Công bố văn kiện Đại hội XII của Đảng: nội dung liên quan đến phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ

Báo điện tử Chính phủ vừa giới thiệu toàn văn hai văn kiện Đại hội XII của Đảng: Báo cáo chính trị và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Dưới đây chúng tôi xin trân trọng giới thiệu phần liên quan đến phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ trong các văn kiện quan trọng này.
 
 
I. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: nội dung liên quan đến phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ
 
1. Tình hình
 
Trong những năm qua, khoa học và công nghệ đã có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Khoa học xã hội và nhân văn góp phần quan trọng trong việc cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; khẳng định lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn các giá trị và bản sắc văn hóa Việt Nam. Lĩnh vực khoa học tự nhiên, các ngành khoa học cơ bản, khoa học và công nghệ liên ngành, khoa học mới tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Một số ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn đã có đóng góp tích cực phát triển kinh tế – xã hội và tăng cường quốc phòng, an ninh. Hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ có chuyển biến; tiềm lực khoa học và công nghệ được nâng lên. Quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có đổi mới. Hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ có bước tiến bộ. Thị trường khoa học và công nghệ đã hình thành và bước đầu phát huy tác dụng.
 
Tuy nhiên, khoa học và công nghệ chưa thực sự gắn kết, trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội. Việc huy động nguồn lực của xã hội cho khoa học và công nghệ chưa được chú trọng. Không hoàn thành mục tiêu xây dựng các trung tâm khoa học lớn đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đầu tư cho khoa học và công nghệ còn thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao. Cơ chế quản lý khoa học và công nghệ chậm đổi mới. Thị trường khoa học và công nghệ phát triển chậm. Công tác quy hoạch, phát triển khoa học và công nghệ chưa gắn kết chặt chẽ với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ còn thiếu định hướng chiến lược, hiệu quả thấp.
 
2. Phương hướng, nhiệm vụ
 
Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới.
 
Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp. Các ngành khoa học và công nghệ có nhiệm vụ cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng và triển khai đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật. Các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế – xã hội đều phải xây dựng trên những cơ sở khoa học vững chắc. Xác định rõ các giải pháp công nghệ hiện đại phù hợp nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ; phương thức đầu tư, cơ chế tài chính, chính sách cán bộ, cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học và công nghệ. Xây dựng chiến lược phát triển công nghệ của đất nước, chiến lược thu hút công nghệ từ bên ngoài và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên đất nước ta. Tăng cường hợp tác về khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao, phải là hướng ưu tiên trong hội nhập quốc tế.
 
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học và công nghệ, nhất là cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính.
 
Có cơ chế thúc đẩy đổi mới công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại. Huy động mạnh mẽ nguồn vốn xã hội và các nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ.
 
Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ; xây dựng một số trung tâm nghiên cứu hiện đại. Phát triển, nâng cao năng lực hệ thống các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
 
Tăng cường liên kết giữa các tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp; mở rộng hình thức liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông. Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đổi mới công nghệ.
 
Xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là các chuyên gia giỏi, có nhiều đóng góp. Tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để cán bộ khoa học và công nghệ phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình. Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học.
 
Kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ. Hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng hỗ trợ hiệu quả cho việc vận hành thị trường khoa học và công nghệ.
 
Phát huy và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia. Tập trung đầu tư phát triển một số viện khoa học và công nghệ, trường đại học cấp quốc gia và một số khu công nghệ cao, vùng kinh tế trọng điểm theo mô hình tiên tiến của thế giới.
 
II. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020: một số nội dung liên quan đến khoa học và công nghệ
 
2.1. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015
 
Các kết quả đạt được về khoa học và công nghệ
 
Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên, đóng góp của khoa học và công nghệ tăng; năng suất lao động tăng bình quân 4,2%/năm, cao hơn giai đoạn trước; vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả hơn; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2011 – 2015 khoảng 29%.
 
Phát triển nguồn nhân lực và khoa học và công nghệ đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực và khoa học và công nghệ tiếp tục được hoàn thiện.
 
Tiềm lực khoa học và công nghệ được tăng cường. Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ tăng bình quân 16,5%/năm, đạt khoảng 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ tăng nhanh, ước đạt 1,3% GDP vào năm 2015. Khoa học cơ bản đã có bước phát triển. Ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ có bước tiến bộ, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, y tế, thông tin và truyền thông,… Các quỹ về khoa học và công nghệ được thành lập, bước đầu đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả. Phát triển thị trường khoa học và công nghệ, tăng cường hoạt động kết nối cung – cầu, giá trị giao dịch công nghệ tăng bình quân 13,5%/năm. Hình thành một số mô hình gắn kết hiệu quả giữa viện, trường với doanh nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ.
 
Hạ tầng thông tin truyền thông phát triển mạnh, đã phóng thành công và đưa vào sử dụng Vệ tinh Vinasat-2. Hạ tầng giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch,… được quan tâm đầu tư.
 
Các hạn chế, yếu kém về khoa học và công nghệ
 
Phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học và công nghệ còn chậm. Khoa học và công nghệ chưa thật sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Chưa có giải pháp đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp và thu hút đầu tư tư nhân cho nghiên cứu, đổi mới và ứng dụng khoa học và công nghệ. Đầu tư cho khoa học và công nghệ hiệu quả chưa cao. Việc xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập còn chậm. Tiềm lực khoa học và công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu. Hiệu quả sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và kết quả hoạt động của các khu công nghệ cao còn thấp. Thị trường khoa học và công nghệ phát triển còn chậm, nhất là việc chuyển giao công nghệ. Cơ chế quản lý khoa học và công nghệ chậm được đổi mới, nhất là về tài chính, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài. Việc sử dụng ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Năng lực đội ngũ khoa học và công nghệ còn hạn chế, thiếu các nhà khoa học đầu ngành. Số lượng sáng chế, công trình khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín còn ít.
 
Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, cơ giới hóa, công nghiệp chế biến nông sản và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu.
 
2.2. Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020
 
Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu liên quan đến khoa học và công nghệ
 
Tập trung phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, nguồn nhân lực và tiềm lực khoa học và công nghệ. 
 
Đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính, tiền tệ, bất động sản, lao động, khoa học và công nghệ,… đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
 
Phát triển đồng bộ thị trường khoa học và công nghệ. Có cơ chế, chính sách phù hợp để đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ và phát triển sàn giao dịch. Tăng cường chuyển giao công nghệ, phát triển các tổ chức chuyển giao công nghệ, kết nối cung – cầu, kết nối thị trường trong nước với khu vực và thế giới gắn với bảo hộ sở hữu trí tuệ. Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ, hình thành hệ thống các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ.
 
Đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Kết hợp hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.
 
Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, hàng hóa lớn; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực quốc gia và vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Khuyến khích liên kết giữa hộ nông dân sản xuất với tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học và công nghệ và doanh nghiệp.
 
Có cơ chế, chính sách khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất và quản lý. Áp dụng rộng rãi các loại giống mới và kỹ thuật nuôi trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
 
Đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học và công nghệ, có tỉ trọng giá trị quốc gia và giá trị gia tăng cao; có lợi thế cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
 
Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc khai thác hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên biển.
 
Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao sức cạnh tranh và tham gia hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị trong và ngoài nước.
 
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ. Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và thu hút các nhà khoa học tham gia giảng dạy.
 
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ. Tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ và xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức. Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học. Khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ. Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học. Đổi mới cơ chế quản lý, nhất là cơ chế tự chủ về tài chính, tổ chức và hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Hoàn thiện thể chế định giá tài sản trí tuệ, tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xử lý nghiêm các vi phạm. Hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao và kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu công nghệ.
 
Có cơ chế đặc thù để phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ trọng điểm theo mô hình tiên tiến và triển khai những dự án khoa học và công nghệ quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thực hiện cơ chế đặt hàng, đấu thầu, khoán kinh phí theo kết quả đầu ra và công khai, minh bạch chi phí, kết quả nghiên cứu. Giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức, cá nhân chủ trì nghiên cứu, đồng thời có cơ chế phân chia lợi ích hợp lý. Nâng cao hiệu quả hoạt động các quỹ về phát triển khoa học và công nghệ; khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá độc lập, tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với hoạt động khoa học và công nghệ.
 
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước và có cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ. Xây dựng một số viện nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo và vườn ươm công nghệ. Tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển mạnh doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Có chính sách đào tạo, phát triển, trọng dụng và tôn vinh đội ngũ khoa học và công nghệ. Khuyến khích các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam./.
 
Tổng hợp văn kiện Đại hội XII của Đảng (theo Báo Điện tử Chính phủ, 24/3/2016)
 
Nguồn:  Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Người đóng sách cũ cuối cùng còn sót lại ở Sài thành

Tỉ mỉ với từng công đoạn để phục chế những quyển sách, suốt 37 năm qua, ông Võ Văn Rạng vẫn trung thành với nghề đóng sách cũ này. 

Trong căn nhà nhỏ cuối con hẻm trên đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP HCM, người ta thường thấy một người đàn ông trung niên cẩn thận dùng kéo cắt chỉ, tháo rời cuốn sách rồi xếp lại thành từng trang theo số thứ tự. Ông luôn nâng niu và trân trọng từng quyển sách cũ.
 
Nhiều người ví ông Rạng như bác sĩ của những cuốn sách. Ông tái tạo những quyển sách đã ngả màu, mất bìa, bị mối mọt ăn bằng những công đoạn thủ công tỉ mỉ. Nhiều quyển bị long sờn, gần như mất bìa, từng trang sách bị rời ra nhưng khi qua tay ông nó lại tinh tươm, tươi mới nhưng vẫn giữ được nét tinh nguyên ban đầu.
 
Để hoàn thành việc “phục chế” một quyển sách, ông Rạng nâng niu và nhẹ nhàng trong từng động tác. “Ông không dám gỡ mạnh vì sợ quyển sách sẽ rách. Có nhiều quyển từ những năm 80, họ quý trọng nên mới nhờ mình đóng lại. Nên mình cũng phải trân quý sách của họ như chính họ vậy”, ông Rạng tâm sự.
 
Ông bắt đầu làm nghề từ năm 1978 đến nay. Thời trước, rất nhiều người chơi sách cũ nên nghề này khá thịnh vượng. Nhiều khách hàng sưu tầm những quyển sách hơn mấy thập kỷ đến nhờ ông Rạng đóng lại cho mới để họ khoe mấy ông bạn già.
 
Qua thăng trầm của thời gian, đến nay, chỉ còn những cụ già muốn gìn giữ lại những hoài niệm xưa cũ mới có nhu cầu đóng sách. “Giờ công nghệ phát triển rồi, muốn đọc gì thì người ta lên Internet còn mấy ông già thì cầm mấy tờ báo đọc để cập nhật tin tức, thời sự. Mấy ai còn đọc sách cũ nữa. Có cũng chỉ là số ít, âu là mấy ông già ở tuổi thất thập thôi”, ông Rạng trầm ngâm.
 
 
Mỗi ngày, ông Rạng mở rộng cánh cửa sắt hoen rỉ, với tay uống một ngụm nước đựng trong một chiếc cốc không thể cũ hơn rồi ngồi vào chiếc bàn gỗ chắn ngang cửa ra vào. Trên bàn là những chồng sách cũ xếp ngổn ngang, cuốn long gáy, cuốn rách bìa… toàn những sách xuất bản từ những năm 1930 cho đến những năm 1980.
 
 
 
Ông Rạng cẩn thận tháo rời từng trang sách.
 
 
 
Với sách bị long gáy, ông Rạng dùng chỉ nilon (loại chỉ thường dùng để khâu bao bố) khâu gáy chừng 20 trang sách thành một tệp. Cùng đường khâu đó, ông tiếp tục kết nối những trang sách khác theo số thứ tự trang cho đến khi khâu hết cả quyển sách.
 
 
 
Xong công đoạn khâu, người thợ đóng sách dùng một chiếc chổi nhỏ, quệt hồ vào gáy sách.
 
 
Để chừng 30 phút chờ hồ khô, ông tiếp tục phết thêm một lớp hồ nữa rồi dán bìa phụ bằng giấy cạc tông mỏng lên.
 
 
Tỉ mẩn như một nghệ sĩ điêu khắc, ông Rạng dùng cặp kính lão, soi qua một chiếc kính lúp vào những mảnh vụn của trang sách cũ, cẩn thận dùng nhíp gắp từng mảnh và đính lại với nhau.
 
 
Chồng sách cũ đã ngả màu theo năm tháng. Có những cuốn không còn rõ chữ nhưng khách hàng vẫn đem tới cho ông đóng lại.
 
 
Mặc dù tuổi đã cao nhưng hằng ngày ông vẫn ngồi đó, cặm cuội phục chế cho từng cuốn sách như cố níu giữ hoài niệm xưa cũ.
 
 
Trong góc phòng khách căn nhà, ông đặt chiếc máy nén bìa, cắt bìa thô sơ, hoàn toàn khởi động bằng tay. Sau khi dán bìa, cuốn sách sẽ được đưa vào máy, dùng lực lò xo quay tay để ép cho bìa và các trang sách dính lại với nhau một cách chắc chắn ở phần gáy sách. Chiếc máy này đã theo ông suốt 37 năm qua. Nó như người bạn đồng hành, cùng ông chứng kiến biết bao thăng trầm của nghề đóng sách cũ này.
 
 
Có những trang mảnh rách còn dính vào sách nhưng có những trang long khỏi bìa sách thành từng mảnh vụn, ông Rạng cần mẫn vuốt phẳng phiu, hong khô rồi dính từng mảnh vụn đó lại với nhau thành một trang sách hoàn chỉnh.
 
 
Ông đang kiểm tra lại những cuốn sách sau khi đóng lại hoàn chỉnh.
 
 
Cuộn chỉ để khâu và loại bột dán này được ông làm tại nhà.
 
 Khánh Phương
 

Cần lắm thói quen đọc sách

Có hai câu trắc nghiệm nhỏ dành cho các độc giả.
Câu thứ nhất, khi nhìn hình ảnh con bạn mê mải đọc sách hay nô đùa cùng các bạn với tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên, bạn thích hình ảnh nào?
 
Câu thứ hai, sau những giờ học hành căng thẳng, bạn muốn con bạn thư giãn bằng cách nào: Đọc sách, chơi thể thao hay chơi game?
 
Ở câu hỏi thứ nhất, tôi tin là không ít người sẽ chọn phương án hai, nghĩa là họ muốn con sống vui vẻ, hồn nhiên đúng với tuổi của mình mà không bị áp lực gì đè nặng lên đôi vai còn quá mảnh. Tất nhiên, cũng có nhiều người cho rằng, đọc sách là cần thiết vì sách mang lại cho con người cả một kho kinh nghiệm và các giá trị văn hóa nhân loại. Đọc sách cùng với các hoạt động thực tiễn sẽ giúp người ta biết những gì nên làm, những gì phải tránh và tất nhiên, người chăm chỉ đọc sách sẽ biết cách nâng cao chất lượng sống cho chính mình, đồng thời góp phần mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống.
 
Với câu hỏi thứ hai, phương án nhiều bậc phụ huynh lựa chọn sẽ là chơi thể thao sau những giờ học căng thẳng, bởi cả ngày cắm mặt vào sách vở, đến lúc cần cho mắt nghỉ thì lại đọc sách thì rõ ràng là không có lợi cho mắt, thậm chí tăng độ cận thị và cơ thể sẽ có những hạn chế về mặt thể chất. Còn chơi thể thao như bơi lội, đi bộ, đá bóng, đánh cầu lông… là cách tốt nhất để người ta xả những áp lực trong ngày, sống vô tư và rõ ràng khi vận động thể chất nhiều, con người sẽ có một sức khỏe tốt, một hình thể cân đối.
 
 
Minh họa của Lê Tiến Vượng.
Sở dĩ tôi đưa ra hai câu hỏi trắc nghiệm trên cho các bạn để nói về một vấn đề đang hiện hữu trong cuộc sống chúng ta, đó là văn hóa đọc trong giới trẻ những năm gần đây có thể nói là… quá buồn.
 
Những con số này khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ: Theo số liệu khảo sát của Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công bố mới đây, tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách nước ta chiếm tới 26%, thỉnh thoảng mới cầm một cuốn sách lên đọc chiếm áp đảo tới 44%, còn đọc thường xuyên là 30%. Rõ ràng là ai cũng biết tác dụng của việc đọc sách đối với sự phát triển nhân cách cũng như mang lại những vẻ đẹp cho tâm hồn, nhưng không phải ai cũng có thói quen đọc sách mỗi ngày.
 
Họ sẽ viện ra đủ lý do để lý giải tình trạng này: Trong thời buổi tràn ngập thông tin, mở tivi hay vào mạng là có thể biết sự chuyển động của cả thế giới. Ngoài ra cũng có vô số các chương trình giải trí sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mọi lứa tuổi. Hay cả ngày làm việc, lăn lộn kiếm sống, điều họ cần là tiếng cười, sự giải trí thuần túy. Đọc sách là lại phải suy nghĩ, trăn trở với thân phận này, bi kịch nọ quả là mệt đầu. Đấy là đối với người đi làm. Còn với học sinh, đến lớp từ sáng, chiều học thêm ở trường, tối gia sư kèm cặp. Rồi làm bài tập ở trường các thầy cô giao cho. Kết thúc một ngày và rời khỏi bàn học cũng là 22-23 giờ khuya.
 
Còn về khách quan, sách giờ đây quá nhiều. Ra hiệu sách sẽ thấy bạt ngàn các loại sách trên kệ. Muốn tìm sách gì cũng có nhưng để tìm một cuốn sách ưng ý, đọc được cũng không phải dễ. Một số nhà xuất bản vì chạy theo thị trường nên chỉ chú ý đến hình thức, những tên sách sao cho giật gân, câu khách mà không tập trung vào chất lượng khiến người đọc như bị lạc vào chốn mê cung.
 
Tôi thì cho rằng, đó là những lý lẽ thiếu thuyết phục. Khi một người tự ý thức được sự cần thiết của việc đọc, họ sẽ bố trí một khoảng thời gian hợp lý, cần thiết cho việc đọc sách. Bởi đó là một thói quen hữu ích. Thói quen này rất cần thiết được xây dựng từ nhỏ vì những trang sách dù trực tiếp hay gián tiếp sẽ là yếu tố thúc đẩy khả năng tự học, mang đến cho các em những chân trời khát vọng, những hoài bão lớn lao. Cha mẹ có thể cho các con thỏa mãn nhiều nhu cầu vật chất, nhưng sẽ là bi kịch nếu chính các em không tự nuôi dưỡng những ước mơ cho mình.
 
Hằng ngày trên đường phố, không chỉ tôi mà chắc chắn nhiều bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những du khách nước ngoài vai khoác ba lô, tay cầm cuốn sách. Họ có thể đọc sách ở bất cứ chỗ nào dừng chân. Họ không chỉ là thanh niên mà cả những người lớn tuổi, khi đã đi qua nhiều thăng trầm của đời sống. Bởi với họ, lật giở từng trang sách chính là tự cho phép mình sống chậm, tạm quên những mệt mỏi thường ngày và thấy cuộc sống trở nên đẹp đẽ, ấm áp hơn.
 
Tuấn Nguyễn
 

Hiệu sách 80B Bà Triệu: Biển sách cổ “mênh mông” giữa lòng Hà Nội

Câu chuyện về ông già bán sách ở 180B Bà Triệu có lẽ đã nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài khi một phóng viên của BBC đã có lần “trộm phỏng vấn” ông già khó tính này.
 
 
“Hà Nội này giờ nổi tiếng về sách cũ chỉ có tôi với ông Cảnh…”
Câu chuyện về ông già bán sách ở 180B Bà Triệu có lẽ đã nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài khi một phóng viên của BBC đã có lần “trộm phỏng vấn” ông già khó tính này.
 
 
Hiệu sách 180B Bà Triệu.
 
Tọa lạc ngay giữa mặt đường Bà Triệu với chiếc biển sờn cũ kĩ, nếu không để ý chắc chắn bạn sẽ bỏ qua cánh cửa treo dăm ba quyển sách với mấy kệ gỗ khiêm tốn mà chi chít những quyển tạp chí, sách báo ngả màu này. Nhưng khi hỏi đến ông Dư bán sách, hầu như không ai ở cái ngõ này là không biết, ông già gàn dở, khó tính.
 
Một góc tạp chí trưng bày trong hiệu.
 
Kẻ bán sách gàn dở
 
Mở hiệu sách này đã hơn 40 năm, ông được coi là một trong những người gắn bó, tận tụy với sách đến cả cuộc đời. Bước vào hiệu sách nhỏ của ông, tôi như bị choáng ngợp bởi không phải một mô hình sách rộng lớn, khang trang như trong các thư viện mà ở sự heo hút của những chồng sách chót vót chạm đến trần nhà. Từng ngách nhỏ la liệt những cuốn sách đủ loại nhưng phần lớn đã ngả màu xưa cũ.
 
 
 
 
Ông già cứ ở vậy với đống sách này, ăn uống, ngủ nghỉ với những cuốn sách. Được biết trước kia ông vốn là dân kỹ sư xây dựng, có lần cuộc sống khó khăn, túng thiếu, ông phải bán cả những cuốn sách của mình. Vốn có đầu óc kinh doanh, sau này ông đã mua lại sách để bán cho những người có nhu cầu.
 
Khác với những hiệu sách cũ ở Hà Nội chuyên biệt từng loại thì sách của ông già Bà Triệu đủ loại, từ Tây, Tàu, đến Ta. Mỗi khi khách hỏi tìm sách, ông già hách dịch thường khinh khỉnh hỏi lĩnh vực mà khách muốn rồi lục tìm đâu đó trong biển sách, phủi bụi và đưa cho khách. Những cuốn sách hay được tìm ông thường bày ngay trước giá dưới, còn có cuốn thiên hạ ít khi dòm ngó thì ông cho nó tọa lạc, cất giấu tít trên tận mái cao.
 
 
Thoạt đầu nhìn vào khuôn viên nhỏ bé lộn xộn ấy người ta thấy hoa mắt nhưng đối với ông già hơn 40 năm gắn bó với từng cuốn sách thì nó không hề lộn xộn bởi từng cuốn ở đâu, vị trí nào ông đều nhớ.
 
Người ta nói ông có một cái đầu như cuốn bách khoa toàn thư bởi nhắc đến bất cứ một vấn đề nào từ khoa học, kỹ thuật, chiến tranh hay văn học ông đều “đối đáp” hầu chuyện được nếu người mua có bất chợt muốn ngồi hàn huyên. Tôi đã từng chứng kiến ông hầu chuyện một vị khách già đam mê âm nhạc, sau hồi nói chuyện ông chủ hiệu sách còn biết vị khách kia thích những tác phẩm trinh thám cổ của Nga. Ông tiết lộ một trong những bí quyết kinh doanh của mình chính là biết người khách của mình muốn gì, chính vì vậy ông đọc rất nhiều, nó là niềm đam mê, sự yêu thích muốn được khám phá, khai sáng trí tuệ.
 
 
Một người yêu sách ghé hiệu của ông Dư.
 
Một ông lão hơn 70 tuổi, hằng ngày ra vào với những cuốn sách đã không còn lạ lẫm với những người yêu thích sách cũ. Người ta tìm đến ông như tìm đến những khung giá trị xưa cũ của sách cổ. Nổi tiếng là bán sách đắt nhưng mỗi cuốn sách đều có giá trị, khi nó được sở hữu bởi một độc giả có giá trị thì bỗng nhiên bao nhiêu tiền cho cuốn sách đó cũng chẳng quan trọng nữa. Ông già cũng chia sẻ có những cuốn sách trở đi trở lại với ông đến mấy lần. Lúc đó ông thực sự vui vì nó tạo ra một vòng tuần hoàn, chứng tỏ cuốn sách có giá trị nên nó được nhiều người sử dụng.
 
Bể học là vô tận, người ta có thể học ở giữa đời, học từ những con người nhưng đối với sách, nó luôn là một kho tàng khổng lồ. Những con người bán sách như ông Cảnh hay ông Dư vẫn luôn lưu giữ những giá trị muôn đời trong từng cuốn sách bởi họ có một cái “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.
 
Nguồn: http://hanoiiplus.com/hieu-sach-80b-ba-trieu-bien-sach-co-menh-mong-giua-long-ha-noi/
 

‘Ngày hội đọc sách’ đến với sinh viên Đại học An ninh nhân dân

Từ ngày 20/3 đến ngày 22/3, Nhà xuất bản (NXB) Công an nhân dân phối hợp với Trường Đại học An ninh nhân dân tổ chức “Ngày hội đọc sách". Hơn 1.500 đầu sách được giới thiệu đến sinh viên cùng với nhiều hoạt động giao lưu tác giả, tác phẩm.
Theo Thượng tá Ngô Văn Tần, Phụ trách NXB Công an nhân dân phía Nam, đây là lần đầu tiên hội sách của NXB được tổ chức tại một trường phía Nam của lực lượng Công an nhân dân. “Ngày hội đọc sách” là hoạt động nằm trong khuôn khổ “Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam” của Trường Đại học An ninh nhân dân nhằm chào mừng 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam.
 
 
Sinh viên Đại học An ninh nhân dân lựa chọn các ấn phẩm sách.
Khuôn viên trường (phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chia làm nhiều gian hàng của các đơn vị với đủ loại sách từ  văn học, thơ ca, triết đến sách pháp luật, kinh tế, khoa học…, nhộn nhịp người xem, mua. Nhiều sách được giảm giá 10%. Quầy của NXB Công an nhân dân thu hút đông đảo sinh viên. Nơi đây tập trung nhiều đầu sách về trinh thám, điệp viên, truyền thống Công an nhân dân…
 
Trong khuôn khổ ngày hội, sinh viên còn được gặp gỡ, giao lưu với các nhà văn, tác giả như: Nguyễn Thị Ngọc Hải, Minh Vân, Bùi Anh Tấn, Hoàng Đình Quang, Trần Minh Hợp. Rất nhiều sinh viên đã từng đọc “Thám tử yêu”, “Một thế giới không có đàn bà” của Bùi Anh Tấn hay sách về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn của  nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải… Họ muốn tìm hiểu sâu hơn về cách nhà văn xây dựng nhân vật, tìm tòi tư liệu hoặc nhà văn trăn trở với con chữ, với cái ác, cái thiện trong xã hội ra sao…
 
Điều đáng mừng khi trong buổi giao lưu, tác phẩm “Không thể mồ côi” của tác giả Minh Vân đều được bán hết. Riêng nhà văn trẻ Trần Minh Hợp, giảng viên Trường ĐH An ninh nhân dân, giới thiệu đến ngày hội truyện dài “Giường tầng”.
 
Buổi ra mắt, ký tặng tác phẩm này thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên. Bởi có thể xem đây là tác phẩm đầu tiên viết về đời sống của sinh viên An ninh nhân dân mà tác giả lại là người thầy của họ.
 
Quỳnh Nga
 

Gần 4.000 học sinh Hà Nội sẽ được thụ hưởng dự án “Trẻ em vui đọc”

Ngày 25-3, tại Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc Dự án “Trẻ em vui đọc” (Kids Read). Đây là sự kiện nằm trong chương trình toàn cầu do Hội đồng Anh phát triển và được tài trợ bởi Ngân hàng HSBC. 
 
 
Ảnh minh họa
Theo đó, trong năm 2016, 21 giáo viên và gần 4.000 học sinh từ 6 trường tiểu học tại Hà Nội sẽ tham gia vào dự án, với các hoạt động đa dạng và lý thú gồm các khóa đào tạo đặc biệt cho giáo viên, các chương trình đọc sách, các cuộc thi kể chuyện và sự kiện cộng đồng.
 
Đặc biệt, 6 trường tiểu học tham gia cũng sẽ được trang bị hơn 1.200 cuốn sách. Đây là nguồn dữ liệu để các trường chủ động tổ chức các chương trình đọc sách cho học sinh và để giáo viên có thể sử dụng cho các hoạt động đọc sách sáng tạo trên lớp nhằm góp phần thúc đẩy văn hóa đọc trong nhà trường.
 
Trước đó, trong năm 2015, dự án Kids Read tại Bình Dương kết nối văn hóa đọc tới 3.985 học sinh tiểu học của tỉnh.
 
H.T.
 

Hội sách TP.HCM yêu chiều “thượng đế” như thế nào?

TT – Đã đi được 2/3 chặng đường, Hội sách lần 9 (đang diễn ra tại công viên Lê Văn Tám, TP.HCM đến hết ngày 27-3) theo ý kiến của nhiều độc giả là một hội sách rộn ràng với nhiều sáng tạo.
 
 
bạn trẻ chọn mua sách tại hội sách TP.HCM 2016. -Ảnh: Quang Định.

 

Đây có lẽ là năm đầu tiên các công ty sách, nhà xuất bản chịu khó đầu tư về mặt ý tưởng để thu hút “thượng đế” – người đọc ghé qua gian sách “nhà mình”.
 
Công ty vẫn được gọi vui là “công ty sách đẹp” Nhã Nam cho trưng một tấm bảng đen thật dài trước “Khu vườn bí mật” – gian sách của Nhã Nam tại hội sách lần này – với một lời đề nghị bắt đầu bằng: “Before I die I want to read” (Trước khi tôi chết tôi muốn đọc…) và để cho khách ra vào hội sách tự do điền vào phía sau những khao khát được đọc của họ.
 
Không tính đến những bình luận mang tính đùa vui thì phần đông độc giả đều hào hứng với những phản hồi tích cực và chân thành. “Tôi muốn đọc tập kết thúc của truyện tranh Conan!”, “Đường xưa mây trắng nhé”, “Hùng biện kiểu TED”, “Vì cuộc đời là những chuyến đi thì sao”, “I'm number Four, truyện phiêu lưu giả tưởng đi”. 
 
Hàng trăm tựa sách, hàng trăm mong muốn đã được ghi lại kín đặc cả tấm bảng đen. Một cách vui vẻ để tìm hiểu thị hiếu, nhu cầu của người đọc, tại sao không?
 
 
Các bạn trẻ thích thú ghi tên quyển sách mình "muốn đọc trước khi chết" lên tấm bảng "Before I die, I want to read…" của gian hàng nhà sách Nhã Nam tối 24-3 – Ảnh: Duyên Phan
 
Trong khi đó, Công ty Bookbuy lại “gây sốc” với “bữa tiệc sách” ngon bổ rẻ mang tên Book Buffet! Chỉ với 595.000 đồng, độc giả được thoải mái chọn tất cả các cuốn sách yêu thích vào một chiếc hộp.
 
Cách “tiếp thị” này xem ra khá thú vị khi có nhiều bạn trẻ mua sách xong ngồi tại chỗ nhẩm tính và thấy mình… có lời!
 
Đi cùng con đến buổi ra mắt và ký tặng sách Lỗi ở yêu thương – Về nhà với mẹ của ca sĩ Thanh Duy, chú Duy Tùng, 53 tuổi, nói:
 
“Tôi cũng muốn đến xem, gặp gỡ tác giả để hiểu vì sao con tôi mê sách của ảnh. Mình cũng đọc thử xem sách viết gì mà bọn trẻ khoái vậy. Nhìn chung là vui, cũng hiếm có dịp được đọc sách cùng con”.
 
 
Ca sĩ Thanh Duy ký tặng sách ở Hội sách TP.HCM. -Ảnh: Quang Định.
 
Trong khi đó trên các trang mạng xã hội, người người nhà nhà rủ rê nhau đến hội sách. Phần đông đều thích thú với sự đa dạng và nhộn nhịp của hội sách năm nay.
 
Không chỉ thuần là một nơi mua bán sách, điều thú vị là nhiều chương trình giao lưu của hội sách còn mở ra cho người đọc những kiến thức chuyên sâu hơn nhưng vẫn hấp dẫn và trẻ trung như cuộc trò chuyện với tác giả Khoa Lê về cuốn sách Những nàng công chúa bí ẩn với những câu chuyện thần tiên đẹp siêu thực – sách đã được xuất bản tại Pháp và Ý, lần đầu tiên có mặt tại VN.
 
Độc giả Thanh Thủy, một sinh viên đang theo học ngành đồ họa tại ĐH Kiến trúc TP.HCM, nói: “Buổi giao lưu rất bổ ích vì tôi được nghe nhiều thông tin về illustration – một nghề khá thời thượng mà rất nhiều người trẻ mê vẽ như tôi mong muốn được theo đuổi”.
 
Khoác áo mới cho những cuốn sách đã cũ cũng là cách được nhiều đơn vị phát hành sách chú trọng dịp này để thu hút người mua lẫn những độc giả muốn sưu tầm.
 
Ngoài tập sách mới ra mắt Những năm tháng yêu lầm, tác giả Ploy Ngọc Bích cũng giới thiệu lại trọn bộ những cuốn sách đã được xuất bản.
 
Tác giả trẻ Nguyễn Thiên Ngân với truyện dài Đường còn dài, còn dài cũng được các fan của cô rất chờ đợi bởi sách đã được in lại với một hình hài tươi mới hơn.
 
Cuộc trò chuyện với họa sĩ thiết kế bìa sách 9X Minh Hải – người đã được tin tưởng giao cho công việc “mặc áo mới” cho bộ sách Văn nhân Việt Nam 1930-1945 (Minh Long Book và NXB Văn Học), gồm 13 cuốn sách văn học kinh điển của các tác giả nổi tiếng như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Thạch Lam… cũng thu hút rất đông người quan tâm và trở thành một buổi thi đố kiến thức văn chương được người đến giao lưu ủng hộ nhiệt tình.
 
MINH TRANG

Hội sách TP.HCM: Không gian “có thương hiệu” của sách

TTO – Viết ra sách, nếu có thứ gì có thể làm các nhà văn ngợp thì chính là một hội sách với cả một rừng tác phẩm như Hội sách TP.HCM lần thứ 9 (từ ngày 21 đến 27-3). 
 
 
Ca sĩ Thanh Duy Idol ký tặng sách Lỗi ở yêu thương về nhà với mẹ tại Hội sách TP.HCM 2016 – Ảnh: Quang Định
 
"Hội sách phải là nơi tiện nhất trong những nơi tiện mua sách, là nơi nhiều sách nhất trong những nơi có sách, và nơi thú vị nhất trong những gì liên quan đến sách!"
 
Có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, hội sách chiếm trọn khuôn viên công viên Lê Văn Tám. Đoàn 10 nhà văn Hà Nội vào thăm hội sách sau khi dự lễ kỷ niệm 35 năm thành lập một đơn vị xuất bản của thành phố là Nhà xuất bản Trẻ, hẳn đã có được cái nhìn khá toàn diện về bức tranh sống động của ngành sách phương Nam, như nhận xét của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến.
 
Sự quan tâm của người đọc đến sách trong dịp này có vẻ khá công bằng cho các dòng sách khác nhau. Bên cạnh những dòng sách phổ thông ăn khách vẫn nhộn nhịp như mọi khi, thấy một xu hướng đáng kể là các cuốn sách có tính chất khơi gợi kiến thức nhập môn, các sách tìm hiểu những vấn đề lịch sử được bày bán khá bắt mắt và nhiều người đọc tìm mua.
 
Chính những cuộc giao lưu tại hai nhà chuyên đề và ngay tại chính các gian hàng cũng thể hiện những mối bận tâm rất sát sườn của người đọc: tìm kiếm những kiến giải lịch sử tin cậy qua một tập chú khảo về bản đồ liên quan Biển Đông, sự dấn thân vào các đề tài xã hội qua các cuốn sách về Sài Gòn hay định nghĩa thế nào là tham vọng qua trao đổi với các tác giả trẻ của văn học mạng.
 
Và cuộc nào cũng không ít thì nhiều, giữ chân người tham dự như một nhu cầu chia sẻ thông tin trực tiếp từ những người viết. Rõ ràng, nhu cầu kết nối offline với tác giả vẫn sôi nổi trong cái thời các trang online đã làm thay việc đó.
 
Xét cho cùng, đọc sách có thể là hành vi riêng tư nhưng mong muốn tham dự cộng đồng đọc là có thực. Cộng đồng này làm nên sức sống của hội sách trên thực địa lẫn những kênh nối dài của truyền thông. Không có cộng đồng đọc, hội sách chỉ là nơi bày bán không hơn các hệ thống nhà sách đã phủ rộng khắp thành phố.
 
Các nhà văn Hà Nội giữa Sài Gòn vẫn được độc giả nhận ra, níu lại để xin chữ ký, có lẽ cũng nhờ cộng đồng đọc rộng lớn bao chứa những phân khúc bạn đọc của những cuốn sách tưởng như chỉ thích hợp ở địa phương khác.
 
Sự nhiệt thành của độc giả Sài Gòn không hẳn ở việc sẵn sàng mua sách mới ra lò mà còn ở sự cầu thị một nguồn thông tin được bảo chứng nhờ một không gian “có thương hiệu” là hội sách. Không gian này có độ hấp dẫn ở chỗ phóng lớn nhu cầu của người tìm đến sách.
 
Nhờ thế mà bên cạnh các gian hàng nổi bật của Fahasa, Phương Nam, Nhã Nam, Đông A, Alpha Books hay ba nhà xuất bản của TP.HCM, thì các nhà sách nhỏ như Đông Tây, Khai Trí, Sách cũ Hà Thành, Đại học Hoa Sen… vẫn là nơi người đọc chọn được sách hữu ích.
 
Như quan sát của nhà văn – họa sĩ Đỗ Phấn, người đi dự hai hội sách, nhiều điều đọng lại như quy mô, sự chăm chút của ban tổ chức, sự hưởng ứng của người đọc và “quan trọng nhất là hội sách này đã thành nếp”.
 
Thành nếp – có lẽ là điều bất cứ sự kiện nào cũng thèm muốn!
 
Hiện thực đáng kể có thể nhìn bằng mắt thường là độ trẻ trung của những người đến hội sách. Nhờ dòng bạn trẻ đến đây, các gian hàng và các cuộc giao lưu không còn cái vẻ dễ bị dán nhãn mũ cao áo rộng.
 
Có gì chán hơn là những gian hàng đẹp đẽ tủ kính sáng choang bày những cuốn sách không được giở lấy một lần.
 
Nếu có gì phải giữ ở hội sách, chính là sự gần gũi và tiện lợi của việc tìm mua sách, ngay từ vòng ngoài như tổ chức chỗ gửi xe đến bố trí nhà vệ sinh lưu động, và dĩ nhiên chính là sự đa dạng của sách.
 
NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
 

Hội sách: thích sự trẻ trung, ghét tiếng ồn và… gửi xe

TTO – Mang đúng tinh thần của một lễ hội, Hội sách TP.HCM lần 9 diễn ra xôm tụ, sôi nổi với ưu thế thuộc về người trẻ. Điểm chưa ổn của hội sách lần này là hệ thống âm thanh quá hỗn tạp.
 
 
Nguyễn Nhật Ánh – tác giả có sách bán chạy nhất hội sách năm nay – trong vòng vây của độc giả tại Hội sách TP.HCM lần 9 – Ảnh: Quang Định
Ký sách đến 1-2g sáng!
 
Sách viết cho những người trẻ tuổi, nên cách người trẻ đón nhận sách cũng phải sôi nổi, đôi khi ồn ào và rộn ràng chẳng kém khi đón một thần tượng âm nhạc, một diễn viên điện ảnh!
 
Buổi ký tặng sách của Anh Khang vào chiều 22-3 tại hội sách năm nay bắt đầu từ 5g chiều và kết thúc vào… 1g sáng hôm sau. Liên tiếp các ngày sau đó 23, 24, 25 và 26; tác giả trẻ này tiếp tục có những buổi giao lưu và ký sách… mệt nghỉ (buổi giao lưu vào chiều 23-3 tại Fahasa bắt đầu từ 6g chiều và cũng chỉ tạm kết thúc vào 12g đêm khi bãi giữ xe không còn nhận giữ cho khách nữa!).
 
Người hâm mộ Anh Khang và cả chính Anh Khang cũng xúc động mạnh trước câu chuyện của vợ chồng trẻ nọ từ Long An bồng bế nhau lên mua sách và xin chữ ký.
 
“Cả vợ chồng đợi đến tối nhưng vẫn chưa đến lượt, cô vợ mệt quá nên anh chồng phải chở cô về nhà ở Long An nghỉ ngơi. Rồi trong khi vợ ngủ, anh lại phóng xe lên chỗ ký tặng nhờ tôi ghi vào vài lời đề tặng dễ thương: "Tui thương bà xã tui lắm!"
 
Rồi một tay cầm cái poster được tặng kèm có chữ ký của tôi, một tay chạy xe về Long An vì sợ để cốp xe nó… nhăn tấm poster. Sáng hôm sau tôi thấy cô vợ sung sướng chụp hình lại món quà bất ngờ ấy rồi tag tên tôi trên Facebook” – Anh Khang chia sẻ.
 
Riêng bộ ba Iris Cao, Hamet Trương và Tuệ Nghi tính cả các buổi giao lưu đơn lẻ lẫn giao lưu chung cùng nhau đã có đến 16 buổi ký tặng và gặp gỡ độc giả tại hội sách.
 
Riêng các tác giả trẻ khác như Khải Đơn, Nguyễn Thiên Ngân, Nguyễn Thị Kim Hòa, Phan Ý Yên, Nguyễn Ngọc Thạch, Gia Đoàn, Ploy Ngọc Bích… đều có những buổi ký tặng – giao lưu với độc giả của riêng mình.
 
Buổi ký tặng và ra mắt sách của nhóm 365 trở thành cuộc gặp mặt của gần 800 người yêu thích nhóm nhạc nam này. Ngoài ra tác giả – ca sĩ Thanh Duycũng tạo nên những cơn sốt nho nhỏ suốt một tuần diễn ra hội sách với những cuộc giao lưu kín đặc người hâm mộ.
 
Một trường hợp “cá biệt” khác là cuốn sách Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì chẳng kể người trẻ, người già, nội trợ, kỹ sư… đều nóng lòng được xin chữ ký của tác giả.
 
Đứng đợi được ký tặng trong dòng người xếp hàng từ khu vực sân khấu ra đến tận cổng đường Hai Bà Trưng lúc 7g tối 22-3 tại gian sách của NXB Trẻ, anh Thiện Toàn – kỹ sư công nghệ thông tin (IT) – cười cho biết:
 
“Từ khi còn đi học tôi đã đọc các tập sách của chú Ánh, nó đã trở thành thói quen. Giờ đi làm rồi thì đọc sách chú như một cách thư giãn, giải tỏa trong những ngày nghỉ. Cũng là để mình đừng khô khan quá, dân IT mà!”.
 
Và có lẽ vì ai cũng tìm được cho mình một lý do để đến với những cuốn sách đầy ắp tuổi thơ, trong trẻo và dí dỏm của Nguyễn Nhật Ánh khiến ông vẫn được coi là nhà văn không có đối thủ trong các kỳ hội sách gần đây.
 
 
Đông đảo bạn đọc lấy xe máy rồi quay lại hội sách đợi đến 1g sáng (ngày 22-3) chờ tác giả Anh Khang ký tặng – Ảnh: Facebook nhân vật
 
Tiếc cho tiếng ồn
 
Tuy nhiên, điểm chưa ổn của hội sách lần này là hệ thống âm thanh quá hỗn tạp, gây ảnh hưởng rất nhiều đến các chương trình giao lưu tác giả – tác phẩm tại các gian hàng.
 
Chương trình giao lưu với nhà báo Hà Nhân đêm 26-3 tại gian hàng Huy Hoàng ra mắt bộ ba tác phẩm tập hợp từ báo Hoa Học Trò phải dừng lại liên tục do tiếng loa của ban tổ chức phát thanh nhắn tin tìm người lạc, thông báo nhặt được của rơi, nhắc nhở các gian hàng…
 
Đồng thời các gian hàng bên cạnh cũng tổ chức ca nhạc vô tư khiến không gian giao lưu bị “chia cắt” bởi nhiều nguồn âm thanh khác nhau.
 
Tương tự, chương trình giao lưu của nhà văn Nguyễn Đông Thức tại gian hàng Phương Nam cũng bị ảnh hưởng bởi âm thanh của tiếng loa ban tổ chức.
 
Nhưng đáng kể nhất là chương trình ra mắt sách của TS Nguyễn Thị Hậu tại không gian Nhã Nam phải gián đoạn khá lâu do âm thanh quá lớn của nhãn hàng Sony sát cạnh bên lấn át.
 
Nhóm nhà sưu tập sách đến từ Hà Nội đưa ra nhận định rằng: Hội sách TP.HCM có ưu điểm là lượng khách đến rất đông, thậm chí đông hơn một số hội sách ở Paris, nhưng công tác tổ chức âm thanh cho không gian sách tại hội còn chưa tốt, khiến người đến hội sách bị cuốn vào một mớ âm thanh hỗn độn.
 
Việc giữ xe năm nay cũng chưa tốt, vào giờ cao điểm có người mất đúng một giờ mới gửi được xe. Một số bạn đọc phải gửi xe bên ngoài với giá đắt gấp đôi chỉ vì bãi xe hội sách quá tải.
 
Đi hội sách để cảm nhận không khí vui, trẻ
 
Thảo Dương – một người đọc trẻ cũng là “chủ xị” trang Reading café, đã đi không dưới ba lần hội sách năm nay – chia sẻ:
 
“Tôi đi để cảm nhận không khí vui, trẻ ở hội sách, còn sách mua được, đúng gu đúng kiểu của mình thì không nhiều.
 
Ở hội sách năm nay, sự góp mặt của các công ty sách mới làm các hạng mục sách phong phú hơn thấy rõ.
 
Ví dụ như Công ty Tao Đàn cho in lại hàng loạt cuốn tiểu thuyết khó tìm của các tác giả Việt Nam như Nhượng Tống, Thâm Tâm, Nguyễn Bính để phục vụ những người yêu sách có nhu cầu sưu tầm.
 
Hội sách năm nay còn có những quầy bán sách cũ, nhưng theo đánh giá của dân “chơi sách cũ” thì giá sách cũ tại hội sách vẫn còn khá cao và cũng chưa phải là dòng thật sự hiếm.
 
Tôi cũng không ngạc nhiên khi Anh Khang, Hamlet Trương hay các tác giả trẻ khác vẫn luôn nhận được nhiều tình cảm dạt dào của những người trẻ.
 
Tôi từng đọc sách của Anh Khang và thấy dẫu cách viết của tác giả mang hơi hướng diễm tình, nhưng ít nhiều có sự chiêm nghiệm những điều người trẻ đồng tuổi đang suy nghĩ. Sách của họ đáp ứng khá tốt nhu cầu số đông người trẻ”.
 
M.TRANG ghi
 

Chuyện làm dự án

 
GS. Vũ Hà Văn giảng bài tại Viện Toán học.
 
Gần đây, chúng ta có quỹ Nafosted (National Foundation for Science and Technology), với mục đích tương đồng với NSF (Quỹ khoa học quốc gia cúa Mỹ). Về cơ bản, hai quỹ hoạt động khá giống nhau nhưng ở một số bước có sự khác biệt. 
Xét duyệt dự án của NSF
NSF (National Science Foundation) là quỹ khoa học quốc gia của Mỹ. Nó được thành lập năm 1950, với mục đích là tài trợ các nhà khoa học tại Mỹ trong các nghiên cứu độc lập của họ. Hiện tại số tiền tài trợ hàng năm chừng 7 tỷ USD, trong đó hơn 80% là vào thẳng các dự án (grants) từ các trường đại học và viện nghiên cứu.
 
Viết một dự án kỹ  lưỡng rất tốn thời gian. Ngay cả những nhà nghiên cứu hạng nhất, khi viết dự án, cũng thường mất đến cả tháng. Tuy nhiên, một tháng đó cũng rất có lợi cho họ, ở chỗ họ có thời gian cân nhắc kỹ càng các đề tài, đề tài nào khả thi, đề tài nào có thể làm với ai, đề nào nào thích hợp với sinh viên nào. Vô hình chung, nó tạo  ra một kế hoạch  làm việc khá cụ thể cho tương lai.
Đối với các giáo sư ở Mỹ, nộp dự án cho NSF (hay một số tố chức tương tự có qui mô nhỏ hơn) là việc  ích nước lợi nhà. Lợi nhà là một khi dự án  được chấp nhận tài trợ, nhà khoa học được thêm một hai tháng tiền lương, được tiền để tài trợ cho sinh viên, mua trang thiết bị và  đi  hội nghị. Hơn nữa, trường đại học được hưởng trực tiếp một khoản rất lớn từ tiền dự án của các giáo sư. Tùy từng ngành, số tiền này có thể lên đến 30% tới 50% (hay hơn nữa) giá trị của dự án. Vì vậy, các trường lớn có hẳn một đội nhân viên cứ đến mùa dự án là giục dã các giáo sư cho khỏi quên, và giúp họ nộp hồ sơ đúng thời hạn. Giáo sư có nhiều dự án  được tài trợ thường được trường đại học ưu ái. Ngoài danh tiếng và giá trị khoa học ra,  trong không ít trường hợp, số tiền trường thu  từ các dự án nhiều hơn lương của các giáo sư này rất nhiều. Bởi vậy, có nhiều dự án thành công là một yếu tố quyết định trong việc tuyển chọn hay thăng tiến của các giáo sư ở các trường đại học. Nó cũng ảnh hưởng đến uy tín của nhà nghiên cứu trong con mắt đồng nghiệp.
 
Dự án quan trọng vậy, nên việc nộp và xét dự án khá kỳ công. Trong ngành toán,  cách đây chừng 15 năm, số người được duyệt chừng 1/3 số người nộp, hiện tại con số này chỉ còn 1/5,  tính cạnh tranh rất cao. Mỗi dự án thường có thời hạn ba năm, đôi khi trong một số trường hợp đặc biệt có thể dài hơn.
 
Phần nội dung của dự án có độ dài tối đa 15 trang, phần lớn người viết dùng hết giới hạn này, cộng thêm phần trích dẫn  từ 50 đến 150 bài báo. Nội dung phải đạt được các yêu cầu sau:
 
(0) Tóm tắt nội dung và thành tựu của dự án vừa hoàn thành (nếu có).
 
(1) Nêu các vấn đề sẽ được nghiên cứu một cách mạch lạc.
 
(2) Giải thích tại sao các vấn đề này lại hay và quan trọng.
 
(3) Các phuơng pháp và ý tưởng đã được dùng để tấn công vấn đề này hay các vấn đề tương tự. Mặt mạnh và hạn chế của các phương pháp này.
 
(4) Đề cập được một số phương pháp hay ý tưởng mới.
 
(5) Ứng dụng và đào tạo.
 
Một số khó khăn của  việc viết dự án:
 
(A) Chọn vấn đề. Nếu vần đề  tầm thường, không được nhiều người quan tâm, thường rất khó được chấp nhận. Vấn đề mà về cơ bản đã được giải quyết rồi, dự án chỉ làm thêm một số bước kỹ thuật thường cũng không được ủng hộ. Nhưng nếu vần đề nổi tiếng quá, rất dễ bị đặt câu hỏi “nhưng anh/chi ấy đã bao giờ giải quyết được các vấn đề lớn tương tự chưa ?”
 
(B) Cách diễn giải. Dự án phải được viết  rất mạch lạc, dễ hiểu. Mấu chốt ở đây là ban duyệt dự án sẽ gồm chừng 10-15 thành viên, và nếu may mắn chỉ có một hai người cùng chuyên ngành hẹp với bạn thôi. Nếu người đọc không hiểu thì đó là lỗi của người viết. Bạn có thể vùng vằng “ngôn ngữ toán học của tôi cao quá, ủy ban không hiểu”, đó là việc của bạn, còn việc ủy ban không duyệt thì đó là việc của họ.
 
(C) Hiệu quả trong ứng dụng và đào tạo. Ở các trường đại học, nghiên cứu đi liền với giảng dạy, nên dự án cần chỉ ra tác dụng của việc nghiên cứu trong lĩnh vực này. Điều này một phần nào bắt buộc các giáo sư mang những kiến thức mới nhất đến cho sinh viên. Trong thời gian gần đây, hiệu quả ứng dụng của công trình, ngay cả trong những lĩnh vực được coi là lý thuyết như toán cũng rất  được coi trọng.
 
Viết một dự án kỹ lưỡng rất tốn thời gian. Ngay cả những nhà nghiên cứu hạng nhất, khi viết dự án, cũng thường mất đến cả tháng. Tuy nhiên, một tháng đó cũng rất có lợi cho họ, ở chỗ họ có thời gian cân nhắc kỹ càng các đề tài, đề tài nào khả thi, đề tài nào có thể làm với ai, đề tài nào thích hợp với sinh viên nào. Vô hình chung, nó tạo  ra một kế hoạch  làm việc khá cụ thể cho tương lai.
 
Như đã nói ở trên, việc xét dự án thông qua các ủy ban ngành (panel). Các ủy ban ngành do NSF chọn ra, thường có từ 10-15 người và thay đổi hàng năm. Một ngành khoa học lớn (như Toán hay Vật Lý) có thể có tới cả chục ủy ban ngành cho các hướng nghiên cứu khác nhau (chẳng hạn có các ủy bang riêng biệt cho đại số, xác suất, hình học). Ủy ban thường họp vào cuối năm, là mùa bận rộn của NSF.  Các thành viên đến trụ sở NSF ở Arlington, một thị trấn ngoại vi thủ đô Washington, họp kín chừng 3 ngày liền. Để bảo đảm tính công bằng, NSF có những nguyên tắc chặt chẽ, chẳng hạn khi thảo luận dự án của giáo sư A, tất cả những thành viên có  liên hệ với A (như người cùng trường, thầy giáo hay học sinh cũ, hay người cùng nghiên cứu trong vòng 4 năm) không được tham gia vào cuộc thảo luận và không được bỏ phiếu. (Đơn giản là họ bị mời ra ngoài hành lang.) Những nhà nghiên cứu trẻ, đang bắt đầu sự nghiệp khoa học, thường có một số ưu thế trong bước xét duyệt. Ngoài ra, còn có những loại dự án chỉ dành cho những người trẻ tuổi, đôi khi dưới dạng một giải thưởng (như NSF Career Arward).
 
Sự khác biệt giữa Nafosted và NSF
 
Gần đây, chúng ta có quỹ Nafosted (National Foundation for Science and Technology), với mục đích tương đồng với NSF (Quỹ khoa học quốc gia cúa Mỹ). Đây là một bước tiến quan trọng, rất đáng khích lệ,  trong việc đẩy mạnh phát triển nghiên cứu tại Việt Nam. Dĩ nhiên, do chênh lệch giữa  hai nước, số tiền giành cho mỗi dự án ở Việt Nam (về giá trị tuyệt đối) không thể so với Mỹ. Nhưng nếu tính  tương đối (dựa theo thu nhập trung bình) thì sự trợ giúp của Nafosted rất có giá trị.
 
Thành công của dự án, đôi khi được xét trên số bài đăng ở tạp chí ISI. Tiêu chí này hơi khiên cưỡng. Ta nên lưu ý có nhiều tạp chí ISI tiêu chí cực thấp. Vì vậy chỉ đếm số bài có thể dẫn đến việc phấn đấu đạt chuẩn một cách hình thức. Một bài báo nếu đã đăng trong vòng 3-5 năm mà không có ai sử dụng hay trích dẫn, thì dù đăng ở tạp chí nào, giá trị khoa học của nó cũng rất đáng hồ nghi.
 
Về cơ bản, hai quỹ hoạt động khá giống nhau. Nhưng ở một số bước có sự khác biệt.  Môt số lần tôi được mời phản biện cho các dự án Nafosted, thì thấy nội dung viết rất sơ sài. Các dự án đều  hết sức ngắn, từ 1 đến 2 trang,  đọc rất khó hiểu, hay đôi khi không có gì để hiểu hay thảo luận cả. Không biết tình hình được cải thiện chưa nhưng không thể biết những  dự án như vậy  sẽ được thông qua hay bác bỏ trên cơ sở gì.
 
Thành công của dự án, đôi khi được xét trên số bài đăng ở tạp chí ISI. Tiêu chí này hơi khiên cưỡng. Ta nên lưu ý có  nhiều tạp chí ISI tiêu chí cực thấp. Vì vậy chỉ đếm số bài có thể dẫn đến việc phấn đấu đạt chuẩn một cách hình thức. Một bài báo nếu đã đăng trong vòng 3-5 năm mà không có ai sử dụng hay trích dẫn, thì dù đăng ở tạp chí nào, giá trị khoa học của nó cũng rất đáng hồ nghi.
 
Việc phải hoàn lại (một phần)  tiền trong trường hợp không thành công, có thể  làm người nghiên cứu, nhất là các nhà nghiên cứu trẻ chưa có kinh nghiệm, rất do dự khi nộp dự án, và vô tình tạo ra quyền lực cho những người nghiệm thu dự án. Thông qua dự án là chấp nhận đầu tư vào nhà khoa học, và đầu tư thì ở đâu cũng có thể có rủi ro. Ở NSF, một dự án không thành công đơn giản sẽ làm cho các dự án tiếp theo rất khó được chấp thuận. Đó là một cái giá rất nặng buộc các nhà nghiên cứu phải toàn tâm toàn ý với dự án của mình.
 
Nguồn: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&CategoryID=36&News=9378