Người trẻ tuổi nhất trong danh sách của Forbes châu Á

 "Tôi cảm thấy rùng mình mỗi khi nghĩ đến việc tôi sẽ chết mà không làm được bất cứ điều gì cho đời" – Rika Shiiki, người trẻ nhất trong danh sách của Forbes châu Á, cho hay.
Mới đây, Rika Shiiki (18 tuổi) đã trở thành người trẻ nhất trong danh sách những gương mặt tiêu biểu dưới 30 tuổi trong lĩnh vực truyền thông, marketing và quảng cáo tại châu Á do tạp chí danh tiếng Forbes bình chọn.
 
Theo Japan Times, Rika là một trong số ít những bạn trẻ có đi tư tưởng đi ngược lại với "Satori no Sedai" (hay còn gọi là thế hệ bỏ cuộc, từ dùng để miêu tả những người trẻ sinh ra vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế, sống không ước mơ, sợ mạo hiểm, miễn cưỡng chìm đắm trong những mối quan hệ lãng mạn). 
 
 
Rika Shiiki là người trẻ nhất trong danh sách những gương mặt tiêu biểu dưới 30 tuổi của lĩnh vực truyền thông, marketing và quảng cáo do Forbes châu  Á bình chọn.
Từ khi mới 12 tuổi, cô bé Rika đã mơ ước về một công ty của riêng mình. Nhờ sự giúp đỡ của cha và nỗ lực của bản thân, tháng 2/2013, nữ sinh thành lập AMF – một startup được vận hành hoàn toàn bởi các cô gái trong độ tuổi thanh thiếu niên. Cho đến nay, AMF được biết đến là công ty tư vấn cho các doanh nghiệp (chủ yếu là nhà sản xuất bánh kẹo và nơi kinh doanh dịch vụ karaoke) về chiến lược tiếp thị và quảng bá sản phẩm cho nhóm đối tượng là các nữ sinh trung học. 
 
Trong một cuộc phỏng vấn với Ignition, Rika cho hay: "Tôi bắt đầu có mong muốn làm một điều gì đó vào năm thứ nhất của cấp trung học cơ sở. Khi đó, những điều tôi muốn thực hiện nhiều đến mức tôi nghĩ rằng, một cuộc đời là không đủ. Ý nghĩ khởi nghiệp bắt nguồn từ lời gợi ý của cha tôi. Ông nói rằng, một startup tương tự một doanh nghiệp, tại đó, tôi có thể làm rất nhiều công việc khác nhau. Đối với tôi, ý tưởng đó thật hoàn hảo".
 
Sau đó, cũng với sự gợi ý của cha, Rika đã nhờ công chứng viên giải quyết những thủ tục, giấy tờ để thành lập doanh nghiệp. Nữ sinh khởi nghiệp với số vốn ban đầu khoảng 3.900 USD có được bằng việc tiết kiệm tiền ăn và số tiền vay có giấy ghi nợ từ cha. 
 
Theo Rika, độ tuổi thanh thiếu niên, hay tuổi trẻ, chính là thế mạnh cạnh tranh của cô. Với phong cách tiếp thị độc đáo, Rika đã tư vấn cho các công ty lớn của Nhật Bản về các chiến lược nghiên cứu, sản xuất và phát triển sản phẩm. Trong lĩnh vực marketing, nữ sinh được mệnh danh là “người lắng nghe tiếng nói của các cô gái trên khắp Nhật Bản”.
 
Danh tiếng của cô gái 18 tuổi cũng bắt đầu lan rộng ra cả nước ngoài. Theo Ignition, một nhà quan sát nói rằng: “Tại thung lũng Silicon, Rika được coi là nữ doanh nhân trẻ ấn tượng và có nhiều triển vọng". 
 
 
Trong cuộc phỏng vấn, khi nói tới động lực để kinh doanh, Rika khẳng định, cha cô (Ryuta Shiiki, chủ một công ty sản xuất đèn flash hoạt hình nổi tiếng có tên DLE Inc) là nguồn cảm hứng lớn nhất. 
 
Cô hồi tưởng: "Đối với tôi, cha là con người vô cùng đáng kính. Cha không bao giờ nói xấu người khác. Ông luôn lịch sự và thoải mái. Với tôi, ông là một người cha, một doanh nhân, một CEO tuyệt vời. 
 
Khi tôi mới 4 tuổi, cha tôi đã bỏ việc tại một tập đoàn lớn để thành lập công ty riêng. Từ đó cho tới khi tôi học tiểu học, ông luôn làm việc ở nhà. Mỗi khi ngắm nhìn cha, tôi luôn nghĩ rằng ‘công việc’= ‘vui vẻ’. Vì thế, tôi có những ý tưởng tích cực về công việc ngay từ đầu.
 
Không chỉ vậy, những cuộc trò chuyện giữa hai cha con cũng có ảnh hưởng lớn tới tôi. Mỗi sáng, khi chở tôi đi học, cha thường hỏi: 'Hôm nay con ước mơ làm điều gì?'
 
Bởi thế, mỗi ngày, tôi đều nói với cha về những ước mơ của tôi như 'con muốn trở thành người bán hoa', 'con muốn làm diễn viên' và rất nhiều điều nữa.
 
Cha tôi không bao giờ chê bai, hay phản đối bất cứ ước mơ nào của con gái. Tôi thấy biết ơn ông vì điều đó. Nhờ cha, tôi có thói quen tự hỏi về ước mơ trong tương lai. Thói quen đó vẫn còn đến bây giờ". 
 
Tình cảm và sự ngưỡng mộ đối với cha còn được thể hiện qua cách mà Rika đặt tên cho công ty của mình. AMF là từ viết tắt của  Appreciation, Modesty, and Full-power (tạm dịch: Sự thấu hiểu, tính khiêm tốn và sức trẻ). Đây chính là triết lý sống của ông Ryuta Shiiki. 
 
 
Nữ sinh trung học là chủ sở hữu AMF, công ty tư vấn về tiếp thị những sản phẩm dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên. 
 
Sự thành công ở độ tuổi trung học không đến một cách dễ dàng. Rika chia sẻ: "Xây dựng danh tiếng là thử thách lớn nhất mà tôi phải vượt qua kể từ khi thành lập công ty. Khi mới thành lập công ty, mọi việc diễn ra rất dễ dàng. Bởi công chứng viên đã giúp tôi hoàn thành các loại giấy tờ cần thiết tại Cục Pháp chế.
 
Khó khăn chỉ thực sự đến khi công ty chính thức đi vào hoạt động. Do công ty còn non trẻ và chưa ai biết đến, tôi không có gì để làm. Hơn nữa, tôi không có kinh nghiệm điều hành và ý tưởng gì để tìm kiếm khách hàng. Trong khoảng thời gian đó, tôi bắt đầu quan sát các trang web Tokyo Otaku Mode và tạo phiên bản Tokyo Teenage Girls Culture dành cho nữ sinh trung học. Nhưng trang web chỉ thu hút được 40 lượt like (thích) và dần đi xuống.
 
Tôi cảm thấy rất buồn. Sau đó, tôi nhận ra nguyên nhân của sự thất bại là tôi không có ý tưởng, kế hoạch cụ thể, kinh nghiệm và uy tín sáng tạo để hợp tác cùng các công ty khác. Sau đó, tôi quyết định thay đổi chiến lược. 
 
Lúc đầu, tôi thiết lập một blog và tài khoản twitter. Sau đó, cô đăng tải các hình ảnh cá nhân và nhiều chủ đề cuộc sống. Rika bất ngờ nhận được sự chú ý từ kênh 2channel (một dịch vụ cung cấp thông điệp của Nhật Bản) và lời mời cộng tác từ Cyber Agent (một công ty công nghệ thông tin lớn). Một thời gian sau đó, nữ sinh nhận được lời mời từ tất cả các loại công ty khác nhau". 
 
 
Rika Shiiki: " Tôi muốn trở thành người có thể tạo ra những thay đổi vì thanh thiếu niên, đất nước Nhật Bản và thế giới". 
 
Rika chia sẻ, cô từng nhận được lời mời tư vấn về dòng biểu tượng cảm xúc Panda Ichiro từ Recruit Jobs Co., một công ty lớn tại Nhật Bản. Nhóm khảo sát do Rika tập hợp đã thảo luận và đánh giá dòng sản phẩm này. Cô nhận ra, người sử dụng chọn một biểu tượng cảm xúc dựa trên trực giác lúc đó của họ. Cách giải quyết đơn giản là tập hợp các nữ sinh lại, sau đó, để xếp hạng 'tốt' hay 'không tốt' về biểu tượng đó, rồi báo cáo lại cho công ty đặt hàng. Hiện nay, Panda Ichiro thu hút hơn 10 triệu lượt tải về. 
 
Mới đây, Rika đã ký hợp đồng với United Television Broadcasting có trụ sở tại Los Angeles để sản xuất và phát hành video. Cô cũng từng cho ra đời ứng dụng báo thức trên dòng điện thoại iPhone dành cho học sinh nữ trung học. Các ứng dụng cho phép người dùng ghi lại tiếng nhạc hoặc giọng nói của một anh chàng đẹp trai để làm chuông báo. 
 
Hiện tại, nữ sinh tài năng đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường trong  nước, sau đó là các nước trong khu vực và quốc tế. Cô khẳng định: "Tôi muốn trở thành người có thể tạo ra những thay đổi vì thanh thiếu niên, đất nước Nhật Bản và thế giới".
 
“Tôi cảm thấy rùng mình mỗi khi nghĩ đến việc tôi sẽ chết mà không hành động hay không làm được bất cứ điều gì cho đời. Tôi muốn để lại dấu ấn khi tôi còn sống
 
Nhiều người cùng độ tuổi của tôi không có ước mơ. Bởi thế, tôi muốn khuyến khích họ bằng cách tạo ra công ty riêng. Trên tất cả, tôi muốn đưa công việc kinh doanh của mình tới công chúng” – Doanh nhân trẻ từng cho biết trên Japan Times. 
 
 
Hường Vũ
 

‘Tinh thần khởi nghiệp phải lan tỏa và kết nối’

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi cộng đồng startup kết nối với nhau nhiều hơn, thay vì chỉ hô hào hình thức.  'Việt Nam chỉ có lựa chọn phải giàu lên'
 
Phát biểu tại buổi hội thảo Khởi động sáng kiến khởi nghiệp quốc gia diễn ra chiều ngày 30/3 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định yếu tố kết nối đóng vai trò rất quan trọng nhằm tạo ra những hệ sinh thái kết nối với nhau. Ông nhắn nhủ, cộng đồng khởi nghiệp phải dựa vào những gì tốt nhất đang có, với công nghệ bên ngoài và con người Việt Nam. Quan trọng là phải tin tưởng, ủng hộ những ý tưởng mới của các bạn trẻ, của mọi người; ứng dụng khoa học công nghệ, thay đổi tư duy, cách nghĩ để đất nước giàu mạnh lên.
 
 
Sau tuyên bố thành lập, các thành viên sáng lập Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam đã ký thỏa thuận ghi nhớ hợp tác về phát triển các hoạt động khởi nghiệp tại các trường đại học và trung học, gồm ĐH Công nghệ- ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH FPT và PTTH Chuyên Hà Nội Amsterdam.
"Điều quan trọng nhất là tất cả mọi người phải ứng dụng khoa học công nghệ, phải sáng tạo để đất nước giàu lên, không cẩn thận thì từ khóa 'quốc gia khởi nghiệp' lại giống mấy chục năm trước khi nói công nghiệp hóa mà chỉ là hình thức", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ.
 
Cũng trong khuôn khổ chương trình, Tập đoàn FPT và Quỹ đầu tư dài hạn Dragon Capital Group đã ký thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (Vietnam Innovative Startup Accelerator, gọi tắt là VIISA). Đây là một quỹ mở, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn và quỹ đầu tư, trong đó FPT và Dragon Capital Group là 2 nhà sáng lập đầu tiên.
 
Mục đích của quỹ là đào tạo, đầu tư, hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mobile, internet, tài chính để trở thành các doanh nghiệp thành công. Dự kiến trong quý 2/2016, khóa đào tạo tăng tốc khởi nghiệp đầu tiên của VIISA sẽ chính thức bắt đầu.
 
Trước đó, năm 2015, FPT đã thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm FPT Ventures với mong muốn mang đến cho các startup công nghệ tại Việt Nam cơ hội đưa những sản phẩm khởi nghiệp của mình lên tầm cao mới. Đến nay, FPT Ventures đã rót vốn trên 1 triệu USD cho các startup trong và ngoài FPT. 
 
Thanh Tùng
 

Khi người lớn học STEM

 
 
Phụ huynh cũng hứng thú trải nghiệm khoa học cùng con trong ngày hội STEM
 
Trong khuôn viên của hội trường C2 Đại học Bách khoa rộng 625 m2, suốt hai ngày diễn ra Ngày hội STEM, lán trại của mỗi hoạt động luôn ở trong tình trạng “quá tải” mặc dù các em đã đăng kí từ trước. Có những em nhỏ xem đi xem lại Science show (trình diễn khoa học) tới năm lần. Thế nhưng, những gì người lớn học được cũng nhiều không kém gì các em nhỏ.
Giáo dục STEM là gì?
Có thể nói, khái niệm “Giáo dục STEM” còn rất mới mẻ ở Việt Nam và hầu hết phụ huynh tới tham dự ngày hội đều chia sẻ rằng, trước đó, họ chưa từng biết tới khái niệm này bao giờ.
 
Giáo dục STEM vẫn được giải thích một cách “trừu tượng” rằng, đó là một phương pháp giảng dạy tích hợp bốn môn: Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering), Toán học (Mathematics). Tuy nhiên, mọi người có lẽ chỉ thực sự hiểu về nó khi thấy con mình trực tiếp tham gia các trải nghiệm khoa học trong các lán trại. Có những lán trại mà số người tham gia gấp đôi số người đăng kí do phụ huynh cũng muốn vào… chơi.
 
Vườn ươm tài năng Talinpa do GS. Ngô Bảo Châu sáng lập có ba lán trại. Trước khi ngày hội diễn ra, các lán trại của vườn ươm là nơi hết chỗ đăng kí chậm nhất nhưng bất ngờ là trong thời gian diễn ra ngày hội, lại có lúc trở thành địa điểm “tụ tập ăn chơi nhảy múa” của mọi người –  theo lời của anh Nguyễn Quốc Khánh, Phó giám đốc Vườn ươm này. Mỗi lán trại về toán chỉ cho phép tối đa 16 người đăng kí nhưng có lúc lên tới 30 người tham gia, trong đó có cả phụ huynh học sinh.
 
Một trong những hoạt động Toán hấp dẫn nhất là xây cầu Da Vinci bằng cách ghép các thanh gỗ rời có kích thước bằng nhau, không cần đóng đinh, không cần keo dán để xây thành một chiếc cầu cong. Không giới hạn số lượng thanh gỗ được sử dụng, người chơi có thể xây cầu với càng nhiều thanh gỗ càng tốt. Trong quá trình chơi như vậy, người tham gia sẽ tự điều chỉnh độ nghiêng, khoảng cách giữa các thanh gỗ một cách thích hợp để cây cầu vẫn đứng vững khi tiếp tục đưa các thanh gỗ mới vào để tăng độ cong và độ dài của chiếc cầu. Ngoài ra, còn có các trò chơi khác như cờ đẳng thức, trong đó, mỗi quân cờ vua sẽ được dán một ký hiệu toán học (chữ số hoặc các dấu cộng, trừ, nhân, chia), ai tạo một phép tính đúng đầu tiên khi chơi cờ thì sẽ chiến thắng; trò “Hiệp sĩ tắc đường” yêu cầu các em xác định cách đi để “cứu thoát” một chiếc xe ô tô trong tình huống tắc đường; trò sử dụng những tấm giấy hình học để dán thành bức tranh… “Người ta lại tưởng lán trại Toán là xưởng nghệ thuật, “tí toáy” hay gì đó” – anh Khánh nói. Có trường hợp, bố mẹ và các con cùng ngồi chơi với nhau suốt từ trưa đến chiều trong lán của Toán.
 
Anh Khánh kể lại, hoạt động Toán “hot” tới mức, sau khi Vườn ươm tài năng Talinpa đăng ảnh các hoạt động lên Facebook, GS. Phùng Hồ Hải và PGS. Phan Thị Hà Dương nhắn tin cho anh lúc 12h đêm ngày 16/5 để xin vé đưa con tham dự vào hôm sau.
 
Ví dụ về trại Toán ở trên là cách thức giáo dục STEM. Thực ra, giáo dục STEM không xa lạ như người ta vẫn tưởng, thậm chí lại còn quen thuộc. Đó là cách “học qua hành”, học qua các ví dụ, qua các trò chơi mà các em sẽ phải kết hợp kiến thức của nhiều môn với nhau. Chị Thu Hương, đồng sáng lập Học viện Sáng tạo S3, trong buổi trò chuyện về giáo dục STEM cho trẻ em đã chia sẻ rằng, mặc dù khái niệm STEM mới có cách đây khoảng một thập kỷ nhưng phương pháp giáo dục STEM đã hình thành từ cách đây 100 năm dưới hình thức của giáo dục Steiner – một chương trình giáo dục được khởi xướng bởi Wardolf Steiner và hiện nay đang được áp dụng ở hàng nghìn trường phổ thông toàn thế giới và triết lí giáo dục có rất nhiều điểm tương đồng với giáo dục Phần Lan: Học sinh nỗ lực và cố gắng vì sự đam mê, vì niềm vui chứ không phải vì sự cạnh tranh. Và niềm vui đó được tạo ra bằng cách dạy liên môn, chẳng hạn như dạy Toán thông qua Âm nhạc và Hội họa. Theo chương trình giáo dục Steiner các em học hoàn toàn bằng thực hành qua những dự án trong từng môn học, các em phải vận dụng lí thuyết để tạo ra sản phẩm.
 
 
Tự dạy STEM
 
Bên cạnh những hoạt động diễn ra sôi nổi ở trong hội trường còn có diễn đàn STEM dành riêng cho phụ huynh tham dự. Tham gia thuyết trình là các nhà khoa học, giáo viên và những người khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực KH&CN. Nội dung của diễn đàn khá đa dạng nhưng rồi lại luôn quay  trở lại với những câu hỏi về việc dạy và học STEM và các diễn giả, nhiều khi trao đổi với khán giả như giữa những ông bố, bà mẹ với nhau.
 
Trong buổi đầu tiên của Ngày hội STEM, một phụ nữ đã thành thực chia sẻ với GS. Pierre Darriulat rằng, con chị mới 10 tuổi và tỏ ra rất có năng khiếu về khoa học. Nếu sau này cháu muốn theo đuổi công việc nghiên cứu, liệu gia đình có nên cố gắng cho cháu đi du học hay không?  Bản thân chị không tin vào nền giáo dục của Việt Nam nhưng gia đình chị không giàu có. GS. Pierre cho rằng, thực ra đại học trong nước có thể đào tạo một cách hiệu quả. Ông đã chứng kiến nhiều gia đình dành rất nhiều tiền cho con đi học nước ngoài với hi vọng con mình sau khi tốt nghiệp có thể thành công để rồi vỡ mộng, đáng buồn hơn là con họ học những ngành mà Việt Nam chưa cần. Bản chất của việc học nằm ở đam mê và lòng quyết tâm và nếu có hai điều đó thì dù ở đâu cũng có thể học tốt, nhất là hiện giờ đã có sự trợ giúp của internet.
 
Nhiều phụ huynh tới Ngày hội STEM với nỗi hoang mang rằng, những gì mà trẻ con cần ngày càng đa dạng và phức tạp mà khả năng của họ khó lòng theo kịp. Có người khi biết về ngày hội thậm chí đã tìm hiểu trước về STEM trên thế giới để hỏi diễn giả rằng, làm thế nào để dạy trẻ em lập trình khi cha mẹ không biết, đa số các trường tiểu học thì không dạy trong khi trên thế giới, trẻ em được khuyến khích lập trình từ khi dưới 10 tuổi ? Câu hỏi của phụ huynh này được trả lời bằng bài phát biểu của anh Trần Tuấn Anh, trưởng văn phòng đại diện phía Nam của DTT về “lập trình không cần máy tính”. Gọi tám khán giả lên cầm tám tờ giấy có đánh số từ 1-8, anh đố những người ở dưới (không hề biết ai cầm số nào) tìm được số lớn nhất bằng cách cho hai người bất kì so sánh các số mình cầm với nhau. Đó vừa là trò chơi nhưng cũng vừa là bài tập luyện tư duy máy tính. Bên cạnh đó, theo anh Thế Trung các trường Đại học như MIT và Carnegie Melon cũng phát triển những ngôn ngữ lập trình miễn phí, trực quan dành cho trẻ em tự học như ngôn ngữ lập trình Scratch và Alice (Một trong những lán trại đông nhất tại ngày hội là Computer Science với hơn 40 người mỗi lượt, thậm chí có em không đăng kí cũng vẫn vào chơi vào buổi trưa để làm phim hoạt hình bằng ngôn ngữ lập trình này).
 
 
Xã hội hóa STEM
 
Anh Thế Trung, người đã triển khai chương trình Robotics ở 20 trường tiểu học và trung học cơ sở trên toàn quốc cho biết: “Chỉ cần đầu tư 1.000 đồng cho mỗi em học sinh thì đã mất 15 tỉ để đầu tư cho giáo dục cả nước. Vì vậy khó có thể trông đợi sự phổ cập của Bộ Giáo dục. Chúng tôi nghĩ phương thức giáo dục STEM phải được làm từ dưới lên với sự đồng hành của những người tâm huyết với giáo dục STEM”.  Giáo dục STEM có thể bắt đầu từ bây giờ ở mỗi trường phổ thông với sự đóng góp từ phía phụ huynh, trước hết bằng cách thành lập các tủ sách khoa học và câu lạc bộ khoa học ở mỗi trường để các em có thể mượn sách về và chia sẻ kiến thức với bạn bè, vận dụng chúng để làm những dự án thực tế như làm tên lửa, máy bay bằng vật liệu tái chế. Trên thực tế, chương trình Sách hóa Nông thôn và nhà sách Long Minh đã từng thiết lập một hệ thống gồm khoảng 3000* tủ sách tại các trường tiểu học và trung học cơ sở tại huyện Thái Thụy, Thái Bình do phụ huynh đóng góp khoảng 50.000/người/năm và sắp tới sẽ được triển khai ở Nam Định.
 
Tương tự như vậy, Ngày hội STEM cũng không nên chỉ dành cho 2.000 trẻ em mà cần phải lan đến 15 triệu học sinh trên cả nước. Vì vậy theo Ban tổ chức, những kinh nghiệm xây dựng Ngày hội STEM lần thứ nhất tại Hà Nội sẽ được tài liệu hóa và công khai trên mạng để tất cả mọi người đều có thể vào đọc và các trường phổ thông và địa phương đều có thể tự thực hiện với quy mô tùy thuộc vào điều kiện của mình.
 
*Chỉnh sửa lại so với bản in Tạp chí Tia Sáng ra vào ngày 20/5 là "hơn 1000"
 
Hảo Linh
 

Khởi nghiệp công nghệ: Chất xám Việt xuất cảnh… vì thiếu vốn

(PCWorldVN) Thực tế đáng buồn là nhiều doanh nghiệp và nhà sáng chế Việt Nam chọn giải pháp 'bán lúa non' toàn bộ ý tưởng cũng như sản phẩm sáng tạo đang thai nghén cho đối tác hay vườn ươm nước ngoài.
 
Để minh chứng điều này, ông Đoàn Hữu Đức – Chủ tịch tập đoàn tư vấn Việt Nam (Viet Nam Consulting Group) dẫn số liệu thống kê từ một khảo sát được Ngân hàng phát triển châu Á thực hiện hồi tháng 9/2015 tại 143 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho biết mục tiêu của việc đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp này về cơ bản chỉ nhằm đạt/hoàn thành các mục tiêu ngắn hạn, và đáng báo động nhất chính là một số doanh nghiệp được phỏng vấn khẳng định họ chọn giải pháp hợp tác hay bán một phần cổ phần cho đối tác nước ngoài để qua đó tiếp cận được nguồn cung cấp vốn cũng như công nghệ mới.
 
Cũng theo báo cáo này của ADB, trong 143 doanh nghiệp ở 4 địa phương có TP.HCM tham gia cuộc khảo sát thì chỉ có 42% trong số này cho biết có đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), 39,7% đầu tư vào mua sắm hay cải tiến trang thiết bị, 39% đầu tư vào cải thiện quy trình.
 
Theo ông Đức, đầu tư cho đổi mới sáng tạo của nhóm DNNVV đang ở mức thấp.
 
 
Buổi tọa đàm về khởi nghiệp công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo vừa được Sở KHCN TP.HCM phối hợp tổ chức cùng Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vào sáng 10/3.
"Nhiều DNNVV ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng còn hạn chế trong khả năng tiếp thu và tối ưu hóa đổi mới sáng tạo. Cụ thể, việc thay đổi thiết bị và sản phẩm mới lại không đồng nhịp với việc tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, truyền thông tiếp thị, từ đó dẫn đến việc doanh nghiệp không tận dụng được công suất tối đa của công nghệ, tức hiệu suất đầu tư thấp", ông Đức chia sẻ.
 
Vẫn theo ông Đức, các DNNVV tại TP.HCM đang tự tìm cách đổi sáng tạo bởi họ ít nhận được sự dẫn dắt và hỗ trợ chuyên nghiệp từ các tổ chức R&D hay vườn ươm công nghệ dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này, cũng như các tổ chức dịch vụ hỗ trợ.
 
Không có vốn… thì bán
 
Bạn Hoàng Linh – Nhà sáng lập và điều hành Mạng lưới khởi nghiệp trẻ Việt Nam (Viet Youth Entrepreneurs) cho biết, đã có không ít thành viên VYE ngậm ngùi mang ý tưởng sáng tạo trong lĩnh vực khoa học công nghệ của mình ra nước ngoài để khởi nghiệp, chủ yếu là sang Singapore.
 
Lý do của thực trạng này không gì khác ngoài khó khăn trong khâu kêu gọi vốn đầu tư hay gây quỹ tài trợ, song hơn hết là Việt Nam rõ ràng là quá thiếu các cơ sở hạ tầng thiết yếu như phòng thí nghiệm, không gian làm việc và máy móc công nghệ để phục vụ công tác nghiên cứu lẫn hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp.
 
Bên cạnh đó, theo chia sẻ của Hoàng Linh, rào cản trước tiên mà các bạn trẻ thường gặp phải ngay khi vừa có ý định khởi nghiệp chính là vấn đề thành lập doanh nghiệp, kê khai thuế và công tác truyền thông tiếp thị các sản phẩm khi đã có thể thương mại hóa.
 
 
Bạn Hoàng Linh cho biết việc gọi vốn cho các dự án khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam còn nhiều khó khăn do vướng chính sách, quy định pháp luật, bên cạnh đó là thiếu vốn và cơ sở hạ tầng.
 
"Tuy nhiên, nếu mang các ý tưởng này ra nước ngoài gọi vốn đầu tư hay tìm kiếm vườm ươm để triển khai, tất cả những gì mà các bạn trẻ, nhà khoa học Việt Nam cần thực hiện là nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm", Linh nói, "Hay nói cách khác, sản phẩm hay ý tưởng chỉ còn là do người Việt viết, còn sở hữu thì đã là của đối tác nước ngoài.
 
Bà Lerwen Liu – chuyên gia do ADB mời đến hội thảo hôm 10/3 chia sẻ với đại diện Sở KHCN Thành phố và giới khoa học tại TP.HCM rằng, tại một số quốc gia như Hàn Quốc và Singapore, chính phủ thường xuyên có các chính sách trợ vốn cho DN khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, cũng như triển khai các quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho lĩnh vực khoa học – công nghệ. Tuy nhiên, tùy thời điểm và tùy trường hợp dự án cụ thể, mà quỹ đầu tư tham gia sẽ là quỹ đầu tư công hay quỹ đầu tư tư nhân.
 
"Đôi khi, việc hiện thực hóa các sản phẩm ý tưởng là do một bên thứ 3 triển khai", bà Liu nói, "Và để có thể thực hiện điều này, cần có một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ cao hỗ trợ cho các đơn vị khởi nghiệp, đó có thể là vườm ươm hay khu nghiên cứu phát triển công nghệ cao".
 
Theo ông Dominic Patrick Mellor – chuyên gia kinh tế quốc gia của Ngân hàng ADB, sự hỗ trợ vốn và cả chính sách của nhà nước để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp chỉ có thể xem như một liều thuốc kích thích, đó không phải là một khái niệm phải có, thay vào đó là sự hợp lực của mọi nguồn lực xã hội.
 
Hầu hết ý kiến được đại diện cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đưa ra tại hội thảo đều xoay quanh câu chuyện về trợ vốn, chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp khoa học công nghệ và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước cho sản phẩm đầu ra.
 
Vai trò của Nhà nước
 
Chuyên gia Liu đến từ Singapore chia sẻ với phóng viên PC World Vietnam rằng, ở vài quốc gia nước ngoài, chính phủ sẽ cùng với các quỹ đầu tư chủ động trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp, các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ mang tính chủ đạo cũng như tính thương mại hóa cao.
 
Song song đó, để tránh tình trạng chảy máu chất xám cũng như tài sản trí tuệ (IP) ra khỏi quốc gia, chính phủ và các quỹ đầu tư mạo hiểm tại các quốc gia này cũng sẵn sàng chi tiền giúp doanh nghiệp khởi nghiệm, vườm ươm đăng ký bản quyền và bảo hộ bằng sáng chế trên phạm vi quốc tế.
 
 
Sở KHCN TP.HCM và đại diện ADB cho biết sẽ sớm có được một chương trình hành động thiết thực nhằm triển khai Đề án hỗ trợ các DNNVV trên địa bàn Thành phố đổi mới sáng tạo, tăng năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2016-2020.
 
Ông Mai Thanh Phong – Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Vườn ươm công nghệ tại Đại học Bách Khoa TP.HCM cho biết sự hỗ trợ từ phía Nhà nước là hết sức cần thiết cho sáng tạo, đặc biệt là tài chính bởi lẽ vườn ươm cho các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ thường không sinh lợi nhuận, trong khi đó như bản thân Đại học Bách Khoa TP.HCM thì ngân sách chi cho hoạt động nghiên cứu phải "hạn chế" theo đúng quy định của cơ chế.
 
"Không chỉ thiếu kinh phí để vận hành vườn ươm, chưa nói đến tạo ra sản phẩm nghiên cứu, thì chúng ta còn thiếu cả chuyên gia", ông Phong không ngại đặt vấn đề, "Hơn thế nữa, thực tế cho thấy là có phần khó khăn và ít thông tin để các trường, viện tiếp cận các nguồn vốn, quỹ hỗ trợ các hoạt động khoa học công nghệ".
 
Theo ông Phong, để khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đẩy mạnh sáng tạo khoa học công nghệ ở các trường viện cũng như trong cộng đồng thì cần có một nhận thức đúng đắn về khởi nghiệp, và nhận thức ấy phải xuất phát từ cả cộng đồng lẫn chính quyền.
 
An Huy
 
Từ khóa: An Huy, khởi nghiệp công nghệ, Sở KHCN TP.HCM, startup, truyền thông khoa học công nghệ
 
 

Ba yếu tố giúp khoa học Việt Nam cất cánh

Sự can dự của các doanh nghiệp vào hoạt động nghiên cứu khoa học, để cho kinh tế thị trường chi phối, tinh thần 'mạo hiểm', sẽ là những nhân tố để công nghệ của Việt Nam tỏa sáng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết.
 
Ba yếu tố giúp khoa học Việt Nam cất cánh
Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Nguyễn trao đổi nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.
 
 
– Bộ trưởng đánh giá khoa học Việt Nam đang ở ngưỡng nào?
 
– Theo đánh giá của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới hiện chúng ta đang đứng ở mức trung bình của các nước thuộc ASEAN. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã vượt qua một số quốc gia, nếu như 2003 Việt Nam đứng thứ 7 trong ASEAN thì năm 2013 đứng thứ 5, năm 2014 đứng thứ 4 trong khu vực, vượt qua Indonesia, Philippines và Brunei.
 
Chúng ta có đội ngũ cán bộ khoa học tương đối đông đảo, có trình độ được nâng cao, quan trọng là các sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam những năm qua đã phục vụ cho sản xuất, kinh doanh cũng như phát triển kinh tế xã hội rất thiết thực. Số lượng các công bố quốc tế và sáng chế của Việt Nam cũng tăng lên, với tốc độ đạt yêu cầu của chiến lược mà Chính phủ đã phê duyệt.
 
– Ngày Khoa học Công nghệ có ý nghĩa thế nào với cộng đồng các nhà nghiên cứu, thưa ông?
 
– Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói trong lễ công bố năm ngoái, Ngày Khoa học Công nghệ không chỉ là dịp tôn vinh những người làm khoa học mà còn là cơ hội để nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của khoa học công nghệ, đồng thời nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh niên, học sinh, sinh viên. Thông qua đó chúng ta sẽ có những phong trào đổi mới sáng tạo, có nhiều các doanh nghiệp khoa học, có nhiều nhà khoa học trẻ có sản phẩm tốt phục vụ xã hội.
 
– Để chọn một ưu tiên trong năm nay nhằm thúc đẩy phát triển của ngành, ông chọn điều gì?
 
–  Tôi chọn "doanh nghiệp khởi nghiệp" hay còn gọi là doanh nghiệp start-up, nó là nhân tố thành công của nhiều quốc gia mới phát triển. Doanh nghiệp khởi nghiệp là kết hợp giữa các nhà nghiên cứu với các nhà đầu tư, khi nhà khoa học có ý tưởng, các nhà đầu tư tìm đến để chấp nhận mạo hiểm, cho ra đời những doanh nghiệp hoạt động ban đầu có thể khó khăn nhưng triển vọng rất to lớn, họ chấp nhận đầu tư mạo hiểm. Nếu trong năm nay chúng ta làm cho cơ quan quản lý chấp nhận khái niệm đầu tư mạo hiểm, quan tâm phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp thì năm sau chúng ta có thể có làn sóng các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam, sau 10 năm nữa chúng ta có thể nhìn thấy các kết quả đáng khích lệ như Israel cách đây mấy chục năm đã trở thành "quốc gia khởi nghiệp" như thế nào.
 
– Bước đi cụ thể cần làm là gì?
 
– Cần phải thay đổi tư duy của những người làm quản lý, những nhà quản lý và cả doanh nghiệp. Chúng ta hiện nay không có khái niệm đầu tư mạo hiểm, không có khái niệm về doanh nghiệp khởi nghiệp, vì thế không ai tạo nên cơ chế chính sách phù hợp. Chúng tôi đã đi những bước đầu tiên rồi, năm nay đang tổ chức ngày hội khởi nghiệp tại ĐHQG Hà Nội. Chúng tôi cũng đã hỗ trợ tư nhân thành lập quỹ mạo hiểm đầu tiên, hy vọng sau ngày hội khởi nghiệp này sẽ có hàng chục nhóm sinh viên tìm được nhà đầu tư sẽ thành lập được doanh nghiệp khởi nghiệp và sẽ thành công.
 
Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ có các doanh nghiệp thành công như Google, hay là Microsoft. Họ ban đầu cũng là các doanh nghiệp khởi nghiệp được đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ. 
 
Chúng ta sống quá lâu trong kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Bây giờ đã đến lúc chúng ta phải thực hiện cơ chế thị trường đầy đủ, trong đó có đầu tư mạo hiểm trong hoạt động khoa học. Trong nghiên cứu khoa học chúng ta phải biết chấp nhận thất bại, có khi còn nhiều hơn thành công. Nhưng trong 10 dự án đầu tư mạo hiểm chỉ cần 1-2 thành công, đủ mang lại lợi ích cho xã hội, bù đắp được thất bại của các dự án khác. Chúng ta hãy để kinh tế thị trường phát huy tác dụng. 
 
– Việc khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với các nhà khoa học được đặt ở vị trí thế nào thưa ông?
 
– Chúng tôi coi đây là giải pháp quan trọng nhất của đổi mới khoa học công nghệ hiện nay. Chúng ta phải đổi mới phương thức đầu tư cho khoa học công nghệ bằng cách để ngân sách Nhà nước chỉ đảm bảo một phần, còn doanh nghiệp phải đảm bảo phần lớn. Đây là kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, tức là doanh nghiệp và xã hội đầu tư gấp từ 3-5 lần của ngân sách. Đầu tư của doanh nghiệp cho khoa học công nghệ tạo thuận lợi cho tiếp nhận và chi tiêu, không bị ràng buộc chặt chẽ như tiền ngân sách.
 
Ở Việt Nam bắt đầu có làn sóng đầu tư cho khoa học công nghệ từ doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, chẳng hạn tập đoàn Viettel năm nay dự kiến dành hơn 4.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, Tập đoàn dầu khí quốc gia dành khoảng 2.000 tỷ đồng, Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông là công ty cổ phần nhưng mỗi năm dành 20% lợi nhuận sau thuế cho khoa học công nghệ.
 
Nếu tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều làm như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ giống các nước khác, có nguồn đầu tư từ doanh nghiệp lớn hơn ngân sách hàng chục lần.
 
Theo: http://first-most.vn/

Làm gì để có 5.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ?

Khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa mục tiêu phấn đấu nước ta có 5 triệu doanh nghiệp, nhiều người cảm thấy "sốc". Còn khi nghe đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 5.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ thì tâm thế của những người muốn khởi nghiệp, hoặc đang khởi nghiệp trong lĩnh vực này tỏ ra băn khoăn, ngờ vực, liệu trong bối cảnh thị trường công nghệ đang phải cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, mục tiêu trên có khả thi?
 
Tiềm năng lớn
 
Theo Báo cáo tại Hội nghị về phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ năm 2015, diễn ra ngày 23/10/2015, đến nay cả nước mới có 204 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN). Nếu theo Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011- 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, chỉ còn có 4 năm nữa để nước ta có được 5.000 doanh nghiệp KHCN, vậy mỗi năm bình quân nước ta phải có hơn 1000 doanh nghiệp KHCN khởi nghiệp (startup).
 
Khái niệm doanh nghiệp startup đã hình thành từ hơn chục năm nay ở các quốc gia phát triển. Đó là mô hình doanh nghiệp trẻ năng động, có ý tưởng sáng tạo đột phá, biết tận dụng công nghệ và sáng chế khoa học để tạo ra các sản phẩm mới có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian ngắn. Nó cũng được coi là một trong những động lực mới của nền kinh tế tri thức.
 
Theo thống kê của các tổ chức về lao động quốc tế, số doanh nghiệp startup trong lĩnh vực KHCN chiếm tới 60%. Nước ta, theo các chuyên gia kinh tế, có tiềm năng to lớn trong việc phát triển các startup, người Việt chúng ta thông minh không thua kém dân tộc nào. Chúng ta có nhiều bạn trẻ đam mê khoa học, nhất là trong lĩnh vực tin học.
 
Tôi bỗng nhớ lại một hôm đi xe ôm, qua câu chuyện dọc đường mới biết anh xe ôm là sinh viên Học viện Bưu chính-Viễn thông. Anh đi làm thêm để lấy tiền ăn học. Tôi hỏi: "Sau khi ra trường cháu thích làm việc trong cơ quan nhà nước hay ở đâu? Anh nói: "Tùy thời cơ, nhưng thi được vào cơ quan nhà nước bây giờ khó hơn thi vào đại học. Quá trình đi thực tập ở vài doanh nghiệp trong ngành Bưu chính-Viễn thông, cháu thấy ngành này có nhiều cơ hội làm ăn. Cũng có thể sau khi tốt nghiệp cháu sẽ cùng bạn bè lập công ty riêng". Tôi nghĩ, anh ta có định hướng như vậy là hợp, vì tiềm năng trong lĩnh vực Bưu chính-Viễn thông trong KHCN nói chung còn rất lớn.
 
Ông Steve Wozniak – một trong những nhà sáng lập thương hiệu Apple,trong Hội thảo SMAC 2015 (Social – Mobile – Analytics – Cloud) vừa diễn ra, khi trả lời báo chí, đã nói: "Rất dễ dàng bắt gặp hiện tượng các quốc gia như Việt Nam, nhiều bạn băn khoăn không biết định hướng phát triển của mình. Có thể quốc gia của bạn dồi dào tài nguyên (dầu mỏ, nguyên liệu thô) nhưng tương lai phát triển lại phụ thuộc nhiều vào CNTT hơn là các yếu tố tài nguyên đó. Sự lớn mạnh và phát triển của các công ty startup liên quan nhiều đến CNTT".
 
Theo thống kê của Bộ Thông tin-Truyền thông, hàng năm trung bình có khoảng 32.000 sinh viên CNTT tốt nghiệp đại học, đến năm 2020, nhân lực trong lĩnh vực CNTT mỗi năm tăng 13%. Theo đó, lĩnh vực này ở nước ta cần đến 1 triệu lao động hoạt động. Thực tế cũng cho thấy, các doanh nghiệp startup trong lĩnh vực KHCN ở nước ta phần lớn là các nhóm nghiên cứu trẻ, sinh viên vừa ra trường có ý tưởng công nghệ. Thứ đến là các nhà khoa học trong lĩnh vực này đã có nhiều công trình nghiên cứu và mong muốn thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của mình. Đồng thời xã hội đòi hỏi KHCN cũng phải đi vào cuộc sống, các kết quả KHCN phải được ứng dụng nhiều hơn nữa trong thực tiễn.
 
Hãy tận dụng những cơ hội, ưu đãi
 
 
Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011-2020 được Chính phủ phê duyệt đã đặt ra những mục tiêu cụ thể như: năm 2015, phấn đấu đầu tư xã hội cho KHCN đạt 1,5% GDP và nâng lên trên 2% GDP vào năm 2020, bảo đảm mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KHCN không dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm; giá trị giao dịch của thị trường KHCN tăng trung bình 15-17%/năm. Bộ Khoa học và Công nghệđã và đang xây dựng hệ sinh thái cho các doanh nghiệp startup,gồm nhà nước, nhà đầu tư, nhà tư vấn…, cùng hợp lực để hỗ trợ các doanh nghiệp startup phát triển dựa trên chính sản phẩm nghiên cứu, sáng tạo của mình. Bộ rất coi trọng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp startup nói riêng.
 
Một tin vui đến với các công ty startup trong lĩnh vực công nghệ là Nghị định số 118/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 27/12/2015, hướng dẫn thi hành một số điều của luật Đầu tư đã quy định những ngành nghề đặc biệt ưu đãi, trong đó có ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao. Nghị định 80 của Chính phủ về doanh nghiệp KHCN cũng cho phép các doanh nghiệp startup được hưởng ưu đãi cao nhất về thuế như là các doanh nghiệp công nghệ cao, mặc dù doanh nghiệp này có thể chưa phải là doanh nghiệp công nghệ cao.
 
Mô hình thương mại hóa công nghệ ở nước ta theo mô hình Thung lũng Silicon của Mỹ được Bộ KH&CN bắt đầu triển khai từ giữa năm 2013, đó là mô hình ươm tạo doanh nghiệp không tập trung dành cho công chúng, các sinh viên, nhóm nghiên cứu trẻ hay bất kỳ ai đều có cơ hội tham gia với những công nghệ không quá cao, không đòi hỏi phải qua thủ tục thẩm định chặt chẽ theo các tiêu chí áp dụng đối với doanh nghiệp công nghệ cao. Đây được coi như là một sự hỗ trợ của Chính phủ cho hoạt động khởi nghiệp đang lan tỏa trong các lĩnh vực ứng dụng CNTT. Khi được mời tham quan mô hình Thung lũng Silicon, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tỏ rõ niềm tin, có những nhóm sinh viên bây giờ đã nhận được vốn đầu tư tới 2 triệu đô la cho 1 dự án.
 
Quỹ đầu tư xã hội dành cho ươm tạo startup cũng đã được thành lập với tên gọi Quỹ Khởi nghiệp Việt Nam, thành lập ngày 16/12/2014, với số vốn điều lệ là 5,2 tỷ đồng. Với Quỹ này, giới trẻ sẽ có thêm một kênh kết nối quan trọng – kết nối giữa người có ý tưởng và nhà đầu tư, kết nối giữa các doanh nhân với nhau, kết nối những người có trình độ, năng lực để đảm bảo cho sự thành công chung của một dự án.
 
Cùng với đó là chương trình hỗ trợ gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước cho một số doanh nghiệp tiềm năng, giới thiệu họ tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong những năm tới, chương trình hỗ trợ gọi vốn sẽ được triển khai rộng tới các địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước. Đó cũng là cơ sở để tăng cường xã hội hóa trong xây dựng vườn ươm startup.
 
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường startup phát triển mạnh trong khu vực, có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư mạo hiểm. Đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp startup trong nước đã nhận được hàng triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tháng 3/2015, Cốc Cốc – một công ty startup của 3 lập trình viên Việt Nam đã nhận được khoản đầu tư 14 triệu USD từ tập đoàn truyền thông Hubert Burda (Đức). Trong đó, Hubert Burda đầu tư 10 triệu USD, số còn lại đến từ các nhà đầu tư khác, trong đó có cả các nhà quản lý cao cấp của Burda với tư cách cá nhân. Quỹ CyberAgent (Nhật Bản) mới đây cũng rót thêm tiền vào Công ty cổ phần VeXeRe – một dự án startup trong lĩnh vực công nghệ vận hành hệ thống đặt vé xe khách trực tuyến. Vậy là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp startup là vốn thì nay đã có những Quỹ đầu tư mạo hiểm sẵn sàng đầu tư vào, miễn là anh có mô hình kinh doanh tốt, có con người tốt, có đam mê để phát triển.
 
Bộ KH-CN Nguyễn Quân đã từng nói: "Ở Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế, Chính phủ đang rất quan tâm, các bạn hãy ở Việt Nam khởi nghiệp, đừng mang những sản phẩm tốt của Việt Nam sang thị trường nước ngoài; hãy ở Việt Nam và hỗ trợ nhau tạo ra một hệ sinh thái, gọi được nhiều vốn ngoại cũng như vốn nội để cho giá trị doanh nghiệp Việt Nam tăng cao hơn". Có thể nói, đó là cơ hội rất lớn cho những ai đã và đang muốn khởi nghiệp.
 
Còn đó những khó khăn, thử thách…
 
"Vạn sự khởi đầu nan". Các doanh nghiệp startup trong lĩnh vựcKHCN vẫn còn gặp nhiều trở lực từ chính mình, như: khó tiếp xúc được các quỹ đầu tư do không đủ vốn đối ứng; khó tiếp cận vốn vay do không có tài sản thế chấp. Phần lớn các doanh nghiệp KHCN chưa có cơ sở hạ tầng đủ tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp startup ở Việt Nam đa số đều xuất thân từ "dân kỹ thuật" nên họ quá chú trọng vào các yếu tố công nghệ mà quên đi những giá trị người sử dụng thật sự cần. Chính những điều này đã khiến họ không thuyết phục được người sử dụng. Không có người sử dụng thì đừng nói đến chuyện gọi vốn, các Quỹ đầu tư mạo hiểm chỉ rót tiền vào một sản phẩm có khả năng tạo ra doanh thu.
 
Yếu tố khách quan là việc thương mại hóa sản phẩm còn nhiều rào cản từ cơ chế chính sách.Các sản phẩm khoa học, công nghệ luôn đổi mới, sáng tạo, trong khi chưa có các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn, chất lượng của sản phẩm mới này nên các cơ quan quản lý nhà nước rất lúng túng trong việc cấp phép lưu hành cho sản phẩm của các doanh nghiệp startup.
 
Vẫn cần có"bà đỡ"
 
Những chính sách ưu tiên của Nhà nước vừa nêu trên đều nhằm cái đích cuối cùng là để nước ta có nhiều doanh nghiệp startup và sự tăng trưởng bền vững của họ. Tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ làm an lòng những ai có ý định khởi nghiệp, hoặc đã và đang là doanh nghiệp startup; chưa đủ độ tin cậy với những nhà đầu tư.
 
Tôi có đứa cháu Trần Anh Tú, đang học ở Melbourne(Úc), trong email gửi về, cháu kể về sự kiện "Startup Grind Melbourne", một sự kiện cho những người muốn mở các công ty và cho biết: "So với Mỹ, Úc mới có khoảng 40% doanh nhân trẻ dám đầu tư ở độ tuổi 18-24. Tổ chức độc lập và phi lợi nhuận Foundation for Young Australians (FYA) đòi hỏi Chính phủ Úc cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho sự sáng tạo của giới trẻ và những doanh nghiệp startup".
 
Hầu như quốc gia nào Nhà nước vẫn phải là "bà đỡ" cho doanh nghiệp startup. Ở nhiều nước phát triển, trong giai đoạn đầu, Nhà nước đầu tư khoản kinh phí khoảng từ 200.000 – 500.000 USD để nhóm startup phát triển ý tưởng, đến một giai đoạn nhất định, các công ty tư nhân mới tham gia đầu tư. Singapore, Đan Mạch, Mỹ và Trung Quốc là nơi mà Chính phủ đầu tư nhiều vào những hoạt động phát triển sáng tạo.Một số nước còn hỗ trợ các doanh nghiệp startup đầu ra cho sản phẩm, những sản phẩm từ công nghệ thử nghiệm cũng được hỗ trợ, được Nhà nước ưu tiên mua phục vụ cho lợi ích công cộng…
 
Với nước ta,nguồn đầu tư từ Nhà nước cho giai đoạn ươm tạo hạt giống còn rất khiêm tốn. Quỹ đầu tư khởi nghiệp vốn điều lệ có 5,2 tỷ đồng, vốn chi cho Dự án Thung lũng Silicon cũng chưa nhiều. Đầu tư cho doanh nghiệp KHCN là loại đầu tư mạo hiểm. Các nhà đầu tư sẽ nhìn xem Nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp KHCN như thế nào thì người ta mới có thể yên tâm đầu tư. Nếu Nhà nước không đầu tư mạo hiểm thì làm sao tư nhân dám đầu tư? Nhưng, như Bộ trưởng Nguyễn Quân đã có lần chia sẻ với giới truyền thông, đại ý: Khái niệm đầu tư mạo hiểm còn rất mới lạ đối với người Việt Nam. Nếu ngân sách nhà nước đầu tư thất bại thì họ sẽ cho rằng chúng ta thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc làm lãng phí ngân sách nhà nước.
 
Điều đó trở thành rào cản, những người làm khoa học sẽ không dám tiếp nhận nguồn vốn mang tính đầu tư mạo hiểm. Thậm chí nhiều người, kể cả làm quản lý ở cấp cao thường nghĩ, đã là khoa học thì phải thành công, Nhà nước đầu tư cho các nhà khoa học nghiên cứu thì phải thành công, không chấp nhận có rủi ro. Thực tế cho thấy, nếu không có Quỹ đầu tư mạo hiểm thì không thể có được hệ sinh thái startup cho doanh nghiệp KHCN. Một số quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài khi vào Việt Nam không thể hoạt động được vì chúng ta chưa có loại quỹ này và chưa có đủ hành lang pháp lý. Nhìn sang Trung Quốc và Ấn Độ, thấy họ có đủ hành lang pháp lý nên hút được các Quỹ đầu tư mạo hiểm mà tiếc cho nước mình. Theo báo cáo của Preqin Ltd. – một công ty tư vấn tại London, số tiền đầu tư vào Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng gấp ba lần năm ngoái, đạt mức 16,9 tỉ USD trong quý III năm nay, chỉ ít hơn số tiền 17,5 tỉ USD đầu tư mạo hiểm vào Bắc Mỹ một chút.
 
Thời gian là vàng, nhất là đối với doanh nghiệp. Để đến năm 2020, nước ta có 5.000 doanh nghiệp KHCN, các nhà hoạch định chính sách, các nhà soạn thảo luật phải "chạy nước rút" mà hoàn thiện cơ chế, khung pháp lý về đầu tư cho KHCN, nhất là phải sớm cho ra đời Quỹ đầu tư mạo hiểm.Khi đó mới có một môi trường pháp lý thật sự đầy đủ hỗ trợ các doanh nghiệp starrtup.Và đó cũng là ngọn lửa thắp sáng niềm hy vọng của những người trẻ tuối say mê công nghệ đang ấp ủ, hoặc đang là những doanh nghiệp startup. 
 
Đ.Ngọc

Người Mỹ nuôi dưỡng tình yêu đọc sách của con như thế nào?

Người ta đưa trẻ đủ mọi lứa tuổi tới đọc sách, có bé mới vài tháng tuổi, thậm chí chỉ vài tuần tuổi cũng được tham gia đọc sách. Các thể loại sách ở đây rất phong phú, phù hợp cho mọi lứa tuổi của trẻ.
 
Tình cờ trong một lần tới thư viện, tôi thoáng nghe thấy một đứa trẻ Mỹ mới chưa tròn 2 tuổi đã đọc to, dõng dạc một dòng chữ trên tường cho mẹ nghe. Tôi ngạc nhiên lắm, hóa ra là con gái của Susan, một người đồng nghiệp mới của tôi.
 
Không giấu nổi vẻ ngạc nhiên, tôi quay ra hỏi Susan: "Ôi con chị biết đọc rồi sao?". "Vâng, cháu biết đọc một chút rồi ạ", cô ấy khiêm tốn trả lời. Nhưng thực tế là cô bé 2 tuổi kia đã đọc được hàng trăm từ rồi, điều này mãi về sau tôi mới được biết. Vậy là tôi và Susan bắt đầu nói chuyện về cách dạy học cho con. Chị ấy rất hào hứng chia sẻ cách dạy con của bản thân cũng như của các bà mẹ Mỹ khác.
 
Ở Mỹ, tuy công nghệ rất phát triển nhưng trẻ em dưới 2 tuổi được khuyến cáo không nên tiếp xúc với tivi, iPad hay các thiết bị điện tử có màn hình khác. Thay vào đó, trẻ sẽ vận động ngoài trời và đọc sách trong thư viện cùng các thành viên trong gia đình.
 
Có lẽ khá lạ lẫm đối với tôi khi lần đầu bước chân vào thư viện ở đây. Người ta đưa trẻ đủ mọi lứa tuổi tới đọc sách, có bé mới vài tháng tuổi, thậm chí chỉ vài tuần tuổi cũng được tham gia đọc sách. Các thể loại sách ở đây rất phong phú, phù hợp cho mọi lứa tuổi của trẻ.
 
 
Chắc hẳn các bạn đang tự hỏi những đứa trẻ đó sẽ đọc sách thế nào? Rất đơn giản thôi, cha mẹ hoặc anh chị của chúng sẽ đọc to, rõ ràng, diễn cảm, đôi khi còn giả giọng các nhân vật cho trẻ nghe. Được biết, đối với trẻ dưới 5 tuổi, việc đọc to và giả giọng giúp trẻ tăng khả năng tập trung và ghi nhớ tốt hơn. Hàng tuần, thư viện còn có chương trình “Family Story Time” hay “Baby and Toddler Time” chuyên kể chuyện, đọc sách có ngữ điệu và hát những bài hát có vần cho trẻ.
 
Susan cũng kể rằng, ở Mỹ, các gia đình thường xuyên đưa trẻ nhỏ tới thư viện chơi. Bởi trong các thư viện đều có một khu vực dành riêng cho trẻ với thiết kế sáng tạo và có tính giáo dục cao. Đến thư viện, trẻ không chỉ được đọc sách phù hợp theo lứa tuổi mà có rất nhiều đồ chơi phong phú cho trẻ thỏa sức sáng tạo.
 
Không chỉ có vậy, các gia đình Mỹ đều dành cho con cái họ một không gian riêng để làm tủ sách nhỏ, hành trang tuổi thơ của con. Tuy sách mới ở Mỹ khá đắt, nhưng cũng có nhiều tổ chức cho sách miễn phí cho trẻ hoặc cha mẹ sẽ tìm mua lại những cuốn sách đã qua sử dụng giá rất rẻ mà chất lượng vẫn rất tốt.
 
 
Người Mỹ quan niệm rằng đọc sách cũng như tưới cây hàng ngày nên đọc vào sáng sớm khi bé thức dậy và buổi tối trước khi bé đi ngủ. Bởi sau một giấc ngủ đêm sâu và dài, đầu óc bé sẽ tỉnh táo và nhạy bén vào buổi sáng sớm, khi đó bé có thể ghi nhớ rất nhanh ngôn ngữ và những câu chuyện mới. Còn buổi tối trước khi đi ngủ, những câu chuyện nhẹ nhàng, em dịu sẽ giúp đưa bé vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
 
Trước khi tạm biệt ra về, Susan không quên nhắn nhủ tôi: "Hãy tập cho con tình yêu với sách, thói quen đọc sách ngay từ khi còn bé nhé!"

4 “lợi” khi rèn cho con thói quen đọc sách từ nhỏ

Mặc dù màn hình đầy màu sắc trên tivi dễ dàng tạo ấn tượng nổi bật hơn trang giấy trắng đơn thuần, thế nhưng để nuôi dưỡng tâm hồn bé phát triển toàn diện, hãy tập cho con thói quen đọc sách.
 
Hiện nay đa số trẻ em đều thích xem tivi, chơi game hơn đọc sách. Nhiều bậc phụ huynh vì quá bận rộn nên cũng “ngoảnh mặt làm ngơ” trước thói quen này của con. 
 
Đối với trẻ em, đọc sách hay xem tivi tốt hơn? Câu trả lời chính là đọc sách. Mặc dù màn hình đầy màu sắc trên tivi dễ dàng tạo ấn tượng nổi bật hơn trang giấy trắng đơn thuần, thế nhưng để nuôi dưỡng tâm hồn bé phát triển toàn diện, hãy tập cho con thói quen đọc sách. Dưới đây là một số lý do minh chứng cho kết quả trên:
 
1. Cải thiện kỹ năng toàn diện
 
Đây là một trong những lợi ích quan trọng nhất của việc đọc sách. Khi trẻ em xem tivi, chúng không làm gì hơn là nhìn chằm chằm vào màn hình. Đọc sách lại giúp lũ trẻ tỉnh táo hơn để phân tích, phán đoán logic về các sự cố xảy ra trong câu truyện. Hơn nữa nếu chưa hiểu cốt truyện, với sách trẻ có thể đọc đi đọc lại nhiều lần tới khi nào nắm rõ còn tivi thì không.
 
2. Cải thiện khả năng tập trung
 
Khi đọc sách bé phải tập trung chú ý từng đến từng chi tiết nhỏ, ví dụ như khi đọc truyện trinh thám chẳng hạn. Nếu không tập trung chú ý vào các tiểu tiết, bé sẽ không nhận ra các vụ phá án đã được giải quyết như thế nào, cái gì là manh mối quan trọng… Khả năng tập trung được nâng cao cũng giúp ích bé nhiều hơn trong việc học hành, thi cử.
 
3. Xem tivi có hại cho mắt
 
Thường xuyên xem tivi rất có hại cho mắt, nó có thể khiến bé mắc một số bệnh về thị lực từ rất sớm như cận thị. Bên cạnh đó, ánh sáng xanh từ màn hình còn gây cản trở giấc ngủ của bé nữa. Tập cho bé quen dần với những câu chuyện trước khi đi ngủ sẽ giúp bé ngủ ngon vào ban đêm và thức dậy với một buổi sáng tràn đầy năng lượng.
 
4. Khơi gợi tính nhân văn cho bé
 
Đọc sách cũng khiến bé nhạy cảm và giúp khơi gợi tính nhân văn cho bé hơn rất nhiều đấy. Bằng chứng là những câu chuyện tươi đẹp sẽ phát triển ý thực dịu dàng từ bên trong con người chúng, làm chúng thêm yêu đời, yêu cuộc sống này hơn. Còn nếu đó là những câu truyện buồn bé cũng sẽ bày tỏ lòng thương xót, sự đồng cảm đối với nhân vật… Một người con nhạy cảm, không vô cảm, biết sẻ chia giúp đỡ trong tương lai là điều mà ba mẹ và xã hội này cần mà? Phải không?
 
Theo Boldsky
 

35 lưu ý khi muốn tạo dựng thói quen đọc sách

“Cuộc đời ta thay đổi theo hai cách: qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc.” – Harvey MacKay
 
Ngày nay, xã hội ngày một phát triển, việc đọc sách đôi khi bị lãng quên bởi con người ta có thể lướt web, google search là ra tất tần tật mọi thông tin mong muốn. Vậy thì tại sao phải đọc sách và làm cách nào để tạo dựng, duy trì và phát triển thói quen ấy?
.
 
Thói quen đọc sách báo sẽ giúp bạn có rất nhiều kiến thức bổ ích
Tại sao nên mua sách để đọc thay vì đọc sách báo trên mạng?
1. Cảm giác cầm một quyển sách trên tay khác với việc đọc thông tin trên báo mạng.
2. Bạn có thể đọc báo khi đang đứng, đang ăn hoặc đang đi trên xe bus và đem đi khắp mọi nơi một cách nhẹ nhàng.
4. Sách không bao giờ sợ bị mất mạng.
5. Bạn không phải đăng nhập, tùy biến, đăng ký thành viên, hay nhớ mật khẩu để đọc sách.
6. Có thể gối đầu giường hoặc dùng để trang trí tủ sách.
.
 
Không gian yên tĩnh với những kệ sách mơ ước
 
Dù sách in có những ưu thế nhất định, nhưng việc có đọc dù là đọc sách báo mạng cũng có những lợi ích không thể chối bỏ.
1. Thông tin nhanh chóng, dễ tìm và vô cùng phong phú.
2. Truy cập nhanh, nhiều thông tin miễn phí.
3. Với sự ra đời của điện thoại thông minh, đường truyền internet tốc độ, việc đọc sách báo mạng không còn là điều khó khăn.
Những lợi ích không thể phủ nhận khi bạn xây dựng được thói quen đọc sách:
.
 
Đọc sách là một bí quyết xả stress hiệu quả
1. “Ngừng đọc sách là ngừng tư duy” – Edison
2. Mở mang kiến thức, tầm nhìn và phát triển trí tuệ.
3. Nâng cao trình độ giúp tự tin trong giao tiếp ứng xử.
4. Phát triển nhân cách giúp có được nhiều người yêu mến.
5. Nâng cao tay nghề giúp cải thiện phong cách làm việc.
6. Giúp mở rộng vốn từ vựng trong giao tiếp, đồng thời củng cố kĩ năng viết.
7. Tăng khả năng tập trung.
8. Giúp củng cố trí nhớ vì mỗi lượng thông tin mới được não thu thập, cơ quan chỉ huy sẽ tạo ra những tế bào não mới.
9. Bồi bổ văn hóa tinh thần, giúp giảm căng thẳng, đạt được sự tĩnh tâm.
10. Giải trí lành mạnh, tiết kiệm chi tiêu.
.
 
Dù bận rộn nhưng Bill Gates vẫn không bỏ thói quen đọc sách trước khi đi ngủ.
 
Làm cách nào để hình thành và nuôi dưỡng thói quen đọc sách?
1. Thu xếp thời gian đọc sách: Có những giờ đọc sách và ngày đọc sách như dành một ngày trong tuần hoặc vài thời gian trong ngày để đọc sách, ví dụ thói quen đọc sách trước khi đi ngủ…
2. Chọn sách thích hợp: Bạn chỉ có thói quen tốt khi bạn chọn được một quyển sách thú vị.
3. Xem qua phần giới thiệu: Trước khi bạn đọc một cuốn sách, hãy xem qua phần tóm tắt giới thiệu, mục lục để hiểu ý tưởng cuốn sách viết gì.
4. Tham khảo ý kiến phản hồi: Có thể tham khảo ý kiến phản hồi của các độc giả khác để quyết định có nên đọc cuốn sách đó không.
6. Lập danh sách: Hãy lập một danh sách tất cả những cuốn sách hay ho bạn muốn đọc.
7. Luôn mang theo một quyển sách: Dù là đi đâu, cũng hãy mang một một quyển sách theo bên mình.
8. Thực hành thói quen & không từ bỏ: Một hành động được lặp đi lặp lại sẽ trở thành thói quen.
.
 
Tạo dựng thói quen đọc sách như một thú vui
 
9. Không đặt quá nhiều áp lực tạo dựng một mục tiêu quá cao: Hãy thực hành từng bước nhỏ, từ dễ đến khó. Thói quen đọc sách cần phải trở thành một hoạt động lành mạnh của sự yêu thích, nếu không việc đọc sách của bạn sẽ trở nên vô nghĩa.
10. Tìm nơi yên tĩnh: Nếu bạn chưa có, hãy tự tạo cho mình.
11. Giảm thiểu TV & Internet: Nếu muốn đọc sách nhiều hơn, hãy giảm thời gian xem TV, facebook, chat với bạn bè qua mạng internet. 
12. Đọc sách cho người thân: Bạn có thể đọc sách cho con bạn, cho chồng bạn hoặc cho người yêu bạn…
13. Lưu ý đánh dấu trang sách bạn đang đọc dở: Việc này giúp tiết kiệm thời gian cho việc đọc sách lần sau.
14. Tạo thói quen đến thư viện: bạn có thể đọc được rất nhiều quyển sách bổ ích và miễn phí.
15. Đến hiệu sách cũ: có thể bạn sẽ tìm được nhiều quyển sách hay ho tại đây, lại rẻ hơn nhiều những quyển sách mới cóng.
16. Hãy tạo dựng thói quen đọc sách cho con bạn từ khi còn nhỏ: Trẻ con chính là thế hệ tương lai của đất nước. Việc hình thành thói quen đọc sách cho chúng từ khi còn bé chính là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi chúng ta.
.
 
Hãy làm gương cho con trong việc học tập, nghiên cứu
 
“Đọc sách hay cũng giống như trò truyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua.” – Rene Descartes.
 
Theo: elle.vn

Tăng cường văn hóa đọc trong nhà trường

Bộ GD&ĐT vừa yêu cầu các đơn vị giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và toàn xã hội về tác dụng, ý nghĩa của việc đọc.
 
 
Bộ GD&ĐT  sẽ ban hành những quy định mới về tổ chức, hoạt động và tiêu chí đánh giá thư viện trường học.
 
Nhằm phát huy hiệu quả của hệ thống thư viện trường học, thúc đẩy phong trào đọc, hình thành thói quen đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng…Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và toàn xã hội về tác dụng, ý nghĩa của việc đọc.
Đồng thời, nêu gương những điển hình tiên tiến của các tập thể, cá nhân thành đạt nhờ đọc nhiều. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ thư viện đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác tổ chức các hoạt động và quản lí thư viện, góp phần đổi mới hoạt động dạy học của nhà trường.
 
Mở các lớp giáo dục kỹ năng, phương pháp đọc, phương pháp thu thập và xử lý thông tin cho học sinh; phổ biến kinh nghiệm đọc cho người dân tại trung tâm học tập cộng đồng.
 
Giáo viên các trường mầm non dành thời gian đọc sách, kể chuyện cho trẻ; đồng thời hướng dẫn và khuyến khích cha mẹ học sinh đọc sách, kể chuyện cho con nghe thường xuyên tại gia đình.
 
Đổi mới hình thức và phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng tận dụng các nguồn thông tin ngoài sách giáo khoa, nhất là thông tin từ thư viện để nâng cao chất lượng giáo dục, khuyến khích học sinh đọc các tài liệu in và tài liệu kỹ thuật số, rèn luyện năng lực tự học, năng lực học tập suốt đời.
 
Ngoài ra, các đơn vị cần đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường học nhằm tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách bằng nhiều hình thức như “thư viện xanh”, “thư viện thân thiện”, “thư viện điện tử”, ….
 
Xã hội hoá các nguồn lực xây dựng thư viện trường học, huy động cha mẹ học sinh, các tập thể, cá nhân tích cực tham gia xây dựng tủ sách lớp học, tủ sách phụ huynh.
 
Thành lập các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học trong các trường phổ thông với cơ cấu tổ chức linh hoạt, chương trình và hình thức hoạt động đa dạng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ, các nhà trường cần chú trọng việc đánh giá học sinh thông qua các dự án học tập, sản phẩm nghiên cứu khoa học, kĩ thuật,… thay cho các bài kiểm tra.
 
Bộ GD&ĐT cho biết sẽ ban hành những quy định mới về tổ chức, hoạt động và tiêu chí đánh giá thư viện trường học.
 
Hồng Hạnh