Từ Hội sách nghĩ về trẻ em nông thôn

Cuộc sống cũng như bức tranh với nhiều mảng màu đối lập: sáng – tối, động – tĩnh, hình – nền… Những ai từng đi về các vùng quê, vùng núi, đưa sách về cho trẻ em nông thôn, ắt hẳn khi thấy cảnh náo nhiệt của Hội Sách TP Hồ Chí Minh lần thứ 9 sẽ không khỏi ngậm ngùi…
Ngày hội tri thức
 
Đến hẹn lại lên, hai năm một lần, 21.3 lại là ngày hội tụ các nhà làm sách, người kinh doanh sách và độc giả từ mọi nơi về điểm hẹn quen thuộc – công viên Lê Văn Tám, TP Hồ Chí Minh. Năm nay, tính chất “khủng” của Hội sách vượt xa năm 2014, với 710 gian hàng (tăng 210 gian), 172 đơn vị trong nước (tăng 27 đơn vị) và 36 nhà xuất bản nước ngoài tham gia (tăng 11 đơn vị), 102 chương trình giao lưu trình diễn, ký tặng, giới thiệu sách, hơn 30 triệu bản in của 300.000 đầu sách. Ban tổ chức ước tính thu hút 1 triệu lượt người tham gia trong tuần lễ từ 21 – 27.3 (bằng 1/10 dân số TP Hồ Chí Minh).
 
 
 
Với chủ đề Sách – văn hóa – hội nhập và phát triển, Hội sách đã thực sự trở thành lễ hội văn hóa lớn, không chỉ dành riêng cho người dân TP Hồ Chí Minh mà còn đối với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Hòa vào dòng người tham quan và mua sách trong ngày khai mạc, chị Hiền (giáo viên, 35 tuổi, ở Thủ Đức) vui mừng cho biết: “Dù biết ngày khai mạc sẽ rất đông, đi lại khó khăn nhưng mình vẫn đưa hai cháu đi để các con được tắm trong không khí của ngày hội tri thức, để nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách”.
 
Là một trong những đơn vị tiên phong dịch và xuất bản sách khoa học cho thiếu nhi, ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc công ty Văn hóa – Giáo dục Long Minh cho biết: “Gian hàng của Long Minh năm nay có gần 100 tựa sách, chủ yếu là sách khoa học và toán dành cho thanh thiếu niên. Một số phụ huynh học sinh đã bắt đầu nhận thấy tiêu chuẩn sách tốt là những cuốn sách có phần Index ở cuối sách dùng để tra cứu từ khóa và khái niệm quan trọng theo số trang. Đó là khởi đầu của một xu hướng chọn sách tốt đẹp”.
 
Mặc dù số người tham quan Hội sách không tỷ lệ thuận với số người thực đọc, nhưng khách quan mà nói, hiệu ứng từ Hội sách đang làm sống dậy văn hóa đọc trong cộng đồng, trước hết là ở các thành phố lớn.
 
Nạn đói sách của trẻ nông thôn
 
Nhiều trẻ em nông thôn nếu xem qua tivi, chắc hẳn không khỏi háo hức, ước ao một ngày không xa sẽ được tham dự những sự kiện bổ ích như vậy. Thực tế ở nhiều vùng quê, vùng núi, học sinh hầu như chỉ có sách giáo khoa và một ít sách tham khảo, sách bài tập. Các hiệu sách nông thôn đa phần nghèo nàn về thể loại. Trong khi đó thư viện trường với tư cách là nguồn cung cấp học liệu chính cho học sinh không khá hơn, các đầu sách khoa học, văn học đặc sắc, sách kỹ năng sống hầu như không có. Từ nhỏ đến lớn, rất ít trong số hàng triệu trẻ em nông thôn được người lớn khuyến đọc. Khái niệm học hành đối với nhiều thầy cô và phụ huynh là nhớ thật nhiều, làm bài thật tốt và đạt điểm thật cao trong các kỳ thi. Sự đọc tích cực không những không được quan tâm mà có khi còn bị cản trở.
 
Anh Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng Chương trình Sách hóa nông thôn chia sẻ: “Mỗi lần thấy trẻ em đô thị được cha mẹ dẫn đi mua sách ở hiệu sách và hội sách, tôi càng thương trẻ em nông thôn vì nạn đói sách vẫn trên quy mô rộng lớn, hơn 15 triệu em nông thôn chưa được nghe sách và đọc sách”. Anh Nguyễn Quang Thạch đang tích cực tập luyện để đi bộ từ TP Hồ Chí Minh tới Cà Mau (dự kiến vào tháng 4 tới), nhằm kêu gọi 500.000 người Việt chia sẻ trách nhiệm xã hội, xóa nạn đói sách ở trường làng, trả lại quyền đọc sách cho hàng triệu trẻ em nông thôn.
 
Cùng với sự chênh lệch giàu – nghèo, điều kiện tiếp cận tri thức, văn hóa giữa thành thị và nông thôn vẫn còn khoảng cách quá lớn. Nhưng khi chúng ta thật sự trăn trở và hành động vì cộng đồng, chỉ cần mỗi người chung tay bằng những việc làm thiết thực dù rất nhỏ cũng có thể góp phần giải quyết nạn đói sách ở trường làng hiện nay.
 
Trần Thanh Hoài
 

Gian nan sách khoa học cho thiếu nhi

Hiện nay, mảng sách khoa học dành cho thiếu nhi ít được quan tâm nhất, đặc biệt trống vắng sách phổ biến khoa học, mở mang kiến thức cho các em trong độ tuổi 10 – 15. Đội ngũ nhà làm sách khoa học cho thiếu nhi vừa thiếu vừa yếu… Đó là thông tin được đưa ra trong hội thảo sáng 23.3, bên lề Hội Sách TP Hồ Chí Minh lần thứ 9.
Ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần giáo dục Long Minh cho biết, có quá nhiều lý do cho sự thiếu vắng của sách phổ biến khoa học cho thiếu niên. Ở góc độ xuất bản, hiện chỉ có vài nhà xuất bản như NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, Công ty Đông A, Long Minh tổ chức xuất bản sách phổ biến khoa học cho thiếu niên, mà chủ yếu là sách dịch. Lực lượng những người làm sách phổ biến khoa học hiện nay chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, như dịch giả Phạm Văn Thiều, GS. TSKH Nguyễn Văn Liễn, TS. Vũ Công Lập, Nguyễn Việt Long…
 
 
Có một thực tế là quá ít tác giả Việt Nam viết sách phổ biến khoa học, thực ra mới chỉ có một vài quyển sách về toán và cờ vua, ngoài ra không còn sách khoa học nào khác của các tác giả Việt Nam. Theo ông Đỗ Hoàng Sơn, các tác giả Việt Nam tập trung viết sách giải bài tập để phục vụ trực tiếp cho nhu cầu thi cử của học sinh mà chưa có đủ trình độ, thời gian cũng như sự quan tâm và nhiệt huyết dành cho mảng sách phổ biến khoa học. Một số giảng viên đại học lại bận giảng dạy, hướng dẫn học trò và làm đề tài nghiên cứu, giỏi lắm chỉ dịch ít sách chuyên ngành và giáo trình. Ngay cả khi đã viết được phần lời thì ngành xuất bản Việt Nam thiếu hẳn kho dữ liệu hình ảnh có bản quyền để minh họa, phục vụ cho những cuốn sách ấy. Một khó khăn nữa là Việt Nam hiện chưa có hệ thống thuật ngữ khoa học chuẩn, ngay cả một số thuật ngữ khoa học có tính phổ thông, do đó trong quá trình dịch thuật và biên tập sách khoa học, người dịch hoặc biên tập viên phải mất rất nhiều công sức để cân nhắc, khai phá từ mới.
 
Xuất bản đã vậy, lượng sách khoa học này tiêu thụ cũng vô cùng khó khăn. Có thể thấy điều này qua Hội Sách Hà Nội đầu tháng 10.2014, theo đó tổng doanh thu toàn hội sách là 5 tỷ đồng, nhưng doanh thu từ mảng sách phổ biến khoa học cho thiếu niên của NXB Trẻ, NXB Kim Đồng và Công ty Long Minh ước tính chỉ đạt hơn 100 triệu đồng (chiếm 2%). Dịch giả Nguyễn Việt Long chỉ ra thực tế, tại các nhà sách, sách khoa học thường “được” nằm dưới gầm kệ hoặc trên nóc tủ, ở những vị trí heo hút và xa người đọc nhất. Không phải vì sách khoa học khô cứng, thiếu hấp dẫn mà quan trọng hơn cả, đó là những người lớn như cha mẹ, thậm chí thầy cô giáo chưa có cái nhìn đúng về loại sách này. Vì thế họ không quan tâm, cũng không định hướng cho con em mình tìm tòi, dẫn đến phần lớn học sinh Việt Nam không có thói quen tự nghiên cứu, tự học từ nguồn kiến thức bên ngoài sách giáo khoa.
 
Ông Đỗ Hoàng Sơn đã chỉ ra 5 vấn đề cơ bản hiện nay của giới trẻ là không thích đọc sách; không có sách để đọc; có sách mà không biết cách đọc; không biết tra cứu và tra cứu xong không biết để làm gì. Nếu có sự quan tâm nhiều hơn từ phía những người có trách nhiệm, khắc phục được những vấn đề này thì tương lai của sách khoa học cho thiếu nhi tại Việt Nam mới có đường phát triển.
 
 Ông Đỗ Hoàng Sơn cho biết, trên thế giới, số lượng sách khoa học chiếm khoảng 40% sách cho thiếu nhi, nếu tính cả sách khoa học giả tưởng (Việt Nam hiện chưa có loại sách này) thì còn lớn hơn. Trong khi các bạn cùng lứa tuổi ở các nước phát triển khá “thông thiên văn, tường địa lý”, từ kiến thức về hệ Mặt trời, các hành tinh hay các thiên hà, đến kiến thức ứng dụng trong đời sống thì tại Việt Nam, theo quan sát của một số dịch giả, hiện chỉ 10 – 15% số học sinh quan tâm đến sách khoa học.
 
Bạch Dương
 

Khô hạn giúp nông dân Cà Mau trúng lớn mùa đậu xanh

Đây là vụ đậu xanh trúng mùa nhất từ trước đến nay ở Cà Mau, nhờ được dự báo sớm về tình hình khô hạn nên nông dân chuyển sang trồng đậu xanh. Các hộ trồng sớm đều được mùa.
 
Đồng bằng sông Cửu Long những ngày tháng Ba quay quắt trong hạn, mặn. Vựa lúa bị thiệt hại nặng nề, thủy sản, trái cây bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt, nhiều nơi rơi vào tình cảnh thiếu hụt nước ngọt khốc liệt. Để chủ động chống hạn, mặn, nhiều cư dân, nhà khoa học trong vùng có những tính toán, cách thức thích ứng với hạn, mặn, đạt hiệu quả nhất định bước đầu.
 
 
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa 1 vụ màu tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)
Trữ nước lũ
 
Giữa trưa tháng Ba, bên Quốc lộ 54, ông Lê Hoàng Tân ở ấp Vĩnh Tắc, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long ngồi thảnh thơi dưới bóng cây như không hề biết đến cảnh khô hạn đang diễn ra ở nhiều nơi cũng như lần đầu tiên trong lịch sử, nước mặn đã xâm nhập một số xã của huyện Trà Ôn.
 
Ông Tân khoe: Phía sau nhà có mấy cái ao trữ nước sâu lắm, chưa cạn bao giờ. Ở vùng đất giồng này, những cái ao trữ nước sâu khoảng 4m, rộng chừng 1.000m2 đáp ứng bơm tưới cho 500m2 trồng cỏ suốt mùa khô, không lo thiếu nước tưới. Năm nay. thấy mực nước ao 1.000m2 đã cạn hơn năm trước, lại nghe dự báo khô hạn kéo dài nên ông đã đào dự phòng thêm một cái ao 500m2.
 
Việc trữ nước từ mùa lũ để sử dụng trong mùa khô là một trong những giải pháp thích ứng hạn, mặn được đánh giá hiệu quả với Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Theo phó giáo sư, tiến sỹ , Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long, về lâu dài Đồng bằng sông Cửu Long phải đặt ra vấn đề trữ nước lũ để sản xuất nông nghiệp trong mùa khô. Đó là việc đào ao, kênh để trữ nước lũ, góp phần giảm tác động của lũ, phân tán lũ, hạn chế mức thiệt hại do lũ gây ra.
 
Đồng thời, trữ nước lũ cũng sẽ góp phần giảm đáng kể xâm nhập mặn ở hạ lưu vào mùa khô. Vì Đồng bằng sông Cửu Long thường thừa nước lũ trong mùa mưa nhưng vào mùa khô, lượng nước tưới lại bị khan hiếm.
 
Chuyển đổi cây trồng
 
Trước tình hình hạn, mặn khốc liệt, nhiều nhà vườn Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã chuyển đổi cây trồng phù hợp thời tiết, điều kiện canh tác.
 
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau Nguyễn Văn Tranh cho biết năm nay, nhiều nông dân Cà Mau trúng mùa đậu xanh do mưa ít, thời tiết khô hạn. Nông dân xã Khánh Bình Tây và xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời trồng hơn 1.100ha đậu xanh đều trúng mùa, bán được giá. Thậm chí, nhiều nông dân lợi dụng ruộng khô hạn đã gieo đậu xanh vào ngay những chỗ nứt nẻ cũng đạt năng suất cao từ 2,5-3 tấn/ha. Thương lái đã tới tận ruộng mua đậu xanh với giá từ 30.000-32.000 đồng/kg.
 
Mưa dứt sớm, nắng kéo dài là điều kiện thuận lợi để trồng đậu xanh. Năm nay, do được dự báo tình hình khô hạn sớm nên nông dân tỉnh Cà Mau mạnh dạn chuyển sang trồng cây đậu xanh. Những hộ trồng sớm đều được mùa, cây đậu đạt năng suất cao. Đây là vụ đậu xanh trúng mùa nhất so từ trước đến nay.
 
Tại Cà Mau, cây đậu xanh đang là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao trong tình hình thiếu nước sản xuất nghiêm trọng, khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay.
 
Những ngày này, nhiều ruộng lúa vụ Đông Xuân 2015-2016 dọc Quốc lộ 61C thuộc địa bàn thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang vừa được thu hoạch xong. Nông dân không sản xuất tiếp vụ lúa Hè Thu mà nhiều người thuê máy xúc đào lên liếp trồng màu.
 
Ông Nguyễn Văn Nghĩa đang thuê hai máy xúc đào 5 công ruộng tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền (thành phố Cần Thơ) để lên liếp trồng màu.
 
Ông cho biết: "Tôi trồng lúa mấy chục năm nay nhưng nghe dự báo mùa khô này sẽ thiếu nước tưới nên tôi lên liếp trồng xoài, tỉa ngô xen canh lấy ngắn nuôi dài, không dám trồng lúa sợ khó khăn nước tưới, lúa sẽ mất mùa. Tôi dự kiến sẽ gắn hệ thống tưới phun cho diện tích lên liếp trồng màu nhằm tiết kiệm nước tưới."
 
Tại tỉnh Hậu Giang, những năm trước đây, ông Võ Văn Năng ở ấp Một, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy luôn trồng 2 vụ dưa và một vụ lúa Hè Thu. Năm nay, ông Năng không trồng vụ lúa Hè Thu mà tiếp tục trồng hơn 3ha dưa các loại, trong đó có 1,5 ha dưa lê và 1,5 ha dưa hấu.
 
Ông Năng cho biết diện tích đất nhà ông ở khu vực được dự báo có thể bị mặn xâm nhập, thiếu nước tưới nên nếu trồng lúa, mức độ rủi ro thiệt hại sẽ rất cao. Vụ này, ông tiếp tục trồng vụ dưa thay vụ lúa Hè Thu, vì cây dưa ít sử dụng nước tưới hơn, có thể chịu được khô hạn tốt hơn cây lúa.
 
Tưới đủ cho cây
 
Cùng với việc trữ nước ngọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì việc sử dụng nước ngọt một cách tiết kiệm, hiệu quả cũng là vấn đề được đặt ra trong tình hình hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.
 
Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Anh Tuấn, việc tiết kiệm một khối nước sẽ dễ hơn là tìm thêm một khối nước nơi vùng Châu thổ sông Cửu Long trong tình hình hạn, mặn khốc liệt. Cư dân Đồng bằng sông Cửu Long cần quan tâm, áp dụng những giải pháp kỹ thuật trong tiết kiệm nước cho nông nghiệp như việc chọn cây trồng và vật nuôi ít tiêu thụ nước; cân nhắc, bố trí thời vụ canh tác hợp lý; chống thất thoát nước trên đồng ruộng; xác định thời điểm cần cung cấp nước; tận dụng các nguồn nước thải để tưới hay sử dụng phương pháp tưới hiệu quả…
 
Tuy nhiên, tại Đồng bằng sông Cửu Long, việc tiết kiệm nước dễ áp dụng nhất, nhanh nhất chính là việc áp dụng phương pháp tưới hiệu quả. Người dân Tây Nam Bộ cần phải thay đổi thói quen từ tưới cho đất sang tưới cho cây; làm sao cung cấp lượng nước cho cây đủ nước chứ không phải cung cấp đủ nước cho đất như lâu nay vẫn làm.
 
Các phương pháp tưới khác nhau sẽ cung cấp đủ nước cho cây trồng cũng như sẽ cho hiệu quả tiết kiệm nước khác nhau, như phương pháp tưới tràn cho hiệu quả tiết kiệm nước từ 40-60%, phương pháp tưới rãnh tiết kiệm nước từ 50-70%, tưới phun mưa tiết kiệm nước từ 70-85%, tưới phun di động tiết kiệm nước từ 80-90% và tưới nhỏ giọt tiết kiếm 90-95% lượng nước tưới.
 
 
(Ảnh: Duy Khương/TTXVN)
 
Như vậy, những tính toán, cách thức cư dân nơi đây đang làm để tồn tại trước đợt hạn, mặn khốc liệt lịch sử cũng là một trong những dữ liệu thực tiễn phù hợp với Bản Kế hoạch châu thổ của Chính phủ Hà Lan đã khuyến nghị Chính phủ Việt Nam về cách tiếp cận bền vững và lựa chọn các phương án đầu tư tiết kiệm, hiệu quả cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Theo kế hoạch, từ nay đến 2050, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu như đối với vùng thượng nguồn châu thổ, phải thực hiện kiểm soát lũ, chuyển đổi sản xuất và sử dụng đất hợp lý, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp vùng lũ và tạo không gian chứa lũ. Đối với khu vực ven biển, cần quản lý kinh tế mặn và biến động bờ biển, phát triển kinh tế nuôi trồng bền vững kết hợp rừng ngập mặn, trồng rừng ngập mặn và tăng khả năng bảo vệ dải ven biển, xây dựng hệ thống kè tạo bãi.
 
Rõ ràng, để phát triển bền vững, Đồng bằng sông Cửu Long cần có nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, các cấp chính quyền và nhân dân trong khu vực cùng vào cuộc. Đó chính là sự chung sức, đồng lòng, sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương, địa phương, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, người dân để tìm ra hướng đi đúng đắn giúp Châu thổ sông Cửu Long phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu trong ngắn hạn và dài hạn được bền vững, hiệu quả.
 
Theo Vietnamplus.vn
 

Máy in 3D đa năng của nhóm sinh viên trẻ TP HCM

Gặp nhiều thất bại và số tiền đầu tư liên tục “không cánh mà bay” nhưng nhóm SV ĐH Công nghệ TP.HCM vẫn quyết tâm vượt mọi khó khăn để thiết kế thành công chiếc máy in 3D kết hợp khắc laser và phay CNC.
 
Sinh viên máu nghiên cứu đến… quên ăn
 
Theo Nguyễn Trung Quí, trưởng nhóm nghiên cứu, hiện nay máy in 3D là công nghệ mới, mang lại giá trị thúc đẩy phát triển nhiều ngành như cơ khí, xây dựng, y học… Trong tương lai, máy in 3D có thể thay thế dần phương pháp gia công cơ, hạn chế ô nhiễm môi trường, rút ngắn thời gian tạo mẫu mới.
 
“Với máy in 3D kết hợp khắc laser và phay CNC, người sử dụng có thể thực hiện nhiều ứng dụng trên một máy trong quá trình sản xuất” – Quí chia sẻ.
 
 
Những SV có “máu” nghiên cứu và không ngại khó khăn khi làm khoa học. Ảnh: Nhóm cung cấp.
 
Khi thực hiện đề tài, do không có đủ kiến thức chế tạo máy in 3D, nhóm đã gặp thất bại không ít lần trong quá trình lắp ráp. Các linh kiện hoạt động không ăn khớp với nhau dẫn đến hư hỏng.
 
“Linh kiện cơ khí để chế tạo máy in 3D chủ yếu là linh kiện ngoại nhập, giá rất cao nên mỗi lần hư hỏng là coi như nhóm mất luôn mấy triệu đồng”- Tăng Thanh Bình, thành viên nhóm kể về những khó khăn trong quá trình chế tạo.
 
Để khắc phục những thất bại đáng tiếc đó, các thành viên nhóm đã thay phiên nhau thức đêm lên mạng tìm hiểu kiến thức, tra từ điển để dịch thuật các tài liệu tiếng nước ngoài. Sau khi có được kiến thức chuẩn, các thành viên tiếp tục họp bàn cùng thống nhất cách làm chung.
 
Nhiều tháng cặm cụi trong nhà xưởng “tại gia” là căn phòng của một thành viên trong nhóm, chiếc máy in 3D kết hợp khắc laser và phay CNC đã ra đời.
 
Nhóm cho biết, tưởng chừng đã "ngon nghẻ", nhóm chuẩn bị "khăn gói quả mướp" mang sản phẩm đi dự thi giải thưởnggiải thưởng SV nghiên cứu khoa học Euréka. Tuy nhiên, trước ngày thi,chiếc máy của nhóm bỗng dưng không hoạt động. Các thành viên đã thức nguyên cả đêm “vật vã” với các linh kiện điện tử, kiểm tra lại toàn bộ hoạt động của máy.
 
“May mắn đến gần sáng, nhóm đã giải quyết tất cả những vấn đề khúc mắc, máy vận hành trơn tru. Cả nhóm mang máy thật nhanh đến khu vực dự thi trong niềm vui sướng và quên luôn ăn sáng”- Đặng Văn Đông, thành viên nhóm kể.
 
Máy in 3D "3 trong 1'
 
Thiết kế cơ khí của máyin 3D kết hợp khắc laser và phay CNCđảm bảo thực hiện ba chức năng và kết cấu đầu điều khiển linh hoạt, có thể tháo lắp đễ dàng và thay đổi 3 chức năng: in 3D, khắc laser và phay CNC một cách nhanh gọn, dễ dàng.
 
Máy in 3D vừa có chức năng tạo mẫu nhanh các chi tiết thiết kế trên máy tính, vừa được tích hợp thêm chức năng khắc laser công suất nhỏ để khắc hình dạng mong muốn, vừa có thể tự động thực hiện quá trình gia công phay cơ khí chi tiết khi thay đổi kết cấu đầu trục chính.
 
 
Máy in 3D “3 trong 1” của nhóm. Ảnh: Nhóm cung cấp.
 
Máy có kết cấu cơ khí được thiết kế và tính toán động học dựa trên động học của robot song song, đảm bảo việc chuyển động nội suy phức tạp. Quá trình tính toán được ứng dụng trong việc thiết kế và chế tạo cơ khí để hoàn thiện mô hình máy sao cho đảm bảo đạt độ chính xác cao, đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn và hoàn toàn có khả năng ứng dụng vào thực tế.
 
“Máy in 3D có thể in ra vật thể bằng nhựa PLA từ các bản thiết kế trên các phần mềm mô phỏng và thiết kế 3D bằng phương pháp FFF (Fused Filament Fabrication)”- Tống Thanh Huy, thành viên nhóm nói.
 
Máy được điều khiển bằng chương trình số NC (Numerical control), có thể đọc được G-code để vừa thực hiện chức năng in 3D, vừa khắc khi kết hợp đầu khắc laser công suất 2000mW để khắc vật liệu mềm, vừa chức năng như máy phay CNC khi thay đầu phun mực máy in thành đầu cắt quay tốt độ cao.
 
Khi gia công, máyin 3D có sai số rất nhỏ, từ 0.05 đến 0.1mm nhờ ứng dụng thuật toán điều khiển robot song song vào máy in để đạt được độ chính xác yêu cầu.
 
Ứng dụng các phần mềm cắt lớp sẵn có như Slic3r, CURA… để xuất mã G-code cho máy in hoạt động, các phần mềm Match3 để xuất chương trình điều khiển máy in 3D thành máy khắc laser hay cắt phay CNC.
 
Mô hình đã hoàn thành và có thể thực hiện chức năng tạo mẫu nhanh chi tiết, vừa khắc hình dạng mong muốn sử dụng tia laser và kết hợp gia công phay CNC tự động.
 
Theo Khám Phá
 

Những người tiên phong đưa công nghệ vào nông nghiệp

 
 
Các doanh nhân chia sẻ về câu chuyện áp dụng công nghệ vào nông nghiệp. Nguồn: BSA
 
Đưa KHCN vào sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp là yếu tố bắt buộc để mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Và thực tế cho thấy đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiên phong đi vào con đường này.
Chịu chơi đầu tư vào công nghệ
 
Nếu như Vinamit đã quá quen thuộc với người dùng với việc áp dụng công nghệ tạo ra các sản phẩm trái cây sấy khô, và sây dẻo thì có thể công ty TNHH TMDV XNK Bé Dũng của doanh nhân Đỗ Văn Dũng với sản phẩm thanh long sấy dẻo lại là một trường hợp mới với nhiều thông tin thú vị.
 
Bước tay vào trồng thanh long ngay khi loại trái cây này xuất hiện tại Bình Thuận từ năm 1992, ông Dũng trải qua nhiều cung bậc thăng trầm với những vụ mùa được mất. Nhìn lại, ông thấy thị trường thanh long ngày càng khó khăn, năm sau lợi nhuận ít hơn năm trước. Điều đó buột ông phải tìm một hướng đi mới để nâng cao giá trị cho trái thanh long, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường để tìm lối đi mới.
 
May mắn đến công ty Bé Dũng khi vào tháng 9 – 2014 ông Dũng tình cờ gặp một kỹ sư Việt kiều từ Đức về nước giới thiệu công nghệ sấy dẻo trái cây. Bắt gặp được điều mình tâm đắc, ông chủ thanh long quyết định dành số tiền tích lũy cộng với tiền vay từ thế chấp nhà cửa, tổng cộng 20 tỷ đồng để nhập khẩu công nghệ về sản xuất.
 
Cuối năm 2014, dây chuyền máy móc thiết bị về đến công ty và những khó khăn mới xuất hiện.
 
Ông Dũng cùng nhân viên thử hết mẻ này đến mẻ khác, các sản phẩm không đạt yêu cầu, hư rồi bỏ, hỏng rồi vứt. Và đến khi thử nghiệm gần 20 tấn thanh long, sản phẩm đầu tiên làm vừa lòng ông Dũng mới xuất hiện.
 
Hiện với sản lượng 200 kg thanh long sấy khô mỗi ngày, sản phẩm đã được Bé Dũng xuất đi nhiều nước.
 
Với 1,6 tấn thanh long tươi đầu vào, cho ra 100 kg thanh long sấy dẻo, đóng được 2.000 gói sản phẩm với khối lượng 50 gam/gói, giá bán 30.000 đồng/gói, tương ứng tổng doanh thu sẽ là 60 triệu đồng. Hay nói đơn giản, một kí thanh long sấy dẻo sẽ có mức giá là 600.000 đồng. Tuy không nói rõ tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu nhưng qua mức giá này ta thấy giá trị gia tăng mà công nghệ mang lại cho sản phẩm rất đáng kể.
 
Ông có nghĩ rằng mình quá mạo hiểm không? Một phóng viên đặt câu hỏi cho ông Dũng trong hội thảo "3C: lời giải pháp cho nông nghiệp Việt thời hội nhập" được tổ chức gần đây.
 
“Tôi nghĩ đây là con đường duy nhất để phát triển. Mình dám làm thì dám chịu. Tuy có mạo hiểm nhưng không thể không đi. Với tôi, làm ra sản phẩm ưng ý là đã thành công 50%.” Ông Dũng chia sẻ.
 
Mang giá trị mới cho sản phẩm nông nghiệp
 
Đến đây, có lẽ bạn đọc sẽ đặt câu hỏi với 200 kg sản phẩm mỗi ngày, sản lượng nhỏ như vậy thì làm sao phát triển?
 
Đây cũng chính là khó khăn mà Bé Dũng gặp phải. Tuy vậy, may mắn doanh nghiệp này đã có đối tác đi kèm. Và người này không ai khác chính là kỹ sư người Đức mà ông Đỗ Văn Dũng gặp vào tháng 9-2014.
 
Nặng lòng với quê hương, người kỹ sư Võ Phát Triển quyết định từ Đức về Đồng Tháp đầu tư 200 tỷ để làm trái cây sấy dẻo nhằm mở lối đi mới cho nông sản Việt Nam, đem lại giá trị gia tăng và nâng cao thu nhập người dân.
 
Đi nhiều hiểu nhiều, ông Triển rất hiểu giá trị của trái cây quê hương. Và theo ông chia sẻ, trái cây Việt Nam có giá trị vô cùng lớn, ví dụ như xoài Cát Chu của chúng ta được đánh giá rất cao so với xoài khu vực Nam Mỹ.
 
Hiện nhà máy ông có đa dạng các loại sản phẩm, từ “cầu đủ xài” (mãng cầu, đu đủ và xoài) cho đến các loại trái cây khác, thậm chí bao gồm cả ớt.
 
“Thị trường rộng lắm. Có doanh nghiệp đặt tôi mỗi tháng 3 container loại 40 feet xoài sấy dẻo nhưng tôi đành từ chối vì mình không cung cấp đủ sản lượng”, ông Triển chia sẻ.
 
Cũng tại hội thảo nêu trên, ngành nông nghiệp chế biến Việt Nam xuất hiện thêm một doanh nghiệp cũ mà mới đến từ Đồng Tháp là Cỏ May Essential.
 
Sở dĩ nói là cũ vì đây là một doanh nghiệp khá quen thuộc trong lĩnh vực thức ăn gia súc nhưng nói là mới vì những hướng đi thú vị của doanh nghiệp này.
 
Với quan niệm làm nông nghiệp, hoặc là làm mới, hoặc là làm khác đi, doanh nhân trẻ Phạm Minh Thiện – Giám đốc Điều hành Cỏ May đã mạnh dạn đưa khoa học công nghệ vào làm mới các sản phẩm nông nghiệp của quê hương.
 
Và một trong rất nhiều sản phẩm của Cỏ May là nấm rơm. Với gần như tất cả người dân Việt Nam, nấm rơm là một món ăn truyền thống, đầu tiên xuất hiện trong tự nhiên, rồi được người dân chủ động trồng nhưng giá trị vẫn chưa cao và thường quanh quẩn các chợ truyền thống với giá vài chục nghìn một ký. Lý do rất đơn giản: sản phẩm bảo quản không được tốt, yếu tố an toàn chưa được đảm bảo.
 
Vậy nếu bảo quản tốt hơn, an toàn hơn và đóng gói đẹp hơn thì bài toán nấm rơm đã được giải. Với góc nhìn như vậy, anh Thiện đã làm mới sản phẩm nấm rơm truyền thống thành một sản phẩm cao cấp định vị cho mình những khách hàng trung lưu trở lên với giá bán 160.000 đồng/kg.
 
“Điều thú vị là mặc dù giá đắt như vậy nhưng nhiều người sẵn lòng mua mà không quan tâm nhiều đến giá. Điều đó cho thấy nhu cầu về sản phẩm nông sản chất lượng của người Việt rất cao. Và đó là một tin vui.” Anh Thiện phát biểu.
 
Một tin khác, đáng chờ đợi hơn đó là câu chuyện anh Thiện đang cố gắng đưa nấm rơm cao cấp của anh vào chuỗi nhà hàng của Sài Gon Tourist và Việt Nam Airline.
 
Nếu việc đàm phán vụ này thành công, Cỏ May sẽ có đầu ra ổn định và dần chuyển giao công nghệ để nông dân sản xuất cho chúng tôi, ông Thiện nói về mong ước giúp cho những người nông dân quê ông có thêm thu nhập.
 
Chia sẻ về nền nông nghiệp quê ông, mà rộng ra là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông Thiện nhìn nhận “Sự trù phú của Đồng bằng sông Cửu Long hứa hẹn cho chúng ta một nền nông nghiệp sáng lạn, đặc biệt là nông nghiệp sạch và xanh kết hợp với ứng dụng những kỹ thuật tiến bộ của phương Tây.”
 
Hiểu rõ giá trị gia tăng mà công nghệ mang lại cho các sản phẩm nông nghiệp, hiện Cỏ May đầu tư khoảng 9 tỷ đồng để nhập khẩu công nghệ thiết bị chiết suất bằng CO2 siêu tới hạn chỉ để phục vụ nghiên cứu.
 
Với ông, đây là một bước đi mạo hiểm nhưng sự dấn thân là điều cần thiết.
 
Tâm Nguyễn

Các thành phố khởi nghiệp tốt nhất châu Á

 
GrabTaxi là một startup thành công ở Kuala Lumpur. Nguồn: Scmp.com
 
Gần đây Compass, một hãng nghiên cứu có trụ sở tại San Francisco, đã công bố báo cáo xếp loại top 20 hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, dựa trên kinh nghiệm khởi nghiệp, số lượng các cuộc thoái vốn thành công, giá trị đầu tư mạo hiểm nhận được, tầm với thị trường, và nguồn nhân lực.
Dưới đây là các hub khởi nghiệp được xếp hạng cao nhất trong danh sách trên:
 
1. Singapore
 
Singapore được đánh giá là hệ sinh thái khởi nghiệp tốt nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hiện quốc gia này có khoảng 3.600 startup đang hoạt động, trong đó lĩnh vực phát triển nhất là thương mại điện tử, game và truyền thông xã hội. Khi Compass bắt đầu công bố danh sách này từ năm 2012, Singapore xếp thứ 17 trên toàn cầu, và hiện nay đã vươn tới vị trí thứ 10.
 
Từ lâu Singapore đã là một trung tâm kinh doanh phát triển và là nơi đặt trụ sở chính của nhiều công ty lớn của Mỹ như Google, Uber và Facebook. Nằm trên tuyến đường biển lớn giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Singapore cũng có tiềm năng lớn để phát triển tầm với thị trường bởi gần một nửa (49%) khách hàng của các startup sở tại đang sinh sống tại nước ngoài.
 
Cũng cần nêu ra một điểm đáng lưu ý là Singapore có tỉ lệ sử dụng điện thoại di động cao nhất toàn cầu. Theo một nghiên cứu gần đây của Deloitte (một trong bốn hãng kiểm toán lớn nhất thế giới), trong 10 người dân Singapore thì có tới chín người sử dụng smartphone. Thực tế này đã mang đến những cơ hội mới đầy hứa hẹn trong lĩnh vực thương mại điện tử.
 
2. Bangalore
 
Với 4.900 startup đang hoạt động và 2,3 tỉ giá trị đầu tư mạo hiểm, thành phố Bangalore của Ấn Độ là địa điểm kinh doanh tốt thứ hai ở châu Á.
 
Niềm tự hào của Bangalore là website thương mại điện tử Flipkart, công ty “unicorn” trị giá nhiều tỉ USD do Sachin và Binny Bansal thành lập năm 2007. Hiện nay, sau khi thu về 550 triệu USD trong vòng gọi vốn hồi tháng Năm vừa qua do Tiger Global Management thực hiện, giá trị định giá của Flipkart là 15 tỉ USD.
 
“Khác với Thung lũng Silicon, Bangalore có mật độ dân cư, kỹ sư, nhà đầu tư cao hơn, đồng thời sự đa dạng về văn hóa ở đây cũng khiến cho việc chia sẻ thông tin được thực hiện dễ dàng hơn so với các khu vực khác trong nước,” Dev Khare, giám đốc điều hành hãng đầu tư mạo hiểm Lightspeed Venture Partners tại Ấn Độ, cho biết.
 
Tỉ lệ thâm nhập internet cao của Bangalore cũng là một lợi thế. Theo Hiệp hội Internet và Di động Ấn Độ, tới năm 2017 ước tính Ấn Độ sẽ có khoảng 500 triệu người sử dụng internet.
 
Các startup đặc biệt phát triển ở khu vực Koramangala, nằm ở phía đông nam thành phố Bangalore. Ở đây hiện có một số vườn ươm khởi nghiệp và các không gian làm việc chung cho các startup mới. 
 
Tuy vậy, giống như hầu hết mọi khu vực khác ở Ấn Độ, thành phố này cũng vẫn đang ở mức cực nghèo, dẫu nền văn hóa công nghệ ở đây đang hết sức phát triển. Hiện vẫn có khoảng 22% dân số Ấn Độ có thu nhập dưới 1,25USD/ngày.
 
3. Hong Kong
 
Nằm về phía đông nam Trung Quốc, Hong Kong là thành phố tiếp theo trong danh sách của Compass. Với khoảng 2.000 startup, sự gần gũi về địa lý với đại lục và sự hỗ trợ từ các vườn ươm khởi nghiệp lớn như Công viên Khoa học và Công nghệ Hong Kong và Cyberport (khu vực tập trung cộng đồng phát triển công nghệ thông tin sở hữu và quản lý bởi chính quyền Hong Kong)  đã mang lại một lợi thế cạnh tranh đáng kể cho các doanh nghiệp ở đây.
 
Hong Kong là một trung tâm tài chính quốc tế lớn với GDP chiếm khoảng 0,47% nền kinh tế toàn cầu nên số lượng các công ty công nghệ tài chính ở đây gia tăng đáng kể (tổng số khoảng 52 công ty tính tới năm 2015). 
 
Giáo sư Richard Wong thuộc Trường Đại học Hong Kong, viết trong bản báo cáo của Compass: “ Trong lịch sử, Hong Kong đã và vẫn luôn thành công khi nắm bắt các cơ hội kinh doanh bằng cách thu hút nhân tài và các nguồn lực trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ.” 
 
Theo lưu ý của các nhà phân tích, tuy Hong Kong dồi dào nguồn vốn song giới đầu tư vẫn rất thận trọng khi cân nhắc hỗ trợ cho các startup công nghệ bởi tính đến nay vẫn có tương đối ít các cuộc thoái vốn diễn ra trên thị trường này. 
 
4. Kuala Lumpur
 
Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia với dân số vẻn vẹn dưới hai triệu người là thành phố tiếp theo có tên trong danh sách của Compass. Dù nền kinh tế của thành phố này có thể nhỏ hơn so với các thành phố khác, chẳng hạn như Delhi, nhưng sự gần gũi về mặt địa lý với các thị trường Đông Nam Á rộng lớn đã khiến Kuala Lumpur trở thành một điểm hẹn khởi nghiệp hấp dẫn.
 
Kuala Lumpur cũng có một chính quyền đặc biệt ủng hộ khởi nghiệp. Chẳng hạn, vào năm 2013, thủ tướng Najib Razak của nước này đã lập nên MaGIC, một trong những quỹ tăng tốc khởi nghiệp lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 
 
GrabTaxi là một startup thành công ở đây. Hãng cung cấp dịch vụ đi nhờ xe này đã chính thức ra mắt tại Malaysia vào năm 2011 (và sau đó chuyển trụ sở chính sang Singapore). Hiện nay, GrabTaxi hoạt động trên sáu quốc gia với hơn 3,8 triệu người sử dụng và được định giá là 1,5 tỉ USD.
 
Hugh Batley, đối tác quản lý của hãng marketing số Lion & Lion tại Kuala Lumpur, viết trong bản báo cáo của Compass: “Malaysia là địa điểm thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp có quy mô khu vực. Với các quy định và luật lệ ở đây, các doanh nghiệp dễ dàng tuyển dụng các nhân tài ngoại quốc tại Malaysia. Đặc biệt, sự ra đời của MSC Status1 mới đây đã cho phép các startup có thể tuyển dụng tới 20 nhân viên ngoại quốc. 
 
Bùi Thu Trang lược dịch
 
Nguồn: http://www.inc.com/zoe-henry/top-4-cities-in-asia-to-start-a-business.html
——–
1 MSC Status: là chứng chỉ thể hiện sự công nhận của chính phủ Malaysia dành cho các doanh nghiệp ICT tham gia phát triển hay sử dụng công nghệ đa phương tiện để sản xuất hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ của mình. Chứng chỉ này cũng là biểu tượng cho chất lượng dịch vụ ngang tầm quốc tế, đồng thời là tấm “vé vào cửa” để các doanh nghiệp được hưởng rất nhiều ưu đãi mà Chính phủ Malaysia dành cho cộng đồng doanh nghiệp.
 

Start-up Floating Farm: Nuôi bò sữa trên nhà bè ven sông

 
Trang trại bò sữa trên mặt nước sẽ đi vào sản xuất từ năm 2016
 
Một trang trại nuôi bò sữa trên mặt nước đầu tiên trên thế giới không lâu nữa sẽ xuất hiện tại thành phố Rotterdam Hà Lan. 
 
Peter van Wingerden, nhà sáng lập đồng thời là  CEO của Start-up Floating Farm nói: “Mặt nước biển dâng cao, đất nông nghiệp ngày càng khan hiếm. Trong khi đó người dân lại tiếp tục đổ về các thành phố lớn nằm ven biển”. Vì vậy các trang trại buộc phải dịch chuyển tới các nơi đó để hạn chế vận chuyển đưa thực phẩm tươi ngon đến người tiêu dùng. Nhưng do đất đai vừa hiếm vừa đắt nên chỉ còn một giải pháp là tận dụng những con sông hay mặt biển”.
 
 
Tại Floating Farm, Van Wingerden cùng hai chiến hữu làm việc tại Beladon, việc doanh nghiệp nhiều năm nay đã phát triển một loạt nhà nổi. Việc xây dựng nông trại trên mặt nước là một ý tưởng nghiêm túc của doanh nghiệp này.
 
Trang trại nổi có diện tích  1200 m2,  có thể tự động sản xuất thực phẩm phục vụ cư dân quanh khu vực – và chỉ cần hai lao động. Tầng trên có mái bằng thủy tinh và nuôi 60 bò sữa. Nền nhà bằng cỏ nhân tạo và có những cây thật giúp cho các con vật sinh sống tại đây chí ít cũng gần với thiên nhiên hơn. Bãi cỏ nổi được cấu tạo để nước tiểu của bò ngấm và chảy vào thùng chứa. Robot vệ sinh thu gom rồi chuyển phân bò vào hệ thống tạo khí sinh học từ đó tạo ra điện  và nhiệt. Ngoài ra trên mái nhà nổi là hệ thống tế bào quang điện để sản xuất điện mặt trời. Cạnh đó còn có hệ thống thu gom nước mưa để làm nước uống cho đàn bò.  
 
Dòng nước trên sông Maas có nhiệm vụ làm mát xưởng chế biến sữa nằm ở phía dưới trại nổi, mỗi ngày sản xuất khoảng 1.500 kg sữa và người tiêu dùng chính là các hộ ở gần trang trại. Ông van Wingerden tin chắc rằng có thể xây dựng các trang trại nổi lớn nuôi tới 200 bò. Chỉ cần có 40 trại bò nổi như vậy là có thể đáp ứng về nhu cầu sữa tươi cho 620.000 cư dân ở thành phố này. 
 
Nuôi bò sữa trên biển, thoạt nghe tưởng như đây là ý tưởng của những người suy nghĩ viển vông nhưng dường như việc này không có gì là phi thực tế và nay mai sẽ trở thành hiện thực. Theo Roel Jongeneel, nhà kinh tế nông nghiệp và chuyên gia về sữa thuộc đại học Wageningen (Hà lan), trang trại nổi hoạt động với các robot không khó về mặt kỹ thuật, công nghệ mà khó vì xa lạ với thói quen thông thường của người dân  „nói đến sữa người ta nghĩ ngay đến khung cảnh thiên nhiên thanh bình với những con bò ung dung gặm cỏ“. Tuy nhiên nhà sáng lập trại bò nổi van Wingerden không quan tâm đến điều đó. Việc chăn nuôi bò sữa kiểu này mới chỉ là bước đi ban đầu, tiếp đến có thể áp dụng vào nuôi gia cầm và trồng rau xanh. Ông nói: “Chúng ta có thể xây dựng các trang trại nổi ở khắp mọi nơi trên thế giới này,  nơi nào có diện tích  mặt nước thích hợp đều có thể áp dụng”. Trong điều kiện mặt nước biển dâng lên thì diện tích mặt nước sẽ không bao giờ khan hiếm.
 
Xuân Hoài dịch theo “Tuần kinh tế” 19. 11. 2015
 

Mô hình kinh doanh cho doanh nghiệp xã hội

 
 
Ảnh: Các huấn luyện viên khởi nghiệp trong chương trình ToT (Training of Trainers) do IPP tổ chức học và làm việc tại không gian làm việc chung của HATCH – Tổ 14. Ảnh: IPP
 
Doanh nghiệp xã hội (DNXH), mặc dù vẫn là một khái niệm gây tranh cãi, không ai phủ nhận rằng DNXH là câu chuyện làm doanh nghiệp và hướng tới giải quyết vấn đề xã hội. Hai nội dung này hài hòa lẫn nhau và cùng mang lại giá trị cho doanh nghiệp và cộng đồng. Dù vậy, là doanh nghiệp thông thường khởi nghiệp vốn đã vất vả tồn tại, là DNXH còn khó khăn gấp trăm lần vì bạn phải dung hòa lợi ích giữa các bên, nỗ lực để sống sót và bền vững đồng thời không quên đi những cam kết với cộng đồng của mình.
 
Một trong những lý do quan trọng dẫn đến sự thất bại của nhiều DNXH là thiếu đi một mô hình kinh doanh bền vững cho dù khởi nguồn của đa số những doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này đều xuất phát từ những mục tiêu tốt đẹp, vì cộng đồng và vì những nhóm thiểu số, gặp nhiều bất lợi trong xã hội. Làm thế nào để có những bước đi vững chắc trước khi quyết định làm DNXH mà cụ thể là mình sẽ kiếm tiền như thế nào, tác động đến ai? Làm thế nào để có bức tranh toàn cảnh về chính DNXH bạn đang xây dựng? Làm thế nào để nói chuyện với các nhà tài trợ, các quỹ một cách tự tin? 
 
 
Một trong những câu trả lời chính là xây dựng một mô hình kinh doanh xã hội bền vững, điều cần thiết đầu tiên trước khi bắt đầu kinh doanh và vẽ lên giấy một cách rõ ràng thông qua mô hình kinh doanh canvas cho doanh nghiệp xã hội.
 
Phải bắt đầu từ mô hình kinh doanh thông thường
 
Ra đời cách đây tám năm, mô hình kinh doanh canvas truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp vì sự đơn giản và trực quan của nó. Mô hình này chỉ ra những vấn đề quan trọng, trực tiếp liên quan đến hoạt động kinh doanh và giá trị mà doanh nghiệp mang lại. Với một bản mô hình kinh doanh canvas, toàn bộ nhân viên của công ty và nhà đầu tư sẽ nắm được rất nhanh cách thức kinh doanh và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Một DNXH không thể sống hoàn toàn dựa vào tài trợ, DNXH cũng cần có câu chuyện kinh doanh rõ ràng của mình dựa trên chín cấu phần chính sau đây:
 
Tuyên bố giá trị: Có thể coi là phần quan trọng nhất vì nó giúp bạn trả lời câu hỏi: bạn khác biệt gì với đối thủ cạnh tranh và khách hàng cảm nhận được giá trị gì từ những sản phẩm, dịch vụ bạn mang lại? Để kiểm định giá trị của mình, bạn có thể lựa chọn một trong số 11 tiêu chí sau đây:Tính mới; Hiệu quả; Khả năng tùy biến; Giải quyết vấn đề; Thiết kế; Thương hiệu/ Địa vị; Giá cả; Tiết kiệm chi phí; Giảm thiểu rủi ro; Khả năng tiếp cận; Tiện ích/Khả dụng.
 
Phân khúc khách hàng: bạn cần xác định rõ loại phân khúc khách hàng nào mà bạn đang nhắm tới trong những loại phân khúc khách hàng này: Thị trường đại trà; Thị trường khe; Thị trường phân khúc; Nền tảng đa diện (ví dụ Google cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin miễn phí cho mọi người dùng internet nhưng lại kiếm tiền từ các công ty, doanh nghiệp, tổ chức muốn quảng cáo để có thứ hạng tìm kiếm tốt trên Google). Đi kèm với việc xác định phân khúc, bạn nên trả lời câu hỏi mỗi phân khúc khách hàng đang có khoảng bao nhiêu khách hàng. 
 
Kênh tiếp cận khách hàng: Có nhiều loại kênh khác nhau với chức năng khác nhau, vì vậy bạn cần chỉ rõ bạn đã, đang và sẽ dùng kênh nào để: Nâng cao nhận thức của khách hàng (ví dụ các kênh quảng cáo: facebook, qua nhóm khách hàng); Giúp khách hàng đánh giá giá trị (ví dụ: mời dùng thử trực tiếp); Cho phép khách hàng mua (trực tuyến hay tại cửa hàng v..v); Mang giá trị đến cho khách hàng (thông qua các dịch vụ cung cấp, dịch vụ bổ trợ v..v); Hỗ trợ sau bán hàng (dịch vụ hậu mãi). Khi xây dựng danh mục các kênh của mình bạn cần cân nhắc, đó là kênh bạn đang sở hữu hay đang hợp tác với người khác, đó là kênh bạn tiếp cận trực tiếp hay gián tiếp (thuê qua đối tác).
 
Nguồn doanh thu: là điều quan trọng tiếp theo bạn phải làm rõ để đảm bảo tính bền vững của mô hình kinh doanh. Với DNXH, ngoài nguồn doanh thu bán sản phẩm dịch vụ, doanh nghiệp còn có thể có nguồn tài trợ, hỗ trợ, đây cũng có thể là nguồn thu quan trọng của doanh nghiệp. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần chỉ rõ, các nguồn doanh thu đó đến từ đâu, là bao nhiêu và chiếm tỉ trọng như thế nào trong từng doanh thu.
 
Quan hệ khách hàng: Đây là lúc DNXH chỉ rõ mình duy trì quan hệ với khách hàng như thế nào? Thông qua hỗ trợ trực tiếp cá nhân, hay hỗ trợ đặc biệt, để khách hàng tự phục vụ, dịch vụ tự động hóa, duy trì cộng đồng hay cùng nhau tạo ra giá trị mới
 
Hoạt động chính: Bạn chỉ ra những hoạt động chính để vận hành mô hình kinh doanh của mình. Những tuyên bố giá trị của bạn, kênh để truyền tải giá trị, quan hệ khách hàng và những nhân tố thuộc dòng doanh thu đang tác động đến hoạt động chính của doanh nghiệp như thế nào. 
 
Nguồn lực chính: Tài sản con người, giải pháp kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, tài chính v..v đều là những nguồn lực quan trọng của doanh nghiệp. 
 
Cấu trúc chi phí: Sẽ là sai lầm nếu doanh nghiệp không chỉ ra được mình đang tốn chi phí cho những hoạt động, đầu vào gì để cả mô hình vận hành được
 
Đối tác chính: Đây là lúc bạn chỉ ra đối tác chính cho mô hình kinh doanh của bạn, đó có thể là những cộng đồng, hiệp hội, nhà cung cấp v.v…
 
Sự khác biệt của Doanh nghiệp xã hội
 
Với một doanh nghiệp thông thường, việc dừng lại ở chín cấu phần là đủ để tạo một bức tranh đầy đủ về hoạt động kinh doanh của mình. Tuy vậy, để thuyết phục nhà tài trợ, nhà đầu tư và cộng đồng rằng bạn đang mang lại giá trị nhiều hơn giá trị vật chất, bạn cần phải đặc biệt lưu ý hai nội dung chính:
 
Phân khúc khách hàng: Bạn phải chỉ ra được: Bạn đang tạo ra giá trị cho ai? Ai là khách hàng quan trọng nhất của bạn. Đôi khi người mua hàng khác với người hưởng lợi trực tiếp từ sản phẩm dịch vụ của bạn, vì vậy, bạn cần chỉ rõ người mua hàng là ai? Có một số trường hợp người dùng, người mua là khác nhau. 
 
Ví dụ: một đơn vị sản xuất cặp kiêm áo phao cứu nạn cho trẻ em nhằm giải quyết vấn đề trẻ em bị đuối nước trong mùa mưa lũ. Người hưởng lợi trực tiếp là trẻ em vùng lũ nhưng người trả tiền, người mua có thể là gia đình, có thể là các công ty, đơn vị tài trợ hoặc các tổ chức quốc tế cứu trợ trẻ em.
 
Ngoài ra bạn cũng cần chỉ ra ai là những bên liên quan đến những giá trị bạn mang lại.
 
Tác động: Chính là cấu phần thứ 10 trong mô hình kinh doanh. Bạn phải chỉ ra được, những khác biệt mà bạn tạo ra cho mọi người, cho xã hội, cho môi trường. Tác động bạn tạo ra trong nội bộ như thế nào, tác động hướng vào người dùng là gì, tác động mà người tài trợ mong đợi là gì và tác động mà các bên liên quan quan tâm là gì. Mặc dù tác động là khó đo lường, bạn cần suy nghĩ đến những chỉ số đo lường sự thay đổi, hãy đặt cho mình câu hỏi: tại sao bạn biết có sự thay đổi và bạn đo lường sự thay đổi đó như thế nào. Để làm được điều này bạn nên xuất phát từ mục tiêu ban đầu, bạn định thay đổi điều gì? Và ai là nhân vật trung tâm trong câu chuyện thay đổi của bạn. 
 
Vì DNXH có nhiều đối tượng để hướng tới, việc có một mô hình kinh doanh tốt sẽ giúp bạn truyền thông nhanh chóng và hiệu quả đến những bên liên quan trong câu chuyện kinh doanh của bạn. Một nhà đầu tư hay nhà tài trợ, nhân viên trong chính công ty bạn và những đối tác đều có thể hình dung cụ thể bạn đang làm gì. Với một mô hình kinh doanh được vẽ ra, chính bạn sẽ nhìn thấy được những điểm yếu trong mô hình kinh doanh của mình. Với những doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này, bạn hãy nhớ ba nhân tố: Tuyên bố giá trị, Phân khúc khách hàng, Dòng doanh thu là những điều đầu tiên bạn nên nghĩ đến và hoàn thiện trước khi hiểu và viết lên các cấu phần còn lại. 
 
Cuối cùng, để mô hình kinh doanh ra đời một cách hiệu quả, việc tham gia của lãnh đạo và quản lý cấp cao, cấp trung của doanh nghiệp là quan trọng nhất. Nó không nên là sản phẩm duy nhất của nhà quản lý vì như vậy nó sẽ mất đi tính toàn diện của một mô hình kinh doanh của cả một tổ chức và thiếu sự tham gia của các phòng ban có liên quan, mô hình kinh doanh khó có thể đi vào đời sống của doanh nghiệp như một tầm nhìn chung và khó có thể được thay đổi thường xuyên theo thực tế kinh doanh.
 
Nguyễn Đặng Tuấn Minh

Tìm người giỏi với nguồn lực ít nhất?

 
Một doanh nghiệp khởi nghiệp, nếu ở quy mô nhỏ và số vốn không nhiều, việc đau đầu nhất các nhà quản lý thường gặp phải đó là tìm đâu cho ra người giỏi?
 
Với một doanh nghiệp khởi nghiệp, nếu ở quy mô nhỏ và số vốn không nhiều, việc đau đầu nhất mà các nhà quản lý thường gặp phải là tìm đâu cho ra người giỏi? Và nếu có người giỏi thì lấy đâu ra ngân sách để giữ họ? Vòng luẩn quẩn con gà quả trứng đó khiến không ít doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại, phá sản vì những lý do không mấy liên quan đến sản phẩm dịch vụ tốt hay không, mà vấn đề nằm ở chỗ có người để làm hay không. 
Những thế khó và Giải pháp thường gặp
 
Thế khó thứ nhất: Doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) gặp khó lớn nhất ở quy mô nhỏ, môi trường kém chuyên nghiệp. Quy mô nhỏ là một bất lợi bởi lời khuyên mà sinh viên sắp ra trường được nghe chủ yếu là nên bước chân vào những công ty lớn để có cơ hội học tập toàn diện từ môi trường chuyên nghiệp. Thế nên, các DNKN nhỏ thường khó là điểm đến của những sinh viên giỏi, có năng lực tốt. 
 
Giải pháp thường gặp cho khó khăn này là các doanh nghiệp chấp nhận trả mức lương vừa phải để có những nhân lực chất lượng vừa phải, đáp ứng tạm đủ nhu cầu. Doanh nghiệp cũng chấp nhận việc vào ra liên tục của người làm như một lẽ tự nhiên: Sinh viên mới ra trường hay nhảy việc. Chỉ cần lương chênh lệch nhau vài trăm nghìn một tháng là họ sẵn sàng bỏ sang nơi mới. 
 
Sai lầm nằm ở chỗ: Thông thường, ở các DNKN, quản lý nhân sự cũng đồng thời là bộ phận hành chính ở công ty. Bộ phận này vốn đảm nhiệm những công việc không đơn giản do khối lượng công việc khá nhiều và phức tạp, giờ đây lại liên tục phải thay đổi, tuyển dụng, phỏng vấn và làm chế độ cho người lao động. Công việc này càng ngày càng kém hiệu quả do không có cú hích thực sự trong chính sách đãi ngộ và sử dụng người làm. Mặt khác, nó tạo ra thứ văn hóa rất tạm bợ trong tư duy người làm, nay ở mai đi. Về lâu dài, không chỉ hình ảnh công ty bị ảnh hưởng trong con mắt người ứng tuyển, mà còn khó xây dựng được văn hóa thực sự của doanh nghiệp. Đây là điểm trừ trong con mắt nhà đầu tư. 
 
Thế khó thứ hai và giải pháp thường gặp: DNKN không đào tạo nhân sự bài bản. Với một người chủ doanh nghiệp dành khoảng 16h cho việc phát triển sản phẩm và gặp gỡ khách hàng, lo lắng cho sự sống còn của doanh nghiệp, dòng tiền v..v. thì việc dành thời gian đào tạo nhân sự là một thứ xa xỉ. Đó là chưa kể, ngay khi đào tạo xong, nhân sự lại nhảy việc. 
Vì vậy, giải pháp thường gặp là Doanh nghiệp để mặc người lao động tự xoay sở với công việc của mình, làm được hay không thì cũng hưởng lương, sau một thời gian quá kém thì mới sa thải. Hoặc đào tạo cũng chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sơ qua về sản phẩm dịch vụ và cho nhân viên lăn xả ra thị trường, tự xoay sở và bán hàng. 
 
Sai lầm nằm ở chỗ Khi để người lao động tự xoay sở với công việc, ta đã không cho người lao động cơ hội để hiểu về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, yêu doanh nghiệp mà họ đang làm việc và cống hiến. Việc này dẫn đến thái độ làm việc chống đối, tâm lý bất an, dễ dàng nhảy việc bất kỳ lúc nào. Trường hợp không được đào tạo và kiểm soát tốt, một nhân viên bước ra thị trường có thể gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của doanh nghiệp.
 
Thế khó thứ ba: DNKN không có thương hiệu, chính sách đãi ngộ không vượt trội nên không tạo được hồ sơ tốt cho ứng viên khi làm việc tại đó. Điều này rõ ràng là bất lợi của DNKN trong con mắt các ứng viên mới ra trường và hoàn toàn không tạo được sức hấp dẫn với những ứng viên có năng lực. 
 
Đối phó với bất lợi này, nhiều DNKN lựa chọn phương án trao cổ phần cho các ứng viên tham gia như một cam kết về sự chia sẻ quyền và lợi ích với ứng viên tiềm năng. 
 
Sai lầm thường gặp với giải pháp này: Cổ phần không phải lúc nào cũng là giải pháp hữu hiệu nếu doanh nghiệp không tìm được thành viên có cùng tầm nhìn. Việc giao cổ phần cho một người mà mình không hiểu rõ có thể tạo ra những rắc rối về pháp lý sau này. Điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp lựa chọn cổ đông dựa trên những giá trị lâu dài và bền vững mà cổ đông đó có thể mang lại chứ không phải là những giá trị trước mắt mà doanh nghiệp đang cần trong ngắn hạn.
 
Thế khó thứ tư và giải pháp thường gặp: Cơ cấu của DNKN đơn giản, khó tạo cơ hội thăng tiến cho ứng viên nên các ứng viên bước chân vào DNKN thường gặp một trong các tình huống sau: Đảm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ hoặc mất động lực do không thấy khả năng thăng tiến hoặc không được đào tạo nên người lao động cảm thấy mình không có những chuyển biến trong chuyên môn nghiệp vụ. Việc rời bỏ doanh nghiệp là điều khó tránh khỏi. Trước bất lợi này, ít doanh nghiệp tìm giải pháp mà thường đợi đến khi lớn mạnh mới hoàn thiện cơ cấu tổ chức. 
 
Những giải pháp lật ngược tình thế
 
Các chương trình tập sự: Nhiều doanh nghiệp nghĩ việc tổ chức một chương trình tập sự và quản trị viên tập sự sẽ rất tốn kém nhưng thực tế, nếu biết cách làm, chương trình sẽ không chỉ có lợi cho nhiều bên mà lại còn rất tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Đây là giải pháp đã được chứng minh thành công với nhiều DNKN. 
 
Một trong những giải pháp là đăng tuyển tập sự part-time (bán thời gian) cho các vị trí như marketing, sale, kỹ thuật, chăm sóc khách hàng. Chương trình sẽ bắt đầu với việc đăng tuyển dụng, chuẩn bị nội dung đào tạo và tự đào tạo và hướng dẫn đào tạo lại. Những chương trình này rất phù hợp với sinh viên từ năm thứ  hai  trở đi vì không đòi hỏi phải dạy nhiều kỹ năng. Các em cũng mong muốn được đào tạo và có khả năng thu xếp thời gian tốt.  
 
Các chương trình này không chỉ tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn nhân lực với chi phí chấp nhận được mà còn tạo cơ hội cho sinh viên tham gia sớm môi trường làm việc thực tế, giúp họ có cái nhìn cụ thể về môi trường làm việc và được đào tạo, tự đào tạo những kỹ năng mà không phải trường đại học nào cũng trang bị cho sinh viên của mình. 
 
Tuy nhiên, nên có những cam kết thành biên bản với thực tập sinh với thời gian tập sự tối thiểu ba tháng. Doanh nghiệp cũng nên có sự chuẩn bị cho những bước phát triển rõ ràng của thực tập viên cùng với chỉ số đánh giá minh bạch để tạo động lực cho người làm việc. Một vài gợi ý với doanh nghiệp khi sử dụng chương trình này: Với người tham gia chương trình thực tập, động lực lớn nhất là được học hỏi, có chứng nhận rõ ràng về thành tích của mình và được tuyển dụng sau khi thực tập (có thể tại chính công ty thực tập hoặc ở những công ty khác sau này). Vì vậy, thư tham chiếu/giới thiệu; chứng nhận thực tập (mô tả rõ chức năng, nhiệm vụ và thành tích đạt được) là những nội dung doanh nghiệp cần chuẩn bị. 
 
Cho phép tự phát triển đội nhóm: Với bất lợi của doanh nghiệp không có cơ cấu đủ lớn giúp người lao động thăng tiến, việc chủ động tạo cho người lao động cơ hội phát triển đội nhóm của mình là một cách tốt để doanh nghiệp nâng cao tính tự chủ của người lao động. Giao quyền quản lý một dự án, một chương trình, quyền chủ động tuyển người và quyền xây dựng chính sách phù hợp với công ty là những lựa chọn tốt để tạo ra đội ngũ lãnh đạo kế cận và giảm bớt khối lượng công việc hàng ngày của lãnh đạo DNKN. 
 
Tạo ra một văn hóa sáng tạo và học hỏi không ngừng:
 
Phát triển một thư viện và tạp chí chuyên ngành của riêng doanh nghiệp cả online và offline là một cách hay để kết nối các thành viên trong doanh nghiệp. 
 
Tổ chức các buổi seminar nội bộ để chia sẻ kiến thức, khuyến khích nhân viên bằng những cuộc thi sáng tạo nhỏ trong nội bộ công ty. Phần thưởng cho người lao động đôi khi chỉ là đôi vé xem phim, một khóa học nâng cao kỹ năng đã có tính chất ghi nhận và động viên rất lớn với người lao động.
 
Đào tạo định kỳ cho cả công ty vì ai cũng có nhu cầu học hỏi và phát triển. Một người lãnh đạo tốt là người tạo điều kiện cho nhân viên phát triển cùng công ty. Việc mời chuyên gia đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ chuyên môn là một cách giữ chân người giỏi và góp phần xây dựng một văn hóa học hỏi trong doanh nghiệp. 
 
Tận dụng triệt để các công cụ mạng xã hội để tìm kiếm nhân sự và xây dựng thương hiệu đến nguồn nhân lực tiềm năng. Bạn không cần có quá nhiều tiền để đăng tuyển trên những kênh tuyển dụng chi phí cao mới tìm được người giỏi. Một profile tốt của CEO hoặc Trưởng phòng Nhân sự của công ty trên LinkedIn, một fanpage đầy hình ảnh sống động của một doanh nghiệp trẻ trung, ham học hỏi và sáng tạo sẽ là một lực hút rất quan trọng với những ứng viên tiềm năng của bạn. Mạng xã hội và truyền miệng sẽ là những cơ chế lan truyền hỗ trợ tốt nhất cho DNKN trong quá trình tìm kiếm và tuyển dụng nhân sự của mình.
 
Ví dụ: EZCloud Global là một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cho khách sạn, nhà hàng. Trong ba năm khởi nghiệp, ngay từ những ngày đầu, doanh nghiệp đã phát triển chương trình tập sự cho nhóm kỹ thuật. Với nguồn nhân lực đến từ các trường đại học, công ty đã chủ động phát triển đội kỹ thuật tập sự, kế toán tập sự, và gần đây là marketing và sales tập sự cho hơn 20 nhân viên. Anh Nguyễn Hoàng Dương, CEO của công ty chia sẻ: “Cái khó nhất ban đầu chính là xây dựng chương trình đào tạo với đội kỹ thuật tập sự, vì bạn cần phải có người lãnh đạo cho nhóm này. Chúng tôi giải quyết thế khó này bằng việc chủ động đào tạo trưởng nhóm và yêu cầu trưởng nhóm đào tạo lại thành viên mới. Nhờ vậy, chúng tôi không chỉ tiết kiệm thời gian đào tạo nhân viên mới cho các nhà sáng lập, mà nhân viên cũ cũng được trao quyển tự chủ hơn, rèn được nhiều kỹ năng quản lý nhóm hơn. Trên hết, đó là một văn hóa chủ động trong công ty nên có những bạn sinh viên năm cuối có hai năm kinh nghiệm làm việc với EZCloud nhưng đã có thể quản lý những dự án quan trọng. Dựa trên thành công của những chương trình tập sự, công ty đã tự tin mở rộng những chương trình tập sự cho marketing, sales. Rất nhiều tập sự của EZCloud kết thúc công việc tập sự nhưng vẫn tiếp tục cộng tác với công ty. Đó là cách chúng tôi mang ý nghĩa của công việc mình làm đến cộng đồng tốt nhất”. 
 
——–
Nguyễn Đặng Tuấn Minh*
 
*Giảng viên Khoa Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đồng sáng lập KisStartup
 
 

Sáng tạo – Giá trị cốt lõi của Thiên Long

 
Đổi mới công nghệ là điểm mạnh của Thiên Long
 
Từ một cơ sở sản xuất bút bi nhỏ được thành lập vào năm 1981, đến nay Thiên Long đã trở thành một tập đoàn lớn nổi tiếng tại Việt Nam. Hiện sản phẩm của Thiên Long không chỉ đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia khác nhau trên thế giới. Sự thành công của Thiên Long đến từ nhiều yếu tố, trong đó không thể không kể đến vai trò của đổi mới sáng tạo.
Tinh thần đổi mới sáng tạo từ người sáng lập
 
Theo ông Nguyễn Đình Tâm – Phó Tổng Giám đốc thường trực của Tập đoàn Thiên Long, ngay từ những ngày đầu thành lập, Thiên Long đã mang trong mình tinh thần đổi mới sáng tạo của người sáng lập là ông Cổ Gia Thọ.
 
Ngay từ giai đoạn đầu đất nước mở cửa, vào những năm 1990, ông Thọ đã lặn lội tìm đến những quốc gia nổi tiếng trong lĩnh vực bút bi là Thụy Sĩ và Đức để học hỏi kinh nghiệm và mua công nghệ mới về phục vụ sản xuất. Và với đầu bút nhập từ Thụy Sĩ, mực nhập từ Đức, sản phẩm bút bi TL-07 và TL-08 đã tạo sự đột phá trong thị trường lúc bấy giờ. Những sản phẩm đến ngày hôm nay vẫn được tin dùng đó đã đủ chứng tỏ chất lượng của sản phẩm này.
 
Tập đoàn Thiên Long được trao Giải Bạc Chất lượng Việt Nam năm 2008, 2009; Giải Vàng Chất lượng Việt Nam năm 2011, năm 2014; Giải Chất lượng quốc tế châu Á – Thái Bình Dương năm 2015.
 
Ông Tâm cho biết: Nhiều người nghĩ rằng cứ phải tự mình làm tất cả các công việc thì mới gọi là đổi mới sáng tạo. Tôi nghĩ điều này không hẳn đúng, có những công nghệ mình phải nhập từ nước ngoài về vì đó là một bước đi vừa an toàn, vừa giúp chúng ta nhanh chóng tiết kiệm thời gian để bắt kịp nhu cầu của thị trường. Dĩ nhiên, bên cạnh đó cũng phải có những công nghệ, sản phẩm chúng ta tự sản xuất để có sự chủ động và tạo lợi thế cạnh tranh. Khi bạn thay đổi công nghệ cũ bằng một công nghệ mới tiên tiến hơn, cái đó gọi nôm na là đổi mới nhưng đổi mới sẽ không mang lại giá trị nếu thiếu đi sự sáng tạo. Đó là lý do vì sao chúng ta thường dùng chung cụm từ “đổi mới sáng tạo”.
 
Để tôi dễ hình dung hơn, ông Tâm đưa ra một ví dụ. Với một cây bút bi, bạn thử tháo rời các bộ phận ra, thông thường bạn sẽ thấy trên dưới 10 chi tiết khác nhau, tùy loại bút. Mỗi chi tiết cần một cái khuôn khác nhau để đúc tạo hình. Với công nghệ đúc cũ, bạn phải dùng các thiết bị cơ khí thô sơ mà việc sản xuất tốn nhiều thời gian và độ chính xác không cao. Nhờ đổi mới công nghệ, chúng ta dễ dàng tạo ra các khuôn mới nhanh chóng với độ chính xác cao hơn.
 
Ông bảo, cái đó gọi là đổi mới công nghệ. Thế nhưng công nghệ cũng chỉ là một công cụ mà thôi. Nó giúp chúng ta hiện thực hóa các ý tưởng một cách hiệu quả. Còn để có những ý tưởng xuất sắc, tạo được một sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, bạn cần phải biết thiết kế cây viết như thế nào, hình dáng, màu sắc, hoa văn ra sao… thì lại phải cần đến sự sáng tạo. Đó chính là điều tạo nên sự khác biệt, là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp này đối với doanh nghiệp kia và đây chính là điểm mạnh của Thiên Long.
 
Chính nhờ sáng tạo, Thiên Long liên tục tăng trưởng cao và ổn định qua các năm, từ một công ty chuyên sản xuất bút bi, đến nay công ty đã có năm dòng sản phẩm bao gồm: Bút viết thông dụng TL, Bút viết cao cấp Bizner, Dụng cụ văn phòng FlexOffice, Dụng cụ học sinh Điểm 10 và Dụng cụ Mỹ thuật Colokit, hơn 90 chủng loại sản phẩm đang kinh doanh ở thị trường trong và ngoài nước, trong đó, người viết bất ngờ khi được giới thiệu về cây bút phấn nước CM-01, một sản phẩm mới mà Thiên Long vừa giới thiệu ra thị trường. Có thể nói CM-01 là một sản phẩm rất tiện dụng khi kết hợp giữa phấn và mực nước không bụi để có thể viết trên bảng trắng, bảng đen, kính, nhựa, kim loại, giấy, gốm…
 
Lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo
 
Tham quan một vòng các phòng thí nghiệm, nhà máy sản xuất của Thiên Long, ta có thể thấy tinh thần đổi mới sáng tạo hiện diện khắp mọi nơi. Chính với điều đó mà Thiên Long đã chế tạo được một robot tự động lắp ráp các bộ phận khác nhau để hình thành nên một sản phẩm nhanh gấp 20 lần so với lắp ráp thủ công. Với những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ tiên tiến, đội ngũ nhân viên có chuyên môn cao, Thiên Long đã được nhiều khách hàng lớn tìm đến hợp tác, trong đó có cả Nhật Bản, Mỹ và châu Âu, là những quốc gia rất mạnh về lĩnh vực văn phòng phẩm.
 
Khi bạn thay đổi công nghệ cũ bằng một công nghệ mới tiên tiến hơn, cái đó gọi nôm na là đổi mới, nhưng đổi mới sẽ không mang lại giá trị nếu thiếu đi sự sáng tạo.
Dĩ nhiên không ai có được quả ngọt mà không kỳ công chăm sóc. Để có được thành quả này, ngay từ năm 1994, Thiên Long đã có một nhóm kỹ thuật chuyên nghiên cứu thiết kế sản phẩm. Đây là nền tảng hình thành nên phòng Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của công ty vào năm 2000 với ngân sách dành cho hoạt động đổi mới sáng tạo mỗi năm từ 3% – 5% tổng doanh thu của Tập đoàn.
 
Mặc dù R&D là trái tim của đổi mới sáng tạo nhưng sáng tạo là việc của tất cả các phòng ban, của mọi nhân viên chứ không riêng gì bộ phận R&D, ông Tâm nói thêm, nếu như bạn có những thiết kế tốt từ phòng nghiên cứu mà bộ phận sản xuất không đủ đổi mới để theo kịp ý tưởng thì cũng không ổn; rồi khi mọi thứ sản xuất đã ổn mà bộ phận marketing và bán hàng không sáng tạo để đưa sản phẩm ra thị trường đến tận tay người tiêu dùng thì sản phẩm dẫu có sáng tạo cũng chỉ là một sự thành công nửa vời.
 
Trả lời câu hỏi làm sao để tinh thần sáng tạo lan tỏa đến với tất cả phòng ban của công ty, ông Tâm nói, “Để làm được điều đó, vai trò người lãnh đạo hết sức quan trọng. Đơn giản thế này thôi, khi anh có một ý tưởng mới, trình bày với sếp mà bị gạt ngay thì làm sao có thể có sáng tạo được. Nhưng ngược lại, anh được lắng nghe, được khuyến khích, tôi tin ai cũng sẽ ‘sung’ hơn, không chỉ lần này mà còn nhiều lần khác”.
 
Một điều các doanh nghiệp đều biết, đó là đổi mới luôn đi kèm với rủi ro bởi là cái mới thì làm sao biết được có thể làm được hay không? Rồi làm được, sản xuất được nhưng thị trường có chấp nhận hay không lại là chuyện khác. 
 
Thế nhưng có một điều chắc chắn là nếu không đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp sẽ rất khó để tồn tại trong môi trường đầy cạnh tranh hiện nay.
 
Vậy Thiên Long có cách nào để hạn chế rủi ro trong quá trình này?
 
Dĩ nhiên là có, ông Tâm nói và bổ sung thêm, đổi mới sáng tạo không có nghĩa là không có kỷ luật. Chính kỷ luật, làm theo từng bước, từng bước theo qui trình sẽ giúp công ty hạn chế bớt những rủi ro trong quá trình đổi mới sáng tạo.
 
Dĩ nhiên không doanh nghiệp nào chia sẻ chi tiết cho doanh nghiệp nào về bí mật quy trình thực hiện đổi mới sáng tạo, thế nhưng khi làm việc cùng với các đối tác lớn, hãy để ý tại sao họ làm thế này mà không phải thế kia, bạn sẽ học được rất nhiều điều hữu ích, ông Tâm bật mí.
 
Đức Tâm