Quỹ Newton- Thông báo Chương trình hỗ trợ hợp tác nghiên cứu ngắn hạn tại Vương Quốc Anh

Trong khuôn khổ Quỹ Newton Việt Nam, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) đang phối hợp với Viện Hàn lâm Anh quốc (British Academy) triển khai chương trình hợp tác “Trao đổi nghiên cứu giữa các nhà khoa học Việt Nam và Vương quốc Anh” trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
 
 
Viện Hàn lâm Anh quốc sẽ tài trợ toàn phần cho một số đề xuất hợp tác nghiên cứu ngắn hạn của các nhóm 2 nhà khoa học của hai nước, trong thời gian tối đa tới 12 tháng.
 
Thông tin chi tiết về chương trình và phương thức nộp hồ sơ được thông báo tại trang web của Viện Hàn lâm Anh quốc: www.britac.ac.uk/newton-mobility-grants
Hạn nộp hồ sơ: 17.00 ngày 18/3/2015 (giờ UK)
 
Thông tin liên hệ: chị Phan Liên Hương, Cán bộ Chương trình Nghiên cứu, Đại sứ quán Anh, Hà Nội. Email: phan.huong@fco.gov.uk; Tel: 04. 3936 0500/ ext.2297.
 
* Quỹ Newton Việt Nam là một chương trình hợp tác phát triển về khoa học và đổi mới sáng tạo giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Anh trong thời gian 5 năm (2014-2019). Chương trình “Trao đổi nghiên cứu giữa các nhà khoa học” là một trong các chương trình được hỗ trợ bởi Quỹ Newton. 
 
Xin xem thêm thông tin thêm về Quỹ Newton tại : http://www.most.gov.vn/Desktop.aspx/Thong_bao/Thong-bao/Quy_Newton-_Thong_bao_Chuong_trinh_ho_tro_hop_tac_nghien_cuu_ngan_han_tai_Vuong_Quoc_Anh/
 

Cuộc thi Thiết kế kiểu dáng đồ trang sức ASEAN 2015

 

Cục Sở hữu trí tuệ      
 
 
Trong khuôn khổ dự án hợp tác Liên minh châu Âu – ASEAN về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (ECAP III), cuộc thi Thiết kế kiểu dáng đồ trang sức ASEAN năm 2015 đã được phát động cho 10 quốc gia thành viên với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 được tổ chức tại mỗi nước thành viên và Cục Sở hữu trí tuệ sẽ là đầu mối tổ chức cuộc thi cho các công dân Việt Nam với thể lệ cuộc thi được đính kèm. Đây là cơ hội để sản phẩm trang sức của Việt Nam được biết tới rộng rãi trong cộng đồng ASEAN cũng như các giải thưởng có giá trị cho người thắng cuộc ở mỗi nước.Cuộc thi dành cho tất cả công dân Việt Nam có quan tâm tới lĩnh vực này.
 
Thể lệ cuộc thi có thể tải về tại đây.
Mẫu phiếu đăng ký có thể tải về tại đây.
Để biết thêm thông tin về cuộc thi, vui lòng liên hệ theo địa chỉ:
CỤC SỞ HỮU TRÍ TUỆ
(Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo)
386 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
ĐT: 04.38586455; 04.38583069 (205)
(gặp anh Phan Hữu Phú hoặc anh Nguyễn Văn Bảy)
Email: rtc_noip@yahoo.com
Nguồn:  Cục Sở hữu trí tuệ

Công bố Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015

 
 
Sáng 10/3/2015, tại Hà Nội, Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức lễ công bố Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015. Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng cùng các thành viên thuộc Ban tổ chức Giải thưởng, các nhà khoa học có uy tín thuộc các viện, trường đại học, cơ quan nghiên cứu trong nước và các cơ quan báo chí. 
 
Lễ công bố có sự tham dự của hàng trăm đại biểu là các nhà khoa học, quản lý và phóng viên báo chí
 
Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng của Bộ KH&CN, được tổ chức hằng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và khoa học công nghệ Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế, tạo tiền đề cho KH&CN của đất nước hội nhập và phát triển.
 
Tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014, Giải thưởng Tạ Quang Bửu được trao cho GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng, Khoa Toán,Trường Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội thuộc lĩnh vực Toán học, với công trình “Các đồng cấu giữa các đại số Dickson- Mùi xem như các Moodun trên đại số Steenrod” và PGS.TS Nguyễn Bá Ân, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thuộc lĩnh vực Vật lý, với công trình “Đồng viễn tạo trạng thái lượng tử thông qua các trạng thái W và kiểu W”. Việc tổ chức Giải thưởng đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam.
 
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Tiến Dũng- Giám đốc Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia cho biết, Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015 có nhiều nét mới. Cụ thể, giải thưởng xét tặng cho các công trình nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Trong đó bao gồm: Khoa học tự nhiên (toán học, khoa học máy tính và thông tin, vật lý, hóa học, các khoa học trái đất và môi trường liên quan, sinh học, khoa học tự nhiên); Khoa học kỹ thuật và công nghệ; Khoa học y, dược; Khoa học nông nghiệp…
 
Đối tượng tham gia xét Giải thưởng Tạ Quang Bửu gồm các nhà khoa học là tác giả của công trình nghiên cứu khoa học cơ bản xuất sắc thuộc các lĩnh vực xét tặng Giải thưởng.
 
Ban Tổ chức cho biết, cơ cấu Giải thưởng Tạ Quang Bửu bao gồm: Từ một (01) đến ba (03) Giải thưởng dành cho tác giả của công trình khoa học và một (01) Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi) là tác giả của công trình khoa học.
 
Mỗi giải thưởng sẽ gồm: Bằng chứng nhận Giải thưởng của Bộ trưởng Bộ KH&CN và tiền thưởng 200 triệu đồng (đối với Giải thưởng dành cho tác giả của công trình khoa học) hoặc 50 triệu đồng (đối với Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ là tác giả của công trình khoa học). 
 
Tại lễ công bố, các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến hữu ích cho giải thưởng. GS. Ngô Việt Trung, Viện Toán Học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015 cho rằng, thông thường thành viên hội đồng xét giải thưởng KH&CN có tới một nửa là các nhà quản lý khoa học nên nhiều khi giải thưởng không phản ánh đúng chất lượng nghiên cứu hoặc công trình người được giải. Các công trình tham dự Giải thưởng Tạ Quang Bửu có hai hội đồng là các nhà khoa học tiêu biểu chuyên ngành. GS. Trung cũng hy vọng trong tương lai có thể mời thêm nhiều nhà khoa học có uy tín trong và ngoài nước tham gia, giải thưởng sẽ giữ được chất lượng như năm vừa qua.
 
PGS.TSKH Trần Trọng Hòa, Viện Địa chất, Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam chia sẻ, đối với ngành nghiên cứu khoa học về địa chất khi tham gia Giải thưởng gặp nhiều khó khăn. Khó khăn từ lĩnh vực nghiên cứu, đối tượng đến điều kiện nghiên cứu. Theo PGS. Trần Trọng Hòa, đây được coi là một cú huých rất tốt để các nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực rất khó khăn này dám lao vào những nghiên cứu đỉnh cao.
 
Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại lễ công bố giải thưởng 
 
Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, năm 2015, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 01/2015/TT-BKHCN ngày 12/01/2015 về việc ban hành Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu, trong đó có một số điểm được điều chỉnh so với Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu ban hành kèm theo Quyết định số 2635/QĐ-BKHCN ngày 26/8/2013 của Bộ trưởng Bộ KH&CN.
 
Ban tổ chức Giải thưởng đã tham khảo và quyết định mời Giáo sư Ngô Việt Trung tiếp tục làm Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng năm 2015. Các thành viên Hội đồng Giải thưởng sẽ được cân đối, quyết định dựa trên cơ cấu hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng.
 
Thứ trưởng nhấn mạnh: Chúng tôi tin tưởng rằng, Giải thưởng Tạ Quang Bửu sẽ trở thành một giải thưởng uy tín, tạo được lòng tin trong cộng đồng khoa học Việt Nam, góp phần thúc đẩy các nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, xây dựng các nền móng cơ bản và vững chắc cho các nghiên cứu ứng dụng, qua đó góp phần nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước.
 
Các cá nhân nộp hồ sơ đăng ký xét Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho Cơ quan thường trực của Giải thưởng là Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia từ ngày 06/3 đến hết ngày 18/4/2015. Mẫu Hồ sơ đăng ký được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Quỹ tại địa chỉ: www.nafosted.gov.vn. Công tác xét duyệt Giải thưởng sẽ được tiến hành từ ngày 20/4/2015 đến ngày 15/5/2015 và Lễ trao Giải thưởng sẽ được tổ chức vào tháng 5/2015.
 
 
Nguồn:  Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&C

Năm 2015: Sẽ thực hiện quyết liệt việc chuyển đổi cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm

 
Đây là một trong những chỉ đạo nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập (Nghị định 115) tổ chức tại Hà Nội, ngày 6/3/2015. 
 
Toàn cảnh hội nghị
 
Hội nghị do Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội và Bộ KH&CN phối hợp tổ chức. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: đồng chí Vũ Đức Đam- Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phan Xuân Dũng- Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Quân- Bộ trưởng Bộ KH&CN đã tham dự và chủ trì hội nghị.
 
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh, hiện nay cả nước có 642 tổ chức KH&CN công lập, gồm 473 tổ chức thuộc các bộ, ngành và 169 tổ chức thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có 488 tổ chức đã được phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ (đạt 76%) (380 tổ chức thuộc các bộ, ngành và 108 tổ chức thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Hiện nay, còn 154 tổ chức đang xây dựng hoặc đang trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ, trong đó có 93 tổ chức thuộc các bộ, ngành và 61 tổ chức thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 
 
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 115 với tinh thần đổi mới và giao quyền tự chủ mạnh mẽ cho tổ chức KH&CN công lập, nhất là các quyền về thực hiện nhiệm vụ, tài chính và tài sản, tổ chức bộ máy, nhân lực, nhiều tổ chức KH&CN công lập đã chuyển đổi thành công, khẳng định được vị thế, thương hiệu của mình trên thị trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ khoa học. Hiện 100% tổ chức KH&CN đã được tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Một số tổ chức KH&CN có toàn bộ doanh thu năm 2014 từ các hợp đồng nghiên cứu triển khai và dịch vụ KH&CN, như: Viện Dầu khí Việt Nam với 601 tỷ đồng, Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp là 712 tỷ đồng, Viện Nghiên cứu cơ khí là 680 tỷ đồng, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là 350 tỷ đồng,… 
 
Tuy nhiên, cũng còn không ít tổ chức KH&CN công lập chưa thành công, chậm chuyển đổi do các nguyên nhân như nhận thức chưa đúng, đầy đủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; thiếu sự quyết liệt, nghiêm túc trong chỉ đạo thực hiện Nghị định; chậm ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn; thiếu đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật;… Đây là nguyên nhân khiến rất ít tổ chức KH&CN được giao quyền tự chủ thực sự về tài chính, tổ chức bộ máy, nhân lực và liên kết, hợp tác quốc tế, nhất là ở các địa phương. 
 
Tại hội nghị, rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học, cán bộ quản lý khoa học đều đồng tình với những quy định về cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập, là bước tiến để giúp các nhà khoa học tiếp cận gần hơn và vươn ra thị trường. Các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp trong đó có việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức KH&CN công lập thực hiện được đầy đủ cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hình thành thị trường KH&CN; tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới; phân loại tổ chức KH&CN công lập; rà soát, đánh giá kết quả hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập đã chuyển đổi; kiên quyết sáp nhập hoặc giải thể các tổ chức KH&CN không đủ điều kiện chuyển đổi sang cơ chế tự chủ;…
 
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tháo gỡ bằng được những vướng mắc do các quy định, hướng dẫn liên quan
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, một trong những vấn đề trọng tâm trong đổi mới, phát triển KH&CN hiện nay là phải công khai minh bạch từ khâu ra đề bài, đề tài, nội dung, quá trình nghiệm thu kết quả đến thông tin kết quả nghiên của KH&CN ở trong và ngoài nước để tránh lặp lại các nghiên cứu được thực hiện trước đó. Và tự chủ chính là khâu quan trọng nhằm thực hiện công khai minh bạch trong nghiên cứu KH&CN ở Việt Nam hiện nay.
 
Theo Phó Thủ tướng, tổng chi cho KH&CN của Việt Nam không thấp so với nhiều nước ở cùng trình độ phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, yêu cầu thực tiễn đòi hỏi cần sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn lực này để tăng kinh phí, tăng số người làm KH&CN, đồng thời giảm tình trạng sử dụng kinh phí lãng phí, giảm số người vào bộ máy KH&CN nhưng không làm khoa học. Mục đích của việc tự chủ là để khắc phục những bất cập do bao cấp một thời gian rất dài dẫn đến sử dụng không hiệu quả nguồn lực đầu tư cho KH&CN. Không tạo được động lực để các thành phần ngoài Nhà nước đầu tư vào KH&CN. Với cơ chế tự chủ, ngân sách Nhà nước cấp cho tổ chức KH&CN sẽ theo cơ chế đặt hàng thay vì theo biên chế như hiện nay.
 
Liên quan đến các khó khăn, vướng mắc, Phó Thủ tướng chỉ đạo cần tháo gỡ bằng được những vướng mắc do các quy định, hướng dẫn liên quan. Cụ thể, đề nghị Bộ KH&CN chủ trì, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính,… cùng giải quyết dứt điểm các vướng mắc về vấn đề tự chủ KH&CN trong thẩm quyền của mình hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định. Hai Bộ Tài chính, Nội vụ cần sửa ngay những quy định không phù hợp về định mức, mô tả vị trí công việc của các nhà khoa học trong tổ chức KH&CN, vốn có những đặc thù khác với cơ quan sự nghiệp công lập. Trong năm 2015, các Bộ ngành, địa phương phải vào cuộc quyết liệt, làm rõ nguyên nhân, nghiêm túc thực hiện tự chủ tất cả các tổ chức KH&CN trực thuộc theo kế hoạch, đặc biệt là 154 tổ chức chưa phê duyệt đề án tự chủ, trên tinh thần “không gia hạn nữa, nếu tổ chức nào không chuyển sang tự chủ thì cắt ngân sách”.
 
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Bộ sẽ cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng một văn bản tháo gỡ những vướng mắc hiện tại
 
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Quân ghi nhận ý kiến góp ý của các đại biểu và tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng, đồng thời cho biết trong thời gian tới Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các bộ, ngành cùng sự tham mưu của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam xây dựng một văn bản mới nhằm cụ thể hóa Nghị định số 16/2015/NĐ-CP mới được Chính phủ ban hành về tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập, tháo gỡ tất cả những khó khăn vướng mắc hiện tại, xây dựng cơ chế phù hợp và đề xuất giải pháp cho các tổ chức KH&CN phải sáp nhập, giải thể.
 

Hỗ trợ thương mại hoá kết quả nghiên cứu của nhà khoa học

 
14 nhà khoa học là các giảng viên trường đại học, nhà nghiên cứu và doanh nhân liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) sẽ đến Vương quốc Anh tham gia chương trình “Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu của nhà khoa học”. 
 
Ông Nguyễn Văn Trúc- Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ cho biết như trên tại buổi gặp mặt đoàn đi Vương quốc Anh diễn ra chiều 02/3/2015.
 
Buổi gặp mặt đoàn đi Vương quốc Anh
 
Đây là khoá học đầu tiên của chương trình “Hỗ trợ thương mại hoá kết quả nghiên cứu của nhà khoa học” trong khuôn khổ Chương trình hợp tác nghiên cứu và đổi mới sáng tạo giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Anh, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Cục PTTTDN), Bộ KH&CN phối hợp với Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh tổ chức. Mục tiêu của chương trình là nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của các nhà khoa học, nhà sáng chế Việt Nam thông qua thực hành các kỹ năng kinh doanh, xây dựng quan hệ đối tác, tìm kiếm cơ hội đầu tư và trao đổi lâu dài về đổi mới sáng tạo giữa hai nước.
 
Từ ngày 07 đến ngày 19/03/2015, các học viên sẽ tham gia tập huấn 08 ngày tại Vương quốc Anh dưới sự hướng dẫn và bảo trợ của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh. Khóa học sẽ cung cấp các kiến thức và kỹ năng về mô hình kinh doanh khoa học công nghệ, phát triển và thuyết phục khách hàng, dựa trên kinh nghiệm thành công của các doanh nghiệp Vương quốc Anh. Các học viên cũng sẽ có cơ hội tham vấn, thực hành và kết nối với các chuyên gia và mạng lưới doanh nghiệp khoa học công nghệ của Viện Hàn lâm. Từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2015, các khóa tập huấn bổ sung và hoạt động kết nối tại Việt Nam dưới sự hướng dẫn và bảo trợ của Cục PTTTDN nhằm hoàn thiện kế hoạch kinh doanh phù hợp với chính sách và điều kiện của Việt Nam.
 
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục PTTTDN kỳ vọng sau chương trình này các nhà khoa học sẽ tìm hiểu các câu chuyện thành công và thất bại ở Anh, học cách thương mại hóa kết quả nghiên cứu để có thể áp dụng phù hợp khi về Việt Nam.
 
Ông Trần Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư và Phát triển công nghệ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, khóa học này sẽ giúp các học viên tìm hiểu về mô hình vườn ươm doanh nghiệp KH&CN, mối quan hệ giữa cộng đồng doanh nghiệp với nhà khoa học, vai trò của nhà nước trong việc ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, qua đó sẽ tạo ra hệ sinh thái cho hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam.
 
Nguồn:  Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Xuất bản sách khoa học thiếu niên: Vạn dặm gian nan

 


Ở nước ta, sách phổ biến khoa học, mở mang kiến thức cho thiếu niên (10-15 tuổi) đang rất trống vắng.


Các học sinh tiểu học ở TP.HCM tham gia chương trình Thí nghiệm cho bé (BASF Kids' lab) do Công ty BASF (Đức) tổ chức. Đây là chương trình giúp các em tìm hiểu khoa học bằng những thí nghiệm đơn giản – Ảnh: Đỗ Kim Chung
Trong khi các bạn cùng lứa tuổi ở các nước phát triển khá “thông thiên văn, tường địa lý”, có thể nói vanh vách về hệ Mặt trời, các hành tinh hay các thiên hà, được trang bị những kiến thức ứng dụng trong đời sống thông qua nhiều cuốn sách trình bày đẹp, hình ảnh bắt mắt, giảng giải tường tận các kiến thức khoa học phù hợp với lứa tuổi (từ ôtô, máy bay, vũ trụ, đến cơ thể người, cách thức làm ra đồ ăn, đồ dùng…) thì các học sinh ở Việt Nam chủ yếu phải lo học thêm, lo giải bài tập mà thiếu hẳn những kiến thức đa dạng khác.
Thế là các giá sách, kệ sách tại các cửa hàng bán sách cũng lo đáp ứng nhu cầu đó cho các em, mảng sách phổ biến khoa học dành cho các em đã gặp khó lại càng thêm khó.
Có quá nhiều lý do cho sự thiếu vắng và trầy trật này của sách phổ biến khoa học cho thiếu niên. Ở góc độ xuất bản, hiện chỉ có vài nhà xuất bản (NXB) như NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, Công ty Đông A, Long Minh tổ chức xuất bản sách phổ biến khoa học cho thiếu niên, mà chủ yếu là sách dịch.
Ở mảng dành cho lứa tuổi nhi đồng, lực lượng làm sách đông hơn, phần vì dễ làm, không đòi hỏi kiến thức chuyên môn, đầu tư ít hơn, phần cũng dễ bán hơn.
Để có thể định lượng về sự khó khăn này, có thể dùng đến con số mới nhất từ Hội sách Hà Nội (diễn ra đầu tháng 10-2014), theo đó tổng doanh thu toàn hội sách là 5 tỉ đồng, còn tổng doanh thu từ mảng sách phổ biến khoa học cho thiếu niên của NXB Trẻ, NXB Kim Đồng và Công ty Long Minh ước tính chỉ đạt hơn 100 triệu đồng (chiếm 2%). Vì sao có con số buồn bã đó?
Yếu, mỏng và khó
Trái ngược với cảnh tấp nập của các gian hàng bán sách văn học, sách tâm lý, truyện tranh, các gian sách phổ biến khoa học vắng vẻ, đìu hiu, khách ghé thăm chủ yếu là những người yêu thích, hiểu biết về khoa học hoặc làm việc trong các lĩnh vực khoa học đến chọn sách cho bản thân hoặc cho con em mình.
Ngành giáo dục có đến hơn 1 triệu giáo viên nhưng lượng sách phổ biến khoa học tiêu thụ mỗi năm không nhiều, chứng tỏ nhiều giáo viên không hay mua loại sách này. Học sinh thường chỉ quan tâm nhiều đến sách giải bài tập hay sách tham khảo.
Số phụ huynh đi tìm mua sách khoa học vì mục đích nuôi dưỡng đam mê tìm hiểu thế giới sinh động xung quanh và nâng cao khả năng tìm tòi, nghiên cứu cho các em… lại quá ít.
Cái sự “mỏng” đó còn thể hiện trên lực lượng những người làm sách phổ biến khoa học hiện nay, vốn có thể kể ra trên đầu ngón tay. Hiện nay, nổi bật nhất là nhóm cộng tác viên chủ biên tủ sách Khoa học và khám phá cho cả thiếu niên và người lớn của NXB Trẻ, gồm dịch giả Phạm Văn Thiều, GS.TSKH Nguyễn Văn Liễn, TS Vũ Công Lập.
Nhóm thành lập được hơn 10 năm, đã mời các nhà khoa học có uy tín, những nghiên cứu sinh Việt Nam ở ngoài nước tham gia dịch thuật, đến nay đã cho ra đời khoảng 25 đầu sách, như Định lý cuối cùng của Ferma, Mật mã, Bảy nàng con gái của Eva, Cuộc chiến lỗ đen, Bản thiết kế vĩ đại… Trung bình mỗi năm nhóm này dịch được ba quyển sách.
NXB Kim Đồng có ban sách khoa học do dịch giả Hoàng Thanh Thủy làm trưởng ban, dưới sự chỉ đạo của tổng biên tập Nguyễn Huy Thắng, người đã có kinh nghiệm nhiều năm làm sách khoa học.
Ban khoa học của NXB Kim Đồng kiên trì duy trì các tủ sách khoa học, tiêu biểu là Kiến thức thế hệ mới – tủ sách phổ biến kiến thức, trong đó có hàng chục đầu sách về khoa học và công nghệ được các em nhỏ yêu thích.
Đối với lứa tuổi thiếu niên, có nhóm làm sách phổ biến khoa học của Công ty Long Minh do dịch giả Nguyễn Việt Long đứng đầu. Trong những năm gần đây, nhóm đã xuất bản 26 quyển sách về khoa học, trong đó đáng kể nhất là tủ sách Đam mê toán học (gồm 6 quyển) và tủ sách Tập làm nhà phát minh (gồm 12 quyển).
Tập làm nhà phát minh đã bước thêm một bước thông qua các cuộc thi tự làm đồ chơi (tên lửa, máy bay…) tại Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam và một số trường khác, lôi cuốn nhiều học sinh tham gia và gieo mầm say mê sáng tạo khoa học cho các em.
Vậy còn số tác giả viết sách phổ biến khoa học của Việt Nam? Câu trả lời là: cực ít, nếu không muốn nói là không có ai. Trên thị trường có một số sách viết về cuộc đời các nhà khoa học, nhưng trong đó chưa có nhiều kiến thức khoa học, một số sách nửa dịch thuật, nửa phóng tác từ nguồn sách tiếng Anh và tiếng Trung, chủ yếu dành cho lứa tuổi nhỏ.
Các tác giả Việt Nam tập trung viết sách giải bài tập để phục vụ trực tiếp cho nhu cầu thi cử của học sinh mà chưa có đủ trình độ, thời gian cũng như sự quan tâm và nhiệt huyết dành cho mảng sách phổ biến khoa học.
Một số GS, PGS, TS là giảng viên đại học cũng bận bịu giảng dạy, hướng dẫn học trò và làm đề tài nghiên cứu, giỏi lắm cũng chỉ dịch ít sách chuyên ngành và giáo trình. Ngay cả khi đã viết được phần lời thì ngành xuất bản Việt Nam cũng thiếu hẳn kho dữ liệu hình ảnh có bản quyền để minh họa, phục vụ cho những cuốn sách ấy.
Mà sách khoa học thì không thể thiếu phần hình ảnh minh họa. Vì thế, tổ chức dịch sách phổ biến khoa học của nước ngoài dù vất vả nhưng vẫn có hiệu quả và đỡ tốn kém cả về thời gian, đầu tư lẫn công sức hơn việc tự viết sách phổ biến khoa học.
Độ khó của sách phổ biến khoa học nói chung, sách phổ biến khoa học cho lứa tuổi thiếu niên nói riêng, nhất là để tránh được sai sót về kiến thức hay thuật ngữ khiến công tác dịch thuật và biên tập khá vất vả.
Ngoài việc yêu thích và hiểu rõ nội dung khoa học trong quyển sách thì để có được bản dịch chính xác và dễ hiểu, công tác hiệu đính bản dịch cũng tốn rất nhiều công sức vì hiếm người làm có trình độ khoa học tốt kết hợp với sự am hiểu về thuật ngữ. Hiện rất ít NXB của Việt Nam có biên tập viên “có nghề” cho mảng sách phổ biến khoa học cho thiếu niên, chủ yếu vẫn dùng người biết ngoại ngữ.
Nhưng quy trình chuẩn để một cuốn sách phổ biến khoa học ra đời cần ít nhất 2-3 biên tập viên có kinh nghiệm đọc và biên tập, nếu cần, bản thảo phải được các chuyên gia trong lĩnh vực đó đọc phản biện để nhận xét, góp ý. Đó là chưa kể việc cần đến những lời giới thiệu xác thực và lôi cuốn của những người nổi tiếng trong lĩnh vực khoa học.
Ngôn ngữ là một trở ngại khác. Hệ thống thuật ngữ tiếng Việt – ngay cả với một số thuật ngữ khoa học có tính phổ thông – còn thiếu hoặc chưa được cập nhật một cách có hệ thống, do đó trong quá trình dịch thuật và biên tập sách khoa học, người dịch hoặc biên tập viên phải cân nhắc, khai phá đặt ra từ mới.
Cuối cùng, với thời gian làm ra quyển sách lâu (có cuốn đến vài ba năm), in số lượng ít (chỉ 1.000-1.500 bản) dẫn đến giá bán một quyển sách phổ biến khoa học khá cao khiến độc giả phải nâng lên đặt xuống nhiều lần khi mua.
Những rào cản khác
Không nói đến những hiệu sách nhỏ hoàn toàn không có loại sách này, nhiều hiệu sách lớn hiện nay không có khu vực bán sách khoa học riêng, nếu có cũng “trộn lẫn” sách lịch sử, sách kỹ năng sống… Nhưng đó mới chỉ là rào cản đầu tiên cho các đơn vị có định hướng làm sách khoa học.
Kênh phân phối sách đến nhà trường cũng “chật hẹp” không kém kênh ra thị trường, thư viện nhà trường không quan tâm lắm đến mảng sách này. Những năm gần đây, vì có các cuộc thi do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức như Hội thi khoa học và kỹ thuật (Intel ISEF) cấp quốc gia, tình hình có chuyển biến chút đỉnh.
Mỗi năm, hàng nghìn học sinh tham gia nghiên cứu khoa học trong hội thi này nhưng chỉ dừng ở mức ngoại khóa, các tiết học định hướng thẳng vào khoa học trong nhà trường vẫn “mơ về nơi xa lắm”.
Truyền thông cho sách khoa học là vấn đề nan giải, không chỉ ở độ khó của sách mà ngay cả các giải thưởng về sách cũng không có hạng mục sách phổ biến khoa học. Những trường hợp thành công, có tiếng, như tủ sách Khoa học và khám phá là nhờ đóng góp không nhỏ của nhà báo Vũ Công Lập – một chuyên gia truyền thông kỳ cựu và đầy tài năng.
Trước những khó khăn chồng chất này, phổ biến sách khoa học không phải là việc ngày một ngày hai mà là cả một chặng đường dài và cần đến sự chung tay góp sức của rất nhiều người. Một dịch giả nổi tiếng của Việt Nam từng nhận định: “Trong những người trẻ tuổi, không có ai dám dấn thân 100% cho việc dịch sách khoa học”.
Nhật Bản đã tiến hành cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật thành công từ thế kỷ 19 để trở thành một cường quốc, trong đó phần dịch thuật sách báo khoa học kỹ thuật phương Tây đóng vai trò quan trọng.
Nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội Nhật Bản cận hiện đại, người làm nên cuộc canh tân minh trị – Fukuzawa Yukichi – kể lại trong cuốn tự truyện của ông (*) chuyện sao trộm sách.
Vào cái thời cả nước Nhật đang xôn xao chuyện một đội tàu của Perry cập cảng và bàn chuyện phòng bị cho hải quân, Fukuzawa được xem một cuốn sách dạy về kỹ thuật xây thành mới xuất bản ở Hà Lan mà một người quen vừa mang về.
Cuốn sách dày chừng 200 trang, đắt bằng cả gia tài nên cậu học trò nghèo Fukuzawa đánh bạo hỏi mượn để… chép trộm. Ông chỉ dám chép vào ban đêm vì sợ bị phát hiện, trong tâm trạng vô cùng căng thẳng, lo lắng của người biết mình đang làm việc của “tên ăn cắp” nên mất gần 30 ngày mới chép xong.
Về sau, khi ông học trường Ogata, toàn trường chỉ có 10 bộ sách ngành vật lý và y được chở từ Hà Lan về, học trò trong trường phải tự sao chép sách bằng bút lông ngỗng, trên giấy được gột hồ từng tờ.
Chuyện chép sách, đặc biệt các cuốn sách mới về kỹ thuật, trở thành một hoạt động tập trung trí lực của học sinh toàn trường, điều về sau khiến họ trở nên khác biệt hoàn toàn với người dân trong toàn nước Nhật bấy giờ: họ đọc được những sách vở tiến bộ của phương Tây, làm được những kỹ thuật mà người thường lúc bấy giờ không hiểu, không làm nổi.
Và vì thế “dù có bần hàn, có nguy nan, quần áo có giản dị, ăn uống có đạm bạc, nhìn qua tưởng như bọn họ là một lũ học trò khố rách áo ôm, nhưng sự cao thượng, linh hoạt về trí lực, tư tưởng lại là điều mà vương gia quý tộc cũng phải cúi đầu”.

(*): Phúc ông tự truyện, NXB Thanh Niên và Alpha Books, 2013.
Đỗ Hoàng Sơn
Nguồn: Tuổi Trẻ

 

 

 

Thông báo tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư thực hiện trong kế hoạch năm 2015 (Lĩnh vực: khoa học y dược)


Vụ Hợp tác quốc tế

Căn cứ Quyết định số 65/QĐ-BKHCN ngày 14/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư đặt hàng để tuyển chọn bắt đầu thực hiện trong kế hoạch năm 2015 (Nội dung chi tiết tại Phụ lục đính kèm).

 

Để tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo phương thức và kế hoạch thực hiện việc tuyển chọn như sau:

1. Phương thức tuyển chọn được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 12/2014/TT-BKHCN ngày 30/5/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư. Chi tiết xin xem tại Trang thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. Hồ sơ tham gia tuyển chọn được xây dựng theo mẫu do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành kèm theo các Thông tư nêu trên.

3. Nơi nhận hồ sơ: Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn được gửi theo đường bưu điện (ngày nhận hồ sơ là ngày đến của bưu kiện) hoặc gửi trực tiếp đến địa chỉ: Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ (thông qua Phòng Hành chính), số 113 phố Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

4. Thời hạn nhận hồ sơ: thời hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký tuyển chọn là 17h00 ngày 17/02/2015.

Tệp đính kèm: chi tiết tại http://www.most.gov.vn/Desktop.aspx/Thong_bao/Thong-bao/Thong_bao_tuyen_chon_to_chuc_va_ca_nhan_chu_tri_thuc_hien_nhiem_vu_khoa_hoc_va_cong_nghe_theo_Nghi_dinh_thu_thuc_hien_trong_ke_hoach_nam_2015_Linh_vuc/

– Quyết định Phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư đặt hàng để tuyển chọn bắt đầu thực hiệntrong kế hoạch năm 2015 (Quyết định số 65/QĐ-BKHCN)
– Danh mục nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư đặt hàng bắt đầu thực hiện trong kế hoạch năm 2015

Thông báo tuyển dụng nhân sự cho Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” Vụ KH&CN các ngành kinh tế – kỹ thuật

 


Ngày đăng tuyển:

Ngày 30 tháng 12 năm 2014

Vị trí tuyển dụng:

Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” cần tuyển dụng 04 vị trí làm việc: 01 Quản đốc dự án, 01 Kế toán dự án, 01 Phiên dịch kiêm Cán bộ hành chính dự án, 01 chuyên gia vật liệu xây dựng.

 

Thông tin dự án:

Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai Dự án "Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung (GKN) tại Việt Nam" (gọi tắt là Dự án) được tài trợ bởi Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Chương trình phát triển liên hợp quốc (UNDP) và đồng tài trợ bởi các cơ quan/đơn vị liên quan của Việt Nam.
Mục tiêu của Dự án là cắt giảm tỉ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam. Để đạt mục tiêu nói trên, Dự án sẽ góp phần tháo gỡ các rào cản đối với sản xuất và sử dụng GKN thông qua việc thực hiện 04 hợp phần sau:
i) Hỗ trợ chính sách đối với việc phát triển công nghệ sản xuất GKN;
ii) Xây dựng năng lực kỹ thuật để ứng dụng, vận hành sản xuất GKN và sử dụng các sản phẩm GKN;
iii) Hỗ trợ tài chính bền vững cho việc ứng dụng công nghệ sản xuất GKN;
iv) Trình diễn công nghệ sản xuất gạch không nung, đầu tư và nhân rộng.
Dự án sẽ được thực hiện trong thời gian 5 năm và dự kiến sẽ góp phần giảm mức phát thải khí nhà kính thông qua việc thay thế các lò gạch đốt than đá. Mức giảm phát thải khí nhà kính trực tiếp ước tính là 383 ktonnes CO2. Mức giảm phát thải khí nhà kính gián tiếp ước tính là 13.409 ktonnes CO2 được tích lũy trong vòng 10 năm sau khi Dự án kết thúc.
Hồ sơ yêu cầu:

Ứng viên quan tâm cần nộp sơ yếu lý lịch (CV) bằng tiếng Anh và tiếng Việt, thư quan tâm, các bằng cấp chứng chỉ có liên quan tới địa chỉ dưới đây bằng điện tử hoặc bằng giấy. Không trả lại hồ sơ nếu ứng viên không trúng tuyển.

(Thông tin chi tiết về các vị trí tuyển dụng xem tại file đính kèm)

Địa điểm nộp hồ sơ:

Ban quản lý dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”

Bộ Khoa học và Công nghệ
Số 113 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Tel: 04-35560630; Fax: 04-39439733
Email: ndhau@most.gov.vn

Thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ:

Hạn nộp hồ sơ: 16 giờ, ngày 15/01/2015. Riêng đối với vị trí Chuyên gia vật liệu xây dựng, hạn nộp hồ sơ đến 16 giờ, ngày 30/01/2015.

Lưu ý: – Thông báo chỉ gửi tới những thí sinh lọt vào sơ tuyển.

– Không trả lại hồ sơ nếu ứng viên không trúng tuyển.
Chi tiết: http://www.most.gov.vn/Desktop.aspx/Thong_bao/Thong-bao/Thong_bao_tuyen_dung_nhan_su_cho_Du_an_Tang_cuong_san_xuat_va_su_dung_gach_khong_nung_o_Viet_Nam/

 

 

 

TTO – Quỹ đổi mới KH&CN quốc gia là một định chế tài chính mới có vốn điều lệ là 1.000 tỉ đồng do ngân sách nhà nước cấp. Hằng năm, Quỹ còn được cấp vốn bổ sung

TTO – Quỹ đổi mới KH&CN quốc gia là một định chế tài chính mới có vốn điều lệ là 1.000 tỉ đồng do ngân sách nhà nước cấp. Hằng năm, Quỹ còn được cấp vốn bổ sung.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đổi mới KH&CN chính là “giải pháp có ý nghĩa rất quyết định để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh”.

Ảnh: NGŨ HIỆP
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đổi mới KH&CN chính là “giải pháp có ý nghĩa rất quyết định để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh”. – Ảnh: NGŨ HIỆP
Chiều tối 8-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dự Lễ ra mắt Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia do Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) tổ chức.

 

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng khẳng định Quỹ đổi mới KH&CN quốc gia là một định chế tài chính mới nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ của đất nước thông qua hỗ trợ các tổ chức – mà trọng tâm là các doanh nghiệp.

Quỹ sẽ góp phần cho sự phát triển khoa học công nghệ đất nước, đặc biệt đối với việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất kinh doanh.

“Làm được điều đó thì mới có thể phát triển nhanh, bền vững và đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Năm 2015: chỉ tài trợ, chưa cho vay

Theo Quyết định thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia của Thủ tướng Chính phủ, vốn điều lệ của Quỹ là 1.000 tỷ đồng do ngân sách nhà nước về hoạt động khoa học, công nghệ cấp. Hằng năm, Quỹ còn được cấp vốn bổ sung từ ngân sách nhà nước để đạt tổng mức vốn điều lệ này.

Tại lễ khai trương, Thủ tướng cũng nhắc những người trực tiếp làm công tác điều hành, quản lý quỹ cần làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, “vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoạt động của quỹ ngày càng hoàn thiện và hiệu quả”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nói “một nửa số vốn điều lệ sẽ được dùng để tài trợ cho các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, thậm chí để nhập khẩu công nghệ, thuê chuyên gia nước ngoài phục vụ đổi mới công nghệ. Nửa quỹ còn lại sẽ dùng để hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo lãnh vốn vay, cho vay ưu đãi…”.

Tuy nhiên, ông Quân cho biết năm 2015, do tình hình tài chính khó khăn, số tiền ngân sách đầu tư cho Quỹ mới chỉ dừng ở con số 300 tỷ đồng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chia sẻ với Bộ trưởng Nguyễn Quân ở các năm tới sẽ cố gắng bố trí đủ vốn điều lệ cho quỹ là 1.000 tỷ đồng.

“Do nguồn quỹ còn hạn hẹp, nên năm 2015, Quỹ sẽ chỉ tập trung chủ yếu tài trợ các dự án có hợp phần nghiên cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp khi tiếp nhận các nghiên cứu từ viện, trường ĐH trong nước hoặc của nước ngoài, chứ chưa hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn hay cho vay ưu đãi các doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng thương mại như dự kiến ban đầu”- ông Quân cho biết.

Trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Thực tế, ngay khi Quỹ bắt đầu đi vào hoạt động, đã có ý kiến lo ngại Quỹ với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách không nhỏ nếu “rót vốn” cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn thì sẽ tăng bất công trong cạnh tranh kinh tế. Đáp lại băn khoăn này, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định trọng tâm ưu tiên đầu tư của quỹ không phải là những doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

“Quỹ sẽ ưu tiên trước hết đầu tư cho doanh nghiệp KH&CN, trong doanh nghiệp KH&CN lại ưu tiên những lĩnh vực mà Việt Nam đang có thế mạnh như nông, lâm, thủy sản xuất khẩu để có được những sản phẩm quốc gia công nghệ cao. Lưu ý rằng hiện tại, các doanh nghiệp KH&CN của nước ta đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tất yếu quỹ sẽ đầu tư cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chứ không phải các tập đoàn lớn”- ông Quân lý giải.

Với sự ra đời của quỹ, Bộ KH&CN hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia trở thành doanh nghiệp KH&CN để được hưởng ưu đãi từ Nhà nước.

“Quan trọng vẫn là số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp biết quan tâm và dựa vào đổi mới công nghệ để phát triển chứ không phải số lượng doanh nghiệp được cấp chứng nhận.

Vấn đề là nhiều doanh nghiệp không đăng ký vì họ cho rằng nếu trở thành doanh nghiệp KH&CN được miễn một chút thuế, nhưng thủ tục quá phiền hà nên rốt cục họ đành đóng thuế như bình thường để không bị “vướng” vào các thủ tục ấy”- ông Quân chia sẻ.

Theo ông Quân, hiện tại, số doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chí là doanh nghiệp khoa học công nghệ là hơn 2.000, nhưng thực tế số lượng doanh nghiệp được cấp phép là doanh nghiệp khoa học công nghệ mới chỉ đạt chưa đến 1/10 với tổng số hơn 100 doanh nghiệp trên cả nước.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia vừa là tổ chức tài chính Nhà nước, vừa là đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý Nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

Đối tượng hỗ trợ của Quỹ chủ yếu là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có các hoạt động đổi mới và ứng dụng công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để đưa ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ mới có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.

Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia hỗ trợ tài chính cho các hoạt động:

1) Nghiên cứu phát triển công nghệ của doanh nghiệp,

2) Chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm dịch vụ hoặc phục vụ sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia,

3) Ươm tạo doanh nghiệp KHCN,

4) Ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn,

5) Đào tạo cán bộ KH&CN phục vụ hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

NGỌC HÀ

10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật trong năm 2014.

Chiều 24/12, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ đã công bố 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật trong năm 2014.

 

Các sự kiện này được các nhà báo theo dõi lĩnh vực khoa học và công nghệ bình chọn theo 6 lĩnh vực: Cơ chế chính sách, khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, hợp tác quốc tế và tôn vinh các nhà khoa học.
10 sự kiện được bình chọn gồm:

1. Một loạt Nghị định, Thông tư được ban hành để đưa nhanh Luật Khoa học và Công nghệ vào đời sống

Để cụ thể hóa Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển Khoa học và Công nghệ và Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000), Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Chính phủ ban hành 6 Nghị định hướng dẫn Luật nhằm đưa nhanh các cơ chế chính sách vào cuộc sống. Các thông tư quy định chi tiết nội dung của các nghị định cũng đã được hoàn thiện theo tinh thần đổi mới của Luật Khoa học và Công nghệ.

2. Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5)

Lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) và tuần lễ truyền thông Khoa học và Công nghệ với chủ đề “Khoa học và Công nghệ-Động lực phát triển nhanh và bền vững” với sự tham gia của các bộ ngành, địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức khoa học và công nghệ trong cả nước.

3. Tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế: “Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông-Nam Á- hợp tác để phát triển”

Trung tuần tháng 10, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông Nam Á-Hợp tác để phát triển.”

Các nhà khoa học đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia giàu tiềm năng về di sản văn hóa dưới nước, song đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở lĩnh vực này.

4. Sản xuất thép và vật liệu không nung từ bùn đỏ

Nằm trong khuôn khổ các nhiệm vụ của Chương trình Tây Nguyên 3, giai đoạn 2011-2015, Viện Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã triển khai đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu công nghệ sản xuất thép và vật liêu không nung từ bùn đỏ trong quá trình sản xuất alumin tại Tây Nguyên.”

Thành công bước đầu của đề tài là khâu “đột phá” đáng nghi nhận của các nhà khoa học trong việc sản xuất thép và vật liệu không nung từ bùn đỏ, bảo vệ môi trường.

5. Nghiên cứu thành công Vaccinn Rotavin-M1

Việt Nam vừa sản xuất và đưa vào thử nghiệm thành công vaccine phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em có tên Rotavin-M1, qua đó trở thành quốc gia thứ hai của châu Á, nước thứ tư trên thế giới nghiên cứu và sản xuất thành công loại vaccine này.

Thành công này thuộc về các nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắcxin và sinh phẩm y tế do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Luân làm chủ nhiệm đề tài.

6.Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam nhận Giải thưởng “Thành tựu xuất sắc”

Trong năm 2014, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trao giải thưởng cho các cá nhân và tổ chức của các nước thành viên có nhiều thành tựu trong lĩnh vực đột biến tạo giống, đóng góp hiệu quả vào bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững.

Việt Nam đã giành được ba trong số 23 giải thưởng, trong đó có một giải thưởng “Thành tựu xuất sắc” cho Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam.

7. Ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị ung thư tại Bệnh viện trung ương Huế

Nhóm bác sĩ, y tá Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện thành công Đề tài cấp Nhà nước độc lập đầu tiên “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng.”

Chị Nguyễn Thị Sau là người bệnh đã thoát khỏi căn bệnh ung thư sau khi được chữa bằng phương pháp điều trị ung thư bằng hóa trị liều cao, điều trị đích, kết hợp với ghép tế bào gốc tạo máu tự thân cho phép tiêu diệt tận gốc tế bào ung thư. Thành công của đề tài mở ra phương pháp mới trong điều trị ung thư ở Việt Nam nói chung và ung thư vú, ung thư buồng trứng nói riêng.

8. Hiệp định hợp tác Việt Nam và Hoa Kỳ về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân

Ngày 6/5, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân và Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear chính thức ký kết Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân.

Hiệp định này được ký kết nhằm điều chỉnh các giao dịch thương mại trong lĩnh vực hạt nhân và tạo khung pháp lý để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác Hoa Kỳ trong các hoạt động nghiên cứu, đào tạo phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử, nhất là trong phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam…

9. Giáo sư Châu Văn Minh được bầu làm Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Belarus

Năm 2014, vượt qua 20 ứng viên, giáo sư Châu Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) cùng hai nhà khoa học khác trên thế giới đã được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Belarus.

Kể từ tháng 3/2000, đến nay Viện Hàn lâm khoa học Belarus mới có thêm 3 viện sĩ nước ngoài, nâng tổng số viện sĩ người nước ngoài của Viện Hàn lâm Belarus lên 13 người.

10. Ba nhà khoa học Việt Nam được Thomson Reuters tôn vinh là những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014

Ba nhà khoa học của Việt Nam vừa được tổ chức Thomson Reuters (tổ chức theo dõi và công bố thông tin tri thức về chuyên gia nghề nghiệp toàn cầu) xếp vào danh sách Những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014.

Ba nhà khoa học đó là: Giáo sư Đàm Thanh Sơn (giảng dạy ngành vật lý tại Đại học Chicago, Mỹ), Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Sơn Bình (nghiên cứu giảng dạy ngành hoá học tại Đại học Northwestern, Mỹ) và Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Hùng (nghiên cứu giảng dạy về ngành tính toán cơ học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Việt-Đức)./.