Học cách học: Một bài học quan trọng bậc nhất đang bị bỏ quên

 
 
Khi giải một bài toán, não sẽ tập trung với số ít các tế bào thần kinh.
 
Nếu bạn gặp một bài toán khó, dù cố gắng nhiều mà giải mãi không xong, thì làm thế nào? Câu trả lời phổ biến nhất là cố gắng tìm ra chỗ sai trong lập luận rồi đi tiếp hoặc “làm lại từ đầu”. Cả hai phương án theo kinh nghiệm này không phù hợp với những lời khuyên của các chuyên gia về não bộ.
Theo họ, não bộ của chúng ta hoạt động theo hai cơ chế khác nhau: tập trung (focused mode) và thư giãn (diffused mode). Khi ta tập trung cao độ vào giải quyết một bài toán, não sẽ vào cuộc sử dụng cơ chế tập trung với số ít các tế bào thần kinh tại một vùng tập trung của não bộ được huy động. Khi ta rơi vào thế bí như tình huống đã dẫn, thì dù có cố gắng đến mấy, cũng chỉ có vùng não tập trung được hoạt động. Có nghĩa là chúng ta có xu hướng lặp đi lặp lại các cách giải quyết vấn đề, và khó lòng thoát ra khỏi bế tắc. Khi đó hành động rà soát lại lời giải hay đi lại từng bước từ đầu không có ích gì mấy. Như thiên tài Albert Einstein từng nhận xét đại ý “bạn không thể giải bài toán theo 1000 cách giống nhau rồi hy vọng có lời giải khác!”. Trong những lúc bí bách như thế này, cách tốt nhất là tạm rời xa bài toán đấy, đi chơi, thư giãn rồi hẵng quay lại với bài toán. Đây không phải là lời xúi bậy vô trách nhiệm. Việc bạn tạm rời bài toán đó để đi bộ, hóng gió, hoặc ngồi thiền ít phút sẽ giúp não bộ chuyển sang chế độ thư giãn, lúc này các vùng khác của não bộ được kích hoạt. Nếu quay trở lại giải toán, bạn sẽ có khả năng tìm ra một con đường khác, không bế tắc như lúc đầu.
 
Trên đây chỉ là một trong hàng tá ví dụ cho thấy những nghiên cứu về não bộ có thể giúp cải thiện đáng kể cách thức chúng ta học tập và làm việc. Tuy nhiên, bấy lâu nay chúng ta vẫn không mấy khi nghĩ về việc tìm hiểu các kiến thức loại này để cải thiện cách học tập, vì chúng ta thường phó mặc cho thói quen sai khiến trong các hoạt động của mình.
 
Có thể dẫn ra đây một thói quen tai hại khác vẫn chiếm chỗ trong trường học của chúng ta: các bài giảng dài. Bạn có thể gặp ở bất kì trường học nào các tiết học kéo dài từ 45 phút tới vài tiếng. Bạn cũng dễ dàng bắt gặp cảnh tượng hàng tá học sinh lơ đãng, ngủ gật, hoặc ngồi làm việc riêng trong lớp vì không thể chú tâm vào bài giảng. Trong khi hầu hết các giáo viên đổ lỗi cho các cô cậu học trò, thì các chuyên gia não bộ có một lời giải thích đơn giản cho hiện tượng này: não chúng ta chỉ có khả năng chú tâm suy nghĩ trong một thời gian rất ngắn, chừng 10 phút1, sau đó là sẽ đến giai đoạn mất tập trung. Đây là cơ chế phòng vệ hết sức tự nhiên của não người, vì vậy hãy phân chia các bài giảng thành từng phân đoạn ngắn hơn. Sau mỗi mười phút tập trung, hãy thiết kế một hoạt động để thư giãn và chuyển đổi sang phân đoạn tiếp theo. Thực ra đã từ lâu người ta đã biết dùng kĩ thuật phân giờ Pomodoro với các quy tắc đơn giản kể trên để gia tăng đáng kể năng suất làm việc và học tập.
 
Một nghiên cứu đăng trên Psychological Science in the Public Interest năm 20132 cho thấy, những phương pháp học tập được sử dụng phổ biến trong nhà trường như “tóm tắt nội dung bài giảng”, “dùng bút đánh dấu đoạn văn bản quan trọng khi đọc sách”, “đọc đi đọc lại một chương sách” hoá ra lại là những cách không mang lại mấy hiệu quả về ghi nhớ. Có những cách khác hữu hiệu hơn nhiều để giúp gia tăng hiệu quả học tập như: tích cực làm các bài luyện tập, hay học tập các kiến thức theo hình thức luyện tập phân tán với các khối kiến thức được chia nhỏ và học tập qua thời gian đủ dài.
 
Nhìn từ những tình huống kể trên, trường học hiện nay có vẻ đang phí phạm rất nhiều thời gian của học trò chỉ vì ưa thích kinh nghiệm mà ít quan tâm tới việc tìm hiểu và vận dụng các kiến thức khoa học về việc con người học tập như thế nào để từ đó xây dựng các hoạt động giáo dục cho tối ưu.
 
Chúng ta có thể liên hệ việc học tập như câu chuyện cái cần câu và con cá. Cách dạy truyền thống phổ biến hiện nay là dạng cho đi con cá, trong khi nếu ta trang bị năng lực tự học cho học sinh thì tức là cho họ một cái cần câu để tự lập suốt đời.
 
Sự thiếu vắng những bài học liên quan đến việc rèn luyện kĩ năng học tập sẽ mang lại hậu quả mà chúng ta đã được chứng kiến là những thế hệ học trò thụ động chỉ biết trông chờ kiến thức và chân lý từ giáo viên và những người đi trước mà không để chủ động tự mình xây dựng tri thức cho mình. Điều này càng trở nên tai hại trong bối cảnh thời đại tri thức và số hóa hiện nay khi mà lượng thông tin mỗi năm tăng trưởng theo cấp số mũ. Kiến thức ngày hôm nay còn đúng, ngày mai có thể đã sai đi nhiều. Chỉ có cách làm chủ việc học như thế nào mới giúp học sinh đứng vững trong thế giới ngày nay. Thế cho nên, nhiều nhà giáo hiện nay đã thừa nhận rằng tiêu chuẩn xóa mù hiện nay không chỉ là biết đọc biết viết mà còn phải thạo cách tự học. Nhìn theo hướng này, chúng ta có thể dễ dàng đồng tình với nhận định của cha đẻ phương pháp Bản đồ Tư duy Tony Buzan: “Kĩ năng tự học là kĩ năng quan trọng nhất mà một người có thể sở hữu”.
 
Thật may mắn là chúng ta có thể tìm thấy những sáng kiến mới trong một số chương trình giáo dục có để ý tới việc rèn luyện năng lực tự học trong chương trình giáo dục. Như sáng kiến Khung Kỹ năng thế kỷ 21 (P21.org) đã xếp kĩ năng học tập và sáng tạo thành một trong bốn hạng mục chính trong các năng lực cốt lõi mà học sinh thế kỉ 21 này phải thành thục.
 
Hay như nhóm Cánh Buồm chủ trương xây dựng chương trình giáo dục tiểu học hiện đại xoay quanh tư tưởng chủ đạo với một từ duy nhất: tự học. Theo đó học sinh được rèn luyện phương pháp học tập từ tiểu học. Kết thúc bậc tiểu học, trẻ em có được năng lực tự học vững vàng để sang bậc học cao hơn các em sẽ sử dụng năng lực ấy để tự mình đến với tri thức thay vì phụ thuộc vào sự truyền tải thông tin một chiều từ nhà trường. Nhóm Cánh Buồm xác quyết: “Giáo dục tức là tự giáo dục, tự làm ra chính mình!”. Nhóm đã đi xa hơn việc tuyên ngôn vài bước với sự quy trình hóa kĩ thuật để trẻ em thực sự xây dựng được phương pháp học cho mình.
 
Người xưa có câu, phàm phải trong tình huống khó lường thì “lấy bất biến ứng vạn biến”. Đối với việc học tập, cái bất biến là phương pháp tự học, cái vận động không ngừng là tri thức của thời đại. Không gì bằng trang bị cho được cái bất biến đó để người học của thế kỉ 21 có thể tự mình đi trên đôi chân tự do khám phá cánh đồng tri thức của nhân loại trong suốt cuộc đời. Thiếu kĩ năng thiết yếu này thì những khẩu hiệu rổn rảng về xã hội học tập, hay học tập suốt đời chỉ cùng lắm là những lời nói cho sang miệng. Bài học về cách học cần phải là bài học căn cơ nhất mà mỗi học sinh cần phải được luyện rèn. 
—————
[1]Medina, J. (2011). Brain Rules: 12 Principles for Surviving and Thriving at Work, Home, and School (Large Print 16pt). ReadHowYouWant. com.
[2]Dunlosky, J., Rawson, K. A., Marsh, E. J., Nathan, M. J., & Willingham, D. T. (2013). Improving students’ learning with effective learning techniques promising directions from cognitive and educational psychology.Psychological Science in the Public Interest, 14(1), 4-58.
 
Dương Trọng Tấn

Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý chu trình nhiên liệu nhà máy điện hạt nhân

 
Uranium 235 là nhiên liệu được sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân
 
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với chu trình nhiên liệu hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Việc hoạch định chính sách quốc gia về chu trình nhiên liệu hạt nhân, nhất là đối với các nước mới phát triển điện hạt nhân được cộng đồng quốc tế, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hết sức quan tâm, chú ý.
 
Đặc biệt, việc công khai, minh bạch các chính sách về nội địa hóa, làm giàu hay tái chế nhiên liệu, xử lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu đã qua sử dụng có ý nghĩa quan trọng, tác động tới sự ủng hộ, hợp tác của các nước đối với dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
 
 
Mặt khác, việc xác định chính sách về chu trình nhiên liệu hạt nhân có ý nghĩa quan trọng, làm cơ sở trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở ​Việt Nam cũng như lập kế hoạch xây dựng, phát triển năng lực quản lý, xử lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
 
 
Thời gian qua, Bộ KH&CN đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2241/QĐ-TTg ngày 11/12/2014 về Kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân giai đoạn đến 2020.
 
 
Để tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với chu trình nhiên liệu hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan rà soát hệ thống văn bản pháp luật hiện hành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đưa những nội dung cần thiết vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật năng lượng nguyên tử.
 
 
Một số vấn đề dài hạn, cần được tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước để báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo cụ thể sau.
 
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/hoan-thien-chinh-sach-quan-ly-chat-thai-phong-xa-da-qua-su-dung/368798.vnp
 
 

Vì sao “trai mùng một, gái hôm rằm” khó nuôi?

Từ xưa tới nay, dân gian vẫn có câu "Trai mùng một, gái hôm rằm. Nuôi thì nuôi vậy nhưng căm dạ này", tức là những đứa trẻ sinh ngày vào ngày này sẽ khó nuôi, tính khí khác thường. Liệu điều này có đúng không? Phải chăng tất cả những bé gái sinh ngày rằm và bé trai sinh ngày mùng 1 (âm lịch) đều như vậy.
 
Lý giải của các chuyên gia, nhà văn hóa sẽ phần nào hé mở cùng bạn đọc về quan niệm dân gian này.
 
Chỉ áp dụng cho người sinh đêm
 
TS Nguyễn Ánh Hồng, giảng viên Khoa Văn hóa phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền mở đầu câu chuyện bằng một dẫn chứng về chính người em gái của mình. Bà kể, em gái bà nhằm đúng một đêm rằm trong năm 1974 thì chào đời. "Các cụ vẫn bảo: "Trai mùng một, gái hôm rằm". Cứ nghiệm từ em tôi mà ra thì thấy đúng là tính khí em ấy rất bướng bỉnh, mạnh mẽ, quyết liệt. Nói chung, so với tiêu chuẩn của con gái thì em tôi… thừa nam tính", bà cười bảo.
 
Có nhiều năm làm công tác nghiên cứu, giảng dạy về văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân gian, bà Hồng xác nhận: Lâu nay, người ta vẫn nhầm tưởng việc sinh con trai vào ngày mùng 1 (âm lịch), con gái sinh vào ngày rằm (ngày 15 âm lịch) đều "khó nuôi", tính khí khác người. Thế nhưng, hoàn toàn không phải vậy. "Nó chỉ áp dụng cho việc sinh vào ban đêm chứ không mấy tác dụng đối với việc sinh vào ban ngày. Việc người ta cứ đánh đồng để tăng thêm sự hồ nghi, ly kỳ cho những người sinh ra vào hai ngày này", bà nhấn mạnh.
 
Lý giải điều này, bà Hồng cho hay: "Văn hóa phương Đông vẫn tồn tại những câu chuyện bí ẩn về việc ma cà rồng xuất hiện cùng chu kỳ của mặt trăng. Ngày mùng 1 là bắt đầu cho một chu kỳ mới, ngày 15 trăng sáng nhất lại đánh dấu chu kỳ tiếp theo là trăng mờ dần. Vì thế mà người ta gắn câu chuyện này vào những người được sinh ra trong hai đêm đó để tăng thêm tính huyền bí".
 
 
Đứa trẻ sinh ra trong ngày rằm, mùng một được coi là có “lộc”.
 
Chịu ảnh hưởng từ sức hút của mặt trăng
 
TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA) thì lý giải mối quan hệ giữa việc con trai sinh đêm mùng một, con gái sinh đêm hôm rằm trên cơ sở sức hút của mặt trăng với thủy triều.
 
Theo đó, "sức hút của mặt trăng theo âm lịch, của mặt trời theo dương lịch. Thủy triều thay đổi theo sức hút của mặt trăng. Đồng thời, chính sức hút của mặt trăng cũng đã gây ra trạng thái "thủy triều sinh học" trong cơ thể con người, làm cho chất lỏng trong cơ thể con người cũng có những thay đổi. Nó chính là nguyên nhân gây nên những kích thích thần kinh đến khủng hoảng, bị rối loạn và mất thăng bằng, làm trầm trọng thêm các chứng bệnh thần kinh… Đồng thời, những ai sinh vào hai đêm đó sẽ có những biến đổi sinh học đặc biệt hơn so với người sinh vào các đêm khác", ông Khanh nói.
 
Cũng theo ông Khanh, trong quan niệm văn hóa dân gian thì mặt trăng đại diện cho âm khí, đồng nghĩa với con gái, còn mặt trời đại diện cho dương khí (con trai). Ngày rằm trăng sáng nhất, đẹp nhất thì âm khí cũng lớn nhất. Con gái sinh vào đêm đó được hội tụ ánh sáng đó, một phần được chuyển hóa vào trong tính cách.
 
Ngược lại, ngày mùng một trăng mờ nhất, dương khí sẽ thịnh. Con trai sinh vào đêm đó sẽ hội tụ những dương khí lớn này vào tính cách. "Gắn với việc thủy triều lên xuống vào hai ngày đó, cộng với sự thống kê bằng kinh nghiệm dân gian nên người ta thực sự tin rằng, "trai mùng một, gái hôm rằm" có những tính khí đặc biệt, khác người, đương nhiên có hoặc tích cực hoặc tiêu cực chứ không hoàn toàn thiên về một bên nào", ông Khanh cho hay.
 
 
TS Nguyễn Ánh Hồng: Lâu nay, người ta vẫn nhầm tưởng việc sinh con trai vào ngày mùng 1 (âm lịch), con gái sinh vào ngày rằm (ngày 15 âm lịch) đều "khó nuôi", tính khí khác người.
 
Không nên can thiệp bằng y học
 
Mặc dù thừa nhận quan niệm dân gian cũng có một phần cơ sở khoa học (xét trong mối quan hệ giữa ánh trăng với thủy triều) song ông Doãn Phú, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người lưu ý đó mới chỉ là yếu tố ban đầu ảnh hưởng đến tính cách trẻ sinh ra trong hai đêm đó. "Còn cơ bản, tính cách ấy chịu sự chi phối bởi những quan niệm vốn đã tồn tại hàng trăm năm nay", ông Phú nói.
 
Theo ông Phú, người Việt có phong tục thờ cúng tổ tiên, đi lễ chùa vào mùng một, ngày rằm (ngày sóc và ngày vọng). "Những ngày ấy dân gian vẫn coi là ngày của thánh thần. Đứa trẻ sinh ra trong ngày đó được coi như là "lộc". Họ cũng sợ nếu như không đón tiếp, chăm sóc chu đáo thì phạm vào thánh thần, đứa trẻ sẽ bỏ cha mẹ mà đi (khó nuôi). Do đó, họ đón tiếp với một thái độ khác hẳn so với những đứa trẻ sinh vào các ngày khác, đêm khác. Họ chiều chuộng, nâng niu hơn. Từ đó tạo cho trẻ thế ỷ lại, coi mình là nhất, là "trung tâm vũ trụ" và ai cũng phải phục tùng, săn đón. Tính cách ấy có thể là tốt, cũng có thể theo hướng trở thành người xấu", ông Phú cho hay.
 
Trên thực tế, có nhiều gia đình đã chọn ngày giờ sinh cho trẻ, tránh "trai mùng một, gái hôm rằm" để dễ bề chăm sóc, không "trái tính trái nết" theo quan niệm truyền thống. Thế nhưng, TS Vũ Thế Khanh phản bác: "Theo lý số, mỗi người sinh ra đều có số mệnh riêng, hoàn toàn do tự nhiên sắp đặt chứ không thể can thiệp bằng y học theo kiểu sinh con theo ý muốn giờ giấc của cha mẹ như thế. Bởi nếu vậy thì ai cũng sẽ chọn ngày giờ tốt cho con, làm gì còn người phải chịu cảnh khổ sở, nghèo túng nữa.
 
Việc can thiệp bằng y học để tránh sinh con vào đêm mùng một và đêm rằm cũng là tâm lý dễ hiểu. Nhưng nếu chỉ can thiệp bằng y học không thôi thì không đủ và cũng không cần thiết. Cái quan trọng nhất là việc phụ huynh quan tâm giáo dục con em mình ra sao, không nên nuông chiều con cái thái quá để chúng coi mình là nhất, dễ sinh hư hỏng. Những đứa trẻ sinh ra vào hai đêm đặc biệt đó, nếu có những tính tốt thì gia đình cần giúp trẻ phát huy, ngược lại phải biết rèn giũa, uốn nắn trẻ".
 
Cùng chung quan điểm, TS Nguyễn Ánh Hồng cũng cho rằng "đức năng thắng số". "Dù sinh ra vào ngày, giờ nào nhưng được sự giáo dục, quan tâm chăm sóc của gia đình sẽ giúp cho đứa trẻ phát triển cả về thể chất lẫn tâm hồn một cách hài hòa. Không thể cứ đổ tội cho sinh vào mùng một, ngày rằm để thoái thác vai trò giáo dục của gia đình được", bà nêu quan điểm.
 
Theo Kien Thuc

5 bước đột phá đưa Viện NLNTVN lên tầm Đông Nam Á

 
Lãnh đạo Viện NLNTVN tại buổi lễ. Ảnh: P. Lan
 
Tại buổi lễ công bố Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam là tổ chức KH&CN đặc biệt, giáo sư Phạm Duy Hiển cho rằng, để đưa Viện lên tầm khu vực và thế giới trong tương lai, cần phải tạo ra đột phá từ nhân tố con người vì “cần có thế hệ kế thừa trong vòng 5, 10 năm nữa với khoảng 20 chuyên gia khẳng định được vị trí trên mặt tiền thế giới bằng các công bố quốc tế có nhiều trích dẫn”.
Buổi lễ công bố diễn ra chiều ngày 1/2 tại Hà Nội với sự tham dự của Bộ trưởng Nguyễn Quân và Thứ trưởng Chu Ngọc Anh.
 
Với vị trí là tổ chức sự nghiệp KH&CN hạng đặc biệt, Viện NLNTVN đặt mục tiêu trở thành cơ quan nghiên cứu và triển khai về năng lượng nguyên tử đạt trình độ tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á và quốc tế, Viện trưởng Viện NLNTVN Trần Chí Thành phát biểu tại buổi lễ.
 
Để đạt được mục tiêu này, theo nhận định của giáo sư Phạm Duy Hiển, chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, cần phải có những đột phá vì nếu cứ đi theo con đường cũ và tư duy cũ thì không thể tạo ra đột phá. Theo giáo sư Phạm Duy Hiển, có 5 bước tạo ra đột phá.
 
Thứ nhất, phải xây dựng được Trung tâm KH&CN hạt nhân với lò phản ứng hạt nhân mới 15 MW, có đội ngũ cán bộ có thể vận hành được lò phản ứng này. Tuy nhiên “phải đến 5, 7 năm nữa kế hoạch này mới có thể trở thành hiện thực. Chúng ta đã mất 6 năm từ ngày đoàn Nga sang Việt Nam thuyết trình về Trung tâm nhưng từ đó đến nay vẫn loay hoay về việc chọn địa điểm”. 
 
Thứ hai, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu thực nghiệm về điện hạt nhân. “Trong 1, 2 năm gần đây, chúng ta đã có công trình mô phỏng về nhà máy điện hạt nhân Simulator trên máy tính nhưng đây chỉ là công trình trong không gian ảo. Chúng ta cần tiếp cận điện hạt nhân trong không gian thực, tuy không phải là nhà máy điện hạt nhân nhưng vẫn là những mô hình nhiệt độ, áp suất, dòng chảy… gần thực tế. Vì vậy để có thành tựu cần phải có máy móc làm thực nghiệm về điện hạt nhân”, giáo sư Phạm Duy Hiển chia sẻ. 
 
Thứ ba, cần phải nghiên cứu nhiều về phóng xạ bằng phương pháp mới, “không tiếp tục dùng phương pháp cũ dù nó đã đem lại cho chúng ta nhiều thành tựu trong quá khứ. Bây giờ cần phải có thiết bị quan trắc đặc biệt để quan sát được khí trơ phóng xạ, yếu tố đầu tiên thoát ra ngoài khi lò phản ứng bị hở và gây ra những chiếu xạ trực tiếp lên con người ở vùng xung quanh nhà máy điện hạt nhân. Vì vậy cần phải có thiết bị quan sát khí trơ phóng xạ”. Giá thành một chiếc máy như vậy, theo giáo sư Phạm Duy Hiển, khoảng một triệu đô la, tuy cao nhưng cần thiết được Bộ KH&CN đầu tư. 
 
Thứ tư, xác định những hướng nghiên cứu cần thiết với Việt Nam về vật liệu hạt nhân. Hiện Việt Nam chưa tổ chức nghiên cứu về vấn đề này.
 
Thứ năm, chú trọng việc đẩy mạnh nghiên cứu về hạt nhân với việc sản xuất ra thiết bị ứng dụng trên quy mô công nghiệp để có thể sử dụng rộng rãi trong nước ở nhiều lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp…
 
Muốn thực hiện được năm bước đột phá này, giáo sư Phạm Duy Hiển cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là con người. “Bằng mọi cách cần tuyển người về Viện, đó là những người có trình độ cao để trong vòng 10 năm nữa có được 20 chuyên gia về năng lượng nguyên tử có chỗ đứng trên mặt tiền khoa học thế giới thông qua các công bố quốc tế được trích dẫn”.
 
Nhân vấn đề tạo nguồn nhân lực, giáo sư Phạm Duy Hiển đề cập đến việc tham gia thẩm định chương trình đào tạo về điện hạt nhân của Bộ GD&ĐT. “Ngoài các môn chung, nhiều môn về lò phản ứng và chuyên ngành, đội ngũ giáo viên tại các trường đại học được giao đào tạo không đủ trình độ”. Vì vậy, giáo sư đề nghị lãnh đạo Bộ KH&CN làm việc với Bộ GD&ĐT để Viện NLNTVN có thể hợp tác với các trường này trong quá trình đào tạo. Qua việc hợp tác này, mỗi năm Viện có thể chọn được 10 sinh viên xuất sắc, sau 10 năm có thể là  100 người. Đây là cơ sở để Viện tìm ra được những cán bộ bổ sung vào đội ngũ nghiên cứu của mình.
 
Vào ngày 6/1/2016 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 30/QĐ-TTg về việc nâng cấp Viện NLNTVN trở thành tổ chức sự nghiệp KH&CN hạng đặc biệt (tương đương Tổng cục) trực thuộc Bộ KH&CN với mục tiêu tăng cường triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử trong phát triển kinh tế – xã hội, và thúc đẩy nghiên cứu triển khai hỗ trợ phát triển điện hạt nhân.
 
Với quyết định này, Thủ tướng giao cho Viện NLNTVN trọng trách trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là nghiên cứu cơ bản, ứng dụng và triển khai các hoạt động ứng dụng kết quả nghiên cứu; hỗ trợ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; tổ chức hoạt động đào tạo, dịch vụ…
 
Viện NLNTVN xác định 2 định hướng phát triển: Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, công nghệ bức xạ, đồng vị phóng xạ và Hỗ trợ phát triển điện hạt nhân. Đối với nhiệm vụ ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ, Viện sẽ tập trung thúc đẩy ứng dụng bằng xã hội hóa các kỹ thuật công nghệ đã có, nguồn ngân sách Nhà nước chỉ đầu tư vào nghiên cứu tiên tiến. Đối với nhiệm vụ nghiên cứu triển khai hỗ trợ chương trình phát triển điện hạt nhân, Viện sẽ tập trung đào tạo nhân lực, đội ngũ chuyên gia, thúc đẩy nghiên cứu công nghệ và an toàn điện hạt nhân, và xây dựng tiềm lực KHCN trên cơ sở xác định rõ các hướng nghiên cứu ưu tiên mang tính chiến lược và cần thiết.
 
Hiện nay, Việt Nam có 4 viện nghiên cứu được xếp hạng đặc biệt, bao gồm Viện KH Nông nghiệp Việt Nam, Viện KH Thủy lợi Việt Nam, Viện KH Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) và Viện NLNTVN (Bộ KH&CN).

Năm 2020 có 15 tổ chức KH&CN công lập đạt trình độ khu vực và thế giới

 
Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam
 
Các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực KH&CN ưu tiên, trọng điểm mà Việt Nam có thế mạnh sẽ được tập trung đầu tư phát triển để đến năm 2020 có khoảng 15 tổ chức KH&CN công lập, đến năm 2030 có khoảng 30 tổ chức đạt trình độ khu vực và thế giới.
Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/1/2016 trong quyết định số 171/QĐ-TTg với mục tiêu sắp xếp, kiện toàn và đẩy mạnh tái cấu trúc để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của tổ chức KH&CN công lập, đến năm 2030 giảm khoảng 30% số lượng tổ chức.
 
Đến năm 2020, khoảng 55% cán bộ nghiên cứu của tổ chức KH&CN công lập có trình độ thạc sỹ trở lên, trong đó ít nhất 20% là tiến sỹ. Đến năm 2030, khoảng 70% cán bộ nghiên cứu của tổ chức KH&CN công lập có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 30% là tiến sỹ.
 
Theo nội dung Quy hoạch, giai đoạn 2016 – 2020, các tổ chức nghiên cứu chiến lược, chính sách, định mức kinh tế – kỹ thuật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ, cơ quan ngang Bộ được quy hoạch mỗi cơ quan có 1 tổ chức, riêng Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 2 tổ chức.
 
Các tổ chức nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, dịch vụ KH&CN trực thuộc các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 2 Đại học Quốc gia đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập gồm: 8 tổ chức trực thuộc Bộ Công Thương; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam,  Đài Truyền hình Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đều có 1 tổ chức trực thuộc; 5 tổ chức trực thuộc Bộ Xây dựng; 3 tổ chức trực thuộc Bộ GD&ĐT; 10 tổ chức trực thuộc Bộ NN&PTNT; 2 tổ chức trực thuộc Bộ KH&ĐT; 14 tổ chức trực thuộc Bộ Y tế; 11 tổ chức trực thuộc Bộ KH&CN; 3 tổ chức trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 6 tổ chức trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; 27 tổ chức trực thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; 32 tổ chức trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; 3 tổ chức trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội.
 
Trong giai đoạn 2016 – 2020, các Bộ, cơ quan tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp cơ cấu bên trong của từng tổ chức KH&CN công lập nêu trên theo hướng thu gọn các đầu mối trực thuộc; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, từng bước chuyển các tổ chức nghiên cứu ứng dụng, dịch vụ KH&CN có đủ điều kiện sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp hoặc cổ phần hóa.
 
Các tổ chức KH&CN công lập do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập được rà soát, sắp xếp hợp lý, khắc phục tình trạng trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ. Không thành lập mới tổ chức KH&CN công lập; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp đặc biệt, thật sự cần thiết do yêu cầu thực tiễn. Tiếp tục kiện toàn các tổ chức khoa học và công nghệ công lập đang hoạt động có hiệu quả. Khuyến khích các tổ chức nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ KH&CNệ chuyển sang tự chủ hoàn toàn, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Từng bước cổ phần hóa tổ chức khoa học và công nghệ công lập đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
 
Giai đoạn 2021 – 2030, đẩy mạnh tái cấu trúc mạng lưới tổ chức KH&CN công lập theo hướng giảm số lượng tổ chức, tăng quy mô, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ công lập trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất các tổ chức trùng lặp chức năng, nhiệm vụ; giải thể tổ chức hoạt động không hiệu quả hoặc không cần thiết phải duy trì hoạt động; cổ phần hóa các tổ chức đủ điều kiện hoặc không cần thiết phải duy trì dưới hình thức công lập.
 
Bên cạnh đó, điều chỉnh, phân bố tổ chức KH&CN công lập theo lĩnh vực nghiên cứu, phù hợp với đặc thù và với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của từng vùng, địa phương; tiếp tục tập trung đầu tư phát triển một số tổ chức KH&CN công lập trong các lĩnh vực ưu tiên để đạt trình độ khu vực và thế giới.
 
Nguồn: http://baodientu.chinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Quy-hoach-mang-luoi-to-chuc-khoa-hoc-va-cong-nghe-cong-lap/247021.vgp
 

“Không ai nói trước được tác hại của cây trồng biến đổi gen”

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân cho rằng, chỉ có thời gian mới có thể trả lời được vấn đề này.
 
Trao đổi với báo chí tại một hội thảo diễn ra 25/12 tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, hiện tại, trên thế giới cũng như tại Việt Nam vẫn tồn tại 2 quan điểm trái ngược nhau về cây trồng biến đổi gen.
 
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân. (Ảnh: Lê Văn)
"Một quan điểm ủng hộ phát triển cây trồng biến đổi gen để thích nghi với biến đổi khí hậu, dịch bệnh ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, quan điểm khác lại cho rằng, cây trồng biến đổi gen vẫn chưa được nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ", Bộ trưởng Quân cho hay.
 
"Khoa học thế giới hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định cây trồng biến đổi gen có tác động thế nào với con người về dài hạn. Mặc dù những nghiên cứu ngắn hạn đã có", Bộ trưởng Quân nói thêm.
 
Chính vì lý do này, hiện nay, một số quốc gia cấm trồng và thương mại cây trồng biến đổi gen. Trong khi đó, một số quốc gia lại không cấm.
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, tại Việt Nam, cây trồng biến đổi gen cũng được nghiên cứu khá nhiều, nhiều giống được nhập về và cũng có nhiều giống cây biến đổi gen được tạo ra.
 
"Tuy nhiên, việc đưa cây trồng biến đổi gen thành cây trồng chính trên diện tích rộng và đại trà cần rất cẩn trọng", ông Quân nói. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) sau một thời gian dài khảo nghiệm mới chỉ công nhận 3 giống ngô biến đổi gen. "Những vấn đề khác vẫn phải tiếp tục nghiên cứu".
 
"Không ai có thể nói trước được tác hại của cây trồng biến đổi gen đối với con người. Chỉ có thời gian mới có thể trả lời được", ông Quân nói.
 
Chủ động tạo ra giống cây biến đổi gen
 
 
Hiện tại đã có 3 giống ngô biến đổi gen được cấp phép tại Việt Nam.
 
 
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho biết, đối với việc nghiên cứu và phát triển cây trồng biến đổi gen, trong các đề tài mà Bộ KHCN giao cho Bộ NN&PTNT có 2 định hướng lớn: Thứ nhất là nghiên cứu những tác động của cây trồng biến đổi gen đối với sức khỏe con người. Thứ 2 là Việt Nam cần phải tự nghiên cứu làm chủ công nghệ biến đổi gen để tạo ra những giống cây trồng biến đổi gen.
 
Theo ông Quân, cây trồng biến đổi gen có đặc điểm là không làm được giống thì phải mua giống và các giống này thoái hóa rất nhanh dù năng suất không cao.
 
"Nếu phải mua giống của nước ngoài thì chúng ta sẽ bị phụ thuộc nhiều. Bởi nếu họ không cung cấp hoặc cung cấp giống không đảm bảo thì thiệt hại của ngành nông nghiệp sẽ rất lớn", ông Quân phân tích.
 
Bộ trưởng KHCN thông tin, cả châu Âu hiện nay phản đối cây trồng biến đổi gen rất dữ dội vì họ cho rằng, các tập đoàn đa quốc gia có thể khống chế quốc gia của họ bằng giống cây trồng. Nếu như các công ty này ngừng cung cấp giống thì hệ thống nông nghiệp sẽ bị thiệt hại rất lớn.
 
"Do đó, chúng ta buộc phải tự tạo ra những giống cây trồng biến đổi gen để người dân được hưởng lợi", ông Quân kết luận.
 
Tại Việt Nam, hiện chỉ mới có 3 giống ngô biến đổi gen cấp phép, gồm: giống ngô biến đổi gen MON 89034 và NK603 của công ty Dekalb Việt Nam, thuộc Tập đoàn Monsato và giống ngô GA21 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam
 
Trong đó, giống MON 89034 có đặc tính kháng kháng đối với một số loài sâu hại bộ cánh vảy (Lepidoptera) như sâu đục thân (Ostrinia furnacalis), sâu đục bắp (Helicoverpa armigera) và sâu khoang (Spodoptera litura). Giống NK603 và GA21 có đặc tính kháng thuốc trừ cỏ.
 
Ngoài ra, theo Thông tư liên tịch số 45 giữa Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành cuối tháng 11/2015 thì kể từ tháng 1/2016, thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn có ít nhất một thành phần nguyên liệu biến đổi gen lớn hơn 5% tổng nguyên liệu được sử dụng đều phải ghi nhãn khi lưu thông tại thị trường Việt Nam.
 
Theo VietNamNet

Cần bao nhiêu nước để sản xuất ra 1kg thức ăn cho bạn?

Có bao giờ bạn thắc mắc để làm ra 1 kg thịt, 1kg khoai tây hay 1 kg chuối cần bao nhiêu nước chưa? Loạt hình ảnh dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin về lượng nước cần dùng để sản xuất ra một số thực phẩm thông thường.
 
1. Để sản xuất ra 1 kg sô cô la cần tới 17 000 lít nước. Lượng nước này đủ để lấp đầy một bể bơi gia đình.
 
2. Sản xuất ra 1 kg thịt heo cần khoảng 6 000 lít nước.
 
 
3. Để làm ra 1kg cà chua chúng ta cần khoảng 214 lít nước.
 
 
4. Lượng nước cần để sản xuất ra 1 kg khoai tây là khoảng 287 lít.
 
 
5. Với lúa mì, cần khoảng 1892 lít nước để làm ra 1kg.
 
 
6. Cần 15 000 lít nước để sản xuất ra 1 kg thịt bò
 
 
7. Cần 790 lít nước để sản xuất ra 1 kg chuối.
 
 
8. Sản xuất ra 1 kg bắp cần 1211 lít nước
 
 
9. Cần 586 lít nước để sản xuất ra 1 kg đậu xanh.
 
 
10. Sản xuất ra 1 quả trứng cũng cần tới 196 lít nước.
 
 
Sau khi nhìn những thông tin trên bạn có nhận ra rằng lượng nước để sản xuất ra 1 kg thịt thường lớn hơn nhiều lần lượng nước sản xuất ra 1 kg rau củ? Vì vậy thay vì lúc nào cũng phải có thịt trong thực đơn của mình, hãy ăn chay thường xuyên hơn vừa tốt cho sức khỏe vừa góp phần bảo vệ môi trường.
 
Theo Ohay TV

Một nguy cơ ung thư phổ biến mà bạn chưa từng nghe thấy

Khi một bác sĩ hỏi bạn về tiền sử bệnh trong gia đình, liệu rằng có ai đó xung quanh bạn bị ung thư hay không? Họ đang lo lắng về hội chứng Lynch xảy ra ở bạn. Mặc dù vậy, cũng giống như đa số mọi người, có thể bạn còn chưa từng nghe về khái niệm này. Trên thực tế, hội chứng Lynch chính là một nguy cơ gây ung thư phổ biến mà rất ít người quan tâm và biết đến.

50% các bậc phụ huynh mắc hội chứng Lynch di truyền nó lại cho con cái họ.
Hội chứng Lynch là hội chứng ung thư di truyền phổ biến nhất, ảnh hưởng đến cả nam và nữ giới. Nó được gây ra bởi một đột biến gen di truyền, ảnh hưởng xấu đến một trong 4 hệ thống sửa chữa gen: MLH1, MSH2, MSH6, PMS2. Chúng được gọi chung là "hệ thống ngăn ngừa ung thư" của cơ thể.
 
Khi hệ thống này bị ảnh hưởng, nó bỏ qua những lỗi gen trong tế bào. Tích lũy dần điều này có thể dẫn đến sự tăng trưởng tế bào không thể kiểm soát. Và đó chính là kết quả cuối cùng bạn gọi là ung thư.
 
Ở những người có hội chứng Lynch, ung thư có cơ hội phát triển nhanh chóng. Bệnh thường xuất hiện ở tuổi dưới 50 và đôi khi là 20 tuổi. Nếu ba mẹ bạn có hội chứng Lynch, có đến 50% khả năng họ sẽ di truyền lại nó cho bạn, bất kể giới tính.
 
Mặc dù vậy, có đến 95% người mang hội chứng Lynch không biết gì về điều đó. Sẽ là điều đáng tiếc bởi nếu được phát hiện, họ có thể áp dụng nhiều biện pháp chiến lược để phòng ngừa, hơn là đột nhiên một ngày nào đó bất ngờ nhận được chẩn đoán ung thư.
 
Hội chứng Lynch sẽ gây ra các loại ung thư nào?
 
 
Hội chứng được đặt tên theo bác sĩ Henry Lynch, người xây dựng những hệ thống tài liệu đầu tiên về nó.
 
Mô hình ung thư gia đình với hội chứng Lynch đã được quan sát từ những năm 1890 bởi bác sĩ Aldred Warthin. Tuy nhiên, đến tận những năm 1960-1970, Henry Lynch mới chính là người xây dựng những hệ thống tài liệu đầu tiên về nó.
 
Hội chứng được đặt theo tên ông, để công nhận những đóng góp của Lynch trong thời điểm này. Ông đã thiết lập được các cơ sở di truyền cho hội chứng Lynch. Nó góp phần vào chứng minh ung thư có liên quan đến yếu tố di truyền, một điều còn gây nhiều hoài nghi trong những năm 1960.
 
Có một nhầm lẫn phổ biến, hội chứng Lynch thường được gọi là ung thư đại tràng di truyền không polyp (những tổn thương lành tính giống khối u). Tuy nhiên, trên thực tế, hội chứng Lynch không chỉ là tác nhân của ung thư đại tràng, và người bệnh hoàn toàn có thể phát triển những polyp.
 
Ung thư đại tràng và nội mạc tử cung là hai bệnh thường liên kết chặt chẽ nhất với hội chứng Lynch. Ngoài ra, nó cũng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng, dạ dày, gan, túi mật, tiết niệu, não , tụy, da, thực quản và ruột non.
 
 
Hội chứng Lynch gây ra nhiều nhất các trường hợp ung thư đại tràng.
 
Một số người mắc hội chứng Lynch có những khối u rất lạ và khó phát hiện. Ví dụ, chúng có thể mỏng bất thường hoặc là các polyp ẩn ở bệnh nhân ung thư vú hoặc ruột.
 
Chẩn đoán hội chứng Lynch
Bạn có quyền nghi ngờ mình đang mang gen hội chứng Lynch, khi gia đình hay họ hàng gần có tiền sử ung thư phổ biến. Các dấu hiệu cụ thể bao gồm: nhiều hơn 3 thành viên gia đình mắc ung thư, hai thế hệ liên tiếp trở nên mắc ung thư, một thành viên gia đình mắc ung thư khi chưa đến 50 tuổi.
 
Trong trường hợp không có dữ liệu về tiền sử ung thư trong gia đình, một bác sĩ vẫn sẽ nghi ngờ hội chứng Lynch, nếu bạn dưới 50 tuổi mà có một hoặc nhiều hơn biểu hiện của ung thư.
 
Bất kể một bệnh nhân nào bị nghi ngờ mang hội chứng Lynch sẽ cần chẩn đoán đặc biệt gọi là xét nghiệm ung thư gia đình. Ở đó, các chuyên gia sẽ tư vấn cho họ cách đánh giá toàn diện và giải thích quá trình các gen di truyền gây ung thư.
 
 
Hội chứng Lynch nên được quan tâm nhiều hơn.
 
Nếu được sự đồng ý từ bệnh nhân và gia đình họ, bác sĩ sẽ thử nghiệm mẫu mô từ khối u trong quá khứ của thành viên trong gia đình để tìm ra biến đổi gen không phù hợp. Được phát hiện, các chiến lược giảm thiểu rủi ro cho người bệnh nghi ngờ hội chứng Lynch sẽ được xác định. Các thành viên khác trong gia đình sau đó cũng có thể được tìm kiếm đột biến tương tự chỉ bằng xét nghiệm máu đơn giản.
 
Kiểm soát hội chứng Lynch như thế nào?
Trong trường hợp đã xác định được hội chứng Lynch, nó cần phải được kiểm soát trên cơ thể người bệnh. Một kế hoạch giám sát thường xuyên sẽ được đặt ra để phát hiện sớm bất kể một vấn đề nào liên quan đến ung thư. Các polyp được loại bỏ trước khi chúng có cơ hội tiến triển thành ung thư.
 
Ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra những phương pháp sáng tạo trong việc giảm nguy cơ ung thư đến từ hội chứng Lynch. Ví dụ, đơn giản từ sử dụng aspirin cho đến phức tạp như cắt bỏ nội tạng, điển hình là buồng trứng, cơ quan dễ bị ung thư nhưng khó phát hiện.
 
Những người có hội chứng Lynch phải được nội soi thường xuyên để phát hiện những bất thường, ví dụ như polyp ruột. Ở người bình thường, polyp trung bình mất 10 năm để biến thành ung thư. Nhưng ở những người có hội chứng Lynch, con số chỉ là 35 tháng. Ung thư tử cung ở người bình thường diễn ra trên tuổi 64. Nhưng với bệnh nhân hội chứng Lynch, nó xuất hiện từ tuổi 42.
 
 
Hiểu biết về hội chứng Lynch giúp chăm sóc sức khỏe gia đình tốt hơn.
 
Kế hoạch giám sát thường xuyên cũng phụ thuộc vào từng gia đình mang hội chứng Lynch. Ví dụ, một gia đình có lịch sử ung thư dạ dày, các thành viên sẽ cần thực hiện nội soi thường xuyên hàng năm.
 
Tất cả những biện pháp chẩn đoán và kiểm soát hộ chứng Lynch hiện nay đã có thể làm việc khá hiệu quả. Nó giúp bạn tránh được ung thư đến từ yếu tố di truyền. Đáng tiếc, không nhiều người hiểu và thực hiện điều đó. Thậm chí, mọi người còn rất lạ lẫm khi nghe đến hội chứng Lynch.
 
Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức là điều cần làm nhất lúc này. Đó sẽ là nhiệm vụ của các chuyên gia, tổ chức y tế, để giúp công chúng hiểu rõ hơn về hội chứng Lynch và những nguy cơ đến từ nó.
 
Cập nhật: 29/03/2016Theo Trí Thức Trẻ

Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên nang Diltiazem giải phóng kéo dài quy mô công nghiệp

Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên nang Diltiazem giải phóng kéo dài; sản xuất được 1 triệu viên nang Diltiazem 200mg giải phóng kéo dài 24 giờ đạt tiêu chuẩn cơ sở và có thời hạn sử dụng tương đương với thuốc cùng loại của Nhật Bản. Đó là những kết quả chủ yếu của Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên nang Diltiazem giải phóng kéo dài quy mô công nghiệp” (mã số KC.10.DA12/11-15) vừa được Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức nghiệm thu ngày 24/3/2016 tại Hà Nội.
 
 
Toàn cảnh buổi họp (Ảnh: Hạnh Nguyên)
Dự án được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Công ty cổ phần Dược và Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar), Trường Đại học Dược Hà Nội, Trường Đại học Y – Dược thành phố Hồ Chí Minh, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương. Dự án thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (KC.10/11-15), được thực hiện từ tháng 01/2014 đến tháng 12/2015. 
 
Diltiazem là loại thuốc thuộc nhóm ức chế kênh Canxi, chuyển hóa qua gan lần đầu và để điều trị đau thắt ngực, tăng huyết áp. ThS. Phạm Thị Thanh Hương – Công ty cổ phần Dược và Trang thiết bị y tế Bình Định, Chủ nhiệm Dự án cho biết, triển khai Dự án này nhóm nghiên cứu đã phối hợp thực hiện các nội dung gồm: Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên nang Diltiazem giải phóng kéo dài (xác định thành phần phù hợp của pellet nhân và pellet giải phóng kéo dài, xác định các thông số kỹ thuật phù hợp của quy trình, tối ưu hóa công thức và thông số quy trình, sản xuất 3 lô và thẩm định quy trình sản xuất); xây dựng tiêu chuẩn chất lượng và theo dõi độ ổn định sản phẩm tương đương với sản phẩm nhập ngoại (xây dựng và thẩm định tiêu chuẩn chất lượng, đánh giá độ ổn định thành phẩm); đánh giá tương đương sinh học của sản phẩm so với thuốc chứng). 
 
Kết quả, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên nang Diltiazem giải phóng kéo dài; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng và theo dõi độ ổn định sản phẩm tương đương với sản phẩm nhập ngoại. Dự án đã sản xuất được 1 triệu viên nang Diltiazem 200mg giải phóng kéo dài 24 giờ đạt tiêu chuẩn cơ sở và có thời hạn sử dụng tương đương với thuốc cùng loại của Nhật Bản. Đồng thời, xây dựng báo cáo kết quả đánh giá tương đương sinh học của sản phẩm; báo cáo kết quả đánh giá độ ổn định của sản phẩm đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế; hồ sơ báo cáo thẩm định quy trình sản xuất ở quy mô 335.000 viên/ lô; quy trình sản xuất viên nang Diltiazem giải phóng kéo dài 24 giờ ở quy mô 335.000 viên/ lô.
 
Theo ThS.Phạm Thị Thanh Hương, sản phẩm áp dụng kỹ thuật tối ưu hóa để xác định thành phần công thức bào chế tối ưu; giúp bệnh nhân giảm lượng thuốc dùng, tăng sự tuân thủ chế độ điều trị. Đây là công nghệ sản xuất pellet quy mô công nghiệp áp dụng thành công đầu tiên ở Bidiphar và ở Việt Nam. Bao màng kiểm soát giải phóng, theo cơ chế khuếch tán.
 
Tại buổi họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu, các thành viên hội đồng đều đánh giá cao kết quả của nhóm nghiên cứu, đồng thời cho rằng những kết quả của dự án có ý nghĩa khoa học, thực tiễn và xã hội rất lớn. Cụ thể, nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất thuốc dạng pellet tác dụng kéo dài, có khả năng phát triển để nghiên cứu bào chế các thuốc đặc trị thay thế thuốc ngoại nhập theo chủ trương của Bộ Y tế. Giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân đặc biệt với bệnh mãn tính. Dự kiến, giá thành của sản phẩm là 2.200/viên, trong khi giá trúng thầu của sản phẩm nhập khẩu là 4.400/viên. Dự án cũng góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Những kết quả của Dự án sẽ tạo tiền đề cho Bidiphar phát triển dòng sản phẩm thuốc viên chứa pellet và thuốc phóng thích kéo dài.
 
Nguồn:  Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước
 

Chế tạo thành công bộ sinh phẩm xác định vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết

Nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 do PGS.TS Lê Hữu Song đứng đầu vừa nghiên cứu chế tạo thành công bộ sinh phẩm xác định các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp và phát hiện gen kháng sinh. 
 
 
Toàn cảnh buổi nghiệm thu (Ảnh: Hạnh Nguyên)
Đây là kết quả chính của đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xác định vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp và phát hiện gen kháng sinh” (mã số KC.10.43/11-15), thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (mã số KC.10/11-15). Đề tài vừa được Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức đánh giá nghiệm thu ngày 24/3/2016. 
 
PGS.TS Lê Hữu Song, Chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài được thực hiện từ ngày 01/01/2014 đến ngày 01/12/2015. Đề tài hướng đến mục tiêu chế tạo được bộ sinh phẩm xác định các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp; chế tạo được bộ sinh phẩm phát hiện gen kháng kháng sinh của các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp, đồng thời đánh giá hiệu quả của các bộ sinh phẩm trên. Nhóm nghiên cứu xác định, phải thiết kế được bộ mồi có tính đặc hiệu và khả năng bắt cặp cao; loại bỏ được lượng dư thừa DNA người trong mẫu máu; tối ưu được các điều kiện của xét nghiệm PCR, đặc biệt là PCR đa mồi.
 
Với sự phối hợp của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện nhiệt đới Trung ương… đến nay, nhóm nghiên cứu đã chế tạo được bộ sinh phẩm xác định các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp là Vi khuẩn Gram (-) và Vi khuẩn Gram (+). Ngưỡng phát hiện trung bình của bộ sinh phẩm là 10 CFU/ml máu. Sau 4 tháng bảo quản độ nhạy kỹ thuật và độ đặc hiệu của bộ sinh phẩm vẫn bảo đảm là 10 CFU/ml và 100%. Cùng với đó, đã chế tạo được bộ sinh phẩm phát hiện gene kháng kháng sinh của các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp; sinh phẩm loại bỏ DNA người làm giàu DNA vi khuẩn (sản phẩm này không nằm trong yêu cầu của đề tài).
 
Bộ sinh phẩm được tạo ra đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, so với phương pháp cấy máu và bộ kit thương mại (CE-IVD Septifast), bộ sinh phẩm được tạo ra có độ nhạy, độ đặc hiệu tương đương (37%, 100% so với 39%, 33% và 100%). Khi kết hợp bộ sinh phẩm mới được tạo ra với cấy máu đã nâng độ nhạy lên 54% và độ đặc hiệu vẫn đạt 100%. Tức là, nếu sử dụng bộ sinh phẩm mới tạo ra sẽ nâng khả năng chẩn đoán mầm bệnh gây nhiễm khuẩn huyết lên 15%. Giá thành tạm tính của bộ sinh phẩm mới tạo ra thấp hơn gần 1/2 lần so với bộ kit thương mại CE-IVD septifast (2,5 triệu/mẫu so với 4,4 triệu/mẫu). 
 
 
Bộ sinh phẩm phát hiện vi khuẩn (Ảnh: Hạnh Nguyên)
 
Bộ sinh phẩm được tạo ra có tính linh hoạt trong sử dụng, quy trình thực hiện đơn giản, thân thiện với người sử dụng. Đồng thời, có thể sử dụng trên nhiều thiết bị sinh học phân tử hiện có tại các phòng xét nghiệm của các Bệnh viện ở nước ta nên không cần phải đầu tư lớn. Nhóm nghiên cứu cũng đã kiến nghị được triển khai dự án sản xuất thử nghiệm bộ sinh phẩm đã được tạo ra trong thời gian tới. 
 
Nhóm nghiên cứu cũng đã nghiên cứu tạo ra quy trình chế tạo sinh phẩm chẩn đoán các mầm bệnh gây nhiễm khuẩn huyết thương gặp; quy trình chế tạo sinh phẩm phát hiện các gene kháng kháng sinh của vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp; đưa ra tiêu chuẩn cơ sở của các bộ sinh phẩm trên tương đương với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. 
 
Ngoài những kết quả nói trên, đề tài đã công bố 6 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành uy tín trong nước và quốc tế; góp phần đào tạo 2 thạc sỹ, 1 tiến sĩ. Đặc biệt, có 2 đơn đăng ký bằng độc quyền sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chấp nhận đơn. 
 
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao những kết quả đạt được của nhóm nghiên cứu và cho rằng đây là đề tài có ý nghĩa khoa học, thực tiễn lớn. Với những kết quả đạt được, Hội đồng nghiệm thu đã nhất trí thông qua đề tài và đánh giá xếp loại Xuất sắc. 
 
Nguồn:  Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước