Lãnh đạo Quốc Hội, Chính phủ dự Lễ kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam tại 2 Viện Hàn Lâm

 
Sáng 17/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã tham dự Lễ kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) tại 2 Viện Hàn lâm (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam(18/5) và kỷ niệm 43 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội biểu dương và ghi nhận những thành tích xuất sắc mà Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các thế hệ trí thức, các nhà khoa học đã lao động quên mình, vượt qua khó khăn, gian khổ để đạt được trên tất cả các lĩnh vực, nghiên cứu cơ bản, điều tra cơ bản, nghiên cứu phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ ở trình độ cao cho đất nước.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
 
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, bên cạnh những nhiệm vụ Nhà nước giao, Viện cần đẩy mạnh việc ứng dụng triển khai những kết quả nghiên cứu, thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống của nhân dân; thương mại hóa các sản phẩm khoa học phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
 
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn Viện tiếp tục nghiên cứu nhằm đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ, tạo môi trường, động lực cho các nhà khoa học cống hiến; Triển khai các chương trình phát triển khoa học cơ bản trong một số lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như Toán học, Vật lý, đa dạng sinh học, khoa học sự sống, khoa học trái đất, khoa học biển; Chú trọng phát triển các lĩnh vực có tính ứng dụng cao, một số lĩnh vực liên ngành giữa khoa học tự nhiên với khoa học kỹ thuật và công nghệ; Xây dựng một số Viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế.
 
Ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cần huy động các nguồn lực xã hội, trước hết là nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp cho ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; Hỗ trợ thị trường khoa học công nghệ theo hướng phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật, môi giới, chuyển giao, tư vấn, đánh giá và định giá công nghệ; Đóng góp tích cực cho sự phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ, chuyên gia công nghệ, kết nối cung cầu sản phẩm mới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương  thăm Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
 
 
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực khoa học phù hợp trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về khoa học và công nghệ, để có đội ngũ cán bộ khoa học đáp ứng trình độ, năng lực cho sự phát triển của Viện trong giai đoạn mới.
 
Viện cần đẩy mạnh hợp tác khoa học và công nghệ trong và ngoài nước, đặc biệt hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ; Tăng cường chủ động hội nhập quốc tế; Chủ động đề xuất với Nhà nước cơ chế chính sách phù hợp với thực tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ để giải quyết được những vấn đề cấp bách đặt ra.
 
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm gian hàng trưng bày sản phẩm của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Ảnh: Lâm Hiển
 
 
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt chúc mừng sự phát triển cũng như những thành tựu đạt được trên mọi lĩnh vực của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong suốt 65 năm qua.
 
Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn các thế hệ nhà khoa học của Viện bằng nhiệt huyết và trí tuệ của mình đã góp phần vun đắp, tạo nền tảng vững chắc cho nền khoa học xã hội Việt Nam. Tuy khó khăn còn nhiều nhưng các thế hệ nhà khoa học, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Viện vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng Viện HLKHXHVN là cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội đầu ngành của cả nước, được Đảng và nhân dân tin cậy.
 
Trong bối cảnh đất nước đứng trước cả những thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, để hoàn thành tốt hơn những nhiệm vụ của mình, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Phát huy thế mạnh nghiên cứu cơ bản của Viện Hàn lâm, tiếp tục tập trung nghiên cứu và kiến giải những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản của quá trình phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của đất nước. Bên cạnh đó, cần chủ động và kịp thời hơn trong nhiệm vụ tham mưu, tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư về xây dựng các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Các chuyên gia của Viện Hàn lâm cũng cần tích cực tham gia tham vấn các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội…
 
Đồng thời, Viện Hàn lâm cần tiếp tục nghiên cứu, luận giải, đánh giá, tổng kết các thành tựu và hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm của việc thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991 và những vấn đề cơ bản và chiến lược đã đặt ra nhưng còn chưa được giải quyết thấu đáo, nhất là về 8 mối quan hệ đã được nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Nghiên cứu và luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn mới của đất nước đặt ra trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong giai đoạn phát triển mới.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm một số gian hàng trưng bày sản phẩm do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu Ảnh: Lâm Hiển
 
 
Cùng với đó, Viện Hàn lâm cần chủ động đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động nghiên cứu khoa học để các kết quả nghiên cứu có thể lan toả rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ, từ đó giúp họ nhận thức rõ và trân trọng các giá trị lịch sử, văn hoá tốt đẹp của dân tộc, làm lan toả lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tiến tới xây dựng xã hội dân trí cao, xã hội tri thức. Mặt khác, việc làm này sẽ giúp xã hội nhận thức, đánh giá đúng hơn các đóng góp của các nhà khoa học xã hội vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tăng cường sự giám sát của xã hội đối với hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ.
 
Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, chủ động xây dựng mạng lưới hợp tác trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, tích cực tham gia mạng lưới nghiên cứu quốc tế và khu vực; tăng cường công bố quốc tế các kết quả nghiên cứu khoa học; từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Viện Hàn lâm thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo về khoa học xã hội, khoa học nhân văn, khoa học quốc tế có uy tín trong khu vực.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm Ảnh: Lâm Hiển
 
Ngày 18.5.1963, tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, “nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kỳ quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất nhiều của cải vật chất”. Lời dạy của Người đã trở thành kim chỉ nam cho khoa học và công nghệ Việt Nam trong suốt chặng đường bảo vệ và xây dựng đất nước 55 năm qua.
 
Ngày 18.6.2013, Quốc hội đã thông qua Luật Khoa học và Công nghệ, trong đó quy định lấy ngày 18.5 hàng năm là “Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam”, nhằm tôn vinh các nhà khoa học và thành tựu khoa học công nghệ, tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học; góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
 
 
 
 
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Khai mạc IT Techmart 2018

 
Sáng 16/5/2018 tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã diễn ra lễ khai mạc Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành Công nghệ thông tin – IT Techmart 2018, với chủ đề “Công nghệ thông tin – Nền tảng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0”. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã tới dự và phát biểu tại lễ khai mạc.
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng và các đại biểu cắt băng khai mạc IT Techmart 2018
 
IT Techmart 2018 diễn ra từ ngày 16-18/5/2018 tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, 24 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành về công nghệ thông tin được tổ chức lần đầu tiên bởi Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, dưới sự chỉ đạo và quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại lễ khai mạc
 
Đây là một trong những hoạt động xúc tiến phát triển thị trường khoa học và công nghệ được đông đảo cộng đồng nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin doanh nghiệp công nghệ thông tin, giới truyền thông và toàn xã hội quan tâm, mong đợi trong năm nay. IT Techmart 2018 được tổ chức trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới. Doanh nghiệp đang chứng kiến sự du nhập các công nghệ mới nhất là công nghiệp sản xuất, đòi hỏi phải nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, trình độ công nghệ, năng xuất, chất lượng sản phẩm, hạ thấp chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng môi trường mới của Cách mạng công nghiệp 4.0. Các tổ chức nghiên cứu triển khai cũng cần thay đổi cơ bản phương thức hoạt động để thích ứng với đòi hỏi của Cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng cao nhất yêu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, đưa nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh. 
 
IT Techmart 2018 được tổ chức với mục tiêu giới thiệu với cộng đồng khoa học và doanh nghiệp trong cả nước những thành tựu, sản phẩm công nghệ mới nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin, như công nghệ tự động hóa trong nông nghiệp; giải pháp bảo mật dữ liệu lớn, bảo mật điện toán đám mây, bảo mật IoT; Giải pháp quản lý năng lượng; công nghệ robot; công nghệ giao thông thông minh… Đồng thời là cơ hội để các Viện nghiên cứu, trường Đại học, doanh nghiệp giao lưu, tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
 
Sự kiện IT Techmart năm nay đã thu hút gần 40 gian hàng của các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin như: Công ty cổ phần BKAV, Công ty Hitachi Systems Việt Nam, Công ty cổ phần Netnam, Công ty CP Cơ điện và tự động hóa Tâm Phát… Và khu gian hàng của các Viện nghiên cứu, trường Đại học như: Viện Khoa học kỹ thuật Bưu điện, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học quốc gia, Sở KH&CN TP. HCM, Sở KH&CN Thanh Hóa…
 
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam đang chứng kiến sự du nhập các công nghệ mới, nhất là công nghệ sản xuất, đi kèm với đó là những đòi hỏi phải nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu tư. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với môi trường mới của cách mạng 4.0, đáp ứng cao nhất yêu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, đưa nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh. “IT Techmart 2018 là nơi trưng bày giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ thông tin nổi bật, đồng thời mở ra cơ hội gặp gỡ, là dịp để các nhà KH&CN tìm tòi lựa chọn, định hướng nghiên cứu phát triển ngành công nghệ thông tin của đất nước trong tương lai. Cùng với đó, IT Techmart 2018 mở ra cơ hội thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, tiếp cận công nghệ tiên tiến và xúc tiến đầu tư về công nghệ thông tin của Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng chia sẻ.
 
Trong khuôn khổ IT Techmart 2018 còn có các hội thảo khoa học về Công nghệ thông tin như “Công nghệ thông tin trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, “Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phương thức quản trị công nghệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” với sự tham dự của các chuyên gia có uy tín giới thiệu những xu hướng, kết quả nghiên cứu mới nhất về công nghệ thông tin ở trong nước và Quốc tế. Hội thảo khoa học không chỉ có ý nghĩa với các nhà khoa học mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp những giải pháp công nghệ, các tiếp cận mới, tiên tiến và các chính sách mới nhất về đầu tư đổi mới công nghệ và các Quỹ hỗ trợ phát triển KH&CN. 
 
Tại IT Techmart 2018, Ban Tổ chức cũng bố trí một khu vực tư vấn với sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý trong lĩnh vực Thông tin KH&CN, Sở hữu Trí tuệ và Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng sẵn sàng tư vấn cho các doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu các vấn đề liên quan.
 
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng tham quan các gian hàng
 
Gần 40 gian hàng với những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ thông tin được giới thiệu
 
Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Vinh danh 3 nhà khoa học nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018

 
Giải thưởng Tạ Quang Bửu là sự kiện gắn liền với Kỷ niệm Ngày KH&CN 18/5 – Ngày hội của những người làm công tác nghiên cứu khoa học, quản lý khoa học, của các doanh nghiệp có tinh thần đổi mới sáng tạo; là điểm hẹn thường niên để cộng đồng KH&CN cả nước tổ chức các sự kiện có ý nghĩa thiết thực vừa để ghi nhận những nỗ lực, thành công của ngành KH&CN đóng góp cho kho tàng tri thức cũng như phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, vừa để thảo luận, định hướng hoạt động nhằm hướng đích các mục tiêu của ngành KH&CN nói riêng, của đất nước nói chung trong ngắn hạn và dài hạn.
 
 
Toàn cảnh lễ trao giải.
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết tại Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 sáng ngày 18/5. Đây là một trong số các sự kiện quan trọng, thiết thực chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) và ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5).
 
Tham dự buổi Lễ có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành và địa phương.
 
Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, có sự tham dự của đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; các đồng chí Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ.
 
Buổi Lễ còn có sự tham dự của Đại diện gia đình cố GS. Tạ Quang Bửu; các nhà khoa học, đại biểu đại diện cho các tổ chức khoa học và công nghệ, các thành viên Hội đồng Giải thưởng và các nhà khoa học đã được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu, sinh viên các trường đại học; các cơ quan thông tấn, báo chí. Đặc biệt, tham dự Lễ trao Giải thưởng còn có GS. TS. Pierre Darriulat, người đã đồng hành cùng Giải thưởng Tạ Quang Bửu suốt 5 năm qua.
 
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại lễ trao giải.
 
Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, phát triển khoa học công nghệ cùng với giáo dục đào tạo đã được khẳng định trong các văn bản của Đảng và Nhà nước là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Thực hiện chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực cùng với các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Cùng với đó, việc tổ chức trao tặng các giải thưởng về khoa học và công nghệ cũng đã góp phần động viên các nhà khoa học tiếp tục hăng say nghiên cứu và cống hiến cho cộng đồng, cho đất nước.
 
Thời gian qua, ngành KH&CN đã có những chuyển biến tích cực, trong đó chú trọng đến đồng hành, gắn kết và phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển giao, đổi mới công nghệ; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chuyển mạnh công tác quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu sang chế độ hậu kiểm; tham gia trực tiếp vào các chuỗi sản xuất-kinh doanh ; … để phục vụ hiệu quả cho việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
 
Song hành với những vấn đề nêu trên, khoa học cơ bản vẫn nhận được sự quan tâm, đầu tư thích đáng từ Chính phủ. Việc thúc đẩy thực hiện các Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học đến 2020; Chương trình phát triển vật lý đến năm 2020, Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017-2025 cũng như là đưa vào vận hành 02 Trung tâm quốc tế về Toán học và Vật lý được UNESCO công nhận là mục tiêu quan trọng của ngành KH&CN. Đây sẽ là môi trường nền tảng, cùng với các chương trình KH&CN của các Bộ, ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hướng tới gặt hái được những kết quả, công trình nghiên cứu ở tầm quốc tế như những công trình đạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã trao.
 
“Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng thường niên của Bộ Khoa KH&CN nhằm tôn vinh những nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Qua 5 năm tổ chức xét tặng, Giải thưởng đã nhận được sự đánh giá, ghi nhận tích cực của cộng đồng các nhà khoa học như một Giải thưởng uy tín, nghiêm túc, chất lượng. Giải thưởng đã góp phần động viên, khích lệ các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN hướng tới những nghiên cứu chất lượng cao tại Việt Nam; cổ vũ cho việc xây dựng môi trường học thuật, sáng tạo và thúc đẩy phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh đủ tầm thực hiện những công trình nghiên cứu ở trình độ quốc tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
 
GS Nguyễn Đức Chiến – Đại diện Hội đồng Giải thưởng phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018.
 
GS. Nguyễn Đức Chiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018 cho biết: Năm 2018, Ban Tổ chức đã tiếp nhận 54 hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng. Các Hội đồng khoa học chuyên ngành đã đánh giá và đề cử 09 hồ sơ để tiếp tục đưa ra xét chọn tại Hội đồng Giải thưởng. Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018 nhận định các công trình năm nay đều có chất lượng tốt, được xuất bản trên các tạp chí có uy tín và một vài trong số đó có tiềm năng ứng dụng cao trong thực tiễn.
 
Ngày 10/5/2018, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Quyết định số 1226/QĐ-BKHCN, trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018 cho 03 nhà khoa học được Hội đồng Giải thưởng đề xuất, bao gồm:
 
Tác giả của công trình khoa học xuất sắc: TSKH. Trần Đình Phong, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là tác giả chính của công trình trong lĩnh vực Vật lý: “Cấu trúc polymer và cơ chế hoạt động xúc tác tạo H2 của molybdenum sulfide vô định hình” (“Coordination polymer structure and revisited hydrogen evolution catalytic mechanism for amorphous molybdenum sulfide”). Công trình được công bố trong Nature Materials, tạp chí khoa học hàng đầu thế giới về Khoa học vật liệu.
 
PGS.TS. Phạm Văn Hùng, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. HCM là tác giả chính của công trình khoa học trong lĩnh vực Sinh học Nông nghiệp: “Khả năng tiêu hóa in vitro và sinh đường in vivo của các loại tinh bột gạo có hàm lượng amylose khác nhau và tinh bột gạo biến đổi bằng phương pháp vật lý” (In vitro digestibility and in vivo glucose response of native and physically modified rice starches varying amylose contents). Công trình được công bố trong Food Chemistry, Tạp chí khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Nông nghiệp và Sinh học.
 
Nhà khoa học trẻ là tác giả của công trình khoa học xuất sắc: TS. Đỗ Quốc Tuấn, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội là tác giả công trình khoa học trong lĩnh vực Vật lý: “Lý thuyết hấp dẫn phi tuyến nhiều chiều có khối lượng” (Higher dimensional nonlinear massive gravity). Công trình được công bố trong Physical Review D, tạp chí khoa học uy tín hàng đầu trong lĩnh vực Vật lý.
 
 
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trao tặng Giải thưởng cho TSKH Trần Đình Phong và PGS.TS Phạm Văn Hùng.
 
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trao tặng Giải thưởng cho TS. Đỗ Quốc Tuấn.
 
Cũng theo GS. Nguyễn Đức Chiến , số lượng hồ sơ đề xuất năm nay khá lớn một mặt chứng tỏ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam ngày càng có chất lượng hơn, công bố ở các tạp chí quốc tế được xếp hạng cao hơn trong từng lĩnh vực. Mặt khác, điều đó cũng cho thấy các nhà khoa học, đặc biệt các nhà khoa học trẻ, rất quan tâm đến giải thưởng Tạ Quang Bửu. Các công bố của các nhà khoa học Việt Nam trên các tạp chí hàng đầu quốc tế góp phần nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trên thế giới, đóng góp vào kho tàng kiến thức chung của nhân loại.
 
“Quỹ NAFOSTED góp phần quan trọng vào việc thu hút các nhà khoa học trẻ Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài về làm việc, đặc biệt về tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại các trường Đại học, một nhân tố quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam”, GS. Nguyễn Đức Chiến nhấn mạnh.
 
Giải thưởng Tạ Quang Bửu là Giải thưởng của Bộ KH&CN, do Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia làm Cơ quan thường trực, được tổ chức hằng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Giải thưởng góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng, KH&CN Việt Nam nói chung. Các nhà khoa học đoạt Giải thưởng phải có những đóng góp chủ đạo trong quá trình nghiên cứu khoa học tại Việt Nam và công bố các kết quả thu được trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tặng hoa và chụp ảnh lưu niệm với các nhà khoa học đạt giải.
 
Giải thưởng được xét tặng cho các nhà khoa học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, bao gồm: Khoa học tự nhiên (Toán học, Khoa học máy tính và thông tin; Vật lý, Hóa học, Khoa học trái đất và môi trường, Sinh học, Khoa học tự nhiên khác), Khoa học kỹ thuật và công nghệ, Khoa học y dược và Khoa học nông nghiệp.
 
Cơ cấu Giải thưởng Tạ Quang Bửu bao gồm: Từ một (01) đến ba (03) Giải thưởng chính và một (01) Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi).
 
Nhà khoa học đoạt giải thưởng sẽ được nhận Bằng chứng nhận Giải thưởng của Bộ trưởng Bộ KH&CN và tiền thưởng 200 triệu đồng (đối với Giải thưởng chính) hoặc 50 triệu đồng (đối với Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ).
 
 
 Phạm Văn Hùng, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. HCM là tác giả chính của công trình khoa học trong lĩnh vực Sinh học Nông nghiệp: “Khả năng tiêu hóa in vitro và sinh đường in vivo của các loại tinh bột gạo có hàm lượng amylose khác nhau và tinh bột gạo biến đổi bằng phương pháp vật lý” phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018. 
 
 
Sau 5 năm triển khai, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã nhận được 227 hồ sơ đăng ký với 14 nhà khoa học được vinh danh, trong đó có 11 nhà khoa học là tác giả của công trình khoa học xuất sắc trong các lĩnh vực Toán học, Vật lý, Hóa học, Khoa học Thông tin và Máy tính, Khoa học trái đất và môi trường, Sinh học – Nông nghiệp và 03 nhà khoa học trẻ trong các lĩnh vực Toán học và Vật lý.
 
Đồng hành với Giải thưởng năm 2018 là:  Công ty Cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (PHENIKAA), Trường Đại học Thành Tây, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc nano và phân tử ĐHQG-HCM (INOMAR).
 
 
TS.  Đỗ Quốc Tuấn, nhà khoa học trẻ là tác giả của công trình khoa học xuất sắc vui mừng cho rằng: hôm nay, dường như tôi đã có trọn niềm vui nho nhỏ của một nhà khoa học với sự nghiệp nghiên cứu còn non trẻ. Ngày 18/5, ngày được chính phủ chọn để tôn vinh các nhà khoa học với những công việc nghiên cứu, giảng dạy khoa học thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng.  Với việc xây dựng nên giải thưởng mang tên vị Bộ trưởng, nhà khoa học tài ba, Tạ Quang Bửu, để vinh danh các nghiên cứu cơ bản xuất sắc của các nhà khoa học làm việc trong nước, Bộ KH&CN đã cho xã hội thấy sự quan tâm sâu sắc tới sự phát triển của khoa học cơ bản nước nhà. Đây là một việc làm hết sức kịp thời và đúng đắn, nhất là trong bối cảnh khoa học cơ bản dường như đang bị xem nhẹ hơn so với khoa học ứng dụng.
 
PGS.TS Phạm Văn Hùng: Là một nhà khoa học, tôi nhận thấy rằng mỗi công trình nghiên cứu, dù là cơ bản hay ứng dụng, để có được các kết quả xuất sắc, đều phải xuất phát từ tình yêu và niềm đam mê công việc. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cần được tự chủ trong nghiên cứu để được tự do sáng tạo.
 
Vừa qua, việc thành lập và triển khai mô hình tài trợ đề tài nghiên cứu khoa học qua quỹ Nafosted của Bộ Khoa học và Công nghệ với đặc điểm nổi bật là sự công bằng và tính minh bạch trong quá trình xét chọn, nghiệm thu và thanh quyết toán đề tài đã được các nhà khoa học đánh giá cao. Các nhà nghiên cứu trẻ có năng lực đã không còn băn khoăn làm thế nào để có được kinh phí nghiên cứu. Nhờ đó, số lượng công bố khoa học của Việt Nam trên các tạp chí thuộc danh mục ISI đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua.
 
Chúng tôi mong muốn Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đổi mới các cơ chế, chính sách để phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong nước và tăng tính tự chủ trong công tác nghiên cứu nhằm tạo ra các sản phẩm khoa học có tính ứng dụng cao và có các công bố khoa học xuất sắc; mong muốn có điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp kết hợp chặt chẽ với các nhà khoa học để đưa những ý tưởng, những kết quả nghiên cứu trở thành các sản phẩm ứng dụng trong thực tế.
 
TSKH. Trần Đình Phong: Tôi muốn nói rằng, những người làm nghiên cứu, dù có cho mình một định hướng ứng dụng thật lớn, thật hoàn hảo thì cũng hiểu rằng con đường đi tới nó nhiều khi không hẹn trước và chúng tôi cũng chuẩn bị cho mình tinh thần của người không thành công. Tuy nhiên trên con đường đi đó rất có thể chúng tôi có những phát hiện khác, bất ngờ và hữu ích.
 
Nhưng cho dù không có những khám phá công nghệ nổi bật như vậy thì vẫn có một giá trị chắc chắn mà các nghiên cứu nghiêm túc đem lại: đào tạo con người, những người có đầu óc phân tích và sáng tạo trong việc tìm kiếm và giải quyết vấn đề.
 
Tôi mong rằng có một sự thấu hiểu và tin tưởng giữa các nhà quản lí khoa học và các nhà khoa học. Có niềm tin, các nhà khoa học sẽ chỉ có nhiệm vụ duy nhất làm tốt hơn nữa công việc của mình mà không phải bận tâm tìm hiểu các nguyên nhân khác, dù có dù không, khi nghiên cứu của mình chưa nhận được tài trợ. Có niềm tin, các nhà quản lí có thể dần đơn giản hóa các thủ tục hành chính giúp các nhà khoa học bớt thời gian làm các việc ngoài khoa học. Tôi tin rằng khi đó hiệu quả đầu tư cho khoa học công nghệ sẽ cao.
 
 
 
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Ba nhà khoa học được nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018

 
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã phê duyệt danh sách trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 cho ba 03 nhà khoa học được Hội đồng Giải thưởng đề xuất.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hằng năm, nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có kết quả công bố xuất sắc trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật
 
Giải thưởng chính năm nay được trao tặng cho 2 nhà khoa học: TS. Trần Đình Phong, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)  và PGS. TS. Phạm Văn Hùng, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM.
 
 
PGS, TS. Phạm Văn Hùng (trái) và TS Trần Đình Phong (phải) (Ảnh; internet).
 
TS. Trần Đình Phong là tác giả của công trình khoa học trong lĩnh vực Vật lý có tên “Coordination polymer structure and revisited hydrogen evolution catalytic mechanism for amorphous molybdenum sulfide” xuất bản trên Nature Materials, 15, 640-646.
 
PGS. TS. Phạm Văn Hùng là tác giả công trình khoa học trong lĩnh vực Sinh học Nông nghiệp có tên “In vitro digestibility and in vivo glucose response of native and physically modified rice starches varying amylose contents” trên tạp chí Food Chemistry.
 
 
TS. Đỗ Quốc Tuấn (Ảnh: internet)
 
 
Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ được trao cho TS. Đỗ Quốc Tuấn, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội với công trình khoa học trong lĩnh vực Vật lý có tên “T. Q. Do, 2016. Higher dimensional nonlinear massive gravity” xuất bản trên Physical Review D 93, 104003.
 
Trước đó, ngày 25/4/2018, Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 đã họp xem xét, đánh giá, lựa chọn các nhà khoa học được các Hội đồng khoa học chuyên ngành trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên và kỹ thuật của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) đề xuất. Kết thúc phiên họp, Hội đồng đã chọn ba 03 nhà khoa học nêu trên, đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018.
 
Giải thưởng Tạ Quang Bửu do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hằng năm, nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có kết quả công bố xuất sắc trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Giải thưởng góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và khoa học công nghệ Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế, tạo tiền đề cho khoa học và công nghệ của đất nước hội nhập và phát triển.
 
Được tổ chức lần đầu vào năm 2014, đến nay Giải thưởng đã thu hút được sự quan tâm, đánh giá tích cực của các nhà quản lý và cộng đồng khoa học.
 
Lễ trao giải dự kiến sẽ được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5/2018 tại Hà Nội.
 
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Công bố quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ KH&CN

 
Ngày 19/4, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
 
 
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trao quyết định cho tân Thứ trưởng Bùi Thế Duy. Ảnh báo KHPT
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã trao Quyết định số 398/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Bùi Thế Duy, Chánh Văn phòng Bộ, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
 
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chúc mừng và bày tỏ sự tin tưởng, với trọng trách mới, ông Bùi Thế Duy sẽ luôn là người lãnh đạo gương mẫu, trí tuệ, mẫn cán. Thời gian tới Bộ trưởng mong rằng tân Thứ trưởng sẽ tiếp tục phát huy được năng lực, sở trường của mình, phấn đấu để đạt kết quả công việc cao hơn nữa, cùng với tập thể lãnh đạo Bộ và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao.
 
Tân Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu nhận nhiệm vụ. Ảh báo KHPT
 
Phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Thứ trưởng bày tỏ sự xúc động, vinh dự nhận được sự tín nhiệm của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các lãnh đạo Bộ; đồng thời nguyện tiếp tục ra sức phấn đấu, gương mẫu, rèn luyện về mọi mặt, nỗ lực nâng cao năng lực công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn ngành.
 
Như vậy hiện Bộ Khoa học và Công nghệ có Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và 5 Thứ trưởng: Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Phạm Đại Dương và tân Thứ trưởng Bùi Thế Duy.
 
Tân Thứ trưởng Bùi Thế Duy sinh năm 1978, tại Hà Nội, từng giữ chức Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh).
 
Ông Bùi Thế Duy từng đoạt Huy chương Đồng Olympic Tin học quốc tế, Hà Lan; Huy chương Đồng Olympic Tin học quốc tế, Hungary. Năm 1998, du học tại Đại học Wollongong (Australia) theo học bổng AusAid. Năm 2001-2004, làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Twenle của Hà Lan. Bảo vệ luận án tiến sĩ ở tuổi 26 và về làm giảng viên Khoa Công nghệ – Thông tin của Đại học Công nghệ (ĐHQGHN)./.
 
Liên kết nguồn tin:
 
http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Cong-bo-quyet-dinh-bo-nhiem-Thu-truong-Bo-KHCN/334496.vgp
 
 
 
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Ra mắt cuốn sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – cuộc cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm”

 
Nhân Ngày Sách Việt Nam lần thứ 5 (21/4/2018), Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật (Bộ KH&CN) xin trân trọng giới thiệu cuốn sách: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – Cuộc cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm” của TSKH. Phan Xuân Dũng, một trong những nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách đầu ngành của Việt Nam biên soạn.
Việt Nam đạt được thành tích về phát triển kinh tế và xã hội, đã giúp nâng cao thu nhập và giảm nghèo, nhưng hiện nay Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng. Giáo sư “GS Kenichi Ohno – Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản cho rằng,: “Việt Nam đang phải đối mặt với bẫy thu nhập trung bình với một loạt các dấu hiệu đáng lo ngại.” Việt Nam sẽ phải dựa nhiều hơn vào việc tăng năng suất lao động thông qua đổi mới sáng tạo công nghệ và cần cải thiện đáng kể năng lực đổi mới sáng tạo trong nước”.
 
Trước ngã rẽ đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4 (CMCN 4.0) xuất hiện đã và đang tạo ra những bước ngoặt phát triển cho các cá nhân, doanh nghiệp và các quốc gia trên thế giới. Làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo công chúng. Bản chất cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư , nó bắt nguồn từ đâu, tác động đến kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng của thế giới như thế nào.
 
Thông qua cuốn sách, tác giả muốn truyền tải cho chúng ta câu chuyện về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hàm chứa sự thay đổi lớn lao, toàn diện, không chỉ về khoa học và công nghệ mà còn cả kinh tế, văn hóa và xã hội. Với mong muốn câu chuyện sẽ là nguồn động lực thúc đẩy tư tưởng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và hội nhập mạnh mẽ trong giới trẻ Việt Nam hiện nay, những con người sẽ chiếm lĩnh cơ hội mới, rút ngắn khoảng cách và bắt kịp các quốc gia phát triển khác về trình độ công nghệ, về khoa học kỹ thuật, nâng cao vị thế quốc gia, đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Đó chính là những thông điệp mà tác giả muốn gửi tới bạn đọc thông qua cuốn sách này.
 
Tin, ảnh: Yến Trương
 
Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật

Khai mạc Ngày Sách Việt Nam lần thứ 5

 
TSKH. Phan Xuân Dũng thăm gian hàng của Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật
Sáng 18/4, tại Hà Nội đã chính thức diễn ra Lễ khai mạc Hội sách chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 5 tại Hà Nội. Tại đây, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật (Bộ KH&CN) đã tham gia một gian hàng triển lãm tại Ngày Sách Việt Nam lần thứ 5.
Tới dự buổi lễ có Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo… cùng đông đảo độc giả yêu quý sách.
 
Qua 4 năm thực hiện, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành sự kiện văn hóa, một nét đẹp được lan tỏa trong cộng đồng, mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả hết sức to lớn.
 
Không chỉ tôn vinh sách, giá trị của tri thức, khẳng định vị thế quan trọng của sách trong xã hội, Ngày Sách Việt Nam và các hoạt động liên quan đến sách còn mang một ý nghĩa nhân văn, đó là thúc đẩy hơn nữa sự đóng góp, hỗ trợ sách cho các địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những nơi đang thiếu sách, khao khát thông tin, tri thức, đồng thời tuyên truyền, biểu dương và nhân rộng các điển hình, có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa đọc của cộng đồng. 
 
 
Toàn cảnh buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách “ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – Cuộc cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm”
 
Đặc biệt, tại Ngày Sách Việt Nam lần thứ 5, Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật đã tổ chức giao lưu và giới thiệu sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – Cuộc cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm” của tác giả TSKH. Phan Xuân Dũng – một trong những nhà khoa học, nhà quản lý với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực KH&CN biên soạn.
 
Việt Nam đạt được thành tích về phát triển kinh tế và xã hội, đã giúp nâng cao thu nhập và giảm nghèo, nhưng hiện nay đang đứng trước ngã rẽ quan trọng. Giáo sư Kenichi Ohno – Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản cho rằng: “Việt Nam đang phải đối mặt với bẫy thu nhập trung bình với một loạt các dấu hiệu đáng lo ngại. Việt Nam sẽ phải dựa nhiều hơn vào việc tăng năng suất lao động thông qua đổi mới sáng tạo công nghệ và cần cải thiện đáng kể năng lực đổi mới sáng tạo trong nước”. 
 
Ông Võ Tuấn Hải – Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Bộ KH&CN cho biết, đây là cuốn sách có chất lượng cao, đưa ra cái nhìn một cách khoa học, mạch lạc về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nó như sợi dây xuyên suốt thể hiện quan điểm thống nhất về cách nhìn của nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách trong quá trình phát triển thúc đẩy lĩnh vực này tại Việt Nam.
 
KH&CN đang phát triển nhanh chưa từng có, tạo nên một cuộc Cách mạng KH&CN mới, thúc đẩy xã hội loài người bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là cuộc cách mạng được đặc trưng bởi sự hợp nhất, sự hội tụ ở đỉnh cao của các lĩnh vực công nghệ in 3 D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy, tích hợp con người – máy móc… Để không bị đẩy ra khỏi tiến trình phát triển chung của nhân loại, các nước đều phải tiến hành đổi mới và hội nhập để khai thác tốt nhất và hạn chế tối đa khó khăn do Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đưa tới.
 
 
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng TSKH. Phan Xuân Dũng
 
 
Cuốn sách do TSKH Phan Xuân Dũng biên soạn với kinh nghiệm của người làm công tác lâu năm trong hoạch định chính sách, quản lý KH&CN đầy tâm huyết, thấm nhuần sâu sắc, nhuần nhuyễn tư tưởng đổi mới, quan điểm chỉ đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước, tác giả đã giải nghĩa những nội dung cơ bản nhất của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – một đề tài đang được rất nhiều người quan tâm hiện nay.
 
Tại tọa đàm, TSKH. Phan Xuân Dũng chia sẻ, chúng ta đang sống trong thế giới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mà ở đó mọi sự thay đổi diễn ra một cách mau lẹ và năng động. Đó là cuộc cách mạng dựa trên các công nghệ nền tảng: dữ liệu lớn, điện toán đám mây, các robot thông minh và internet kết nối vạn vật…, là cuộc cách mạng được đặc trưng bởi sự hợp nhất, không có ranh giới giữa thế giới thực và ảo của các lĩnh vực như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, người máy, tích hợp con người – máy móc… Một thế giới mà sự phân loại các công nghệ chỉ là tương đối, khó mà tách biệt với nhau vì chúng quyện lẫn với nhau, tích hợp với nhau, hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Vì thế mà cuốn sách mới đặt tên là “Cuộc cách mạng của sự hội tụ”. Bối cảnh ra đời và thực tế đang diễn đã chứng minh mục đích cuộc cách mạng này là tiết kiệm trí tuệ và sức lao động, thời gian và không gian, tài nguyên và môi trường…cũng chính vì lẽ đó mà chúng tôi gọi cuộc cách mạng công nghiệp lần này là “cuộc cách mạng của sự tiết kiệm”.
 
Thông qua cuốn sách, tác giả mong muốn truyền tải câu chuyện về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hàm chứa sự thay đổi lớn lao, toàn diện, không chỉ về KH&CN mà còn cả kinh tế, văn hóa và xã hội. Với mong muốn câu chuyện sẽ là nguồn động lực thúc đẩy tư tưởng đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp và hội nhập trong giới trẻ Việt Nam hiện nay, những con người sẽ chiếm lĩnh cơ hội mới, rút ngắn khoảng cách và bắt kịp các quốc gia phát triển khác về trình độ công nghệ, về khoa học kĩ thuật, nâng cao vị thế quốc gia, đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
 
Tin, ảnh: Đăng Minh

Việt Nam tiệm cận tiềm năng phát triển Cách mạng công nghiệp 4.0

 
Thông tin được ông Đàm Bạch Dương – Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao – Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ Quý I tổ chức chiều 10/4 tại Hà Nội.
 
Buổi họp báo được điều hành bởi Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc với sự tham dự của một số đơn vị chức năng của Bộ; các đơn vị báo chí thuộc Bộ KH&CN cùng đại diện gần 60 cơ quan thông tấn, báo chí.
 
Chia sẻ tại buổi họp báo, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã thông tin về các hoạt động đã được Bộ triển khai trong quý I cũng như những công việc sẽ triển khai trong thời gian tới. Tại phần hỏi và trả lời, nhiều câu hỏi đã được các nhà báo đưa ra như sự vào cuộc của Việt Nam với cuộc cách mạng 4.0; cơ chế tài chính đối với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST); tình hình giải ngân của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; sở hữu trí tuệ, kiểm định chất lượng thiết bị tiết kiệm điện… đã được đại diện các đơn vị chức năng giải đáp thỏa đáng.
 
Thứ trưởng Phạm Công Tạc điều hành buổi họp báo. Ảnh: Ngũ Hiệp.
 
Theo đó liên quan đến câu hỏi về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai "Readiness for the Future of Production Report 2018" do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) mới công bố, trong tổng số 100 quốc gia được đánh giá, nhiều báo chí đã dẫn thông tin Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ông Đàm Bạch Dương – Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN khẳng định cần phải có cái nhìn trên các chỉ tiêu tổng hòa.
 
Cụ thể báo cáo được xây dựng trên 2 nhóm chỉ số chính, nhóm cấu trúc sản xuất (có 3 chỉ tiêu), yếu tố dẫn dắt sản xuất (59 chỉ tiêu – trong đó công nghệ và đổi mới sáng tạo chiếm 17 chỉ tiêu).
 
Theo ông Dương, mỗi chỉ số có mức xếp hạng riêng nhưng quan trọng là phải nhìn yếu tố tổng hòa các chỉ tiêu này. Cụ thể trong 100 quốc gia được WEF điều tra có thể chia tạm thành 4 nhóm (Nhóm 1 là nhóm dẫn dắt; nhóm 2 là có tiềm năng cao; nhóm 3 là nhóm di sản có nguy cơ tụt hậu; nhóm 4 là sơ khai – chuẩn bị chưa tốt, điều kiện hiện trạng chưa sẵn sàng) thì Việt Nam đang ở nhóm 4.
 
"Trong tổng số 62 nhóm chỉ tiêu thì mỗi nhóm chỉ tiêu có mức xếp hạng riêng. Nhưng nhìn trong chỉ số tổng hòa thì cấu trúc sản xuất Việt Nam xếp 48/100, chỉ tiêu dẫn dắt sản xuất Việt Nam xếp 53/100. Như vậy nếu nhìn chỉ số này không đến nỗi tệ. Nếu chiếu các con số này trên biểu đồ hình sin thì Việt Nam thuộc nước tiệm cận với nhóm quốc gia có tiềm năng trong giai đoạn tới" – ông Dương nói.
 
Bổ sung thêm thông tin này ông Bùi Thế Duy – Chánh Văn phòng Bộ KH&CN, cho rằng về trình độ công nghệ có những đánh giá khác nhau, báo cáo này đánh giá sâu về sản xuất. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận hiện năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt còn hạn chế. Theo đó trong các chỉ đạo tại Nghị quyết Trung ương 5 của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng và Nghị quyết 27 của Chính phủ đều có định hướng là sẽ nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp.
 
Liên quan đến câu hỏi về cơ chế tài chính tại VKIST, ông Bùi Thế Duy khẳng định mặc dù cán bộ VKIST sẽ được hưởng cơ chế đặc thù. Tức là khi làm việc ở VKIST, nhà nghiên cứu nhận được hai khoản hỗ trợ, một là từ ngân sách Việt Nam và hai là từ Hàn Quốc.
 
Ông Duy cho biết thêm, thời gian qua, ông Kum Donghwa – Viện trưởng VKIST đã kết nối nhiều chuyên gia hàng đầu Hàn Quốc và thế giới sang Việt Nam tập huấn cho không chỉ cán bộ Bộ Khoa học và Công nghệ mà còn cả những doanh nghiệp. Hiện Viện trưởng có triết lý xây dựng viện tương đối bài bản và chỉnh chu trong tuyển người, đào tạo. Để sau khi kết thúc viện trợ từ Hàn Quốc, VKIST có thể chủ động nghiên cứu và tạo nguồn thu từ doanh nghiệp, đảm bảo thu nhập cho nhà khoa học, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu tại Viện" – ông Duy nói.
 
Trong Quý I, Bộ KH&CN đã hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2018/NĐ-CP ngày 10/01/2018 quy định cơ chế ưu đãi đối với Khu CNC Đà Nẵng; Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 16/01/2018 ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ KH&CN; Quyết định số 08/2018/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trực thuộc Bộ KH&CN.
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký ban hành Quyết định 365/QĐ-BKHCN ngày 26/02/2018 về việc phê duyệt Danh mục Dự án KH&CN bắt đầu thực hiện từ năm 2018 thuộc sản phẩm quốc gia "Sản xuất vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi của Việt Nam";…
 
Nhiều sự kiện quan trọng đã được tổ chức như: chính thức khởi động Đề án “Hệ tri thức Việt số hoá”; Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2018; ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2018-2025 với tỉnh Quảng Nam; Ngày hội đầu tư “Demo Day 2018”; lễ Khánh thành Trung tâm đào tạo cán bộ quản lý KH&CN trực thuộc Bộ KH&CN Lào và ký Biên bản bàn giao giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ KH&CN Lào; Lễ động thổ xây dựng Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST);…
 
Theo kế hoạch, dự kiến trong Quý II/2018, bên cạnh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KH&CN, Bộ KH&CN sẽ tổ chức các chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5): Kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4; Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương năm 2017; Ra mắt Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; hội nghị Giao ban KH&CN vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; hội nghị Giao ban KH&CN vùng Bắc Trung Bộ; Lễ trao Giải thưởng sáng kiến vì cộng đồng; Lễ trao Giải thưởng báo chí về KH&CN 2017; Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu; Hội nghị thường niên lần thứ 16 Liên hợp Thư viện Việt Nam về nguồn tin KH&CN;…
 
Phương Nguyên

IPP2 hỗ trợ đào tạo giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Huế

 
Ngày 27/3/2018, Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) đã phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) tổ chức Lễ tốt nghiệp và trao chứng chỉ cho 34 học viên hoàn thành Khóa đào tạo giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (ToT2-Huế). Đây là khóa đào tạo cuối cùng được IPP2 hỗ trợ trong chuỗi các hoạt động liên kết nhân rộng mô hình đào tạo giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Chương trình. Học viên khóa ToT2-Huế đến từ 14 trường đại học, cao đẳng ở cả 3 miền trong cả nước, chủ yếu là khu vực miền Trung.
Khóa đào tạo được tổ chức tại Trung tâm Sáng tạo mới khai trương của Huế IC
Với nỗ lực phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững cho Việt Nam, IPP2 đã thực hiện nhiều hoạt động xây dựng năng lực theo tiêu chuẩn quốc tế cho các cá nhân, tổ chức và trường đại học tại Việt Nam. Với 5 khóa đào tạo dành cho giảng viên các trường đại học được tổ chức liên tục từ năm 2016 tới nay, IPP2 đã hỗ trợ đào tạo hơn 150 giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đến từ 50 trường đại học, cao đẳng và tổ chức giáo dục trên toàn quốc. Các khóa đào tạo được thực hiện trên cơ sở Chương trình đào tạo khung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp do IPP2 phát triển cũng như một số chương trình liên quan đã từng triển khai tại Phần Lan và Hoa Kỳ với trọng tâm cung cấp các kiến thức, kỹ năng, công cụ và phương pháp giảng dạy về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
 
Khoá ToT2-Huế gồm 8 ngày đào tạo tập trung (Bootcamp) diễn ra từ ngày 19 đến ngày 27 tháng 3 năm 2018 tại Trung tâm Sáng tạo tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế. Tham gia giảng dạy cho khoá đào tạo là 3 giảng viên quốc tế với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và tư vấn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, trong 8 ngày Bootcamp còn có nhiều diễn giả khách mời là doanh nhân khởi nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tới chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận cùng các học viên.
 
Sau khi hoàn thành Bootcamp, các học viên khóa ToT2 Huế sẽ được hỗ trợ trong vòng 2 tháng để có thể thực hành xây dựng và triển khai chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho riêng đơn vị mình dưới nhiều hình thức, phù hợp với định hướng và điều kiện của từng đơn vị. Họ sẽ là những hạt nhân quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững và lành mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp của các trường đại học, cao đẳng khu vực miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung.
 
Khóa đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của IPP2 được thực hiện trong năm 2016, với sự tham gia của 11 trường đại học lớn của Việt Nam, trong đó Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế là trường cao đẳng duy nhất được lựa chọn cùng với các trường đại học lớn khác như Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh,… Với quyết tâm chính trị và sự ủng hộ của lãnh đạo nhà trường, với tâm huyết, trách nhiệm và năng lực thực sự của nhóm giảng viên tham gia các hoạt động hợp tác với IPP2, Trường Cao đẳng công nghiệp Huế trên thực tế là một lựa chọn thành công của Chương trình. Bài học đối với IPP2 là, ở bất kỳ công việc nào trên con đường phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam, nhân tố con người vẫn là quan trọng nhất.
 
Năm 2018, Chương trình IPP2 tiếp tục đồng hành với Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế như một trong các đối tác tiềm năng ở Việt Nam để nhân rộng mô hình đào tạo giảng viên về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Trước đó, IPP2 đã phối hợp với Saigon Innovation Hub (SIHUB) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh tổ chức khóa nhân rộng đầu tiên dành cho các giảng viên đến từ trường đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh; khóa thứ hai phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Ngoại thương dành cho các trường khu vực phía Bắc; khóa thứ ba kết hợp với Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) dành cho các đại học trên địa bàn Đà Nẵng. Với Trường Cao đẳng công nghiệp Huế, đây là khóa đào tạo thứ tư cũng là khóa cuối cùng trong năm 2018 dựa trên mô hình đào tạo và sự trợ giúp của IPP2 về giảng viên quốc tế đến từ Phần Lan và Hoa Kỳ. Đây là bước chuẩn bị có ý nghĩa của IPP2 hướng tới sự bền vững trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của các trường, vì trong tương lai gần, các trường đại học và cao đẳng Việt Nam đều có trách nhiệm triển khai Chương trình 1665 của Chính phủ về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối năm 2017.
 
 
 
Danh sách các trường tham gia Khóa ToT2 Huế 2017
 
Trường Đại học Cần Thơ
 
Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh
 
Trường Đại học Nha Trang
 
Trường Đại học Đà Lạt
 
Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng
 
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế
 
Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế
 
Trường Cao đẳng Công thương Miền Trung
 
Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế
 
Trường Cao đẳng Giao thông Huế
 
Trường Cao đẳng Du lịch Huế
 
Trường Cao đằng Sư phạm Thừa Thiên Huế
 
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Bắc Giang
 
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị
 
Nguồn: IPP2 – HueIC


Nguồn: IPP2 – HueIC

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đón nhận thêm gần 1.500 tỷ đồng của nhà đầu tư mới

Ngày 27/3/2018, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển phần mềm Itera cho Công ty Cổ phần Hệ thống Công nghệ ETC.
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng ban Quản lý khu Công nghệ cao Hòa Lạc Phạm Đại Dương trao Quyết định đầu tư cho công ty ETC.
Theo đó, Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển phần mềm Itera với diện tích 3,86 ha thuộc Khu Phần mềm, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Thời gian xây dựng Dự án được chia làm hai giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2023 với tổng vốn đầu tư là 1.479, 5 tỷ đồng (Một ngàn bốn trăn trăm bảy mươi chín phẩy năm tỷ đồng). Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ thu hút trên gần 6.000 lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và phần mềm nói riêng.
Với Dự án Itera, nhà đầu tư đặt mục tiêu xây dựng một tổ hợp công nghệ cao thực hiện sản xuất, cung ứng, hỗ trợ và thúc đẩy việc sử dụng phần mềm công nghệ cao trong các cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc Phạm Đại Dương phát biểu tại Lễ trao Quyết định đầu tư.
Phát biểu tại Lễ công bố và trao Quyết định, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc Phạm Đại Dương đã chúc mừng và khẳng định thành công của ETC cũng là thành công của Khu CNC Hòa Lạc. Thứ trưởng Phạm Đại Dương yêu cầu ETC thực hiện đúng nội dung cam kết về quy mô, diện tích, tiến độ. ETC cần định hướng công nghệ đầu tư trong thời gian tới như công nghệ tính toán hiệu năng cao, công nghệ điện toán đám mây… để cung cấp các dịch vụ theo xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Về phía Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc, Thứ trưởng Phạm Đại Dương yêu cầu các Ban chuyên môn của Khu phối hợp tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với nhà đầu tư, chung tay xây dựng Khu CNC Hòa Lạc là thành phố khoa học, thành phố kiểu mẫu đúng như Thủ tướng đã kỳ vọng.
Ông Hà Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc ETC cho biết hiện Công ty đã có những sản phẩm nền móng để phát triển đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc như phần mềm tính toán, giám sát, nhận diện hình ảnh, các hệ thống. Ông Hà Mạnh Hùng cũng cam kết phát triển công nghệ theo xu hướng bền vững, tận dụng không gian xanh và tài nguyên hiệu quả.
Tại Lễ công bố và trao Quyết định đầu tư, Công ty ETC cho biết, hoạt động của Dự án sẽ tập trung vào việc nghiên cứu đưa những công nghệ mới, hiện đại trong lĩnh vực phần mềm trên thế giới triển khai áp dụng cho các phần mềm quản lý điều hành, vận hành sản xuất, phát triển khách hàng, cung cấp dịch vụ và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý nhà nước, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, giao thông vận tải, dịch vụ công.
Các công nghệ được nhà đầu tư tập trung đầu tư bao gồm trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, phân tích dự báo, tính toán hiệu năng cao, điện toán đám mây, phần mềm nhúng, IoT và một số công nghệ nền tảng hỗ trợ, phát triển theo xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là các công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Thị trường mục tiêu của dự án ưu tiên tiêu thụ trong nước, tạo nguồn cung tại chỗ thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của cơ quan quản lý và doanh nghiệp, hướng tới phát triển thương hiệu mạnh.
Tính đến thời điểm hiện tại đã có 83 dự án được chấp thuận đầu tư vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với Tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,3 tỷ đô la Mỹ trên diện tích khoảng 300 hecta. Tổng số người lao động và làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là 15.000 người.
Dự án được đầu tư tại Khu phần mềm – nơi được mệnh danh là trái tim của Khu công nghệ cao Hòa Lạc, với diện tích khoảng 70 ha. Toàn bộ khu phần mềm là bán đảo được bao bọc bởi hồ Tân Xã có diện tích khoảng 140ha. Thừa hưởng cảnh quan thiên nhiên xanh  mát và trong lành sẵn có, khu phần mềm nói riêng, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nói chung tiện lợi về vị trí, hoàn hảo về cảnh quan. Đây có thể xem là biểu tượng cho không gian sống và làm việc hàng đầu của Việt Nam, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Khu phần mềm quy hoạch gồm 8 làng công nghệ, được thiết kế theo ý tưởng kiến trúc làng truyền thống đồng bằng Bắc bộ nhằm khai thác những không gian sinh hoạt cộng đồng đáp ứng diện tích linh hoạt, phù hợp với khả năng tài chính của các doanh nghiệp phần mềm. Khu phần mềm được Công ty TNHH Một thành viên phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (công ty HHPD), doanh nghiệp trực thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đầu tư hoàn chỉnh, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại cùng các công trình tiện ích, dịch vụ đồng bộ. Mọi nhu cầu của nhà đầu tư và người lao động được đáp ứng một cách linh hoạt và trọn vẹn từ: bãi đỗ xe sinh thái 1.7 ha, quảng trường hơn 1 ha có khả năng tổ chức sự  kiện tầm cỡ quốc gia cho hàng nghìn khách tham dự, nhà đa năng với 700 chỗ ngồi, nơi tổ chức hội thảo, triển lãm, các hoạt động văn hóa cộng đồng cho đến chuỗi nhà hàng, quán cà phê, trung tâm dịch vụ thể thao hiện đại….Tất cả mang lại nhiều tiện ích cho các doanh nghiệp phần mềm. Hạ tầng Khu phần mềm đang được công ty HHPD triển khai đúng quy hoạch và tiến độ, đáp ứng nhu cầu tốt nhất của các nhà đầu tư.
Dự án dự kiến bao gồm: Khu phát triển phần mềm phổ thông bao gồm một tòa nhà 06 tầng, một tòa nhà 20 tầng, Khu nghiên cứu phát triển phần mềm công nghệ cao, trung tâm giới thiệu và hỗ trợ sản phẩm, Khu trung tâm dữ liệu và các khu vực nhà nghỉ, nhà ăn cho chuyên gia với diện tích xây dựng tổng cộng dự kiến khoảng 14.400 m2, diện tích sàn xây dựng dự kiến khoảng hơn 100.000 m2. Sau khi Dự án đi vào giai đoạn ổn định, doanh thu dự kiến mang lại là khoảng 1.700 tỷ đồng/năm.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN