Một thời trăn trở đổi mới

 
 
Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới thăm, làm việc tại Viện Toán học năm 1982. 
Nguồn: Viện Toán học
 
Trong buổi gặp mặt mừng Thầy Hoàng Tuỵ 88  tuổi tại Toà soạn tạp chí Tia Sáng, Thầy đã kể lại một số trăn trở của Thầy trước hiện trạng của đất nước và mối quan hệ của Thầy với một số lãnh đạo Đảng và Nhà nước trước thời Đổi mới. 
 
Dười đây là lược ghi chuyện kể của Thầy.
Vào đầu những năm 1960, hưởng ứng cuộc vận động đưa khoa học đi vào thực tế đời sống, tôi tạm gác lại việc nghiên cứu giải tích thực vốn là sở trường chuyên môn của tôi để chuyển sang nghiên cứu lý thuyết tối ưu, bắt đầu với Vận trù học (Operations research) là môn học có nhiều ứng dụng thực tế hơn. Từ đó, trong nhiều năm, với sự ủng hộ nhiệt thành của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi ra sức gây dựng một phong trào rộng khắp ở miền Bắc, đưa Vận trù học vào ứng dụng ở các cơ sở sản xuất công, nông nghiệp. Hai năm một lần, chúng tôi tổ chức hội nghị tổng kết toàn miền Bắc về ứng dụng Vận trù học; ở mỗi hội nghị, Thủ tướng cùng nhiều bộ trưởng đều đến dự và phát biểu. Có lúc phong trào lôi cuốn hàng nghìn người tham gia, gây sự chú ý của nhiều phóng viên quốc tế ở Hà Nội. Trong một bài phóng sự về Việt Nam đăng trên báo Pháp Le Monde, tác giả đã tường thuật một cách thú vị về các hoạt động Vận trù học ở quanh vùng Hà Nội, Hải Phòng và tỏ ý vô cùng ngạc nhiên thấy cả một số thành tựu Vận trù học vừa mới ra đời ở Mỹ cách đó chỉ vài năm (như phương pháp PERT) mà đã được ứng dụng ở ngay đây, tuy Việt Nam là một đất nước mà cả thế giới đều biết còn rất nghèo và lạc hậu lại đang oằn mình dưới những trận bom ác liệt của không quân Mỹ. Để đánh giá việc ứng dụng Vận trù học ở miền Bắc vào giai đoạn này thành công đến mức độ nào thì khó nói cụ thể, nhưng ít nhất nó cũng đã đem lại một hiệu quả thiết thực: trước đó dân ta làm việc chỉ cốt đạt mục đích, bất kể đến hiệu quả, nhưng sau khi có phong trào Vận trù học, mọi người đã có ý thức biết tính toán, cân nhắc lựa chọn cách làm việc và hoạt động sao cho tốn ít phương tiện, mà đạt được hiệu quả cao. Cùng với đó dần dần, từ “vận trù” (với ý nghĩa biết tính toán so sánh nhiều phương án hoạt động) len lỏi vào cả trong ngôn ngữ thường ngày của người dân. Đó cũng là một nét văn hóa góp phần làm giảm lãng phí, tăng năng suất lao động xã hội, ảnh hưởng rõ rệt đến sự phát triển kinh tế.
 
Nhưng Vận trù học chỉ mới áp dụng được ở cấp xí nghiệp, tức là ở cấp kinh tế vi mô. Để tiến lên tác động vào hiệu quả quản lý cả nền kinh tế quốc dân thì cần nghiên cứu khoa học hệ thống để vận dụng vào kinh tế vĩ mô. Từ các quan sát thực trạng kinh tế xã hội lúc đó, dễ nhận thấy kiểu kinh tế kế hoạch hóa tập trung, duy ý chí, tự cung tự cấp, “ngăn sông cấm chợ” dẫn đến nhiều hệ lụy tệ hại: hiệu quả sản xuất thấp, tham nhũng, lãng phí tràn lan, lãnh đạo ngày càng quan liêu, xa dân, xa thực tế… Mặc dù tôi chỉ mới dám phát biểu những suy ngẫm đó một cách dè dặt, thận trọng, nhưng vẫn bị phản ứng, nói chung không nhận được sự đồng tình của giới quan chức hữu trách, vốn là đối tượng chủ yếu tôi muốn nhằm tới để thuyết phục. 
 
May mắn, đến khoảng đầu thập kỷ 70, cùng với luận điểm “cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt”, nhận thức của lãnh đạo về vai trò của khoa học, kỹ thuật có sự chuyển biến mạnh. Bộ Chính trị quyết định, mỗi tháng một lần mời các nhà khoa học đến trình bày về một vấn đề thời sự khoa học cho toàn thể Trung ương nghe (sau đó có mở rộng ra cho cả cán bộ trung cao cấp xung quanh TƯ). Vì đã từng khởi xướng Vận trù học và đã có một số dịp phát biểu liên quan đến quản lý kinh tế nên tôi được mời tới nói chuyện lần đầu về các vấn đề khoa học trong quản lý kinh tế xã hội. 
 
Trong buổi nói chuyện đó, tôi nêu lên và phân tích nguyên nhân những hiện tượng tiêu cực đã nổi lên khá trầm trọng trong xã hội lúc bấy giờ như: kinh tế sút kém dần, hàng hoá thiếu thốn, không đáp ứng nhu cầu tối thiểu, chợ đen phát triển, cán bộ quan chức nhũng nhiễu, lòng dân bất an. Tôi muốn chỉ ra rằng đó là hậu quả tất yếu của chế độ quản lý kinh tế tập trung, bao cấp và để khắc phục, tôi đề nghị phải tiến tới phi tập trung hóa quản lý kinh tế. Thực ra, trong trí óc tôi lúc ấy, biện pháp phi tập trung hóa quản lý kinh tế chính là sử dụng cơ chế thị trường, song tôi không dám nói thẳng ra ý đó. Sở dĩ tôi ngại là vì trước đó vài năm, xảy ra vụ Liên Xô đưa quân đội vào Tiệp Khắc để lật đổ nhà lãnh đạo Dubcek, nguyên do là ông này đã dám đưa ra chủ trương sử dụng cơ chế thị trường để khắc phục các yếu kém của kinh tế xã hội chủ nghĩa – một chủ trương mà Liên Xô và theo sau đó toàn phe xã hội chủ nghĩa đã nhất trí lên án là phản động, trái với học thuyết chính thống về chủ nghĩa xã hội. 
 
Mặc dù khi nói chuyện, tôi không đả động gì đến cơ chế thị trường mà chỉ mới dám nêu ra ý kiến phi tập trung hóa quản lý kinh tế thay cho kế hoạch hóa tập trung, nhưng một số ông bộ trưởng cũng khá “thính”, báo ngay cho lãnh đạo Ủy ban Khoa học nhà nước (nơi tôi công tác lúc đó) rằng tôi có quan điểm “xét lại” cần phải phê phán. Để tránh những cáo buộc do hiểu lầm, tôi viết lại bài nói chuyện và đưa đăng toàn văn trên tạp chí Tin tức hoạt động khoa học, giải thích rõ quan điểm khoa học vì sao nên quản lý phi tập trung hóa nền kinh tế. 
 
Bất ngờ một tuần lễ sau, Ủy ban Khoa học nhà nước nhận được thông báo của Văn phòng Tổng bí thư, cho biết Tổng bí thư Lê Duẩn đã đọc bài của tôi và muốn trực tiếp gặp tôi để hỏi thêm, nên đã chỉ thị Ủy ban Khoa học nhà nước đưa tôi xuống Đồ Sơn để làm việc với Tổng bí thư trong mấy ngày. 
 
Cuộc họp có cả đại diện của Ủy ban Khoa học xã hội, một số cán bộ đầu ngành kinh tế, và Văn phòng Trung ương. Bước vào phòng họp, nhìn thấy ông Duẩn đem đến bài báo của tôi trong Tin tức hoạt động khoa học với chi chít những gạch xanh, gạch đỏ, tôi bắt đầu lo lắng. Thế nhưng thật may ông Duẩn nói ngay: ông đã đọc kỹ bài này, tuy có một số vấn đề ông thấy cần trao đổi thêm nhưng căn bản ông đồng tình quan điểm nêu trong bài. Hú vía, thế là được giải thoát tội “xét lại” – một tội mà thời đó, nặng thì có thể vào tù, nhẹ cũng bị lắm rắc rối, phiền phức trong công tác và sinh hoạt.
 
Rồi liên tiếp trong hai ngày, Tổng bí thư chăm chú lắng nghe và hỏi han về cách quản lý phi tập trung như thế nào, và vì sao cơ chế thị trường là biện pháp thực hiện quản lý phi tập trung. Kết thúc cuộc gặp, ông Duẩn còn bảo Ủy ban Khoa học nhà nước lập ra một viện giao tôi phụ trách để nghiên cứu về các phương pháp khoa học trong quản lý kinh tế (cái viện này về sau không ra đời được vì ban Tổ chức Trung ương không thuận). Ông Trần Quỳnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước, khi kể lại các buổi làm việc của Tổng bí thư với tôi còn cho biết thêm, ông Duẩn bảo: tôi nghe các anh em Toán nói chuyện kinh tế mà thấy còn sâu sắc hơn các cán bộ kinh tế. Sau đó, mấy vị bộ trưởng từng phê phán tôi có quan điểm “xét lại” lần lượt cho thư ký đến mời tôi đến nói chuyện ở bộ của họ, coi như một cử chỉ làm lành. 
 
Sự việc trên báo hiệu một sự thay đổi đáng mừng: Thứ nhất, bắt đầu có những tiếng nói nêu ra những bất cập của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, buộc các nhà lãnh đạo phải suy nghĩ lại. Thứ hai, từ đấy trở đi, các hội nghị Trung ương mở rộng bàn về kinh tế thường mời các nhà khoa học đến dự nghe và góp ý kiến. 
 
Sau năm 1975, có một giai đoạn kinh tế hết sức khó khăn. Đó là thời kỳ ăn bo bo hay khoai sắn, mì sợi thay cơm một phần mà ai nhớ lại cũng thấy hãi hùng. Khoảng năm 1979, khó khăn lên tới cực điểm. Một hôm, để chuẩn bị cho Hội nghị TƯ thứ 6, Tổng bí thư mời năm anh em khoa học gồm tôi, Vũ Đình Cự, Bùi Huy Đáp và hai kỹ sư ngành cơ khí (tôi đã quên tên) xuống Đồ Sơn để tham khảo ý kiến, giúp tìm ra kế sách vượt qua khủng hoảng. Bốn anh kia đều có chức vụ cao trong bộ máy nhà nước, chỉ riêng tôi không có chức vụ gì, cho nên các anh đều ngại, đẩy tôi ra phát biểu trước. 
 
Vào thời kỳ đó, lý thuyết làm chủ tập thể do ông Duẩn đưa ra được coi là một sáng tạo lý luận lớn của Tổng bí thư đóng góp vào học thuyết chủ nghĩa xã hội. Trong các buổi sinh hoạt chính trị, hầu như ai phát biểu gì cũng cố liên hệ tới lý thuyết đó để tăng thêm trọng lượng cho ý kiến của mình, dù nhiều khi hết sức gượng gạo. Riêng tôi và một số anh em khoa học nghĩ khác, thật sự không thấy thuyết phục. 
 
Vì không quen nói dối để làm vừa lòng cấp trên, tôi mạnh dạn nói thẳng với Tổng bí thư rằng anh em khoa học chúng tôi không hiểu lý thuyết làm chủ tập thể của ông, không thấy nó có ý nghĩa gì thiết thực cho việc xây dựng đất nước. Tưởng tôi thật tình không hiểu, ông Duẩn thuyết một thôi một hồi về làm chủ tập thể. Tôi đáp, những điều ông nói đó, chúng tôi đều đã được nghe không chỉ một lần mà nhiều lần trong các buổi thảo luận chính trị. Điều tôi vẫn thắc mắc là tại sao ta nói làm chủ tập thể là một hình thức dân chủ còn cao hơn cả dân chủ xã hội chủ nghĩa trong khi đó ngay cả cái dân chủ tư sản mà ta thường chê, thì trên thực  tế cũng chưa đạt được như họ. Để minh họa, tôi dẫn ra một số sự việc và sẵn dịp đọc luôn cho ông nghe mấy câu vè hồi ấy thường lan truyền ở vỉa hè giới trí thức: “Năng làm thì đói, biết nói thì no, biết bò thì sướng, càng bướng càng khổ …”. Hẳn là lần đầu tiên được nghe những lời trái tai như vậy, ông lặng người đi. Nhưng là người lãnh đạo có bản lĩnh, ông trấn tĩnh lại ngay và bảo: đúng là ta còn mất dân chủ, có nơi khá nặng, cho nên vừa rồi trong cuộc vận động làm trong sạch Đảng, tôi đã nhắc các tỉnh ủy phải chú trọng kiểm điểm kỹ chuyện này. 
 
Sau đấy, ông nêu câu hỏi: bây giờ làm sao chống tiêu cực? (hồi đó tham nhũng còn chưa quá nặng, nên chỉ được gọi nhẹ nhàng là “tiêu cực”). Tôi trả lời, với cách quản lý kinh tế như ta mà không có tiêu cực mới lạ. Bởi tiền lương không đủ sống buộc người ta phải xoay xở mà xoay xở thì làm sao không phạm pháp, không tiêu cực. Ban đầu, chỉ có cấp dưới mới không đủ sống bằng lương, nhưng kinh tế khó khăn thì cấp trên cũng không đủ sống bằng lương. Do đó, tiêu cực lan dần lên cấp cao, mà cấp càng cao chừng nào thì càng dễ xoay xở chừng đó. Hơn nữa, vì có lý do đời sống biện minh cho nên tiêu cực dễ được xã hội thông cảm, dung thứ và cứ thế nó phát triển rộng ra, đến lúc cả những cán bộ lương cao cũng tiêu cực. Nói thật ra, với cách quản lý này của ta, gần như ai cũng phải ít nhiều phạm pháp, ít nhiều ăn cắp, không ăn cắp của dân thì ăn cắp của nhà nước, dưới hình thức này hay hình thức khác. Một ông lãnh đạo cấp cao nghe tới đó liền phản ứng gay gắt: “Anh nói không đúng, tôi có ăn cắp đâu và anh chắc cũng không ăn cắp, sao anh có thể nói bừa như vậy?”. Tôi thưa lại, ông là cán bộ cấp cao được nhà nước chu cấp hết mọi khoản thì dĩ nhiên cần gì tiêu cực, trừ khi quá tham. Còn tôi, vì làm khoa học thỉnh thoảng được mời ra nước ngoài làm việc thì chỉ với đồng lương một tháng ở nước ngoài cũng đủ sống cả năm trong nước. Chỉ có thế thôi, chứ chẳng có gì lạ, tôi chỉ nói đúng sự thật dù là sự thật rất khó nghe.
 
Ngoài vấn đề dân chủ và tiêu cực, tất nhiên chúng tôi cũng góp ý thẳng thắn về nhiều vấn đề khác, như: nên coi trọng thật sự lợi ích vật chất, không nên chỉ nhấn mạnh một chiều tinh thần; cần bỏ “ngăn sông cấm chợ”, phải để người dân được tự do buôn bán làm ăn, v.v. Thậm chí có người còn bạo mồm phê phán chính sách trao đổi đối với nông dân thời bao cấp: mua như cướp, bán như cho1, thật sự đã làm bần cùng hóa nông dân.
 
Sau cuộc gặp mấy hôm, ông Duẩn làm việc với ông Nguyễn Văn Trân (trong Ban Bí thư và đương nhiệm Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TƯ). Ông Trân nói lại, buổi làm việc của chúng tôi với ông Duẩn ở Đồ Sơn đã có tác dụng rất tốt, góp phần làm cho Nghị quyết Hội nghị TƯ 6 có được rất nhiều điểm mới, thay đổi hẳn nhiều nhận thức và quan điểm cũ trước đây.
 
Cùng thời điểm ấy, tôi chuẩn bị đi Canada theo lời mời thỉnh giảng của một số trường đại học. Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp tôi để dặn dò những điều cần thiết khi gặp anh em trí thức Việt kiều bên đó. Ông cho biết, với Nghị quyết Hội nghị TƯ 6, kỳ này chúng ta sẽ chuyển mạnh. Với trí thức Việt kiều, không nên che giấu mà cần phải cho họ biết sự thật về một số khó khăn trong nước, đồng thời nói rõ cho họ thấy quyết tâm sửa chữa của chúng ta. 
 
Sang tới Montreal, tôi được anh em Việt kiều mời nói chuyện trước một cử tọa khoảng vài trăm người. Tôi nói thật với họ chuyện tham nhũng, quan liêu và những thay đổi mạnh về chính sách theo tinh thần Nghị quyết TƯ 6… Về sau, tôi được biết anh em trí thức Việt kiều rất phấn khởi vì lần đầu tiên có người từ trong nước sang mà nói thật chứ không che giấu những bê bối trong nước, anh em tin hơn và giải tỏa được các bức xúc trước đây, khi họ chỉ được nghe giải thích một chiều, luôn luôn được bảo những tin tức về tham nhũng trong nước chỉ là tin đồn, bịa đặt hoặc phóng đại của bọn phá hoại. Anh em đều cho rằng, dù có sai lầm, bê bối nhưng một khi các nhà lãnh đạo đã nhìn thấy được sự thật và tỏ rõ quyết tâm sửa thì có hy vọng sẽ sửa được và tình hình sẽ dần tốt lên. 
 
Mấy tháng sau chuyến đi Canada, tôi được mời sang Pháp. Lần này gần sát đến ngày phải lên đường mà thủ tục vẫn chưa xong, tôi tới gặp anh Trần Đại Nghĩa, lúc ấy là Viện trưởng Viện Khoa học Quốc gia. Nghe tôi thắc mắc vì sao mãi vẫn chưa có quyết định đi Pháp, anh Nghĩa bảo tôi: “Lẽ ra tôi không được phép nói, vì đây là công văn mật, nhưng chỗ thân tình, tôi nói thật, không biết anh qua Canada nói những gì mà sứ quán ta ở đó báo cáo về Bộ Ngoại giao kể tội anh nói xấu chế độ về bảy chính sách lớn. Vì lý do đó, người ta không duyệt để cho anh đi lần này”. 
 
Nhờ anh Nghĩa là nhà khoa học chân chính, rất quý trọng anh em khoa học nên tôi mới được biết có cái công văn mật này. Tôi gọi điện cho anh N., thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, kể lại sự việc và nhờ anh lấy ở Bộ Ngoại giao băng ghi âm buổi nói chuyện của tôi ở Montreal (vì tôi nhớ chắc chắn buổi nói chuyện đó có ghi âm đầy đủ) để kiểm tra xem có đúng tôi nói xấu chế độ như sứ quán đã báo cáo về nước không. Mấy hôm sau tôi được truyền đạt lại ý kiến của Thủ tướng là tôi chẳng nói gì sai phạm cả. Hoá ra, khi tôi nói chuyện với anh em Việt kiều theo tinh thần Nghị quyết TƯ 6, không che giấu sự thật, thì khi đó Sứ quán chưa nhận được trong nước thông báo về Nghị quyết TƯ 6 nên tưởng lầm rằng tôi nói xấu chế độ. Sau đó, tôi được báo thủ tục đi Pháp đã được khai thông, tuy có trễ là vì có mấy việc phải xác minh về chuyến đi Canada của tôi. 
 
Dù câu chuyện kết thúc tốt đẹp, song việc đã xảy ra cũng khiến tôi rất buồn. Nếu không nhờ sự can thiệp của Thủ tướng, thì biết đến bao giờ mới gỡ oan được. Mà đâu thể bất cứ việc gì, bất cứ ai cũng kêu oan được tới Thủ tướng.
 
Đó là nỗi khổ của anh em trí thức một thời, muốn nói thật cũng phải đắn đo suy nghĩ, nhưng ngay cả khi đắn đo suy nghĩ rồi vẫn có thể gặp nạn. Dù sao vẫn còn may thời đó có một số người lãnh đạo sáng suốt như Tổng bí thư và Thủ tướng, biết lắng nghe và tôn trọng trí thức. 
 ——–
1 Hồi đó, nhà nước thu mua nông sản với giá rẻ, gần như là trưng thu chứ không “mua” (chẳng hạn thu mua hoa hồi để xuất khẩu với giá rẻ đến mức người nông dân cho rằng thà đốn cây hồi để bán như củi còn lợi hơn chăm sóc cây để bán hoa). Ngược lại, nhà nước bán cho nông dân phân bón, thuốc trừ sâu, v.v. cũng với giá rẻ, gần như cho không. Đó là vì giá cả lúc đó đều do các cơ quan nhà nước ấn định, không dựa vào cơ chế thị trường, lắm khi rất vô lý, làm nông dân bị thiệt thòi nhiều, làm lụng vất vả mà mãi vẫn nghèo.
 
Hoàng Tuỵ
 

Chẩn đoán ung thư sớm bằng xét nghiệm máu

 
 
Một công ty y tế Hoa Kỳ cho biết họ đã nắm được “bí quyết” xét nghiệm máu chẩn đoán bệnh ung thư ngay cả trước khi bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng.
Illumina, công ty giải mã trình tự gene đã tuyên bố thành lập một công ty spin-off chuyên tập trung vào phát hiện sớm ung thư thông qua xét nghiệm máu.Và Grail, công ty spin-off này được cấp 100 triệu USD để nghiên cứu ADN của tế bào ung thư có trong máu và sử dụng phương pháp sắp xếp chuỗi AND để phát hiện các mô hình bệnh tật trong tế bào máu.
 
Mặc dù các công ty khác đã áp dụng “sinh thiết lỏng” nhưng họ mới chỉ sử dụng phương pháp này sau khi bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư bởi chưa thể giải quyết một vấn đề, đó là một số tế bào ung thư không thực sự gây nguy hiểm cho con người và điều trị sớm chỉ khiến bệnh nhân gặp tác dụng phụ nguy hiểm.
 
Nhưng các nhà khoa học của công ty Grail tin rằng họ sẽ giải quyết được tồn tại này bằng cách thực hiện sắp xếp chuyên sâu và kiểm tra trình tự ADN của khoảng 50.000 người.“Chúng tôi cho rằng cần khẩn trương nghiên cứu và đưa ra thị trường cách chẩn đoán ung thư này, vì nếu thành công, nó sẽ cứu mạng hàng triệu người”, Jay T. Flatley, giám đốc công ty Illumina nói.
 
Bảo Như dịch theo Sciencetimes
 
http://www.sciencetimes.com/articles/8120/20160111/company-develop-gene-based-cancer-blood-test.htm
 

Năm cuốn sách gối đầu giường về “khởi nghiệp tinh gọn”

 
 
Khởi nghiệp tinh gọn đã thay đổi toàn bộ cách chúng ta thử nghiệm thị trường và khởi nghiệp.
 
Thay vì tư duy theo kiểu truyền thống là tập trung đưa ra một kế hoạch kinh doanh với các tính toán tài chính mang tính cảm tính, các mục tiêu kinh doanh thiếu căn cứ cơ sở thực tế, các startup phải kiểm định thị trường, nắm bắt nhu cầu và hiểu cách tạo ra dòng doanh thu để từ đó xây dựng bước đầu mô hình kinh doanh, đặt nền móng cho khởi nghiệp bền vững. Các bạn có thể đặt câu hỏi khởi nghiệp tinh gọn là gì, tại sao nên đọc những cuốn sách này trước khi bạn bắt đầu và sử dụng chúng trong suốt quá trình kinh doanh khởi nghiệp? Đơn giản là vì, có những thất bại rõ ràng bạn sẽ tránh được khi đọc những cuốn sách này. Với cách tiếp cận thực tế, thiên về hướng dẫn, thực hành và thay đổi tư duy, những cuốn sách được chúng tôi giới thiệu dưới đây sẽ thực sự là người bạn đồng hành với bạn trong mọi bước đường khởi nghiệp.
 
The Startup Owner’s Manual: The Step-By-Step Guide for Building a Great Company. (Sổ tay của các nhà khởi sự kinh doanh: Hướng dẫn từng bước để xây dựng một công ty vĩ đại). Tác giả: Steve Blank & Bob Dorf
 
Kinh điển với triết lý: “Hãy bước chân ra khỏi văn phòng” để hiểu về thực tế nhu cầu, những khó khăn của khách hàng xung quanh và cả những gì đối thủ cạnh tranh đang làm được, Steve Blank đã làm thay đổi cách vận hành của nhiều startup – vốn cắm cúi ngồi phát triển sản phẩm rồi rơi vào cái bẫy hơn 60% thất bại do thị trường không có nhu cầu. Với việc triển khai mô hình phát triển khách hàng gồm bốn bước: khám phá khách hàng, thẩm định khách hàng, sáng tạo khách hàng và phát triển công ty, tác giả đã chỉ ra những bước hướng dẫn hết sức cụ thể để một startup có thể phát triển khách hàng ngay từ bước đầu tiến đến xây dựng một công ty bền vững. Cuốn sách này có lẽ nên là cuốn sách đầu tiên mọi khởi nghiệp nên đọc để bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình.
 
The LEAN STARTUP (Khởi nghiệp tinh gọn). Tác giả: Eric Ries. Đã được dịch sang tiếng Việt.
 
Không phải ngẫu nhiên, phương pháp của khởi nghiệp tinh gọn đã tạo ra một làn sóng hấp dẫn không chỉ với giới khởi nghiệp công nghệ mà còn cả với các công ty lớn. Khái niệm tinh gọn vốn xuất hiện trong sản xuất, giờ được áp dụng trong rất nhiều công ty, tập đoàn lớn. Không thể phủ nhận, cách tiếp cận theo vòng lặp build-measure-learn (xây dựng – đo lường- học hỏi) đã giúp các công ty tiết kiệm rất nhiều cho các dự án phát triển sản phẩm mới và hoạt động nghiên cứu phát triển. Đó cũng chính là lý do, khởi nghiệp tinh gọn với vòng lặp liên tục xây dựng – đo lường- học hỏi đang giúp các khởi nghiệp tiến gần hơn đến nhu cầu thực tế của thị trường, có thể xây những giá trị vượt trội đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức. Cuốn sách thực tiễn với cách giải thích dễ hiểu sẽ thực sự hữu ích cho các công ty khởi nghiệp, các doanh nghiệp đang phát triển sản phẩm dịch vụ mới. 
 
LEAN ANALYTICS- Use data to build a better startup faster. (Phân tích trong khởi nghiệp tinh gọn- sử dụng dữ liệu để xây dựng một khởi nghiệp tốt hơn và nhanh hơn). Tác giả: Alistair Croll; Benjamin Yoskovitz. 
 
Cuốn sách thú vị này lấy cảm hứng từ khởi nghiệp tinh gọn. Thay vì khen ngợi những gì bạn đang nỗ lực làm với chiến lược và kế hoạch kinh doanh, cuốn sách “phủ đầu” bằng tuyên bố “chúng ta đều giả dối”. Hãy ngừng dối trá và nhìn thẳng vào sự thật từ những con số, dùng con số để ra quyết định và hơn thế nữa, dự đoán và lập chiến lược. Bằng cách chỉ ra các chỉ số, con số bạn cần theo dõi trong suốt quá trình khởi nghiệp theo các bước của khởi nghiệp tinh gọn, tác giả đã biến cuốn sách thành một cuốn cẩm nang chỉ dẫn rất chi tiết từ bước hình thành các chỉ số cần đo lường đến sự thay đổi tư duy quyết định dựa trên dữ liệu thu thập được. Cuốn sách góp phần thay đổi những nhận định mang tính cảm tính trong kinh doanh, buộc các nhà sáng lập thường xuyên phải quan sát, thu thập và phân tích những dữ liệu, xây dựng những chỉ số để khởi nghiệp thành công không còn là cuộc chơi may rủi. Với những ví dụ sinh động thực tế, cuốn sách là một phần không thể thiếu cho các bạn khởi nghiệp muốn xây dựng công ty bền vững và liên tục đổi mới. Lean Analytics cùng những cuốn sách về dữ liệu lớn thực sự sẽ mở ra những hướng đi mới giúp không chỉ các công ty khởi nghiệp mà cả các công ty lớn nắm bắt được những cơ hội và xu hướng từ dữ liệu đang nắm trong tay. 
 
Business Model Generation (Tạo lập mô hình kinh doanh. Tác giả: Alexander Osterwalder, Yves Pigneur. Đã được dịch sang tiếng Việt. 
 
Một cuốn sách thực thi đúng chức năng của nó là hỗ trợ bạn từ đầu đến cuối xây dựng mô hình kinh doanh của mình, tạo lập nó một cách bền vững qua từng bước phát triển cấu phần trong mô hình kinh doanh theo thứ tự phân khúc khách hàng, giá trị mang lại, kênh truyền tải thông tin, giá trị đến khách hàng, quan hệ với khách hàng, dòng doanh thu, chi phí, các hoạt động chính, nguồn lực chính. Cuốn sách không chỉ giúp các bạn khởi nghiệp nhìn rõ bức tranh khởi nghiệp của chính mình mà còn là một gợi ý quan trọng cho những doanh nghiệp đang vận hành tạo ra hiểu biết chung cho toàn công ty về mô hình kinh doanh, tạo nền tảng cho đổi mới sáng tạo cho cả công ty. 
 
Value proposition Design – How to Create Products and Services Customers Want (Thiết kế tuyên bố giá trị). 2014. Tác giả: Alexander Osterwalder, Yves Pigneur, Gregory Bernarda, Alan Smith.
 
Một cuốn sách đẹp được viết để bất kỳ ai khởi nghiệp cần hiểu rằng việc mang lại giá trị cho khách hàng là một sứ mệnh thiêng liêng nhưng không hề cảm tính. Các doanh nghiệp cần đi từ việc hiểu về khách hàng, xây dựng canvas về hồ sơ khách hàng, giá trị và sự tương thích giữa hai nhân tố này; tiến đến thiết kế, kiểm định và phát triển những giá trị bạn mang lại cho khách hàng. Cuốn sách không thể không thành công nếu thiếu sự minh họa tài hoa của Trish Papadakos. Những khái niệm đơn giản trở nên dễ hiểu hơn rất nhiều nhờ những hình vẽ sống động mô tả một cách hiệu quả các thức tiến hành việc kiểm định và thiết kế tuyên bố giá trị. Cùng với Business Model Canvas và những cuốn sách khác của khởi nghiệp tinh gọn, bạn sẽ nhận ra rằng, bạn cần phải trải qua các bước rất chi tiết, tỉ mỉ nhưng không kém phần thách thức và hấp dẫn để thực sự khiến khách hàng yêu thích sản phẩm, giá trị mà bạn mang lại để công ty khởi nghiệp bền vững.
 
Nguyễn Đặng Tuấn Minh
 

Khởi nghiệp 2016: Một vài góc nhìn và gợi ý

 
 
 
Nguyễn Đặng Tuấn Minh
 
Trên thế giới hiện nay, việc hoạch định chiến lược phát triển dựa trên những xu hướng lớn: xu hướng mobile, tập trung vào trải nghiệm khách hàng, tập trung vào nội dung, và đẩy mạnh đào tạo và mentoring trong doanh nghiệp. Còn ở Việt Nam, 2016 là một năm hứa hẹn sự bùng nổ về số lượng những dự án khởi nghiệp, cơ hội đến từ những tác động mạnh mẽ từ làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam, với hiệu ứng từ các hiệp định hợp tác từ cấp độ chính phủ đi vào hiệu lực, đáng chú ý là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), FTA Liên minh kinh tế Á Âu và một số hiệp định song phương và đa phương khác. Vậy những xu hướng này đang tác động đến khởi nghiệp như thế nào? Và doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) cần làm gì để tận dụng tốt hơn những cơ hội đến từ các xu hướng mới này?
Thay đổi tư duy và tầm nhìn
 
Khởi nghiệp đồng nghĩa với việc xác định thị trường mục tiêu, khách hàng tiềm năng và giá trị mang lại cho khách hàng của mình. Năm 2016 có ý nghĩa đặc biệt khi rõ ràng, doanh nghiệp không chỉ tiếp cận thị trường Việt Nam với một phân khúc trong thị trường cho 90 triệu dân, mà doanh nghiệp đang bán hàng với phân khúc tương tự ở chín quốc gia Đông Nam Á (10 quốc gia trừ Việt Nam) còn lại và tám quốc gia thành viên khác tham gia TPP (12 quốc gia trừ bốn quốc gia nằm trong AEC đã tính). 
 
Nếu bạn khởi nghiệp vì mục tiêu “build to last” (xây để trường tồn), đây là lúc bạn cần tính toán lâu dài xem sản phẩm của bạn có tiềm năng đi xa đến đâu, và năm năm tới sẽ thế nào. Nếu bạn khởi nghiệp vì mục tiêu xây để bán “build to sell”, thì hãy nhớ rằng, rất ít nhà đầu tư sẽ để mắt đến bạn nếu bạn chỉ nhắm vào thị trường nội địa. Với 90 triệu dân, Việt Nam chưa phải là thị trường hấp dẫn để bán sản phẩm. Sẽ thuyết phục hơn nếu bạn chứng minh cho nhà đầu tư thấy, bạn và sản phẩm của bạn sẽ thành công ở một tầm rộng lớn hơn. 
 
12 quốc gia thành viên TPP: Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ, và Việt Nam.
Quy mô thị trường TPP: Các nước TPP tạo nên thị trường 792 triệu dân với tổng GDP 28.000 tỷ USD (xấp xỉ 40% tổng GDP toàn cầu).
                             Nguồn: http://www.international.gc.ca/
 
Với thị trường hơn 600 triệu dân, trở thành nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới và tiềm năng đạt vị trí thứ tư trong năm 2050 nếu xu hướng tăng trưởng hiện nay tiếp tục (Nguồn: ADB, 2015), AEC sẽ là một thị trường tiềm năng cho dòng vốn đầu tư đổ vào khu vực sản xuất, kinh doanh, các ngành dịch vụ và du lịch. Thêm vào đó, nhờ lợi thế có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, sự đa dạng hấp dẫn trong cảnh quan, nếu xu hướng hợp tác phát triển mạnh mẽ, sự lưu chuyển nguồn nhân lực, sự loại bỏ các rào cản về thuế quan, vận chuyển, đang tạo ra cho bạn những cơ hội mới. TPP với những nền kinh tế phát triển hơn nhiều so với Việt Nam đang đặt bạn trước những cơ hội và thách thức mới. Chưa bao giờ thị trường Mỹ và các quốc gia phát triển lại gần với doanh nghiệp Việt Nam như vậy. Những rào cản kỹ thuật khắt khe của những thị trường này tạo ra phép thử với chất lượng sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp. Nếu thành công ở những thị trường này, không có lý gì doanh nghiệp không có cơ hội thành công toàn cầu. Nhưng mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần thay đổi tầm nhìn và tư duy cạnh tranh. Không dừng lại ở cạnh tranh trên thị trường nhà, doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu mạnh mẽ. Vì vậy, nếu chưa tính đến những thị trường này trong chiến lược phát triển và cạnh tranh của mình, DNKN sẽ không chỉ mất cơ hội trên chính thị trường mình mà còn mất cơ hội vươn ra thế giới. 
 
Thay đổi về công cụ và nguồn lực
 
Các công cụ trực tuyến sẽ là công cụ quan trọng nhất để bạn nghiên cứu thị trường (nếu DNKN đang ở giai đoạn tìm kiếm, kiểm định và khám phá khách hàng). Facebook hay Google Trends trở thành những công cụ đơn giản mà hiệu quả đầu tiên để bạn đo lường quy mô thị trường. LinkedIn trở thành công cụ xây dựng thương hiệu cá nhân cho các chủ doanh nghiệp khởi nghiệp và tìm kiếm chuyên gia, đối tác. Nếu DNKN đang ở giai đoạn bán sản phẩm, xây dựng công ty, những công cụ trực tuyến lại càng không thể thiếu để hiểu khách hàng. 
 
Bên cạnh đó, xu hướng phát triển sản phẩm dựa trên hiểu biết về hành vi của khách hàng, thử nghiệm sản phẩm trong thời gian ngắn hơn, hiệu quả hơn, đặt doanh nghiệp trước nhiều thách thức:
 
Để hiểu được hành vi người tiêu dùng, doanh nghiệp cần phải thu thập dữ liệu và quyết định dựa trên số liệu ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp. Việc thu thập dữ liệu ngay từ ban đầu cần một chiến lược rõ ràng về việc sử dụng dữ liệu trong việc ra quyết định. Những quyết định cảm tính sẽ phải nhường chỗ cho những phản hồi từ thị trường bằng những dữ liệu lượng hóa được. Doanh nghiệp cần bắt đầu bằng quan sát và lượng hóa đầu vào, đầu ra bằng mọi công cụ cả trực tuyến và ngoại tuyến, nhưng sau đó nên số hóa những dữ liệu ngoại tuyến càng sớm càng tốt. 
 
Trong kỷ nguyên số, khi tốc độ đáp ứng nhu cầu của khách hàng trở thành một lợi thế cạnh tranh thì khả năng tương tác tức thì với khách hàng cũng đặt doanh nghiệp trước thách thức sử dụng những phần mềm điện toán đám mây trên những thiết bị di động thông minh trong quản lý và vận hành doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ không chỉ tiếp cận với khách hàng qua một kênh trực tuyến mà nhiều kênh khác nhau. Làm thế nào để tất cả những kênh đó “giao tiếp” được với nhau? Làm thế nào để những thông tin được tập hợp một cách nhanh nhất hỗ trợ chủ doanh nghiệp và các bộ phận có liên quan ra quyết định nhanh chóng nhất? Doanh nghiệp cần tính toán sử dụng sớm những phần mềm như vậy. Các phần mềm mã nguồn mở hoặc kinh phí thấp không thiếu. Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của việc sử dụng những phần mềm này nhằm đạt hiệu quả cao nhất. 
 
Marketing dựa vào nội dung cũng trở thành một xu hướng quan trọng mà DNKN cần lưu ý. Nhu cầu giữ chân khách hàng, sáng tạo ra giá trị mới cho khách hàng đòi hỏi DNKN tập trung vào những câu chuyện mới, những giá trị mới nhiều hơn. Việc khách hàng thường xuyên ghé thăm website, fanpage, những câu chuyện mới về sản phẩm dịch vụ xuất hiện thường xuyên không chỉ giúp bạn gia tăng sự gắn kết với cộng đồng khách hàng tiềm năng mà còn giúp bạn ghi điểm trong “con mắt” của các công cụ tìm kiếm. 
 
Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community) tạo ra thị trường chung duy nhất cho hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động và có tiềm năng trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. 
Với hơn 600 triệu dân, tiềm năng của ASEAN còn lớn hơn cả khu vực châu Âu hay Bắc Mỹ. Sát biên giới với Ấn Độ và Trung Quốc, lực lượng lao động của ASEAN tương đương Ấn Độ, ASEAN có lực lượng lao động trẻ và lớn thứ 3 trên thế giới.
 
Nguồn: Bài phát biểu của Stephen Groff, Phó giám đốc Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) 2014.
 
Những nhu cầu trên đòi hỏi doanh nghiệp phải huy động một lượng lớn nguồn lực con người và tài chính. Tuy vậy, với các DNKN, nên tận dụng nguồn lực phần mềm quản lý doanh nghiệp từ mã nguồn mở và tận dụng những nguồn nhân lực part-time (bán thời gian) hoặc thuê ngoài cho những công việc không quá phức tạp. 
 
Thay đổi về chiến lược & hành động
 
Về chiến lược: với những thách thức và thay đổi tầm nhìn cần có, rõ ràng khi lập chiến lược cho doanh nghiệp của mình, DNKN cần lưu ý những chiến lược quan trọng như sau:
 
Đi ra khu vực và đi ra thế giới (Go regional & Go global).
Điện toán đám mây (Go cloud)
Gia tăng trải nghiệm khách hàng
Dữ liệu lớn 
Phát triển đội nhóm 
 
Về hành động: 
Đừng chỉ đọc báo tiếng Việt hằng ngày, nó đang hạn chế bạn với cả một thị trường và cơ hội rộng lớn. Hãy chủ động tìm các tờ báo lớn của các quốc gia trong khu vực, đọc và theo dõi những chuyển động thị trường của các quốc gia khác và hãy khai thác triệt để những cơ hội từ đó. 
 
Hãy chuyển hoàn toàn website của bạn sang tiếng Anh và/hoặc sử dụng Facebook Fanpage của bạn song ngữ. Đây là cách tốt nhất để bạn tiếp cận thị trường toàn cầu nói chung và thị trường khu vực nói riêng chỉ bằng một cú click chuột.
 
Hãy đến thăm và quan sát tối thiểu ba quốc gia trong khối AEC năm nay để có cái nhìn tổng thể về thị trường mà bạn đang tiếp cận. Không quá nhiều điều kiện và không phải nộp Visa, hãy thực hiện chuyến du lịch kinh doanh để hiểu về thị trường tiềm năng và những cơ hội mà bạn có thể nắm bắt
 
Hãy khuyến khích nhân viên học tiếng Anh và nên có khen thưởng cho những người hoàn thành một cấp độ nhất định về tiếng Anh. Đây là cách bạn chuẩn bị nguồn lực cho việc tiếp cận và phục vụ khách hàng từ nhiều quốc gia. Nếu có thể, chính bạn nên học thêm một ngôn ngữ của nước bản địa. Tiếng Trung cũng là một lựa chọn tốt vì không một quốc gia Đông Nam Á nào lại không có một cộng đồng người Hoa kinh doanh rất năng động. Không nên quên tuyển dụng bằng cả tiếng Anh, đây là cách bạn quốc tế hóa đội ngũ của mình một cách nhanh chóng và chứng minh cho nhà đầu tư sự chủ động của bạn trong việc phát triển đội ngũ để nắm bắt cơ hội. 
 
Tìm kiếm một mentor cho bạn và đưa văn hóa mentoring vào tổ chức để phát triển nhân viên: Theo lời khuyên của Ian Altman trên Forbes, 2016, việc đưa mentoring vào văn hóa doanh nghiệp sẽ thúc đẩy sáng tạo và giúp tạo ra những nhân viên gắn bó hơn với tổ chức. Điều này hàm ý rằng, cách quản lý kiểu chỉ thị đã đến lúc thoái trào. Với những DNKN, tuổi đời trẻ và những con người trẻ, việc phát triển cùng nhau và cùng công ty sẽ tạo ra văn hóa công ty ngay từ đầu, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững lâu dài và hiệu quả.  
 
 
 
Nếu bạn đã sẵn sàng để thay đổi hoặc đã thay đổi phần nào những thứ chúng tôi nêu ở đây thì công việc tiếp theo của bạn là hãy cùng cả nhóm xem lại toàn bộ Mô hình kinh doanh của bạn theo chín nội dung theo thứ tự đánh số ở ảnh trên. Hãy nhớ thay đổi chín nội dung này theo các xu hướng và gợi ý ở trên, thay đổi ít nhất mỗi tháng một lần. Chỉ cần một trong số những nội dung này thay đổi theo các xu hướng trên, toàn bộ mô hình kinh doanh của doanh nghiệp bạn sẽ thay đổi. Đừng quên in trên giấy A0 và dán lên tường trong công ty, bạn sẽ thấy 2016 là một năm đầy ý nghĩa với doanh nghiệp của bạn. 
—–
 
Nguyễn Đặng Tuấn Minh*
 
*Giảng viên Khoa Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội & Đồng Sáng lập KisStartup.
 

Tìm một chiếc áo lớn hơn

 
 
 
Nguyễn Minh Thảo, chụp ở trụ sở FB, Menlo Park, California, Mỹ vào 1/1/2016.
 
 
Nhiều người cho rằng, doanh nghiệp thành lập ở nước ngoài là để được ưu đãi hơn về thuế, để nhà đầu tư hưởng các quyền lợi thỏa đáng hơn, để đỡ phải thực hiện các thủ tục phức tạp từ thành lập công ty cho đến báo cáo hằng tháng với các cơ quan hữu quan… Tuy nhiên, lí do thực sự là gì ?
Để trả lời câu hỏi này, Tia Sáng đã có trao đổi với hai người trong cuộc: Nguyễn Minh Thảo, người sáng lập startup Umbala, với sản phẩm là ứng dụng di động cho phép người dùng quay, sửa và chia sẻ các video ngắn, nhắm tới thị trường Mỹ đầu tiên rồi mở rộng ra toàn cầu và Lê Phước Phúc, sáng lập startup Wiindi, một trang thương mại điện tử kết hợp mạng xã hội về thời trang dự định tiếp cận thị trường Việt Nam trước rồi mở rộng sang thị trường Đông Nam Á. Umbala và Wiindi là hai trong số nhiều công ty đang có toàn bộ nhân viên làm việc và hoạt động tại Việt Nam nhưng lại có tư cách pháp nhân ở một nước khác: Umbala có trụ sở ở Mountain View, Mỹ và Wiindi có trụ sở ở Singapore.  
 
Dưới đây là ba lí do chính khiến họ thành lập công ty ở nước ngoài:
 
Thông tin rõ ràng, minh bạch hơn
 
Nhiều người cho rằng thành lập công ty ở nước ngoài là để…trốn thuế. “Có một sự thật mà ai cũng có thể nhìn ra được đó chính là thuế thu nhập doanh nghiệp tại Mỹ cao hơn Việt Nam nhiều, nếu nói thành lập công ty ở nước ngoài để trốn thuế là không thoả đáng” – Anh Nguyễn Minh Thảo chia sẻ. 
 
Họ lựa chọn nước ngoài để thành lập công ty không phải vì được ưu đãi thuế mà để… tiết kiệm thời gian làm các thủ tục hành chính. Nhìn từ góc độ là chủ doanh nghiệp tại Mỹ như anh Thảo, hay chủ doanh nghiệp tại Singapore như anh Phúc, cả hai đều chia sẻ quan điểm “quy trình thực hiện các giấy tờ hành chính [ở các nước này] rất rõ ràng, minh bạch và công khai, chủ doanh nghiệp có thể dễ dàng làm thủ tục, khai báo, nộp đơn hay chờ xét duyệt vấn đề nào đó qua hệ thống cổng thông tin điện tử của chính phủ là xong”. Với một công ty khởi nghiệp, họ chỉ muốn dành phần lớn thời gian để xây dựng sản phẩm, chăm sóc khách hàng, phát triển thị trường và kinh doanh, “không ai muốn bị mất quá nhiều thời gian vào những thủ tục hành chính, một lần đi nộp giấy tờ cũng có thể mất đến cả buổi sáng” – anh Phúc cho biết.
 
Hiện nay, đây có thể được nhìn nhận như là một vấn đề nhức nhối đối với bất kỳ ai đang kinh doanh trong nước. Để thử nghiệm, chính bản thân người viết bài đã thử tìm hiểu về việc xin cấp giấy phép thiết lập mạng xã hội trên công cụ tìm kiếm, kết quả được dẫn về website của Bộ Thông tin Truyền thông và sau đó thì website của Bộ thông báo rằng “nội dung không tồn tại”. Hệ thống nhà nước điện tử hiện đại nhất hiện nay có thể “tạm trao” cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi đã tiên phong đưa vào hoạt động hệ thống đăng ký thành lập doanh nghiệp mới hay chỉnh sửa thông tin doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử, thế nhưng cũng chỉ mới có thể phục vụ tốt nhất ở hai thành phố Hà Nội và TP.HCM. Hay Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính đã làm rất tốt hệ thống kê khai thuế trực tuyến giúp người khai thuế dễ dàng nộp thông tin báo cáo định kỳ – nhưng hệ thống này cũng chỉ dành cho người biết về nghiệp vụ kế toán. 
 
Các thông tin khác hỗ trợ chủ doanh nghiệp đều nằm rải rác, mù mờ và khó lòng theo dõi được sự mới mẻ, mang tính cập nhật thời sự từ nhà nước.
 
Nhiều cơ hội tiếp cận nhà đầu tư hơn
 
Khi công ty khởi nghiệp còn quá non trẻ và mới mẻ thì việc tìm kiếm nhà đầu tư là một trong những công việc cần thiết và được ưu tiên nhất. Thế nhưng, nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ – thẳng thắn mà nhìn nhận – không thực sự mặn mà với các công ty của Việt Nam. Thứ nhất, những nhóm khởi nghiệp trong nước chưa thực sự thể hiện được tiềm năng phát triển, chưa có những sản phẩm nổi bật hấp dẫn người dùng nước ngoài. Thứ hai, việc bỏ ra một số tiền đầu tư rất nhỏ vào các công ty khởi nghiệp công nghệ (50.000 – 200.000 USD), không đáng để các nhà đầu tư mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho sự phức tạp của giấy tờ hành chính, quy trình pháp lý ở Việt Nam (chẳng hạn, có một số ngành nghề mà nhà đầu tư không được phép nắm trên 50% cổ phần, chưa có thông tư hướng dẫn về việc bãi bỏ giấy chứng nhận đầu tư đối với trường hợp đầu tư dưới 50% cổ phần, bán lại cổ phần của doanh nghiệp đã niêm yết hay chưa cũng phải chịu một mức thuế như nhau, thoái vốn bằng cách chờ doanh nghiệp lên sàn chứng khoán thì rất lâu hoặc không khả thi). 
 
Vì thế, lẽ dĩ nhiên, nếu thành lập công ty ở nước ngoài, startup có nhiều cơ hội được đầu tư hơn. Được chương trình tăng tốc hỗ trợ khởi nghiệp JFDI Asia có trụ sở chính tại Singapore đầu tư vào sản phẩm Wiindi ngay khi chưa có công ty, anh Phúc đã được JFDI Asia hỗ trợ mở công ty tại Singapore. Số tiền đầu tư vào công ty Wiindi không thực sự lớn, chỉ khoảng 25.000 đô-la Singapore và trong đó chỉ có khoảng 10.000 đô-la Singapore tiền mặt. Thế nhưng, từ khi có pháp nhân công ty tại Singapore, sản phẩm Wiindi được tiếp cận số lượng nhà đầu tư lớn và tiếng tăm hơn so với thời kì ở trong nước. Cũng khá dễ hiểu một điều khi Singapore là một trong năm thị trường tài chính lớn nhất thế giới và đây thực sự là một cổng đầu tư của toàn Đông Nam Á.
 
Thương hiệu để làm tiếp thị sản phẩm v tuyển dụng
 
“[Trước kia] khi tôi nói sản phẩm này là một sản phẩm khởi nghiệp từ Việt Nam, nhiều người còn hỏi ngược lại tôi rằng Việt Nam là ở đâu? Tôi đã rất sốc. Đến khi mày mò con đường đến Mỹ để thành lập công ty vẫn với sản phẩm ấy, rồi khi tham gia những sự kiện lớn tại đây và cho mọi người biết rằng đó là một sản phẩm tại Mountain View, ai cũng trầm trồ ngạc nhiên lẫn ngưỡng mộ. Mountain View hay những cái tên khác gắn liền với Silicon Valley, đều là những minh chứng cho những nỗ lực của các công ty khởi nghiệp. Ai ở đây cũng phải giỏi cả, vì chỉ có phải giỏi đến rất giỏi thì công ty khởi nghiệp mới tồn tại được. Chưa kể đến là trong quá trình tiếp thị và quảng bá sản phẩm, phần lớn người dùng họ vẫn có cảm giác thích những sản phẩm đến từ Mỹ hơn tất thảy. Minh chứng là Facebook, Google, Uber,… tất cả đến từ Mỹ!” – Anh Thảo chia sẻ.
 
Ngoài lợi thế quảng bá vì “thương hiệu ngoại phủ ngoài sản phẩm nội”, anh Thảo cho biết công ty có văn phòng ở nước ngoài còn có lợi thế trong việc tuyển dụng. “Anh nhận được hồ sơ ứng tuyển của các ứng viên trên khắp thế giới, thậm chí, có những người có thành tích rất “khủng”. Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Silicon Valley mang đến cho người ta những ước mơ đổi đời khi làm việc trong các công ty khởi nghiệp, ngoài lương – ở một mức rất vừa phải, họ thường thích làm việc vì cổ phần hơn. Điều này là không thể có tại Việt Nam khi hầu hết bạn trẻ hiện nay đi làm, chỉ muốn hỏi về lương trước khi biết mình có thể đóng góp gì cho công ty hay có những nỗ lực đóng góp để cả công ty phát triển.”
 
Có thể thấy, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, ngoài việc thay đổi chính sách, pháp luật (công việc luôn đòi hỏi thời gian) thì điều có thể làm được ngay là minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục, giấy phép bằng cách công khai cụ thể, rõ ràng các bước mà doanh nghiệp cần thực hiện lên trang web của các bộ, ngành liên quan và cho phép thực hiện hoàn toàn trên internet để tiết kiệm thời gian. Nếu không, thì dù tinh thần khởi nghiệp trong nước có sục sôi thì Việt Nam vẫn là một cái áo “chật chội”, hạn chế nhiều cơ hội phát triển của doanh nghiệp.
 
Ngân Sâu

Ba phương trình “thế kỷ” làm thay đổi thế giới

 
 
Biểu diễn số Pi.
Trong thế giới toán học có vô số những phương trình, nhưng chỉ có 3 phương trình có vai trò ứng dụng to lớn nhất trong thế kỷ 20.
 
 
Hãng tin BBC của Anh đã tiến hành cuộc khảo sát lấy ý kiến bình chọn của độc giả về các phương trình toán học có ý nghĩa nhất.
 
Sau đây là 3 phương trình được độc giả bình chọn nhiều nhất. 3 phương trình này là tiền đề phát triển của các ngành vật lý, hóa học, khám phá vũ trụ…
 
Phương trình Dirac
 
 
Phương trình này của nhà vật lý người Anh Paul Dirac (1902 – 1984), người sống cùng thời với nhà bác học Albert Einstein. Năm 1933, ông từng cùng nhận giải Nobel vật lý cùng với Erwin Schrodinger cho giả thuyết lượng tử.
 
 
 
Nhà vật lý Paul Dirac.
 
Phương trình của Paul Dirac kết hợp với thuyết tương đối của Albert Einstein dùng để tính chuyển động của các vật thể với tốc độ ánh sáng, với cơ học lượng tử được mô tả là hoạt động của những phân tử rất nhỏ.
 
Bằng cách tìm phương trình giải thích các electron xoay thế nào khi đạt tốc độ ánh sáng, Paul Dirac đã bước đầu đưa ra giả thuyết lượng tử và dự đoán sự tồn tại của kháng thể, mà lúc đó các nhà vật lý chưa hề nghĩ tới hay quan sát được.
 
Phương trình Dirac miêu tả cấu trúc tinh tế trong dải phổ hydro theo cách rất phức tạp. Phương trình cũng là sự hiệu chỉnh lý thuyết bằng việc đưa ra các hàm sóng chứa một số thành phần trong lý thuyết của Pauli về chuyển động xoay.
 
Hàm sóng trong lý thuyết của Dirac là các vectơ với bốn thành phần là các số phức (còn gọi là bispinor).
 
Hai trong số chúng giống với hàm sóng Pauli trong giới hạn phi tương đối tính, khác với phương trình Schrödinger mà miêu tả hàm sóng chỉ có một thành phần phức. Hơn nữa, trong trường hợp khối lượng gán bằng 0, phương trình Dirac trở thành phương trình Weyl.
 
Mặc dù ban đầu Dirac không hoàn toàn đánh giá được đầy đủ ý nghĩa quan trọng của phương trình này.
 
Nhưng với hệ quả của việc giải thích chuyển động xoay trong sự thống nhất giữa cơ học lượng tử với thuyết tương đối hẹp, phương trình Dirac là một trong những thành tựu to lớn của vật lý lý thuyết.
 
Phương trình Dirac là sự hội tụ trí tuệ của nhà bác học Newton, Maxwell và Einstein. Trong lý thuyết trường lượng tử, phương trình Dirac được giải thích theo nghĩa khác nhằm miêu tả trường lượng tử tương ứng với các hạt có chuyển động xoay.
 
Đồng nhất thức Leonhard Euler
 
 
Nhà toán học Leonhard Euler (1707 – 1783), người Thụy Sĩ, được mệnh danh là “Mozart trong toán học” bởi ông có sức làm việc phi thường nhất.
 
 
 
Chân dung nhà toán học Leonhard Euler.
 
Các công trình khoa học của ông thuộc về nhiều ngành lĩnh vực khác nhau để lại cho hậu thế nhiều vô kể.
 
Tính ngang bằng của đồng nhất thức này của Leonhard Euler trông có vẻ đơn giản hơn phương trình của Diract.
 
Nhưng đồng nhất thức nhìn tưởng như đơn giản này lại thâu tóm một số nguyên tắc toán học cơ bản nhất.
 
Phương trình chứa 5 con số quan trọng nhất trong toán học là 1, 0, Pi, i, và e với 3 phép tính cơ bản trong toán học là: cộng, nhân và mũ hóa.
 
Chữ “I” ở đây là con số tưởng tượng, bình phương gốc của -1. Chữ “e” là con số tương đương 2.71828, nhưng giống như Pi, e vô tỉ.
 
Nhìn tưởng như đơn giản nhưng đồng nhất thức này có vai trò rất quan trọng trong mọi khía cạnh cơ bản của toán học.
 
Con số Pi
 
 
 
Biểu diễn số Pi.
 
Con số Pi có lẽ được sử dụng nhiều nhất trong trường phổ thông. Pi là tỷ số của chu vi của một đường tròn với đường kính của đường tròn đó
 
Pi tương đương 3.14159, nhưng nó cũng vô tỉ. Người Babylon cổ đại nghĩ ra con số Pi cách đây 4.000 năm và vẫn được sử dụng đến ngày nay.
 
Số Pi giúp chúng ta khám phá các hành tinh, phóng tàu vũ trụ, thậm chí còn được ứng dụng vào tính đường xoắn ốc ADN kép.
 
Tính siêu việt của Pi kéo theo sự vô nghiệm của bài toán cầu phương. Các con số thập phân của Pi dường như xuất hiện theo một thứ tự ngẫu nhiên, mặc dù người ta chưa tìm được bằng chứng cho tính ngẫu nhiên này.
 
Hàng ngàn năm qua, các nhà toán học đã nỗ lực mở rộng hiểu biết của con người về số Pi bằng việc tính ra giá trị của nó với độ chính xác ngày càng cao hơn.
 
*Nguồn: Tech Insider
 

Một phát minh cứu môi trường thế giới: Chai nước tự hủy

Có một sự thật không dễ chịu, đó là phải mất tới 1000 năm để một chai nhựa phân hủy hoàn toàn, và số chai nhựa được thải ra trong một năm chỉ tính riêng ở Mỹ đã xấp xỉ con số 50 tỷ chai.
 
Quả là những con số đáng sợ! Với nhịp độ tiêu thụ chai nhựa trên thế giới như hiện nay và nếu rác thải không bị đốt hàng đống lớn mỗi ngày thì có thể nói một cách chắc chắn rằng Trái Đất mà chúng ta đang sống chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành một quả cầu rác khổng lồ.
 
Trên khắp thế giới, có không ít người đã nhận thức ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề này và họ đang nỗ lực tìm cách giải cứu con người khỏi ngày tận thế. Nhà thiết kế người Iceland Ari Jónsson là một trong số đó.
 
Mới đây, anh Ari đã cho ra mắt phát minh mới nhất của mình: chai nước làm từ tảo có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn. Chai nước thiên nhiên này giữ nguyên hình dạng ban đầu của nó cho đến khi nước trong chai cạn đi và quá trình tự phân hủy bắt đầu.
 
Sản phẩm chai nước tự phân hủy được Ari trưng bày tại triển lãm DesignMarch 2016 được tổ chức tại thủ đô Reykjavik của Iceland vào tháng Ba vừa qua. Hy vọng rằng các nhà sản xuất lớn sẽ quan tâm tới phát minh tuyệt vời này của Ari, nếu không, thế giới sẽ sớm phải chứng kiến một tương lai như trong bộ phim hoạt hình Wall-E.
 
Mời các bạn cùng xem hình ảnh chai nước từ lúc chứa đầy nước cho đến khi tự phân hủy.
 
 
(Ảnh: Dezeen) 
 
 
 (Ảnh: Dezeen)
 
 
 (Ảnh: Dezeen)
 
 
 (Ảnh: Dezeen)
 
 
(Ảnh: Dezeen) 
 
 
(Ảnh: Dezeen)
 
 
(Ảnh: Dezeen)
 
 
(Ảnh: Dezeen)
 
 
Hải Ly
 
Nguồn:ĐKN

Công ty khởi nghiệp ra giải pháp bảo vệ xe thông minh

(Công lý) – Trong thế giới với ngày càng nhiều xe hơi hỗ trợ kết nối mạng, tin tặc có thể xâm nhập và kiểm soát hệ thống trên xe, tạo ra mối nguy cơ tiềm tàng.
Chính vì vậy, việc tăng cường bảo mật chắc chắn sẽ là điều mà nhiều công ty sản xuất xe hơi nghĩ đến. Điều này có thể được giải quyết nhờ vào công nghệ mới được đưa ra bởi công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Israel mang tên Karamba Security.
 
 
Những chiếc xe kết nối mạng trong tương lai có thể thông minh hơn với giải pháp bảo mật ngay từ ECU
Công nghệ của Karamba Security chính là sản xuất một giải pháp dành cho các ECU (bộ điều khiển điện tử) bằng việc tích hợp khả năng bảo vệ các thành phần kết nối bên ngoài của xe. Nó có thể xác định những nỗ lực tấn công và khai thác khối, từ xâm nhập vào mạng của xe cho đến đảm bảo an toàn khi lái xe.
 
Khả năng phát hiện và thực thi bảo vệ an ninh có thể được nhúng trực tiếp vào các ECU để đảm bảo chỉ cho phép những thứ hoạt động được cấp phép trước đó mới có thể nạp vào và chạy trên bộ điều khiển. Karamba Security sẽ gom tất cả những thứ được nạp sẵn từ nhà sản xuất vào một khối, có nghĩa là bộ điều khiển sẽ an toàn trước những kẻ tấn công, bất kể chúng có thực hiện theo phương thức nào đi chăng nữa (thông qua USB, internet, cổng dịch vụ…).
 
Ami Dotan, Giám đốc điều hành của Karamba Security cho biết: “Khách hàng đã rất vui mừng với các tiếp cận thiết bị đầu cuối ECU của chúng tôi. Bằng cách ngăn chặn cuộc tấn công vào ECU, kẻ tấn công không thể tiếp cận vào hệ thống mạng của xe, có nghĩa các hoạt động của xe diễn ra liên tục và an toàn. Dựa trên những cảnh báo và khả năng phòng chống phần mềm độc hại cho phép các công ty xe hơi có thể cung cấp trình điều khiển xe thông minh, nơi những chiếc xe có thể di chuyển một cách an toàn”.
 
Giải pháp từ Karamba Security có thể được sử dụng để bảo vệ những chiếc xe mới cũng như xe hiện tại. Các nhà sản xuất có thể cập nhật khả năng bảo vệ cho các mẫu xe cũ thông qua bản cập nhật phần mềm ECU.
 
Với những gì mà Karamba Security đưa ra, công ty khởi nghiệp này nhanh chóng nhận được nguồn tài trợ từ YL Ventures và một số công ty đầu tư tư nhân với giá trị lên đến 2,5 triệu USD.
 
Kiên Trung

Các nhà khoa học đã tiến gần hơn đến việc sử dụng tim lợn để cấy ghép cho người

Quả tim lấy từ lợn biến đổi gen đã tồn tại và hoạt động bình thường, trong bụng của một con khỉ đầu chó đến hơn 2 năm. Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong việc sử dụng các cơ quan từ lợn, để thay thế cho bộ phận bị hư hỏng trên cơ thể con người. ‘Chiến tích’ này được hình thành nhờ sự hỗ trợ của công nghệ di truyền, và hàng tá thuốc. Cụ thể, các nhà khoa học tại Viện Y tế Quốc gia Hoa kỳ đã có thể giữ cho trái tim lợn còn sống trong 5 con khỉ đầu chó, trong khoảng thời gian trung bình là 298 ngày. Những việc cần làm để có được kết quả đó, phải kể đến như kết nối trái tim của một con lợn đến hệ thống tuần hoàn của khỉ đầu chó, bên trong bụng của nó. Sau đó giữ trái tim còn sống với một lượng thuốc thích hợp, cho phép cấy ghép chéo giữa hai loài.
 
Ngoài ra, những con lợn tham gia thí nghiệm cũng đã được biến đổi gen, giúp nội tạng của chúng tương thích hơn với cơ chế sinh học của con người. Ở đợt thử nghiệm trước đó, thời gian tối đa mà trái tim cấy ghép sống sót trong cơ thể khỉ là 500 ngày. Giờ đây, con số đó đã lên đến 945 ngày. Tín hiệu khả quan này sẽ tạo đà cho các nhà nghiên cứu, hướng đến mục tiêu thay thế hoàn toàn tim khỉ đầu chó bằng tim lợn, trong một tương lai không xa. (Hiện tim lợn chỉ được ghép vào bụng khỉ, chứ không thay thế. Nghĩa là trong cơ thể khỉ tham gia thử nghiệm có đến 2 quả tim).
 
 
Cấy tạng lợn vào cơ thể người có thể giúp giải quyết vấn đề thiếu cơ quan hiến tặng.​
Nếu thành công, các nhà khoa học sẽ bắt đầu chuyển hướng thực hiện cấy ghép tim lợn sang người, một thủ tục được các bác sĩ tin rằng sẽ chống lại sự thiếu hụt, của các cơ quan cần để thay thế cho người. Khoảng 8.000 người chết mỗi năm trong khi chờ có cơ quan cấy ghép. Do nhu cầu đối với các cơ quan hiến tặng là rất cao, các nhà khoa học từ lâu đã muốn sử dụng nội tạng từ động vật, thông qua một thủ tục cấy ghép được gọi là “xenotransplant”. Tuy nhiên, những cố gắng trước đó tỏ ra không mấy khả quan. Vào những năm 1960, nhiều bệnh nhân đã chết sau khi được ghép nội tạng từ khỉ đầu chó và tinh tinh, do không nhận được sự chấp nhận từ hệ miễn dịch của cơ thể.
 
Để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã nghĩ đến việc tạo ra những con lợn có đặc tính sinh học tương thích với chúng ta. (Lợn được xem là ứng viên lý tưởng cho hoạt động cấy ghép nội tạng sang người, vì kích thước, cũng như chu kỳ sinh sản ngắn và DNA của nó, đã được nghiên cứu một cách rộng rãi.) Trong năm 2002, công việc nghiên cứu bắt đầu có kết quả, hai công ty công nghệ sinh học công bố họ đã có thể sản xuất lợn với nội tạng không bị từ chối ngay lập tức, khi ghép vào trong cơ thể con người. Mặc dù vậy, hệ miễn dịch của những con khỉ đầu chó nhận tạng từ lợn biến đổi gen, lúc bấy giờ cũng đã từ chối ‘cơ quan lạ’. Đó là lý do tại sao nghiên cứu mới này đặc biệt quan trọng đối với các nhà khoa học, thắp lên hy vọng rằng một ngày nào đó, xenotransplants sẽ giải quyết tình trạng thiếu cơ quan ở thời điểm hiện tại.
 
 
 
Không chỉ tim, nhiều bộ phận khác trên cơ thể lợn cũng có tiềm năng cấy ghép cho người. Ảnh: Nature.​
 
Trong nghiên cứu vừa thực hiện, nhóm nhà khoa học đã sử dụng các cơ quan thuộc giống lợn biến đổi gen để ngăn chặn hiện tượng đào thải và đông máu. Họ may tim lợn vào trong bụng của 5 con khỉ đầu chó, và vẫn giữ cho trái tim gốc của chúng nằm nguyên vị trí. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện điều này nhằm hoàn thiện thuốc, và giữ cho động vật nhận tạng sống sót, trong trường hợp muốn loại tim lợn ra khỏi cơ thể. Sau khi quá trình cấy ghép hoàn tất, các nhà khoa học phải thường xuyên đưa thuốc chống đào thải vào những con khỉ đầu chó, tương tự như những gì con người sẽ nhận được. Các kháng thể cũng được thiết kế để ngăn chặn sự khước từ của hệ miễn dịch đối với một cơ quan thuộc loài khác.
 
Sau cấy ghép, tình trạng của các con khỉ vẫn tốt, mặc dù 1 con trong số chúng đã chết 5 tháng sau đó do nhiễm trùng kháng kháng sinh. Trong khi đó, những cá thể còn lại đều khỏe mạnh, thế nên các nhà nghiên cứu bắt đầu tỏ ra băn khoăn, rằng tim lợn có thể tồn tại mà không có kháng thể hay không. “Những trái tim thậm chí đã có thể tồn tại lâu hơn, nhưng chúng tôi muốn thử nghiệm để xem liệu rằng động vật nhận tạng có phát triển cơ chế thích nghi với cơ quan mới”, Muhammad Mohiuddin – bác sĩ phẫu thuật cấy ghép tại Viện tim, phổi và huyết học Quốc gia (Mỹ), cho biết. Nhưng, các nhà nghiên cứu nhanh chóng nhận ra rằng sự sống còn của trái tim phụ thuộc vào những loại thuốc được sử dụng. Khi họ ngừng cung cấp kháng thể, khỉ đầu chó bắt đầu từ chối cơ quan lạ một cách chậm rãi, theo Mohiuddin. Vì vậy, các chuyên gia quyết định loại bỏ tim lợn cấy ghép, giúp 4 con vật còn lại sống sót cho đến khi thí nghiệm kết thúc.
 
 
 
Ảnh: Twitter.​
 
Sau cùng, kết quả nghiên cứu cho thấy trái tim có thể tồn tại trong hơn 2 năm, và có lẽ còn lâu hơn, nếu khỉ đầu chó được cung cấp thuốc thường xuyên, theo ý kiến của Peter Cowan – giám đốc trung tâm nghiên cứu miễn dịch học tại Bệnh viện St Vincent ở Melbourne (Úc), người không tham gia thực hiện nghiên cứu. Chính vì điều này, Cowan cho rằng nghiên cứu mới đã tạo một bước tiến quan trọng, hướng tới thử nghiệm lâm sàng cấy ghép tim lợn sang người, nhờ kỹ thuật xenotransplantation.
 
Mặc dù cho kết quả đầy hứa hẹn, song, vẫn còn rất nhiều thứ mà các nhà khoa học chưa nắm rõ. Một số nhà nghiên cứu lo lắng rằng có thể rất khó để tìm ra một sự kết hợp giữa các loại thuốc, và điều chỉnh gen sao cho cơ quan lấy từ lợn không bị từ chối ở người. Một số ý kiến cũng cho biết công việc này quá nguy hiểm, vì con người khi nhận tạng có thể bị nhiễm virus của động vật. Tuy nhiên, Arthur Caplan, một nhà đạo đức sinh học đến từ Đại học New York (Mỹ), cho rằng vấn đề liên quan đến đào thải sẽ được giải quyết dần. “Chúng tôi có kỹ thuật chỉnh sửa gen mới, tập trung vào hệ thống miễn dịch hơn. Vì vậy, chúng tôi có thể thực hiện điều đó”, ông nói. Ngoài ra, các nhà khoa học cho rằng họ có thể tiêu diệt virus lợn thông qua kỹ thuật di truyền hoặc vắc-xin. Về phần mình, Cowan nghĩ nghiên cứu mới đã cung cấp một số bảo đảm về an toàn của cấy ghép, vì “không một cá thể nhận tạng nào còn sống cho thấy bất kỳ bằng chứng nào, chứng minh chúng nhiễm phải một loại virus lợn”.
 
Vậy là hiện tại, các nhà nghiên cứu đã tìm ra phương pháp giữ cho trái tim lợn còn sống, và như đã nói bên trên, mục tiêu kế tiếp là thay thế tim khỉ bằng tim lợn. Mặt khác, nhóm nghiên cứu cũng muốn hoàn thiện những con lợn được sử dụng trong các ca cấy ghép, Mohiuddin chia sẻ. “Khi tiếp tục, chúng tôi sẽ tìm kiếm các mục tiêu di truyền mới, cho phép ngăn chặn và sửa đổi. Do đó, chúng tôi hy vọng rằng lợn sẽ trở nên hoàn thiện hơn, từ đó đưa đến sự thành công của các ca cấy ghép”. Đó sẽ là một tương lai rất sáng sủa cho nhân loại; khi nhờ kỹ thuật này, “bạn có thể sẽ có được nguồn cung cấp cơ quan vô tận”.
 
Nguồn: Nature, The Verge
 

Khai mạc diễn đàn khoa học sinh viên quốc tế TP.HCM

Hơn 100 đại biểu đến từ nhiều quốc gia trong khu vực đã cùng nhau tham dự diễn đàn khoa học sinh viên quốc tế được tổ chức tại TP.HCM sáng ngày 7/4.
 
Sáng 7/4, Diễn đàn khoa học sinh viên quốc tế TP.HCM năm 2016 với chủ đề “Sinh viên hội nhập” đã được tổ chức tại ĐH Quốc gia TP.HCM.
 
Đây là hoạt động thiết thực nhằm chào mừng cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập năm 2015. Qua đó, tạo cơ hội giao lưu, học hỏi về học thuật, sáng tạo và tăng cường sự đoàn kết giữa sinh viên các nước ASEAN và châu Á.
 
Diễn đàn có sự tham gia của 65 đại biểu là sinh viên các trường ĐH trong nước và 35 đại biểu đến từ các quốc gia như: Campuchia, Indonesia, Lào, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc…
 
Thông qua diễn đàn, các đại biểu sẽ được giao lưu, chia sẻ các vấn đề đang được cộng đồng quốc tế quan tâm, cùng hướng đến thúc đẩy một cộng đồng kinh tế chung ASEAN và các nước ASEAN +3 hòa bình, thịnh vượng, hợp tác cùng phát triển.
 
 
Diễn đàn khoa học sinh viên quốc tế TP.HCM 2016 thu hút được hơn 100 sinh viên đến từ các nước ASEAN và châu Á
Ngoài phiên toàn thể, BTC chương trình cũng đã tổ chức các phiên chuyên đề nhỏ, nội dung xoay quanh những vấn đề đang được các bạn sinh viên quan tâm.
 
Có thể kể đến như chuyên đề về Sáng tạo và nghiên cứu khoa học của sinh viên nhằm chia sẻ hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên các nước; những cơ chế khuyến khích hỗ trợ hoạt động nghiên cứu của sinh viên; giới thiệu những sản phẩm, công trình và gương mặt nghiên cứu khoa học tiêu biểu…
 
Hoạt động tình nguyện của Sinh viên: Giới thiệu các phương thức tổ chức hoạt động tình nguyện sinh viên các nước; các cơ chế hỗ trợ và vận động nguồn lực cho hoạt động tình nguyện; kết nối các hoạt động tình nguyện sinh viên quốc tế.
 
Khởi nghiệp và việc làm của sinh viên: Chia sẻ kinh nghiệm cách thức thức khởi nghiệp của sinh viên các nước; các cơ chế hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp của sinh viên.
 
Biến đổi khí hậu và Bảo vệ môi trường: Sinh viên  các nước cùng trao đổi những hoạt động chung tay bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức về ứng phó và biến đổi khí hậu.
 
Ngoài ra, khách tham dự diễn đàn còn được đi tham quan, giới thiệu các công trình trọng điểm, các trung tâm khoa học công nghệ và di tích lịch sử tại TP.HCM như: Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ Sinh học, Dinh Độc Lập, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Chợ Bến Thành, Phố đi bộ Nguyễn Huệ…
 
Thiện An