Đại diện đến từ Hội sách lớn nhất thế giới cho rằng thị trường sách Việt cần tác giả trong nước viết hay, có tác phẩm tốt hơn là quá nghiêng về thị trường sách dịch.
Bà Claudia Kaiser – phó chủ tịch Hội sách lớn nhất thế giới Frankfurt – vừa có chuyến đến TP HCM tham quan Hội sách TP HCM lần thứ chín và giữ vai trò diễn giả, trò chuyện về những thách thức và cơ hội của xuất bản quốc tế và xuất bản Việt Nam. Dịp này, bà trò chuyện với VnExpress về những trăn trở trong việc giúp đơn vị xuất bản Việt từng bước được chú ý trên thị trường sách trường quốc tế.
– Tham gia Hội sách TP HCM lần thứ chín trong vai trò một diễn giả, bà nhận xét gì về sự kiện này?
– Đây là lần thứ ba tôi đến TP HCM và là lần lần đầu tiên tham gia hội sách lớn nhất ở thành phố. Tháng 9 năm ngoái tôi có đi thăm hội sách Hà Nội. Tất nhiên, sự kiện ở Hà Nội nhỏ hơn TP HCM nhưng tôi có chung cảm nhận là cả hai hội sách đều có lượng khán giả rất lớn đến tham dự. Điều này khiến tôi kinh ngạc. Rất đông người đã đến để tham quan, nhìn ngắm sách, mua sách và tìm kiếm niềm vui ở khuôn viên diễn ra ngày hội.
Việt Nam có nền lịch sử và văn hóa lâu đời nhưng phương Tây chúng tôi lại không biết nhiều về các bạn và vì thế, chúng tôi luôn rất cần biết. Đó là lý do tôi tới Việt Nam. Tôi muốn học hỏi và tìm hiểu nhiều hơn về nền xuất bản, bối cảnh văn học và những phát triển ở Việt Nam, và nếu có thể, ở vị trí của mình, muốn giúp Việt Nam được nhìn nhận nhiều hơn trên thị trường sách quốc tế. Tôi cho rằng có nhiều cơ hội để đi ra bên ngoài, không chỉ riêng ngành xuất bản truyền thống. Phim ảnh, games cũng là một phần của Hội sách Frankfurt và tôi cũng muốn tìm hiểu thêm về ngành công nghiệp nội dung ở nước các bạn.
Bà Claudia Kaiser bên dịch giả Nguyễn Lệ Chi – chủ thương hiệu sách Chibooks – ở Hội sách TP HCM lần thứ chín.
– Từ những quan sát ở Hội sách TP HCM, bà nhận xét gì về các đơn vị xuất bản Việt và thị trường sách Việt hiện nay?
– Việt Nam là một trong những nước có dân số đông nhất ở khu vực Đông Nam Á với nền kinh tế đang phát triển và một tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Giới xuất bản Việt đang mua rất nhiều bản quyền nước ngoài và ít nhất là 40% số sách xuất bản hàng năm tại Việt Nam đều là sách dịch từ nhiều ngôn ngữ, nhiều nhất là từ tiếng Anh. Nhưng trong khi Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia luôn xuất hiện tại Hội chợ sách Frankfurt – nơi gặp gỡ đông nhất của giới xuất bản trên mọi miền thế giới – thì gian hàng Việt Nam góp mặt ở sự kiện này thực sự vẫn quá nhỏ.
Các đơn vị xuất bản Việt đã góp mặt ở Frankfurt nhưng hầu hết chỉ mua bản quyền chứ không có gian hàng triển lãm. Điều đó có nghĩa là không có nhiều nhận thức lắm về việc sử dụng sân chơi Hội sách Frankfurt để thúc đẩy xuất bản và bán bản quyền.
– Theo bà, các đơn vị xuất bản Việt nên làm gì để vươn ra khu vực và thế giới?
– Có nhiều cách để cải thiện tình trạng này. Một trong số đó, có thể thấy Hội sách Frankfurt của Đức có thể là một điểm khởi đầu tuyệt vời. Cả các NXB và cả các đơn vị xuất bản tư nhân Việt Nam đều nên đến Hội sách Frankfurt. Chúng ta có thể làm việc theo lộ trình để từng năm các đơn vị sách của các bạn góp mặt ở sự kiện quốc tế này. Chẳng hạn năm ngoái, chúng tôi có một diễn giả Việt Nam tham gia buổi trò chuyện về vấn đề bản quyền quốc tế, cùng với các diễn giả nước ngoài. Đó là một điểm khởi đầu tốt đẹp.
Ngoài việc cần có khu gian hàng lớn hơn, sẽ tốt hơn cho xuất bản Việt nếu các bạn mang một số nhà văn sang diễn thuyết tại Frankfurt, hoặc tổ chức một số sự kiện về văn chương và xuất bản. Các bạn cũng có thể bán bản quyền những tác phẩm mà các bạn sở hữu trên mạng internet quốc tế. Nếu tiếp tục nỗ lực vài năm theo hướng này, Việt Nam có thể được xem xét để trở thành Khách mời danh dự tại Hội sách Frankfurt. Năm ngoái, Indonesia là nước Đông Nam Á đầu tiên là Khách mời danh dự tại Frankfurt 2015. Đây là một cơ hội tốt để họ giới thiệu không chỉ thị trường sách trong nước mà còn cả văn hóa, du lịch… đất nước họ.
Độc giả chen chân tìm mua sách giảm giá ở Hội sách TP HCM lần thứ chín.
– Theo bà, thể loại sách nào giới xuất bản Việt cần tập trung đầu tư để giới thiệu với bên ngoài và loại sách nào thị trường nội địa Việt Nam?
– Nếu chỉ mua bản quyền nhập khẩu về nước các bạn, bạn sẽ không thể làm được gì nhiều, bạn cần phải có sách của chính mình để bán đi ra bên ngoài, và từ đó bạn mới có thể bán bản quyền thêm ra các loại hình media khác. Và lúc đó bạn có nhiều cơ hội hơn nếu sở hữu riêng các sản phẩm trí tuệ.
Tôi cho rằng quan trọng hơn là cần phát triển các tài năng trong nước vì họ có thể lấp đầy những chỗ hổng đó với những tác phẩm trong nước. Có nhiều điều cần phải nói cho việc phát triển tài năng trong nước vì sở hữu trí tuệ có thể được nhân lên và được bán bản quyền ra nhiều nước khác nhau. Đó là lúc những cơ hội kinh doanh sẽ đến.
– Bà nghĩ độc giả nước ngoài hứng thú với thể loại sách gì của Việt Nam?
– Theo tôi, việc xuất bản sách văn học mới, của các tác giả trẻ, tài năng có thể được ưu tiên cao hơn. Tiếp đó là những sách về vấn đề khoa học xã hội, kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa.
Nhiều chuyên gia nói với chúng tôi rằng rất khó bán bản quyền sách Việt Nam ra nước ngoài. Đó là sự thật. Tuy vậy, ngay cả các Nhà xuất bản Đức cũng phải đối diện với nhiều khó khăn khi bán bản quyền sách của Đức cho các NXB Mỹ hoặc Anh, vì các thị trường đó đã tự cung tự cấp. Vì thế chúng ta cần những lối suy nghĩ mới đầy sáng tạo về việc trải dài thông tin về các đầu sách của mình, và cần chính phủ hỗ trợ.
Chẳng hạn tại Đức, chúng tôi đã tạo ra NXB online New Books in German để đăng tải một số sách mới của Đức thuộc lĩnh vực văn học. Viện Goeth cung cấp quỹ dịch thuật cho tất cả ngôn ngữ và chúng tôi có German Book Centres ở nhiều nơi như: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil để cung cấp thông tin về các cuốn sách của Đức cho các đơn vị xuất bản nước ngoài. Chúng tôi cũng giới thiệu các tên sách của Đức tại khoảng 20 hội chợ sách quốc tế và hỗ trợ quảng bá chúng liên tục. Đó là những ví dụ rất thành công mà Việt Nam có thể làm và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bằng kinh nghiệm của mình.
Lucy Nguyễn thực hiện