Phát triển vật liệu địa chất ổn định đất cho gia cố đê điều và nền đất

 
Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Phùng Bảo Thạch phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Ngũ Hiệp)
 
Sáng 22/6, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Hội Doanh nghiệp quận Long Biên và Viện Nghiên cứu xây dựng và ứng dụng Weimar (CHLB Đức) tổ chức Hội thảo quốc tế tổng kết Dự án hợp tác Việt Nam – CHLB Đức Đề tài “Nghiên cứu phát triển hệ thống vật liệu từ tro than và phế thải khoáng sản để cải tạo đê đập, san lấp mương rãnh và ổn định đất ở Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo về phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số đơn vị chức năng của Bộ KH&CN, cùng đại diện viện nghiên cứu, trường đại học. Về phía Đức có đại diện lãnh đạo Viện Nghiên cứu xây dựng ứng dụng Weimar và một số Công ty của Đức.
 
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các nhà quản lý, các nhà khoa học và doanh nghiệp Việt Nam và Đức gặp gỡ, trao đổi kết quả nghiên cứu sản xuất vật liệu, kết quả thử nghiệm vật liệu gia cường đê, đập có thành phần hữu cơ cao trong thân đê, đập tại tỉnh An Giang. Các Công ty của Đức giới thiệu về công nghệ và máy thi công vật liệu ổn định và cải tạo đê đập. Hội thảo cũng là dịp để đối tác hai bên cùng trao đổi để đưa ra định hướng chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu và chế tạo thiết bị để trong tương lai, các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm chủ được công nghệ này.
 
Đề tài “Nghiên cứu phát triển hệ thống vật liệu từ tro than và phế thải khoáng sản để cải tạo đê đập, san lấp mương rãnh và ổn định đất ở Việt Nam” được phối hợp triển khai giữa Hội doanh nghiệp quận Long Biên và Viện Nghiên cứu xây dựng ứng dụng Weimar là một trong các đề tài được triển khai trong Chương trình hợp tác lần thứ nhất trong khuôn khổ Ý định thư hợp tác song phương trong lĩnh vực nghiên cứu, triển khai và đổi mới sáng tạo.
 
 
Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Ngũ Hiệp)
 
Dự án được thực hiện từ 9/2013 đến 5/2016 với mục tiêu phát triển được một hệ thống vật liệu phục vụ cho việc gia cố đê dễ bị sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, trên cơ sở áp dụng công nghệ sử dụng vật liệu ổn định đất được phát triển bởi vật liệu và công nghệ cao của CHLB Đức. Định hướng nghiên cứu của Dự án phù hợp với yêu cầu thực tế phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác hệ thống công trình thủy lợi, góp phần tích cực vào việc phòng chống thiên tai trước tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn biến ngày một phức tạp ở Việt Nam hiện nay. Vật liệu gia cố là kết quả nghiên cứu của Đề tài đã được thử nghiệm tại tỉnh An Giang, được tỉnh đánh giá cao và mong muốn được thử nghiệm trong việc gia cố đê đập của tỉnh.
 
Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Phùng Bảo Thạch cho biết, hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và CHLB Đức được hình thành và phát triển gần 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước và được đẩy mạnh kể từ khi Bản ghi nhớ về hợp tác KH&CN giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Đức BMBF được ký kết năm 1997. Từ những hoạt động hợp tác trao đổi thông tin ban đầu, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã dần dần đi vào chiều sâu, nhiều chương trình hợp tác lớn đã được mở ra, tạo cơ hội cho các nhà khoa học hai nước cùng thực hiện các dự án nghiên cứu chung, cùng trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu, chia sẻ tri thức, đào tạo chuyên sâu và cùng công bố các công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế. 
 
“Từ chỗ Dự án chỉ được thực hiện bởi các nhà khoa học, đến nay các chương trình, Dự án hợp tác đã thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp hai nước. Điều đó cho thấy các Đề tài, Dự án hợp tác ngày càng có định hướng ứng dụng cao”, ông Phùng Bảo Thạch cho hay.
 
TS. Ulrich Wilhelm Palzer, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xây dựng ứng dụng Weimar đã bày tỏ vui mừng trước những kết quả Dự án đạt được trong thời gian qua và nhấn mạnh đây là một trong những Dự án điển hình thí điểm để hai bên tiếp tục hợp tác, triển khai trong thời gian tới.
 
Trong khuôn khổ diễn ra Hội thảo, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận về khả năng ứng dụng kết quả của dự án trong thực tế để gia cố đê đập, ổn định đất cho các công trình thủy lợi tại Việt Nam. 
 
Bảo Chi
 
 
 
 

Nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo

     
Chia sẻ trang trên FBChia sẻ trang trên Google+Chia sẻ trang trên LinkedinChia sẻ trang trên TwitterChia sẻ trang trên WordPress
(Mic.gov.vn) – 
91 năm qua, Báo chí Cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, nhân dân ta, vì độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội; đã có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc.
 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ báo chí trong và ngoài nước tại Thủ đô Hà Nội (5-1968)
 
Đến nay, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt. Diện mạo, số lượng, chất lượng các ấn phẩm, các chương trình phát thanh, truyền hình và công nghệ làm báo… đã đạt được những bước tiến lớn. Chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa và kỹ thuật – nghiệp vụ của báo chí ngày càng được cải thiện. Đội ngũ những người làm báo tăng nhanh, mặt bằng trình độ được nâng cao.
 
Xu thế toàn cầu hóa truyền thông, thông tin vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn đối với hoạt động báo chí và công tác quản lý báo chí. Bên cạnh những thành tựu, hoạt động báo chí còn bộc lộ không ít hạn chế, khuyết điểm. Còn có biểu hiện thiếu nhạy bén chính trị; chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận, phát hiện, tuyên truyền các điển hình tiên tiến, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước; chưa thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; còn để lọt thông tin không trung thực, thiếu chính xác, giật gân, câu khách, lộ bí mật, xâm phạm đời tư; tình trạng xào xáo tin bài diễn ra thường xuyên… Còn có cán bộ, phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật.
 
Kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng, Hội Nhà báo Việt Nam phát động đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn thể hội viên và các cấp hội về việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh – nhà báo cách mạng bậc thầy; thảo luận, sửa đổi, bổ sung Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam được thông qua tại Đại hội lần thứ VIII – Hội Nhà báo Việt Nam (năm 2005). Đợt sinh hoạt chính trị gắn với yêu cầu các cấp hội và toàn thể hội viên quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện và tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam, Luật Báo chí (sửa đổi) và Quy hoạch và phát triển báo chí đến năm 2025.
 
Yêu cầu và nhiệm vụ thời gian tới đặt ra cho báo chí hết sức nặng nề nhưng cũng thật vẻ vang. Muốn hoàn thành sứ mệnh của mình, người làm báo cách mạng bên cạnh vững vàng về tư tưởng chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ còn phải gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, xứng đáng là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng, xứng đáng với sự tin yêu, đùm bọc của nhân dân.
Theo Nhân Dân

Sản xuất polymaltose từ tinh bột và tạo các phức hợp sắt và canxi

 
Nhóm chuyên gia kiểm tra quá trình bổ sung enzym đường hóa và kiểm tra quá trình đường hóa
 
Ngày 17/6, tại Hà Nội đã diễn ra phiên họp nghiệm thu cấp Nhà nước Đề tài “Nghiên cứu sản xuất polymaltose từ tinh bột và tạo các phức hợp sắt-polymaltose (IPC) và canxi hydroxyapatite-polymaltose (HAP) ứng dụng trong dược phẩm” mã số KC.07.14/11-15 do PGS.TS. Phan Thị Ngọc Bích, Viện Hóa học – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam làm Chủ nhiệm Đề tài.
Sau gần 2 năm thực hiện, Đề tài đã xây dựng được quy trình công nghệ xử lý tinh bột sắn và tiêu chuẩn chất lượng tinh bột sắn dùng làm nguyên liệu để sản xuất polymaltose; xác định được các điều kiện dịch hóa tinh bột để làm nguyên liệu để làm nguyên liệu phù hợp cho quá trình đường hóa tạo polymaltose. 
 
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được qui trình công nghệ sản xuất polymaltose từ tinh bột qui mô công nghiệp 1000 kg/mẻ, triển khai sản xuất được 1100 kg polymaltose; xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm polymaltose dùng trong tạo phức IPC và HAP, đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm;  và xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất IPC quy mô 50 kg/mẻ.  
 
Đến nay, Đề tài đã triển khai sản xuất được 400 kg sản phẩm IPC và 400 kg HAP chuyển giao cho Công ty Mê Linh làm nguyên liệu sản xuất được 4000 hộp Fecafovit, 3000 hộp Fe-Nana và 3000 hộp ColosMax Q10. Ngoài ra, Đề tài đã hoàn thành các nội dung khác về công trình nghiên cứu khoa học, đào tạo và đăng ký bảo hộ độc quyền giải pháp hữu ích.
 
Nhóm nghiên cứu Đề tài đề xuất được triển khai dự án sản xuất thử nghiệm trong thời gian tới nhằm sản xuất rộng rãi và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
 
Tin, ảnh: Hoàng Anh

Hoàn thiện quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị nuôi cá lồng vùng biển mở và ứng dụng nuôi cá giò thương phẩm

 
Lắp đặt lồng nuôi cá vùng biển mở
 
Ngày 15/6, tại Hà Nội, Hội đồng Nghiệm thu cấp Nhà nước đã đánh giá nghiệm thu Dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị nuôi cá lồng vùng biển mở và ứng dụng nuôi cá giò thương phẩm” mã số KC.07.DA07/11 – 15 do ThS. Chu Chí Thiết, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I làm Chủ nhiệm.
Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển nuôi biển, với hơn 3600 km đường biển và nhiều hòn đảo lớn nhỏ, tạo ra nhiều vùng mặt nước có điều kiện phù hợp để phát triển nuôi trồng thủy sản. Thực tế cho thấy, nghề nuôi trồng thủy sản đã và đang đóng góp vai trò lớn vào hoạt động sinh kế, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho ngư dân và các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc nuôi cá ở các vùng ven bờ, vịnh kín sóng gió đang chịu ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh bùng phát đã gây thiệt hại cho người nuôi. Mặt khác, nuôi cá biển tại các eo, vịnh thường xung đột lợi ích với các hoạt động khác như giao thông vận tải, du lịch và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên
 
Đó chính là lý do Dự án trên được thực hiện, nhằm hoàn thiện quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị tiên tiến phục vụ nuôi cá lồng vùng biển mở với quy mô 4 lồng trắng tròn bằng vật liệu nhựa HDPE, mỗi lồng có dung tích 1.200m3 chịu được gió đến cấp 12. Đồng thời xây dựng mô hình nuôi cá giò (Rachycentron canadum) trong lồng ở vùng biển mở, năng suất 15 tấn/ lồng, sản lượng đạt 60 tấn/chu kỳ 12 tháng.
 
Sau hơn 3 năm thực hiện, Dự án đã hoàn thiện được thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống 04 lồng cá biển mở dung tích 1.200m3, đường kính 15m, có khả năng điều khiển chìm, nổi tới độ sâu 10m. Nhóm thực hiện Dự án cũng đã xây dựng được mô hình trang trại nuôi thương phẩm cá giò, cá chim vây vàng quy mô công nghiệp tại Vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa với Tổng sản phẩm thu hoạch được là 65,1 tấn cá thương phẩm trong đó cá giò đạt được 30 tấn, năng suất 12,6 kg/ m3, cỡ 4,2-4,5kg/con, cỡ tỷ lệ sống 74%, hệ số thức ăn 2,6; cá chim vây vàng tiến hành 2 vụ nuôi, thu được 34,9 tấn, cỡ trung bình 0,6 kg/con, tỷ lệ sống đạt 82%. Hệ số thức ăn 2,2. Trong quá trình nuôi, cá chim không xuất hiện dịch bệnh gây chết cá.
 
 
Toàn cảnh buổi nghiệm thu
 
 Đồng thời, nhóm thực hiện Dự án đã xác định được 5 loài sinh vật bám vào các bộ phận của hệ thống lồng nuôi, gồm: Sun thuộc giống Balanus sp, thuộc lớp Maxillopoda, ngành Athropoda. Ngoài ra còn xuất hiện một số loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ gồm 3 giống Perna viridis, Pinctada và Ostrea; định kỳ 30 ngày kéo lưới giặt từng phần bằng máy bơm cao áp hoặc định kỳ 60 ngày thay lưới lồng nuôi để hạn chế sự tăng lên của sinh vật bám vào lưới lồng…
 
Kết quả đạt được của Dự án là cơ sở để mở rộng nghề nuôi cá vùng biển mở ở nước ta, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định 1690/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và khẳng định chủ quyền biển đảo của nước ta trong bối cảnh hiện nay.
 
Nhóm thực hiện Dự án đề xuất tiếp tục nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng và sản xuất thức ăn công nghiệp cho cá giò nhằm giảm ảnh hưởng của việc sử dụng cá tạp trong nuôi thương phẩm cá giò ở Việt Nam. Nhóm cũng đã kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ về vốn và các chính sách nhằm khuyến khích để Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I và các doanh nghiệp tham gia mở rộng, phát triển nghề nuôi cá biển nhằm góp phần phát triển kinh tế biển, hải đảo ở nước ta trong thời gian tới.
 
Tin, ảnh: Phương Nga

Chế độ tự chủ tài chính của tổ chức KH&CN công lập

 
 
 
Theo Nghị định số 54/2016/NĐ-CP tổ chức KH&CN công lập sẽ tự chủ về tài chính trong hoạt động
 
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 54/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập thay thế Nghị định số 115/2005/NĐ-CP và Điều 1 Nghị định số 96/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2005/NĐ-CP.
Sau 10 năm triển khai Nghị định số 115/2005/NĐ-CP với tinh thần đổi mới và giao quyền tự chủ mạnh mẽ cho tổ chức KH&CN công lập, nhất là các quyền về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân lực, nhiều tổ chức KH&CN đã chuyển đổi thành công, khẳng định được vị thế, thương hiệu của đơn vị trên thị trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ khoa học. 
 
Tuy nhiên việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP đến nay chưa có nhiều kết quả, các đơn vị chưa tự chủ được nguồn kinh phí bảo đảm tiền lương, kết quả nghiên cứu về cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội…
 
Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập. Nghị định này quy định quyền tự chủ của tổ chức KH&CN công lập bao gồm quyền tự chủ về tài chính, thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự, quản lý và sử dụng tài sản.
 
Theo Nghị định, tổ chức KH&CN công lập được phân loại theo mức độ tự bảo đảm về chi thường xuyên và chi đầu tư gồm: Tổ chức KH&CN công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; tổ chức KH&CN công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; tổ chức KH&CN công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
 
Nghị định 54/2016/NĐ-CP quy định rõ tự chủ về tài chính của các tổ chức KH&CN công lập trên. Cụ thể, nguồn tài chính của tổ chức KH&CN công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và tổ chức KH&CN công lập tự bảo đảm chi thường xuyên gồm nguồn thu từ hoạt động KH&CN, sản xuất, kinh doanh, liên doanh, liên kết và nguồn thu hợp pháp khác; nguồn thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí được để lại để chi hoạt động thường xuyên và chi mua sắm, sửa chữa lớn trang thiết bị, tài sản phục vụ công tác thu phí; nguồn thu từ ngân sách nhà nước nếu được cơ quan có thẩm quyền giao để thực hiện nhiệm vụ KH&CN, nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, dịch vụ sự nghiệp công; nguồn thu từ ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ không thường xuyên nếu được cơ quan có thẩm quyền giao; nguồn vốn vay, viện trợ, tài trợ theo quy định hiện hành.
 
Nguồn tài chính đối với tổ chức KH&CN công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và tổ chức KH&CN công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên gồm: nguồn thu từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ KH&CN, nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, dịch vụ sự nghiệp công; nguồn thu từ ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ không thường xuyên; nguồn thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí được để lại để chi hoạt động thường xuyên và chi mua sắm, sửa chữa lớn trang thiết bị, tài sản phục vụ công tác thu phí; nguồn vốn vay, viện trợ, tài trợ theo quy định hiện hành; nguồn thu từ hoạt động KH&CN, hoạt động sản xuất, kinh doanh, liên doanh, liên kết và nguồn thu khác theo quy định hiện hành.
 
Nghị định cũng quy định chính sách ưu đãi đối với tổ chức KH&CN công lập. Theo đó, tổ chức KH&CN công lập được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định hiện hành. Cụ thể, tổ chức KH&CN công lập được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp thì được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như đối với doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cụ thể được áp dụng thuế suất 10% trong thời gian mười lăm năm, được miễn thuế tối đa không quá bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá chín năm tiếp theo.
 
Ngoài ra, tổ chức KH&CN công lập còn được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng và các ưu đãi khác theo quy định hiện hành.
 
Tin, ảnh: Đăng Minh

Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Hội thảo về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Từ ngày 12- 13/5 tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã diễn ra Hội thảo về “Future Electronics Technology day – Internet of Things”. Đây là Chương trình hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Sáng tạo Công nghệ (CTI) – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Công ty Future Electronics.
Mục đích của Hội thảo là giới thiệu các sản phẩm và giải pháp kỹ thuật của các đối tác của công ty Future Electronics như STM, Rohm, Littelfuse, Exar, TE Connectivity, NXP, Sierra Wireless, Cypress, ON-Semi, Diode Inc. cho các khách hàng, các cán bộ nghiên cứu và các sinh viên.
 
Tại Hội thảo, PGS.TS. Tạ Cao Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Sáng tạo Công nghệ (CTI) và Ông TEO Yew Meng, Phó chủ tịch khu vực ASEAN của công ty Future Electronics đã ký thoả thuận hợp tác (MOU) về nghiên cứu chung, đào tạo và hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học.
 
Các bài trình bày và sản phẩm trưng bày về các giải pháp, công nghệ cho các ứng dụng trong lĩnh vực truyền thông, năng lượng, đo lường, điều khiển của các công ty đối tác đã thu hút được sự quan tâm của hơn 200 đại biểu từ các doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu.
 
 
Ông Tạ Cao Minh, Giám đốc CTI phát biểu tại hội thảo
 

 

Với xu hướng hội nhập toàn cầu trong thời đại ngày nay, đặc biệt là gần đây Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì đây là cơ hội tốt để các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp trong nước có cơ hội để tiếp cận trực tiếp với các hãng sản xuất và cung cấp thiết bị, công nghệ uy tín thế giới.
 
Được thành lập năm 1968, Future Electronics là công ty cung cấp linh kiện bán dẫn  hàng đầu trên thế giới. Công ty có trụ sở chính tại Canada, với các chi nhánh tại 42 quốc gia, trong đó có Singapore và văn phòng đại diện mới mở tại Việt Nam.
 
Tin, ảnh: P.H

19 doanh nghiệp được hỗ trợ khởi nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu

 
 
 
Các doanh nghiệp sẽ được tài trợ về vốn, kỹ năng để triển khai dự án của mình. (Ảnh: T.L/Vietnam+)
 
Ngày 14/6, Dự án Hỗ trợ kỹ thuật Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) đã tổ chức lễ trao giải “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu” cho 19 doanh nghiệp tại Hà Nội.
Trong 19 doanh nghiệp này, có đơn vị làm “Dây chuyền máy đúc gạch không nung tự động,” “Hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng dẫn dụ cá sử dụng đèn LED” hoặc có những công nghệ hiện đại như “Lưới điện mặt rời mini,” “Trạm thời tiết khí hậu tự động công nghệ iMetos và phần mềm kết nối thông tin, dự báo và cảnh báo tự động thời tiết, sâu bệnh”…
 
Theo đại diện ban tổ chức, tùy từng quy mô, mỗi dự án sẽ được hỗ trợ khoản tiền tương ứng và cao nhất là 75.000 USD để phát triển sản phẩm.
 
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho hay, năm 2015, thông qua tài trợ không hoàn lại của Ngân hàng Thế giới từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID) và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt Danh mục VCIC.
 
Hiện tại, VCIC đang triển khai những hoạt động ban đầu để tìm kiếm, lựa chọn và hỗ trợ ươm tạo các ý tưởng sáng tạo công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua tổ chức Cuộc thi chứng minh ý tưởng. 
 
Trải qua quá trình lựa chọn, đánh giá đối với hơn 300 ý tưởng dự án đăng ký tham gia, Bộ Khoa học và Công nghệ kết hợp với các chuyên gia độc lập của WorldBank đã lựa chọn ra 19 doanh nghiệp có ý tưởng xuất sắc, chứng minh được tác động tích cực của công nghệ đối với tăng trưởng xanh và xây dựng nền kinh tế cacbon thấp ở Việt Nam để nhận được tài trợ trong đợt này.
 
Mục tiêu của VCIC trong 3 năm đầu hoạt động sẽ hỗ trợ 48 doanh nghiệp địa phương tiếp cận với đổi mới sáng tạo và công nghệ sạch, giúp cung cấp sản phẩm, dịch vụ tới 1.700 hộ gia đình./.
 
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết VCIC sẽ tiếp tục lựa chọn và ươm tạo những ý tưởng sáng tạo về công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua nhiều cuộc thi hơn nữa.
 
YÊN THỦY (VIETNAM+) 

Giáo dục giới tính cho trẻ: bí mật cần được bật mí

TTO – Cậu bé Alfred có một bí mật cực kỳ khó chịu về người chủ nhà đang thuê mẹ cậu dọn dẹp. Nếu nói ra, mẹ cậu sẽ mất việc; nếu không nói, cậu sẽ phải tiếp tục sự chịu đựng kinh khủng. 
 
 
Bộ sách Giáo dục giới tính toàn diện dành cho trẻ – Ảnh: Nhã Nam
 
Sự kinh khủng đó có lẽ nhiều trẻ em cũng đang phải chịu đựng…
 
Đó là một trong những câu chuyện nhỏ nằm trong bộ sách Giáo dục giới tính toàn diện dành cho trẻ em và phụ huynh do Công ty Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn giới thiệu, sẽ ra mắt trong tháng sách mừng Tết thiếu nhi (1-6).
 
Nỗ lực trong việc xây dựng một môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ, bộ sách gồm bốn cuốn: Không là không, Bí mật rất cần bật mí, An toàn cho con yêu, Thuyền 
trưởng cướp biển.
 
Tác giả kể nhiều câu chuyện thú vị kèm theo những câu hỏi để cha mẹ tương tác với con, đề xuất cách giải quyết những tình huống khó mà bất kỳ cô, cậu bé nào 3 tuổi trở lên cũng từng gặp phải.
 
Thậm chí trong sách còn có kèm thông tin về đường dây nóng và các tổ chức bảo trợ trẻ em trong trường hợp cấp thiết. Đây là bộ sách của tác giả Jayneen Sanders – giáo viên tiểu học có kinh nghiệm, cũng là tác giả có nhiều năm viết sách trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em tại Úc.
 
Trong tháng 6, kèm theo việc phát hành bộ sách, Nhã Nam sẽ tổ chức các tọa đàm về giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ với sự tham gia của những chuyên gia tâm lý và các bậc phụ huynh quan tâm.
 
MINH TRANG
 

Nhiều cuốn sách hướng dẫn sáng tạo cho trẻ em ra mắt dịp hè

Sách chú trọng thực hành, giúp trẻ tự tạo được những món đồ chơi từ vật dụng đơn giản như giấy, bìa carton…
 
Đinh Tị Books mới phát hành loạt sách sáng tạo mua bản quyền từ nhà xuất bản Usborne của Anh. Các đầu sách phong phú về nội dung như 365 ý tưởng sáng tạo – biến giấy báo, bìa carton bỏ đi thành các vật dụng có giá trị, 365 trò chơi khoa học khó mà dễ, dễ mà khó, 1000 ý tưởng sáng tạo, bộ sách dành cho các bé gái – Thế giới các nàng tiên xinh đẹp và Nông trại siêu vui nhộn hay Tự thiết kế thiệp đẹp với phương pháp siêu đơn giản…
 
 
Nhiều sách sáng tạo ra mắt dịp hè.
Đặc điểm chung của những cuốn sách này là nhiều hình ảnh, ít chữ. Sách cung cấp cho trẻ hàng trăm ý tưởng để tạo ra các vật dụng như đồ trang trí trong phòng, thiệp mừng sinh nhật, đèn ngủ hay làm váy từ áo cũ… Thực hành chính là cách những cuốn sách này "đối thoại" với độc giả.
 
 
Sách hướng dẫn tỉ mỉ từng bước thực hiện một sản phẩm.
 
Các cuốn sách giúp trẻ tự rèn sự khéo léo, tỉ mỉ của đôi tay, sự nhanh nhạy, thông minh khi biết tận dụng các đồ vật trong nhà và tư duy logic khi biết kết hợp nhiều vật dụng khác nhau để tạo nên một sản phẩm có ý nghĩa.
 
Loạt sách phát hành đúng dịp hè, phù hợp để trẻ vừa thực hành vừa vui chơi trong những ngày nghỉ.
 
Di Ca

Cuộc thi ‘Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô 2016’ khởi động

Cuộc thi viết dành cho học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở say mê đọc sách và muốn chia sẻ đến cộng đồng.
Cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc thủ đô 2016" do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) và Hội Truyền thông thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức. Cuộc thi nằm trong khuôn khổ dự án Cùng đọc sách – Let's Read của VICC.
 
Cuộc thi được phát động tại Hội sách Thiếu nhi 1/6 – hội sách lần đầu tiên được tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
 
 
Cuộc thi hướng đến lứa tuổi thiếu nhiên và nhi đồng (tương ứng với bậc học Tiểu học và Trung học cơ sở).
Bài dự thi là một bài viết bằng tiếng Việt (dài không quá 800 từ) hoặc tiếng Anh (khoảng 500 từ), trong đó thể hiện hai nội dung: viết về một quyển sách có ý nghĩa nhất và chia sẻ ý tưởng để khuyến khích mọi người đọc sách nhiều hơn cũng như lan tỏa tình yêu sách trong cộng đồng nếu được chọn là đại sứ.
 
Danh hiệu "Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô" sẽ được trao tặng cho 32 học sinh tại Hà Nội, những em có bài viết hay nhất về cuốn sách tâm đắc. Trong đó, có hai "Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô tiêu biểu" và 30 "Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô". Tổng giá trị giải thưởng là 50 triệu đồng.
 
Ban tổ chức nhận bài dự thi đến hết 15/9, tổng kết, trao giải trong Hội sách Hà Nội 2016 tại Hoàng Thành – Thăng Long dịp 10/10.
 
Theo : vnexpress.net