 
Điều này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, số lượng chuyên gia thực sự ở mỗi ngành trong KHXH hiện nay quá ít, và họ cũng rất bận nên nhiều khi không thể tham gia các hội đồng của các cơ quan chủ trì nghiên cứu. Khi đó, cơ quan chủ trì sẽ chọn các thành viên khác có chất lượng thấp hơn. Như vậy, việc chọn chuyên gia cho Hội đồng cũng chỉ mang tính tương đối, khó có thể chặt chẽ.
 
Về chủ quan, hiện nay có tâm lý chung, không chỉ của các chủ nhiệm đề tài mà thậm chí cả cơ quan chủ trì nghiên cứu là thường muốn đề tài được nhận xét tốt, nghiệm thu một cách suôn sẻ. Ít ai muốn một đề tài bị phê phán nhiều và xét “không đạt”, để rồi cả chủ nhiệm đề tài và cơ quan chủ trì đều bị “mang tiếng”. Người ta rất sợ “mang tiếng” và nhìn chung là ngại sự có mặt của những chuyên gia “gai góc” trong hội đồng xét duyệt đề tài của mình/cơ quan mình.
 
Ngoài nguyên nhân chủ quan đó, tôi được biết không ít các hội đồng có tình trạng nhiều thành viên được mời từ các chuyên ngành quá xa với đề tài được thẩm định, ví dụ: nhà khoa học lịch sử, kinh tế đánh giá một đề tài nhân học hoặc xã hội học. 
 
Thành phần các chuyên gia từ nhiều chuyên ngành khác nhau còn tuỳ thuộc vào tính chất của đề tài nghiên cứu. Những hội đồng thẩm định kế hoạch, dự án hoặc đề tài có tính chất liên ngành thì cần chuyên gia liên ngành. Tuy nhiên, với các hội đồng đánh giá đề tài có tính chuyên môn sâu, sự có mặt của nhà khoa học có “vị trí” nhưng không có chuyên môn về lĩnh vực đó sẽ không thể mang lại đánh giá xác đáng. 
 
Ví dụ như trường hợp Quỹ Nafosted, chỉ cần căn cứ vào từng đề tài cụ thể cần thẩm định để yêu cầu thành lập hội đồng một cách linh hoạt chứ không nên yêu cầu chỉ những người có trong danh sách các Hội đồng khoa học của Quỹ mới được thẩm định đề tài. Những người không có chuyên môn sâu sẽ không thể đưa lại đánh giá chuẩn xác. Ở những đề tài mà chuyên gia trong hội đồng của Nafosted không có kinh nghiệm, nên tư vấn cho Quỹ tìm thêm chuyên gia chuyên ngành hẹp đó để nhận xét đề tài.
 
Bên cạnh đó, một số cơ quan chủ trì nghiên cứu còn có xu hướng chọn vào hội đồng những người có “chức sắc” như Viện trưởng, Phó Viện trưởng do tâm lý muốn “oai”, và cảm thấy không được “đảm bảo” nếu trong hội đồng chỉ toàn những chuyên gia dù có chuyên môn sâu nhưng không có “chức sắc” gì. Nhưng khi người ta thiên về chọn những người có “chức sắc” như thế thì những chuyên gia thực sự lại ít được mời. 
 
Còn có một thực tế là, các hội đồng KHXH chủ yếu chỉ có những “cây đa cây đề” mà vắng mặt các nhà khoa học trẻ có chuyên môn trong các hội đồng KHXH? 
 
Điều này là có. Hiện nay chuyên gia trong nước được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, gồm: trong nước, từ các nước Liên Xô – Đông Âu (cũ), và một số mới đào tạo từ phương Tây về. Trong số này, nhiều chuyên gia từ phương Tây về vẫn được coi là “trẻ, ít kinh nghiệm”, còn ít được mời vào các hội đồng. Trong khi đó, nhiều người được mời lại là các nhà khoa học đã có tuổi (khoảng 60 – 70), có người hạn chế về ngoại ngữ và tin học, dẫn tới việc khó có khả năng cập nhật thông tin khoa học trong và ngoài nước.
 
Các hội đồng khoa học nên bổ sung đội ngũ các nhà khoa học trẻ được đào tạo từ phương Tây, kết hợp với các chuyên gia nhiều kinh nghiệm (xin nhấn mạnh lần nữa là những chuyên gia thật sự). Cần có sự kết hợp này vì các nhà nghiên cứu trẻ được đào tạo bài bản ở phương Tây về sẽ có tri thức, lý thuyết tốt nhưng do phần lớn thời gian tu nghiệp nước ngoài nên khi mới trở về phải có điều kiện hội nhập để có nhiều trải nghiệm phù hợp với điều kiện thực tế ở trong nước.
 
Như vậy, ai là người phải chịu trách nhiệm về chất lượng các hội đồng khoa học nói chung và các hội đồng KHXH nói riêng?
 
Các cơ quan chủ trì đề tài, mà trước hết người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về chất lượng đề tài và chất lượng các hội đồng vì chính cơ quan đó mời chuyên gia để thành lập hội đồng. Bên cạnh đó, bản thân chuyên gia được mời cũng phải có trách nhiệm đề cao tinh thần nghiêm túc như một yếu tố sống còn của danh dự trong khoa học.
 
Xin lấy ví dụ, cách đây năm năm, lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Viện Nam đã có một quyết tâm cao trong đổi mới môi trường học thuật bằng cách đề ra quy định mời nhiều nhà khoa học ngoài Viện vào các hội đồng đánh giá, đồng thời sẽ không mời những thành viên nào nhận xét “ba phải” tiếp tục vào các hội đồng sau. Tuy nhiên, quyết tâm của người đứng đầu cơ quan quản lý khoa học sẽ khó có tác dụng lớn nếu không có thêm sự nỗ lực từ chính các nhà khoa học. Điều này liên quan đến tâm lý, văn hoá khoa học mà tôi vừa nhắc đến ở trên: họ không dám nói thẳng nói thật, ngại tranh luận, phê phán đánh đổ các đề tài khoa học yếu kém của đồng nghiệp. Lâu quá rồi thành trì trệ. Rồi cứ nể nang nhau mãi…
 
Vậy theo ông, để khắc phục những tồn tại trên cần có những giải pháp chủ yếu nào?
 
Về tổ chức hội đồng, phải có chế tài đảm bảo tuân thủ chặt chẽ tất cả các quy định hiện hành. Đồng thời, từ kinh nghiệm của quốc tế, nên bổ sung thêm một số yêu cầu sau:
 
Thứ nhất là phản biện độc lập. Cách làm này giống với peer review của các tạp chí quốc tế. Mỗi đề tài khoa học cần phải có ít nhất hai ý kiến phản biện độc lập từ hai chuyên gia có chuyên môn sâu. Nếu chưa làm được ở tất cả các đề tài khoa học, trước hết nên ưu tiên thực hiện ở các đề tài cấp Nhà nước rồi tiến tới cấp Bộ.
 
Thứ hai là yêu cầu tất cả các đề tài phải có hội thảo để trình bày kết quả nghiên cứu đồng thời đăng online toàn văn (trừ những nghiên cứu được cho là bí mật quốc gia). Đồng thời công khai cả danh sách các thành viên hội đồng cùng với tóm tắt danh mục các công trình khoa học (bao nhiêu nghiên cứu, công bố trong nước và quốc tế, bao nhiêu lượt trích dẫn) có liên quan tới đề tài họ thẩm định.
 
Việc công bố công khai các nghiên cứu khoa học còn đem lại một “chất men xúc tác” cho các nhà nghiên cứu, những người có quan tâm chuyên môn khác khi cùng đọc, thảo luận về những đề tài có giá trị. Tranh luận đó sẽ trở thành kích thích tố cho các nhà nghiên cứu khác tiếp tục làm nghiên cứu phản biện hoặc kế thừa; đồng thời cũng góp phần khắc phục tình trạng hàng trăm, hàng nghìn đề tài xếp ngăn kéo như hiện nay và người ta không hề biết các nhà khoa học đó đã sử dụng đồng thuế của dân vào việc gì cả.
 
Xin chân thành cảm ơn ông!
 
Phải nói thẳng là hiện đang có rất nhiều kiến nghị vô thưởng vô phạt, chung chung, kém giá trị và không thể áp dụng được. Vì những kiến nghị ấy xuất phát từ các nghiên cứu chất lượng không tốt, nhà nghiên cứu đã không áp dụng triệt để cả về lý thuyết, phương pháp, công cụ và không dành tâm huyết trong quá trình triển khai nghiên cứu.
Nhưng ngược lại, đối với các kiến nghị có giá trị, rất tâm huyết, tôi cũng đặt câu hỏi liệu các cơ quan quản lý khoa học có đủ năng lực tổng hợp, khái quát, chắt lọc và tiếp thu kiến nghị hay không? Họ bắt buộc phải là “chuyên gia của chuyên gia” để hiểu được giá trị của các kiến nghị tâm huyết và biết rằng làm sao để sử dụng được các kiến nghị này. Thông thường hiện nay kiến nghị rất ít khi lên được tới cơ quan quản lý nhà nước và nếu có thì việc tiếp thu, xem xét giải quyết cũng rất chậm.
 
                                           
 
Thu Quỳnh thực hiện

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *