Nhà khoa học nữ đầu tiên của Việt Nam nhận Huy chương Pushkin.

 
Tổng thống Nga Putin trao giải thưởng Pushkin cho phó giáo sư Nguyễn Tuyết Minh. Ảnh: NVCC
 
Phó giáo sư Nguyễn Tuyết Minh là nhà khoa học nữ đầu tiên của Việt Nam nhận Huy chương Pushkin.
Ở tuổi 80, phó giáo sư Nguyễn Tuyết Minh vẫn minh mẫn với lối nói chuyện cởi mở và thân tình. Bà bảo giữa năm 2017 đã có dịp trở lại nước Nga. Vì tuổi cao, bà coi đó là chuyến đi sau cùng về xứ sở bạch dương và ghé thăm thầy cô giáo, thăm bạn bè, trường xưa, lớp cũ.
Niềm vui vỡ òa khi bà biết mình được nhận Huy chương Pushkin, do đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin trao tặng. “Trung tâm Văn hóa Nga tại Việt Nam khi làm hồ sơ gửi sang Nga đã bí mật với tôi đến phút cuối, nên khi biết được nhận giải thưởng tôi rất bất ngờ”, bà Minh chia sẻ.
 
Năm 1953, bà Minh là học sinh tiêu biểu của Việt Nam được gửi sang Trung Quốc học trường Thiếu niên Việt Nam, rồi được chọn sang Liên Xô. Năm 1961, bà trở về nước với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi của Đại học Sư phạm Lê Nin, tham gia giảng dạy tại Khoa Ngữ văn (Đại học Sư phạm Hà Nội), sau đó chuyển sang dạy ở Ban tiếng Nga, Khoa Ngoại ngữ (Đại học Sư phạm Ngoại ngữ).
 
Sau 15 năm gắn bó với giảng đường, bà Minh không ngờ nhân duyên với nước Nga lại một lần nữa gõ cửa, khi bà được mời tham gia làm bộ Đại từ điển Việt -Nga. Đây là công trình hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) và Ủy ban Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Đó là năm 1986.
 
“Tôi nhận lời, vì bản thân rất muốn làm khoa học. 15 năm làm giảng viên, rồi phó chủ nhiệm khoa, tôi thấy mình cũng đã cống hiến đủ nhiều cho giáo dục”, bà Minh chia sẻ.
 
Bán hết nhà cửa, bà cùng chồng con bắt đầu một hành trình mới với 16 năm đằng đẵng xa quê. “Sang Nga, lương tôi chỉ được 60 USD. May là chồng tôi cũng biết tiếng Nga và tìm được việc quản lý cho một nhà hàng, lương được 600 USD. Vậy là chồng cày cuốc nuôi vợ làm khoa học”, bà Minh kể.
 
Chia sẻ về những ngày đầu làm khoa học bên nước bạn, phó giáo sư Minh bảo, dù việc làm từ điển đã được triển khai từ trước đó 4 năm, nhưng còn rất nhiều khó khăn. Vì đây là từ điển hợp tác giữa hai Viện Ngôn ngữ nên phải làm đúng theo quy điển của từ điển học. Về tiếng Việt phải căn cứ theo cuốn Từ điển tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê chủ biên, trong khi cuốn này chỉ mới có 45.000 từ, chưa có từ điển cỡ lớn.
 
Tiếng Việt và tiếng Nga có nhiều điểm khác nhau. Ví dụ, trong nhóm danh từ của tiếng Việt có danh từ, số từ, loại từ… Tiếng Nga lại khác, phải chia thành nhiều loại, cách tách từ cũng khác. Chẳng hạn từ điển Việt Nam khi đó có mỗi từ "ngồi", không có từ "ngồi xuống", dù đây là hai từ khác nhau, ngồi là trạng thái, ngồi xuống là hành động. Trong khi tiếng Nga có rất nhiều từ liên quan.
 
Hoặc từ "đi", từ điển tiếng Việt chỉ có một từ "đi". Trong tiếng Nga có đến chục từ như đi qua, đi lại, đi lên, đi xuống… , nhưng lại không được đưa mỗi từ đó như một từ riêng. Vì thế, nếu chỉ dịch thuần túy thì không dịch được. “Do đó, tôi tính đến cách để đưa các từ đó như ví dụ, cấu tạo từ, hoặc từ láy… Chưa kể, mỗi từ với mỗi nghĩa lại phải qua trao đổi thống nhất giữa nhiều người, phải lập phiếu riêng…”, phó giáo sư kể.
 
Với những khác biệt đó, bà cùng cộng sự đã phải mất đến hai năm chỉ để đưa ra các nguyên tắc, và mất đến 16 năm miệt mài bên nước bạn, từ 1986 đến 2002, để hoàn tất cuốn Đại từ điển Việt – Nga. Trở về nước năm 2002, bà còn phải dành đến 10 năm để biên tập lại.
 
“26 năm cho một cuốn từ điển, nhiều người hỏi vì sao lại tốn quá nhiều thời gian như vậy? Một cuốn từ điển, nhìn đơn giản, nhưng sau lưng nó là bao nhiêu lý thuyết. Chúng tôi vẫn đùa là nếu ai phạm tội, không cần cho ngồi tù, cứ bắt đi làm từ điển là đủ sợ rồi”, bà Tuyết Minh cười nói.
 
Dành chừng ấy thời gian cho công trình của mình, nhưng bà Tuyết Minh bảo dù có tỉ mỉ đến đâu thì cuốn từ điển vẫn không thể tránh những sai sót. “Từ điển là để tra, bất kỳ khi nào người ta cũng có thể tìm ra lỗi, nên tôi hay nói với mọi người rằng, làm từ điển tức là cả đời tôi ngồi trên ghế… bị cáo”, bà bông đùa.
 
Bên cạnh việc làm Đại từ điển Việt – Nga, phó giáo sư Minh cũng tham gia công trình hợp tác giữa Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Việt Nam với Bộ Đại học Nga về biên soạn bộ giáo trình tiếng Nga và biên dịch nhiều cuốn sách có giá trị.
 
Cả cuộc đời gắn bó với tiếng Nga, bà Tuyết Minh bảo rằng đó là điều rất may mắn. "Học tiếng Nga không những để biết được thêm một ngôn ngữ mới mà còn giúp mình hiểu thêm một nền văn hóa vĩ đại. Không những thế, tôi còn hiểu và học được rất nhiều điều từ tính cách, tình cảm của những con người Nga thân thiện", phó giáo sư Minh chia sẻ.
 
Aleksandr Sergeyevich Pushkin (1799-1837) là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng người Nga, có đóng góp to lớn trong việc phát triển ngôn ngữ văn học Nga hiện đại và là biểu tượng của dòng văn học lãng mạnh Nga thế kỷ 19. 
 
Ứng viên nhận Huy chương Pushkin gồm công dân Nga và nước ngoài có những thành tích nổi bật trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, văn học và giáo dục. Người được nhận Huy chương Puskin phải có kinh nghiệm tối thiểu 20 năm hoạt động trong lĩnh vực xã hội nhân văn. 
 
Tổng số người được nhận Huy chương Puskin có hơn 900 người đến từ 90 quốc gia, trong đó có 12 nguyên thủ quốc gia.
 
 
 
 
Theo TTXVN/Vietnam+

Nhật Bản giúp Việt Nam nâng cao năng lực thẩm định sáng chế

Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) sẽ giúp Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam Dự án nâng cao toàn diện năng lực trong việc xử lý đơn sở hữu công nghiệp (SHCN).
 
Đây là một trong những nội dung tại buổi làm việc của Đoàn công tác của Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) do Cục trưởng Đinh Hữu Phí dẫn đầu với JPO ngày 22/02/2018 tại Tokyo, Nhật Bản. Bà Naoko Munakata- Tổng Cục trưởng JPO, ông Kunihiko Shimano- Phó Tổng Cục trưởng JPO và các đơn vị chức năng của JPO đã đón tiếp và làm việc với Đoàn.
 
 
Cục trưởng Đinh Hữu Phí và Tổng Cục trưởng Naoko Munakata ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Cơ quan Sáng chế Nhật Bản 
 
 
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đinh Hữu Phí cho biết, hệ thống SHTT Việt Nam được thụ hưởng nhiều sự trợ giúp có hiệu quả từ Quỹ Tín thác WIPO – Nhật Bản, qua đó, năng lực cũng như hạ tầng công nghệ thông tin của Cục SHTT từng bước được hoàn thiện và nâng cao, giúp cho Cục SHTT nói riêng và hệ thống SHTT nói chung hoạt động hiệu quả hơn. Đặc biệt, nhiều thế hệ cán bộ làm công tác SHTT của Việt Nam đã được đào tạo dưới sự tài trợ của Quỹ. Nhân dịp này, Cục trưởng đã đề nghị phía JPO tiếp tục ủng hộ Dự án nâng cao toàn diện năng lực của Cục SHTT trong việc xử lý đơn SHCN thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Dự án hồi cố dữ liệu SHCN thông qua Quỹ Tín thác WIPO – Nhật Bản.
 
Đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai Cơ quan trong thời gian qua thông qua kênh hợp tác song phương và các diễn đàn đa phương như ASEAN, WIPO, v.v., bà Naoko Munakata đã tán thành việc thành lập Nhóm công tác chung giữa hai Cơ quan để thảo luận các Chương trình hợp tác về thẩm định nhanh đơn sáng chế, phát triển nguồn nhân lực và quản lý chất lượng thẩm định sáng chế.
 
Bà Naoko Munakata cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất về một Dự án nhằm nâng cao năng lực toàn diện của Cục SHTT trong việc xử lý đơn SHCN và cho biết sẽ cử chuyên gia sang làm việc với Cục để bàn thảo các nội dung cụ thể trước khi trình Chính phủ Nhật Bản xem xét, phê duyệt. Liên quan đến hồi cố dữ liệu SHCN, JPO sẽ tích cực làm việc với WIPO và các đối tác có liên quan để có thể hỗ trợ Cục SHTT trong thời gian sớm nhất.
 
Ngay sau buổi làm việc, đã diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Cơ quan Sáng chế Nhật Bản. Theo Văn bản được ký kết, JPO sẽ hỗ trợ Cục SHTT trong việc hoàn thiện chính sách về SHTT nhằm nâng cao hiệu quả bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ; nâng cao năng lực thẩm định đơn SHCN; đẩy mạnh quá trình tự động hóa hệ thống quản trị đơn SHCN; nâng cao nhận thức của công chúng và phát triển nguồn nhân lực cũng như thúc đẩy các chương trình hợp tác về chia sẻ công việc./.
 
 
 
Cục trưởng Đinh Hữu Phí tặng quà lưu niệm cho bà Naoko Munakata
 
 
Nhật Bản là một trong các nhà tài trợ lớn của Việt Nam trong lĩnh vực SHTT. Thông qua JICA và Quỹ Tín thác WIPO, Nhật Bản đã tài trợ cho Việt Nam nhiều dự án nhằm nâng cao hạ tầng CNTT, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường năng lực thực thi quyền SHTT và nâng cao nhận thức về SHTT./.
 
 
 
 
 
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Đưa Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là nơi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tốt nhất

 
Đây là lần thứ 3 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc trong vòng hơn 1 năm qua. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành phần lớn thời gian làm việc để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp trong Khu CNC. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị và sự kỳ vọng rất lớn, rằng đây sẽ là nơi đóng góp vào việc phát triển nền khoa học và công nghệ (KH&CN) của Việt Nam, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
 
Ngày 22/02/2018, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đến thăm và làm việc tại Khu CNC Hòa Lạc. Tháp tùng Thủ tướng Chính phủ có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, UBND Thành phố Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội; các tập đoàn lớn của Việt Nam, một số doanh nghiệp đã đầu tư và đang nghiên cứu đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc; đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí.
 
Về phía Bộ KH&CN có ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; ông Trần Văn Tùng, Bí thư Đảng ủy Bộ KH&CN, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban Quản lý khu CNC Hòa Lạc; ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ KH&CN cùng đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN.
 
 
Toàn cảnh buổi làm việc
 
 
Sức sống của Khu CNC Hòa Lạc- trung tâm công nghệ của Hà Nội và cả nước
 
Đây là chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ sau một năm (ngày 16/02/2017) đến thăm Khu CNC Hòa Lạc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Khu CNC Hòa Lạc đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: Đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2017/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hoà Lạc với những nguyên tắc ưu đãi nhất, thuận lợi nhất để tháo gỡ các khó khăn hiện tại; Thu hút được nhiều dự án công nghệ cao lớn, tiêu biểu là Dự án Hanwha Aero Engines Việt Nam với mức đầu tư hơn 200 triệu USD hay sắp tới là Dự án NIDEC với mức đầu tư 1 tỷ USD. Hạ tầng của Khu cũng đang được xây dựng hiện đại, đúng tiến độ. Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao những kết quả bước đầu đã đạt được của Khu CNC Hòa Lạc khi trực tiếp được nghe và trải nghiệm nhiều sản phẩm CNC do các doanh nghiệp công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, như thiết bị điều khiển bằng sóng não, các sản phẩm IoT… tại Khu CNC Hòa Lạc.
 
Báo cáo với Thủ tướng những công việc đã làm được của Khu CNC Hòa Lạc trong năm 2017, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết: nếu như năm ngoái, các sản phẩm ở Khu CNC Hòa Lạc còn nghèo nàn thì năm nay, các nhóm khởi nghiệp, các tập đoàn, công ty đã đưa ra nhiều sản phẩm công nghệ cao đa dạng, thể hiện sức sống của nơi này. Hòa Lạc đã và đang cố gắng chứng minh rằng, đây chính là trung tâm công nghệ của Hà Nội và cả nước.
 
Theo đó, Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã bước đầu triển khai hoạt động về giới thiệu, trình diễn và chuyển giao công nghệ, tiếp nhận và thiết lập 30 nhóm ươm tạo, trong đó 7 nhóm đã tốt nghiệp. Bên cạnh đó, ngân hàng thông tin về KH&CN đã được xây dựng với gần 3.500 bằng phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích và gần 1.000 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ… để hỗ trợ cho hoạt động chuyển giao công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp.
 
Đánh giá tình hình chung, Thủ tướng Chính phủ nhận định: “Chúng ta có nhiều nhân tố, nhiều cố gắng để có được một vị thế như ngày hôm nay. Giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng đã được làm căn bản. Hạ tầng giao thông, điện, nước, vận tải đã được thiết lập. Tiềm lực KH&CN của chúng ta đã được quan tâm và tăng cường. Đã có những sản phẩm công nghệ 4.0 do các nhóm khởi nghiệp, các trung tâm nghiên cứu của Viettel, FPT, VNPT, Đại học Quốc gia Hà Nội… phát triển tại Khu CNC Hòa Lạc. Đây là những thành công bước đầu. Thực sự là tin vui đầu năm mới”.
 
 
Năm đề nghị để Khu CNC Hòa Lạc trở thành một thành phố KH&CN
 
Trong bối cảnh đó, trước những cơ hội và thách thức của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội, để Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành một thành phố KH&CN, một đô thị sinh thái và thông minh đóng góp vào phát triển tiềm lực KH&CN quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đề nghị:
 
Một là, ngành KH&CN tiếp tục thực hiện tốt những thành công của năm 2017, trong đó, tập trung đầu tư và phát triển tiềm lực KH&CN quốc gia tại Khu CNC Hòa Lạc.
 
Hai là, trước mắt, đồng ý để UBND thành phố Hà Nội ứng trước vốn giải phóng mặt bằng để Khu CNC Hòa Lạc sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, phát triển hạ tầng Khu, tiến tới tập trung vào thu hút đầu tư và phát triển tiềm lực KH&CN .
 
Ba là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí đủ vốn đối ứng cho dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc, không để tình trạng thiếu vốn đối ứng ảnh hưởng tới tiến độ dự án.
 
Bốn là, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện cơ chế chính sách đối với Khu CNC Hòa Lạc, trong đó chú trọng vào các văn bản hướng dẫn Nghị định số 74/2017/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hoà Lạc.
 
Năm là, Bộ KH&CN, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc báo cáo trực tiếp Thủ tướng Chính phủ về đề xuất đầu tư của Tập đoàn NIDEC để sớm có phương án khuyến khích thu hút đầu tư. Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị nhà đầu tư NIDEC khẩn trương, tăng tốc độ giải ngân vốn, với tinh thần đóng góp vào quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản.
 
Sau buổi làm việc với Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm Nhà máy Hanwha – Dự án mới triển khai tại Khu tháng 9/2017 và dự kiến đưa vào hoạt động vào tháng 6/2018.
 
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cùng lãnh đạo Bộ KH&CN, cán bộ công chức, viên chức, người lao động Khu CNC Hòa Lạc đã tham dự phát động lễ trồng cây tại Khu CNC Hòa Lạc.
 
 
 
 
 
 
Một số sản phẩm, dự án công nghệ được giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi thăm và làm việc tại Khu CNC Hòa Lạc
 
 
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm Nhà máy Hanwha (Công ty của Hàn Quốc đang đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc)
 
 
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc Phạm Đại Dương và Chủ tịch Tập đoàn Hanwha chụp ảnh lưu niệm
 
 
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cùng lãnh đạo Bộ KH&CN, lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN tham dự phát động lễ trồng cây tại Khu CNC Hòa Lạc
 
 
Thông tin về tình hình thu hút đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc
 
Tính đến hết năm 2017, Khu CNC Hòa Lạc đã có 81 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký 66.174 tỷ đồng trên tổng diện tích 358 ha. Nhân chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Nhật Bản đầu năm 2017, Thủ tướng đã gặp gỡ và kêu gọi Tập đoàn NIDEC đầu tư vào Khu CNC Hoà Lạc. Trên tinh thần ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Quản lý đã tiếp xúc, làm việc, đàm phán và đang thực hiện quy trình cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký đầu tư giai đoạn 1 cho 02 dự án của Tập đoàn NIDEC với số vốn đăng ký là 400 triệu đô la Mỹ (NIDEC có kế hoạch đầu tư thêm 03 dự án với tổng vốn đầu tư lên đến 1 tỷ đô la Mỹ trong giai đoạn tiếp theo). Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng đang thụ lý hồ sơ dự án đầu tư của một số đơn vị tiềm năng trong nước như: Dự án sản xuất các loại sơn công nghệ nano của Công ty TNHH Sơn KOVA với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng; Dự án của Công ty ETC Holding với tổng số vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng. Ban Quản lý đang tiếp xúc, đàm phán với Tập đoàn Mitsubishi Chemical Nhật Bản (với số vốn đầu tư  khoảng 92 triệu đô la Mỹ), Anyone Hàn Quốc (với số vốn đầu tư khoảng 70 triệu đô la Mỹ), Kannametal Hoa Kỳ (với số vốn đầu tư khoảng 15 triệu đô la Mỹ).
 
 
 
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN

Khởi nghiệp cần thực chất, tránh phong trào

 
Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc điều hành Fastsell: Có ý tưởng, mục tiêu và đích để phấn đấu.
 
Năm 2018 cần làm gì để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động, phát triển và thu hút được nguồn lực đầu tư?
Khởi nghiệp thành công bước đầu khi sản phẩm đã thu hút được thị trường, nhưng do chưa xây dựng được mô hình kinh doanh phù hợp, sự khác nhau quá lớn về tư duy khởi nghiệp và cái "tôi" của các thành viên, thiếu năng lực quản trị và nguồn tài chính dự phòng.
 
Đó chính là nguyên nhân khiến cho anh Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc điều hành Fastsell không thể theo đuổi 2 dự án khởi nghiệp trong hơn 2 năm.
 
Anh Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ, "Bạn phải có ý tưởng, mục tiêu và đích để phấn đấu. Nhưng để làm sao đi con đường đó nhanh và đến đích thế nào, bạn phải phụ thuộc vào những người trong đội của mình, xu hướng bên ngoài như thị trường, nguồn lực. Quan trọng nhất làm sao phải hài hòa những cái mình có để đi đến mục tiêu cuối cùng."
 
Vượt qua giai đoạn đầu thâm nhập thị trường, có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp có đà phát triển sau 1-2 năm thành lập. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trong số đó phải "rút lui" do chưa có sự tính toán kỹ lưỡng.
 
Tránh khởi nghiệp theo kiểu phong trào
 
Khảo sát của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu (GEN) đánh giá, Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế khởi nghiệp cao nhất nhưng lại nằm trong nhóm 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất.
 
Đa phần các khởi nghiệp trẻ mới tập trung vào ý tưởng sản phẩm mà quên việc lên bài toán lớn về năng lực và khả năng vận hành của bản thân doanh nghiệp.
 
Theo các chuyên gia và nhà đầu tư, với môi trường kinh doanh năng động sẽ có rất nhiều cơ hội kinh doanh cho các khởi nghiệp trẻ. Nhưng chính điều đó đang cám dỗ các khởi nghiệp trẻ nhảy vào thị trường quá nhanh. Sự vấp ngã là điều khó tránh khỏi và khởi nghiệp cần đi vào thực chất hơn.
 
Ông Warrick Cleine, Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam nhận định, "Những thứ cốt lõi về quản trị doanh nghiệp, cấu trúc doanh nghiệp, tài chính ngân hàng, các văn bản pháp luật như lao động sở hữu trí tuệ… là những thứ giúp thương mại hóa ý tưởng khởi nghiệp. Việc này sẽ giúp các khởi nghiệp trẻ tính đến việc huy động vốn, kêu gọi quỹ đầu tư hay tính toán có nên tiếp tục sở hữu doanh nghiệp nữa hay không."
 
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, "Tinh thần khởi nghiệp phải đi kèm với năng lực về quản trị. Hiện nay, khởi nghiệp đang được đẩy mạnh như một phong trào. Chất lượng của khởi nghiệp, chất lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp đang là vấn đề rất lớn cần quan tâm."
 
 
 
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. 
 
Ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch nhóm công tác khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam cũng khuyến cáo, hiện nay có thể các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn gọi được vốn đầu tư, nhưng nếu 2 năm tới, số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công không đạt đến 1%, sẽ không còn ai đầu tư. Đó chính là nguy cơ của hệ sinh thái khởi nghiệp nếu Việt Nam không nhìn ra điều cốt lõi.
 
"Nếu Việt Nam làm đại trà, doanh nghiệp khởi nghiệp nào cũng đầu tư, đẩy lên, tạo ra tinh thần thì số thất bại sẽ rất lớn. Chúng ta cần chọn ra doanh nghiệp khởi nghiệp nào thực sự cần đầu tư, start-up nào thực sự có năng lực để tập trung phát triển start-up đó", ông Giang cảnh báo.
 
Theo các chuyên gia và nhà đầu tư, với môi trường kinh doanh năng động sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh cho các start-up trẻ, nhưng cũng chính điều đó đang cám dỗ các start-up nhảy vào thị trường quá nhanh. Sự vấp ngã là điều khó tránh khỏi. Khởi nghiệp cũng cần đi vào thực chất hơn.
 
 
 
Ông Trịnh Minh Giang: "Cần chọn ra doanh nghiệp khởi nghiệp nào thực sự cần đầu tư, start-up nào thực sự có năng lực để tập trung phát triển start-up đó."
 
Hiện thực hóa các hỗ trợ khởi nghiệp
 
Năm 2018 mở ra những cơ hội mới cho cộng đồng khởi nghiệp. Khởi nghiệp cần trở thành động lực thực sự cho khối doanh nghiệp phát triển lớn mạnh hơn. Để làm được điều đó rất nhiều người đã kỳ vọng vào việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động, phát triển và có nhiều dự án start-up huy động vốn thành công hơn nữa trong năm 2018.
 
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse đánh giá: "Nguồn tiền nhàn rỗi hiện nay khá lớn, nếu chúng ta có môi trường pháp lý rõ ràng và tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư mạo hiểm phát triển. Đó sẽ là nơi hỗ trợ cho các start-up từ tài chính, kiến thức, quản lý… Trong đó, việc quan trọng là ý tưởng cần tiến gần tới thị trường, có hàm lượng chất xám, công nghệ nhiều hơn. Khi đã có những ý tưởng đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ theo những ý tưởng đó và thu hút được nguồn vốn".
 
Chấp nhận văn hóa "thất bại" trong khởi nghiệp
 
Triển khai Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, trong năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp và triển khai nhiều hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
 
 
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng: Các start-up cần học cách chấp nhận văn hóa thất bại trong khởi nghiệp.
 
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, "điểm mấu chốt là với hệ sinh thái khởi nghiệp, để không biến thành phong trào, bản thân những người tham gia phải được đào tạo, cung cấp kiến thức và có kỹ năng để làm cho đúng. Còn những người không được đào tạo thì không nên tham gia theo người khác."
 
"Nhưng tôi cũng muốn chia sẻ với các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp: 100 người nhận được hỗ trợ khởi nghiệp thì chỉ có 5-6, thậm chí không quá 10 người thành công. Do đó những người khởi nghiệp luôn phải sẵn sàng xác định chấp nhận thất bại", ông Tùng nhấn mạnh.
 
Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia" đặt mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 100 doanh nghiệp tham gia đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỉ đồng.
 
Phát biểu tại lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, Việt Nam muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình buộc phải đổi mới sáng tạo. Trong đó, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần sự chung tay vào cuộc của tất cả các Bộ, ngành, địa phương, tránh việc phát triển ồ ạt như phong trào rồi sau đó dừng lại.
 
 
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo VN 2017.
 
Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Quốc hội thông qua tháng 6/2017 đã có hiệu lực từ 1/1/2018. Trong Luật nêu cụ thể chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như số vốn đầu tư của các quỹ, trách nhiệm góp vốn, mức thuế ưu đãi…
 
Đây chính là ghi nhận rõ nhất về mức độ hoàn thiện cơ chế và sự quan tâm của Chính phủ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Từ đó, khuyến khích hiện thực hóa các ý tưởng mới, phát triển và thương mại hóa sản phẩm có tính ứng dụng cao và nâng tầm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế. 
 
Nếu năm 2016 được coi là năm khởi động của khởi nghiệp thì năm 2017 chính là năm tăng tốc của khởi nghiệp khi đã có nhiều hỗ trợ nổi bật, từ sự hoàn thiện của hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng cũng có không ít các chướng ngại vật phải vượt qua.
 
Nhiều quỹ đầu tư cho khởi nghiệp ra đời
 
Trong năm 2017, các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp được thành lập nhiều hơn. Ví dụ quỹ ESP Capital 20 triệu USD, quỹ Innovatube 5 triệu USD… được thành lập hướng tới các start-up ở giai đoạn đầu của Việt Nam và Đông Nam Á. Tâp đoàn Lotte cũng cam kết dành 1 triệu USD đầu tư cho khởi nghiệp.
 
Các thương vụ gọi vốn và góp vốn lớn hơn
 
Nếu các thương vụ gọi vốn năm 2016 chỉ được từ 5.000-50.000 USD, năm 2017 các thương vụ gọi vốn cũng lớn hơn nhiều. Cụ thể, Tiki nhận vốn 10 triệu USD, Vntrip nhận vốn 10 triệu USD, Công ty Hoa yêu thương cũng nhận rót vốn 1 triệu USD… Tất cả đều từ các quỹ đầu tư nước ngoài.
 
Công bố dự thảo Nghị định về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo
 
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo giúp tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước rót vốn vào các dự án khởi nghiệp tiềm năng ở Việt Nam.
 
Công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết trên NASDAQ
 
Không chỉ vậy, năm 2017, Việt Nam có công ty đầu tiên – Công ty VNG – niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ, sàn giao dịch điện tử lớn nhất nước Mỹ. Việc này được kỳ vọng sẽ thu hút thêm vốn ngoại vào Việt Nam.
 
Những con số ấn tượng này đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thế nhưng, điều cốt lõi là làm sao để start-up không phải là phong trào trong một lúc mà liên tục, dài hơi, bền vững./.
 
Nguồn VOV.VN
 

“Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư – cuộc Cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm”

“Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư – cuộc Cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm"
 
Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật xin trân trọng giới thiệu cuốn sách “Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư – Cuộc cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm” của tác giả TSKH. Phan Xuân Dũng-nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách đầu ngành của Việt Nam. Thông qua cuốn sách tác giả muốn truyền tải cho chúng ta câu chuyện về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hàm chứa sự thay đổi lớn lao, toàn diện, không chỉ về khoa học và công nghệ mà còn cả kinh tế, văn hóa và xã hội. Với mong muốn câu chuyện sẽ là nguồn động lực thúc đẩy tư tưởng đổi mới mạnh mẽ trong giới trẻ Việt Nam hiện nay, những con người sẽ chiếm lĩnh cơ hội mới, rút ngắn khoảng cách và bắt kịp các quốc gia phát triển khác về trình độ công nghệ, về khoa học kỹ thuật, nâng cao vị thế quốc gia, đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong ước. 
Lần đầu tiên ở Việt Nam, một ấn phẩm tóm lược những nét cơ bản nhất về làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra và thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo công chúng. Thế giới ngày nay thay đổi như chưa từng có nhờ cuộc Cách mang công nghiệp lần thứ tư, vậy bản chất cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là gì? Nó bắt nguồn từ đâu? Nó tác động đến kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng của thế giới như thế nào? 
 
Hằng ngày, câu chuyện về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thường xuyên và liên tục được đề cập trên các phương tiện truyền thông đại chúng, là đề tài nóng trên các diễn đàn và tọa đàm… chủ đề này đã được Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao, mọi người đều nói về nó, nhưng dường như vẫn còn rất nhiều người chưa biết nó là gì. Những câu hỏi được đặt ra về sự khác biệt của nó với những cuộc cách mạng công nghiệp khác? Sự xuất hiện của nó cũng như các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và cách mạng công nghiệp trước đây đã làm thay đổi thế giới của chúng ta sống như thế nào? Chúng ta có thể mong đợi gì và làm thế nào chúng ta có thể tận dụng tốt nhất những thành tựu mà cuộc cách mạng này mang lại? Trước làn sóng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đâu sẽ là giải pháp cho Việt Nam? 
 
Với lối viết đơn giản, những vấn đề tưởng như phức tạp, khô khan của khoa học, kỹ thuật và công nghệ đã trở nên dễ hiểu và gần gũi. Tác giả dẫn dắt chúng ta đi xuyên qua ba cuộc cách mạng công nghiệp lớn trong tiến trình phát triển của thế giới: Hiểu được những thay đổi nhanh chóng của toàn cảnh xã hội châu Âu, nơi khởi xướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (từ năm 1784), khi động cơ hơi nước của James Watts được đưa vào ôtô, tàu hỏa, tàu thủy. Cuộc cách mạng sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai (từ năm 1850) gắn liền với quá trình điện khí hóa sử dụng điện năng để tạo ra sản xuất đại trà. Cùng với những nhà phát minh tiên phong như Nikola Tesla, Thomas Alva Edison, George Westinghouse và sự áp dụng quản lý dựa trên cơ sở khoa học bởi Fredderick Winslow Taylor đã mang lại cuộc sống văn minh, năng suất. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba (từ năm 1969) xuất hiện khi có các tiến bộ về hạ tầng điện tử, với sự phát triển của chất bán dẫn, máy tính, số hóa và Internet kết nối thế giới. Nền sản xuất được tự động hóa nhờ sử dụng các thiết bị điện tử và công nghệ thông tin. Những thành tựu công nghệ cao như vệ tinh, máy bay, máy tính, điện thoại, Internet… chúng ta đang thụ hưởng chính từ cuộc cách mạng này. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ sản xuất thông minh, tiếp sau những thành tựu lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba, được hình thành trên nền tảng cải tiến và đột phá của công nghệ số với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, IoT, S.M.A.C, công nghệ nano, sinh học, vật liệu mới… Sự hội tụ của các công nghệ làm mờ đi ranh giới giữa các các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Hiện nay cả thế giới đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nó là chiến lược bản lề để cho các nước đang phát triển bắt kịp với xu hướng thế giới và mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của loài người.
 
Trước các dự báo về một số tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các quốc gia trên thế giới đã đưa ra những chính sách đột phá nhằm tranh thủ những cơ hội và vượt lên những thách thức do nó mang lại. Những cuộc cách mạng xuất hiện và đi cùng với nó là những quốc gia mới nổi do nắm được thời cơ bằng những quyết tâm sắt đá của cả dân tộc đã nâng cao vị thế của mình trên bản đồ thế giới như Hàn Quốc, Singapor, Hồng Kông… là bài học bổ ích cho Việt Nam chúng ta.
Với những hiểu biết sâu sắc của các chuyên gia đầu ngành về khoa học và công nghệ, với kinh nghiệm dày dạn trong quản lý, tác giả đã cho chúng ta biết Việt Nam đang ở đâu trong cuộc cách mạng công nghiệp này và thực trạng nền khoa học và công nghệ của đất nước, từ đó đưa ra các kiến nghị, quan điểm và tư tưởng chỉ đạo, những giải pháp về khoa học và công nghệ để chuẩn bị cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
 
Một lần nữa, cuộc chạy đua giữa các quốc gia phát triển và các quốc gia mới nổi, với sự tham gia của các “đại gia công nghệ” đang dẫn dắt thế giới và đặt ra câu hỏi “Thế giới này là của các quốc gia hay của các đại gia công nghệ”? Các chính phủ đã có những chiến lược gì để làm chủ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư? Thông qua chính sách công nghiệp của một số quốc gia như Đức, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapor, Anh, Ôxtrâylia, Canada, Ấn Độ, Việt Nam sẽ tiếp cận và hành động như thế nào? Chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu? Đây chính là thời cơ vàng để Việt Nam bắt kịp, làm chủ cuộc cách mạng, nâng cao vị thế quốc gia với khát vọng mang trí tuệ Việt Nam đi chinh phục thế giới, đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong ước. Các thế hệ người Việt Nam truyền ngọn lửa khát vọng Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác với niềm tin bền bỉ về sự thịnh vượng, yên bình và mưu cầu hạnh phúc cho người dân Việt. Cuộc sống của bạn và quan điểm của bạn về thế giới, về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ thay đổi sau khi đọc cuốn sách này, đó là niềm tin, tâm huyết của tác giả. 
 
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
 
 

Lần đầu tiên có câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử

Câu lạc bộ này trực thuộc Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam, được thành lập với hy vọng sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.
 
Theo ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) nhận định, sau hơn 10 năm triển khai, chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số đã trở thành một dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) quan trọng và ngày càng phổ biến trong lĩnh vực khai, nộp thuế qua mạng, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội điện tử, hóa đơn điện tử, ngân hàng điện tử… góp phần thúc đẩy ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.
 
Chữ ký số được xác định là giải pháp quan trọng để đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu, tính xác thực trong các giao dịch điện tử. Đặc biệt, các giao dịch điện tử sử dụng chữ ký số mang tính pháp lý và được pháp luật bảo hộ, phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, triển khai các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng như các hoạt động phát triển thương mại điện tử.
 
Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ TT&TT) đánh giá, sự ra đời Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam (VCDC) là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của lĩnh vực chữ ký số, xác thực điện tử và giao dịch điện tử, đồng thời là cầu nối giữa các doanh nghiệp với chính quyền, với khách hàng để ứng dụng rộng rãi hơn dịch vụ chứng thực chữ ký số.
 
Hiện, thị trường cung cấp dịch vụ chứng thực số trên cả nước đang cung cấp cho khoảng 600.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ chứng thực số với trên 70.000 chứng thư số đang hoạt động, chủ yếu trong các lĩnh vực kê khai thuế qua mạng, hải quan điện tử và bảo hiểm xã hội điện tử.
 
Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam hiện tại có 7 thành viên sáng lập là Bkav, FPT, NACENCOMM, NEWCA, @SmartSign, Viettel-CA, VNPT. Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách BKAV được bầu làm Chủ nhiệm lâm thời của Câu lạc bộ./.
 
Liên kết nguồn tin:
 
http://e.gov.vn/L%E1%BA%A7n%20%C4%91%E1%BA%A7u%20ti%C3%AAn%20c%C3%B3%20c%C3%A2u%20l%E1%BA%A1c%20b%E1%BB%99%20ch%E1%BB%AF%20k%C3%BD%20s%E1%BB%91%20v%C3%A0%20giao%20d%E1%BB%8Bch%20%C4%91i%E1%BB%87n%20t%E1%BB%AD-a-NewsDetails-37590-14-186.html
 
Nguồn: e.gov.vn

Đẩy mạnh triển khai Hệ tri thức Việt số hóa

 
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc đẩy mạnh triển khai Hệ tri thức Việt số hóa.
Ảnh minh họa
 
Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai Hệ tri thức Việt số hóa, Phó Thủ tướng giao các bộ, cơ quan chủ động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đóng góp các thông tin, dữ liệu công khai đối với các hoạt động chuyên ngành vào Hệ tri thức Việt số hóa theo nội dung nêu tại Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa và Công văn số 186/BKHCN-TTKHCN ngày 19/1/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
 
Phó Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa; chịu trách nhiệm chủ trì, điều phối chung; tổng hợp, theo dõi và đánh giá mức độ phát triển của Hệ tri thức Việt số hóa; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền.
 
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa với mục tiêu xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa thông qua việc tổng hợp, hệ thống hóa, việt hóa, số hóa, lưu trữ và phổ biến tri thức trong mọi lĩnh vực, trước hết là hỗ trợ cho giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo và các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như pháp luật, y tế, kỹ thuật sản xuất…
 
Bên cạnh đó, tạo môi trường thuận lợi thu hút mọi người dân và doanh nghiệp tham gia, với vai trò vừa khai thác vừa đóng góp để làm giàu các tài nguyên tri thức số hóa của Việt Nam.
 
Đồng thời, khơi dậy, lan tỏa niềm đam mê khoa học và công nghệ, khát vọng sáng tạo, cống hiến của mọi người, mọi doanh nghiệp, đặc biệt là thế hệ trẻ, đội ngũ trí thức và các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong việc tạo lập, làm giàu và phổ biến tri thức; từng bước góp phần phát triển công nghiệp nội dung số của Việt Nam, định hướng việc sử dụng tri thức của người dùng trên môi trường mạng.
 
Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Day-manh-trien-khai-He-tri-thuc-Viet-so-hoa/328639.vgp
 
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Demo Day – Ngày hội để startup có thể kêu gọi đầu tư thành công

 
Ngày 01/02/2018, Ngày hội đầu tư “Demo Day 2018” – hoạt động thường niên do Lotte Accelerator và Việt Nam Sillicon Valley Accelerator (VSV Accelerator) được tổ chức tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN). Ngày hội đầu tư Demo Day chính là cơ hội để các startup trình bày về doanh nghiệp, mô hình kinh doanh đầy hứa hẹn và kết quả kinh doanh đã đạt được trong thời gian vừa qua trước đông đảo nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
 
Tham dự Ngày hội đầu tư Demo Day năm 2018 có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, đại diện Đề án VSV, các nhà hoạch định chính sách cùng 9 startup và khoảng 100 nhà đầu tư (bao gồm cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp và những nhà đầu tư đang quan tâm tới startup). Các startup tham gia Demo Day 2018 bao gồm: Canets, Fresh Deli, Hue Packaging, True Juice, 689Cloud, Roborzoid, Handfree, Winme, Peko Peko. Các startup này đã vượt qua hơn 100 ứng viên để có mặt tại Demo Day năm 2018, họ đều được VSV Accelerator đầu tư và đã tốt nghiệp chương trình huấn luyện kéo dài 4 tháng của VSV Accelerator.
 
Năm 2017 đánh dấu bước phát triển quan trọng trong Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam với việc Đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Gọi tắt là Đề án 844) do Bộ KH&CN khởi xướng chính thức đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đã đón nhận sự quan tâm đặc biệt từ không chỉ nhà đầu tư mà từ cộng đồng xã hội. Bằng chứng là sức thu hút mạnh mẽ của Chương trình thực tế về đầu tư mạo hiểm Shark Tank hay sự mạnh tay đầu tư của các nhà đầu tư thiên thần.
 
Tuy nhiên, theo thống kê không chính thức, một đất nước hơn 90 triệu dân như Việt Nam mới chỉ có khoảng 3.000 startup đang hoạt động. Những startup này đa phần đều ở giai đoạn mới khởi đầu (very early stage) nên còn rất hạn chế về năng lực đội ngũ, thiết lập mô hình kinh doanh và thiết kế sản phẩm, đặc biệt là vấn đề về vốn – trở ngại lớn của phần lớn startup Việt Nam ở giai đoạn này.
 
Yêu cầu bức thiết được đặt ra đối với Chính phủ Việt Nam để startup trở thành nòng cốt trong sự phát triển kinh tế trong tương lai là phải hình thành được một thị trường vốn đầu tư mạo hiểm phù hợp. Trong bối cảnh đó, VSV Accelerator triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ giải quyết vấn đề này. Cụ thể, Chương trình SpeedUp do Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh chủ trì đã được triển khai thông qua quá trình hợp tác chặt chẽ và tư vấn của VSV Accelerator. Các chương trình huấn luyện đặc biệt cho dành cho nhà đầu tư như VSV Investor Bootcamp cũng được tiến hành tổ chức.
 
Năm 2017 cũng đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của VSV Accelerator với việc đạt được thỏa thuận hợp tác chiến lược với Microsoft Việt Nam và Lotte Accelerator trong việc hỗ trợ ươm tạo và đầu tư startup. Nằm trong khuôn khổ hợp tác này, VSV Accelerator đã lựa chọn được 10 startup tiềm năng để đầu tư và ươm tạo. Trong suốt 4 tháng cuối năm 2017, những startup này đã trải qua giai đoạn huấn luyện đặc biệt với VSV Accelerator để hoàn thiện mô hình kinh doanh, xác thực thị trường. Lotte Accelerator là một trong các đơn vị cùng phối hợp với VSV Accelerator  để tổ chức Demo Day ngày hôm nay.
 
Các startup tham gia Demo Day 2018  thuyết trình trước các nhà đầu tư
 
Năm 2018 là năm thứ 4 sự kiện Demo Day được tổ chức và là một chương trình liên tục được cải tiến từ năm này sang năm khác. Mục tiêu của Demo Day là nhằm tạo cơ hội cho các startup được trình bày về những kết quả kinh doanh và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp với nhà đầu tư, để từ đó, thiết lập mối quan hệ với những nhà đầu tư tiềm năng và bắt đầu quá trình gọi vốn từ họ. Đây đồng thời cũng là cơ hội để startup nhận được những phản hồi của những nhà đầu tư, chuyên gia để hoàn thiện hơn mô hình kinh doanh của mình.
 
 
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Trong quá trình triển khai Đề án 844, Bộ KH&CN luôn ủng hộ hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp. Đây là sự kiện được tổ chức lần thứ 4 do VSV tổ chức, qua các năm số lượng các ý tưởng, các nhà đầu tư đều tăng lên. Tại sự kiện này nhà đầu tư và các Startup có cơ hội được gặp gỡ, chia sẻ, điều đó góp phần thúc đẩy cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển. Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định: “Chúng tôi rất ủng hộ VSV, vì đây là dự án đầu tiên Bộ KH&CN đã phê duyệt Đề án tổng thể thương mại hoá công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam vào năm 2013 và trải qua nhiều năm đến nay VSV đã đi đúng hướng và góp phần tạo điều kiện cho phát triển phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, các đối tác sẽ cùng VSV đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hỗ trợ, tìm kiếm các ý tưởng mới và thực sự đầu tư có hiệu quả. Bộ KH&CN luôn tạo mọi điều kiện và rất mong muốn VSV cùng với Văn phòng Đề án 844, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN để triển khai tốt đề án 844”.
 
 
Bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm VSV cho biết: Demo Day sẽ tạo tiền đề cho sự kết nối kinh doanh thành công giữa các nhà đầu tư, quỹ đầu tư với các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này phát triển những dự án khả thi trong tương lai.
 
Sự kiện Demo Day 2018 nhận được sự hỗ trợ từ Đề án 844. Nhờ sự hỗ trợ này, VSV Accelerator đã tổ chức sự kiện Prototype Day (ngày 26/10/2017) để giới thiệu sơ bộ về các nhóm mà tổ chức thúc đẩy kinh doanh sẽ đầu tư. Tại đây, các nhóm đã tập trung trình bày các sản phẩm và thị trường mục tiêu mà nhóm hướng đến. Các nhà đầu tư cũng có cơ hội tiếp cận sớm hơn với các startup mà VSV Accelerator đầu tư, đồng thời có được thông tin về quá trình phát triển của nhóm mà họ quan tâm trong suốt thời gian Bootcamp. Điều này giúp việc quyết định đầu tư ở Demo Day được dễ dàng hơn. Sự hỗ trợ từ Đề án 844 một lần nữa khẳng định sự tin tưởng và ủng hộ của Chính phủ đối với các nhà đầu tư thiên thần mà VSV Accelerator là một đại diện trong cộng đồng các nhà đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam. Sự kiện này sẽ giúp không chỉ startup mà còn cả VSV Accelerator thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm như Lotte Accelerator trở thành các đối tác của mình.
 
Cách đây 2 năm khi VSV tổ chức sự kiện Demo Day, một số dự án được VSV ươm mầm trước đó đã chính thức tìm được nhà đầu tư. Các dự án thành công của Demo Day 2016 có thể kể đến như Ship60, Hachi, Torki Kebab… VSV Accelerator tin tưởng rằng, thông qua Ngày hội đầu tư khởi nghiệp, các nhà đầu tư sẽ tìm thấy được những cơ hội đầu tư tiềm năng đồng thời mở rộng được mạng lưới đầu tư khác./.
 
 
 
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN

10 sự kiện công nghệ năm 2017

 
Việt Nam kỷ niệm 20 năm kết nối Internet, điện thoại Việt bùng nổ, sự phát triển của công nghệ AI… nằm trong số những điểm nhấn 12 tháng qua.
Năm 2017, làng công nghệ thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã chứng kiến nhiều sự kiện mang tính bước ngoặt, đặt dấu mốc quan trọng để chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
 
20 năm Internet Việt Nam
Ngày 19/11/1997 trở thành cột mốc lớn trong lịch sử ngành thông tin truyền thông Việt Nam. Sau rất nhiều bàn thảo, Ban điều phối quốc gia mạng Internet trao giấy phép cho các nhà cung cấp dịch vụ. "Internet Việt Nam" ra đời.
 
Từ con số 0 của những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, cho đến 205.000 người dùng ở thời đầu của Internet quay số, đến nay Việt Nam có trên 50 triệu người sử dụng Internet, nằm trong số ít những thị trường mà lượng người dùng Internet nhiều hơn số người không dùng, chiếm 53% tổng dân số. Việt Nam cũng là một trong những nước triển khai mạng 2G rất sớm và tiếp tục phát triển lên 3G và 4G với hạ tầng viễn thông, Internet phủ rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo.
 
Nhân lễ kỷ niệm 20 năm Internet, Hiệp hội Internet Việt Nam và các nhà báo CNTT đã bình chọn 10 cá nhân có đóng góp xuất sắc, hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển của Internet tại Việt Nam 10 năm qua. Danh sách bao gồm ông Trương Gia Bình – Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn FPT, ông Nguyễn Trung Chính – Tổng giám đốc tập đoàn CMC, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng giám đốc tập đoàn Viettel, ông Trần Mạnh Hùng – Chủ tịch VNPT, ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch hội Internet Việt Nam, ông Lê Hồng Minh – Tổng giám đốc VNG, ông Nguyễn Tử Quảng – Tổng giám đốc BKAV, ông Lê Nam Thắng – Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, ông Thang Đức Thắng – Tổng biên tập báo VnExpress và ông Mai Liêm Trực – nguyên Thứ trưởng Bưu chính Viễn thông.
 
 
Smartphone thương hiệu Việt bùng nổ
 
Điện thoại thương hiệu Việt từng có giai đoạn rất sôi nổi, nhưng sau vài năm, Q-mobile và HKPhone dần rút khỏi thị trường, chỉ còn Mobiistar – ra đời từ năm 2009 – vẫn kiên trì cuộc đua và xếp ở vị trí thứ tư về thị phần điện thoại tại Việt Nam cuối năm 2016, theo đánh giá của GfK.
 
Tuy nhiên, năm 2017 đã bất ngờ chứng kiến sự bùng nổ của điện thoại Việt. VNPT và Viettel trình làng một số dòng smartphone giá rẻ và tầm trung, thậm chí có thông tin Viettel sẽ tung ra phiên bản điện thoại "siêu bảo mật" giá nghìn USD. Nhưng hai tên tuổi gây chú ý nhất lại là Bkav và Asanzo. Sau những ồn ào, những phát ngôn hoành tráng với Bphone 2015, Bkav trở lại đầu tháng 8/2017 bằng phiên bản Bphone 2017 cùng phong cách điềm tĩnh hơn. Họ chọn phân khúc dưới 10 triệu đồng và kiểm soát tốt hơn quá trình sản xuất nên đã đạt được một số thành công nhất định, dù còn khiêm tốn so với những thương hiệu khác.
 
Chỉ sau khi Bphone 2017 xuất hiện một tuần, Asanzo cũng "chào sân" bằng hai mẫu điện thoại giá dưới 5 triệu đồng. Đã có kinh nghiệm sản xuất hàng chục mặt hàng từ TV cho tới nồi cơm điện, mục tiêu đầu tiên của Asanzo khi tham gia thị trường smartphone là tiếp tục đa dạng hóa các dòng sản phẩm của mình với phương châm giá hợp lý cho người dùng Việt. Đến nay, đã có hơn 8.000 điện thoại của công ty được tiêu thụ.
 
 
'Đại dịch' WannaCry
 
WannaCry là một biến thể của mã độc tống tiền (ransomware), còn có tên gọi khác là WannaCrypt0r 2.0 hay WCry. Bắt đầu bùng phát trên toàn thế giới từ 12/5, chỉ sau một ngày đã có hơn 230.000 máy tính ở 150 nước bị lây nhiễm và Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng nhất. Tính đến tháng 6/2017, Việt Nam ghi nhận khoảng 1.900 máy tính nhiễm WannaCry, trong đó có 1.600 máy tính thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và 300 máy tính của cá nhân.
 
WannaCry làm đình trệ hoạt động của nhiều bệnh viện, hãng sản xuất xe hơi, hệ thống giao thông, ATM… nhưng đến nay, giới bảo mật vẫn chưa thu thập đủ chứng cứ để xác định chính xác ai đứng đằng sau vụ phát tán dù một số chuyên gia cho rằng nó có nguồn gốc từ Triều Tiên.
 
Như nhiều phần mềm tống tiền khác, WannaCry khai thác lỗ hổng trên hệ điều hành Windows và mã hóa dữ liệu trong máy của người dùng, yêu cầu phải trả tiền chuộc bằng Bitcoin mới cung cấp khóa mã. Các chuyên gia bảo mật nhận định, ransomware chính là một trong những nguyên nhân đẩy giá các loại tiền ảo lên cao trong năm nay. 
 
 
Mạng Wi-Fi toàn cầu bị đe dọa
 
Hiện nay, đa số các kết nối Wi-Fi sử dụng WPA2, giao thức mã hóa an toàn nhất thế giới. Thế nhưng, giữa tháng 10, giao thức này đã bị bẻ vỡ thông qua kỹ thuật tấn công Krack theo nghiên cứu của chuyên gia Mathy Vanhoef. Có nghĩa, nếu đang ở trong tầm phủ sóng của mạng Wi-Fi mà người dùng truy cập, hacker có thể sử dụng kỹ thuật tấn công mới để đọc thông tin được truyền đi như mật khẩu, tin nhắn trò chuyện, email, ảnh…
 
Theo các chuyên gia, Krack là kỹ thuật tấn công đầu tiên trong vòng 15 năm qua bẻ gãy được cơ chế bảo mật WPA/WPA2 vốn được coi là rất vững chãi. Hacker có thể giải mã kết nối Wi-Fi, biết người dùng đang xem trang web nào, đang chat với ai, vừa gõ mật khẩu đăng nhập vào trang nào, thậm chí chèn vào virus, trang đăng nhập giả… để tấn công sâu hơn. Kể từ khi chuẩn bảo mật WEP bị phá vỡ 10 năm trước, thì đây là lần đầu tiên sau cả thập kỷ, Wi-Fi mới lại bị đe dọa an toàn.
 
 
Google mua HTC, bước vào cuộc chiến phần cứng với Apple
 
Với Android, Google đang dẫn đầu trong lĩnh vực phần mềm dành cho thiết bị di động với thị phần trên 70%, nhưng họ vẫn cần một phần cứng đủ mạnh để thực sự thống lĩnh thị trường smartphone. Ngày 20/9, Google chi 1,1 tỷ USD để mua một phần mảng kinh doanh điện thoại thông minh của HTC nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên.
 
Khác với lần mua Motorola năm 2012 là để sở hữu danh mục bằng sáng chế khổng lồ nhằm bảo vệ hệ sinh thái Android trước các vụ kiện cáo của Apple hay Microsoft, lần này Google quyết tâm trở thành một hãng phần cứng, cạnh tranh sòng phẳng với chính các đối tác sản xuất thiết bị Android, trong đó có Samsung.
 
Huyền thoại công nghệ Steve Jobs từng nói rằng phần cứng và phần mềm chỉ có thể tạo ra tầm ảnh hưởng mang tính cách mạng nếu được phát triển cùng nhau, nắm quyền kiểm soát chặt chẽ mọi thứ liên quan đến trải nghiệm của người dùng. Do đó, nếu Google tiếp tục chỉ tập trung vào Android, iPhone sẽ luôn thắng. Họ buộc phải tự thiết kế điện thoại mới có thể đấu ngang với Apple.
 
 
Xu hướng smartphone viền mỏng
 
Các nhà sản xuất đang nỗ lực tìm cách tăng không gian hiển thị của điện thoại mà không khiến máy trở nên quá to. Trong khi thiết kế màn hình có thể uốn cong hay gập lại mới chỉ là ý tưởng, thì một giải pháp được đánh giá cao là màn hình với viền siêu mỏng.
 
Xiaomi là hãng mở màn cho sự phát triển điện thoại màn hình tràn viền khi tung ra Mi Mix cuối năm ngoái, nhưng phải tới khi Samsung trình làng bộ đôi Galaxy S8 và S8+ hồi tháng 3, thiết kế này mới trở thành xu hướng của năm. Hàng loạt sản phẩm với thiết kế tương tự đã trình làng như V30 của LG, Essential Phone của Andy Rubin, cha đẻ Android, Mate 10 của Huawei hay iPhone X của Apple.
 
Với ưu điểm màn hình chiếm tới gần 90% diện tích mặt trước, smartphone trông đẹp hơn, giảm đáng kể kích thước tổng thể của sản phẩm và khiến điện thoại viền dày trở nên lạc hậu khi đặt cạnh. Trải nghiệm của người dùng, đặc biệt khi xem phim, chơi game, cũng được nâng cấp nhờ màn hình khai thác tối đa diện tích, không bị cảm giác "đóng hộp" trong bốn cạnh viền của điện thoại.
 
 
Apple kỷ niệm 10 năm iPhone
 
Từ một smartphone "vô danh" cùng tính năng hạn chế, sau 10 năm iPhone đã trở thành một biểu tượng của ngành công nghiệp di động, là smartphone ăn khách nhất thế giới với 1,2 tỷ máy được tiêu thụ. Chính thức có mặt ngày 29/6/2007, iPhone thế hệ đầu đã tạo cú huých lớn trên thị trường, được tạp chí Time vinh danh là "Phát minh của năm" và khiến nhiều người phải thay đổi cái nhìn về smartphone. 
 
Chỉ với một dòng điện thoại duy nhất, Apple đã lập kỳ tích khi xô đổ những tượng đài lớn, tưởng chừng rất vững chãi trong làng di động như Nokia, BlackBerry. iPhone cũng đi đầu trong việc thay đổi cách tạo và phân phối phần mềm với kho ứng dụng App Store, thay đổi thói quen chụp ảnh và hình thành nên các nhiếp ảnh gia không chuyên, thay đổi cách con người chia sẻ thông tin nhờ thiết bị Internet "bỏ túi" và góp phần tạo ra thế hệ nhà báo công dân…
 
Khi iPhone đầu tiên ra mắt, Apple vẫn được coi là công ty máy tính còn hiện giờ, cùng với mẫu điện thoại kỷ niệm 10 năm iPhone X, Apple đang là hãng công nghệ có giá trị lớn nhất trên thị trường và có thị phần điện thoại thông minh thứ hai toàn cầu.
 
 
Tin giả hoành hành trên mạng xã hội
 
Vấn nạn tin thất thiệt đã tồn tại trên Internet từ rất lâu, nhưng trở thành tâm điểm sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc cuối năm 2016. Phân tích cho thấy tin sai sự thật lan truyền mạnh mẽ trên Facebook nhiều hơn so với bài viết chính thống từ các báo lớn và tác động không nhỏ đến tâm lý cử tri. Khi đó, Facebook khẳng định tin giả mạo chỉ chiếm 1% và không thể chi phối kết quả bầu cử. 
 
Tuy nhiên, đến cuối tháng 9/2017, Facebook thay đổi lời nói sau khi tìm ra bằng chứng cho thấy các tài khoản có xuất xứ từ Nga đã mua hàng nghìn quảng cáo nhằm "khuếch đại" các thông điệp chia rẽ chính trị trong cuộc bầu cử Mỹ. Twitter cũng khẳng định 5% trong tổng số 330 triệu tài khoản của họ là giả mạo.
 
Không chỉ tin tức bầu cử, mạng xã hội đang từ một nền tảng cho người dùng giao tiếp và chia sẻ đã trở thành nơi đầy rẫy những kẻ chuyên đi bóp méo thông tin, do cơ chế hoạt động của các nền tảng này là những nội dung nào càng được chia sẻ và bình luận nhiều thì càng được ưu tiên hiển thị cao. Mark Zuckerberg đã phải đăng lời xin lỗi trên trang cá nhân vì những tác động tiêu cực mà mạng xã hội đã gây ra trên toàn thế giới: "Bằng cách nào đó, Facebook đang được sử dụng để chia rẽ nhiều hơn là kết nối mọi người. Tôi mong được tha thứ và sẽ cố gắng làm tốt hơn".
 
 
YouTube đau đầu với nội dung độc hại
 
Google đang phải áp dụng công nghệ "máy học" (machine learning) và các công cụ khác để tăng kiểm duyệt nội dung trên YouTube sau khi có nhiều báo cáo cho thấy kênh chia sẻ video này phân phối các đoạn phim không phù hợp tới trẻ em. YouTube Kids, chương trình video dành riêng cho trẻ nhỏ, bị chỉ trích vì đã gợi ý các nội dung rùng rợn, video chứa hình ảnh nhạy cảm…
 
Một số video hướng tới trẻ em nhưng không phù hợp như phim về Spiderman nhưng có các nhân vật mặc bikini hở hang, Peppa Pig bị tra tấn bởi bác sĩ hay video Công chúa Elsa trong trang phục "thiếu vải". Tại Việt Nam, nội dung người lớn "đội lốt" video trẻ em cũng xuất hiện tràn lan trên YouTube.
 
Để hạn chế sự bùng phát của các nội dung không phù hợp cho trẻ em, Google tuyên bố những video nhảm nhí sẽ không được bật tính năng kiếm tiền từ quảng cáo. Tuy nhiên, Gizmodo cho rằng dù thế nào vẫn không nên để trẻ em xem YouTube mà không giám sát.
 
Gần đây, Google thông báo sẽ thuê 10.000 nhân viên chỉ để xóa video tiêu cực trên YouTube.
 
 
Công nghệ AI tiến sâu vào đời sống
 
Không còn là những hình ảnh trong phim viễn tưởng, xu hướng chuyển từ "mobile-first" (ưu tiên di động) sang "AI-first" (ưu tiên trí tuệ nhân tạo) đang hình thành rõ nét trong các sản phẩm gần gũi với đời sống con người.
 
Riêng trong mảng smartphone, các nhà sản xuất như Apple, Qualcomm, Huawei… đều đã phát triển những bộ vi xử lý tích hợp trí tuệ nhân tạo, thông minh hơn trong việc xử lý lệnh bằng giọng nói, dịch ngôn ngữ theo thời gian thực… Camera trên điện thoại như Google Pixel 2 cũng có khả năng phân tích dữ liệu để cho ra đời ảnh chân dung đẹp nhờ công nghệ AI. Tháng 10/2017, Saudi Arabia trở thành nước đầu tiên trao quyền công dân cho robot mang tên Sophia, nằm trong kế hoạch thúc đẩy đất nước vùng Tây Á trở thành nơi phát triển trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới. Hay với danh nghĩa vì sự an toàn của cộng đồng, chính phủ Trung Quốc đang đầu tư nguồn lực lắp camera ở mọi nơi, mọi ngóc ngách, theo dõi chuyển động của vật thể và con người nhằm xây dựng một cơ sở dữ liệu khổng lồ về AI.
 
Trung Quốc lắp 20 triệu camera AI để giám sát đường phố    
Video: Quartz
 
Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và người máy có thể vượt tầm kiểm soát của con người. Hồi tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin chia sẻ nỗi lo trí tuệ thông minh nhân tạo sẽ mang đến hiểm họa khó lường và một ngày nào đó sẽ "ăn con người". Trong thư gửi tới Thủ tướng Australia và Canada, hàng trăm nhà nghiên cứu cho rằng các hệ thống AI có thể là "vũ khí hủy diệt hàng loạt", phải bị ngăn chặn trước khi gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
 
Châu An

10 Sự kiện kinh tế năm 2017

 
Báo cáo tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo Chính phủ ước thực hiện hoàn thành cả 13 chỉ tiêu kinh tế – xã hội 2017. Có 8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch
 
 
Tăng trưởng kinh tế 2017 dự kiến đạt 6,7%, cao hơn 6,21% năm 2016. Đây là dấu mốc đáng nhớ, vì kể từ năm 2009 đến nay, tăng trưởng GDP của Việt Nam đều không vượt qua mốc 6,7%.
 
kinh tế 2017,kinh tế việt nam,kinh tế,2017,sự kiện 2017
Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 3/10/2017, Chính phủ yêu cầu tiếp tục, rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của DN.
 
 
 
Hồi tháng 9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã quyết định cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh của ngành. Sau đó, Bộ NN-PTNT cũng đề xuất bãi bỏ 34,2% điều kiện kinh doanh và cắt giảm 56,5% thủ tục với khoảng 118 điều kiện kinh doanh dự kiến được cắt giảm, sửa đổi.
 
Việc cắt bỏ giấy phép con cùng nhiều giải pháp khác giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc so với năm 2016, xếp 68/190 nền kinh tế. Đứng vị trí thứ 5 trong ASEAN.
 
 
 
 
kinh tế 2017,kinh tế việt nam,kinh tế,2017,sự kiện 2017
Bộ Tài chính tiên phong khoán xe công vào tháng 10/2016, tiếp đến là Hà Nội, Văn phòng Chính phủ,…
 
Chủ trương khoán xe công tiến thêm một bước khi Bộ Tài chính đang xây dựng Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công. Theo đó, cấp Phó Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, các Thứ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổng cục trưởng, lãnh đạo tập đoàn,… không thuộc diện được trang bị xe ô tô riêng. Thay vào đó, sẽ được khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại. Khi đi công tác thì được dùng xe phục vụ công tác chung.
 
 
 
 
Đến cuối năm 2016, tổng số ôtô công của cả nước là 34.241 chiếc. Mỗi chiếc ô tô công “ngốn” 320 triệu đồng/năm (gồm chi phí bảo dưỡng, xăng xe, lương lái xe,… ), mỗi năm tốn gần 13.000 tỷ, bằng thu ngân sách trong 1 năm của Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang,… cộng lại.
kinh tế 2017,kinh tế việt nam,kinh tế,2017,sự kiện 2017
 
kinh tế 2017,kinh tế việt nam,kinh tế,2017,sự kiện 2017
Năm 2017, một loạt cựu lãnh đạo DNNN bị kỷ luật, cách chức, thậm chí bị khởi tố, truy nã quốc tế vì sai phạm kinh tế trong quá trình quản lý. 
 
Nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Nguyễn Xuân Sơn bị kết án từ hình trong đại án OceanBank, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Nguyễn Quốc Khánh bị khởi tố, nguyên Tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực bị khởi tố, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Cao su bị khởi tố. Đặc biệt, ông Đinh La Thăng – Ủy viên trung ương Đảng, Phó Ban Kinh tế TW cũng bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến những sai phạm thời làm chủ tịch Dầu khí.
 
 
 
 
14 cá nhân nguyên là ủy viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) qua các thời kỳ từ 2006 đến 2015 đều bị xử lý kỷ luật. Trong đó, 2 người bị kỷ luật cảnh cáo và 10 người nhận hình thức kỷ luật khiển trách.
 
Sếp lớn Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) – ông Nguyễn Anh Dũng – bị cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng, gồm ủy viên BCH Đảng bộ Khối Doanh nghiệp TƯ, ủy viên BCH Đảng bộ Vinachem, Bí thư Đảng ủy tập đoàn này.
 
Danh sách bị khởi tố điều tra cũng ngày một dài, như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận (cựu sếp PVC); Vũ Đình Duy, Trần Trung Chí Hiếu (cựu sếp nhà máy 7.000 tỷ PVTex đắp chiếu),… cùng hàng loạt cá nhân khác.
kinh tế 2017,kinh tế việt nam,kinh tế,2017,sự kiện 2017
Năm 2017 Việt Nam có 2 tỷ phú USD được ghi danh toàn cầu, theo bảng xếp hạng của Forbes. Đây cũng là năm đầu tiên, Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung có 1 nữ tỷ phú USD. Tốc độ tăng hạng kỷ lục của các tỷ phú Việt. Tính đến đầu tháng 12, ông Phạm Nhật Vượng có 4,2 tỷ USD, tài sản của bà Thảo lên 2,3 tỷ USD. Cả hai tỷ phú đều có bước cải thiện đáng kể về thứ hạng trong bảng Forbes.
 
Trên TTCK, ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập đoàn FLC và Faros (ROS) có khối tài sản quy từ cổ phiếu khoảng 2,5 tỷ USD và liên tục tranh vị trí số 1 những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với ông Phạm Nhật Vượng.
 
 
 
 
Năm 2017 cũng chứng kiến hàng loạt các đại gia mới xuất hiện làm đảo lộn bảng xếp hạng tỷ phú Việt như ông Ngô Chí Dũng (chủ tịch VPBank), ông Lô Bằng Giang (phó chủ tịch VPBank), ông Hồ Xuân Năng (chủ tịch Vicostone)… 
 
Hàng loạt doanh nhân giàu có trước đây bị đẩy khỏi top 20 như: ông Trương Gia Bình – FPT, ông Nguyễn Duy Hưng – SSI, bà Nguyễn Thị Như Loan – Quôc Cường Gia Lai… nhiều đại gia từng đứng hàng đầu trong bảng xếp hạng cũng dần tụt lùi như: ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức), ông Đặng Thành Tâm,…
kinh tế 2017,kinh tế việt nam,kinh tế,2017,sự kiện 2017
Điểm nổi bật nhất TTCK Việt Nam 2017 chính là kỷ lục cao 10 năm của chỉ số VN-Index. 
 
Yêu cầu thoái vốn nhà nước, đưa cổ phiếu lên sàn một loạt DN lớn được thực thi một cách quyết liệt khiến TTCK Việt Nam trở thành tâm điểm trên thị trường tài chính quốc tế. Vốn hóa HOSE lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD. Nếu tính cả 2 sàn HNX và UPCOM thì quy mô vốn TTCK Việt Nam đã lên tới khoảng 135 tỷ USD, tương đương 74,6% GDP cả nước, vượt chỉ tiêu đặt ra cho 2020…
 
 
 
 
TTCK đã có DN vượt mốc vốn hóa 10 tỷ USD (Vinamilk), giao dịch trên thị trường lần đầu tiên trong lịch sử có phiên đạt 1 tỷ USD. NĐT ngoại mua ròng hơn 1 tỷ USD, nâng tổng vốn ngoại trên TTCK đạt khoảng 28 tỷ USD. Hàng loạt cổ phiếu blue-chips ghi nhận đỉnh cao lịch sử như VNM, SAB, VIC, VCB, CTD, VCF, DHG, NTP, VJC, MWG, ACV, PNJ…
 
Lần đầu tiên vấn đề nâng hạng TTCK (từ sơ khai lên mới nổi) xác định được mốc thời gian vào năm 2020. Lần đầu tiên Việt Nam có TTCK phái sinh. 
 
TTCK 2017 tăng điểm còn do sự khởi sắc của nền kinh tế, môi trường kinh doanh cải thiện, lực đẩy của dòng vốn ngoại, kết quả APEC 2017 tại Việt Nam… nhưng CK cũng chứng kiến sự phân hóa mạnh, nhiều thời điểm rơi vào tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng”, nhiều NĐT thua lỗ. Nhiều cổ phiếu trên đỉnh cao nhưng cũng nhiều mã dưới vực sâu.
kinh tế 2017,kinh tế việt nam,kinh tế,2017,sự kiện 2017
Năm 2017, hình thức đầu tư hợp tác công tư BOT, BT tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận. 
 
Sự kiện BOT Cai Lậy – Tiền Giang vừa thu phí đã bị người dân phản ứng là đỉnh điểm của cơn khủng hoảng BOT. Hàng loạt trạm BOT khác cũng bị dân phản ứng ở Bến Thủy – Nghệ An, Đường 5 – Hưng Yên, Ninh An – Khánh Hòa, Biên Hòa – Đồng Nai
 
Từ phản đối các trạm BOT đặt nhầm chỗ móc túi dân, hình thức đầu tư BOT cũng bị kiểm toán xem xét cả loạt. Từ đó lộ ra nhiều vấn đề. Nhiều trạm BOT đặt trên đường cao tốc phải điều chỉnh, như giảm giá vé và thời gian thu phí; có trạm phải xóa bỏ…
 
 
 
 
Hình thức đầu tư BT (xây dựng – chuyển giao hay đổi đất lấy hạ tầng) cũng được bóc hàng loạt sai phạm. Hình thức “hàng đổi hàng” từng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo cơ sở hạ tầng thành phố, nhưng có dự án lại biến tướng gây sai phạm ngàn tỷ, lãng phí tài nguyên quốc gia.
 
Bằng chứng là gần 4.000 tỷ đồng sai phạm đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tại 21 dự án BT. Chưa kể, rất nhiều mảnh đất đẹp, đắc địa được chia cho nhà đầu tư với mức giá bèo bọt mà nếu đưa ra đấu giá, giá trị có khi còn cao gấp 15-20 lần so với mức giá đưa ra. Ngay sau đó, hàng loạt tỉnh đã phải tạm dừng hình thức thu hút vốn đầu tư này.
 
 
kinh tế 2017,kinh tế việt nam,kinh tế,2017,sự kiện 2017
Thuế nhập khẩu từ 1/1/2017 với xe hơi nguyên chiếc ASEAN về Việt Nam giảm từ 40% xuống còn 30% khiến thị trường ô tô xáo trộn. Giá giảm, lượng xe dưới 9 chỗ nhập ngoại nửa đầu năm tăng mạnh, tới 30%. Trong khi nhu cầu ô tô lại giảm do ai cũng trông đợi tới 2018, lúc thuế nhập khẩu giảm còn 0%, mới mua xe, khiến giá xe liên tục giảm.
 
Thị trường ô tô trải qua một năm khác thường với những thay đổi chóng mặt về giá. Hầu hết các hãng đã hạ giá từ 10-30% các mẫu xe để kích cầu tiêu dùng và đẩy hết hàng tồn. Người tiêu dùng mua xe vào cuối năm 2017 hưởng lợi lớn.
kinh tế 2017,kinh tế việt nam,kinh tế,2017,sự kiện 2017
 
 
2017 cũng là năm chính sách ô tô có biến động lớn. Từ 1/7/2017 kinh doanh ô tô trở thành ngành nghề có điều kiện. Tới ngày 17/10/2017 Nghị Định 116/2017 NĐ-CP được ban hành. Theo đó muốn kinh doanh ô tô phải đáp ứng các điều kiện đặt ra. Nhiều DN không đáp ứng điều kiện theo quy định phải ngừng hoạt động, xe nhập khẩu nguyên chiếc khó tràn vào Việt Nam. 
 
Ngày 27/11 Chính phủ lại ban hành quy định, ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Kể từ 1/1/2018 những DN ô tô có sản lượng lớn sẽ được hưởng ưu đãi thuế nhập bộ linh kiện 0%. Điều này đã tạo điều kiện cho nhiều DN đẩy mạnh đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô. Bên cạnh đó thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nâng lên khiến cho giá xe cũ bán ra cao hơn cả xe mới cùng loại
 
 
kinh tế 2017,kinh tế việt nam,kinh tế,2017,sự kiện 2017
Sự kiện đấu giá thành công Sabeco ngày 18/12 với mức giá 320.000 đồng/cp thu về cho Nhà nước gần 5 tỷ USD là cú chốt cho một năm thành công của hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn.
Hàng loạt các thương vụ thoái vốn, IPO lớn chưa từng có diễn ra trong năm 2017 với nhiều phiên thành công vượt mong đợi. Hàng chục tỷ USD lên sàn hút dòng vốn mới hàng tỷ USD đã thực sự thay đổi quá trình cổ phần hóa, đẩy mạnh khu vực tư nhân của Chính phủ.
 
Những chính sách IPO thích hợp hơn như bán trọn lô, bán với tỷ lệ cao cho NĐT lớn, đặt cọc bằng USD… đã giúp nhiều hàng cũ, hàng ế thập kỷ và nguồn cung khổng lồ đã được hấp thụ hết ở mức giá cao.
 
Thành công nhất là vụ thoái vốn 3,33% vốn CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk (VNM) của SCIC tại mức giá 186.000 đồng/cp qua đó thu về cho Nhà nước 8.990 tỷ đồng. Thoái vốn của Sabeco với giá khởi điểm kỷ lục 320.000 được kỳ vọng mang về nguồn thu khổng lồ.
 
 
 
 
Hàng loạt các vụ IPO và lên sàn của các DN lớn như Vietnam Airlines, Vinatex, Petrolimex và Vietjet Air, VIB Bank, Vincom Retail… đã khiến TTCK 2017 bùng nổ về mặt quy mô. Mỗi đại gia thuộc xăng dầu, sân bay, bia,… ra mặt đều góp cho thị trường một vài tỷ USD.
 
Một loạt các DN được thoái vốn ngay trong năm 2017 và ngay đầu 2018 như Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Tiền Phong (NTP), TCT Sông Đà, Lọc dầu Bình Sơn, PVOil, PV Power… cũng đang được chờ đợi.
 
Với quy mô IPO và thoái vốn lớn rất nhiều nhà đầu tư chiến lược quy mô quốc tế đã đổ dồn đến Việt Nam. Những tay to chuyên M&A ở châu Á, Châu Âu, Mỹ đang dồn dập đổ tỷ USD vào Việt Nam để săn tìm những cơ hội đầu tư lớn.
 
 
kinh tế 2017,kinh tế việt nam,kinh tế,2017,sự kiện 2017
2017, chăn nuôi lợn chìm trong khủng hoảng do cung vượt cầu, giá giảm mạnh và kéo dài ròng rã suốt năm. Nguyên nhân do ồ ạt tăng đàn, trong khi Trung Quốc hạn chế nhập tiểu ngạch.
 
Từ đầu năm, khắp cả nước, giá thịt lợn đồng loạt giảm kỷ lục. Chăn nuôi lợn “vỡ trận”, người dân điêu đứng, đối diện với nợ nần, trắng tay. Lợn đến lứa xuất chuồng nhưng không có người mua dù giá giảm chạm đáy, ở mức kỷ lục chỉ còn 15.000-17.000 đồng/kg.
 
 
 
 
Để giải cứu người chăn nuôi, Bộ NN-PTNT đã liên tục họp khẩn tìm giải pháp, ra công văn kêu gọi cả nước ưu tiên ăn thịt lợn. Các bộ ngành, đoàn thể đồng loạt vào cuộc, bữa ăn công nhân viên chú trọng thịt lợn hơn, rồi cả làng, đồng hương,… mua lợn ủng hộ. 
 
Phong trào giải cứu diễn ra rầm rộ giúp giảm bớt lượng tồn, giá lợn tăng trở lại. Song, niềm vui của người nuôi chỉ kéo dài khoảng 1 tháng thì giá lợn tiếp tục giảm mạnh, về mốc 28.000-32.000 đồng/kg suốt từ tháng 7 cho tới nay chưa có dấu hiệu tăng lên.
kinh tế 2017,kinh tế việt nam,kinh tế,2017,sự kiện 2017
 
BAN KINH DOANH