Phiên họp thảo luận chính sách cấp Bộ trưởng về an ninh hạt nhân tại Hoa kỳ

Để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 4 tại Washington, Bộ Năng lượng Hoa kỳ (DOE) đã phối hợp với Bộ Ngoại giao Hà Lan (nước đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 3) tổ chức Phiên họp thảo luận chính sách an ninh hạt nhân dựa trên các kịch bản mất an ninh vật liệu hạt nhân từ ngày 27-28 tháng 1 năm 2016 tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore (LLNL), California, Hoa Kỳ.
 
 
Mục đích của Phiên họp là nhằm thảo luận ở cấp Bộ trưởng phương án xử lý sự cố mất an ninh vật liệu hạt nhân ở cấp hoạch định chính sách để Bộ trưởng các nước có thể trợ giúp cho lãnh đạo cấp cao của nước mình trong Phiên thảo luận chính sách dựa trên kịch bản tại Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 4 tại Washington vào ngày 31 tháng 3 năm 2016.
Tham gia Phiên thảo luận chính sách an ninh hạt nhân này có đại diện của 41 nước và các tổ chức quốc tế (IAEA, INTERPOL, EC, Liên hợp quốc). Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh dẫn đầu tham gia Phiên thảo luận. Tham gia Đoàn Việt Nam có Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao.
Ngày làm việc đầu tiên của Phiên thảo luận, Ban tổ chức đã bố trí để các đại biểu đi thăm Phòng thí nghiệm quốc gia LLNL. Đây là một trong 17 phòng thí nghiệm quốc gia của Bộ Năng lượng Hoa kỳ. Các phòng thí nghiệm của DOE được xây dựng các các địa phương khác nhau của Hoa Kỳ cung cấp các năng lực về kỹ thuật đặc thù đạt trình độ cao trên thế giới cho Bộ Năng lượng để thực hiện các nhiệm vụ của mình trong việc tạo ra các phát minh khoa học, công nghệ năng lượng, quản lý môi trường và an ninh quốc gia. Chương trình thăm quan sẽ chỉ tập trung vào các hoạt động của các phòng thí nghiệm thuộc Cơ quan an ninh hạt nhân quốc gia nằm dưới Bộ Năng lượng chịu trách nhiệm về ghi đo, tìm kiếm vật liệu phóng xạ và hạt nhân; giám định hạt nhân; và mô hình hóa phát tán trong khí quyển. Đây là các lĩnh vực kỹ thuật chính nằm trong chương trình an ninh hạt nhân của DOE. Các nội dung thăm quan này nhằm giúp cho các đại biểu hiểu được các công cụ có thể được sử dụng để trợ giúp trong việc xử lý các sự cố bức xạ và hạt nhân và các trợ giúp mà các nhà khoa học và kỹ thuật viên có thể giúp cho các nhà hoạch định chính sách đưa ra các quyết định liên quan như tổ chức ghi đo, tìm kiếm vật liệu hạt nhân và phóng xạ như thế nào, nhận diện các hạt nhân trong các vật liệu nằm ngoài kiểm soát pháp quy và ứng phó như thế nào với các tình trạng khẩn cấp và lấy cắp vật liệu hạt nhân.
Đối với lĩnh vực ghi đo và tìm kiếm phóng xạ, các chuyên gia kỹ thuật của Phòng thí nghiệm LLNL đã trình bày rõ nhu cầu đối với việc thiết kế hệ thống ghi nhận nhiều lớp bao gồm cả công nghệ, đào tạo cán bộ và các quá trình thực hành trên thực tế tìm kiếm các vật liệu nằm ngoài kiểm soát pháp quy và ngăn chặn việc chuyển giao bất hợp pháp vật liệu hạt nhân. Các công nghệ được sử dụng trong lĩnh vực này bao gồm thiết bị kiểm tra ở cửa khẩu, các thủ tục tìm kiếm nếu như vật liệu hạt nhân bị che dấu, đánh giá và nhận diện các vật liệu phóng xạ và vật liệu hạt nhân. Các đại biểu đã được cho xem các cổng kiểm soát phóng xạ, các thiết bị tìm kiếm bằng tay và các thiết bị tìm kiếm di động lắp trên xe ô tô. Đây cũng là những công cụ rất cần thiết cho Việt Nam từ thực tiễn mất cắp các nguồn phóng xạ gần đây đang đặt ra phải đầu tư cho công tác tìm kiếm các nguồn phóng xạ nằm ngoài kiểm soát pháp quy ở nước ta.
Đối với lĩnh vực giám định hạt nhân, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về vai trò của giám định hạt nhân trong thực thi luật pháp về an ninh hạt nhân. Các nội dung sau đã được trình bày cho đoàn thăm quan: các loại thiết bị giám định hạt nhân mà chúng có khả năng đo với công nghệ từ đơn giản đến phức tạp, độ dài thời gian của các phép đo trong phòng thí nghiệm, so sánh mẫu chưa biết với các số liệu hiện có để xác định loại mẫu vật, giải trình chi tiết về vụ việc thu giữ một mẫu vật liệu hạt nhân thực tại Bungary năm 1999. Đoàn thăm quan đã được làm quen với các công cụ và khả năng của phòng thí nghiệm giám định hạt nhân, trong đó có các phòng sạch, hệ thiết bị đếm gamma và phòng thí nghiệm khối phổ kế. Một số thiết bị này chúng ta cũng đã có ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong tương lai cần xem xét để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh phòng thí nghiệm giám định hạt nhân ở nước ta.
Đối với lĩnh vực mô phỏng phát tán trong môi trường khí quyển, Đoàn thăm quan được Trung tâm tư vấn phát tán khí quyển quốc gia (NARAC) của LLNL giới thiệu về các mô hình tính toán phát tán khí quyển. Kết quả tính toán sẽ giúp cho việc lập kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân nhằm bảo vệ công nhân của các cơ sở xảy ra sự cố và công chúng xung quanh. Mô hình đã tính toán phát tán trong khí quyển và rơi lắng phóng xạ các sự cố có khả năng như các tai nạn nhà máy điện hạt nhân trên thế giới, tai nạn đối với các thiết bị làm phát tán phóng xạ, hoặc các vụ nổ thiết bị hạt nhân. Thông tin cung cấp từ mô hình hóa này gồm bản đồ các vùng nguy hiểm, các khu vực nhiễm xạ có thể gây ra nguy hiểm. Thông qua chương trình trao đổi quốc tế (IXP) các nước thành viên IAEA có thể truy cập để sử dụng phần mềm tính toán mô phỏng này thông qua Trung tâm ứng phó khẩn cấp của IAEA. Đoàn Việt Nam đã trao đổi với đối tác Hoa Kỳ để nhận được sự huấn luyện sử dụng bộ công cụ tính toán phát tán này phục vụ việc lập kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân ở nước ta, trong đó có sự cố nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và các sự cố xuyên biên giới ảnh hưởng đến nước ta. Cục ATBXHN sẽ có yêu cầu cụ thể cho Cơ quan an ninh hạt nhân quốc gia của Hoa kỳ (NNSA).
Trong ngày làm việc đầu tiên, các đoàn đại biểu được cho xem một băng video về một kịch bản khủng bố hạt nhân xuyên quốc gia được giả định (lấy cắp vật liệu hạt nhân được làm giàu và vật liệu phóng xạ Co-60) như là cơ sở để các đại biểu thảo luận vào ngày thứ 2 của Phiên họp liên quan đến các cách thức mà các nhà hoạch định chính sách đưa ra để ngăn chặn và ứng phó với các sự kiện kịch bản giả định này.
Đối với việc Thảo luận tại Phiên họp trong ngày thứ 2, các đại biểu đã được xem lại các băng video tóm tắt mô tả một tình huống giả định. Mỗi băng video mô tả các phát triển mới của tình huống giả định và đưa ra một chủ đề thảo luận liên quan đến an ninh hạt nhân. Sau đó, người điều hành Phiên thảo luận sẽ thực hiện việc lựa chọn các câu hỏi để bắt đầu đưa ra thảo luận các vấn đề liên quan đến kịch bản được xem xét. Trưởng các đoàn sẽ sử dụng thiết bị điện tử để đưa ra câu trả lời cho từng kịch bản. Tóm tắt kết quả sẽ được người điều hành chiếu cho mọi người biết. Ngoài ra, các đại biểu tham dự Phiên thảo luận cũng được mời chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm trong các cuộc thảo luận để cho việc thảo luận mang tính hợp tác và nhận ra được các cách thức đối với việc xử lý và điều phối xử lý các sự cố bức xạ.
Đoàn Việt Nam đã tham gia đây đủ các hoạt động của Phiên họp. Qua việc tham dự Phiên họp và thăm quan Phòng thí nghiệm về an ninh hạt nhân, giám định hạt nhân và đánh giá phát tán trong khí quyển của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, Đoàn Cán bộ Việt Nam đã kiến nghị Bộ trưởng Bộ KH&CN một số vấn đề để tăng cường năng lực về an ninh hạt nhân của quốc gia, cụ thể:
1. Đầu tư năng lực cho Cơ quan pháp quy hạt nhân về ghi đo, tìm kiếm các nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân nằm ngoài kiểm soát pháp quy, trong đó cần có hệ thống tìm kiếm lưu động để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu tìm kiếm các nguồn phóng xạ.
2. Đầu tư xây dựng Phòng thí nghiệm giám định hạt nhân cho Cơ quan pháp quy hạt nhân để có thể có đủ năng lực thực hiện các phân tích vật liệu hạt nhân và xây dựng thư viện số liệu về giám định nhân của Việt Nam phục vụ công tác giám định hạt nhân đáp ứng yêu cầu khi chúng ta tham gia Công ước chống khủng bố hạt nhân.
3. Cho phép Cục ATBXHN phối hợp với Cơ quan an ninh hạt nhân Hoa Kỳ (NNSA) tổ chức đào tạo về sử dụng phần mềm đánh giá phát tán phóng xạ trong khí quyển để hỗ trợ công tác ứng phó sự cố nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và các sự cố từ nhà máy điện hạt nhân của nước ngoài ảnh hưởng đến nước ta.
4. Giao Cục ATBXHN phối hợp với Vụ Các tổ chức quốc tế Bộ Ngoại giao tiếp tục nghiên cứu và chuẩn bị chu đáo cho lãnh đạo cấp cao của Nhà nước ta tham dự Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân Washington ngày 31 tháng 3 năm 2016./.
 
Nguồn:  Cục ATBXHN

Phiên họp thứ nhất của Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2015 (đợt 5)

Ngày 30/01/2016, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Phiên họp thứ nhất của Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2015 (đợt 5).
 
 
Toàn cảnh phiên họp thứ nhất của Hội đồng
 
Tại Phiên họp thứ nhất, đồng chí Đặng Quang Huấn, Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng đã phổ biến các quy định liên quan đến hoạt động của Hội đồng, công bố Quyết định số 03/QĐ-TTG ngày 04/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2015 (đợt 5) do Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân làm Chủ tịch.
 
Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Giáo sư, Viện sỹ, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Văn Hiệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đỗ Trung Tá, Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao và 18 Ủy viên.
 
Bên cạnh đó, ông Đặng Quang Huấn cũng đã phổ biến Kế hoạch số 2043/BKHCN-TĐKT của Bộ KH&CN. Theo đó, việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN sẽ được cơ sở tổ chức xét tặng từ 01/12/2015.
 
Hội đồng cấp Bộ tổ chức xét tặng Giải thưởng từ ngày 05/01/2016 và hoàn thành trước ngày 28/02/2016. Bộ KH&CN nhận hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng cấp Nhà nước kết thúc vào ngày 05/3/2016. Hội đồng cấp Nhà nước tổ chức xét tặng giải thưởng từ ngày 10/3/2016 và hoàn thành trước ngày 12/6/2016.
 
Ngoài ra, tại Phiên họp lần này, ông Đặng Quang Huấn cũng đã giới thiệu cuốn Cẩm nang Hướng dẫn về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về KH&CN; Giới thiệu Tổ công tác giúp việc cho Hội đồng.
 
Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết: Công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN là công trình khoa học tiêu biểu, có giá trị cao về KH&CN, hiệu quả kinh tế xã hội, có ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài trong đời sống, là kết quả của sự dày công nghiên cứu, cống hiến trí tuệ và tài năng của các nhà khoa học phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN được xét tặng và công bố 05 năm một lần, vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 02/9 hàng năm.
 
Nguồn:  Ánh Tuyết, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Hội nghị tổng kết công tác công đoàn Bộ KH&CN năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016

Ngày 29/01/2016, tại Hà Nội, Công đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2016. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Quân- Bộ trưởng Bộ KH&CN, đồng chí Phan Thị Phương Hạnh- Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam.
 
 
Toàn cảnh Hội nghị
 
Tại Hội nghị, đồng chí Đặng Quang Huấn – Chủ tịch Công đoàn Bộ đã điểm lại các hoạt động của công tác công đoàn trong năm 2015 với nhiều kết quả nổi bật tiêu biểu như: Công đoàn Bộ KH&CN đã vận động cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) và người lao động của Bộ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Bộ.
 
Trong năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên công đoàn đã được Công đoàn Bộ và các cấp Công đoàn đặc biệt quan tâm. Thông qua công tác này, nhận thức về vai trò, vị trí của KH&CN có chuyển biến tích cực. Các cấp Công đoàn đã thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục để đẩy mạnh việc tuyên truyền và triển khai sâu rộng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; chương trình cải cách hành chính và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng và chống tham nhũng; xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa; truyền thông về dân số, phòng chống các tệ nạn xã hội,… Công đoàn Bộ đã chỉ đạo các cấp Công đoàn tập trung tuyên truyền cán bộ, đảng viên công đoàn về Hiến pháp đặc biệt là Điều 10 nói về tổ chức công đoàn, đẩy mạnh việc tuyên truyền về Biển đảo.
 
Bên cạnh đó, Công đoàn tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tổ chức lễ dâng hương tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ tại đường Bắc Sơn. Ngoài ra, nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, Công đoàn đã đến chúc mừng các đơn vị và tổ chức thành công các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.
 
Công đoàn Bộ tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; phong trào “Xây dựng cơ quan văn hóa và ngày làm việc 8 giờ chất lượng, hiệu quả” gắn với cuộc vận động xây dựng người CBCCVC "Trung thành – Sáng tạo – Tận tụy – Gương mẫu” và thông điệp của Bộ trưởng gửi CBCCVC: “Kỷ luật – Mẫn cán – Trí tuệ – Nhân ái”; các phong trào thi đua do Bộ KH&CN phát động.
 
Đặc biệt, trong năm 2015, Công đoàn Bộ đã tích cực tham gia tổ chức các hoạt động như: phối hợp, triển khai các nội dung, yêu cầu của Công đoàn Viên chức Việt Nam để tổ chức thành công Hội nghị điển hình tiên tiến, Nữ CBCCVC tiêu biểu các cấp Công đoàn Viên chức Việt Nam; Phối hợp với Ban tổ chức Đại hội thi đua yêu nước của Bộ thành lập đội văn nghệ chào mừng Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV của Bộ; Tham gia chỉ đạo, tổ chức triển khai điều hành Khối tri thức hoàn thành xuất sắc; tham gia Lễ diễu binh, diễu hành chào mừng 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. 
 
Bên cạnh đó, công tác giám sát, chăm lo đời sống và chức năng đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CBCCVC. Trong năm 2015, các cấp Công đoàn đã phối hợp với chính quyền tổ chức hội nghị cán bộ công chức, Đại hội công nhân viên chức lao động tại đơn vị. Nhằm động viên và quan tâm đến đoàn viên công đoàn, nhân dịp lễ tết, các cấp Công đoàn đã cùng với chính quyền đã quan tâm hỗ trợ một phần vật chất cho cán bộ công nhân viên trong cơ quan. 
 
Nhân dịp Tết Nguyên đán, Công đoàn Bộ cùng với Công đoàn Viên chức Việt Nam thăm và tặng quà cho 05 gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức gặp mặt cán bộ công đoàn chuyên trách đã nghỉ hưu, mừng thọ cho 23 cán bộ hưu trí khối Cơ quan Bộ.
 
Công đoàn Bộ phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày Hiến máu nhân đạo tại Bộ KH&CN. Công đoàn Bộ đã kêu gọi các công đoàn cơ sở tham gia ủng hộ xây dựng Khu nhà lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng, các thương binh của cơ quan đơn vị; Ủng hộ quỹ Ngày vì người nghèo, ủng hộ xây dựng Khu tưởng niệm chiến sỹ đảo Gạc ma. 
 
Các công tác khác như: kiểm tra, tài chính, nữ công, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh cũng được đẩy mạnh. Đặc biệt, trong tháng 6/2015, tổ chức thành công Đại hội đại biểu Công đoàn Bộ KH&CN lần thứ XVIII.
 
Năm nay, Công đoàn Bộ tập trung xây dựng và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tổ chức tốt các hoạt động để cán bộ, đoàn viên công đoàn tích cực tham gia đóng góp vào việc triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Tuyên truyền, vận động CBCCVCLĐ, đoàn viên công đoàn chủ động nghiên cứu, tích cực, chủ động cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trong đó tiếp tục học tập Nghị quyết TW6 khóa XI về “ Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” và học tập Luật KH&CN. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, yêu nước; Tổ chức triển khai thực hiện tốt “Năm phát triển đoàn viên”; Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cở sở, nâng cao chất lượng hội nghị CBCCVC và hội nghị người lao động; Chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động; triển khai tốt hoạt động Nữ công; tích cực tham gia các hoạt động xã hội; Thực hiện tốt công tác tài chính, công tác kiểm tra. Năm 2016, Công đoàn Bộ KH&CN đăng ký danh hiệu “Công đoàn cơ sở vững mạnh”.
 
Thay mặt lãnh đạo Công đoàn Viên chức Việt Nam, đồng chí Phan Thị Phương Hạnh ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Công đoàn Bộ KH&CN đã đạt được trong năm 2015. Trong năm qua, hoạt động của Bộ KH&CN khá tốt trên tất cả các mặt. Đồng chí đánh giá cao khi Công đoàn Bộ KH&CN đã quan tâm thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ, góp phần rất lớn vào thành công của các hoạt động của Bộ KH&CN. Công đoàn ngày càng trở thành chỗ dựa tin cậy, góp phần vào sự phát triển của tổ chức Đảng, đoàn thể và sự phát triển của xã hội.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nhấn mạnh: Trong năm qua, Công đoàn Bộ đã làm được nhiều việc, từ những việc nhỏ đến những nhiệm vụ lớn như thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ chính trị quan trọng của Bộ. Nếu không có tinh thần của Công đoàn thì những công việc chung của Bộ sẽ không đạt được kết quả cao như trong thời gian qua. Các cán bộ của Bộ KH&CN đã thực hiện tốt 8 chữ vàng “Kỷ luật – Mẫn cán – Trí tuệ – Nhân ái”. Năm 2015, Bộ KH&CN đã thực hiện được rất nhiều việc được Đảng đánh giá cao và được xã hội ghi nhận, trong đó có phần đóng góp rất lớn của các cán bộ CCVCLĐ. Bộ trưởng nhấn mạnh: trong năm 2016, Bộ còn rất nhiều việc phải làm, các đoàn viên công đoàn sẽ tiếp tục phát huy các kết quả đạt được cùng với Bộ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm trong năm.
 
Với những kết quả đã đạt được, 01 tập thể được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Ban chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam; 10 tập thể và 14 cá nhân thuộc công đoàn Bộ được nhận Bằng khen của Ban chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam; 35 công đoàn và 139 đoàn viên công đoàn trực thuộc được tặng Giấy khen của Ban chấp hành Công đoàn Bộ KH&CN.
 
 
Đồng chí Phan Thị Phương Hạnh tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 01 công đoàn trực thuộc có thành tích xuất sắc

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được nhận Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam 
 
 
Các tập thể có thành tích xuất sắc được nhận Bằng khen của Công đoàn Viên chức Việt Nam
 
 
Các cá nhân có thành tích xuất sắc được nhận Bằng khen của Công đoàn Viên chức Việt Nam
 
 
Các công đoàn cơ sở có thành tích xuất sắc được nhận Giấy khen của Công đoàn Bộ KH&CN
 
Nguồn:  Ánh Tuyết, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN (Ảnh: Mai Hà)
 

Đảng bộ Bộ KH&CN tổng kết công tác năm 2015

Sáng 29/01/2016, tại Hà Nội, Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2015 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2016. Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, các đồng chí lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng của Đảng ủy Khối.
 
 
Toàn cảnh Hội nghị

 

Trong năm qua, Đảng ủy Bộ KH&CN và các cấp ủy đảng trực thuộc đã thực hiện nhiều công việc đạt các kết quả quan trọng. Tiêu biểu là công tác lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị năm 2015 của Bộ KH&CN và đạt nhiều kết quả nổi bật: Môi trường pháp lý về KH&CN được tập trung hoàn thiện; Hoàn thiện các quy định pháp luật để đẩy mạnh việc chuyển đổi tổ chức KH&CN sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tiếp tục đổi mới phương thức xác định, tuyển chọn nhiệm vụ KH&CN theo cơ chế đặt hàng gắn với trách nhiệm sử dụng kết quả nghiên cứu; Chính sách sử dụng, trọng dụng, tôn vinh lực lượng KH&CN được ban hành và bước đầu đi vào cuộc sống. 
 
Bộ KH&CN đã tổ chức thành công nhiều hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5; Tổ chức buổi gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên nghiệp; Tổ chức buổi gặp mặt của Thủ tướng gặp mặt các nhà khoa học trẻ tiêu biểu. Bên cạnh đó, thị trường công nghệ được thúc đẩy phát triển và bước đầu phát huy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động KH&CN với sản xuất, kinh doanh; Các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã có những tác động tích cực giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; Công tác thông tin, truyền thông về KH&CN tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh với nhiều hình thức thông tin phong phú, góp phần đưa các cơ chế, chính sách đổi mới về KH&CN lan tỏa nhanh chóng; ….
 
Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng trong toàn Đảng bộ có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2015, Đảng Bộ KH&CN tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp trong Đảng bộ và Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ KH&CN lần thứ XXII nhiệm kỳ 2015-2020; Tổ chức học tập, quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Tổ chức Hội nghị Tổng kết 04 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Đảng ủy Bộ KH&CN cũng luôn chăm lo đến công tác chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng lý luận chính trị; Công tác tổ chức, cán bộ, xây dựng tổ chức Đảng và Đảng viên; Công tác kiểm tra, giám sát, và thi hành kỷ luật Đảng.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Đây là Hội nghị rất quan trọng nhằm đánh giá các kết quả đạt được trong năm 2015, báo cáo kết quả đánh giá phân loại tổ chức đảng, đảng viên và công tác khen thưởng năm 2016. Đồng thời cũng xem xét để đề ra phương hướng, nhiệm vụ, trong tâm trong năm 2016. Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết: năm 2015, đã tiến hành thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ KH&CN lần thứ XXII nhiệm kỳ 2015- 2020 đã lựa chọn bầu Ban Chấp hành mới, Ban Thường vụ và kiện toàn tổ chức, xây dựng và ban hành quy chế làm việc, chương trình hoạt động toàn khóa của Đại hội. Đây là cơ sở, hành lang, pháp lý tạo điều kiện cho hoạt động của Đảng bộ được thuận lợi trong thời gian tới.
 
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị
 
Hội nghị cũng đã thảo luận đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2016. Theo đó, Đảng ủy Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ trong lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2016 của Bộ KH&CN. Năm 2016, Đảng ủy Bộ KH&CN sẽ hướng đến các nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức việc quán triệt, triển khai thực hiện và xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đai biểu Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương lần thứ thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng Bộ lần thứ XXII và các Nghị quyết Đại hội các cấp trực thuộc; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).
 
Ngoài ra, trong công tác xây dựng Đảng sẽ tiếp tục thực hiện Quy chế làm việc, Chương trình công tác của Đảng ủy Bộ, của UBKT Đảng ủy Bộ; Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; Công tác dân vận và lãnh đạo các đoàn thể tiếp tục được thực hiện có hiệu quả và đổi mới hơn.
 
Trên cơ sở các kết quả đạt được, năm 2015 đã có 6 tổ chức Đảng trực thuộc và 33 cá nhân các chi bộ trực thuộc Đảng ủy Bộ nhận giấy khen của Đảng ủy Bộ. Bên cạnh đó, Đảng ủy Bộ cũng đã đề nghị Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương tặng Cờ thi đua cho Đảng bộ Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân (thuộc Đảng bộ Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam); Bằng khen cho 6 đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2011 – 2015).
 
 
 
Ông Trần Hồng Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương trao Bằng khen cho các cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
 
 
Thứ trưởng Trần Văn Tùng trao Giấy khen của Đảng ủy Bộ KH&CN cho 06 tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu năm 2015
 
 
Nguồn:  Ánh Tuyết, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN
 
 
 

Nếu không thay đổi, các NXB không thể cựa quậy được

TTO – Đó là ý kiến của ông Nguyễn Trí Huân – phó chủ tịch hội nhà văn VN tại hội nghị cơ quan chủ quản các NXB năm 2015, do Ban tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin – Truyền thông và Hội xuất bản VN tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 8-1.
 
 
Nếu không thay đổi, các NXB không thể cựa quậy được 
Nhiều NXB vẫn đang loay hoay giải quyết bài toán làm công tác tuyên truyền chính trị và làm kinh doanh – Anh: V.V.TUÂN
Nhiều ý kiến tại hội nghị đề xuất nên chỉnh sửa lại điều kiện mỗi NXB phải có ít nhất 5 tỷ đồng để bảo đảm hoạt động xuất bản.
 
Ông Chu Văn Hòa –  Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT-TT) – cho biết mặc dù đã quá thời hạn bốn tháng để cấp đổi giấy phép thành lập NXB theo quy định, nhưng hiện vẫn còn 33 NXB chưa được cấp đổi. Trong đó, có 21 NXB chưa đủ điều kiện về kinh phí là có vốn tối thiểu 5 tỷ đồng. 
 
Ông Nguyễn Trí Huân – phó chủ tịch hội nhà văn VN thẳng thắn bày tỏ: “Tôi cứ băn khoăn mãi về điều kiện để cấp đổi giấy phép thành lập NXB. Trong đó, hai điều khó khăn nhất với các NXB là vốn và trụ sở. Hội nhà văn VN, một năm, cả bộ máy hành chính được nhà nước cấp 2 tỷ đồng hoạt động, thì chúng tôi lấy đâu ra 5 tỷ đồng cho NXB Hội nhà văn để đủ điều kiện được cấp đổi giấy phép bây giờ?
 
Nhiều NXB của Bộ VH-TT- DL nợ chồng chất
 
Ông Hoàng Minh Thái – Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ VH-TT&DL) cho biết, nhiều NXB của Bộ này đang lâm vào tình cảnh nợ chồng chất chưa trả được:
 
Hai NXB Âm nhạc và NXB Văn hoá – Thông tin vẫn chưa thể sáp nhập với NXB Văn hoá dân tộc bởi còn đang lỗ lũy kế 13 tỷ đồng.
 
NXB Thế giới hiện không còn khả năng tài chính để chi trả và hiện đang nợ hơn 5 tỷ đồng. 
 
Khi không tìm được nguồn ngân sách của nhà nước hỗ trợ thì chúng tôi buộc phải bán giấy phép xuất bản để sống. Một năm bán 1000 giấy phép là đã có 1 tỷ đồng để nuôi NXB. Nhưng cấp nhiều giấy phép như vậy, chúng tôi sao có thể kiểm soát được hết nội dung 1000 đầu sách. Có cuốn đúng phần đầu, nhưng sai phần sau”.
 
Ông Huân nêu giải pháp cho bài toán nan giải này là nên xem xét cho phép cổ phần hoá các NXB. “Nếu không muốn cổ phần hoá các NXB, thì Nhà nước phải hỗ trợ bằng cách đặt hàng xuất bản, hoặc cho vay với lãi suất thấp. Nếu không thì các NXB không thể cựa quậy được” – ông Huân trăn trở. 
 
Tuy nhiên, ông Nguyễn An Tiêm – phó Vụ trưởng Vụ báo chí xuất bản (Ban tuyên giáo Trung ương) đáp lại, hiện nay Đảng và Nhà nước chưa có chủ trương cổ phần hoá các NXB.
 
Bà Vũ Thị Mai – Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng đồng tình rằng, không nên đưa điều kiện 5 tỷ đồng là điều kiện để cấp đổi giấy phép đối với các NXB, vì nhiều NXB không có được 5 tỷ đồng.
 
“Việc duy trì điều kiện vốn tối thiểu với mỗi NXB là 5 tỷ đồng không khả thi. Chúng tôi kiến nghị Bộ TT-TT nên xem xét lại, để sửa đổi, bỏ quy định ràng buộc này với các NXB, trong nghị định 195/2013/NĐ-CP “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xuất bản”.
 
Ông Đỗ Quý Doãn – Chủ tịch Hội xuất bản VN cũng cho rằng, quy định số vốn tối thiểu 5 tỷ đồng với mỗi NXB để đảm bảo hoạt động xuất bản là không khả thi và đề xuất, nên nhanh chóng thành lập một Quỹ hỗ trợ xuất bản, huy động vốn từ ngân sách nhà nước, vốn xã hội hoá, tài trợ…để giúp đỡ các NXB khó khăn. 
 
Giải đáp các ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn nói rằng, Bộ sẽ xem xét lại quy định điều kiện mỗi NXB có vốn 5 tỷ đồng để đảm bảo hoạt động xuất bản, và nếu cần thiết, thì có thể kiến nghị với Chính phủ sửa đổi Nghị định 195/2013/NĐ-CP.
 
“Trong lúc chờ đợi sửa đổi Nghị định, thì các cơ quan chủ quan cần phối hợp chặt chẽ với Bộ TT-TT để vận dụng sáng tạo sao cho các NXB được hoạt động, chứ không phải vì không có 5 tỷ mà không cấp phép lại cho các NXB hoạt động” – ông Tuấn nói.
 
VŨ VIẾT TUÂN

Việt Nam – khách mời của Hội chợ sách quốc tế Kolkata

TT – Hội chợ sách quốc tế Kolkata – một trong ba hội chợ sách hằng năm lớn nhất thế giới – vừa được khai mạc tại thành phố Kolkata, bang Tây Bengal, Ấn Độ vào ngày 25-1. 
 
 
Hội chợ sách Kolkata. Ảnh: Hindulines.
Website của hội chợ sách cho biết hội chợ sách lần thứ 40 này kéo dài 12 ngày (đến ngày 7-2), với sự tham gia của nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành đến từ Ấn Độ, Anh, Mỹ, Pháp, Bangladesh, Nhật Bản, Peru, các nước châu Mỹ Latin, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, Trung Quốc, Việt Nam…, trong đó Việt Nam được xem là khách mời danh dự với sự kiện 40 năm hòa bình.
 
Quốc gia là “nhân vật” chính của hội chợ sách năm nay là Bolivia nhân kỷ niệm 50 năm cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.
 
Theo TTXVN, quầy sách Việt Nam tại hội chợ trưng bày hơn 400 đầu sách cả tiếng Việt và tiếng Anh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, các tác phẩm của nhà văn Hồ Anh Thái.
 
 
Áp phích về cuộc giao lưu của nhà văn Hồ Anh Thái tại Hội chợ sách quốc tế Kolkata
 
Nhà văn Hồ Anh Thái – tác giả được hội chợ giới thiệu đã có nhiều đầu sách được dịch sang 10 ngôn ngữ – có cuộc giao lưu với độc giả vào ngày 27-1. Các nghệ sĩ Việt Nam cũng sẽ tham gia biểu diễn nghệ thuật vào ngày 28-1 – Ngày Việt Nam tại hội chợ. 
 
V.VIỆT
 
 
 

Alezaa tiên phong trong lĩnh vực sách và tạp chí điện tử

Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến Vinapo (Vinapo) giới thiệu ứng dụng Alezaa vào năm 2011, khi khái niệm sách điện tử vẫn còn xa lạ đối với nhiều người. Hơn 4 năm qua, trong sự bủa vây của nhiều khó khăn từ thị trường và sự nghi ngại từ độc giả, đội ngũ phát triển Alezaa vẫn kiên định với hướng đi của mình và gặt hái được những thành công bước đầu.
 
 
 
 
Để thuyết phục người dùng đọc sách điện tử, trải nghiệm đọc sách điện tử phải thực sự đẹp và tiện lợi. Alezaa đã và đang lấy công nghệ làm trung tâm. Ứng dụng đọc sách, tạp chí điện tử Alezaa được phát triển trên nhiều hệ điều hành và nền tảng khác nhau để độc giả có thể đọc mọi lúc, mọi nơi: iOS 7+, Android 2.4+, Windows 8.1 và Windows Phone. Mới đây, Vinapo giới thiệu Alezaa Cloud Reader – phiên bản Alezaa trên trình duyệt, giúp trải nghiệm đọc thêm trọn vẹn.
 
Với nền tảng xuất bản tiên tiến, những ấn bản trên Alezaa được chăm chút từng chi tiết thiết kế: phông chữ, cỡ chữ, khoảng cách, hình ảnh được thể hiện với sự tôn trọng cao nhất chuẩn mực xuất bản. Nội dung tự động căn chỉnh theo kích thước màn hình nhưng vẫn giữ được tính thẩm mỹ và khả năng đọc tốt nhất.
 
Không dừng lại ở đó, Vinapo còn đánh dấu bước tiến lớn trong ngành xuất bản điện tử tại Việt Nam cũng như quốc tế khi giới thiệu và chuyển giao công cụ biên tập số hóa Greelane Writer cho các đơn vị xuất bản và phát hành. Nhiều trường đại học như Đại học FPT, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân,… cũng đang sử dụng công nghệ của Alezaa để tiến hành số hoá giáo trình với định dạng mới, thiết kế đẹp theo chuẩn EPUB3 mới nhất.
 
 
Kho sách và tạp chí đa dạng
 
Trải nghiệm tốt là chưa đủ. Trong bối cảnh sách điện tử lậu tràn lan trên mạng, những người làm sách chân chính còn cần một kho sách bản quyền đủ lớn với nội dung phong phú. Thời kỳ đầu, Alezaa tương đối khó khăn trong việc thuyết phục các nhà xuất bản và đơn vị phát hành đưa ấn phẩm lên kho sách của mình. Tuy nhiên, cùng với xu hướng phát triển của các thiết bị cầm tay nói chung và sách điện tử nói riêng trên toàn cầu, các đơn vị xuất bản và phát hành tại Việt Nam đã ngày một cởi mở hơn với hình thức này.
 
Hiện tại, Alezaa đã có hơn 10,000 tựa sách và tạp chí bản quyền, đa dạng thể loại đến từ các nhà xuất bản và đơn vị phát hành uy tín. Tại Alezaa, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều tựa sách mới và nổi bật nhất trên thị trường và chỉ có bản điện tử tại Alezaa. Alezaa tích cực làm việc với các đơn vị xuất bản và phát hành để cập nhật sách mới hàng ngày. Nhiều tựa được phát hành trên Alezaa song song hoặc sớm hơn cả sách giấy.
 
Hơn 200,000 bài viết trong 4000 tựa tạp chí đến từ hơn 100 thương hiệu với các tên tuổi nổi tiếng như Forbes, Tạp chí Đẹp, Thể thao Văn hoá và Đàn Ông, Tạp chí Doanh Nhân, Elle,… cũng là điểm khiến thương hiệu Alezaa nổi bật và riêng biệt hơn hẳn so với nhiều đơn vị phát hành sách điện tử trên thị trường.
 
 
Giá bán bất ngờ
 
Nếu như trên thế giới, giá bán sách điện tử đã ngang ngửa với sách giấy thì trung bình một ấn phẩm trên Alezaa có giá chỉ bằng 30% giá bìa. Bên cạnh việc duy trì bán sách lẻ hay đặt dài hạn tạp chí, ngày 18/3/2015, Alezaa đã ra mắt gói thành viên Alezaa Premium: đọc không giới hạn toàn bộ kho sách và tạp chí trong 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng với mức giá chỉ 1,000đ/ngày. Đối với những người yêu sách thì đây thực sự là một mức giá hợp lý để họ được cập nhật thường xuyên những cuốn sách mới với chi phí tiết kiệm nhất.
 
Có thể nói, năm 2015 là một năm đầy hào hứng với đội ngũ phát triển Alezaa khi thị trường sách và tạp chí có nhiều khởi sắc, kéo theo sự tham gia của nhiều người chơi mới, đồng thời bản thân họ cũng đã thành công trong việc tự làm mới mình và cho ra đời nhiều sản phẩm chất lượng. Năm 2016 đã đến, hứa hẹn cả những khó khăn lẫn cơ hội phía trước. Với nền tảng sẵn có, cộng hưởng với sự tin yêu của độc giả và xu hướng phát triển của sách điện tử trên thế giới, Alezaa vẫn đang và sẽ là một nhân tố quan trọng, mang lại màu sắc khác biệt cho bức tranh lớn về ngành xuất bản tại Việt Nam.
 
Alezaa

Nhu cầu nguồn lực ngành kinh doanh xuất bản phẩm và một số vấn đề đặt ra hiện nay

Từ những năm 90, khi cả nước chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế từ cơ chế hành chính bao cấp sang cơ chế thị trường, Khoa Phát hành sách trường Đại học Văn hóa cũng từng bước đổi mới chương trình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho ngành.
 
 
Chương trình đào tạo nhằm tới các mục tiêu cụ thể: Nhằm đào tạo những con người có lập trường tư tưởng, tư cách đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, yêu nghề, ý thức nghề nghiệp; nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công tác của ngành hiện nay; Nắm vững những kiến thức cơ bản, cần thiết về khoa học xã hội và nhân văn; kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hệ thống kiến thức nghiệp vụ KDXBP với các thành tựu nghiên cứu và ứng dụng; Nắm vững kỹ năng ở tất cả các khâu nghiệp vụ kinh doanh trong quá trình tổ chức và quản lý kinh doanh xuất bản phẩm (XBP) như: Nghiên cứu thị trường XBP, nhu cầu khách hàng; Nghiên cứu các mặt hàng XBP, văn hóa phẩm; tạo nguồn, khai thác, dự trữ, bảo quản hàng hóa XBP, sắp xếp, phân loại trưng bày XBP ; Các hoạt động marketing; Pháp luật về XBPH, soạn thảo hợp đồng, thanh quyết toán trong kinh doanh; Tổ chức hoạt động Xuất nhập khẩu XBP, thiết kế kênh phân phối, các hình thức và biện pháp tiêu thụ XBP hiệu quả trên thị trường; Quản lý tài chính và quản trị doanh nghiệp kinh doanh XBP; Phân tích đánh giá hoạt động kinh doanh XBP.
 
Hiện nay, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh là cơ sở đào tạo ngành kinh doanh XBP lớn nhất cả nước hiện nay. Hơn 10 năm trở lại đây, hàng năm, hai cơ sở đào tạo đáp ứng cho ngành từ 200- 300 sinh viên tốt nghiệp ra trường cả ở trình độ Đại học và Cao đẳng, Liên thông.
 
Yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi các cán bộ kinh doanh XBP luôn phải năng động, nhạy bén nắm bắt thời cơ kinh doanh trong điều kiện biến động không ngừng của môi trường, xã hội. Kiến thức và kỹ năng hành nghề cần phải luôn được cập nhật, đổi mới.
 
Vấn đề đặt ra đối với nguồn nhân lực ngành kinh doanh XBP
 
Mở rộng qui mô đào tạo, đa dạng hóa loại hình đào tạo. Do yêu cầu xã hội hóa hoạt động phát hành XBP hiện nay cùng với những qui định của Luật về liên kết trong hoạt động xuất bản, sự xuất hiện của nhiều nhà sách, công ty, doanh nghiệp sách tư nhân trên thị trường đòi hỏi nguồn nhân lực được đào tạo từ cơ sở đào tạo của Ngành rất cao.
 
Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành trong điều kiện hiện nay, Nhà trường cần phải tính toán và có biện pháp cụ thể để mở rộng qui mô đào tạo, đa dạng hóa loại hình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn của ngành và người học hiện nay.
 
Đó là sự đảm bảo về đội ngũ giảng viên cả về chất lượng và số lượng. Trong đó, cần có chính sách đặc biệt dành cho đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là các nhà khoa học, quản lý, chuyên môn đang hoạt động trong ngành; Đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất kỹ thuật (phòng học, trang thiết bị phục vụ học tập và giảng dạy); Yêu cầu về hợp tác trong đào tạo giữa cơ sở đào tạo với cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về ngành đào tạo, các tổ chức doanh nghiệp xuất bản phẩm – nơi tuyển dụng nguồn nhân lực được đào tạo của nhà trường.
 
Đổi mới  nội dung chương trình đào tạo. Nhằm thu hút người học cũng như đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành, nhà trường và khoa cần thường xuyên đổi mới nội dung chương trình đào tạo, xác định đúng mục tiêu đào tạo trong từng giai đoạn phát triển cụ thể của nhà trường tương thích với yêu cầu phát triển của các hoạt động thực tiễn ngành.
 
Muốn vậy, khung chương trình đào tạo phải thiết kế tỉ lệ khối, mảng kiến thức hài hòa, hợp lý và cần thiết đối với người học và yêu cầu của thực tiễn hoạt động. Lựa chọn các môn học với thời lượng đủ để giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang, sẽ cần và đòi hỏi cấp bách. Thiết kế lượng kiến thức lý thuyết và thực hành phù hợp cho mỗi môn học. Về cơ bản, tăng giờ thực hành, thảo luận, giảm tối đa giờ lý thuyết trên lớp trong toàn bộ chương trình đào tạo, tạo điều kiện cho người học tiếp cận và vận dụng linh hoạt kiến thức lý luận vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất. Chú trọng các chuyên đề kiến thức cập nhật trong chương trình nhằm tăng thời lượng mảng kiến thức thực tiễn cho người học; đồng thời tranh thủ khai thác trí tuệ của các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo, các nhà chuyên môn đang hoạt động thực tiễn cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành, giúp sinh viên có khả năng nhận diện và tiếp cận những vấn đề lý luận và thực tiễn mới nảy sinh một cách đầy đủ và hiệu quả nhất.
 
Đa dạng hóa và khai thác mọi nguồn lực cho đào tạo. Nhà trường cần có chính sách thu hút đa dạng các nguồn lực và sử dụng các biệc pháp thích hợp khai thác hiệu quả các nguồn lực cho đào tạo. Quan tâm đặc biệt đến đội ngũ giảng viên chính là bồi dưỡng nguồn lực con người, trong đó, trí tuệ con người là nguồn lực vô hình ít bị giới hạn về khả năng. Thứ nữa là thu hút các nguồn lực vật chất từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ quá trình đào tạo của nhà trường (tiền vốn, tài sản, các trang thiết bị phục vụ dạy và học, cơ sở thực hành, thực tế, thực tập cho giảng viên và sinh viên…). Xã hội hóa giáo dục đào tạo, thu hút các nguồn lực của các thành phần kinh tế phát triển sự nghiệp đào tạo, tạo sự cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của xã hội.
 
Xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo; Tiến hành điều tra, khảo sát thường xuyên về nhân lực và chất lượng nhân lực ở các cấp từ trung ương đến địa phương; bảo đảm cân đối cung – cầu nhân lực để phát triển sự nghiệp phát hành XBP nói riêng, xuất bản nói chung trên phạm vi cả nước thực hiện tốt chức năng tư tưởng chính trị và chức năng kinh doanh.
 
Đối với cơ quan quản lý nhà nước
 
 Phải xác định rõ nguồn nhân lực là tài nguyên quý giá, là điều kiện tiên quyết để thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa ngành Phát hành sách hiện nay. Nguồn nhân lực là nguồn tài nguyên khai thác khó cạn kiệt, là nền tảng và động lực để hoạt động của ngành đạt tới hiệu quả kinh tế và xã hội. Muốn vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cần có cơ chế, chính sách thích hợp thúc đẩy sự phát triển giáo dục đào tạo, văn bản hóa các qui định về quyền hạn, trách nhiệm đào tạo cũng như việc tuyển và sử dụng nhân lực; kết hợp thật tốt giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trong tổng thể qui hoạch phát triển ngành trên cả nước, đáp ứng có hiệu quả nguồn lao động chất lượng cao cho yêu cầu phát triển thực tiễn ngành.
 
 Hằng năm, cơ quan quản lý Nhà nước cần tổng kết về lý luận và thực tiễn về nguồn nhân lực của ngành, đánh giá đúng mặt được, mặt chưa được, kịp thời rút ra những kinh nghiệm, trên cơ sở đó mà phát huy mặt tốt, khắc phục mặt chưa tốt. Đây là căn cứ quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển ngành dài hạn từ 10 đến 20 năm, đồng thời là cơ sở để các Trường Đào tạo đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, xác định mục tiêu đào tạo đúng phù hợp với yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn trong từng giai đoạn cụ thể.
 
Hiện nay, Nhà nước chưa thật sự nhận thức đúng chức năng, vai trò của cán bộ ngành phát hành. Ngành chưa có qui định yêu cầu bắt buộc về tiêu chuẩn cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực phát hành. Cho đến thời điểm này, cán bộ Phát hành vẫn chưa được qui định ngạch bậc cụ thể. Nhà nước cần bổ sung thêm qui định bắt buộc về tiêu chí trình độ chuyên môn cho các
 
chủ sở hữu của đơn vị (người đứng đầu phải có trình độ nghiệp vụ phát hành, trong trường hợp người đã tốt nghiệp một bằng đại học học khác, yêu cầu phải qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kinh doanh xuất bản phẩm và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ). Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị phát hành cũng cần đưa tiêu chí này vào. Cần qui định bằng văn bản chức danh hóa chức danh cán bộ phát hành theo các tiêu chuẩn, ngạch bậc nhà nước qui định: Phát hành viên, Phát hành viên chính; Phát hành viên cao cấp như qui định đối với đội ngũ biên tập viên của NXB.
 
 Thực tế, công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn của khoa Xuất bản – Phát hành Đại học Văn hóa Hà Nội nói riêng và các cơ sở đào tạo nghiệp vụ Xuất bản, phát hành nói chung trên cả nước gặp nhiều bất cập bởi các qui định bởi văn bản của quản lý nhà nước. Việc văn bản Luật qui định và chưa có văn bản dưới Luật hướng dẫn cụ thể đã làm cho nhiều cá nhân, đơn vị e ngại khi có nhu cầu được bồi dưỡng nghiệp vụ kinh doanh XBP. Cập nhật và nâng cao kiến thức kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật và quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản nói chung, lĩnh vực phát hành nói riêng là cần thiết đối với các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp kinh doanh XBP, song cũng là yêu cầu bắt buộc của cơ quan quản lý Nhà nước đối với các đơn vị kinh doanh XBP trên cả nước khi cấp chứng nhận hoạt động phát hành XBP. 
 
Nhằm tập trung mọi nguồn lực cho sự nghiệp đào tạo cán bộ Kinh doanh xuất bản phẩm, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành hiện nay. Nhà nước cần phân cấp và giao chức năng, quyền hạn và trách nhiệm bồi dưỡng nghiệp vụ ngành phát hành nói riêng, xuất bản nói chung ở loại hình đào tạo ngắn hạn về các Trường đào tạo chuyên ngành. Nơi có đầy đủ các điều kiện cần thiết để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của ngành.
 
Tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Ngành và các cơ sở đào tạo. Tạo tiền đề vững chắc phát triển sự nghiệp đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cán bộ cho ngành. Tuy nhiên, thực tế một số các công việc liên quan đến công tác đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp hiện nay ít có sự tham gia của các cơ sở đào tạo (các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ xuất bản, in, phát hành với đối tác nước ngoài, khảo sát thực tế ở nước ngoài, tham gia Hội chợ triển lãm sách quốc tế, Hội nghị khoa học quốc tế về xuất bản- phát hành, mời chuyên gia nước ngoài nói chuyện, tọa đàm trao đổi trong nước….). Cơ quan quản lý nhà nước, ngoài chức năng quản lý nhà nước cần tăng cường vai trò trung tâm cầu nối giữa các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo trong nước với doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nước ngoài trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành..
 
Đối với người sử dụng lao động nên có chế độ đãi ngộ đúng mức đối với sinh viên tốt nghiệp đúng ngành đào tạo (về lương, thưởng, hệ số ngành nghề) khi người được tuyển dụng đáp ứng các tiêu chí của yêu cầu công việc được phân công; Có chế độ đặc thù thu hút sinh viên sau khi tốt nghiệp đạt bằng khá trở lên trở về địa phương công tác (đảm bảo tiêu chí đúng chuyên ngành, phân công vị trí công tác phù hợp); Công khai minh bạch các chế độ khen thưởng, kỷ luật đối với người được tuyển dụng nhằm kích thích tinh thần, trách nhiệm và hướng sự phát triển của mỗi cá nhân vào sự nghiệp chung của đơn vị.q 
 
>> TS. ĐỖ THỊ QUYÊN
 
Trưởng khoa Xuất bản – Phát hành

Thứ trưởng Chu Ngọc Anh trúng cử Ban chấp hành TƯ khóa 12

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh vừa được Đại hội Đảng 12 bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
 
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thông qua báo cáo kết quả bầu cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII gồm 200 đồng chí, trong đó 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết.Theo đó Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nằm trong danh sách 180 Ủy viên chính thức.
 
 
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh
 
Ông Chu Ngọc Anh sinh năm 1965, quê quán ở Ba Vì, Hà Nội, là Tiến sỹ Vật lý và từng là giảng viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; Viện KHKT Bưu điện, Bộ Thông tin và Truyền thông.
 
Ông Chu Ngọc Anh từng giữ các chức vụ: Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Từ tháng 8/2010 đến tháng 2/2013, ông Chu Ngọc Anh là Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
 
Từ tháng 3 – 5/2013, ông Chu Ngọc Anh được bổ nhiệm là Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ. Từ tháng 5/2013 đến tháng 9/2015, ông được điều động, bổ nhiệm làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ. Ông là Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
 
Ngày 14/9/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định bổ nhiệm ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ giữ chức Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
 
Danh sách Ủy viên Trung ương chính thức:
 
1. NGUYỄN HOÀNG ANH – Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng
2. CHU NGỌC ANH – Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ
3. NGUYỄN THÚY ANH – Phó Chủ nhiệm Các vấn đề xã hội của Quốc hội
4. TRẦN TUẤN ANH – Thứ trưởng Bộ Công Thương
5. NGUYỄN XUÂN ANH – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng
6. HÀ BAN – Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương
7. NGUYỄN HÒA BÌNH – Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao
8 TRƯƠNG HÒA BÌNH – Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao
9. DƯƠNG THANH BÌNH – Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau
10. NGUYỄN THANH BÌNH – Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương
11. PHAN THANH BÌNH – Giám đốc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
12. NGUYỄN VĂN BÌNH – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
13. TẤT THÀNH CANG – Phó bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
14. BÙI MINH CHÂU – Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ
15. LÊ CHIÊM – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
16. HÀ NGỌC CHIẾN – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội
17. NGUYỄN NHÂN CHIẾN – Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh
18. ĐỖ VĂN CHIẾN – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
19. TRỊNH VĂN CHIẾN – Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa
20. HOÀNG XUÂN CHIẾN – Thiếu tướng-Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
21. PHẠM MINH CHÍNH – Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương
22. MAI VĂN CHÍNH – Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương
23. NGUYỄN ĐỨC CHUNG – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội
24. LÊ VIẾT CHỮ – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi
25. NGUYỄN TÂN CƯƠNG – Thiếu Tướng-Tư lệnh Quân khu 4
26. LƯƠNG CƯỜNG – Thượng tướng – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam
27. NGUYỄN PHÚ CƯỜNG – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai
28. TRẦN QUỐC CƯỜNG – Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk
29. BÙI VĂN CƯỜNG – Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương
30. PHAN VIỆT CƯỜNG – Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam
31. NGUYỄN XUÂN CƯỜNG – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
32. NGUYỄN VĂN DANH – Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Tiền Giang
33. NGUYỄN HỒNG DIÊN – Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình
34. LÊ DIỄN – Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông
35. NGUYỄN VĂN DU – Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn
36. ĐÀO NGỌC DUNG – Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương
37. NGUYỄN CHÍ DŨNG – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư
38. TRỊNH ĐÌNH DŨNG – Bộ trưởng Xây dựng
39. ĐINH TIẾN DŨNG – Bộ trưởng Tài chính
40. MAI TIẾN DŨNG – Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Nam
41. TRẦN TRÍ DŨNG – Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh
42. VÕ VĂN DŨNG – Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương
43. PHAN XUÂN DŨNG – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
44. LÊ XUÂN DUY – Thiếu tướng – Phó Tư lệnh Quân khu 2
45. NGUYỄN QUANG DƯƠNG – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương
46. VŨ ĐỨC ĐAM – Phó Thủ tướng Chính phủ
47. HUỲNH THÀNH ĐẠT – Phó Giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
48. NGUYỄN KHẮC ĐỊNH – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
49. TRẦN ĐƠN – Trung tướng – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
50. PHAN VĂN GIANG – Trung tướng – Tư lệnh Quân khu 1
51. NGUYỄN VĂN GIÀU – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
52. PHẠM HỒNG HÀ – Thứ trưởng Bộ Xây dựng
53. TRẦN HỒNG HÀ – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường
54. NGUYỄN THỊ THU HÀ – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
55. NGUYỄN ĐỨC HẢI – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
56. NGUYỄN THANH HẢI – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
57. HOÀNG TRUNG HẢI – Phó Thủ tướng Chính phủ
58. BÙI VĂN HẢI – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Giang
59. NGÔ THỊ THANH HẰNG – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội
60. NGUYỄN MẠNH HIỂN – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương
61. PHÙNG QUỐC HIỂN – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội
62. BÙI THỊ MINH HOÀI – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
63. LÊ MINH HOAN – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Đồng Tháp
64. VƯƠNG ĐÌNH HUỆ – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
65. ​NGUYỄN MẠNH HÙNG – Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận
66. NGUYỄN MẠNH HÙNG – Tổng Giám đốc Viettel
67. LỮ VĂN HÙNG – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang
68. NGUYỄN VĂN HÙNG – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị
69. NGUYỄN VĂN HÙNG – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Kon Tum
70. ĐINH THẾ HUYNH – Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
71. LÊ MINH HƯNG – Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng
72. THUẬN HỮU – Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
73. LÊ MINH KHÁI – Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu
74. NGUYỄN ĐÌNH KHANG – Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang
75. TRẦN VIỆT KHOA – Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng
76. ĐIỂU KRÉ – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Nông
77. NGUYỄN THẾ KỶ – Phó Ban Tuyên giáo Trung ương
78. HOÀNG THỊ THÚY LAN – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc
79. TÔ LÂM – Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an
80. CHẨU VĂN LÂM – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Tuyên Quang
81. HẦU A LỀNH – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc
82. NGÔ XUÂN LỊCH – Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam
83. NGUYỄN HỒNG LĨNH – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
84. LÊ THÀNH LONG – Thứ trưởng Bộ Tư pháp
85. NGUYỄN ĐỨC LỢI – Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam
86. NGUYỄN VĂN LỢI – Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước
87. VÕ MINH LƯƠNG – Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 7
88. UÔNG CHU LƯU – Phó Chủ tịch Quốc hội
89. LÊ TRƯỜNG LƯU – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế
90. TRƯƠNG THỊ MAI – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội
91. PHAN VĂN MÃI – Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre
92. TRẦN THANH MẪN – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
93. PHẠM BÌNH MINH – Phó Thủ tướng Chính phủ
94. TRẦN BÌNH MINH – Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
95. CHÂU VĂN MINH – Chủ tịch Viện Hàn lâm và Khoa học Việt Nam
96. LẠI XUÂN MÔN – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân Việt Nam
97. GIÀNG PÁO MỶ – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu
98. PHẠM HOÀI NAM – Chuẩn đô đốc-Tư lệnh Quân chủng Hải quân
99. NGUYỄN PHƯƠNG NAM – Trung tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam
100. BÙI VĂN NAM – Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an
101. TRẦN VĂN NAM – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương
102. NGUYỄN VĂN NÊN – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
103. LÊ THỊ NGA – Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội
104. NGUYỄN THỊ KIM NGÂN – Phó Chủ tịch Quốc hội
105. NGUYỄN THANH NGHỊ – Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang
106. TRƯƠNG QUANG NGHĨA – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương
107. NGUYỄN TRỌNG NGHĨA – Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam
108. PHÙNG XUÂN NHẠ – Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội
109. NGUYỄN THIỆN NHÂN – Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
110. CAO ĐỨC PHÁT – Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
111. ĐOÀN HỒNG PHONG – Bí thư Tỉnh ủy Nam Định
112. NGUYỄN THÀNH PHONG – Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
113. TÒNG THỊ PHÓNG – Phó Chủ tịch Quốc hội
114. HỒ ĐỨC PHỚC – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An
115. NGUYỄN HẠNH PHÚC – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
116. NGUYỄN XUÂN PHÚC – Phó Thủ tướng Chính phủ
117. VÕ VĂN PHUÔNG – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
118. TRẦN QUANG PHƯƠNG – Trung tướng, Chính ủy Quân khu 5
119. TRẦN ĐẠI QUANG – Đại tướng, Bộ trưởng Công an
120. HOÀNG ĐĂNG QUANG – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình
121. LÊ HỒNG QUANG – Phó Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang
122. TRẦN LƯU QUANG – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh
123. LÊ THANH QUANG – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa
124. HOÀNG BÌNH QUÂN – Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương
125. PHẠM VĂN RẠNH – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Long An
126. TRẦN VĂN RÓN – Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long
127. VŨ HẢI SẢN – Thiếu tướng – Tư lệnh Quân khu 3
128. PHAN VĂN SÁU – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
129. LÊ ĐÌNH SƠN – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh
130. BÙI THANH SƠN – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
131. NGUYỄN THANH SƠN – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
132. TRẦN VĂN SƠN – Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên
133. THÀO XUÂN SÙNG – Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương
134. ĐỖ TIẾN SỸ – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hưng Yên
135. LÊ VĨNH TÂN – Thứ trưởng Bộ Nội vụ
136. NGUYỄN ĐỨC THANH – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận
137. VŨ HỒNG THANH – Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh
138. LÂM THỊ PHƯƠNG THANH – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
139. TRẦN SỸ THANH – Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn
140. NGUYỄN THỊ THANH – Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình
141. PHẠM VIẾT THANH – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam
142. LÊ VĂN THÀNH – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng
143. NGUYỄN VĂN THÀNH – Thứ trưởng Bộ Công an
144. ĐINH LA THĂNG – Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
145. HUỲNH CHIẾN THẮNG – Thiếu tướng, Chính ủy Quân khu 4
146. SƠN MINH THẮNG – Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
147. NGUYỄN XUÂN THẮNG – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
148. NGUYỄN VĂN THỂ – Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng
149. NGUYỄN NGỌC THIỆN – Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch
150. ĐẶNG THỊ NGỌC THỊNH – Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng
151. LÊ THỊ THỦY – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ
152. VÕ VĂN THƯỞNG – Phó bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
153. NGUYỄN XUÂN TIẾN – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng
154. BÙI VĂN TỈNH – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hòa Bình
155. TRẦN QUỐC TỎ – Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên
156. PHẠM THỊ THANH TRÀ – Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái
157. PHAN ĐÌNH TRẠC – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương
158. DƯƠNG VĂN TRANG – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai
159. LÊ MINH TRÍ – Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương
160. NGUYỄN PHÚ TRỌNG – Tổng Bí thư
161. LÊ HOÀI TRUNG – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
162. TRẦN QUỐC TRUNG – Bí thư Thành ủy Cần Thơ
163. ĐÀO VIỆT TRUNG – Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước
164. MAI TRỰC – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
165. BẾ XUÂN TRƯỜNG – Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
166. TRẦN CẨM TÚ – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
167. TRƯƠNG MINH TUẤN – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
168. NGUYỄN THANH TÙNG – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Định
169. TRẦN VĂN TÚY – Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội
170. ĐỖ BÁ TỴ – Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam
171. HUỲNH TẤN VIỆT – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Yên
172. VÕ TRỌNG VIỆT – Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
173. NGUYỄN ĐẮC VINH – Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn
174. TRIỆU TÀI VINH – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Giang
175. NGUYỄN CHÍ VỊNH – Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
176. LÊ HUY VỊNH – Trung tướng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân
177. NGUYỄN VĂN VỊNH – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lào Cai
178. LÊ QUÝ VƯƠNG – Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an
179. TRẦN QUỐC VƯỢNG – Chánh Văn phòng Trung ương Đảng
180. VÕ THỊ ÁNH XUÂN – Bí thư Tỉnh ủy An Giang
 
Danh sách Ủy viên Trung ương dự khuyết:
 
1. NGUYỄN HỮU ĐÔNG – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ
2. NGÔ ĐÔNG HẢI – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định
3. NGUYỄN VĂN HIẾU – Bí thư Quận ủy quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh
4. ĐOÀN MINH HUẤN – Giám đốc Học viện Chính trị khu vực 1, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
5. Y THANH HÀ NIÊ KDĂM – Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
6. ĐẶNG QUỐC KHÁNH – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh
7. ĐÀO HỒNG LAN – Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội
8. LÂM VĂN MẪN – Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Sóc Trăng
9. HỒ VĂN NIÊN – Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai
10. NGUYỄN HẢI NINH – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk
11. LÊ QUỐC PHONG – Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên
12. CHÂU THỊ MỸ PHƯƠNG – Bí thư Huyện ủy Cai Lậy, Tiền Giang
13. BÙI NHẬT QUANG – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận
14. THÁI THANH QUÝ – Bí thư Huyện ủy Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
15. BÙI CHÍ THÀNH – Bí thư Huyện ủy Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
16. VŨ ĐẠI THẮNG – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam
17. NGUYỄN VĂN THẮNG – Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Công Thương Việt Nam
18. NGUYỄN KHẮC TOÀN – Bí thư Thành ủy Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa
19. LÊ QUANG TÙNG – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh
20. BÙI THỊ QUỲNH VÂN – Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Phương Nguyên
 
 

Phố sách Hà Nội Tết Bính Thân, nhận “lì xì sách”

(TTTĐ) Tết Nguyên đán Bính Thân sắp tới là một cái Tết đặc biệt đối với người Hà Nội nói chung và người yêu sách nói riêng. Bởi, lần đầu tiên Hà Nội chính thức có một phố sách ngay sát Hồ Gươm, đó là phố Lê Thạch cạnh tượng đài Lý Thái Tổ – Tràng Tiền – Hoàn Kiếm – Hà Nội.
Đây sẽ là phố sách chính thức thứ hai tại Việt Nam, sau đường sách Nguyễn Văn Bình tại TP Hồ Chí Minh mới được khai trương. Phố sách Hà Nội sẽ khai trương từ ngày 10/2 đến 15/2/2016 (mùng 3 Tết đến mùng 8 tháng Giêng năm Bính Thân).
 
 
 
Tham gia vào phố sách này, có hơn 20 Nhà xuất bản, các công ty sách đang hoạt động tại Thủ đô. Trong đó, đáng kể là Thái Hà Books. 8 năm qua, năm nào Thái Hà Books cũng tổ chức Tết Sách ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, và ở đâu cũng thu hút đông đảo độc giả quan tâm đến dự. Đến nay đã có hàng triệu lượt người, đủ mọi lứa tuổi, thành phần cùng nô nức đón Tết sách cùng Thái Hà books. Bởi với đông đảo độc giả, sách vẫn luôn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần. Đọc sách, mỗi chúng ta sẽ được bồi đắp nguồn tri thức cho bản thân, sách chính là những người bạn, là những kho báu tri thức vô giá.
 
 
 
Nhiều cuốn sách thú vị sẽ được lì xì độc giả có duyên với sách.
 
Ấn tượng để lại sấu sắc nhất sau mỗi Tết sách là niềm hân hoan trên gương mặt từng người. Ai cũng cho rằng Thái Hà Books đã tổ chức một hoạt động vô cùng ý nghĩavới quy mô lớn, đã tạo được một sự kiện văn hóa đúng nghĩa và cần thiết, khích lệ mọi người quan tâm nhiều hơn đến văn hóa đọc, đồng thời, cũng động viên các tác giả có thêm nhiều tác phẩm có chất lượng để phục vụ độc giả. Tại một vài quốc gia, khi em bé sinh ra đã được tặng sách. Có những dân tộc có thói quen cho mật ong vào sách để các bé bò trên sàn nhà tìm đến sách và mật ong để liếm, để chơi, để nghịch. Có những đất nước có thói quen rắc nước hoa vào sách để thu hút các em nhỏ. Có những đất nước lại bắt buộc các em học sinh đọc ít nhất 10 cuốn sách tham khảo một năm. đến xuân về trong khi chúng ta đã nhận ra rằng sách là tri thức, là trí tuệ.
 
Để động viên các độc giả ngày nay chăm chỉ đọc sách, nhằm tăng kĩ năng sống của mình, đồng thời tích lũy sự hiểu biết cho tương lai, Tết sách do Thái Hà Books triển khai, sẽ luôn là một chương trình vô cùng ý nghĩa. Đến với Tết sách, các độc giả sẽ có cơ hội được nhận lì xì, được tiếp cận. Tết sách năm nay, khi đến dự phố sách Lê Thạch, bạn sẽ được tham gia chương trình “LÌ XÌ SÁCH – Trả Ơn Đời” với mục đích chia sẻ niềm vui TẾT SÁCH, bày tỏ sự biết ơn đối với sách và tri thức, với văn hóa đọc và trí tuệ. Ngoài ra, bạn cũng sẽ được lỳ xì Tâm Thư Pháp…
 
 
 
Không thể phủ nhận ý nghĩa nhân văn từ Tết sách mạng lại. Tết Sách đã mang lại niềm vui cho biết bao con người, biết bao gia đình, biết bao cơ quan và doanh nghiệp. Nhiều độc giả sau khi ra về đã viết lên cảm xúc rất thật của mình. Bạn Minh Hoàng ở TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ rằng: “Cảm xúc của tôi khi đến Tết sách, là  tôi được tìm đến những cuốn sách mà tôi ao ước từ lâu, nhờ có Tết sách nên tôi có cơ hội tiếp cận với giá ưu đãi. Giờ đây tôi cũng đang hòa mình cùng vào bầu không khí của triệu trái tim Việt yêu mến sách chuẩn bị cho Tết sách với các hành trình đạp xe, chơi Rung chuông vàng, chia sẻ sách… cùng nhiều nhiều ý tưởng đóng góp cho chương trình Tết sách tuyệt vời tại TP Hồ Chí Minh, để hòa chung vào bầu không khí cả nước đón “Tết sách”.
 
Tết sách đã để lại những dư âm tốt đẹp về một xã hội văn minh, hiện đại. Có thể khẳng định đó là hoạt động văn hoá có ý nghĩa thực sự. Bởi đó là dịp để bạn đọc tìm hiểu, tiếp cận với sách và khám phá thêm những điều kỳ diệu còn chứa đựng trong kho tàng văn hoá tri thức của nhân loại.
 
Cẩm Tú – Báo tuổi trẻ Thủ Đô