Nghiên cứu công nghệ sản xuất giống cá Song Vua tại Việt Nam

Năm 2015, Nhóm nghiên cứu do Thạc sỹ Hoàng Nhật Sơn – Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1- đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu công nghệ sản xuất giống cá Song Vua (Epinephelus lanceolatus). Đây là nghiên cứu nằm trong chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ sản xuất các sản phẩm chủ lực của Việt Nam.
 
Cá Song Vua nằm trong nhóm cá biển có giá trị kinh tế rất cao, sản lượng cao, tiềm năng tiêu thụ lớn, giá thành ổn định. Những năm 90 của thế kỷ trước, loài cá này được tổ chức IUCN đưa vào danh mục trong sách đỏ thế giới, mức độ VU (A2d).
 
Loài cá này có kích thước lớn nhất trong các loài cá rạn san hô (cá thể lớn nhất đã gặp có kích cỡ 260 cm, nặng 288 kg). Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Thái Lan, Inđônêxia, Đài Loan, Hong Kong, Malaixia… đã rất chú trọng đến việc phát triển và nuôi trồng loài cá này và đạt được một số thành công nhất định. Tuy nhiên, các công nghệ chăn nuôi, sản xuất được họ giữ gìn và bảo vệ nghiêm ngặt. Các kết quả nghiên cứu cũng như thông tin rất ít được công bố và hạn chế so với nhiều đối tượng cá khác.
 
Tại Việt Nam, do bị khai thác quá mức nên cá song vua rất hiếm gặp trong tự nhiên, một vài năm trở lại đây không đánh bắt được cá giống. Điều này gây khó khăn nhiều cho nhóm nghiên cứu. Hơn nữa, có rất ít các công trình nghiên cứu về cá song vua. Giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã đưa loài cá này vào danh sách những đối tượng có nguy cơ tuyệt chủng và cần được bảo vệ. Do đó, việc phát triển và sản xuất nhân tạo giống và nuôi thương phẩm loài cá này của nhóm nghiên cứu không những đóng góp vào việc thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế mà còn bảo tồn, lưu giữ nguồn gen quý hiếm.
 
Các kết quả trong quá trình nghiên cứu đã thu được như sau:
 
Nuôi vỗ, chuyển đổi giới tính và cho sinh sản:
Đàn cá song vua bố mẹ không nhiễm vi rút VNN (viral nervous necrosis) và thành thục tốt trong điều kiện nuôi giữ tại lồng với tỷ lệ thành thục đạt 50-83,3% (cá cái) và 86,4% (cá đực) khi sử dụng các loại thức ăn giầu dinh dưỡng như mực, cua, ghẹ,….
Tỷ lệ chuyển đổi giới tính đạt 75-100% khi sử dụng hóc môn 17α-MT (17α- methyl testosterone) theo 2 phương pháp cấy cơ và tiêm kết hợp cho ăn. Mùa vụ sinh sản của cá song vua tại Cát Bà (Hải Phòng) là từ tháng 7-10. Tháng 8-9 có tỷ lệ cá thành thục cao nhất (66,7-86,4%). 
Cấy hóc môn GnRHa dạng viên nang với liều lượng từ 35 µg/kg – 50 µg/kg đều kích thích ca song vua sinh sản, tỷ lệ thụ tinh từ 81,3 – 82,1%.
Lữu giữ và nuôi sinh khối thức ăn ấu trùng:
Phương pháp lưu giữ quần thể là thích hợp trong lưu giữ giống luân trùng P.similis. Mật độ lưu giữ tối ưu là 80ct/ml, thời gian lưu giữ từ 15-16 ngày và mật độ đạt 1659 ± 175 chương trình/ml. Nuôi sinh khối luân trùng với thức ăn là tảo N.oculata, độ mặn: 20 – 30‰, nhiệt độ 25 – 30oC cho tốc độ tăng trưởng quần đàn nhanh, ổn định, mật độ cực đại đạt cao.
Ương nuôi ấu trùng, cá hương, cá giống:
+ Ương trên bể (trong nhà)
Luân trùng siêu nhỏ Proales similis (kích thước 60-80µm) với mật độ 10-15 con/ml là phù hợp cho ương nuôi ấu trùng cá Song Vua (giai đoạn ấu trùng 0-9 ngày tuổi).
Ương nuôi ấu trùng cá Song Vua trong điều kiện: mật độ 10at/L, độ mặn 30‰, cường hóa luân trùng bằng DHA selco protein, cường độ chiếu sáng 2000Lux, tảo (N.oculata; I. galbana) duy trì ở mức 1.105 tb/ml hoặc 5.105 tb/ml cho tỷ lệ sống cao, phát triển nhanh.
 
Sử dụng thức ăn gồm NRD và copepoda (hoặc artemia trưởng thành) cho tỷ lệ sống và tăng trưởng nhanh với ấu trùng, cá hương.
+ Ương trong ao (ngoài trời)
Mật độ thức ăn trong ao ương ấu trùng ảnh hưởng lớn tới sự phát triển và tỷ lệ sống ấu trùng. Ao ương được bổ sung thức ăn tươi sống đảm bảo mật độ (luân trùng: 10-20 ct/ml; copepoda + nauplii artemia: 1-2ct/ml) cho tỷ lệ ấu trùng chuyển thành cá hương cao.
Phương pháp thả giống (khi ương ao) giai đoạn phôi thần kinh (sau khi thụ tinh 16h) cho tỷ lệ sống ấu trùng cao (giai đoạn ấu trùng đến 5 ngày tuổi).
+ Ương cá hương lên cá giống
Độ mặn thích hợp để ương nuôi cá hương thành cá giống cá Song Vua là 25-30‰. Sử dụng thức ăn NRD để ương nuôi cá hương cá giống cá Song Vua cho tốc độ tăng trưởng cao nhất, tỷ lệ sống (94,3%), FCR (2,113±0,05).
Cần phân lọc để tránh hiện tượng cá Song Vua giống ăn thịt đồng loại.
Bệnh thường gặp và phòng trị:
Nghiên cứu đã phát hiện được 4 loại ký sinh trùng (Caligus epidemicus, Benedenia sp, Pseudorhabdosynochus coioidesis, Trichodina sp) và một loại ấu trùng thuộc lớp giun tròn ký sinh trên cá bố mẹ, cá hương, cá giống. Nghiên cứu cũng phát hiện 3 chủng vi khuẩn Vibrio alginoliticus, V.parahaemolyticus, V.harveyi có thể là nguyên nhân gây bệnh xuất huyết ở Song Vua.
Các biện pháp sử dụng kháng sinh kết hợp tắm nước ngọt và formaline đã có hiệu quả để điều trị bệnh do vi khuẩn. Đối với bệnh do ký sinh trùng gây ra biện pháp hiệu quả nhất đã được áp dụng là tắm nước ngọt từ 15-30 phút hoặc formol 200 ppm/30-40 phút lặp lại sau 3 ngày. 
Thử nghiệm quy trình (dự thảo) bước đầu đạt một số chỉ tiêu như sau:
– Khối lượng cá bố mẹ: > 50kg/con
– Tỷ lệ thành thục: 60,7 – 75,0%
– Tỷ lệ chuyển đổi giới tính: 75 – 100%
– Tỷ lệ trứng thụ tinh: 69,0 – 78,9%
– Tỷ lệ nở: 56,8 – 71,5%
Quy trình công nghệ này phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Các kết quả thử nghiệm ban đầu đã cho thấy sự ổn định trong kỹ thuật nuôi vỗ, chuyển giới tính và sinh sản. Việc làm chủ được quy trình công nghệ sản xuất cá Song Vua sẽ là tiền đề để phát triển nuôi loài cá quý hiếm, có giá trị kinh tế trong điều kiện nguồn lợi tự nhiên đang dần cạn kiệt nhưng nhu cầu thực phẩm của con người ngày càng tăng. Chủ động giống để phát triển nuôi cá Song Vua sẽ đóng góp vào việc gia tăng nguồn thực phẩm giá trị cao, phục vụ nhu cầu của nhân dân trong nước và tiến tới xuất khẩu.
 
Đàn cá Song Vua của nhóm nghiên cứu được tiếp tục cho sinh sản ở những năm tiếp theo. Đây là đàn cá Song Vua duy nhất tại Việt Nam có khả năng sinh sản và cung cấp cá bột cho ương nuôi tại chỗ, một phần cung cấp cho một số trại giống cá biển trong nước với mục đích cung cấp cá Song Vua giống cho thị trường. Số lượng cá giống là sản phẩm của đề tài được đề xuất cho một số công ty và cá nhân nuôi thử nghiệm hiện phát triển tốt. Các kết quả này từng bước được ứng dụng, cải tiến trong thực tế, góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá Song Vua phát triển. Việc chủ động trong sản xuất giống cũng là một biện pháp làm giảm cường độ khai thác tự nhiên, tái tạo quần đàn, bảo tồn nguồn gen cá biển quý hiếm. Góp phần khẳng định năng lực của cán bộ khoa học, từng bước tiếp cận trình độ công nghệ của một số nước trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
 
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo tổng hợp kết quả của Đề tài (MS:KC 06.05/11-15) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
 
 
Nguồn:  P.T.T (NASATI)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *