Sứ mệnh cao quý và đầy thử thách của thế hệ trẻ

 
 
 
GS.Pierre Darriulat cùng các đồng nghiệp trẻ Việt Nam tại phòng thí nghiệm VATLY trong những ngày đầu thành lập.
Ảnh: Võ Văn Thuận
 
Bài phát biểu của GS. Pierre Darriulat nhân dịp buổi lễ trao giải thưởng Phan Châu Trinh 2016
 
Giải thưởng tôi vinh dự được nhận hôm nay quá uy tín so với đóng góp khiêm nhường của tôi cho sự phát triển khoa học cơ bản của đất nước. Tôi hiểu rằng giải thưởng này thể hiện thiện chí hơn là sự tôn vinh cho những thành tựu mà thực ra tôi còn chưa đạt được; đúng hơn đây là sự ghi nhận những nỗ lực tôi đã cống hiến, trong 16 năm qua, vì sự phát triển khoa học và những đổi mới trong văn hóa, cung cách làm việc để đáp ứng cho sự phát triển ấy. Phát triển văn hóa và giáo dục là điều kiện tiên quyết cho sự tiến bộ của đất nước. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, phát triển văn hoá và giáo dục sẽ kéo theo sự phát triển ở những lĩnh vực khác. Phan Châu Trinh và những đồng chí của mình trong nhóm Ngũ Long cách đây một thế kỷ đã đấu tranh cho giải phóng văn hóa và giáo dục cho người Việt và coi đó là con đường tốt nhất hướng đến độc lập và tự do. Cho đến hôm nay tinh thần đó vẫn còn nguyên giá trị.
Đại học của chúng ta dựa trên mô hình những đại học ở các nước phát triển cách đây 50 năm. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn là một đất nước phải vật lộn để phát triển sau nhiều thập kỷ chiến tranh và đói kém với những vết thương còn chưa lành. Chúng ta phải xem xét lại cần loại đại học nào để phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia. Chúng ta phải chú trọng hơn nữa đến hướng nghiệp. Chúng ta cần phải làm rõ, để phát triển phải cần bao nhiêu công nhân, kỹ thuật viên và kỹ sư; và cần phân bổ tỉ lệ giữa các ngành nghề như thế nào: cần bao nhiêu bác sĩ, bao nhiêu y tá, bao nhiêu kiến ​​trúc sư, bao nhiêu giáo viên và bao nhiêu nông dân. Ngày nay, rất nhiều sinh viên đại học phải lãng phí 4 đến 5 năm quý giá nhất cuộc đời mình để nghe những bài giảng mà chất lượng của nó cách xa hàng dặm so với những gì mà họ đáng được học. Trong nhiều lớp vật lý hạt nhân, những kiến thức lạc hậu mà tôi đã học cách đây 60 năm khi còn là sinh viên vẫn đang được giảng dạy. Trong hơn hai mươi năm qua, chúng ta vẫn chưa thể đào tạo ra được một nhóm các kỹ sư, nhà khoa học những người có thể làm chủ được việc xây dựng, vận hành, khai thác và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân mà chúng ta sẽ xây dựng trong tương lai.
 
Ngày nay, chúng ta đang đào tạo quá nhiều sinh viên cho các ngành dịch vụ như tiếp thị, ngân hàng, quản lý, những cái tên mỹ miều thường giấu đi sự thật rằng chúng là nguồn lao động giá rẻ của những nước đang phát triển phục vụ tiến trình toàn cầu hóa theo cơ chế kinh tế thị trường. Trước khi dạy tiếp thị, chúng ta nên dạy cách tạo ra những sản phẩm có thể cần tiếp thị; trước khi dạy quản lý, chúng ta nên dạy những kỹ năng mà sau này sẽ là đối tượng cho sự quản lý. Nếu không, chúng ta sẽ chỉ tạo ra toàn là các nhà quản lý, và họ chẳng có đối tượng nào khác để quản lý ngoài chính bản thân mình.
 
Chúng ta đang tiêu tốn nhiều tiền của gửi con em mình đi học ở nước ngoài để kiếm những tấm bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Nhưng chúng ta lại rất hời hợt trong việc xác định những kỹ năng nào là cần thiết. Chúng ta chưa nỗ lực đủ mạnh trong việc khai thác, phát huy những du học sinh sau khi họ trở về nước, vì vậy nhiều đầu tư của nhà nước cho công tác đào tạo ở nước ngoài chỉ đơn giản là bị lãng phí. Tệ hơn nữa, nó làm gia tăng nạn chảy máu chất xám tai hại cho đất nước. Không có lý do gì để ta tiếp tục lãng phí nhiều tiền của như vậy vào việc gửi người ra nước ngoài và duy trì mức chảy máu chất xám quá cao. Nên dành số tiền này để hỗ trợ cho những người ở trong nước có quyết tâm cống hiến mang lại những giá trị tốt đẹp hơn. Tất nhiên, điều đó hàm ý một sự thay đổi trong cung cách làm việc: chúng ta nên chọn nhân sự một cách nghiêm túc hơn dựa trên cơ sở duy nhất là tài năng và năng lực; chúng ta nên tạo điều kiện, cả về tiền lương và môi trường làm việc, để thu hút họ. Chúng ta phải có một chính sách phát triển dài hạn, được quảng bá rõ ràng, để cho họ cảm thấy những hành động của mình nằm trong đó, tạo cho họ niềm tin vào sự hỗ trợ dài hạn, cho họ cơ sở để tự hào về những thành tựu đạt được, đem lại cho họ cảm giác được phụng sự một đất nước nơi ghi nhận những đóng góp của họ.
***
Thế giới quanh ta đang liên tục thay đổi, với tốc độ ngày nay nhanh hơn nhiều so với trước đây. Chúng ta cần phải đào tạo nên những công dân trẻ có trách nhiệm, những người nhìn ra thế giới với đôi mắt mở rộng, những người có chính kiến, có thể thích ứng nhanh với môi trường mới; những người có khả năng bác bỏ những học thuyết giáo điều, chiến đấu chống lại sự trì trệ, quan liêu và bảo thủ, những người biết nổi giận khi chứng kiến những điều trái ngược với lương tâm; những người có thể thay đổi những luật lệ điều hành xã hội để phù hợp với những thay đổi khách quan của thực tiễn, thay vì chỉ thuần túy mù quáng áp dụng những quy tắc lỗi thời là nguyên nhân của sự xơ cứng và tê liệt trong xã hội.
 
Việc thay đổi cung cách để tiến bộ đòi hỏi chúng ta, những học giả, nhà khoa học, trí thức có trách nhiệm nuôi dưỡng, phục hồi sự nghiêm ngặt đạo đức, tri thức và sự chuyên nghiệp trong các thói quen và cung cách làm việc. Chúng ta cần phải phục hồi sự tôn trọng tri thức, liêm chính và vì lợi ích cộng đồng hơn lợi ích cá nhân. Thất bại trong việc khôi phục những giá trị này đồng nghĩa với việc không thể đưa đất nước tới sự tiến bộ.
 
Văn hóa không có nghĩa là bảo thủ, cũng không có nghĩa là loại trừ. Ngược lại, nó có nghĩa là tiến bộ và khoan dung. Sự tôn trọng mà chúng ta có nghĩa vụ dành cho tổ tiên, những người đã tạo nên chúng ta hôm nay, tôn trọng với đất nước, với truyền thống không có nghĩa là không tôn trọng những nền văn hóa và các truyền thống của những người anh em khác trên thế giới. Ngược lại, chúng ta nên tò mò tìm hiểu về những nền văn hoá đó. Chúng ta nên có tham vọng học hỏi từ những nền văn hóa khác cũng nhiều như cách chúng ta quảng bá văn hoá của mình ra thế giới. Thái độ tò mò, nghiêm túc, và khoan dung và tầm nhìn dài hạn như vậy là những thuộc tính cố hữu, đặc biệt của văn hóa khoa học mà chúng ta, các nhà khoa học phải có trách nhiệm gìn giữ và phổ biến. Chúng ta phải cảm thấy có trách nhiệm đấu tranh cho sự phục hồi những giá trị tri thức và đạo đức nhằm góp phần đề cao phẩm giá con người; và nỗ lực thúc đẩy một nền khoa học không biên giới.
 
Để thành công, chúng ta cần phải tin tưởng vào thế hệ trẻ nhiều hơn so với hiện nay. Chúng ta cần phải dựa vào sự nhiệt tình, năng lượng, tài năng, sự hào phóng, niềm tin của họ vào tương lai mà ở đó họ là những nhân vật chính. Chúng ta cần phải trao cho họ cơ hội để mang lại cho đất nước nguồn không khí trong lành mà chúng ta rất cần để thở sâu hơn. Chúng ta cần phải trao cho họ cơ hội để thay đổi mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn, động viên họ chủ động đóng góp cho sự tiến bộ và phát triển của dân tộc. Tương lai đất nước nằm trong tay họ, những bàn tay của thế hệ Đổi Mới. Họ đã không phải chịu đựng những cuộc chiến tranh, đói khổ, những nỗi đau buồn, sự áp bức mà cha mẹ và ông bà họ đã phải trải qua. Họ được thừa hưởng từ ông bà cha mẹ độc lập và tự do. Mục tiêu của họ không còn là chiến thắng trong những cuộc chiến tranh mà là chiến thắng trong hòa bình. Sự nghiệp đó cũng cao quý như sự nghiệp mà các bậc cha mẹ và ông bà của họ đã từng chiến đấu. Điều đó cao quý nhưng cũng không kém phần thử thách. Chúng ta phải làm tất cả những gì cần thiết để ủng hộ và động viên họ hoàn thành sứ mệnh của mình; trang bị những công cụ giúp họ vượt qua những khó khăn phải đối diện.
 
Cách tôi nói nghe có vẻ kiêu ngạo. Tôi là ai mà nghĩ rằng mình biết chúng ta cần phải làm gì? Có lý tưởng riêng là một chuyện, nhưng tự cho rằng mình đúng đắn lại là chuyện khác. Tôi chia sẻ suy nghĩ của mình với cách nói tự do như trên đây chỉ vì điều đó không phải cho tôi, một người già, mà cho những đồng nghiệp trẻ mà tôi đang tiếp xúc hằng ngày. Động lực duy nhất của tôi là được chứng kiến đất nước này trao cho họ những cơ hội mà tài năng và sự hào phóng của họ xứng đáng có được. Những gì tôi nói không phải là mới, đơn giản đó là những nhận thức bình thường khi ta can cảm thẳng thắn đối diện với sự thật.
 
Trước khi kết thúc, cho phép tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới những người đã làm cho khoảng thời gian 16 năm qua của tôi ở Việt Nam trôi qua một cách hạnh phúc, đó là: vợ tôi, dĩ nhiên, không có bà thì tôi đã không đến Việt Nam; các đồng nghiệp trẻ của tôi, những người đứng đằng sau những nỗ lực của tôi; những người bạn Việt Phương, Hoàng Tụy, Phạm Duy Hiển, những người tôi chia sẻ niềm tin và là những người tôi hết sức tôn trọng và ngưỡng mộ. Cuối cùng, cho phép tôi cảm ơn bà Nguyễn Thị Bình, nhà văn Nguyên Ngọc và giáo sư Chu Hảo, những người đã đặt niềm tin trao cho tôi giải thưởng này, tôi nhắc lại, sự đóng góp khiêm nhường của tôi thật không xứng đáng. Tôi sẽ nỗ lực hết sức để xứng đáng với niềm tin của họ và xứng đáng với những người có uy tín đã từng nhận giải thưởng này.  
 
Phạm Ngọc Diệp dịch (Ban biên tập Tia Sáng hiệu đính)
 

Tân Thủ tướng cam kết nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng

Sáng 7/4, Quốc hội bỏ phiếu kín bầu Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng Chính phủ. Với đa số phiếu thuận, ông Nguyễn Xuân Phúc chính thức trở thành Tân Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 
Với 475 đại biểu tán thành (bằng 96,15% tổng số đại biểu) và 3 đại biểu không tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết công nhận kết quả bầu Thủ tướng. Nghị quyết có hiệu lực ngay lập tức.
 
Ngay sau đó, Tân Thủ tướng đã thực hiện nghi thức tuyên thệ.
 
“Tôi xin chân thành cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu tôi làm Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam. Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào và cả nước, tôi xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHXN Việt Nam. Tôi nguyện ra sức phấn đấu rèn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó” – Thủ tướng tuyên thệ.
 
 
Tân Phó Thủ tướng tuyên thệ trước toàn dân đồng bào. Ảnh: NY.
Phát biểu sau đó, tân Thủ tướng một lần nữa cảm ơn Quốc hội vì đã tin tưởng bầu ông làm Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là vinh dự to lớn cũng là trách nhiệm nặng nề mà Đảng, nhà nước, nhân dân giao phó. 
 
Ông Nguyễn Xuân Phúc khẳng định bản thân nguyện sẽ nỗ lực hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, tất cả vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 
“Là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, tôi sẽ cùng các đồng chí thành viên xây dựng Chính phủ vững mạnh, đoàn kết nhất trí, hiệu lực hiệu quả, hành động quyết liệt, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo tinh thần Hiến pháp và pháp luật” – tân Thủ tướng hứa.
 
Tân Thủ tướng Chính phủ cam kết, nghiêm túc lắng nghe nguyện vọng của đồng bào cử tri cả nước, ra sức khắc phục yếu kém. Đặc biệt, ông khẳng định sẽ tăng cường kỷ luật kỷ cương; nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết, kiên trì, vững tâm bảo vệ sự độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; không ngừng chăm lo đời sống vật chất tinh thần ấm no hạnh phúc, an toàn, an ninh cho nhân dân.
 
Một số hình ảnh tại lễ nhậm chức của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
 
 
Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi lễ tuyên thệ ngay sau khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua Nghị quyết công nhận kết quả. Ảnh: NY.
 
 
Ông hứa trước cờ Tổ quốc, Hiến pháp, Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước sẽ cố gắng hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ảnh: NY.
 
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa chúc mừng Tân Thủ tướng. Ảnh. NY.
 
 
Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa và tỏ lòng cảm ơn tới nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: NY.
 
Sơ lược tiểu sử Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
 
Sinh ngày: 20/7/1954
 
Quê quán: Quảng Nam.
 
Học vị: Cử nhân.
 
Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII
 
Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII
 
Đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII
 
Ông từng trải qua các chức vụ: Cán bộ Ban Quản lý kinh tế Quảng Nam – Đà Nẵng. Chuyên viên, Phó Văn phòng rồi Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng; Bí thư Đảng ủy cơ quan, Đảng ủy viên Đảng ủy khối Dân Chính Đảng Quảng Nam – Đà Nẵng khóa 1, 2. Học quản lý hành chính nhà nước tại Học viên Hành chính Quốc gia.
 
1993 – 1996: Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Tỉnh ủy viên khóa 15, 16 tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Học quản lý kinh tế tại Đại học Quốc gia Singapore.
 
1997 – 2001: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa 17, 18; Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam kiêm Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam: Chủ tịch Liên minh các Hợp tác xã tỉnh Quảng Nam; đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 6.
 
2001 – 2004: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (nhiệm kỳ 1999 – 2004); Bí thư Ban cán sự đảng UBND tỉnh. Đại biểu Quốc hội khóa XI, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế – Ngân sách của Quốc hội khóa XI.
 
2004 – 2006: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (nhiệm kỳ 2004-2009); đại biểu HĐND tỉnh khóa 7; Đại biểu Quốc hội khóa XI, Ủy viên Ủy ban Kinh tế – Ngân sách của Quốc hội khóa XI; Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT tỉnh Quảng Nam.
 
3/2006-5/2006: Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.
 
6/2006 – 8/2007: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Kinh tế – Ngân sách của Quốc hội khóa XI.
 
Từ 8/2007 đến nay: Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ khối các cơ quan Trung ương. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị; Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn làm Phó Thủ tướng Chính phủ.
 
Ngày 7/4 ông được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ.
 
Bích Ngọc
 

Phát triển Chính phủ điện tử tạo thuận lợi hóa thương mại

Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao được hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.
 
Ngày 6/4 tại TPHCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND TPHCM, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) và Liên minh tạo thuận lợi thương mại Việt Nam (VTFA) tổ chức hội nghị phối hợp hành động tạo thuận lợi thương mại.
 
Tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí cho rằng cần phải đẩy mạnh hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý cho phù hợp với cam kết quốc tế trong các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia. Các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành cũng cần phải rà soát và sửa đổi để đạt được tính thống nhất trong việc thực thi, tránh trùng lắp gây phiền hà, khó khăn cho DN.
 
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần phải đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng Chính phủ điện tử, có như vậy mới nâng cao được hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí đi lại và nhũng nhiễu đối với DN. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền về tác động của các hiệp định thương mại tự do, để DN nắm rõ. Việc tuyên truyền cần phổ biến theo hiệp hội, từng ngành hàng cụ thể.
 
 
Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM
Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cũng cho rằng, tạo thuận lợi thương mại cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng. Ví dụ: Việc kiểm tra chuyên ngành hàng hóa không chỉ có mình cơ quan hải quan mà phải có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều đơn vị liên quan khác thì việc thông quan mới nhanh được.
 
Cũng theo ông Thắng, bên cạnh việc liêm chính và minh bạch của các cơ quan thực thi pháp luật, DN cũng cần phải liêm chính, nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên chuyên trách nắm vững các Luật, quy định để cán bộ thực thi công vụ không thể bắt bẻ và nhũng nhiễu, giải quyết các hồ sơ thủ tục thông quan hàng hóa được nhanh chóng.
 
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nestor Scherbey, chuyên gia tư vấn cao cấp của VTFA tại TPHCM cho rằng, để đạt được mức thuế ưu đãi tốt nhất cho hàng hóa dưới các hiệp định thương mại tự do như TPP và FTA Việt Nam-EU, các DN cần thực hiện phân tích từng sản phẩm, quy trình sản xuất và nguyên liệu để xác định tình trạng của hàng hóa theo quy tắc cụ thể của từng hiệp định.
 
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần thiết lập một cơ sở dữ liệu thông tin thương mại của các doanh nghiệp FDI và các nhà cung ứng trong nước nhằm xác định các cơ hội cho DN Việt Nam trở thành nhà cung ứng của các doanh nghiệp FDI.
 
Bên cạnh đó, theo ông Herb Cochran, Giám đốc Điều hành AmCham Việt Nam tại TPHCM, Việt Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu và xác định đầu tư tối ưu về hạ tầng logistics cần thiết để tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế đối với cả hàng hóa xuất khẩu cũng như nhập khẩu.
 
Chẳng hạn, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển cảng Cát Lái nhằm trung chuyển hàng hóa tới các cảng khác trong khu vực thì cần xây dựng cảng Cái Mép thành cảng quốc tế lớn, là nơi trung chuyển hàng hóa cho các nước trong khu vực cũng như hàng hóa từ cảng Cái Mép có thể vận chuyển đến bờ Tây của Hoa Kỳ, để có thể giảm thời gian vận chuyển hàng hóa, tạo thuận lợi cho DN.
 
Theo Báo Chính phủ
 

Trình diễn sách “độc” mừng Ngày sách Việt Nam tại đường sách

TTO – Chương trình kỷ niệm Ngày sách Việt Nam tại TP.HCM diễn ra tại đường sách từ ngày 17 đến 24-4 với nhiều nội dung, trong đó nổi bật là các cuộc đấu giá sách cũ vào những ngày cuối tuần.
 
 
Hai buổi chiều vàng của Nhất Linh, NXB Đời Nay ấn hành năm 1937
Thông tin từ ban điều hành đường sách cho biết có bốn đầu sách được lên lịch sẽ đấu giá đợt này, gồm: Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển, bản đặc biệt do NXB Tự Do ấn hành tại Sài Gòn năm 1961; quyển Thú chơi sách của Vương Hồng Sển, bản thường, cũng do NXB Tự Do ấn hành năm 1961; một quyển thuộc dòng tiền chiến là Hai buổi chiều vàng của Nhất Linh, NXB Đời Nay ấn hành năm 1937; và quyển Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán xuất bản năm 1989, có thủ bút và chữ ký của tác giả. Buổi đấu giá đầu tiên vào sáng 17-4.
 
Bên cạnh đó, một triển lãm sách chủ đề “Văn học lãng mạn Việt Nam đầu thế kỷ 20” do Quán sách Mùa Thu thực hiện sẽ ra mắt bạn đọc Sài Gòn với nhiều ấn phẩm của các nhà văn tiền chiến: Nhất Linh, Khái Hưng, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Tô Hoài, Đông Hồ.
 
Một số sách “độc” là đối tượng tìm kiếm lâu nay của giới sưu tập cũng xuất hiện trong dịp này là Thơ say của Vũ Hoàng Chương (bản in 1940), Xuân Thu nhã tập (1942), Giấc mộng con của Tản Đà (bản in năm 1917).
 
Đặc biệt đợt này có trưng bày quyển Lửa thiêngin năm 1940 có thủ bút của Huy Cận, và quyển Thơ thơ in năm 1938 có thủ bút của Xuân Diệu.
 
Trong chuỗi hoạt động này, ban điều hành đường sách sẽ trưng bày các sách đoạt giải thưởng sách hay/sách đẹp do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hằng năm, tại lòng đường mặt đối diện nhà thờ Đức Bà.
 
Sẽ có ba buổi tọa đàm lần lượt diễn ra tại đường sách với các nội dung: “Văn học lãng mạn Việt Nam đầu thế kỷ 20”, người trình bày: Vương Trí Nhàn, MC: Lê Minh Quốc (9g sáng 17-4); “Sách – hoài niệm và đam mê”, với nhóm trình bày gồm các nhà sưu tập: anh Nguyễn Hữu Lệ, anh Nguyễn Ngọc Hoài Nam, anh Nguyễn Văn Miếng (9g sáng thứ bảy 23-4); “Mặc áo mới cho sách”, người trình bày: ông Võ Văn Rạng (ở Q.3) – chuyên gia đóng sách (9g sáng chủ nhật 24-4).
 
 
Nửa chừng xuân.
 
LAM ĐIỀN

​Trao công hàm phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào Vịnh Bắc Bộ

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.
 
 
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình – Ảnh tư liệu.
Ngày 7-4, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đi vào vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ từ tối 3/4 vừa qua để tiến hành tác nghiệp, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ:
 
“Theo thông tin từ các cơ quan chức năng Việt Nam, từ tối 3-4-2016, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã di chuyển đến vị trí có tọa độ 17 độ 3 phút 12 Bắc – 110 độ 4 phút 18 Đông, để tác nghiệp. Đây là khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ mà Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành đàm phán phân định.
 
Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch khoan giếng và rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực này, không có thêm các hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình và có những đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
 
Việt Nam bảo lưu tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của mình đối với khu vực nói trên bằng tất cả các biện pháp hòa bình được luật pháp quốc tế cho phép để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp đó.”
 
Chiều 5-4 vừa qua, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.
 
TTXVN

Hội thảo quốc tế “Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam”

Ngày 03/4/2016, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam và Ban Điều phối vùng Duyên hải Miền Trung tổ chức Hội thảo quốc tế “Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam”, nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.
 
 
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có: ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Lê Thanh Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Khánh Hoà, Trưởng Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung; bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; ông Carl Georg Berger, Đại sứ Cộng hoà Liên bang Đức tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương , các tỉnh ủy, thành ủy, các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia kinh tế;…
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vương Đình Huệ, cho biết: Vấn đề kinh tế vùng và liên kết vùng đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam nhận thức rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VIII, văn kiện nêu rõ: “Tạo điều kiện cho tất cả các vùng đều phát triển trên cơ sở khai thác thế mạnh và tiềm năng của mỗi vùng để hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và liên kết các vùng, tạo nên sự phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ của cả nước. Kết hợp sự phát triển có trọng điểm với sự phát triển toàn diện của các vùng lãnh thổ, giảm bớt chênh lệch về nhịp độ phát triển giữa các vùng”. Qua các kỳ Đại hội Đảng lần thứ IX, X, XI đều tiếp tục xác định rõ định hướng chiến lược phát triển vùng. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ XII đã nêu rõ: “Thống nhất quản lý tổng hợp chiến lược, quy hoạch phát triển trên quy mô toàn bộ nền kinh tế, vùng và liên vùng. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đồng thời ưu tiên phát triển các vùng kinh tế động lực, tạo sức lôi cuốn, lan tỏa phát triển đến các địa phương trong vùng và đến các vùng khác. Có chính sách hỗ trợ phát triển các vùng còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo; phát triển kinh tế lâm nghiệp. Đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền, gắn với phân định và nâng cao trách nhiệm của trung ương và địa phương. Thực hiện quy hoạch vùng, chính sách vùng; sớm xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng theo hướng xác định rõ vai trò đầu tàu và phân công cụ thể trách nhiệm cho từng địa phương trong vùng. Khắc phục tình trạng nền kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính, hoặc đầu tư dàn trải, trùng lặp. Xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá”.
 
Để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách phát triển vùng, từ năm 2000 đến nay, Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành các văn bản liên quan, từ phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của vùng, từ quy chế phối hợp, tổ điều phối vùng,… đến các chính sách đặc thù của vùng, đặc biệt vấn đề vùng đã được chú trọng, lồng ghép vào các định hướng phát triển kinh tế – xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các vùng và nhóm dân cư. Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định trong thực hiện chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng, nhưng cũng còn nhiều hạn chế trong quá trình triển khai chủ trương, cơ chế chính sách như: chưa nhận thức đầy đủ phát triển kinh tế vùng như một quy luật tự thân của kinh tế thị trường theo không gian kinh tế; cách phân vùng kinh tế – xã hội còn nhiều mặt hạn chế để phát huy lợi thế so sánh từng vùng; các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, có tác dụng lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa thực sự vượt trội; chưa quan tâm đến chức năng từng vùng gắn với điều kiện kinh tế – xã hội vùng và với tổng thể quốc gia; thiếu cơ chế quản trị, điều phối vùng hiệu quả; chất lượng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội vùng còn hạn chế;… 
 
Từ những hạn chế trên và nhiều vấn đề cấp bách cấp vùng hiện nay nổi lên mà từng địa phương không thể giải quyết được một cách hiệu quả như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán và quản lý nguồn nước,… Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận gợi mở một số nội dung quan trọng như: tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo vùng; xác lập chiến lược phát triển kinh tế vùng trong chiến lược phát triển quốc gia; rà soát, phân vùng hợp lý, khoa học và thực tiễn phù hợp với giai đoạn mới phát triển các vùng kinh tế – xã hội và vùng kinh tế trọng điểm; mô hình thể chế điều phối, quản trị vùng;… 
Ông Vương Đình Huệ cũng chỉ ra các cơ chế chính sách cho việc phát triển kinh tế vùng, cũng như các vấn đề liên quan đến khoa học và công nghệ, giáo dục đào tạo, phân bổ công nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
 
Những kiến nghị, đề xuất của Hội thảo sẽ có ý nghĩa thiết thực đối với việc phát triển kinh tế – xã hội, góp phần quan trọng để hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh liên kết và phát triển kinh tế – xã hội các vùng trong phạm vi cả nước và giúp cho các tổ chức quốc tế xác định rõ hơn chiến lược hoạt động trong giai đoạn tới. 
 
Các tham luận tại Hội thảo đã tập trung phân tích rõ tính tất yếu và cần thiết, các yếu tố tác động đến phát triển kinh tế vùng; lý giải một số vấn đề cơ bản, như động lực liên kết là lợi ích vùng và việc phân chia thành quả của liên kết; vai trò của Nhà nước và thị trường trong liên kết phát triển kinh tế vùng,… Nhiều tham luận đề cập các cơ chế chính sách cho phát triển kinh tế vùng; vấn đề thể chế hóa điều phối kinh tế vùng, tính liên kết có tổ chức trên cơ sở tự nguyện; xác định thể chế điều phối kinh tế vùng phù hợp điều kiện của Việt Nam; cơ chế thích hợp cho các vùng kinh tế động lực phát triển; cho các vùng khó khăn rút ngắn khoảng cách phát triển; quan tâm các vùng có tính đặc thù như tây bắc, tây Nam Bộ, Tây Nguyên,…
 
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Cộng hoà Liên bang Đức tại Việt Nam, ông Carl Georg Christian Berger khẳng định: Đức cũng như một số đối tác quốc tế hoàn toàn ủng hộ vấn đề thúc đẩy điều phối vùng tại Việt Nam. “Tôi tin rằng điều phối vùng đủ mạnh sẽ mang lại cho các tỉnh tiềm năng to lớn trong việc giải quyết các vấn đề nằm ngoài tầm ảnh hưởng của các đơn vị hành chính quy mô nhỏ hơn; và điều phối vùng cũng có thể thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại Việt Nam, đặc biệt, nếu điều phối vùng được hỗ trợ tích cực bởi các cơ quan chức năng. Việc điều phối có thể loại bớt những vấn đề phức tạp, tạo ra những cơ hội cho phát triển kinh tế, trong đó có định hướng phát triển kinh tế thị trường và bảo vệ môi trường tại các địa phương…” Ông Carl Georg Berger nhấn mạnh.
 
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: “Sự tăng trưởng của Việt Nam trong những thập kỷ vừa qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, vì vậy, việc điều phối vùng mạnh hơn để tối ưu hoá được các tiềm năng to lớn của Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách”. Bà Victoria Kwakwa cũng khẳng định, Ngân hàng Thế giới sẵn sàng phối hợp với các tổ chức quốc tế, chính phủ Việt Nam triển khai hiệu quả nhằm thúc đẩy và phát triển vùng và điều phối vùng ở Việt Nam.
 
Nhân dịp này, các đối tác phát triển tại Việt Nam đã có tuyên bố ủng hộ Sáng kiến thúc đẩy điều phối vùng tại Việt Nam do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ Việt Nam khởi xướng. Các đối tác phát triển bày tỏ tin tưởng tăng cường điều phối vùng sẽ đem lại lợi ích to lớn cho sự phát triển vùng nói riêng và phát triển đất nước nói chung. Các đối tác phát triển đề xuất Việt Nam cần có các thể chế mạnh để điều phối vùng một cách hiệu quả; quy hoạch vùng và mối liên hệ với vấn đề tài chính là điều kiện quan trọng để điều phối vùng một cách hiệu quả; để thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao khả năng chống chịu các tác động của biến đổi khí hậu, cần có một cơ chế điều phối vùng không chỉ cho phát triển kinh tế mà còn xác định và thực hiện các giải pháp đa ngành; thúc đẩy điều phối vùng là vấn đề cấp thiết và có thể được thực hiện theo từng giai đoạn;…
 
Từ kết quả của Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp để báo cáo Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan liên quan để nghiên cứu, triển khai trong thực tiễn.
 
BÁO CÁO THAM LUẬN
 
(Của Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc)
 
 
Chủ trương, cơ chế chính sách, chương trình, dự án phát triển khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng giai đoạn 2016-2020
 
Trong bối cảnh thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường về các vấn đề an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh …, để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, với vai trò là quốc sách hàng đầu đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước, đòi hỏi khoa học và công nghệ có những cơ chế chính sách kịp thời, phù hợp với tiềm lực của quốc gia.
 
1. Các chủ trương, cơ chế chính sách, dự án KH&CN liên quan đến phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng đã ban hành
 
1.1. Về các chủ trương, cơ chế chính sách
 
Một trong những văn bản pháp lý quan trọng nhằm triển khai chủ trương đường lối của Đảng về KH&CN nói chung và phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng nói riêng là Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012). Chiến lược đã đề ra nhóm giải pháp “KH&CN ở các vùng, địa phương”, trong đó tập trung vào phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng với các nhiệm vụ chủ yếu là: (1) Hoạt động KH&CN vùng cần tập trung khai thác các lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa là các sản phẩm chủ lực. Xây dựng định hướng phát triển KH&CN tạo môi trường hợp tác, liên kết giữa các địa phương; (2) Hình thành tại mỗi vùng một số mô hình liên kết giữa KH&CN với giáo dục và đào tạo, sản xuất, kinh doanh, hướng vào khai thác lợi thế của vùng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, xã hội; (3) Xây dựng hệ thống tổ chức và cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động KH&CN trong vùng, như các viện nghiên cứu và phát triển, các trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng, trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN.
 
Cụ thể đối với các vùng kinh tế trọng điểm, Chiến lược đã đề ra các nhiệm vụ chủ yếu như sau:
 
– Đối với các vùng kinh tế trọng điểm: Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ. Phấn đấu tốc độ đổi mới công nghệ của vùng bình quân 20 – 25%/năm; tỷ lệ công nghệ tiên tiến đạt khoảng 45%. Hình thành một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Chú trọng phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch với quy mô công nghiệp phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới.
 
– Đối với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, như cơ khí chế tạo, công nghiệp đóng tàu, công nghiệp phần mềm, thiết bị tin học, công nghiệp phụ trợ, sản xuất các thiết bị tự động hóa, rô bốt, sản xuất vật liệu mới, thép chất lượng cao. Phát huy vai trò đầu tàu và ảnh hưởng lan tỏa của Thủ đô Hà Nội như một trung tâm KH&CN hàng đầu của cả nước.
 
– Đối với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Tập trung phát triển năng lực KH&CN đạt trình độ tiên tiến trong một số lĩnh vực công nghiệp trọng điểm, như công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản, công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghiệp vật liệu xây dựng. Tập trung đầu tư để thành phố Đà Nẵng, thành phố Huế trở thành cụm trung tâm KH&CN của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
 
– Đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, như cơ khí chính xác, công nghiệp chế biến thực phẩm, điện tử – tin học, sản xuất các thiết bị tự động hóa, thiết bị y tế, năng lượng, sản xuất vật liệu mới, phát triển các ngành công nghiệp đóng tàu, dầu khí, công nghiệp phần mềm. Tập trung đầu tư để thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm KH&CN của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Nghiên cứu đề xuất một số cơ chế đặc thù để thí điểm áp dụng cho thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tốc độ phát triển KH&CN.
 
– Đối với vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long: Tập trung nghiên cứu phát triển, ứng dụng KH&CN phục vụ các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, như sản xuất lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp các giống cây, con, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tập trung đầu tư để thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm KH&CN của vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.
 
Triển khai nhiệm vụ nêu trên, trong giai đoạn 2011-2015, Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2011 -2015 (Quyết định số 1244/QĐ-TTg ngày 25/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó có nhiệm vụ KH&CN chủ yếu liên quan đến phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng là: “Xác định mô hình và các giải pháp tái cấu trúc và chuyển dịch cơ cấu kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Ứng dụng các giải pháp KH&CN để phát triển kinh tế biển, phát triển kinh tế – xã hội các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ”. Đặc biệt mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 1318/QĐ-BKHCN ngày 05/6/2015) trong đó nêu rõ giải pháp nhằm tập trung nguồn lực để triển khai các định hướng phát triển KH&CN chủ yếu của vùng và liên kết vùng là: “Khoa học và công nghệ ở các vùng, địa phương: tập trung triển khai nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong các vùng kinh tế trọng điểm; tiếp tục triển khai Chương trình KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ và Chương trình ứng dụng và chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020”.
 
Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2011, Bộ KH&CN đã chủ trì phối hợp với các Bộ/ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện các chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia phục vụ phát triển kinh tế các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ, trong đó, ngoài mục tiêu phát triển bền vững kinh tế – xã hội vùng, có nhiều nhiệm vụ chú trọng đến liên kết vùng và xuyên biên giới.
 
1.2. Các chương trình, dự án phát triển KH&CN đã và đang triển khai
 
– Chương trình Tây Nguyên 3:
 
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Chương trình KH&CN cấp nhà nước Tây Nguyên 3, Bộ KH&CN đã chủ trì phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2011-2015 (gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên 3) (theo Quyết định số 2632/QĐ-BKHCN ngày 29/8/2011 của Bộ trưởng Bộ KH&CN).
Trên cơ sở bám sát mục tiêu và nội dung, sản phẩm của khung Chương trình, đồng thời xem xét các vấn đề cấp thiết, thực tiễn từ kiến nghị của địa phương và Ban chỉ đạo Tây Nguyên, với tính tổng hợp liên ngành cao, các kết quả của Chương trình trong giai đoạn này đã đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên.
 
Trong giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở các kết quả đạt được, qua quá trình quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình và nắm bắt nhu cầu cấp thiết tại các địa phương, Bộ KH&CN thấy rằng để phục vụ phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên, các định hướng mục tiêu cần hướng tới là: (1) Cung cấp luận cứ khoa học về liên kết vùng, ngành và hội nhập kinh tế quốc tế: Xác định lĩnh vực liên kết vùng và hội nhập hiệu quả và đặc thù; đề xuất các chính sách, cơ chế, giải pháp; (2) Ứng dụng có hiệu quả và chuyển giao công nghệ tiên tiến thích hợp; lựa chọn nhân rộng các mô hình đã thử nghiệm vào sản xuất tạo sản phẩm hàng hóa nông lâm nghiệp, dịch vụ; (3) Cung cấp giải pháp KH&CN nâng cao năng lực quản lý của các tỉnh Tây Nguyên về tài nguyên, môi trường, rủi ro thiên tai và quản lý xã hội theo định hướng phát triển bền vững; (4) Cung cấp các giải pháp phát huy nguồn nội lực KH&CN tại vùng Tây Nguyên.
 
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, Bộ KH&CN đang định hướng nhiều Chương trình hợp tác quốc tế (song phương và đa phương) để chuyển giao các công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển cho vùng Tây Nguyên nhằm nâng cao giá trị sản phẩm của các vùng/địa phương, đặc biệt là sản phẩm nông lâm đặc sản xuất khẩu, phát triển dược liệu, du lịch, phát triển thị trường cho người nghèo, cải thiện môi trường, giảm thiểu tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần cải thiện đời sống kinh tế xã hội tại những địa bàn khó khăn, đảm bảo quốc phòng an ninh.
 
– Chương trình Tây Bắc:
 
Hiện nay, Bộ KH&CN đã và đang chủ trì phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức triển khai thực hiện Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013-2018 (gọi tắt là Chương trình Tây Bắc) (theo Quyết định số 1746/QĐ-BKHCN ngày 28/6/2013 của Bộ trưởng Bộ KH&CN) gồm các mục tiêu chính: (1) Cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; (2) Xác định luận cứ khoa học cho các mô hình phát triển kinh tế – xã hội phù hợp đặc thù các tiểu vùng, liên vùng, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc; (3) Đề xuất, chuyển giao các giải pháp KH&CN phù hợp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; phát triển hạ tầng giao thông và thông tin; phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; (4) Xác định nhu cầu đào tạo nhân lực và đề xuất giải pháp đào tạo phù hợp cho phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng Tây Bắc.
 
Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình đã đề ra 04 nhóm nội dung chính và 04 gói sản phẩm chính với các chỉ tiêu đánh giá định lượng cụ thể. Từ năm 2013 đến nay đã có 20 nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình đang được triển khai thực hiện theo các định hướng mục tiêu và nội dung đã phê duyệt.
 
Các đề tài đã hướng tới giải quyết các vấn đề KH&CN cụ thể, nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả của các ngành kinh tế trọng yếu của Tây Bắc (chuỗi cung ứng sản phẩm nông lâm đặc sản xuất khẩu, phát triển dược liệu, du lịch, phát triển thị trường cho người nghèo,…) góp phần cải thiện các mô hình sinh kế của người dân và mô hình tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp trong vùng. Chương trình cũng đặc biệt quan tâm nghiên cứu các vấn đề cấp thiết về quốc phòng, an ninh, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng như vấn đề người H’Mông, quan hệ tộc người vùng biên giới, liên kết quân dân trong xây dựng các tuyến đường cơ động quân sự các tỉnh biên giới.
 
– Chương trình Tây Nam Bộ:
 
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2014, Bộ KH&CN đã chủ trì phối hợp với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức triển khai Chương trình KH&CN cấp quốc gia “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ” giai đoạn 2014-2019 (gọi tắt là Chương trình Tây Nam Bộ) (theo Quyết định số 734/QĐ-BKHCN ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ KH&CN) nhằm Cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chiến lược, chính sách; đẩy mạnh ứng dụng KH&CN; triển khai các giải pháp KH&CN phục vụ phát triển bền vững, phù hợp với đặc thù và thế mạnh của vùng Tây Nam Bộ, có tính đến bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Các mục tiêu cụ thể gồm: (1) Cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định và thực hiện chiến lược, chính sách phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (2) Đề xuất các giải pháp KH&CN liên ngành để thúc đẩy liên kết nội vùng và li&ecir

Chương trình KC.02/06-10: 55 loại sản phẩm đã được thương mại hóa

Ngày 30/3/2016, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC02/11-15 đã phối hợp với Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới (KC.02/11-15).
 
 
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết Chương trình KC.02/11-15
Mục tiêu của Chương trình là tiếp thu và nắm vững được công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất một số loại thép hợp kim, thép chịu nhiệt, hợp kim kim loại màu phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp quốc phòng; Phát triển và tạo được công nghệ sản xuất, chế tạo vật liệu nano, đất hiếm, cao su chuyên dụng, polymer và composite đặc biệt, vật liệu y sinh, vật liệu điện tử tiên tiến phục vụ các ngành kinh tế – kỹ thuật; đồng thời tạo được một số công nghệ có triển vọng cao và một số nhóm nghiên cứu trẻ có năng lực nghiên cứu mạnh trên cơ sở kết quả thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công (KH&CN) nghệ tiềm năng.
 
Theo báo cáo của Ban chủ nhiệm Chương trình, với 28 đề tài, 10 dự án sản xuất thử nghiệm, thời gian thực hiện từ tháng 5/2012 – 3/2016, các sản phẩm của Chương trình đều có trình độ khoa học cao. Đã hoàn thành được 239 sản phẩm, trong đó có 108 loại vật liệu, sản phẩm thành phẩm, dây chuyền công nghệ; 131 quy trình công nghệ, thiết kế, mô hình ứng dụng. 25 bài báo, báo cáo đăng trên tạp chí KH&CN và hội nghị quốc tế, 104 bài báo, báo cáo đăng trên các tạp chí về KH&CN trong nước. Ngoài ra, Chương trình đã tham gia đào tạo sau đại học 23 nghiên cứu sinh, 33 thạc sĩ, 14 tiến sĩ và 29 thạc sĩ bảo vệ thành công.
 
Tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Việt Bắc, Chủ nhiệm Chương trình KC.02/11-15 cho biết: đến ngày 30/3/2016, Chương trình đã đánh giá nghiệm thu xong 36/38 nhiệm vụ, 2 nhiệm vụ còn lại đã có Quyết định nghiệm thu cấp Nhà nước, trong đó có 3 nhiệm vụ được đánh giá Xuất sắc, 26 nhiệm vụ được đánh giá xếp loại Khá. Đặc biệt, có 70 công nghệ và vật liệu mới có khả năng ứng dụng trong thực tiễn được tạo ra từ 19 nhiệm vụ; có 3 hồ sơ đăng ký độc quyền sáng chế và 14 hồ sơ đăng ký giải pháp hữu ích thuộc 16 nhiệm vụ.
 
Đánh giá về kết quả công nghệ, chuyển giao và thương mại hóa kết quả của Chương trình, GS.TS Nguyễn Việt Bắc cho biết thêm, trong tổng số 239 sản phẩm của Chương trình, có 55 loại sản phẩm đã bắt đầu được thương mại hóa và chắc chắn sẽ được thương mại hóa, đó là một số vật liệu như nano clay MMT, bột huỳnh quang 3 màu, lốp máy bay bơm hơi không săm, lõi neo cáp bê tông dự ứng lực, hệ chất hoạt động bề mặt IAMS-M2-P để bơm ép tăng cường thu hồi dầu, màng bảo quản rau quả, thực phẩm, sơn vô cơ chịu nhiệt, sáp phức hợp cho thuốc nổ nhũ tương, ván lát và ốp tường sử dụng trong ngành vật liệu xây dựng và nội ngoại thất… Đến tháng 3/2016, nhiều vật liệu, sản phẩm đã được tiêu thụ với tổng số tiền thu được gần 60 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Chương trình cũng còn có những vướng mắc, tồn tại, cần được tháo gỡ như: Thủ tục thanh quyết toán kinh phí thực hiện đề tài/dự án, các quy định về mua sắm vật tư, thiết bị phục vụ nghiên cứu, cơ chế khoán chi, sự liên kết giữa chủ nhiệm đề tài/dự án với doanh nghiệp… nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nói chung, lĩnh vực công nghệ vật liệu nói riêng. Do vậy rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách và kinh phí để các vật liệu này có thể được thương mại hóa với khả năng cạnh tranh cao.
 
Nguồn:  Bùi Hiếu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Diễn đàn khoa học sinh viên quốc tế: Cầu nối hội nhập

Nhiều nhà khoa học, cố vấn chuyên môn hàng đầu trong nước và quốc tế sẽ cùng thẩm định những báo cáo tham luận tại diễn đàn Khoa học sinh viên quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM.
 
Chiều 4/1, Hội sinh viên TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM đã tổ chức họp báo công bố nhiều thông tin quan trọng tại Diễn đàn khoa học sinh viên quốc tế sẽ được tổ chức tại TP.HCM từ ngày 06 đến 10/04.
 
Sự kiện này thu hút 100 đại biểu (gồm 35 đại biểu quốc tế, 65 đại biểu Việt Nam) là những sinh viên ưu tú của những trường ĐH lớn đến từ Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan và Singapore. Ngoài ra, diễn đàn sẽ có sự tham dự của các đại biểu dự thính là 1000 sinh viên tại TP.HCM tham gia các hoạt động giao lưu của diễn đàn.
 
Theo ông Đoàn Kim Thành, Giám đốc trung tâm phát triển khoa học công nghệ trẻ – Thành đoàn TP.HCM, những báo cáo tham luận tại diễn đàn được hội đồng chuyên môn đánh giá cao sẽ được đăng trên Tạp chí Khoa học trẻ đạt chỉ số ISSN của trung tâm.
 
Chủ đề cho các tham luận tại Diễn đàn gồm: Sáng tạo và nghiên cứu khoa học của sinh viên, hoạt động tình nguyện của sinh viên, khởi nghiệp và việc làm của sinh viên, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
 
Theo anh Lâm Đình Thắng, chủ tịch Hội sinh viên TP.HCM, diễn đàn là cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên các nước. Ngoài ra, trong khuôn khổ diễn đàn còn có các hoạt động giới thiệu sản phẩm, công trình và gương mặt nghiên cứu khoa học tiêu biểu của sinh viên các nước.
 
 
Anh Lâm Đình Thắng, chủ tịch Hội sinh viên TP.HCM phổ biến các nội dung của diễn đàn. Ảnh: Hà Thế An.
“Các chủ đề báo cáo tham luận tại diễn đàn đều là những vấn đề rất thiết thực cho sự phát triển của TP.HCM hiện nay. Thông qua những báo cáo tham luận, ban tổ chức sẽ tìm kiếm được những ý tưởng hay nhằm ứng dụng vào giải quyết các vấn đề của thành phố”- anh Thắng cho biết.
 
Anh Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển khoa học công nghệ trẻ, đơn vị thường trực của diễn đàn cho biết, đây là cơ hội để các bạn sinh viên quốc tế thấy được phong trào học tập và nghiên cứu khoa học của giới trẻ TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
 
“Một vấn đề trong cuộc sống, mỗi quốc gia sẽ có những cách thức giải quyết khác nhau. Thông qua sự kiện này, ban tổ chức mong muốn sẽ đúc kết được những giải pháp, cách làm hay của sinh viên các nước để nâng tầm và hội nhập sâu hơn trong các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Việt Nam”- anh Thành chia sẻ.
 
 
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Hà Thế An.
 
Ngoài tham gia các tham luận, báo cáo tại diễn đàn, các đại biểu tham dự còn có cơ hội tham quan các trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu tại TP.HCM như: Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, Khu công nghệ cao TP.HCM.
 
Các hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước, truyền thống hào hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc tại Việt Nam với bạn bè quốc tế cũng được xây dựng bằng việc tổ chức tham quan các khu di tích lực sử tại TP.HCM như: Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Hội trường Thống Nhất.
 
Theo Khám Phá
 

Ông Vũ Đức Đam: Một quốc gia khởi nghiệp không cần đao to búa lớn

Mong muốn tinh thần "quốc gia khởi nghiệp" lan ra toàn xã hội, Phó thủ tướng đồng thời kêu gọi cộng đồng start-up kết nối với nhau nhiều hơn, thay vì chỉ là hô hào hình thức.
 
Buổi hội thảo "Khởi động sáng kiến khởi nghiệp quốc gia" diễn ra ngày 30/3 đã thu hút sự chú ý của đông đảo các doanh nghiệp, giới trẻ khi có sự tham gia của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam – người vẫn luôn dành sự ủng hộ cho cộng đồng start-up.
 
Vị đại diện Chính phủ cũng thẳng thắn đề cập tới thực tế thiếu tính kết nối trong cộng đồng start-up Việt và căn bệnh "có nhiều người giỏi sơ sơ mỗi thứ một tí" của Việt Nam. "Phần lớn ở nước ta, những vấn đề có tính chất công nghệ không dồn sức đi sâu vào tận cùng mà chỉ đi rộng, khoán. Chúng ta thiếu những chuyên gia thật giỏi, những start-up thật sự giỏi", ông nói.
 
 
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ 2 từ phải) và Chủ tịch FPT – Trương Gia Bình (ngồi kế)
tại hội thảo khởi động Sáng kiến khởi nghiệp quốc gia. 
Theo ông, nếu mong muốn là một quốc gia khởi nghiệp thì tinh thần khởi nghiệp phải là từ khóa ở mọi diễn đàn, nhen dần lên để cộng đồng nhỏ lan ra toàn xã hội mà không cần "đao to búa lớn". "Điều quan trọng nhất là tất cả mọi người phải ứng dụng khoa học công nghệ, phải sáng tạo để đất nước giàu lên, không cẩn thận từ khóa 'quốc gia khởi nghiệp' lại giống mấy chục năm trước nói công nghiệp hóa mà chỉ là hình thức. Tôi muốn bước ra cùng các bạn để tạo cộng đồng, vườn ươm để Việt Nam của thế hệ tiếp theo có thể đào sâu hơn nữa", ông Đam bày tỏ.
 
Cũng trong chương trình hội thảo, Công ty cổ phần FPT và Quỹ đầu tư dài hạn Dragon CapitalGroup đã ký thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (Vietnam Innovative Startup Accelerator, gọi tắt là VIISA). VIISA sẽ là một quỹ mở, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn, quỹ đầu tư mà trong đó FPT và Dragon Capital Group là 2 nhà sáng lập đầu tiên. Mục đích của quỹ là đào tạo, đầu tư, hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệthông tin, mobile, internet, tài chính để trở thành các doanh nghiệp thành công. Dự kiến trong quý II/2016, khóa đào tạo tăng tốc khởi nghiệp đầu tiên của VIISAsẽ chính thức bắt đầu.
Chia sẻ với Phó thủ tướng, hầu hết các diễn giả cũng nhìn nhận kết nối là nền tảng sáng tạo để xây dựng được một quốc gia khởi nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn cho rằng thay đổi giáo dục từ gốc sẽ là một chìa khóa hữu hiệu để thực hiện tham vọng này. Ông Hoàng Minh Sơn (Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa) cho rằng 2 yếu tố quan trọng để thành công là ý tưởng đặc sắc và công nghệ đặc sắc. "Để có ý tưởng cần có tính sáng tạo, tôi mong muốn hệ thống giáo dục phổ thông thúc đẩy tính sáng tạo cho học sinh từ bé. Ngoài ra trong việc nghiên cứu phải hỗ trợ cho sinh viên để nghiên cứu khởi nghiệp vì có nhiều rủi ro… Cần tài trợ cho nghiên cứu chứ không chỉ theo kiểu đề tài nghiệm thu", ông nói.
 
Đại diện cho nơi được xem là "vườn ươm", bà Lê Thị Oanh – Hiệu truởng Truờng Hà Nội Amsterdam cũng nhắc lại chuyện ngôi trường này làm một dự án start-up năm 1996 để chứng minh rằng khởi nghiệp không cần cứ đợi đến năm nào cả, các bạn trẻ 12-14 tuổi vẫn làm được.
 
Đại diện của IDG Ventures cũng nêu thực tế rằng các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam được định giá không kém gì Malaysia và Singapore nhưng nền tảng bền vững lại không bằng các nước họ. Do đó, ông nhận định: "Nếu đổi mới giáo dục từ gốc thì 5-10 năm nữa chúng ta sẽ có được một thế hệ start-up tuyệt vời".
 
Đến từ Israel – nơi vẫn được gọi là "quốc gia khởi nghiệp", Đại sứ Meirav Eilon Shahar không quên nhắc đến việc đầu tư vào tài chính, bên cạnh giáo dục, để phát triển ý tưởng này. Thậm chí, theo bà, yếu tố tài chính là quan trọng nhất. "Israel có tôn chỉ để thị trường định hướng, Chính phủ chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Từ những năm 90, Israel cũng bắt đầu chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nhưng đến nay không cần nữa vì đã có đầu tư từ khối tư nhân", bà cho biết. Hiện nay ở Israel có 19 vườn ươm khởi nghiệp và cách điều hành là Chính phủ không trực tiếp làm mà cho tư nhân đấu thầu, tiền không về tay Chính phủ mà 50% đổ vào các doanh nghiệp.
 
Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình cũng nêu ví dụ của Singapore – nước lọt top 10 thế giới về cạnh tranh khởi nghiệp. "Ở đó quỹ đầu tư nhiều vô kể, ở Việt Nam lại quá giới hạn, chỉ bằng một phần mười. Cần cơ chế để tăng gấp 10 lần tinh thần khởi nghiệp quốc gia", ông nói.
 
Cũng về vấn đề tài chính, ông Lê Xuân Hòa – Tổng thư ký Vinasa cho rằng cần có môi trường thuế, tài chính thuận lợi cho các start-up. "Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp Công nghệ thông tin nhưng lại ra nước ngoài tiến hành. Nhiều nhóm chỉ 2-3 ngựời kiếm được hàng triệu USD nhưng lại ở nước ngoài. Chính phủ cần có hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp và cần có cơ chế với các doanh nghiệp đã dành ngân sách cho vườn ươm khởi nghiệp", ông nói.
 
Tại hội thảo, những người trực tiếp điều hành doanh nghiệp cũng nhân cơ hội này bộc bạch vướng mắc với người đại diện Chính phủ. Đại diện Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Venture cho biết nhiều trường hợp khi định giá quỹ đầu tư cao thì lại bị cơ quan thuế nói định giá tài sản vô hình như vậy là vô lý. "Doanh nghiệp vướng nhiều vấn đề giấy phép con", vị này nói. Bên cạnh đó, đại diện IDG cũng đề cập nhiều về chính sách thuế bất cập chưa khuyến khích start-up của Việt Nam. 
 
Phản hồi ngay sau đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đồng tình Chính phủ sẽ bàn thảo nhiều để làm chính sách thuế khuyến khích công nghệ thông tin nhưng theo ông vẫn cần nhìn đúng vào bản chất hơn. "Chính sách thuế, khoa học của Israel không khác các nước khác là mấy. Chính phủ Việt Nam không phải không sẵn sàng đầu tư mà bản chất là đầu tư cho khoa học và giáo dục rất nhiều", ông nói.
 
"Các bạn nghiên cứu kỹ, làm ra trường hợp cụ thể rồi nói vướng ở chỗ nào. Nếu vướng ở tầm Chính phủ mà các dự án của các bạn thuyết phục thật sự thì làm rất nhanh. Chính phủ sẵn sàng bàn về các nghị quyết chuyên đề. Nó không phải đơn vị đo bằng ngày, tuần nhưng chắc không đo bằng năm", đại diện Chính phủ hứa hẹn. 
 
Thanh Thanh Lan (Vnexpress)
 

Các bạn trẻ hãy một lần đọc bài này

 
Bài viết so sánh sự khác biệt của hai thế hệ nhân viên, một thế hệ được gửi gắm và một thế hệ tự tìm đến công việc, cùng với nhiều vấn đề liên quan.
 
Đây là bài viết mới cập nhật trên trang "Tony Buổi sáng", một trang chia sẻ những bài học, câu chuyện trải nghiệm trong cuộc sống với cách thể hiện bằng ngôn ngữ “cư dân mạng". Nhiều bài viết đã được tập hợp và in thành sách.
 
Dưới đây là nội dung bài viết:
 
1. Ở công ty anh bạn thân của Tony có 2 thế hệ nhân viên. Một là do người quen gửi vô, toàn đoạt giải nhất giải nhì ngáo ngơ toàn quốc dù tốt nghiệp ĐH cả. Anh đào tạo xong, đủ năng lực ở lại làm việc. Hai là thế hệ mới, tức các bạn trẻ tự search thông tin tuyển dụng anh đăng trên mạng và đến làm kiểm tra chỉ số IQ, tiếng Anh và năng lực ngôn ngữ, đạt yêu cầu và vào làm. Anh thấy năng suất lao động của thế hệ 2 cao hơn hẳn. Các bạn này đến rất sớm, về rất muộn. Làm mọi thứ không từ việc gì, cái gì cũng cứ vun vút, nhoay nhoáy, ai cũng thích cũng mê. Và 100% đều đã đi làm thêm trong thời sinh viên, nên giỏi giang bản lĩnh, không phải “nhờ người thân trợ giúp” khi ra đời.
 
Dù vẫn hoàn thành công việc, nhưng nhóm “gửi gắm” không có tinh thần tự giác, có giám sát mới làm, sếp đi công tác thì nhóm này lập tức đi trễ, về sớm, thậm chí “tranh thủ” lý do hỏng xe, kẹt đường, nhức đầu…để trốn ở nhà, hoặc ngồi ở văn phòng chứ chat chit facebook là chủ yếu, dù ngoài lương thì công ty có thưởng trên thành tích làm việc. Nhóm này do gia đình bao bọc từ nhỏ, vô làm lương bao nhiêu cũng được, có thưởng thì tốt không thưởng chẳng sao, ai kêu làm mới làm không thì ngồi đó. Kêu ghi “to-do list”, họ sẽ rặn mấy tiếng mới có được vài dòng kiểu “gọi điện thoại cho vài người, email cho vài người rồi hết”. Thói quen cha mẹ làm mọi thứ nên tay chân, não bộ đều không động đậy, laptop cũng không không biết phải lau chùi trước khi vô làm. Anh nói, đây là lần cuối cùng anh nhận đám này vô, mặc kệ bà con ai nói gì thì nói, mình không có nghĩa vụ làm từ thiện với đám bất tài này nữa. Nhìn tụi nó uể oải lừ đừ ngáp miết chỉ muốn phóng phi tiêu vô mặt. Khi phỏng vấn, thấy đứa nào không biết làm việc nhà từ nhỏ thì trường chuyên lớp chọn, thi ĐH 30 điểm đi nữa cũng tuyệt đối không nhận. Vì cha mẹ giành làm hết việc nhà thì sẽ tiếp tục ban bố tình thương, tháng nào cũng gửi tiền chu cấp, làm mất động lực sống hay đam mê của tụi nó. Đi làm cho có gọi là, có chỗ “sáng vác ô đi tối vác về”, công ty không phát triển được với nhân viên kiểu vầy. Nhà cửa xe cộ cha mẹ để lại hoặc mua cho, ngành học cha mẹ chọn, cuộc đời cứ như tầm gửi tầm leo, toàn người khác quyết định hộ. Mà có những ông cha bà mẹ ông anh kỳ cục, cứ can thiệp vào cuộc đời con em mình như thời chiếm hữu nô lệ. “Mày cứ ngồi vào bàn học cho tao, tới giờ ăn tao kêu xuống. Mày học toán lý hóa thi Bách Khoa cho tao. Thi Y dược cho tao. Thi Kinh Tế cho tao. Mày chỉ đi học cho tao, tao nuôi, không cần đi làm thêm”. Cứ toàn “cho tao”, sự ích kỷ dưới tên gọi “tình thương” đã làm mất khả năng ra quyết định/tồn tại của một cá thể sống khác, biến những đứa trẻ bình thường thành tàn tật cả tay chân lẫn trí óc vì cái gì cũng giành làm, giành nghĩ hộ.
 
Công ty anh tổ chức học tiếng Anh, training, chơi thể dục, thể thao…nhưng chỉ có nhóm thế hệ mới là tham gia, nhóm cũ thì “ép tôi học tiếng Anh đi, tôi sẽ học cho. Ép tôi đi tập thể thao đi, tôi sẽ tập cho. Không thì thôi, đừng hòng đây có mặt nhé”. Họ nói, ngày xưa đi học vì bị ép, “tại ổng, tại bả” bắt học. Đến trường vì bị điểm danh, bị thầy cô bắt học chứ không phải vì ham kiến thức. Mục đích là có cái bằng. Đọc sách chỉ vì có đề thi trong đó, chứ sách không liên quan đến thi cử thì đọc chi? Nên đi làm, sếp ép thì làm không thì thôi. Tính tự giác hoàn toàn không có. Làm sếp ở công ty có thể loại này mệt lắm, hao hơi tổn tiếng, la hét rầm trời tụi nó mới làm.
 
Lên chức, nâng lương họ cũng ham nhưng không được thì cũng chả sao. Cho nghỉ việc thì họ cũng chả buồn phiền, lại quay về với cha mẹ, “qua nửa đời phiêu bạt, em lại về úp mặt vào ô tô”. Ông cha bà mẹ lại điện thoại khắp các người quen, dáo dác chạy đi xin xỏ người khác, lạy ông đi qua lạy bà đi lại, xin bố thí cho con tôi 1 công việc, tôi già như thế này vẫn phải đi xin việc cho con cho cháu, có khổ thân già tôi không? Nói xong thì òa khóc. Thì trách ai bây giờ?
 
Mai An Tiêm từng nói 1 câu vô cùng hay là “của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Cái gì người khác cho mình sẽ mãi mãi là “của nợ”. Nên TỰ MÌNH làm hết mọi việc, 18 tuổi trở lên mình phải quyết định cuộc đời mình. Gương Mai An Tiêm còn đó. Bị đày ra hoang đảo vẫn sống tốt, sống giàu có huống hồ mình vẫn ở trong thành phố, trong đất liền.
 
2. Giải pháp căn cơ để giải quyết thất nghiệp của một xã hội.
 
Tony đi dạy cho một lớp CEO khởi nghiệp, điểm chung là đều dưới 30 tuổi và có tính TỰ LẬP từ nhỏ. Như vậy, GỐC của giải quyết vấn đề thất nghiệp/khởi nghiệp chính là tạo sự TỰ LẬP cho các bạn trẻ.
Tony cũng để ý, 100% các bạn tự biết giặt giũ nấu ăn, tự biết lau nhà lau cửa, tự biết sửa xe đạp xe máy và đồ điện trong nhà, thêu thùa may vá, biết làm thêm trong thời gian đi học…dù học chuyên ngành hẹp cách mấy, vẫn tự xin được việc, hoặc tự mở cái gì đó khởi nghiệp. Học dù ở cao đẳng sư phạm miền núi nào đó, dạy giỏi thì các trường dân lập ở Tp HCM vẫn nhận vô làm. 
 
 
Tony có cô bạn tốt nghiệp ngành quản lý thư viện ĐH văn hóa, cô nói lớp cô phần lớn thất nghiệp, riêng những người đi làm thêm trong thời sinh viên thì đều có việc làm, quản lý nhà sách, làm công ty xuất bản, hoặc mở riêng cái gì đó làm mà không cần đúng chuyên ngành. Có bạn học chuyên ngành còn hẹp hơn, ví dụ bảo tàng học, nhưng trong thời gian đi học rèn giũa Anh Văn, làm các đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia các câu lạc bộ đoàn thể này nọ, tham dự các cuộc thi…thì họ vẫn có thể được giữ lại trường, hoặc xin học bổng đi nghiên cứu tiếp, hoặc sẽ có chỗ nhận vô làm, dù ngành khác. Bạn nào cầm bằng giỏi mà không có việc thì chỉ có cái bằng là giỏi, còn người là DỞ, kém cỏi, học vì điểm số chứ không thực lực. Thực lực là phải kiếm được việc, được tiền, dù học piano hay đàn tranh, học vẽ hay học múa, học bất cứ ngành gì….
 
1. Với các bạn trẻ đã tốt nghiệp mà đang thất nghiệp: Mình phải gạt phăng mọi sự chu cấp của gia đình. Bất tài mới lấy tiền của cha mẹ, mới nhờ cha mẹ bà con quen biết xin việc cho mình. Mình từ chối hết, tự mình kiếm ăn. Lao động chân tay cũng được, có sao, miễn là có tiền. Trí óc mình có, từ từ sẽ đi lên.
 
2. Học sinh vừa tốt nghiệp trung học: Nếu mình thích học ngành gì, mình kiên quyết bảo vệ và chọn. Nhóm tự lập từ nhỏ đều biết mình thích cái gì, làm tốt cái gì. Còn không biết thích cái gì thì ĐÓ LÀ NHÓM NGÁO NGƠ, học chục cái bằng cũng thất nghiệp. Mình PHẢI vay mượn để học tập từ cha mẹ người khác …chứ không nhận “viện trợ không hoàn lại” nữa. Muốn người khác có lòng tin để đầu tư cho mình, thì mình phải tự tin mình trước. Người tự lập thì sẽ tự tin, tự chủ, tự trọng.
 
Phải xây dựng ý thức tự trọng đầu tiên của mình, bằng cách “say NO” với tiền của người khác. Tuyệt đối KHÔNG là KHÔNG. Tiền cha tiền mẹ là từ sự lao động của họ, không phải của mình. Chưa có tỷ phú nào đi lên từ việc trúng số. Chúng ta chưa ai ở nhà do ông tổ ông tiên để lại. Lịch sử hàng ngàn năm tây tàu gì cũng vậy, những dinh thự vĩ đại ngày xưa bây giờ đều là viện bảo tàng, dù “đại gia” thời đó đều hồi môn để dành cho con cháu, từ lâu đài Windsor bên Anh, dinh Hòa Thân ở Trung Quốc đến cung điện mùa hè ở Nga… Cứ đời này đời khác, tự dưng con cháu không giữ được nữa. Mình cứ mua cho nó 1 miếng đất, 1 cái nhà, một đống vàng…thì nó sẽ bán vàng để ăn, hết rồi cắt đất bán lần lần, rồi tới bán nhà, rồi rơi vào nghèo khổ rách rưới. Nhưng thế hệ sau đó nữa, thì lại bật dậy được vì ĐƯỢC sống trong nghèo khó.
 
Cho nên nghèo khó là một cơ hội tuyệt vời. Giàu có là một thách thức để một đứa trẻ thành công. Phải tận dụng cơ hội khó khăn của mình, và vượt sướng, buông bỏ hết những thảm nhung để lăn lê trong cát bụi, để mình có tương lai. Nếu mình lỡ sinh ra trong nhà giàu rồi, gạt hết, tự mình xoay sở, tự mình sinh sống. Ở Tp HCM thì xin cha mẹ đi học ở tỉnh khác, thành phố khác, trừ trường chỉ có ở Tp mới có thì đành chịu, chứ học nông nghiệp hãy về Cần Thơ, học Vật Lý Sinh Học hay Toán thì lên Đà Lạt, học thủy sản ra Nha Trang, học hàng hải ra Hải Phòng, học âm nhạc ra Huế…Thoát ly ra khỏi vỏ bọc của gia đình, để được tự sống. Phải có những buổi sáng thức dậy suy nghĩ hôm nay phải làm sao để có cơm ăn khi cái ví không còn 1 xu, tối nay phải ngủ ở đâu khi tiền nhà chưa đóng, phải xin đi làm thêm ở đâu để có cái đi chơi, để dành…Chính suy nghĩ như vậy sẽ giúp vỏ não mình hằn lên những nếp gấp của sự trưởng thành, của sự tự tin. Chưa có ai nằm ra đường chết đói cả, bạn nên nhớ điều đó. Khi cùng đường, người ta tự nghĩ phải đi ăn cơm từ thiện, vô chùa ăn, ghé bạn mượn tiền, hay xyz…nào đó để tồn tại.
 
3. Cha mẹ của mọi đứa trẻ phải thương chúng nó bằng phương pháp giáo dục khác. Đến tuổi biết ăn là tự xúc cơm, tự giặt giũ lau nhà, tự học, tự chơi. Ép chúng nó buổi sáng phải thức dậy sớm, lau nhà lau cửa sạch sẽ, dọn dẹp mùng mền chiếu gối, nấu nước nấu mì cho chính nó ăn, không nhịn đói kệ mày. Cuối tuần bắt nó phải quét váng nhện, lau chùi tivi tủ lạnh, chăm sóc cây cảnh thú nuôi, quét sơn, sửa nhà, tham gia các hoạt động ngoài xã hội, tuyệt đối không cho nó ôm laptop hay ipad iphone khi chưa làm xong việc nhà. Nếu trường có tổ chức đi xe buýt đưa đón thì cho chúng nó tự đi với bạn bè, không nên đưa đón, kẹt đường kẹt sá trước cổng trường. Không xin xỏ việc làm cho chúng nó. Không ép chúng nó học ngành mình yêu thích, mình thích thì mình học đi.
 
4. Cha mẹ LỠ GIÀU CÓ thì hãy cho con cháu mình một môi trường giáo dục tiên tiến đến năm 18 tuổi và hết. Học vì đam mê chứ không phải vì bằng cấp, học nghề cũng được chứ không nhất thiết học chữ. Không ép chúng nó học thêm nếu chúng không thích học, chỉ có những đứa ham mê chữ nghĩa mới cho chúng nó vay tiền học đại học, bắt ra trường trả lại. Tiền tích cóp một đời, hai vợ chồng già xài cho sướng cuộc đời đi. Đi du lịch chỗ này chỗ kia, hoặc đem đi từ thiện để tạo phúc/may mắn cho con cho cháu. Tương lai của tụi nó hãy để tụi nó quyết định, đừng có đu theo hỏi miết. Nó mà về úp mặt vào ô tô, dựa dẫm là mình quánh, mình đuổi đi.
 
Cứ “cho” riết thì một cục cưng biến thành một cục nợ cho gia đình, một cục…tác của xã hội.
“Qua nửa đời phiêu bạt, em lại về úp mặt vào ô tô. Ơi con ô tô, con ô tô…”
 
(Theo Tony Buổi Sáng)